- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Người, Việc, Và “Quán Tính...”

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 7692)

Tôi tạm thời ngưng lại những cuốn sách đang viết dỡ về thể loại chiến tranh, quân sự, để nói về một đề tài khác liên quan đến văn chương, chữ nghĩa hơn - Bởi dẫu gì cũng đã cầm bút đến gần bốn mươi năm mà tính đến bây giờ (khi qua 60 tuổi) tổng kết lại những điều đã viết nên thì thấy ra rằng vẫn không có gì thay đổi so với nội dung đã trình bày từ những năm hai mươi.. Và cũng không hề muốn thay đổi. Hơn thế nữa, vì tự xét ra cũng đã không viết nên điều gì, hành xử những vụ việc sai quấy có thể gây tiếng xấu đến chức năng (vốn được đánh giá là cao quý) của người cầm bút, dụng văn. Khác chăng, lần nầy tôi nói về những con người của phía bên kia, phía người cộng sản, những người “thân cộng” và chữ, nghĩa của họ – Vì với thực tế (rất đáng chê trách) dẫu sau ba mươi mốt năm kể từ 1975, những người cầm quyền, cầm bút cộng sản ở trong nước vẫn quan niệm và gọi lên tên chúng tôi (ở hải ngoại) là “một bọn ngụy phản động”và tất cả trước tác văn học của giai đoạn 1954 - 1975 ở Miền Nam thuần là thứ loại phế phẩm đáng vất bỏ. Hãy lật bất cứ trang sách nào của loại “biên khảo” do Trần Trọng Đăng Đàn viết, hoặc những “sáng tác văn học”của Nguyễn Khải.. thì thấy ra cách quy định tệ hại nầy. Chúng tôi rất ngạc nhiên (thật sự ngạc nhiên) về cách thức “phân biệt bạn – thù” độc địa và cũng cực độ tầm phào vô ích đến thế kia như đã, đang xẩy ra, và tiếp tục cố công thực hiện! Hãy tưởng ra một cuộc “chiến tranh giải phóng” giữa San José và Santa Ana, và sự miệt thị của văn học phía Bắc đèo Los Angeles đối với “bọn ngụy phía Nam”(?!) – Thế nhưng ở Việt Nam đang có sự kiện nầy từ 1945 kéo dài đến nay, năm 2006 của Thế Kỷ 21. Vậy phải chăng đã có một điều gì gọi là “quán tính” nơi những người cộng sản. Tiểu luận nầy vì thế được viết nên.

Dẫn nhập

 “.. Đêm yên lặng, bọn giặc ngụy đang co cụm trong đồn bót. Quân giải phóng hạ quyết tâm xông lên lập thành tích thi đua cùng miền Bắc anh em xã hội chủ nghĩa. Ông Tư cúi thấp mình đẩy mái chèo, đưa quân qua sông Vàm Cỏ đánh đồn biệt động quân Đức Lập. Gần đến mục tiêu, đồng chí lái đò tắt điếu thuốc.. Quán tính đưa thuyền vào bờ” Trích truyện ngắn “Đêm trong vùng giải phóng”, đọc trong lần hành quân mùa Hè 1967, tìm thấy trong đống báo chí khi lục soát vùng Mật Khu Kim Sơn, Bồng Sơn, Bình Định, miền Trung nước Việt.

“..Mặc đạn pháo quân ngụy ở Ai Tử, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Gio Linh bắn lên dồn dập; B52, máy bay “ con ma, thần sấm, cánh xòe, cánh cụp (*) của bọn Mỹ xâm lược điên cuồng dội xuống liên hồi, chiến sĩ ta hạ quyết tâm bám chặt tuyến đường dẫu máu rơi, xương đổ. Lớp lớp quân đi qua sông Bến Hải trong đêm dưới pháo bầy, bom lũ, bộ đội ta đợi giờ tắt pháo, nương theo giòng nước chảy xiết, vận dụng sáng tạo sức người, sức của, huy động đoàn thuyền chuyển vận khí tài, quân lương, đạn dược qua sông.. Quán tính đưa thuyền vào bờ.” Trích truyện ngắn “ Ánh lửa vùng biên “ của sách báo miền Bắc đưa vào, đọc được trong lần đi trao trả tù binh ở sông Thạch Hãn, Quảng Trị, tháng Ba năm 1973.

(*) Máy bay Phantom F 4 C; Thunderchief F 105; F 111

 “..Quân qua sông Bằng, tập trung đánh đồn bót lũ thực dân xâm lược dọc Đường Số 4, Bác ban lời chỉ đạo: “ Cách mạng là cách cái mạng chúng đi. Bác khoẻ, bác vui là khi các chú giết được nhiều bọn ngụy quân, ngụy quyền, tay sai bán nước cho bọn thực dân xâm lược”. Bác nhìn theo khói thuốc, mĩm cười nghĩ đến ngày toàn thắng, độc lập, tự do, hạnh phúc. Quán tính đưa thuyền Bác vào bờ.” Trích đoạn hồi ký “ Đường 4 Anh Hùng “, đọc tại trại tù Miền Bắc, khoảng những năm 1980.

Chúng tôi có thể “lượm” ra thêm năm, ba chục câu kết luận tương tự loại “quán tính” kia trong bất kỳ cuốn sách nào xuất bản trước, sau 1975 ở Hà Nội, trong vùng “ giải phóng “, hoặc toàn miền Nam sau 1975.. Nhưng nghĩ rằng như thế đã đủ dẫn chứng để bắt đầu câu chuyện muốn đề cập. Cũng cần nói rõ, người viết không hề có ý định bày nên trò khôi hài, xỏ xiên về một loại văn phong, văn thể mà quả thật bản thân cá nhân không đủ sức tưởng tượng quá độ để nghĩ ra, viết thành lời. Nhưng bởi, thứ, loại “ngôn ngữ quán tính“ “thơm tho“ nầy (Cách gọi của Trường Chinh trong bản “Đề Cương Văn Hóa Việt Nam“ đọc tại Đại Hội Văn Hóa Liên Khu IV năm 1948 để khởi đầu vận động, hiện thực hóa “12 Điều Dạy của Hồ Chủ Tịch ". Những huấn thị có giá trị chỉ đạo tối thượng như 10 Điều Răn của Chúa, Đạo Ky Tô hoặc Ngũ Giới của Đạo Phật), không là chữ nghĩa suông, mà còn có tác dụng mạnh mẽ, hiệu lực về mặt chính trị, quân sự, xã hội, đạo đức. Nên sau đó (khoảng đầu năm 1950, giai đoạn kháng chiến 1945 - 54), viên cán bộ Cục Trưởng Cục Hậu Cần, Trần Chí Châu do bị cáo giác đã lấy công quỹ mua chiếc xe đạp hiệu Sterling (có giá trị mặt hàng như Mercedes Benz của hiện đại), mấy cái quần ka-ki Mỹ mà phải chịu tử hình – vì bị quy vào tội danh “tham ô, lãng phí, vi phạm đạo đức cách mạng“, dẫu Võ Nguyên Giáp cố cứu cũng không thoát. Cũng một phần, Trường Chinh lúc ấy đang là Bí Thư Đảng, muốn dằn mặt và chặt chân tay của Giáp. Và cũng không phải chỉ có vậy, “ nguyên tắc quán tính do đề cương văn hóa“ kia đặt ra, trong một thời rất lâu dài, kể từ ngày chính phủ kháng chiến, bộ đội “nhân dân anh hùng“ (cụm danh từ “anh hùng“ nầy cũng (phải) được ghép vào bất kỳ danh xưng nào theo “quán tính”: “bộ đội tên lửa anh hùng, dệt Nam Định anh hùng”, kể cả những đơn vị thật sự không cần thiết “tính anh hùng“ ấy, như “đội hốt phân Bắc Trại 5 Lam Sơn anh hùng“- Tức đội vệ sinh đi hốt cứt các phòng giam của trại tù nầy) của Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp.. còn nằm trong núi rừng Việt Bắc đến nay sau hơn nửa thế kỷ, vẫn còn có hiệu lực một cách sâu xa, dai dẵng, cùng khắp - Không chỉ riêng đối với đảng viên cộng sản - mà chúng đã biến tướng nên thành một thái độ sống, nguyên lý đạo đức, loại hình văn hóa chỉ đạo, khống chế toàn bộ xã hội Việt Nam trước 1975 ở Miền Bắc, và sau 1975 chung cho cả nước.

Chúng ta hãy xem trị giá và tác động của “quán tính” hằng biểu hiện, đã, đang xẩy ra, và hiện nay lây lan (cũng theo quán tính ) một cách khôn khéo, ẩn giấu ra hải ngoại, chốn nương thân cuối cùng của người Việt không chấp nhận chế độ cộng sản. Không thể là cộng sản. Nhưng nói cho cùng, có ở đâu thứ, loại cộng sản như Karl Marx, Lenin định nghĩa vào Thiên Niên Kỷ thứ Ba nầy?

Phần Một:

Tiên Sinh Phan Khôi sinh năm 1887, cháu ngoại Tổng Đốc Hoàng Diệu - Người đã chết cùng thành Hà Nội với cách thế uy nghi, qua cảnh tượng bi tráng như sau vào năm 1882”.. Tại góc Tây Bắc, quân Pháp nhờ có thang tre trèo vào được, rầm rầm kéo xuống. Tiếng hò hét như long trời, lỡ đất, tiếng gươm giáo, lưỡi lê đụng chạm nhau nghe lạnh người. Quân Việt vừa đánh vừa tháo lui trước làn khói tỏa và mưa đạn. Tổng Đốc Hoàng Diệu đầu đội khăn xanh, mặc áo the thâm, thắt lưng nhiễu điều buộc múi bên sườn, cùng mười viên võ cử rút về Hành Cung trong đám tàn quân. Khi đến nơi, ông truyền: “Ai muốn về Kinh thì về, còn ai muốn đánh nữa thì lên Sơn Tây hợp với Hoàng Kế Viêm”. Mọi người giải tán, ông cắn ngón tay chảy máu, viết lên mảnh lụa trắng mấy lời di biểu tạ tội cùng triều đình: “Thành mất không sao giữ được, thật hỗ với danh sĩ Bắc Thành lúc sinh tiền. Thần có chết cũng không quãn gì, nguyện xin theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng.” Rồi Hoàng Tổng Đốc rút khăn đội đầu, tròng vào cành đa trước miếu Quan Công mà tuẫn tiết”(1) Thuộc một gia đình với những nhân vật kiệt liệt như thế, Phan Khôi đã sống đời xứng đáng với giòng tộc, quê hương. Năm 1908, vừa qua hai mươi tuổi, khi đang theo học ở Hà Nội, do cớ tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, cũng như bị nghi ngờ có dính líu với vận động xin giảm xâu thuế ở Quảng Nam, chính quyền bảo hộ Pháp dẫn độ Phan Khôi về quê nhà, tống giam ông vào nhà lao Hội An chung với những nhà cách mạng Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, và nhiều nhân sĩ đồng hương người Quảng khác. Mãi đến năm 1914, nhân có chiến tranh với Đức (Đại chiến thế giới lần I), Toàn Quyền Đông Dương Albert Sarraut cho lệnh ân xá tù nhân chính trị, Phan Khôi mới được ra khỏi nhà giam cùng lần với những nhà hoạt động chính trị thuộc lớp lớn tuổi hơn. Nhưng nhà giam không là nơi bế tắc đối với con người gang thép, trì chí, những năm tù ở nhà giam Hội An nầy là cơ hội để người thanh niên họ Phan học tập Pháp Ngữ từ ông Ưng Diễn, một nhân sĩ có khả năng giáo khoa vững vàng, và ôn tập Hán học với những bậc túc nho. Ông có trí sáng, vô cùng sắc bén, vận dụng sở học vừa thâu nhận một cách tinh tế khiến Cụ Nghè Huỳnh Thúc Kháng phải buột lời khen :”Trong mấy bài xướng họa tiễn bạn tù đi Côn Đảo, có mấy bài tứ tuyệt của ông Tú Phan Khôi là xuất sắc hơn cả”(2). Lời khen ngợi từ một người cẩn trọng, mực thước như Huỳnh Thúc Kháng gởi đến một ông tú tài Hán học hai mươi tuổi chắc không do tùy tiện, ngẫu nhiên. Và sau đó, Phan Khôi quả đã xác chứng năng lực xuất sắc, bản lãnh kiên nghị qua những thăng trầm vinh nhục với thái độ dứt khoát, quyết liệt: Không chấp nê vào công thức. Không xu phụng cùng bạo lực. Không im lặng trước điều bất hợp lý. Không chấp nhận xếp hàng chung với kẻ bất xứng.

Với tính chất và khả năng trên, từ những năm đầu tiên của thập niên 30, Phan Khôi đã là một ngôi sao sáng của làng văn, báo giới nước Việt từ Bắc vào Nam. Nhưng khác với Tản Đà, chuyên làm thơ, ông viết tất cả các thể loại, đồng thời khai sinh thơ mới với một cấu trúc, nhịp điệu chưa hề có trong văn đàn Việt Nam, vào thời buổi mà những bài thơ luật của Tản Đà làm theo điệu hát nói đang độc chiếm, được cả nước hoan nghênh..

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa

Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ

Hai mái đầu xanh kề nhau than thở..

Hai mươi-bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau

Đôi cái đầu đều bạc

Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được

Ôn chuyện cũ mà thôi

Liếc đưa nhau đi rồi

Đôi mắt còn có đuôi.

Bài thơ viết năm 1932 kia, hôm nay, sau hơn nửa thế kỷ vẫn còn nguyên độ cảm xúc bởi được hình thành từ những chữ nghĩa đơn giản, nhiều hình tượng, đầy cảm tính. Và rõ rệt nhất Thơ được viết bởi lòng người thật sự cần thiết giải bày nên giòng chữ.

Đối với những vấn đề của hoàn cảnh xã hội Việt Nam buổi đầu Thế Kỷ 20, khi đề cập những người nữ gặp cảnh truân chuyên, ông đã có nhận xét thắm thiết nhân ái do từ mối từ tâm, xúc động chân thật:”.. Đàn bà con gái, có những người nết na tài sắc, mười phần được cả mười mười, chỉ vì lỡ cái bước đầu, thành ra lỡ luôn, thậm chí có khi ra con người hư, bị xã hội rẽ rúng.. Những người ấy nếu là người dốt thì thôi, cái bạc mạng của họ sẽ cùng nước chảy hoa trôi mà biến đi đâu mất. Nhưng nếu là người có chút tài hoa, biết đem câu thơ mà tả cái khổ tâm, khổ cảnh của mình, thì chẳng khác nào lưu lại một vết thương tâm chung cho cả người đời.”( 3) Hoặc ông đặt vấn đề thủ tiết của người đàn bà (bị cảnh góa bụa lúc còn trẻ) một cách hợp lý, và nhân bản hơn: “.. Khi hạ người đàn bà tái giá (chồng mất khi còn trẻ) xuống, thì trưng người đàn bà thủ tiết lên. Nhà vua bèn ban chiếu sắc, cấp bảng vàng sinh biểu cho những người nào ở goá trọn đời hay chết theo chồng. Những ân điển ấy thường tình lấy làm vinh hạnh lắm, song nghĩ cho kỹ chỉ là cái biểu hiện ích kỷ của đàn ông , và cũng là cái xiềng trói đàn bà lại ”( 4) Chúng ta lưu ý, Phan Khôi đã đặt vấn đề “Nam Nữ Bình Quyền“ trước nhóm Tự Lực Văn Đoàn hơn một thập niên; khởi đầu luận lý giải phóng phụ nữ qua văn tự, báo chí trước Simone de Beauvoir, Germain Greer hằng nửa thế kỷ.

Nhưng mặt trận chính của Phan Khôi không chỉ những vấn đề vừa nêu trên. Trong vòng hơn hai mươi năm, bắt đầu với Nam Phong Tạp Chí (Hà Nội, 1918) và tạm chấm dứt với Tao Đàn (Sài Gòn, 1941), ông đã viết cho hầu hết các nhật báo, tuần báo của ba vùng Bắc, Trung, Nam: Thực Nghiệp Dân Báo, Hữu Thanh ở Hà Nội; Tràng An, Sông Hương ở Huế. Nhưng phải đợi khi vào Miền Nam, vùng khai sinh, phát triển báo chí Việt Ngữ (đầu thế kỷ hay sau nầy cũng vậy) với Đông Pháp Thời Báo, Thần Chung , và nhất là với Phụ Nữ Tân Văn do bà Bút Trà làm chủ nhiệm mà tiền nhuận bút trả tới 25 đồng Đông Dương một kỳ; một tháng bốn kỳ tức là hơn cả lương công chức ngạch phủ, huyện. Độc giả khắp nước bỏ 15 xu để mua Phụ Nữ Tân Văn hầu như để chỉ đọc bài Phan Khôi - Bởi kỹ thuật và nghệ thuật viết báo của Phan Khôi đã đến đỉnh cao nghiệp vụ. Với lối hành văn trong sáng, giản dị, khúc triết (khác với cách viết, rườm rà, nặng nề của Nam Phong), ông vận động, áp dụng cấu trúc, tinh thần ngôn từ phương Nam (Ví dụ: “quen lung; đố ..” trong câu: “Nếu chẳng quen lung, đố nhìn ra được”) để thay thế văn phong, từ ngữ phương Bắc mà ông đã từng học hỏi, xử dụng, để đặt lại toàn bộ những vấn đề liên quan đến văn hoá người Việt. Thế nên, dẫu là một nhà Nho, nhưng ông kịch liệt lên án Tống Nho, xem đấy là khối nặng trì trệ đã gây nên mối bạc nhược tinh thần đối với dân tộc; kìm hãm, trói buộc thân phận nhân sinh, cụ thể số mệnh người nữ (5). Ông tranh luận cùng Trần Trọng Kim về Nho Giáo qua loạt bài Đọc cuốn Nho Giáo của Ông Trần Trọng Kim khi cụ Trần vừa mới viết xong bộ Nho Giáo I và II; lý luận ông nghiêm túc, xác đáng nên đến cuốn III, cụ Trần bổ túc vào phần Phụ Lục với thái độ nhã nhặn, trung trực. Ông cũng không bỏ qua thái độ “Học Phiệt“, quan lại của Phạm Quỳnh, chủ bút Nam Phong, tờ báo mà ông đã có một thời cộng tác. Không để những tình cảm riêng tư chi phối, ông cảnh cáo đích danh họ Phạm với loạt bài “Cảnh Cáo Những Nhà Học Phiệt”. 

Về phương diện chính trị, con người chính trực, trí sáng nầy hiểu rõ thực chất của chủ nghĩa cộng sản (ngụy trang qua phong trào giải phóng dân tộc của Mặt Trận Việt Minh do Hồ Chí Minh lãnh đạo) sớm sủa và chính xác hơn ai hết, do đã chứng kiến sự kiện cán bộ cộng sản trong Mặt Trận Việt Minh tàn sát lực lượng cách mạng quốc gia, vụ đòi phá đền thờ Hoàng Diệu. Nhưng bởi Phan Thao, con của ông đang là ủy viên trong Ủy Ban Trung Bộ, cụ Huỳnh Thúc Kháng, bạn tù, cũng là người đồng hương đang làm bộ trưởng nội vụ, nên đám cán bộ địa phương chỉ báo cáo ra Bắc để nơi trung ương nầy giải quyết. Cuối cùng, Hồ Chí Minh đích thân viết thư mời Phan Khôi ra Bắc, thực chất là để giam lỏng qua tay người em họ, Phan Bôi hay Hoàng Hữu Nam, thứ trưởng nội vụ. Chín năm chiến tranh (1945 - 1954), Phan Khôi chuyên dịch sách chữ Pháp, Hán văn sang tiếp Việt, chịu đựng tình cảnh bi thiết, lẻ loi giữa những con người mà ông không hề có ý niệm sống cùng. Đêm Giao Thừa, ông viết bài thơ ngắn diễn tả niềm u uất:

Độc dạ quá trừ tịch

Cánh võ đăng khả thân..

“ Qua giao thừa một mình

Đèn làm bạn không có” (PNN)

Tháng 10, 1955 bộ đội cộng sản tiếp thu Hà Nội, ông về thành phố, trong một bữa ăn khoản đãi, chỉ vào dĩa thịt gà, nói câu cay đắng bi hài: “Chín năm nay mới thấy lại mặt mày”. Nhưng thời gian khổ cực nơi núi rừng, sự thiếu thốn vật chất, nỗi cách xa gia đình, đơn độc giữa đồng loại không làm ông ngã lòng, mối khổ tâm nhất là phải chịu im lặng trước những điều bất công, sự áp đặt. Nay về lại Hà Nội, không phải gánh nặng yêu cầu của nghĩa vụ kháng chiến nữa, ông khai pháo mở đầu phong trào Nhân Văn với Giai Phẩm Mùa Thu , 1956, qua bài viết Phê Bình Lãnh Đạo Văn Nghệ : “..Sau khi về Hà Nội chưa được bao lâu, giữa một cuộc tọa đàm ở trụ sở Hội Văn Nghệ, một cán bộ cao cấp lấy tư cách cá nhân đề ra cái vấn đề “tự do của văn nghệ sĩ”. Cái vấn đề ấy giải thích là: Có một số văn nghệ sĩ nào đó đòi tự do hay có ý đòi tự do, mà tự do một cách bừa bãi, đến nỗi ví như tình cảnh.. “một kẻ kia đi trên đường phố, thấy có người ôm cái cặp da đẹp, giật ngang lấy đi, rồi nói rằng đấy là tự do của mình, vì mình thích cái cặp da.” Do đó kết luận là: “Phải có lãnh đạo, văn nghệ sĩ phải dưới quyền lãnh đạo.”(6) Đối với cách đặt vấn đề quái đản, kiểu so sánh tầm phào, lối lý luận của những anh tổng, lý thôn quê miền Bắc như thế, Phan Khôi phản pháo thẳng thừng: “Tôi thấy vấn đề đặt như thế không đúng. Sự thật trước mặt chúng ta không có vấn đề như thế. Bao nhiêu văn nghệ sĩ không luận ở Việt Bắc, ở Nam Bộ, ở Khu V đều đã ở trong Hội Văn Nghệ, đều đã bằng lòng chịu lãnh đạo rồi. Còn những văn nghệ sĩ ở trong vùng mới giải phóng, họ còn ở lại đây tức là họ rắp tâm chịu lãnh đạo, nếu không thì họ đã đi vào Nam. Tóm lại, văn nghệ sĩ hiện nay có mặt ở Miền Bắc không ai tự do bừa bãi hết. Không ai định đánh cắp cặp da của ai hết .”( 7)

Đến đây, chúng ta có thể kết luận về một điều khắc nghiệt thê thảm qua tìm hiểu về những bản văn mà Phan Khôi đã viết nên trong giai đoạn sau khi về Hà Nội mà hậu quả tác dụng thật sự là vô hại (nếu không nói là hữu ích ) cho việc xây dựng, củng cố quyền lực chính trị của chế độ: Hóa ra, con người có thể là nạn nhân do những chữ viết trung thực của mình với hoàn cảnh oan ức bi thiết nhất. Bởi, nếu cá nhân tên gọi Phan Khôi ấy không phải ở vào một thời kỳ do một chế độ gọi là “Dân Chủ Cộng Hòa“ với những kẻ lãnh đạo có bí danh Hồ Chí Minh, Trường Chinh chỉ huy, (Là người không thể sai lầm - Chí Minh ; hoặc kẻ không bỏ cuộc tranh đấu lâu dài - Trường Chinh ), thì dẫu ông có viết đến hằng trăm văn kiện, tài liệu có nội dung tương tự như bài phê bình trên; hoặc làm vài trăm bài thơ biểu lộ tâm trạng phẫn uất:”Làm sao cũng chẳng làm sao. Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi. Làm chi cũng chẳng làm chi. Dẫu có ra gì cũng chẳng làm sao “; hoặc tạo dựng thêm năm, bảy nhân vật tinh quái như “Ông Năm Chuột” và đặt lên miệng người ấy những nội dung như: “Người ta cái gì biết ít thì chỉ nên nghe chứ không nên nói. Tôi không nói chuyện văn chương chữ nghĩa với ông, cũng như ông không dạy nghề thợ bạc cho tôi..v.v.”; thì cái chế độ gọi là bị phê phán kia vẫn vững như khối đá - Mà thực tế đã chứng minh vốn là như vậy. Bởi suốt lịch sử đông-tây, chưa hề có hiện tượng một hệ thống cầm quyền bị sụp vỡ do từ thúc dục của một cuốn sách, vài bài thơ, cho dù là chế độ cầm quyền ấy yếu kém về mặt quyền lực chính trị đến đâu, và người viết văn, dụng văn có tài năng, phẩm chất cao luôn được xã hội quần chúng đánh giá, gìn giữ ở vị thế trân trọng, cao quý. Trái lại ở đây, hỡi ôi Phan Khôi đã trở nên là đối tượng bị lăng nhục, đánh dập do cớ sự đã tạo nên một nhân vật (của một loại truyện ngắn, hồi ký) có đôi điều nhận xét về những vụ việc, phong tục đơn giản, hằng ngày mà bị kết án là viết, nói lên những điều “xảo hoạt, ranh vặt để đả kích chế độ, xúc phạm lãnh tụ (!!)” như phê phán của Đoàn Giỏi.(8) Hiện tượng cực độ tàn nhẫn vô lý nầy chỉ ra rằng, chế độ ấy hẳn chỉ thuần là những ông “thánh con“ không chút tì ố, bất khả xâm phạm, tự tôn đến mức kỳ cục, bệnh hoạn (để không cho phép bất cứ ai đụng chạm đến ) như ở một thời xưa cũ mà kẻ lãnh đạo đồng hóa mình cùng “thiên tử“ cỡ Tần Thủy Hoàng, Hán Võ Đế, lớn hơn cả Thiên Hoàng Nhật Bản, Nữ Hoàng Đế Quốc Anh. Nhưng khác với chế độ phong kiến tập quyền Nhà Tần, Hán, hoặc của các nước quân chủ lập hiến kia, ở đây còn có thêm đám cán bộ ủy viên trung ương của “đảng cầm quyền“, những ông “vua con“ dưới quyền trị vì một ông “vua vô cùng lớn” thuộc bộ máy cầm quyền được gọi là “của dân, do dân, vì dân”. Bộ máy “Đảng lãnh đạo, dân chủ tập trung” nầy thâu tóm hành pháp, lập pháp, tư pháp - Cụ thể hóa hình thái “triệt tiêu nhà nước” mà Marx, Engels hằng mơ ước, Lénine, Mao cố công thực hiện. Thế nên, vấn đề không chỉ hạn chế với phê bình, và phản phê bình trong lãnh vực văn hoá, phạm vi văn nghệ qua những bài bút chiến. Quyền lực chính trị vận dụng “ chiến lược văn chương quán tính ”dựng nên một phong trào chưởi hùa,: Người làm văn hóa, văn nghệ miền Bắc được lệnh chưởi theo cách a dua, tập trung đánh dập vùi anh em văn hữu của mình không thương tiếc. Và họ đã chưởi tận tình (“Chưởi có khí thế”: Từ ngữ đặc trưng miền Bắc), chưởi đạt, vượt quá “chỉ tiêu yêu cầu do lãnh đạo đề ra ”. Chúng ta hãy nghe những đoạn chưởi điển hình của “đội ngũ nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình tiên phong tiên tiến của “thủ đô phẩm giá, niềm tin yêu và hy vọng” (Xin nói thêm cho rõ, những từ ngữ viết kiểu Italic, trong ngoặt kép hoàn toàn không phải của người viết bài nầy, PNN): “.. Bây giờ - mà có phải mới bây giờ đâu - cái bộ mặt thật của Phan Khôi đã bị lột trần ra, cũng như nhiều khi y bị lột trần ra, Phan Khôi là một tên xão quyệt, phản phúc, một tên làm tay sai cho đế quốc, lợi dụng sự khoan hồng của cách mạng và chính sách đãi ngộ rất tốt của đảng, để chống lại đảng, chống lại chế độ .”(9). Kẻ “chửi mướn“ nầy là Đoàn Giỏi, nhưng sau khi dùng hết chữ, nghĩa chưởi kể trên, y ta bị hạ tầng công tác vì có kẻ khác thế chỗ với lập luận phản phé: “Giỏi chỉ “chưởi giả vờ“”(10). Rút kinh nghiệm của Giỏi, Phùng Bảo Thạch chưởi hay hơn, có căn cơ ngọn ngành kiểu đàn bà thôn quê miền Bắc khi bị mất gà với bài bản gồm khởi đầu, đoạn giữa, và kết thúc. Hãy nghe “bản chưởi” của Thạch: “Năm 1916, Pháp bị sa lầy trong chiến tranh ở Châu Âu.. Ngay từ buổi đầu mất nước, mối thù không đội trời chung với thực dân âm ỉ cháy trong lòng người Việt. Thái Phiên và Trần Cao Vân bắt liên lạc với vua Duy Tân rồi cùng mưu tính cuộc khởi nghĩa. Nhưng có kẻ phản bội ngầm báo cho Pháp, nên khi vua Duy Tân ban đêm bí mật vừa ra khỏi thành Huế thì bị bắt. Phan Khôi cũng là một người được tham dự trong việc thảo tờ chiếu chỉ của vua Duy Tân gởi cho những nhân sĩ yêu nước Quảng Nam, Quảng Ngãi, và sau đó lại báo cáo cho tụi quan cai trị Pháp và tổng đốc tỉnh để tâng công!”(11) Hoá ra vụ khởi nghĩa của vua Duy Tân và các vị Trần Cao Vân, Thái Phiên thất bại là do Phan Khôi báo cho mật thám Pháp?! Tương tự như thế, chúng ta nghe tiếp luận cứ buộc tội của người cộng sản: “Các ông Phan Đình Phùng, Cao Thắng sở dĩ thua trận quân Pháp là do bọn ngụy quân, ngụy quyền phá hoại xưởng làm súng của hai ông.. Và sau nầy chúng (bọn Ngụy (?!) “giả vờ” lấy đặt tên hai ông đặt cho trường học, đường phố Sài Gòn để đánh lừa nhân dân yêu nước vậy !” Để điều cáo buộc trên có cơ sở, nên Phùng Bảo Thạch đưa chứng cớ: “Sau đó Phan Khôi ra Bắc viết báo Nam Phong của Phạm Quỳnh với công tác mật. Phan Khôi được Mác-ty (Chánh sở mật thám) gọi ra làm việc cạnh nó và viết báo cho Nam Phong. Trong phòng kín, Phan Khôi hàng ngày làm việc gì cho Mác-ty để được nó tin dùng hơn ?( 12). Thạch dùng hình thức nghi vấn để chỉ “ tính trung trực “ của bài tố cáo, vì chưa biết rõ nên chỉ đặt vấn đề dưới dạng câu hỏi (đây cũng gọi là “tính quan điểm cách mạng trong sáng“ của người cộng sản). Cuối cùng, Thạch có kết luận: “Trên giấy trắng mực đen, Phan Khôi chỉ mới bộc lộ phần nào lời trắng trợn tệ bạc lòng bất nhân đê tiện đối với đất nước, đối với đồng bào.. Những người không bao giờ ngờ y đã đều đặn ký giấy nhận tiền của các tên trùm mật thám.. với cái lý luận đê mạc “chó ăn cứt” của y trong phòng Mác-ty !!”( 13) Gần nửa thế kỷ đi qua, hôm nay, chúng ta đọc lại những bản văn chưởi bới từ một quán tính hạ tiện không khỏi đặt nên câu hỏi nặng lòng: “Người có thể hạ nhục nhau nặng nề từ, với cớ sự gây nên bởi những dòng chữ viết như thế hay sao?” Và điều mĩa mai bi hài bỗng nhiên hiện rõ: “Nếu như Phan Khôi phạm những lỗi tày trời thế kia ở những năm đầu Thế Kỷ 20, thì sao đến 1946 Hồ Chí Minh lại phải viết thơ gọi mời ra Bắc để ở bên cạnh dịch sách báo cho y ta?” Chẳng lẽ bác và đảng cũng thuộc vào thành phần quần chúng nhân dân (ngu ngơ) bị Phan Khôi lừa bịp? Hoặc Phùng Bảo Thạch, nhà xuất bản Sự Thật (Hà Nội) đúng; hoặc bác lẫn đảng đều ngu? Hai đường chỉ có một chứ không thể nào khác.

Cuối cùng, nghệ thuật chưởi hùa được “nâng cấp” cao nhất với Nguyễn Công Hoan để lấy lòng đảng sau khi bị thất sủng (14). Nhân ngày 70 tuổi, Phan Khôi viết bài thơ ngắn, mở đầu với hai câu tự thán: “Lên 70 rồi mẹ nó ơi. Thọ ta ta chúc nọ phiền ai ..“ Hoan nghe lén được (phải là nghe lén do rình rập, trông chừng, vì bài thơ không đăng lên báo), bèn làm một bài “đáp từ” với ngôn ngữ điêu luyện đặc trưng của “xã hội xã hội chủ nghĩa tiên tiến”: 

Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi

Thọ mi, mi chúc chớ hòng ai

Văn chương, đù mẹ thằng cha bạc

Tiết tháo tiên sư cái mẽ ngoài..

Kinh hoàng thật, một lão nhân, lãnh đạo văn giới trong hoàn cảnh bi thiết, vào ngày tuổi hạc, xế bóng, chỉ vì một vài câu, chữ mà phải chịu nỗi xĩ nhục tàn nhẫn, vô lường từ những kẻ có tên chung trong văn giới - Thành phần luôn được nễ trọng. Thái độ nầy không phải của riêng cá nhân Nguyễn Công Hoan nhưng là dấu hiệu “tiến bộ của kẻ có lập trường cách mạng kiên định ” như Nguyễn Khải (lại Nguyễn Khải với thực hiện suốt hơn 50 năm nơi “cõi nhân gian bé tí ” gọi là Hà Nội) đã từng lên mặt răn đe Nguyễn Huy Tưởng trong buổi học tập “đấu” nhóm Nhân Văn: ”.. Đây không phải là cuộc đấu tranh giữa anh em nội bộ. Đây là cuộc đấu tranh giữa ta và địch !!”( 15)

Chúng ta có thể kết luận: Chế độ ở Hà Nội kia quả đã tạo ra một môi trường thuận lợi và khả dụng bậc nhất để khai thác, nẩy nở những hành vi, ngôn ngữ tồi tệ mà bản năng cuồng khấu nơi con người hằng nuôi dưỡng qua tính ác tiềm ẩn mà nếu là người có lương tri, lương năng nhất định phải loại trừ. Khác với Mao Trạch Đông đánh giá trí thức không bằng cục phân, bộ chính trị trung ương đảng cộng sản Việt Nam giao cho trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam (cho dù đấy là Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, những người có học vị cao nhất từ những đại học lớn của Pháp) nhiệm vụ cụ thể hơn: Đi gánh phân, lao động cải tạo (gọi là lao động thực tế ) ở các công, nông trường. Không phải trung ương đảng cộng sản tự nhiên sáng tạo ra quá trình lao động cải tạo nầy, nhưng bởi từ quán tính của cá nhân, gia đình, làng, xã… Làng Hành Thiện, Phủ Xuân Trường, Nam Định của Trường Chinh Đặng Xuân Khu nổi tiếng về nghề hốt cứt, ăn học, đỗ đạt cao, làm chức lớn. Đã có một thời kỳ sau 1975, thời của anh em nhà họ Phan Đình (Lê Đức Thọ, Mai Chí Thọ, Đinh Đức Thiện) ở Việt Nam, yếu tố địa phương “Hà Nam Ninh” là cơ sở lý lịch tối ưu để giúp con người tranh đoạt danh, lợi.

Chúng ta tạm chấm dứt vấn đề ở đây với câu hỏi chĩu nặng u uẩn: “Phải chăng tai họa dân tộc lặp lại thêm một lần (của rất nhiều lần) với những con người của những địa phương nầy - Những người đã làm tan nát quê hương hơn bốn trăm năm trước qua hai cuộc chiến, Nam-Bắc triều (1527-1592), và chiến tranh Trịnh-Nguyễn (1625-1775)?” Khác chăng, hôm nay mối họa đi xa hơn, vào cuối đất Miền Nam, nơi Sài Gòn, mở rộng ra đánh lừa cả thế giới, những người tuổi trẻ xuống đừng nơi trường Đại Học Kent, Ohio; công viên Berkeley ở CA; Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, bà Thủ Tướng Gandhi, và kể cả những người Việt mà mấy mười năm trước đây hằng phải chịu bao điều nghiệt ngã vượt qua nỗi chết, với cái chết nhục thảm ghê khiếp trên đường vượt biên để đến đất tự do.

Chuyện nhượng đất biên giới, nhường vùng biển Bắc bộ (đã xẩy ra) mà giờ đây chúng ta (nên) phải hiểu như một điều tất nhiên phát xuất và thực hiện từ một tổ chức đầu mối gọi là Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam . Khi đã khinh miệt thượng đế, đầy đọa đồng bào thì còn gì có thể cản ngăn kẻ bạo ngược ngần ngại, không dám thực hiện:

Trời không có thiên thần

Đất không có thánh nhân

Chỉ có nhân dân thần thánh

Và đảng ta làm nên sức mạnh

Bay đến chân trời..

Nguyễn Đình Thi đã nên công danh do những chữ nghĩa đáng sợ nầy, qua tung hô đảng và một đơn vị vô tính gọi là “Nhân Dân”. Và “Nhân Dân“, từ lâu đã là yếu tố biện minh cho những cảnh tượng đẫm máu của Cách Mạng Pháp 1789; 1917 ở Nga; cách mạng văn hóa nơi Hoa Lục năm 1965; Campuchia 1975-1979, và tất nhiên hằng tiếp tục, đang tiếp tục với Việt Nam từ rất lâu, đã rất lâu. Năm 1958, sau khi dẹp yên vụ Nhân Văn với Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt.. Phạm Văn Đồng, thủ tướng chính phủ chỉ thị đưa Nguyễn Bính ra đấu để chứng tỏ nhà nước cũng “sáng suốt“ không kém đảng. Nguyễn Bính bị đấu do “tội“ Báo Trăm Hoa mà ông làm chủ biên có đăng câu đối:”Diêm Thống Nhất giá không thống nhất“ để đối lại câu: “Báo Trăm Hoa bài chẳng trăm hoa“. Chỉ mấy chữ kể về sự kiện.. “Diêm quẹt hiệu Thống Nhất (do nhà nước sản xuất) nhưng giá bán không được thống nhất” mà người viết những giòng thơ trữ tình lãng mạng của thi ca Việt Nam đã bị Phạm Văn Đồng đập bàn kết tội: “Láo! Phá hoại hệ thống mậu dịch nhà nước“. Cuộc đấu diễn ra suốt ngày với khí thế căm thù tận lực- Do nghệ thuật “chưởi hùa” được tổ chức hoàn bị qua kỹ thuật điều hành, hướng dẫn hữu hiệu tinh vi - Cuối cuộc, người làm thơ gục xuống thú tội, xin khoan hồng (Không biết về những tội danh gì ). Sau trận hành hình bởi, vì chữ, nghĩa, Nguyễn Bính nhờ Nguyễn Chí Thiện và một vài thanh niên đưa ra về do sợ bị hành hung trên đường đi. Quá sợ hãi, và hỗn loạn khủng khoảng, ngày hôm sau ông đưa con gái ra chợ gởi cho người khác nuôi, xin tiền mua một lọ rượu nhỏ. Nguyễn Bính tự tử chết với độc dược hòa cùng chén rượu đầm đìa uất hận thương tâm. Nhà thơ lãng mạng hàng đầu của thi ca Việt Nam tiền chiến chết trong cảnh tượng bi phẫn thương tâm qua lời thơ của Trần Mạnh Hảo:

Năm ấy trước đêm giao thừa trên ổ rơm

Anh gục xuống nhờ bạn bè vuốt mắt

Miệng còn chóp chép thèm cơm

Anh chết rồi còn bạc tóc

Ôi giấc mơ bị thương

Hết hành Phương Nam, lại phải hành Phương Bắc

Thời thế vô tâm như kẻ qua đường..

Cuối Thế Kỷ 20, đầu Thiên Niên Kỷ thứ Ba, những nhà văn, người viết thơ ở Việt Nam: Lưu Quang Vũ, Tiêu Dao Bảo Cự, Bùi Minh Quốc .. tiếp tục bị bức hại vì chữ, nghĩa của mình. Những người tranh đấu thuộc về nhiều thế hệ, không phân biệt Nam, Bắc: Nguyễn Đan Quế, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Khắc Toàn.. luôn là đối tượng bị truy nã, khủng bố do những tiếng lời của họ viết, nói lên. Nếu chúng ta so nội dung (bị kết tội) nầy với bản đề cương đầu tiên của Trường Chinh, cũng như đặt cạnh cáo trạng Bản Án Thực Dân Pháp mà Nguyễn Ai Quốc (lạm dụng danh xưng của “Nhóm Ngũ Long ”, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh..) trình đến những nhà lãnh đạo cường quốc Hội Nghị Versailles năm 1919 thì thấy ra hoàn toàn không có gì khác biệt. Cũng không khác nếu so sánh toà án xét xử những người tranh đấu cho Tự Do-Dân chủ hiện tại với phiên tòa xử Nguyễn Bính cách nhau gần nửa thế kỷ - Tất cả đồng chung một danh xưng quán tính : Toà Án Nhân Dân.

(Còn tiếp phần 2 & 3)

PHAN NHẬT NAM

Ghi chú:

(1) Việt Sử Toàn Thư, Phạm Văn Sơn, Thư Lâm Thư Quán, VN-Sài Gòn, 1960 trg 658

(2) Bài Học Phan Khôi , Thiếu Sơn, Đặc San Quảng-Đà, Sông Thu, USA-CA 2002

(3) Chương Dân Thi Thoại , Đắc Lập, VN-Huế, 1936

(4) Phụ Nữ Tân Văn, Số ngày 19 tháng 9, 1929, VN-Sài Gòn

(5) Tống Nho với Phụ Nữ, Phụ Nữ Tân Văn Số 95, VN-Sài Gòn 1931

(6) Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc , Hoàng Văn Chí, SudAsie, Pháp/Paris, 1983, trg61

(7) HVC, sđd trg62

(8) HVC, sđd trg93

(9) HVC, sđd trg96

(10) HVC, sđd trg96

(11;12; &13) Bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Tòa An Dư Luận, Phùng Bảo Thạch; NXB Sự Thật VN/Hà Nội, 1959 

(14) HVC, sđd, trg197

(15) Hợp Lưu, Số 81, Tháng 2&3, 2005 Thụy Khuê phỏng vấn Lê Đạt

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 9907)
(Xem: 9694)
(Xem: 9177)
(Xem: 9652)
(Xem: 10132)
(Xem: 9173)
(Xem: 10009)
(Xem: 10617)