- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Vĩnh Biệt Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi (1923 - 2007)

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 8786)
Trong số các vị Tướng Việt Nam Cộng Hòa được may mắn gần gũi hơn ba thập niên qua, tôi quí trọng nhất Trung tướng Nguyễn Chánh Thi. Khoảng cách biệt tuổi tác gần hai thập niên khiến Tướng Thi và tôi thuộc hai thế hệ riêng biệt. Ngày Tướng Thi cầm quân đánh Bình Xuyên, chỉ huy Nhảy Dù, hay làm đảo chính, tôi còn cắp sách đến trường. Khi Tướng Thi nắm Tư lệnh Sư Đoàn 1 rồi Quân Đoàn I, quyền uy lệch đất, tôi mới vừa tập tễnh rời cổng trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức, một thày hai trò lưu lạc khắp vùng IV, và rồi Vùng II Chiến thuật với nghiệp “đề-lô.” Ngày tôi tạm biệt mặt trận, tăng phái về Cần Thơ làm sĩ quan báo chí cho Trung tướng Đặng Văn Quang, Tướng Thi đang chuẩn bị lưu vong, sau cuộc nổi dạy của Phật giáo và một số đơn vị miền Trung. Hơn một năm sau, khi tôi thuyên chuyển về Nhảy Dù, Tướng Thi–vị Tư lệnh thứ hai của binh chủng–đã ở Mỹ. Dư luận dân gian một thời nói về chứng bệnh “thối mũi [vì tình người điên đảo]” của ông.

Bốn mươi năm sau mới bắt đầu có tài liệu hé lộ những bí ẩn phía sau sân khấu chính trị mờ ảo đèn màu, gái đẹp, dollars quanh cuộc nổi dạy mùa Xuân năm 1966 ấy. Giọng điệu của những bản tin và tuyên cáo trên đài phát thanh Huế–nghe được ở Ban Mê Thuột–chẳng khác biệt bao lăm với các đài Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam hay Hà Nội. Có bằng chứng cho thấy cán bộ Cộng Sản xâm nhập cuộc tranh đấu–và, nói theo Lê Duẩn gần 2 năm sau–thực sự “làm chủ Đà Nẵng trong 75 ngày.” Tướng Thi cùng các tướng Nguyễn Văn Chuân, Tôn Thất Đính, rồi Huỳnh Văn Cao đều bị lôi cuốn vào cuộc nổi dạy này. Một số đơn vị Sư đoàn I, Biệt Động Quân, Bảo An, Cảnh sát và Dân vệ lập thành những đơn vị ly khai. Nhưng linh hồn của cuộc nổi dạy là các tổ chức Phật Giáo miền Trung–ngày một tham vọng và hiếu chiến từ sau mùa Phật Đản đẫm máu 1963–mà chính Thượng tọa Trí Quang cũng không còn khả năng kiểm soát.

Trong khi đó, phần vì ước muốn tập trung quyền lực vào tay chính phủ trung ương, phần vì muốn gạt bỏ những cộng sự viên không chịu gia nhập “công ty,” Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ đã xin phép “cha đỡ đầu” là Đại sứ Henry Cabot Lodge được thay thế Tướng Thi vì tội “bất tuân thượng lệnh,” và đồng thời “hủy diệt bọn Phật giáo hôi thối,” “do bọn tham vọng làm chính trị đội lớp áo cà sa” khuynh đảo. Được sự phụ tá của thủ lĩnh nhóm “Baby Turks” [gà đá tơ] là Đại tá Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia kiêm Giám đốc Nha An ninh Quân đội, cùng các Tư lệnh Dù và Thủy quân Lục chiến, Kỳ thẳng tay đàn áp phong trào chống đối. Đích thân Loan ra Đà Nẵng và rồi Huế chỉ huy cuộc đàn áp. Cuối cùng, sức mạnh của họng súng hoàn toàn áp đảo. Chùa chiền bị tấn công. Bàn thờ Phật bầy ra đường phố bị khiêng trả các chùa. Hàng ngàn người bị bắt giữ. Thượng tọa Trí Quang cùng một số tăng sĩ “được bảo vệ an ninh,” giải về Sài Gòn. Cuối cùng, Tướng Thi được rời nước cùng các con–khởi đầu cuộc lưu vong hơn bốn thập niên. (Có lần, ông đã đáp phi cơ về tới phi trường Tân Sơn Nhất, hy vọng được trở lại quân đội chiến đấu, nhưng Nguyễn Văn Thiệu không chấp thuận. Thực ra, “Tám lõ” Thiệu mới là nhân vật chủ chốt trong việc ép Tướng Thi ra đi).

Gần 30 năm sau, thật bất ngờ, ông Vũ Văn Lê đưa Tướng Thi đến thăm tôi tại Houston. Ông bà Vũ Văn Lê là một thứ Mạnh thường quân của nhiều nhân vật nổi danh hải ngoại, thuộc đủ chính kiến. Tôi khó bỏ qua cơ hội hãn hữu, xin được phỏng vấn để bổ túc những tư liệu văn khố Pháp, Mỹ, cùng những nguồn tài liệu khác, về một giai đoạn lịch sử ngày đó còn nhiều nghi hoặc vì các văn khố chưa mở hết cho những nhà nghiên cứu. Sau đó, tôi nhờ Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang viết một bài về Tướng Thi trong tuyển tập về cuộc đảo chính 11/11/1960 do nhà xuất bản Văn Hóa ấn hành. Để rộng đường dư luận, tôi cũng nhờ một thân hữu ở Pháp phỏng vấn cựu Trung tá Vương Văn Đông, và yêu cầu nhóm cựu Đại tá Phạm Văn Liễu lên tiếng. Tuyển tập này gây nhiều tiếng vang và phản ứng trái ngược nhau. Nhóm Trung tá Đông và cựu Tướng Phan Trọng Chinh cho rằng chúng tôi thiên vị Tướng Thi–họ khẳng định Tướng Thi đã bị bắt giữ trước khi cuộc đảo chính bắt đầu. Nhóm Đại tá Liễu cho rằng đã móc nối với Tướng Thi từ trước. Tài liệu văn khố và truyền khẩu mà chúng tôi thu thập được cho thấy có thể nhóm Trung tá Nguyễn Triệu Hồng, Nguyễn Văn Lợi và Vương Văn Đông được coi như nhóm chủ trương đầu tiên; nhưng còn có sự tham gia của Thủy Quân Lục Chiến và nỗ lực móc nối một số sĩ quan khác, như Thiếu tá Thiết Giáp Nguyễn Duy Hinh–sau này trở thành Thiếu tướng Tư lệnh Sư Đoàn 3 BB. Bộ hồi ký Trả Ta Sông Núi của Đại tá Liễu, cũng như tập Cuộc binh biến 11/11/1960 của Trung tá Đông phần nào phản ảnh những tình tiết hậu trường sân khấu. Riêng trường hợp Hoàng Cơ Thụy vẫn còn là dấu hỏi lớn mà ngay chính Trung tá Đông hay Tướng Chinh có lẽ cũng không tường tận. Chẳng phải vô tình mà Hoàng Cơ Thụy được nhân viên tình báo Mỹ bỏ vào bao văn kiện ngoại giao đưa ra ngoại quốc sau khi cuộc đảo chính thất bại. Và, anh em họ Ngô cùng thuộc hạ nhiều hơn một lần tố cáo “thực dân” đứng sau lưng cuộc đảo chính. “Thực dân,” hiểu theo lối tuyên truyền của Ngô Đình Nhu và Cần Lao, là người Mỹ. Nhưng Ngô Đình Luyện tuyên bố ở Hòa Lan là có bàn tay Pháp. Ngoài ra, không thể không nghĩ đến nỗ lực binh vận, địch vận của Đảng Lao Động (Cộng Sản) Việt Nam. Nghị quyết 1/59 mở rộng và nhất là Nghị quyết Đại hội III (1960) đã khẳng định quyết tâm “giải phóng miền Nam” của Hà Nội. Và giữa lúc cuộc đảo chính 11/11/1960 vừa bộc phát, Hà Nội mật chỉ cho Xứ Ủy Nam Kỳ phải cho ra công khai ngay cơ quan ngoại vi được biết như Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam–mà các thông dịch viên của Toà Đại sứ cùng các học giả và phóng viên thế giới dịch thành “Giải Phóng Quốc Gia.”

Theo năm tháng, giao tình giữa Tướng Thi và gia đình tôi thêm sâu đậm. Mỗi lần từ Lancaster, Pennsylvania, về thăm thân nhân ở Houston, Tướng Thi đều ghé qua cơ sở xuất bản của vợ chồng tôi. Chúng tôi có dịp thảo luận rất nhiều đề tài và biến cố lịch sử. Ông thường yêu cầu tôi đừng gọi ông là Tướng–nhưng tôi xin phép không thể tuân lệnh. Chẳng phải vì truyền thống Nhảy Dù. Cũng không vì tôi còn lưu luyến đời binh nghiệp “đại úy trừ bị muôn năm” của mình. Thực ra, theo tôi, Tướng Thi là một trong số rất ít người trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa xứng đáng với cấp bậc Tướng. Đại tá Liễu thường nhắc lại một kỷ niệm khó quên: Trong dịp đảo chính 11/11/1960, lực lượng phòng thủ thành Cộng Hòa tiếp tục chống cự; nhưng khi Tướng Thi xuất hiện, chỉ một lời nói đủ khiến đơn vị được coi là trung thành nhất với chế độ buông súng. Ông khiến tôi gợi nhớ đến những nhân vật như Trung tá “Cai Hùng” của Lữ đoàn 2 Dù, Tướng Nguyễn Khoa Nam (ngày còn nắm Lữ đoàn 3), Tướng Lê Quang Lưỡng (ngày nắm Lữ đoàn 1), hay Trung tá Sơn “mù,” Nguyễn Văn Bảo, v.. v... Dĩ nhiên, mỗi cá nhân có những cá tính khác biệt. Nhưng thắng hay bại, Tướng Thi cùng các chiến hữu vẫn luôn là người lính chuyên nghiệp, với đầy đủ tư thái một người lính. Cái “chất lính” ấy khiến Tướng Thi tự tách biệt khỏi thế giới chính trị gian ngoan xảo quyệt mà ông một thời bị lạc vào ít năm, và may mắn an toàn vượt thoát với những kỷ niệm chua chát. Bởi thế, có lần phóng viên Nguyễn Vĩnh Châu của đài V.O.A. phải thu đi, thu lại 5 lần cuộc phỏng vấn Tướng Thi–đài Tiếng Nói Hoa Kỳ hẳn khó phát thanh những lời chống lại chính sách Mỹ.

Liên hệ giữa chúng tôi đôi khi khó tránh những đoạn khúc khuỷu nho nhỏ, vì một nhân vật lịch sử khác mà tôi đặc biệt quí mến, tức Đại tá Phạm Văn Liễu, cựu Tổng Giám đốc Cảnh Sát Quốc Gia từ 1964 tới 1966, một thời rất thân với Tướng Thi. Hố ngăn cách giữa hai người bạn thiết–từng chia ngọt xẻ bùi ở Nam Vang về tới miền Nam–khởi đi từ việc thành lập Mặt Trận Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam ở hải ngoại vào đầu thập niên 1980. Bộ hồi ký Trả Ta Sông Núi của Đại tá Liễu, nhất là tập III, đã ghi lại đầy đủ, chẳng cần đào sâu thêm về tổ chức thoái hóa thành tội-phạm-có-tổ-chức [organized crimes] này. Tôi và một số bằng hữu muốn hòa giải giữa hai ông Thi và Liễu, nhưng chỉ đạt được những kết quả giới hạn.

Lần cuối cùng Tướng Thi xuống Houston, sức khoẻ ông đã phần nào suy giảm. Dáng đi chậm chạp, nụ cười mệt mỏi hơn. Nhưng mối quan tâm của ông về tương lai đất nước, dân tộc, và nhất là những anh em cựu chiến sĩ còn kẹt lại ở quê nhà không lúc nào phai nhạt. Tướng Thi đặc biệt bất mãn, nặng lời việc Tướng Kỳ về Việt Nam. Tôi chỉ chuyển lại ông lời nhận xét của Đại tá Liễu: “Ông Kỳ không về nước mới là chuyện lạ.” Rồi thông báo cho Tướng Thi biết tôi sẽ về Việt Nam khoảng 6 tháng để nghiên cứu khía cạnh luật pháp của chiến lược đổi mới suốt 20 năm qua, với một học bổng Fulbright của Bộ Ngoại Giao Mỹ.

Từ ngày trở lại Houston, sức khoẻ tôi suy giảm trầm trọng. Sáu tháng ở Việt Nam cho thấy sau 30 năm ở hải ngoại, sức đề kháng với khí hậu nhiệt đới cùng sự ô nhiễm không được như xưa. Tôi cũng hay tin Tướng Thi bị yếu tim, không còn đi lại đó đây như cũ. Rồi, thật đột ngột, cuối tuần qua–giữa lúc Nguyễn Cao Kỳ, người thù của Tướng Thi từ năm 1966, hân hoan dự lễ dạ tiệc chào đón Chủ tịch nhà nước CSVN Nguyễn Minh Triết ở California–Tướng Thi từ trần trong bệnh viện. Thọ 84 tuổi. Ngày Thứ Ba, 26/6/2007, lễ hỏa táng hoàn tất.

Hôm sau, 27/6, tôi mới gặp được cô gái út của Tướng Thi trong điện thoại, chia buồn, và hỏi thêm những chi tiết cuối đời ông.

Cái chết của Tướng Thi không khiến tôi ngạc nhiên–ít năm qua, chẳng tháng nào không nhận tin một vài người quen biết vĩnh viễn ra đi. Trong những điện thư trao đối, không chỉ một vài người như Nguyễn Xuân Hoàng nói về “chuyện khó tránh sắp tới” của những người đang ở số tuổi trên dưới 60 chúng tôi. “Người thì phải chết. Nguyễn Chánh Thi là người. Vậy Nguyễn Chánh Thi phải chết.” Ngay một cậu thư sinh mặt trắng cũng có thể làu đọc câu mở đầu của bài học khai tâm tam-đoạn-luận nói trên. Nhưng không thể dấu diếm chính tôi những phiến buồn trắng tuyết của những ngày trọng Đông–giữa tiết Hè cháy nắng của tiểu bang Texas–khi đón tin Tướng Thi qua đời. Người có nhiều loại, nhiều thứ hạng. Chết cũng nhiều loại, nhiều thứ hạng. Cái chết của người mang tên Nguyễn Chánh Thi có tiết điệu riêng, dư cảm riêng trong tâm thân những người còn lại.

Người đời thường lấy thắng, bại để luận anh hùng. Sống đến tuổi 84, phải nói Tướng Thi đã khá thọ. Chọn đường binh nghiệp từ thuở tráng niên, lên tới cấp Trung tướng, Tư lệnh Vùng Hỏa tuyến, Tướng Thi đã đủ vinh hiển. Những ngày cuối đời, dù lưu vong hải ngoại, nhưng ung dung thanh thản đi thăm bằng hữu thân thuộc, chẳng phải cúi mặt, trốn tránh như Nguyễn Văn Thiệu, hẳn cũng là một thành đạt. Nên Tướng Thi có lẽ đủ mãn nguyện khi nhắm mắt xuôi tay–chọn cho mình sự ra đi nhanh chóng hơn kéo dài sự hành hạ của bệnh tật. Một quyết định rõ ràng, dứt khoát quen thuộc của một người lính chiến.

Cách nào đi nữa, Tướng Thi đã đi vào lịch sử. Người đời sau không thể không nhắc đến tên Nguyễn Chánh Thi khi đọc lại những trang đẫm máu của cuộc Tam thập niên chiến 1945-1975. Không thể không nhắc đến Nguyễn Chánh Thi khi nhìn lại các biến cố đánh dẹp giáo phái miền Nam của chính phủ Ngô Đình Diệm năm 1955-1956, cuộc đảo chính hụt 11/11/1960, cuộc chỉnh lý 30/1/1964, hay cuộc nổi dạy của binh sĩ và Phật tử miền Trung năm 1966. Nguyễn Chánh Thi đã đi vào giòng lịch sử quang đại của dân tộc–giòng lịch sử tranh đấu để sinh tồn như một dân tộc tự do, trong một quốc gia độc lập, và bảo vệ quyền người cơ bản cần thiết như khí trời, trong đó có quyền được sống no đủ và hạnh phúc.

Trên cao ấy, Tướng Thi có cảm thấy lòng mình thanh thản? Hay ngậm ngùi tưởng nhớ lại một tiền thân đầy hệ lụy, của một dân tộc suốt bao năm dài nấu cơm bằng nước mắt? Trên cao ấy, anh linh người lính già Nguyễn Chánh Thi vẫn nhếch mép cười với hàng ria nâu bạc, cúi nhìn cuộc đời với chút ngạo nghễ? Hay từ cát bụi trở lại với cát bụi, tan biến dần vào hư không cùng sự lãng quên lạnh lẽo?

Houston, 30/6/2007

Nguyên Vũ
 
------------------------------

Sơ Lược Tiểu Sử: Trung tướng Nguyễn Chánh Thi (1923-2007)

Tướng Thi sinh ngày 23/2/1923 tại Vỹ-dạ, Huế. Thân phụ là Nguyễn Chánh Tâm; và thân mẫu, Tạ Thị Nay. Thuộc một gia đình nề nếp ở Huế, ông đã chọn đường binh nghiệp tiến thân. Sau Thế chiến thứ II, ông được theo học lớp Hạ sĩ quan cao cấp, và phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù. Tháng 6/1951, ông là đội trưởng đội commando số 1 của TĐ 6 Dù (BCP) (10H 457). Phục vụ tại Hà Nội. Sau chuyển qua Ngự Lâm Quân.

Ngày 22/3/1954, ông được thăng cấp Đại úy, nắm Đại đội trưởng Tiểu đoàn 2 Ngự Lâm Quân. Sau thăng lên chức Tiểu Đoàn Trưởng. Thời gian này, Pháp muốn triệt thoái trong danh dự khỏi Việt Nam. Một mặt Pháp ký Hiệp định Geneva (20-21/7/1954) với chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đồng ý ngưng bắn, tạm thời tập trung quân ở hai vùng Bắc và Nam vĩ tuyến 17, và hai năm sau sẽ tổ chức tổng tuyển cử để quyết định thể chế chính trị cho toàn quốc. Mặt khác, phe hiếu chiến Pháp đưa Ngô Đình Diệm–lúc ấy đang sống trong một tu viện Bỉ–về thay Hoàng thân Bửu Lộc làm Thủ tướng. Mục đích chính của Pháp và Bảo Đại là duy trì được viện trợ Mỹ để tiếp tục chống Cộng.

Sau Hiệp định Geneva, Pháp có ý muốn loại Thủ tướng Diệm. Bảo Đại cũng đưa ra vài giải pháp khác Diệm,ánhư Lê Văn « Bảy » Viễn của Bình Xuyên lên làm Thủ tướng, hay lập một chính phủ liên hiệp qui tụ tất cả những cựu Thủ tướng và Tổng trưởng cũ. Thủ tướng Diệm quyết chống lại, dựa vào thế lực Mỹ cũng như lực lượng hơn 800,000 dân miền Bắc di cư mà khoảng 3 phần 4 là giáo dân Ki-tô. Trong quân đội, có sự tranh chấp giữa hai phe thân Diệm và thân Pháp, qua vai trò Tổng Tham Mưu Trưởng Nguyễn Văn Hinh, và Đảng Con Ó do nhóm Trần Đình Lan tổ chức.

Thiếu tá Nguyễn Chánh Thi quyết định ngả theo Ngô Đình Diệm. Ông được thuyên chuyển về Nhảy Dù. Tháng 4-5/1955, chỉ huy ba tiểu đoàn Dù trong trận đánh Bình Xuyên ở khu vực trường Petrus Ký và rồi cầu chữ Y. Tháng 2/1956, được thăng cấp Đại tá, Tư lệnh Liên Đoàn Nhảy Dù. Được coi như nhân vật tín cẩn của chế độ, thực ra Đại tá Thi bắt đầu ngấm ngầm bất mãn vì sự tham nhũng của Giám mục Thục cùng tay chân phe đảng, và nhất là «đệ nhất phu nhân » Trần Thị Lệ Xuân.

Ngày 11/11/1960, ông Thi cùng một số sĩ quan làm đảo chính chế độ Diệm. Có tin ông bị bắt tại nhà riêng, và chỉ tham gia vào phút chót (theo Vương Văn Đông và Tướng Phan Trọng Chinh). Thất bại, một số sĩ quan cầm đầu được Thiếu tá Phan Phụng Tiên lái máy bay qua Nam Vang tị nạn. (Chính Đạo et al. , Nhìn lại biến cố 11/11/1960; Houston: Văn Hoá, 1997).

Ngày 5/11/1963, ông về nước sau khi Diệm bị lật đổ. Bị Trung tướng Lê Văn Kim nghi kỵ, đưa ra Bộ Tư lệnh Quân Đoàn I, với chức vụ trưởng ban điều tra những tài sản thủ đắc bất hợp pháp của chế độ Diệm.

Ngày 30/1/1964, Đại tá Thi tham gia cuộc chỉnh lý nhóm Dương Văn Minh-Trần Văn Đôn-Lê Văn Kim-Mai Hữu Xuân. Được cử làm Tư lệnh SĐ1 BB, thăng cấp Chuẩn tướng. Tuy nhiên, không chấp nhận đeo lon một sao. Ngày 11/8/1964, lên cấp Thiếu Tướng. Hơn một tháng sau, ngày 13/9/1964, Tướng Thi bẻ gãy kế hoạch “biểu dương lực lượng” của Trung tướng Dương Văn Đức và các sĩ quan Đại Việt–trong đó có Thiếu tá Phạm Văn Liễu, Tham Mưu trưởng Sư đoàn 7 tại Mỹ Tho.

Từ cuối năm 1964, Trung tướng Nguyễn Khánh thực hiện thí nghiệm trao trả quyền cho phe dân sự. Tuy nhiên, phe Phật Giáo lập tức tranh đấu loại Trần Văn Hương. Chính phủ Phan Huy Quát–được Mỹ ủng hộ từ thập niên 1950–thì bị phe Ki-tô giáo chống đối. Ngày 19/2/1965, cựu Tướng Lâm Văn Phát và Đại tá Phạm Ngọc Thảo làm đảo chính. Có Lực Lượng Bảo Vệ Dân Tộc (Ki-tô Giáo) ủng hộ. Hôm sau, 20/2/1965, Tướng Thi từ Huế vào Sài Gòn chống lại nhóm Thảo. Phát và Thảo đồng ý đầu hàng với điều kiện phải loại Khánh. Từ ngày này, Tướng Thi được coi như thuộc nhóm “Young Turks” do Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu. Được thăng Trung tướng, Tư lệnh Quân đoàn I. Nổi danh là Tư lệnh Quân đoàn trong sạch nhất.

Ngày 19/6/1965, sau khi chính phủ Quát trả lại quyền cho Hội Đồng Tướng lãnh, Tướng Thi từ chối chức Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Thủ tướng). Nguyễn Cao Kỳ cuối cùng được chọn.

Ngày 10/3/1966, Tướng Thi bị Nguyễn Cao Kỳ cách chức Tư lệnh Quân Đoàn I vì “bất tuân thượng lệnh.” Tuy nhiên, ngoài dư luận, được phép từ chức vì lý do sức khoẻ.

Hôm sau, 11/3/1966, giữa lúc đang chờ phi cơ ra Đà Nẵng bàn giao chức vụ, ông bị Tướng Nguyễn Hữu Có bắt giữ.

12/3/1966: Trí Quang vận động Phật tử biểu tình ở Huế và Đà Nẵng. Sinh viên nhập cuộc, kiểm soát các thị xã ít ngày.

16/3/1966: Kỳ đồng ý cho Thi ra Đà Nẵng. Tướng Thi ngả theo phe tranh đấu.

27/5/1966: Qua nỗ lực của Đại sứ Lodge và Tướng Westmoreland, Kỳ gặp Thi để bàn về số phận Thi và Đính.

31/7/1966: Thi lên đường qua Mỹ chữa bệnh “thối mũi.”

Từ 1966, sống lưu vong ở Mỹ.

23/6/2007: Chết.

Hồi Ký: Nguyễn Chánh Thi. Một Trời Tâm Sự. Los Angeles, CA: Xuân Thu, 1985.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12495)
(Xem: 11031)
(Xem: 11066)
(Xem: 10635)
(Xem: 9986)
(Xem: 9428)
(Xem: 10186)
(Xem: 11239)
(Xem: 10892)
(Xem: 10983)