- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mùa Xuân Mới Cho Việt Nam: Chuyến Đi Việt Nam Của Tổng Thống Bush, 17 - 20/11/2006

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 8142)
LTS: Bài viết này đã được phổ biến trên Hợp Lưu, nay cho đăng lại nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức thăm Liên bang Mỹ.

Sáng Thứ Sáu 17/11/2006, Tổng thống Mỹ George W. Bush và phu nhân, Laura Bush, đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức VN và dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Á Châu-Thái Bình Dương [Asia Pacific Economic Cooperation forum, APEC] thứ 14 (18-19/11/2006). Trong 4 ngày lưu tại Việt Nam, ngoài những cuộc gặp gỡ với lãnh đạo VN, Bush còn hội đàm song phương với lãnh đạo Australia, Nhật, Nam Hàn, Trung Hoa, Nga,... về Viễn Đông và Trung Đông.

Thắt Chặt Liên Hệ Việt - Mỹ

Phi cơ Không Lực số 1 của Bush hạ cánh xuống phi trường Nội Bài lúc 10G30 sáng ngày 17/11, trong bầu không khí oi nồng khác thường. Chiều đó, vợ chồng Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tiếp vợ chồng Bush tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức dành cho nguyên thủ quốc gia.

Hội đàm Bush - Triết

Tại buổi hội đàm sau lễ đón, Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh chuyến thăm này là dịp Bush chứng kiến tình cảm nồng hậu của Việt Nam dành cho các vị khách Mỹ, và sẽ đánh dấu mốc mới quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước.

Bush cho biết ông và Phu nhân cảm kích trước tình cảm của hàng nghìn dân Hà Nội chào đón, và khẳng định sẽ nỗ lực củng cố và phát triển quan hệ song phương Việt-Mỹ.

Trong cuộc hội đàm lần thứ hai tại Phủ Chủ tịch, hai bên trao đổi ý kiến về các biện pháp tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, y tế, giáo dục, nhân đạo... và các vấn đề khu vực và quốc tế.

Nguyễn Minh Triết khẳng định quyết tâm đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng nhà nước pháp quyền, triển khai mạnh mẽ chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, hợp tác, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, đồng thời sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Rồi cảm ơn Bush ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO cũng như hỗ trợ chống lại căn bệnh HIV/AIDS và phòng, chống cúm gia cầm; đánh giá cao việc Mỹ tăng viện trợ phát triển và xin thêm viện trợ nhân đạo qua các lĩnh vực tháo gỡ bom mìn chưa nổ và hỗ trợ những người khuyết tật, giải quyết vấn đề nhiễm độc môi trường ở gần các kho chứa dioxin trước đây.

Nguyễn Minh Triết còn đề nghị Mỹ ủng hộ Việt Nam ứng cử vào ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Dù nhất trí đánh giá cao vai trò và sự đóng góp của cộng đồng người Việt tại Mỹ, Nguyễn Minh Triết đề nghị Hoa Kỳ hợp tác “trong việc nghiêm trị một số đối tượng có hành động khủng bố chống phá Nhà nước Việt Nam.”

Bush chúc mừng Việt Nam gia nhập WTO, đánh giá cao sự thành công của Hội nghị APEC, hoan nghênh những thành tựu kinh tế, xã hội của công cuộc đổi mới; đề nghị tăng cường hợp tác hơn nữa của Việt Nam. Bush cảm ơn Việt Nam giúp đỡ trong việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh, ủng hộ sáng kiến phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR), và kêu gọi hai nước tiếp tục cộng tác chặt chẽ chống lại hiểm họa này. Bush tái khẳng định hỗ trợ Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới, mở cửa thị trường Mỹ và sự ủng hộ mạnh mẽ việc thông qua Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn đối với Việt Nam.

Hai bên cũng thảo luận về các vấn đề khu vực và toàn cầu. Bush hoan nghênh sự đóng góp tích cực của Việt Nam vào các vấn đề quốc tế nhằm duy trì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Kết thúc hội đàm, hai bên ra Tuyên bố chung, bày tỏ sự hài lòng về những tiến bộ đạt được, nhờ đó tạo được mối quan hệ nhiều mặt, hướng tới tương lai như hiện nay. Mối quan hệ này bao gồm kinh tế-thương mại, Quốc phòng, y tế, văn hóa, giáo dục và phát triển, và sự cam kết giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại.

Việt Nam hứa tôn trọng đầy đủ luật lệ của WTO và sẽ nỗ lực tạo dựng một môi trường bình đẳng dựa trên sự công bằng, cởi mở và minh bạch, và hoan nghênh việc Bush mở cửa thị trường Hoa Kỳ và hỗ trợ tiến trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới.

Bush hoan nghênh quyết tâm của Việt Nam đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng nhà nước pháp quyền, chống tham nhũng và cho rằng những nỗ lực đó có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và tạo ra môi trường thuận lợi cho kinh doanh và đầu tư của Việt Nam.

Về những mối quan tâm khu vực và toàn cầu, Bush hoan nghênh Việt Nam tham dự tích cực vào các vấn đề duy trì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới, đánh giá cao sự ủng hộ của Việt Nam đối với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và đối với sự đồng thuận của Hội đồng Bảo an LHQ như đã được thể hiện trong Nghị quyết 1718. Nguyễn Minh Triết hoan nghênh việc mở lại cuộc đàm phán sáu bên và bày tỏ mong muốn các bên đạt được giải pháp hòa bình cho vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Hai bên cam kết tăng cường hợp tác nhằm chặn đứng việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và các công nghệ, vật liệu liên quan phù hợp với luật pháp quốc tế, quốc gia và khả năng mỗi nước. Biên bản ghi nhớ giữa Cơ quan Kiểm soát ma túy Hoa Kỳ với Bộ Công an Việt Nam là những thí dụ về các hình thức hợp tác đa dạng mà hai nước đang cùng thực hiện để giữ gìn an toàn, an ninh cho nhân dân mình và nhân dân các nước khác trong khu vực.

Hai bên đồng ý rằng cần tăng cường hơn nữa sự hợp tác tích cực hiện nay. Nguyễn Minh Triết hoan nghênh hoạt động của Sáng kiến hỗ trợ thúc đẩy thương mại ở Việt Nam (STAR) và việc gia hạn chương trình này, đánh giá cao việc tăng viện trợ phát triển cho Việt Nam và đề nghị Hoa Kỳ tăng cường hơn nữa viện trợ nhân đạo.

Bush thông báo về Chiến lược An ninh quốc gia Mỹợ, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng đầy đủ các quyền người và quyền tự do cơ bản đối với hòa bình thế giới cũng như đối với sự phát triển ổn định của mỗi quốc gia. Nguyễn Minh Triết thông báo về các luật và quy định mới ban hành về tự do tôn giáo cần được thực thi tích cực tại tất cả các địa phương. Hai bên cũng ghi nhận tầm quan trọng của việc tiếp tục đạt tiến bộ trong đối thoại song phương về quyền người và tái khẳng định rằng đối thoại cần được tiến hành một cách toàn diện, xây dựng và có kết quả.

Trong việc giải quyết những vấn đề do chiến tranh để lại, Việt Nam tiếp tục kiểm kê đầy đủ nhất có thể được những trường hợp người Mỹ mất tích qua việc tăng cường các hoạt động hỗn hợp và đơn phương. Bush khẳng định sẽ đóng góp trong việc tìm kiếm thông tin về các trường hợp mất tích của phía Việt Nam.

Về sự hợp tác trong các vấn đề khu vực, Nguyễn Minh Triết ghi nhận quan hệ gắn bó giữa Hoa Kỳ với Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN) và mong muốn đẩy mạnh sự hợp tác đó thông qua quan hệ Đối tác Tăng cường ASEAN - Hoa Kỳ. Hai bên cam kết sẽ tiếp tục các nỗ lực để đạt hiểu biết chung về các vấn đề khu vực và toàn cầu đáng quan tâm.

Hội đàm Bush - Dũng

Cũng trong chiều 17/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Bush tại Văn phòng Chính phủ. Nguyễn Tấn Dũng “nhiệt liệt chào mừng” Bush thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị APEC 14; nêu rõ sự có mặt của Tổng thống đóng góp rất quan trọng vào thành công của Hội nghị.

Nguyễn Tấn Dũng hy vọng chuyến thăm này sẽ góp phần đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, bày tỏ vui mừng về kết quả hội đàm giữa Bush và Nguyễn Minh Triết; cảm ơn Tổng thống Hoa Kỳ đã ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, tác động tích cực trong việc thông qua Quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) và đưa Việt Nam ra khỏi danh sách những nước đặc biệt quan tâm về tôn giáo; đánh giá cao sự giúp đỡ tích cực trong phòng, chống HIV/AIDS, dịch cúm gia cầm và mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục giúp đỡ trong lĩnh vực này.

Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tiềm năng phát triển hai nước còn rất lớn, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO; hai nước sẽ phấn đấu kim ngạch thương mại hai chiều trong năm năm tới đạt 17-18 tỷ Mỹ Kim và đưa Mỹ trở thành bạn hàng số một của Việt Nam. Việt Nam mong Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy hợp tác có hiệu quả trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, phòng, chống ma túy...

Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hoa Kỳ tăng viện trợ phát triển, viện trợ nhân đạo, và Việt Nam luôn nhất quán hướng tới tương lai trong xây dựng quan hệ với Hoa Kỳ trên nhiều lĩnh vực.

Bush đánh giá cao tình cảm nhân dân Việt Nam dành cho ông. Bush rất hiểu quá khứ đau thương tại Việt Nam và mong muốn Việt Nam phát triển thịnh vượng trên mọi lĩnh vực. Bush muốn có nhiều sinh viên Việt Nam sang du học Hoa Kỳ. Bush còn mời Thủ tướng Dũng thăm chính thức Hoa Kỳ. Nguyễn Tấn Dũng đã trân trọng nhận lời mời và sẽ thu xếp sang thăm Hoa Kỳ vào thời gian thích hợp.

Hội đàm Bush - Mạnh

Điểm đáng ghi nhận đặc biệt là chiều 17/11, trên đường tới dự dạ tiệc ở Phủ Chủ tịch, Bush đã “phá lệ” ghé qua Trụ sở Trung ương Đảng CSVN hội kiến Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Cùng dự buổi gặp gỡ lịch sử này có Phạm Gia Khiêm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao; Nguyễn Văn Son, Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại T.Ư; Hồ Tiến Nghị, Trợ lý Tổng Bí thư; Lê Văn Bàng, Thứ trưởng Ngoại giao (Đại sứ đầu tiên tại Mỹ).

Bush ghi nhận Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng qua công cuộc đổi mới và phát triển năng động, chúc mừng Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới; tin tưởng rằng Việt Nam sẽ là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ, mong muốn hai bên tiếp tục đối thoại về các vấn đề cùng quan tâm; đồng thời cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy Quốc hội Mỹ sớm thông qua quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam và tăng viện trợ nhân đạo.

Nông Đức Mạnh “hoan nghênh” Bush thăm Việt Nam; đánh giá chuyến đi này là một sự kiện quan trọng, mở ra một bước phát triển mới trong quan hệ hai nước; hoan nghênh những đóng góp của Hoa Kỳ cho sự thành công của Hội nghị APEC.

Theo Nông Đức Mạnh, với những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, nhân dân Việt Nam đang “quyết tâm xây dựng đất nước tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.” Lịch sử quan hệ giữa hai nước đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng Việt Nam chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.” Hai bên cần nỗ lực tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác trên cơ sở các nguyên tắc độc lập, tự chủ, không can thiệp, bình đẳng, cùng có lợi, nhằm phát triển quan hệ đối tác xây dựng, mở rộng hợp tác, nhiều mặt, ổn định lâu dài, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau; mọi vấn đề còn nhận thức khác nhau đều có thể giải quyết được thông qua đối thoại cởi mở, thẳng thắn và xây dựng; đưa quan hệ hai nước sang một giai đoạn mới.

Bush Thăm Sài Gòn

Chiều 19/11, Bush vào Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn). Dù lưu lại thủ phủ miền Nam trong thời gian ngắn nhưng lịch trình làm việc của Bush đặc kín với những vấn đề từ đầu tư đến y tế và cả thưởng thức văn hóa. Tại đây, Bush thăm sàn giao dịch chứng khoán thành phố, gặp gỡ bàn tròn với doanh nghiệp thành phố, thăm Viện Pasteur và Viện Bảo tàng lịch sử.

Buổi tọa đàm 60 phút với năm doanh nhân VN tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP/HCM mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Năm “đại sứ” doanh nghiệp trình bày thẳng thắn với Bush những nguyện vọng, đề xuất đối với chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ. Biết doanh nghiệp của Bà Lê Thị Phương Thủy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Trí Việt, là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, một lĩnh vực mà VN bảo hộ rất chặt chẽ, Bush hỏi: “Bà xin giấy phép để thành lập doanh nghiệp có dễ không?” Bà Thủy đáp: “Nếu ngài hỏi tôi câu này cách đây mười năm, tôi sẽ trả lời là không. Tuy nhiên, tình hình bây giờ đã khác. Nhà nước VN đã mở cửa rất nhiều và thực hiện chính sách xã hội hóa truyền thông. Vì vậy, tôi đã không gặp khó khăn nào khi xin giấy phép thành lập doanh nghiệp của mình vào năm ngoái”. (Tuổi Trẻ online)

Đại sứ VN tại Mỹ Nguyễn Tâm Chiến cho biết nhận xét của các doanh nghiệp được Bush đồng tình là VN hiện nay phải chú ý đào tạo nhân lực để kịp thời đáp ứng nhu cầu mới, giúp nhanh chóng bước vào nền kinh tế tri thức, nền kinh tế dựa trên giá trị gia tăng chứ không phải chỉ buôn bán sản phẩm.

Điều ít quan sát viên nhắc đến là thị trường chứng khoán là sản phẩm đặc thù của nền kinh tế tư bản–một phát kiến mà Karl Marx chưa hề dự liệu hay ý thức được tầm quan trọng. Sự hiện hữu của thị trường chứng khoán ở Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung báo hiệu con người có khả năng vượt qua được sự xiềng xích, trói buộc của những ý thức hệ hay niềm tin lỗi thời, đi ngược lại kiến thức khoa học của nhân loại và ngăn chặn sự tiến bộ của nhân loại.

Vì một lý do nào đó, Bush không hội kiến Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng. Chủ tịch Trọng chỉ tiếp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Putin.

Chiều Thứ Hai, 20/11, Tổng thống Bush và phu nhân rời Việt Nam qua thăm Indonesia, rồi bay về Hawaii.

“Hoan Nghênh” Hay “Nhiệt Liệt Hoan Nghênh?”

Đây là chuyến thăm thứ hai VN của một tổng thống Mỹ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995. Hiện nay Mỹ đứng thứ 6 trong các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Năm 2006, thương mại hai chiều đạt 9 tỷ Mỹ kim.

Bush đã phái Ngoại trưởng Condoleezza Rice tới Hà Nội từ ngày 16/11 để thảo luận với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm một số vấn đề, trong đó có việc chuẩn bị chuyến thăm của Bush. Vì Quốc Hội Mỹ chưa chịu thông qua qui chế Bình thường hóa thương mại vĩnh viễn [PNTR]–một điều kiện cần để các doanh nghiệp Mỹ có thể hoạt động tại Việt Nam–thái độ của Hà Nội không hoàn toàn mãn nguyện. Rice tặng Việt Nam món quà Thanksgiving 2006 an ủi là rút tên Việt Nam khỏi danh sách những quốc gia đáng quan tâm về [đàn áp] tôn giáo, tức lấy bớt một hàng rào cản trong những cuộc biếu quyết viện trợ nhân đạo cho Việt Nam trong những năm tới. Hiện nay, qua các chương trình STAR, Fulbright, v.. v... Mỹ đã giúp Việt Nam về các lãnh vực y khoa (phòng chống HIV, dịch cúm gia cầm) cùng một số lãnh vực an ninh (chống ma túy, đường giây buôn bán phụ nữ và trẻ em), luật pháp, v.. v...

Ngày Chủ Nhật, 19/11, Bush và phu nhân đã dự lễ tại nhà thờ cửa Bắc, qui tụ cả giáo dân Ki-tô Vatican lẫn Tin Lành. Nhiều người nghĩ rằng đây là một “chiến thắng tinh thần” cho cả hai hội truyền giáo Ki-tô ở Việt Nam. Nhiều năm qua, các lãnh tụ Ki-tô không ngớt than phiền bị “đàn áp.” Dù trên thực tế, các nhà Chung đã được trao trả dần nhiều tài sản bị quốc hữu hóa sau năm 1975. Hàng năm, cứ dịp Giáng Sinh, các lãnh đạo CS Việt Nam cũng đến hội kiến lãnh đạo Ki-tô, tặng hoa, quay phim tuyên truyền. Một du khách bình thường, nếu có cơ hội đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt bằng đường bộ, hay thả bước nhàn du quanh những nhà Chung ở Hà Nội và Sài Gòn, không thể không có ý nghĩ Đảng CSVN đã và đang gờm sợ khối Ki-tô, một thùng thuốc nổ có thể bột phát bất cứ thời điểm nào.

Chỉ có những tôn giáo thiếu tổ chức chặt chẽ và chân rết ngoại quốc–như Phật Giáo và các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo–chưa được đối xử tương xứng với những quyền hiến định của họ. Cán bộ CS xâm nhập và khuynh đảo các tổ chức Phật Giáo từ trung ương tới địa phương. Thái độ bi phẫn của các lãnh tụ Giáo Hội Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam–đã bị Hà Nội giải thể sau 1975–là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, như Hòa thượng Thích Quảng Độ đã nhấn mạnh, các nhà tu hành và Phật tử chẳng nên trông đợi quá mức ở sự trợ giúp của ngoại bang, mà phải biết tự cứu mình. Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền không từ trên trời rơi xuống, hay do ngoại bang áp đặt mà thành. Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền không do Thiên Mệnh, Ơn Trên mà có. Nó là kết quả của những cuộc tranh đấu liên lũy, không ngừng nghỉ của mọi và mỗi cá nhân, ngày này qua ngày khác, tháng này tiếp nối tháng kia, năm này qua năm sau, thế kỷ này tiếp nối thế kỷ trước, từ Bắc chí Nam, thành thị về nông thôn, duyên hải lên vùng sơn cước. Người gìa hướng dẫn người trẻ, nam nữ đoàn kết đòi hỏi cho bằng được những quyền bẩm sinh tự nhiên ấy, dù chúng bị tước đoạt đi dưới bất cứ bảng hiệu hay thủ đoạn nào.

Không ít người cũng so sánh chuyến đi của Bush năm nay với chuyến đi lịch sử của Tổng thống Bill Clinton vào cuối năm 2000. Sáu năm trước, Clinton đã trình diễn một màn “charismatic leadership” của khối Dân Chủ Tự Do bằng cách hòa vào đám đông, nhất là tuổi trẻ Việt. Nhưng Bush, vì lịch trình dày đặc những cuộc tiếp xúc song phương với các lãnh tụ thế giới, thiếu thì giờ và cơ hội hòa vào đám đông. Tư ợkhung cửa kính xe hay dọc đường tiến vào các hội trường, Bush mới đưa tay vẫy chào đám đông gồm đại đa số là nhân viên an ninh, bảo vệ mặc thường phục.

Màn trình diễn “quốc phục Việt Nam” của Bush và các lãnh tụ thế giới cũng không hấp dẫn đa số người Việt. Những tấm áo dài gấm quốc phục là hình ảnh, đã xa, chìm khuất trong dĩ vãng, của một xã hội phong kiến, đã chết, ở Việt Nam.

Những Cuộc Tiếp Xúc Song Phương

Lịch trình làm việc 4 ngày của Bush tại VN quá bận rộn. Ngoài các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị APEC 14, Bush còn có hàng loạt cuộc gặp song phương với Thủ tướng Australia John Howard (ngày 17/11), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (18/11), Tổng thống Nam Hàn Roh Moo Hyun (18/11), Chủ tịch Trung Hoa Hồ Cẩm Đào (19/11), Tổng thống Nga Vladimir Putin (19/11), v.. v...

Ba vấn đề trọng tâm trong các cuộc thảo luận trên là chính sách của Mỹ tại Á Châu trong hai năm sắp tới, vấn đề Bắc Hàn, và vấn đề Trung Đông.

A. Chính sách của Mỹ tại Á Châu:

Từ 15 năm qua, các nước Á Châu đồng minh của Mỹ đều quan niệm rằng Oat-shinh-tân quá chú tâm đến Trung Đông, phó mặc cho Trung Hoa “lộng hành” ở Á Châu.

Trong lãnh vực thương mại-kinh tế, Trung Hoa cũng theo đuổi một chính sách bất lợi cho Mỹ và các nước Đồng Minh. Hai vấn đề nổi cộm nhất là Trung Hoa hạn chế việc đầu tư và thương mại ngoại quốc vào những lãnh vực sinh lợi nhiều nhất, và không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ [intellectual property rights] bằng cách tung vào thị trường hàng triệu hàng giả, hàng “nhái” DVD, băng nhạc, và các phẩm vật khác. Việt Nam, chẳng hạn, là thị trường tiêu thụ hàng trăm ngàn xe gắn máy “nhái” Trung Cộng. Thị trường Âu châu và Mỹ cũng tràn ngập những mặt hàng bán phá giá của Trung Cộng về quần áo, giày dép, v.. v... Trong 9 tháng đầu năm 2006, mức cách biệt mậu dịch giữa Trung Hoa và Mỹ đã lên tới 163.3 tỉ MK, và có khả năng đạt hoặc vượt qua mức 202 tỉ MK cho toàn năm 2005. Hiện nay, thặng dư mậu dịch của TH và Mỹ đã lên tới 1,000 tỉ [trillion] MK. Trong diễn văn đọc tại Hội nghị APEC, Hồ Cẩm Đào hứa sẽ “mở cửa” hơn nữa trong lãnh vực đầu tư ngoại quốc, và sẽ nỗ lực hạn chế việc trộm cắp bản quyền–nhưng đây không phải là lần đầu. Trong những buổi gặp gỡ bên lề ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, Bush không thể không đề cập đến vấn đề này.

Hồ Cẩm Đào cũng hứa sẽ gia tăng viện trợ cho những quốc gia đang phát triển, và viện trợ này sẽ “không có điều kiện.” Philippines là một trong những nuớc hồ hởi với lời hứa trên của Bắc Kinh. Việt Nam, dĩ nhiên, cũng rất vui mừng. Tuy nhiên, người ta chưa quên những lời tuyên bố của Mao Trạch Đông như viện trợ không điều kiện, muốn trả cũng được, không trả cũng chẳng sao. Nhưng sau khi hòa bình vãn hồi, Bắc Kinh chỉ đòi cắt đất, cắt biển–và không từ nan sử dụng vũ lực để bảo vệ “vùng trời sinh tồn” tại miền biển Nam. Hiện nay, Hà Nội khá im tiếng về việc thảo luận Hiệp ước mới với Bắc Kinh về chủ quyền biển, hay tiến trình cắm trụ biên giới. Có dư luận chưa được kiểm chứng cho rằng sự từ chức hàng loạt của giới lãnh đạo Việt Nam khóa IX ít nhiều liên hệ đến việc cắt biển sắp tới cho Bắc Kinh.

Bắc Kinh cũng có những dị biệt với Mỹ về vấn đề chiến lược toàn vùng. Tại cửa ngõ chiến lược Đông Bắc, Bắc Kinh muốn duy trì Bắc Hàn như một quốc gia trái độn; không muốn thấy một Triều Tiên thống nhất, và cũng chống lại việc một Nhật Bản có vũ khí nguyên tử. Ngoài ra, còn vấn đề Đài Loan, Việt Nam, India.

B. Bắc Hàn và Iran:

Đây là lần đầu tiên Bush trực tiếp gặp mặt các lãnh tụ liên hệ từ khi Bắc Hàn loan báo đã thí nghiệm trái bom nguyên tử đầu tiên vào ngày 9/10/2006.

Trong buổi họp báo tại Vườn Hồng, Bạch Cung, ngày 11/10, Bush tuyên bố sẽ có những biện pháp trừng phạt nặng nề Bắc Hàn, nhưng nhấn mạnh rằng Mỹ không có ý định tấn công chế độ mà Bush từng gọi là “thuộc trục ác quỉ” này. Bush cũng tuyên bố vẫn chú trọng vào lãnh vực ngoại giao, nhưng sẽ giành quyền giúp các nước bạn trong vùng tự vệ.

Bush tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác quân sự với các nước bạn, kể cả việc tăng gia hỏa tiễn phòng vệ và tăng cường nỗ lực ngăn chặn Bình Nhưỡng [Pyongyang] nhập cảng hỏa tiễn cùng kỹ thuật nguyên tử.

Trong khi đó, TTK/LHQ Kofi Annan yêu cầu Mỹ nên đối thoại tay đôi với Bắc Hàn, một điều Mỹ từ chối bấy lâu.

Bush cũng bác bỏ những lời chỉ trích của phe Dân Chủ là không chú ý kịp thời đến tham vọng nguyên tử của Bắc Hàn, tuyên bố Bình Nhưỡng đã không chấp nhận một đề nghị của chính phủ Clinton năm 1994. Theo Bush, tất cả là do sự ương ngạnh của Kim Jong Il, Chủ tịch Bắc Hàn. (Houston Chronicle, Oct. 11, 2006)

Mối lo ngại nhất của Mỹ và các nước phương Tây là Bắc Hàn sẽ bí mật bán các kỹ thuật nguyên tử đến các quốc gia chủ trương khủng bố. Mặc dù chưa hẳn Bắc Hàn đã có được kỹ thuật chế tạo vỏ bom nguyên tử an toàn như Nhật, hay những biện pháp bảo toàn và cất chứa số lượng “rác nguyên tử”, nhưng với kỹ thuật hiện nay, Bắc Hàn có thể cung cấp cho các tập đoàn khủng bố kỹ thuật làm “dirty bomb,” với khả năng tiêu diệt cả kẻ sử dụng cũng như đối tượng thù nghịch.

Bởi thế, vấn đề Bắc Hàn là đề tài thảo luận hàng đầu tại Hà Nội. Bush thúc dục các nước Á Châu và Thái Bình Dương phải cứng rắn với Bắc Hàn và tuân thủ việc thực thi nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trong tháng qua. Ngày 16/11, Bush tuyên bố ở Singapore, “Việc Bắc Hàn chuyển giao vũ khí nguyên tử hay chất liệu cho những quốc gia hay tổ chức phi quốc gia sẽ bị coi như một mối đe dọa nặng nề với Mỹ và Mỹ sẽ bắt Bắc Hàn chịu hoàn toàn mọi hậu quả. Vì mục đích hòa bình, các nước trong khu vực phải cho Bắc Hàn biết rõ rằng việc chuyển giao kỹ thuật nguyên tử cho các chế độ thù nghịch và tổ chức khủng bố không thể tha thứ được.”

Thái độ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sau cuộc gặp Bush thật vui vẻ, trong khi Tổng thống Nam Hàn Roh Moo-hyun có vẻ lạnh nhạt, miễn cưỡng.

Ngày 6/11, sau khi gặp Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách chính trị vụ R. Nicholas Burns, Ngoại trưởng Nhật Taro Aso tuyên bố đồng ý một cuộc gặp tay năm–Mỹ, Nam Hàn, Nhật, Trung Hoa và Nga–tại Hà Nội để thảo luận về những biện pháp thực tiễn mà Bắc Hàn phải thực thi trong những cuộc thảo luận sắp tới. Trong khi đó Thứ trưởng Ngoại Giao đặc trách Kiểm Soát Vũ Khí và An Ninh Quốc Tế Robert Joseph, nhân chuyến thăm Tokyo, tuyên bố Nhật và Mỹ đồng ý về nhu cầu thực thi các biện pháp trừng phạt [sanctions] cho tới khi Bắc Hàn từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử.

Ngoại trưởng Nam Hàn, Ban Ki-moon–người sẽ lên chức Tổng thư ký LHQ trong năm 2007–đồng ý với Thủ tướng Nhật Abe và Ngoại trưởng Aso là cần áp lực Bình Nhưỡng với các biện pháp răn đe, nhưng vẫn mở cửa cho thương thuyết. Ban nỗ lực ngăn khuynh hướng đòi hỏi chính phủ Nhật có những kế hoạch trả đũa nguyên tử Bắc Hàn nếu cần. Theo Ban, luận cứ này không có lợi cho tương lai Nhật, một trong những thành viên quan trọng của LHQ và cũng là một cường quốc Á Châu. Thủ tướng Abe từng tuyên bố Nhật sẽ không nghiên cứu việc phát triển vũ khí nguyên tử, nhưng các lãnh tụ cao cấp trong đảng cầm quyền của ông đã kêu gọi thảo luận về đề tài này.

Tổng thống Roh đánh giá việc Bắc Hàn thí nghiệm bom nguyên tử như một hành vi điên rồ, chẳng mang lại gì hơn sự trừng phạt của quốc tế. Roh tuyên bố sẽ yểm trợ các biện pháp răn đe của quốc tế, nhưng không muốn thấy chiến tranh Nam-Bắc tái phát. Roh tuyên bố việc Bắc Hàn đồng ý trở lại hội nghị quốc tế chưa hẳn giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, Hán Thành [Seoul] sẽ tiếp tục hai kế hoạch kinh tế với miền Bắc, và sẽ không cắt đứt thương thuyết với Bình Nhưỡng, dù hai bên đã tạm ngưng nói chuyện từ tháng 7/2006.

Tóm lại, Roh–dù tán thành nguyên tắc và mục đích của Mỹ trong việc chặn xét các tàu ra vào Bắc Hàn–nhưng không muốn tham gia vào những cuộc hành quân này. Lập trường trên khiến người ta tự hỏi liệu Nam Hàn có đồng ý cho lực lượng tuần tiễu chặn xét tàu Bắc Hàn trên lãnh hải Nam Hàn?

Những biện pháp trừng phạt và khuyến khích Bắc Hàn có lẽ được thảo luận trong hai buổi họp mật giữa Bush và Hồ Cẩm Đào [Hu Jintao]. Tại cuộc gặp gỡ với Hồ, Bush nhấn mạnh: “Trung Hoa là một quốc gia rất quan trọng và LHQ tin tưởng một cách mãnh liệt rằng sự hợp tác của tất cả chúng ta sẽ giúp tìm ra giải pháp cho các cuộc tranh cãi như vấn đề Bắc Hàn và Iran.” Tuy nhiên, ngày 19/11, khi tiếp xúc báo chí tại một khách sạn do Nam Hàn làm chủ, Hồ không hề nhắc đến Bắc Hàn mà chỉ tuyên bố số xuất cảng của Mỹ vào Trung Hoa đã tăng 25%, và Trung Hoa sẽ tiếp tục phối hợp với Hải quân Mỹ trong các cuộc thao dượt cấp cứu.

Về việc trừng phạt Bắc Hàn, giữa các quốc gia tham dự vòng đàm phán 6 bên cũng như các thành viên thường trực của HĐBA/LHQ đã có sự thống nhất cao. Vấn đề còn lại là làm sao để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng qua biện pháp ngoại giao. Dù Bắc Hàn đồng ý trở lại bàn đàm phán (có thể diễn ra vào tháng tới) nhưng kết quả cuộc đàm phán đó tùy thuộc vào sự chuẩn bị của các nước tham dự. Cố vấn ANQG Mỹ Stephen J. Hadley nói rõ rằng “Bắc Hàn không thể trở lại chỉ để đàm phán,” mà phải chuẩn bị sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy sự đảm bảo về an ninh và viện trợ.

Trong một loạt những cuộc họp bí mật giữa Bush và lãnh tụ bốn nước liên hệ, Bush và cộng sự viên còn xa gần nhắc đến cái gọi là “phần thưởng mới [a new set of incentives] cho Bắc Hàn nếu Bình Nhưỡng chịu ngưng kế hoạch sản xuất bom nguyên tử. Ngoại trưởng Rice nhắc đến việc Bắc Hàn có thể được tham gia APEC trong tương lai. Một số viên chức cao cấp Mỹ còn đưa ra ý kiến Mỹ sẽ chính thức ký hiệp ước hòa bình với Bắc Hàn, và nhìn nhận chế độ Kim Jong-il. Điều kiện trao đổi là trong phiên họp 6 nước vào tháng tới, theo Cố vấn ANQG Hadley, Bắc Hàn phải chứng tỏ bằng “những bước cụ thể.” Tuy nhiên, Hadley không xác nhận hay phủ nhận ba đòi hỏi mà các viên chức Mỹ và Á Châu nhắc đến đóng cửa ngay lò nguyên tử [reactor] 5 megawatt, mà chất fuel có thể chế biến thành bom; việc đóng cửa một nhà máy sản xuất plutonium fuel; và đón nhận phái đoàn kiểm soát do Ủy Ban Nguyên Tử Quốc Tế [International Atomic Energy Commission, IAEC] cầm đầu. Các thanh tra của cơ quan này đã bị đuổi khỏi Bắc Hàn năm 2003.

Một trong những yêu sách của Bắc Hàn là Mỹ giải tỏa lệnh hạn chế hoạt động của Banco Delta Asia tại Macao, nguồn tài chính liên hệ với quốc tế của Bắc Hàn. Năm ngoái, Bush đã kết tội Banco Delta Asia giúp Bắc Hàn làm những việc phi pháp như chuyển tiền lậu và phân phối giấy 100 Mỹ kim giả do Bắc Hàn sản xuất. Bắc Hàn còn chống việc Nhật tham dự những cuộc thảo luận sắp tới.

C. Hợp Tác Chống Khủng Bố:

Tại Singapore, Bush trấn an các đồng minh Á Châu rằng Liên bang Mỹ vẫn còn là một đối tác đáng tin cậy trong nỗ lực mở rộng thương mại, đương đầu hiểm họa tham vọng nguyên tử của Bắc Hàn, và nhất là chống khủng bố quốc tế.

Trong diễn văn đọc tại Đại học Quốc Gia Singapore, Bush tuyên bố: “Chúng tôi nghe được những tiếng kêu gọi rút lui khỏi thế giới và tự đóng cửa. Đó là những nỗ lực đã cũ của chủ thuyết tự cô lập và tự đóng cửa, và nước Mỹ phải bác bỏ chúng.” Thế kỷ này chứng kiến những mối đe dọa như khủng bố, sự bành trướng kỹ thuật nguyên tử và tật bệnh, tất cả đều có khả năng tàn phá sự phồn thịnh của nước Mỹ và khiến tương lai trở nên đáng nghi hoặc. Chúng ta cần duy trì sự có mặt tại vùng Thái Bình Dương. Chúng ta phải có quyết tâm đương đầu những đe dọa chung và giúp những đối tác viên của chúng ta xây dựng những xã hội đầy hy vọng trong vùng đất sinh động này của thế giới.”

Một số tổ chức Islam quá khích ở Thái Lan, Malaya, Philippines và Indonesia dường không đồng ý. Nhiều cuộc biểu tình chống Bush diễn ra tại Indonesia, khiến chuyến ghé thăm ngày 21/11 của Bush phải tổ chức tại một địa điểm khá xa thủ đô Djakarta.

Tại Afghanistan [A Phú Hãn], tình hình không sáng suả như Bush mong đợi. Chính phủ Karmai, sau năm năm cầm quyền với sự trợ giúp tối đa của Mỹ và khối NATO, chỉ có tính chất biểu trưng. Các sứ quân và tàn dư Taliban khiến tình hình ngày thêm trầm trọng. Trong khi đó, Pakistan không dám cứng rắn với các tù trưởng phía Tây, giáp ranh Afghanistan.

Tuy nhiên, Bush là người khó lùi bước trước những khó khăn. Với tâm niệm cuộc chiến chống khủng bố quốc tế là một cuộc chiến cần thiết [a war of necessity], cho chính sự sinh tồn của Liên bang Mỹ, Bush sẽ có những biện pháp mới trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ thứ hai này.

D. Vấn đề Trung Đông:

1. Iran:

Vấn đề Iran cũng được đưa ra thảo luận giữa Mỹ và Nga. Ngày 15/11, trên đường bay từ Hawaii qua Singapore, phi cơ riêng của Bush đã đáp lại phi trường Mat-scơ-va để đổ nhiên liệu. Nhân dịp này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm xã giao Bush và thảo luận vài vấn đề thời sự. Trước hết, Bush thông báo hai bên sẽ ký hiệp định chấp thuận cho Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc Tế [WTO] tại Hà Nội ngày 19/11/2006. Vấn đề thứ hai là những biện pháp cần thiết đối với Iran, miền Trung Đông và vấn đề vũ khí nguyên tử. (Báo chí Nga dẫn lời phát ngôn viên Krem-li Alexei Gromov là Putin và Bush thảo luận vấn đề nguyên tử của Iran, tình hình Trung Đông và ngăn ngừa việc phổ biến kỹ thuật chế bom nguyên tư)Ư.

Cố vấn ANQG Mỹ Hadley cũng tiết lộ Bush và Putin “thảo luận một cách tổng quát về vấn đề phổ biến kỹ thuật chế bom nguyên tử” trong khi Hadley nói chuyện với Cố vấn ANQG Nga, Igor Ivanov, về nỗ lực tìm được thỏa thuận về một Nghị quyết mới của Liên Hiệp Quốc trong việc trừng phạt Iran.

Đại sứ Mỹ tại LHQ John Bolton cho biết Mỹ “gặp khó khăn với Nga trong việc đạt thỏa thuận về biện pháp trừng phạt Iran.”

Ngày 18/11, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov trình bày quan điểm về việc giải quyết các cuộc khủng hoảng hạt nhân: “Cộng đồng thế giới phải tuân thủ việc tiếp cận nghị quyết về các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên và chương trình hạt nhân của Iran một cách thật thận trọng–mạnh mẽ nhưng cần thận trọng. Nếu chúng ta đẩy tình hình vào chân tường, nguy cơ phổ biến hạt nhân sẽ tăng lên.” Phát biểu của Lavrov cho thấy Nga chưa thay đổi lập trường, kể cả việc không ủng hộ chính sách trừng phạt Iran. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa Mat-scơ-va và phương Tây.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Iran M. Ahmadinejad đã tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác với Bắc Hàn đồng thời thúc dục tiến trình giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Thông tin này được Hãng thông tấn quốc gia Iran tiết lộ ngày 17/11/2006.

Câu hỏi thường được đặt ra là thực chăng Iran muốn sản xuất bom nguyên tử, hay chỉ muốn đạt được một số nhiên liệu và kỹ thuật cần thiết, rồi sẽ sản xuất bom nguyên tử khi cơ hội thuận tiện, tương tự như trường hợp Nhật Bản.

Trong khi chờ đợi, Iran muốn hành xử như một cường quốc vùng Trung Đông. Liên kết với Syria, Iran tự biến thành một trung tâm xuất cảng cách mạng Islam khắp khu vực. Không những nuôi dưỡng các tổ chức khủng bố quốc tế dưới danh nghĩa “thánh chiến Islam,” Iran và Syria coi Israel [Do Thái] như đối thủ phải tận diệt. Liên bang Mỹ, đồng minh của Israel, biến thành một thứ “quỉ khổng lồ.” Nạn nhân trực tiếp của tham vọng Iran-Syria là Liban (Lebanon). Mặc dù chính phủ Liban vẫn hiện hữu, nhưng tổ chức Hezbollah thống trị miền Nam Liban, gây nên cuộc chiến 34 ngày mới đây–cuộc chiến lần đầu tiên Israel không chiến thắng rõ ràng về quân sự; và, dĩ nhiên, được diễn dịch thành chiến thắng của phe Islam quá khích, hiếu chiến.

Trong khi đó, tại Mỹ, bắt đầu có những mắt nhìn mới về Iran và Syria. Cựu Ngoại trưởng James Baker dưới thời George Bush (1889-1992) và 9 đại diện của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã đi đến kết luận rằng nên thử nghiệm việc đối thoại với Iran và Syria để tìm một giải pháp chính trị cho Iraq.

2. Iraq:

Cuộc chiến tại Iraq–đặc biệt là hiểm họa một cuộc nội chiến tại Iraq–cũng được nêu lên, nhưng Bush cùng các cố vấn tránh trả lời thẳng vào những câu hỏi của giới truyền thông đang trong cơn sốt so sánh–một cách phiến diện và đầy tư tâm–giữa Iraq và “vũng lầy Việt Nam.”

Trong bài diễn văn tại Đại học Quốc Gia Singapore ngày 16/11, Bush chỉ trích tinh thần “tự cô lập [neo-isolationism]” ở Mỹ, đưa đến những đòi hỏi phải giải quyết cuộc chiến Iraq càng sớm càng tốt. Khi được yêu cầu so sánh giữa bài học chiến tranh Việt Nam và Iraq, Bush cho rằng lỗi lầm của Mỹ tại Việt Nam là “không đủ kiên nhẫn và ý chí để chiến thắng.”

Khi một người Mỹ nêu lên câu hỏi “Làm cách nào giải quyết vấn đề sa lầy [quagmire] ở Iraq?” Ngoại trưởng Rice nhắc đến những đổi thay ở Nhật, Nam Hàn và Việt Nam–một điều vượt qua mọi sự tưởng tượng của người đương thời năm 1975–Rice kết luận: “Nếu người Iraq ra sức làm việc, với sự giúp đỡ của Mỹ, một ngày nào đó một Ngoại trưởng Mỹ sẽ đứng trên một diễn đàn tuyên bố: “Cách nào mà có thời người ta nghĩ dân Iraq không có khả năng dân chủ? Cách nào mà có người đã đặt vấn đề liệu tự do dân chủ có khả năng hiện hữu ở Trung Đông?” [Helene Cooper and David E. Sanger. “New U.S. incentives for North Korea;” The New York Times (19 Nov 2006)]

Bush cũng ra sức bảo vệ chính sách Iraq của mình, tuyên bố việc điều chỉnh chiến thuật phản ánh những điều kiện thực tế chiến trường. Theo Bush, quân Mỹ luôn luôn thay đổi chiến thuật. Bush cũng bác bỏ nguồn tin là đã có 655,000 người Iraq chết trong cuộc chiến. Trước đây, Bush đưa ra số thương vong của dân Iraq là 30,000 dân sự. (Houston Chronicle, Oct. 11, 2006)

Hiện nay, đang có 3 khuynh hướng để giải quyết vấn đề Iraq. Một là tăng quân Mỹ trong một thời gian để giúp chính phủ Iraq ổn định. Hai là triệt thoái quân từng đợt. Và, ba là triệt thoái. TNS John McCain, thuộc Đảng Cộng Hòa Arizona, người nuôi hy vọng tranh cử Tổng thống năm 2008 chủ trương cần tăng thêm quân Mỹ tại Iraq. Một số TNS Dân Chủ đề nghị nên triệt thoái. Lại có người muốn đưa ra dự luật động viên [draft] để có thể thích ứng với nhu cầu quân sự trong tương lai.

Kết Từ:

Dù được Việt Nam “nhiệt liệt hoan nghênh” hay chỉ “hoan nghênh,” chuyến đi của Tổng thống Bush đánh dấu nhiều điều đáng ghi nhớ.

Thứ nhất, lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ gặp mặt lãnh tụ cao cấp nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Có người cho rằng đó là một dấu hiệu “yếu thế” của Mỹ. Nhận định này quá hời hợt nếu chẳng phải thiếu hiểu biết chiến lược Á Châu của Bush. Chiến tranh lạnh đã chính thức chấm dứt từ năm 1991. Với Mỹ, Cộng Sản không còn là một đe dọa trực tiếp trên sự an nguy của Liên Bang Mỹ. Sự rạn nứt của khối QTCS trước ngày sụp đổ của Liên Bang Sô Viết Nga cho thấy trước kia các chiến lược gia Mỹ đã đánh giá quá cao tiềm năng của cái gọi là “cách mạng quốc tế vô sản.” Với những chuyên gia về Marxism hay Cộng Sản, các chế độ hiện nay ở Trung Hoa, Việt Nam hay Bắc Hàn khó thể gọi là Marxist hay Cộng Sản đúng nghĩa của chúng. Việt Nam chưa có được một nền công nghiệp phát triển, khả dĩ cung cấp đủ số lượng công nhân giác ngộ cho một cuộc cách mạng vô sản Marxist. Mãi tới năm 2020, Việt Nam mới hy vọng đạt được bước công nghiệp hóa cơ bản. Nói cách khác, Đảng Cộng Sản Việt Nam không là con thừa tự chân chính của Karl Marx, mà chỉ là một mô hình bắt chước và được bảo trợ bởi Nga Sô rồi Trung Cộng. Bởi thế, dù Nông Đức Mạnh khẳng định Việt Nam sẽ nhất quyết “tiến về xã hội chủ nghĩa,” Bush chẳng mấy quan tâm. Ngoài ra, hành động ngoại giao này chứng tỏ nước Mỹ giữ vững tôn chỉ không can thiệp vào nội tình Việt Nam, không áp đặt một thể chế chính trị nào trên dân tộc Việt Nam. Điều đó không có nghĩa Mỹ chấp nhận chủ thuyết Cộng Sản, từ bỏ chủ thuyết dân chủ hóa toàn cầu hay lập trường tôn trọng nhân và dân quyền của mình. Nhưng dân tộc các nước cần tự mình dân chủ hóa, và nước Mỹ chỉ có thể trợ giúp trong khả năng.

Thứ hai, chuyến đi của Bush tự nó mang một thông điệp cho nhân dân Việt Nam. Là Tổng thống một đại siêu cường–quyền lực nghiêng trời lệch đất–nhưng quyền uy của Bush chẳng phải vô biên. Chẳng hạn như Bush không thể mang đến cho Hà Nội một Thỏa ước Thương Mại Bình thường Vĩnh Viễn (PTNR) như đã hứa. Đây là nguyên tắc “kiểm soát và cân bằng” quyền lực hiến định của nước Mỹ–Quốc Hội (hay ngành Tư pháp) không phải là con dấu cao su của cơ quan Hành pháp hay Đảng cầm quyền tại các khu vực “đang phát triển.”

Thứ ba, chuyến đi lịch sử của Bush hy vọng mở ra một chương mới cho quan hệ quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là mối quan hệ Mỹ-Việt. Đã hơn 30 năm trôi qua sau ngày chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Thế giới không ngừng đổi thay. Tại Mỹ cũng như Việt Nam. Chủ trương “quên dĩ vãng, nhìn về tương lai” của Việt Nam là một quan niệm đứng đắn và cần thiết. Khoảng 40 phần trăm dân Việt hiện nay sinh sau ngày 30/4/1975 và chẳng có một ý niệm nào về cuộc nội chiến 1945-1975. Đành rằng với những người từng kinh qua những thảm kịch như “cắt cổ mổ bụng,” “mò tôm,” “diệt Việt Gian, phản động,” “tập trung thần thánh,” “tập trung tổ tiên,” “tập trung mồ mả,” “tiêu thổ kháng chiến,” “thuế nông nghiệp,” “thuế khả năng,” “đào tận gốc, trốc tận ngọn cường hào, địa chủ” hay phó thác tính mệnh mình và gia đình cho sóng to, gió bão cùng hải tặc Thái Lan, Malay, v.. v... từ 1945 tới 1989 không dễ để quên. Nhưng đời sống lạnh lùng buông trôi. Hiện tại và tương lai là của tuổi trẻ. Sự sinh tồn của đất nước và dân tộc không chỉ do những Tháp Chàm hay mồ mả, đền thờ–mà chính là hàng hàng, lớp lớp tuổi trẻ đã, đang và sẽ tiếp tục chào đời, lớn khôn lên, giải quyết những vấn nạn của thế hệ mình, trên những thước đất cũng không ngừng đổi thay gọi là quê cha, đất Tổ.

Khuynh hướng hoàn cầu hóa sẽ đòi hỏi mỗi người Việt không thể nâng niu, bám víu mãi vào dĩ vãng–dù tự cho là kỷ niệm vàng son hay khiến trạnh lòng hận tủi.

Đã đến lúc khởi đầu một mùa Xuân mới của dân tộc đất nước. Đã đến lúc thu góp can đảm nỗ lực quét dọn cho sạch sẽ dần những tà áo vu nghiễn của những học thuyết ngoại lai lỗi thời.

Houston, Lễ Tạ Ơn (23/11/2006)

Chính Đạo

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 10272)
(Xem: 10021)
(Xem: 9544)
(Xem: 9977)
(Xem: 10453)
(Xem: 9483)
(Xem: 10296)
(Xem: 10953)