- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Phỏng Vấn Đỗ Hoàng Diệu: Bản Năng Nhà Văn Trong Xã Hội Đồng Phục

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 8434)
Hợp Lưu: Tuy mới xuất hiện gần đây, bút hiệu Đỗ Hoàng Diệu đã gây nhiều chú ý, đặc biệt với truyện ngắn Bóng đè trên HL78. Vì sao trưởng thành và làm việc tại Hà Nội, cô đã chọn một diễn đàn văn chương ngoài nước vẫn hãy còn bị tịch thâu ở các cửa khẩu hải quan làm nơi thử bút và khởi đầu nghiệp văn?

Đỗ Hoàng Diệu: Tôi có một người bạn mà anh ta làm cán bộ cao cấp trong chính quyền hẳn hoi, anh ta nói với tôi cứ mỗi buổi chiều, sau khi tan sở hoà mình vào phố phường đông đúc của Hà Nội, anh lại thấy cô đơn, lạc lõng khủng khiếp. Và có lúc cô đơn đến cùng cực, anh ta đã tìm đến cái chết. Tôi nói với bạn mình: Tôi cũng chẳng hơn gì anh. Tôi đang cảm thấy bơ vơ, trống trải, hoang mang giữa 81 triệu dân, giữa đường phố Hà Nội ngập những khuôn mặt người, lạc lõng giữa bao gốc sấu đã quá đỗi thân quen với ngàn lần qua lại. Và rất có thể, một lúc nào đó, tôi cũng như bạn mình sẽ tự giải quyết để thoát khỏi cái thế giới quen thuộc nhưng xa lạ này, nếu tôi không còn khả năng vượt thoát. Trước tiên là vượt thoát chính mình, sau đấy là vượt thoát đầm lầy. Với tôi, việc gửi truyện ngắn đến tập san Hợp Lưu, là một ao ước muốn vượt thoát chính mình. Nhưng xin đừng cho rằng, cái mà tôi gọi là sự vượt thoát hàm nghĩa tôi muốn ra khỏi Việt Nam, đến sinh sống ở một đất nước khác. Nếu muốn, tôi đã đi từ lâu và ra đi đàng hoàng với nhiều cơ hội. Có ra đi, tôi sẽ chỉ ra đi vì người tôi yêu thương.

Còn việc tôi chọn Hợp Lưu chứ không phải một diễn đàn khác để ao ước sự vượt thoát, dường như là số phận. Số phận đã làm truyện ngắn của tôi bị từ chối in ấn, xuất bản trong nước mà có lẽ thứ số phận trước tiên là do tôi đã viết rất thật, không dối trá chính mình. Rồi số phận đã cho tôi gặp gỡ, thân quen một vài người sống bên ngoài, yêu mến văn nghệ, yêu mến Hợp Lưu đã giới thiệu tạp san này với tôi. Và số phận đã mách bảo, khi tôi đọc Hợp Lưu, mình phải gửi truyện ngắn đến đấy. Tôi không quan tâm đến chuyện Hợp Lưu vẫn còn bị tịch thu ở cửa khẩu hải quan, tôi chỉ nghĩ đây là một tập san văn chương đích thực. Nhưng cũng chính vì số phận ấy, bây giờ một số bạn bè xa lánh tôi. "Cẩn thận, nó dính đến hải ngoại". Họ truyền tai nhau như thế. Tôi thấy thương họ.

HL: Tốt nghiệp luật, rồi sống và làm việc giữa thủ đô Hà Nội, theo dõi sinh hoạt báo chí, cô đánh giá chung các tập san văn chương trong nước ra sao? Có sự khác biệt nào giữa trong với ngoài? Hiện nay người đọc bắt gặp rất thường xuyên những tên tuổi Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Bá Thọ, Lynh Bacardi, Phước An, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Viện, Nguyễn Việt Hà, Lý Đợi, Bùi Chát, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Vy Thùy Linh, Phương Lan, Thúy Hằng, Hoàng Long, Phan Huyền Thư, Vương Huy, Như Huy, Ngô Tự Lập, Trần Tiễn Cao Đăng, Trần Thùy Mai, Inrasara, v.v.. trên các tập san và website ngoài nước. Cô giải thích thế nào về hiện tượng này, mà cô là một trong những tác giả đã vượt cầu?

ĐHD: Khi còn là học sinh rồi sinh viên, cái thời Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, sau nữa là Phan Thị Vàng Anh bắt đầu "tung chưởng" trên văn đàn, tôi thường nghiến ngấu những tờ báo, tạp chí không sót một dòng. Đến nỗi tôi phải nhịn quà sáng để có tiền đặt mua báo Văn Nghệ những năm nhà văn Nguyên Ngọc làm tổng biên tập. Nhưng bây giờ, khi đã đi làm, đã không cần phải nhịn quà sáng vẫn có thể mua được không chỉ mình báo Văn Nghệ, mà còn Văn Nghệ Trẻ, Nhà Văn, Văn Nghệ Quân Đội, Văn Nghệ TPHCM, Người Hà Nội, Sông Hương, Cửa Việt… tôi lại không đặt mua bất kỳ một loại báo, tạp chí văn chương nào nữa. Khi có thời gian rảnh, tôi thường liếc chúng trong thư viện. Hoặc thi thoảng, ai đó gọi điện thoại mách tờ này, tờ nọ vừa có truyện A, bài B hay lắm, tôi lại lượn xe máy ra phố mua đúng số báo ấy. Nhưng rồi đọc xong, thấy người gọi điện thoại "mách" mình đã quá lời. Cũng có đôi ba lần "ngây ngấy sốt" vì mấy bài tranh luận đánh nhau, chửi nhau, nhưng rồi cũng vèo qua trí nhớ như cơn gió. Còn sáng tác, tôi thường đọc xong truyện mà không nhớ tên nhân vật, chẳng có hình tượng nào đọng lại. Có lẽ trí nhớ của tôi quá tồi! Tôi thường chậc lưỡi một mình: Đã xa rồi ơi Nguyễn Huy Thiệp, ơi Bảo Ninh, ơi Phạm Thị Hoài, ơi Vàng Anh…

Còn sự khác biệt nào giữa các tập san văn chương trong nước và ngoài nước? Có lẽ phải để các nhà nghiên cứu phê bình đánh giá. Riêng tôi, chân đất mắt toét, không dùng kính lúp cũng thấy một điều. Đó là các tập san ngoài nước sẵn lòng đón nhận những tác giả từ bên trong, trong khi các tập san trong nước rất dè dặt với các tác giả bên ngoài. Cho tới bây giờ, loáng thoáng cũng chỉ thấy Nguyễn Văn Thọ, Lê Minh Hà, Phạm Hải Anh... xuất hiện với tần số thớt thưa cùng những truyện ngắn thực sự hiền lành với bút pháp chẳng khác gì truyện bên trong. Tôi băn khoăn không hiểu nhà văn bên ngoài không thèm gửi sáng tác về hay bên trong đóng cửa, từ chối khéo? Nhưng đấy không phải là điều ghê gớm gì. Cái tôi cảm nhận sâu sắc là tập san văn chương bên ngoài rất nghiêm túc, biết tôn trọng cái mới, cái hay. Tôi cũng biết tập san bên ngoài không có nhà nước nào bỏ tiền ra bao cấp, phải tự mình chèo chống giữa khốn đốn tài chính. Nhưng sao họ vẫn xuôi dòng với những con thuyền mang tên Hợp Lưu, Văn Học, Thơ, Tiền Vệ... vững chãi? Chỉ có thể nói do nhiệt huyết với văn chương và sự tự do được viết, được nói những gì họ muốn.

Và khi những con thuyền Hợp Lưu, Văn Học, Thơ quyến rũ như vậy, cớ gì các hành khách Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Bá Thọ, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Viện, Lý Đợi, Hoàng Long lại không leo lên ngồi chung để cùng Khánh Trường, Mai Ninh, Trần Vũ, Cao Xuân Huy, Đỗ Kh, Khế Iêm, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Nguyễn Thị Thanh Bình... làm cuộc rong chơi trong biển hồ văn chương? Đấy là tôi lan man thế, chứ ai biết được trong đầu Hồng Minh, Phan Bá Thọ, Nguyễn Viện nghĩ gì khi vượt cầu. Có sai xin đừng mắng mỏ! Và tôi, dù biết mình chỉ là một hành khách bé tiù tẹo, chưa biết bò, nhưng cũng cố ẩy mình mon men đến chiếc thuyền. Bởi tôi biết, chủ những con thuyền sẽ tôn trọng sáng tác của mình.

HL: Thời gian sắp đến, khi có tác phẩm in thành sách, Đỗ Hoàng Diệu sẽ nạp đơn vào Hội Nhà Văn như các thế hệ nhà văn đi trước? Có phải ở Việt Nam mỗi nhà văn bắt buộc phải vào hội để có chỗ đứng chính thức? Vào Hội Nhà Văn hôm nay có còn là một vinh dự cho người cầm bút? Một nhà văn có cần độc lập với các đoàn thể, hội đoàn, đảng phái?

ĐHD: Hỏi đến lạ! Tôi đang tập lẩy, còn chưa biết bò, đã biết viết đâu mà nghĩ đến chuyện của người già! Hợp Lưu hỏi lạ nữa! Một truyện ngắn cũng chẳng in cho tôi, ai dám in cho tôi cả cuốn sách? Người ta bảo tôi phải viết gọn gàng, sạch sẽ, xinh xắn, ấm áp thì mới in được. Người ta đọc bản thảo mà cứ như đo đếm vòng eo để chọn hoa hậu không bằng! Ngay cả Tình Chuột, có đụng chạm nào đâu, người ta cũng bắt tôi phải rút ra khỏi tập truyện tôi định xuất bản. Thế thì làm sao mà tôi vào Hội Nhà Văn được? Thôi, cứ thế này để được đi thi hoa hậu dài dài. Nhưng nói thật nhé, giả dụ khi tôi về già, ai đó khùng điên mời tôi vào Hội Nhà Văn, tôi cũng không vào đâu. Vì tôi không có tiền nộp hội phí mỗi năm và khi chết tôi cũng không cần ai đọc điếu văn kính thưa kính gửi! Đấy là còn chưa nói đến chuyện, chẳng may Nguyễn Huy Thiệp lại xếp tôi vào trong đa số các nhà văn Việt Nam "vô học", lưu manh thì bố mẹ tôi sẽ uất hận bao nhiêu năm thắt bụng cho con ăn học. Còn đàn ông cũng chẳng ai dám cưới tôi làm vợ, ai mà chịu được vợ lưu manh?

Tôi hỏi nhé, Nguyễn Mộng Giác, Phan Huy Đường, Mai Ninh có phải hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam không? Mà ở trong nước, giới văn nghệ biết các anh chị và đánh giá cao tài năng các anh chị? Tài năng và nhiệt huyết sáng tạo sẽ dựng nên chỗ đứng, vinh dự cho các nhà văn chứ không phải hội đoàn nào. Tất nhiên là tôi trừ ra kiểu nhà văn tự tìm cách lăng xê mình để nổi tiếng. Có thể họ nổi tiếng nhưng họ sẽ không có chỗ đứng đáng tôn trọng.

HL: Sau 4 truyện ngắn đã công bố trên Hợp Lưu, ấn tượng đập vào mắt người đọc trước nhất là tính chất nhục cảm tràn lấp trong các sáng tác của Đỗ Hoàng Diệu. Trong bất kỳ truyện nào, nhân vật nữ cũng khát khao tình dục, ham muốn và tự tìm kiếm thoả mãn. Cô có thể trình bầy quan điểm sáng tác của mình trên vấn đề này? Vì sao Đỗ Hoàng Diệu khắc hoạ chi tiết những đòi hỏi của cơ thể? Tính dục có thực sự không thể thiếu trong văn chương?

ĐHD: Thực sự khi cầm bút viết, tôi không có ý định xây dựng nhân vật trong truyện là những cô gái khát khao tình dục, ham muốn và tự tìm kiếm thoả mãn. Cũng không ngờ truyện của mình lại tràn lấp nhục cảm khi đến tay người đọc. Nghe nhiều người nhận xét, tôi ngồi cả đêm đọc lại 4 truyện đã công bố trên Hợp Lưu, và thấy "chẳng có gì". So với thực trạng cuộc sống, những gì tôi viết quá kín đáo và nhẹ nhàng. Nếu tôi xem một bộ phim mà nhân vật chỉ toàn đàn ông hoặc đàn bà, tôi thường bỏ nửa chừng. Đọc sách cũng vậy. Tôi thấy xấu hổ, nhưng thành thật khai báo một điều, tôi đã lấy hết can đảm để đọc Chuông Nguyện Hồn Ai của Hemingway 4 lần, song lần nào cũng thất bại. Đến gần hai chục trang mà chưa thấy đàn ông đàn bà ở đâu, tôi đành bỏ cuộc. Mọi người nói kiên nhẫn, sẽ thấy yêu đương nồng nàn. Tôi chẳng thể nào kiên nhẫn. Nhưng tôi cũng không thích Kim Bình Mai, Hồng Lâu Mộng hay Quỳnh Dao, dù trong ấy đâu đâu cũng là trai gái. Những chuyện tình lãng mạn, thơ mộng, nhạt nhoà, đúng như người ta thường nói: tình yêu tiểu thuyết.

Tôi muốn dịu dàng nhưng dữ dội. Tình yêu thật và văn chương thật. Những câu văn run rẩy mang trong mình hơi thở mãnh liệt, khi mơn man rồi gấp gáp, mỗi nhịp văn tựa một tiếng rên phát ra không phải từ cuống họng mà từ da thịt, từ nỗi đam mê. Tôi muốn mọi người thấy nỗi đau của thể xác và tâm hồn khi yêu, không phải chỉ hoa hồng và những nụ hôn lướt nhẹ lên môi cùng lời thề thốt. Trong vô thức, tôi viết, và nhục cảm đã tràn lấp từng câu chữ mà tôi không biết để kịp ngăn lại. Khi tỉnh ra, tôi biết có thể mình hơi quá, nhưng chẳng nhẽ tôi phải thuê một người ngồi bên cạnh lúc tôi viết, để người ta nhắc tôi không được đam mê? Vả lại, tôi đâu miêu tả cảnh làm tình, tôi muốn chặt đôi con rắn lục - ông giáo sư khi ông ta xanh nhớt trườn tới mấy cô sinh viên ngây thơ trên nền gạch hoa màu sắc dối trá, tôi muốn cấu xéo vào nỗi đau rách toác của cô gái trong Những Sợi Tóc Màu Tang Lễ. Với Cô Gái Điếm và 5 Người Đàn Ông, tôi muốn thiếu nữ dùng mọi thủ thuật để xuyên thủng trái tim từng người đàn ông hèn kém không dám sống thật với bản thân mình chứ không phải xuyên thủng cơ quan sinh dục của anh ta.

Mỗi con người dù muốn hay không, tự bản thân đã mang dục tính. Anh là người đồng tính luyến ái, nhà văn khai thác đời sống đồng tính. Nhưng làm sao để mọi người biết anh đồng tính? Tất nhiên nhà văn phải miêu tả anh làm tình thế nào. Anh là người bất lực, nhà văn có quyền miêu tả dương vật anh không thể nào căng cứng khi gần đàn bà. Anh khoẻ mạnh và anh yêu vợ mình, điều ấy quá tuyệt, nhà văn sẽ cho ta thấy mỗi đêm chiếc giường ướt đẫm những giọt thoả mãn. Giọt yêu đương, giọt hạnh phúc. Đời sống tình dục của anh không tốt, đến cơ quan anh như kẻ mất hồn, công việc chẳng được như ý, ban đêm anh nằm lạnh tanh bên vợ. Nhà văn sẽ mô tả sự lạnh tanh của cơ thể... Suy cho cùng, tình dục là sự sống, tựa hơi thở con người. Lẽ nào văn chương lại sống mà không thở? Và mỗi nhà văn có một cách thở riêng. Tôi thích thở sâu từng hơi rồi hắt ra khoái lạc chừng nào trái tim tôi còn đập. Trong hơi thở tôi chứa đựng cả niềm vui và sự bất hạnh của cuộc sống chính tôi và quanh tôi.

HL: Như vậy Đỗ Hoàng Diệu đã chọn con đường của Anais Nin, Vệ Tuệ, Florence Dugas, Shansa, Christine Falkenland, Susan Minot,.. những nhà văn nữ chuyên trị tình dục? Nhiều nhà văn trong nước khi trả lời phỏng vấn thường nhắc đến sự bùng nổ của tiểu thuyết Trung Hoa. Ảnh hưởng của Vệ Tuệ, Cửu Đan, Miên Miên đối với cô?

ĐHD: Cách đây một năm, khi tôi đang bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết mà tôi tạm đặt tên là Điên Tình mà tôi đã viết được 82 trang, và đã viết xong Tình Chuột, một anh bạn hoạ sĩ nói chuyện phone với tôi "Anh vừa mới đọc xong cuốn sách của một văn sĩ Trung Quốc, cô có tính cách giống nhân vật trong ấy. Cô ra hiệu sách mua ngay Điên Cuồng Như Vệ Tuệ về mà đọc." Đọc xong Vệ Tuệ, tôi ngưng ngay việc viết tiếp tiểu thuyết Điên Tình, bởi tôi biết, nhiều người sẽ cho rằng tôi bắt chước cô nhà văn Trung Hoa đang nổi danh này. Và cho đến bây giờ, tôi vẫn đang loay hoay tìm một cốt truyện mới cũng như xây dựng tính cách mới cho nhân vật trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình. Có thể tôi đã không gặp may vì chậm chạp, nhưng thà tôi không gặp may còn hơn bị đấu tố vì tội bắt chước. Bởi tôi là một cô gái có vầng trán cao và đôi mắt vừa to vừa sâu lại vừa sáng! Nếu tôi chưa chọn được con đường đi trong cuộc sống bởi tôi là một cô gái yếu đuối quen được bố mẹ cưng chiều, trong văn chương tôi lại càng không thể chọn. Tôi đã và đang không viết bằng lý trí, tôi chỉ bộc bạch tình cảm, sự dày vò nội tâm, nỗi đau cuộc sống và ước mong hạnh phúc mai sau. Có thể tôi đã đồng cảm với Vệ Tuệ, Cửu Đan, Florence Dugas, Shansa trong hơi thở mà tôi đã nói ở trên và Hợp Lưu xếp tôi vào chuyến xe họ đang đi. Tôi không tự mình mua vé để lên chuyến xe tình dục ấy. Nếu ai thấy tôi ngồi trên ấy, có lẽ truyện ngắn của tôi đã tự tiện cho tôi uống thuốc ngủ và bế tôi lên.

HL: Xã hội trong Tình Chuột được mô tả như những hang động mà tập thể con người là một bầy chuột, Những Sợi Tóc Màu Tang Lễ với đầy rẫy quái thai, với những quan chức cùng những trí thức biến hoá ma quái mặt xanh mặt vàng. Cô Gái Điếm và 5 Người Đàn Ông phô diễn thế giới ảo giác của những người đàn ông bị ám ảnh tình dục, mỗi người mỗi kiểu. Bóng Đè là câu chuyện của một dân tộc chung sống với rắn. Mô hình xã hội trong sáng tác của Đỗ Hoàng Diệu cho đến nay là mô hình tổ chức bầy đàn của thú vật. Dường như cô đánh mất niềm tin vào tập thể con người và xã hội Việt Nam với cô đang thoái hoá? Người đọc phải hiểu như vậy sau khi đọc các truyện ngắn kể trên?

ĐHD: Trong hang động thường tối tăm nhưng cũng có một vài khoảng sáng. Và thường thì những khoảng sáng ấy thật đẹp, thật quý giá, hiếm hoi. Cũng vậy, đàn thú vật có con hung dữ con hiền lành. Tôi không cố ý xây dựng một mô hình bầy đàn thú vật ẩn mình trong hang động tối tăm. Cô gái trong Tình Chuột dù đã bị những con chuột hôi hám cấu xé, đến lúc cô chết chúng vẫn rình rập quanh cô, nhưng tôi gọi cô ấy là thiên thần. Cô ấy đã sống hết mình vì tình yêu, đã chung thủy đến phút cuối ngay cả khi chuột cống rúc vào thân thể cô. Cô ấy sáng lên rực rỡ trong một hang động tăm tối. Còn ở Bóng Đè, cô gái mẫn cảm mang trong dáng hình nhỏ bé triệu triệu đam mê, khao khát đến lạ lùng ấy, tưởng chừng phóng đãng, tưởng chừng thác loạn nhưng lại chính là người cứu rỗi lỗi lầm của quá khứ và mơ ước tương lai. Đánh mất niềm tin không có nghĩa là ngày tận số. Dù hơi tàn lực kiệt, đâu đâu cũng là đêm tối, nhưng còn hơi thở đam mê, còn bàn tay thon kỳ diệu óng ánh dưới nắng, sẽ còn có ngày mai. Cứ yêu người bằng cả trái tim mình đi rồi người sẽ quay về, ánh sáng sẽ chiếu xuống.

Tôi như một người chụp hình. Trong một lúc nào đó, tôi chụp một góc hang động, nơi các con vật đang cắn xé lẫn nhau. Nhưng tôi muốn người đọc nhìn thấy linh hồn của những con vật ấy chứ không phải lông lá của chúng. Và cũng không có nghĩa xã hội Việt Nam đâu đâu cũng đều hang động. Xã hội thoái hoá hay không là do quan điểm của mỗi người, tùy thuộc người đó mang "âkính mát" vô tình hay "kính lúp" soi rọi. Bây giờ, tôi đang mang cặp kính viễn thị.

HL: Trong tất cả các truyện cô đã công bố, Bóng Đè đặc biệt hơn hết. Người đọc cảm nhận sức mạnh, chất mê hoặc của truyện xây dựng trên bản năng của tác giả, đã cảm thấu và bắt gặp "âmột quá khứ phi phàm", như chữ cô dùng. Dường như với Bóng Đè, Đỗ Hoàng Diệu đặt nghi vấn về sự xâm lấn của lịch sử từ quá khứ hãm hiếp hiện tại và di truyền tương lai? Và con người, một tác nhân xã hội, ngoài bản năng không có phương tiện nào khác để chống đỡ, vượt thoát hoặc thay đổi hiện thực của chính mình?

ĐHD: Trong Thư toà soạn số 78, Hợp Lưu cho rằng ở Bóng Đè, tôi đã "trình bầy một tình trạng quỷ quái đến kinh ngạc". Tôi không nghĩ câu chuyện trong Bóng Đè là quỷ quái. Bởi tất cả chúng ta, dù muốn hay không, đã được sinh ra từ quá khứ. Quá khứ nặn ra đôi bàn tay, nặn ra tiếng khóc chào đời và nặn luôn thứ mà ta quen gọi là bản năng. Và khi hàng ngày chúng ta vẫn dùng đôi bàn tay để làm việc, để ăn, để âu yếm, quá khứ vẫn ngụ cư trong mỗi con người. Quá khứ nhỏ trong quá khứ phi phàm của cả một dòng họ, một dân tộc, một đất nước. Bóng Đè là câu chuyện về thân phận một cô gái có bản năng mạnh mẽ kỳ lạ, cô đã bị các thế lực đen tối của ngày hôm qua chọn để cưỡng bức, đưa mầm mống của mình sang hiện tại và tương lai. Không phải ngẫu nhiên thế lực đen tối lại chọn cô gái mà không phải bất cứ một người phụ nữ nào khác. Bởi cô mang trong dáng hình nhỏ bé một bản năng dâng tràn như sóng cuộn, đam mê nồng nàn, sự nhạy cảm thái quá cùng niềm khao khát bỏng cháy. Chính bản năng mãnh liệt này làm cho cô vô cùng quyến rũ, đến cả trăm đời dòng dõi đế vương cũng bị cô mê hoặc. Nhưng cô cũng quá đỗi yếu đuối. Cô không thể chống cự nổi sự hung bạo của ngàn cuộc chiến tranh đã phá huỷ đất nước này, không thể chống cự bao nhiêu lề thói cổ hủ phong kiến ăn sâu vào cội rễ xã hội, và điều làm cô quỵ gục hoàn toàn là cô chẳng thế nào chống lại sự độc ác, tà dâm của con người.

Mỗi sáng sớm, soi mình trong gương, tôi thường có thói quen miết những ngón tay xinh xắn lên vầng trán, viền môi. Để biết mình còn sống, để biết súng đạn của những cuộc chiến tranh tàn bạo xa xưa qua những giấc mộng chưa mang tôi đi, và một tương lai ảm đạm phía trước còn chưa nuốt chửng mình. Rồi nhiều khi những ngón tay xinh miết khắp người, để hòng trả lời câu hỏi: tôi là ai, người đàn ông của tôi sao mãi vẫn chưa về? Còn chống đỡ, vượt thoát hoặc thay đổi hiện thực của chính mình? Tôi chỉ là một thiếu nữ có bàn tay mỏng manh, cho dù bàn tay kỳ lạ, nó cũng chỉ năm ngón ngắn dài, nó không với quá được bóng của chính mình trong nắng.

HL: Bản năng của một nhà văn là yếu tố quan trọng nhất giúp hình thành tác phẩm?

ĐHD: Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn biết Hợp Lưu nhắc tới tác phẩm loại nào? Tác phẩm mà từng ngôn từ, từng câu văn là những tiếng kêu của nỗi ám ảnh, là từng vết lằn của đòn roi, là tiếng nấc nghẹn khi ân ái... Hay là sự sắp xếp những chữ nghĩa mỹ miều, đao to búa lớn lại với nhau rồi cố ý la to cho cả thế giới biết: tôi đã vật vã để viết nên tác phẩm bất hủ? Trong trường hợp thứ hai này, tôi gọi là sự dối trá chính bản thân mình.

Nói như vậy, không có nghĩa tất cả nhà văn khi viết phải trải qua đau đớn, phải chịu ám ảnh, phải ân ái. Nhưng phàm là người viết văn, phải đau nỗi đau của thân phận mình tạo dựng, để khi đến tay độc giả, người đọc lại đau nỗi đau của nhân vật. Nhân vật ấy có thể chính là hoá thân của tác giả, có thể là bạn bè xung quanh, nhưng cũng có thể chỉ là trong tưởng tượng. Vô hình dung, một vòng quay linh cảm được tạo lập. Tạo lập nhờ bản năng của nhà văn. Và lúc này tôi có thể trả lời; bản năng của một nhà văn chính là yếu tố quan trọng nhất giúp hình thành tác phẩm, ít ra là đối với tôi, bây giờ. Những ai đã từng gặp tôi, tinh nhạy để thấu hiểu bên trong cái vẻ ngoài hình như hiện đại kia là gì, họ đều biết tôi đang lặn ngụp trong vực thẳm rẫy nóng của chính mình và phát ra tiếng kêu khát khao hạnh phúc.

HL: Bản năng nhà văn và "bản năng công dân" khác nhau hoặc trùng lập với nhau? Khi cầm bút viết, Đỗ Hoàng Diệu là một thiếu nữ thác loạn tình dục ưa nổi loạn đập phá, buông bút xuống cô trở lại thành thiếu nữ nhu mì, thôi phóng đãng, sợ hãi và phục tòng mọi quy ước xã hội?

ĐHD: Nếu tôi nói rằng khi cầm bút viết tôi là một người khác, có nghĩa văn chương của tôi không thật. Nhưng cũng không có nghĩa những nhân vật trong 4 truyện ngắn của tôi mà Hợp Lưu đã công bố lại chính là tôi! Danh họa Picasso vẽ bức Guernica, không có nghĩa ông ta thích chiến tranh. Ông ta chỉ đem đến một góc nhìn về chiến tranh. Tôi đang sáng tác truyện ngắn, tôi không viết hồi ký, tự truyện. Cách nhìn của tôi, cách tôi bày tỏ yêu ghét với các vấn đề tôi nêu ra thể hiện bản năng tôi. Cũng như khi tôi dùng từ, mạch văn tôi viết, nhịp văn tôi ngắt, đọc giả biết tôi đang nghĩ gì. Vả lại, 4 nhân vật nữ trong 4 truyện ngắn đã đăng trên Hợp Lưu, tôi cho rằng họ là những cô gái tốt. Thậm chí, giữa xã hội Việt Nam bây giờ, tìm được những người như họ quả là hiếm! Họ có một sức sống mãnh liệt, những tình yêu thực sự cho dù thân thể họ chịu bầm dập. Họ không thác loạn tình dục, họ không nổi loạn đập phá, họ chỉ sống thật với bản năng, nhưng họ đã phải trả giá vì việc sống thật này. Đó là sự oái ăm của cuộc đời mà người ta vẫn gọi tên số phận.

Giả dụ ai gặp tôi vào một buổi sáng nào đó, khi tôi trang điểm nhẹ nhàng, môi hồng mắt nâu, luôn miệng cười với mọi người xung quanh, nói năng bằng cái giọng mê hồn, người đó sẽ nghĩ tôi là thiếu nữ nhu mì, sợ hãi phục tùng mọi quy ước xã hội? Còn khi tôi ôm hôn người yêu mê đắm bên hồ Gươm một đêm trăng sáng, người qua kẻ lại trố mắt nhìn, nghĩ tôi đang thác loạn tình dục? Rồi khi tôi viết đen thành trắng trong một bài báo chỉ cốt để nhận phong bì nuôi mình sống qua ngày, cũng chính người đó sẽ cho rằng tôi không làm tròn trách nhiệm công dân với tổ quốc? Chỉ là tôi, duy nhất tôi, dằn vặt tôi, giày xéo tôi, phân thân chính mình!

HL: Xã hội Việt Nam có phải là một xã hội mặc đồng phục? Nhận xét của cô về cách sống của thế hệ trẻ hôm nay mà cô là một thành viên?

ĐHD: Nếu đất nước may và tặng cho tôi một bộ đồng phục thật đẹp, đẹp nhất trong các bộ áo quần mà tôi có, chắc chắn tôi sẽ suốt ngày mặc nó. Mặc khi đi làm thì nghiêm trang, lịch sự; mặc khi dạo phố thì vui tươi, mát mẻ (và có chỗ cất tiền kín mà dân móc túi khó nhòm ngó); mặc khi hội hè thì quyến rũ, lộng lẫy... Dại gì tôi không mặc cơ chứ. Khi ngủ, tôi sẽ giặt bộ đồng phục, sáng mai lại là lượt cẩn thận và khoác lên người, lúc nào cũng mang cảm giác hân hoan có quần áo mới. Tôi sẽ chăm chút bộ đồng phục như một tài sản quý giá, và ai làm hỏng nó, chắc tôi không để yên. Mà thôi, đất nước còn nghèo, tôi không cần đất nước tặng tôi bộ quần áo đắt tiền, vải ngoại. Chỉ cần vải phin hoa thôi, nhưng hãy cắt may thật khéo, mỗi đường chỉ là sự trân trọng, sự chăm chút người mặc thực lòng, ông thợ may đừng vì hám lợi ăn bớt một vài đoạn chỉ hay vì mang mối thù từ đời ông cố ông sơ mà làm ẩu để áo tôi đứt cúc giữa đường!

Bây giờ đất nước cứ bắt tôi phải mặc đồng phục, trong khi bộ đồng phục mới xỏ tay đã rách. Ngày mai bắt tôi mặc, tôi hoặc mặc áo rách ra đường, hoặc ru rú một xó ngồi nhà, hoặc nữa thì len lén bận áo quần của riêng mình nơm nớp lo sợ dị dạng. Lơ ngơ ra đường, ngứa tay vung vẩy, thì đồng phục... lại rách toạc rồi người ta lại khiển trách tôi vì tội thiếu phẩm hạnh, không biết giữ gìn thuần phong mỹ tục. Thỉnh thoảng tôi lại thấy có ông mặt mũi phương phi, béo núc, đỏ au, sáng nào cũng mặc đồng phục đến công sở, nhưng chỉ là để điểm danh thôi. Tôi và bạn bè tôi thường cất bộ đồng phục trong tủ, nhưng phải để ở chỗ dễ nhìn thấy. Để chỉ cần loa phóng thanh của ủy ban nhân dân phường "A lô, a lô, bà con chú ý!" là mang ra mặc ngay với cảm giác khoác áo tơi, vừa nóng lại vừa xấu. Nhưng chớ có dại dột mà chê bai nhé, mồm miệng phải liến thoắng: đẹp quá, đẹp quá, mát quá, mát quá trong khi tay tìm điện thoại gọi xin xe cấp cứu. Biết đến khi nào xe cấp cứu đến nơi! Nhưng mà cứ gọi, không đến kịp để cứu người chết nóng thì cứu người chết rét. Nơi đâu, mỗi giờ mà chẳng cần xe cấp cứu!

Thế hệ chúng tôi, con nhà giàu thì tìm cách ra nước ngoài du học và tìm cách ở lại. Số về nước thì không nửa đêm rửng mỡ rủ nhau vèo BMW ra vòng xoay Hàng Xanh chờn mặt với mấy anh cảnh sát giao thông, cũng đâm đầu dính chặt trong các văn phòng nước ngoài để kiếm ít tờ xanh. Chàng àng, dình dang trong nước năm năm dưới mái trường Đại học xã hội chủ nghĩa như tôi, như đa số bạn bè tôi, ra trường trái ngành, trái nghề cũng kiếm cơm qua ngày. Được cái, đứa nào đứa nấy phản xạ cực nhanh và hầu hết mắc bệnh biến thái. Mới mặc đồng phục giơ cao cánh tay đăng ký xung phong phút trước phút sau đã vẽ bậy trong nhà vệ sinh đóng kín, đảm bảo không lỗ rò!

Nhưng mà chung quy chúng tôi là những con ốc, ốc chưa mang nổi mình ốc tính gì đèo bồng ai. Làm sao để có tiền nuôi sống mình mà không phải bán mình sang Đài Loan, Trung Quốc, làm sao đến tuổi thì lấy chồng lấy vợ, gia đình nếp sống mới trong thôn văn minh, xã văn minh, thế là OK.

HL: Chỗ đứng của nhà văn trong xã hội Việt Nam, theo cô?

ĐHD: Tôi thường gặp họ nhiều nhất trong quán nhậu! Sang thì quán ba ba, thịt rắn, thịt rừng. Kém kém một chút thì bia hơi vỉa hè. Bí beng chút nữa, vài chén rượu đế hột mít có cặn trước mâm thịt cầy. Họ hết đứng rồi ngồi, hết nói nhỏ rồi nói to, hết đ. cha thì đ. mẹ, hết cười rang hảo hớn đến bưng mặt như trẻ con.. Khi say, họ thực sự dấn thân, với những lời "tả oán" oai hùng! Như thế, nhà văn Việt Nam đang đứng ở đâu? Họ còn sống hay đã chết? Có còn mảnh đất nào không, có còn bầu trời nào không? Họ vẫn đang sống giữa phố phường và...làm thơ. Tôi chưa phải là một nhà văn, tôi đang tìm chỗ đứng của mình.

HL: Được biết cô theo dõi và đọc nhiều tác phẩm ngoài nước trên các trang mạng, và cũng có lần cô nhận xét bên ngoài viết khác bên trong. Cô cảm nhận Văn học di dân Việt Nam ra sao? Sự khác biệt với trong nước chính yếu nằm ở đâu? Các tác giả nào khiến cô lưu ý?

ĐHD: Tất nhiên, bên ngoài phải viết khác bên trong. Đề tài thì vẫn là chiến tranh và thân phận con người. Nhưng cuộc chiến đối với người bên ngoài là một cuộc chiến khác, với người bên trong là một cuộc chiến khác. Đọc sáng tác trong ngoài tôi có cảm tưởng đã có hai cuộc chiến xảy ra trên cùng một đất nước, trong cùng một thời điểm. Thân phận con người sau chiến tranh nhìn từ bên ngoài cũng khác thân phận con người nhìn từ bên trong. Chỉ có chung những nỗi đau và sự mất mát trong tâm linh. Tôi thích đọc các nhà văn bên ngoài bởi cảm tưởng bao giờ họ cũng nói tiếng nói thật tình. Họ không phải che đậy vì sợ hãi, không phải nghĩ đến chuyện viết ra rồi, báo nào, nhà xuất bản nào sẽ in. Tôi nghĩ họ viết trong niềm say mê, họ viết cho mình và cho bạn bè mình. Văn của họ đầy day dứt, trăn trở, tiếc nuối và khao khát.

Điều làm tôi ngạc nhiên là càng xa quê hương, họ càng trân trọng tiếng Việt. Ngôn từ phần đông trong số họ lịch lãm, chau chuốt, mượt mà đến khó tin. Văn của Mai Ninh là một ví dụ. Không những trau chuốt, mượt mà, chị còn sáng tạo ra nhiều từ mới lạ, sâu sắc. Tôi cũng yêu thích chất nữ tính, nhẹ nhàng trong sáng tác của Miêng hay Phạm Thị Ngọc. Sự uyên bác pha lẫn cảm giác rờn rợn trong truyện ngắn Võ Đình. Sự hùng tráng khoẻ mạnh nhưng cũng đầy lãng mạn trong tiểu thuyết lịch sử của Nam Dao. Chất đam mê, phóng túng trong sáng tác Thơ Thơ, Nguyễn Thị Thanh Bình. Sự lạnh lùng, tàn khốc đến bật máu khi đọc Trần Vũ... Nói chung, càng đọc tôi càng ngạc nhiên về họ.

Cách đây mấy năm, nghe nhà phê bình Thuỵ Khuê giới thiệu bộ trường thiên Mùa Biển Động của nhà văn Nguyễn Mộng Giác trên RFI, tôi đã nhờ bạn bè mang về cho tôi bộ tiểu thuyết này, song cả 3 lần đều thất bại. Thấy tôi thèm đọc quá, bạn tôi đã phải đánh máy và gửi qua e-mail cho tôi mấy chục trang. Đọc, và càng thêm thèm được đọc tiếp. Đang hy vọng lần thứ 4 sẽ trót lọt. Có lẽ tôi sẽ lên chùa tụng kinh mấy ngày nhờ Bồ Tát hoá phép, để mấy ông mấy bà Hải Quan tự nhiên mờ mắt ngày bạn tôi về.

HL: Cám ơn Đỗ Hoàng Diệu.

HỢP LƯU thực hiện qua điện thư tháng 8/2004

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12568)
(Xem: 11083)
(Xem: 11124)
(Xem: 10684)
(Xem: 10045)
(Xem: 9485)
(Xem: 10241)
(Xem: 11290)
(Xem: 10959)
(Xem: 11044)