- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

“Phiến Cộng” Trong Dinh Gia Long - Phần 3

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 7322)
II. NHỮNG THẾ LỰC CHI PHỐI BÊN NGOÀI:

Chính sách hòa hoãn Mỹ-Nga, cộng với sự va chạm cá nhân với các viên chức Mỹ, cũng khiến họ Ngô tìm cách nới rộng hơn sự kềm tỏa của Mỹ. Phong trào chính trị đang lên trong thời điểm này là phi-liên-kết, và trung lập trong cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Nga, do Pháp và India đi hàng đầu. Ngoài ra, Trung Cộng thường tuyên bố theo đuổi chính sách “sống chung hòa bình” [peaceful co-existence], trong khi Mao đưa ra “thuyết” Thế Giới Thứ Ba, tức thế giới của các nước nghèo và cách mạng giải phóng khỏi ảnh hưởng các cường quốc.

Các nước Pháp, Poland, India và ngay cả Vatican đều muốn cổ võ nỗ lực tìm một giải pháp chính trị. Vatican đang tìm cách hòa hoãn với Mat-scơ-va để chăm lo linh hồn cho khoảng 100 triệu giáo dân Đông Âu. India của Thủ tướng Nehru từng môi giới cho việc thảo luận giữa Mỹ và Hà Nội. Nhân dịp Phạm Ngọc Thạch qua New Dehli vào mùa Thu 1961, chẳng hạn, Bộ Ngoại Giao Mỹ đã chuyển cho Thạch 5 điểm căn bản trong chính sách của Mỹ. Nên chẳng có gì ngạc nhiên khi Goburdhun, Đại sứ India trong UBQT/KSĐC, thúc dục Ngô Đình Nhu gặp Maneli. Và, nếu tin được những người một thời thân thiết với họ Ngô, Đại sứ India còn môi giới cho Nhu gặp đại diện CSBV ngay tại trụ sở UBQT/KSĐC ở Sài Gòn. Nếu tin được Trần Văn Dĩnh, chính phủ India cũng có thể có một bàn tay trong kế hoạch gửi Dĩnh qua New Dehli để móc nối đại diện Hà Nội vào khoảng trung tuần tháng 11/1963.

A. TRUNG CỘNG:

Mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh trong thập niên 1950-1960 là Đài Loan, Triều Tiên, và Việt Nam. Trung Cộng quyết giữ quân đội Mỹ và ảnh hưởng Mỹ ở ngoài miền Nam Việt Nam, nhưng cũng muốn tránh đương đầu với Mỹ trực diện như ở Triều Tiên. Nói cách khác, Bắc Kinh muốn Mỹ triệt thoái khỏi miền Nam, và cái giá phải trả, nếu cần, là sinh mạng cuối cùng của trai tráng Việt.

Trong ba năm đầu sau Hiệp định Geneva, Bắc Kinh quyết định tạm thời quên đi nghĩa vụ quốc tế ở Việt Nam, chỉ tập trung giúp Bắc Việt mở mang kinh tế và củng cố thế lực qua cuộc cách mạng thổ địa. Mao Trạch Đông từng khuyên các lãnh đạo Bắc Việt về bài học cái chổi và đống bụi. Theo Mao, miền Nam đang là đống bụi, hãy tạm thời để yên, vì chưa đến lúc chổi phải quét đến. Hơn nữa, Mao còn bận mở chiến dịch tái chiếm Đài Loan, qua việc pháo kích Kim Môn-Mã Tổ (Quemoy) để phản công lại sự can thiệp của các cường quốc Tây Âu vào miền Trung Đông.

Trong chuyến thăm Hà Nội từ 19/11 tới ngày 23/11/1956, Chu Ân Lai cố vấn Hồ và Phạm Văn Đồng hai vấn đề: thống nhất và chính sách kinh tế. Về thống nhất, đây là một cuộc chiến đấu lâu dài, chỉ nên coi việc thống nhất qua tổng tuyển cử như một khẩu hiệu cho cuộc tranh đấu chính trị hơn là bản hướng dẫn hàng ngày. Cần củng cố miền Bắc về kinh tế, tài chính. (165)

(165. Zhou nianpu I:639-41; Zhai 2000:79, 82.)

Đây là thời gian Bắc Việt áp dụng những mô thức [sao chép kiểu mẫu] Trung Cộng trong việc xây dựng “xã hội chủ nghĩa” ở phía Bắc vĩ tuyến 17. (166)

(166. Zhai 2000:74-75.)

Về quân sự, từ tháng 8/1954 tới mùa Xuân 1955, Bắc Việt tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch chỉnh phong, chỉnh đảng, chỉnh quân, loại bỏ dần những cán bộ không là đảng viên khỏi các chức vụ chỉ huy. Quân số giảm từ 320,000 xuống khoảng 280,000. Từ tháng 1/1956, đoàn cố vấn Trung Cộng bắt đầu hồi hương. Ngày 15/3/1956, Wei Guoqing [Vi Quốc Thanh] và thành phần cố vấn quân sự cuối cùng rời Hà Nội. Giáp tổ chức đưa tiễn long trọng. HCM đứng ra làm thông dịch. Do lời yêu cầu của Giáp, chỉ giữ lại một đoàn cố vấn nhỏ, dưới quyền Wang Yanquan.( 167)

(167. Zhai 2000:74.)

Kế hoạch đắc ý nhất của cố vấn TC là cải cách ruộng đất. Từ năm 1952-1953, Đảng LĐVN đã phát động kế hoạch rập khuôn TC này. Từ tháng 6/1955, Thứ trưởng Bộ Nông Lâm Hồ Viết Thắng, cũng một Ủy viên Ban Chấp Hành Trung ương, được cử cầm đầu Ban Cải Cách Ruộng Đất. Tuy nhiên, sau đợt cải cách thứ 5 (từ cuối tháng 12/1955), ngày18/7/1956 Phạm Văn Đồng phải ra thông cáo về “Quyết định những biện pháp cụ thể nhằm sửa chữa những khuyết điểm và sai lầm để ổn định nông thôn, đoàn kết nhân dân và cán bộ...” Một tháng sau, 18/8/1956, Nhân Dân đăng thư ngỏ của HCM thú nhận”Trung ương Đảng và chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm...., và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa, nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất.”

Hội nghị thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng LĐVN, kéo dài từ tháng 9 tới 29/10/1956, quyết định cách chức Tổng Bí thư của Trường Chinh, giao cho HCM tạm kiêm nhiệm. Trường Chinh chỉ còn là Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính Trị. Đồng thời, ban hành biện pháp kỷ luật với Hồ Viết Thắng và Lê Văn Lương. Thắng, Ủy viên thường trực Ủy ban Cải Cách Ruộng Đất Trung ương, bị ra khỏi Ban Chấp Hành Trung ương Đảng. Lê Văn Lương, Ủy viên Dự khuyết BCT, Bí thư TƯĐ, Trưởng ban Tổ chức TƯĐ chỉ còn chức Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp Hành TƯƯ.( 168)

(168. Nhân Dân (Hà Nội), 30/10/1956.)

Ngày 2/11/1956, Nhân Dân đăng thông cáo của Hội Đồng Chính Phủ về việc cải cách ruộng đất.

1. Ủy ban Cải Cách Ruộng Đất không có quyền chỉ đạo nữa; sẽ thuộc chính phủ trung ương.

2. Hủy bỏ toà án nhân dân đặc biệt [để đấu tố].

Ngoài ra, Hồ Viết Thắng bị cách chức Phó Chủ Nhiệm và Ủy viên thường trực trong UBCCRĐTƯ; và phải từ chức Thứ trưởng Nông Lâm. Lê Văn Lương phải từ chức Thứ trưởng Nội Vụ và Chủ nhiệm Phòng Nội Chính Thủ Tướng Phủ.( 169)

(169. Nhân Dân (Hà Nội), 2/11/1956.)

Quyết định sửa sai của HCM và Đảng LĐVN ít nhiều liên hệ đến cuộc nổi dạy của nông dân Quỳnh Lưu (Nghệ An) từ ngày 5 tới 14/11/1956. Hồ phải điều động quân đội và thiết giáp tới đánh dẹp nông dân 4 xã Quỳnh Lưu.(170)

(170. Xem “Tin thêm về vụ bọn phản động gây lộn xộn ở mấy xã thuộc huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).” Nhân Dân, 18/11/1956, tr. 3. Xem thêm Những thiên đường mù của nữ văn sĩ Dương Thu Hương.)

Khi sao chép lại kế hoạch “Trăm Hoa đua nở” [Bách Hoa tề phỏng, bách gia tranh minh] của Lục Định Nhất, Cục trưởng Cục Tuyên Huấn Đảng CSTQ, Hồ và Đảng LĐVN cũng tức khắc gặp sức phản kháng, thường được biết như “Vụ Án Nhân Văn-Giai Phẩm (1956-1958).”

Thái độ của Trung Cộng chỉ thay đổi sau khi Phạm Văn Đồng viết thư cho Chu Ân Lai ngày 14/9/1958, nhìn nhận lãnh hải mới do Bắc Kinh công bố ngày 4/9/1958 (ranh giới biển: 12 hải lý từ bờ biển).( 171)

(171. Xem VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 120.)

Ngày 11/3/1959, TC cực lực đả kích chủ nghĩa đế quốc xâm lược [của Mỹ]. Tháng 10/1959, Phạm Văn Đồng qua Bắc Kinh xin viện trợ quân sự để đánh miền Nam. Một tháng sau, Bắc Kinh cử Luo Riqing [La Thụy Khanh], Tham mưu trưởng Không quân, cầm đầu một phái đoàn qua Việt Nam nghiên cứu tình hình. Phái đoàn này gồm có Zeng Sheng, Đệ nhất Phó Tư lệnh Hạm đội Nam Hải. Zhang Aiping chỉ thị cho phái đoàn này là Trung Cộng sẽ thỏa mãn bất cứ những gì Hà Nội yêu cầu nếu có khả năng. Phái đoàn Luo Riqing tới Hà Nội ngày 10/11/1959 và tham quan năm quân khu, phi trường, cửa biển và các nhà máy. Phạm Văn Đồng, nhân danh Bộ Chính Trị Đảng LĐVN, ba lần tuyên bố đặt mọi hy vọng ở sự giúp đỡ của Bắc Kinh. Tháng 5/1960, các lãnh tụ Trung Cộng và CSBV bắt đầu thảo luận chiến lược tại miền Nam Việt Nam. Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình muốn có một chiến thuật linh động. Tại các thành thị, sẽ mở mặt trận chính trị; trong khi tại nông thôn sử dụng quân sự.( 172)

(172. Zhai 2000:82-83.)

Từ tháng 3/1960, cố vấn và chuyên viên Trung Cộng bắt đầu tới Việt Nam. Tuy nhiên, Bắc Kinh không muốn leo thang chiến tranh. Lê Duẩn hỏi về phương thức “làng cách mạng”–tức “công xã nhân dân,” một mô hình cách mạng kiểu Mao-ít trong kế hoạch Bước Đại Nhảy Vọt–Chu Ân Lai nhấn mạnh Việt Nam nên lo phát triển kinh tế qua các hợp tác xã nông nghiệp và phát triển kỹ nghệ nhẹ. (Kế hoạch 5 năm (1960-1965) này thất bại). Lai cũng nêu lên thuyết “thế giới thứ ba” và yêu cầu Hà Nội ủng hộ, nhưng Hà Nội quyết giữ trung lập.

Rắc rối nhất là sự chia rẽ giữa Nga và Trung Cộng từ sau ngày Khrushchev hạ bệ Stalin năm 1956. Chuyến viếng thăm Trung Hoa vào tháng 10/1959 của Khrushchev chỉ làm hiềm khích giữa hai bên mở rộng.

Tháng 4/1960, Nhân Dân Nhật Báo viết bài “Vạn Tuế Chủ nghĩa Lê-nin,” gián tiếp tấn công chủ trương của Khrushchev. Từ giữa năm 1960, cuộc tranh chấp Nga-Trung chuyển từ vấn đề chủ thuyết qua những lời sỉ vả. Tại Đại hội Đảng Cộng Sản Roumania vào tháng 6/1960, Khrushchev và đại diện Trung Cộng Peng Zhen (Bành Chân) trao đổi những lời nhục mạ. Phe Liên Sô lên án Bắc Kinh là “khùng,” áp dụng những đường lối “Trốt-kít” chống lại Liên Sô. Bắc Kinh chụp cho Mat-scơ-va cái mũ “xét lại.” Hồ Chí Minh tìm cách hòa giải, nhưng thất bại.( 173)

(173. Zhai 2000:86-88.)

Tại Đại hội lần thứ ba của Đảng LĐVN (5-10/9/1960), Nga khuyên Hà Nội nên theo đuổi chính sách “thống nhất trong hòa bình” theo tinh thần hiệp định Geneva.( 174)

(174. Zhai 2000:89.)

Từ năm 1962, Bắc Kinh và Hà Nội xích lại gần nhau hơn. Năm này, Bắc Kinh viện trợ cho MT/GPMN trên 90,000 vũ khí cá nhân và tập thể. Tuy nhiên, Lê Duẩn và Hồ quyết định tiếp tục đi giây giữa hai đàn anh Cộng Sản, dù nghiêng về phía Bắc Kinh. Ngày 16/1/1963, tin từ Paris ghi nhận ảnh hưởng Trung Cộng gia tăng ở Bắc Việt. Nhiều nguồn tin Pháp ghi nhận số cố vấn Liên sô giảm từ 60 tới 15% trong hai năm 1960-1961; ngược lại, cố vấn TC tăng từ 28% tới 80%.(175)

(175. FRUS, 1961-1963, III:271.)

Việc Mat-scơ-va đòi Bắc Việt trả nợ, và nhất là việc ký hiệp ước giới hạn thí nghiệm vũ khí nguyên tử giữa Mat-scơ-va và Mỹ càng khiến Lê Duẩn-Lê Đức Thọ nghiêng dần về phía “giáo điều” Trung Cộng, chống lại phe “xét lại” Nga.(176)

(176. Nhân Dân, 6&9/8/1963.)

Một chi tiết đáng ghi nhận là chiều ngày 2/9/1963, Ngô Đình Nhu nói với Lodge rằng Trung Cộng từng đề nghị bán 2 phi cơ U-40. Thực chăng có đề nghị trên? Chi tiết này có liên quan gì đến việc Y sĩ Trần Văn Đỗ và Ngô Đình Luyện thường nhắc đến lời mời thiết lập một Tòa Lãnh sự Nam Việt Nam tại Bắc Kinh của Chu Ân Lai sau khi ký Hiệp định Geneva 20-21/7/1954?

Cho tới khi tài liệu văn khố giải mật, chúng ta mới biết rõ được bàn tay của Trung Cộng và cán bộ tình báo nằm vùng của Trung Cộng trong cảnh mà Cố vấn Ngoại giao McGeorge Bundy gọi là “cơn điên cuồng tập thể trong một gia đình cai trị chưa hề thấy từ thời Nga Hoàng.”

B. VATICAN:

Giáo hoàng John XXIII (1958-1963), người từng trao đổi quà tặng với Khrushchev nhân dịp Giáng Sinh 1962, cũng ít nhiều tiếp tay anh em Diệm-Nhu trong việc “ve vãn” Cộng Sản này (với niềm tin rằng Hồ Chí Minh chủ hòa, và Trung Cộng chủ chiến).

Từ năm 1962, John XXIII bắt đầu rời vị thế “thánh chiến chống Cộng,” hòa hoãn với Liên Sô Nga và Đông Âu. Hơn 100 triệu tín đồ Đông Âu hẳn có giá trị chiến lược cao hơn năm, sáu triệu tín hữu của “cô con gái đầu lòng” tại Đông Nam Á.

Vì thế, Vatican có thể khuyến khích Ngô Đình Nhu mở đường giây đối thoại với Hà Nội. Tuy nhiên Khâm mạng Vatican d’Asta cũng như tân Giáo Hoàng Paul VI (1963-1978) tách biệt dần với họ Ngô từ sau cuộc khủng hoảng Phât Giáo. Chẳng hiểu vì áp lực Mỹ hay thất vọng vì tinh thần Trung Cổ của họ Ngô, d’Asta đã tích cực áp lực Ngô Đình Thục phải rời nước, đồng thời nhận làm trung gian cho Lodge để áp lực Nhu ra đi. (177)

(177. Thục, do áp lực của Khâm sứ d’Asta và Lodge, rời Sài Gòn qua Roma cùng Giám mục Picquet ngày 7/9/1963. Có lẽ chẳng vui vẻ gì, Thục tuyên bố ở Roma rằng CIA Mỹ đang bỏ ra 20 triệu Mỹ Kim để âm mưu đảo chính vào ngày 21/9 sắp tới. Thục còn khẳng định các sư không tự thiêu mà bị giết bằng búa. Chẳng hiểu vì những lời tuyên bố này, hay lý do nào đó, Paul VI hủy bỏ buổi triều kiến dự trù, mà cũng chẳng đề cập gì đến việc thăng cấp Hồng Y. Vì mãi cuối tháng đó Công đồng Vatican II mới tái nhóm, nên ngày 11/9, Thục qua New York để vận động cho Lệ Xuân vào Mỹ đòi hỏi “công lý,” như ông Diệm nói với Lodge. Spellman không muốn gặp Thục, nhưng Bạch Cung dàn xếp cho hai người gặp nhau. Đầu năm 1962, Spellman đã ân cần tiếp Thục, và trao tặng một số tiền xây Đại học Ki-tô ở Đà Lạt.)

Sau cái chết của anh em Ngô Đình Diệm, Paul VI còn hăng say hơn trong việc mưu tìm hòa bình cho Việt Nam. [Năm 1968, Vatican tự hào tuyên bố là đã góp công lớn cho Hà Nội ngồi vào bàn hội nghị với Mỹ tại Paris].

C. INDIA:

Từ đầu cuộc chiến 1945-1975, India đã bày tỏ thiện cảm với chính phủ Hồ Chí Minh. Với phương vị một quốc gia trung lập, India được cử làm Chủ tịch UBQT/KSĐC. Ngày 26/7/1956, Nguyễn Cơ Thạch, Tổng lãnh sự Hà-Nội, trình ủy nhiệm thư tại India.( 178)

(177. ND, 30/7 & 3/8/1956. Sau này, Thạch lên tới Ủy viên Bộ Chính Trị, Bộ trưởng Ngoại Giao.)

Ngày 4/2/1958, HCM cầm đầu một phái đoàn qua thăm India [cho tới ngày 17/2/1958]. Tuy nhiên, khi cuộc chiến tranh biên giới giữa Trung Cộng và India bùng nổ, Hồ chọn vị thế trung lập.

Ngày 7/12/1961, khi Phạm Ngọc Thạch (từng tiếp xúc mật với Mỹ từ năm 1946-1947) tới New Dehli, chính phủ Mỹ chuyển cho Thạch một văn bản minh định lập trường của Mỹ, đó là yểm trợ một chế độ miền Nam chống Cộng.( 179)

(179. FRUS, 1961-1963, I:671, 680-681, 723.)

Ngày 5/5/1962, từ New Dehli, Đại sứ John K. Galbraith báo cáo rằng phe “ôn hòa” Hà Nội muốn tiếp xúc với miền Nam.(180)

(180. FRUS, 1961-1963, II:375-376. Xem thêm cuộc gặp mặt giữa Ung Văn Khiêm và Harriman tại Geneva; Ibid., II:543, 544.)

Phải chăng vì thế mà cuối tháng 10/1963, nếu tin được Trần Văn Dĩnh, chính phủ India định dàn xếp cho đại diện Hà Nội gặp đại diện của Diệm ở New Dehli vào khoảng trung tuần tháng 11/1963? (Xem supra)

D. PHÁP:

Liên hệ giữa Pháp và Nam Việt Nam từ năm 1954 tới 1963 khi vui, lúc buồn bất chợt. Sau hơn 20 năm sống trong sự nghi ngờ của các viên chức Bảo hộ Pháp–đi tu thì không thành, người vợ chưa cưới bỏ vào dòng tu kín Carmel– Ngô Đình Diệm bắt đầu đi tìm những bát cơm mới, khác với bát cơm bảo hộ Pháp mà cha, anh (Khả, Khôi, Thục) và cá nhân Diệm từng kiêu hãnh hưởng thụ.( 181)

(181. Xem báo cáo của Paul Arnoux ngày 18/8/1944; CAOM [Paris], Papiers Decoux [PA 14], carton 2. Trích in trong Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, tập III:856. Những chi tiết trong đoạn dưới đều công bố xuất xứ trong bài tiểu sử Jean-Baptiste Ngô Đình Diệm.)

Sau gần bốn năm trời tự đặt mình trong quĩ đạo Hiến binh [Kempeitai] Nhật ở Huế và Sài Gòn, từ cuối năm 1946 Ngô Đình Diệm hướng về Oat-shinh-tân. Bởi thế một số đạo hữu của Diệm, như Giám mục Lê Hữu Từ và Luật sư Lê Quang Luật, từng gọi Diệm là “trùm chăn,” không chịu tích cực yểm trợ chế độ Bảo Đại do Pháp tạo ra. (182)

(182. Giám Mục Từ và cộng sự viên ở Phát Diệm có cảm tình với Diệm và luôn nuôi giấc mộng đưa một giáo dân lên hàng Quốc trưởng; SHAT (Vincennes), 10H 1039. Tuy nhiên, từ năm 1954, GM Từ bắt đầu thất vọng về Diệm.)

Khác với dư luận người Việt đồn đại, Ngô Đình Diệm chẳng có bao công lao trong việc giành độc lập cho Việt Nam từ tay người Pháp. Tháng 7/1933, Diệm đã từ chức Thượng thư Bộ Lại chỉ vì cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa nhóm hợp tác cựu trào (tiêu biểu bằng Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài thuộc khối Ki-tô giáo) và tân trào (tiêu biểu bằng Phạm Quỳnh, Nguyễn Thái Bạch, Nguyễn Bá Trác, Huỳnh Thúc Kháng). Nhóm tân trào chủ trương hợp tác (Pháp-Việt đề huề) thay vì đồng hóa (tức Ki-tô hóa, theo kế hoạch Puginier) mà nhóm cựu trào cổ động. Thành tích “chống Pháp” của Diệm, thực ra, chỉ khởi đầu từ ngày ngả theo Nhật vào khoảng năm 1942-1945, và rồi mưu cầu viện trợ Mỹ từ năm 1946, qua trung gian hệ thống Giáo hội Vatican. (183)

(183. Tổng Giám Mục Yolle ở Hong Kong thủ diễn một vai trò khá quan trọng trong thí nghiệm Bảo Đại trong hai năm 1946-1947. Trong khi đó, John Dooley, một người gốc Ireland lên thay Drapier làm Khâm mạng Vatican tại Đông Dương năm 1950, là người “thổi bễ” cho cuộc thánh chiến chống Cộng qua những thư chung đe dọa tuyệt thông bất cứ tín đồ nào có liên lạc, giúp đỡ hay gia nhập Đảng Cộng Sản. Sự nghiệp chống Cộng của Diệm gắn liền với những Hồng Y Spellman hay Linh mục de Jaegher (gốc Bỉ).)

Trên thực tế, từ ngày 4/6/1954 (nếu không phải 3/7/1953), Pháp đã đồng ý trả lại độc lập hoàn toàn cho Việt Nam. Tuy nhiên, do tình thế quân sự trong hai năm 1954-1955, Mỹ và Pháp–với sự đồng ý, nếu chẳng phải yêu cầu của Diệm–muốn lưu giữ quân viễn chinh Pháp tại phía Nam vĩ tuyến 17 hầu bảo vệ cho vùng đất này, trong khi chờ đợi cuộc tổng tuyển cử dự trù vào tháng 7/1956, hoặc một biến chuyển chính trị mới.

Vì Ngô Đình Diệm do phe cực hữu Pháp đưa ra, với sự chấp thuận của Mỹ, nên hai đề nghị của Diệm đều được chấp thuận. Tháng 9/1954, Pháp thuận tham gia Liên Minh phòng thủ Đông Nam Á [Southeast Asian (Collective Defense) Treaty Organization, hay SEATO]. Đổi lại, Liên bang Mỹ đồng ý trả quân phí cho quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương. Liên minh Mỹ-Pháp này là điều chế độ Diệm, đặc biệt là Bùi Văn Thinh và Trần Chánh Thành, cố tình dấu kín dư luận Việt Nam. Thực ra, chính nhờ liên minh Mỹ-Pháp trong giai đoạn 1954-1955, họ Ngô mới được thừa hưởng quyền cai trị miền Nam vĩ tuyến 17 “từ trên trời rớt xuống.”

Mặc dù cũng muốn duy trì một miền Nam chống Cộng, điểm khác biệt giữa Pháp và Mỹ là khả năng lãnh đạo của Ngô Đình Diệm. Các viên chức Pháp đều cho rằng Diệm không đủ khả năng lãnh đạo một chế độ chống Cộng ở miền Nam, và muốn thay Diệm từ mùa Hè 1954, ngay sau khi ký Hiệp ước Geneva. (Một chuyên viên Pháp từng nhận định rằng một lãnh tụ đủ khả năng duy trì miền nam chống Cộng hoặc đã chết (Nguyễn Hữu Trí), hoặc còn đang ở tuổi ấu thơ, hoặc chưa sinh ra đời) Hơn nữa, Pháp còn có những quyền lợi kinh tế và văn hóa ở miền Bắc, nên muốn duy trì tòa Tổng Đại biểu ở Hà Nội, và thành lập một công ty hỗn hợp Pháp-CSVN. Qua mắt nhìn của họ Ngô, Pháp theo đuổi chính sách thời cơ, không triệt để ủng hộ Diệm và phản bội lại cuộc “thánh chiến chống Cộng.” Tuy nhiên, vì nhận hiểu tình trạng sơ sinh của Quân đội Quốc Gia Việt Nam, Diệm vẫn núp bóng quân viễn chinh Pháp trong giai đoạn hòa bình chuyển tiếp mà Hiệp ước Geneva mang đến–dù trên danh nghĩa cả Quốc Gia Việt Nam lẫn Mỹ đều không ký hoặc nhìn nhận hiệp ước nói trên (chỉ tôn trọng [respect]).

Chính phủ Pierre Mendès-France–phần bị ràng buộc bởi Hiệp ước Geneva, phần muốn chiều lòng Mỹ–tạm thời chấp thuận yểm trợ Ngô Đình Diệm, với điều kiện sẽ phải tìm một giải-pháp-khác-Diệm, tức tìm một người khác làm Thủ tướng (vào khoảng tháng 11/1954). Sau ba ngày hội thảo, chiều 29/9/1954, Mỹ và Pháp ký mật ước Walter B. Smith-Guy La Chambre, ủng hộ Diệm và chính phủ chống Cộng ở miền Nam. Pháp hứa trả tự trị cho VN càng sớm càng tốt. Việc bàn giao các cơ sở hành chính, kinh tế sẽ hoàn tất vào cuối tháng 12/1954. Tuy nhiên ngày Thứ Bảy, 2/10, Bộ Ngoại Giao Pháp gửi thư cho Bộ Các Quốc Gia Liên Kết, thông báo bỏ câu “yểm trợ chính phủ Diệm” trong mật ước ngày 29/9/1954. Nói cách khác, Pháp chỉ còn ủng hộ nguyên tắc một chính phủ chống Cộng ở miền Nam, không nhất thiết do một cá nhân nào cầm đầu. Đây là nguồn gốc của tình trạng căng thẳng giữa Diệm với Paris.

Trong khi đó, ngày 28/9/1954, Bảo Đại nói với Maurice Dejean, Phụ tá Tổng ủy viên đặc trách dân sự, là Diệm phải rời chính quyền để chiến thắng Việt Minh, và đề cử Tướng Nguyễn Văn Xuân thay. Đại sứ Donald Heath, phải xin với BNG cho qua Cannes gặp Bảo Đại. Và, trong buổi hội kiến ngày 3/10/1954, Bảo Đại chẳng những khẳng định không chống việc giữ Diệm làm Thủ tướng, mà còn giải thích thêm rằng lệnh bắt Diệm nhận Xuân, Hinh và Bảy Viễn vào chính phủ là “lầm lẫn khi thảo văn thư [drafting error].”

Tại Sài Gòn, sau khi thuyết phục Bảo Đại cho lệnh Tướng Nguyễn Văn Hinh rời nước vào tháng 11/1954, ngày 13/12/1954 hai Tướng J. Lawton Collins và Ely ký với một mật ước khác, khẳng định yểm trợ một miền Nam tự do, chống Cộng. Pháp hứa sẽ trả quyền tự trị hoàn toàn cho miền Nam ngày 1/7/1955; và cơ quan MAAG Mỹ sẽ bắt đầu huấn luyện Quân Đội QGVN từ tháng 1/1955, dưới quyền tổng quát của Tổng Tư lệnh Đông Dương (Ely). Quân đội viễn chinh Pháp sẽ ở lại Đông Dương, và Mỹ viện trợ 100 triệu Mỹ kim quân phí. Ngày 16/12/1954, BNG và QP Mỹ chấp thuận thoả ước này. Nhưng Pháp không hài lòng, vì chỉ được 1/4 số quân viện đòi hỏi. Ngày 18/12/1954, nhân dịp nhóm họp ở Paris, các Ngoại trưởng Dulles, Eden và Mendès-France họp tay ba về Việt Nam. Thoạt tiên, Mandès-France khẳng định phải ngưng yểm trợ Diệm, nhưng cuối cùng, đồng ý với Dulles 3 điểm: (a) Tiếp tục ủng hộ Diệm; (b) Nghiên cứu một giải pháp khác; (c) Chỉ thị cho Collins và Ely nghiên cứu giải pháp khác Diệm, kể cả việc sử dụng Bảo Đại. Collins và Ely cũng nghiên cứu thời gian còn có thể tiếp tục yểm trợ Diệm, và đặt ra thời hạn chót. Dulles đưa thêm điểm thứ tư: Nếu thấy không ai khá hơn Diệm, Mỹ sẽ nghiên cứu có nên tiếp tục đầu tư vào Đông Dương nữa hay chăng. Trường hợp này, sẽờ phải xét lại chính sách Đông Dương, và tham khảo ý kiến của các tiểu ban Quốc Hội.

Ngày 6/1/1955, Guy La Chambre than phiền với Đại sứ Mỹ tại Pháp (Douglas Dillon) rằng La Chambre rất bất mãn mật ước 18/12/1954. Sự thỏa thuận giữa ba Ngoại trưởng tương phản lại những gì Tướng Smith và La Chambre đã thỏa thuận vào tháng 9/1954, khi Pháp đồng ý ủng hộ Ngô Đình Diệm: Đó là cho Diệm một thời gian vừa phải, rồi sẽ nghiên cứu một thí nghiệm khác. Theo La Chambre, “thời gian vừa phải” đã chấm dứt từ lâu, nếu Mỹ từ chối thực hiện một thí nghiệm khác, sẽ không còn đủ thì giờ đương đầu Việt Minh trong kỳ Tổng Tuyển cử 1956. Dầu vậy, La Chambre tạm yên lòng khi Ngoại trưởng Dulles đồng ý nghiên cứu biện pháp khác Diệm, và hy vọng rằng Đặc sứ Collins được toàn quyền để phối hợp với Ely tìm ra biện pháp khác ấy. La Chambre còn tiết lộ đã chỉ thị Ely trở lại Sài Gòn để làm việc với Collins, hầu tìm ra một phương thức trước cuối tháng 1/1955. Pháp cũng đồng ý duy trì 75,000 quân viễn chinh tới ngày 1/6/1955. Sau đó, sẽ từ từ triệt thoái cho tới trước ngày Tổng tuyển cử. Theo La Chambre, giải pháp tốt nhất là Bảo Đại hồi hương tức khắc. Trần Văn Hữu có thể làm Thủ tướng; Nguyễn Văn Tâm coi Nội vụ. Diệm cũng có thể tham gia chính phủ.

Một biến cố khác khiến liên hệ giữa Pháp và Ngô Đình Diệm thêm căng thẳng là ngày 26/12/1954 Pháp khai trương Tòa Tổng Đại biểu ở Hà Nội. Jean Sainteny, người đã ký Tạm ước 6/3/1946 với Hồ, được cử làm Tổng Đại biểu. Mỹ cũng không tán thành việc lập tổ hợp liên doanh Pháp-Bắc Việt. La Chambre biện minh rằng Sainteny chỉ lo về quyền lợi kinh tế và thương mại, và Pháp dự định họp các công ty ở miền Bắc thành một tổ hợp lớn để dễ điều hành. Ngày 11/2/1955, Jacques Roux, Phó Tổng Giám đốc Chính trị vụ BNG Pháp, giải thích với nhân viên Mỹ rằng kế hoạch duy trì quyền lợi kinh tế và văn hoá tại Bắc VN không phải là ý riêng Sainteny, mà là chính sách của Pháp. Pháp chẳng có lợi gì khi rút lui, vì cố vấn Trung Cộng sẽ thay thế, và điều khiển các cơ sở Pháp để lại. Sự hiện diện của Pháp sẽ khiến Hồ bớt tùy thuộc vào quĩ đạo CS. Roux nhấn mạnh rằng Hồ, trái ngược với miền Nam, muốn Pháp ở lại; và Việt Minh muốn Pháp hướng dẫn kỹ thuật. Roux hy vọng Mỹ nghiên cứu lại vấn đề những công ty hỗn hợp Pháp-Việt Minh sẽ không bị ràng buộc trong Sắc Luật “[cấm] buôn bán với các quốc gia Cộng Sản” của Mỹ. Nhưng BNG Mỹ vẫn không đồng ý kế hoạch công ty hỗn hợp Pháp-Bắc Việt. Theo kế hoạch này, Hà Nội giữ đa số cổ phần, như thế đi ngược lại lời tuyên bố yểm trợ Nam VN và chính sách liên hiệp Pháp-Mỹ; nó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi Pháp tại Lào và Miên; và làm hại đến cơ hội của miền Nam trong cuộc Tổng tuyển cử 1956.

Trong mùa Xuân 1955, liên hệ Pháp-Việt thêm căng thẳng khi Ngô Đình Diệm quyết định tấn công Bình Xuyên và các giáo phái để thâu tóm quyền lực. Từ ngày 30/3/1955, Đặc sứ Collins cũng lại muốn thay ngựa sau khi Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ, nhóm Tinh Thần và Hồ Thông Minh xin từ chức, trong lúc Diệm ngày một hiếu chiến với các giáo phái và Bình Xuyên. Ngày 7/4, Tướng Ely cũng cảm thấy rằng không thể cứu được miền Nam nếu giữ Diệm. Hai ngày sau, 9/4, Collins lập lại đề nghị xin thay Diệm. Thoạt tiên, Dulles đồng ý. Chính phủ Edgar Faure cũng nhiệt liệt tán thành. Nhưng ngày 17/4, do sự can thiệp của TNS Mansfield, Eisenhower giữ Diệm vì chưa thấy “ngựa” nào khá hơn. Khi Collins ra điều trần trước HĐANQG ngày 28/4, do sự ủng hộ nhiệt thành Diệm của Mansfield, Lansdale và phe quân sự tại Việt Nam, Eisenhower cuối cùng quyết định duy trì Diệm.

Trong khi đó, tại Việt Nam, ngày 28/4, Ngô Đình Diệm cho Quân đội tấn công Bình Xuyên, thu lại sự kiểm soát ngành Cảnh Sát trong vòng một tuần lễ. Lê Văn “Bảy” Viễn phải chạy qua Pháp. Diệm cũng chống lại lệnh Bảo Đại, không chịu qua Cannes tham khảo. Đồng thời, sử dụng Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng do Nguyễn Thành Phương và Trình Minh Thế đứng đầu, phát động phong trào đòi Pháp triệt thoái và truất phế Bảo Đại. Sau đó, mở những cuộc càn quét cứ điểm Hòa Hảo, Cao Đài. Phạm Công Tắc chạy qua Miên tị nạn. Tướng “Năm Lửa” Trần Văn Soái về hàng. Lãnh chúa Hòa Hảo cuối cùng là Ba Cụt Lê Quang Vinh bị bắt sống khi về thương thuyết, rồi bị làm hai án tử hình.

Chiến thắng này khiến Eisenhower quyết tâm ủng hộ Diệm, chấp thuận cho Diệm truất phế Bảo Đại, thiết lập chế độ Cộng Hòa. Đồng thời, quay mặt làm ngơ cho Diệm mở chiến dịch bài Pháp dữ dội. Giám mục Thục còn vận động trục xuất các nhà truyền giáo để “Việt Nam hóa” giáo hội Ki-tô bản xứ.

Pháp chẳng còn chọn lựa nào khác hơn là rút nhanh quân viễn chinh khỏi Đông Dương. Hội nghị Tam cường tại Paris từ ngày 9 tới 11/5/1955 đánh dấu sự tách biệt giữa Mỹ và Pháp. Faure đồng ý yểm trợ Diệm với hai điều kiện: Ngưng chống Pháp; và, mở rộng chính phủ. Faure cũng muốn tạm thời duy trì Bảo Đại. Dulles đề nghị Pháp tiếp tục ủng hộ Diệm cho đến ngày bầu cử Quốc Hội, để quyết định thể chế miền Nam, có hay không có Diệm.

Ngày 12/5, Dulles chỉ thị Collins thông báo với Diệm về những điểm đã đồng ý trong Hội nghị Tam cường. Hôm sau, 13/5, Dulles chỉ thị cho G. Frederick Reinhardt, tân Đại sứ được chỉ định, về những việc phải làm:

(1) Tiếp tục yểm trợ chính phủ Diệm, và đối xử với chính phủ này như một chính phủ độc lập, có chủ quyền mà chúng ta tin rằng nó là như thế và phải như thế.

(2) Chúng ta muốn thấy chính phủ này mạnh hơn.

(3) Chính phủ sẽ có quyền không những với quân đội mà cả cảnh sát. Bình Xuyên phải bị giải tán.

(4) Cần chấm dứt việc chống Pháp.

(5) Mỹ và VN đều không ký hiệp ước Geneva, nhưng đồng ý nghiên cứu việc Tổng tuyển cử vào tháng 7/1956, với điều kiện được tự do bầu cử.

(6) Quân Pháp sẽ triệt thoái nhanh khỏi Nam Việt Nam.

(7) Tự do không thể duy trì được ở VN nếu các lực lượng cách mạng được mang ra chơi. Chắc chắn VM sẽ tìm cách điều khiển vì họ là những bậc thày trong ngành này. Diệm cần thi hành một chính sách ôn hòa và xây dựng.

Hôm sau, 14/5, Collins rời Việt Nam. Alphonse A. Kidder XLTV một thời gian. Ngày 21/5, Kidder báo cáo đã thông báo với Ely về kết quả hội nghị Tam cường ở Paris. Ely không tán thành nghị quyết trên, và xin hồi hương.

Trong khi đó, Ngô Đình Diệm phát động phong trào bài Pháp và truất phế Bảo Đại. Ngày 31/5, Hội đồng Nhân Dân Cách Mạng bắt mở cửa Ngọ Môn, tịch thu ấn tín và nhiều vật dụng trong văn phòng Bảo Đại. Đứa con “tập ấm” của “bát cơm Bảo hộ Pháp” quyết tâm vùi chôn một lần và mãi mãi “tàn dư phong, thực, cộng.” Người cầm đầu chiến dịch chống Pháp này là Trần Chánh Thành. Hơn một tháng sau–nhân dịp 20/7/1955, ngày dự trù bàn thảo việc Hiệp thương Bắc-Nam–Diệm phát động chiến dịch Tố Cộng, kéo dài từ 15 tới 22/7/1955. Thuộc hạ Diệm tổ chức học sinh, sinh viên di cư biểu tình tấn công phái đoàn quân sự BV của Văn Tiến Dũng tại khách sạn Majestic và khách sạn trên đường Trần Hưng Đạo. Ba tháng sau, Diệm tổ chức “trưng cầu dân ý” truất phế Bảo Đại ngày 23/10/1955, bước lên ngai vị Tổng thống.

Ngày 1/12/1955, Diệm cắt đứt liên hệ kinh tế và tài chính với Pháp, và đòi triệu hồi phái đoàn Sainteny ở Hà Nội. Ngày 7/12, ra Dụ số 10 về quốc tịch. Theo một tờ trình của Bộ Tư lệnh Viễn chinh Pháp, ngày 23/1/1956, 6,650 trong số khoảng 7,000 người Việt có quốc tịch Pháp trước ngày 8/3/1949 đã xé bỏ quốc tịch. Trong số này, có các tướng Trần Văn Minh, André Trần Văn Đôn và 14 sĩ quan cao cấp khác. Y sĩ Trần Văn Đôn, cha André Đôn, đại sứ ở Roma, và Luật sư Trần Văn Chương, đại sứ ở Mỹ, cũng xin bỏ quốc tịch. Những người có quốc tịch Pháp sau ngày 8/3/1949 sẽ tự động bị hủy bỏ vì hiệp ước Pháp-Việt ngày 6/8/1955.( 184)

(184. SHAT (Vinvennes), Indochine, 10H 4197; Chính Đạo, VNNB, I-B: 1947-1954, tr. 172-173.)

Tháng 4/1956, Pháp triệt thoái quân viễn chinh khỏi Nam Việt Nam. Pháp vẫn duy trì Tòa Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Paris, nhưng từ năm 1962 đón nhận một đại diện thương mại của Hà Nội. Trong khi đó, Tòa Đại sứ Pháp đặt tại Sài Gòn, nhưng Pháp cũng có một đại diện ở Hà Nội. Pháp viện trợ kinh tế và văn hóa cho VNCH, nhưng cương quyết đứng ngoài “cuộc thánh chiến chống Cộng” của Diệm và nước Mỹ. Chính sách công khai của Pháp là không can thiệp vào chính trị nội bộ của Việt Nam, mà chỉ lo vấn đề kinh tế và văn hóa với cả hai miền.

Giao tình Việt-Pháp cải thiện vào năm 1959, sau khi Roger Lalouette tới làm Đại sứ. Pháp cho VNCH vay 70 triệu MK để thực hiện khu kỹ nghệ An Hòa, cùng một số công trình kỹ nghệ khác. Nhưng tình trạng suy thoái an ninh ở Lào, và nhất là việc Pháp ký Hiệp ước hoàn trả Việt kiều từ Nouvelle Calédonie về Bắc Việt khiến họ Ngô luôn luôn hoài nghi Pháp.

Ngày 24/8/1960, chẳng hạn, Ngô Đình Nhu nói với Đại sứ Durbrow rằng người Pháp đứng sau vụ Kong Le đảo chính ở Lào. Nhu cũng tin rằng Pháp đứng sau lưng các nhóm bất mãn ở miền Nam để gia tăng tinh thần trung lập. Pháp lầm lẫn tưởng rằng giảm ảnh hưởng của Mỹ tại Lào và Việt Nam có thể giúp Pháp tăng gia ảnh hưởng trong vùng. De Gaulle đã lầm lẫn khi ký hiệp ước với Hà Nội về việc hồi hương Việt kiều tại Nouvelle Calédonie, với ảo tưởng nó sẽ khiến Hà Nội giảm bớt thèm muốn xâm chiếm Lào hay Nam Việt Nam.( 185)

(185. FRUS, 1958-1960, I:543-544n3.)

Sau chuyến thăm Pháp lần thứ ba vào tháng 6/1961–mặc dù de Gaulle từ chối không can thiệp vào Lào như lời yêu cầu của Kennedy ngày 31/5/1961–Nhu và các viên chức Việt Nam Cộng Hòa tìm cách cải thiện liên lạc với Pháp.( 186)

(186. AMAE (Paris), CLV, SV, d. 13:39.)

Một trong những lý do là tình hình miền Nam ngày thêm suy thoái, khiến Ngô Đình Diệm phải tuyên bố tình trạng lâm nguy ngày 18/10/1961. Ngày 26/10/1961, khi gặp Lalouette, Diệm nói tình hình nghiêm trọng. Cần sự liên kết của tất cả các quốc gia tự do chống lại Cộng Sản. “Trường hợp chúng tôi là điển hình. Nước Pháp sẽ làm gì?” Việc quân đội Mỹ đến VN sẽ được dân Việt Nam nồng nhiệt tiếp đón. Khi được hỏi liệu khi tình hình khẩn trương, Diệm có kêu gọi sự giúp đỡ của các cường quốc thân hữu, Diệm trả lời: “Trong những công điện mới đây, tôi đã khẩn thiết kêu gọi sự đoàn kết của Thế giới Tự Do. Lập lại những lời kêu gọi trên chỉ khiến làm giảm ý nghĩa.” Theo Diệm, một cuộc chiến tranh Cao Ly thứ hai đang hiện hữu ở miền Nam.(187)

(187. CĐ số 1094/101, ngày 8/11/1961, Lalouette gửi Paris; AMAE (Paris), CLV, SV, 14:17.)

Theo phúc trình ngày 9/1/1962 của Nha Á Châu - Đại Dương, Sở Miên - Lào - Việt, từ tháng 10/1961, các giới chức trong Dinh Độc Lập còn cho Pháp biết là muốn cân bằng áp lực Mỹ bằng cách dựa vào các thế lực khác, nhất là Pháp. “Một lời tuyên bố ý định đã đủ.”(188)

(188. Nguyên văn: “Une déclaration d’intention, un geste suffirait.” AMAE [Paris], CLV, SV, dossier 91, tr. 2.)

Cuối năm 1961, đầu năm 1962, các viên chức VNCH liên tục thúc dục Pháp can thiệp và yểm trợ. Ngày 21/12/1961, Đại sứ Phạm Khắc Hy gửi thư cho Charles Lucet, ngỏ ý muốn liên lạc với Pháp. Hơn nửa tháng sau, ngày 7/1/1962, Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu gặp đại diện Pháp, xác nhận ý muốn liên lạc. Trương Vĩnh Lễ, Chủ tịch Quốc Hội, cũng tiết lộ với giới ngoại giao Pháp ở Sài Gòn là Nhu muốn Pháp tái khẳng định lập trường, vì Sài Gòn có cảm tưởng Paris đang nghiêng dần về phía Hà Nội.( 189)

(189. Ibid., CLV, SV, 91:10.)

Sự lo ngại của Nhu có lẽ do sự lo sợ Mỹ sẽ thay đổi chính sách.

Phiếu trình ngày 9/1/1962 của Nha Á Châu-Đại Dương phản ảnh vị thế “khó xử” của Pháp. Pháp có trên 15,000 kiều dân tại miền Nam (trên 17,000 năm 1963), một số tiền đầu tư khá quan trọng, và liên hệ văn hóa. Một mặt, khó thể cung cấp viện trợ quân sự cho miền Nam. Tình trạng hiện nay xảy ra không có sự hiện diện của Pháp, và cách nào đó, chống lại Pháp. Mặt khác, nếu Pháp ngả về phe Mỹ, lập tức sẽ bị Việt Minh trả đũa. Sự quan hệ giữa Pháp với Việt Nam là quyền lợi vật chất và tinh thần, trong khi Mỹ cơ bản là vấn đề chiến lược. Nếu bị áp lực, Pháp có thể sẽ hợp tác, nhưng trong bí mật và ít thôi, chỉ vừa đủ thỏa mãn chế độ Diệm. Về phương diện chính trị, biên độ hoạt động của Pháp rất hẹp. Chính phủ Pháp khó thể ra một tuyên cáo ủng hộ Diệm. Có thể nhờ đài truyền hình Pháp đi một bản tin về hiểm họa Cộng Sản, hoặc cử một phái đoàn Dân biểu tới tham quan. Về phương diện quân sự, Pháp khó thể làm gì trong khi Mỹ tiếp tục gia tăng sự can thiệp. Hai cách hành động là cung cấp viện trợ quân cụ và chuyên viên. Hiện Pháp còn một kho quân trang ở Marseille vốn dựỳ định gửi qua Đông Dương. Cũng có thể cố vấn việc phòng thủ vùng cao nguyên Trung phần. Về phương diện hành chính và kinh tế, Pháp có thể yểm trợ trên nhiều mặt. Pháp không muốn yểm trợ chính trị cho chế độ Diệm, nhưng cũng không thể không bảo vệ quyền lợi Pháp tại đây. Oái oăm là mặc dù biết rõ lập trường của Pháp, Diệm vẫn tiếp tục áp lực, yêu cầu Pháp có bổn phận bảo vệ miền Nam trước hiểm họa Cộng Sản. Mỹ, bị cô lập, cũng muốn các quốc gia khác nhập cuộc. Bri-tên, dù thiện cảm với chế độ Diệm, chỉ bí mật tiếp tay.( 190)

(190. Direction Asie-Océanie, “Note a/s Soutien au gouvernement Vietnamien- Démarche de l'Ambassadeur Pham Khac Hy;” Ibid., CLV, SV, d. 91:2-9.)

Ngày 31/3/1962, Ngô Đình Diệm đích thân viết thư cho de Gaulle xin trợ giúp chống lại sự xâm lăng của CSBV. Theo Diệm, CSBV đang công khai xâm lăng VNCH. Từ ngày 18/1/1962, đài Hà Nội đã loan tin thành lập Đảng Nhân Dân Cách Mạng mà mục tiêu tức khắc là đoàn kết dân chúng và lật đổ chính quyền miền Nam. Đảng này cũng kêu gọi dân chúng miền Bắc xây dựng một miền Bắc giàu có và vững mạnh, để biến thành một hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giành thống nhất hòa bình cho xứ sở và để yểm trợ tích cực đồng bào miền Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng. Trong Đại hội Đảng CSVN năm 1960, Hà Nội cũng khẳng định sẽ “giải phóng miền Nam.” Tài liệu bắt được cho thấy Hà Nội xâm nhập người vào Nam.(191)

(191. Ibid., CLV, SV, d. 91:35-37. Ngày 26/4/1962, Vũ Văn Mẫu họp báo xác nhận Diệm đã viết thư cho de Gaulle ngày 31/3/1962. Thư này gửi cho 93 quốc trưởng khác nữa. Tuyên bố Sài Gòn có thể tẩy chay (boycott) Ủy ban Quốc tế Kiểm soát Đình chiến; Ibid., CLV, SV, 91:42.)

Trong thư trả lời, de Gaulle chỉ ghi nhận lời kêu gọi của Diệm, nói chung chung là cần tôn trọng Hiệp định Geneva, chủ quyền và lãnh thổ quốc gia, và dân tộc Việt Nam xứng đáng được sống trong hòa bình và tự do.( 192)

(192. Ibid., tr. 38. Theo Ngoại trưởng Couve de Murville, de Gaulle không đánh gía cao chế độ Diệm.)

Ngày 31/5/1962, Ngô Đình Nhu từ London tới Paris, sau 1 chuyến đi của phái đoàn Dân biểu tới Roma và Bonn. Tuy nhiên, không rõ de Gaulle có tiếp kiến Nhu hay Lệ Xuân theo lời yêu cầu hay chăng.

Ngày 30/6/1962, Ngoại trưởng Maurice Couve de Murville tiếp Vũ Văn Mẫu tại nhà riêng vì tình bạn học cũ, nhưng giao tình giữa hai nước vẫn chẳng cải thiện bao lăm. Chủ trương của de Gaulle là trung lập hóa toàn Đông Dương, trong khi Nhu chỉ muốn lợi dụng Pháp để giảm bớt áp lực Mỹ.

Ngày 7/7/1962, XLTV Đại sứ Pháp báo cáo rằng các cấp lãnh đạo VNCH có tinh thần bài Pháp vì Pháp kiều không chịu chống Cộng theo đường lối Mỹ-Việt. Hai Pháp kiều Etchegarray và de la Chevrotière vẫn bị giam sau vụ đánh bom Dinh Độc Lập. Chỉ có Heurtier được phóng thích. Tổng Lãnh sự Pháp đã gửi hai thư phản kháng về việc chính quyền địa phương trưng dụng tài sản của Pháp kiều làm đồn binh hay trại tạm cư cho dân tị nạn. Một quản lý đồn điền cao su ở Minh Thành đã bị cáo buộc nạp cho Việt Cộng 27,000 đồng, rồi mỗi tháng đóng thuế 1,200 đồng. Lời cáo buộc này xảy ra sau một tai nạn tại phi trường của đồn điền trên: 4 du kích Việt Cộng đã cướp đoạt một xe Jeep của viên Trưởng ty Cảnh sát rồi bỏ chạy khi một chiếc phi cơ chở Giám mục Đà Lạt hạ cánh xuống đồn điền này.( 193)

(193. Ibid., CLV, SV, 91:84-90. Xem thêm Airgram No. A-350, Saigon gửi BNG; LBJL, NS File, Vietnam Country File, Box 2; “Memorandum of Conversation (Harland H. Eastman, Feb 25, 1964); Ibid.; Letter of Feb 20, 1964, People’s Liberation Front of South Vietnam [PLFSVN] Long Khanh to Director of General Director of Red Land Rubber Plantation (in French); Ibid..)

Ngày 16/8/1962, BNG VNCH còn phản đối với Đại sứ Pháp việc Y sĩ Phạm Huy Cơ từ Pháp qua Nam Vang gặp gỡ Việt kiều.(194)

(194. Ibid., CLV, SVN, 91:92.)

Chuyến ghé Paris của Nguyễn Đình Thuần vào ngày 3/10/1962–sau khi thăm Mỹ–cũng chẳng mang lại được lời hứa nào của Ngoại trưởng Couve de Murville.(195)

(195. Ibid., CLV, SV, 91:101.)

Ngày 5/12/1962, Ngô Đình Diệm phải than thở với Lalouette là không hiểu nổi chính sách của Pháp; Pháp có quyền lợi kinh tế ở Việt Nam, mà dửng dưng.(196)

(196. Ibid., CLV, SV, 91:113.)

Từ đầu năm 1963, có dấu hiệu cải thiện liên hệ Pháp-Việt. Tháng 2/1963, phái đoàn Quốc hội VNCH, do Trương Vĩnh Lễ cầm đầu, qua thăm Pháp được tiếp đãi nồng hậu. Lễ, Chủ tịch Quốc Hội, là nhân vật thứ ba của VNCH, rất trung thành với Diệm. Dòng giõi Petrus Key, nói tiếng Pháp thành thạo. Tháp tùng có Hà Như Chi, Nguyễn Hữu Chính, Nguyễn Quốc Hùng, Trần Văn Thọ.(197)

(197. Ibid., CLV, SV, 22; Mậu 1993:568.)

Thứ Tư, 10/4/1963, Ngoại trưởng Mẫu than phiền với Rusk về những nỗ lực của một số người Pháp trong kế hoạch trung lập hóa và tự hỏi tại sao những phần tử như Trần Văn Hữu có thể qua Mỹ.( 198)

(198. FRUS, 1961-1963, III:219-220.)

1. Đại sứ Roger Lalouette

Những tài liệu văn khố đã giải mật cho thấy phía sau lớp bình phong “không can thiệp chính trị” của chính phủ de Gaulle, Đại sứ Lalouette tích cực dàn xếp cho Nhu tiếp xúc đại diện Hà Nội. Từ ngày 15/8/1962, Nguyễn Đình Thuần đã tiết lộ với Nolting là theo Lalouette, vì kinh tế miền Bắc gặp khó khăn, và áp lực Trung Cộng ngày một gia tăng, Bắc Việt thành tâm muốn tìm giải pháp chính trị, để trục xuất Mỹ khỏi miền Nam, và tránh áp lực Trung Cộng. Hơn nữa, Hồ vốn là người bài Hoa, thân Tây phương. (199)

(199. FRUS, 1961-1963, II:588-589. Vấn đề Hồ có bài Hoa hay thân Tây phương chăng cần được nghiên cứu thêm. Các viên chức Pháp dường không biết đến việc từ năm 1958, Hồ đã sai Phạm Văn Đồng cắt lãnh hải cho Trung Cộng để xin quân viện đánh miền Nam.)

Vai trò của Lalouette thoáng bộc lộ trong chuyến về nước nghỉ phép vào tháng 6/1963. Ngày 25/5, Ngô Đình Diệm tiếp Lalouette, bàn nhiều vấn đề. Về các nước lân bang, Diệm đặc biệt quan tâm đến Lào. Theo Diệm, Hà Nội và Bắc Kinh tạo nên tình trạng căng thẳng ở Lào. Vì cảm thấy phải bỏ ý định chiếm Nam Việt Nam bằng võ lực nên Hà Nội muốn bành trướng ảnh hưởng Pathet Lào dài theo biên giới Lào-Việt. Về Bắc Việt, Diệm cho rằng các nhà lãnh đạo Hà Nội đã bắt đầu nhận hiểu chỉ vô dụng khi đánh chiếm miền Nam. Chẳng cần phải có thương thuyết, cuộc chiến sẽ một ngày đột ngột ngừng lại giống như lúc khởi sự năm 1960. Lalouette có cảm nghĩ rằng chính do sự tiên đoán này, và để chuẩn bị cho điều này, Diệm và Nhu đã nêu lên vấn đề triệt thoái từ từ các cố vấn Mỹ” Tuy nhiên, Diệm không nhắc gì đến vấn đề này.( 200)

(200. Rapport No. 369/AS, 29 mai 1963, Lalouette gửi Couve de Murville; AMAE (Paris), CLV, SV, 91:137-143.)

Về bang giao Việt-Pháp, Diệm ghi nhận sự hợp tác của Pháp kiều trên các lãnh vực kinh tế và văn hóa, và hy vọng sẽ tiếp tục như thế. Diệm hài lòng khi các đồn điền cao su bí mật cho mượn đất làm ấp chiến lược. Diệm mừng thấy liên hệ giữa hai nước cải tiến, đặc biệt là chuyến qua Pháp của Trương Vĩnh Lễ, vào tháng 2/1963. (201)

(201. Sau hội nghị SEATO [OTASE], Đại sứ Mỹ tại Paris báo cáo về Bộ NG là lãnh đạo Pháp bắt đầu chú ý hơn đến Đông Nam Á. Diệm muốn vay thêm Pháp số tiền 100 triệu MK, giống như số tiền vay từ tháng 11/1959 tới tháng 3/1960. Lãi tức thấp (4%), kéo dài từ 10 tới 15 năm. Nhằm tăng thêm số vốn 30 triệu đã bỏ vào khu kỹ nghệ An Hòa, lập một nhà máy lọc đường [une sucrerie], một lò sát sinh ở Sài Gòn, đường tàu điện ở Đà Lạt, cầu Mỹ Thuận, xây dựng phi trường Sài Gòn. Lalouette cho biết Paris đang nghiên cứu đơn xin vay tiền, nhưng có vẻ không tốt. Quan trọng nhất là VNCH phải hoàn tất các giao kèo thực hiện những kế hoạch đã mượn tiền từ trước cho kế hoạch An Hòa. Nhu đã nói với Lalouette rằng sẽ qua Pháp nếu cần. Báo cáo số 383/AS, ngày 31/5/1963; AMAE (Paris), CLV, SV, d. 91:144-147.)

Về tới Pháp, Lalouette làm phiếu trình đặc biệt ngày 21/6/1963 lên Couve de Murville. Không rõ Bộ Ngoại Giao Pháp có quyết định nào hay chăng.( 202)

(202. Tôi chưa được tham khảo nguyên bản tài liệu này. Những bước kế tiếp đầy những khoen nối thiếu sót. Có thể dự thảo của Lalouette đã lọt vào mắt de Gaulle, vì bỗng dưng hơn hai tháng sau, ngày 29/8/1963, de Gaulle tuyên bố Pháp có trách nhiệm giúp dân tộc Việt thoát khỏi cảnh chia phân do ảnh hưởng ngoại cường. Rất tiếc trong hai lần gặp Maurice Couve de Murville tại Paris năm 1983, vì trọng tâm nghiên cứu của tôi là giai đoạn 1939-1946, nên không nêu lên vấn đề này với cựu Ngoại trưởng Pháp.)

Trở lại Sài Gòn, Lalouette tiếp tục làm chim xanh cho Nhu và Hà Nội. Lalouette, phối hợp với các Đại sứ India, Italia và Vatican giới thiệu Nhu vớiợ Maneli.

Như để tiếp tay de Gaulle, ngày 29/8/1963, Mao Trạch Đông tiếp phái đoàn đại diện MT/GPMN tại Bắc Kinh. Đây có thể chỉ là dấu ấn đóng lên MT/GPMN, biến cơ cấu ngoại vi của Đảng Lao Động Việt Nam thành một thực thể chính trị; nhưng cũng có thể hàm ý một thông điệp ngoại giao nào đó.

Qua Lalouette và một số nhà ngoại giao khác, tối 25/8/1963, Maneli gặp Nhu, mở đường cho cuộc gặp mặt chính thức tại Dinh Gia Long. Năm ngày sau, 30/8, Maneli tiết lộ kế hoạch “đi đêm” này với CIA. Lodge bèn tới gặp Lalouette. Lalouette khuyên Lodge nên làm việc với họ Ngô để chiến thắng, và còn đề nghị đưa Nhu lên làm Thủ tướng. Lalouette cũng nhận định rằng cuộc chiến sẽ sớm kết thúc trong vòng 1, 2 năm. Khi cuộc chiến chấm dứt, chính là miền Nam, lúc ấy sẽ mạnh hơn miền Bắc, sẽ đề nghị hiệp thương, trao đổi gạo miền Nam lấy than miền Bắc. Điều này có thể dẫn tới việc thống nhất đất nước với miền Nam vượt thắng. Tuy nhiên, chuyện còn xa.( 203)

(203. FRUS, 1961-1963, IV:58-59.)

Hôm sau, Lodge báo cáo thêm rằng Lalouette đã có mặt bên Nhu khoảng 4 tiếng đồng hồ trong cuộc “vét chùa” đêm 20- 21/8/1963. Một nguồn tin đáng tin cậy còn cho biết là Lalouette muốn Mỹ triệt thoái khỏi miền Nam, và “Pháp sẽ đứng ra dàn xếp giữa Bắc và Nam Việt Nam. . . . Nhu đang ở vào tình trạng bốc đồng và một vài cử chỉ với Bắc Việt qua Nhu chẳng phải là không thể xảy ra.”( 204)

(204. FRUS, 1961-1963, IV:67-68. Theo Trần Bạch Đằng, họ Ngô bí mật chuyển lời muốn tiếp xúc với phe CS, nhưng lãnh đạo CSVN giữ một khoảng cách, vì biết họ Ngô đang gặp khó khăn với Mỹ. (Phỏng vấn tháng 4/2005).)

Ngày 4/9, Lodge báo cáo thêm rằng theo Lalouette Nhu có thể dàn xếp một thỏa hiệp với VC để ngừng chiến tranh. Khi Lodge hỏi với điều kiện nào, Lalouette đáp: “Triệt thoái một số lính Mỹ.” Lalouette còn nhấn mạnh rằng không có một giải pháp khác Diệm và Mỹ phải hợp tác với Diệm Điều mà Lalouette muốn đặc biệt nhấn mạnh là niềm tin của ông ta chẳng có một giải pháp nào khác Diệm, và Mỹ phải làm việc với họ để chiến thắng. (205)

(205. FRUS, 1961-1963, IV:111, n3.)

Ngay hôm sau, 5/9, New York Thời báo đăng bản tin của Robert Trumbull, tiết lộ rằng Lalouette muốn khuyến khích Lodge ngưng chỉ trích chế độ Ngô Đình Diệm. Theo Trumbull, Lalouette được các Đại sứ Tây Đức, Italia và Khâm sứ Vatican yểm trợ. Giới ngoại giao cho rằng de Gaulle đã giữ Lalouette tại Sài Gòn lâu hơn lệ thường nhằm chống lại Lodge, người bị cáo buộc là chống Pháp. Vẫn theo Trumbull, Lalouette đã khuyến khích Nhu liên lạc với miền Bắc, qua trung gian Maneli để thành lập một nước Việt Nam thống nhất, trung lập. Bài viết kết luận bằng câu: “Bà Ngô Đình Nhu đã tuyên bố trong tuần này rằng ông Lalouette là một Đại sứ khả kính [éminent] và bà ta chỉ trích Lodge.” Thông báo cho Lalouette bài báo nói trên, Giám đốc Chính trị Vụ BNG Pháp chỉ thị:

“Tôi muốn lập lại với ông [Lalouette] rằng chúng ta không hề có ý định can thiệp vào nội tình Việt Nam hay biến thành những nhà vô địch bên cạnh ông Nhu hay bà Nhu. Những công điện trước đây của tôi đã chỉ thị chính xác vấn đề này. Chúng ta cũng không muốn cố vấn cho ông Cabot-Lodge hay chịu trách nhiệm về việc ông ta làm hay không làm đối với gia đình Diệm. Cuối cùng, ví thử thống nhất là mục tiêu của chúng ta, chúng ta cũng không khuyến khích những cuộc tiếp xúc của ông Nhu với các sứ giả của miền Bắc.”( 206)

(206. CĐ 16957/63, Lucet gửi Lalouette; AMAE (Paris), CLV, SV, d. 18:197-199.)

Một chi tiết trong đoạn kế tiếp của Lucet khiến gợi nhiều tra vấn. Lucet viết:

Bài viết trên New York Thời Báo xác nhận những tin đồn đã báo cáo lên chúng tôi từ Đại sứ Bri-tên (xem CĐ số 740). Nó theo đúng điều ông đã trình bày trong phiếu trình ngày 21/6 vừa qua và nó, trên mọi phương diện, không thể là bản văn những chỉ thị mà ông nhận được.

Trong mọi điều kiện, làm ơn, sau khi nhận được công điện này, báo cáo cho tôi bằng công điện những gì là sự thực trong bản tin của ký giả Mỹ và cho tôi biết một cách hoàn toàn chính xác về thái độ mà họ nói về ông.( 207)

(207. AMAE (Paris), CLV, SV, d. 18:199.)

Hôm sau, BNG Pháp cho hãng tin AP cải chính rằng Lalouette không hề dính líu vào nội tình chính trị Việt Nam. Hơn nữa, lời tuyên bố ngày 29/8 của Tổng thống de Gaulle là lời phủ nhận rõ ràng nhất những chi tiết trong bài viết của Trumbull. Kế hoạch “con thoi” giữa Hà Nội và Sài Gòn của Lalouette bị chấm dứt ngày này.

Riêng báo cáo của Lalouette về buổi gặp mặt Ngô Đình Diệm ngày 2/9/1963, chẳng hiểu có gây phản ứng nào tại Quai d’Orsay? Trong buổi họp kéo dài 3 giờ do Diệm yêu cầu này, theo Lalouette, Diệm có vẻ bình tĩnh hơn thường lệ. Lalouette trao cho Diệm bản tuyên ngôn của de Gaulle. Diệm nói về liên hệ với Mỹ, và có lúc đổi sắc mặt nói: “Người ta nói về một cuộc đảo chính. Người ta nói với tôi rằng mạng sống tôi đang nguy hiểm. Thật không thể chấp nhận được rằng người ta có thể đối xử như thế với một chính phủ bạn.” Tuy nhiên, Diệm thêm rằng hiện tại tình hình tạm lắng dịu. Tổng thống Mỹ, do sự khuyến khích của Đại sứ Lodge, đã khôn ngoan không bật đèn xanh. Đó là chiều hướng ôn hòa của lời tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 2/9.(208)

(208. AMAE (Paris), CLV, SV, d. 18. Theo Lalouette, khi giải thích về Phật Giáo, Diệm cho rằng tình hình nghiêm trọng vì các sư trẻ thay thế những nhà sư lớn tuổi, khả kính cũ từ năm 1962. Theo Diệm, Nam Việt Nam có 3000 tăng, 600 ni, 1 triệu tín đồ thuộc Tổng Hội Phật Giáo và 3 triệu cảm tình viên. Như thế Phật tử chỉ chiếm tối đa 28% dân số. Mặc dù có người bị thương, nhưng không ai bị chết trong cuộc tấn công chùa chiền. Chính phủ phải đương đầu từ hạ tuần tháng 7/1963 một kế hoạch xách động chính trị có phối hợp nhịp nhàng sử dụng mọi phương tiện để chống lại chính phủ, và chính phủ phải phản ứng.)

Ngày 10/9, đúng ngày Lalouette nhận lệnh triệu hồi, Lalouette gửi về Paris báo cáo chót về buổi gặp mặt với Lodge. Lodge nói với Lalouette là chính phủ Mỹ chưa có quyết định nào về khủng hoảng bang giao Việt-Mỹ. Lodge như người đi trong sương mù. Buổi gặp mặt giữa Diệm và Lodge ngày 9/9 “chưa chín mùi” vì ông ta không có gì để nói nữa. Lodge sợ rằng Quốc Hội Mỹ sẽ đặt vấn đề viện trợ với chế độ Diệm. Lodge hy vọng rằng khó khăn sẽ vượt qua vì Tổng thống Kennedy mới tuyên bố là “Liên bang Mỹ đã quyết định ở lại Việt Nam nếu nước này tiếp tục chống sự tấn công của Cộng.” Với hiện trạng cần thận trọng khi phán định.( 209)

(209. AMAE (Paris), CLV, SV, d. 18:111.)

2. Kế hoạch trung lập hóa Việt Nam:

Ngày 29/8–giữa lúc Bạch Cung chấp thuận cho các Tướng làm đảo chính, với mục tiêu tối thiểu là loại bỏ Cố vấn Nhu–Bộ trưởng thông tin Pháp Peyrefitte đột ngột công bố quyết định của de Gaulle về Việt Nam trong một buổi họp Hội đồng chính phủ tại Paris: Đó là dân tộc Việt Nam xứng đáng được sống trong hòa bình, độc lập, thoát khỏi sự can thiệp của ngoại bang. Do những liên hệ của Pháp với Việt Nam bấy lâu, chính phủ Pháp sẽ vận dụng hết khả năng để thực hiện mục tiêu này.( 210)

(210. AMAE (Paris), CLV, SV, 18:156; Le Figaro [Paris), 30/8/1963.)

Ngày 30/8, báo chí Mỹ phản ứng giận dữ. Nhiều báo cho rằng de Gaulle muốn can thiệp vào Việt Nam, loại bỏ ảnh hưởng Mỹ. Bộ Ngoại Giao Mỹ phải yêu cầu Đại sứ Pháp tại Oat-shinh-tân giải thích rõ lập trường của de Gaulle. Alphand được yêu cầu nên giải thích lời tuyên bố của de Gaulle chỉ là một viễn kiến cho tương lai.

Nhưng báo chí Việt trong hai ngày 30 và 31/8 nồng nhiệt tán thưởng đề nghị của de Gaulle. Theo Quyền Ngoại trưởng Cừu, bản tuyên bố này được cứu xét trong phiên họp Hội đồng chính phủ và đi đến quyết định cho in nguyên văn bản dịch trên trang nhất bản tin Thông Tấn Xã Việt Nam. Bản tin VTX chỉ bỏ đi câu trả lời của Peyrefitte với phóng viên hãng Reuter rằng “Điều này có nghĩa chúng tôi có một cuộc hẹn gặp trong tương lai.” Các giới chức chính phủ, theo Cừu nói với Lalouette, hiểu tất cả ý nghĩa lời tuyên bố của de Gaulle, và giữa lúc cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Việt Nam, lời tuyên bố của de Gaulle được một sự cộng hưởng đặc biệt. VTX viết: “Trên bình diện chính thức, không có gì chứng tỏ rằng lời tuyên bố trên làm phiền đến Tổng thống Kennedy”. Lalouette kết luận: “Dù cuộc khủng hoảng hiện tại này ra sao, việc gieo mạ đã bắt đầu, nó sẽ nẩy mầm.”( 211)

(211. CĐ số 733-735, Lalouette gửi BNG, ngày 31/8/1963; AMAE (Paris), CLV, SV, 18:46-47.)

Tại Paris, ngày 2/9, Đại sứ Phạm Khắc Hy xin yết kiến Couve de Murville, yêu cầu Ngoại trưởng Pháp giải thích thêm về lời tuyên bố của de Gaulle ngày 29/8/1963. De Murville khẳng định Pháp chỉ có quyền lợi kinh tế văn hóa ở Nam Việt Nam, và đứng ngoài vấn đề chính trị. Khi thông báo tin này cho Lalouette, de Murville chỉ thị: “Trong hoàn cảnh hiện tại, thái độ chờ đợi và không can thiệp phải được triệt để thi hành ở Sài Gòn cũng như Paris.” (212)

(212. CĐ 737/39, ngày 2/9/1963, Paris gửi Sàigòn; AMAE (Paris), CLV, SV, carton 18.)

Trong khi đó, tại Sài Gòn, trong buổi gặp mặt Lodge từ 16G00 tới 18G00 tại Dinh Gia Long, Ngô Đình Nhu tuyên bố: De Gaulle có quyền phát biểu ý kiến, nhưng những người không tham chiến không có quyền can thiệp. Sự trung thành với Mỹ ngăn cấm chúng tôi nghiên cứu tuyên bố của de Gaulle hay Hồ. Người Mỹ là dân tộc duy nhất trên trái đất dám giúp Nam Việt Nam.( 213)

(213. FRUS, 1961-1963, IV:85.)

Cùng ngày 2/9, Giám đốc Nha Á châu-Đại dương Lucet cho Lalouette biết rằng theo tình báo Bri-tên ở Sài Gòn, người ta tự hỏi phải chăng chính sách của Pháp là yểm trợ Ngô Đình Nhu như người tốt nhất để theo đuổi chính sách thống nhất và độc lập với Mỹ. BNG Pháp trả lời với Đại sứ Bri-tên tại Paris rằng “Đây không hề là chính sách của chúng tôi”. Lucet chỉ thị cho Lalouette phải trả lời cho Đại sứ Bri-tên tại Sài Gòn, nếu được hỏi, rằng: “Chính sách của Pháp là không can thiệp vào nội tình Việt Nam.”(214)

(214. CĐ 740.41, 2/9/1963, Lucet gửi Lalouette; AMAE (Paris), CLV, SV, d. 18.)

Ngày 3/10, Couve de Murville giải thích trước Ủy ban Ngoại giao QH Pháp về lời tuyên bố ngày 29/8 của de Gaulle: Pháp ủng hộ giải pháp thống nhất, độc lập của Việt Nam. Đây là chính sách dài hạn không phải là mục tiêu của một hành động tức khắc. Lời tuyên bố của de Gaulle không được đón nhận tốt đẹp ở Oat-shinh-tân cũng như Mat-scơ-va vì cả hai chế độ tại miền Bắc và Nam đều phải thay đổi. Trung Cộng đã bành trướng ảnh hưởng tại Bắc Việt. Mục tiêu duy nhất của Pháp tại Việt Nam là “thống nhất trong độc lập.”.( 215)

(215. Bản tin AFP ngày 4/10/1963; AMAE (Paris), CLV, SV, carton 18.)

Ngày 5/9, sau khi New York Thời Báo đăng bản tin về Lalouette yêu cầu Lodge ngừng công kích Diệm, chính phủ Pháp cho AP đăng bản tin cải chính:

“Những tin tức trên tuyệt đối không phù hợp với chính sách của Pháp . . . Thật khó thể tưởng tượng được rằng một Đại sứ Pháp có thể hướng dẫn một cuộc vận động như trên. Người ta thêm rằng lời tuyên bố tại phiên họp Hội đồng chính phủ tuần qua của Tướng de Gaulle, mong muốn rằng nền hòa bình nội bộ của Việt Nam sẽ được thể hiện không do ảnh hưởng ngoại bang, tự nó đã phủ nhận những tin tức trên tờ New York Times. Vả lại, cần nhấn mạnh rằng lời tuyên bố của Tướng de Gaulle nhằm diễn tả một quan điểm cho tương lai và không nên coi như chống lại Liên bang Mỹ.( 216)

(216. AMAE (Paris), SLV, SV, d. 91:59.)

Ngày 6/9, khi tiếp phái đoàn Nhật Ohira và Haguiwara, Couve de Murville tái khẳng định rằng lời tuyên bố của de Gaulle nhắm vào tương lai, không phải là giải pháp tức khắc. De Gaulle theo đuổi lập trường các ngoại cường không nên can thiệp vào nội tình nước khác [non-ingérence]. Chính sách của Pháp là không can thiệp vào nội tình Việt Nam. Chỉ muốn kinh tế và văn hóa. Bắc Việt Nam chịu ảnh hưởng Trung Cộng nhiều hơn Nga. Về miền Nam, theo Couve de Murville, hiện trạng sẽ kéo dài một thời gian. Có thể một Tướng lãnh sẽ được đưa lên cầm quyền. Nhưng đây không phải là một chính phủ được dân ủng hộ. Sai lầm của chế độ hiện nay là không được dân chúng giúp đỡ và ủng hộ. Một tay độc tài khác lên thay sẽ chẳng thay đổi được gì cả. Couve de Murville phủ nhận là không có một ứng cử viên người Việt tị nạn nào ở Pháp để thay thế Diệm.(217)

(217. AMAE (Paris), CLV, SV, d. 18:164-166.)

Nhưng ngày 18/9, báo Washington Post vẫn đăng bài “Very Ugly Stuff” [Những thứ rất xấu xí] của Joseph Alsop. Bài này dựa theo tin đồn và những cuộc phỏng vấn, kể cả Nhu. Nói về nỗ lực tìm cách giải hòa Nam-Bắc với sự tiếp tay của Pháp. Alsop nghĩ rằng hai anh em họ Ngô có lẽ không còn tỉnh táo nữa.(218)

(218. FRUS, 1961-1963, IV:298.)

Như để trả lời, ngày 28/9, de Gaulle lập lại ước muốn thống nhất và hòa bình cho các quốc gia nghèo, bị chia cắt do sự can thiệp từ bên ngoài với sự trung gian tự nguyện của nước Pháp.(219)

(219. AMAE (Paris), CLV, SV, 18:161.)

Hai ngày sau, Đại biện Pháp ở Sài Gòn, Perruche, giải thích với Sullivan rằng cả Nhu lẫn Lalouette đều kết luận rằng sự tiến triển của trận chiến, trước khi xảy ra những vụ rắc rối mới đây, khiến cuộc giao dịch Bắc-Nam có thể hoàn tất vào cuối năm [1963]. Việc Nhu tiết lộ với ký giả Alsop khiến người Pháp bẽ mặt và bây giờ họ tuyên bố không tín nhiệm được mục tiêu tối hậu của Nhu.( 220)

(220. FRUS, 1961-1963, IV:326.)
 
III. “SỰ ĐIÊN CUỒNG TẬP THỂ CỦA MỘT GIA ĐÌNH CAI TRỊ”:

Ngày 11/9/1963, trong buổi họp thường nhật Ban Tham Mưu Bạch Cung, sau khi bàn về công điện số 478 của Lodge về hiện tình Nam Việt Nam và đề nghị có những biện pháp trừng phạt (sanctions), Cố vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ, McGeorge Bundy khá nhức đầu vì bài “On Suppressing the News Instead of the Nhus” [Về việc cắt bỏ tin tức thay vì vợ chồng Nhu] trên New York Thời Báo của James Reston. Giữa lúc đó, Michael Forrestal báo tin Tổng Giám Mục Thục đã rời Roma qua New York để dàn xếp cho Lệ Xuân sang Mỹ “giải độc.” Trong một cơn nóng giận, Bundy buột miệng:

Đây là lần đầu tiên thế giới phải đối diện với “sự điên cuồng tập thể của một gia đình cai trị” chưa hề thấy sau thời các Nga hoàng.( 221)

(221. Nguyên văn: “This was the first time the world had been faced with collective madness in a ruling family since the day of the tsars;” FRUS, 1961-1963, IV:175.)

Thực ra, Bundy chưa nghiên cứu kỹ tiểu sử Diệm và họ Ngô, nên cho rằng gia đình Diệm đang điên rồ tập thể. Lời phê bình của ký giả Alsop một tuần sau, rằng anh em họ Ngô không còn biết lý lẽ, cũng quá phiến diện.

Lý lẽ của họ Ngô, nếu biết rõ về gia đình này, rất dễ hiểu ở Việt Nam. Đó là không ăn được thì đạp đổ. Năm 1907, Ngô Đình Khả và Nguyễn Hữu Bài, với sự tiếp tay của Hội truyền giáo, đã tung tin Toàn quyền Paul Beau và Khâm sứ Fernand Levecque “tru diệt Ki-tô giáo” khi truất phế vua Thành Thái (đã rửa tội). Những tháng cuối năm 1933, sau khi từ chức Thượng thư Bộ Lại, Diệm và họ Ngô mở chiến dịch bôi nhọ Toàn quyền Pierre Pasquier và kế hoạch đại cải cách Sarraut-Pasquier khiến Pasquier phải truất cả chức tước, phẩm hàm của Diệm và cha đỡ đầu là Bài, đầy ra Quảng Bình.( 222)

(222. Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối, II:582-585; FRUS, 1961-1963, III:808.)

Anh em họ Ngô, sau buổi họp gia đình vào cuối tháng 6/1963, có lẽ đã quyết định theo đuổi chính sách “ăn không được thì đạp đổ” này. Không những thẳng tay đàn áp Phật Giáo, họ Ngô còn dùng báo chí trong nước, kể cả tờ Việt Nam Thời Báo bằng Anh ngữ, và vài ký giả ngoại quốc chịu ảnh hưởng hay có cảm tình với họ Ngô. Margueritte Higgins chỉ là một trong số này. Không kém hiệu lực là Thục và Lệ Xuân. Thục có tước vị Tổng Giám Mục Ki-tô. Lệ Xuân thì có nhan sắc, và miệng lưỡi “tinh tinh” đã được tinh luyện qua những lần gọi điện thoại chửi bới Trần Văn Đỗ khi Y sĩ Đỗ, em cùng cha khác mẹ với Chương, nghiêng về phía Bình Xuyên, hay những Dân biểu VNCH dám chống lại dự thảo Luật Gia Đình. Mùa Thu 1963, sau khi bị đuổi khỏi nước, Lệ Xuân chỉ trích cả Kennedy hay các viên chức Mỹỳ. Nhu cùng đi một chuyến đò. Nhưng vì còn e sợ người Mỹ, Nhu chỉ cho tung tin có âm mưu ám sát Lodge mà không dám dùng những lời đe dọa công khai như “treo cổ” cha vợ (Trần Văn Chương) tại bùng binh Sài Gòn, để Lệ Xuân hớn hở “xiết chặt giây thòng lọng.” (223)

(223. Lodge rất quan tâm đến những lời dọa nạt này, khẳng định nếu có chuyện gì xảy ra cho cá nhân ông, họ Ngô phải chịu trách nhiệm. (Nhiều năm sau nữa, người thay vợ chồng Nhu xiết cổ cả hai vợ chồng Chương vào tháng 7/1986 là Trần Văn Khiêm, em trai Lệ Xuân))

Ngô Đình Diệm cũng vậy. Ẩn dấu phía sau bề ngoài “đạo đức Khổng học” là một tâm hồn bệnh hoạn (psychopath), vui buồn bất chợt (maniac). Người Việt chưa quên ngón nghề tra tấn của tri huyện, tri phủ Diệm ngày nào– như dùng nến đốt hậu môn nghi can Cộng Sản, những trò tra tấn giúp Tể tướng Bài cho Diệm thăng quan, tiến chức không ngừng từ 1922 tới 1933; nhưng cũng đồng thời, nếu tin được lời Thục viết cho Toàn quyền Decoux ngày 21/8/1944, khiến Cộng Sản phải thuê sát thủ người Hoa ra tận Phan Rang trừ khử đi, nhưng Diệm may mắn chỉ bị thương.(224)

(224. Thư ngày 21/8/1944, Thục gửi Decoux; CAOM (Aix), PA 14, carton 2.)

Trong những năm cầm quyền ở miền Nam, nhiều đêm Diệm bất thần gọi các Bộ trưởng, Tướng lãnh vào Dinh Độc Lập hay Gia Long, bắt thức thâu đêm suốt sáng.( 225)

(225. Phỏng vấn cố ký giả Như Phong Lê Văn Tiến (Houston, 1998-1999).)

IV. KẾT TỪ:

Hành động “ve vãn” [flirtation] Cộng Sản của anh em Ngô Đình Diệm-Nhu–và như thế phản bội lại đa số dân chúng miền Nam–chỉ được đồn đãi từ năm 1962 ở Sài Gòn, và được bạch hóa sau ngày các Tướng làm đảo chính giết chết họ Ngô năm 1963. Yếu tố “phiến Cọng” này mới mang lại sự sụp đổ của Đệ Nhất Cộng Hòa (1956-1963), mà không phải cuộc tranh đấu của Phật Giáo, hay cái gọi là “bảo vệ chủ quyền quốc gia,” “quốc thể,” “nền độc lập” như nhiều người tưởng nghĩ.

Trong công điện gửi về Oat-shinh-tân ngày 31/8/1963 để báo tin hoãn lại cuộc đảo chính dự trù vào hôm sau, ngày 1/9, Lodge ghi thêm chi tiết: Cố vấn Nhu đang bí mật tiếp xúc với Cộng Sản Bắc Việt qua trung gian hai đại sứ Pháp và Poland [Ba Lan], vì hai chính phủ này muốn một giải pháp Việt Nam trung lập. Ngay trong ngày 31/8, Hội Đồng ANQG Mỹ đã thảo luận về việc này. Hilsman tuyên bố đã có trong tay một công điện chứng tỏ Nhu liên lạc với Việt Cộng qua trung gian Pháp, và đang vận động trục xuất các cố vấn cấp tỉnh. Cựu Đại sứ Nolting, có mặt trong buổi họp, bào chữa cho Nhu là Nhu sẽ không chịu chấp nhận mọi điều kiện của Hồ Chí Minh.( 226)

(226. US-Vietnam Relations, Bk 12:542.)

Tuy nhiên, hột xúc xắc đã được gieo xuống.

Cơ sở thành lập chế độ miền Nam sau Hiệp định Geneva (20-21/7/1954) là lập trường chống Cộng. Sở dĩ người Mỹ đổ bao tiền của, vũ khí và nhân vật lực vào miền Nam từ năm 1950 cũng chỉ nhằm mục tiêu chiến lược duy trì “một tiền đồn chống Cộng của thế giới tự do.” Bởi thế, từ giữa tháng 7/1955, họ Ngô được toàn quyền Tố Cọng, Diệt Cọng, bắn giết và bắt giữ hàng chục ngàn người tình nghi. Chỉ cần liên hệ hay phổ biến tài liệu Cộng Sản đã là một hình tội, được qui định rõ ràng trong luật pháp cũng như sinh hoạt hàng ngày ở miền Nam. Chính quyền Diệm ngày đêm ra rả lập trường chống Cộng. Viên chức chế độ mang còng sắt, súng đạn và máy chém đến khắp hang cùng ngõ hẻm, làng xóm, thôn bản phía Nam vĩ tuyến 17 để tiêu diệt “phiến Cọng”–tội danh chính thức của các cán bộ Cộng Sản hoặc những người tình nghi. Các trại “cải huấn” chật ních cán bộ Cộng Sản, kể cả những cán bộ cao cấp của tổ chức trí vận Sài Gòn-Gia Định như Dược sĩ Phạm Thị Yên, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Bùi Thị Nga (vợ Huỳnh Tấn Phát, Tổng thư ký MT/GPMN), v.. v...

Nhưng ai ngờ chính anh em Diệm-Nhu, người được Mỹ ủng hộ và trao phó trách nhiệm chống và Diệt Cọng, từ đầu năm 1963 đã trở thành, âm mưu trở thành, hoặc bị Mỹ tình nghi là, “phiến Cọng” hàng đầu trong Dinh Gia Long–và như thế đáng bị tử hình theo Sắc Luật 10/59 do chính Diệm ban hành.(227)

(227. Ngày 21/8/1956, Diệm ra Sắc Luật 47, lên án tử hình những hành vi phá rối trị an có liên hệ với Cộng Sản. Ngày 6/5/1959, Diệm ban hành Luật 10/59 nhằm diệt Cộng và thiết lập tòa án quân sự lưu động để xét xử Việt Cộng. Toà Mặt Trận này có quyền chung thẩm; dùng Dụ số 47 năm 1956 để trừng trị Việt Cộng. Một trong những “phiến Cọng” nằm vùng là “Cố vấn chính trị” Vũ Ngọc Nhạ, trưởng cụm tình báo A-22. Cán bộ nằm vùng khác là “Bảy [Ba?] Hồng,” một linh mục làm lễ mỗi tuần trong Dinh Độc Lập, và thân cận với họ Ngô.)

Khó kết luận thực chăng anh em Diệm-Nhu muốn bắt tay với Hà Nội, hay chỉ muốn đánh một canh bạc với Mỹ. Ngày 30/9/1963, Phụ tá đặc biệt Thứ trưởng đặc trách Chính trị vụ BNG Mỹ là Sullivan báo cáo rằng XLTV Đại sứ Pháp, Canada và India đều tỏ ý nghi ngờ về thực chất của những tin đồn quanh mối giao dịch Hồ-Diệm. Tuy nhiên, tất cả nhấn mạnh rằng mối giao dịch đó có thể xảy ra trong tương lai. XLTV Đại sứ Pháp [Perruche] cho rằng có thể xảy ra trong vòng ba, bốn tháng.( 228)

(228. FRUS, 1961-1963, IV:325-326.)

Tất cả cảm thấy rằng miền Bắc đang bị suy thoái về kinh tế và biết rằng Việt Cộng đang thua trận tại miền Nam. Vì thế miền Bắc sẽ thương thuyết một hiệp ước ngưng bắn để đổi lấy hai điều kiện: hiệp thương Nam-Bắc và việc triệt thoái quân Mỹ. Một yếu tố nữa là áp lực của Trung Cộng. Nếu Mỹ rút khỏi miền Nam, Trung Cộng sẽ giảm bớt áp lực và cho Hà Nội được nhiều quyền tự trị hơn. Phần Nhu có thể muốn hoàn tất cuộc đổi chác này vì hai lý do: Trước hết, sự tự tin thái quá về khả năng “đả bại Cộng Sản ngay trong chiếu bạc của họ;” và, thứ hai, ý muốn loại bỏ người Mỹ.”( 229)

(229. Ibid.)

Robert S. McNamara và Tướng Maxwell D. Taylor, Tổng Tham Mưu trưởng Liên Quân Mỹ–những người không muốn thay ngựa–cũng chẳng dấu nổi khó chịu về sự “trở cờ” của Nhu. Trong báo cáo ngày 2/10/1963 đệ trình lên Kennedy sau khi tham quan Việt Nam, McNamara và Taylor nhận xét:

Một khía cạnh gây khó chịu khác nữa là việc Nhu đang ve vãn ý đồ thương thuyết với Bắc Việt, dù ông ta có thực tâm hay chăng. Điều này gây bối rối cho những người Việt có trách nhiệm và, trên căn bản, tạo sự lo ngại rằng có thể không có sự đồng nhất với các mục đích của Liên Bang Mỹ. (230)

(230. US-Vietnam Relations, Bk 12:594.)

Năm 1995, McNamara viết trong hồi ký:

“Đầu Hè [1963], chúng tôi được tin Diệm, qua em trai Nhu, bí mật móc nối với Hà Nội. De Gaulle, rất muốn tái lập ảnh hưởng Pháp ở Đông Dương, cũng được thông báo từ Bắc và Nam Việt Nam nguồn tin này, thấy đây là một cơ hội. Ông ta lập tức kêu gọi thống nhất và trung lập hóa Việt Nam. Chúng tôi không rõ đây là sự thực hay chỉ lời đồn, và tự hỏi phải chăng Diệm đang định bắt chẹt [blackmail] chúng tôi để làm giảm áp lực việc ông ta đàn áp thô bạo những phần tử chống đối.” (231)

(231. In Retrospect, 1995:51. Nguồn tin của McNamara là công điện ngày 2/9/1963 của CIA Sài Gòn về buổi nói chuyện với mật báo viên vào tối ngày 30/8/1963; FRUS, 1961-1963, IV:89-90.)

Trong công điện gửi lên TT Johnson ngày 1/1/1964, Lodge cho rằng Kennedy chưa được ca ngợi đúng mức về việc ngăn chặn khuynh hướng tàn hại ở Việt Nam: Nếu trong mùa Hè và Thu 1963, Kennedy không kịp thời ngăn chặn, tình thế ở miền Nam đã dẫn đến đại họa.( 232)

(232. FRUS, 1964-1968, I:1-2.)

Lời chứng của Lodge trước Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện ngày 30/6/1964, còn đi thẳng vào vấn đề hơn:

Mùa Thu [1963] vừa rồi, nếu chính phủ Diệm không bị dứt điểm và tồn tại thêm khoảng một tháng nữa, tôi nghĩ chúng ta đã thấy Cộng Sản cướp chính quyền. Tôi nghĩ yếu tố này rất quan trọng.”( 233)

(233. Nguyên văn: “Last fall, if the Diem government hadn't come to an end and had gone on for another month, I think we might have had a Communist takeover. I think that it had become that important.” Dẫn trong Gibbons 1993, II:204.)

Lodge, tưởng cần nhấn mạnh, được Kennedy giao cho đặc quyền hành xử ở Sài Gòn. Bởi thế, dù Lodge có bất mãn về những trò khiêu khích của vợ chồng Nhu hay chăng, việc ve vãn Cộng Sản của Diệm-Nhu–giống như hành động của Raymond Khánh vào cuối năm 1964, đầu năm 1965–là chiếc đinh cuối cùng đóng lên nắp quan tài chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa.

Những lời cáo buộc các Tướng cầm đầu cuộc đảo chính 1/11/1963 là “sát nhân” mà Lệ Xuân rên rỉ, hay âm thầm nguyền rủa trong vùng bóng tối lạnh lẽo của kiếp lưu vong tại Paris, chỉ là dư hưởng của “cơn điên cuồng tập thể của một gia đình cai trị” đã bị ném xuống mặt đất sau cuộc tế lễ “chống Cộng.”

Hai viên đạn bắn vào gáy anh em Diệm-Nhu, cuộc hành hình Cẩn vào tháng 5/1964, hay cảnh chết già trong điên loạn, bị rút phép thông công của Tổng Giám mục Thục hai mươi năm sau ở Missouri–dù có khiến trạnh lòng trắc ẩn của người Việt, một dân tộc đầy lòng độ lượng và khoan hồng–nhưng chính thực là những bản án xứng đáng cho tội bội phản và âm mưu bội phản của họ Ngô.
 
Houston, 12/8/2003 - Sài Gòn, 4/2005 - Houston, 6/10/2006

Chính Đạo

(Hết)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 9906)
(Xem: 9693)
(Xem: 9175)
(Xem: 9651)
(Xem: 10130)
(Xem: 9173)
(Xem: 10008)
(Xem: 10617)