- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tàn Một Cuộc Chơi

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 7933)
Trận cầu quốc tế kéo dài trong bốn năm đã kết thúc, khi 32 đội banh quốc gia gặp nhau ở Đức để tranh nước rút trong vòng một tháng đúng, kể từ ngày 9/6 vừa qua.

Trong 32 đội này thì Âu châu có 14 đội, Mỹ châu 8, Phi châu 5, Trung Đông 2, Á châu 2, Úc châu 1: Australia [từ sau Giải 2006 sẽ thuộc về Á châu].

Từ ngày 9/6/2006, 32 đội này chia thành 8 toán, mỗi toán 4 đội đấu với nhau để chọn 2 đội cao điểm nhất để vào vòng loại. Vòng loại như vậy gồm 16 đội đấu với nhau để còn 8 đội, 8 đội còn lại 4, 4 còn lại 2 , 2 còn lại 1. Vô địch. 4 đội làm thành 2 toán cuối cùng là Pháp, Bồ Đào Nha, Italia và Đức. Pháp loại Bồ Đào Nha, Italia loại Đức. Đức và Bồ Đào Nha lại phải tranh nhau ngôi thử 3, Pháp và Italia gặp nhau trong trận chung kết để dành ngôi thứ nhất.

Trận quyết tử Pháp - Italia diễn ra hồi 4 giờ sáng giờ Sydney hôm thứ Hai ngày 10/7 tại vận động trường Berlin của Đức. Trọng tài trận đấu quyết tử này là Horacio Elizondo, người Argentina. Kết quả: Italia loại Pháp bằng tỷ số đá ‘phạt đền’ 5/3 đoạt chức vô địch.

Lỗi Gì Mà Phạt?

Theo luật, sau hai hiệp mỗi hiệp 45 phút, nếu hai đội đồng điểm thì sẽ đấu thêm hai hiệp mỗi hiệp 15 phút. Nếu hai đội vẫn bất phân thắng bại thì sẽ bốc thăm đá phạt đền [penalty] mỗi đội thay phiên nhau lần lượt đá 5 quả. Italia được đá trước. Quả thứ 3 Italia đó lọt lưới Pháp. Pháp đá hụt quả thứ ba, Italia vào quả thứ tư, Pháp vào quả thứ tư, Italia vào quả thứ 5, thế là hết. Pháp khỏi đá quả thứ năm vì có vào thì cũng tỷ số 5/4 mà thôi! Chậm mất rồi.

Những quả sút này gọi là penalty hay phạt đền. Nhưng gọi thế thì đúng là vừa gượng ép, vừa kỳ khôi quá. Bởi cả hai đội đều có lỗi gì đâu mà phải chịu phạt? Và nhất là cả hai đều chịu phạt?! Cho nên penalty đây thật ra chỉ là một cách tính điểm. Và là một cách tính điểm bất đắc dĩ qua loa cho có, bởi ai cũng thấy rõ, có những cầu thủ thượng thặng vẫn đá penalty hụt như thường, và nhiều khi có hụt nhiều hơn thiên hạ nữa.

Zidane, anh hùng lem lấm

Giấc mộng World Cup 2006 của Pháp hoàn toàn tan vỡ khi thủ quân Zidane bị đuổi ra khỏi sân vì tội dùng đầu đánh vào ngực Marco Materazzi của Italia. Chuyện động trời này xảy ra khi trận đấu chỉ còn 9 phút nữa là hết hiệp bổ túc và có thể sẽ phân định hơn thua bằng những cú penalty. Đội Pháp như rắn không đầu. Trong lúc đội Pháp đang hồi hộp sống chết với những quả penalty thì Zidane ngồi gục đầu trong phòng thay áo.

Không có lửa làm sao có khói. Trận đấu khởi sự mới được 9 phút thì Italia bị quả penalty. Người phạm lỗi là Materazzi đã khều té Malouda trong vòng cấm địa và người ghi bàn thắng cho Pháp là Zidane. Để rồi cũng chính Materazzi là người phá lưới gỡ huề cho Italia vào phút thứ 39.

Vì cú penalty đó mà Materazzi xiên xỏ chọc quê Zidane khiến Zidane điên đầu làm hư sự. Trọng tài không thấy Zidane hành hung Materazzi, người đích thân làm to chuyện này là thủ môn Buffon của Italia. Trọng tài hội ý với trọng tài biên và nhất là với phòng thu hình theo dõi trận đấu, hay còn gọi là camera referee, rồi quyết định phất thẻ đỏ đuổi Zidane ra khỏi sân.

Thông thường phạt là đi với phạt đền hoặc bằng cú sút penalty, hay phạt trực tiếp hay phạt góc... đàng này đuổi Zidane khỏi sân nhưng không kèm một biện pháp chế tài nào đi kèm cả. Phải chăng vì chính trọng tài cũng phân vân Zidane có lỗi là đã đơn phương hành động nóng giận nhưng nếu phạt Zidane thì cũng phải phạt Materazzi là người gây chuyện mới công bằng? Lại nữa, đây là lần đầu tiên, và là lần duy nhất, trong suốt mùa World Cup 2006, trọng tài đã dùng đến camera referee để quyết định phải trái. Phải chi trong trận Australia gặp Croat, và nhất là trong trận Australia đụng độ với Italia, mà trọng tài cũng chịu khó dùng camera referee thì biết đâu Italia đã không le lói huy hoàng như hôm nay?!

Không có trọng tài thì loạn, nhưng có trọng tài cũng chưa chắc đã hết loạn. Dù là nhất cử nhất động của trọng tài thường cũng có cả tỷ người nhìn vào. Dê kêu. Một trong những luật chơi tối thượng là phải xem trọng tài như cha thiên hạ, không chịu thì đừng chơi.

Bên Tình Bên Hiếu

Trước đây, sau khi xem trận Nhật-Australia, Anthony tôi tâm sự với một người thân: Tôi cũng có cảm tình với Nhật thế nhưng thấy Nhật thua tôi chẳng buồn hay xót xa chút nào. Mà lại thấy khoái nữa, vì Australia thắng. Hôm qua đến giờ tôi cứ phân vân, may mà mình không phải xem một trận sống chết giữa Australia với Việt Nam... Ui chao! vỗ tay hoan hô phe nào đây? Vỗ tay Việt Nam thì có thể mang tội vô tình với Australia, hoan hô Australia thì có thể bất hiếu với Việt Nam, phải không? Và Anthony tôi không khỏi sững sờ khi nghe người ấy trả lời: Em thì dễ thôi, ai chơi hay là em vỗ tay, phe nào chơi xấu là em đả đảo. Tôi nghe mà nao núng tâm phục, nhìn người trước mặt như một kẻ đã đắc đạo. Thì ra mình còn chấp quá cho nên tâm động lung tung. Hôm nay nhắc lại chuyện đó thì người đó mới bật mí cho tôi bí quyết tâm bình đó đâu mà có. Vì em đọc Krisnamurti! Nhất là quyển Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng. Anthony tôi lại thua nữa rồi, bởi hồi còn đi học, tôi cũng chịu khó cày bừa Krisnamurti lắm, nhưng có bao giờ nghĩ đến chuyện dùng Krisnamurti như cái ống nhòm để xem đá banh trăm phần trăm như thế đâu!

Trần Tế Xương hay Tú Mỡ?

Nói chuyện tâm động khi xem World Cup tôi lại nhớ đến Thủy Tinh và bài thơ GIỌT LỆ CHO NGƯỜI đăng trên Văn Nghệ SY số trước. Không có Chủ Bút Hồ Ông nhắc thì suýt nữa tôi đã như người mù nhìn viên ngọc quý. Trước đây, có lần tôi đã đọc được một vài bài của Thủy Tinh do Hồ Ông gợi ý. Tôi nghĩ mình có gene cà khịa, nhưng Thủy Tinh còn hơn tôi xa...

Thủy Tinh bảo bài Giọt Lệ Cho Người là một bài bi ca hoa lệ, theo lối thơ nhạc giao... banh, nên phải vừa ngâm vừa hát thì mới hùng tráng. Bài thơ của Thủy Tinh là một thứ Úc-Việt giao duyên, giữa một bạn gái người Australia và một chàng trai ... Mít đặc.

Đọc đi đọc lại bài thơ của Thủy Tinh tôi cứ phân vân tự hỏi: Tú Mỡ hay Trần tế Xương có sống lại thì có lẽ cũng đến thế này là cùng?

Ngồi xem đá banh mà tâm Thủy Tinh động thật, và những rung động của Thủy Tinh đã như một thứ hải triều âm cuốn hút người đọc nhào đầu lạc địa để đến lúc lai hồn tỉnh trí thì nhận ra rằng, nói chi thì nói, mình vẫn mang căn cước của một tên Mít đặc, bất kể Peter, Jean, Jacques... là họ hay tên. Như Anthony Darlic vậy... Và bài thơ nguyên văn thế này...

We are one but we are many

And from all the lands on earth we come

We share the dream and sing with one voice

I am, you are, we are Australian...(1)

***

Nói với em cô gái người Úc mập.

Xin tha thiết gọi em dù em bự hơn anh,

Vì anh biết giờ đây em cần được dỗ dành,

Khi phút cuối thua một bàn lãng xẹt!

Đây khăn mù xoa, đây bàn tay gầy, em cứ tự nhiên lấy quẹt

Cho khô đi giọt lệ oan khiên.

Đây bờ ngực anh, trăng mỏng đêm sơ huyền,

Em hãy úp mặt rưng rưng niềm tủi hận.

Anh đã lo khi Kewell không ra trận,

Thiếu chàng rồi, đội Úc thiếu cà nông.

Mành lưới đối phương dẫu có nhẹ như bông,

Nhưng mất cà nông thì làm sao đánh thủng.

***

Anh ngồi xem, cố giấu đi niềm thắc thỏm

Sợ nói ra, thiên hạ biểu mình trù...

Khóc đi em nhưng đừng trách trọng tài mù

Ai cũng có lúc bù lạch ăn em ạ,

Khóc đi em nhưng đừng giận hờn quá xá,

Hãy nhớ dùm, em đang úp mặt trên vai kẻ còm nhom

Tức tưởi rồi em lỡ siết vòng ôm

Anh sẽ chết khi tiếng ‘G... o... a... l..’ chưa kịp thốt !

***

Khóc đi em để đêm mai, đêm mốt,

Mình chuyển sang cổ võ đội Braxil.

Khóc đi em cho ngấn lệ yêu kiều,

Muốn hỉ mủi thì cứ xài khăn giấy.

***

Anh dỗ em bằng cỏ xanh hoa dại

Cho nỗi buồn mọc cánh thành giấc mơ

Khi em ngủ ngoan trên ngực lép mỏng như tờ

Anh sẽ khóc một mình không ai dỗ.

Anh biết lấy ai cho anh than thở

Úp mặt lên ngực người, họ sẽ kêu police cái tội dê

Thua một lần, em đã nức nở tái tê

Em đâu hiểu nỗi niềm kẻ chưa bao giờ bước qua vòng loại

***

Em hãy đợi 4 năm sau đá lại

Còn riêng anh đã đợi bốn ngàn năm

Bốn ngàn năm tủi nhục, âm âm

Đá với Thái Lan còn thua, nói gì với Ý !

***

Anh cứ nhớ cái đêm hôm ấy

Em đá rất hay, đánh bại đội Japan

Anh nhảy lên, vỗ tay như pháo ran

Bỗng bất chợt nghe buồn như lủng lưới

Ngó bàn tay, lòng trầm chới với

Màu da vàng, mét mét gọi Việt Nam

Anh nhớ câu ‘Đừng thấy người sang...’

***

Dù em có rất thương gọi anh là ‘my folk’...

Anh vẫn biết mình khác nhau nhiều lắm

Em bự con, còn anh đã đẹt từ thuở mới chào đời

Anh lùn bân (dù một tấc tới trời).

Em vừa cao, lại vừa tế nhị.

Em trắng trẻo thơm tho, anh đen còm xấu xí.

Thuở em đến trường là ngày anh coi vịt ngoài ao,

Đêm nằm co mái dột trận mưa rào

Mơ mẹ sắm Ti Vi coi world cup.

Anh nhớ có một lần anh đứng nấp,

Góc cửa nhà hàng xóm coi đá banh.

Mất dép da, người ta đổ thừa anh

Nằm úp mặt cho mẹ đánh đòn, mẹ khóc...

***

Em hờn giận khi trọng tài bắt trật,

Khiến đội nhà thua mất 1-0.

Ở Bến Tre công an bắt lộn gã phó thường dân

Gã chết một đời và chưa bao giờ khiếu nại.

***

Anh mong bốn năm sau mình làm lại

Mark Viduka không còn biết đâu sẽ có Mark Nguyễn, Mark Lê

Mark sẽ ghi bàn, em sẽ vui, hạnh phúc sẽ tràn trề

Anh cũng sẽ vui, giấu cái buồn vì cái tên nhà quê đã trở thành tên Mark.

***

Ngày anh sang nhà em, anh có nghe em hát

‘We are one, but we are many’

Ai cũng vui, náo nức buổi party

Anh đứng một mình vì tiếng Anh lõm bõm

Em đã kéo anh vào đứng chung với nhóm

We are one, but we are many

We are Australian but i am Vietnamese

Có những niềm riêng làm sao nói hết...(2)

***

‘Có những niềm riêng làm sao nói hết

Như mây như mưa đắm trong biển khơi...’

Có những niềm riêng một đời giấu kín

Nên khi ‘can do’ thì đã rồi đời.

***

Có những niềm riêng làm sao nói hết

Since my English 's broken and poor...

Có những niềm riêng ngậm ngùi giấu kín

Khi chuyện tình duyên như chuyện... thầy chùa

***

Em hãy khóc và em hãy ngủ

Người Việt Nam không bao giờ lợi dụng, trổ mòi dê

Anh chỉ xin chạm nhẹ những đê mê

Vào gương mặt nổi tàn nhang vì nắng Úc

Gương mặt bình yên sau một lần bật khóc

Anh muốn khóc cùng em để chia nỗi buồn chung

Như anh đã cười cùng em để chia nỗi vui chung

Còn những niềm riêng làm sao nói hết...

***

... Cry go you... khóc đi em...

... Sleep go you... ngủ đi em....

***

Cry go you, sleep go you

Next world cup Socceroos champions!

Thủy Tinh (Tháng 6-2006)

Chú thích :

Bài hát Úc, i am Australian (không biết tác giả)

Bài hát Việt Nam, Có những niềm riêng của Tín Hương.

Cám ơn World Cup 2006, cám ơn những người đã khai thị cho tôi, trong sân cỏ và ngoài cuộc đời.

Anthony Darlic

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 9906)
(Xem: 9694)
(Xem: 9177)
(Xem: 9651)
(Xem: 10131)
(Xem: 9173)
(Xem: 10009)
(Xem: 10617)