- Thư Tòa Soạn 89
- Jean Baptiste Ngô Đình Diệm (1897 - 1963): Thời Kỳ Chưa Nắm Quyền, 1897-1954 (phần 2)
- Vũ Ngự Chiêu: Sự Hình Thành Phong Trào Quốc Gia Mới: Từ “trung Quân” Sang “ái Quốc”
- Nguyễn Phạm Hùng: Về Tính Thống Nhất Giữa Văn Học Triều Tây Sơn Và Văn Học Triều Nguyễn
- Mênh Mông Chật Chội, Chật Chội Mênh Mông
- Nguyễn Nam Trân: Văn Học Đại Chúng Nhật Bản Hiện Đại: Tiểu Thuyết Trinh Thám Và Khoa Học Giả Tưởng
- Nốt Chủ Âm - Kiino-to
- Thuyền Ai Thấp Thoáng
- Nguyễn Văn Lục: 20 Năm Triết Học Tây Phương Ở Miền Nam Việt Nam 1955 - 1975
- Tức Nước (trích Đoạn Tiểu Thuyết Bể Dâu)
- Câu Chuyện Văn Nghệ Đêm Giao Thừa Với Nhà Thơ Lê Đạt
- Mimơza (từ Tình Epphen Ii)
- Gió Lùa Qua Cửa
- Cuối Tháng
- Tình Chiều
- Đêm, Từng Mảnh...
- Chiếc Áo
- Người Ở Lại Toul Sleng
- Bắt Đầu Tháng Tư Rồi Đó Em
- Mắt Lệ
- Ngôi Sao Và Hạt Bụi
- Hoa Muộn - Bàn Chân Mẹ
- Mẹ
- Cái Chết Biện Minh
- Thơ Dư Thị Hoàn
- Bến Bờ Đợi Mong
- Vẫn Còn Xa Cách
- Dớp
- Thôi Đành Để Gió Cuốn Đi
- Yêu
- Khổ - Chỉ Vì
- Những Giấc Mơ
- Vắng Mặt
- Mùa Đang Mới
- Thơ Nguyễn Nam An
- Huỳnh Lê Nhật Tấn: Gió Núi
- Sáng Tạo Và Bệnh Tật
- Mạn Đàm Văn Học
- Phụ Trang
NGUYỄN VĂN LỤC |
Từ năm 1918 bắt đầu chấm dứt thi Hương. Nhưng mãi đến năm 1950 mới bắt đầu có kỳ thi tú tài 2, tiếng Việt. Có nghĩa là chỉ trong vòng 25 năm, môn triết Tây mới chính thức được giảng dạy ở Bắc và nhất là miền Nam VN.. Thời gian kể là ngắn. Vậy mà sức tác động và ảnh hưởng của nó trên giới thanh niên trí thức miền Nam thật lớn lao đến không ngờ được. Chúng tôi đã gặp lại bạn bè cùng trang lứa đều cảm thấy hãnh diện về điều ấy.
Bài viết này viết với tâm thành của một người trong cuộc nhìn lại mình, nhìn lại bạn bè, nhìn lại thế hệ mình, nhìn lại tầm ảnh hưởng những tư tưởng ấy trên mỗi cá nhân. Nó đã cuốn lốc theo cả một thế hệ như cơn lũ, kéo theo những bè mảng, những *ngộ nhận*, những *huyền thọai* từ nhiều phía, ngay cả những om sòm nếp sống chán chường buông thả. Nhưng nó cũng nâng lên tầm cao ý thức trách nhiệm, *dấn thân*, *nhập cuộc*, *lên đường* và đưa đến những quyết định chọn lựa, những thái độ trước thời cuộc của từng người.. Nó cũng ảnh hưởng trên những xu hướng chính trị, những xác lập về một thái độ cần phải có trước hiện tình đất nước như chống chiến tranh, khát vọng hòa bình, mong mỏi đất nước không còn chiến tranh, cho Cây rừng còn xanh lá. ( tựa đề sách của Nguyễn Ngọc Lan)
Đã có biết bao nhiêu đổi thay, biết bao ngã rẽ, chọn lựa, cảm thức về sự thành bại hay thất vọng, nhưng chúng tôi cảm thức được rằng chúng tôi đã nhận được từ một nền giáo dục ấy những hành trang cho tuổi trẻ lên đường. Chúng tôi hãnh diện về điều ấy. Bài viết sau đây muốn đi lại từ đầu về những vị đã đóng góp cho ngành triết học Tây Phương ở miền Nam Việt Nam, đồng thời nêu bật những đặc tính cũng như tinh thần giảng dạy của môn học này tác động trên giới trí thức thành thị như thế nào. Chúng tôi sẽ giải thích thế nào để chúng tôi có quyền hãnh diện. Và đó là mục đích chính của bài này.
1. Những người mở đường
Trong giai đoạn đầu tiên, vì thiếu người có bằng cấp chuyên môn về triết học nên việc giảng dạy hầu như do các linh mục ngoại quốc cũng như Việt Nam đảm nhận. Ở ngoài Bắc, vào những năm 1950-1952, có các linh mục Vũ Kim Điền, thường được gọi là Điền Rôma, Trần Văn Hiến Minh, Bửu Dưỡng, Đỗ Minh Hồng (Papineau) nhất là cha Đỗ Minh Vọng ( Cras ) 1
Giáo sư Trần Văn Hiến Minh sau đó đã di cư vào miền Nam, tiếp tục dạy triết những năm 1955 cho học sinh Trưng Vương và Chu Văn An. Giáo sư Bửu Dưỡng chỉ còn dạy ít giờ ở Viện Đại học Đàlạt. Trong sách : Các nhân vật ở Huế có bài viết riêng về giáo sư Bửu Dưỡng. Cha Papineau tiếp tục giảng dạy ở các trường trung học do các bà sơ đảm nhiệm như Couvent des oiseaux, Régina Pacis và sau hết dạy tại Viện Đại Học Đàlạt. Riêng cha Đỗ Minh Vọng đã là thầy dạy của rất nhiều thế hệ sinh viên từ Bắc vào Nam. Cha đã có công xây dựng, sáng lập clb Phục Hưng và trước tác về triết học. Cha cũng đứng về phía dân tộc VN chống lại người Pháp, và đã có thời kỳ, ngài đã không được phép quay trở lại Việt Nam2.
Hiện nay, tôi còn giữ được một số những bài viết của cha như các bài : Nhân vị trong tác phẩm Hồn bướm mơ tiên. Bài thuyết trình đã được cha Đỗ Minh Vọng viết bằng Tiếng Việt và thuyết trình vào năm 1956, tại Câu lạc bộ Phục Hưng Sàigòn. Trẻ già, hai thế hệ đối lập. Bài này đã được thuyết trình tại Đại Học Hè 1960. Đàlạt trong khuôn khổ chủ đề : Tìm hiểu người thanh niên VN ngày nay. De la mort d’un combattant Vietnamien (Bài này chứng tỏ cha yêu dân tộc VN như thế nào) những văn bản học tập chữ Nho và cuối cùng bài viết Khánh thành clb Phục Hưng năm 1940, ở Hànội viết bằng tiếng Pháp. Có lẽ đấy là clb sinh viên đầu tiên ở Việt Nam do cha Vọng sáng lập và sau này tiếp tục duy trì ở miền Nam Việt Nam3.
Ngoài Bắc lúc trước năm 1954, đặc biệt còn có Giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu dạy triết tại trường Trưng Vương.
Sau 1954, ở trong Nam có thêm các giáo sư Nguyễn Khắc Kham, Lữ Hồ, Phạm Mạnh Cương, Nguyễn Bá Cường, cha Trần Đức Huynh. Ngoài Nha trang có giáo sư Cung Giũ Nguyên. Ngoài Huế, cha Cao Văn Luận là giáo sư đầu tiên dạy triết tại trường Quốc Học. Tiếp theo đó có giáo sư Phạm Văn Hương, và sau thêm giáo sư Văn Đình Hy.
Trong giai đoạn khởi đầu này, cần phân biệt 3 thành phần giáo sư đã góp công sức trong việc giảng dạy triết học Trung Học. Thành phần thứ nhất chiếm đa số là các lm phần đông tốt nghiệp đại học ở ngoại quốc hoặc có đủ trình độ để giảng dạy như các lm Cao Văn Luận, Nguyễn Văn Lập, Đỗ Minh Vọng, Papineau, Bữu Dưỡngvv. Thành phần thứ hai là một số giáo sư không có tốt nghiệp đại học về ngành triết học.. nhưng vì nhu cầu giảng dạy lúc đầu đã đảm trách việc giảng dạy như các giáo sư Cung Giũ Nguyên, Phạm Văn Hương, Văn Đình Hy, Nguyễn Bá Cường, cụ Nguyễn Khắc Kham, Bùi Hữu Sủng. Mặc dầu vậy, không thiếu những quý vị đó sau này trở thành những nhà văn hoá của miền Nam như các giáo sư Nguyễn Khắc Kham, Cung Giũ Nguyên4, Bùi Hữu Sủng. Cả hai vị, giáo sư Nguyễn Khắc Kham và Cung Giũ Nguyên cho đến lúc này vẫn còn sống, mặc dầu rất cao tuổi, sắp sửa tiến tới con số trăm tuổi.
Việc giảng dạy lúc này còn có nhiều khó khăn vì danh từ triết học chưa có đủ để diễn tả những khái niệm triết học. Theo anh Phạm Mạnh Cương, sau này cũng là một nhạc sĩ, sáng tác bản Thu ca, năm 1953, lúc mới 19 tuổi, một trong những học trò đầu tiên của cha Cao Văn Luận ở Quốc Học Huế. Anh cho biết là nhiều khi vừa giảng dạy bằng tiếng Việt, cha vừa phải chêm tiếng Pháp. Nhưng có cái may mắn là học trò giai đoạn đó đều thông thạo Pháp ngữ cả.
Thành phần thứ ba, tương đối trẻ lúc đó là các giáo sư tốt nghiệp trường Sư phạm Cao Đẳng Đông Dương. Trường này chỉ có hai khoá, rồi sau đó bãi bỏ, vì có cuộc di cư từ Bắc vào miền Nam. Thật ra mà nói, các sinh viên thời kỳ này chỉ học có hai năm. Trong hai năm đó lại học đủ thứ như sử địa, văn học, triết học. Đó là những người như các anh Lữ Hồ, anh Phạm Mạnh Cương, khóa hai ra trường về dạy tại Mỹ Tho, sau đó đổi về dạy Pétrus Ký. Các giáo sư giảng dạy trong các lớp Cao đẳng sư phạm Đông Dương thì có Cha Cras, cha Bửu Dưỡng, cha Papineau và cha Nguyễn Văn Lập ( dạy ngữ học).
Để giải quyết tài liệu giáo khoa triết trong việc giảng dạy trong giai đoạn này thì cũng có một số giáo sư như Trần Văn Hiến Minh, Cao Văn Luận, Nguyễn Văn Khiết, Trần Đức Huynh và Phạm Mạnh Cương, Trần Bích Lan viết sách giáo khoa. Trong số đó, bộ sách giáo khoa của cha Cao Văn Luận được coi là bộ sách giáo khoa căn bản nhất, khá gọn, dễ hiểu và còn được học sinh dùng trong những năm sau này.
Những người đi mở đường đã hẳn là gặp nhiều khó khăn của thuở ban đầu. Cái khó khăn lớn nhất vẫn là trắc trở ngôn ngữ, làm sao chuyển dịch được những danh từ triết học sang tiếng Việt. Tỉ dụ các danh từ như thuộc tính, bản chất, bản tính, bản thể, hữu thể, hữu thể tính, tiềm thể, vô tính, hiện hữu, hiện sinh, hữu hạn, thực tại tính, thực tại tính khách thể, thực tại tính mô thể...
Và có thể nói việc học triết khởi đầu là biết đọc, hiểu được các thuộc tính của mỗi từ triết. Không nắm được ý của mỗi từ thì kể như không nắm được triết thuyết và nhất là hiểu sai lệch triết thuyết ấy
Nếu nói như thế thì cái công của cha Cao Văn Luận, Trần Văn Hiến Minh không phải là nhỏ đối với môn triết dạy ở trung học.. cũng như sau này của Nguyên Sa Trần Bích Lan, Vĩnh Đễ, Trần Đức An.
Có thể có một nhận xét chung là các vị thầy thời kỳ này đều là những vị thầy khả kính về đức độ, về nhân cách một người thầy và ý thức trách nhiệm của một người thày.
Tôi xin được phép ghi lại đây một vài hồi ức của anh Nguyễn Trọng Văn về thầy Gaultier chứng tỏ tinh thần học Triết Tây Phương lúc bấy giờ như thế nào. Trong kỳ thi concours vào ngành Đại Học Sư Phạm triết với đề thi : Triết học là một thái độ luôn luôn đi trên đường ( en route). Và vì thế, những câu hỏi thường quan trọng hơn những câu trả lời. Anh nghĩ gì về tư tưởng trên.
Tôi không biết anh Văn đã viết gì về đề tài trên. Chỉ biết rằng anh đã viết ngược với chiều hướng chung, đi ngược với quan điểm của phần lớn các triết gia hiện sinh thời bây giờ. Thầy Gaultier là người đã chấm bài của anh và đã cho anh đỗ cao. Nhưng trong giờ đầu tiên học thầy, thầy đã hỏi ai là người đã viết bài đó. Sau đó thầy cho biết anh viết như thế là không có một chút nào compatible giữa anh và tôi. Và bình thường tôi có quyền cho anh rớt. Nhưng tôi tôn trọng quan điểm của anh và cho anh đậu cao. Thái độ của ông thầy đã hẳn trở thành tấm gương cho sinh viên và sau này Nguyễn Trọng Văn đã trở thành một giáo sư Triết xuất sắc, đồng thời anh vẫn giữ thái độ, lối viết phê phán ngược dòng đối với nhiều vấn đề triết học.
Những cuốn danh từ triết học đầu tiên
Như đã nói ở trên. Học triết trước hết là học và hiểu danh từ triết học.. Không nắm được danh từ sẽ không nắm được tư tưởng của Triết gia. Vì thế, các giáo sư thời bấy giờ đã có một nỗ lực đáng kể là soạn ngay một bộ sách về danh từ triết học. Theo Cha Trần Văn Hiến Minh, trong lời mở đầu cuốn Từ Điển và Danh Từ Triết học, ngày 21 tháng 1, 1956 đã viết : Ngay từ năm 1952, xuất bản tại Hà nội cuốn Danh từ Triết Học do một nhóm Giáo sư dạy Triết Học trong một số trường công tư.. Mục đích của những người biên sọan ra nó là muốn đáp lại nhu cầu Việt hóa môn Triết Học, một môn quan trọng trong chương trình tú tài phần hai Việt Nam lúc đó vừa mới manh nha. Năm 1956, tại Sàigòn, nhóm họp Hội nghị thống nhất ngôn ngữ từ 5-9 tớỉ 10-9. Trong Hôi Nghị này được thiết lập một ban từ ngữ chuyên môn mà chúng tôi hân hạnh được bầu làm Trưởng Ban. Riêng chúng tôi giữ Tiểu Ban danh từ Triết Học và đã cống hiến độc giả một số danh từ làm mẫu in trong Đặc san về Hội nghị thống nhất ngôn ngữ tháng 11-1956 của Văn Hoá nguyệt san, số đặc biệt 16.. Năm 1959, một nhóm Giáo sư Đại Học Huế với sự hợp tác của nhiều nhân sĩ đã cho xuất bản cuốn Danh từ Triết Học mới để thay thế cuốn Danh Từ Triết Học 1952 đã không còn bán trên thị trường. Từ đó tới nay đã hơn 6 năm, sau bao nhiêu chờ đợi và lưỡng lự, chúng tôi đánh bạo xuất bản cuốn Từ Điển và Danh từ Triết học này, nhằm tiếp tục và bổ xung cho các cuốn trước...
Có một vài điều đáng tiếc trong lời nói mở đầu này. Cha Trần Văn Hiến Minh đã không cho biết tên các tác giả là ai đã có công làm bộ sách Danh từ Triết Học đầu tiên này vào năm 1952, tại Hànội. Tôi chỉ có hai cuốn sau, cuốn đầu tiên không có và có thể không còn ai có. Đến cuốn Danh từ Triết Học của Viện Đại Học Huế một lần nữa cũng hẹp hòi không ghi tên các tác giả đó. Thật ra họ là những người như Cao Văn Luận, Luật sư Đào Văn Tập, Giáo sư Nguyễn Văn Trung, Cha Xuân (Corpet) và ông Trần Văn Tuyên. Họ cũng muốn làm một bộ Tự Điển Triết Học như cuốn tự điển nổi tiếng Lalande. Nhưng bất hạnh là người chủ trương và bỏ tiền như ông Đào Văn Tập chẳng may mất. Thế là dự định soạn một bộ Bách khoa tự điển cũng tiêu tan theo.
Trong việc dịch danh từ Triết học thì vấn đề quan trọng không phải là dịch danh từ mà là giải và định nghĩa danh từ. Thật vậy, chẳng hạn chữ Philosophie existentialiste của Sartre đã khác với chữ Philosophie exixtentielle của Gabriel Marcel và Karl Jaspers và cũng khác với Philosophie existentiale của Heideigger.
Có những chữ đã được dịch tùy tiện, thử nghiệm, thăm dò hoặc như một đề nghị như từ Aliénation, extranéation và extéorisation. Và đã có nhiều cách để dịch từ đó. Có người như Trần Đức Thảo trong cuốn Triết lý đi đến đâu dịch là phóng khí. Chữ Phóng khí sau đó đã được nhiều giáo sư dùng theo. Nhưng chỉ một thời gian khi cuốn Danh từ Triết học của nhóm Cao Văn Luận dịch là phóng thể (Hégel)5, . Chữ phóng khí gần như không được ai dùng nữa. Trần Văn Hiến Minh cũng dùng chữ Phóng thể. Nhưng kèm theo đó, ông nói có người dùng chữ Vong Thân. Một số bài viết của Nguyễn Văn Trung đôi khi lại dùng chữ con người bị tha hoá. Và đến Trần Văn Toàn trong cuốn Tìm hiểu Triết Học của Karl Marx, ông đã dành hẳn chương hai, từ trang 58 đến trang 122 để chọn dịch là Vong Thân. Tôi dành trọn vinh dự này cho Trần Văn Toàn. Chữ Vong Thân của Trần Văn Toàn sau này được dùng nhiều hơn như Vong thân trong Cần lao, Vong Thân trong Chính trị, hay ý thức về Vong Thân. Từ đó diễn giải ra người nô lệ vong thân, người dân bị trị vong thân, người cùng khổ, kẻ làm đầy tớ vong thân, cô gái điếm cũng là vong thân v.v...
Và chữ Vong Thân trở thành một từ quen thuộc đến không còn ai thắc mắc về ngữ nghĩa của nó nữa.
Phải nhận rằng trong sách Tự điển và danh từ Triết học của Trần Văn Hiến Minh đã khá hơn, đầy đủ hơn vì đã khai triển thêm các từ được dùng trong Triết học Cổ, Triết Học kinh viện, triết học cận và hiện đại, cộng thêm các danh từ triết học Đông Phương trong tam giáo: Phật, Lão, Khổng.
Nhưng kể từ sau cuốn Tự điển và danh từ Triết học của Trần Văn Hiến Minh.. đã không còn có cuốn nào khác bổ xung cho đến 1975.
2. Những giáo sư triết đại học tiêu biểu.
Những vị giáo sư Triết tiên khởi chưa thực sự có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt triết học Tây Phương ở miền Nam. Cùng lắm ảnh hưởng của họ giới hạn trong các học sinh thi tú tài hai và khuôn viên đại học. Chưa có ảnh hưởng rõ nét trong sinh hoạt văn học như trong tiểu thuyết, trong nếp sống, nếp nghĩ, nếp hành động của giới thanh niên trí thức..
Đó là điểm khác biệt then chốt giữa hai thời kỳ.. Giữa triết học và đời sống thực tế có ranh giới rạch ròi. Triết lý chỉ là lý thuyết, suy tưởng. Cuộc đời là một thực tế mà triết lý đôi khi trở thành vô bổ theo nghĩa Primum vivere. Phải đợi đến một lớp giáo sư trẻ từ ngoại quốc mới về, phần lớn là từ Pháp, Bỉ hay Thụy Sĩ, sau 1954 mới thực sự gây được một bầu khí sinh hoạt triết, gây thành một phong trào triết mà chủ yếu là triết hiện sinh. Không hẳn là họ giỏi, dù thực tế họ giỏi, nhưng chắc chắn tầm nhìn và tầm hiểu biết không như trước nữa. Đã có cái gì vượt qua chính các bậc tiền bối. Đọc lại bài Nhân vị trong Hồn bướm mơ tiên của cha Vọng thấy có chút gì ngây ngô, đôi chút buồn cười. Bài Già và trẻ : hai thế giới đối lập thì xưa quá rồi.
Nếu các giáo sư trẻ này gây được tiếng vang gì, chính bởi vì họ đang truyền bá một thứ triết học nổi bật nhất thế kỷ 20. Đến có thể nói, nhờ triết lý hiện sinh đã làm nên thân phận họ. Như Trần Thái Đỉnh, trong lời nói đầu cuốn Triết học hiện sinh ông viết : * Âu Châu đã trải qua những năm sinh hoạt triết học trầm trầm và buồn tẻ. Triết học hiện sinh đã xuất hiện rầm rộ, gần như tiếng sóng vang động cả trời đất, lay động xã hội Tây phương cách mạnh mẽ như chưa từng thấy trong lịch sử... Điểm son của nó là đã tạo nên được cả một phong trào rộng lớn và sôi nổi trong giới văn học 6.
A. Nguyễn Văn Trung, người gây một phong trào triết lý hiện sinh kéo theo một thế hệ giới trẻ với đám con hoang trong triết học và văn học.
Miền Nam lúc bấy giờ có khá nhiều giáo sư triết dạy đại học. Tuy nhiên có những người chỉ có ảnh hưởng giới hạn trong giới Sinh Viên như Lê Tôn Nghiêm, Thân VănTường hoặc có ảnh hưởng một phần vừa trong giới sinh viên, một phần ngoài đại học vì họ có các bài báo, hoặc sách in như Trần Văn Toàn, Trần Thái Đỉnh. Có những người khác thì hầu như chẳng có ảnh hưởng gì ngay trong giới Sinh Viên của mình như Lê Thành Trị, Lâm Ngọc Huỳnh. Hoặc ít viết về triết học, nhưng ngược lại, qua những bài báo, tham luận về chính trị, xã hội lại có ảnh hưởng khá lớn đối với nhiều giới như thanh niên, trí thức. Đó là trường hợp Lý Chánh Trung.
Nhưng Nguyễn Văn Trung là trường hợp đặc biệt. Sau đây, chúng tôi chỉ xin dẫn chứng ý kiến của anh Nguyễn Trọng Văn coi như tiêu biểu trong một bài viết gây chấn động và gây tiếng vang thời đó. Anh có hai bài viết nổi cộm thời đó vì đụng đến những nhân vật tiêu biểu trong giới văn học là bài : Phạm Duy đã chết và bài đăng trên Bách Khoa, số 264, ngày 1-1-1968 nhan đề : Những người con hoang của Nguyễn Văn Trung.
Trong đó Nguyễn Trọng Văn nhận định rằng :*Ông Trung là người có công trong việc giới thiệu những trào lưu tư tưởng mới của Tây Phương... Ông trình bày một cách gọn gàng, mạch lạc. Những triết học hiện sinh, những danh từ có tính cách văn nghệ, triết lý dần được du nhập và phổ biến. Những Hiện tượng luận, đối thoại, tha nhân, phản kháng, vong thân, ngụy tín, huyền thoại, thông cảm, những Alain Robbe Grillet, Nathalie Sarraute, Michel Butor, Sartre, Camus... đã được Nguyễn Văn Trung trình bày hàng chục năm trước trong Sáng Tạo, Bách Khoa, Thông Cảm, Thế Kỷ 20 7 .
Nguyễn Trọng Văn viết tiếp :* Dù muốn dù không, ai cũng phải nhìn nhận rằng có những tư tưởng, những danh từ và những cách lập luận mà trước ông không ai dùng đến, nhưng sau ông thì người ta dần dần quen biết và nhắc tới (tính cách quyến rũ và ám ảnh của hiện tượng luận, tính cách thú vị bất ngờ của vấn đề huyền thoại, cách thức lý luận về vấn đề cách mạng xã hội).
Theo như Nguyễn Trọng Văn ảnh hưởng của Nguyễn Văn Trung trên giới trẻ có thể là ảnh hưởng thuận chiều, hay chống đối, ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp, ảnh hưởng ngay cả trên bình diện triết lý chính trị. Không thiếu người người trân trọng và cũng không thiếu người đố kỵ.
Theo Nguyễn Trọng Văn, cách trình bày dễ hiểu, cách đặt vấn đề, cách tra vấn, khả năng thuyết phục cao đã đặt giới trẻ vào tâm thức tra vấn, thức tỉnh, xao xuyến. Đồng thuận hay phản đối là quyền của họ, nhưng ảnh hưởng vẫn là ảnh hưởng, trong đó có ảnh hưởng lật ngược cũng là đích nhắm của NVT. Chẳng hạn, Nguyễn Trọng Văn đã dẫn chứng có những người chịu ảnh hưởng trực tiếp như Trần Văn Nam trong tập thơ của anh. Hay trong bài viết : Văn chương tìm về viễn mơ hay hiện thực. Trần Nhật Tân với : Mơ về Mỹ thể. Nguyễn Văn Bảy với bài viết : Phê bình quan điểm cách mạng xã hội của hai ông Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung. Báo Sinh viên, số 6. Tạp chí sinh viên các số 3,5 và 6 với quan điểm : Hiện tượng hủ hoá của Sinh viên, những ảo tưởng của đàn anh cùng phê bình quan điểm cách mạng xã hội của ông Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung. Trần Văn Hảo với : Những ảo tưởng của đàn anh, SV, số 5. Nam Trung với : Con đường cách mạng xã hội. Trách Nhiệm, số 3. Nguyễn Đăng Trừng với Một nền tảng phù hợp cho chế độ chính trị tại Việt Nam, Văn Học số 75, trang 9. Tiếp theo, có thể là những ảnh hưởng gián tiếp của một số trí thức, nhà văn.. Thế Uyên với Nghĩ trong một xã hội tan rã . Nguyễn Khắc Hoạch với Đi vào đoạn đường hôm nay. Thế kỷ 20, số 1, tháng 7-1960. Lữ Phương với Mấy vấn đề văn nghệ, xb Trình bày 1967, trg 140,141.
Cộng vào đó, có những ảnh hưởng theo đuôi, bắt chuớc, làm dáng trí thức đã đưa đến chỗ Nguyễn Trọng Văn gọi đó là : Những người con hoang của Nguyễn Văn Trung. Nguyễn Trọng Văn viết :* Chính những sinh viên chịu khó đi học và học bài, 100 người đã chắc gì 10 người hiểu được tới nơi, tới chốn Dasein, Hư vô, dự phóng, Ngụy tín, Hiện hữu.. là gì, nhưng khi họ viết văn thì làm như mình đã hiểu hết, đã nắm mọi vấn đề. Họ dùng chữ một cách chát chúa để vượt mặt người khác và chính họ, coi việc làm dáng là làm văn nghệ, là sáng tác đích thực.*.
Nói cho cùng, ảnh hưởng của triết lý hiện sinh qua cách trình bày gợi hứng của Nguyễn Văn Trung, qua những giới thiệu tư tưởng của Sartre theo tiến trình Sartre - Nguyễn Văn Trung- giới trí thức trẻ đã tạo ra những sản phẩm có thể quá tải, có thể là bắt chước, làm dáng trí thức như những nhận xét như kết án của Nguyễn Trọng Văn trong các thành phần xã hội sau đây. Cách đánh giá của Nguyễn Trọng Văn có thể đã từ một góc độ nhìn chính trị từ một quan điểm cách mạng xã hội theo hướng chủ nghĩa Mác Xít. Có thiên lệch không? Phần chúng tôi, đã nhìn lại trong một chừng mực có thể chấp nhận được ảnh hưởng qua lại, có phần của Nguyễn Văn Trung như gợi hướng, mở đường thôi. Phần còn lại, có thể là ảnh hưởng trực tiếp từ các trí thức miền Nam đã đọc thẳng tài liệu từ các triết gia hiện sinh bằng ngoại ngữ.
a. Trong giới giáo sư dạy triết
Trong giới giáo sư thời đó, thế hệ thứ hai với những người như Đặng Phùng Quân, Nguyễn Quốc Trụ, Huỳnh Phan Anh, Trần Nhựt Tân, Trần Văn Nam.. Phải chăng họ cũng là những người mang những thông điệp của của triết lý Hiện sinh vào Việt Nam? Và kết quả họ đã đạt được gì?
Và hầu như tất cả các luận án cao học Triết thời đó đều đề cập đến các Triết gia Hiện sinh. Nhưng cũng đặc biệt chỉ có một luận án Triết của những người trong số họ đề cập đến Triết Hiện Sinh của Sartre? Làm sao cắt nghĩa được điều này?
Sau đây là một số luận án: Mối liên hệ người với người trong triết học G. Marcel. Nguyễn văn Phiên. L’existence d’autrui et la fidélié dans l’oeuvre de G. Marcel.Đặng Phùng Quân. Từ Hiện tượng luận Husserl đến Hiện tượng luận Heidegger. Trần công Tiến. Vấn đề thân xác trong triết học Merleau Ponty. Nguyễn Học Sĩ.. vvv
Huỳnh Phan Anh viết Văn chương và kinh nghiệm hư vô. Nguyễn quốc Trụ viết Văn chương và sự khả hữu. Văn chương với Simone de Beauvoir của Đặng Phùng Quân. Viết về J.P sartre của Huỳnh Phan Anh. Simone de Beauvoir và những hình ảnh đẹp của Huỳnh Phan Anh. Hành trình của S. de Beauvoir của Huỳnh Phan Anh. Nguyễn Nhật Duật với Kinh nghiệm và vực thẳm. Trần Nhựt Tân với Đi tìm hiện hữu hay quyên sinh. Văn chương viễn mơ với Trần Nhựt Tân, Trần Văn Nam.
Đã có bao nhiêu độc giả đã đọc họ và đã có bao nhiêu người hiểu họ? Tôi chỉ có thể hỏi mà không đủ tư cách để trả lời thay cho những người khác. Sự trình bầy khó hiểu và đôi khi khúc mắc đến tối tăm lại là dấu tỏ một sự hiểu biết ngoại hạng và một sự ưu vượt tài trí hơn người.. Họ đẩy người đọc vào tâm trạng cảm thấy một mặc cảm thấp kém của mình khi đọc những bài viết như thế.. Không ai dám truy vấn chính mình đến ngọn nguồn về trình độ đọc sách và truy vấn người viết về khả năng hiểu biết và diễn đạt? Người đọc không lẽ mang cái dốt của mình làm thước đo người khác? Người viết tự đồng hóa mình vào sự hiểu biết mà không cần biết người đọc hiểu được bao nhiêu? Nếu người đọc không hiểu thì phần lỗi về họ. Phải chăng những trí thức trẻ trên đúng là những kẻ truyền thừa của Sartre và cái triết lý ấy? Nguyễn Trọng Văn đã nhấn mạnh tới điểm này, nói tới một hình thái theo đuôi, bắt chước, thời thượng? Phê phán như thế có oan cho họ không? Với thiện chí của người trẻ, người trí thức, cố gắng đeo đuổi nghiên cứu triết lý Hiện sinh, họ bị xếp ngang hàng với những cậu choai choai Hippie? Thế nào là thời thượng, thế nào là không thời thượng? Thế nào là theo đuôi, thế nào là học hỏi, cầu tiến? Phải nhìn nhận như Nguyễn Trọng Văn là thế hệ những người trẻ thế hệ thứ hai đã không đóng nổi vai trò tiếp nối của lớp đàn anh. Không kế thừa và triển khai được những gì mà lớp đàn anh đã làm. Phải chăng chính vì triết học hiện sinh đã đi vào thoái trào? Hay là đã không còn gì để nói nữa, nói đến nhàm chán rồi. Những bài viết của Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Quốc Trụ, Trần Nhựt Tân, Trần Văn Nam, Đặng Phùng Quân không đạt được những điều mà giới độc giả trông đợi ở họ như Nguyễn Trọng Văn đã nhận xét trong bài* Những con hoang của Nguyễn Văn Trung*. Và cho đến bây giờ, điều đó vẫn là sự thực khó lòng biện minh... Nhận xét như thế này, có thể các anh có thể giận và bực bội. Giận thì tôi đành chịu. Ngay cả một số anh chị ra nước ngoài, ít lắm là có khoảng 10 người có điều kiện học lại, có bằng tiến sĩ cũng vẫn không đảm đương nổi vai trò tiếp nối. Chưa có một cuốn sách triết học nào được xuất bản có tầm cở và có ảnh hưởng đáng kể. Chưa có một cuốn sách nào giới thiệu trào lưu tư tưởng triết học cho đến nơi đến chốn. Chưa có một nghiên cứu chuyên sâu vào một triết gia nào. Và sau 30 năm mới có cuốn sách dịch Phê phán lý tính thuần túy của Kant, do Bùi văn Nam Sơn dịch. Trừ phần Triết đông, đã có một số người viết thành đạt. Có cuốn được in ra cũng không ai hiểu viết gì. Không ai đọc nổi... Điều này phải cắt nghĩa thế nào?
b. Trong phê bình văn học.
Trong nghiên cứu văn chương, người ta cũng đọc thấy những đề tài như: Chinh phụ ngâm với tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đầy. Lê Tuyên. Nguyễn Công Trứ với cảm thức Hư vô. Tản Đà với khát vọng vĩnh Cửu. Thời gian Hiện Sinh trong Đọan Trường Tân Thanh của Lê Tuyên. Gặp gỡ giữa Ôn Như Hầu và Camus của Đặng Tiến ( tôi chưa được đọc). Những tiếp cận như thế là một cố gắng đào sâu các tác giả VN bằng cách so sánh với các tác giả ngoại quốc. Cố gắng đó có đạt được điều mà chúng ta mong muốn. Hay chỉ là gán ghép gượng ép. Chưa thể có được một tiêu chuẩn xác minh chứng thực. Nhưng phải nhìn nhận những thiện chí ấy.
Tự nhiên Chinh phụ ngâm, Nguyễn Công Trứ, Tản Đà trở thành những triết gia bất đắc dĩ. Điều mà trước đây không ai đã có cơ hội truy cứu xem Tản Đà chỉ khát rượu, khát bạn, khát làm thơ ngông nay có thêm khát vọng vĩnh cửu? Cái hư vô của Nguyễn Công Trứ là cái gì? Có phải là một cảm nghiệm siêu hình giữa hữu hạn và vô hạn? Giữa có và không? Giữa Hữu Thể và Tuyệt Đối Thể? Hay chỉ là một cảm giác chênh vênh bên bờ, một chân gác bên này của Hữu Thể, chân kia chạm phải Hư Vô? Hay chỉ là ý thức về cái yếu đuối của cuộc nhân sinh, của tuổi xế chiều? Hay là một một xao xuyến trước cái mong manh của thời gian với cái Vĩnh Hằng? Đã có rất nhiều nhà văn ở tuổi già mơ hồ cảm được cõi người và cõi bên kia, cái hiện hữu khô trồi và cái mù khơi xa vời vợi? Từ một lúc nào đó nhận thấy hình hài ta là cát bụi, ta là có đấy rồi không đấy, là thực thể đang đối đầu với cái vô minh hay cõi chân không? Không biết bao nhiêu ngữ từ và cách thế diễn đạt về vấn đề này.
Có thể có rất nhiều điều mà cả hai phía, Đông và Tây cùng một một cảm thức, nhưng ngôn từ diễn đạt làm ta có cảm tưởng họ khác biệt, xa nhau. Phải chăng vì thế, nay nó trở thành một khám phá trong văn học? Từ cảm thức người thiếu phụ ngồi bên song cửa chờ đợi trong sự bất lực trở thành người đàn bà mang cảm thức lưu đầy.. Tâm trạng đó có thực chứng được không? Có cái gì vượt quá nhãn thức của người đàn bà? Có cái gì là gán ghép, ép uổng không? Hiện thực văn chương và phẩm bình văn chương có một chuẩn độ chung nào cho phép đi quá cái dự phóng của chính tác giả? Cứ như thế, các tác phẩm văn chương ở mức độ bình thường của người dân giả bỗng chốc mang vóc dáng người khổng lồ, được nâng cấp thành những tác phẩm lớn với tầm nhận thức và suy tưởng vượt xa tầm nhìn của chính tác giả. Phải chăng, phê bình trở thành một sự sáng tạo lần thứ hai? Lại còn vấn đề phóng chiếu cái quan điểm, cái nhìn hiện sinh vào nhân vật truyện như thể triết thuyết Hiện Sinh đã có từ rất lâu trong Văn Học Việt Nam? Cách này cách khác, người ta có thể tìm thấy bóng dáng cái triết lý ấy trong Nguyễn Công Trứ, Tản Đà và ngay cả Nguyễn Du nữa. Nếu cứ như thế thì tại sao người ta lại không thể tìm thấy triết lý đó nơi câu chuyện Thằng Cuội. Ai cấm chú Cuội một lúc nào đó tự hỏi tại sao mình lại ngồi gốc cây đa? Mà ngồi làm gì mới được chứ? Có phi lý không? Đến một lúc nào đó, Cuội sẽ đặt câu hỏi căn cơ và rốt ráo, câu hỏi cuối cùng của mọi câu hỏi là cuộc đời có đáng chán hay không đáng chán. Nếu cứ ngồi mãi ở gốc cây đa như thế này? Để chờ? Chờ cái gì mới được? Chờ bao lâu?.
Những bài viết này phóng chiếu cái nhìn Hiện sinh vào những cảnh đời thường đến làm chúng ta ngạc nhiên tự hỏi đó chỉ là sản phẩm từ J.P Sartre không ?
c. Trong giới Phật giáo.
Đến Phật giáo, Lão giáo cũng nhập cuộc. Người ta đọc được khá nhiều bài dùng kính chiếu Hiện sinh vào Phật Lão. Có những bài như Vào đạo Phật qua lối ngõ của J.P. Sartre hay : Từ lăng kính Nho, Phật, Lão đến lăng kính Hiện Tượng Luận. Tam Ích. Phật Giáo và chủ nghĩa Hiện Sinh.. Quang Minh. Từ Biện chứng Hiện sinh đến Biện chứng tương quan Tuệ Sĩ . Tác phẩm La nausée dưới con mắt Phật tử. Vấn đề giải thoát con người trong Phật Giáo và tư tưởng J.P. Sartre. Heidegger, Jaspers và bối cảnh Phật Lão Trang. Tam Ích. Tự Do hay Đau Khổ. Triết lý Ấn Độ dưới mắt các triết gia Hiện sinh. Tác phẩm La nausée dưới con mắt Phật Tử. Vào đạo phật qua lối ngõ Phật giáo. Thích đức Nhuận. Vị trí của vô thể của Heideigger trong tư tưởng Đại thừa. Ngô Trọng Anh. Trầm tư về cái chết trong tư tưởng Heideigger và Phật giáo. Chơn Hạnh.
Với rất nhiều bài viết như thế, người ta nghĩ một cách nghiêm chỉnh phải chăng có một cái diểm Oméga, điểm hội tụ nào giữa Triết lý Hiện sinh và triết lý Phật, Lão Trang.. Những quan niệm về thời gian, về tự do, về đau khổ, về ý nghĩa cuộc đời có cái gì có thể chia sẻ được, so sánh được hoặc trùng hợp giữa hai triết thuyết? Những người viết về những vấn đề này đã hẳn có suy nghĩ cẩn trọng và đã tìm ra được yếu tính chung của hai phía.
Một dạo nét sơ thảo lịch sử tư tưởng con người cho thấy có thể có có những tiếp cận, những trao đổi giữa các triết thuyết. Sự tiếp cận của Phật Giáo đối với triết thuyết Hiện Sinh như bước thăm dò đã đi đến đâu? Đã đem lại được giải pháp hay tín hiệu gì? Không ai trả lời được câu hỏi đó. Chỉ biết sau này, ít còn ai đặt mối quan hệ giữa triết Hiện Sinh và Triết lý Phật giáo.
d. Trong giới công giáo
Có một số dư luận cũng như một số người có thói quen cho rằng chính giới công giáo cổ võ và truyền bá triết thuyết hiện sinh. Đó là một ngộ nhận thô thiển. Có thể có một vài giáo sư gốc công giáo đã có công trình bầy triết thuyết đó. Nhưng giới thẩm quyền công giáo thì chống kịch liệt triết thuyết này. Sự ngộ nhận đó thấy rõ rệt trên Giao Điểm số tháng 8, năm 2004 có cho đăng bài của Đào Trung Đạo nhằm phê phán bài viết của tôi. Tôi cũng lấy làm buồn vì ông chủ báo cũng trong chỗ quen biết mà tôi cũng có bài cộng tác... Ông đã cố tình không cho đăng bài của tôi, chỉ đăng bài phê bình... Ông chủ bút trong lời mở đầu đã ám chỉ xa gần đến vấn đề đó.
Phải nói giới công giáo có một ảnh hưởng dội ngược, đối đầu.. Làm sao, giới thẩm quyền công giáo ở Việt Nam có thể chấp nhận một chủ thuyết hiện sinh vô thần? Cho nên, những ai muốn gán ghép triết thuyết Hiện sinh vô thần với công giáo quả thực là một gán ghép thiếu luận chứng.
Tại Pháp, có các triết gia hữu thần như Mounier, G. Marcel, thuộc cánh hữu, lập ra một trường phái Hiện sinh Hữu Thần với tờ Esprit làm cơ sở hoạt động.. Thay vì chê trách, phê phán cánh tả hay triết lý hiện sinh vô thần, họ đề ra đường lối Hiện hữu với tha nhân, tương giao con người, huyền niệm, tình yêu và sự trung thành. Nhưng tiếng nói của họ không đủ mạnh và thuyết phục. Tại Việt Nam, công giáo cũng đi theo đường lối đó. Chủ nghĩa nhân vị ra đời mà mục đích là cho những mưu cầu chính trị không nhằm đối đầu với chủ nghĩa Hiện sinh vô thần mà để đối đầu với chủ nghĩa Cộng Sản miền Bắc. Còn đối với chủ nghĩa Hiện sinh ở trong miền Nam, họ phê phán , công kích thậm tệ nhóm Hiện sinh kiểu Sartre.
Công giáo bảo thủ nhập cuộc bằng cách: hạ bệ và nguyền rủa thứ triết lý này. Đại loại có những bài sau đây như : Chúng tôi tố cáo mầm phản loạn trong Văn Nghệ. Lại một trạng thái cuồng loạn phơi bầy trong tiểu thuyết .Chúng tôi cực lực phản đối cái thuyết dã thú hóa ra con người của ông Thạch Chương. Tiểu thuyết Nguyễn thị Hoàng, sự buôn lậu tư tưởng trong một con bịnh dân thành phố
Đấy là những bài viết nhằm phê phán triết học ấy ở bình diện luân lý. Họ không nhằm phê phán triết Hiện Sinh của Sartre, họ chỉ nhằm phê phán những sản phẩm xã hội mà họ nghi ngờ là từ Sartre mà ra... Những sản phẩm được coi là những đứa con hoang của Sartre... Cho dù theo hay không theo, phải chăng cũng là sản phẩm của Sartre?
e. Trong lĩnh vực chính trị.
Hết văn chương, tôn giáo lại thêm chính trị nhập cuộc. Những người anh em theo phía bên kia nay chửi thứ triết lý Hiện sinh với ẩn ý chính trị với Lữ Phương( Lữ Phương ở thời điểm đầu 75, không phải là Lữ Phương bây giờ)., Khải Triều.. Chẳng hạn, Đọc các tác phẩm của Chu Tử. Hiện tượng dâm ô, đồi trụy trong Văn học hiện nay. Từ Văn Hóa cải lương đến văn chương đồi trụy và thứ cần sa của ngoại bang. Họ phê phán những sản phẩm xã hội đồi trụy cho những mưu cầu chính trị. Đã hẳn những bài viết như thế thì không cần đòi hỏi bất cứ một chút kiến thức nào về chủ nghĩa Hiện sinh cả. (phần bài viết này trích lại trong bài: Về những người con hoang của JP Sartre của chính tác giả)
Và để kết luận về phần nhận định, đánh giá về Nguyễn Văn Trung. Xin trích nhận xét của Nguyễn Trọng Văn như phần kết:*Có nhiều người cho rằng uy tín văn hóa của ông Trung là do giọng văn sáng sủa, mạch lạc cùng những tư tưởng tiến bộ mới mẻ của Âu Tây mà ông đã có công đem vào Việt Nam. Nhận xét như vậy không phải là sai lầm, nhưng chưa nói được điều đáng nói vì có nhiều người viết sáng sủa mạch lạc, mặt khác mọi tư tưởng mới mẻ của Tây Phương chưa hẳn đã là tiến bộ đáng bắt chước. Thật ra uy tín của ông là ở tính cách biện chứng của tư tưởng.. nó thể hiện bằng ý chí muốn cọ sát tư tưởng với thực tế, muốn vượt mớ kiến thức thông ngôn để bắt đầu lại từ hoàn cảnh của Đất nước. So với Nhận Định 1, Nhận Định 2 thì Nhận Định 4, chủ nghĩa thực dân, ca tụng thân xác.. là những bước tiến rõ rệt. Chính vì vậy, dù có một thời kỳ đã từng là con hoang của văn nghệ và quê hương hiện nay, ông vẫn là khuôn mặt đáng kể trong văn học miền Nam.
B. Trần Thái Đỉnh, người gieo trồng triết hiện sinh cùng với vô số trí thức ở bên ngoài đại học.
Nhắc tới Trần Thái Đỉnh, người ta nghĩ tới ông như một nhà giáo hơn là một nhà tư tưởng hay một triết gia. Ông có lối viết dản dị hoá vấn đề mà không trở thành thông tục, thêm có mạch lạc và có sư phạm. Đọc ông, người ta có thể hiểu được những vấn đề triết học khúc mắc và cao diệu. Đó là một thứ sách giáo khoa triết học như nhận xét của Bùi Văn Nam Sơn khi viết về Trần Thái Đỉnh: Những tác phẩm của giáo sư Trần Thái Đỉnh là những cuốn sách có tính chất giáo khoa để người đọc dễ dàng đi vào lãnh vực triết tây. Đó là những cuốn sách gối đầu giường cho những ai muốn tìm hiểu một cách căn bản và hệ thống các tác giả và các chủ đề về triết học*.
Đọc ông là nắm bắt được cái gì. Ông là người có công đầu trong việc gieo trồng, giới thiệu một số triết gia như Descartes với Triết Học Descartes, Những suy niệm Siêu Hình Học và Phương pháp luận, rồi đến Triết học Kant, Triết học Hiện sinh, Triết học nhập môn, Khái niệm bản ngã trong tư tưởng Triết học Phật giáo nguyên thủy ( Luận án tiến sĩ, 1958.). Đặc biệt cuốn Triết học hiện sinh xuất bản năm 1969 do nhà xuất bản Thời Mới, mà theo ông Tràng Thiên (tức Võ Phiến), cho biết cuốn sách bán hết ngay 2500 cuốn, trong khi đó cuốn của Lê Thành Trị bán không được vì viết khó hiểu. Xem ra như thế thì triết không phải lúc nào cũng tối tăm khó hiểu đâu. Nó cũng tùy thuộc vào người viết. Có người viết dễ đọc, có người viết khó đọc.
Ông còn ký dưới bút hiệu Trần Hương Tử gồm một số bài được đăng liên tục trên Bách Khoa như: :
Bộ mặt của Triết học Hiện sinh. Bách Khoa, số 114/1961
Những đề tài Triết học Hiện sinh, số 115
Hai ngành chính của 3 Triết Học Hiện sinh, số 16
Kierkegard, ông tổ Triết Học Hiện sinh chính thức, số 117-118
Nietzsche, Hiện sinh vô thần, số 119-120
Husserl, ông tổ văn chương Triết lý Hiện Tượng Học, số 121
Phương pháp Hiện Tượng Học, số 122
Sartre, Hiện sinh và Siêu Việt, số 123
Triết Gia và Hiện Sinh, số 124
Siêu Việt thể của Jaspers, số 125-126-127
Marcel Hiện sinh và Huyền Niệm, số 129-130-131
Sartre hay là thuyết Hiện sinh phi lý, số 132
Nhân sinh quan của Sartre, số 133-134/1962
Tổng kết về Phong Trào Hiện Sinh, số 135-136
Heidegger và bản chất của thi ca, số 169
Triết Hiện sinh và chính trị số 264.
Yếu tính của tha nhân. Trần Thái Đỉnh, tạp chí Đạo Học Huế
Giới thiệu triết học Merleau Ponty. Tạp chí Đại học Huế.
Heideigger và bản chất của thi ca.
Những bài báo trên đã giúp độc giả bên ngoài giới sinh viên đại học ít lắm hiểu được những đường nét chính của chủ nghĩa hiện sinh. Và cũng nhờ vào những bài báo đó giúp người đọc hiểu rằng triết hiện sinh vỉa hè đã không cùng chỗ đứng với triết học hiện sinh trường ốc.
Ngày nay, nhìn lại những công trình trước tác của ông không khỏi nghĩ rằng, ông là người trực tiếp góp phần phổ biến triết thuyết ấy đến tay một số độc giả thuộc giới trung lưu thành thị. Cùng với ông có một số những người không thuộc giới chức đại học chuyên ngành, nhưng đã đóng góp bằng rất nhiều bài báo dưới hình thức khảo luận hay dịch thuật. Đó là quý ông Trần Bích Lan, Vũ Đình Lưu, Trần Phong Giao, Trần Thiện Đạo, Tam Ích, Đỗ Long Vân, Lê huy Oanh, Đặng Tiến, Lê Tuyên, Lữ Phương, Khải Triều, Cao Thế Dung, Phùng Thăng, Phùng Khánh, Cô Liêu, Đặng Phùng Quân,Thích Đức Nhuận, Nghiêm Xuân Hồng... Trong số trên, có người viết ít, chỉ một hoặc hai bài, có người viết nhiều, có người viết chỉ để chống đối, đả phá như Cao Thế Dung, Lữ Phương, Khải Triều. Những trường hợp đả phá như thế, một cách vô tình cổ xúy cho phong trào phổ biến triết thuyết ấy. Gây thêm sôi động là một hình thức cổ xúy gián tiếp. Có người dùng các tư tương của các triết thuyết đó soi dõi cho những nhận định về văn học hay triết lý Dông Phương như Lê Tuyên,Tam Ích, Đỗ Long Vân, Tuệ Sĩ. Những người viết đều, viết nhiều có ông Trần Thiện Đạo ở Pháp, Trần Phong Giao, Vũ Đình Lưu.
Phải nói họ đã làm đầy đủ chức năng gây trồng của một người trí thức.
Sự đóng góp qua báo chí đã giúp vào việc phổ biến rộng rãi triết học hiện sinh, nhất là hiện sinh của J P Sartre.
Nguyễn Văn Trung với các bài sau đây:
- Vấn đề giải thoát con người trong Phật giáo và tư tưởng của J.P Sartre.
- Những tình bạn dang dở.
- Văn chương và siêu hình học.
- Thi ca và triết học.
- Văn chương hiện sinh.
- Luân lý và văn học.Trở lại vấn đề luân lý và văn học.
- Sartre trong đời tôi.
- Cái nhìn hay đám cưới với cuộc đời.
- Tưởng niệm Camus.
- Vài cảm nghĩ về tình cảm phi lý của kẻ lưu đầy.
- Cuộc đời như một tra hỏi.
- Đọc vũ trụ chữ nghĩa của J.P Sartre.
- Quê hương và lưu đày, giới thiệu Camus. Người phản kháng.
- Những tình bạn dang dở.
- Triết học hiện sinh, giờ thứ 25 của của triết học Tây phương.
- Dịch và giới thiệu: Người đàn bà ngoại tình của của Camus.
- Chủ nghĩa hiện sinh ( trả lời phỏng vấn) của Trần Thái Đỉnh.
- Triết học hiện sinh. Điểm sách của Trần Thái Đỉnh.
- Quê hương và lưu đày. Nguyễn Văn Trung giới thiệu
- Người phản kháng.
Như đã trình bày ở trên, những bài báo của Nguyễn Văn Trung gây ra khá nhiều tranh luận và là cái đích duy nhất để nhiều tác giả khác nhắm vào. Nhiều bài báo có tính cách truy chụp, viết dưới góc cạnh chính trị hay luân lý và cho thấy chẳng có chút hiểu biết gì về triết lý hiện sinh. Hoặc là đã không phân biệt được loại triết lý hiện sinh vỉa hè vốn chẳng có liên quan gì đến Sartre hay Heideigger. Hoặc là chỉ lưu ý tới phần văn chương tiểu thuyết mà không cần biết đến triết thuyết ấy. Nhiều bài có tính cách diễu cợt bên lề. Theo Trần Phong Giao, nhờ những bài báo đó, báo bán chạy, có lúc được 15 ngàn số hồi 1967-1968 đến chẳng cần quảng cáo hay tài trợ của chính quyền.
Nhưng cũng cho thấy được rằng, có một không khí sôi động tạo ra những tranh luận đôi khí hăng say quá đà, nhưng nó cũng chứng tỏ tinh thần tự do phát biểu, tranh luận công khai ở thời kỳ đó. Sau đây là một số bài viết trong thời kỳ đó:
- Nhân đọc bài Luân lý và văn học của ông Nguyễn Văn Trung, từ thái độ cởi mở đến sự phủ nhận luân lý trong lĩnh vực văn học. Bùi Tuân.
- Một thái độ khó hiểu của ông Nguyễn Văn Trung Văn Đàn số 23, 12-11-1960
- Chúng tôi tố cáo mầm phản loạn trong văn nghệ. Bút Nhọn
- Tán thành hay phản đối văn chương hiện sinh. Anh Chức.
- Lẳng lặng mà nghe. Kính dâng hương hồn sống của các đồ đệ JP. Sartre. Sa Nhăng.
- Cười nụ. Hiện sinh. Nam Phương Sóc
- Chúng tôi cực lực phản đối cái thuyết dã thú hóa ra con người của ông Thạch Chương. Cô Thùy Dương.
- Thanh niên hư hỏng và thuyết hiện hữu của J.P Sartre. Vô Vi
- Theo dõi một cuộc tranh luận(về luân lý và văn học). Quốc Minh.
- Giải đáp thắc mắc những con của Sartre, Nguyễn Văn Trung. Nguyễn Mạnh Côn.
- Đặt lại giá trị và giới hạn của triết lý J.P Sartre. Phạm Công Thiện
- Nghĩ về văn chương hiện sinh . Thế Nguyên
- Tiểu thuyết Nguyễn Thị Hoàng, sự buôn lậu tư tưởng trong một con bịnh dân thành phố. Cao thế Dung.
- Văn nghệ, văn hóa qua những hình thái thông ngôn nô dịch. Cao Thế Dung.
- Từ văn hoá *cải lương* đến văn chương đồi trụy và thứ cần sa của ngoại bang. Khải triều.
- Mại bản văn hoá và mấy hình thái văn chương nô dịch. Cao thế Dung
- Hiện tượng dâm ô đồi trụy trong văn học hiện nay. Tin Văn
- Đọc tác phẩm của Chu Tử
- Văn học Hiện tượng luận có phải là văn học khiêu dâm không. Tam Ích
- Sartre và Heideigger, các ông là ai, và bây giờ các ông đi đâu. Tam Ích.
- Sự thất bại toàn diện của Heidegger và con đường tư tưởng VN. Phạm Công Thiện.
- Triết học hiện sinh và những người cầm bút ở VN. Nguyễn Trọng Văn, phê bình dưới quan điểm nhìn từ chủ nghĩa Mác xít
- Hoàn cảnh những người cầm bút miền Nam trước và sau 1963. Nguyễn Trọng Văn.
- Từ Hiện sinh đến tính dục.
- Những con hoang của Nguyễn Văn Trung. Nguyễn Trọng Văn.
- Triết lý ảo tưởng hay ảo tưởng triết lý. Nam Hà Trung.
C. Trần Thiện Đạo.
Ông Trần Thiện Đạo, một trí thức ở Pháp là một cây bút viết nhiều, nhằm giới thiệu trào lưu hiện sinh với những bài viết dịch thuật có giá trị . Nhưng rất tiếc lại ít được người trong nước lưu ý tới.
- Camus, J.P Sartre.
- Cuộc tranh luận về Văn nghệ giữa Sartre, Y. berger, Simone.
- Sartre tỏ rõ thêm về quyển *les mots* bài của J.Piatier do Trần Thiện Đạo dịch.
- Tìm hiểu Đạo đức Sartre.
- J.P Sartre và giải Nobel
- Tiền Phong là gì của JP Sartre do Trần Thiện Đạo dịch.
- Gió về Djémila. Camus
- Kín cửa ( Huis clos).
- Tìm hiểu về kịch LES MOUCHES của J.P Sartre
D. Trần Phong Giao.
Cũng như Trần Thiện Đạo, ông đóng vai trò giới thiệu triết học hiện sinh bằng cách dịch thuật phần triết lý hiện dưới dạng tiểu thuyết, nhất là dịch các truyện của Camus.
- Camus. Thân thế và tác phẩm.
- Những người trung thực ( dịch Les Pestes) của A.Camus.
- Tại sao tôi dịch cuốn * Guồng máy*.
- Không một nấm mồ ( Morts sans sépultures)
- Guồng máy ( L’engrenage)
- Sự Đã rồi ( Les Jeux sont faits). Trần Phong Giao và Nguyễn Xuân Hoàng dịch.
- Les séquestrés d’Altona
Cũng xin trân trọng nhắc đến tác giả TPG, một người đã cống hiến cuộc đời cho việc viết báo và giới thiệu văn học nước ngoài. Cũng như giáo sư Trần Thái Đỉnh, nay ông cũng không còn nữa ở trên dương thế này.
Những bài báo như trên được đăng mỗi tháng như những món ăn tinh thần không thiếu được của giới sinh viên trí thức thành thị. Người ta chờ đợi, tìm đọc, nghiền gẫm, tranh luận với say mê thích thú.
E. Trần Văn Toàn, người trình bày triết học Mác xít, Lý Chánh Trung, người xử dụng triết học Mác cho những xu hướng chính trị cách mạng về một một chủ nghĩa xã hội không Cộng Sản.
Mới đây, có một tranh luận nhỏ giữa anh Nguyễn Quốc Trụ và Trần Trung Đạo về sách của chủ nghĩa Mác ở miền Nam. Theo như tôi được biết thì các sách căn bản về chủ nghĩa ấy đều có trong thư viện Đại học Đàlạt. Có thể mượn và đọc thoải mái, chỉ không có sức mà đọc. Nói như thế đế thấy tinh thần tự trị, tinh thần tự do tư tưởng ở miền Nam như thế nào. Nó khác miền Bắc và ưu việt hơn miền Bắc vì nó tôn trọng sự tự do tư tưởng. Riêng Trần Văn Toàn thì có ba cuốn sách bàn về chủ nghĩa ấy là : Hành trình đi vào Triết học, Xã hội và con người và cuối cùng là cuốn Tìm hiểu triết học của Karl Marx.
Cuốn đầu, dù chỉ là cuốn triết học nhập môn dùng cho sinh viên năm dự bi văn khoa ở Huế, vào năm 1961-1962. Có năm chương thì chương hai với tựa đề Hiện thân con người ở đời dựa trên cơ sở học thuyết Karl Marx. Với những đề tài như hiện thân trong vật giới, hiện thân trong nhân giới, xã hội lý với tương quan ông chủ-thằng ở. Chính là những khởi điểm suy nghĩ đi vào triết học Mác.
Trong cuốn Xã hội và con người, một lần nữa ông đào sâu thêm về thân phận làm người với những giao ngộ, tư do rồi cạnh tranh sinh tồn giữa ta và người khác. Từ chỗ đó đi đến kết quả tha nhân, kẻ làm mất bản thân tôi đến ý thức nô lệ và vấn đề ý thức hệ.
Cuốn thứ ba dặt vấn đề trực diện với việc:Tìm Hiểu triết học của Karl Marx. Trong đó chương hai quan trọng nhất nói về Vong Thân với các loại vong thân và ý thức vong thân cũng như vấn đề ý thức hệ Cộng Sản.
Cần nhấn mạnh để tránh hiểu lầm là Trần Văn Toàn trình bày học thuyết Mác như một triết lý Mác Xít khác hẳn lối trình bày kinh điển hay nhìn nó như một chủ nghĩa Mác- Lênin. Vì thế, cách trình bày của ông không có tính cách giáo điều, tính áp đặt. Tất cả những sách trên dù chuyên môn, nhưng theo tôi, đọc khá dễ hiểu và lý thú. Khi những cuốn sách đó được in ra, tôi đã đọc và bắt được những nội dung, những thème chính cũng như những ý tưởng mà tác giả muốn trình bày. Hơn nữa, những sách trên đã kịp thời đáp ứng tình thế xã hội và chính trị lúc bấy giờ vào cuối thập niên 60. Tóm lại, Trần Văn Toàn đã trình bầy cặn kẽ, mạch lạc, hệ thống tư tưởng Mác ở phạm vi triết học và cũng tránh đi vào những phạm trù lôgích như định đề của chủ nghĩa ấy.
Cho đến nay, đọc lại những sách đó, tôi vẫn cảm thấy thích thú và tâm đắc hơn những cuốn sách do chính những người Cộng Sản viết. Ông là một trong những người duy nhất giúp trí thức miền Nam hiểu được một phần triết lý của Mác như thế nào. Về điểm này, không ai hơn ông được.
F. Lý Chánh Trung
Nói đúng ra, Lý Chánh Trung là người duy nhất dạy triết mà không dạy triết. Ông dạy triết hay viết triết chỉ để biện minh cho những tư tưởng xã hội chính trị mà ông cưu mang ấp ủ. Vì vậy, chẳng bao giờ ông có tham vọng giảng dạy triết thuần túy theo lối trường ốc. Ông cũng chẳng trình bày mạch lạc bất cứ triết thuyết nào, ngay cả học thuyết của Mác. Trong các bài giảng của ông như Bạo Động và lịch sử trong môn Đạo Đức học hay Nhiệm Vụ học cho các lớp dự bị Chính trị kinh doanh thì đều bàng bạc tư tưởng triết học của Mác. Những bài viếr đó đề cập đến vấn đề bạo động giữa con người, vấn đề đạo đức và cách mạng, vấn đề biện chứng giữa ông chủ-thằng ờ, vấn đế giai cấp tư bản và vô sản, vấn đề bất bạo động theo quan điểm của Gandhi và sau cùng quan trọng nhất là vấn đề làm cách mạng xã hội không cộng sản. Tư tưởng chủ đạo của ông là thực hiện một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa không Cộng Sản.
Có nhiều khuynh hướng khác nhau về một cuộc cách mạng không Cộng Sản như nhóm của thầy Nhất Hạnh với trường Thanh niên phụng sự xã hội, nhóm của Mỹ với Phong trào học đường mới v.v... Ở đây chỉ trình bày nhóm Hành Trình với Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung.
Thật ra, danh từ Cách mạng Xã Hội chủ nghĩa Không Cộng Sản chỉ xuất hiện từ năm 1964. Dựa vào tình thế bế tắc lúc bấy giờ, với cuộc nội chiến tương tàn, không lối thoát. Vấn đề ai thắng ai chẳng giải quyết được gì? Người trí thức bấy giờ thất vọng cả hai phía. Phía Cộng Sản thì chủ thuyết Mác xít với Duy vật sử quan đã tỏ ra lỗi thời. Những kinh nghiệm quá khứ cho thấy chủ nghĩa đó quá tàn bạo và khắc nghiệt như đã xảy ra ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Nội bộ các nước đó chia rẽ như trường hợp Liên Xô và Trung Quốc. Về kinh tế cho thấy các nước theo XHCN đều rơi vào tình trạng lạc hậu, thụt lùi. Đối với phe Tự Do cho thấy chế độ tư bản chỉ là duy trì cơ cấu bóc lột chuyển từ hình thức thực dân cũ sang thực dân mới. Tư bản Mỹ duy trì tình trạng chiến tranh ở VN mà nguy cơ là chắc chắn không thể thắng được.
Quan điểm này cho rằng có thể có một đường lối thứ ba. Đường lối không chấp nhận cả hai khối Tự Do và Tư bản. Vì cả hai đều có những nhược điểm. Vì thế, người ta có thể thực hiện một cuộc cách mạng xã hội bên ngoài đường lối Cộng Sản. Theo Lý Chánh Trung, Các nước Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh chỉ có thể thoát khỏi tình trạng tủi nhục của sự lệ thuộc, đói rách, thối nát, bất ổn khi nào có can đảm thay đổi toàn diện những cơ cấu mục nát do chế độ thực dân để lại, dám thắt lưng buộc bụng để tạo dựng những cơ sở vững chắc hầu có thể tự mình giải quyết những vấn đề của mình. Nghĩa là phải phá bỏ cơ cấu bạo động bóc lột do thực dân để lại. Trong lời nói mở đầu cuốn Cách Mạng và Đạo Đức, Lý Chánh Trung viết : “Tại các nước chậm tiến, cách mạng xã hội là một vấn đề sinh tồn, một vấn đề danh dự’’. Tại miền Nam, thay vì làm cách mạng xã hội, người ta chống Cộng. Nhưng thực ra chỉ có một cách chống Cộng hữu hiệu là làm cách mạng xã hội. Các đảng phái, nhà cầm quyền chỉ biết chống Cộng, nhưng lại duy trì cơ cấu thối nát thay vì làm cách mạng cơ cấu. Không thể tin vào những những giải pháp quân sự hay sự can thiệp của Mỹ vào miền Nam. Miền Nam chỉ còn một lối thoát là làm cách mạng xã hội. Muốn có một chính quyền mạnh, vừa phải đối phó với Cộng Sản, vừa với Mỹ thì điều kiện tiên quyết là phải được lòng dân. Muốn có hậu thuẫn trong dân chúng, phải làm Cách mạng Xã Hội. Lý Chánh Trung CMVĐĐ, trang 103.
Đặc biệt về điểm này, Lý Chánh Trung đã để hết tâm huyết khai thác, trình bày quan điểm của ông trên tờ Trình Bày thời đó. Người ta biết đến Lý Chánh Trung rất nhiều, chính là ở giai đoạn này. Đặc biệt, ông viết cuốn Tìm về dân tộc mà mụch đích chỉ là cổ xúy cho một cuộc cách mạng xã hội, lấy dân tộc làm căn bản.
G. Lê Tôn Nghiêm : Kẻ gieo trồng không được mùa.
Lê Tôn Nghiêm có một đời sống thật dản dị và có một tấm lòng say mê triết học đến khó ai sánh bì. Cả đời ông lăn lộn, sống với nó. Ông đọc và say mê mỗi khi khám phá ra điều gì mới. Ông hăng say nói ra. Nhưng trong cách đọc, cách viết, gần như ông đánh vật với chữ nghĩa. Ông trăn trở, ông kiếm tìm, mày mò, tra cứu học hỏi. Nhưng cách trình bày lan man, không nắm rõ khiến ông lúng túng vụng về khi giảng dạy cũng như khi viết. Ông đã dịch và giới thiệu Karl Jasper với cuôn Triết học nhập môn, Trung tâm văn hóa Đông tây xuất bản. Cuốn sách rất hay như thứ sách gối đầu giường của giới sinh viên. Ông cũng là tác giả cuốn sách mỏng : Đâu là căn nguyên tư tưởng. Hay con đường triết lý từ Kant đến Heidegger. Nxb Trình Bày, 1970. Rồi Heideigger trước sự phá sản của tư tưởng Tây phương. Lá Bốí 1970. Triết gia người là ai. Thế nào là tính thể con người. Tư tưởng với Nghệ thuật. Vấn đề con người trong tư tưởng K. Jasper. và sau đó là bộ Lịch sử triết học Tây phương 3 cuốn, nxb tp Hồ Chí Minh. Rất tiếc, bộ sách lịch sử này mới xb được 3 cuốn, đi hết được phần triết học thời Trung cổ với triết học các giáo phụ và triết học kinh viện. Viết cho đầy đủ cả bộ, chắc cần cả 10 cuốn như thế nữa nữa. Ông mất đi coi như đứt gánh giữa đường, dang dở nhiều truyện, hiểu lầm, ngộ nhận đến phiền muộn cũng không thiếu.
Trong số các triết gia hiện sinh, ông say mê thần phục và cũng một lẽ đó ông nhìn thấy tính cách phá sản trong tư tưởng của Heidegger. Nhưng ông đã không thành công mấy trong việc chuyển tải những ý tưởng hay những chủ đề nòng cốt của Heidegger đến giới sinh viên. Ảnh hưởng của các triết gia này vì thế cũng không dược chú trọng đúng mức và bản thân ông cũng không gây được tiếng tăm gì nơi giới Sinh viên.
3. Các giáo sư triết dạy trung học.
Nói đến triết học Tây Phương ở miền Nam không thể không nói đến đội ngũ các giáo sư triết ban tú tài 2. Họ là thế hệ thứ hai được đào tại tại ba trường là Văn Khoa Sàigòn, Đại Học sư phạm Đàlạt và Đại học Huế. Số lượng các giáo sư này cứ thế lớn lên mỗi năm, thay thế dần thế hệ đàn anh thứ nhất và đồng thời môn triết học Tây phương được trải rộng tại các tỉnh phía Nam cũng như miền Trung. Chỗ nào có trường Trung Học đệ nhị cấp là có họ. Họ đi gieo trồng môn triết trên khắp miền Nam, đem những tư tưởng, trào lưu triết học đến thế hệ học sinh khắp nước. Công việc làm của họ có thể âm thầm. Nhưng hậu quả thật lớn, vì nhờ đó cả một thế hệ thanh nhiên được truyền thụ tinh thần tự do tư tưởng, được tiếp xúc với những nhà tư tưởng lớn của thế giới.
Họ là những người như chim đầu đàn, đáng lý phải xếp vào thế hệ hàng đầu như Nguyên Sa Trần Bích Lan. Thật ra, ông viết về triết không nhiều. Ngay tờ Hiện Đại do ông làm chủ bút chỉ có hai bài về A. Camus của Trịnh Viết Thành. Riêng ông sau này viết như một phủ nhận triết thuyết ấy với bài : Rời bỏ nền văn chương trú ẩn, đăng trên tờ Đất nước. Ngay trong phạm vi dạy triết trung học, ông chú trọng vào việc luyện thi hơn là truyền bá một loại kiến thức triết sâu xa gì. Tiếp theo là những Nguyễn Vĩnh Đễ, gs triết tại Collège de Trois-Rivières với : Le problème de l’homme chez Jean-Jacques Rousseau. Considérations actuelles, essais philosophiques với nhiều tác giả. Trần Đức An, tác giả sách giáo khoa, Trương Toàn, Lê Thanh Hoàng Dân, dịch triết học hiện sinh. Dịch Bức tường, Le Mur. Nguyễn Xuân Hoàng, nhà văn trrước 75 và chủ bút báo Văn. Có dịch chung với Trần Phong Giao như đã nói ở trên. Đinh Văn Hải, Phạm Việt Cường, cao học triết Đại học Văn khoa, Sàigòn, chị Hoàng Mỹ Hiền, chị Chu Kim Long, rồi Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Đa, Bùi Ngọc Dung. Anh Bùi Ngọc Dung có viết một số bài như Camus và nền văn chương triết học. J.P Sartre , từ hiện sinh đến biện chứng. Trần Công Tiến với luận án Từ Hiện tượng luận Husserl đến hiện tượng luận Heigeigger, 1969. Anh cũng có viết bài từ Heideigger 1 đến Heideigger 2. Đặng Phùng Quân, cao học Triết là một trong những người viết nhiều nhất, năng nổ và dài hơi nhất. Hiện hữu tha nhân với G.Marcel. Triết học và Khoa học. Chân dung triết gia. Triết học và văn chương. Hành trạng tư tưởng giữa hai thế kỷ. Phê phán hệ tư tưởng Mác xít, tập truyện ngắn Miền Thượng Uyển, ... Thụ Nhân, tác giả cuốn sách dịch L’existentialisme est un humaniste và cuốn L’existentialisme. Huỳnh Thanh Tâm, trước đây với nhiều bài viết về triết học như đã nói ở trên, nay chuyển sang dịch thuật. Trần Văn Nam, Trần Nhựt Tân phân tích các chủ đề văn chương trong đó có : Tập thơ độc nhất với luận án Quan niệm của Sartre về hữu thể., Nguyễn Nhật Duật, viết phê bình văn học. Ngô Đức Diểm, nhà thơ với Tập thơ Cõi người ta.. Nguyễn Vy Khanh, viết Văn học Việt Nam thế kỷ 20 dịch Ngô Đình Diệm và nỗ lực hoà bình dang dở, dịch Lỗ Tấn và truyện xưa viết lại. Bốn mươi năm văn học chiến tranh 1957-1997, Văn Học và thời gian. Phạm Phú Minh, chủ bút tờ Thế kỷ 21. Nguyễn Đồng, Lê Mạnh Thát, học ở Đà Lạt, sau đi du học ở Mỹ và nay là phó viện trưởng thừng trực Học Viện Phật giáo VN. Thày viết Lịch sử Phật giáo VN ( ba tập) Triết học thế thân Vasubandhu. Trần Thái tông toàn tập, Trần Nhân Tông toàn tập. Nguyễn Tử Lộc, đã mất, anh có dịch : Thi sĩ da đen,. J.P. Sartre. Tô Văn Lai, Nguyễn Văn Vũ, Trương Đình Tấn, Nguyễn Văn Thuộc, Nguyễn Hữu Dư, Đặng Thần Miễn, với bài thơ tiếng hát da mầu, được Nguyễn Ngọc Lan và Lê Hảo dịch ra : Chant de louange pour la peau d’ébene trong tập : Le crépuscule de la violence, nay là nhà dịch thuật. Vũ Chí Hùng, Uông Đại Bằng, Lê Tấn Lộc, Võ Văn Bé, Phạm Minh Quý, Võ Túc, Nguyễn ĐăngTrúc với Sinh hoạt cảm xúc trong Hiện Tượng luận M. Scheler. Hiện nay, anh là giáo sư phân khoa thần học NH Strasbourg, Pháp, tác giá các sách : Văn Hiến, nền tảng của minh triết. Tiếp cận tư tưởng VN : vấn đề triết học. Và anh đang sắp sửa cho in cuốn sách triết học trong đó trình bày thời kỳ tiền triết học gồm : Eschyle, Sophocle, Héraclite, Parménide, Socrate.. đồng thời làm chủ nhiệm tờ Định Hướng. Đỗ Phương Anh, Phạm Ngọc Đảnh, Nguyễn Ngọc Phách với Tương quan giữa tư tưởng và tượng trưng. (Hiện tượng luận thông diễn của Paul Ricoeur) Trương Toàn, Nguyễn Thanh Tùng, Hoàng Minh Khánh, Vĩnh Phiếu, Nguyễn Văn Thuộc, chị Phan Thanh Gia Lai, chị Đoàn Phi Loan, chị Thanh Tân, Nguyễn Duy Diệm, Nguyễn Văn Lan, Nguyễn Mẫn, Nguyễn Nhật Duật, đã mất, viết phê bình văn học. Hồ Công Hưng, Bùi Văn Nam Sơn, có đi học thêm Triết ở Đức với công trình đồ sộ là dịch cuốn Phê phán Lý tính thuần túy của Emmanuel Kant, nxb Văn Học, dày 1261 trang. Hồ Công Danh, Võ Doãn Nhẫn, làm thơ. Nguyễn Văn Lục, viết phê bình Văn học. Bành Ngọc Quý, Dương Văn Ba, Nguyễn Quốc Tuấn, Phùng Quyên.
Ngoài Huế có thêm các chị Phương Chi, Diệu Trang, Thái Kim Lan, dịch giả Huệ Tím của Hermann Hesse và kịch Người hảo tâm thành Tứ Xuyên của B.Bretch. Tập Chức năng của cảm giác tính trong việc phê phán lý tính thuần túy. ( luận án tiến sĩ) Tống Thị Lan, Nguyễn Châu, viết nghị luận. Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà văn với bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông. Thơ với Người hái hoa phù dung. Hoàng Văn Giầu, với Phồn Hoa kinh, hiện nay chủ bút mạng Chuyển Luân, bên Úc. Lê Tử Thành, Nguyễn Nguyên Phương, Trần Xuân Kiêm, dịch thuật triết học cùng với Trần Công Tiến, Phạm Công Thiện, Trương Đăng Dung cuốn Martin Heideigger.
Không có những người thợ gieo gặt này, ở khắp nơi trên mảnh đất miền Nam, từng ngày, từng năm, âm thầm truyền đạt, cấy niềm tin, cấy những luồng tư tưởng mới, mỗi người mỗi cách truyền đạt, mỗi người mỗi thái độ chọn lựa, gieo vào đầu óc thế hệ thanh thiếu niên miền Nam những giá trị tinh thần với sự xác tín. Nói rộng ra, từ các cô giáo viên tiểu học đến Trung Học, trong đó có các giáo sư Triết, giáo sư Việt Văn.. ít nhiều đều có sự xác tín như thế. Dạy học mà không có xác tín, không cấy được niềm tin thì không có giáo dục. Nhưng cũng xin nhấn mạnh ở đây, xác tín ở đây là sự ưng thuận tự nguyện, không do nhồi sọ, tuyên truyền, áp đặt.
Trong số những giáo sứ này, điều chính mà tôi muốn nhấn mạnh là sự đóng góp của họ trong thời gian 20 năm triết học Tây Phương ở miền Nam. Phần còn lại sau này có viết được gì không nằm trong khuôn khổ của bài viết này nữa. Chỉ xin lược kê mà không có ý kiến.
Phần cá nhân tôi, dù rằng chẳng học được bao nhiêu ở các thày. Nhưng cái tính thần học hỏi, cơ hội học hỏi trau dồi hiểu biết thì không thiếu. Điều đó buộc tôi nghĩ rằng, tôi đã may mắn được sống ở miền Nam, được lớn lên, được nuôi dưỡng, được giáo dục trong cái môi trường đó, được trở thành giáo sư Triết ở đó. Tôi không có gì để hãnh diện hơn nữa. Càng nghĩ đến xã hội hôm nay, niềm chua xót càng lớn... Thật tiếc cho giới trẻ hôm nay ở miền Việt Nam, chúng đã không có cái may mắn như chúng tôi, mặc dầu có thể chúng tôi đã mất hết.
Có thể tôi đã quên nhiều người... Xin tạ lỗi. Điều đó không tránh được. Nhưng xin nói với các bạn đồng hành, tinh thần học hỏi của triết học Tây Phương, đó là tính ưu việt của miền Nam mà mỗi người phải tự hãnh diện và giữ lấy về những năm tháng ấy.
4. Tinh thần học Triết và dạy triết Tây phương ở miền Nam.
Trước vài giờ lên máy bay về lại Canada, tôi nghĩ cần phải nói những điều tôi đang suy nghĩ với một người bạn. Tôi kêu xe Honda ôm lên nhà Nguyễn Trọng Văn để chỉ muốn bày tỏ với anh ta một điều: cái gì là đặc điểm của triết học Tây phương ở miền Nam. Tôi đã nói cái ý đó ra, chúng tôi cùng phá lên cười, cười nghiêng ngả vì trúng ý nhau, rồi cảm động đến ứa nước mắt. Những dòng sau đây viết để tặng tất cả những người bạn thời tuổi trẻ.
A. Tinh thần tự do suy nghĩ, phát biểu, giảng dạy
Ở miền Nam trước đây, người ta cứ nói tới độc tài Ngô Đình Diệm, độc tài trong tôn giáo, độc tài Nguyễn Văn Thiệu. Nhất định là có đấy không phải không.. Nhưng xin nhắc mọi người rằng, độc tài chính trị không có chỗ trong các giảng đường đại học. Quyền tự trị Đại học là tuyệt đối trong phạm vi tư tưởng. Nó có thể bị o ép trong phạm vi hành chánh, quản trị nhân viên trong việc bổ nhiệm và điều đó có thể đã xảy ra. Về tư tưởng, chưa bao giờ mà chủ nghĩa nhân vị có thể lọt vào các giảng đường. Nó có thể len lỏi vào Suối lồ . Nhưng giảng đường thì không. Ở nơi đây, các trào lưu triết học cổ, trung cổ, cận đại, hiện đại đều có chỗ. Triết học Phật giáo, Ấn độ giáo, Trung Hoa, triết học hiện sinh hữu thần và vô thần và triết học Mác Xít cũng được giảng dạy trong cours Triết sử. Tự do đến thế. Điều ngạc nhiên đến không ai ngờ tới là khoa thần học công giáo lại không có mặt. Nhưng những vụ án như Galilée thì lại có. Điều đó muốn nói lên điều gì. Những giáo sư dạy triết sử như Raguin dạy Ấn Độ giáo, Phật giáo đến độ say mê tưởng lầm đâu rằng ông là một tỳ kheo, hay khất sĩ. Larre cũng thế. Tchen1, Tchen 2 cũng không khác. Và tôi đã hỏi các bạn tôi, dù một lần thôi, họ có nói đến tôn giáo của họ cách này này cách khác. Không. Nguyễn Trọng Văn, Lý Chánh Trung, Trần văn Toàn bê khệ nệ ông Mác vào giảng đường, nào có ai nói gì không. Bê Sartre, bê Heideigger hoặc vác G. Marcel vào thao diễn nói hay làm luận án là tha hồ. Tư tưởng nghịch chiều nhau, tư tưởng tả khuynh, hữu phái, cấp tiến hay bảo thủ đều có thể có mặt.
Trong những lúc tình thế sôi bỏng bên ngoài với sự xáo trộn chính trị, tôn giáo đủ loại, chúng ta thử nhìn xem những phản ứng thái độ của các viện trưởng, khoa trưởng như thế nào. Trong khuôn viên trường Đại Học Văn khoa, Sàigòn, trải qua nhiều thời kỳ biến động chính trị. Nó vẫn giữ được phong cách của mình. Phong cách đại học, vị thế nhìn, vị thế đối đấu và thường chọn lựa vị thế đó. Vẫn tự lập, tự chủ. Vẫn có bản sắc, có tiếng nói riêng, chọn lựa cho mình. Tiếng nói đó là tiếng nói của tuổi trẻ, của lý tưởng và không muốn khuất phục, cúi đầu. Tiếng nói trung thực, không xu nịnh, bè phái, không nghiêng ngửa. Về chính trị thường là tiếng nói khuynh tả, đi ngược lại chính quyền đương đại. Đó là niềm tự hào của giới trẻ. Khánh Ly, Trịnh Công Sơn, các phong trào phản chiến cũng từ nơi đó cất cao lên tiếng hát của mình.
Và đó là sự khác biệt sâu xa, khác biệt nền tảng tận cùng bản chất giữa miền Nam, miền Bắc trong thời kỳ đó. Bên đây giới trẻ ngửng đầu, bên kia cúi, bên đây nói không, bên kia nói dạ. Bên đây mỗi người mổi khác, bên kia tất cả là một. Bên đây đa dạng, bên kia đồng phục.
B. Tinh thần học triết học : ý thức ưu tư và thức tỉnh.
Bài học vỡ lòng cho các môn sinh bước vào ngưỡng cửa triết học là biết ưu tư, biết xao xuyến, biết thức tỉnh hay biết vươn lên ( theo nghĩa của Kierkegaard). Tinh thần đó giúp con người vượt cái hiện hữu tự thân ( en soi), ù lì, nhàm chán tiến tới hữu thể tự quy ( être pour soi). Từ đó phải kiếm tìm. Phải thao thức, đặt lại vấn đề đưa đến thái độ hoài nghi, phủ nhận mọi hệ thống, chủ nghĩa giáo điều, chống lại cái nghiêm chỉnh ( esprit du sérieux) cái đã hình thành có sẵn. Chống nên lúc nào cũng như thể bắt buộc đi lại từ đầu trong một cuộc tìm khiếm không ngừng, như thể đang đi trên đường (en route). Cũng từ đó nảy sinh khái niệm con người hoàn cảnh, nhập cuộc, dấn thân, trách nhiệm, tự do chọn lựa...
Học triết trong cái tinh thần đó nên dễ có thái độ đặt lại vấn đề, ráo riết triệt để dễ đi đến cực đoan, phủ nhận, hư vô hóa.
Nhưng một mặt khác tinh thần triết lúc đó như một lời thúc dục say mê, mới mẻ, khám phá. Cứ cả đời như thế miệt mài, câu hỏi sẽ quan trọng hơn câu trả lời, đi tìm quan trọng hơn là tìm thấy.
Hình ảnh người học triết như kẻ suốt đời lang thang, chẳng bao giờ ngưng nghỉ, chẳng bao giờ bằng lòng với chính mình, phủ nhận cái tôi đang là tiến tới cái tôi sẽ là.
Tinh thần đó đã giúp nhiều sinh viên, giáo sư đứng trước mỗi tình huống, trước mỗi ngã rẽ, biết chọn lựa, biết dấn thân, biết trách nhiệm trong mỗi hoàn cảnh để cho cuộc đời một ý nghĩa.
Coi như thế, triết học không hẳn chỉ là một kiến thức nữa mà là kẻ hướng dẫn soi đường cho mỗi người thanh niên, nhất là trí thức khi vào đời. Bài viết này, dù đã dài, nhưng vẫn chưa đủ, vì vẫn chưa trình bày đầy đủ được mọi khía cạnh, mọi đóng góp của nhiều trí thức trong 20 năm (1955-1975) vừa qua.
C. Ý thức trách nhiệm và thái độ dấn thân nhập cuộc bằng hành động.
Triết học với ý hướng trách nhiệm đã mở đường cho những thái độ dấn thân, những chọn lựa nhiều thứ mà quan trọng nhất là con đường thứ ba. Quan điểm của giới trí thức thiên tả giúp soi sáng một lối ra cho Việt Nam. Ngoài giải pháp quân sự, còn có một con đường thứ ba để có thể thoát khỏi guồng máy chiến tranh đã nghiền nát bao nhiêu thế hệ thanh niên vào cái chết vô ích. Người ta không thể đánh nhau mãi. Phải tìm một giải pháp mới. Phần đông giới trí thức Việt Nam ở Âu châu, do chịu ảnh hưởng của thành phần thứ ba này, chủ trương một lập trường trung lập (Position neutraliste), không Cộng sản (non communiste).
Vào năm 1968, Liên đoàn Sinh viên và Thợ thuyền ở Paris tuyên bố:
“Le peuple Vietnamien ne veut pas la paix que les communistes voudraient lui imposer. Il veut la paix dans la dignité humaine. Il veut, en même temps, une profonde révolution sociale pour assurer l’avenir de la République Vietnamienne.”
(Tạm dịch: “Người dân Việt không muốn có một nền hòa bình do người Cộng sản muốn áp đặt. Họ muốn có một nền hòa bình trong sự tôn trọng phẩm giá con người. Đồng thời, họ muốn có một cuộc cách mạng xã hội sâu rộng để bảo đảm tương lai nền Cộng hòa của Việt Nam.”)
Tình hình chiến sự thời đó đã đến hồi quyết liệt. Lòng người dao động. Viễn ảnh một cuộc thua trận gần kề.. Có người trông vào hòa giải như một thứ giấy triển hạn, kéo dài một niềm hy vọng đã không còn hy vọng nữa.
Các trí thức thành phần thứ ba đưa ra một giải pháp Cách mạng Xã hội không Cộng sản trong tình huống lúc bấy giờ là một điều khó thực hiện được. Cộng sản một bên, Mỹ một bên với một chính quyền dựa hoàn toàn vào Mỹ. Liệu họ có thể dựa vào điều kiện khách quan nào, dựa vào nhà lãnh đạo nào để có thể có điều kiện thực hiện một cuộc Cách mạng cho người nghèo? Một cuộc cách mạng không Cộng sản? Lý Chánh Trung đã trả lời về vấn đề này cho nhà báo Pháp khi được hỏi về sách lược của các nhóm thành phần thứ ba. Ông nói:
“La troisième force, C’était une grande aspiration plutôt qu’une force réelle. Seules quelques centaines de personnes étaient organisés. Ces groupuscules étaient ouverts à tous les vents, à toutes les influences. Ils n’avaient aucune idéologie précise”.
(Tạm dịch: “Lực lượng (hay thành phần) thứ ba cuối cùng chỉ là một khát vọng hơn là một thực lực thực tế. Tổ chức vỏn vẹn có vài trăm người. Nhóm người đó mở ra mọi phía và đón nhận nhiều ảnh hưởng. Vì thế, họ không có một ý thức hệ chính xác nào.”)
“Et cette dernière raison explique pourquoi certains Vietnamiens pensent que Thiệu ne constituent pas la dernière carte Américaine dans le Sud. Cette dernière carte, c’est la Troisième Force et les Américains seront sans doute amenés à la jouer, sans doute mal ou trop tard
(Tạm dịch: "Và nguyên nhân cuối cùng giải thích tại sao một số người Việt Nam cho rằng Thiệu không phải là lá bài cuối cùng của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Lá bài cuối cùng, chính là lực lượng thứ ba mà chắc người Mỹ muốn sử dụng, chắc chắn đã quá muộn hoặc sẽ có kết quả không hay.”)
Nhìn theo viễn tượng đường dài, ảnh hưởng của thứ triết học với ý thức trách nhiệm, dấn thân, nhập cuộc và ngay trong tình huống của sự thất vọng thua cuộc đi nữa, giới trí thức miền Nam vẫn trở thành nhân chứng của một giai đoạn và trở thành kẻ tố cáo, kẻ tiên tri cho giai đoạn sau 30 tháng 4. Bởi vì, cho đến bây giờ, những khát vọng tự do và dân chủ, những khát vọng xóa bỏ bất cứ thứ độc tài cá nhân, đảng trị, hay toàn trị, những khát vọng về công bình xã hội, những khát vọng về một cuộc cách mạng xã hội cho người nghèo, vì người nghèo, thiết nghĩ, vẫn còn là một khát vọng của đất nước Việt Nam chúng ta. Do vậy, trí thức miền Nam, thông qua các trào lưu tư tưởng triết lý Tây Phương với những cao trào chính trị, những cuộc đấu tranh đòi tự do, bình đẳng, tìm về dân tộc..., thay vì là một thất bại, sau 30 tháng 4, bỗng nhiên trở thành một thực chứng, một đòi hỏi cần thiết.
Sau hơn 30 năm nhìn lại, chúng tôi nhận thấy rằng các trào lưu tư tưởng triết lý Tây Phương, nhất là triết lý Hiện sinh thông qua J.P Sartre đã có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống sinh hoạt trí thức miền Nam. Ảnh hưởng không chối cãi được cũng là niềm hãnh diện không chối cãi được khi so với nền giáo dục độc đoán và toàn trị của miền Bắc. Dù thế nào đi nữa, nền giáo dục miền Nam bảo đảm cho tinh thần tự do, dân chủ, tôn trọng ý kiến người khác và có tính cách nhân bản.
Sau hơn 30 năm nhìn lại, so sánh giữa hai miền.. Điều đó là một khẳng định khó mà nói khác được.
NGUYỄN VĂN LỤC (Canada)
Chú thích:
1. LM Alexis Cras (1909-1962), tu sĩ dòng Đaminh, qua VN từ 1932, đã sáng lập CLB Phục Hưng (cercle renaissance) tại Hànội 1941 và Sàigòn 1955, giúp giới SV Đại học. Giáo sư trường Louis Pasteur từ 1938-1944. Cha giữ chức vụ Bề trên phụ tỉnh Đaminh chi Lyon từ 1954-1961, đồng thời là giảng viên tại Đại học Văn Khoa Sàigòn (1956-1962) và Đàlạt (1958-1962). Tháng 5-1962, ngài trở về bên Pháp nghỉ ngơi thì bị bệnh đau tim và mât ngày 07-7-1962, tại Lyon, Pháp, thọ 53 tuổi.
2. Xin xem thêm luận án Les Catholiques Vietnamiens pendant la guerre d!indépendance 1945-1954 entre la reconquête coloniale et la résistance communiste. Tran thi Liên. 1996
3. Những tài liệu liên quan đến cha Đỗ Minh Vọng là do lm Đỗ xuân Quế, Phục Hưng, cho phép tôi được sao chụp lại. Đây là vết tích cuối cùng còn để lại của cha Vọng, những trước tác, tài liệu khác, chắc đã bị phát tán, thất lạc ngay từ sau 1975.
4. Giáo sư Cung Giũ Nguyên vốn chỉ là một trợ giáo tập sự tại trường Nam tiểu học Nha trang. Bài thơ đầu tiên là bài Le Mot, đăng trong tập san France-Adie, 1948. Tiếp theo là Một người vô dụng, 1930. Nhân tình thế thái, 1931. Nợ văn chương, 1934. Volontés d!existence, 1954. Le fils de la baleine, 1956. Le daumaine maudit, 1961 và Thái Huyên, 1995.
5. Xem danh từ Triết học Cao Văn Luận, Đào văn Tập, Nguyễn Văn Trung, Linh Mục Xuân, Trần Văn Tuyên, trang 17.
6. Trích Triết học Hiện sinh, Trần Thái Đỉnh, nxb Văn Học, trang 7.
- Văn chương hiện sinh. Thế kỷ 20, số 3 tháng 9, 1960.
- Văn chương và Siêu hình học Thông cảm, 9-57
- Tiểu thuyết mới trong văn chương Pháp, TK 20, số 6, tháng 12
- Nhận Định 1 với những bài như cái nhìn, hối hận, thông cảm, e lệ, tự tử.Tất cả những bài viết trên đã dùng phương pháp Hiện Tượng Luận để mô tả.
- Sau hết, có lẽ cũng nên kể đến những đóng góp trong việc giới thiệu những vấn đề cơ cấu, huyền thoại, tha nhân, hiện tượng luận, dục tính, thân xác vong thân, ngụy tín, những vấn đề mà bất cứ một sinh viên văn khoa nào cũng ít nhiều biết đến
7. Tất cả những nhan đề bài viết của Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Văn Trung hay của Trần Thiện Đạo, Trần Phong Giao thì đều trích dẫn từ cuốn sách, in photocopie tựa đề : Nhìn lại những chặng đường đã qua. Người cầm bút, kẻ làm chứng, Montreal 2000, của Nguyễn Văn trung. Trong đó, đặc biệt chương 3 với Văn chương hiện sinh, từ trang 323 đến trang 392.