- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cái Chết Của Một Hàng Tướng: Dương Văn Minh (1916 - 2001) - Phần 2

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 7284)

B. CHÍNH CÁC TƯỚNG ĐỀ NGHỊ ĐẢO CHÍNH:

Cuộc đảo chính 1/11/1963 tiến triển theo hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là kế hoạch đảo chính ngày 1/9/1963, và rồi mới tới cuộc đảo chính ngày 1/11/1963.

1. Kế hoạch đảo chính ngày 1/9/1963:

Kế hoạch đảo chính do chính các Tướng đề nghị với viên chức Mỹ từ tháng 6/1963. Người đứng ra tiếp xúc với tình báo Mỹ là Trung tướng André Đôn. Tháng 6/1963, giữa cao trào tranh đấu Phật Giáo, Tướng Đôn cùng em rể là Lê Văn Kim (lấy Gabrielle Trần Văn Đôn) đã yêu cầu Đại sứ Nolting cho phép làm đảo chính, nhưng Nolting giận dữ từ chối. Ngày 8/7/1963, ông Đôn lại tiết lộ ý định với một sĩ quan CIA.

Khoảng đầu tháng 8/1963, André Đôn gia nhập nhóm Tướng Minh, qua đường dây Tướng Kim. Từ vài năm trước, hai Tướng Minh và Kim đã tìm cách đảo chính. Những ngày kế tiếp, nhiều người tham gia, ngoại trừ Huỳnh Văn Cao (vì là thành phần tín cẩn của chế độ) và Tư lệnh Hải Quân. Tại QĐ IV, dù Tướng Cao không được tiếp xúc, Tư lệnh Phó đồng ý. Tướng Nguyễn Khánh, Tư lệnh QĐ II, đồng ý nhưng vẫn ở Pleiku, có lẽ để nếu cần sẽ phản lại.

Ngày Thứ Sáu 23/8, sau khi anh em ông Diệm-Nhu tấn công chùa và bắt giữ tăng ni trên toàn quốc, Tướng Đôn lại than phiền với nhân viên tình báo Mỹ, và hỏi ý kiến về việc lật đổ chế độ. Tướng Kim, với cương vị phụ tá báo chí của Tướng Đôn, cũng nối lại liên hệ với tình báo Mỹ. Gặp Rufus Phillips, Giám đốc Phòng Cải Cách Điền Địa của cơ quan USOM, ngày 23/8, Kim than phiền quân đội đã trở thành “tay sai” của Nhu: Chính ông Nhu đã mưu mẹo để các Tướng yêu cầu ban hành thiết quân luật. Tướng Kim còn tiết lộ ông Nhu đã cho lệnh Cao Xuân Vỹ, Tổng Giám đốc Thanh niên, dùng Thanh Niên Cộng Hòa tổ chức phản biểu tình các học sinh, sinh viên dự trù vào ngày 25/8. (FRUS, 1961-1963, III, tài liệu 174)

Việc công khai đàn áp Phật giáo ngày 21/8 không chỉ tạo cho nhóm Tướng Minh thêm một lý do để đảo chính mà còn khiến rất nhiều người thân cận chế độ xa lánh anh em Diệm. Sáng Thứ Bảy 24/8, khi Phillips đến nhà Bộ trưởng Phụ tá An Ninh Nguyễn Đình Thuần ăn sáng, ông Thuần nói đến lúc vợ chồng Nhu phải ra đi. Theo Thuần, ngày 23/8, ông Diệm viết thư cho Lệ Xuân, yêu cầu từ nay đừng tuyên bố gì nữa. Đồng thời, cho Tướng Bénoit Trần Tử Oai, Cục trưởng Tâm Lý Chiến, và Tổng Giám Đốc Thông Tin biết lệnh này. Theo Thuần, nếu Mỹ cả quyết, các Tướng sẽ hành động.( FRUS, 1961-1963, III, Tài liệu 273)

Đại tá Đỗ Mậu (Giám đốc An Ninh Quân Đội), Tướng Nguyễn Khánh (Tư lệnh Quân đoàn II), Trần Thiện Khiêm (Tham Mưu trưởng Liên quân), hay Nguyễn Văn Thiệu (Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh, từng “rửa tội” để mua chuộc lòng tin của anh em ông Diệm-Nhu) đều thay đổi thái độ. Ngày 22/8, Đại tá Mậu gặp Tướng Đôn, xin gia nhập tổ chức đảo chính.( Mậu 1993, tr. 614) Trưa ngày 24/8, Thiếu tướng Khánh yêu cầu được gặp một nhân viên CIA để minh định không yểm trợ ông Nhu. Theo Khánh, các tướng đã chán nhận lệnh của họ Ngô, và muốn biết Mỹ có yểm trợ hay chăng. Nếu các nhà chính trị, trong trường hợp bị cắt viện trợ, muốn ngả theo Cộng sản hay chủ trương trung lập, quân đội sẽ nổi dậy. Theo Khánh, Trần Thiện Khiêm là đồng minh chắc chắn nhất của Khánh. (Ibid., III, tài liệu 284)

Trung tá Phạm Ngọc Thảo–người thân của Tổng Giám Mục Thục, từng cứu giá chế độ trong cuộc đảo chính hụt 11/11/1960, và đang giữ chức Thanh tra Ấp Chiến Lược, nhưng sau này được Cộng Sản truy tặng chức liệt sĩ–cầm đầu một nhóm đảo chính khác. Albert Thảo hợp tác với nhóm ông Huỳnh Văn Lang và cựu đảng viên Cần Lao trong Liên Kỳ Nam-Bắc Việt cũ. Hai Tướng Khiêm và Raymond Khánh cũng có liên hệ; nhưng cả hai lại nghi Albert Thảo là Cộng Sản nằm vùng, hoặc vì một lý do nào đó, chỉ ậm ừ cho qua.

[Theo tài liệu Mỹ, Albert Thảo đã vận động đảo chính từ nhiều tháng trước ngày 30/8, và cũng báo cáo với cơ quan CIA tại Sài-gòn (CAS) về âm mưu đảo chính của hai nhóm Trần Kim Tuyến, Huỳnh Văn Lang.( FRUS, 1961-1963, IV:40) Ngày Thứ Sáu, 30/8, cơ quan CIA báo cáo rằng có 3 tới 5 tiểu đoàn theo Thảo. Lực lượng này đủ sức duy trì tình thế từ 3 tới 4 tiếng đồng hồ, trong khi chờ đợi các Tướng nhập cuộc. Thảo muốn đảo chính trong vòng 1 tháng, hoặc sớm hơn. Thảo muốn mời Vũ Văn Mẫu, Trần Văn Chương, Trần Lê Quang, Vũ Văn Thái, Huỳnh Văn Lang, Nguyễn Hữu Châu. Thảo cũng liên lạc với các lãnh tụ Đại Việt. Thảo nói muốn cầm đầu ngành An ninh quân đội, tham gia chính phủ.( FRUS, 1961-1963, IV, tài liệu 22)

Mới đây, hồi ký Nhân chứng một chế độ của ông Huỳnh Văn Lang, nhất là tập III, đã trình bày khá đầy đủ về liên hệ giữa ông và Phạm Ngọc Thảo. (Xem thêm Chính Đạo, VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 307, 325). Tuy nhiên, trường hợp Albert Thảo khá phức tạp. Albert Thảo là loại tình báo tam tứ trùng, vừa liên lạc với Mỹ, Dinh Gia Long, các phe đảo chính, vừa có thể cung cấp tin tình báo cho Cộng Sản. Không phải vô tình mà sau này Cộng Sản phong Albert Thảo làm liệt sĩ.]

Ít ai ngờ nhất là ngay Trần Kim Tuyến–người thân cận của ông Nhu, vừa nắm cơ quan Mật vụ của chế độ, vừa lo kinh tài cho Đảng Cần Lao–cũng mưu đảo chính từ tháng 7/1963. Vì việc này, ông Tuyến bị đầy đi làm Tổng Lãnh sự ở Phi Châu (Cộng Hòa Arab, rồi Morocco), nhưng vì gốc an ninh tình báo nên các quốc gia trên không nhận, phải tạm lưu trú ở Hong Kong.

Tóm lại, muốn đảo chính ông Diệm không chỉ có Tướng Minh, người nổi danh chống đối chế độ. Hầu hết các Tướng và Tư lệnh đơn vị, cùng những người “thân tín” của họ Ngô đều muốn ra tay.

Nhiệt thành, hăng say nhất trong việc lật đổ chế độ Diệm là lực lượng sinh viên, học sinh. Như đã lược thuật, sinh viên học sinh bắt đầu chú tâm đến thời sự sau cái chết của nhà văn Nhất Linh vào tháng 7/1963. Tới tháng 8/1963, họ mới tìm được cơ hội nhập cuộc. Ngọn lửa tranh đấu đầu tiên được thắp lên ở Huế, khi ông Diệm cách chức Viện trưởng Đại học của Linh mục Cao Văn Luận. Ngày 15/8, sinh viên và học sinh Huế biểu tình, chính quyền thả cả quân khuyển để đàn áp. Xô xát dữ dội. Một số bị bắt.( Nguyễn Ngu Í 1964a:43) Hai ngày sau, trong lễ bàn giao giữa Linh mục Luận và ông Trần [?]Hữu Thế, đến lượt các Giáo sư từ chức tập thể: Lê Khắc Quyến, Khoa trưởng Y khoa (người đã từ chối chứng nhận các nạn nhân cuộc thảm sát tối 8/5 trước Đài Phát Thanh Huế là do mảnh lựu đạn gây nên); Bùi Tường Huân, Khoa trưởng Luật khoa; Tôn Thất Hanh, Khoa trưởng Khoa học; Nguyễn Văn Trường, Ban Khoa học Sư phạm; Lê Tuyên. Tân Viện trưởng Thế phải vào Sài-gòn báo cáo. Linh mục Luận cũng bỏ vào Đà Nẵng. Các giáo sư lại ký kiến nghị yêu cầu đưa Linh mục Luận trở lại. (Nguyễn Ngu í 1964b:28)

Chiều đó, sinh viên Huế cản đường Bộ trưởng Giáo dục Trình khi ông Trình ra phi trường vào Đà Nẵng. Ngày Thứ Ba, 20/8, Viện trưởng Thế cho lệnh những buổi hội họp trong khuôn viên trường phải xin phép trước.

[Thứ Hai, 19/8/1963: Sinh viên Huế hủy bỏ một cuộc biểu tình vì sợ bị chụp mũ Cộng Sản (ngày kỷ niệm Cách Mạng tháng 8/1945)].

Tại Sài Gòn, ngày 23/8–sau cuộc tổng tấn công chùa chiền và nhất là việc tân Đại sứ Lodge đến nhận nhiệm sở sớm hơn hạn định–sinh viên, học sinh biểu tình đòi trả tự do cho Phật tử. Hai ngày sau, Chủ Nhật 25/8, hàng ngàn sinh viên học sinh tụ họp trước chợ Bến Thành, Sở Thú, bến Bạch Đằng v.. v... Một nữ học sinh tên Quách Thị Trang bị bắn trọng thương, rồi qua đời trong Tổng Y viện Cộng Hoà. Theo kết quả sơ khởi khoảng 500 sinh viên, học sinh bị bắt. Quân đội và Cảnh sát thẳng tay đàn áp. Hơn 200 xe đạp và xe gắn máy mà học sinh, sinh viên sử dụng để kéo đến chỗ biểu tình bị bỏ rơi gần các khuôn viên đại học vào xế trưa. Từ đêm trước các đơn vị quân đội, có cả tuần thám xa, đã kéo về thành phố ngăn chặn các ngả đường. Các công sự phòng thủ, kẽm gai được giăng ra tại nhiều ngã tư và dọc đường từ Bộ Ngoại Giao tới trường Luật, nơi cựu Ngoại trưởng Mẫu dự định đến hội thảo. Theo tin ngoại giao Pháp những cuộc truy lùng, bắt giữ tiếp tục khắp nơi. Các trường học phải đóng cửa để đề phòng bạo động.( CLV, SV, 17:84)

Mật Vụ Miền Trung của Dương Văn Hiếu và Phan Quang Đông, với sự tiếp tay tích cực của Thị trưởng Huế Nguyễn Mâu, truy tầm và bắt giữ bất cứ ai bị nghi ngờ tham dự đảo chính hay biểu tình. Các trại tù lớn nhất là trại Lê Văn Duyệt (nằm trong Quân trấn Sài-gòn, do Thái đen cầm đầu), Võ Tánh (Chợ Bà Chiểu, do Nguyễn Thiện Giai cầm đầu), Sở Thú, bến Bạch Đằng. (Ngày 18/9/1963, Tướng Minh khẳng định với quan chức Mỹ là trong trại Lê Văn Duyệt có tới hai trại tù giam giữ người chống chế độ; FRUS, 1961-1963, IV:272-3) Theo các nhân chứng, Mật vụ miền Trung tra tấn nạn nhân tàn nhẫn hơn cả VC hay Mật thám Pháp. Có người chỉ vì ngồi chung xe một đồng nghiệp trùng tên với một nghi can mà ông ta không hề quen biết, cũng bị bắt giam, lấy cung và tra tấn hơn ba tháng. Nhiều nhân viên M.A.C.-V và Tòa Đại sứ Mỹ cũng bị bắt vì tình nghi liên hệ vào việc tổ chức đảo chính. (Phỏng vấn ông Phạm Chung, một nhân chứng từng đi tù cả thời Việt Minh lẫn Diệm, năm 1999-2000)

Không khí Sài Gòn, Huế và các tỉnh thị ngột ngạt kinh hoàng.

Tối Chủ Nhật 25/8 ấy, thêm một biến cố khác xảy ra trong hậu trường chính trị. Nhân dạ tiệc chào mừng Đại sứ Lodge tại tư dinh Quyền Ngoại trưởng Trương Công Cừu, ông Nhu chính thức gặp mặt một sứ giả của Hà Nội. Đó là Mieczylslaw Maneli, Trưởng đoàn Poland [Ba Lan] trong Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến. (Maneli 1971, tr. 137-9). Theo Maneli, từ mùa Xuân 1963, nhiều nhân vật ngoại giao đã yêu cầu Maneli gặp Nhu. Trong số này có Đại sứ Pháp Lalouette, Đại sứ India Ram Goburdhun, Đại sứ Italia d’Orlandi và Khâm sứ Vatican d'Asta. Họ cho biết đã nói với Nhu về Maneli, và Nhu ngỏ ý muốn gặp. Ngay sau buổi gặp sơ khởi, Maneli vội báo cáo về Warsaw, đồng thời thông báo với Đại sứ Liên Sô Tovmassian ở Hà-nội và Hà Văn Lâu. Lâu và Đại sứ Liên Sô tán thành. [Xem thêm “Phiến Cộng trong Dinh Gia Long; Chính Đạo, Cuộc thánh chiến chống Cộng (Houston, TX: Văn Hóa, 2004)]

Tình hình nghiêm trọng hơn khi trong bản tin phát thanh của đài V.O.A. vào lúc 8 giờ sáng địa phương ngày Thứ Hai, 26/8, phát ngôn viên BNG Mỹ khẳng định quân đội VNCH không đánh chiếm chùa chiền, mà chỉ có các lực lượng trực thuộc Phủ Tổng thống, không thuộc quyền Bộ Tổng Tham Mưu. Ngoài ra còn bình luận rằng viện trợ Mỹ có thể bị cắt.(Lodge không hài lòng về bản tin này; FRUS, 1961-1963, III, tài liệu 287)

Bài phát thanh này khiến ông Nhu tin rằng Lodge quyết định loại bỏ mình. Nhu bèn hạ lệnh bắt giữ tất cả những người chống đối. (Ibid., III:637n2)

Ngày 27/8/1963, Đại sứ Lalouette báo cáo về Paris rằng André Đôn tuyên bố Diệm đã lợi dụng và phản bội lòng tin của quân đội, cuộc tấn công chùa và bắt giữ tăng ni Phật tử làm hoen ố danh dự quân đội. Lực lượng tấn công chùa là LLĐB của Lê Quang Tung và Cảnh sát của Cò Túc [Tư?], dưới sự chỉ huy của Tôn Thất Đính. Tung, Tư và Đính là ba trụ cột của cuộc đảo chính do Ngô Đình Nhu cầm đầu.

Hiện nay Nhu quyền thế nhất nước. Diệm chỉ còn là lãnh tụ thứ hai. Chân dung Diệm bị Thanh Niên Cộng Hòa gỡ bỏ tại công sở trong vài quận đô thành. Chính Đính cho lệnh bắt giữ Vũ Văn Mẫu ngày hôm qua. Cũng có tin Hồ Tấn Quyền, Tư lệnh Hải quân, đã bị bắt. (CLV, SV, 17:42)

Sau một buổi họp mật, Lodge, Harkins cùng Richardson quyết định tạm thời không cho Harkins tiếp xúc với các Tướng, để Conein và nhân viên CIA khác lo việc liên lạc. Nhóm ông Đôn-Minh sẽ được lưu ý là Mỹ không nhúng tay vào đảo chính; và khuyến cáo ông Đôn tránh đổ máu, hoặc giảm thiểu đổ máu tối đa.

Tối đó, Đại sứ Lodge gặp riêng Tổng thống Diệm. Theo Lodge, ông ta bảo thẳng ông Diệm rằng tại Massachusetts người ta nghĩ Lệ Xuân là Quốc trưởng VNCH, và dân chúng đọc những bài báo mà Lệ Xuân gọi những vụ tự thiêu là nướng thịt sư. Ông Diệm trả lời rằng đã nói với Lệ Xuân vài lần, nhưng Lệ Xuân khẳng định là một Dân biểu có quyền phát biểu ý kiến.

Khi Lodge nêu vấn đề phóng thích những người bị bắt, ông Diệm nói đã thả gần hết. Để chứng tỏ Phật tử là thiểu số trong nước, ông Diệm trưng dẫn một tài liệu do chùa Xá Lợi xuất bản; theo đó, tại Việt Nam chỉ có hơn 1 triệu tăng ni, Phật tử, và khoảng 2 triệu người liên hệ. Trước khi cáo từ, ông Diệm nhắc nhở Lodge rằng Mỹ kiều phải biết giữ trật tự. (FRUS, 1961-1963, III, Tài liệu 292, 296)

Buổi gặp mặt này chẳng có gì vui vẻ. Hôm sau, 27/8, Lodge gặp ông Nhu. Nhu yêu cầu Mỹ phải ngưng những lời tuyên bố làm tổn hại quốc thể VNCH. Người Mỹ nói quá nhiều, trong khi tại Việt Nam người ta nói quá ít. Về những lời tuyên bố của Lệ Xuân trên báo Life ngày 16/8, ông Nhu nói vợ mình là một Dân biểu, có quyền tự do phát biểu ý kiến. Nhu còn tuyên bố đã chỉnh đốn lại tình hình trước ngày Lodge tới Sài-gòn (dự trù vào 26/8). Nhờ vậy, không còn cuộc tự thiêu nào.

Những lời biện bạch của ông Diệm về Phật giáo trong buổi sơ kiến trình ủy nhiệm thư–như Phật giáo chỉ là thiểu số ở Việt Nam, hay Phật giáo đã bị Cộng Sản xâm nhập–và giọng điệu khiêu khích của ông Nhu trong buổi gặp mặt ngày 27/8, đẩy Lodge vào vị thế khó thể dung thứ ngay cả với ông Diệm. Rồi đến buổi họp báo cùng ngày 27/8 của Tướng Đính để giải thích lý do tấn công các chùa chiền, huênh hoang tự nhận mình là “anh hùng quốc gia,” đã bẻ gãy được âm mưu của Cộng Sản, Phật Giáo và “bọn phiêu lưu quốc tế.” Ngoài ra, còn tin đồn tòa Đại sứ sẽ bị tấn công, chiếm đóng, âm mưu ám sát cá nhân Lodge, v.. v... Không còn là cái tát xiếc nữa mà đã trở thành công khai thách đố, khiêu khích.

Thời gian này, Oat-shinh-tân cũng cử Paul Kattenburg, Trưởng đoàn Việt Nam, qua Sài Gòn thị sát tình hình. Khi tiếp Kattenburg ngày 28/8, ông Diệm ra sức biện minh việc đàn áp Phật giáo. Trước khi từ biệt, ông Diệm nói với người bạn quen biết đã 10 năm: “Cố giúp chúng tôi.” Kattenburg chua chát đáp: “Xin giúp chúng tôi nữa.”

Trong khi đó, nhân viên Tòa Đại sứ tiếp tục liên hệ với các Tướng làm đảo chính. Ngày 26/8, Conein gặp Tướng Khiêm, và một nhân viên CIA khác (Spera) gặp Tướng Khánh, hứa Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ sau khi thành lập chính phủ mới. Ngày 27/8, Conein hứa với Khiêm sẽ cho gia đình các Tướng an toàn ra ngoại quốc trong trường hợp đảo chính thất bại, và sẽ cung cấp sơ đồ phòng thủ trại Long Thành của LLĐB. Hôm sau, 28/8, Conein giao cho Khiêm sơ đồ phòng thủ nói trên. Ngày 29/8, một nhân viên CIA gặp cả hai Tướng Minh và Khiêm. Để trấn an các Tướng, Phillips tìm gặp riêng Tướng Kim, xác định rằng Lodge đã phái nhân viên CIA trên đến gặp Minh và Khiêm, và còn thêm rằng chính Tổng thống Kennedy cho lệnh. Khi Kim muốn người Mỹ tiếp tay thảo kế hoạch, Lodge cũng đồng ý.( FRUS, 1961-1963, IV:79-80) Viên chức Mỹ còn thu xếp để các nhóm và cá nhân chống chế độ hợp tác với các Tướng.

Nhưng nhóm Tướng Minh vẫn còn nghi ngại bị người Mỹ gài bẫy. Ngày 29/8, khi Trung tá Conein tiếp xúc, ông Minh nói không tin Kennedy đồng ý cho làm đảo chính; ngoại trừ trường hợp Mỹ tuyên bố ngưng viện trợ kinh tế cho chế độ Diệm. Lodge vội gửi điện văn về Oat-shinh-tân, và ngày 30/8, Hội đồng ANQG Mỹ chấp thuận yêu cầu của Tướng Minh.( Gravel, II: 238-239, 738-739; FRUS, 1961-1963, IV:21, 32-3) Ngày 29/8 [30/8 VN], HĐ/ANQG Mỹ còn cho lệnh Tướng Harkins tiếp xúc với các Tướng để họ hết hoài nghi, đồng thời nhấn mạnh Mỹ muốn loại bỏ vợ chồng Nhu, nhưng không đề cập gì đến số phận ông Diệm.

Anh em ông Diệm-Nhu đã đoán biết âm mưu của các Tướng nên điều động Lực Lượng Đặc Biệt [LLĐB] của Lê Quang Tung vào thủ đô, chốt chặn các vị trí bằng thiết giáp. Tối ngày 29/8, có tin ông Nhu sẽ bắt giữ các Tướng chủ chốt trong vòng 24 giờ. Nhân viên CIA cấp tốc báo động cho Tướng Kim, nhưng việc này không xảy ra.

[Người báo tin có thể là ký giả Mỹ, hay một nhân viên thân cận với Dinh Gia Long, vì nhân vật mà tên họ chưa được giải mật này đã từng tiết lộ trước tin các chùa chiền sẽ bị tấn công đêm 20 rạng 21/8]

Ngày 30/8, ông Nhu triệu tập các Tướng ở Bộ Tổng Tham Mưu, tuyên bố vụ rắc rối với Phật giáo đã qua, nhưng những kẻ đứng sau lưng chưa bỏ cuộc. Nhiệm vụ của quân đội là phải nghe lệnh chính phủ. CIA muốn Nhu ra đi. Có nỗ lực vận động báo chí quốc tế chống lại VNCH. Nhiều viên chức Mỹ tại Sài-gòn xúi dục và cổ võ các phóng viên, ký giả chống lại chính phủ Việt Nam. Lodge đã hiểu rõ tình thế hơn, và Nhu có thể lèo lái ông ta. Theo Tướng Khiêm, ông Nhu còn tâm sự sẽ theo bất cứ điều gì người Mỹ muốn và được Tổng thống Kennedy ủng hộ. Nhu nói thân với Richardson, Trưởng sở CIA.(FRUS, 1961-1963, IV:90-92) Những lời tuyên bố của ông Nhu ít nữa cũng có một tác dụng tâm lý: Những người âm mưu đảo chính không khỏi lo âu về tâm ý thực sự của người Mỹ. Các Tướng còn phân vân chẳng hiểu vợ chồng Nhu có ăn lương CIA hay chăng.

15 Tướng tham dự, kể cả Trần Văn Đôn, Dương văn Minh, Trần Văn Minh, Trần Thiện Khiêm, Lê Văn Nghiêm, Lê Văn Kim, Phạm Xuân Chiểu, Trần Tử Oai, Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Là, Trần Ngọc Tám, Nguyễn Giác Ngộ, Văn Thành Cao, Mai Hữu Xuân, Huỳnh Văn Cao.

Quan trọng hơn nữa, nhóm Big Minh cảm thấy chưa có đủ lực lượng, vì chưa thuyết phục được Tướng Đính, Tư lệnh Vùng III kiêm Tổng trấn Sài Gòn.

[Nỗ lực thuyết phục Đính đã bắt đầu sau cuộc họp báo ngày 27/8 của Đính. Phe đảo chính dùng kế khích tướng, dèm pha rằng Đính đã bị Nhu lừa, và chính phủ Diệm phải chịu ơn Đính mới đúng. Rồi xúi Đính vào gặp Diệm, yêu cầu Diệm phong mình làm Bộ trưởng Nội Vụ. Diệm giận dữ từ chối, bắt Đính lên Đà-lạt “nghỉ phép.” Lợi dụng cơ hội, nhóm đảo chính thuyết phục Đính ngả theo. Tuy nhiên, Đính chưa quyết định dứt khoát].

[Theo Dương Văn Minh, mãi tới tháng 10/1963, Tôn Thất Đính mới đi tìm ông Minh. Sau một hồi chuyện vãn, Đính đột ngột nói: “Đại ca, quê hương chúng ta đang bị nguy hiểm. Đại ca bảo tôi phải làm gì?” Ông Minh ra chỉ thị cho Tướng Đính về đảo chính. Những ngày kế tiếp, ông Minh tìm cách hòa giải giữa Tướng Đính và Kim vì sau cuộc đảo chính hụt 11/11/1960, Đính đã cho lệnh bắt giữ Kim, lúc ấy đang là Chỉ Huy trưởng trường Đà Lạt. (VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 361-362) Ngày 26/5/1964, ông Khánh nói với Lodge rằng sau khi nghiên cứu hồ sơ của Ngô Đình Diệm về cuộc đảo chính 11/11/1960, những người chủ mưu có liên hệ chặt chẽ với Pháp và muốn ủng hộ Kim làm Thủ tướng.( FRUS, 1964-1968, I:381)].

Cuối cùng, sau hơn 24 giờ cắt liên lạc với tình báo Mỹ, sáng Thứ Bảy, 31/8, ông Khiêm mới báo cho Tướng Harkins biết rằng kế hoạch đảo chính vào ngày hôm sau, 1/9, bị tạm gác. Theo Khiêm, Big Minh vẫn chưa thực sự tin chính phủ Mỹ đồng ý cho đảo chính vì cấp bậc của Conein quá nhỏ; cần những người như Harkins hay Lodge xác định. Do đề nghị của Harkins, Khiêm hứa sẽ dàn xếp cho Harkins gặp Tướng Minh. Đồng thời tiết lộ rằng André Đôn có kế hoạch yêu cầu ông Diệm cải tổ chính phủ, đưa ba Tướng nắm các bộ Quốc Phòng, Nội Vụ và Tổng Nha Thông Tin; Ngô Đình Nhu sẽ làm Thủ tướng hoặc điều hợp tổng quát.( Gravel, II:265; FRUS, 1961-1963, IV: Tài liệu 32, 33 [tr.65-6])

Chiều đó, khi gặp Phillips, Lê Văn Kim nói Nhu và LLĐB của Lê Quang Tung phòng thủ kỹ càng, khó thể hành động. Sẽ tiếp tục chuẩn bị, nhưng cần bí mật. Khi Phillips nói Khiêm đã gặp Tướng Harkins và tuyên bố các Tướng đồng ý cho Nhu làm Thủ tướng; đổi lại, quân đội được nhiều quyền hơn, Kim rất giận dữ. Kim hẹn gặp lại vào buổi tối. Khi gặp lại, Kim nói Khiêm không báo cáo gì cho Minh về buổi gặp Harkins. Các Tướng không bao giờ chấp nhận Nhu; họ chưa thể ra tay vì Nhu và Tung đã chuẩn bị, và các Tướng thiếu phương tiện. (FRUS, 1961-1963, IV:64-6)

Lý do nào đi nữa, âm mưu đảo chính ngày 1/9 phải đình hoãn. Lúc 18G00 ngày 31/8, Lodge báo cáo về Oat-shinh-tân là các Tướng chẳng có tinh thần hay tổ chức để thực hiện.

[Theo tờ Times of Viet-Nam, cơ quan ngôn luận bán chính thức của vợ chồng ông Nhu, cuộc đảo chính này dự trù vào ngày 28/8, nhưng bị ông Nhu bẻ gãy bằng cách tuyên bố Thiết quân luật ngày 21/8; Times of Viet-Nam, 2/9/1963; Công điện số 747, ngày 2/9/1963, Saigon gửi Paris; CLV, SV, 17:51]

Ngày 4/9, cơ quan CIA Sài-gòn nhận định về âm mưu đảo chính thất bại trên như sau: Hai bên “không thắng, không bại.” Diệm-Nhu biết rằng Mỹ khuyến khích các Tướng làm đảo chính, và CIA nhúng tay vào vụ này. Có thể họ biết gần hết những phương cách CIA đã thực hiện. Có thể chính phủ VNCH nhận hiểu họ còn gặp khó khăn với các lãnh đạo quân đội, đa số dân chúng, và chính phủ Mỹ. Diệm-Nhu đang thẩm giá sự kiện chính phủ Mỹ yểm trợ một lãnh đạo khác và sẽ đi đường xa để khuyến khích, và yểm trợ lãnh đạo mới ấy. Bước sắp tới, cả hai chính phủ VNCH và Mỹ phải đạt được thỏa thuận để Mỹ có thể tiếp tục viện trợ, dù thay đổi đôi chút về hình thức cũng như việc thực thi. (FRUS, 1961-1963, IV:92-93)

2. Cuộc đảo chính ngày 1/11/1963:

Sau khi các Tướng tạm ngừng đảo chính, người Mỹ chẳng có lựa chọn nào khác hơn tiếp tục liên hệ với chính phủ Diệm. Một mặt, Oat-shinh-tân thực hiện kế hoạch “áp lực và thuyết phục” [Pressures and Pursuasion Track] để loại anh em ông Diệm. (Hilsman, To Move A Nation, tr. 508) Mặt khác, Lodge vẫn mở cửa cho một giải pháp đảo chính.

a. Thục và Lệ Xuân ra đi:

Ngay trong ngày 31/8, Lodge điện về Oat-shinh-tân, yêu cầu chuyển sang áp lực ông Diệm thay đổi nhân sự và chính sách Phật Giáo qua phương thức “áp lực và thuyết phục.” Về nhân sự, cần ông Thục và bà Lệ Xuân rời nước; ông Nhu sẽ lo kế hoạch ấp Chiến lược; và lập thêm chức Thủ tướng, giao cho ông Nguyễn Đình Thuần phụ trách. Về chính sách, cần phóng thích sinh viên, học sinh, tăng sĩ và Phật tử, hủy bỏ Luật số 10, các chùa chiền phải được giải tỏa và trùng tu, và chính phủ tỏ thái độ hòa hoãn với Phật Giáo. Lodge yêu cầu đích thân Kennedy tuyên bố những điều kiện trên tại Oat-shinh-tân. (FRUS, 1961-1963, IV:66-7) Lodge cũng thêm rằng có tin Nhu đang bí mật tiếp xúc với Cộng Sản qua trung gian hai đại sứ Pháp và Poland [Ba Lan], vì hai chính phủ này muốn một giải pháp trung lập giữa Bắc và Nam Việt Nam. (Maneli đã tiết lộ với CIA việc tiếp xúc với ông Nhu; rồi ngày 30/8, Đại sứ Lalouette cũng xác nhận với Lodge về việc Nhu móc nối với Cộng Sản). Để tạo áp lực tâm lý, từ nay, Lodge không nói chuyện với anh em ông Diệm-Nhu nữa nếu chưa tham khảo Bộ Ngoại Giao. Chính phủ Việt Nam, theo Lodge, đã hành xử như “những kẻ dối trá và tội phạm” [has acted both as liars and criminals].

Trong buổi họp tại Bộ Ngoại Giao sáng Chủ Nhật, 31/8 (khoảng nửa đêm cùng ngày tại Sài Gòn), Phó Tổng thống Johnson và các cố vấn của Kennedy không đi đến quyết định rõ ràng nào. Đa số muốn cho ông Diệm cơ hội chót, tức vẫn giữ ông Diệm, chỉ đưa ông Thục, và bà Lệ Xuân rời nước; riêng ông Nhu sẽ chỉ còn lo kế hoạch ấp Chiến lược. (FRUS, 1961-1963, IV:69-74, 80-1) Oat-shinh-tân chỉ thị Lodge tiếp xúc lại với ông Diệm, và Kennedy sẽ dùng buổi họp báo ngày 2/9 tại Mỹ để áp lực (như Lodge đã đề nghị). Nếu không thể dùng đường lối ngoại giao và chính trị để thuyết phục, Mỹ sẽ tạm ngưng viện trợ. Ngoại trưởng Rusk còn cho lệnh Lodge, nếu cần, bảo thẳng ông Diệm phải chứng tỏ cho người Mỹ thấy rằng chính phủ Kennedy “không thể đòi hỏi quốc dân Mỹ bị giết để yểm trợ Bà Nhu trong khát vọng nướng thịt sư.”( Ibid., IV:76-9)

Ông Nhu dường như bất chấp áp lực của Mỹ. Ngày 1/9, các báo thủ đô chạy tin lớn trên trang nhất lời tuyên bố ngày 29/8 của Tổng thống Pháp Charles de Gaulle–đề nghị hai miền Bắc và Nam tham dự một hội nghị hoà bình, thống nhất, và trung lập hoá miền Nam.( CLV, SV, 91:156) Thực ra, de Gaulle chỉ lập lại những gì đã từng nói với Kennedy trong chuyến thăm Pháp từ 31/5 tới 2/6/1961. Nhưng ở thời điểm liên hệ Mỹ-Việt đang căng thẳng này, đề nghị của de Gaulle mang một ý nghĩa đặc biệt. Nói theo Bộ trưởng Văn hóa Trương Công Cừu, chính phủ Diệm “hiểu rõ mọi hàm ý của Paris.” Ông Nhu cũng đã cho Bản tin Việt Tấn Xã ngày 30/8 đăng trên trang nhất trọn bài diễn văn của de Gaulle.

Thật khó đoán de Gaulle có hàm ý gì. (Thời gian này, Trần Văn Hữu cũng chủ trương trung lập, và có liên hệ với Bộ Ngoại Giao Pháp. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cũng cổ võ trung lập.) Chỉ biết lời tuyên bố trên gây sôi nổi dư luận Mỹ. Ngày 30/8, New York Herald Tribune nhận định rằng de Gaulle muốn yểm trợ Diệm, gây ảnh hưởng ở Việt Nam. Tờ New York Times cho rằng de Gaulle bày tỏ sự bất mãn với chính sách Mỹ. Tờ Washington Post nghĩ de Gaulle muốn Pháp sẽ thay thế Mỹ. Phía sau hậu trường, ngày 30/8 [31/8 tại Việt Nam], Đại sứ Pháp Hervé Alphand giải thích với Ngoại trưởng Rusk rằng giải pháp trung lập có thể thực hiện được vì hiện nay Mao Trạch Đông muốn chiến tranh, trong khi Hồ Chí Minh muốn hòa bình, và Hồ vốn chống Trung Hoa. Rusk không đồng ý, coi nền trung lập giả hiệu ở Việt Nam là điều nguy hiểm nhất, sẽ tạo nên những khó khăn cho các nước lân bang, kể cả Indonesia. Alphand hứa sẽ tuyên bố với báo chí rằng Pháp không có ý định dàn xếp với Diệm hay bành trướng ảnh hưởng và làm hại Mỹ. Rusk đề nghị Alphand giải thích rằng lời tuyên bố của de Gaulle phản ảnh quan điểm dài hạn của Pháp. Alphand cũng hết sức bệnh vực ông Diệm. Theo Alphand, mặc dù Diệm không được ưa thích, nhưng chưa tìm được ai thay. Rusk xác nhận không chống ông Diệm mà khó khăn chính là Nhu. Rồi hỏi ý Alphand về việc cho Nhu qua Pháp; Alphand đáp không hiểu Nhu có chịu qua Pháp nghỉ hưu hay chăng. (FRUS, 1961-1963, IV:59-61)

Tại Sài Gòn, Đại sứ Lalouette cũng muốn hòa giải giữa ông Diệm và Lodge. Nhân dịp Lodge đến thăm xã giao, ngày 31/8, Đại sứ Pháp ca ngợi ông Diệm là quốc trưởng có khả năng nhất ở Đông Nam Á; nhưng không là một nhà chính trị, không biết ăn nói, không biết cách gây thiện cảm với báo chí, v.. v... Phần Nhu rất thông minh, phụ giúp Diệm đắc lực. Theo Lalouette, ông Diệm có thể chiến thắng CS. Hiện trạng tại Việt Nam là do giới truyền thông tạo nên. Báo chí đã tạo nên sự xúc động quá mức ở hải ngoại hơn trong nước. Trong thời Pháp thuộc, nhiều sư tự thiêu nhưng chẳng gây nên phản ứng gì trong dân chúng. Tình hình đã êm dịu dần. Phật tử được phóng thích, Luật số 10 sẽ bị rút lại. Các chùa sẽ được sửa chữa do chính phủ chịu phí tổn. Một lễ sẽ được tổ chức tại chùa Xá Lợi. Lệ Xuân sắp rời nước trong vài tháng để thăm India và Mỹ. Lalouette thêm rằng các viên chức Việt muốn được nói chuyện với Lodge, nhưng Lodge đứng xa, nên họ lùi lại. Rồi Lalouette đi thẳng vào vấn đề, hỏi: “Cần làm gì để hài lòng Mỹ?” Lodge đáp: “Loại bỏ vợ chồng Nhu.” Lalouette nghĩ rằng chuyện này không được, và đề nghị đưa một ai đó lên làm Thủ tướng, giảm bớt trách nhiệm của Nhu. Vẫn theo Lalouette, trong một hai năm nữa, chiến tranh du kích sẽ tàn đi. Việt Cộng đang thất vọng, và tinh thần xuống rất thấp ở miền Bắc. Khi cuộc chiến tranh du kích chấm dứt, sẽ có thể giao thương, gạo miền Nam, than miền Bắc. Sau đó sẽ đi đến thống nhất. Khi Lodge từ biệt, Lalouette nói: Hãy trấn an dư luận Mỹ và đừng đảo chính. (FRUS, 1961-1963, IV:58-59)

Lời khuyên của Lalouette khó thay đổi định kiến của Lodge với chế độ Diệm, những người mà Lodge đánh giá như “dối trá và tội phạm.” Chiều Thứ Hai, 1/9, Lodge áp lực ông Nhu phải thực hiện ngay lời hứa với Nolting từ ngày 10/8: Đó là bắt Tổng Giám Mục Thục rời nước và Lệ Xuân ra đi. Phần ông Nhu cũng đồng ý rút lên Đà Lạt.( VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 288, 325-6, 336-7, 339-41)

Ông Nhu chưa chịu buông xuôi, quyết đổ thêm dầu vào lửa. Sáng ngày 2/9, Nhu tiếp Maneli ngay tại Dinh Gia Long. Trưa đó, tờ Times of Vietnam đi một bản tin nẩy lửa, 8 cột, với tựa “ CIA tài trợ kế hoạch đảo chính “ [CIA Financing Planned Coup d' Etat], lên án Mỹ và CIA đã âm mưu tổ chức cuộc đảo chính vào ngày 28/8 nhưng bị Nhu bẻ gãy. Theo báo này, từ tháng 1/1963, các chuyên viên đảo chính Mỹ–từng thành công ở Turkey, Guatemala, Đại Hàn, nhưng thất bại ở Iran và Cuba–lũ lượt kéo tới Việt Nam. Mỹ đã tiêu từ 10 tới 24 triệu MK để thực hiện đảo chính, và quĩ mật này Quốc hội Mỹ không hề hay biết. Kế hoạch đảo chính thoạt tiên dự trù vào ngày 28/8, nhưng phải ngưng lại vì Việt Nam đã ra tay trước, thiết quân luật từ ngày 21/8. Các ký giả quốc tế ở Manila đã được “tin mật” rằng Diệm sẽ dừng lại ở Manila vào ngày 29/8, trên đường lưu vong. Giờ mưu định đảo chính là 11 giờ tối ngày 28/8, nhưng sau đó phải hoãn lại vì chính phủ Việt Nam biết rõ mọi chi tiết, và cương quyết chống đến cùng, cho dẫu phải tử chiến trên đường phố Sài Gòn. Tổng thống de Gaulle, vẫn theo báo này, tỏ ra rất bất mãn (indignant) vì một cuộc đảo chính tương tự không dễ dàng thành công, chỉ làm lợi cho Cộng Sản. Với cuộc tranh đấu của Phật Giáo, tờ báo Mỹ ngữ của ông Nhu thách đố các tu sĩ tiếp tục tự thiêu. (CĐ số 747, ngày 2/9/1963, Sài-gòn gửi Paris; CLV, SV, 17:51)

Sự khiêu khích mới này khiến Lodge khó tha thứ cho ông Nhu. Nhưng người Mỹ thường tự hào họ là người của hành động [doers]; và, chẳng mấy quan tâm đến những lời sỉ vả, nhục mạ thô tục mà người Á Đông ưa thích (kiểu Mao Trạch Đông cho quân lính xếp hàng dài theo biên giới Nga, đồng loạt tụt quần trận, chổng mông về phía phòng tuyến Nga).

Bởi thế, Lodge đẩy mạnh hơn kế hoạch “chuyển tiếp” của mình. Để tạo thêm áp lực, Lodge khai thác tối đa hành động ve vãn Cộng Sản của ông Nhu, với sự tiếp tay của Pháp.

Như đã lược nhắc, từ đầu năm 1963, nếu không phải sớm hơn, ông Nhu đã tìm cách tiếp xúc Cộng Sản (kể cả Phạm Hùng, đặc phái viên miền Bắc, theo vài nguồn tin). Môi giới của ông Nhu là Đại sứ Lalouette và có thể ngay chính Giáo hoàng John XXIII (1958-1963). Nhân vật Maneli, Đại diện Ba Lan (Poland) trong Ủy Ban Quốc tế Kiểm soát Đình Chiến (ICC), chỉ là mặt nổi phụ thuộc, để ông Nhu dằn mặt người Mỹ về khả năng “ve vãn Cộng Sản” của mình. Nhưng đây lại là bằng chứng hiển nhiên duy nhất Lodge có trong tay về sự “phản bội” [chiến lược chống Cộng] của ông Nhu.

Sau khi gặp ông Nhu ngày 25/8, Maneli thú nhận với Sở CIA Sài-gòn rằng Đại sứ Pháp làm trung gian cho Nhu tiếp xúc Phạm Văn Đồng. (Ngày 30/8, nhân viên CIA tiết lộ tin trên). Lodge bèn nhờ một người bạn tiếp xúc với Maneli để khai thác thêm tin tức. Theo nhân vật còn dấu tên này, từ nhiều tháng trước, Nhu đã chủ trương trung lập hóa và thống nhất Việt Nam. Maneli yêu cầu một người [chưa rõ tên] làm trung gian để gặp Nhu, nói Maneli sẵn sàng làm chim xanh giữa Nhu với Đồng. Nhu đồng ý cho vợ đi dự Hội nghị Dân biểu Quốc tế để giữ sĩ diện. Trong khi đó, Nhu tuyên bố với các Tướng rằng đừng sợ Mỹ cắt viện trợ, vì nếu thế, sẽ có những nguồn tài trợ khác. Nhu cũng có thể liên lạc với Hà-nội, yêu cầu giảm bớt cường độ chiến tranh, trong khi thương thuyết một thỏa ước vĩnh viễn.

Mật báo viên trên thêm rằng Nhu muốn thương thuyết với Mỹ. Nếu Cố vấn chính trị Trueheart của Tòa Đại sứ gặp Nhu, có thể có giải pháp.( FRUS, 1961-1963, IV:89-90)

Bởi thế, sau khi ông Nhu tiếp Maneli ngay tại Dinh Gia Long vào sáng ngày 2/9 để nhờ bàn việc hiệp thương, thống nhất với Phạm Văn Đồng, Lodge báo ngay về Oat-shinh-tân xin lệnh. (FRUS, 1961-1963, IV:84-5) Chiều ngày 2/9 đó, Lodge đích thân vào Dinh Gia Long gặp Nhu. Để tăng cường áp lực, Lodge mang theo cả Đại sứ Italia d’Orlandi và Khâm sứ Vatican d’Asta, vì hai người này là nhân chứng trong các âm mưu “ve vãn Cộng Sản” của ông Nhu (mà theo hình luật đương thời như Sắc Luật 47 ngày 21/8/1956 và 10/59 ngày 6/5/1959), sẽ bị kết án từ chung thân khổ sai tới tử hình).( VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 340-1, 102, 151).

Khó thể chối cãi việc ve vãn Cộng Sản, và trước đề nghị của Mỹ, Nhu đồng ý sẽ từ chức, rút lên Đà-lạt sau khi bãi bỏ Thiết quân luật, tức sau khi số nhân viên Mỹ tổ chức đảo chính đã rời Việt Nam. Nhu cũng muốn đài phát thanh Mỹ ở Việt Nam ngừng đả kích chính phủ; và tuyên bố từ nay người Mỹ nào vào Việt Nam cũng cần chiếu khán [visas]. Lệ Xuân sẽ rời Sài-Gòn ngày 17/9 để dự Hội nghị các Dân biểu tại Yugoslavia. Thục sẽ rời nước trong một tương lai gần. Nhu cũng đồng ý chính phủ sẽ có một Thủ tướng. Về kinh viện, Nhu muốn được vay dài hạn, với lãi xuất thấp, hơn là viện trợ. Như thế người Mỹ tránh được trách nhiệm về những gì người Việt làm.

Nhu nói không thể rời nước vì lý do tiếp xúc với Việt Cọng; những cán bộ VC này đã rất chán nản và muốn ngừng hoạt động (?).Sáu tháng trước, một Đại tá VC muốn đào ngũ với 3 tiểu đoàn, nhưng Nhu khuyên ông ta ở lại biên giới Lào chờ cơ hội thuận tiện. Một Tướng VC ở Miên cũng muốn gặp Nhu. Không những VC đang thất vọng mà còn cảm thấy đang bị Bắc Việt lợi dụng. Nhu tiên đoán trong tương lai BV phải tiếp tế bằng không quân. Tiếp vận đường biển đã bị ngăn cản, và đường bộ cũng hầu như bất khả. (sic) Nếu tiếp tế bằng phi cơ, sẽ bị phòng không bắn hạ.

Về cuộc gặp gỡ Maneli, Nhu nói Maneli đã yêu cầu Nhu chú ý đến tuyên bố của de Gaulle [ngày 29/8] và Hồ Chí Minh [ngày 29/5], rồi hỏi Nhu muốn chuyển lời gì cho Phạm Văn Đồng. Nhu trả lời “Chẳng có gì cả.” Nhu cũng nói Trung Cộng đề nghị bán 2 phi cơ U-40.

Theo đúng lớp lang dự trù, tại Mỹ, trong buổi phỏng vấn truyền hình với Walter Cronkite trên đài CBS ngày 2/9, Kennedy tuyên bố chính phủ Diệm đã “xa rời quần chúng,” cần thu phục lại sự yểm trợ của mọi người, và thay đổi về chính sách cùng nhân sự. Cuộc chiến Việt Nam là của chính người Việt, Mỹ chỉ có thể tiếp sức. Diệm không thể chiến thắng nếu tình trạng hiện tại không thay đổi. Việc đàn áp Phật tử, Kennedy tiếp, rất không khôn ngoan. Không thể chiến thắng bằng đường lối này. Kennedy hy vọng chính phủ [Diệm] phải thấy rõ rằng họ cần thực hiện những bước để lôi kéo lại sự yểm trợ của đám đông trong cuộc chiến tối thiết này. Được hỏi liệu chính phủ [Diệm] còn thời gian để lấy lại sự ủng hộ của đám đông, Kennedy nói nếu thay đổi chính sách, và có lẽ với thay đổi nhân sự, vẫn có thể lôi kéo được sự ủng hộ của quần chúng. Nếu chính phủ [Diệm] không thay đổi, cơ hội để chiến thắng không được tốt. Về bài diễn văn của de Gaulle, Kennedy tuyên bố không hiểu de Gaulle muốn gì. Tuy nhiên, cần lắng nghe những gì de Gaulle tuyên bố vì de Gaulle không phải là kẻ thù của Mỹ. Kennedy cũng khen ngợi Lodge đã đặt quyền lợi quốc gia Mỹ lên trên sự nghiệp chính trị khi nhận chức Đại sứ ở Việt Nam.( FRUS, 1961-1963, IV:tài liệu 50)

Trưa hôm sau, 3/9, Kennedy phê chuẩn công điện chỉ thị cho Lodge gặp lại Diệm. Đồng thời cho phép Lodge và Harkins, nếu các Tướng tiếp xúc trở lại, cần khẳng định Mỹ không thay đổi lập trường.(FRUS, 1961-1963, IV:100-3) Tối đó [10G35 ngày 4/9 VN], McNamara, Rusk và Bundy vội chỉ thị Lodge nối lại liên lạc trực tiếp với Diệm mà không cần qua trung gian Nhu, vì mặc cả với Nhu chẳng khác nào nhìn nhận sự thăng tiến của Nhu. Trong buổi gặp Diệm lần đầu, Lodge phải giải thích về ý định của Kennedy qua bài diễn văn trên CBS: Kennedy rất mong chiến thắng và hy vọng rằng chính phủ VNCH hiểu được tầm quan trọng của sự thay đổi nhân sự. Lodge cần chứng tỏ sự bất bình của Mỹ về vấn đề đàn áp Phật giáo, vì sẽ làm hại nỗ lực chiến thắng CS. Mỹ không muốn lật đổ chính phủ, nhưng sẽ tìm cách cải thiện nó. Sau khi Lodge gặp Diệm, Harkins sẽ lại gặp Diệm và Thuần như thường lệ để lo việc chiến tranh. (FRUS, 1961-1963, IV:104-6)

Như để trả lời Kennedy và Lodge, ngày 4/9 Nhu sai Đính họp báo lần thứ hai. “Anh hùng quốc gia” Đính giải thích về danh từ “aventurier internationaux” bị vấp mắc trong tuần trước, và khẳng định tất cả các tướng lãnh Việt coi Ngô Đình Nhu như lãnh tụ, và tất cả đều tin cậy Nhu sẽ mang đến chiến thắng CS. (Báo cáo ngày 5/9/1963, Lalouette gửi Couve de Murville; CLV, 17:7; Đính 1998, tr. 418-20)

Trong khi đó, khi Lalouette vào gặp, ông Diệm nói tình hình nghiêm trọng vì các sư trẻ cực đoan đã thay thế những nhà sư lớn tuổi, khả kính cũ. (CLV, SV, d. 18) Nhu thì tiết lộ với Lalouette là có thể dàn xếp với Việt Cọng để chấm dứt chiến tranh, và để thực hiện việc này, Nhu sẽ yêu cầu Mỹ triệt thoái một số quân. Thuật lại với Lodge chuyện này xong, Lalouette nhấn mạnh rằng không thể thay Diệm-Nhu, và Mỹ phải hợp tác với họ.( FRUS, 1961-1963, IV:111) Bởi thế, ngày 4/9, Lodge xin phép được giải quyết mọi việc với Nhu trước khi gặp Diệm. Rusk đồng ý.( FRUS, 1961-1963, IV:111)

Việc này chưa xong, việc khác đã xảy ra. Ngày Thứ Năm, 5/9, nhân viên ngoại giao Tây Germany trao cho sứ quán Mỹ bài phỏng vấn Lệ Xuân trên báo Der Spiegel. Theo Lệ Xuân, Lodge đang âm mưu loại bỏ hoặc ám sát Lệ Xuân. Tổng thống Diệm quá yếu, cần sự yểm trợ của Lệ Xuân. Những khó khăn hiện nay là do báo chí bịa đặt và sự can thiệp của Mỹ. (Lệ Xuân nhìn nhận với một nhân viên Mỹ là đã viết phần lớn bài phỏng vấn này; FRUS, 1961-1963, IV:Tài liệu 68)

Tối 5/9 [09G42 ngày 6/9 VN], Hilsman cho Lodge một vũ khí áp lực mới: Tiểu ban Viễn Đông của Ủy Ban Ngoại Giao Thượng viện tỏ ý nghi hoặc về khả năng lãnh đạo của Diệm-Nhu, và sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam. Tiểu ủy ban muốn có một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện tại để có thể duy trì viện trợ. Thượng viện Mỹ nghĩ rằng dân chúng Mỹ không muốn yểm trợ một chính phủ đàn áp dân chúng và các tổ chức tôn giáo. Tiếp tục yểm trợ một chế độ như thế đi ngược lại nguyên tắc căn bản dân chủ. Các vấn đề khiến Thượng viện lưu tâm nhất là đường lối nguy hại của Diệm-Nhu, những nguy hiểm Mỹ bị đồng hóa với những chế độ đàn áp dân chúng tại Việt Nam và các nơi khác, những bài tường thuật trên báo chí về việc Nhu móc nối với Cộng Sản, sự thất bại của Mỹ khi không thể thay thế Diệm-Nhu, sự vắng thiếu định hướng của Mỹ.( FRUS, 1961-1963, IV:113) Ngay sau khi được công điện của Hilsman, Lodge trao cho đại sứ Italia và đại diện Vatican đọc, nhờ họ gặp Nhu, bảo thẳng Nhu rằng vợ chồng Nhu phải rời Sài Gòn trong 6 tháng.( Ibid.)

Sáng ngày 6/9, trong khi chờ d’Orlandi và d’Asta chuyển lời của mình, Lodge sai nhân viên CIA vào gặp Nhu. Ông Nhu tuyên bố chẳng dính líu gì đến bài báo trên Times of Vietnam ngày 2/9; và ông Diệm không ưa Trần Văn Khiêm, nên không hề có việc cho Khiêm tái lập Sở Nghiên Cứu (Mật vụ). Đồng thời, Nhu chỉ trích một số nhân viên Mỹ cấp thấp tung tin chống chính phủ. Được hỏi về việc liên lạc với Hà-nội, Nhu nói Đại sứ Italia d'Orlandi và đại diện India tại Ủy Ban Quốc tế Kiểm Soát Đình Chiến, Goburdhun, đã yêu cầu Nhu gặp Maneli. Maneli khuyên Nhu nên lợi dụng những lời tuyên bố của de Gaulle và Hồ Chí Minh để thương thuyết với Hà-nội, và tự nhận đại diện cho Phạm Văn Đồng, đề nghị miền Nam bán gạo và bia cho miền Bắc, đổi lấy than đá. Tuy nhiên, Nhu chối việc thương thuyết với Hà-nội, nói chỉ tiếp xúc Việt Cọng ở miền Nam. Nhu cũng hoàn toàn chống lại trung lập.

Về cuộc khủng hoảng Phật giáo, Nhu cho rằng mình bị biến thành dê tế thần. Từ sau ngày 21/8, Nhu vẫn theo đuổi chính sách hòa hoãn. Nhu cũng tuyên bố không chống Mỹ. Nhân viên CIA không tin lời Nhu, cho rằng Nhu dối trá. (FRUS, 1961-1963, IV, Tài liệu 69)

Tối đó, 6/9, d'Orlandi và d'Asta gặp Nhu, chuyển chỉ thị ngày 5/9 của Hilsman là vợ chồng Nhu phải ra đi. Nhu bị xúc động mãnh liệt, nói muốn thảo luận với Lodge. Hai đại diện của Lodge trả lời rằng không còn gì để “mặc cả.” Nhu chỉ có một lựa chọn: Rời khỏi Việt Nam trong 6 tháng. Tùy Nhu muốn nhận hay chối từ. (FRUS, 1961-1963, IV, Tài liệu 63)

Ông Nhu mất hẳn bình tĩnh, tuyên bố:

Tôi là con ngựa thắng cuộc. Họ phải bắt độ (bet) trên tôi. Tại sao họ muốn chấm dứt tôi? Tôi không muốn chỉ làm cố vấn cho Tổng thống Diệm, mà cho cả Cabot-Lodge. Tôi có thể rời Việt Nam một tháng, nhưng chuyện gì xảy ra cho 100 ấp chiến lược. Tôi đã biết chuyện gì xảy ra trong giới nhà binh. Nếu tôi rời nước, họ sẽ cướp chính quyền. Bọn cóc nhái [grenouillards] của CIA và USIS sẽ phá hoại nỗ lực chiến tranh.

Nhu nói thêm Lệ Xuân sẽ rời nước ngày 9/9 để nghỉ hè ở Âu Châu trong vài ba tháng. Nhu không rời nước, chỉ từ chức, không dính gì đến ấp chiến lược nữa. Một thời gian sau, sẽ xuất ngoại dăm tháng. Khi từ chức Nhu sẽ nói thẳng ra là bị đuổi đi [kicked out]. (Ibid., Tài liệu 72)

Tại Oat-shinh-tân, HĐ/ANQG họp liên tiếp trong ngày 6/9 [chiều và khuya ngày 6/9 tại Việt Nam] về chính sách đối với chế độ Diệm. Ai nấy đều đồng ý vợ chồng Nhu phải ra đi. Kennedy cũng muốn Lodge liên lạc trực tiếp với ông Diệm, không nên quá tin tưởng ở các trung gian. Để có nhiều yếu tố hơn trước khi quyết định số phận chế độ Diệm–tức duy trì ông Diệm hay thay bằng một lãnh đạo mới, như Nguyễn Ngọc Thơ, Dương Văn Minh, v.. v...– Kennedy gửi Tướng Victor Krulak và Joseph Mendenhall qua Việt Nam để nghiên cứu tình hình tại chỗ từ ngày 6 tới 9/9/1963. (FRUS, 1961-1963, IV:117-20)

Chiều đó [8G42 ngày 7/9 tại VN], Rusk chỉ thị Lodge mở lại liên lạc với ông Diệm, yêu cầu giải quyết ngay các vấn đề khẩn thiết như bãi bỏ Thiết quân luật, phóng thích Phật tử và học sinh, sinh viên, bỏ kiểm duyệt báo chí, giải tỏa các chùa chiền, v.. v... Thời gian là yếu tố cực kỳ quan trọng. Rusk cũng yêu cầu Lodge nên cố tránh một cuộc đương đầu hay giao tối hậu thư, mà phải giải thích cho ông Diệm biết nước Mỹ đang hoạch định chính sách mới, trong khi chịu nhiều áp lực của báo chí, dư luận và Quốc Hội. (FRUS, 1961-1963, IV:128-9) Tuy nhiên, Lodge chưa gặp ngay ông Diệm mà có ý chờ ông Nhu thực hiện những gì đã hứa.

Hôm sau, 7/9, do áp lực của Khâm sứ d’Asta và Lodge, Tổng Giám Mục Thục lên đường qua Roma cùng Giám mục Picquet. Có lẽ chẳng vui vẻ gì, ông Thục tuyên bố ở Roma rằng CIA Mỹ bỏ ra 20 triệu Mỹ Kim để âm mưu đảo chính vào ngày 21/9 sắp tới. Thục còn khẳng định các sư không tự thiêu mà bị giết bằng búa. Chẳng hiểu vì những lời tuyên bố này, hay một lý do nào đó, Giáo Hoàng Paul VI hủy bỏ buổi triều kiến dự trù, mà cũng chẳng đề cập gì đến việc thăng cấp Hồng Y. Vì mãi cuối tháng đó Công đồng Vatican II mới tái nhóm, ngày 11/9, ông Thục bay qua New York để vận động cho Lệ Xuân vào Mỹ “giải độc”–đòi hỏi “công lý,” như ông Diệm nói với Lodge; nhưng dưới mắt Cố vấn An Ninh Quốc Gia McGeorge Bundy là một hành động biểu lộ “sự điên rồ tập thể của một gia đình cai trị” [collective madness in a ruling family] chưa hề thấy sau thời các Nga hoàng. (FRUS, 1961-1963, IV:175) Hồng y Spellman không chịu tiếp, nên chính phủ Mỹ phải can thiệp cho Spellman gặp mặt ông Thục.

Bà Lệ Xuân cũng rời Sài Gòn ngày 9/9 như ông Nhu đã hứa, để tham dự Đại hội nghị sĩ quốc tế Yugoslavia và “giải độc.” Lệ Xuân mang theo một đoàn tùy tùng, kể cả con gái là Lệ Thủy và một nữ bí thư. Nhưng ai nấy đều đoán biết tham vọng chính trị của Lệ Xuân bắt đầu đi vào đoạn kết. Những lời nhục mạ Phật giáo cùng cuộc tranh đấu bình quyền tôn giáo, xen kẽ với những lời đả kích cá nhân Kennedy cùng viên chức Mỹ [“pinks”] của “Rồng Cái” trong những tuần lễ kế tiếp chỉ mang lại sự bẽ bàng cá nhân và lòng khinh miệt, giận dữ với họ Ngô. Phật tử trên thế giới và tình báo Mỹ cùng cha mẹ ruột Lệ Xuân sẽ dạy bảo “Rồng Cái” thế nào là mặt trái của quyền lực–tức nỗi cay đắng, bẽ bàng của những con sô cẩu [chó rơm] của Lão tử khi cuộc cúng tế đã qua.

Thời gian này, Mỹ bỗng mất một lá bài chính trị nuôi dưỡng bấy lâu. Tối Thứ Bảy, 7/9, Bộ trưởng Thuần gặp Rufus Phillips (nhân viên cao cấp USOM), tiết lộ ông Nhu đang nắm hết quyền lực trong nước. Thuần muốn từ chức, nhưng không dám vì sợ Nhu giết–ông Nhu nghi rằng Thuần đã bị Mỹ mua.( FRUS, 1961-1963, IV:Tài liệu 76) Hôm sau, khi Trueheart đến thăm, Thuần lập lại những điều đã nói với Phillips và tỏ ý không tin các Tướng dám hành động. [Theo ông Thuần, Trần Thiện Khiêm trung thành với ông Diệm, nhưng có thể đang làm việc với Phạm Ngọc Thảo]. Thuần rất lo ngại cho tính mạng mình vì trên danh sách thủ tiêu của Trần Văn Khiêm có tên Thuần. Trong tổ chức của Khiêm có cả Đại tá Phước, tỉnh trưởng Vĩnh-long. Thuần đặc biệt quan tâm đến việc Đại sứ Italia, d'Orlandi, tuyên bố rằng Thuần sẽ làm Thủ tướng. “Bộ ông ta muốn tôi bị giết sao,” Thuần than thở. Theo Thuần, Nhu đang muốn tiêu diệt Thuần, nói với ông Diệm rằng Thuần là nhân viên của Mỹ; bởi thế Diệm thay đổi thái độ với Thuần. LLĐB đã tung truyền đơn nói Thuần và Bộ trưởng Tư pháp Bùi Văn Lương lĩnh của Mỹ hàng trăm ngàn Mỹ kim. Thuần đã mang truyền đơn này vào than phiền với Diệm. Nhu cũng tung tin đang được Lodge yểm trợ, và sẽ trở thành cố vấn chính trị của Lodge.( FRUS, 1961-1963, IV:Tài liệu 75) Trueheart nghĩ rằng Thuần đã bỏ hết mọi hy vọng, chỉ lo toan cho tính mạng sống và sự an toàn của gia đình. Lá bài Nguyễn Đình Thuần cũng chấm dứt từ đó.

Chính sách “áp lực và thuyết phục” của Mỹ vẫn tiếp tục. Ngày 8/9, David E. Bell, Giám đốc chương trình viện trợ Mỹ, tuyên bố trong một buổi trực tiếp truyền hình rằng Quốc Hội Mỹ sẽ cắt viện trợ nếu Diệm không thay đổi chính sách. Trong khi đó Thượng Nghị sĩ Frank Church và một số người khác chuẩn bị nạp các dự thảo luật đòi cắt viện trợ cho Việt Nam.

c. Phái đoàn McNamara-Taylor:

Ngày 17/9, Kennedy quyết định gửi Bộ trưởng Quốc Phòng McNamara cùng Tướng Taylor, Cố vấn quân sự, qua thăm Việt Nam để tường trình thêm. Bốn ngày sau, Kennedy gặp riêng McNamara để thảo luận, rồi ngày 23/9, Kennedy chính thức ký chỉ thị chi tiết những điểm cần tìm hiểu. Kennedy còn thêm rằng phái đoàn phải gặp Diệm hai lần; đòi hỏi cải tổ; nhưng đừng đe dọa cắt viện trợ vì sẽ không hữu hiệu.( Ibid., IV:280-2) Ngày này, McNamara và Taylor lên đường ngay.

McNamara, tưởng nên lập lại, không muốn thay chế độ Diệm. Taylor cũng vậy. Nhưng chuyến viếng thăm Nam Việt Nam vào hạ tuần tháng 9, đầu tháng 10/1963 của McNamara và Taylor đóng chặt hơn những chiếc đinh trên nắp quan tài Đệ Nhất Cộng Hòa.

Ngày 23/9/1963, như để chào đón phái đoàn McNamara-Taylor báo Times of Vietnam đả kích lời phát biểu đòi cắt giảm viện trợ của Nghị sĩ Church và một số dân biểu khác. Theo báo này khoản tiền viện trợ cần cắt là 1,440,000 Mỹ Kim chi dụng cho các nhân viên CIA và 360,000 phụ chi khác để chuẩn bị đảo chính. (CLV, SV, d. 18)

Chưa có tài liệu nào chứng tỏ McNamara có được đọc bài báo trên hay không, và phản ứng ra sao.

Một trong những người đầu tiên McNamara gặp ở Sài Gòn là học giả “Smith” [P. J. Honey]. Giáo sư Honey nói tiếng Việt thành thạo, từng qua Việt Nam năm 1953 và 1960, lúc ấy là giảng viên Trường Nghiên cứu Đông Phương và Phi Châu ở London. Theo Honey, khi tới Việt Nam vài tuần trước, ông ta nghĩ rằng người Mỹ có thể tìm cách làm việc chung với anh em ông Diệm. Nhưng Honey đã lầm. Vài năm qua, ông Diệm đã già nua và chậm chạp quá mức. Lời chỉ trích chế độ trở thành công khai, từ giới quân đội tới dân sự. Việc ông Diệm đánh phá Phật Giáo làm cho dân chúng sửng sốt. Tất cả những yếu tố trên khiến Honey nghĩ rằng không còn cách nào khiến chế độ cởi mở hay thay đổi quan điểm của ông Diệm. Đã đến lúc nước Mỹ phải quyết định liệu có thể thắng được với chế độ Diệm hay chăng; riêng Honey cảm thấy câu trả lời là không.( Ibid., IV:293-5; In Retrospect, tr. 74) Theo William P. Bundy, người tháp tùng McNamara qua Việt Nam, lời chứng của Honey ảnh hưởng lớn trên McNamara.( Ibid., IV:293n2)

Tại Sài Gòn, ngày Thứ Sáu, 27/9, Richardson nói với McNamara rằng khủng hoảng Phật giáo kết tinh những bất bình ngủ yên bấy lâu. Việc bắt giữ tập thể học sinh, sinh viên (kể cả con em công chức, quân nhân) là điều xấu. Việc lùng bắt trong đêm khiến dân chúng ghét chế độ hơn. Nguyễn Đình Thuần đã hai lần từ chối chức Tổng thư ký Hội đồng chính phủ; dù Diệm nói trên thực tế Thuần sẽ hành xử như Thủ tướng. Vì vậy Thuần đang bị canh chừng–gia đình họ Ngô coi Thuần như người của Mỹ. Thuần thấy không ai có đạo đức giống Diệm, nhưng nếu họ Ngô tiếp tục cầm quyền sẽ dẫn đến “đại họa” [disaster]. Muốn cứu đất nước cần áp lực Diệm cải tổ, với điều kiện tiên quyết Nhu phải ra đi. Nhu khởi xướng cuộc tấn đánh các chùa. Đừng đánh giá bằng quan sát phiến diện, dân chúng đang tức giận. Hồ Tấn Quyền cũng không thể thuyết phục được chính cha mình về giá trị của chính phủ. Dân chúng ghét Lệ Xuân và em Lệ Xuân (Khiêm). Nếu Nhu định lên thay Diệm, chắc chắn sẽ có chiến tranh. Công An, Mật Vụ không những chỉ bắt giữ mà còn bắt cóc dân chúng, ngày cũng như đêm, chẳng khác gì Kadar ở Hungary. Quản nhiệm tờ Tự Do, tờ báo bị nghi thân Mỹ, cũng đã bị bắt. Các Bộ trưởng đều ứ đến cổ, muốn từ chức, nhưng sợ hậu quả. Trong nhà cựu Ngoại trưởng Mẫu có tới 36 nhân viên an ninh khi ông Mẫu sắp rời nước. Thuần có tên trong danh sách bị ám sát của Khiêm [em trai Lệ Xuân]–một tên điên và ẩn ức tình dục. Bộ trưởng Kinh tế, một tín đồ Ki-tô cuồng tín, nói đêm qua mất ngủ vì những lời tuyên bố chống Mỹ của Nhu. Chỉ có CS hưởng lợi. (FRUS, 1961-1963, IV:301-3)

Trong thời gian ở Việt Nam, McNamara cũng được dịp chứng kiến cuộc bầu cử Quốc Hội nhiệm kỳ thứ ba (1963-1967). Một trong những ứng cử viên độc lập là Nguyễn Trân bị loại. Không một ứng cử viên đối lập nào được tranh cử. Cũng may, mãi tới ngày 7/10 mới công bố kết quả, bằng không McNamara sẽ thấy được rõ hơn nền “dân chủ” ở miền Nam: Trong số 123 người mới đắc cử, có 60 dân biểu đương nhiệm (25 người cũ thất cử). 96 người được chính quyền ủng hộ đắc cử: 55 người thuộc Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia (CMQG), 19 phụ nữ mà tất cả đều thuộc Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới (PNLĐ). Phạm Văn Thùng và Trần Sanh Bửu bị hai người Việt gốc Hoa đả bại. Đây là hai Dân biểu gốc Hoa đầu tiên. Theo chính phủ Diệm, 92.82% cử tri đi bầu.( IV: Tài liệu 155) Hai vợ chồng ông Nhu đều đắc cử trên 99 phần trăm dân số tại hai tỉnh mà Cộng Sản đã kiểm soát hầu hết vùng nông thôn.

[27/9: CIA báo cáo rằng anh em họ Ngô không còn biết lý lẽ nữa [no longer “rational.”]( FRUS, 1961-1963, IV:298)

Buổi thảo luận với ông Diệm tại Dinh Gia Long chiều ngày Chủ Nhật, 29/9, có lẽ là thùng nước đá lạnh đổ lên thiện cảm của McNamara và Taylor nói riêng, chính phủ Kennedy nói chung. McNamara cố xen vào những lời độc thoại của ông Diệm về thành quả tốt đẹp của chế độ mình, nói thẳng rằng những biện pháp đàn áp Phật tử gây trở ngại cho nỗ lực chiến tranh. McNamara cũng đề cập đến những lời tuyên bố “vô trách nhiệm” của Lệ Xuân, như gọi quân nhân Mỹ là những tên lính đánh thuê bé nhỏ [little soldiers of fortune]. Ông Diệm, dĩ nhiên, hết sức bào chữa cho Lệ Xuân, cũng như việc bắt giữ sinh viên, học sinh và tấn công các chùa đêm 20 rạng 21/8. Lệ Xuân, theo ông Diệm, đã bị đả kích tàn nhẫn mấy tháng qua và có quyền tự vệ, dù đôi khi quá đáng. Sinh viên học sinh đã bị những tay gây rối xúi dục, sau khi bị bắt đã hối cải đồng thanh ca tụng chế độ. Về việc đàn áp Phật giáo, McNamara “lạnh cóng” khi nghe ông Diệm nói rằng “lỗi lầm” của ông trong vụ Phật giáo là “đã quá tử tế [too kind] với Phật giáo.”( McNamara, In Retrospect, tr. 76) Ông Diệm còn khoe đã giúp đỡ Phật giáo, số chùa tăng gấp đôi dưới chế độ Diệm. Rồi lập lại những gì báo chí thân chính đã viết: các chùa chiền trở thành chốn hành lạc tập thể, bất cứ ai cũng có thể trở thành tăng ni nếu cạo đầu và mặc áo màu vàng; một trong ba nhà sư tị nạn tại USOM là cựu cảnh sát viên đã bị cách chức vì thiếu khả năng, sống lang thang cho tới hai ba tháng trước rồi tự xưng là tăng và xin tị nạn. (FRUS, 1961-1963, IV:Tài liệu 158; Gravel, II:216). McNamara hiểu rằng ông Diệm không chịu nhân nhượng điều gì, và hình như nghĩ rằng cứ giải thích với người khác về những vấn đề tại Việt Nam là mọi chuyện được giải quyết.( McNamara, In Retrospect, tr. 75-7; FRUS, 1961-1963, IV:321)

[Sau khi đổ vào miền Nam hơn 2 tỉ Mỹ kim suốt 9 năm dài để duy trì chế độ họ Ngô, các quan chức Mỹ đang đối diện chứng nhức đầu quen thuộc của Toàn quyền Pierre Pasquier ba chục năm trước: Anh em họ Ngô tìm mọi cách bảo vệ quyền lợi của gia đình mình bằng mọi giá, bất kể thủ đoạn. (Xem Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, Tập III)].

McNamara và Taylor cũng tìm cách gặp nhóm Tướng Minh. Từ ngày 26/9, Trần Thiện Khiêm đã gặp nhân viên CIA để duy trì đường dây liên lạc. Theo Khiêm, cuộc tiếp xúc này do lệnh của “Big” Minh. Khiêm nói thêm rằng cũng biết phe dân sự đang âm mưu đảo chính, và Diệm đã cử Trần Kim Tuyến làm đại diện ở Cộng Hòa Á Rập. (FRUS, 1961-1963, IV:Tài liệu 149.( IV:291-292)

Buổi tối ngày 29/9, Taylor và McNamara “tình cờ” gặp Tướng Minh tại sân quần vợt Câu Lạc Bộ Sĩ Quan, và muốn gợi chuyện vào lúc nghỉ giữa hiệp. Big Minh chỉ trao đổi những câu xã giao, và hẹn gặp Taylor bất cứ lúc nào tại văn phòng.( Swords and Plowshares, tr. 297-8) Tuy nhiên, mãi tới ngày 1/10, Taylor mới mượn cơ hội đến chào từ biệt để nghe Big Minh tâm sự rằng “quê hương đang bị xiềng xích và chẳng có cách nào tháo ra.”( FRUS, 1961-1963, IV:326-7)

Theo đúng lịch trình, McNamara và Taylor gặp ông Diệm lần thứ hai trước buổi dạ tiệc tại Dinh Gia Long.( Swords and Plowshares, tr. 298) Nhưng thái độ ông Diệm đã rõ: McNamara chẳng thể khuyên bảo được điều gì.

Ngày Thứ Hai 30/9, McNamara và Taylor gặp Phó Tổng Thống Thơ. Ông Thơ nhận định rằng nỗ lực Mỹ ở Việt Nam cần có 3 đặc tính: mau chóng, hữu hiệu, và thông minh. Mỹ mới có hai đặc tính đầu, còn thiếu đặc tính thứ ba–chưa dùng sức mạnh một cách thông minh. Thể chế cảnh sát trị ở miền Nam tạo nên nhiều bất mãn. Tình trạng bất mãn không chỉ ở thành thị mà lan tràn ở vùng thôn quê. Chỉ có từ 20 tới 30 ấp chiến lược được an toàn. Không thể thuyết phục mà cũng không nên cắt viện trợ. Nếu đưa quân Mỹ vào VN để làm đảo chính thì quá “khờ dại.” Vấn đề này có thể tìm hỏi Vũ Văn Mẫu. (FRUS, 1961-1963, IV:321-3; Gravel, II:249) (Ý kiến của ông Thơ, người được Mỹ trù tính đưa lên thay ông Diệm nếu có đảo chính, rất có ảnh hưởng với McNamara. Nhưng McNamara không nhắc gì đến cuộc gặp ông Thơ trong hồi ký In Retrospect, mà chỉ mượn tỉ lệ ước lượng 50-50 chiến thắng Cộng Sản của Honey khi bàn về việc giữ ông Diệm; tr. 78)

Ngày 30/9 này, McNamara còn gặp Khâm sứ Vatican d’Asta, gốc Sicilian, người hiểu biết rõ về gia đình họ Ngô. Theo d’Asta, công an-mật vụ tra tấn nạn nhân. Hiện nay ông Diệm và Giáo hội xa cách nhau dần. Giới trí thức nghĩ rằng ông Diệm vẫn còn chỗ dụng, nhưng gia đình Diệm phải ra đi. Nhiều người nghiêng về phía trung lập hay ngả theo VC. Nếu ông Nhu nắm trọn quyền, việc đầu tiên sẽ là yêu cầu Mỹ triệt thoái, rồi thương thuyết với Cộng Sản, vì Nhu nghĩ rằng mình sẽ trở thành lãnh tụ của cả Việt Nam. D’Asta đề nghị phải thay Nhu ngay. Vẫn theo d’ờAsta, không một giáo sĩ nào dám trái ý Tổng Giám Mục Thục. Thục đã khiến họ sợ hãi. Không thể lý luận với Nhu, Lệ Xuân, hay Thục. Điều duy nhất phải làm là ép Nhu ra đi. Dân chúng không hiểu thái độ người Mỹ ra sao. Chính phủ Mỹ không có một chính sách rõ ràng nào. (FRUS, 1961-1963, IV:tài liệu 160; In Retrospect, tr. 74-5)

Cũng trong ngày Thứ Hai, 30/9, William H. Sullivan, cố vấn Liên Hiệp Quốc của Bộ Ngoại Giao, báo cáo về những cuộc tiếp xúc với XLTV Đại sứ Pháp, Trưởng đoàn Canada trong UBQTKSĐC về vấn đề liên hệ Bắc-Nam. Họ nghĩ rằng việc Ngô Đình Nhu móc nối với Hà Nội chỉ là tin đồn, tuy nhiên chẳng phải không thể xảy ra. Miền Bắc đang gặp khó khăn kinh tế, muốn hiệp thương. Ngoài ra họ muốn trục xuất Mỹ để giảm bớt ảnh hưởng và áp lực của Trung Cộng. Ông Nhu có hai lý do để bắt tay miền Bắc: Nhu tin đủ khả năng đả bại VC, và muốn đuổi người Mỹ. Nhu đã thảo luận với Đại sứ Lalouette vấn đề này, hy vọng sẽ thương thuyết vào cuối năm. Tuy nhiên, ông Nhu lại tiết lộ với ký giả Joseph Alsop, bởi thế người Pháp không còn tin Nhu nữa.( FRUS, 1961-1963, IV:tài liệu 161)

Ngày 1/10, như đã lược nhắc, Taylor đến chào từ biệt Big Minh. Theo ông Minh, cuộc chiến gặp nhiều khó khăn. Minh ngại rằng chiến thắng cuối cùng chưa có dấu hiệu gì. Vấn đề Phật giáo, đây là cuộc tranh chấp giữa Phật giáo và Ki-tô. Các viên chức tỉnh đã nhường cho Ki-tô giáo nhiều đặc ân. Những cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh phản ảnh sự bất bình của cha mẹ. Có thể Cộng Sản đã phần nào xúi dục, nhưng căn bản là sự bất công thấm nhập mọi giai tầng xã hội. Ông Minh cảm thấy quê hương bị xiềng xích khó nỗi cựa quậy. Taylor đề nghị ông Minh có thể liên lạc với mình qua Harkins bất cứ lúc nào.( FRUS, 1961-1963, IV:326-327)

Ngày 2/10, McNamara và Taylor vắn tắt thuyết trình với Kennedy về chuyến tham quan Việt Nam. Hai người đề nghị phải áp lực Diệm thay đổi. Quân lực VNCH phải hoạt động mạnh hơn ở vùng IV để củng cố các ấp chiến lược. Đồng thời, tuyên bố sẽ rút 1,000 quân vào cuối năm. Về chính trị, ép Diệm phải cải cách, và sẽ dùng cách ngưng viện trợ vài ba chương trình làm áp lực. Không đồng ý đảo chính, nhưng đề nghị nên tìm một lãnh đạo mới. (Gravel, II:216; US-Vietnam Relations, 1945-1967, Bk 12, tr. 554-73; FRUS, 1961-1963, IV:336-46 [tài liệu 167])

Chiều đó, HĐ/ANQG họp bàn về báo cáo McNamara-Taylor. Kennedy chấp thuận tất cả đề nghị của McNamara và Taylor, nhất là việc triệt thoái 1,000 quân vào cuối năm 1963. Tuy nhiên, thời hạn rút quân không được công bố. Bạch Cung ra thông cáo về chuyến qua Việt Nam của McNamara và Taylor như sau: Tình hình quân sự có tiến triển, có thế rút 1,000 quân. Tình hình chính trị nghiêm trọng. Mỹ tiếp tục chống lại những hành động đàn áp tại miền Nam. Nhưng chính sách của Mỹ vẫn là giúp dân chúng tại đây đả bại xâm lăng và xây dựng một xã hội hoà bình, tự do. (Gravel, II:188; FRUS, 1961-1963, IV:Tài liệu 167, 169, 170 (Record of Action No. 2472, 2/10/1963); McNamara, In Retrospect, tr. 79-80) [Sau này là NSAM 263 ngày 11/10/1963; US-Vietnam Relations, Bk 12, tr. 578]

[Thứ Sáu, 4/10/1963, Đại sứ Pháp tường trình về báo cáo McNamara-Taylor: Mỹ đang đối diện sự nguy hiểm là, theo Sullivan, Ngô Đình Nhu sẽ chờ cơ hội mà Mỹ sẽ đặt ở Nam Việt Nam một guồng máy quân sự đủ mạnh và ông ta đủ quyền lực để đề nghị với Bắc Việt một cuộc ngưng bắn mà điều kiện sẽ là sự triệt thoái quân Mỹ. (CĐ số 5614-18, 4/10/1963; CLV, SV, d. 18)]

d. Đèn xanh:

Tại Sài Gòn, ngày 2/10, Trung tá “Lulu” Conein lại “vô tình” gặp mặt Đôn ở Tân Sơn Nhất. Hai người hẹn gặp nhau ở Nha Trang. Tối đó, Đôn cho Conein biết Big Minh muốn gặp Conein, và dàn xếp để hai người gặp nhau tại Bộ Tổng Tham Mưu Mưu ngày Thứ Bảy, 5/10, dưới danh nghĩa bàn về kế họach dời doanh trại LLĐB. Đôn cũng tiết lộ các Tướng đang chuẩn bị đưa đề nghị cho Ngô Đình Diệm đưa quân nhân vào chính phủ. Tôn Thất Đính cũng đã ngả theo phe đảo chính.( FRUS, 1961-1963, IV:354-355)

Đúng ngày 5/10–sau khi một tăng sĩ tự thiêu tại khu chợ Bến Thành–Conein đến gặp Big Minh trong trại Lê Văn Duyệt hơn một tiếng đồng hồ. “Big” Minh khẳng định không có tham vọng chính trị cá nhân, nhưng cảm thấy phải lật đổ Diệm bằng không miền Nam sẽ bại trận. Rồi đưa ra 3 giải pháp: (1) Duy trì Diệm, nhưng giết Nhu và Cẩn; (2) Bao vây Sài Gòn bằng một số đơn vị, kể cả Sư đoàn 5; hoặc, (3) Dùng vũ lực tấn công 5,500 quân trung thành, rồi chiếm Sài Gòn.( VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 364) Tướng Minh cũng nhấn mạnh không cần Mỹ yểm trợ, chỉ cần Mỹ không cản trở. Theo ông Minh, ba nhân vật nguy hiểm nhất là hai anh em Nhu-Cẩn, và Ngô Trọng Hiếu. Bộ trưởng Công dân vụ Hiếu là một cán bộ CS, và vẫn còn liên lạc với CS. Ông Minh muốn ám sát 3 người này. Vì đã được lệnh của Lodge là không hứa hẹn gì, Conein chỉ nói sẽ báo cáo lên thượng cấp.( Gravel, II:767-8; FRUS, 1961-1963, IV:365-7, 367-8) Tuy nhiên, cả Lodge và Colby, Chánh Sở CIA Đông Nam á, không chấp thuận.

Đại sứ Lodge không mấy tin tưởng vì các Tướng đã một lần bỏ dở kế hoạch đảo chính ngày 1/9, nhưng vẫn “ngoảnh mặt làm ngơ” cho các Tướng Minh, Kim, Khiêm và Đôn ra tay. Lodge đề nghị với Oat-shinh-tân là nếu các Tướng tiếp xúc Conein trở lại, Conein sẽ được phép tuyên bố rằng chính phủ Mỹ không có ý định ngăn cản đảo chính, sẵn sàng nghiên cứu kế hoạch hành động, và sẽ tiếp tục ủng hộ chế độ mới. Đồng thời, Lodge xin giao trả Trưởng lưới CIA Sài Gòn là Richardson, người bị các Tướng nghi ngờ là thân anh em ông Diệm-Nhu. Theo William Colby, Lodge nghi Richardson, và muốn cảnh cáo Diệm-Nhu, vì Nhu có giao tình chặt chẽ với Richardson. (Colby 1989, tr. 148-9) Hilsman cho rằng đây là một hành động cảnh cáo anh em ông Diệm-Nhu, không do thù hằn cá nhân.

Ngày Thứ Bảy, 5/10, Kennedy đồng ý đề nghị giảm viện trợ cho chính phủ Diệm. Cắt bỏ tiền trợ cấp nhập cảng hàng hoá, và nhất là tiền duy trì Lực Lượng Đặc Biệt của Lê Quang Tung, cánh tay bạo lực của ông Nhu. Kennedy cho lệnh Lodge không được năng động khuyến khích đảo chính, mà chỉ giữ liên hệ bí mật để kiểm soát và sẵn sàng [nếu cần]. Cố vấn ANQG Bundy bèn gửi công điện (CAP 63560) cho Lodge, chỉ thị rõ ràng là không được tự ý khuyến khích đảo chính, nhưng được quyền giữ liên lạc với những người có khả năng thay thế lãnh đạo hiện nay. Nỗ lực này phải hoàn toàn được bảo mật, có thể chối bỏ được và tách biệt hẳn với những phân tích chính trị thông thường của Tòa Đại sứ. Đại sứ sẽ ra khẩu lệnh cho XLTV Trưởng sở CIA và giao cho viên chức này toàn quyền tiếp xúc. Mọi báo cáo về Oat-shinh-tân tuyệt đối phải qua hệ thống CIA. (Bundy gửi Lodge, 5/10/1963; US-Vietnam Relations, 1945-1967, Bk 12, tr. 574; FRUS, 1961-1963, IV:379)

Thứ Hai, 7/10, tân Quốc Hội Việt Nam nhóm họp. Diệm đọc diễn văn khai mạc, không nhắc gì đến biến cố đang xảy ra, chỉ nhắc đến thành công trong dĩ vãng. Khen ngợi kết quả việc làm của Lệ Xuân tại Hội nghị Yugoslavia.

Nhưng những đột biến khiến bang giao Mỹ-Việt thêm căng thẳng. Lodge báo cáo về Oat-shinh-tân rằng Ngô Đình Nhu, trong bài phỏng vấn trên tờ Espresso của Italia, sẽ xuất bản ngày 10/10, tuyên bố miền Nam có thể sống còn dù có Mỹ yểm trợ hay không. Nhu chỉ cần các đơn vị trực thăng và tiền, không muốn binh sĩ Mỹ vì lính Mỹ không có khả năng đánh chiến tranh du kích. Ngay LLĐB do Kennedy thành lập cũng chẳng có giá trị gì. Nhu muốn Mỹ đối xử với Việt Nam như Yugoslavia, viện trợ tiền nhưng không can thiệp vào nội bộ. Diệm và Nhu chống lại việc đưa quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam kể cả trong giai đoạn nghiêm trọng nhất trong mùa Đông 1961-1962. Cuộc chiến không thể thắng được với người Mỹ, vì người Mỹ cản trở sự chuyển biến cách mạng của xã hội, một điều kiện tiên quyết của chiến thắng. “Nếu người Mỹ cắt viện trợ, chưa hẳn đã là điều xấu.” [If the Americans interrupt their help, it may not be a bad thing after all].”( CĐ 652, ngày 7/10/63, Lodge gửi McNamara; FRUS, 1961-1963, IV:386) Nếu cha vợ Nhu là Chương về Sài Gòn, Nhu nói, “Tôi sẽ cắt đầu y. Tôi sẽ treo cổ y giữa công viên và để xác y lủng lẳng ở đó. Vợ tôi sẽ thắt nút giây vì bà ta tự hào là người Việt Nam, và bà ta là một người yêu nước tốt [He said that if his father-in-law, former Ambassador Chuong, were to “come to Saigon, I will have his head cut off. I will hang him in the center of a square and let him dangle there. My wife will make the knot on the rope because she is proud of being a Vietnamese and she is a good patriot].” (Ibid., IV:386) Ít ngày qua, Ngô Trọng Hiếu cũng tuyên bố “Chúng tôi không cần người Mỹ, trên cả phương diện kinh tế.” [We don’t need the Americans anymore even in the economic field, as we can confront our economic problems with our own resources].( Ibid.)

Phân tích diễn văn của Diệm, Lodge nghĩ rằng không thể loại bỏ vợ chồng Nhu một cách êm ả. Lodge cũng sợ rằng Diệm và Nhu không có cùng một mục tiêu như người Mỹ. Nhu có thể yêu cầu Mỹ triệt thoái. [I also conclude that we cannot assume that Diem and Nhu have the same aims as we. Clearly Nhu wants our help without our presence which, in his viw, we use as an excuse for interfering in their internal system of government. Get us out, he argues, and he can be as free to do as he wants as Tito right now].”( Ibid) Nếu vậy, sẽ có đảo chính.

Ngày 7/10 này, nhân viên CIA lại gặp Minh để hỏi thêm chi tiết về việc đảo chính.( IV:395n5) Hai ngày sau, Chủ Nhật 9/10, chính phủ Mỹ đồng ý không ngăn cản đảo chính, nếu chế độ mới hữu hiệu hơn trong nỗ lực chiến tranh. Nhưng Big Minh cần có kế hoạch chi tiết chứng tỏ có nhiều cơ hội thành công.( CĐ CAP 74228; FRUS, 1961-1963, IV:393. Pentagon Papers, Gravel Edition đề nhầm là ngày 6/10, vol II, tr. 769).

Tại Sài Gòn, từ đêm 7/10, Công An, Mật vụ lại xục xạo bắt giữ 130 sinh viên, học sinh. Một số người chỉ mới được phóng thích trước đó ít ngày, sau khi chế độ bỏ Thiết quân luật (16/9/1963). Trong số những người đối lập bị bắt có Đàm Sĩ Hiến, Phó Tổng Liên đoàn Lao Công; Đại úy Đinh Thạch Bích, tùy viên của Thiếu tướng Văn Thành Cao; anh [em?] của Trung tá Bùi Kiện Tín, y sĩ riêng của Diệm.

Không khí Sài Gòn thêm trì trọng. Theo tình báo Mỹ, ba phụ nữ cũng bị bắt cóc từ một nhà thờ. Dù ba thiếu phụ trên không bị tra tấn, tại các nhà tù Mật vụ của Nhu tra tấn các nghi can bằng cách đánh đập hay dí điện vào bộ phận sinh dục.( Báo cáo ngày 9/10, Lodge gửi Rusk; FRUS, 1961-1963, IV:392) Lại có tin Nhu dự định tổ chức học sinh biểu tình trước tòa Đại sứ và sử dụng 100 nhân viên tấn công Tòa Đại sứ ám sát Lodge, nhân viên sứ quán, và đốt Tòa Đại sứ. Theo tin này, Nhu sợ rằng không “nắm” được Lodge, muốn loại bỏ Lodge. Hôm sau, Lodge điện về Oat-shinh-tân, nói từ ngày nhận nhiệm sở, cứ khoảng 10 ngày là lại có tin sẽ bị ám sát. Nếu Lodge bị ám sát, chắc chắn do bàn tay của anh em ông Diệm-Nhu, và yêu cầu phải lật đổ ngay chính phủ Diệm.( CĐ ngày 10/10/1963, Lodge gửi BNG; FRUS, 1961-1963, IV:394-5, 395n3) Tại Oat-shinh-tân, khoảng 11G10 ngày 10/10, khi điện thoại cho Harriman, McCone cho rằng phản ứng của Lodge có vẻ “hysterical” [hoảng hốt quá mức].

Ngày 10/10, Conein trở lại trại Lê Văn Duyệt gặp ông Minh, thông báo chính phủ Mỹ sẽ tạm ngưng trợ cấp vài chương trình kinh tế, và cắt viện trợ cho Lực Lượng Đặc Biệt của Lê Quang Tung, nếu lực lượng này chưa đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ Tổng Tham Mưu. Tuy nhiên, Conein nhấn mạnh Mỹ không khuyến khích mà cũng không bẻ gãy đảo chính.

Một tuần sau, 17/10, Tướng Richard G. Stilwell, Trưởng Khối Hành Quân (J-3) của MACV, thông báo với Nguyễn Đình Thuần việc cắt viện trợ cho LLĐB. Hai ngày sau nữa, 19/10, Harkins viết thư cho Diệm, thông báo ngân khoản duy trì LLĐB bị cắt. Ngày Thứ Hai, 21/10, Stilwell báo cho Lê Quang Tung biết phải nhận lệnh từ Bộ TTM; bằng không sẽ không trả lương. Tung giận dữ đòi giải tán các đơn vị Biệt kích Dân sự, nhưng Stilwell cho biết đó là chính sách của chính phủ Mỹ. Tung đành tuân hành.

Ngày 19/10 này, Lodge báo cáo về Oat-shinh-tân rằng chế độ Diệm vẫn chưa chịu nhượng bộ trước áp lực kinh tế và LLĐB. Đại học Huế đã được mở cửa trở lại, nhưng chỉ có khoảng 60-70% sinh viên đến lớp. Đại học Sài Gòn vẫn đóng cửa. Về vấn đề Phật Giáo, anh em Diệm-Nhu coi như đã giải quyết xong; phóng thích khoảng hơn 100 Phật tử ở Huế, nhưng vẫn giam những tăng sĩ lãnh đạo. Các chùa đã giải tỏa, nhưng Phật tử không dám đến dự lễ. Không có dấu hiệu nào chế độ sẽ nhanh chóng rút lại Nghị Định số 10. Lùng bắt ban đêm vẫn tiếp tục. Nhân viên Tòa Đại sứ tiếp tục bị gây khó khăn hay bắt giữ. Chế độ vẫn mở chiến dịch tuyên truyền chống Mỹ.( FRUS, 1961-1963, IV:409-13)

Những biện pháp tuyên bố sẽ rút quân, ngưng viện trợ kinh tế và tạm ngưng trả lương LLĐB cho tới khi đặt dưới quyền điều động của Bộ Tổng Tham Mưu của Mỹ khiến nhóm Tướng Minh hiểu rằng quả thực người Mỹ không cản trở đảo chính. Họ liền bắt tay vào việc. Số người xin tham gia cũng ngày một đông, kể cả Tướng Đính.

Tuy nhiên, vì sống đã quá lâu dưới sự kềm tỏa của an ninh, mật vụ, các Tướng không hoàn toàn tin tưởng ở nhau. Kim và Đôn không tin Khiêm. Đính cũng luôn luôn bị nghi ngờ. Các Tướng đảo chính đã gài người quanh Đính, và được mật lệnh giết Đính ngay nếu có ý khác. Hai người duy nhất không được móc nối là Tướng Huỳnh Văn Cao và Đại tá Hồ Tấn Quyền, Tư lệnh Hải Quân.

Ngày 20/10, vì một lý do nào đó Trung tá Nguyễn Khương bỗng tiết lộ với một sĩ quan Mỹ là đang âm mưu đảo chính. Nhóm này gồm 4 tướng và ít nhất 6 cấp tá tham dự. Trong số các tướng có Dương Văn Minh, Lê Văn Nghiêm và Lê Văn Kim, cùng Đại tá Nguyễn Văn Thiệu, Phạm Văn Đổng và Khương.( FRUS, 1961-1963, IV:419-20) Tiết lộ bất ngờ này khiến Tướng Harkins cực kỳ giận dữ. Harkins vốn chủ trương ủng hộ ông Diệm, nên ngày 22/10 nhân dịp cùng tham dự một dạ tiệc ở Tòa Đại sứ Bri-tên, Harkins khuyên André Đôn nên chú tâm vào hành quân diệt Cộng hơn đảo chính.( Our Endless War, tr. 98)

Nguyên nhóm Tướng Minh dự trù sẽ ra tay trong tuần lễ Quốc Khánh (26/10/1963), khi các đơn vị về thủ đô dự lễ diễn hành. Vì Lodge dấu không cho Harkins biết chi tiết, nên mới xảy ra việc Harkins cảnh cáo Đôn ngày 22/10. Hôm sau, 23/10, cũng tại một dạ tiệc của Tòa Đại sứ Bri-tên, André Đôn báo cho Conein biết phải tạm đình hoãn kế hoạch ra tay, và yêu cầu Mỹ minh xác lập trường.( Ibid., tr. 98; CĐ số 1896, ngày 23/10/1963; JFKL, National Security Files, Vietnam Country, Series CIA Reports) Ngay trong ngày này, Lodge giải thích cho Harkins biết về lệnh bí mật từ Kennedy là không ngăn chặn đảo chính. Harkins bèn gặp Đôn, xin lỗi, nhưng khẳng định các cố vấn sẽ không dính líu gì đến đảo chính.( FRUS, 1961-1963, IV:Tài liệu 213, 214) Ngày 24/10, khi gặp lại Conein, Ầôn nói đã gặp Harkins, nhưng vì Nhu đã có chuẩn bị, nên chỉ ra tay trước ngày 2/11. Tối đó, Đôn lại nói với Conein là các Tướng đảo chính chỉ chịu cho một mình Lodge coi kế hoạch chi tiết 48 giờ trước khi khởi sự.

Tại Oat-shinh-tân, biến cố Trung tá Khương khiến Cố vấn ANQG Bundy không an tâm. Ngày 24/10, Bundy gửi điện văn cho Lodge và Harkins, bày tỏ nỗi lo ngại rằng Nhu đang dùng Đôn để gài bãy Mỹ, và yêu cầu thay Conein bằng một trung gian khác.( FRUS, 1961-1963, IV:Tài liệu 211) Nhưng Lodge yêu cầu Bundy cho tiến hành đảo chính. Vấn đề thay Conein khó khăn vì Conein đã quen Đôn từ 18 năm qua, và Đôn chỉ tin tưởng Conein. Phần Lodge, để tránh rắc rối, từ chối gặp Đôn. Lodge tin rằng không sợ Nhu gài bẫy, vì liên lạc giữa Conein và Đôn chưa đủ khẳng định sự dính líu của Mỹ vào âm mưu đảo chính. Lodge sẽ giữ thái độ không ngăn cản cuộc đảo chính, nhưng biết rõ mọi chi tiết diễn biến. Theo Lodge, đảo chính là phương tiện duy nhất để dân VN thay chính quyền. Lời hứa sẽ theo đuổi một chính sách không kỳ thị tôn giáo của Đôn đáng khen ngợi, và ý muốn không biến Nam Việt Nam thành một “chư hầu” (vassal) của nước Mỹ cũng rất đáng ủng hộ. Dù thể chế dân chủ còn qúa mới mẻ với Việt Nam, các Tướng đã đi quá xa trong việc chuẩn bị. Theo Lodge ví thử chính phủ mới có vấp ngã vì thiếu kinh nghiệm vẫn còn hơn chế độ hiện tại.( FRUS, 1961-1963, IV, tài liệu 216; In Retrospect, tr. 80)

Ngày 25/10, Cố vấn ANQG Bundy vẫn còn ngần ngại về việc uy tín Mỹ nếu đảo chính thất bại, nhưng tái khẳng định mối quan tâm nhất của Mỹ là không muốn bị cáo buộc là liên hệ đến đảo chính.( Ibid., IV, tài liệu 217)

Ngày 28/10, Tướng Đôn nói với Conein là hôm sau, 29/10, sẽ ra Quân Khu I và II để liên lạc Đỗ Cao Trí và Nguyễn Khánh, qua hình thức gắn huy chương. Tôn Thất Đính, theo Đôn, không hề tham dự vào đảo chính. Đính đang bị Nhu nghi ngờ vì những cuộc cãi vã trong thời gian làm Tổng trấn Sài-gòn. Hiện Đính bị bao vây bởi những người muốn đảo chính, và họ được lệnh hạ sát Đính nếu Đính có lòng dạ khác. Về các đơn vị tham dự đảo chính, Đôn nói không phụ trách việc này. Lê Văn Kim lo mọi kế hoạch chính trị, trong khi kế hoạch quân sự nằm trong tay những người khác. (Lodge nghĩ rằng có thể trong tay Dương Văn Minh. Thực ra, Trần Thiện Khiêm lo liệu)

Chiều ngày Thứ Ba, 29/10 [sáng ngày 30/10/1963 VN], trong phiên họp đặc biệt tại Bạch Cung về Việt Nam, Kennedy vẫn chưa tán thành đảo chính; nhưng cho Lodge toàn quyền quyết định. Kennedy còn cho lệnh Lodge về Oat-shinh-tân tham khảo.( FRUS, 1961-1963, IV, tài liệu 234, 235)

Dĩ nhiên, anh em ông Diệm cũng đoán biết các Tướng đang âm mưu đảo chính. Việc ngưng viện trợ kinh tế và áp lực phải đặt LLĐB dưới quyền Bộ Tổng Tham Mưu là những dấu hiệu quá rõ ràng. Nhưng anh em ông Diệm hầu như bất lực. Việc hủy bỏ Thiết quân luật ngày 16/9 chẳng giúp chế độ tăng thêm uy tín. Chính sách đàn áp tôn giáo ngày một bị chỉ trích bởi ngay cá nhân Kennedy. Liên Hiệp Quốc đã cử một phái đoàn qua điều tra. Người bạn Đồng Minh Pháp tưởng chừng đáng tin cậy trong ảo vọng hiệp thương, thống nhất, trung lập ngày một lạnh nhạt, nếu không phải bất lực (hoặc không muốn giúp). Những người thân thuộc xa lánh dần hay bị gạt bỏ. Những Trần Kim Tuyến, Võ Văn Hải, Nguyễn Đình Thuần, v.. v... bị đưa ra ngoại quốc hay rình mò chặt chẽ. Ngay đến cháu rể ông Diệm-Nhu là Trần Trung Dung cũng ngừng ủng hộ chế độ. Khi được nhân viên CIA tiếp xúc ngày 25/10, ông Dung thú nhận biết rõ về các Tướng mưu đảo chính do Big Minh, Đôn và Kim cầm đầu. Nhưng theo ông Dung, mặc dù chế độ cần thay đổi, các Tướng không đủ khả năng cai trị. Ngoại trừ Big Minh, Kim và Phạm Xuân Chiểu, các Tướng “chẳng là gì khác hơn những Trung sĩ do Pháp huấn luyện trong binh phục Tướng lãnh.” Ông Dung đề nghị Nguyễn Ngọc Thơ làm Tổng thống, Phan Huy Quát, Thủ tướng. Bộ trưởng có thể mời Trần Văn Lý (Nội vụ), Phan Quang Đán, Trần Văn Tuyên, Phan Khắc Sửu. Trong số những người lưu vong nên mời Nguyễn Ngọc Bích (Kỹ sư, người Nam), Nguyễn Hữu Châu, Nguyễn Tôn Hoàn. Hai nhân vật khác, Hoàng Cơ Thụy và Phan Huy Cơ, là “những kẻ vô dụng.” Ông Dung cũng công khai đả kích chế độ Diệm và Lệ Xuân. (FRUS, 1961-1963, IV, tài liệu 229)

Người duy nhất lên tiếng bảo vệ ông Nhu là Bửu Hội. Ngày 2/10, khi được Ngoại trưởng Rusk tiếp kiến, Bửu Hội ra sức bênh vực Nhu. Theo Bửu Hội, Nhu tối thiết cho chính phủ, còn Lệ Xuân có thể loại bỏ, và Giáo hoàng sẽ thay Tổng Giám Mục Thục.

Ngay đến Cao Văn Viên, Liên đoàn trưởng Nhảy Dù, cũng tâm sự với cố vấn Mỹ là Nhu phải ra đi. Vũ khí duy nhất còn lại của anh em ông Diệm-Nhu chỉ còn tờ Times of Vietnam, các cơ quan mật vụ và một số đơn vị của Lữ Đoàn Phòng vệ Tổng thống phủ.

Tại Sài Gòn, ngày Thứ Bảy 19/10, Times of Vietnam đăng bài phỏng vấn Ngô Đình Nhu thực hiện hai ngày trước, Thứ Năm, 17/10. Theo Nhu, dân chúng Việt Nam đã mất tin tưởng ở chính phủ Mỹ. Một số tăng sĩ bị bắt khai rằng “nửa tá” nhân viên tình báo Mỹ và những người làm việc cho các cơ quan dân sự Mỹ đã xúi họ nổi dạy và làm đảo chính. Nhu không rõ các nhân viên CIA trên có nhận lệnh thượng cấp hay chăng, nhưng trước ngày cuộc tranh đấu Phật giáo bùng nổ, Nhu làm việc chặt chẽ với cơ quan CIA trong các kế hoạch như ấp chiến lược. Nhu cho rằng Mỹ muốn biến Nhu thành dê tế thần trong vụ Phật giáo này. Mỹ không thể cắt viện trợ đột ngột như hiện nay, mà nên theo giai đoạn, vì Việt Nam không dự định nhận viện trợ mãi mãi. Vì viện trợ bị cắt, Nhu phải làm giống những gì Cộng Sản đã làm. Nhu muốn chương trình viện trợ cho Việt Nam sẽ giống như kế hoạch lend-lease (ứng trước, trả lại tiền sau) để bảo vệ tư cách và khuyến khích ý thức trách nhiệm về việc trả nợ. Về Ủy Ban Điều Tra LHQ, Nhu nói không muốn giặt chăn bẩn trước dư luận về việc CIA xúi dục Phật Giáo chống chính phủ, trừ trường hợp chính phủ Mỹ muốn “giết chúng tôi” qua Ủy Ban này.( Ibid., IV:415-8)

Dĩ nhiên, còn hai phát ngôn viên lưu động khác ở Roma và Mỹ. Nhưng uy tín Thục đã xuống bùn đen. Lệ Xuân thì trở thành một mục tiêu châm biếm và khiêu khích của báo chí Mỹ. Ngày 7/10, Lệ Xuân đã tới Mỹ “giải độc”–đúng hơn là trải độc thêm vào dư luận Mỹ. Chanh chua lập lại lời miệt thị những vụ tự thiêu là “nướng thịt sư,” và đề nghị sẽ biếu không xăng cùng hộp quẹt nếu các phóng viên muốn bắt chước họ tự thiêu.( Colby 1989, tr. 149) Chống đối, sỉ nhục, riễu cợt xảy ra bất cứ nơi nào. Cựu Đại sứ Trần Văn Chương, dù từng bị ông Nhu đe dọa sẽ treo cổ ở bùng binh Sài Gòn, nhưng đang nuôi tham vọng nắm được chức Thủ tướng và muốn loại bỏ nhà Ngô, theo sát chân con gái để đả kích đứa con “lăng loàn.”

Mỗi ngày, báo chí Mỹ đều có bản tin về Lệ Xuân. Hầu như hết đề tài, Lệ Xuân bắt đầu đả kích cả những cố vấn của Kennedy là “pinks.” Ngày 21/10, Lodge phải đề nghị tiếp tục ngưng viện trợ nhập cảng cho tới khi chuyến “giải độc” của Lệ Xuân chấm dứt.

Điều gây nhiều nghi vấn nhất là mưu toan làm đảo chính của Albert Phạm Ngọc Thảo, nhân vật thân tín của chế độ. Mặc dù tin tình báo về việc nhóm ông Thảo/Lang dự định đảo chính vào ngày 24/10 không đúng sự thực, hoặc bị hoãn bỏ nửa chừng, nó khiến cơ quan tình báo Mỹ cũng như ngay chính các Tướng không khỏi lo ngại.

Ngày 26/10, CIA Mỹ được tin Phạm Ngọc Thảo và Trần Kim Tuyến đang âm mưu đảo chính. Theo Colby, Thảo, Tuyến cùng các lãnh tụ Ki-tô muốn thay thế Diệm, vì Diệm đã hết “Thiên Mệnh Liên Bang Mỹ”.( Colby 1989:150) Ngày 28/10, Đôn nói với Conein Thảo là người của Thục và Nhu, bị Đại tá Đỗ Mậu, Giám đốc ANQĐ, nghi ngờ.

Ngày 29/10, Lodge báo cáo về diễn tiến kế hoạch đảo chính: ẽm mưu đảo chính của nhóm Phạm Ngọc Thảo và những người khác tạo bất lợi cho kế hoạch của các Tướng. Mỹ không dính líu vào cuộc đảo chính, chỉ không ngăn chặn nó. Dù đảo chính thành công hay thất bại, Mỹ phải sẵn sàng gánh chịu lời phê bình.( FRUS, 1961-1963, IV, tài liệu 226)

e. Ước muốn làm hòa của ông Diệm:

Khi tất cả những thủ thuật “blackmail” đã dở ra hết đều thất bại, ông Diệm bèn đổi sang thái độ hòa hoãn, hầu cứu vãn tình thế. Ngày 24/10, ông Diệm chính thức mời vợ chồng Lodge lên Đà-lạt nghỉ ngày Chủ Nhật, 27/10. Oat-shinh-tân đồng ý. Ngày 25/10, Ball chỉ thị cho Lodge nên thảo luận về vấn đề hành quân, ấp chiến lược, phóng thích Phật tử và sinh viên tranh đấu, những lời tuyên bố chống Mỹ của các viên chức như Nhu, v.. v... (FRUS, 1961-1963, IV, tài liệu 218)

Nhưng chuyến nghỉ cuối tuần tại Đà Lạt chẳng thay đổi được những cảm nhận của Lodge về con người “dễ thương, tốt,” “nhưng bị cắt đứt với hiện tại, sống trong quá khứ, không có cảm xúc gì về dân chúng và hết sức cứng đầu.” (FRUS, 1961-1963, IV:442) Diệm chỉ nín lặng khi Lodge yêu cầu ông Diệm cho phép ủy Ban Điều Tra Liên Hiệp Quốc được tiếp xúc với Thượng tọa Trí Quang, phóng thích tù chính trị, hay thái độ hung hăng của vợ Nhu khi giải độc ở Mỹ (lập lại lời cáo buộc nướng thịt sư, tự hào rằng ông Diệm không được đám đông ủng hộ, phải nhờ vả vào vợ chồng mình). Cuối cùng Lodge phải hỏi:

Ông Tổng thống, bất cứ một đề nghị đơn giản nào của tôi ông cũng bác bỏ. Có một việc nào ông nghĩ, trong khả năng ông có thể làm, để gây thiện cảm với dư luận Mỹ?

Ông Diệm lại chỉ nhìn Lodge, không biết đối đáp ra sao. Và Lodge đi đến quyết định là không thể làm việc với Diệm được nữa, loại người mà Lodge đánh giá như “dối trá và tội phạm” [liars and criminals].( FRUS, 1961-1963, IV, tài liệu 221; Gravel, II:219; Colby 1989:149)

Trong khi đó, tại Sài Gòn, tăng thứ bảy tự thiêu đòi bình quyền tôn giáo. Nhận hiểu tình hình đã nghiêm trọng, ngày 28/10, ông Diệm sai Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần nhân dịp tham dự bữa ăn trưa tại Viện Nguyên tử, Đà-Lạt, hỏi thẳng Lodge là cần phải làm gì để vui lòng Mỹ. Lodge nói cần phóng thích tù chính trị (kể cả Phật giáo), mở cửa các trường học, rút lại Dụ số 10 về các hội đoàn, đừng che dấu ủy ban Điều tra của LHQ, hầu đặt VNCH trong dư luận tốt đẹp hơn của thế giới. Lodge còn nhấn mạnh rằng Mỹ không muốn bị đánh giá như đang ủng hộ một chế độ độc tài; nếu ông Diệm không thay đổi, thái độ hiện nay của Mỹ cũng sẽ không thay đổi. (FRUS, 1961-1963, IV:441-2)

Tuy nhiên, mãi tới sáng ngày 1/11, ông Diệm mới nỗ lực dàn xếp để được gặp riêng Lodge tại Dinh Gia Long sau buổi tiếp kiến Đề đốc Harry Felt, Tư lệnh Thái Bình Dương. Trong buổi tâm sự kéo dài khoảng 20 phút này, ông Diệm than thở rằng nhân viên CIA cấp thấp đầu độc không khí bằng cách loan tin đảo chính. Một trong các nhân viên này, Hodges, mới đây nói với Bộ Tham Mưu rằng chính phủ đang tổ chức một cuộc biểu tình trước Tòa đại sứ; nếu vậy, hạm đội số 7 sẽ đổ bộ. Diệm nói rằng kẻ thù sẽ lợi dụng những tin đồn đó. Ngày 23/10, tìm thấy trên hai tử thi Việt Cộng kế hoạch đánh chiếm Sài-gòn nếu có đảo chính. Mỹ hoàn toàn sai lầm khi ngưng viện trợ cho LLĐB. Chính Bộ TTM đã trực tiếp điều động LLĐB tấn công các chùa ngày 21/8/1963, sau khi các Tướng cao cấp đã trực tiếp nói với Diệm việc này cần thiết. (FRUS, 1961-1963, IV, tr. 515)

Về vấn đề Phật Giáo, theo ông Diệm:

(1) Các nhà sư–do các nhân viên Mỹ xúi dục–đã gặp Ủy Ban Điều Tra LHQ và thú nhận rằng họ bị Mỹ “thuốc” [intoxication]. Một sư tự khai đã ngụy tạo tài liệu; một sư khác thú nhận chính mình đã tung tin sẽ có đảo chính, và tiết lộ một số tên nhân viên Mỹ. Ủy Ban Điều Tra LHQ muốn có tên những người Mỹ này, nhưng Ngô Đình Nhu không tiết lộ. VNCH không muốn giặt chăn bẩn trước công chúng.

(2) Một số sinh viên, học sinh làm việc với Cộng Sản dự định ném lựu đạn và chất nổ vào phái đoàn LHQ. Vì vậy Diệm phải đóng cửa các đại học. Nhưng từ từ các trường sẽ mở cửa trở lại sau khi phái đoàn LHQ rời nước.

(3) LLĐB đã đặt dưới quyền điều động của Bộ TTM.

(4) Về việc cải tổ chính phủ, biết đưa ai vào? Bất cứ lúc nào Diệm đề cập đến vấn đề này, chẳng ai đưa ra được những tên xứng đáng. Hơn nữa, còn vấn đề thời điểm rất quan trọng. Diệm dự định sẽ cải tổ chính phủ khi hợp thời [at the proper time].

(5) Về trường hợp Ngô Đình Nhu, ông Diệm yêu cầu Lodge hãy hỏi William Colby và cựu Đại sứ Nolting về em trai mình. Nhu không ưa quyền hành, nhưng cởi mở và luôn luôn có những lời khuyên tốt cho bất cứ ai muốn hỏi ý kiến. Mỗi khi gặp khó khăn, Nhu luôn luôn tìm ra một giải pháp. Colby từng nói với Diệm rằng không nên để Nhu sống trong tháp ngà, mà phải xuất đầu lộ diện nhiều hơn. Nolting cũng đồng ý. Vì áp lực của họ mà Nhu đã xuất đầu lộ diện trước công chúng. Nhưng dân chúng lại cho rằng Nhu muốn tranh đoạt quyền hành, và tiếng xấu lại bắt đầu.

Khi Lodge đứng dạy cáo từ, ông Diệm nói:

“Làm ơn nói với Tổng thống Kennedy rằng tôi là một đồng minh tốt và thẳng thắn [good and frank ally]. Tôi muốn bộc trực và giải quyết các vấn nạn bây giờ hơn là nói về chúng sau khi chúng ta đã mất tất cả. (Câu này giống như đề cập đến cuộc đảo chính có thể xảy ra). Nói với Tổng thống Kennedy rằng tôi nghiêm túc ghi nhận những đề nghị của ông ta và muốn thực hiện chúng nhưng chỉ còn vấn đề thời điểm (timing).

Tóm lại, ông Diệm xuống giọng cam đoan sẽ làm bất cứ những gì chính phủ Mỹ muốn. (Ibid., tr. 380-1; FRUS, 1961-1963, IV, 516-517) Nhưng quá trễ. Đại sứ Lodge đã có quyết định. Và các Tướng đang chuẩn bị ra tay bắt giữ tất cả những người bị nghi là trung thành với ông Diệm trong một phiên họp đặc biệt ở Bộ Tổng Tham Mưu. Nên Lodge chỉ nói với ông Diệm, không dấu vẻ mỉa mai, rằng những lời đồn về việc ám sát Lodge không làm cho lòng ngưỡng mộ và tình bạn với ông Diệm hay Việt Nam bị ảnh hưởng. (FRUS, 1961-1963, IV, 516-517)

[Có tác giả trách ông Lodge đã không gửi về Oat-shinh-tân theo lối hỏa tốc [flash] mà lại gửi theo mức bình thường khiến ông Diệm phải chết. Một người có óc suy lý trung bình thôi cũng không thể không tự hỏi cách nào Lodge dám thả mồi (kế hoạch đảo chính đã trù liệu từ hơn hai tháng trước] để bắt lấy cái bóng [lời hứa của ông Diệm]–những lời hứa mà ít khi anh em ông Diệm-Nhu giữ lời với Mỹ; vì thế ông Lodge từng đánh giá anh em ông Diệm-Nhu là những người dối trá và tội phạm. Hơn nữa, cuộc đảo chính chỉ còn khoảng hơn một tiếng đồng hồ nữa sẽ khởi sự, cả danh dự cá nhân Lodge và nước Mỹ đang bị đặt lên chiếu bạc. Ngoài ra, với vị thế một lãnh tụ nổi danh, ông Lodge khó thay đổi cái quyết định “không thể làm việc được” với họ Ngô nữa].

Thời gian này, tưởng nên ghi nhận, Tướng Harkins vẫn không muốn đảo chính. Ngày Thứ Tư, 30/10, Harkins gửi cho Oat-shinh-tân 3 công điện, giận dữ phản đối thái độ của Lodge khi dấu kín ông ta mọi sự. Harkins không muốn “thay ngựa” quá mau. Vì vậy, kế hoạch đảo chính ông Diệm bị tạm thời đình hoãn; nhưng sau đó lại tiến hành.

Đại sứ Lodge cũng tạm đình hoãn chuyến về Mỹ vào ngày Thứ Năm, 31/10, để tham khảo mà Kennedy đã cho lệnh để theo dõi diễn biến cuộc đảo chính.

f. Có người cáo buộc ông Minh và các Tướng làm đảo chính vì tiền.

Vợ chồng ông Nhu và cơ quan mật vụ của chế độ tung ra loại tin này từ mùa Hè 1963. Tờ Times of Vietnam ở Sài Gòn là dụng cụ tuyên truyền công khai. Ngày 2/9/1963, chẳng hạn, Times of Vietnam tung tin CIA đã bỏ ra từ 10 tới 24 triệu Mỹ kim để tổ chức đảo chính, nhưng bị thất bại. Năm ngày sau, khi vừa đặt chân tới Roma, Tổng Giám mục Thục cũng dùng lập luận trên, cáo buộc CIA đã sử dụng tới 20 triệu Mỹ kim để mua chuộc các nhóm phản loạn làm đảo chính. (ìng Thục còn đi xa hơn nữa, tuyên bố rằng các tăng Phật giáo đã bị giết bằng búa mà không phải tự thiêu–những lời tuyên bố khiến tân Giáo hoàng Paul VI (1963-1978) đột ngột bãi bỏ buổi triều kiến dự định vào ngày 9/9/1963; FRUS, 1961-1963, IV:Tài liệu 77).

Theo Tướng Đôn, ngày 28/10, Trung tá Conein đề nghị yểm trợ tiền và vũ khí, nhưng Đôn từ chối. (Endless War, tr. 98-9). Theo một tài liệu Thượng viện Mỹ, Conein giao cho các Tướng lãnh 42,000 Mỹ kim [khoảng hơn 3 triệu đồng Việt Nam], sáng ngày 1/11/1963. (Select Committee to Study Government Operations, Alleged Assassination Plots Involving Foreign Leaders [Rept. 94-465, Senate, 94th Congress, 1st Session], tr. 222)

Thực ra, số tiền 42,000 Mỹ kim này quá nhỏ và hình như chỉ để mua chuộc vài ba Tướng thân cận của ông Diệm. (VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 347-8, 374)

Tóm lại, cuộc đảo chính 1/11/1963 do Tướng Minh cùng một số chiến hữu chủ trương. Tuy nhiên, ông Minh chỉ có thể ra tay khi người Mỹ không còn ngăn cản, hoặc rút lại sự bảo vệ chế độ. Chẳng hiểu vì không biết sự thực, hay biết mà vẫn cố tình bẻ cong lịch sử, một số người bênh vực chế độ Ngô Đình Diệm mạnh miệng cáo buộc Tướng Minh và những người tham dự cuộc đảo chính (hay cách mạng, nếu muốn) là đã nhận lệnh “quan thày Mỹ” để lật đổ ông Diệm.

(Còn tiếp)

Nguyên Vũ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 9906)
(Xem: 9694)
(Xem: 9177)
(Xem: 9651)
(Xem: 10130)
(Xem: 9173)
(Xem: 10008)
(Xem: 10617)