- Thư Tòa Soạn 89
- Jean Baptiste Ngô Đình Diệm (1897 - 1963): Thời Kỳ Chưa Nắm Quyền, 1897-1954 (phần 2)
- Vũ Ngự Chiêu: Sự Hình Thành Phong Trào Quốc Gia Mới: Từ “trung Quân” Sang “ái Quốc”
- Nguyễn Phạm Hùng: Về Tính Thống Nhất Giữa Văn Học Triều Tây Sơn Và Văn Học Triều Nguyễn
- Mênh Mông Chật Chội, Chật Chội Mênh Mông
- Nguyễn Nam Trân: Văn Học Đại Chúng Nhật Bản Hiện Đại: Tiểu Thuyết Trinh Thám Và Khoa Học Giả Tưởng
- Nốt Chủ Âm - Kiino-to
- Thuyền Ai Thấp Thoáng
- Nguyễn Văn Lục: 20 Năm Triết Học Tây Phương Ở Miền Nam Việt Nam 1955 - 1975
- Tức Nước (trích Đoạn Tiểu Thuyết Bể Dâu)
- Câu Chuyện Văn Nghệ Đêm Giao Thừa Với Nhà Thơ Lê Đạt
- Mimơza (từ Tình Epphen Ii)
- Gió Lùa Qua Cửa
- Cuối Tháng
- Tình Chiều
- Đêm, Từng Mảnh...
- Chiếc Áo
- Người Ở Lại Toul Sleng
- Bắt Đầu Tháng Tư Rồi Đó Em
- Mắt Lệ
- Ngôi Sao Và Hạt Bụi
- Hoa Muộn - Bàn Chân Mẹ
- Mẹ
- Cái Chết Biện Minh
- Thơ Dư Thị Hoàn
- Bến Bờ Đợi Mong
- Vẫn Còn Xa Cách
- Dớp
- Thôi Đành Để Gió Cuốn Đi
- Yêu
- Khổ - Chỉ Vì
- Những Giấc Mơ
- Vắng Mặt
- Mùa Đang Mới
- Thơ Nguyễn Nam An
- Huỳnh Lê Nhật Tấn: Gió Núi
- Sáng Tạo Và Bệnh Tật
- Mạn Đàm Văn Học
- Phụ Trang
Tỉnh quốc hồn ca gồm hai phần: Phần I gồm 467 câu thơ và Phần II gồm 500 câu thơ, đều bằng thể song thất lục bát. Hình thức thể loại thống nhất, tiếng nói nghệ thuật giữa hai phần cũng thống nhất - là tiếng nói phê phán, cảnh tỉnh. Duy đối tượng phê phán thì không phải là một. Một bên hướng vào nội bộ dân tộc, một bên đối thoại với Chính quyền chính quốc và Chính quyền thực dân. Thời điểm sáng tác của mỗi phần cũng khác nhau. Theo Huỳnh Lý, Tỉnh quốc hồn ca I được viết trong nửa đầu năm 1907 2. Nguyễn Văn Dương căn cứ vào di cảo nằm lẫn trong bản thảo Giai nhân kỳ ngộ diễn ca hiện còn, suy đoán Tỉnh quốc hồn ca I có thể được “sáng tác hoặc sao lại” vào năm 1912 hay chậm lắm là đầu 1913 3. Chưa có một cứ liệu nào để khẳng định dứt khoát, nhưng đối chiếu phong cách tác phẩm với tình hình thực tế, những năm đầu thế kỷ XX khởi sự công cuộc duy tân, cả nước rộ lên một không khí quyết tâm đổi mới sục sôi chưa từng thấy. Phong trào bùng lan nhanh chóng tạo một niềm phấn khích cho người cầm bút khiến lời lẽ cũng trào sôi nhiệt huyết, khác những chặng đường thoái trào về sau. Tỉnh quốc hồn ca I mang rõ dư vị của thời kỳ tràn ngập niềm tin về việc tự lực tự cường nói trên. Chúng tôi nghiêng về giả thuyết coi đây là tác phẩm đã được thai nghén trong hai năm 1906 - 1907 và hình thành văn bản đầu tiên vào năm 1907, rất có thể đã được Trường Đông Kinh nghĩa thục ấn hành mà nay chưa tìm thấy bản lưu. Về sau, khi sang Pháp, Phan Châu Trinh chép lại, tu chỉnh lại, và thêm một vài phần cuối nhưng chưa xong. Còn Tỉnh quốc hồn ca II thì không có vấn đề gì nghi vấn về thời điểm, được sáng tác khoảng cuối 1922, khi Phan đã chuyển xuống Marseille và sau khi đã xảy ra các sự kiện Khải Định sang Pháp, nước Pháp mở Triển lãm thuộc địa ở Marseille.
Tỉnh quốc hồn ca I gồm 12 đoạn, so sánh 12 phương diện về dân khí dân trí các nước văn minh trên thế giới và dân tình nước ta: trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước, thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày; trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám; trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc, thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con; trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi; trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có, thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng; trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết, thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu; trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo, thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp; trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc; trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân, thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật; trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm, thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng. Hai đoạn sau cùng nói về ý thức tranh đua cải tiến các mặt hàng mới và tốt đem đi bán nước ngoài, tăng thêm tư bản cho nước nhà, và việc xây dựng ngành y học hiện đại đủ các chuyên khoa ở các nước tiên tiến, song chưa đưa ra hình ảnh đối chứng về thói tệ của người nước mình, có lẽ do viết chưa xong 4.
Tỉnh quốc hồn ca II gồm 5 đoạn: mở đầu, nhắc lại quá khứ oai hùng của dân tộc, đồng thời phê phán nhà Nguyễn ngu dốt, nhắm mắt bắt chước luật pháp, khoa cử của nhà Thanh, đẻ ra một bộ máy cầm quyền hủ bại dẫn đến nước mất về tay người Pháp; đoạn 2 nhấn mạnh sự hy sinh xương máu và tiền của của người Việt giúp nước Pháp trong Thế chiến I nhưng lại bị nước Pháp đối đãi tệ bạc, lừa bịp, vắt chanh bỏ vỏ, tăng sưu thuế, giám sát vơ vét cả khi người Việt đi lính trở về; đoạn 3, công kích thực dân Pháp đầu độc dân Việt bằng thuốc phiện và rượu, đánh nhiều loại thuế vô lý, bắt bớ giam cầm người yêu nước, và cho lưu hành những thứ báo chí vô bổ trong khi cấm đoán sách báo tiến bộ; đoạn 4, ngay ở chính quốc nhà nước Pháp cũng lập những tổ chức đàn áp Việt kiều, bày trò triển lãm, đưa các đoàn đại biểu sang Pháp “đóng tuồng”, làm nhục quốc thể và hoang phí tiền của dân ta; đoạn cuối cảnh báo một hạng trí thức người Việt “nương hơi dựa bóng” và kêu gọi một sự hợp tác Pháp - Việt thực lòng cũng như một chính sách tự trị cho Việt Nam 5.
Đầu thế kỷ XX, ảnh hưởng bởi sách báo cấp tiến lọt vào từ Trung Hoa, nhiều nhà nho yêu nước cùng nhau lên tiếng hô hào “tân dân” - thay đổi dân nước để tự lực tự cường. Bằng nhiệt huyết của con tim, người ta thống thiết van vái, khẩn cầu, lay gọi cả một dân tộc đang “ngủ mê”, cốt sao cho “hồn nước” mau mau tỉnh dậy. Bước đầu, người ta đã chê trách thái độ thờ ơ của vua quan trong trách nhiệm với dân với nước, đã cười cợt thói “hủ nho” khoác lác của kẻ sĩ, đã bêu riếu những thú vui ả đào, tổ tôm, bàn đèn... phao phí tiền tài sức lực vào những việc không đâu6. Nhưng có dễ trước Phan Châu Trinh, chưa một ai vận dụng lý trí sắc bén để luận giải thật rành mạch những mặt yếu thâm căn cố đế trong hiện trạng văn hóa, xã hội và tâm lý dân tộc, trình bày chúng thành hệ thống, và gọi hẳn ra tên của từng loại “bệnh”, chỉ cho mọi người biết đấy là những căn bệnh tiên thiên của người Việt Nam. Chỗ quan trọng hơn, cũng chưa một ai dám lần đến tận cội nguồn, xác định những căn bệnh ấy đều là hậu quả của tệ nạn trầm kha lâu đời của xã hội phong kiến. Sự rập khuôn máy móc “theo Tàu” về luật pháp chế độ và “nhai lại” về học hành thi cử là hai cái mầm tội nợ dẫn đến một cơ chế chuyên quyền khốc hại, một đầu óc trống tuếch không chủ kiến và một dân chúng ngày càng ươn hèn:
“Hiềm vì nỗi học hành sai lối
Thóc vứt đi rơm bổi quơ về
Sai lầm từ thủa nhà Lê
Trải qua nhà Nguyễn sa bê dần dần”.
Đây cũng là phát hiện đột phá của họ Phan, có ý nghĩa chống lại một rãnh mòn đã khía quá sâu vào nếp nghĩ người Việt - thói quen nô lệ những tín điều kinh viện của nước ngoài trong tư tưởng mà không phải ngày nay đã hết ý nghĩa thời sự. Từ chỗ nhận diện được cội rễ phong kiến của những bệnh trạng lưu cữu trong dân chúng, Phan còn nhìn thấy chính chúng là lực cản lớn nhất cho công cuộc hội nhập của đất nước vào cuộc cạnh tranh giữa thế giới “liệt cường”. Phan Châu Trinh đã chứng tỏ ý thức nhạy bén hướng tới hiện đại trong cách đặt vấn đề dân tộc của ông. Với ông, cả dân tộc phải quyết tâm dứt bỏ những lối sống lạc hậu tích tụ từ lâu đời, chi phối mọi nếp nghĩ, bởi vì con đường đi tới trước sau không thể nào khác là một xã hội dân chủ, ở đó các đức tính cầu học, tiến thủ, mạo hiểm, đoàn kết, tự tin, tinh thông thực nghiệp... là tiêu chuẩn tối cần thiết để mọi người chung sức xây dựng nền kinh tế thị trường vững mạnh, đưa đất nước sớm rời bỏ lề lối sinh hoạt tự cấp tự túc, bế quan tỏa cảng, bước ra giữa bốn biển năm châu. Những lời chỉ trích của Phan đối với thực dân Pháp tại Đông Dương và cả Chính phủ Pháp ở chính quốc cũng gắn liền mật thiết với lập trường dân tộc năng động nói trên. Phan không tán thành chủ trương bạo động nhưng ông không thể chấp nhận những kẻ tự nhận là “thầy” đi khai hóa cho người lại thi hành một chính sách ngu dân, cản trở việc tự do học hành, mở mang trí tuệ, bóc lột và đàn áp dân chúng nhược tiểu vô tội vạ, khiến “trò” bị hãm vào chỗ chết. Ông công kích nhà cầm quyền Pháp đầu độc thuốc phiện, rượu, bày ra đủ thứ thuế, và ngăn cản thanh niên người Việt xuất dương, làm khó dễ Việt kiều nơi hải ngoại... cũng vì lẽ ấy. Ông càng không muốn đem vài ba “biểu tượng” tủn mủn của một nước Việt Nam yếu hèn thời quá khứ phô ra với thế giới, như việc tổ chức “đấu xảo” tốn kém ở Marseille, hay việc đưa Khải Định sang Pháp, “Hiệu, hề, đào, kép đủ vai”, chỉ “thêm sỉ nhục dân ta” mà thôi. Khoan nói đến việc Pháp xâm chiếm nước ta, những việc làm của người Pháp trước mắt, đặt vào hệ quy chiếu của Phan rõ ràng là sự cản trở xu thế tiến hóa của dân tộc Việt trong bối cảnh “toàn cầu hóa” lần thứ nhất của cả nhân loại.
Đứng về phương thức tư duy, quả đã có một biến đổi đột xuất của ngòi bút Phan Châu Trinh trong Tỉnh quốc hồn ca, nhất là Tỉnh quốc hồn ca I, so với các sáng tác thi ca khác. Phan đã dùng một liệu pháp dễ gây “sốc” và có vẻ như hơi cực đoan: vẽ lên bức tranh phản diện đen tối về con người Việt Nam. Chuyển hóa vào nghệ thuật, thủ pháp “nói ngược” của ông thông qua ngôn từ tự sự của thể thơ song thất lục bát trộn lẫn với giọng điệu hài hước-trữ tình có khả năng kích thích rất mạnh đối với người đọc rộng rãi, làm dấy lên những cảm hứng tủi hổ, chua xót... khiến ai nấy choáng váng choàng tỉnh, không còn an tâm được với tình cảnh của chính mình. Sau Phan không lâu, nhà văn lớn Trung Hoa Lỗ Tấn, không hẹn mà gặp, cũng đã vận dụng bút pháp giễu cợt thâm thúy, mở đầu một dòng văn chuyên nêu nghịch lý về “cái xấu xí của người Trung Hoa”, “gợi lại với một sự mỉa mai thống thiết tính cách thụ động và thói ngu muội của một dân tộc quá khốn khổ để góp vào quyền tự do tự mình của dân tộc đó”(Michel Loi)7. Đặc sắc riêng của ngòi bút họ Phan trong Tỉnh quốc hồn ca còn là ở chỗ, ông biết dùng hình tượng đối sánh như một lợi khí hỗ trợ đắc lực cho những lời phê phán. Ông đã đặt nước Việt Nam “ngu hèn” đầu thế kỷ trước vào giữa bức tranh rộng lớn sôi động của “người Âu người Mỹ” đang “tiến bước văn minh” mà chê khen, bình luận. Đi sâu vào, ông còn có những đối sánh cụ thể các thói hư tật xấu của từng hạng người trong nước, chỉ ra những kiểu dạng khác nhau trong cái đồng dạng. Có nghĩa là từ trên nền cảnh của cuộc sống mới đang diễn ra đồng hành ở nhiều xứ sở, ông quay về với với nền cảnh nước mình, thu hẹp phạm vi quan sát lại ở từng điểm nhìn rất nhỏ. Trong cùng một quy ước thời gian, ông cung cấp một không gian nghệ thuật mới mẻ, chuyển động nhanh chóng từ toàn cầu đến nội địa, một cuốn phim thời sự có cả viễn cảnh và cận cảnh.
Về nghệ thuật đối sánh, Phan Châu Trinh có đặc tài tạo dựng những hình ảnh hay chuỗi hình ảnh gây hiệu quả tâm lý mạnh mẽ. Nói đến cái hay cái đẹp của người ông thường có cái nhìn bao quát, biết dừng ở những đặc điểm chung trội nhất mà không quá đi vào cụ thể:
Người ta nghĩ sâu dài cặn kẽ,
Đũa bó to ai bẻ cho xuôi?
Chia ra từng chiếc từng đôi,
Phải ai tai nấy thương ôi còn gì.
Vậy nên từ đồng nhi, phụ nữ,
Chẳng ai không phải giữ lấy nòi.
Khôn ngoan đối đáp người ngoài,
Người trong một nước thì coi như nhà.
Trái lại, nói về cái kém cỏi của mình, ông có nhiều cách tiếp cận và hình dung thật đa dạng. Có lúc ông cũng gọi một khuyết tật nào đó như là “bẩm tính toàn dân” mặc dầu trên thực tế ông đang nói về một thứ bệnh gia truyền chỉ “lây nhiễm” ở một hạng người nhất định (hạng có máu me làm quan, thời nào cũng vậy, cha chuốc cho con, con lan đến cháu, càng trải nghiệm càng thấy khó chối cãi):
Người mình không đức, không tài,
Ham quan, ham tước, chen vai cúi đầu.
Cửa quyền môn mai chầu tối chực,
Đua chen nhau rạo rực như sôi.
Cửa tiền cửa hậu lăn vùi,
Cùng ra đến lỗ giậu chui cũng lòn.
Mình được rồi lo con lo cháu,
Lạ lùng thay cái máu tham quan.
Có lúc nói về một căn bệnh tương đối phổ biến, như mất đoàn kết, chia rẽ, phá phách hãm hại lẫn nhau, ông lại phanh phui rất chi li, chỉ ra mánh khóe lừa đảo, khuynh loát đủ kiểu ở nhiều hạng người, tăng cấp theo quan hệ, phẩm trật, và từ trong họ tộc ra ngoài làng nước... Ông dồn hết mọi bực bội chua chát vào lời thơ, thỉnh thoảng lại đay nghiến bằng những nhịp ngắt chẻ nhỏ câu thơ ra mấy đoạn:
Hỏi thử xem trong phường hàng họ,
Máu đồng tông lớn nhỏ biết bao!
Doi vườn, cạnh đất, góc ao,
Nhồi xương, xáo thịt, biết bao nhiêu người.
Lại coi thử ra ngoài tổng xã,
Phá cho nhau, phải vạ, phải tai.
Chú trùm, bác lý, thầy cai,
Lừa eo
thắt cổ
chẳng ai mà chừa.
Kể chi hết trăm lừa, ngàn đảo,
Còn những người áo mão bề trên.
Ăn càn
nói hiếp
đã quen,
Kiện thưa, thuế khóa, càng lèn càng đau.
Ngược với cách mở rộng và nâng dần đối tượng, đôi khi lại là kiểu điểm mặt từ trên xuống, cũng theo thứ bậc và theo từng nhóm xã hội, có tác dụng đối chứng hành vi của chúng. Thông qua một tiêu chí phân loại nhất quán, một cái nhìn tinh nhạy, Phan Châu Trinh nắm bắt rất trúng chỗ giống và khác giữa quan trên, quan dưới và dân trên (tức kẻ sĩ chưa được nhà nước chiếu cố xếp ngạch/biên chế, một hạng người rất khó đưa vào khung phân loại), dân dưới. Với khả năng dùng từ láy thiên bẩm, ông đặt các từ đôi độc đáo của mình thật đắc địa và làm cho lời trần thuật trở thành những câu chuyện thực tế nóng hổi, đang hoạt động quay cuồng trước mắt:
Người khanh tướng kẻ tấn thân,
Trăm nghề,hỏi có trong thân nghề nào?
Chẳng qua là quơ quào ba chữ,
May ra rồi ăn xớ của dân.
Khoe khoang rộng áo dài quần,
Tráp giày bệ vệ, rần rần ngựa xe.
Còn bậc dưới ngo ngoe vô kể,
Học cúi luồn kiếm thế vơ quào.
Thầy tư lại, bác kỳ hào,
Gặm xương, mút đũa lao nhao như ruồi.
Lại có kẻ lôi thôi bậc giữa,
Trên lỡ quan, dưới nữa lỡ dân.
Ấy là học sĩ văn nhân,
Ăn sung mặc sướng mà thân không làm.
Người trên đã lam nham như thế,
Những dân ngu sá kể làm chi.
Rượu chè cờ bạc li bì,
Sinh ra trộm cướp, nghề gì mà mong.
Tuy nhiên, nếu ở Tỉnh quốc hồn ca I Phan Châu Trinh có thể dùng lời lẽ bốp chát thoải mái thì đến Tỉnh quốc hồn ca II, đối tượng phê phán thay đổi, phải đối thoại trực tiếp với kẻ nắm quyền lực là nhà cầm quyền Pháp, nghệ thuật phê phán của ông cũng thay đổi. Không thể chỉ mặt vạch tên đối tượng bằng cách nói sỗ sàng, ngôn từ thông tục vốn là ưu thế của giọng thơ châm chích của Phan được cân nhắc giảm thiểu, những câu chữ góc cạnh bị tước bớt, lời thơ có vẻ chừng mực, chỉn chu hơn. Thế nhưng nhìn cho kỹ, thơ Phan vẫn giữ được ngữ khí của riêng ông. Trước hết, ông dùng thủ thuật đề cao đối tượng lên, gọi họ bằng “thầy” và tự nhận dân Việt là “tớ”, tự xác định tâm thế của người Việt là “nhớ ơn quên thù”:
Thầy khôn dù sức đủ mười,
Tớ ngu thôi cũng chịu người chuyền tay.
Biết bao nỗi đắng cay chua xót,
Ngày trông thầy thấm thót đòi cơn.
Biết bao chuốc dữ cưu hờn,
Lòng ta chỉ một nhớ ơn quên thù.
Tiếp đấy, ông kể lại mọi nỗi nhục nhằn đắng cay mà người Việt đã tự nguyện gánh chịu, trong suốt bao năm trời dồn sức người sức của cho nước Pháp tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất, cốt “giữ vẹn lòng thành” của kẻ “chịu ơn”. Ông tính đếm đằng thằng và dứt khoát, không bỏ sót một sự hy sinh mất mát nào của bất kỳ một hạng người nào. Này là tình cảnh những người đi “tòng chinh” bên chính quốc:
“Nào là kẻ đầu binh ứng mộ
Vòng đạn tên ruột đổ thây rơi
Sa trường một giấc như chơi
Giá chôn, tuyết dập, nắng phơi, mưa vùi”
“Nào là kẻ vận dời binh khí
Cuộc tử sinh một tí rủi may
Bất kỳ đạn lạc tên bay
Còn ai biết đến chút thây lạc loài”
... Này nữa là tình cảnh của người ở lại quê nhà:
“Biết bao phú hộ danh gia
Tiền nghìn bạc vạn trao ra không màng
Thương những kẻ nghèo nàn thiếu thốn
Thuế cùng sưu khốn đốn quanh niên
Vẳng nghe lệnh xuống quyên tiền
Ít nhiều tom góp nộp tiền cho quan
Vợ con chịu cơ hàn lạc phách
Anh em đều đói rách, khó khăn
Vì ai nhịn mặc nhịn ăn
Vì ai nên nỗi đành quăng của tiền”.
Nêu lên một lúc mấy câu hỏi “vì ai”, Phan Châu Trinh chỉ cốt mượn lời giải đáp mà láy lại chuyện “ơn nghĩa”, đẩy nét đẹp tính cách khẳng khái hào hiệp của người Việt lên đỉnh điểm:
Của tiền mất hàng thiên hàng vạn,
Máu mủ trôi lai láng biết bao!
Cũng vì một dạ ước ao,
Giúp thầy cho trọn trước sau cùng thầy!
Và tiếp sau các biện pháp tu từ đầy ấn tượng, nhà thơ liền trình ra những đối chứng tệ hại về phía “ông thầy”. Không cần gay gắt lên án, cứ để sự việc tuần tự nói lên, điểm thêm một đôi lời than thở như tiếng nói “giãi bày” của người trong cuộc, cũng đã đủ là một “đòn chí mạng”:
“Thỏ khôn vừa đã đến tay
Chó săn sống cũng mua ngày mà thôi
Lời văn vó như lời nói phỉnh
Buộc ta còn tín kính làm sao
Phần thì thêm thuế thêm sưu
Trăm điều cũng cứ đè đầu như xưa
Cách giàm buộc như ngừa đạo tặc
Thấy những điều nghiêm khắc mà ghê
Thử xem trong lúc lính về
Hành hà đày đọa chán chê trăm phần
Lục cho đến manh quần tấm áo
Xét cho cùng mảnh báo phong thư
Bạc tiền gạn đến của tư
chặn đồ xiết đạc cầm như quân tù
Câu nhân đạo và câu chánh lý
Đổi thay nhau một tí trơ tay
Thân này chẳng chết là may
Sống về để chịu đọa đày vậy ư?”.
Cuối đoạn thơ tường thuật, Phan đưa tiếp mấy câu nhận xét, cũng chẳng đao to búa lớn gì song ý nghĩa sâu xa thì có giá trị một dự báo sấm sét:
Người ai cũng xương da máu thịt,
Sự bất công đau ít tủi nhiều.
Có nhân mới có thương yêu,
Bao nhiêu cay nghiệt bấy nhiêu oán thù.
Không chỉ thế. Đối với giới chính trị thực dân ở Đông Dương, Phan Châu Trinh không kiêng dè như giới cầm quyền chính quốc. Ông còn khéo lợi dụng lá bài đề cao chính quốc để lật mặt đám quan Tây thuộc địa:
“Nghĩa đồng bào, tự do bác ái
Lòng Lang Sa rộng rãi biết bao
Các anh thuộc địa lòng nào
Làm hùm làm hổ khác nhau lạ lùng”.
Và ông lần lượt chỉ trích họ một cách thẳng thừng, về rất nhiều mặt họ đã hành xử trong thực tế. Việc tính sổ đủ loại thuế khóa kỳ cục mà người Pháp tròng lên cổ dân Nam, thơ ca của nhiều sĩ phu Duy tân đều đã có đề cập, không kém phần tâm huyết, duy ở đây họ Phan vẫn góp được một tiếng nói “nặng ký”, ở cái cách vặn hỏi, lật đi lật lại vấn đề thật xác thiết, ở sự cố gắng giấu kín trong nó bao nhiêu phản bác tỉnh táo, đến nỗi cuối cùng không giấu được vẫn để lộ ra một tiếng chửi, như cái cá tính cứng cỏi của tác giả:
Thuế điền thổ lại càng khốc hại,
Mẫu xấp hai, thuế lại gấp mười.
Nắng mưa, may rủi nhờ trời,
Ai toan đắp trổ mở ngòi cho đâu.
Điền ba hạng, dồn vào bậc nhất,
Thổ sáu, nay bỏ vứt làm ba,
Cốt cho số thuế tăng gia,
Đói no, chết sống mặc cha thằng bần.
Hay như việc làm căn cước, Phan không hiểu nổi vì sao lại phải nhục mạ con người bằng cách đã dán ảnh còn phải lăn tay; ấy thế mà có căn cước rồi quyền tự do làm ăn vẫn bị trói buộc thậm phi lý - chỉ được làm công cho người Pháp chứ nào có được làm việc cho tàu Anh tàu Mỹ đâu:
Giấy hình là giấy thế nào,
Có hình còn buộc in vào hai tay?
Khen ai khéo đặt bày nên chuyện,
Mua giấy rồi tùy tiện làm ăn.
Vậy sao tàu Mỹ tàu Anh,
Trong khi thuê mướn đón ngăn đủ đàng?
Thảng hoặc, Tỉnh quốc hồn ca II cũng có chất giọng khôi hài. Nói về sự say ngủ của người trong nước, lời giễu nhại của Phan Châu Trinh không khác gì trong Tỉnh quốc hồn ca I:
Thói tham lam nhuộm sâu đến tủy,
Máu ham quan như đĩ ham tiền.
Nói về tệ theo đuôi, núp bóng văn hóa Pháp để lòe bịp dân Nam của một phân số trí thức thuở ấy, Phan chỉ đúng cái cố tật học người chẳng đến đầu đến đũa và học không “thủng nghĩa”, hài hước sao lại dám coi trời bằng vung:
Thử xem các bậc học hành
Nương hơi, dựa bóng, tập tành đã quen.
Người nói phải, đua chen rằng phải,
Người nói không, dám “cãi” rằng không.
Học hành còn lắm lông bông,
Đã toan xách gậy xưng ông đem đàng.
Người Á chẳng am tường sử Á,
Học Âu chưa khám phá tình Âu.
Vậy mà tự đắc tự cao,
Tưởng mình như thể ngôi sao giữa trời
nó cũng là một duộc với cái “hủ” dựa dẫm “thiên triều” có đến mấy trăm năm mà vẫn hời hợt không lường được ở họ chữ “hiểm”:
Người dùng độc, thuốc người ta,
Mình đem về để thuốc bà thuốc con.
Lời giễu nhại càng đột xuất hơn trước một vài đối tượng mà Phan không cần giấu giếm lòng khinh bỉ. Tài chơi chữ của ông làm cho câu thơ linh hoạt hẳn:
Còn nói đến các vai đợi biểu,
Khéo chọn thay một kiểu y quan.
Khăn đen
áo gấm
nút vàng,
Khoanh tay bắt đứng sắp hàng thiệt xinh.
Thảy trăm việc làm thinh không biết,
Hỏi: “Băng ngàn chí quyết đi đâu?”
“Paris ao ước bấy lâu”,
Dịp này khỏi tốn tiền tàu đi chơi”.
Làm như chuyện trò cười, lớp giễu,
Đợi biểu này
đại biểu cho ai?
Điều lý thú là mặc dầu đã đánh những đòn thâm thúy, sâu cay, để cho đối tượng không lâm vào tình thế bẽ mặt, kết thúc Tỉnh quốc hồn ca II Phan vẫn gút lại bằng những lời lịch thiệp tán dương nước “Đại Pháp” tự do dân chủ, nhấn mạnh chủ đề “ơn nghĩa” thêm một lần thứ hai:
“Người Đại Pháp xưa nay nức tiếng
Tổ dân quyền lập hiến là ai?
Thức lâu mới biết đêm dài
Ở lâu mới biết là người có nhân”.
Người ta muốn hỏi: Có nụ cười tủm tỉm nào ẩn ngầm bên trong? Chúng ta tin ở tấm lòng thành thật của tác giả vốn đã từng sống lâu trên đất Pháp, hiểu rất rõ dân tình nước Pháp. Nhưng dám chắc đám chính khách thực dân, nếu được đọc Phan, sẽ không vì những lời chân thành này mà bớt phần xét nét với ông. Cũng chắc chắn không một nhà ái quốc đương thời nào vì những lời như thế mà dám đổ riệt cho Phan là người “mê tín” chủ nghĩa “Pháp Việt đề huề”. Đó cũng là một khía cạnh rất đáng xem xét của Tỉnh quốc hồn ca.
Tóm lại, tưởng không cần nói cũng rõ tính thống nhất nghệ thuật giữa Tỉnh quốc hồn ca II và Tỉnh quốc hồn ca I. Lời lẽ châm chích tuy bên sỗ sàng bên kín đáo, mục tiêu công kích tuy mỗi phần có khác nhau, nhưng kết cấu đối sánh phơi bày hai mặt tương phản của bức tranh hiện thực vẫn là dụng ý xuyên suốt ngòi bút họ Phan. Tiếng cười sắc sói vốn là biệt tài của Phan Châu Trinh, muốn giảm đẳng thế nào vẫn cứ hiện diện. Và cung cách trần thuật trưng dẫn lớp lang, sâu sát mọi thảm trạng bi hài của đời sống dân Việt cũng là một ưu thế quán xuyến ở cả hai phần, dù rằng phần đầu là để chê trách cái người Việt sẵn có và phần sau là để tố cáo cái người Việt phải chịu đựng. Phê phán hiện thực với đầu óc duy lý là chỗ khu biệt họ Phan với thế hệ sĩ phu ái quốc cùng thời. Mặt khác, cũng không vì thế mà thơ Phan chỉ là một tiếng nói khách quan lạnh lùng. Sẽ không khó nhận ra thêm một điểm kết nối sâu thẳm phần trước với phần sau của Tỉnh quốc hồn ca là ở tấm lòng nhân hậu, thủy chung như nhất của người viết, bộc lộ ở lời kêu gọi thiết tha, có sức nâng người khác dậy, như những điệp khúc lặp đi lặp lại trong các chuyển đoạn của phần I:
“Ngồi nghĩ lại, thêm phiền thêm tủi
Hỡi những người trẻ tuổi tài cao
Bây giờ phải tính làm sao
Rủ nhau đi học mọi điều văn minh”
“Ngồi thử nghĩ càng cay càng chát
Thói chi mà bạc ác lắm thôi
Hiền nhân, quân tử những người
Đứng lên mà sửa tục đời cho chăng?”
... Hay là lời thở than nhức nhối đầy cảm thông, chia sẻ, như những chuyển đoạn của phần II:
“Đánh cũng chết, hòa rồi cũng chết
Bốn mươi năm gió quét sạch không
Ông cha gầy dựng non sông
Mà nay nông nỗi, đau lòng xiết bao”
“Kể sao xiết não nồng đau đớn
Mấy trăm ngàn hảo hớn Nam bang
Lạnh lùng mấy nắm xương tàn
Chiêm bao còn hãy mơ màng hồn quê”.
Đoạn cuối cùng của phần II đề xuất sách lược “Pháp Nam hợp tác” nên lời lẽ phần nào hơi “đường lối” (như mọi nhà chính trị kiêm văn nhân vẫn sử dụng), cảm xúc không hồn nhiên tuôn chảy như các phần trên:
“Nay trộm phép tỏ tình đại biểu
Cả tiếng kêu mấy triệu Lang - sa:
Hãy xin mở lượng hải hà
Ra tay tế độ con nhà An Nam...”.
Dầu thế đi nữa, Phan Châu Trinh vẫn gói ghém được cái ý tưởng lớn nhất là yêu cầu nhà nước Pháp để dân Nam tự trị - một mục tiêu sáng rõ trong suốt cuộc đời mà ông chưa lùi bước hay nhân nhượng bao giờ:
“Chánh tự trị bắt đầu hứa trước
Định hạn kỳ phỏng ước mấy năm
Chủ trương đã có chỉ nam
Trăm điều tự khỏi lỗi lầm sai ngoa”.
Và nói là “yêu cầu” tức thỉnh nguyện = kêu xin, chưa bao giờ Phan tán thành thái độ quỵ lụy, trái lại, hơn lúc nào hết ông đòi hỏi cả dân tộc ngẩng cao đầu đối thoại với người Pháp trong công cuộc gọi là “thủ túc tương thân” - Gắn bó với nhau như chân với tay, làm “sao cho hai nước đồng tâm”:
Dân Đại Pháp là dòng nghĩa hiệp,
Nỡ lòng nào hà hiếp ta đâu.
Chẳng nên vập mặt cúi đầu,
Đứng lên ta hỏi những câu công bình.
Trước sau Phan chỉ muốn đặt cược dân tộc vào tiến trình khó đảo ngược của thế giới, hẹp hơn, tiến trình các nước châu Á bắt đầu thức tỉnh, để tự tìm cho mình một con đường hợp lý nhất và cũng “tiết kiệm” nhất, chứ không vì quá nóng vội “rửa vết dơ nô lệ” mà mất tỉnh táo, xối bao nhiêu máu để rồi vẫn sống trong sự u mê của nghèo khổ và độc tài:
“Sáu mươi năm thấm thoắt đã qua
Lỗi lầm cũng nửa bởi ta
Cạn suy vụng tính hóa ra lỡ làng
Nay bốn mặt nòi vàng sấn sướt
Ta hãy còn thườn thượt thây ma”
Dân tộc tiến hóa từ lực đẩy nội tại là mục tiêu trước mọi mục tiêu của Phan Châu Trinh. Phải nhất quyết rời bỏ phương Đông bạc nhược tối tăm để hướng đến phương Tây thịnh cường và dân chủ: “Tổ dân quyền lập hiến là ai?”; “Tạo nhân nay phải lấy Âu làm thầy”. Về phương diện này nữa, Tỉnh quốc hồn ca II đã có tư cách khép lại trọn vẹn một chương trong khúc ca trữ tình-chính trị của Phan Châu Trinh vào thời điểm tư tưởng ông thực sự chín mùi.
Nguyễn Huệ Chi (Hà Nội tháng Tám năm 2006)
Chú thích:
1. Xin xem Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, một thể nghiệm mới của Phan Châu Trinh về truyện thơ lục bát của cùng một người viết. Thời đại mới tháng XI-2006.
2. Xem Huỳnh Lý và Hoàng Ngọc Phách. Thơ văn Phan Châu Trinh, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1983; tr. 16.
3. Xem Nguyễn Văn Dương. Phan Châu Trinh tuyển tập. Nxb. Đà Nẵng, 1995; tr. 119-120.
4. Trong hai đoạn sau cùng thì một đoạn trùng lặp nhiều với đoạn 6 và đoạn 7 ở trước, một đoạn nữa nói sâu vào sự tiến bộ của y học phương Tây như một người trực tiếp chứng kiến, không thể là hiểu biết của Phan Châu Trinh khi đang ở trong nước. Vì vậy chúng tôi cho hai đoạn này tác giả viết thêm vào sau khi đã ra nước ngoài, và cũng viết chưa xong.
5. Chúng tôi không chia thành 6 đoạn như Nguyễn Văn Dương, Sđd, mà gộp đoạn 1 và 2 vào làm một.
6. Xem Hải ngoại huyết thư, Đề tỉnh quốc dân hồn (Phan Bội Châu), Cáo hủ lậu văn (Yên Sĩ Phi Lý Thuần), Đề tỉnh quốc dân ca, Gọi tỉnh giấc mê... và nhiều bài ca khác do Trường Đông Kinh nghĩa thục truyền bá.
7. Michel Loi. “Luxun”, Encyclopædia Universalis version 10. Nguyên văn “Luxun évoque avec une ironie poignante la passivité et l'obscurantisme d'un peuple trop misérable pour aider à sa propre liberté”.