- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Jean Baptiste Ngô Đình Diệm (1897 - 1963): Thời Kỳ Chưa Nắm Quyền, 1897-1954 (phần 2)

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 10407)

C. CHIẾN DỊCH MÙA THU 1947 (LÉA-CEINTURE):

Ngày 7/10, Pháp mở chiến dịch "Léa" (10-11/1947) tấn công Việt Bắc. Léa là tên một ngọn đèo cao 1,362 mét trên đường số 3, giữa Nguyên Bình (Cao Bằng) và Bắc Kạn. Lực lượng mũi nhọn là các toán biệt kích Dù được thả xuống ngay tỉnh lỵ Bắc Kạn và thị trấn Chợ Mới, nhằm chộp bắt cơ quan đầu não của chính phủ Hồ. Tuy nhiên, Hồ đã sớm di tản đến một khu vực khác. Trường Chính Đặng Xuân Khu đang chủ tọa một buổi họp tại Bắc Kạn kịp thời trốn xuống hầm trú ẩn. Chỉ có Nguyễn Văn Tố, Bộ trưởng không bộ nào, bị bắt sống và tình nghi là chính Hồ. Ngoài ra, còn có phụ tá của Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Tài chính, cùng một số nhân viên thứ hạng khác.

Ngày 7/10, Pháp cũng chiếm được Tong và Sơn La. Nhưng hai mũi chủ lực Pháp gồm một cánh thiết giáp có Bộ binh tùng thiết di chuyển từ Lạng Sơn lên Cao Bằng trên đường số 4, dưới quyền Trung tá Beaufré; và một đoàn giang hạm, mang theo hai tiểu đoàn Bộ binh, do Communal chỉ huy, từ Hà Nội ngược sông Hồng lên sông Lô, rồi sông Gầm. Hai cánh quân này sẽ như hai gọng kìm vây chặt an toàn khu Việt Minh, phá hủy đài phát thanh, các kho tàng, tiêu diệt chủ lực, và yểm trợ việc thiết lập các tiền đồn dài theo biên giới để cắt đứt đường tiếp vận của Trung Hoa. Điểm hẹn là Đài Thị, đông bắc Chiêm Hoá 12 cây số.

Vì mực nước sông Hồng lên cao, hai ngày sau, cánh quân hỗn hợp thủy-bộ của Đại tá Commumal mới từ Hà Nội ngược sông Hồng lên sông Lô, hướng về Tuyên Quang.

Trong khi đó Nhảy Dù tiếp tục truy kích hàng ngũ lãnh đạo Việt Minh. Ngày 9/10, Tướng Salan thả thêm 300 quân Nhảy Dù ở phía Đông Nam Cao Bằng, tăng cường cho lực lượng cơ giới của Beaufré. Một chiếc Junker 52 bị bắn hạ. Đại tá Lambert, Tham Mưu Phó của Salan, cùng 10 sĩ quan tùy tùng bị tử nạn. Việt Minh tịch thu được toàn vẹn kế hoạch hành quân Lea, và 4 ngày sau chuyển về Bộ Tổng Tư lệnh của Võ Nguyên Giáp.

Ngày 13/10, Nhảy Dù Pháp chiếm Bắc Kạn, Cao Bằng; 20/10, chiếm Yên Báy; 21/10, chiếm Chapa; và 30/10, chiếm Lào Kay.

Ngày 20/11/1947, Salan mở thêm chiến dịch Ceinture [Vòng Đai hay Thắt Lưng]. Đây là giai đoạn II của chiến dịch Việt Bắc. Chiến dịch này nhằm lùng bắt cho bằng được cơ quan đầu não của Việt Minh (tại khu vực núi đá Đình Cả) và phá nát căn cứ địa trong khu vực tứ giác Tuyên Quang-Thái Nguyên-Việt Trì-Phủ Lạng Thương. 9 tiểu đoàn từ Hải Dương tiến lên tảo thanh phía Đông, Đông Bắc và chính Bắc Hà Nội. Đồng thời lập thế cản để đón đường các đơn vị từ phía rút Bắc về.

Ngày 19/12/1947, Chiến dịch mùa Thu của Salan chấm dứt. Mặc dù có những thắng lợi đáng kể, Salan không đạt được mục tiêu chiến lược. 60,000 quân Pháp cùng giang hạm, không quân và thiết giáp chỉ có thể tịch thu và phá hủy một số kho tàng của Việt Minh cùng ba trạm phát tuyến. Mục tiêu chính, tức toàn bộ chính phủ Hồ, đều chạy thoát. Đài phát thanh Việt Minh tiếp tục hoạt động. Trong khi đó, những đợt phản công của Việt Minh gây tổn thất đáng kể cho lực lượng Nhảy Dù Pháp.( 76)

Đáng sợ hơn nữa, từ ngày 12/10, Hồ ra lệnh "tiêu thổ kháng chiến." Làng mạc bị thiêu hủy. Đường xá, cầu cống bị phá hoại. Nền kinh tế quốc gia ngày một phá sản. Qua đầu năm 1948, tuyến giao thông từ Lào Kay tới Cao Bằng của Việt Minh trở lại tình trạng tự do như cũ.( 77)

Tại miền Nam, việc điều quân Pháp ra Bắc tạo cơ hội cho Việt Minh tăng gia hoạt động. Mặc dù Việt Minh không tạo được chiến thắng lớn nào, những vụ phá hoại đồn bót, cầu cống, ám sát, thủ tiêu diễn ra khắp nơi. Hai vụ ám sát gây tiếng vang nhất là cái chết ngày 10/10/1947 của Nguyễn Văn Sâm (1898-1947) tại Sài Gòn và Trương Đình Tri ở Hà Nội.( 78)

D. THỎA ƯỚC HẠ LONG 6-7/12/1947:

Như mũi tên đã rời khỏi giây cung, thí nghiệm Bảo Đại tiếp tục chu trình tiến hoá. Báo chí Paris nhập cuộc. Ngày 18/11/1947, Le Monde đăng bài của André Blanchet, đề nghị trả độc lập cho một nước Việt Nam độc lập dưới quyền lãnh đạo của Bảo Đại. Các đoàn thể, tổ chức chống Cộng người Việt chuẩn bị đón Bảo Đại về nước. Quan trọng hơn, Bollaert quyết định gặp Bảo Đại để thương thuyết. Ngày 6-7/12/1947, hai bên gặp nhau ở Hạ Long. Bollaert ký với Bảo Đại một tạm ước [protocol], theo đó, Bảo Đại sẽ trở lại Đông Dương thành lập chính phủ thống nhất ba miền. Việt Nam sẽ được trao trả độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp. Về ngoại giao, Pháp sẽ chịu trách nhiệm, nhưng sẽ đưa viên chức Việt vào ngạch ngoại giao. Về quốc phòng, Việt Nam có quân đội riêng, nhưng quân đội này phải hứa sẽ tham chiến trong khối LHP. Quan trọng nhất là mật ước Pháp sẽ ngưng thương thuyết với Hồ.( 79)

Ngày 12/12, Bollaert về Pháp báo cáo. Ba ngày sau, 15/12, Paris tuyên bố sẽ cho Bollaert "toàn quyền hành động và thương thuyết cần thiết để tái lập hoà bình và tự do tại Việt Nam." Bản tuyên cáo này nhấn mạnh rằng vì Hồ đã bác bỏ đề nghị của Bollaert trong diễn văn ngày 10/9 tại Hà Đông, Pháp đã ngưng mọi nỗ lực thương thuyết với Việt Minh. Bốn ngày sau nữa, 19/12, Tướng Xuân qua Hong Kong yết kiến Bảo Đại. Ngày 23/12, chính phủ Pháp lại ra tuyên cáo là thể theo lời yêu cầu của Paul Coste-Floret, Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại, Bollaert được phép xúc tiến việc thương thuyết với tất cả các phe phái ở Việt Nam.

Trong khi đó, chính phủ Truman bắt đầu lo ngại về sự sụp đổ của chế độ Tưởng Giới Thạch ở Trung Hoa lục địa. Tướng Marshall được gửi qua Trung Hoa, hy vọng tìm một giải pháp chính trị. Tuy nhiên, Mao Trạch Đông và Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã quyết định ngả theo Nga, công kích mãnh liệt chính sách Mỹ. Bầu không khí chiến tranh lạnh khiến Mỹ chú tâm hơn đến Đông Dương, trực tiếp ủng hộ cuộc tái xâm lăng Việt Nam của Pháp.

Ngày 29/12/1947, báo Life đăng bài "The Saddest War" [Cuộc chiến buồn thảm nhất] của William C. Bullitt, cựu Đại sứ Mỹ tại Pháp và Liên Sô, cổ võ việc trao trả độc lập cho Việt Nam theo kiểu Philippines; giao phó cho người Việt quốc gia chân chính [true nationalists] trách nhiệm lôi cuốn những phần tử quốc gia trong hàng ngũ Việt Minh và tập sự cai quản đất nước. Mặc dù không nhắc đến Bảo Đại, và cũng chỉ đăng hình Bollaert cùng Hồ, "phần tử quốc gia" mà Bullit nhắc đến được diễn giải như Bảo Đại. Thực ra, Bullitt chỉ đề nghị duy trì một chế độ chống Cộng thân hữu ở Đông Dương.( 80)

Từ ngày 7/1/1948, Bollaert và Bảo Đại lại bắt đầu gặp nhau tại Geneva để thương thuyết về điều kiện hợp tác. Nhưng hai bên không đạt được kết quả nào. Một mặt, vì mặc cảm trước sự công kích, chửi rủa tục tằn của hệ thống tuyên truyền Việt Minh Cộng Sản, Bảo Đại nói không thỏa mãn với những điều thỏa thuận tại Hạ Long, và đòi nhiều nhượng bộ hơn. Mặt khác, Bảo Đại không tin tưởng Bollaert, và lo ngại mình đang trở thành con cờ của Pháp trong việc hoà đàm với Việt Minh. Bởi thế, thương thuyết tạm ngưng sau ngày 12/1.

Để trấn an Bảo Đại, ngày 29/1/1948 Pháp bắt giam Blokov Trần Ngọc Ranh, trưởng phái đoàn VM ở Paris. Hôm sau, 30/1, Bollaert tuyên bố là Pháp nhất định không thương thuyết với Việt Minh nữa. Nhờ vậy, hai bên lại bắt đầu nói chuyện ngay tại Paris từ 5 tới 10/2. Nhưng Bảo Đại vẫn còn do dự chưa muốn về nước. Sau khi ghé ngang Cannes, Bảo Đại qua Geneva, và tuyên bố sẽ về lại Hong Kong vào tháng 3/1948, đồng thời hủy bỏ cuộc họp dự trù ngày 13/2/1948 (tức mồng 4 Tết Mậu Tý).( 81)

E. "KHO VŨ KHÍ CỦA THẾ GIỚI TỰ DO":

Từ năm 1947, Ngô Đình Diệm đã liên lạc với viên chức Mỹ, xin viện trợ. Đây chẳng phải là sáng kiến mới mẻ gì của họ Ngô. Hầu hết chính khách Việt đều nhận rõ vị thế siêu cường của Mỹ, nhưng không có đường giây móc nối như anh em họ Ngô. Ngay chính Hồ cũng đã hoạt động cho Sở tình báo chiến lược [OSS] Mỹ trong hai năm 1944-1945, và lực lượng võ trang đầu tiên của Việt Minh được OSS Mỹ trang bị và huấn luyện. Hồ còn được đặt cho bí danh Lucius. Điều khiến Mỹ e ngại, và cuối cùng theo đuổi chính sách "hands-off" [không nhúng tay] khi Pháp tái xâm lăng Việt Nam là thành tích hoạt động cho QTCS của Hồ. Việc Hồ quyết định giải tán Đảng CSĐD từ ngày 11/11/1945 vẫn chưa đủ thuyết phục các viên chức Mỹ–những người vẫn chủ trương chỉ có Âu Châu mới đáng chú tâm hàng đầu.( 82) Dẫu vậy, trong hai năm 1945-1946, chính phủ Truman vẫn dành cho Hồ và Việt Minh đôi chút thiện cảm. Có lẽ nhờ sự can thiệp của Mỹ, Moutet đã đồng ý ký modus vivendi ngày 14/9/1946 cho Hồ an toàn trở lại Việt Nam vào hạ tuần tháng 10/1946. Hơn một tháng sau, dù biết rõ liên hệầ giữa Hồ với QTCS, Bộ Ngoại Giao Mỹ vẫn chỉ thị cho đặc sứ Moffat tìm cách gặp Hồ để giải quyết sự khác biệt Việt-Pháp bằng đường lối ngoại giao.( 83)

Sau khi Bollaert ký thông cáo chung Hạ Long (6-7/12/1947) với Bảo Đại, ngày 21/12, Diệm cùng Trần Văn Lý lên Hong Kong gặp cựu hoàng. Trước khi qua Geneva ngày 24/12, Bảo Đại ủy Diệm về nước tham khảo ý kiến các phe phái để thành lập chính phủ thống nhất. Diệm từ chối vì những nhượng bộ của Pháp quá ít. Ngày 26/12, Diệm trở lại Sài Gòn chờ đợi tình thế chuyển biến.

Điều ít ai biết là phía sau hậu trường, ngày 24/12/1947, Diệm bí mật gặp Tổng lãnh sự Mỹ tại Hong Kong là George D. Hopper, trình bày về nội tình VN và giải pháp Bảo Đại. Mục đích chính của "Giệm," theo Hopper, là xin viện trợ Mỹ. Hopper chỉ ghi nhận mà không hứa hẹn gì.( 84)

Tại Việt Nam, đa số các chính khách chống Cộng đã tạm thời thỏa mãn. Ngày 25/12, mặc dù không ưa Xuân, Hoạch thành lập Việt Nam Quốc Gia Liên Hiệp để ủng hộ "giải pháp Bảo Đại."( 85)

Riêng Diệm, qua đường giây Giám mục Thục, tổ chức một nhóm chống Cộng thân Mỹ. Tại miền Bắc, Diệm có những thân hữu cũ như Trần Trung Dung, Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Đình Thuần, v.. v... Tại miền Trung, Trần Văn Lý thành lập Đảng Xã Hội Công Giáo. Tại miền Nam, Diệm được Nguyễn Phước Hậu, Bertin, Nguyễn Bửu, Trần Tử Hoàng, v.. v... yểm trợ.( 86)

Tuy nhiên, vai trò Diệm bị lu mờ trước những khuôn mặt được Pháp chọn lựa. Một trong những lý do là thành tích hợp tác với Nhật của Diệm.

Chuyến viếng thăm Sài Gòn ngày 25/5/1948 của Hồng y Francis Spellman mở thêm đầu mối liên hệ với Mỹ cho anh em Diệm. TGM Sài Gòn, Cassaigne, mời Thục tham dự buổi tiếp đón Spellman.( 87) Trong tháng 6/1948, Trần Văn Lý chính thức thành lập Đảng Xã Hội Công Giáo, do Thục bảo trợ. Diệm được coi như lãnh tụ tối cao của đảng này.( 88) Tại Đà Lạt, Nhu cùng nhóm Linh mục Parrell tụ họp hạt nhân đầu tiên của chủ thuyết "Nhân vị." Thuyết này dựa theo thuyết Personalisme [Nhân vị] của Emmanuel Mounier, đặt trên cơ bản thần quyền Ki-tô giáo.

F. CHÍNH PHỦ LÂM THỜI & THỎA ƯỚC HẠ LONG II (5/6/1948):

Trong khi đó, tại nội địa, các chuẩn bị cho Bảo Đại hồi hương vẫn tiếp tục. Ngày 27/1/1948, Cao Đài và Hoà Hảo ký hiệp ước tương trợ. Ngày 8/2, Việt Nam Quốc Gia Liên Hiệp [Rassemblement National Vietnamien] họp ở Huế.

Sau khi chính phủ Ramadier khẳng định vẫn tin cậy Bollaert trong việc thương thuyết với Bảo Đại, cuối tháng 2/1948, Diệm lại qua Hong Kong. Ngày 14/3, Bảo Đại về tới Hong Kong. Sau đó, tiếp kiến Chủ tịch các Hội Đồng An Dân Hà Nội và Hội Đồng Chấp Chánh Huế. Tướng Xuân và Lê Văn Hoạch cùng những người khác yêu cầu Bảo Đại xúc tiến nhanh hơn việc thương thảo. Xuân cũng đồng ý thống nhất 3 miền.

Đại diện Hoà Hảo-Dân Xã là Trần Văn Soái, Lê Văn Kính (tức Lương Văn Tường, Lương Trọng Tường hay Kinh Lý Tường), Phan Khắc Sửu và Nguyễn Hữu Đạt (?)qua Hong Kong gặp Bảo Đại từ ngày 19 tới 26/3/1948. Bởi thế, Bảo Đại sai Diệm về Sài Gòn báo cho Bollaert biết là "Nguyện vọng của dân Việt vượt quá những điều ký kết ở Hạ Long."( 89)

Mặt khác, ngày 26/3, Bảo Đại viết thư cho đại diện những đoàn thể chính trị và tôn giáo, khẳng định chấp thuận việc thành lập chính phủ lâm thời trung ương để thương thuyết với Pháp. Cuối tháng 4/1948, Xuân qua Hồng Kông gặp Bảo Đại; được Bảo Đại chấp thuận cho lập chính phủ trung ương lâm thời. Đầu tháng 5/1948, Paris phê chuẩn việc Xuân làm Thủ tướng, và sẽ trực tiếp ký Hiệp ước với Bollaert, với sự "chứng kiến" của Bảo Đại.( 90)

Ngày 15/5, Bảo Đại gửi thông điệp cử Xuân đứng ra thành lập Chính phủ trung ương lâm thời.( 91) Năm ngày sau, 20/5, một nhóm 37 người, có cả Phạm Công Tắc, họp Đại hội tại Sài Gòn, ký quyết nghị "Vâng thánh ý" lập Chính phủ Trung ương lâm thời Việt Nam. Tại Đại hội này, các đại diện ra tuyên cáo: Việt Nam là một nước đồng minh mà không phải "liên hiệp" [associés]; VN có quyền gửi các lãnh sự ngoại giao; VN có những nhân viên ngoại giao ở hải ngoại; VN có thể được các nước ngoài nhìn nhận, mà như thế được tình trạng "dominion" như của Bri-tên.( 92)

Ngày 21/5/1948, chính phủ Trung ương Lâm Thời thành hình. Hai ngày sau, 23/5, Nguyễn Văn Xuân ký Sắc lệnh số 1, thành lập "Chính phủ Trung ương lâm thời Việt Nam," do Xuân "chủ tọa."( 93) Ngày này, Bollaert và Xuân trao đổi văn thư về việc thành lập chính phủ trên. Bốn ngày sau, 27/5, Xuân trình diện chính phủ lên Bảo Đại ở Hong Kong.( 94) Ngày này, Robert Schumann "ghi nhận" sự thành lập chính phủ Xuân. Ngày 1/6/1948, Xuân công bố danh sách chính phủ. (95)

Ngày 3/6, khi Xuân ra trước Hội đồng Tư Vấn Nam Kỳ, yêu cầu được yểm trợ trước khi đi Hạ Long, Đảng Quốc Gia Độc Lập, mới thành lập, công kích Xuân là bán đứng Nam Kỳ. Dẫu vậy, ngày 5/6/1948, Bollaert và Xuân cùng các đại diện chính quyền ở ba miền (Nghiêm Xuân Thiện, Đặng Hữu Chí [Bắc], Phan Văn Giáo, Nguyễn Khoa Toàn, Đinh Xuân Quảng [Trung], và Trần Văn Hữu, Lê Văn Hoạch [Nam]) gặp nhau trên chiến hạm Duguay-Trouin, "dưới sự chứng kiến" của "đế " Bảo Đại. Sau đó ra Tuyên ngôn chung (Déclaration Commune) 3 điểm; theo đó, điều 1 xác định: "Nước Pháp long trọng nhìn nhận sự độc lập của nước Việt Nam. Từ rày về sau, việc tự do thực hiện nền thống nhất quốc gia tùy nơi nước Việt Nam. Về phần mình, nước Việt Nam tuyên bố chịu gia nhập vào Liên Hiệp Pháp với danh nghĩa một quốc gia đồng hội với nước Pháp."( 96)

Ngoài Tuyên Ngôn Chung nói trên, còn có một phụ bản mật, với nội dung tương tự như mật ước ngày 7/12/1947. Bảo Đại, Nguyễn Văn Xuân và Bollaert cũng ra ba tuyên cáo riêng lập lại những điều căn bản trên.( 97) Ngay sau đó, Bảo Đại rời Hong Kong qua Paris.

Ít nữa thì Hiệp ước Hạ Long cũng mang lại vài tin vui. Điều khiến Pháp hài lòng nhất là ngày 17/6/1948, Bảy Viễn, thủ lãnh Bình Xuyên, mang quân về hợp tác với Bảo Đại. Ngày Chủ Nhật, 1/8/1948, Xuân bổ nhiệm Bảy Viễn làm Đại tá tạm thời, tùng sự dưới quyền Trần Văn Hữu.( 98)

Để làm vui lòng giáo phái Hòa Hảo, Xuân cử Lê Công Bộ làm Thứ trưởng Nội vụ, và ngày 26/6/1948, phong Trần Văn Soái lên Thiếu tướng thực thụ.

G. HIỆP ƯỚC ELYSEE (8/3/1949):

Mặc dù đã ký Hiệp ước Hạ Long II, dư luận Pháp vẫn chưa muốn trao trả độc lập và thống nhất cho Việt Nam. Bollaert rất bất mãn, tuyên bố chỉ trở lại Việt Nam nếu Quốc Hội Pháp công nhận thỏa ước này. Ngoại trưởng Marshall nỗ lực can thiệp, nhưng cả hai chính phủ Robert Schumann và André Marie đều ngần ngại.( 99)

Trong khi đó, Bảo Đại không chứng tỏ dấu hiệu nào sẽ về nước ngay. Có nhiều nguyên do. Trước hết là phản ứng dữ dội của phe Việt Minh Cộng Sản. Ngay trong ngày 7/6, Hồ đã gay gắt phản đối việc "bọn bù nhìn" [fantoche] ký kết hòa ước với bất cứ nước ngoài nào. Cơ quan tuyên truyền Việt Minh cũng phát động chiến dịch bôi nhọ từ Bảo Đại tới những người khác trong chính phủ Xuân. Việt Minh cũng gia tăng hành động khủng bố –kể cả chôn sống–để ngăn chặn phong trào về tề.( 100) Xuân và các cộng sự viên cũng bị lên án tử hình.

Mặt khác, Bảo Đại vẫn nhấn mạnh đòi hỏi thống nhất lãnh thổ và độc lập thực sự.( 101)

Quan trọng hơn cả là sự chống đối của thành phần bảo thủ Pháp. Theo một viên chức Mỹ, Phụ tá Tây Âu Vụ Bộ Ngoại Giao Mỹ, Wallner, chính phủ Schumann đang chuẩn bị ra điều trần về ngân sách quân sự và quĩ yểm trợ kinh tế trước khi QH tái nhóm ngày 15/7, nên có lẽ chẳng dám ném ra thỏi thuốc nổ Đông Dương. Trong khi đó tại QH các đảng Cộng Sản, Gaullist và PRL chắc chắn sẽ chống đối. Số dân biểu Xã Hội chống lại có lẽ không nhiều, mặc dù nghị quyết về vấn đề thương thuyết với HCM đã thông qua. Có lẽ Schumann sẽ không đưa vấn đề ra trước Quốc Hội, nhưng Bollaert thì nhất quyết đòi Quốc Hội thảo luận, hoặc sẽ từ chức. Wallner đề nghị Marshall nên cảnh giác chính phủ Schumann là Pháp đang đối diện hai con đường: chấp nhận ngay nguyên tắc Việt Nam độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp và thống nhất ba kỳ; hoặc, sẽ mất cả Đông Dương.( 102)

Thêm vào đó, ngày 28/8/1948 chính phủ André Marie (26/7-28/8/1948) bị đổ. Ngày 11/9, Henri Queuille được cử lập chính phủ mới, với Schumann làm Ngoại trưởng, Ramadier nắm Quốc Phòng. Tháng 10/1948, Bollaert về nước. Ngày 20/10, Queuille cử Léon Pignon làm Cao Ủy Đông Dương.( 103) Pignon vội xúc tiến ngay việc thương thuyết với Bảo Đại, vì lúc này áp lực của Liên Bang Mỹ ngày một mạnh.( 104)

Những chiến thắng liên tiếp của Mao Trạch Đông tại lục địa khiến Pháp hối hả hơn trong việc thực hành thí nghiệm Bảo Đại. Ngày 22/1/1949, Tưởng Giới Thạch từ chức, rồi bay ra Đài Loan. (Lý Tôn Nhân lên thay). Đang điều đình với Bảo Đại, Chủ Nhật, 24/1/1949, Cao ủy Pignon phải hối hả bay về Đông Dương đối ứng tình thế mới. Đầu tháng 2/1949, Đảng CSTQ chiếm Bắc Kinh.

Biến cố này khiến thương thuyết Pháp-Bảo Đại vượt nhanh qua những trở ngại kỹ thuật. Ngày Thứ Tư, 17/2/1949, Bửu Lộc, Chánh văn phòng của Bảo Đại, từ Cannes về Paris. Buổi tối, Lộc cho Đại sứ Mỹ Caffery biết rằng Bảo Đại sẽ được Tổng thống Pháp Vincent Auriol mời lên Paris ký Hiệp ước vào tuần sau, và trở về Việt Nam bằng tàu chiến vào đầu tháng 4/1949.( 105)

Ngày 25/2, chính phủ Pháp cho báo chí Paris công bố nội dung thỏa ước Pháp-Bảo Đại. Rồi, ngày 8/3/1949 Auriol trao đổi công hàm với Bảo Đại, theo đó "Pháp long trọng công nhận" một nước Việt Nam độc lập và dân chúng có quyền tự do quyết định sự thống nhất lãnh thổ của mình, theo tinh thần Hiệp ước Hạ Long, kèm theo một phụ bản các điều thỏa thuận với Pignon.( 106)

Phía sau hậu trường, Bộ trưởng Hải ngoại Coste-Floret vận động Quốc Hội Pháp biểu quyết cấp thời một sắc luật thành lập một Hội đồng Lãnh thổ Nam kỳ (Assemblée Territoriale de Cochinchine, HĐLTNK), gồm 12 đại diện Pháp và 24 đại diện Việt, để quyết định số phận Nam Kỳ. Viên chức Pháp cũng giữ kín nội dung "Hiệp ước Elysée" tới ngày Bảo Đại về nước, dự trù vào 25/4/1949 để có một "kích xúc tâm lý" (choc psychologique).( 107)

Ngay ngày Thứ Năm, 9/3, Quốc Hội Pháp bắt đầu thảo luận về Thỏa ước Elysée và nhất là vấn đề Nam Kỳ. Báo Franc-Tireur của Đảng Xã hội Gaullist đăng một lá thư đề ngày 17/1/1949 của Guy Mollet gửi Thủ tướng Queuille: Bác giải pháp Bảo Đại, và kêu gọi thương thuyết với Hồ. Theo dân biểu Jean Guillon, "Giải pháp quân sự không thể thắng; Bảo Đại chẳng có một chút uy thế nào ở Việt Nam. Việt Nam đứng sau lưng Hồ Chí Minh. Trước tiên phải thương thuyết với Hồ Chí Minh."( 108)

Hôm sau, 10/3, nhiều dân biểu Cộng Sản và Gaullist tiếp tục phản đối. Dân biểu Guillon cho đó là "sự sao chép vụng về của Hiệp ước [sơ bộ] 6/3/1946, chỉ là một thứ hình thức (facade)." Việc làm của Coste-Floret, theo Guillon, "thiếp vàng lại một ông vua mất chức, được biết nhiều ở các sân golf tại Cannes hay những tay bồi rượu ở các hộp đêm hơn là trong lớp nông dân."( 109)

Guillon cũng cho rằng chính phủ Pháp đã chịu áp lực của Mỹ, đề cập đến chuyến thăm Đông Dương của Bullit, cựu đại sứ Mỹ ở Paris, vào tháng 9/1948; rồi cảnh cáo rằng thanh niên Pháp đang bị giết để bảo vệ quyền lợi kinh tế của My.ờ Theo Guillon: "Thực ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh không làm hài lòng ông Bullit, vì trong thời gian Nhật đầu hàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ chối những đề nghị do Tướng Gallagher nhân danh Washington đưa ra." Guillon cũng dẫn lời của Cuisinier, trên báo Revue socialiste [Tạp chí Xã hội] số tháng 7/1948, nhận định về Hồ:

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qui tụ được những người quốc gia không đảng phái cũng như một số đông những người Ki-tô giáo yêu nước. Chống lại ông ta chỉ có cựu quan lại, cựu công chức, vài trưởng giả giàu có–mà không phải tất cả họ–và những cá nhân, dưới chế độ Nhật cũng như Pháp, đã nghĩ đến sự gia tăng quyền lợi bản thân mà họ có thể rút ra từ phe này hay phe kia, dù không vì bất cứ phe nào, trước khi nghĩ đến tổ quốc hay việc bảo vệ một lập trường chính trị." (110)

Guillon còn dẫn lời cựu Thủ tướng Léon Blum, trên báo Le Populaire ngày 6/8/1947:

"Thưa vâng, người ta phải thương thuyết với những đại diện thực (authentiques) và xứng đáng (qualifiés) của dân chúng Việt Nam, bất kể họ là ai, bất kể chính kiến hay cá nhân nào. Vâng, Hồ Chí Minh chưa chết, dù ai có nói gì đi nữa, ông ta còn sống, đã tiếp kiến ông Paul Mus, đã gửi cho tôi một công hàm ít ngày trước, là đại diện chính thức và xứng đáng của dân chúng Việt Nam."( 111)

Dẫu vậy, ngày Thứ Bảy, 11/3, Quốc Hội Pháp chấp thuận lập Hội đồng Lãnh thổ Nam Kỳ [HĐLTNK] với số phiếu 387/193. Dự thảo luật này chuyển lên Thượng viện (Conseil de la République) để biểu quyết ngày hôm sau. Ngày Chủ Nhật, 12/3, Thượng Viện Pháp, với số phiếu 185/97, chấp thuận dự luật thành lập HĐLTNK với vài sửa đổi. Sau đó, gửi trả lại Hạ Viện. Hạ Viện chấp thuận. Luật này được in trên Công báo [JOF] ngày 24/3/1949. Thủ tục này dựa theo Điều thứ 75 của Hiến pháp: Một phần lãnh thổ của Cộng Hoà Pháp hoặc Liên Hiệp Pháp có thể biến đổi, do Luật của Quốc Hội, sau khi đã tham khảo với Hội nghị địa phương và Hội đồng Liên Hiệp Pháp. Như thế, theo Điều 27 của Hiến pháp, không cần phải trưng cầu dân ý (referendum). Thứ Ba, 14/3/1949, Pháp ban hành Luật tổ chức HĐLTNK. Hội đồng gồm 16 Pháp (12 nghiệp đoàn, thương gia; 4 tự do) và 48 Việt (8 Sài Gòn, Chợ Lớn; 40 cho các tỉnh). Ngày 23/3, ban hành Nghị định áp dụng luật ngày 14/3/1949 tại Đông Dương. Ngày 10/4, HĐLTNK bầu xong, gồm 54 thành viên, 14 Pháp và 40 Việt. Ngày 24/4, HĐLTNK đồng ý tái nhập Nam Kỳ vào Việt Nam.( 112) Ngày 24/4/1949, Bảo Đại lên đường về nước. Bốn ngày sau, 28/4, Bảo Đại từ Singapore về tới Sài Gòn, nhưng lên thẳng Đà Lạt.( 113)

Mãi tới ngày 10/6/1949–sau khi Quốc Hội Pháp chấp thuận cho Nam Kỳ sát nhập vào Việt Nam (3/6/1949) và Tổng thống Auriol ban hành Luật công nhận Việt Nam thống nhất (4/6/1949), đồng thời báo chí Pháp công bố một thư Auriol gửi Bảo Đại khẳng định QH Pháp đã thông qua luật sát nhập Nam Kỳ vào Việt Nam; như thế "độc lập và thống nhất của Việt Nam, trong Liên Hiệp Pháp, đã trở thành sự thực" (6/6/1949)–Bảo Đại mới xuống Sài Gòn trao đổi văn kiện với Pignon và ra mắt quốc dân.

Trong thời gian chờ đợi, Bảo Đại vận động xin viện trợ Mỹ. Ngày 2/6, Đại sứ Bruce từ Paris điện báo rằng "Quốc trưởng" Bảo Đại muốn được Mỹ nhìn nhận trên thực tế (de facto recognition), được viện trợ kinh tế trực tiếp, và giúp vũ khí qua trung gian Pháp (50,000-60,000 súng). Cũng muốn Mỹ gửi đến những phái đoàn thiện chí, và nâng Toà Tổng lãnh sự lên hàng Phái bộ (Legation).( 114) Tuy nhiên, đa số chuyên viên Mỹ đều cho rằng Thỏa ước Elysée "quá ít, quá chậm" (too little, too late). Pháp cần rộng rãi hơn nữa trong việc diễn dịch và thi hành thỏa ước, vì giải pháp Bảo Đại chỉ có khoảng 50-50 thành công. Giám Đốc Tây Âu vụ, Douglas MacArthur II, khẳng định các quan điểm cho rằng Mỹ sẽ đổ viện trợ vào Đông Dương để ngăn chặn vùng này lọt vào tay CS, hay quân viện Mỹ sẽ giúp Pháp đạt một chiến thắng quân sự, hoàn toàn sai lầm và nguy hiểm.( 115)

Bởi thế, mặc dù trong thông điệp chúc mừng Bộ Ngoại Giao Pháp về Hiệp ước 8/3/1949, Bộ Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh rằng "Dân tộc Việt Nam sẽ mắc phải một lầm lỗi tai hại nếu không ủng hộ chính phủ thành lập qua Hoà ước 8/3/1949," ngày 2/5, Ngoại trưởng Dean Acheson chỉ thị cho Tổng lãnh sự Abbott ở Sài Gòn: "Phải cố tránh gây sự hiểu lầm là Mỹ trên thực tế nhìn nhận chế độ Bảo Đại."( 116) Cho tới ngày 7/10/1949, sau khi Mao tuyên bố thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, chính phủ Mỹ vẫn cảm thấy chưa tiện công nhận chính phủ Bảo Đại.

Sự trì hoãn của Mỹ phản ảnh sự khác biệt sâu đậm giữa Pháp và Mỹ. Đông Dương, với Pháp, là quyền lợi chính trị, kinh tế và văn hóa. Với Mỹ, chiến lược chống Cộng là bản căn. Buổi nói chuyện ngày 13/4/1949 giữa W. Walton Butterworth, Giám đốc Viễn Đông vụ, và Charles S. Reed, Đông Nam Á vụ, với Jean Daridan, Cố vấn Toà Đại sứ Pháp, phần nào phản ảnh tâm ý các viên chức Mỹ. Khi Daridan đặt câu hỏi liệu Mỹ có yểm trợ Bảo Đại hay chăng nếu sau một thời gian kế hoạch Bảo Đại chứng tỏ có tiến bộ, Butterworth khẳng định chỉ muốn giúp những người chống Cộng.( 117)

Ngày 10/5, Ngoại trưởng Acheson chỉ thị cho Tổng Lãnh sự Abbott: Mỹ muốn thí nghiệm Bảo Đại thành công vì chẳng có một lựa chọn nào khác hơn. Đang chờ cơ hội thuận tiện để công nhận Quốc Gia Việt Nam, cũng như cho viện trợ vũ khí và kinh tế. Tuy nhiên, muốn Pháp có những nhượng bộ cần thiết trước khi chiến thắng của Mao Trạch Đông tạo ảnh hưởng tại Đông Dương. Với những người quốc gia, nếu Pháp nhân nhượng những điều cần thiết, có thể thuyết phục họ rằng: 1/ mục đích yêu nước của họ có thể thực hiện được qua sự thoả thuận Pháp-Bảo Đại; 2/ chính phủ Bảo Đại đại diện đích thực cho Việt Nam vì có thể bao gồm cả những phần tử không Cộng Sản hiện đang ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh; 3/ Bảo Đại là giải pháp duy nhất bảo vệ Việt Nam trước những âm mưu xâm lấn (khuynh đảo) của Trung Cộng.

Cũng cần cảnh cáo Bảo Đại về sự nguy hiểm nếu mời Cộng Sản tham gia chính phủ. Mối quan tâm của Mỹ là liệu chính phủ Bảo Đại có thể tồn tại được hay chăng. Abbott không nên đi Đà Lạt tiếp xúc Bảo Đại, nhưng có thể tiếp xúc không chính thức với những người thân cận của Bảo Đại.( 118)

Ngày 20/5/1949, Acheson còn chỉ thị Lãnh sự Hà Nội William Gibson giải thích thêm cho Xuân những điểm sau: Nhìn vào quá khứ của Hồ, không thể có kết luận nào hơn rằng Hồ là Cộng Sản, nếu (1) Hồ không tuyên bố cắt đứt liên hệ với Liên Sô và chủ thuyết Cộng Sản, và (2) tiếp tục được báo chí Cộng Sản ca ngợi cũng như ủng hộ. Hơn nữa, Mỹ không thấy khía cạnh quốc gia của Hồ qua lá cờ đỏ sao vàng. Vấn đề Hồ vừa là Cộng Sản, vừa là quốc gia không đáng lưu tâm (irrelevant). Tất cả những cán bộ Stalin ở các nước [cựu] thuộc địa đều là người quốc gia. Sau khi đã đạt được mục đích quốc gia (tức độc lập), mục tiêu kế tiếp sẽ là biến quốc gia thành phụ thuộc cho mục đích Cộng Sản, và tận diệt không những chỉ người chống đối, mà cả các phần tử bị nghi ngờ là không đúng đường lối.... Nếu mời Hồ và CS gia nhập chính phủ Bảo Đại, chỉ đình hoãn việc Việt Nam trở thành độc lập, hay một vệ tinh của Cộng Sản cho tới lúc thời cơ của những người quốc gia bị kém sút. Dĩ nhiên, trên lý thuyết, có thể thiết lập một chế độ Cộng Sản quốc gia như Yugoslavia [của Tito] tại bất cứ vùng nào ở xa vòng kiềm toả của Hồng quân Liên Sô. Nhưng Việt Nam đang trong vòng kiềm tỏa của Hồng quân Trung Hoa. Nếu Pháp đồng ý thực hiện Thỏa ước Elysée một cách cấp tiến, việc quan trọng nhất của Bảo Đại và Xuân là phải lôi kéo được sự ủng hộ của dân chúng. Như trong trường hợp Trung Hoa, nước Mỹ không "bỏ rơi" (wrote it off) chính phủ Thạch, mà chính những người quốc gia Trung Hoa yếu kém quá mức và không có ý chí tranh đấu.( 119)

Chẳng hiểu có sự tiến cử của Reed hay chăng–lúc này Reed đã về Ban Viễn Đông vụ ở BNG Mỹ–dịp này đích thân Bộ trưởng Hải Ngoại Coste-Floret cố gắng thuyết phục Diệm lập chính phủ, nhưng không thành công. Diệm nêu lý do sợ giáo dân Ki-tô bị VM thảm sát.( 120)

Ngày 1/7/1949, Bảo Đại ký sắc lệnh số 1-CP công bố danh sách chính phủ.( 121) Ngày 12/7, Bảo Đại về Huế. Ngày 14/7, từ Huế, Bảo Đại hiệu triệu quốc dân. Hai ngày sau, 16/7, ra Hà Nội.

Ngày, 15/7/1949, Giáo hoàng Pius XII (1939-1958) ra lệnh "rút thông công" bất cứ ai có liên hệ với Cộng Sản. Thánh lệnh này phần nào giải tỏa mối lo ngại của Diệm, nhưng Diệm vẫn chưa chịu hợp tác với Bảo Đại. Trong khi đó, các cộng đồng Ki-tô ngày một nghiêng về phía Thế giới Tự Do, thắp hồng "cuộc thánh chiến" chống Cộng Sản.

Ngày 21/9, Diệm về Huế, sống ở nhà Ngô Đình Cẩn (1911-1964), em trai áp út. Ngày 22/11–trong khi Hồng quân Trung Cộng đang tiến sát dần tới biên giới Việt-Hoa–Diệm rời Huế vào Sài Gòn, rồi Vĩnh Long, và Đàợ Lạt (2/1950).

Tháng 3/1950, Giám mục Từ tại Phát Diệm sai Lê Quang Luật vào Nam yêu cầu Diệm đừng "chùm chăn" và "ngang bướng" nữa, cần yểm trợ Bảo Đại.( 122) Ngày 9/4/1950, Tổng lãnh sự Mỹ Edmund Gullion, XLTV Đại sứ, báo cáo chính phủ Nguyễn Phan Long sắp đổ và Trần Văn Hữu có thể lên thay. Gullion nghĩ rằng Pháp hẳn muốn Diệm, nhưng Bảo Đại không đồng ý.

Giữa năm 1950, Diệm có ý định thành lập một lực lượng thứ ba, thân Mỹ, chống Pháp để lôi kéo những người bất mãn trong hàng ngũ Việt Minh. Cuối tháng 6/1950, tổ chức Phong Trào Quốc Gia Quá Khích ra đời ở Trung và Nam Việt, có liên hệ với Diệm.

H. HỒ NGẢ THEO CỘNG SẢN:

Từ năm 1947-1948, Hồ Chí Minh bắt đầu có liên lạc chặt chẽ với Trung Cộng. Một trung đoàn TC thuộc tỉnh Quảng Đông đã được Hồ cho phép hoạt động tại vùng Việt Bắc để tránh sự tận diệt của Tưởng Giới Thạch. Từ tháng 6 tới tháng 10/1949, một số đơn vị Việt Minh cũng tham dự vào chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn ở vùng ranh giới Vân Nam/Quảng Tây của Trung Cộng. Tuy nhiên, chỉ từ đầu năm 1950, Hồ mới công khai ngả theo phe Cộng Sản. Do sự khuyến khích của Bắc Kinh, ngày 15/1/1950, chính phủ Việt Nam DCCH của Hồ chính thức công nhận chế độ Mao Trạch Đông.

Từ thượng tuần tháng 1/1950, Hồ Chí Minh đi bộ 17 ngày đêm qua tới Nam Ninh (Quảng Tây), rồi được Lưu Thiếu Kỳ đón lên Bắc Kinh. Hồ cho biết mục đích của chuyến đi là xin viện trợ. Vì cả Mao Trạch Đông lẫn Chu Ân Lai đã qua Mat-scơ-va, ngày 3/2, Lưu Thiếu Kỳ dàn xếp cho HCM qua Nga. Tại Mat-scơ-va, HCM được gặp Stalin. Stalin hỏi Hồ về lý do giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương (chính thức từ ngày 11/11/1945), rồi chỉ thị cho Mao tiếp tay Đảng CSĐD. Đây là lần đầu tiên Hồ được gặp "người thép" Nga, dù đã chính thức hoạt động cho QTCS từ hơn phần tư thế kỷ trước.( 123)

Để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Bắc Kinh, ngày 15/1/1950, đài phát thanh Việt Minh đã công bố nhìn nhận chính quyền Cộng Sản Trung Hoa, và yêu cầu các nước Cộng Sản mở quan hệ ngoại giao với chính phủ VNDCCH. Ba ngày sau, 18/1, Bắc Kinh nhìn nhận VNDCCH. Ngày 30/1 đến phiên Mat-scơ-va. Các nước Cộng Sản khác liên tục mở bang giao với chế độ Hồ.

Ngày 17/2/1950, Hồ tháp tùng phái đoàn Mao và Chu Ân Lai rời Mat-scơ-va. Sau đó, Hồ ở lại Bắc Kinh tiếp tục thảo luận về viện trợ. Lưu Thiếu Kỳ, Phó Chủ tịch Trung Cộng, đích thân điều động công tác "nghĩa vụ quốc tế" này. Hồ xin Bắc Kinh cung cấp chuyên viên quân sự để cố vấn và chỉ huy từ cấp Trung đoàn và Sư đoàn trở lên, nhưng Lưu Thiếu Kỳ chỉ đồng ý gửi cố vấn. Luo Guibo [La Quí Ba] được chọn làm Cố vấn trưởng chính trị; trong khi Wei Guoqing [Vi Quốc Thanh] cầm đầu phái đoàn cố vấn quân sự với nhân số khoảng 280 người. Trung Cộng cũng hứa giúp huấn luyện và trang bị vũ khí cho 6 đại đoàn (sư đoàn) Việt Minh. Các trung đoàn đầu tiên qua Vân Nam huấn luyện thuộc Đại đoàn Quân Tiên Phong (308) của Vương Thừa Vũ, và 312 của Lê [Trịnh] Trọng Tấn. Để bảo đảm cho việc tiếp vận từ Trung Cộng, Bắc Kinh giúp Hồ mở chiến dịch biên giới "Cao-Bắc-Lạng," hay Lê Hồng Phong II (16/9-14/10/1950), nhằm tiêu diệt lực lượng đồn trú tại Lạng Sơn và Cao Bằng. Người thực sự chỉ huy trận này là Chen Geng [Trần Canh], Tư lệnh Quân Khu Vân Nam, do Hồ xin đích danh. Tướng Marcel Carpentier rúng động, phải cho lệnh triệt thoái tất cả những vị trí trú quân dài theo biên giới, chỉ giữ lại Tiên Yên-Móng Cáy.( 124)

Từ ngày này, thế trận đã thay đổi hoàn toàn. Việt Minh bắt đầu chủ động chiến trường. Chính phủ Hồ được giao nhiệm vụ mới: Tiền đồn của Xã hội chủ nghĩa.( 125)

Trong khối Tự Do, ngày 4/2/1950, Mỹ nhìn nhận chế độ Bảo Đại vì "Hồ đã để lộ bản chất thật sự Cộng Sản." Rồi đến Bri-tên và một số nước khác. Từ ngày này Pháp tìm cách lôi kéo Mỹ và Bri-tên vào trận chiến chống Cộng ở Đông Dương. Đại sứ Donald Heath (1950-1954) của Mỹ thận trọng thêm vào mối đe dọa của Trung Cộng hai chữ "Nga Sô." Việc Mỹ tham chiến ở Triều Tiên từ tháng 6/1950, và nhất là cuộc triệt thoái các tiền đồn biên giới Việt-Hoa, khiến cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Nga bắt đầu chi phối nội tình Việt Nam. Pháp bị đặt vào vị thế cực kỳ tế nhị. Một mặt, cần thành lập quân đội bản xứ để phụ giúp cho quân viễn chinh Pháp; và ngày càng tùy thuộc nhiều hơn vào viện trợ Mỹ. Mặt khác, giới thẩm quyền Mỹ không ngừng áp lực Pháp phải trao trả dần độc lập cho Việt Nam, và áp lực Mỹ gia tăng theo viện trợ.

Winston Churchill–người cực lực chống lại kế hoạch Quốc tế quản trị [International Trusteeship] Đông Dương của Tổng thống Franklin D. Roosevelt, và tác giả thuật ngữ "bức màn sắt" ở Âu châu–sau ngày lên nắm chức Thủ tướng Bri-tên lần thứ hai, cũng muốn dựng "bức màn tre" ở Đông Dương. Nhưng Churchill chỉ muốn góp ý mà không tán thành việc gửi quân tác chiến qua Đông Dương.( 126)

VI. "LÊ GÓT NƠI QUÊ NGƯỜI":

Trong bài hát "Suy Tôn Ngô Tổng Thống," để tô hồng cho thành tích cách mạng của Diệm, nhà văn Thanh Nam viết: "Ai bao năm từng lê gót nơi quê người, cứu đất nước, v.. v..." Thực tế, cuộc hành trình ra ngoại quốc của Diệm chẳng có vẻ gì gian khổ. Trước hết, qua Mỹ, được gặp gỡ những nhân vật quyền thế; rồi qua Vatican gặp Giáo hoàng Pius XII; trở lại Mỹ, tu học ở các tu viện và diễn thuyết đó đây; và cuối cùng qua Belgium, vận động làm Thủ tướng.

A. QUA MỸ XIN VIỆN TRỢ:

Ngày 18/6/1950, Giám mục Thục gặp XLTV Đại sứ Gullion tại Sài Gòn, xin giấy nhập cảnh Mỹ trên đường qua Roma dự năm Thánh cho mình và Diệm. Tháng 7/1950, có tin Diệm nhiều lần bị Việt Minh đe dọa đến tính mạng. Ngày 15/7, Diệm về Huế thăm mẹ bị đau nặng. Ngày 2/8, Diệm trở lại Sài Gòn sau khi ghé ngang Đà Nẵng. Ngày 14/8, Diệm cùng Thục rời Sài Gòn trên tàu La Marseillaise. Gặp Cường Để ở Nhật, bàn việc thành lập một chính phủ chống Cộng.( 127)

Ngày 2/9, Diệm và Thục tới Mỹ. Hơn hai tuần sau, ngày 21/9, William S. B. Lacy, Trưởng Nha Philippines và Đông Nam Á, tiếp Diệm và Thục. Thục tuyên bố phải lập một quân đội quốc gia, lấy giáo dân Ki-tô làm hạt nhân để không sợ đào ngũ mang súng hàng VM. Lacy nhận xét rằng Thục mới là phát ngôn chính, trong khi Diệm chỉ tán thưởng ý kiến Thục.( 128)

Ngày 15/10, Diệm và Thục rời Mỹ qua Paris. Sau đó, xuống Roma, rồi trở lại Paris vào trung tuần tháng 11/1950. Ngày 8/12/1950, Thục rời Âu Châu trở lại Việt Nam. Cuối tháng đó, Diệm, qua trung gian Bửu Kĩnh, Nghị viên Hội Đồng Liên Hiệp Pháp, gửi cho Bảo Đại một thư riêng, đề nghị một chương trình hoạt động.( 129) Sau đó Diệm lại sang Mỹ. Ngày 15/1/1951, Diệm khai với nhân viên Bộ Ngoại Giao Mỹ là mới từ Paris qua được khoảng một tháng để nghiên cứu về giáo lý và cơ cấu chính quyền Mỹ. Nói thêm là đã cho Bảo Đại biết sẵn sàng làm Thủ Tướng với một số điều kiện.( 130)

Trong thời gian ở Mỹ, nhờ sự che chở của Francis Spellman, Hồng Y Giám đốc Tuyên úy Ki-tô Roma trong quân đội Mỹ, Diệm tá túc tại Tu viện Maryknoll, thuộc tỉnh Lakewood, tiểu bang New Jersey. Có dịp làm quen với Thẩm phán Tối cao Pháp viện William O. Douglas, nhiều Thượng Nghị sĩ, Dân biểu như Mike Mansfield (Montana), John F. Kennedy (Massachusetts), Walter Judd, v.. v... Diễn thuyết tại nhiều nơi. Từ ngày này, Diệm trở thành một lá bài "chí sĩ quốc gia chống Cộng" trừ bị của Mỹ. Diệm cũng thường tuyên bố mình là nhân vật được biết nhiều nhất tại Việt Nam, chỉ thua có Hồ Chí Minh.( 131)

Đại sứ Heath nhiều hơn một lần tiến cử Diệm trong các cuộc khủng hoảng chính phủ, nhưng cả Bảo Đại lẫn Pháp chỉ muốn những người đáng tin cậy như Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, v.. v... Ngày 12/5/1952, chẳng hạn, Heath đề nghị cho Bảo Đại nắm chức Thủ tướng, và mời những người có khả năng như Nguyễn Hữu Trí hay Ngô Đình Diệm vào nội các, với chức vụ Phó Thủ Tướng; Pháp ra tuyên ngôn về một chính sách "tiến hoá" (evolutionary statement) đối với nền độc lập của Việt Nam; sửa đổi một số điều khoản lỗi thời trong Hiệp định 8/3/1949 và Hiệp ước Pau; đẩy mạnh hơn việc thiết lập QĐVN.( 132) Khoảng một năm sau, ngày 28/4/1953, Heath nhận xét rằng Bảo Đại thông minh và hữu dụng như biểu hiệu đoàn kết Bắc-Nam, nhưng không có khả năng cỡ Churchill và đại loại; Tâm nhiệt tình và hữu hiệu, nhưng không đủ khả năng đoàn kết toàn quốc vì tính tình và lập trường thân Pháp; chỉ còn lại hai ứng cử viên Diệm và Trí. Hiện tại, Diệm không được vì cứng cổ [intransigence], chống Pháp, không được Bảo Đại ưa, và không ưa Bảo Đại. Chỉ còn lại Trí xứng đáng nhất.( 133)

B. QUA ÂU CHÂU:

Sau khi Joseph Laniel (6/1953-6/1954) đồng ý trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam ngày 3/7/1953,(134) họ Ngô ráo riết vận động lên cầm quyền. Tại Việt Nam, Thục và Nhu mở rộng hoạt động với các tổ chức tôn giáo và chính trị. Nhu hợp tác với Lê Văn "Bảy" Viễn, Phạm Công Tắc, v.. v... mưu toan thành lập một liên minh chính trị vào cuối năm 1953. Đầu năm 1954, Thục, Nhu cùng nhóm Tinh Thần của Y sĩ Trần Văn Đỗ và Liên Đoàn Thanh Lao Công của Trần Quốc Bửu lập ra tổ chức tiền thân của Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng, tức Cần Lao.( 135)

Diệm cũng từ Mỹ sang Belgium lo tiếp xúc Bảo Đại, mới từ Việt Nam qua Pháp chữa bệnh sán gan. Ngày 14/5, Bảo Đại gọi Diệm qua Paris, và Diệm đồng ý hợp tác. Ba ngày sau, Bảo Đại cử em trai Diệm, Ngô Đình Luyện, làm "đặc phái viên" tại Hội nghị Geneva để bí mật tiếp xúc với Mỹ. Ngày 24/5, khi được nhân viên Tòa Đại sứ Mỹ ở Paris tiếp kiến, Diệm tiết lộ đã được Bảo Đại ủy quyền về Việt Nam nghiên cứu việc thành lập một chính phủ mới. Diệm dự định rời Pháp ngày 26/5, nhưng sau đó hủy bỏ.

Sau cuộc gặp gỡ này, Mỹ chấp thuận Diệm, không vì Diệm là nhân vật lý tưởng, mà vì những người tiền nhiệm quá kém cỏi, và Diệm có hậu thuẫn của một số giáo mục Ki-tô. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Dulles vẫn còn chủ trương khuyến khích Pháp tiếp tục hiện diện ở Đông Dương, nên chưa thuận yểm trợ trực tiếp cho QGVN như Bảo Đại và Diệm yêu cầu. Phần Bảo Đại cũng được một nhóm cực hữu Pháp áp lực đưa Diệm lên thay Bửu Lộc. Nhưng cái giá Diệm đòi hỏi khá cao: Toàn quyền về dân sự và quân sự. Trước ám ảnh đại họa Pháp sẽ cắt nửa nước cho Việt Minh, và tổng tuyển cử trong một thời gian ngắn để giải quyết thể chế chính trị tương lai, Bảo Đại đành nhân nhượng–chỉ bắt Diệm phải thề trước thập tự giá là tuyệt đối trung thành, và duy trì ngôi báu nhà Nguyễn.

Cuối cùng, ngày 16/6/1954, giữa lúc chính phủ Laniel đã từ chức và Pierre Mandès-France có nhiều triển vọng lên làm Thủ tướng, Bảo Đại bổ nhiệm Diệm làm Thủ tướng toàn quyền. Ngày 25/6/1954, Diệm cùng một đoàn tùy tùng nhỏ lên đường về nước.

Chính ĐẠo

[Trích: Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng]

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 9906)
(Xem: 9694)
(Xem: 9177)
(Xem: 9652)
(Xem: 10131)
(Xem: 9173)
(Xem: 10009)
(Xem: 10617)