- Thư Tòa Soạn 89
- Jean Baptiste Ngô Đình Diệm (1897 - 1963): Thời Kỳ Chưa Nắm Quyền, 1897-1954 (phần 2)
- Vũ Ngự Chiêu: Sự Hình Thành Phong Trào Quốc Gia Mới: Từ “trung Quân” Sang “ái Quốc”
- Nguyễn Phạm Hùng: Về Tính Thống Nhất Giữa Văn Học Triều Tây Sơn Và Văn Học Triều Nguyễn
- Mênh Mông Chật Chội, Chật Chội Mênh Mông
- Nguyễn Nam Trân: Văn Học Đại Chúng Nhật Bản Hiện Đại: Tiểu Thuyết Trinh Thám Và Khoa Học Giả Tưởng
- Nốt Chủ Âm - Kiino-to
- Thuyền Ai Thấp Thoáng
- Nguyễn Văn Lục: 20 Năm Triết Học Tây Phương Ở Miền Nam Việt Nam 1955 - 1975
- Tức Nước (trích Đoạn Tiểu Thuyết Bể Dâu)
- Câu Chuyện Văn Nghệ Đêm Giao Thừa Với Nhà Thơ Lê Đạt
- Mimơza (từ Tình Epphen Ii)
- Gió Lùa Qua Cửa
- Cuối Tháng
- Tình Chiều
- Đêm, Từng Mảnh...
- Chiếc Áo
- Người Ở Lại Toul Sleng
- Bắt Đầu Tháng Tư Rồi Đó Em
- Mắt Lệ
- Ngôi Sao Và Hạt Bụi
- Hoa Muộn - Bàn Chân Mẹ
- Mẹ
- Cái Chết Biện Minh
- Thơ Dư Thị Hoàn
- Bến Bờ Đợi Mong
- Vẫn Còn Xa Cách
- Dớp
- Thôi Đành Để Gió Cuốn Đi
- Yêu
- Khổ - Chỉ Vì
- Những Giấc Mơ
- Vắng Mặt
- Mùa Đang Mới
- Thơ Nguyễn Nam An
- Huỳnh Lê Nhật Tấn: Gió Núi
- Sáng Tạo Và Bệnh Tật
- Mạn Đàm Văn Học
- Phụ Trang
Như một nghịch lý, văn học dưới hai triều đại đối địch nhau hết sức khốc liệt là triều Tây Sơn và triều Nguyễn lại có sự gắn bó hết sức mật thiết với nhau. Khó có thể hình dung được văn học của thời đại này mà lại không có sự hiện diện của văn học thời đại kia. Và bức tranh văn học nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX rõ ràng được vẽ nên bằng đường nét và màu sắc chủ yếu của hai triều đại này.
Trong mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa hai triều đại này, chúng ta dường như có thể nhìn thấy một dòng chảy ngầm của văn học dân tộc vượt qua mọi trở lực và thiên kiến chính trị đang ào ạt tiến về phía trước. Dòng chảy đó vẫn còn đang tiếp tục cho đến bây giờ, để lại đằng sau nó vô vàn cái đã mất sức sống cũng như đem theo nó vô vàn giá trị tràn trề sinh lực được tích luỹ suốt hàng nghìn năm qua để đi tới tương lai.
1. Lịch sử hình thành và phát triển của triều Nguyễn trải dài gần bốn thế kỷ, kể từ năm 1558 khi chúa Nguyễn Hoàng rời Bắc hà đi trấn thủ đất Thuận Hoá cho đến năm 1945 khi vị vua cuối cùng của triều Nguyễn thoái vị. Trong khi đó lịch sử của phong trào Tây Sơn và triều đại Tây Sơn chỉ tồn tại trong khoảng nửa cuối thế kỷ XIX. Có một giai đoạn song hành của hai triều đại Tây Sơn và Nguyễn trong thế đối lập khốc liệt tính từ 1771 cho đến 1802. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Tây Sơn, dường như chỉ có nhà Nguyễn là đối thủ chính. Xung đột chính của Tây Sơn là nhà Nguyễn. Đối với nhà Nguyễn cũng vậy. Dù lập nghiệp từ thế kỷ XVI, nhưng phải mãi sau khi khuất phục được Tây Sơn, nhà Nguyễn mới trở thành triều Nguyễn. Từ đó, triều Nguyễn cũng chỉ tồn tại và hưng thịnh chính thức trong khoảng hơn nửa thế kỷ. Những giá trị văn hoá mà triều đại Tây Sơn có được, hay những giá trị văn hoá mà triều Nguyễn có được, một phần quan trọng là hấp thụ dinh dưỡng của cùng một nền văn hoá Việt Nam.
2. Có thể xem phong trào Tây Sơn và sự tồn tại của triều đại Tây Sơn là một trong những biến động lịch sử quan trọng bậc nhất có tác động đến sự hình thành và phát triển của nhà Nguyễn. Sự thất bại của Tây Sơn đã đem lại chiến thắng cho nhà Nguyễn. Ngược lại, sự hình thành và phát triển của Tây Sơn vừa là sự phủ định quyết liệt đối với chế độ phong kiến Lê - Trịnh - Nguyễn, đồng thời cũng là sự tiếp thu nhiều mặt tác động của các thể chế chính trị này.
Văn học thời Tây Sơn là một thời kỳ văn học có đặc điểm riêng. Nó đã tập hợp nhiều nhà văn thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, thuộc nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau, thậm chí chống đối nhau khốc liệt nhất trong thời trung đại. Nó phản ánh và diễn tả nhiều trạng thái tư tưởng và tình cảm phức tạp nhất của con người trong một thời kỳ lịch sử nhiều giông bão cũng bậc nhất trong thời trung đại. Song đây cũng là thời kỳ văn học mà tư tưởng chủ đạo của nó lại mang tinh thần lạc quan, tươi tắn và khoẻ khắn bậc nhất trong việc chống lại sự trì trệ, già nua, bi quan và chán nản của đời sống phong kiến cũ nát lúc bấy giờ, là thời kỳ mà địa vị và vai trò của ngôn ngữ và thể loại văn học mang tính dân tộc và bình dân được đề cao cũng vào loại bậc nhất trong thời trung đại.
Tham gia vào thời kỳ văn học ngắn ngủi nhưng quan trọng này, chúng ta thấy có sự hiện diện của ba thế hệ nhà văn, và điều này làm cho mối liên hệ ràng buộc giữa văn học thời Tây Sơn và văn học triều Nguyễn càng hết sức chặt chẽ. Đó là:
-Các nhà văn trước thời Tây Sơn, tiếp tục sống và sáng tác trong thời Tây Sơn và triều Nguyễn.
-Các nhà văn chủ yếu sống và sáng tác trong thời Tây Sơn, nhưng tiếp tục sống trong thời Nguyễn.
-Các nhà văn chủ yếu sống và sáng tác dưới triều Nguyễn nhưng sáng tác có ảnh hưởng tinh thần Tây Sơn hoặc có sáng tác về Tây Sơn.
Những chủ thể nghệ thuật ấy đã ít nhiều làm cho văn học của hai triều đại này có những quan hệ qua lại với nhau.
3. Thời đại Tây Sơn không sản sinh ra những nhà văn chỉ của riêng mình. Nhưng nó làm thay đổi nhiều nhà văn Việt Nam, lối cuốn họ đi theo, tập hợp họ lại trong những đội ngũ, hoặc ở chiến tuyến bên này, hoặc ở chiến tuyến bên kia, hoặc trong một lập trường trung gian nào đó. Các nhà văn thuộc mọi thành phần xã hội đã cùng nhau tham gia một cách “bình đẳng” vào việc vẽ nên bức tranh văn học của thời đại này. Bức tranh đó có những mảng sáng tối khác nhau, những đường nét khác nhau, nhưng gam màu khác nhau. Nhưng dễ nhận thấy, những sắc màu tươi tắn, lạc quan nhất là thuộc về các nhà văn ủng hộ và ca ngợi Tây Sơn, còn những sắc màu u ám nhất là thuộc về những người theo tư tưởng chống đối lại Tây Sơn, ủng hộ triều đình phong kiến Lê - Trịnh ố Nguyễn.
Âm thanh của văn học thời kỳ này nhìn chung rất đa dạng. Có những âm điệu trong trẻo tươi vui, cũng có những âm điệu hết sức buồn thảm, não nề. Nguyên nhân chính của tình trạng này là bởi sự phân hoá gay gắt của các tư tưởng chính trị giữa các nhà văn đương thời.
Trong văn học thời Tây Sơn tồn tại ba khuynh hướng tư tưởng chính:
- Khuynh hướng tư tưởng chống đối Tây Sơn, ủng hộ chế độ Lê-Trịnh-Nguyễn.
Tiêu biểu cho khuynh hướng tư tưởng này là các nhà văn như Lê Duy Đản (1743- ?) với tác phẩm Lê Duy Đản thi tập thể hiện thái độ thù địch đối với triều đại Tây Sơn; Lê Huy Dao ( ? - ?) với Lữ trung ngâm thở than cho sự thất bại của triều đình Lê - Trịnh, chán ngán trước sự rút chạy của quân Mãn Thanh và hả hê khi nghe tin Nguyễn Huệ chết; Trần Danh án ( ? - 1798) với Liễu Am và Tán Ông di cảo thể hiện tấm lòng thuỷ chung với triều đình Lê - Trịnh, bất hợp tác với Tây Sơn, nhưng “hình như có lúc... cũng cảm thấy cái thuỷ chung của mình trở nên lạc lõng”(1)... Mang nặng tư tưởng trung quân mù quáng, trước những chống đối bất thành triều đại Tây Sơn, tác phẩm của họ mang nặng tâm lý thất bại chủ nghĩa, “lời thơ thường bi thảm, cay đắng”(2). Tác phẩm của họ, “một mặt, là tiếng nói rầu rĩ của lực lượng suy tàn đang rãy chết, mặt khác, đó là tiếng nói phản ứng trước lực lượng mới đang lên”(3). “Họ là những người tôn thờ một lý tưởng mà lý tưởng ấy chỉ là sống chết vì một dòng họ. Họ bảo vệ một cách cố chấp đạo đức, lễ giáo của Tống Nho, có người cố chấp đến phản động”(4).
Đây là tiếng nói nghệ thuật đại diện cho tinh thần của một bộ phận khá đông đảo con người có gắn bó về tình cảm và quyền lợi với trều đình Lê-Trịnh-Nguyễn. Tuy nhiên, nó ít nhiều trở nên lạc lõng và xa lạ với không khí chung của thời đại này.
- Khuynh hướng tư tưởng ca ngợi và khẳng định triều đại Tây Sơn.
Đây là khuynh hướng tư tưởng chủ đạo trong văn học thời đại Tây Sơn, tập hợp khá nhiều nhà văn nhà thơ đương thời thành một đội ngũ các nhà văn mang tinh thần “dấn thân”. Họ tham gia trực tiếp vào những hoạt động quan trọng của thời này, tác phẩm của họ đã phản ánh hay diễn tả những tâm trạng và thái độ có tính chính thống của thời đại này. Quả tình, “khi nói đến văn học thời Tây Sơn, người ta nghĩ đến họ”(5).
Các tác gia tiêu biểu của khuynh hướng tư tưởng này là: Ngô Thì Nhậm (1704-1803) với Bang giao hảo thoại và Bang giao lục, chứa đựng những bài văn luận chiến bang giao chỉ đứng sau Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi và nhiều thơ văn khác thể hiện sự gắn bó sâu sắc với đất nước và triều đại mới; Phan Huy ích (1751-1822) với Dụ Am ngâm lục, Dụ Am văn tập, Tinh sà kỷ hành nói lên tình cảm tha thiết và tự hào với chiến công của Tây Sơn cũng như sự khinh bỉ đối với bè lũ vua Lê chúa Trịnh hèn nhát; Ninh Tốn (1743- ? ) với Chuyết Sơn thi tập tràn trề lòng yêu đời với “ý vị vui tươi cả về nội dung và hình thức”(6); đó còn là Vũ Huy Tấn (1749 ố 1800) với Hoa trình tuỳ bộ, Đoàn Nguyễn Tuấn (1750- ? ) với Hải Ông thi tập, Nguyễn Huy Lượng ( ? ố 1808) với Tụng Tây Hồ phú, Lê Ngọc Hân (1771 ố 1799) với Ai tư vãn và Văn tế vua Quang Trung... tràn ngập cảm xúc trước thời đại mới và cá nhân người anh hùng “áo vải cờ đào” Quang Trung Nguyễn Huệ.
- Khuynh hướng tư tưởng phê phán hiện thực.
Đây là khuynh hướng tư tưởng tập hợp đông đảo nhất các nhà văn nhà thơ từng sống qua các triều đại Lê-Trịnh-Tây Sơn-Nguyễn, không phải bởi nó dung hoà mọi tư tưởng chính trị đối lập, mà ở chỗ các nhà văn cùng gặp gỡ nhau trong việc nhận thức và lý giải tính chất phi lý của xã hội phong kiến thời kỳ khủng hoảng và suy thoái, khi các triều đại phong kiến dù tiêu cực hay tích cực đều tỏ ra ít nhiều mất sức sống và không thoả mãn được nhu cầu của các tầng lớp xã hội, đều ít nhiều mâu thuẫn với quyền sống chính đáng của con người, đều không thoả mãn được khát vọng nhiều mặt của mọi bộ phận con người, cũng như sự phát triển tất yếu của xã hội.
Do được chứng kiến tận mắt sự bê bối của những hậu trường chính trị, lại được sống gần nhân dân, ngòi bút của họ ít nhiều đã phanh phui trên tinh thần phê phán nhiều mặt của hiện thực xã hội cuối thế kỷ XVIII. Cảm hứng nhân đạo giúp họ nói lên được nỗi thống khổ của nhân dân. Nhưng khi Tây Sơn lật đổ mấy ngai vàng phong kiến cùng một lúc, dựng lên một triều đại mới, thì họ lại không đi theo một cách dễ dàng. Có người chống lại. Có người trốn tránh rồi sau này ra làm quan với nhà Nguyễn. Có người suốt đời làm một kẻ phiêu lãng giang hồ. Có ngừơi thành tâm ra giúp Tây Sơn nhưng văn chương vẫn “kín tiếng” với triều đại này...
Cảm hứng phê phán làm cho văn chương của họ mang tâm trạng u buồn, thậm chí băn khoăn, mất phương hướng trước hiện thực ngổn ngang như trò đùa của con tạo. Có thể thấy những người theo khuynh hướng tư tưởng này chia thành 3 nhóm:
- Những nhà văn sống đến thời Tây Sơn nhưng chủ yếu viết về giai đoạn trước khi Tây Sơn ra Bắc. Tiêu biểu là Phạm Nguyễn Du (1739-1786) với Đoạn trường lục, Độc sư si tưởng, Nam hành ký đắc tập nói lên nỗi thống khổ của nhân dân và cuộc sống xa xỉ của các chúa Nguyễn cùng triều thần của họ; Bùi Huy Bích (1744-1818) với Bích Câu thi tập, Nghệ An thi tập, Lữ trung tạp thuyết trong đó “nhiều bài thơ phản ánh cuộc sống của nhân dân Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên, Quảng Bình khá hiện thực”(7); Nguyễn Thiếp (1723-1804) với Hạnh Am thi cảo nói lên nỗi khổ của người dân trong buổi tao loạn và cảnh báo những nguy cơ khôn lường của kẻ cầm quyền; Ngô Thế Lân (1726- ? ) với Phong trúc tập diễn tả tâm trạng ngột thở, lo âu vì dân chúng mang tinh thần tố cáo những kẻ thống trị không chút kiêng nể...
- Những nhà văn viết chủ yếu dưới thời Tây Sơn và viết về những chuyện có dính dáng đến Tây Sơn. Tiêu biểu là Phạm Thái (1777-1814) với Chiến tụng Tây Hồ phú và Sơ kính tân trang vẽ lên cảnh trời đất đen tối và những đe doạ của các lực lượng hắc ám đối với con người; Hoàng Quang ( ? - ? ) với Hoài Nam ca khúc “biểu thị lòng luyến tiếc cựu triều của Hoàng”(8) cùng tình cảm ngao ngán trước tình hình rối loạn của tập đoàn thống trị Nam hà; Nguyễn Bá Xuyến (1752-1823) với hơn năm chục tác phẩm còn lại, Nguyễn Hữu Chỉnh (1745-1787) với Ngôn ẩn thi tập, hay các tác giả trong Ngô gia văn phái... ít nhiều cùng mang tư tưởng nghệ thuật này.
- Những nhà văn sống và viết nhiều năm sau khi Tây Sơn sụp đổ nhưng ngòi bút ít nhiều mang giọng “hồi cố” về quá khứ. Tiêu biểu là Nguyễn Du (1765-1820), Phạm Quý Thích (1760-1825), Nguyễn Hành (1771-1824), Phạm Đình Hổ (1762-1839), Nguyễn án (1770-1815) hay Hồ Xuân Hương ( ? - ? )... Các tác phẩm của họ vốn rất quen thuộc với chúng ta ngày nay, góp phần vẽ lên bức tranh hiện thực đầy đau thương và bi phẫn của đời sống con người trong một giai đoạn lịch sử đầy giông bão.
4. Sức sống của tư tưởng nghệ thuật mới và hình thức nghệ thuật mới là nhân tố quan trọng gắn kết các nhà văn thời Tây Sơn và các nhà văn thời Nguyễn lại với nhau. Rõ ràng, tư tưởng nhân văn trở thành tư tưởng chủ đạo trong văn học nửa cuối thế kỷ XVIII nưả đầu thế kỷ XIX. Đặc biệt, hình thức nghệ thuật có tính dân tộc, thông tục, bình dân trở thành hình thức nghệ thuật quan trọng nhất của văn học thời kỳ này, là sợi dây gắn kết mọi nhả văn thời Tây Sơn và thời Nguyễn.
Vượt lên trên mọi sự khác biệt, đối lập về tư tưởng chính trị, trong văn học dường như có một tiếng nói chung. Ta có thể nghe thấy tiếng nói chung này từ nhiều phía, phía Tây Sơn, phía chống Tây Sơn hay cả từ phía trung gian. Đó là nhu cầu hướng tới quảng đại quần chúng, hướng tới con người, là đấu tranh cho con người, cho hạnh phúc cụ thể của từng cá nhân, là sự đoạn tuyệt với những giáo lý trừu tượng xa xôi để trở về với những vấn đề cụ thể, cấp thiết trong cuộc sống, ảnh hưởng trực tiếp tới từng số phận, cho dù họ đứng trong hàng ngũ nào và mang lập trường chính trị gì.
Mục đích của Tây Sơn là giành quyền lực cho một dòng họ. Nhưng trong quá trình thực hiện, nó có những thời điểm phù hợp với mục đích chung của dân tộc và nhân dân, là đấu tranh giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc. Mục đích đó không được thực hiện trọn vẹn do chỗ nó thiếu một cơ sở vững chắc và một tư tưởng mới soi sáng. Đó là một bi kịch lịch sử. Song, phần tinh thần tích cực nhất của Tây Sơn vẫn còn vang vọng mãi và đó chính là biểu tượng cao nhất của tinh thần con người đương thời. Chúng ta chẳng những có thể thấy tinh thần ấy trong các tác phẩm văn học của thời đại Tây Sơn mà còn có thể thấy trong các tác phẩm văn học thời Nguyễn sau này, chẳng những có thể thấy tinh thần ấy trong các tác phẩm văn học của các nhà văn theo Tây Sơn, mà còn có thể thấy trong các tác phẩm văn học của các nhà văn không theo Tây Sơn như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Phạm Thái v.v... mà cảm hứng sáng tạo của họ là hướng về số phận đau khổ của chính mình, của các tầng lớp dưới đáy xã hội, được trình bày không phải bằng một thứ nghệ thuật cao xa, mà bằng tiếng nói học được của người trồng dâu trồng gai (“Thôn ca sơ học tang ma ngữ”). Nguyễn Du đã viết về những “cuộc bể dâu” của lịch sử khiến “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, trong đời sống nhân dân. Phạm Thái trong tác phẩm của mình từng lên tiếng chống lại Tây Sơn, nhưng vượt lên trên hết, ông chống lại tất cả những cái xấu cái ác chà đạp lên hạnh phúc của con người nói chung. Còn Hồ Xuân Hương đã giành toàn bộ sáng tạo của mình cho những người phụ nữ chịu nhiều đau khổ thiệt thòi, phỉ báng cái chế độ phong kiến hà khắc tàn bạo, khẳng định giá trị của mình bằng những vần thơ “nôm na mách qué” thật khoẻ khoắn, đầy tự tin kiêu bạc, bỡn cợt mà tuyệt vời tài hoa... Không phải trực tiếp bằng chính trị mà bằng nghệ thuật, họ đã thể hiện sâu sắc cái tinh thần phản kháng của thời đại mình, chống lại trật tự xã hội hiện hành.
Góp phần làm nên diện mạo của văn học triều Nguyễn còn có sự đóng góp không nhỏ của các nhà văn trong hoàng phái, mà tinh thần của thời đại mới ít nhiều làm thay đổi cách cảm, cách nghĩ và nghệ thuật sáng tạo của họ đối với con người, với nhân dân và đất nước, như Miên Thẩm, Miên Trinh, Mai Am...
Dường như có một thứ “nội lực” gắn kết và thống nhất ngấm ngầm các khuynh hướng tư tưởng trong văn học lại với nhau. Đó là sự thừa nhận sức mạnh và vai trò của nhân dân, là sự nhạt loãng tư tưởng Nho giáo, là nhu cầu cá nhân trong phản ánh nghệ thuật của bất kỳ nhà văn nào trong thời đại này, và đặc biệt là vai trò của văn Nôm. Nó làm cho văn học thời Tây Sơn và văn học thời Nguyễn vừa phân rã, mâu thuẫn lại vừa rất thống nhất. Đúng như tác giả cuốn Lịch sử nội chiến ở Việt Nam viết : “Loạn lạc làm xuất hiện một triều đại phát sinh từ dân chúng, lại sống ngắn ngủi nên còn đầy tính chất “quê mùa”. Người ta thấy triều Tây Sơn định khoa thi bằng chữ Nôm, dịch kinh sử ra lời Nôm, dùng chiếu, chế, lệnh bằng quốc âm”(9)... Và không chỉ đối với triều đình “quê mùa” Tây Sơn, mà “chiến tranh cũng xua đuổi ảnh hưởng Hán học ở ngay cả khu vực của các dòng họ có truyền thống cai trị”(10). Vua Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn, cũng dùng chữ Nôm làm công cụ giao tiếp, ghi chép, sáng tác. Các hoàng thân quốc thích chẳng những không lạ văn Nôm mà còn rất gắn bó với nó. Có lẽ không có thời kỳ nào thái độ đối với văn Nôm chữ Nôm lại cởi mở như thời kỳ này. Đó là do yêu cầu của lịch sử, do những thay đổi hết sức cơ bản trong cách nhìn nhận, đánh giá vai trò văn Nôm trong đời sống toàn xã hội. Điều đó cũng nói lên rằng đời sống tinh thần của con người dưới thời Tây Sơn “tự do” “dân chủ” hơn, quan hệ giữa con người với con người trở nên thân mật hoà đồng hơn, môi trường sống cũng bớt ngột ngạt tù túng hơn.
Văn Nôm không còn là sở hữu của bất kỳ giai cấp tầng lớp nào, mà là thuộc về toàn xã hội, từ vua đến dân, từ triều đình đến làng xã. Có được địa vị thượng tôn đó, không chỉ nhờ vào công sức của giới bình dân, mà còn là công lao to lớn của đội ngũ Nho sĩ trí thức, nhất là của chính quyền trung ương. Văn Nôm đã được cung đình hoá, quan phương hoá. Thực tế khi mà văn Nôm được quan phương hoá, cung đình hoá thì nó ngày càng có cơ hội phổ biến sâu rộng hơn trong toàn xã hội. Còn khi nó bị chính quyền ngăn cấm, vai trò của văn Nôm sẽ giảm đi rõ rệt.
Sau khi Gia Long tiêu diệt Tây Sơn, thiết lập triều Nguyễn, thì văn Nôm ít nhiều bị đẩy lùi dần ra khỏi địa bàn cung đình, khỏi vị trí chính thức trong xã hội. Nói đến văn Nôm, dường như đâu đó có thiên kiến là đồng nghĩa với vai trò của tầng lớp “bên dưới”, là tuyên truyền cho tư tưởng “làm loạn”, có hại đến “thế giáo”, đến trật tự xã hội, đến luân thường đạo lý. Các tác phẩm nghệ thuật Nôm cũng bị cái gọi là phái “đạo đức” chính thống “khuyên răn” dè chừng :
Làm trai chớ đọc Phan Trần,
Làm gái chớ đọc Thuý Vân Thuý Kiều...
Nhưng khác với thời chúa Trịnh, ở thời nhà Nguyễn, sức sống của văn Nôm đã đủ mạnh, không một lực lượng nào có thể cản ngăn. Các vua đầu triều Nguyễn như Gia Long vẫn sử dụng văn Nôm trong công văn thư tín. Sau này, nó bị cấm đoán, nhưng càng cấm đoán nó lại càng được mọi người chú ý. Và không chỉ đối với đông đảo nhân dân, ngay một bộ phận người thuộc tầng lớp trên, thậm chí giữa cung đình nhà Nguyễn, sự say mê truyện Nôm cũng đã trở thành “bất khả kháng” :
Mê gì ? Mê đánh tổ tôm,
Mê ngựa Hậu Bổ, mê Nôm Thúy Kiều ...
Văn Nôm tuy không thể có được địa vị rạng rỡ, “tung hoành ngang dọc”, được cả xã hội thống nhất thừa nhận như dưới thời Tây Sơn, nhưng việc mất vị trí quan phương trong xã hội triều Nguyễn chẳng những không làm cho nó bị tiêu diệt mà như một qui luật ăn sâu bám chắc, nó vẫn tiếp tục ngấm ngầm phát triển, thậm chí có phần mạnh mẽ hơn, với những đóng góp nghệ thuật hết sức to lớn của những nhà văn có tên tuổi như Nguyễn Du, Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương... để rồi tiến tới sự đột biến về chất khi chuyển sang chữ quốc ngữ và trở thành ngôn ngữ chính thức đầy sức sống của văn hoá Việt Nam trong tương lai.
Trong khi tìm hiểu mối quan hệ giữa văn học của hai triều đại đối nghịch về lập trường chính trị là Tây Sơn và Nguyễn này, chúng ta chẳng những có thể lý giải được nhiều giá trị văn học tự thân của nó, mà còn có thể góp phần lý giải được sức sống tiềm tàng của văn học dân tộc suốt trên một nghìn năm qua trong những bối cảnh lịch sử đầy biến động, sóng gió và thậm chí thù địch giữa các phe phái, giữa các họ cầm quyền hay giữa các tư tưởng chính trị khác biệt nhau. Bài học rút ra ở đây là, giá trị của văn học đâu phải chỉ là ở lập trường chính trị của triều đại “tích cực” này hay của triều đại “tiêu cực” kia, mà là ở những đóng góp mới mẻ về tư tưởng và nghệ thuật của nó trong tiến trình văn học dân tộc. Chính đó mới là sợi dây vô hình gắn kết văn học của mọi thời đại, mọi triều đại, mọi tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo... lại với nhau, cùng làm nên nền văn học thống nhất của một nước Việt Nam thống nhất. Lịch sử văn học dân tộc chính là lịch sử của nền văn học thống nhất đó.
TS. NGUYỄN PHẠM HÙNG
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Đại học Quốc gia Hà Nội
(1),(3),(4) Nguyễn Đổng Chi: Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam. Q.III, NXB Văn Sử Địa, H. 1959, tr. 284.
(2),(5) Lê Thước, Trương Chính: Tìm hiểu dòng văn tiến bộ thời Tây Sơn. Tạp chí văn học, số 6/ 1971.
(6) Nguyễn Đổng Chi: Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam. Q.III, NXB Văn Sử Địa, H. 1959, tr. 279.
(7) Nguyễn Lộc: Văn học Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX. T.I, NXB ĐHTHCN, H.1976, tr. 79.
(8) Văn Tân: Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam. Q.IV, NXB Văn Sử Địa, H. 19559, tr. 179.
(9) Tạ Chí Đại Trường. Lịch sử nội chiến ở Việt Nam. Tr. 360
(10) Tạ Chí Đại Trường. Lịch sử nội chiến ở Việt Nam. Tr. 360.