- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cái Chết Của Một Hàng Tướng: Dương Văn Minh (1916 - 2001) - Phần 3

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 8062)
C. SỰ HỢP HIẾN CỦA ĐỆ NHẤT VNCH:

Vài người, như để chứng tỏ khả năng luật pháp của mình, còn đi xa hơn nữa, kết tội ông Minh “xóa bỏ chế độ hợp hiến Đệ nhất VNCH.”

Thực ra miền Nam Việt Nam, hay Việt Nam Cộng Hòa, chẳng bao giờ là một chế độ hợp hiến. Hiệp định Geneva ngày 20-21/7/1954 qui định rằng hai phe lâm chiến (tức Việt Minh và Pháp/Quốc Gia Việt Nam) tạm thời tập trung tại hai miền Bắc và Nam của vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải); chờ ngày Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trong vòng 2 năm để chọn lựa thể chế chính trị cho cả hai miền. Phe Quốc Gia Việt Nam của Bảo Đại cực lực chống đối, nhưng bất lực, chỉ ghi vào hồ sơ ký kết Hiệp định là phản đối. May mắn thay, chính phủ Eisenhower cũng không chấp nhận Hiệp định Geneva, và muốn biến miền Nam Việt Nam thành một “nước” biệt lập với miền Bắc. Mục đích của người Mỹ là muốn tạo nên một tiền đồn chống Cộng, trong cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Nga; theo kiểu Bắc-Nam Hàn, hay Đông-Tây Germany. Nói cách khác, sự “hợp hiến” của các chế độ miền Nam chỉ thuần là sản phẩm của cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Nga. Hoặc, sự hợp hiến của chế độ miền Nam hoàn toàn sống ký sinh trên viện trợ Mỹ. Ngày nào chính phủ Mỹ còn ủng hộ và viện trợ, ngày ấy VNCH còn hợp hiến.

Thoạt tiên, cả Pháp lẫn Bảo Đại đều đồng ý giải pháp “hai Việt Nam.” Bri-tên, một trong hai nước đồng Chủ tịch Hội nghị Geneva, cũng xuôi theo. Nhưng anh em ông Diệm-Nhu lại nuôi tham vọng tập trung quyền lực trong tay, loại bỏ các giáo phái và các tổ chức chính trị độc lập. Bước đầu để nhất thống quyền lực này là loại bỏ Tướng Nguyễn Văn Hinh, cùng những thành phần thân Pháp, hầu nắm gọn quân đội. Do sự can thiệp của Mỹ, cả Pháp lẫn Bảo Đại đồng ý.

Bước kế tiếp, ông Diệm muốn thu nắm quyền chỉ huy Cảnh sát-Công an, và loại bỏ tổ chức Bình Xuyên của Lê Văn “Bảy” Viễn. Đồng thời, chuẩn bị loại bỏ cả giáo phái Hòa Hảo ở miền Tây. Chính phủ Pháp không hài lòng, yêu cầu Oat-shinh-tân phải thực hiện lời hứa thay thế ông Diệm. Đặc sứ Mỹ Collins đồng ý với Pháp; nhưng Eisenhower chưa muốn thay ngựa. Khi Quốc trưởng Bảo Đại muốn cách chức ông Diệm, anh em ông Diệm bèn tổ chức cuộc “trưng cầu dân ý” ngụy tạo ngày 23/10/1955, rồi tự xưng làm Tổng thống nền Đệ Nhất Cộng Hòa (1955-1963).

Nói cách khác, ông Diệm cũng chỉ cướp ngôi của Bảo Đại, nhờ sự yểm trợ của Mỹ; sự yểm trợ mà Bảo Đại đã cay đắng oán trách là “mù lòa.” Quốc Hội mà ông Diệm triệu tập chỉ một trò chơi dân chủ trá hình, qui tụ những thành phần thích bẩm, xin, gọi ông Diệm bằng “Cụ” xưng “con.” Bản Hiến pháp 1956, gồm những điều mà viên chức Mỹ đánh giá như “pháp luật tiểu thuyết” (kiểu “bắt giữ bất hợp pháp” hay “nhân quyền”), và ngay chính chế độ VNCH (hậu thân của Quốc Gia Việt Nam) chẳng có một chút giá trị công pháp quốc tế nào nếu không có sự yểm trợ của siêu cường Mỹ. Một khi người Mỹ rút lại sự yểm trợ, chế độ Diệm chẳng còn cách nào tồn tại, về pháp lý cũng như trên thực tế.

D. TẠI SAO CÓ CUỘC TRANH ĐẤU CỦA PHẬT GIÁO?

Cuộc tranh đấu bi hùng của Phật Giáo năm 1963 là một biến cố làm rúng chuyển lương tâm nhân loại. Ngay đến Hồ Chí Minh, người từng lên án tôn giáo là thuốc phiện tinh thần, cũng buộc tội nặng nề cuộc đàn áp Phật giáo của chế độ ông Diệm: “Tội ác dã man của chúng [họ Ngô] trời đất không dung tha.”

Thay vì nhìn nhận tội ác và lỗi lầm của chế độ Diệm-Nhu, một số người tìm cách bẻ cong lịch sử, vu cáo cho cuộc tranh đấu của Phật giáo đủ điều. Cho tới năm 1965-1966, giáo mục và giáo dân Ki-tô cuồng tín còn tung tin rằng Đại sứ Lodge mỗi đêm “nhậu nhẹt” với Thượng tọa Thích Trí Quang. Vài người từng hưởng ân sủng chế độ Diệm còn “bí ẩn” ra việc Thượng tọa Quảng Đức bị chích thuốc trước khi tự thiêu; hay đã tự thiêu vì lý do cá nhân hơn cúng dường đạo pháp. Những lời vu khống này, dĩ nhiên, chẳng thay đổi được sự thực lịch sử; nhưng trong gần 30 năm qua cứ vào dịp giỗ anh em ông Diệm-Nhu, được lập đi, lập lại nhiều lần, theo nguyên tắc của Paul Joseph Goebbels (1897-1945): Nói dối mãi cũng có người tin. Và, nếu không tin, thì dở trò côn đồ, báo chí hoặc bạo lực.

Cho tới đầu thế kỷ XXI–dù chính phủ Mỹ đã nhìn nhận chế độ Cộng Sản Việt Nam từ năm 1996, bình thường hóa thương mại năm 2001–chưa ai tìm được tài liệu nào giúp khẳng định các lãnh tụ Phật giáo là cán bộ Cộng Sản, hay do Cộng Sản giật dây như họ Ngô và thuộc hạ vu cáo. Chỉ thấy những cựu lãnh tụ Phật giáo tranh đấu gục chết trong ngục tù (Thích Thiện Minh), hay đang tiếp tục chống Cộng, ngay trong nội địa Việt Nam (Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Thích Đức Nhuận) hay hải ngoại (Hòa thượng Tâm Châu, Hộ Giác, v.. v...). Tương tự, vẫn chưa ai trưng được bằng cớ rằng năm 1963 Mỹ xúi dục lãnh tụ Phật giáo nổi lên chống chế độ Diệm. Chỉ là những lời cả vú lấp miệng em, bất kể lý lẽ, hoặc chỉ thứ lý lẽ . . . rẻ rách sinh chuột con.

Trong khi đó, rất nhiều bằng chứng khẳng định ông Diệm muốn trở thành một thứ Constantine của Nam Việt Nam; và nỗ lực này được nhiều nhân chứng, kể cả các nhà ngoại giao Tây phương, ghi nhận. Việc ông Diệm tiếp tục áp dụng Dụ số 10 của Bảo Đại (nhìn nhận Ki-tô giáo là tổ chức tôn giáo duy nhất hoạt động không phải xin phép chính phủ); hay dành độc quyền Nha Tuyên Uy trong quân đội cho Ki-tô giáo; và thành lập Đại học Ki-tô Đà Lạt là ba bằng chứng rõ ràng nhất. Những lời Bảo Đại và Giám mục Lê Hữu Từ chỉ trích ông Diệm năm 1954-1955 cũng chứng minh rõ giấc mơ Constantine của anh em họ Ngô. Thêm một bằng chứng khác nữa là báo cáo ngày 10/3/1962 của Đại sứ Lalouette về những đặc quyền dành cho Ki-tô giáo.( Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu, I-C: 1955-1963, tr. 248-9) Tổng Giám Mục Thục thì không những chỉ xen lấn vào thế quyền–như gửi gấm Phạm Ngọc Thảo cho ông Huỳnh Văn Lang, nắm độc quyền đấu thầu việc phá rừng để xây đại học Ki-tô giáo Đà Lạt–mà còn nuôi tham vọng trở thành Hồng Y Giáo chủ đầu tiên của VNCH. (Xem Chính Đạo, Tôn Giáo & Chính Trị: Phật Giáo, 1963-1967 [Houston: Văn Hóa, 1994], chương I & Phụ Bản; Cao Văn Luận, Bên dòng lịch sử [Sài Gòn: 1974], tr. 328) Đó là chưa kể việc ưu tiên cấp học bổng du học cho các giáo dân Ki-tô, dưới sự điều động của Linh mục Luận. Và rồi, cuối cùng, cái “khẩu lệnh” quái ác cấm treo cờ Phật giáo trong mùa Phật đản 1963; lệnh “tái lập trật tự” ở Huế và Sài Gòn; lệnh tấn công chùa chiền và bắt giữ hơn ngàn tăng ni đêm 20 rạng 21/8/1963.

Ngày Thứ Sáu, 27/9, Richardson nói với McNamara rằng khủng hoảng Phật giáo kết tinh những bất bình ngủ yên bấy lâu. Việc bắt giữ tập thể học sinh, sinh viên (kể cả con em công chức, quân nhân) là điều xấu. Việc lùng bắt trong đêm khiến dân chúng ghét chế độ hơn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần, muốn cứu đất nước cần áp lực Diệm cải tổ, nhưng Nhu phải ra đi. Nhu là người khởi xướng cuộc tấn đánh các chùa. Đừng đánh giá bằng quan sát phiến diện, dân chúng đang tức giận. Hồ Tấn Quyền cũng không thể thuyết phục được chính cha mình về giá trị của chính phủ. (FRUS, 1961-1963, IV:301-3)

Đáng buồn nhất là hiện tượng “đười ươi cầm ống” lịch sử. Không đọc sách lịch sử, không nghiên cứu tư liệu lịch sử, nhưng một số người vẫn khua chuông gõ trống cho những lời cung văn anh em, dòng họ nhà Ngô; và mạ lÿ Phật Giáo hay những người đã mang đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm.]

E. AI GIẾT ANH EM ÔNG DIỆM-NHU?

Hầu hết những người viết về cuộc đảo chính 1/11/1963 đều bị vướng mắc với câu hỏi “Ai giết hai ông Diệm-Nhu?”

Tướng Đỗ Mậu cho rằng các Tướng đảo chính bàn thảo số phận anh em ông Diệm-Nhu trong một phiên họp mật tại hành lang Bộ Tổng Tham Mưu mà ông Mậu không được tham dự. Trong cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, ông Mậu hàm ý rằng Tướng Phạm Xuân Chiểu và nhất là Nguyễn Ngọc Lễ có liên quan đến việc này, qua lời tuyên bố của Tướng Lễ là “Nhổ cỏ phải nhổ tận rễ.” (Dẫn từ tích Trần Thủ Độ ép vua Lý Huệ Tông phải treo cổ tự tử tại chùa Chân Giáo sau khi cướp đoạt ngôi của nhà Lý). [Mới đây, trong bài viết khóc Tướng Minh mà ông Mậu có nhã ý gửi cho tác giả một bản viết tay, Tướng Mậu xác nhận rằng Tướng Minh cho lệnh giết hai ông Diệm-Nhu, sau khi lấy ý kiến của các Tướng].

Năm 1987, Tướng Đôn, trong cuốn Our Endless War [Cuộc chiến bất tận của chúng tôi], chỉ nói mông lung rằng Tướng Minh “chịu trách nhiệm.” (Tôi chưa đọc bản Việt ngữ Việt Nam Nhân Chứng của ông Đôn)

Một số người cho rằng chính Tướng Minh đã ra lệnh giết anh em ông Diệm-Nhu. Lời cáo buộc này được lập lại trong hồi ký của Tướng Tôn Thất Đính năm 1998 (20 năm binh nghiệp, tr. 454-5), và lời tuyên bố của cựu Đại tướng Khánh sau khi Tướng Minh từ trần (e-mail của Tướng Khánh gửi tác giả). Người ta còn nhắc đến việc Tướng Mai Hữu Xuân, sau khi đưa thi hài anh em ông Diệm-Nhu về tới Bộ Tổng Tham Mưu, đã báo cáo với Tướng Minh: “Mission accomplie!” [Nhiệm vụ hoàn tất!] Nhưng chẳng hiểu có ai, ngoài những người như Dương Hiếu Nghĩa, được thấy tận mắt cảnh này không, hay chỉ là những lời bịa đặt từ phía những người chịu ân sủng anh em ông Diệm, hoặc những người muốn “bí ẩn” lịch sử?

[Chúng ta đang sống trong thời của những vách đá dựng đứng sự ngu dốt hào nhoáng và sự điêu ngoa sặc sỡ. Đó là hậu quả kinh hoàng của kế hoạch ngu dân do các chính quyền đưa ra, cùng nỗ lực của một số tổ chức, phe phái luôn tìm cách bưng bít sự thực, tiếp tục giam hãm chính họ và những người liên hệ giữa những vách đá tối lạnh trên, khiến nhân diện hôn ám, trí tuệ nhiễm độc].

Ký giả Robert Shaplen của tờ The New Yorker, cho rằng có hai nguồn tin: Một, chính Tướng Xuân cho lệnh giết. Một nguồn tin khác, do chính Tướng Minh ra lệnh.( Lost Revolution [1966], tr. 210)

Danh tính người đích thân giết anh em ông Diệm-Nhu cũng gây nhiều tranh cãi. Từ năm 1963, báo chí ngoại quốc như New York Times đã nêu tên Đại úy Nguyễn Văn Nhung, cận vệ của Tướng Minh, là thủ phạm. Một số nhân chứng đồng ý. Vì thế, đêm 30/1/1964, tân Thiếu tá Nhung bị giết trong Bộ Tư lệnh Nhảy Dù, khi các Tướng Khánh, Khiêm, Thiệu cùng Đại tá Nguyễn Chánh Thi, Cao Văn Viên, v.. v... làm “chỉnh lý” loại “các Tướng trung lập” (Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Nguyễn Văn Vỹ, Mai Hữu Xuân, Tôn Thất Đính) khỏi Hội đồng Quân đội Cách Mạng). Phải chăng họ muốn trả thù cho ông Diệm?

Shaplen cho rằng thủ phạm là một Thiếu tá Cảnh Sát. Sát nhân bắn ông Diệm vào đầu, rồi đến Nhu; nhưng Nhu còn bị các sĩ quan hiện diện đâm bồi thêm nhiều mũi dao.( Lost Revolution [1966], tr. 210)

Cũng có nguồn tin Thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa, một lãnh tụ Tân Đại Việt sau này, đã dùng tiểu liên bắn xả lên anh em ông Diệm-Nhu, và ông Nhung dùng dao găm bồi thêm cho chắc ăn. Ông Nghĩa, xuất thân Khóa 5 Đà Lạt ngành Thiết Giáp, đã phủ nhận việc này. Và, trên thực tế, hai anh em ông Diệm-Nhu đã chết vì hai viên đạn bắn vào gáy (ót). (Theo Lodge, thi hài ông Diệm quàn ở nhà thương Saint Paul cho thấy ông ta có thể bị đánh đập, hoặc xây xát vì chống cự; VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 390) Chắc chắn không có vụ ông Diệm bị bắn bằng tiểu liên, trước hay sau khi chết. Cũng không có dấu vết bị đâm bằng dao găm.

Nhưng vấn đề ai đã bắn vào gáy hai anh em họ Ngô còn là dấu hỏi lớn. Anh em ông Diệm-Nhu bị bắn chết khi thủ hạ của Tướng Minh dẫn giải họ từ nhà thờ “cha Tam” (Chợ Lớn) về Bộ Tổng Tham Mưu sáng ngày 2/11/1963. Cho đến khi có bằng chứng rõ ràng hơn, tất cả những người thuộc toán đi bắt ông Diệm đều trở thành nghi can. Đại úy Nhung. Đại úy Francois [Phan Hòa] Hiệp. Thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa, Đại tá Dương Văn Lắm. Và ngay cả Tướng Mai Hữu Xuân.

[Những tư liệu cơ bản về cái chết của anh em ông Diệm tại Thư viện Kennedy vẫn chưa giải mật]

Ngoài ra, còn câu hỏi về địa điểm và thời điểm anh em ông Diệm bị bắn chết–bị bắn chết trong nhà thờ cha Tam, rồi đưa ra Thiết vận xa; bị bắn chết trước khi liệng vào lòng xe; hay sau khi đã bị đẩy vào lòng xe? Theo Đại sứ Lodge, có tin anh em ông Diệm-Nhu đang quì trong nhà thờ, bị dẫn ra ngoài bắn, trước khi lên xe thiết vận xa.( FRUS, 1961-1963, IV:559) Những tấm hình do một người trong nhóm đảo chính chụp được vào khoảng 10G00 ngày 2/11 cho thấy anh em ông Diệm-Nhu đều bị trói tay, thi hài đẫm máu. Máu loang lổ cả trên sàn thiết vận xa.( FRUS, 1961-1963, IV:545) Vẫn theo nguồn tin này, bà Trần Trung Dung không chịu nhận xác hai cậu, nên xác phải quàn tại nhà thương St Paul.( Ibid.)

Lại cũng có lập luận rằng chính ông Diệm và anh em, đặc biệt là Tổng Giám mục Thục cùng vợ chồng ông Nhu, đã gây ra cái chết của họ. Năm 1955, cựu hoàng Bảo Đại từng chua chát tuyên bố sớm muộn ông Diệm sẽ bị giết. Ông Vũ Văn Thái, cựu Tổng Giám đốc Ngoại viện, con trai cả một đồng chí cũ của ông Diệm là Vũ Văn An, cũng tuyên bố rằng nếu không rời nước, họ Ngô chắc chắn sẽ chết. Ngay đến bà Thân Thị Nam Trân, mẹ ruột Lệ Xuân, ngày 27/8/1963 đã phải nhờ Lansdale khuyên anh em họ Ngô nên rời nước để tránh bị giết.( VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 54-5, 271-2, 330, 353; Chính Đạo, Phật Giáo, 1963-1967 [1994], tr. 42) Anh em ông Diệm có biết điều này hay chăng? Thực chăng họ tin rằng cuộc đảo chính hụt 11/11/1960, và rồi cuộc đánh bom ngày 27/2/1962 có thể chỉ do vài cá nhân bất mãn chủ trương, với sự khuyến khích của các đảng phái qui tụ những “chuyên viên thất nghiệp” như Đại Việt Quốc Xã của ông Nguyễn Xuân Tiếu, mà ông Diệm tâm sự với các giới chức Mỹ?( VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 245-7) Thực tế có vẻ gai góc hơn anh em ông Diệm và thuộc hạ tưởng nghĩ. Những người ngoại cuộc như Đại sứ Lalouette của Pháp nhận xét vào năm 1962 rằng sự bất mãn và chống đối ngày một gia tăng từ những người yêu nước cấp tiến, giới trưởng giả miền Nam bị gạt bỏ ra ngoài vòng quyền lực để nhường chỗ cho dân di cư từ miền Bắc và miền Trung, các giáo phái bị giải giới và bị nghi ngờ, và “một cách tổng quát, tất cả những người không Ki-tô chống lại thiểu số Ki-tô (khoảng 10% dân số) đã mong muốn đặt tôn giáo Ki-tô La Mã lên hàng quốc giáo.”( CLV, SV, 14:138-9; dẫn trong VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 248) Joseph A. Mendenhall, Cố vấn chính trị Tòa Đại sứ Sài Gòn, thì cho rằng “Diệm đã già và không bỏ được thái độ quan lại. Diệm và Nhu đều nghĩ rằng họ biết người Việt hơn ai hết, vì thế ít khi nghe lời khuyên can.” (FRUS, 1961-1963, II:596-601) Theo Giáo sư Wesley Fishel, cựu cố vấn riêng của ông Diệm, trong dịp tiếp xúc vào đầu năm 1962 với 118 người quen cũ ở Nam Việt Nam–mà không ai thuộc phe đối lập, và cho tới năm 1959 hai phần ba những người này còn ủng hộ ông Diệm–tất cả đều sự sợ rằng Việt Cộng đang chiến thắng. Về tình hình chính trị và tâm lý thì “cảm giác hận thù phảng phất trong không gian.” (Ibid., II:180) Những người thân cận nhất của ông Diệm cũng tâm sự rằng họ không nỡ rời ông Diệm vì sợ bị giết hay vì lo ông Diệm sẽ hoàn toàn bị vây bủa bằng vùng ảnh hưởng ác quỉ (evil influences) của vợ chồng ông Nhu. Nhưng rồi chính những người này, như Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần và Bí thư Võ Văn Hải, cũng bị gạt bỏ dần.

Bản thuyết trình của John H. Richardson–Trưởng lưới CIA Mỹ ở Sài Gòn, nhưng bị nghi là thân vợ chồng ông Nhu–với Bộ trưởng Quốc Phòng McNamara vào ngày 27/9, còn đi vào chi tiết hơn nữa. Theo Richardson, Nguyễn Đình Thuần hai lần từ chối chức Tổng thư ký Hội đồng chính phủ (Thủ tướng), nên bị canh chừng–anh em họ Ngô nghi Thuần là “người của Mỹ.” Thuần thấy nếu họ Ngô tiếp tục cầm quyền sẽ dẫn đến “đại nạn” [disaster]. Muốn cứu đất nước cần áp lực Diệm cải tổ, nhưng Nhu phải ra đi. Đừng đánh giá bằng quan sát phiến diện, dân chúng đang tức giận. Hồ Tấn Quyền cũng không thể thuyết phục được chính cha mình về giá trị của chính phủ. Dân chúng ghét Lệ Xuân và em Lệ Xuân (Khiêm). Công An, Mật Vụ không những chỉ bắt giữ mà còn bắt cóc dân chúng, ngày cũng như đêm, chẳng khác gì Kadar ở Hungary. Quản nhiệm tờ Tự Do, tờ báo bị nghi thân Mỹ, cũng đã bị bắt. Các Bộ trưởng đều ứ đến cổ, muốn từ chức, nhưng sợ hậu quả. Trong nhà cựu Ngoại trưởng Mẫu có tới 36 nhân viên an ninh khi Mẫu sắp rời nước. Thuần có tên trong danh sách bị ám sát của Khiêm–một tên điên và ẩn ức tình dục.( FRUS, 1961-1963, IV:301-3)

Cách nào đi nữa, việc gia đình ông Trần Trung Dung không dám công bố chỗ chôn cất anh em ông Diệm-Nhu đủ phản ảnh phần nào sự bất mãn và thù hận của đa số dân miền Nam với chế độ Diệm. Phải chăng vợ chồng ông Dung sợ rằng một đêm nào đó người ta sẽ đào mộ hai ông Diệm-Nhu lên, đốt thành tro, trộn vào thuốc súng mà bắn đi như ông Ngô Đình Khả cùng Nguyễn Thân, Lê [Tựu] Khiết, v.. v... đã từng cư xử với lãnh tụ Cần Vương Phan Đình Phùng năm 1896 chăng? (Xem Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, tập II, tr. 529-31, 602-4) Giống như những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4/1975, dân chúng miền Trung đã đào mả tổ tiên, hay cha Nguyễn Văn Thiệu ở Phan Rang để bộc lộ lòng căm hờn “bọn cai thầu, buôn dân, bán máu?”

F. NHỮNG NGHI VẤN QUANH CÁI CHẾT CỦA ÔNG DIỆM:

Ngay trong ngày 2/11, chế độ Quân Nhân Cách Mạng miền Nam vi phạm một lỗi lầm lớn trên phương diện chiến tranh chính trị: Họ tuyên bố anh em ông Diệm-Nhu đã tự tử (Tướng Tôn Thất Đính). Đây là những lời dối trá vụng về. Tổng thống Kennedy và báo chí Tây phương nhận thấy ngay lỗ hổng của lời tuyên bố trên: Theo lý thuyết, không một giáo dân Ki-tô Vatican nào được quyền tự sát. Vì thế, Lodge được lệnh phải đích thân điều tra. Cuối cùng, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng phải nhìn nhận hai ông Diệm-Nhu bị giết khi dẫn giải về Bộ Tổng Tham Mưu. Tướng Benoit Trần Tử Oai đưa ra lập luận “chết vì tai nạn” [accidental suicide], khi ông Nhu định cướp súng của các sĩ quan đến bắt giữ.

1. Người Mỹ có cho lệnh giết ông Diệm hay không?

Vài ba tác giả–trong nỗ lực “phong thánh” hay “xây dựng kỳ đài lịch sử” cho họ Ngô, hoặc muốn đại diện “toàn dân Việt Nam” (sic) “ghi ơn Ngô Tổng thống”–cáo buộc rằng người Mỹ đã cho lệnh giết anh em ông Diệm-Nhu.

Lời cáo buộc này vô hay thiếu bằng chứng. Cho tới mùa Đông năm 2001-2002, khi tôi hiệu đính bản thảo lần cuối, chưa tài liệu văn khố nào được phát hiện để làm y cứ cho lời cáo buộc “người Mỹ cho lệnh giết ông Diệm.” Hiện nay chỉ có những tài liệu chứng minh ngược lại, như sự buồn rầu và sửng sốt của Kennedy lúc được tin anh em ông Diệm-Nhu chết, vì Kennedy tin rằng ông Diệm ít nữa sẽ được lưu vong. (Taylor, tr. 301; Schlesinger, tr. 997-8; VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 388. Rất tiếc, các báo cáo quan trọng của Đại sứ Lodge tại Thư viện Kennedy vẫn chưa giải mật)

Mục tiêu của cuộc đảo chính, tưởng cần nhấn mạnh thêm, là vợ chồng ông Nhu và Tổng Giám mục Thục. Nếu ông Diệm không chịu xa rời anh em, ông Diệm cũng sẽ phải lưu vong. Suốt ba ngày 28, 29 và 30/8/1963, các viên chức cao cấp Mỹ đã thảo luận nhiều lần về số phận họ Ngô. Biên bản cuộc họp mật trưa ngày 28/8/1963 của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia [HĐ/ANQG] Mỹ tại Bạch Cung, dưới sự chủ tọa của Kennedy, ghi nhận Phụ tá Bộ trưởng Ngoại Giao đặc trách Đông Nam á vụ, Roger Hilsman, đề nghị cả hai ông Diệm và Nhu phải lưu vong. Trưa ngày 29/8 [khoảng 1 giờ sáng ngày 30/8 tại Sài Gòn], sau khi Đại sứ Lodge và Tướng Harkins đồng ý cho các Tướng làm đảo chính, các viên chức Mỹ họp tại Bộ Ngoại Giao tái khẳng định chỉ có vợ chồng ông Nhu là mục tiêu chính; và, dù không quan tâm đến việc sống chết của ông Nhu, vẫn dự trù cho ông bà Nhu lưu vong ở Âu châu. Phần ông Diệm có thể được giữ lại làm Tổng thống, nếu các Tướng đồng ý. Bằng không sẽ đưa qua Âu châu.( LBJL, Memos ngày 28/8/1963 & 29/8/1963; Papers of Bromley K. Smith, Box 24, 26 & 33) Cũng nên ghi thêm rằng vào tháng 10/1963, mẹ ruột Lệ Xuân từng đề nghị với Paul Kattenburg thuộc Đoàn Việt Nam ở Bạch Cung là hãy cho xe tông chết Lệ Xuân nếu Lệ Xuân xuất hiện ở Oat-shinh-tân hay New York. Nhưng do lời cam đoan của Giám đốc Cơ quan Trung ủơng Tình báo (CIA), Kennedy vẫn cho Lệ Xuân vào Mỹ, tự do phát biểu ý kiến để “hứa cho các sư mượn hộp quẹt để “nướng thịt sư bằng săng nhập cảng;” hay thảnh thơi đi thăm Hollywood, giải phẫu thẩm mỹ ở Los Angeles, sáng ngày 2/11, chỉ khâu mắt chưa kịp tháo ra. Những ai cáo buộc Mỹ đã giết ông Diệm dường không biết, quên, hay tảng lờ chi tiết này.

Tóm lại, cho tới khi có tài liệu chứng minh rõ ràng, những suy đoán hay cáo buộc kiểu “Mỹ cho lệnh giết” ông Diệm có lẽ thuần do xúc động và tư tâm, trong khuôn khổ “thuyết âm mưu” (conspiracy theory), hơn một giải án sử học.

2. Trách nhiệm của chính phủ Kennedy:

Dĩ nhiên, chính phủ Kennedy không hoàn toàn vô can. Nếu tin được lời chứng của Lodge, ông ta chỉ tuân theo mệnh lệnh của Kennedy khi chấp thuận cho các Tướng lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, và theo dõi sát diễn biến của cuộc đảo chính. (FRUS, 1964-1968, I:1-2)

[Trong công điện gửi TT Johnson ngày 1/1/1964, Lodge khẳng định chỉ thi hành lệnh của Kennedy. Vẫn theo Lodge, Kennedy chưa được khen ngợi đúng mức về việc ngăn chặn khuynh hướng tàn hại ở Việt Nam. Nếu trong mùa Hè và Thu 1963, Kennedy không kịp thời ngăn chặn, tình thế ở miền Nam đã dẫn đến đại họa [tức Cộng Sản cướp chính quyền]. Lodge cũng tuyên bố tương tự khi ra điều trần trước Quốc Hội vào mùa Xuân 1964; Chính Đạo, Phật Giáo, 1963-1967 (1994), tr. 53]

Như thế, một câu hỏi không thể không đặt ra: Tổng thống Kennedy có dự liệu về trường hợp thiệt hại bên lề [collateral damage] của cuộc đảo chính hay chăng? Nói cách khác, chính phủ Kennedy có kế hoạch nào để bảo vệ sinh mạng ông Diệm cùng hai người em? Vì đồng ý cho các Tướng làm đảo chính, hẳn phải nghĩ đến lòng hận thù của Tướng Minh hay Kim đối với anh em ông Diệm; sự phẫn hận của sinh viên, Phật tử sau hơn 5 tháng bị giết chóc, bắt giữ, tra tấn đến tàn phế; và, cái nghiêm luật sắt máu của bất cứ cuộc đảo chính nào, “chết, hết truyện.”

Thoạt tiên đã có kế hoạch đưa ông Diệm rời nước bằng phi cơ Mỹ. Chính Đại sứ Lodge cũng mở đường cho ông Diệm về việc bảo vệ sinh mạng này trong cuộc điện đàm lúc 4 giờ 30 chiều ngày 1/11/1963.( VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 382-3) Nhưng cuối cùng cả hai ông Diệm-Nhu đều bị thảm sát vào buổi sáng hôm sau. Vấn đề đặt ra là tại sao Lodge không bảo toàn được tính mạng cho hai anh em họ Ngô như đã hứa với ông Diệm chiều ngày 1/11? Các Tướng đảo chính đã chống lại lệnh của Lodge, hay Đại sứ Mỹ đột ngột rút lại sự bảo vệ sau cuộc điện đàm?

a. Việc các Tướng chống lại “lời khuyên” của Lodge có thể xảy ra.

Qua những tư liệu đã giải mật, người ta thấy Tướng Minh đã cương quyết không ân xá cho Ngô Đình Cẩn vào tháng 5/1964, dù Lodge đã âm thầm can thiệp với cả Tướng Khánh lẫn Thượng Tọa Trí Quang.( Chính Đạo, VNNB, Tập III: Nhân vật chí, (1997), tr. 261; Tập I-D: 1964-1968, đang in) Tướng Minh cũng chống lại đòi hỏi cho cố vấn Mỹ xuống dưới cấp tỉnh của Việt Nam Cộng Hòa. Trong phiên họp với Lodge ngày Thứ Sáu, 10/1/1964–trước sự hiện diện của các Tướng Minh, Đôn, Kim, Thủ tướng Thơ, Bộ trưởng Trần Lê Quang và Phạm Đăng Lâm–hai Tướng Minh và Kim phản đối đề nghị đặt cố vấn Mỹ tới cấp quận và xã. Theo họ, sự hiện diện của cố vấn Mỹ tại các địa điểm hẻo lánh này sẽ khiến Việt Cộng có cơ hội chứng minh rằng chính quyền miền Nam chỉ là ngụy, tay sai Mỹ, và, có vẻ “thực dân hơn cả Pháp.” Tướng Minh cũng không thích người Việt làm việc tại các cơ quan Mỹ, vì dân chúng nhìn họ chẳng khác gì lính Heiho từng phục vụ Nhật trong Đệ nhị Thế chiến. Cả hai Tướng Minh và Đôn còn than phiền về việc Mỹ trợ cấp đặc biệt cho Cao Đài và Hòa Hảo, và các giáo phái đang dùng Mỹ chống lại chính quyền trung ương. Cuối cùng, các Tướng yêu cầu Mỹ ngưng thuê sinh viên biểu tình chống Pháp. (FRUS, 1964-1968, I:16-22)

Những quan điểm này cho thấy Tướng Minh rất ý thức về chủ quyền quốc gia. Ông Diệm, dĩ nhiên, cũng thường bị các quan chức Mỹ gọi là “cứng đầu” [stubborn]. Để chống lại áp lực của người Mỹ về việc lập một Bộ Tư lệnh Hỗn hợp Mỹ-Việt để chia xẻ quyết định hành động, hay thay đổi nhân sự và chính sách theo tinh thần Nghị quyết 111 của HĐ/ANQG Mỹ, đã có lúc ông Diệm bảo thẳng Đại sứ Nolting rằng Việt Nam Cộng Hòa không phải là xứ Bảo hộ. Phê bình về việc cử ông Lodge làm Đại sứ, ông Diệm từng nói dẫu có gửi 10 Lodge tới vẫn phải huấn luyện pháo binh bắn vào Dinh Gia Long. Nhưng sự cứng đầu trên thực chăng vì quyền lợi quốc gia và quốc thể, hay chỉ vì quyền lực của chính họ Ngô?

Nếu vì quyền lợi quốc gia và quốc thể, thái độ ông Diệm với những đề nghị của Mỹ hẳn đã khác. Hơn ai hết, ông Diệm phải hiểu rằng Việt Nam Cộng Hòa cần viện trợ Mỹ để sinh tồn. Chính hai anh em ông Diệm-Thục đã mở đường xin Mỹ viện trợ từ năm 1947, và từng qua tận nước Mỹ để nhờ Hồng Y Francis Spellman vận động các yếu nhân trong giai đoạn 1950-1953. Nhờ vậy mới được ông Bảo Đại cử làm Thủ tướng khi người Mỹ quyết định không tôn trọng Hiệp định Geneva, biến miền Nam thành một tiền đồn chống Cộng, cho anh em ông Diệm uy quyền một cõi. Chính phủ Mỹ chẳng bao giờ muốn nhúng tay vào nội bộ Nam Việt Nam nếu mọi sự tiến triển tốt đẹp. Anh em ông Diệm được tự do “Tố Cọng” và “Diệt Cọng” hăng say như thuở còn là tri huyện, tri phủ, hay tuần vũ dưới thời Pháp thuộc. Nhưng từ năm 1957, cách thức chống Cộng của anh em ông Diệm ngày một bộc lộ nhược điểm, trong khi chế độ mất dần sự ủng hộ của đám đông. Để cứu vãn tình thế, người Mỹ chẳng có cách nào khác hơn phải đề nghị cải cách, và sau khi ông Diệm tuyên bố tình trạng lâm nguy, Mỹ muốn gia tăng nỗ lực duy trì miền Nam. Nhưng anh em ông Diệm không là loại người dám vì sự sinh tồn của miền Nam mà cởi mở đón nhận những đề nghị sửa đổi cần thiết. Ngược lại, anh em ông Diệm tự cho mình là người duy nhất biết cách chống Cộng, chẳng cần học hỏi ở ai. Để chống lại áp lực Mỹ, anh em ông Diệm trương ra tấm bảng “chống Mỹ,” “chủ quyền quốc gia” mà quên rằng quốc gia ấy do chính người Mỹ sản xuất, trong thế chiến lược quốc tế. Và cả chế độ miền Nam thực ra chẳng khác biệt bao lăm với hình ảnh con “sô cẩu” của Lão Đam trên bàn thờ cúng tế chiến tranh lạnh.

Chẳng hiểu ông Diệm có biết người Mỹ chỉ coi ông chẳng khác một thứ ngựa kéo cỗ xe chống Cộng miền Nam, và từ năm 1954-1955, Đặc sứ Lawton Collins đã có lần muốn thay ngựa, nhưng Tổng thống Eisenhower không đồng ý vì chưa tìm ra ngựa khác khá hơn? Riêng ông Nhu thì công khai tự ví mình như ngựa đua, lại là thứ ngựa đua thắng cuộc, vậy mà người Mỹ không chịu bắt độ! (Chính Đạo, VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 44-5, 47, 50-1, 345)

Anh em ông Diệm cũng chỉ trương biểu ngữ chủ quyền quốc gia mỗi khi quyền lợi cá nhân và dòng họ mình bị đe dọa. Nếu vì chủ quyền quốc gia hay quốc thể, hẳn ông Diệm đã chẳng bao giờ yêu cầu đưa TQLC Mỹ vào bảo vệ Tân Sơn Nhất trong ngày 11/11/1960 để dẹp đảo chính. Hơn nữa, anh em ông Diệm không bao giờ chống lại việc gửi quân chiến đấu vào Nam Việt Nam như huyễn truyền bấy lâu. Mùa Thu 1961, khi tuyên bố tình trạng lâm nguy, hủy bỏ cả lễ Quốc Khánh năm 1961, gửi thư cho hơn 90 quốc gia xin viện trợ, ông Diệm tuyên bố với Đại sứ Pháp Lalouette rằng dân chúng Việt Nam sẽ hân hoan nghênh đón các lực lượng chiến đấu Đồng Minh, đặc biệt là quân chiến đấu Mỹ! (VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 187, 231) Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Thuần, và rồi chính ông Diệm hơn một lần yêu cầu Mỹ [qua Đại sứ Nolting và Tướng Taylor] đưa quân vào giúp miền Nam, trong khuôn khổ một hiệp ước hỗ tương phòng thủ.( FRUS, 1961-1963, I:145, 383-4, 391-2, 429) Đó là chưa kể từ ngày 15/6/1961, ông Diệm không ngừng thúc dục Mỹ phải thực hiện gấp kế hoạch khai quang.( FRUS, 1961-1963, I:228-9, 431-3, 639-42, 767-8; II:1-4, 71-2, 90-2, 261-3, 331-2407-9, 566-7, 584-7, 673-5, 732-4) Nhưng mời quân Đồng Minh vào nước (khởi đầu là Không quân và Hải quân), không thể không nghĩ đến việc thành lập một Bộ Tư Lệnh hỗn hợp, hay thực hiện những cải cách chính trị cần thiết.( FRUS, 1961-1963, I:642-4, 713-6)

Nói cách khác, chưa có tài liệu nào chứng tỏ Mỹ áp lực ông Diệm phải chấp nhận cho quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam (McNamara nghĩ rằng nếu còn sống, Kennedy sẽ không đưa quân chiến đấu vào Việt Nam; (In Retrospect, tr. 86-7) hay sử dụng quân cảng Cam Ranh như thủ hạ ông Diệm thường “bí bí, ẩn ẩn” rao truyền. (Người đầu tiên đưa ra mồi nhử Cam Ranh là Hồ Chí Minh và các thủ hạ trong hai năm 1946-1947, nhưng Mỹ từ chối. Nỗ lực vận động để các giới chức Mỹ hiện nay trở lại Cam Ranh cũng không thành công)

Huyền thoại “chống đưa lính Mỹ vào Việt Nam” này chỉ có đôi chút sự thực là việc anh em ông Diệm-Nhu chống việc đặt thêm cố vấn dân sự Mỹ tại các tỉnh. Một trong những lý do là màng lưới cố vấn này khiến suy yếu hệ thống trung ương tập quyền của ông Diệm, và đưa ra ánh sáng cách thức “làm láo báo cáo hay” đã trở thành cố tật. Nhưng chỉ là những chống đối tiêu cực, như chỉ thị cho các tỉnh trưởng không cho các cố vấn đặt văn phòng ở Dinh Tỉnh trưởng, hay không đồng ý cho cố vấn USOM tới cấp tỉnh. Mãi tới mùa Xuân 1963, sau khi lạc vào mê hồn trận hiệp thương, trung lập của Hồ và Pháp, đồng thời bị áp lực phải ra đi, vợ chồng ông Nhu mới ra mặt “chống Mỹ.” Ông Nhu công khai dự đoán số cố vấn Mỹ tại miền Nam sẽ rút bớt trong tương lai, nhưng ông Diệm lại cải chính.( VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 274, 276) Tóm lại, ông Diệm chỉ muốn cố vấn Mỹ hoạt động trong bóng tối, và đừng xen vào hệ thống chỉ huy của mình.

Nhưng từ đầu năm 1962, người Mỹ bắt đầu thiếu kiên nhẫn trước viễn ảnh sụp đổ của VNCH không xa. Chính phủ Kennedy muốn thay anh em ông Diệm, nhưng chưa tìm được ai có khả năng hơn. Nên đành giữ ông Diệm, chỉ yêu cầu anh em ông ra đi. Lẽ dĩ nhiên ông Diệm cương quyết chống lại. Gọi chế độ ông Diệm bằng danh xưng nào đi nữa–gia đình trị, giáo phiệt Ki-tô, hay độc tài Trung cổ–nó chỉ khác với chế độ miền Bắc cái danh xưng hay “quốc hiệu.” Ông Thục là người đỡ đầu tôn giáo; củng cố hàng ngũ giáo mục và giáo dân Ki-tô sau lưng ông Diệm. Ông Nhu vừa là lý thuyết gia của ông Diệm, vừa là người làm giúp ông Diệm những việc “giặt chăn bẩn” [dirty works]. Đó là chưa nói đến Lệ Xuân, người mà Bộ trưởng Quốc Phòng McNamara gọi là “mụ phù thủy,” “người vợ không chính thức” của ông Diệm. Dù biết rằng những người sẽ thay ông Diệm chưa chắc sẽ hữu hiệu hơn anh em ông Diệm-Nhu, các viên chức Mỹ cần những người hợp tác chặt chẽ hơn. Bởi thế Kennedy cho Lodge toàn quyền quyết định việc thay ngựa giữa dòng.

Mà Lodge thì đã có sẵn định kiến với anh em ông Diệm. Chuyến nghỉ cuối tuần ở Đà Lạt ngày 27/10/1963 khiến Lodge quyết định không thể làm việc với được nữa với loại người “dối trá và tội phạm” [liars and criminals] như anh em ông Diệm. (FRUS, 1961-1963, IV, tài liệu 221; Gravel, II:219; Colby 1989:149) Lần gặp mặt cuối cùng vào trưa ngày 1/11/1963 còn tai hại hơn nữa. Cách trút tội cho CIA Mỹ cùng các tăng sĩ, và quân đội trong cuộc khủng hoảng Phật Giáo, kể cả cuộc tấn công chùa chiền ngày 21/8, và chụp mũ Cộng Sản cho sinh viên, học sinh khó thay đổi được Lodge.

b. Một lý do khác có thể dẫn đến cuộc thảm sát anh em ông Diệm là người Mỹ đã rút lại sự bảo vệ, vào giờ chót.

Như chúng ta đã biết, lực lượng đảo chính vì lý do nào đó không bao vây phía Tây Nam Dinh Gia Long. Theo Tướng Đính, nhóm đảo chính muốn mở cho anh em ông Diệm một đường tẩu thoát. (Đính 1998:443-5. Một cựu Đại đội trưởng Liên đoàn phòng vệ Phủ Tổng thống hiện cư ngụ tại Houston bác bỏ điều này, cho rằng phe đảo chính không đủ quân). Cách nào đi nữa, nhờ vậy, ông Cao Xuân Vỹ, Phó thủ lãnh Thanh Niên Cộng Hòa, có thể vào Dinh Gia Long, dàn xếp đưa anh em ông Diệm chạy ra ngoài.

Quyết định chạy vào Chợ Lớn cũng như việc làm của ông Diệm trong những giờ kế tiếp chưa được minh bạch hóa, dù rất quan trọng và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc thảm sát hai anh em họ Ngô.

Câu hỏi đầu tiên đặt ra là tại sao ông Diệm hay Nhu không yêu cầu ông Vỹ–hoặc ông Vỹ không gợi ý cho anh em ông Diệm–là nên tới tị nạn trong một giáo xứ Ki-tô nào đó? Mỗi giáo xứ gần Sài Gòn, và ngay cả những giáo xứ trong địa phận Sài Gòn, đều sẽ trở thành tường đồng vách sắt cho anh em ông Diệm. Chẳng lẽ ông Diệm không còn dám tin tưởng ở các họ đạo hay các giáo hữu?

Vì một lý do nào đó, anh em ông Diệm-Nhu quyết định chạy vào Chợ Lớn. Nếu tin được lời ông Vỹ, hai ông Diệm-Nhu tới Đại Thế Giới, họp với một số người thân tín. Có thể từ đây, hai ông Diệm-Nhu tìm cách liên lạc với những người thân tín, mưu việc trốn lên cao nguyên để phản đảo chính.

Sau đó, tới nghỉ đêm tại tư gia ông Mã Tuyên, một nhân vật người Việt gốc Hoa có nhiều hoạt động đáng nghi. Người ta cho rằng văn phòng của ông Tuyên ở Chợ Lớn là một trung tâm tình báo tam, tứ trùng, và ông ta có thể là một môi giới cho ông Nhu tiếp xúc với cả Việt Cộng (Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) và Hà Nội (Phạm Hùng và Phạm Văn Đồng). Phải chăng vì quyết định chạy vào Chợ Lớn và nỗ lực vận động phản đảo chính (kể cả mưu định móc nối với Cộng Sản) đã khiến Tòa Đại sứ Mỹ rút lại lệnh bảo vệ cá nhân ông Diệm? Chỉ cần người Mỹ rút lại sự bảo vệ, anh em ông Diệm không bị thảm sát mới là chuyện lạ. (Ông Trần Bạch Đằng cho rằng không hề có việc Ngô Đình Nhu gặp sứ giả Hà Nội)

Như một hệ luận, không thể không đặt câu hỏi tại sao ông Cao Xuân Vỹ có mặt ở Dinh Gia Long sau khi cuộc đảo chính xảy ra? Tại sao sau khi đưa anh em ông Diệm-Nhu tới Đại Thế Giới, ông Vỹ đã bỏ đi chỗ khác, gọi điện thoại vào Bộ Tổng Tham Mưu, hoặc Bộ Quốc Phòng, và từ đó không gặp lại hai anh em lãnh tụ nữa?

Nói cách khác, cuộc tẩu thoát của anh em ông Diệm-Nhu khỏi Dinh Gia Long, cũng như vai trò ông Cao Xuân Vỹ, cần được tìm hiểu rõ ràng hơn. Thiếu những khoen nối này, khó thể xác định tại sao anh em ông Diệm bị giết.

[Có người cho rằng anh em ông Diệm lúc ấy bị oan hồn làm mờ mắt, nên tự chọn lấy cửa tử, vì sung chín, sung rụng! Lại cũng có người nói ông Diệm là một thứ “psychopath,” “maniac,” nên lúc khẩn cấp không còn sáng suốt giải quyết sự việc. Đây có thể chỉ là những suy luận “hữu thần” hoặc tự kỷ ám thị. Anh em ông Diệm là những người rất thuộc bài học Machiavelli tăng lữ và đặc tính quan lại thời bảo hộ]

Theo Tướng Đôn, anh em ông Diệm-Nhu đã rời Dinh Gia Long vào buổi tối 1/11 cùng hai thuộc hạ, và đã liên lạc với các Tướng hay Đại sứ Lodge từ một biệt thự bí mật ở Chợ Lớn.( FRUS, 1961-1963, IV:559, 569)

Một tài liệu khác cho biết anh em ông Diệm-Nhu chạy khỏi Dinh Gia Long tối ngày 1/11, có một Hoa thương đi theo. Họ ngừng lại trong một hội quán vào khoảng 21G00 xà xin tị nạn chính trị tại Đài Loan, nhưng không thành công. Sau khi ngủ đêm tại đây, lúc 8 giờ sáng ngày 2/11, anh em ông Diệm-Nhu tới một nhà thờ và khoảng 10 phút sau thì có thiết vận xa đến bắt. Họ bị nhốt kín trong thiết vận xa trên.( FRUS, 1961-1963, IV:531)

Phạm Ngọc Thảo nói với một nhân viên CIA vào khoảng 11G30 ngày 2/11 là anh em ông Diệm không có mặt trong Dinh Gia Long khi cuộc đảo chính xảy ra. Họ bị Tướng Xuân bắt tại biệt thự trên đường Phùng Hưng.( FRUS, 1961-1963, IV:532)

Trung úy Nguyễn Ngọc Linh, Phụ tá của Tướng Khánh, cho rằng hai anh em ông Diệm-Nhu thoát khỏi Dinh Gia Long vào khoảng 7 giờ sáng, và từ đây chạy tới Chợ Lớn. Khoảng 13G30 ngày 2/11, Linh thấy xác hai ông Diệm-Nhu tại Bộ TTM; và rõ ràng họ bị ám sát, hoặc do lệnh Tướng Xuân, hoặc do chính ông Xuân.( FRUS, 1961-1963, IV:532)

Lại có tin anh em ông Diệm-Nhu cùng một cận vệ bị người của Tướng Xuân giết ở nhà thờ Chợ Lớn.( FRUS, 1961-1963, IV:533)

[Mới đây, một độc giả điện thoại cho tác giả biết ông Cao Xuân Vỹ không hề tháp tùng anh em ông Diệm trên chiếc xa LaDalat rời Dinh Gia Long chiều ngày 1/11. Người lái xe là một sĩ quan Thiêt Giáp từ Mỹ Tho biệt phái về. Chúng tôi chưa có cơ hội kiểm chứng]

G. TRÁCH NHIỆM CỦA TƯỚNG MINH:

Là người cầm đầu cuộc đảo chính, và rồi Chủ tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, Tướng Minh dĩ nhiên trên tổng quát phải chịu trách nhiệm về cuộc thảm sát hai ông Diệm-Nhu.

Nhưng cũng có thể chính ông Minh đã ra lệnh giết anh em Diệm-Nhu.

1. Một lý do có thể là nhổ cỏ phải nhổ tận rễ.

Anh em ông Diệm từng cầm quyền 9 năm, có người anh trong gia đình làm Tổng Giám Mục Ki-tô, và như thế có thể gây nhiều trở ngại trong tương lai–Bất cứ một sĩ quan cấp tá tham vọng nào cũng có thể mượn tên ông Diệm để làm đảo chính. Giữa lúc tình thế đang hoang mang, bất định, tiêu diệt anh em ông Diệm-Nhu sẽ cắt đứt mọi hy vọng tạo loạn của thiểu số trung thành (nếu có) với họ Ngô.

2. Anh em ông Diệm-Nhu nổi danh tráo trở, mưu mẹo.

Luật sư Nguyễn Hữu Châu từng lên án họ Ngô là “được chim bẻ ná.”( nguyên văn) Tướng “Big” Minh biết rõ nhất vụ bắt giữ Lê Quang Vinh ở Chắc Cà đao (Long Xuyên), giữa lúc “Trung tướng” Ba Cụt đang trên đường phó hội để đầu hàng. Rồi sau đó, ông Lâm Lễ Trinh làm án tử hình Ba Cụt hầu chuẩn bị bước lên chức Bộ trưởng Nội vụ–một bản án tiêu biểu cho chế độ giáo phiệt của anh em ông Diệm. Nhiều nữa, khó thể kể xiết sự trí trá của anh em họ Ngô với Bình Xuyên, Hòa Hảo, Cao Đài. Việc loại bỏ Bộ trưởng Nguyễn Hữu Châu và phe nhóm Trần Văn Đỗ. Việc điều đình với nhóm nổi dạy ngày 11/11/1960. Việc ký Tuyên cáo chung với Phật giáo (16/6/1963).

3. Yếu tố “tư thù” cũng đóng một vai trò quan trọng.

Tướng Minh từ địa vị một khai quốc công thần, bỗng trở thành một Tướng vô quyền lực. Nhiều hơn một lần Tướng Minh đã tổ chức ám sát ông Nhu, nhưng chưa có dịp ra tay. Ngày 24/11/1961, trong lúc liên hệ Việt-Mỹ căng thẳng vì báo cáo của Tướng Taylor, và ông Nhu đang mở chiến dịch tố cáo Mỹ xâm phạm vào chủ quyền Việt Nam, Tướng Minh công khai chỉ trích Tổng thống Diệm, và yêu cầu Mỹ phải tỏ ra cứng rắn hơn.( FRUS, 1961-1963, I:682) Ngày 14/12/1961, khi Tướng Minh thuyết trình với ông Diệm về kế hoạch sử dụng các “chiến đoàn” do cố vấn Mỹ đề nghị, ông Diệm chẳng những không chấp thuận, mà sau đó còn cho người điều tra, dò hỏi phải chăng ông Minh định làm đảo chính. Ngày 18/12/1961, khi Tướng Minh đề nghị với Tướng Lê Văn Tÿ về kế hoạch sử dụng các tiểu đoàn đặc biệt để tấn công chiến khu D, ông Tÿ chỉ chấp thuận cho sử dụng tới cấp đại đội. Trong khi đó, “thám tử tư” của Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần không ngớt theo dõi ông Minh. (FRUS, 1961-1963, I:753)

Tướng Lê Văn Kim từng bị Tướng Tôn Thất Đính cất chức, bị An Ninh Quân đội bắt giữ, điều tra sau cuộc binh biến 11/11/1960, dù đích thân không hề tham gia cuộc nổi dạy này. Sau đó, được cử làm phó cho Tướng “Big” Minh, tức cũng thuộc loại “ngồi chơi sơi nước vối.” Nên từ cuối năm 1961, Tướng Kim đã liên kết với Tướng Minh chờ ngày khởi sự.

Tướng Mai Hữu Xuân bị mất chức Giám đốc An Ninh Quân đội, về nắm Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, lúc nào cũng bị rình rập theo dõi.

Từ năm 1961, Tướng Lê Văn Nghiêm, khi đang nắm Tư lệnh Quân Khu III, đã có ý định lật đổ chế độ Diệm. Tháng 5/1963, ông Nghiêm bị mất chức Tư lệnh Quân đoàn I vì không chịu tích cực tuân theo khẩu lệnh của ông Diệm “tái lập trật tự”–tức đàn áp cuộc tranh đấu của Phật giáo ở miền Trung như Đỗ Cao Trí.

Đại tá Phạm Văn Đổng, khi còn là Phó Tư lệnh Quân khu III, từng yêu cầu người Mỹ quay mặt cho mình làm đảo chính vào ngày 1/12/1961.

Những sĩ quan gốc Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng bị điều tra từ năm 1954-1955, xách nhiễu sau cuộc binh biến 11/11/1960 và cuộc đánh bom Dinh Độc Lập vào tháng 2/1962.

Nhiều nữa, khó thể kể xiết. Cha mẹ, anh em, họ hàng của các sinh viên, học sinh tranh đấu bị bắt giữ, hành hung, tra tấn. Phải chứng kiến tận mắt cảnh dân chúng thủ đô Sài Gòn reo hò cổ võ các binh sĩ và cấp chỉ huy làm đảo chính, những vòng hoa choàng lên cổ các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến, Thiết Giáp, hay những lời xưng tụng Đại sứ Lodge trong hai ngày 2/11 và 3/11/1963, việc đập phá pho tượng Hai Bà Trưng mặc áo cổ vuông và có khuôn mặt từa tựa mẹ con Trần Thị Lệ Xuân, v.. v... mới thấy được nỗi mừng vui trời biển của đại đa số dân quân miền Nam trước sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm.

[Tài liệu văn khố Pháp cũng xác nhận cảm tình nồng hậu này của đám đông với các Tướng làm đảo chính. Xem, chẳng hạn, Note ngày 5/11/1963; CLV 22: “La population de Saigon a manifesté une joie bruyante, le 2 novembre, lorsque la chute du gouvernement Diem, etc”]

Nhưng khác với ngọn lưỡi Lệ Xuân, người Việt miền Nam không nhảy múa reo hò ném thêm những hòn đất hận thù lên thi hài đẫm máu của anh em ông Diệm-Nhu. Đại đa số người Việt miền Nam chỉ nhún vai, phê phán: “Gieo gió thì gặt bão.” Người ta muốn quên đi những tội ác của họ Ngô, nên không nhắc đến nữa. Sự im lặng ấy không hàm ý tiếc thương hay tri ơn anh em ông Diệm-Nhu về những vết thương đẫm máu mà anh em ông Diệm đã khảm khắc lên thân tâm họ.

[Chỉ có Hồ Chí Minh, người từ mùa Xuân 1962, và rồi qua cuộc phỏng vấn của ký giả Alfred Burchett trên tờ New Times ngày 29/5/1963 đã đưa anh em ông Diệm-Nhu vào cái bẫy sập “Hiệp thương” tìm hòa bình chết người, lại bỗng dưng đổi giọng, tuyên bố ngày 28/8/1963: “Tội ác dã man của chúng trời đất không thể dung!” Nhân Dân, 29/8/1963; Hồ Chí Minh toàn tập, Tập IX: 1961-1964 [1989], tr. 544]

4. Ngoài ra, cũng không thể không đề cập đến vấn đề tiền bạc.

Năm 1964, Tướng Khánh mật báo với Đại sứ Lodge rằng khi bị bắt, ông Diệm cầm trên tay một chiếc samsonite chứa một triệu Mỹ kim bằng giấy lớn (100 dollars?), nhưng chiếc samsonite này biến dạng từ đó. Vì thế, ông Lodge viết thư cho Ngoại trưởng Rusk, nhờ chuyển lên Tổng thống Johnson, đề nghị dùng chuyện chiếc samsonite và 1 triệu Mỹ kim này để ép buộc Tướng Minh âm thầm ra đi.( VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 139,386)

Dĩ nhiên, sử dụng tài liệu trên cần cực kỳ cẩn trọng. Khi tôi điện thoại hỏi Tướng Khánh về việc này, ông Khánh trả lời rằng ông Lodge, vì không rành tiếng Pháp, nên đã báo cáo rằng số tiền lên tới 1 triệu Mỹ kim, dù thực tế, ông Khánh chỉ nói là “1 triệu đồng Việt Nam!” (sic)

Có lẽ vì cả ba yếu tố nhổ cỏ nhổ tận rễ, tư thù và tài sản mà ngay cả ông Ngô Đình Cẩn, lãnh chúa miền Trung, cũng không thoát khỏi bản án tử hình, dù Đại sứ Lodge ra sức vận động xin ân xá cho ông Cẩn.

[Tướng Minh từ chối vì sợ rằng Tướng Khánh buộc tội mình là tham nhũng, ăn hối lộ nên ân xá. Thượng tọa Trí Quang không những từ chối vận động ân xá cho ông Cẩn, mà còn cảnh giác ông Lodge rằng dư luận người Việt hẳn sẽ khó tiên đoán khi tin ông Lodge đang xin ân xá cho ông Cẩn bị tiết lộ].

5. Người có trách nhiệm dẫn giải từ Chợ Lớn về Bộ Tổng Tham Mưu bị “panic” [hốt hoảng].

Có người đưa ra lập luận rằng anh em ông Diệm đã bị giết vì những người có trách nhiệm dẫn giải từ Chợ Lớn về Bộ Tổng Tham Mưu bị hốt hoảng. Theo những người này, đoàn xe dẫn giải anh em ông Diệm-Nhu bị tách làm hai tại một khúc có đường rầy xe lửa trên đại lộ Hồng Thập Tự. Lo sợ đám đông sẽ tràn tới giải cứu hay giết hại anh em ông Diệm, các sĩ quan tháp tùng đã giết họ để tránh hậu họa. Lập luận này có vẻ là phát kiến chiến tranh chính trị nhằm biện minh cho cái chết của hai ông Diệm-Nhu, sau khi loan tin họ đã “tự tử.” Ghi lại đây để các nhà nghiên cứu có dịp xét định.

Tóm lại, cái chết của anh em họ Ngô có lẽ do chính các Tướng tá Việt Nam quyết định; và Tướng Minh chịu trách nhiệm lớn nhất, về tình cũng như về lý. Nếu quả thực Tướng Minh để lại một hồi ký, độc giả sẽ có dịp được biết thêm những chi tiết còn thiếu sót về cuộc thảm sát anh em ông Diệm.

III. TỪ CHỈNH LÝ (1/1964) TỚI ĐẠI SỨ LƯU ĐỘNG (12/1964):

Dù là người có công lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, giải thoát cho Phật tử và tăng ni cuộc đàn áp sắt máu, khốc liệt, Tướng Minh không duy trì được quyền lực lâu dài. Ngày 30/1/1964, tức chưa tròn 3 tháng sau ngày cầm quyền, Tướng Minh bị Raymond Khánh “chỉnh lý.”

Lý do mà Tướng Khánh, Tư lệnh Quân Đoàn I thời đó, nêu lên là để ngăn chặn một cuộc đảo chính do các Tướng thiên về trung lập chủ mưu. Tham gia cuộc chỉnh lý này còn có Tướng Khiêm, đương kim Tư lệnh Quân Đoàn III; Tướng Thiệu, Tư lệnh Sư Đoàn 5 [Tham mưu trưởng Liên quân?]; Đại tá Cao Văn Viên, Tư lệnh Liên Đoàn Nhảy Dù; Đại tá Nguyễn Chánh Thi, mới từ Nam Vang về nước chưa đầy hai tháng, phụ tá của Tướng Khánh; cùng nhóm sĩ quan Đại Việt miền Nam, như Huỳnh Văn Tồn, Trang Văn Chính, Dương Hiếu Nghĩa, v.. v...

[Theo Colby, trước ngày làm chỉnh lý, ông Khánh bắt đầu nuôi bộ râu dê, vì một lời thệ bí mật nào đó–như trả thù cho anh em ông Diệm. Nhưng đó chỉ là tin đồn. Hai ông Khánh và Khiêm là những người đầu tiên muốn lật đổ họ Ngô. Vì ông Minh nghi ông Khánh có tâm địa thời cơ, nên không trọng dụng và tin cậy]

Do sự can thiệp của Đại sứ Lodge, người Tướng Khánh xin làm “một học trò ngoan ngoãn,” Tướng Minh được giữ làm Quốc trưởng, dù chỉ có hư vị. Từ tháng 5/1964, sau khi Tướng Minh không chịu ký giấy ân xá cho ông Ngô Đình Cẩn (đã bị kết án tử hình ngày 22/4 và xử tử ngày 9/5), Lodge bắt đầu mất thiện cảm với Tướng Minh, và có ý định bắt Tướng Minh phải âm thầm ra đi. Tuy nhiên, những biến cố dồn dập năm 1964 tại Việt Nam (như đặc công Cộng Sản đặt chất nổ, hay vụ hải thuyền Bắc Việt tấn công chiến hạm Maddux ở vịnh Bắc Việt), và việc ông Lodge về nước để hoạt động cho Đảng Cộng Hòa trong mùa bầu cử Tổng thống 1964 khiến số phận Tướng Minh được đình hoãn một thời gian. Tổng thống Johnson và tân Đại sứ Taylor muốn biến Tướng Khánh thành một “strongman” [nhà độc tài quân phiệt] của Nam Việt Nam, nhưng ông Khánh không thích vai trò này. Bị sinh viên và Phật tử chống đối, tháng 8/1964, ông Khánh xé bỏ Hiến chương Vũng Tàu. Được nhóm Lê Văn Hoạch cố vấn, ông Khánh muốn “ve vãn” Cộng Sản, hy vọng lôi kéo những người “quốc gia” trong hàng ngũ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam như Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Hồ Thu, v.. v...

Trong khi đó, Tướng Khánh vẫn nuôi dưỡng ý định hạ Tướng Minh. Ngày Thứ Hai, 3/8/1964, khi cùng Đại sứ Taylor thị sát tỉnh Bình-tuy trở về Vũng Tàu, ông Khánh tâm sự là có ý định loại “Big” Minh. Bởi thế, ông Khánh cho ra đời bản Tuyên cáo Vũng Tàu, để tự biến mình thành một nhà độc tài của miền Nam. Nhưng trước sự chống đối dữ dội của các phe nhóm, kể cả Phật Giáo, ông Khánh đành xé bỏ Hiến chương trên trước Dinh Thủ tướng, và tự hô to khẩu hiệu “Đả đảo độc tài!” Cuối cùng, qua cuộc “biểu dương lực lượng” ngày 13/9/1964 của nhóm Tướng Dương Văn Đức, Lâm Văn Phát và Đại Việt miền Nam, ông Khánh loại cả hai Tướng Minh và Khiêm khỏi quyền lực, bằng cách trao chính quyền cho phe dân sự. Ngày 24/10/1964, ông Phan Khắc Sửu lên làm Quốc trưởng. Bốn ngày sau, ông Minh bàn giao chức vụ cho ông Sửu. Rồi ngày 20/12/1964, sau khi được thăng cấp Đại tướng (cùng với ông Khánh ngày 24/11/1964), ông Minh phải lên đường lưu vong với tước vị “Đại sứ lưu động.” Ba tháng sau, ông Minh bị ép buộc giải ngũ.

Việc Tướng Khánh loại bỏ ông Minh này có sự tiếp tay của nhóm Tướng trẻ, thường tự xưng là “Young Turks,” như Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Chánh Thi, Chung Tấn Cang, Nguyễn Bảo Trị, v.. v... Nhưng chỉ vài tháng sau, chính nhóm Young Turks lại loại bỏ ông Khánh, theo lệnh của Tòa Đại sứ Mỹ, đặc biệt là Taylor.

[Từ tháng 12/1964, liên hệ giữa Tướng Khánh và Taylor trở thành thù nghịch, sau khi ông Khánh và nhóm Tướng trẻ giải tán Thượng Hội Đồng Quốc Gia ngày 20/12/1964, và bắt giữ một số sĩ quan lớn tuổi. Điều này khiến Taylor bất mãn vì khi vừa trở lại Sài Gòn sau thời gian về nước tham khảo, Taylor đã căn dặn các Tướng không đuọc đảo chính nữa. Bởi thế, Taylor vội gọi các Tướng trẻ tới Tòa Đại sứ, nghiêm khắc trách mắng. Riêng ông Khánh tránh mặt Taylor, thu âm cuộc điện đàm gay cấn giữa hai người, và mở chiến dịch đòi triệu hồi Taylor. Quốc trưởng Sửu phải đứng ra hòa giải. Tình hình phức tạp hơn khi Thủ tướng Trần Văn Hương bí mật liên kết với Ki-tô giáo để làm đảo chính Tướng Khánh cùng loại bỏ ảnh hưởng Phật giáo. Nhờ sự yểm trợ của các Tướng trẻ, ông Khánh ép được Thủ tướng Hương từ chức, đưa Y sĩ Phan Huy Quát lên thay. Phe Ki-tô giáo bèn ra mặt chống đối chính phủ Quát, yểm trợ nhóm Lâm Văn Phát và Phạm Ngọc Thảo làm đảo chính ngày 19/2/1965. Cuộc đảo chính này bị nhóm Young Turks bẻ gãy nhanh chóng. Nhưng người thua cuộc cay đắng nhất là chính Tướng Khánh: Ngày 24/2/1965, trong khi Lâm Văn Phát và Albert Thảo lẩn trốn trong các họ đạo Ki-tô, Tướng Khánh phải rời nước lưu vong. Từ ngày này, nhóm Young Turks ngày một nhiều quyền lực, tự tạo nên giai tầng kiêu binh trong sinh hoạt chính trị miền Nam. Ngày 19/6/1965, nhóm Young Turks chính thức lên cầm quyền, với Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Quốc trưởng (Chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia) và Thiếu tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ làm Thủ tướng (Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương)].

[Do nhu cầu ổn định tình hình chính trị miền Nam, năm 1966, Tổng thống Johnson cho phép hợp hiến hóa chế độ (nghĩa là lại có Hiến pháp và Quốc hội). Mặc dù cuộc nổi dạy của Phật giáo miền Trung trong mùa Xuân 1966 tạo nên một chuỗi những biến loạn, tháng 9/1967, Tướng Thiệu, 44 tuổi, đắc cử Tổng thống Đệ Nhị VNCH, với Tướng Kỳ, 37 tuổi, làm Phó. Miền Nam Việt Nam còn có được một Thượng viện mà 60% thành viên là giáo dân Ki-tô, và rồi một Hạ viện gồm phần lớn những dân biểu “thân chính” (người đương thời thường gọi là gia nô [của hành pháp]; do hai ông Nguyễn Cao Thăng và Nguyễn Văn Ngân chỉ huy)].

[Tháng 2/1968, giữa lúc thế giới đang rúng chuyển về cuộc tổng công kích của Hà Nội và ngay sau khi Huế vừa được giải tỏa, Tướng Lansdale yêu cầu Đại sứ Ellsworth Bunker chấm dứt tình trạng “chim hai đầu” của miền Nam. Từ ngày này, các quan chức Mỹ ra công giúp “Tám Lõ” Nguyễn Văn Thiệu củng cố quyền lực, loại bỏ tay chân của Tướng Kỳ. Hội Đồng Tướng Lãnh, cơ quan “siêu quyền lực” phía sau Hiến pháp 1967, bị dẹp bỏ. Sau khi hầu hết những người thân cận của ông Kỳ bị chết ở Chợ Lớn do “trở ngại kỹ thuật” của một ống phóng hỏa tiễn của trực thăng (và như thế vô hiệu hóa những tin đồn đảo chính do nhóm ông Kỳ tung ra), ông Trần Văn Hương, một chính khách miền Nam có uy tín nhưng thiếu khả năng, được cử làm Thủ tướng (lần thứ hai), thay Luật sư Nguyễn Văn Lộc, người mà theo dư luận là “người” của Tướng Kỳ. Các cựu đảng viên Cần Lao dưới thời Ngô Đình Diệm bắt đầu được giảm án, phóng thích, cho trở lại chính quyền (kể cả Đặng Sỹ, thủ phạm giết người tập thể ở Huế). Các lãnh tụ tranh đấu Phật giáo “được bảo vệ an ninh,” hay truy tố ra tòa. Giám mục Nguyễn Văn Thuận, cháu gọi ông Diệm bằng cậu, cũng thu nhặt tàn dư của Đảng Cần Lao thành một đảng mới, giao cho nhóm Trương Công Cừu, v.. v... cầm đầu. Có người đã ví chế độ Thiệu như một chế độ “Diệm mà không có Diệm.”

Phần Tướng Minh, sau hơn hai năm lưu vong ở Bangkok, năm 1967 nạp đơn xin tranh cử Tổng Thống, nhưng bị bác. Ông Minh bèn ủng hộ liên danh “miền Nam” Trần Văn Hương-Mai Thọ Truyền. Vì “ân nghĩa” này, sau khi thay Thủ tướng Lộc, ngày 5/10/1968, ông Hương cho “Big” Minh về nước.

IV. TỔNG THỐNG CUỐI CÙNG (28-30/4/1975):

Từ năm 1970, Đại tướng Minh trở thành một lãnh tụ đối lập, nghiêng về phía lực lượng thứ ba. Vây quanh ông là một số chính khách miền Nam, kể cả những thành viên của Ban trí vận đảng CSĐD. Năm 1971, ông Minh nạp đơn ứng cử, sau đó lại rút lui, khiến ông Thiệu phải “độc diễn,” hay “trưng cầu dân ý.” Vì là người miền Nam, từng đeo lon Đại tướng, ông Minh qui tụ được một số chính khách trung lập, hoặc thiên về chủ trương Nam Kỳ tự trị. Từ sau ngày ký Hiệp ước Paris 1973, vai trò Tướng Minh sáng giá hơn.

Tuy nhiên, phải tới tháng 4/1975–sau khi nhóm Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên quyết tâm xé nát quân đội Việt Nam Cộng Hòa qua lệnh triệt thoái Pleiku và vùng I–mới có những nỗ lực nhằm đưa Tướng Minh lên thay thế Tổng thống Thiệu. Sốt sắng nhất trong “giải pháp Big Minh” này là chính phủ Pháp. Đại sứ Graham Martin của Mỹ cũng phần nào tiếp tay.

Ngày 15/4/1975, ông Martin chính thức xin loại bỏ ông Thiệu. Ba ngày sau, 18/4/1975, chính phủ Gerald Ford đồng ý. Hai ngày sau nữa, 20/4, Đại sứ Martin gặp ông Thiệu, khuyên từ chức. Tối hôm sau, 21/4, ông Thiệu tuyên bố từ nhiệm, nhường cho Phó Tổng thống Hương lên thay, còn mình sẽ trở lại “sát cánh chiến đấu bên các chiến hữu.”

Những ngày sau đó, cả Martin và Đại sứ Pháp Mérillon áp lực ông Hương nhường quyền cho Tướng Minh. Ông Hương cố trì hoãn, chỉ muốn phong Tướng Minh làm Thủ tướng (Có tin ông Hương còn muốn cử Nguyễn Ngọc Huy lên thay Nguyễn Bá Cẩn, đã từ chức ngày 23/4, nhưng được lưu nhiệm). Ngày 25/4/1975, sau khi Tướng Minh từ chối chức Thủ tướng, chính phủ Ford đã cắt viện trợ quân sự, và Nguyễn Văn Thiệu cùng Trần Thiện Khiêm trốn chạy khỏi nước, “ông già gân” mới chịu buông xuôi.

Ngày Thứ Bảy, 26/4, Tổng thống Hương ra trước Quốc Hội công bố quyết định rút lui. Nhưng bàn cãi tới 11 giờ đêm, các Nghị sĩ, Dân biểu vẫn chưa đồng ý về người thay thế. Hôm sau, Chủ Nhật, 27/4, do sự khuyến khích của Đại sứ Mérillon và nhân viên Tòa Đại Sứ Mỹ, Tướng Đôn ra “điều trần” về hiện tình quân sự. Phó Thủ tướng Đôn thông báo cho gần 150 người hiện diện rằng 15 Sư Đoàn Cộng quân đang bao vây Sài Gòn; đường từ Sài Gòn ra Vũng Tàu (Quốc lộ 15) đã bị cắt; và áp lực Cộng quân đang đè nặng trên vùng Long-bình/Long-thành.

Mãi tới 8 giờ 20 tối, sau 50 phút thảo luận, Quốc Hội VNCH–ở phiên họp cuối cùng, với số phiếu 136/2–ủy quyền cho Tướng Minh làm Tổng Thống.

Phần Minh “lớn,” theo lời một nhân chứng, đã bắt được liên lạc với phe CP/LTMN, và có cả đường giây vô tuyến liên lạc với cấp chỉ huy Cộng sản. Cho tới nay, vẫn chưa biết danh tính người tiếp xúc với ông Minh.

Nhân vật môi giới có lẽ là Trần Bạch Đằng–người phụ trách trí vận ở Sài Gòn, một thời làm Bí thư Thành ủy, từng trao đổi tù binh với Tòa Đại sứ Mỹ từ trước Tết Mậu Thân (1968). Nhưng cũng có thể chẳng ai khác hơn nhóm Hoàng Anh Tuấn-Võ Đông Giang ở Tân Sơn Nhất. Năm 1982, trong tập hồi ký Kết Thúc Cuộc Chiến Tranh 30 Năm, Thượng tướng CS Trần Văn Trà tiết lộ:

Trong lúc Đại sứ Mỹ Martin cùng trùm CIA, Polgar, kết hợp với các nhà ngoại giao, các nhà chính trị khác cố tìm mọi cách đi đến một cuộc đàm phán... thì phái đoàn của ta trong Ban Liên Hợp Quân Sự Hai Bên ở trại David bỗng trở nên quan trọng hết sức... Trong những ngày này chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên với phái đoàn chúng ta, và theo sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Chính Trị, trả lời nhanh chóng các bức điện, hướng dẫn mọi ý tứ và hành động cho phù hợp với không khí ngoại giao cũng như diễn tiến của chiến trường.

Trong cuốn Đại Thắng Mùa Xuân, Văn Tiến Dũng cũng đề cập đến vai trò của Thiếu Tướng Hồ Xuân Anh (Hoàng Anh Tuấn) và phái đoàn CS trong Ủy Ban Quân Sự Hai Phe ở căn cứ Tân Sơn Nhất. Theo Dũng, nhiều nhân vật Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa đã đến gặp Anh và Giang để dọ ý về triển vọng một giải pháp chính trị.

Tuy nhiên, từ Tổng Thống Pháp Giscard d'Estaing cho tới Đại sứ Mérillon đều lạc vào mê hồn trận của Cộng Sản. Những chính khách miền Nam như “Big” Minh, Đôn hay nhóm thiên tả ở Sài Gòn–với những đại diện như Chân Tín, Lý Quí Chung, Dương Văn Ba, Châu Tâm Luân v.v... –cùng phe nhóm “thành phần thứ ba” Trần Văn Hữu, Trần Đình Lan ở Paris cũng lạc đường.

Ngày 26/4/1975, Văn Tiến Dũng và Phạm Hùng (Bí thư B-2) ký vào lệnh hành quân đánh Sài Gòn. Trước đó ít giờ, Bộ Chính Trị Đảng CSVN họp ở Hà Nội, rồi lệnh cho CP/LTMN ra một tuyên cáo không hề đề cập đến cá nhân ông Dương Văn Minh, hay nỗ lực xin thương thuyết. Đây là sự im lặng hữu ý: tiếp tục ru ngủ mọi phe phái về viễn ảnh “hòa đàm.” Thực ra, bản tuyên cáo ngày 26/4/1975 này mang ý nghĩa một tối hậu thư: Ngoài những sáo ngữ quen thuộc, CSBV khẳng định chỉ còn một mục đích “xóa bỏ chính quyền Sài-gòn, công cụ của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, xóa bỏ bộ máy chiến tranh, bộ máy kìm kẹp, đàn áp nhân dân miền Nam Việt Nam.”( ND, 27/4/1975) Đòi hỏi này, hiểu theo nghĩa thông thường, là phải giải tán toàn bộ chính quyền, quân đội và cảnh sát VNCH. Nhưng từ Mérillon đến ông Minh “lớn” vẫn chưa hết hy vọng. Đặc phái viên của ông Minh như Châu Tâm Luân, Chân Tín hay một nhân vật nào đó sau này được cử làm Bộ trưởng Tài Chính, v.v... tiếp tục vào gặp Anh và Giang tại căn cứ Tân-sơn-nhất. Giống như các đồng chí của họ ở Pháp, Anh hay Giang chỉ mập mờ nói “có thể” có một giải pháp chính trị. Ngay đến Mat-scơ-va cùng các phái đoàn Hungary (Hung) và Poland (Ba Lan) cũng tiếp tục sử dụng những lối diễn tả mơ hồ về quan điểm hoặc lập trường của Hà Nội.

Sự trá biến của người Cộng Sản–trong màn hỏa mù “tấn công ngoại giao” này–rồi sẽ khiến Hà Nội, nhiều năm sau, luôn luôn bị nghi ngờ là thiếu chữ tín, không đáng tin cậy. (Xem thêm hồi ký Võ Văn Sung) Nhưng ở những ngày cuối tháng 4/1975, hầu như ai nấy đều sống trong ảo vọng, hoặc tạo ảo vọng cho người khác. Một trong những người nuôi ảo vọng lớn nhất là Tướng Minh.

Ngoài mặt trận, Cộng quân vẫn hoạt động mạnh. Một đơn vị của Lê [Trịnh?] Trọng Tấn chiếm được Bà-rịa, rồi tiến xuống Vũng-tàu. Ngày Thứ Hai, 28/4/1975, một đơn vị của Tấn đánh Long-thành, và đưa được pháo 130 ly vào Nhơn-trạch (Đông Nam Sài Gòn). Từ đây, pháo địch có thể khống chế sân bay Tân Sơn Nhất.

Năm giờ rưỡi chiều hôm đó, Tướng Minh làm lễ nhậm chức Tổng Thống. Ngoại trừ Đại sứ Martin và Mérillon, hầu hết các đại diện ngoại giao đoàn ở Sài-gòn đều vắng mặt. Nhiều Bộ Trưởng, Tướng lãnh, Dân Biểu, Nghị Sĩ cũng biến dạng. Xuất hiện quanh ông Minh chỉ có Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền (gần như bị liệt vì ung thư tủy sống), Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cùng một số khuôn mặt quen thuộc của Dinh Hoa Lan.

Ngay sau khi ông Minh “lớn” vừa nhậm chức, một đoàn năm chiếc A-37 do phi công Cộng Sản điều khiển bay vào không phận Sài Gòn, đánh phá khu vực Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Không Quân của Chuẩn tướng Phan Phụng Tiên. Thiệt hại không có gì đáng kể, nhưng đám khói đen nghi ngút bốc lên lưng trời, và lệnh cấm quân được khẩn cấp ban hành khiến ai nấy bàng hoàng kinh hãi.

Tại Paris, sáng ngày 28/4 (chiều 28/4 ở Sài Gòn), Phạm Văn Ba cũng tới Bộ Ngoại Giao Pháp lật con bài tẩy của Hà Nội: Minh “lớn” cũng không chấp nhận được; và, “quân dân giải phóng miền Nam” sẽ chiếm Sài Gòn bằng võ lực. Mérillon chỉ còn biết chuẩn bị hành lý hồi hương. Tướng Paul Vanuxem cũng bị trục xuất vài ngày sau. (Theo một tài liệu Cộng Sản in năm 1985, Vanuxem cố thuyết phục Tướng Minh nên liên hệ với Trung Cộng)

Nửa đêm ngày 28 rạng 29/4/1975, pháo Cộng quân nã vào phi trường Tân-sơn-nhất, mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhưng Tổng thống Minh “lớn” vẫn chưa hết hy vọng. Ông Minh cho lệnh Thủ tướng Mẫu đòi người Mỹ rút khỏi Việt Nam, và các binh sĩ chỉ phản ứng nếu bị tấn công. Tối đó, ba sứ giả của ông Minh vào Tân-sơn-nhất lần chót; nhưng bị giữ lại một cách khéo léo để làm con tin.

Sáng ngày 30/4/1975, trong khi nhịp cầu di tản bằng trực thăng (Frequent Wind) từ sân bay trên nóc dinh Tòa Đại sứ Mỹ ra Hạm đội số 7 liên tục diễn ra, các đơn vị Cộng Sản từ nhiều hướng tiến vào Sài Gòn. Nhiều binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đánh những trận đánh để đời từ trại Hoàng Hoa Thám (Nhảy Dù) tới Thị Nghè. Lúc 11G30, chiếc xe tăng đầu tiên của Lữ đoàn 203 Cộng Sản chạy vào nội viên Dinh Độc Lập. Cán binh Đoàn đặc công 116, với sự giúp đỡ của một số viên chức miền Nam, chạy lên lầu, phất cờ “Giải Phóng” cho các phóng viên chụp hình quay phim; và tìm ra phòng họp ở tầng thứ nhất, nơi ông Minh và toàn bộ chính phủ VNCH đang chờ đợi.

“Chúng tôi đang chờ các ông đến để bàn giao,” Tướng Minh nói khi các cấp chỉ huy CS bước vào phòng họp.

“Các ông không còn gì để mà bàn giao,” Chính ủy Lữ đoàn 203 ngạo nghễ trả lời Tướng Minh. “Chỉ có đầu hàng không điều kiện. Mời ông ra tuyên bố ở Đài Phát Thanh: Đầu hàng không điều kiện” (Trà 1987:294).

[Sau này một ký giả báo Nhân Dân trốn ra hải ngoại tự nhận là đã nhận chính quyền từ tay Tướng Minh, và bị chính viên cựu Chính ủy Lữ đoàn 203, Đại tá Bùi Văn Tùng, lên án là biếm xưng lịch sử. Năm 2005, một Tường CSVN tự nhận đã cắm cờ tại Dinh Độc Lập]

Lệnh đầu hàng không điều kiện của Tướng Minh–một điều khó tránh–tạo nên nhiều lời chỉ trích đó đây.

Nhiều người cho rằng Tướng Minh “hèn nhát” đã không cho phép binh sĩ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Một Thiếu tá LLĐB đã từng vào tận Dinh Độc Lập chất vấn ông Minh trong những giờ phút cuối cùng của Sài Gòn. Lập luận trên còn được đẽo gọt, tôi luyện hơn dài theo bao năm tháng tù đày, khổ ải của quân dân miền Nam “sau khi đứt phim.” Để điểm nhịp cho luận cứ trên, họ nhắc đến những cái chết vinh hơn sống nhục của các Tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, và nhiều liệt sĩ vô danh khác.

Lại có người cho rằng Tướng Minh thân Cộng, hay bị Việt Cộng móc nối; nên đưa hai tay dâng miền Nam cho Cộng Sản.

Những nhận xét trên phần nào quá chủ quan và đầy xúc động. Không một ông Tướng “hèn nhát” nào chịu đứng ra cầm quyền ở những giờ phút tàn cuộc của một trận chiến. Giữa lúc những kẻ từng nắm quyền lực thực sự–những cai thầu chiến tranh như Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, v.. v...– cùng gia quyến, nha trảo đã bí mật hoặc công khai bỏ chạy ra hải ngoại, “vắt chân lên cổ” hoặc “cúp đuôi giữa hai cẳng” mà chạy, với những tài sản khổng lồ bí mật chuyển ra hải ngoại, từ lâu. (Năm 1969, một số báo báo Newsweek đã bị tịch thu và cấm lưu hành ở Việt Nam vì loan tin vợ Thiệu chuyển ngân ra ngoại quốc, mua nhà cửa, mở trương mục ở Thụy Sĩ, v.. v...) Nhưng cũng phải thêm ngay rằng ông Minh không có được cái đại dũng của một vị Tổng Tư lệnh. Đã đứng ra nhận lĩnh trách nhiệm cầm đầu miền Nam trong hoàn cảnh ấy, ông Minh hẳn có thể bày tỏ lòng trung trinh của mình với đất nước và dân tộc bằng cái chết tự nguyện sau khi cho lệnh buông súng đầu hàng, hơn kéo dài cuộc sống thừa thãi trong vùng bóng tối lạnh lẽo bên lề lịch sử.

Vấn đề Tướng Minh “thân Cộng” hay chăng là một vấn đề cần được tra cứu thêm. Có những bằng chứng cho thấy Tướng Minh bị vây bọc bởi một số cán bộ tình báo chiến lược Việt Cộng. (Tài liệu Cộng Sản ấn hành năm 1985 cho rằng nhóm tình báo nằm vùng trong tờ Điện Tín, sau này chủ trương tờ Bản tin của Dinh Hoa Lan đã chi phối “Big” Minh và những người thân cận) Nhưng ở trạng huống của những ngày cuối tháng 4/1975 ấy, “thân Cộng” hay không chẳng phải yếu tố quyết định. Hơn nữa, tài liệu văn khố cho thấy “phiến Cộng” ra vào các dinh thự miền Nam nổi danh nhất phải kể Ngô Đình Nhu, Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu, v.. v... mà không phải Tướng Minh. Ngay đến Ngô Đình Diệm–người nổi danh chống Cộng từ cuối thập niên 1920, đầu thập niên1930–vào tháng 10/1963 cũng dự định gửi Trần Văn Dĩnh qua New Dehli để gặp . . . một sứ giả bí mật của Hà Nội! (Xem Chính Đạo, Cuộc thánh chiến chống Cộng; đã trích đăng nhiều kỳ trên Đi Tới và Chuyển Luân)

Điều cần tìm hiểu là tại sao Tướng Minh, ở những giờ phút tàn cuộc ấy, đã đứng ra đảm nhận chức Tổng thống? Tướng Minh biết chăng tình thế tuyệt vọng của miền Nam? Cả một quân lực VNCH đã bị xé vụn thành từng mảnh qua cái lệnh quái ác “triệt thoái Pleiku” và Quân đoàn I của Thiệu-Khiêm-Viên ngày 11/3/1975.( Chính Đạo, 55 Ngày & 55 Đêm: Cuộc sụp đổ của VNCH, in lần thứ 5 [Houston: Văn Hóa, 1999], tr. 164, 194-204) Những đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội đã bị tan nát ở Khánh Dương, Quảng Trị, và rồi Phan Rang, Long Khánh, Bà Rịa, Phước Thành, Biên Hòa. Mặc dù Sài Gòn có thể cầm cự được vài tuần, đôi tháng, nhưng cái kết cuộc cuối cùng khó tránh, và chỉ kéo dài thêm sự khổ đau, chết chóc cho lương dân vô tội, hay sự tàn phá của Sài Gòn cùng các thị trấn khác, mà không thể đảo ngược tình thế. Thật vậy, ngày 22/4/1975, Tổng thống Ford tuyên bố “chiến tranh Việt Nam đã là dĩ vãng.” Chẳng có không yểm; quân viện cũng không; những người với óc suy lý trung bình thôi cũng thấy rõ sự vô vọng của cuộc tử thủ. Đó là chưa nói đến tinh thần chiến đấu, hoặc đúng hơn sự mất tinh thần chiến đấu, của binh sĩ. Đại đa số Tướng tá và cấp chỉ huy đã đào ngũ, hoặc quẩn quanh như kiến trên miệng chén, chờ ngày tập trung, cải tạo. Sự đột nhập của đặc công Cộng Sản vào thành phố. Và mặt trận tuyên truyền đủ loại, từ một giải pháp chính trị màu hồng, tới cuộc tắm máu của Cộng Sản. Dẫu những thiên tài quân sự như Quang Trung Nguyễn Huệ, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, hay Lý Thường Kiệt tái sinh cũng đành khoanh tay.

Để trả lời phần nào nghi án trên, cần tìm hiểu Đại sứ Mérillon, Tướng Vanuxem cùng sở tình báo Mỹ, và các cán bộ CS nằm vùng ở Sài Gòn đã chiêu dụ ông Minh bằng những lập luận hay hứa hẹn gì để ông tình nguyện đứng ra “đổ vỏ” cho “những kẻ ăn ốc” đã cao bay, xa chạy? Tại sao Tướng Minh không để mặc ông Trần Văn Hương thủ vai “Lê Lai cứu chúa” đến phút chót? (Và, không thể không hỏi tại sao ông Hương không bị tập trung cải tạo như những người khác?)

Ngoài ra, cũng không thể không tra cứu thêm vai trò của Bắc Kinh. Theo tài liệu CSVN, chính ông Minh tiết lo rằng Bắc Kinh thủ diễn vai trò trong “giải pháp Big Minh.”

Trong khi các tư liệu văn khố chưa được giải mật hoàn toàn, người ta trông đợi hồi ký của Tướng Minh–nếu có–sẽ giúp soi sáng đôi phần những nghi án lịch sử trên.

Cách nào đi nữa, vai trò của Tướng Minh trong cuộc đầu hàng của miền Nam chỉ rất phụ thuộc. Những tác nhân đã góp phần tích cực cho sự đầu hàng ấy khởi đi từ anh em ông Diệm-Thục-Nhu-Cẩn, tới những Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, v.. v... Chúng ta chẳng bao giờ có một lãnh tụ đủ khả năng duy trì miền nam Việt Nam như một tiền đồn chống Cộng. (Nói theo một chuyên viên Pháp năm 1954, người lãnh tụ có khả năng ấy đã chết, hoặc đang ở tuổi ấu thơ, hay chưa sinh ra đời) Chúng ta không hề, hoặc chưa hề có những lãnh tụ yêu nước, thương dân do mình lựa chọn. (Ngoại trừ những cá nhân được cung văn thành yêu nước, thương dân trong những loại tài liệu tuyên truyền mạo hóa thành lịch sử, chẳng hề được minh chứng bằng thành tích thực sự, mà chỉ có những nhận định võ đoán [sweeping remarks]. Ngô Đình Diệm là trường hợp tiêu biểu) Oái oăm thay, suốt 21 năm tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa, chỉ có những tập đoàn cai thầu chống Cộng và cai thầu chiến tranh mà ngoại cường đã áp đặt lên đầu cổ chúng ta, bằng bạo lực và truyền đơn khẩu hiệu.

Chết, hết truyện. Đó là đoạn kết của mỗi tác nhân lịch sử. Nhưng những trang lịch sử quốc dân rồi sẽ tái dựng lại đầy đủ sự thực trong một tương lai gần. Hậu thế sẽ có dịp thẩm giá Tướng Minh một cách trung thực hơn. Vì Tướng Minh, giống như ông Trần Văn Hương, chỉ là những tác nhân phụ thuộc, ở buổi “hết quan, tàn quân.” Nhóm Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, v.. v... mới là những tội nhân chính của lịch sử

Nguyên Vũ

Houston, 6/10/2001- 6/10/2006

[Trích & hiệu đính : Ngàn Năm Soi Mặt, tâm bút (Houston: Văn Hóa, 2002)]

PO Box 720798, Houston, TX 77272 * E-mail: vanhoaxbph@aol.com

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 9907)
(Xem: 9694)
(Xem: 9177)
(Xem: 9652)
(Xem: 10132)
(Xem: 9173)
(Xem: 10009)
(Xem: 10617)