- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Bến Bờ Đợi Mong

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 8254)
Bao giờ thì anh mới về lại thăm Huế! Nhìn lại giòng sông Hương lặng lờ cùng cây cầu Trường Tiền soi bóng. Cây cầu sáu vài mười hai nhịp đó anh! Cây cầu trắng xóa càng tô điểm cho Huế có màu sắc rực rỡ và trong sáng hơn. Cây cầu mà anh thường dí dỏm, cho đó là biểu tượng của màu trắng trinh nguyên, của nữ sinh, của tuổi hồn nhiên học trò. Cho đến bao giờ nữa? Hay là anh đã quên. Quên đi như mệ cùng mấy o vẫn thường nói. Theo em, thì chẳng khi nào anh có thể quên được. Từ Gia Hội, Hàng Bè, Thương Bạc, Bao Vinh, Thành Nội, Cầu Kho, Lương Y cho đến Tây Lộc cũng đều có dấu chân anh in hằn ở trên đấy. Tất cả đều gắn bó, gói ghém với anh cả hằng bao nhiêu năm trời. Bao nhiêu năm tích tụ thành khoang trời êm ả, tươi mát. Bao nhiêu năm vun sới, chăm bón thánh cánh đồng mượt mà, bát ngát của kỷ niệm.

Anh vẫn thường nói với em: Anh yêu cái không khí trầm mặc, cổ kính của cố đô. Yêu cột cờ Phu vân Lâu đứng hùng dũng, ngạo nghễ với thời gian, chứng kiến từng bước đi thăng trầm, nghiêng ngả của lịch sử đất nước. Yêu thành quách, lâu đài uy nghi, tráng lệ trong đại nội. Yêu các chuyến đò ngang chở đầy ắp những cô nữ sinh Đồng Khánh hồn nhiên, mượt mà dưới nắng ấm. Em nhớ mãi những buổi chiều thứ bảy ngoài Thương Bạc. Những buổi chiều sau xuất chiếu bóng tại rạp Hưng Đạo. Những buổi chiều mà chúng mình thường thơ thẩn nhìn sương chiều dật dờ, lãng đãng ở trên sông. Huế đã buồn mà mùa thu lại càng buồn hơn bao giờ hết. Văng vẳng ở trên không, có tiếng chuông Thiên Mụ trầm ấm, ngân vang, khiến cho người ta tạm thời quên đi được phần nào nỗi đắng cay, ray rứt của trần tục. Cứ mỗi lần nghe tiếng chuông ngân, lại khiến cho anh chạnh lòng liên tưởng đến “Hồn bướm mơ tiên,” đến chùa Long Giáng, đến chú tiểu Lan và anh chàng Ngọc. Cuốn tiểu thuyết mà chúng mình say sưa đọc đi, đọc lại nhiều lần. Cuốn tiểu thuyết ấy chính tay anh đưa cho em. Càng xem, em lại càng thấy mê mẩn, bùi ngùi làm sao ấy! Mối tình ấy tuyệt đẹp anh nhỉ? Dưới ngòi bút tuyệt vời, sắc sảo của nhà văn Khái Hưng đã đưa người đọc vào những cảm giác nhẹ nhàng, lãng mạn rồi đi tới bàng hoàng, sửng sốt. Lá rụng! Hai chữ lá rụng khiến cho người đọc sững sờ, ngẩn ngơ ở trong đấy. Em đọc mãi mà vẫn chẳng thấy chán, thậm chí em còn gần như muốn thuộc lòng nữa là đằng khác. Cứ mỗi lần đọc xong, em lại cảm thấy toàn thân mình rã rời, kéo theo nỗi buồn man mác đang gợn nhăn, nhen nhúm ở trong em. Đầu óc em lúc bấy giờ tự nhiên nẩy sinh ra những luồng suy nghĩ vẩn vơ, cho hôm nay, cho quá khứ vừa đi qua cùng những gì đang tới ở trước mặt. Cuộc sống chẳng khác nào như bốn bức tường, vây chặt, chôn kín em vào với thành phố này, kể từ khi em lọt lòng mẹ cho đến bây giờ. Em chưa hề đặt chân đến Đà Nẵng. Chưa hề biết đến thành phố Quảng Trị, cũng như chưa bao giờ được nhìn thấy tận mắt ngọn đèo Hải Vân. Em chẳng khác nào loài ốc sên, sống thu mình trong cái vỏ cứng hạn hẹp, cố định. Chuỗi ngày tháng hờ hững, lạnh nhạt đi qua, đã để lại ở trong em cả một nỗi u uất, ray rứt triền miên, cũng giống như những toa tàu thầm lặng chạy bất tận vào năm tháng.

Mới cách đây chưa đầy một tháng, em tình cờ gặp lại đám bạn học cũ. Chúng nó đều trố mắt nhìn em khá lâu rồi đồng thanh kêu lên:

“Răng mà mi ốm rứa!”

Chúng nó xuýt xoa hỏi em đủ điều. Anh cũng biết tính con gái mà. Lâu ngày gặp nhau thì thiếu gì chuyện để nói. Chúng nó kéo em xuống tiệm kem tận đường Hàng Bè. Chúng nó có hỏi thăm về anh:

“Dạo này anh ở mô! Có thường về thăm mi không!”

Chúng nó nói uyên thuyên:

“Chừng nào thì tụi mi lấy nhau!”

Em ngượng ngùng, chẳng biết trả lời chúng nó thế nào. Chúng nó tíu tít, chẳng khác nào như hồi còn đi học. Anh còn nhớ con Diệu, con My không? Hai đứa nó đều ở xóm mình trước kia đấy anh! Bây giờ thì chúng nó đều lấy chồng xa, đồng thời đi theo chồng vào sống tận trong Nha Trang và Phú Yên. Đứa nào cũng đều tay bế, tay bồng hết cả rồi. Chúng nó vẫn gọi anh là anh chàng Bắc Kỳ. Vẫn cái bản tính khôi hài, diễu cợt cố hữu như ngày xưa. Trước khi chia tay, chúng nó còn nói với em:

“Khi nào tụi mi cưới nhau thì nhớ báo cho bọn tau biết hỉ?”

Em nói với chúng nó:

“Ngày đó còn lâu lắm.”

Chúng nó trố mắt ngạc nhiên:

“Răng rứa!”

Em nhún vai, gắng gượng điểm nụ cười khỏa lấp. Chúng nó nhìn nhau tỏ vẻ ái ngại, rồi vỗ vai em như biểu lộ sự an ủi, vỗ về:

“Khó khăn nào rồi cũng có thể vượt qua. Hãy ráng giữ gìn sức khỏe, nghe Nhan.”

Anh vẫn từng nói với em: Huế đã thấm dần, ăn sâu vào huyết quản, vào tim não rồi trở thành quê hương thứ hai ở trong anh. Từ đó, tuổi thơ anh cựa mình rồi nhịp nhàng tăng trưởng theo thời gian. Anh cũng giống như loài chim biển, lớn lên, lìa tổ rồi tung cánh bay biền biệt vào không gian bất tận. Em hình dung ra ngày đầu tiên mà gia đình anh mới dọn đến cái xóm canh nông nghèo khó này. Cái xóm tối tăm, lụp xụp, nhầy nhụa, nhớp nhúa, trơn trợt vào mùa mưa. Ban đêm chỉ có tiếng muỗi vo ve cùng những ánh đom đóm lập lòe chẳng khác nào nhà quê. Dạo ấy chúng mình đều còn nhỏ dại, ngây thơ anh nhỉ? Bây giờ, thỉnh thoảng chợt nhớ lại, em mới thấy nuối tiếc và ước ao muốn được sống lại những đêm trăng sáng thuở nào. Những đêm trăng đi vào lầu son, gác tía của kỷ niệm. Em nhớ mãi các trò chơi đập mạng, ú tim cùng nhiều trò chơi náo nhiệt khác khiến cho chúng ta cảm thấy thích thú và quên đi cả giờ giấc. Làm sao mà chúng mình có thể quên được những giây phút hồn nhiên đó, hở anh?

Anh còn nhớ hồ Tịnh Tâm không, anh! Hồ Tịnh Tâm mà chúng mình thường hẹn hò vào những đêm tối trời, thanh vắng. Nơi đấy vẫn vắng vẻ, yên tĩnh như ngày nào. Vẫn ngôi nhà vọng nguyệt đứng sừng sững, uy nghi cùng cây cầu xi măng bắc thẳng ra đấy. Nhớ lại cái tuổi ấy, tự nhiên em thấy sao mà mình ngây ngô quá anh nhỉ? Cái tuổi đang bước vào thời kỳ mơ mộng, biết thẹn thùng, biết ngắm dáng mình trong gương và bắt đầu gõ cửa đi vào các cuốn tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn, của Nửa chừng xuân, của Đôi bạn, của Đoạn tuyệt, của Bướm trắng, của Tiêu Sơn tráng sĩ, của Lạnh lùng, của Anh phải sống&.Kể ra, dạo ấy chúng mình cũng gan thật. Chung quanh ta, không gian tối đen như mực tàu. Chỉ có mùi hương sen tỏa lên ngạt ngào cùng tiếng gió thì thầm, chạy đuổi nhau trong lá cây. Anh hỏi em có ước vọng gì cho tương lai! Em nói với anh, em muốn trở thành một cô giáo. Em yêu nghề giáo chức, bởi vì em nhận thấy rằng: Cái nghề ấy rất cao quí đối với em. Còn anh?

Anh nhún vai thản nhiên:

“Anh thích đi vào quân đội. Anh thích hào hùng. Thích đời sống nay đây mai đó. Anh không thích chôn dí cuộc đời vào một chỗ.”

Em hỏi gặng lại:

“Sao anh không chọn con đường nào khác?”

Anh đăm đăm nhìn vào bóng đêm:

“Anh không thích. Chỉ có binh nghiệp mới lá lý tưởng của đời anh. Nhất định anh phải theo đuổi và thực hiên cho bằng được.”

Sao dạo này em lại thường nằm mơ thấy anh! Em mơ thấy anh chở em trên chiếc xe đạp chạy rong chơi, êm ả vào các con đường tối đen trong Thành Nội. Hai bên, mùi hoa sứ tỏa ra nồng nàn, gây liền cảm giác ngầy ngật, dậy lên ở trong em. Anh dẫn em đi ăn cơm hến ở quán Âm Phủ. Ăn bánh bèo ở Ngự Bình và bánh khoái ở bên ngoài cổng Thượng Tứ. Bao nhiêu kỷ niệm êm đềm lần lượt hiện về. Em còn thấy mình đi cắm trại ở bãi biển Thuận An. Dạo ấy chúng mình còn học chung với nhau ở Việt Hương, phải không anh! Đêm hôm ấy, các lớp tổ chức đốt lửa trại, rồi tất cả đều nắm tay nhau và đồng thanh hát bài “Lửa rừng khuya” thật vui anh nhỉ? Trong khi đó, tiếng sóng biển cứ gào thét, ồ ạt, hung hãn tạo thành chuỗi âm thanh chát chúa, bất tận. Lần đầu tiên em thấy biển. Biển bao la, mông mênh lạ. Tan lửa trại, chúng mình đi lang thang trên bãi đêm. Anh dơ tay chỉ cho em xem từng ngôi sao trên trời, tửng giải ngân hà chập chùng, lấp lánh. Em ngây thơ hỏi anh:

“Răng mà anh biết được?”

Anh điềm đạm trả lời:

“Ngày xưa mẹ thường chỉ cho anh xem vào những đêm tối trời, oi bức ở quê anh. Quê anh ở xa lắm, tận bên kia bờ của vĩ tuyến 17, cách ngăn bởi giòng sông hiền hòa Bến Hải. Cây cầy oan nghiệt Hiền Lương bỗng nhiên trở thành đường ranh giới hận thù, phân định thành hai lãnh thổ riêng biệt cùng hai thể chế chính trị rõ rệt, đồng thời chia cắt tình người của cả hai miền Nam Bắc”. Anh nói: Miền Nam có tự do, có sức sống, có tình người. Trong khi đó, tại miền Bắc, hai chữ tự do bị người ta khóa chặt, và con người chẳng khác nào những tên nô lệ lam lũ, cơ cực, không hơn không kém. Theo lời chú anh vượt tuyến sau cùng vào kể lại, thì chế độ hiện nay tại miền Bắc là một chế độ bạo tàn, khát máu, đi ngược lại với những nguyện vọng thiết tha của nhân dân. Chú anh bảo: Ngoài đó, người ta đương khởi xướng phong trào cải cách ruộng đất. Người ta gay gắt kết tội giai cấp địa chủ, lên án cường hào, ác bá. Người ta phát động chiến dịch đấu tố dã man. Bao nhiêu thây người ngã xuống trong tủi nhục, oán hờn. Tang tóc phủ dầy trên quê hương miền Bắc. Chú anh thuật lại trường hợp của bố vợ ông bị đưa ra đấu tố. Năm ấy ông cụ đã ngoài bảy mươi mà bọn chúng vẫn không chịu buông tha, cũng chỉ vì ông cụ từng ngồi ở chức lý trưởng khá lâu trong thời gian trước kia. Chúng gán ghép cho ông cụ cái tội ác ôn, làm tay sai cho thực dân Pháp, ỷ thế, lộng quyền, hà hiếp, bóc lột, đàn áp vá hút máu mủ của nhân dân. Hai tay cụ bị trói chặt ra sau lưng và được dẫn ra quì ngay giữa sân đình. Trong lúc đó, những tiếng hò hét, la ó dậy lên ở chung quanh. Theo lời chú anh, thì lúc ấy ông cụ chẳng khác nào tên tử tội dẫn ra pháp trường để hành quyết. Ông cụ là mẫu người hiền lành, khiêm tốn và có đức tính thương người. “Điển hình, qua nạn đói năm Ất Dậu. Nếu không có ông cụ mở kho lúa, đứng ra phát chẩn, bố thì trong làng còn chết vô số kể”. Đấy là lời của một vị bô lão có uy tín ở trong làng đã ghé sát vào tai chú anh nói nhỏ như thế.

Chú anh nói, không khí lúc ấy thật căng thảng vô cùng. Sau khi tên chủ tịch dõng dạc tuyên bố vài câu hằn học, đanh thép, tiếp đến là gã cán bộ lực lưỡng, đanh ác bước ra đọc bản cáo trạng. Chấm dứt bản cáo trạng là tới màn đả đảo. Mọi người đều phải dơ tay, hô lớn theo lệnh của mấy tên cán bộ nằm trong đội cải cách. Cuối cùng, lần lượt từng người ở cho tới tá điền thay phiên nhau bước ra xỉa xói, nhiếc mắng, tố khổ ông cụ rất thậm tệ. Họ bịa ra đủ điều. Họ nói ông cụ là kẻ dã man, khát máu, thường hay hành hạ, đánh đập họ một cách thật tàn nhẫn trước đây. Thậm chí có người còn nhổ cả nước bọt vào đầu ông. Họ bị hăm dọa, bị bắt buộc bởi những tên cán bộ cò mồi, hung hãn. Đuối sức, ông cụ đã gục xuống chết trong sự tủi hờn, căm phẫn, trước những trận mưa đá tới tấp ném thẳng vào người ông. Đấy chính là nguyên nhân, động lực đã thúc đẩy chú anh bỏ cả vợ con cùng mọi người thân thuộc, liều lĩnh vượt qua sông Bến Hải để đi tìm bến bờ cho hai chữ tự do.

Anh kể cho em nghe về Hà Nội, về hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Trúc Bạch cùng nỗi nhớ nhung, ray rứt triền miên ở trong anh. Anh nói với em về Ngọc Hà là nơi mà gia đình anh từng sinh sống ở nơi đấy, cho đến những chuyến xe điện về chiều ồn ào, huyên náo. Về ngôi chợ Đồng Xuân, về phố hàng Đào, về con đường Cổ Ngư, về khu vườn Bách Thảo trầm lặng cùng những ly lục tàu xá còn nóng hổi tỏa ra mùi thơm phức. Anh nhắc đến hương cốm làng Vòng trong “Hà Nội ba mươi sáu phố phường” của Thạch Lam còn thoang thoảng mùi lúa mới. Hà Nội đi vào tuổi thơ ngà ngọc ở trong anh. Nó chẳng khác nào cái nôi hồng êm ả, mịn màng, ru anh thiếp lịm ở quá khứ. Anh mơ có một ngày về lại Thăng Long, nhìn lại căn nhà cũ mà anh đã ở. Chiêm nghiễm đền Ngọc Sơn và được đi lại trên cây cầu Thê Húc duyên dáng. Anh muốn được ngồi lại trên các toa tàu điện, chạy xuyên qua ba mươi sáu phố phường về đêm. Ba mươi sáu phố mỹ miều đi vào văn chương, đi vào huyền thoại. Anh còn kể cho em nghe về những ngày hấp hối năm năm mươi tư, cùng những nỗi hoang mang, giao động trùm kín xuống lòng người Hà Nội. Anh thấy từng chiếc xe ô tô hàng chạy hoảng hốt về xuôi cùng các khuôn mặt thờ thẫn, ngơ ngác ở trên đấy. Hà Nội đang nằm trong tình trạng căng thẳng tột cùng của căn bệnh ngặt nghèo bất trị. Người ta bàn tán xôn xao về tình hình chia cắt sắp tới của đất nước, về hiệp định oan nghiệt Genève, về cái tin bộ đội Việt Minh sắp vào thành để tiếp quản, về hai chữ di cư, về Nam Bộ nghe xa xôi, diệu vợi, cùng giòng người lũ lượt gồng gánh ra đi. Anh còn nói với về em quê anh, về ngôi làng bé nhỏ, xác xơ nằm ngay bên trục lộ đổ xuôi về Nam Định. Quê anh có lũy tre xanh êm đềm bao bọc ở chung quanh cùng những mái ra nghèo nàn, hiu hắt. Có con sông đào ngoằn ngoèo, uốn khúc. Quê anh là tiếng gọi thiêng liêng và chân tình, là nơi mà anh sinh ra, cất tiếng khóc đầu đời ở tại nơi đấy. Quê anh có tiếng võng kẽo kẹt về trưa cùng những tiếng gà gáy xao xác buồn não nề. Quê anh lam lũ với những khuôn mặt hiền lành, chất phác cùng những tấm áo nâu ngả màu, vá víu theo thời gian. Quê anh nghèo đồng chiêm. Đồng chiêm loáng nước, lênh láng vào những đêm trăng tháng tám thuở nào. Những đêm trăng vằng vặc, yên tĩnh và bên tai, thoang thoảng có tiếng sáo diều vi vu, lơ lửng, dật dờ ở trên không khiến cho người ta tạm thời quên đi được phần nào nỗi xót xa, buồn phiền nơi cuộc sống.

Anh nói vời em rằng, anh sẽ trở về. Về để hâm lại mọi kỷ niệm và đồng thời tô thêm cho tình yêu mình bóng bẩy, đậm đà, chau chuôt nhiều hơn nữa. Huế đã xây ở trong anh cả tháp ngà lộng lẫy của tình yêu. Tình yêu ấy sẽ tồn tại và hiện diện mãi mãi ở nội tâm anh. Anh viết rât nhiều ở trong đấy. Đọc thư anh, em bồi hồi, xúc động vô biên. Bồi hồi, bởi vì cảm giác sung sướng chợt bừng lên. Em sung sướng thật sự. Em muốn la lên một tiếng thật to để bầy tỏ niềm sung sướng tột cùng đến với tất cả mọi người ở chung quanh. Nói như thế mong anh đừng có cười em. Em đem lá thư ra khoe với mệ cùng với mấy o. Mọi người đều vui mừng, hỏi han về anh. Mệ đặt tay lên vai em, cất giọng rung rung:

“Bây chừ thì nó ở mô?”

Em dơ tay chỉ vào xa xăm:

“Anh ấy ở xa lắm. Ở tận vùng cao nguyên, nơi mà mệ vẫn thường nghe nói đến các trận đánh kinh hoàng, nẩy lửa được diễn ra thường xuyên vào những mùa mưa.”

Mệ trầm ngâm, dơm dớm nước mắt:

“Tội nghiệp nó hỉ.”

Mệ vẫn thường hay nhắc đến anh, đến mọi kỷ niêm về anh hồi còn nhỏ. Cứ mỗi lần anh chạy sang nhà em, mệ thường chọc:

“Mi đi mô rứa!”

Anh khựng lại, nói lí nhí chẳng ra tiếng. Mệ cười xòa. Mấy o cũng cười theo. Anh đứng chết trân như trời trồng, sững sờ nhìn xuống đất. Lúc ấy thấy anh thật tội nghiệp vô cùng. Mệ vẫn còn nhớ từng cử chỉ, cho đến từng lời nói ngây thơ, ngộ nghĩnh của anh. Nhất là o Huệ. Anh còn nhớ o Huệ không? O mà ngày xưa thường hay nhái giọng Bắc để choc anh. O vẫn vậy, không chịu lấy chồng và khép kín, đóng khung cuộc đời giống như một nhà tu. À! Em quên! Sau khi đưa lá thư cho mệ cùng mây o. Mệ thờ thẫn:

“Tau cứ tưởng nó quên đi tất cả rồi chứ.”

Ngẫm nghĩ giây lát, người mới hạ thấp giọng thật cảm động:

“Nói rứa, chứ làm răng mà quên được hỉ.”

Năm nay mệ cũng già lắm rồi. Tám mươi mấy tuổi đầu rồi còn gì nữa? Ở tuổi này thì cũng gọi là thọ lắm rồi. “Bây giờ người còn ở với chúng ta được ngày nào thì biết ngày đó.” O Huệ vẫn thường nói với tất cả mọi người như thế.

Em lớn lên trong vòng tay cùng hơi ấm của mệ và mấy o. Năm em tròn ba tuổi thì ba má em đột ngột ra đi trong một tai nạn xe cộ rùng rợn gần Lăng Cô. Từ đó, mệ nuôi em lớn lên và dạy cho em nên người. Mệ dạy em, làm người phải lấy chữ “nhân” đi trước. Phải từ bi, hỷ, xả và luôn luôn nhớ rằng, hai chữ “nhân quả” bao giờ cũng ứng dụng ngay trong đời sống. Đạo Phật dạy cho người ta quay về với chữ “Thiện”, từ bỏ mọi tham, sân. si, đề từ đấy giữ cho lòng mình được thanh thản, yên tĩnh. Người dạy em nhiều lắm. Cuối đời người chỉ mong cho em sớm được yên bề gia thất. Được như thế, dù có phải nhắm mắt từ giã khỏi đời sống này, mệ cũng lấy làm mãn nguyện lắm rồi.

Huế vẫn vậy. Vẫn đời sống trầm mặc, cổ kinh, của thành quách, của lăng tẩm, của những chuyến xe đò đi về Dạ Lê, An Cựu, Kim Long trong cơn mưa mịt mùng, tầm tã. Vẫn quán cà phê Phấn nằm trên đường Trần hưng Đạo mà anh thường la cà với bạn bè trước đây. Quán bánh bèo quen thuộc trên Ngự Bình mà chúng mình thường ngồi. Mấy gánh bánh khoái nằm bên ngoài cửa Thượng Tứ cùng những tô bún bò của mụ Rớt còn nóng hổi, đỏ chót màu ớt bột. Huế vẫn bằng đấy, không thay đổi. Vẫn vẻ mặt kín đáo, trầm tư, buồn muôn thuở. Nhịp sống vẫn lặng lẽ, âm thầm chảy liên tục vào năm tháng. Lăm khi em tự hỏi với chính mình: Nếu biết cuộc đời là biển khổ thì tai sao thượng đế lại sinh ra con người? Con người từ khi sinh ra rồi lớn lên vật lộn với cuộc sống và cuối cung thì đi về an nghỉ với lòng đất. Tất cả đều được đóng khung, khoanh tròn vào trong cái vòng luẩn quẩn của hai chữ định mệnh. Càng nghĩ, em lại càng thấy nhức đầu, hoa mắt trước những từ ngữ mà mệ vẫn thường hay nói với em.

Huế đang bước vào mùa mưa. Những cơn mưa trút xuống ào ào như thác đổ. Mưa lên láng, ngập đầy cả lối đi. Cứ mỗi lần mưa xuống thì y như em lại chợt nhớ đến anh, đến hình ảnh anh đứng chờ em ngoài cổng trường Đồng Khánh năm nào. Trong khi đó, cơn mưa vẫn thờ ơ, lạnh lùng trút xuống, khiến cho em cảm thấy xúc động vô ngần và không cầm được nước mắt. Hỉnh ảnh đó sẽ sống mãi theo thời gian, và em tin chắc rằng, nó sẽ chẳng bao giờ nhạt phai ở trong em.

Bây giờ thì anh đương làm gì! Ngồi, ngủ hay đi, đứng hở anh! Hay anh đương giàn đội hình để chuẩn bị tấn công lên ngọn đồi hực lửa nào đó, hoặc đang lầm lũi truy kích địch trong khoảnh rừng già heo hút Tây Nguyên. Em ước gì mình có đôi cánh, để bay thẳng đến tận chỗ anh ở, hầu san sẻ với anh được phần nào nỗi gian truân, cực khổ mà anh cùng đồng đội đương âm thầm chịu đựng. Em mơ đến một ngày thật đẹp trời. Một ngày có nắng lụa trải dài lên Thành Nội, anh đột ngột trở về, và chúng mình sẽ đi thăm lại mọi người thân thuộc cùng bạn bè xưa cũ. Chăc ngày ấy vui lắm anh nhỉ! Tự nhiên em chợt nhớ tới bản nhạc trữ tình của Tô Vũ, mà trước đây cứ mỗi lần thoáng trông thấy anh, thì y như con nhỏ Diệu lại ngân nga, cất cao giọng hát để chọc em:

“Ta ước mơ một chiều thêu nắng, anh đến chơi quên niềm cay đắng và quên đường về.”

TRANG LUÂN

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 9906)
(Xem: 9694)
(Xem: 9177)
(Xem: 9652)
(Xem: 10131)
(Xem: 9173)
(Xem: 10009)
(Xem: 10617)