- Thư Tòa Soạn 89
- Jean Baptiste Ngô Đình Diệm (1897 - 1963): Thời Kỳ Chưa Nắm Quyền, 1897-1954 (phần 2)
- Vũ Ngự Chiêu: Sự Hình Thành Phong Trào Quốc Gia Mới: Từ “trung Quân” Sang “ái Quốc”
- Nguyễn Phạm Hùng: Về Tính Thống Nhất Giữa Văn Học Triều Tây Sơn Và Văn Học Triều Nguyễn
- Mênh Mông Chật Chội, Chật Chội Mênh Mông
- Nguyễn Nam Trân: Văn Học Đại Chúng Nhật Bản Hiện Đại: Tiểu Thuyết Trinh Thám Và Khoa Học Giả Tưởng
- Nốt Chủ Âm - Kiino-to
- Thuyền Ai Thấp Thoáng
- Nguyễn Văn Lục: 20 Năm Triết Học Tây Phương Ở Miền Nam Việt Nam 1955 - 1975
- Tức Nước (trích Đoạn Tiểu Thuyết Bể Dâu)
- Câu Chuyện Văn Nghệ Đêm Giao Thừa Với Nhà Thơ Lê Đạt
- Mimơza (từ Tình Epphen Ii)
- Gió Lùa Qua Cửa
- Cuối Tháng
- Tình Chiều
- Đêm, Từng Mảnh...
- Chiếc Áo
- Người Ở Lại Toul Sleng
- Bắt Đầu Tháng Tư Rồi Đó Em
- Mắt Lệ
- Ngôi Sao Và Hạt Bụi
- Hoa Muộn - Bàn Chân Mẹ
- Mẹ
- Cái Chết Biện Minh
- Thơ Dư Thị Hoàn
- Bến Bờ Đợi Mong
- Vẫn Còn Xa Cách
- Dớp
- Thôi Đành Để Gió Cuốn Đi
- Yêu
- Khổ - Chỉ Vì
- Những Giấc Mơ
- Vắng Mặt
- Mùa Đang Mới
- Thơ Nguyễn Nam An
- Huỳnh Lê Nhật Tấn: Gió Núi
- Sáng Tạo Và Bệnh Tật
- Mạn Đàm Văn Học
- Phụ Trang
“Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng, 1945 - 1975” là biên khảo lịch sử mới nhất của Chính Đạo, một bút danh của Tiến sĩ Sử học/Luật học Vũ Ngự Chiêu, nhằm giải đáp một số vấn nạn, nếu không phải nghi án, lịch sử cận đại, hiện vẫn còn gây nhiều bàn cãi, nghi hoặc. Dựa trên tài liệu văn khố Pháp, Mỹ, Nga, Trung Cộng, Việt Nam và những tài liệu nguyên bản khác thu thập suốt hơn 25 năm qua, tác giả hy vọng sẽ đóng góp phần nào cho việc tái dựng lại những trang lịch sử trung thực nhất, không ngả nghiêng tà vạy theo ý thức hệ, tôn giáo hay mục tiêu chính trị giai đoạn của các thế lực nào đó. Sách do nhà xuất bản Văn Hóa phát hành trong năm 2004 [Giá 2.00 MK; Địa chỉ: PO Box 720798, Houston, Texas 77272 USA]
Bài “Phiến Cộng Trong Dinh Gia Long” này là một trong những vấn nạn lịch sử tiêu biểu hiện còn tô đậm, đào sâu theo lằn ranh tôn giáo và ý thức hệ của người Việt. Vì đây là một nghiên cứu công bố nhiều tài liệu mới giải mật lần đầu tiên trên thế giới, nên nhiều chi tiết khác hẳn với những cảm nhận lịch sử đại chúng, vốn chỉ giới hạn trong sự yêu ghét, tin đồn vô căn, tài liệu tuyên truyền của nhiều hơn một phe phái, tôn giáo.
Một trong những nghi án lịch sử cận đại còn gây nhiều tranh luận là vấn đề âm mưu ve vãn [flirtation] Cộng Sản Hà Nội của anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm (1897-1963) trong hai năm 1962-1963. Nhiều học giả thế giới đã cố gắng đưa ra những giải thích về vấn đề này. Người cho rằng anh em họ Ngô không còn biết lý lẽ [no longer be rational] nữa trước áp lực Mỹ.(1)
(1. William Henderson and Wesley R. Fishel, “The Foreign Policy of Ngo Dinh Diem,” Vietnam Perspective (Aug 1966), tr. 17-18; Mieczylslaw Maneli, War of the Vanquished [Cuộc chiến của những kẻ bại] (New York: 1971), tr. 148-150; David Kaiser, American Tragedy: Kennedy, Johnson, and the Origins of the Vietnam War (Cambridge, Mass: Belknap Press, 2000), tr. 256-257.)
Người cho rằng họ Ngô chỉ muốn bắt chẹt [blackmail] hay chơi một ván bài poker với Mỹ.( 2)
(2. George McT Kahin, Intervention: How America Became Involved in Vietnam (New York: Alfred A. Knof, 1986), tr. 58.)
Người cho rằng họ Ngô thực sự muốn nói chuyện với miền Bắc,(3) và nếu không có cuộc đảo chính 1/11/1963, Cộng Sản đã chiếm miền Nam vào cuối năm 1963.
(3. Kahin, Intervention, tr. 153-155; Fredrik Logwall, Choosing War: The Last Chance for Peace and the Escalation of War in Vietnam (Berkeley: Univ of California Press, 1999), tr. 7-8; Francis X. Winters, The Year of the Hare: America in Vietnam, January 25, 1963-February 15, 1964 (Athens: Univ. of Georgia Press, 1997), tr. 43-44.)
Bi thảm cho họ Ngô là những người tin rằng họ Ngô muốn dâng miền Nam cho Cộng Sản Bắc Việt– đặc biệt là Đại sứ Henry Cabot Lodge–lại có quyết định chung cuộc số phận họ Ngô.
Vấn đề ve vãn Cộng Sản này khá phức tạp. Nó không chỉ hạn chế trong phạm vi quốc nội của Việt Nam mà còn bị chi phối, hoặc ít nữa ảnh hưởng, bởi các trào lưu chính trị và chiến lược thế giới của nhiều hơn một ngoại bang. Ngoài Liên bang Mỹ, Liên Sô Nga và Trung Cộng–ba quốc gia ảnh hưởng sâu đậm trên nội tình Việt Nam–còn có những quốc gia khác như Pháp, India [Ấn Độ], Poland [Ba Lan] hay vương quốc Ki-tô Vatican.
Trong biên khảo Tôn Giáo & Chính Trị: Phật Giáo, 1963-1967 dưới bút danh Chính Đạo, và tâm bút Ngàn Năm Soi Mặt, ký tên Nguyên Vũ, chúng tôi đã lược nhắc đến vấn nạn này, dưới tiểu tựa “Phiến Cộng trong Dinh Gia Long.”(4)
(4. Hai chương sách này đều được đăng lại trên nhiều website từ năm 2003. Độc giả Đi Tới cũng có dịp đọc qua bài “Cái chết của một hàng tướng: Dương Văn Minh,” trước khi bài này in trong Ngàn Năm Soi Mặt (bản hiệu đính và bổ sung đăng trên Hợp Lưu, Phụ bản đặc biệt tháng 9 & 10/2006))
Vì trọng tâm các chương có đề cập đến âm mưu ve vãn Hà Nội của họ Ngô trên không phải là chính sách của họ Ngô, chúng tôi đã vô cùng tỉnh lược, không đi vào chi tiết cũng như phân tích các dữ kiện. Bài viết này xin được coi như đóng góp thêm vào vấn nạn trên. Kết luận của chúng tôi là chưa đủ tư liệu để biết rõ mục đích của anh em họ Ngô trong việc ve vãn Cộng Sản giữa lúc áp lực Mỹ ngày một nặng. Dẫu vậy, có thể tạm thời kết luận rằng họ Ngô, qua thành tích dĩ vãng, khó thể có ý định tìm hòa bình cho tương lai của đất nước và dân tộc. Hành động của họ Ngô chỉ là một thứ quyết định, hoặc đe dọa, “ăn không được thì đạp đổ” để cảnh giác người Mỹ. Cũng có thể nó đã được phóng đại lên để Đại sứ Lodge có cớ ra tay lật đổ họ Ngô, khởi đầu một chuỗi thí nghiệm mới, hy vọng tìm ra một chính phủ bản xứ hữu hiệu hơn để tiếp tục chống Cộng và chiến thắng. (5)
(5. Giữa lúc cuộc đảo chính đang diễn ra, Rusk chỉ thị Lodge cố vấn các Tướng nên nhấn mạnh việc Nhu ve vãn Cộng Sản [dickering with Communists to betray anti-Communist cause] để tạo thiện cảm với dư luận Mỹ; Foreign Relations of the United States [Bang giao quốc tế của Liên bang Mỹ], 1961-1963 (Washington, DC: GPO, 1991), IV:89-90. Se dẫn: FRUS, 1961-1963.)
I. TIẾP XÚC VỚI CỘNG SẢN:
Không ai có thể chối cãi việc anh em họ Ngô tiếp xúc với Cộng Sản. Nếu thời điểm họ Ngô bắt đầu ve vãn Cộng Sản còn gây nhiều bàn cãi, đầu mối bằng xương, bằng thịt xuất hiện tại ngay chính Dinh Gia Long ngày 2/9/1963 là Mieczylslaw Maneli, Trưởng đoàn Poland [Ba Lan] trong Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (ICC, sẽ dẫn UBQT/KSĐC). Đích thân Cố vấn Ngô Đình Nhu (1910-1963) cũng tuyên bố với viên chức tình báo Mỹ, và ngay cả các Tướng miền Nam, nhiều lần, rằng ông ta từng tiếp xúc Việt Cộng.( 6)
(6. Frederick Nolting, From Trust to Tragedy: The Political Memoirs of Frederick Nolting, Kennedy’s Ambassador to Diem’s Vietnam (New York: Prager Publishers, 1988), tr, 117-18; Chính Đạo, Tôn Giáo & Chính Trị: Phật Giáo, 1963-1967 (Houston: Van Hoa, 1994, 1997), tr. 51.)
Tình báo Mỹ, Pháp và Việt đều nói về buổi họp mặt bí mật với Phạm Hùng (Phó Thủ tướng Bắc Việt, đặc trách kế hoạch thống nhất hai miền Nam-Bắc từ năm 1958). Một số người còn nhắc đến, dù chẳng trưng được bằng cớ có thể kiểm chứng nào, những cuộc tiếp xúc giữa ông Nhu và cán bộ CSBV ngay tại Sài Gòn vào hạ tuần tháng 10/1963. (7)
(7. Nguyễn Văn Châu, Ngô Đình Diệm: Nỗ lực hòa bình dang dở, bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Vi Khanh (Los Alamitos, CA: Xuân Thu, 1988), tr. 161-164. Trung tá Châu–một cựu Quân ủy trung ương của Đảng Cần Lao, trước khi nắm Nha Chiến tranh Tâm lý, và rồi đưa qua Oat-shinh-tân làm tùy viên quân sự vào tháng 9/1962–thời gian này có mặt ở Sài Gòn, nhưng không nêu tên nhân chứng.)
Đích thân Tổng thống Diệm, theo một cộng sự viên thân tín từ năm 1942, cũng định tìm cách tiếp xúc một cán bộ cao cấp của Hà Nội ở New Dehli vào khoảng trung tuần tháng 11/1963.(8)
(8. Lời chứng của Trần Văn Dĩnh trong Ellen Hammer, A Death in November (NY: Oxford Univ Press, 1987), tr. 268-270; Winters, Year of the Hare, tr. 99; Seymour M. Hersh, The Dark Side of Camelot (Boston: Little, Brown, 1997), tr. 433-434; Philip E. Catton, Diem’s Final Failure (Lawrence, Kansas: Press of Univ. of Kansas, 2002), tr. 195. Dĩnh là một thông ngôn phục vụ tại Tòa lãnh sự Nhật ở Huế từ năm 1942, và có liên hệ với Diệm từ ngày này.)
Cũng có tin Nhu đã đạt được một thỏa thuận ngầm với Bắc Việt để thành lập một chính phủ thống nhất, trung lập với Hồ làm Chủ tịch và Nhu làm Phó.
A. NHỮNG ĐẦU MỐI:
Có nhiều đầu mối Cộng Sản mà Nhu tiếp xúc hay có tin đã tiếp xúc.
1. Mieczylslaw Maneli:
Từ mùa Xuân 1963, theo Maneli, nhiều nhân vật trong giới ngoại giao đã yêu cầu Maneli gặp Ngô Đình Nhu. Trong số này có Đại sứ Pháp Roger Lalouette, Đại sứ India (Ấn Độ) Ramchundur Goburdhun trong UBQT/KSĐC, Đại sứ Italia (Ý) Giovanni d'Orlandi và Đặc sứ Vatican (Tòa thánh La Mã) Salvatore d'Asta. Họ đều nói với Nhu về Maneli, và Nhu tỏ ý muốn gặp.
Tối Chủ Nhật, 25/8, Maneli được giới thiệu với Nhu trong buổi tiếp tân của Trương Công Cừu, vừa để ra mắt ngoại giao đoàn nhân dịp được cử thay Vũ Văn Mẫu làm Quyền Ngoại trưởng, vừa đón tiếp tân Đại sứ Lodge. Ngay sau lần gặp sơ khởi này, Maneli báo cáo về Warsaw, đồng thời thông báo với Đại sứ Liên Sô Suren A. Tovmassian ở Hà Nội và Hà Văn Lâu, Trưởng đoàn VNDCCH tại UBQT/KSĐC. Lâu và Tovmassian, theo Maneli, tán thành. Qua ngày 2/9, Nhu mời Maneli vào Dinh Gia Long bàn việc. Sau đó, Maneli ra Hà Nội báo cáo. Nhưng Warsaw đột ngột cho lệnh Maneli ngừng gặp Nhu. (9)
(9. Maneli, 1971, tr. 137-139, 140-147. Từ cuối tháng 8/1963, tình báo Mỹ đã biết tin về kế hoạch của Maneli; FRUS, 1961-1963, IV:89-90. Sau ngày 1/11/1963, Bộ trưởng Nội Vụ Tôn Thất Đính cũng họp báo tiết lộ việc Nhu liên lạc với Hà Nội, qua trung gian Maneli; Maneli 1971:112-114. Những lời chứng trong sách của Maneli ấn hành tại Mỹ, tưởng cần nhấn mạnh, chỉ là một thứ truyền khẩu sử, hay dã sử; cần được phối kiểm với các tài liệu văn khố khác.)
Ngay chiều 2/9, Cố vấn Nhu nhìn nhận với Lodge rằng mới gặp Maneli hôm đó. Theo Nhu, Maneli hỏi Nhu là có thể báo cáo gì với Phạm Văn Đồng về những lời tuyên bố của de Gaulle (29/8) và Hồ (29/5/1963 hoặc 8/1963). Nhu trả lời: “Không.”(10)
(10. FRUS, 1961-1963, IV:85.)
Ngày 2/9/1963 này, mật báo viên của tình báo Mỹ nhận xét rằng việc Maneli và nhân viên Pháp (không phải cá nhân Lalouette) làm trung gian cho Nhu và Đồng là một thứ bí mật chẳng dấu được ai (open secret) trong giới ngoại giao Sài Gòn đã nhiều tháng. Mật báo viên này cũng được Maneli nhờ giới thiệu với Nhu nhưng từ chối.(11)
(11. FRUS, 1961-1963, IV:89-90.)
Bốn ngày sau, chiều 6/9, Ngô Đình Nhu tái xác nhận với viên chức CIA là d'Orlandi và Goburdhun nhiều lần yêu cầu Nhu gặp Maneli. Trong buổi gặp ngày 2/9, Maneli khuyên Nhu nên lợi dụng những lời tuyên bố của de Gaulle (29/8) và Hồ (29/5/1963 hoặc 8/1963) để thương thuyết với Hà Nội. Maneli nói đã được Phạm Văn Đồng ủy quyền làm trung gian. Nhu trả lời Maneli rằng lời tuyên bố của de Gaulle rất “hấp dẫn” [interesting], nhưng chỉ những người thực sự chiến đấu trong cuộc chiến này mới có quyền nói và hành động. Nam Việt Nam liên kết với Mỹ và sẽ là điều vô luân khi dò dẫm đơn phương sau lưng người Mỹ. Vấn đề hiệp thương bất lợi cho tinh thần chiến đấu cũng như sự thông suốt về chính trị của dân chúng miền Nam. Nhu khẳng định không thương thuyết với Hà Nội, chỉ tiếp xúc Việt Cọng miền Nam. Nhu còn nói không có đường giây bí mật nào với miền Bắc, nhưng Maneli và Goburdhun lúc nào cũng sẵn sàng.( 12)
(12. FRUS, 1961-1963, IV:125-126.)
Như thế, đích miệng Ngô Đình Nhu thú nhận hai lần đã gặp Maneli, người tự nhận là sứ giả của Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hóa [VNDCCH].
Ngày 16/9, Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm–Tham Mưu trưởng Liên quân, lúc ấy đã chuẩn bị đảo chính–mật báo với Mỹ rằng các Tướng nóng lòng làm đảo chính hơn khi thấy thêm nhiều chứng cớ về việc Ngô Đình Nhu muốn thương thuyết với miền Bắc. Theo Khiêm, Nhu tiết lộ với một số Tướng (như Big Minh, Lê Văn Nghiêm) về cuộc tiếp xúc Maneli. Maneli đã mang tới đề nghị của Đồng về việc hiệp thương giữa Bắc và Nam; và Nhu đang nghiên cứu, sẽ cho các Tướng biết thêm những bước kế tiếp. Nhu tuyên bố Maneli đã hoàn toàn dưới sự sử dụng của Nhu và sẵn sàng bay ra Hà Nội bất cứ lúc nào được chỉ thị. Nhu còn thêm rằng Đại sứ Pháp Lalouette từng đề nghị tương tự.( 13)
(13. FRUS, 1961-1963, IV:239-240.)
2. Cán bộ “Việt Cộng”:
Ngô Đình Nhu nhiếu lần tuyên bố đã bí mật tiếp xúc với cán bộ Việt Cộng (hiểu theo nghĩa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam). Mùa Xuân 1963, nhân dịp phát động chiến dịch Chiêu Hồi (vào tháng 4/1963), Nhu khoe đón tiếp cán bộ Việt Cộng cao cấp ngay tại Dinh Gia Long. Có lần, Nhu chỉ vào chiếc ghế Đại sứ Frederick (Fritz) Nolting đang ngồi, nói một lãnh tụ Cộng Sản vừa mới rời chỗ đó. Rồi giải thích rằng đang gặp các lãnh tụ Việt Cộng để thuyết phục họ về hàng. Nolting báo cáo chi tiết này về Oat-shinh-tân, và xin cho Nhu toàn quyền hành động hầu thành lập một chính phủ “mở rộng.” Nhưng các cố vấn của Kennedy không hài lòng–họ coi đó gần như một hành động bội phản.( 14)
(14. Nolting, From Trust to Tragedy, 1988:117-118.)
Chiều 24/5, Ngô Đình Nhu yêu cầu Tướng Paul Harkins (Tư lệnh MAC-V), Richard G. Weede (Tham Mưu trưởng MAC-V), John H. Richardson (CIA) và William Trueheart (Cố vấn chính trị tòa Đại sứ) vào Dinh Gia Long, xác định từng liên hệ với cán bộ CS cấp cao. Nhu tiết lộ mới được tin mật là CS vừa tổ chức một Hội nghị cán bộ chính trị và quân sự cao cấp ngày 19/5/1963 tại đồn điền Memot trên đất Miên. Mật báo viên của Nhu tham gia hội nghị này. Kết quả, Hội nghị trên quyết định rút 6 tiểu đoàn đặc công từ Việt Nam qua Lào làm nghĩa vụ Quốc tế từ ngày 20/5. Các đơn vị chính qui sẽ rút về mật khu Miên, hay ngừng tham chiến, giao trách nhiệm chiến đấu cho các đơn vị địa phương và tự vệ. Nhu tuyên bố nếu báo cáo trên là đúng, VNCH sẽ tổng tấn công, đánh tan các lực lượng địa phương trên, và ngăn chặn đặc công từ Lào đột nhập Nam Việt Nam.(15)
(15. FRUS, 1961-1963, III:327-330.)
Chiều ngày 2/9, Nhu thú nhận với Lodge rằng mình từng tiếp xúc Việt Cọng. Những cán bộ VC này đã rất chán nản, muốn ngừng hoạt động. Sáu tháng trước, một Đại tá VC muốn đào ngũ với 3 tiểu đoàn, nhưng Nhu khuyên ông ta ở lại biên giới Lào chờ cơ hội thuận tiện. Một Tướng VC ở Miên cũng muốn gặp Nhu. Không những VC đang thất vọng mà còn cảm thấy bị Bắc Việt lợi dụng.(16)
(16. FRUS, 1961-1963, IV:85.)
Có người cho rằng đây là lời bịa đặt của Ngô Đình Nhu. Nhận định này quá vội vã. Trong hậu trường chính trị Sài Gòn, luôn luôn có những màn đi đêm lạ lùng. Không thiếu người nỗ lực “lôi kéo những phần tử Quốc Gia” ra khỏi sự kiềm tỏa của Cộng Sản trong MT/GPMN. Trong số nhân vật được coi là “người quốc gia” có Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (1913-1989) và Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1913-1989). Từ năm 1948-1949, Y sĩ Lê Văn Hoạch, một cựu Thủ tướng Nam Kỳ Tự Trị (1946-1947), và Nguyễn Hòa Hiệp (1906-1974) đã không ngừng thực hiện kế hoạch đưa phần tử quốc gia về thành. Mùa Thu 1964, Đại tướng Nguyễn Khánh–qua Quốc Vụ Khanh Lê Văn Hoạch–trao đổi thư từ với Phát, Tổng thư ký MT/GPMN, đồng thời cầm đầu tổ tình báo trí vận Sài Gòn-Gia Định. Món quà trao đổi là vợ con Phát và tù binh Mỹ. Hai năm sau, dù đang lưu vong ở Paris, Khánh còn mưu toan móc nối Chủ tịch MT/GPMN về hồi chính. Một trong những người trung gian là Nha sĩ Lê Văn Trường ở Paris, người tự nhận là “thượng cấp” của Thọ. Năm 1966, Lodge cũng lọt vào một màn ảo thuật âm mưu đưa Thọ bỏ mật khu.( 17)
(17. Xem Chính Đạo, VNNB, 1939-1975, tập I-D: 1964-1968 (đang in).)
Trong hai năm 1962-1963, chung quanh Ngô Đình Nhu có khá nhiều cán bộ tình báo chiến lược CSBV. Albert Phạm Ngọc Thảo và Vũ Ngọc Nhạ chỉ là hai người được biết nhiều nhất. Lời thú nhận “móc nối Việt Cộng” của Nhu, bởi thế, cần được nghiên cứu kỹ càng hơn trước khi có một nhận định võ đoán [sweeping remark]. Cho tới khi có tài liệu chứng minh ngược lại, chúng ta không thể không tin lời khai của chính ông Nhu. (Theo hình luật Mỹ, lời tự thú của nghi can là bằng chứng rất đáng tin cậy)
3. Phái viên khác của Hà Nội:
Theo một nguồn tin, Ngô Đình Nhu còn mượn cớ đi săn, để bí mật gặp cán bộ CSBV.
a. Truờng hợp Phạm Hùng:
Cán bộ CS được William Colby–trưởng lưới tình báo CIA tại Sài Gòn, Giám đốc Sở CIA Đông Nam Á, Phụ tá Giám đốc kế hoạch bình địỳnh nông thôn ở Việt Nam [CORDS], và rồi Giám đốc CIA–nêu đích danh là Phạm Hùng (1912-1988), Ủy viên Bộ Chính Trị Đảng Lao Động Việt Nam, Phó Thủ tướng, nguyên Chủ Nhiệm Ủy Ban Thống Nhất. Theo Colby, nhiều năm sau cái chết của anh em Diệm-Nhu, một Tướng cao cấp thuộc nhóm đảo chính 1963 [Trần Văn Đôn, Trần Thiện Khiêm hay Tôn Thất Đính?] tuyên bố đã từng nghe tin Nhu gặp Phạm Hùng vào [tháng 2/1963]. Cuộc gặp mặt này xảy ra trong giai đoạn Diệm-Nhu đang có nhiều dị biệt lớn lao với Mỹ, và đang nỗ lực tìm cách thoát khỏi sự bế tắc giữa hai gọng kìm Mỹ và Cộng Sản.( 18)
(18. William Colby, Lost Victory, 1989:102-103. Trong cuốn Our Endless War in năm 1987, Đôn không nhắc đến chi tiết này. Ấn bản tiếng Việt của tập hồi ký trên ghi rằng Nhu được Trung tá Bường, tỉnh trưởng Bình Tuy, đưa đến gặp Phạm Hùng và hai người khác. Nhu hứa với Phạm Hùng là sẽ cho Lệ Xuân và Lệ Thủy ngồi lên chuyến xe lửa thống nhất đầu tiên ra Hà Nội (tr. 183). Tướng Đôn, tưởng cũng nên ghi nhận, là một trong những “nguồn tin đáng tin cậy” của các viên chức Mỹ. Một trong những lý do là Đôn từng được OSS huấn luyện vào mùa Hè 1945, rồi gửi trở lại nội địa lấy tin tức về quân Nhật. Đôn rất thân thiết với Lucien “Lou” Conein và Edward Lansdale.)
Là người thân thiết với Nhu và chống việc thay Diệm, Colby không trích dẫn lời chứng của Tướng [Đôn Khiêm hay Đính?] một cách tắc trách. Muốn bác bỏ hay “chỉnh lý” chi tiết này, cần tìm ra tư liệu văn khố Bộ Chính Trị Đảng CSVN, Nga hay Trung Cộng chứng minh không có màn đi đêm, mà không thể chỉ dùng lối nhận định võ đoán là “tin đồn vô căn.” Về chi tiết Phạm Hùng là “người cầm đầu các nỗ lực của Cộng Sản tại miền Nam mà Colby đề cập cũng không nhất thiết phải hiểu thu hẹp như Bí thư Trung Ương Cục Miền Nam vào thời gian này [1963]. Năm 1963, Phạm Hùng, với cương vị Phó Thủ tướng, cựu Chủ nhiệm Ủy Ban Thống nhất, có thể được kể như người cầm đầu nỗ lực của CS tại miền Nam. Những Nguyễn Văn Linh, Võ Toàn (Võ Chí Công), Trần Văn Trà, Trần Nam Trung (Trần Lương), Trần Văn Tấn (Lê hay Trịnh Trọng Tấn) chỉ là cán bộ trung cấp (Ủy viên trung ương Đảng) tại “B”. Câu văn của Colby có thể cũng chỉ nhằm ghi nhận Phạm Hùng là người cầm đầu CS miền Nam khi Colby được mật báo về chuyện gặp gỡ bí mật Nhu-Hùng bốn năm năm trước.(19)
(19. Colby dùng từ “apocryphal” [phóng đại], khi phê bình lời nhận xét của Phạm Hùng về sự hữu hiệu của Ấp chiến lược do người bạn thuật lại, mà không nhắm vào bản tin về buổi gặp mặt Nhu - Hùng.)
Cuộc gặp mặt Hùng - Nhu, tưởng nên ghi thêm, cũng được tình báo Pháp ghi nhận. Tin tình báo thì thường chỉ ghi “reliably informed.” Lời chứng của các Tướng Đôn, Khiêm, Minh hay Nghiêm có mức khả tín nào sẽ được tài liệu văn khố bạch hóa trong tương lai.
b. Những đầu mối khác:
Vài tác giả còn ghi nhận đại diện CSBV vào gặp Ngô Đình Nhu ngay tại Sài Gòn, qua trung gian Đại sứ India trong UBQT/KSĐC “nhiều lần.”(20)
(20. Châu, 1988:162 - 163. Xem thêm đoạn nói về yếu tố India gần cuối bài.)
Trần Văn Dĩnh – cố vấn và xử lý thường vụ Tòa Đại sứ Việt Nam tại Oat - shinh - tân từ ngày 22/8/1963, đang trên đường qua New Dehli nhận nhiệm sở mới–tiết lộ rằng ngày 29/10 đích thân Ngô Đình Diệm chỉ thị cho Dĩnh chuẩn bị gặp một đại diện Hà Nội (Lê Đức Thọ?) để dò ý. Theo dự trù, Dĩnh sẽ gặp phái viên Hà Nội ngày 15/11/1963 tại New Dehli, nơi Nguyễn Cơ Thạch (Phạm Văn Cương) đang giữ chức Tổng Lãnh sự từ ngày 26/7/1956. Nhưng cuộc đảo chính 1/11/1963 khiến âm mưu này phải bỏ dở. Theo Dĩnh, Diệm còn dặn phải dấu kín Nhu.( 21)
(21. Chẳng hiểu do ngẫu nhiên hay vì một lý do nào cả Châu và Dĩnh, hai cán bộ Cần Lao cao cấp, đều có mặt ở Sài Gòn vào những ngày cuối của chế độ Diệm. Theo tài liệu văn khố Phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng Hòa, vào cuối tháng 10/1963 có một Đại hội chống Cộng ở Sài Gòn.)
Những âm mưu đi đêm giữa Ngô Đình Nhu với Hà Nội, dĩ nhiên, phải nhiều thời gian nữa mới có thể rõ chi tiết, khi tài liệu văn khố Bộ Chính Trị Đảng CSVN, Trung Cộng, Liên Sô Nga hay Vatican mở ra cho các nhà nghiên cứu. Một số tư liệu Pháp và Mỹ hiện cũng chưa giải mật. Người học sử nghiêm túc không thể không thận trọng về mặt trận tình báo dầy phủ sương mờ nghi hoặc này, chẳng nên áp dụng cứng ngắc thứ luật “bằng chứng” [evidence rule] của luật pháp Mỹ gọi là “hearsay” [nghe lại lời kể của một người khác]. Hơn nữa, có những bằng chứng không thể bài bác khác, sau khi phối kiểm lại, cho thấy Diệm-Nhu quả thực đã ve vãn Hà Nội, tìm cách gặp đại biểu Hà Nội, khiến chính phủ Mỹ lo ngại rằng một sự thỏa thuận Bắc-Nam có thể trở thành sự thực vào khoảng cuối năm 1963. (Giáo sư Trần Bạch Đằng nói với tôi, trong dịp phỏng vấn ở Sài Gòn năm 2004-2005, là không hề có tiếp xúc mật với họ Ngô)
B. NHỮNG BIỂU HIỆU:
Việc ve vãn Cộng Sản Hà Nội còn có thể tăng bổ [corroborate] bằng những lời tuyên bố và việc làm của họ Ngô trong ba năm 1961-1963 liên quan đến các vấn đề “thống nhất và trung lập,” yêu cầu cắt giảm lính Mỹ và tuyên truyền chống Mỹ.
1. Thống nhất và trung lập:
Những tài liệu văn khố hiện đã mở ra chưa tiết lộ rõ ràng chi tiết về phản ứng của họ Ngô với điều kiện “thống nhất và trung lập” mà Hà Nội cũng như MT/GPMN tung ra từ năm 1962.
a. Thống nhất đất nước:
Thống nhất đất nước là giấc mơ và mục tiêu tối hậu của đa số người Việt. Chính vì đòi hỏi thống nhất đất nước này của Hồ Chí Minh mà Cao ủy Georges Thierry d’Argenlieu phần nào đã đẩy Hồ tới chân tường, khai mở đợt 2 của giai đoạn thứ nhất (1945-1954) cuộc Tam Thập Niên Chiến (1945-1975) vào cuối năm 1946. Sau hiệp định Geneva (20-21/7/1954), Hồ quyết tâm đòi hỏi thống nhất đất nước đến cùng. Khi phe chống Cộng muốn khai sinh Việt Nam Cộng Hòa [VNCH] phía Nam vĩ tuyến 17–với sự trợ giúp của Liên bang Mỹ–Hồ không chịu bỏ cuộc. Sau những nỗ lực đòi hiệp thương Tổng tuyển cử một cách hòa bình bị thất bại, từ năm 1959, Hồ phát động giai đoạn 2 (1959-1975) của cuộc Tam Thập Niên Chiến dưới danh nghĩa “giải phóng miền Nam.” Cơ sở pháp lý của Hồ là Hiệp ước Geneva (20-21/7/1954), theo đó hai miền Bắc-Nam phải tiến tới tổng tuyển cử thống nhất đất nước sau hai năm ngưng bắn. Hỗ trợ cho cơ sở pháp lý đó là một đạo quân khoảng 300,000 người với gần 9 năm kinh nghiệm tác chiến kháng Pháp (1945-1954), một miền Bắc hầu như bất khả xâm phạm, một miền Nam còn sôi động dư âm của chiến thắng Pháp và một hệ thống chính quyền kháng chiến, vô hình, bám sát lấy rừng núi, nông thôn và những cơ sở bí mật ở các thành phố. Các kế hoạch Tố Cộng, Diệt Cộng và Hồi Chánh từ năm 1955 khiến khoảng ba phần tư trong số hơn 40,000 cán bộ Cộng Sản được gài lại bị trung lập hóa–nhất là tại miền Trung–nhưng số lượng trung kiên nằm vùng đủ khả năng, nhiệt tình và hận thù để tiếp tục tranh đấu. Các mật khu mạnh của Cộng Sản là khu vực An Lão (Bình Định), chiến khu C, chiến khu D, Đồng Tháp Mười, và nhất là vùng Cà Mau. Nhờ sự tiếp tay của các Hoa thương, Cộng Sản xuất cảng gạo và than đước Cà Mau qua cửa ngõ Singapore, và nhập cảng thuốc men cùng những nhu yếu phẩm khác.
Vì áp lực quốc tế, thoạt tiên Hồ chỉ cổ võ việc trở lại với Hiệp định Geneva, và kế đó là phát động một cuộc chiến tranh giới hạn, trường kỳ, dựa trên nguồn nhân lực và tài lực miền Nam. Cánh tay ngoại vi của Hồ là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam [MT/GPMN]–một thứ mặt trận thống nhất mới, qui tụ đại đa số thành viên người miền Trung hay miền Nam, dưới sự chỉ đạo của Trung Ương Cục Miền Nam, dưới bảng hiệu Đảng Nhân Dân Cách Mạng miền Nam Việt Nam. Được Hà Nội cho chào đời giữa lúc cuộc đảo chính của Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến bột phát trong hai ngày 11-12/11/1960, từ ngày 20/12/1960 MT/GPMN được đánh bóng thành một tổ chức tự phát của người miền Nam, chống lại “chế độ phát xít Ngô Đình Diệm,” “tay sai đế quốc Mỹ,” để thành lập một chính phủ liên hiệp, trung lập. Chính phủ này sẽ bàn việc thống nhất với VNDCCH sau khi giành được chính quyền. (22)
(22. Ngày Thứ Sáu, 11/11/1960, Bộ Chính Trị điện cho Xứ Ủy miền Nam: Lợi dụng khai thác ngay cuộc đảo chính của Nhảy Dù. Có thể cho ra công khai Phong trào MTGPMN. Hòa bình, trung lập; Văn Kiện Đảng Toàn Tập [VKĐTT], 21, 2002:1012-1016.)
Đa số những người chống Cộng miền Nam – đặc biệt là gần 1 triệu người di cư trong hai năm 1954 - 1956 – thống nhất đất nước cũng là giấc mơ cao đẹp. Đã có nhiều nỗ lực, hoặc mơ tưởng, giải phóng miền Bắc. Nhưng thực trạng chính trị và quân sự khiến nhiệm vụ hàng đầu của họ là xây dựng một miền Nam vững mạnh, đủ sức tự vệ để sinh tồn, chờ đợi ngày sẽ thống nhất đất nước dưới một chế độ dân chủ, tự do thực sự. Sự qua phân đất nước chỉ là thế tạm thời. Ngoại trừ một thiểu số “công dân hạng nhất” của chế độ, đa số thầm lặng chấp nhận mũ ni che tai, tự biến thành những bè bèo tây trôi nổi theo những cơn thủy triều ý thức hệ đang vẽ lại bản đồ chính trị thế giới.
b. Trung lập:
Xét kỹ lịch sử và điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam, trung lập là thể chế lý tưởng nhất để duy trì độc lập và phát triển đất nước theo trào lưu toàn cầu hóa. Nhưng trong giai đoạn 1954-1975, hai chữ “trung lập” có những hàm ý khác nhau.
Là một siêu cường cầm đầu khối tân Quốc tế Cộng Sản, Liên Bang Sô Viết Nga muốn tránh những cuộc đương đầu không cần thiết với Liên Bang Mỹ và khối Tây Âu. Bởi thế, Mat-scơ-va chủ trương sống chung hòa bình với tư bản hầu phát triển đất nước. Mat-scơ-va không ngừng khuyên nhủ Hà Nội nên chấp nhận hiện trạng (status quo), và từ chối viện trợ cho Bắc Việt đánh chiếm miền Nam.
Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông, thực tâm cũng muốn sống chung hòa bình với khối tư bản. Dưới mắt Bắc Kinh, “trung lập” miền Nam có nghĩa Liên bang Mỹ phải ngưng sự hiện diện quân sự tại đây. Chính vì thế, nếu tin được lời chứng của cựu Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ, Chu Ân Lai từng đề nghị ông gửi một phái đoàn qua Bắc Kinh sau khi ký Hiệp định Geneva 1954, và nói miền Nam có thể trung lập. (23)
(23. Phỏng vấn tại Paris năm 1982-1983.)
Mao đã đưa ra triết lý cái chổi và đống bụi, khuyên Hà Nội chỉ nên tập trung vào đấu tranh chính trị trên tinh thần Hiệp định Geneva.
Sự phân hóa Nga - Hoa sau ngày Nikita S. Khrushchev hạ bệ Stalin thành hai phe “xét lại” và “giáo điều” vào cuối thập niên 1950 tạo cơ hội cho Hồ Chí Minh đẩy mạnh hơn nỗ lực thống nhất đất nước. Tuy nhiên, vì Mat-scơ-va và Bắc Kinh chỉ viện trợ rất giới hạn, trong hai năm 1959-1960, Hồ không công bố rõ chiêu bài chính trị nào để sử dụng cho MT/GPMN.
Theo các chuyên gia Mỹ, Hồ tin rằng sẽ chiến thắng mau chóng, trong vòng 1 năm. Nhưng phản ứng của chính phủ John F. Kennedy, qua chủ thuyết “Tân Biên Cương” – tức quyết tâm bảo vệ miền Nam với kế hoạch Chống Phản Loạn [Counter-Insurgency Plan, viết tắt là CIP], hay theo thuật ngữ Bắc Việt, chiến tranh đặc biệt, dựa theo đề nghị của Tướng Maxwell D. Taylor và kinh tế gia Eugene Staley (NSAM 111)–khiến Hồ đưa ra một bước chiến lược giai đoạn: đó là trung lập hóa miền Nam. Đề nghị trung lập này rút kinh nghiệm từ hội nghị Geneva về Lào, đưa đến việc thành lập chính phủ liên hiệp, trung lập tại vương quốc láng giềng phía Tây Việt Nam năm 1962.
Một số viên chức Mỹ, như lãnh tụ khối đa số Mike Mansfield–người từng nhiều lần cứu nguy Ngô Đình Diệm trong hai năm 1954-1955–cũng nghĩ đến giải pháp trung lập hóa toàn vùng Đông Nam Á, nếu thí nghiệm chính phủ liên hiệp, trung lập ở Lào thành công. Cố vấn của Kennedy về Viễn Đông Chester A. Bowles còn muốn tạo một vùng trái độn từ Baghdad tới Seoul (Hán Thành).
Trong hai năm 1961 và 1962, các viên chức ngoại giao Mỹ cũng từng bí mật cho Y sĩ Phạm Ngọc Thạch và Ngoại trưởng Ung Văn Khiêm biết quyết tâm bảo vệ miền Nam của Mỹ: Mỹ sẽ chỉ ngưng can thiệp vào miền Nam nếu Hà Nội ngưng xâm lăng.
Bởi thế, năm 1962, Hà Nội chỉ thị cho Trung Ương Cục Miền Nam và MT/GPMN tung ra chiêu bài trung lập hóa miền Nam. Nhưng “trung lập” của Hà Nội–nếu tin được những tư liệu mới được công bố của Việt Nam–có hương vị riêng. Nghị quyết Bộ Chính Trị Đảng Lao Động Việt Nam [LĐVN] ngày 27/2/1962 khẳng định:
“Chúng ta hiện nay vừa đánh, vừa đòi thành lập chính phủ liên hiệp thật sự, đòi tổng tuyển cử thật sự, đòi hòa bình trung lập, đó chẳng qua là tạo những bước quá độ sau này để cho phong trào tiến lên dễ dàng hơn, cô lập bọn hiếu chiến nhiều hơn nữa, tranh thủ bọn cầu hòa ngay cả trong phe địch.” (24)
(24. Nghị quyết BCT ngày 27/3/1962 về công tác cách mạng miền Nam; VKĐTT, 23, 2002:164. Tuy nhiên, vẫn cương quyết đẩy mạnh đấu tranh chính trị và quân sự, giành và giữ vững thế chủ động: 1. đấu tranh chính trị; 2. công tác mặt trận; 3. phá ấp chiến lược và thế kềm kẹp của địch; 4. đẩy mạnh đấu tranh vũ trang; 5. xây dựng lực lượng vũ trang; 6. công tác binh vận; 7. củng cố và mở rộng căn cứ; 8. công tác Đảng; phải thắng địch từng bước; “không sợ Mỹ.”)
Ngô Đình Diệm, vào tháng 5/1963, tâm sự với Lalouette rằng chiến trận sẽ tự động tàn lụn đi, không cần phải có thương thuyết, vì các lãnh đạo miền Bắc cảm thấy được sự vô ích trong âm mưu đánh chiếm miền Nam.( 25)
(25. Báo cáo ngày 29/5/1963, Lalouette gửi BNG; AMAE (Paris), CLV, SV, d. 18.)
Chỉ từ tháng 8/1963, Diệm mới tách khỏi lập trường chống Cộng, nghiêng về “trung lập.” Ngày 30/8, Diệm triệu tập một phiên họp Hội đồng chính phủ để nghiên cứu tuyên ngôn ngày 29/8/1963 của Tổng thống Charles de Gaulle về giải pháp trung lập, thống nhất, độc lập với mọi ảnh hưởng ngoại bang. Rồi cho lệnh Việt Tấn Xã dịch tuyên ngôn trên, in trên trang nhất bản tin Việt Tấn Xã. Diệm cũng cho lệnh Đại sứ Phạm Khắc Hy ở Paris xin gặp Ngoại trưởng Maurice Couve de Murville, yêu cầu giải thích lập trường của Pháp. Một số viên chức thân cận với Nhu, như Quyền Ngoại trưởng Cừu–được Lodge gọi là “tên xu nịnh không hề biết xấu hổ nhất mà tôi từng được biết”–nói với viên chức Pháp rằng người Việt đã “hiểu được” những gì de Gaulle muốn nói.( 26)
(26. Xem Đoạn II, infra.)
Nhu là người duy nhất trực hoặc gián tiếp đề cập đến trung lập. Nguồn tin tình báo Mỹ ngày 30/8/1963 khẳng quyết rằng ít tháng trước ngày Nhu tiếp Maneli tại Dinh Gia Long, Nhu đã chủ trương trung lập hóa và thống nhất Việt Nam.( 27)
(27. FRUS, 1961-1963, IV:89-90.)
Gần cuối tháng 8/1963, Trần Thiện Khiêm mật báo với Mỹ rằng Nhu từng tuyên bố với các Tướng (kể cả Dương Văn “Big” Minh, Lê Văn Nghiêm) là nếu Mỹ cắt viện trợ, Nhu có thể liên lạc với Hà Nội, yêu cầu giảm bớt cường độ chiến tranh, trong khi thương thuyết một thỏa ước vĩnh viễn.( 28)
(28. Ibid. [FRUS, 1961-1963, IV:89-90].)
Nhưng trong lần gặp Lodge chiều 2/9, và John H. Richardson (?)chiều 6/9, Nhu thanh minh rằng Nhu cực lực chống trung lập, vì trung lập hoàn toàn đi ngược với quan điểm và chính sách VNCH.( 29)
(29. FRUS, 1961-1963, IV:126.)
Sở dĩ vấn đề “trung lập” gây nên nhiều cơn bão trong lòng ly vì ngay tại Mỹ đã có những người nêu lên vấn đề này. Chính de Gaulle từng nói thẳng với Kennedy vào cuối tháng 5/1961–khi Kennedy trên đường tới dự hội nghị thượng đỉnh với Khrushchev–là cần trung lập hóa Đông Dương (và từ chối gửi quân vào Lào giúp bảo đảm nền trung lập ở đây).
Nhưng như Ngoại trưởng Dean Rusk sau này nhận định:
3. Vấn đề trung lập hóa Nam Việt Nam là một trò cuội. Rusk đã đề nghị với Gromyko là trung lập hóa cả hai miền Bắc và Nam Việt Nam, nhưng Gromyko phản đối, nhấn mạnh rằng miền Bắc là một thành phần của khối Xã hội Chủ nghĩa và điều này không thể thay đổi. Trung lập hóa miền Nam Việt Nam như thế chỉ có nghĩa cô lập miền Nam khỏi sự viện trợ của phương Tây, dễ biến thành miếng mồi ngon cho Cộng Sản.
4. Rusk đã nói chuyện với de Gaulle, và lập trường de Gaulle rất gần gũi với Mỹ.
5. Nếu Bắc Kinh đồng ý cho các nước lân bang được độc lập, Mỹ sẽ sẵn sàng thương thuyết với Trung Cộng. [Để thử xem đề nghị ngày 31/12/1963 của Khrushchev, trong thư gửi Johnson, về vấn đề giải quyết ôn hòa những vùng đất tranh chấp có mang lại gì mới lạ hay chăng].
Theo Rusk, quan điểm của BNG cũng chẳng khác biệt bao lăm với Mansfield: “Một Đông Nam Á ít tùy thuộc vào viện trợ và giúp đỡ, ít dưới sự kiểm soát của Mỹ, không bị cắt đứt với Trung Hoa nhưng cũng không bị Trung Hoa khống chế.” Khác biệt chỉ là cách thực hiện: Mansfield muốn có “ngưng bắn [da beo],” trong khi Rusk muốn hòa bình ở thế mạnh, khi Bắc Việt không còn tham tâm chiếm miền Nam. (30)
(30. FRUS, 1964-1968, I:9-11.)
Bộ trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara nhận định:
3. Sự chia cắt hay trung lập hóa có nghĩa là Mỹ phải triệt thoái, và toàn miền Nam sẽ bị sụp đổ.
4. Hậu quả của việc Cộng Sản thống trị miền Nam sẽ rất nghiêm trọng đối với những phần còn lại của Đông Nam Á và vị trí của Mỹ tại đây cũng như trên toàn thế giới.
5. Phải chiến thắng bằng mọi cách. (31)
(31. FRUS, 1964-1968, I:12-13.)
Theo Cố vấn ANQG McGeorge Bundy:
1. Trung lập hóa miền Nam có nghĩa:
a. Sự sụp đổ mau chóng của lực lượng chống Cộng tại miền Nam, và sự thống nhất dưới chế độ CS.
b. Thái Lan sẽ trung lập, và gia tăng ảnh hưởng Hà-nội cũng như Bắc Kinh ở đây.
c. Sụp đổ của lực lượng chống Cộng tại Lào.
d. Áp lực mạnh trên Malaya và Malaysia.
e. Nhật và Philippines sẽ có khuynh hướng chuyển qua trung lập.
f. Tai hại cho uy tín của Mỹ tại Đài Loan và Nam Hàn.
2. Nếu trung lập hóa Việt Nam là phản bội những người chống Cộng, và có thể sẽ bị thất cử.
3. Đường lối đúng nhất là tăng cường cuộc tranh đấu chống Cộng. (32)
(32. FRUS, 1964-1968, I:14-15.)
Đại sứ Lodge còn muốn trung lập hóa miền Bắc, qua một kế hoạch gọi là “cây gậy và củ cà-rốt”–tức dùng bản tuyên bố ngày 2/10/1963 là Mỹ sẽ hoàn tất kế hoạch quân sự ở Nam Việt Nam năm 1965, và bắt đầu rút 1,000 quân cho tới cuối năm 1963, làm điều kiện cho Bắc Việt ngưng xâm lăng miền Nam, đổi sang thế trung lập, với Hồ Chí Minh thủ vai tương tự như [Josif Broz] Tito của Yugolasvia. (33)
(33. FRUS, 1961-1963, IV, 1991:656-659. Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách Viễn Đông vụ William P. Bundy gọi đề nghị của Lodge là “A bizarre aberration. Never considered or taken seriously by anyone, so far I know;” Ibid., IV:656n4.)
Ngắn và gọn, Nam Việt Nam chỉ được quyền trung lập nếu Mỹ chấp thuận.
2. Giảm quân số Mỹ:
Việc đòi hỏi giảm quân số Mỹ được Ngô Đình Nhu đề cập từ đầu năm 1963.
Thực ra, cho tới thời điểm trên, lực lượng Mỹ tại Nam Việt Nam mới chỉ lên tới khoảng 15,000 người, do sự hạn chế của Hiệp ước Geneva (20-21/7/1954) giữa Pháp và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Mặc dù năm 1955 hai nước đồng chủ tịch Hội nghị Geneva cho phép Pháp tự cởi bỏ trách nhiệm với hiệp định trên, triệt thoái khỏi Đông Dương, và Liên bang Mỹ trực tiếp bảo trợ Ngô Đình Diệm khai sinh ra Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), tới năm 1959, Oat-shinh-tân vẫn tự hạn chế trong việc gửi quân chiến đấu vào phía Nam vĩ tuyến 17. Nhưng từ sau nghị quyết 15 (khoá II) của Đảng Lao Động [Cộng Sản] Việt Nam năm 1959, và nhất là Nghị quyết Đại hội kỳ III vào tháng 9/1960–khẳng định quyết tâm nhất thống miền Nam bằng võ lực–chính phủ Kennedy ngày một can thiệp sâu hơn vào Việt Nam để bảo vệ “tiền đồn của Thế Giới Tự Do” này. Dầu vậy, Kennedy vẫn tự giới hạn trong khuôn khổ chiến lược “chống phản loạn” [Counter-Insurgency Plan, hay CIP]–tức ngăn chặn sự xâm nhập của cán binh CS từ miền Bắc, và cô lập, đả bại lực lượng “Việt Cộng” ở miền Nam. Mũi quân sự chủ lực vẫn là các đơn vị VNCH. Cuối tháng 11/1961, tổng số cố vấn Mỹ mới chỉ có 948 người. Ngày 9/1/1962, tăng lên 2,646 người và dự trù sẽ lên 5,576 vào cuối tháng 6/1962. Ngày 30/1/1963, Tướng Earle Wheeler, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, báo cáo Mỹ đã có hơn 400 cố vấn cấp Tiểu đoàn và tương đương; trên 100 cố vấn tỉnh; 220 người trong ngành an ninh tại NVN. Ngoài ra, gần 300 phi cơ đã hoạt động, gồm 148 trực thăng vận tải, 11 trực thăng võ trang, 81 vận tải có cánh, 13 khu trục (chiến đấu cơ), 9 oanh tạc cơ hạng nhẹ, 4 thám thính chiến đấu, 37 liên lạc. Trên thực tế, các phi cơ Mỹ cũng bắt đầu trực tiếp tham chiến qua kế hoạch FARMGATE. Vào tháng 11/1963, có khoảng 16,300 cố vấn Mỹ tại Nam Việt Nam.( 34)
(34. Quân đội VNCH cũng tăng lên 196,357 Bộ binh, 6,595 Hải quân, 5,817 Không quân, 5,281 TQLC, 75,909 ĐPQ, và 95,828 Dân vệ; FRUS, 1961-1963, III, tài liệu 26; IV:408.)
Khác với những tin huyễn truyền sau ngày Tổng thống Diệm chết (như Diệm không muốn cho quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam nên bị giết), Diệm rất mong muốn có quân chiến đấu Mỹ và Đồng Minh vào miền Nam. Nhưng sau ngày tuyên bố tình trạng lâm nguy để có thể động viên mọi nhân vật lực miền Nam và chuẩn bị đón nhận quân chiến đấu Mỹ, Diệm phải miễn cưỡng chấp thuận sự gia tăng hạn chế quân Mỹ trong khuôn khổ kế hoạch CIP. Điều khiến Diệm đặc biệt bất mãn là Kennedy không định rõ số tiền quân viện cho miền Nam, trong khi nhấn mạnh VNCH phải thực hiện cải cách chính trị–mà theo Diệm chỉ mang lại hỗn loạn, có lợi cho Cộng Sản. (35)
(35. FRUS, 1961 - 1963, II, 1988:642 - 644, 649 - 652.)
Ngày 12/4/1963, khi tiếp chuyện một viên chức CIA ở Sài Gòn Nhu tuyên bố cần giảm từ 500 tới 3,000 hay 4,000 lính Mỹ. Nhu nói khi người Mỹ mới tới, người Việt rất kính nể họ vì họ làm việc chăm chỉ, có kỷ luật và không gấu ó lẫn nhau hay với người khác. Tuy nhiên kỷ luật đã bị sa sút, theo thời gian và nhân số. Diệm đã nhận được quá nhiều lời than phiền. Tướng Đính, chẳng hạn, than phiền rằng có quá nhiều người Mỹ.( 36)
(36. FRUS, 1961 - 1963, III:222-225.)
Mười ngày sau, 22/4, cơ quan CIA tiên đoán chế độ Diệm sẽ yêu cầu Mỹ giảm quân tại miền Nam. Mới đây cả Diệm lẫn Nhu đều quan tâm đến vấn đề nhân viên Mỹ “xen vào” (infringements) chủ quyền của VN, đặc biệt là MAAG và LLĐB Mỹ. Phủ Tổng thống đang tra hỏi những viên chức giữ chức vụ phối hợp với Mỹ về các hành vi của nhân sự Mỹ.( 37)
(37. FRUS, 1961 - 1963, III:246 - 247.)
Hơn một tháng sau, trong bài phỏng vấn Nhu trên báo Washington Post [Bưu điện Oat-shinh-tân] số ra ngày Chủ Nhật, 12/5, Warren Unna thuật rằng Nhu muốn khoảng 12,000-13,000 quân Mỹ sẽ giảm xuống một nửa. Vì theo Nhu, đa số các cố vấn Mỹ tại địa phương chỉ thu thập tin tức tình báo, và sự hiện diện đông đảo của cố vấn Mỹ tạo cơ sở cho tuyên truyền của VC. Do áp lực của Mỹ, ngày 17/5, Ngô Đình Diệm mượn tuyên cáo chung [với Nolting] về vấn đề quĩ tài trợ chống nội loạn [CIP] để chính thức cải chính lời tuyên bố của Nhu: Số nhân viên Mỹ tại Nam Việt Nam sẽ tùy thuộc vào nhu cầu an ninh, kinh tế và xã hội.( 38)
(38. FRUS, 1961 - 1963, III:307 - 308,309n3.)
Ngày 20/5, Nolting cũng báo cáo là Nhu cải chính rằng đã bị Unna trích dẫn sai lạc. Ba ngày sau nữa, 23/5, Nhu chính thức thanh minh rằng chỉ muốn phát động một cuộc cách mạng thực sự, để tiến dần đến tự túc. Đã bị hiểu lầm quá nhiều như bài Mỹ hay bài ngoại. (39)
(39. FRUS, 196 1- 1963, III:309, 317 - 321.)
Hạ tuần tháng 5/1963, sau khi chào Diệm để về Pháp nghỉ, Lalouette báo cáo Diệm và Nhu đã yêu cầu Mỹ giảm bớt số cố vấn. Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, người được Mỹ coi như nhân vật có thể kế vị Diệm trong trường hợp bất trắc, cũng xa gần không muốn Mỹ gửi cố vấn dân sự xuống các tỉnh. (40)
(40. Báo cáo ngày 29/5/1963; AMAE (Paris), CLV, SV, d. 91:137-143; CĐ ngày 31/5/1963; Ibid., d. 91:144 - 147.)
Trong bài phỏng vấn trên tờ Espresso của Italia, xuất bản ngày 10/10, Ngô Đình Nhu tuyên bố miền Nam chỉ cần các đơn vị trực thăng và tiền, không muốn binh sĩ Mỹ vì lính Mỹ không có khả năng đánh chiến tranh du kích. Ngay LLĐB do Kennedy thành lập cũng chẳng có giá trị gì. Diệm và Nhu chống lại việc đưa quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam kể cả trong giai đoạn nghiêm trọng nhất trong mùa Đông 1961-1962. (sic) Cuộc chiến không thể thắng được với người Mỹ, vì người Mỹ cản trở sự chuyển biến cách mạng của xã hội, một điều kiện tiên quyết của chiến thắng.( 41)
(41. FRUS, 1961 - 1963, IV:386. (Nên lưu ý là lời tuyên bố này xảy ra sau khi Lodge áp lực Nhu phải rời nước).)
Ước muốn của Nhu là Mỹ chỉ cung cấp quân viện, phi cơ, súng đạn, thiết giáp, thiết vận xa, v.. v... và giao mọi việc khác cho họ Ngô.
Mạnh miệng nhất là Lệ Xuân. Trong thời gian đi giải độc ở Âu châu và Mỹ, “Rồng Cái” từng ví von quân nhân Mỹ tại Việt Nam như những tên lính đánh thuê nho nhỏ [little soldiers of fortune].
3. Chống Mỹ:
Suốt từ đầu năm 1950, sau khi lội núi vượt sông đi bộ 17 ngày qua Bắc Kinh xin viện trợ, ngày 3/2/1950 được Phó Chủ tịch Trung Cộng là Liu Shaoqi [Lưu Thiếu Kỳ] cho qua Mat-scơ-va gặp Josef Stalin để giải thích lý do giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương ngày 11/11/1945, Hồ Chí Minh ngả hẳn về khối Cộng Sản do Liên sô Nga cầm đầu. Ngoài những chiến dịch suy tôn Stalin, Mao Trạch Đông, tái lập Đảng Cộng Sản dưới bảng hiệu Đảng Lao Động Việt Nam năm 1951, hay chỉnh phong, chỉnh cán, chỉnh quân, cải cách ruộng đất, áp dụng những “nghi lễ Mao-ít” trong đời sống thường nhật, Hồ chỉ thị cho thuộc hạ đẩy mạnh phong trào tố cáo “đế quốc Mỹ xâm lược.”( 42)
(42. Tới cuối năm 1949, HCM vẫn tự nhận là “người quốc gia.” Phía sau hậu trường, từ năm 1945-1946, Hồ đã nối lại liên lạc với CSTH tại vùng Quảng Tây-Quảng Đông. Hồ còn đồng ý cho Trung đoàn 1 của Quân khu Quảng Đông hoạt động trong lãnh thổ Việt Bắc từ tháng 3/1946. Đơn vị của Huang Jingwen này còn huấn luyện cho các binh sĩ Việt Minh, cũng như tổ chức các đơn vị võ trang người Việt gốc Hoa; Zhai 2000:11-12.)
Sau năm 1954, cơ quan tuyên truyền Hà Nội cũng ngày đêm ra rả gọi sự trợ giúp của Mỹ cho chế độ chống Cộng ở miền Nam là “đế quốc” hay “tân thực dân.”
Chế độ Diệm chỉ bắt đầu dùng đến thuật ngữ “thực dân Mỹ” sau cuộc đảo chính của Nhảy Dù và TQLC ngày 11/11/1960. Ngày 17/11/1960, Ủy Ban Nhân Dân Chống Phiến Cọng của Trương Công Cừu, Ngô Trọng Hiếu và Nguyễn Văn Châu sử dụng những phương tiện của chính phủ rải truyền đơn tố cáo “thực dân Mỹ, Anh, Pháp” dính líu vào cuộc đảo chính. Đích thân Diệm tố cáo với Tướng Lionel McGarr, Tư lệnh MAAG, rằng có những phần tử Mỹ nói xấu chế độ. Nhu thì đi thẳng vào vấn đề hơn. Trong cuộc thảo luận với Lalouette, Nhu nghi Mỹ nhúng tay vào cuộc đảo chính. Một trong những chứng cớ là Đại sứ Elbridge Durbrow chỉ đứng ra hòa giải, và còn cho Hoàng Cơ Thụy vào bao tải đựng văn kiện ngoại giao đưa trốn ra khỏi nước. Nhóm sĩ quan Nhảy Dù thì tuyên bố ở Phnom Penh là được Mỹ yểm trợ.( 43)
(43. Xem Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu, I-C: 1955-1963, 2000:198-203.)
Xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng từ sau ngày Dinh Độc Lập bị oanh tạc, trong bài diễn văn khánh thành Tượng Hai Bà Trưng (Lễ Hai Bà Trưng, 10/3/1962 và Đại hội Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới), Lệ Xuân công kích mạnh những đối thủ của chế độ “Nhân vị.” Không những chỉ tấn công “loài cáo Cộng Sản,” Lệ Xuân còn chỉ trích Tây phương. Theo Lệ Xuân, lý do chính của sự bất ổn nông thôn là các nước Tây phương từ chối yểm trợ thành lập lực lượng bán quân sự. Lệ Xuân kêu gọi phụ nữ Việt hãy bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ và độc lập cho đến hơi thở cuối cùng, bất kể áp lực ấy từ đâu tới. (44)
(44. AMAE (Paris), CLV, SV.)
Báo cáo ngày 18/12/1962 của nhóm TNS Mike Mansfield (1903-2001), Chủ tịch Khối đa số Thượng viện Mỹ, khiến vợ chồng Nhu lại xa gần đả kích “thực dân.”( 45)
(45. FRUS, 1961-1963, II:779-787.)
Ngày 2/3/1963, Diệm cũng tuyên bố không cần học hỏi gì ở Oat-shinh-tân.( 46)
(46. AMAE (Paris), CLV, SV, d. 17. Xem thêm bài phỏng vấn trên báo US News & World Report.)
Gần cuối tháng 3/1963, Nhu cho lệnh Đại tá Lê Quang Tung, Tư lệnh Lực Lượng Đặc Biệt [LLĐB] và Tướng Tôn Thất Đính mở chiến dịch tuyên truyền chống “chống Mỹ.“( 47)
(47. Đính 1998, tr. 270-272.)
Lệ Xuân mượn ngày Lễ Hai Bà Trưng 1963, và rồi tổ chức Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới [PTPNLĐ] để chỉ trích Mỹ can thiệp vào nội tình Việt Nam. Theo Lệ Xuân, đừng nên tỏ vẻ biết ơn viện trợ của ngoại quốc; vì nhiều kẻ viện trợ tưởng rằng chúng có quyền phá hủy phong tục, truyền thống và luật pháp lành mạnh của Việt Nam, biến Việt Nam thành bù nhìn, dụ dỗ đàn bà Việt Nam vào đường sa đọa. Vì thế, ngày 13/4/1963, Nolting đã từ chối lời mời lên Đà Lạt nghỉ của Lệ Xuân.( 48)
(48. FRUS, 1961-1963, III:225. Ngày 16/4/1963, khi gặp Diệm để thông báo sắp về Mỹ nghỉ, Nolting than phiền về lời tuyên bố của Lệ Xuân. Diệm hứa sẽ không còn tái diễn nữa.)
Ngoài dư luận, những tin đồn về sự hống hách của cố vấn Mỹ cùng phản ứng “anh hùng” của các cấp chỉ huy Việt khi “đương đầu” với thái độ trịch thượng được loan truyền. Như một sĩ quan Việt từng “tát tai” một cố vấn Mỹ khi thanh tra vũ khí, v.. v...
Khi được tin Lodge sẽ thay Nolting ở Sài Gòn, Nhu gọi Lodge là “Toàn quyền,” tước vị của viên chức cầm đầu Đông Dương dưới thời “Bảo hộ” Pháp.
Từ cuối tháng 8/1963, nữ phát ngôn viên bán chính thức của chế độ–tức Lệ Xuân–ngày càng bộc lộ bản chất và tư cách đích thực của một người ít học vấn, nhưng do “Thiên mệnh Mỹ” và viện trợ Mỹ bỗng dưng lọt vào trung tâm quyền lực của miền Nam. Tổng Giám mục Ngô Đình Thục (1897-1984) cũng hòa điệu vào vở bi hài kịch mà Cố vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ McGeorge Bundy phải chua chát gọi là “cơn điên cuồng tập thể của một gia đình cai trị chưa hề thấy từ sau [ngày sụp đổ của] Nga hoàng.”(49)
(49. FRUS, 1961-1963, IV:175. [Xem Phần III])
B. NGUYÊN DO:
Có nhiều yếu tố dẫn đến việc anh em Diệm-Nhu tự biến mình thành “phiến Cộng.”
1. Giải tỏa áp lực Mỹ:
Mục tiêu tối hậu của người Mỹ là duy trì một miền Nam chống Cộng, để ngăn chặn (containment) sức bành trướng của Trung Cộng và Nga Sô xuống vùng Đông Nam Á (NSAM 111). Trên căn bản, người Mỹ chỉ yểm trợ một miền Nam chống Cộng mà không phải cá nhân nào. Nhưng họ Ngô muốn đồng hóa miền Nam với gia đình mình. Kiểu “sau lưng Hiến Pháp còn có tôi.” Bởi thế, những lời cố vấn để cải thiện hành chính, kinh tế, chính trị và quân sự được diễn dịch thành “áp lực” miên viễn.
Trong khi đó, từ năm 1960, người Mỹ muốn “rút ngắn hơn giây cương” con ngựa kéo cỗ xe chống Cộng miền Nam. Ba vấn đề được nhấn mạnh là đảng Cần Lao (Đảng cầm quyền), nhân sự, và mở rộng sinh hoạt chính trị. Người Mỹ từng nhiều lần yêu cầu ông Diệm giới hạn quyền lực của Đảng Cần Lao, vợ chồng cố vấn Nhu, Cẩn và Thục, cũng như mở rộng chính quyền cho những chính khách chống Cộng. Anh em nhà Ngô cương quyết không chịu nhượng bộ. Họ muốn độc quyền “thiên mệnh Mỹ” và “phép lạ Mỹ.”
Cuộc tranh đấu của Phật giáo từ ngày 7/5/1963 khiến áp lực Mỹ ngày một gia tăng. Chính phủ Kennedy công khai áp lực Diệm phải đáp ứng những nguyện vọng của Phật giáo, thành thực tôn trọng bản Tuyên cáo chung 16/6/1963, và từng đe dọa sẽ tách biệt khỏi chính sách Phật giáo của chế độ Diệm nếu có thêm một vụ tự thiêu. Diệm-Nhu quyết không nhân nhượng, tìm đủ cách phản ứng: Từ bịa đặt ra việc Cộng Sản ném lựu đạn (sau sửa sai thành hai trái mìn từ lực) trước Đài phát thanh Huế, đàn áp, bắt giữ người biểu tình, tới vu cáo cuộc tranh đấu của Phật giáo do Cộng Sản chi phối, nhằm lật đổ chính quyền. Cả Diệm lẫn Nhu đều lên án “đế quốc” [và Cộng Sản] nhúng tay vào cuộc tranh đấu của Phật Giáo.( 50)
(50. Xem, thư Diệm gửi U Thant ngày 5/9/1963; United Nations, General Assembly, Official Records, Agenda Item 77, và lời khai của Nhu cùng các viên chức khác trong Ibid., Doc. A/5630, 7/12/1963. Xem thêm tài liệu 3 thứ tiếng Việt, Mỹ và Pháp do Việt Tấn Xã thực hiện, Tôn Thất Thiện chủ biên, để nạp cho Ủy Ban Điều Tra Liên Hiệp Quốc; TTLTQG 2 (TP/HCM), PTT/Đ1CH, HS 8511; Vũ Ngự Chiêu, “Vài cảm nghĩ về Thượng tọa Thích Quảng Đức;” Hợp Lưu (Fountain Valley, CA), số 84 (8-9/2005), tr. 194-206; Chính Đạo, “Mùa Phật đản đẫm máu;” Cuộc thánh chiến chống Cộng, 2004:243-304.)
2. Lo ngại bị Mỹ bỏ rơi:
Từ năm 1960, họ Ngô không còn được chính phủ Mỹ chiều chuộng như xưa. Sau cuộc đảo chính hụt 11/11/1960, anh em Diệm-Nhu bắt đầu nghi ngờ sự yểm trợ mà Bảo Đại từng cay đắng gọi là “mù lòa” của chính phủ Mỹ, và nhóm “Những người bạn Mỹ của Việt Nam” [American Friends of Vietnam] như cựu Tướng William Donovan, TNS Mansfield, Hồng y Francis Spellman, v.. v... (51)
(51. Chính Đạo, VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 203. Xem thêm thư ngày 23/9/1960, Loyd D. Musolf, Trưởng đoàn Chuyên Viên Đại học Tiểu bang Michigan [MSU], gửi Viện trưởng Hannah: Tình hình Việt Nam ngày một tồi tệ. Mỗi tháng khoảng 5,000 tù nhân chính trị bị bắt giữ. FRUS, 1958-1960, I:586-9.)
a. Lo sợ Mỹ thay đổi chính sách:
Từ năm 1960, anh em Diệm-Nhu-Thục luôn luôn lo sợ Mỹ thay đổi chính sách.
Tình hình chính trị và quân sự tại Lào, và nhất là giải pháp một chính phủ hòa giải, hòa hợp, trung lập, càng khiến Nhu lo sợ Mỹ bỏ rơi miền Nam. Ngày 19/10/1961, khi gặp Lansdale, Nhu không dấu sự lo sợ rằng diễn biến ở Lào là dầu hiệu bỏ rơi chính sách chống Cộng, và giải kết Liên phòng Đông Nam Á.( 52)
(52. FRUS, 1961-1963, I:411-416.)
Diệm cũng bắt đầu lo sợ Mỹ giải kết với miền Nam. Ngày 27/11/1961, chẳng hạn, Diệm đã nói với Nolting rằng chuyến đi của phái đoàn Tướng Maxwell D. Taylor cũng tương tự như chuyến đi của Tướng Marshall tới Trung Hoa năm 1947 trước khi bỏ rơi chế độ Tưởng Giới Thạch. Nhân viên CIA ghi thêm là theo Nguyễn Đình Thuần, thái độ Diệm rất “khủng hoảng” [frustrated] bởi những điều kiện không thực tế của báo cáo Taylor, sự khó khăn tìm người có thể ủy thác quyền lực; áp lực chiến tranh; và việc Diệm đã thận trọng hỏi ý các cố vấn, nội các, Quốc hội về việc sẵn sàng đón nhận quân ngoại quốc, nhưng bây giờ lại phải đối diện việc tái hướng dẫn họ. (53)
(53. FRUS, 1961-1963, II, 1988:692-693.)
Mặc dù Đại sứ Nolting tuyên bố Mỹ sẽ hết sức yểm trợ Diệm, và không còn vấn đề bắt Diệm phải tách rời khỏi anh em trong gia đình, Diệm-Nhu chưa an tâm. (54)
(54. Theo Lalouette, một trong những lý do là chính sách của Mỹ tại Lào đã thất bại; và Mỹ chọn Nam Việt Nam để chống Cộng trên toàn cõi Đông Dương. Vấn đề VN trở thành vấn nạn hàng đầu của Đông Nam Á, trong khi Trung Cộng là vấn nạn hàng đầu trên thế giới. Thất bại ở VN sẽ phá hủy cả hệ thống phòng thủ Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Việt Nam, với những nhà lãnh đạo Mỹ, chỉ là một “pion,” những “pion” quan trọng. Lập trường này được sự ủng hộ của Bri-tên, và các nước Anglo-Saxon như Australia, Canada và New Zealand. CLV, SV, d. 14.)
Sự hoán đổi một số viên chức Ngoại Giao Mỹ cũng tạo nên những cơn bão trong lóng ly vào dịp Lễ Tạ Ơn 1961.
(George Ball làm Thứ trưởng thay Chester Bowles; W. Averell Harriman làm Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách Viễn Đông vụ [thay Walter McConaughy]; George McGhee làm Thứ trưởng đặc trách chính trị vụ [thay Ball]; Chester Bowles làm đại diện cá nhân TT và cố vấn về Phi, Á và Châu Mỹ Latin; Walt Rostow làm Cố vấn kiêm Chủ tịch Hội đồng Thiết kế chính sách).
Những nỗ lực tiếp xúc Hà Nội của Đại sứ John Galbraith tại New Dehli, đưa đến việc trao đổi tài liệu với Phạm Ngọc Thạch vào tháng 11/1961, và rồi cuộc gặp gỡ bí mật giữa Harriman và Ung Văn Khiêm ngày 22/7/1962 tại Geneva tạo nên đủ loại tin đồn về thương thuyết hay hòa đàm với Bắc Việt. (55)
(55. FRUS, 1961-1963, I:671.)
Việc ký kết thoả ước Geneva về hoà bình tại Lào ngày 23/7/1962–với 14 quốc gia bảo đảm sự trung lập của vương quốc này–càng khiến mối lo sợ này gia tăng. (Hội Nghị Quốc Tế Giải Quyết Vấn Đề Lào đã bắt đầu từ ngày 15/5/1961).
Mùa Hè 1962, Mansfield cũng bắt đầu đặt lại vấn đề mục tiêu của Mỹ tại Đông Nam Á. Trong diễn văn đọc ngày Chủ Nhật, 10/6/1962 tại Đại học MSU, East Lansing, Michigan–đại học đã trúng thầu điều khiển trường Quốc Gia Hành Chánh cho VNCH, và cung cấp cố vấn cho ngành công an-cảnh sát–Mansfield tỏ ý thất vọng [disillusion] về hiện tình miền Nam, xa gần nhắc đến nhu cầu thay đổi chiến lược toàn vùng Đông Nam Á. (56)
(56. FRUS, 1961-1963, II:448; III:155.)
Chưa có tài liệu nào chứng tỏ Diệm-Nhu biết gì về những cuộc tiếp xúc trên hay chăng, nhưng Nguyễn Đình Thuần từng gạn hỏi Durbrow về lối nói úp mở của Lalouette quanh một triển vọng thương thuyết gần sau ngày từ Paris trở lại Sài Gòn. (57)
(57. Từ ngày 28/7/1962, Sài Gòn cho biết Thuần muốn nhân dịp qua Mỹ dự Hội thảo Quĩ tiền tệ quốc tế [International Monetary Fund] tại Oat-shinh-tân (ngày 17/9/1962) để thảo luận vấn đề bang giao Việt-Mỹ. Tháp tùng có Bửu Hoán thuộc NHQG, Vũ Quốc Thúc, và William Trueheart.)
Ngoài ra, cần đề cập đến không khí hòa hoãn đặc biệt giữa Mỹ và Nga vào cuối năm 1962, đầu năm 1963. Tháng 12/1962, Nikita S. Khrushchev đề nghị hai siêu cường nên hạn chế cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử. Ngày 10/6/1963, Kennedy đáp ứng bằng bài diễn văn tại Đại học American ở Kentucky, kêu gọi tiến về một nền hòa bình thế giới. Khrushchev hết lời ca ngợi, và ngay sau đó, đại diện Mỹ, Bri-tên cùng Nga bắt đầu thương thuyết về vấn đề hạn chế thí nghiệm bom nguyên tử. Ngày 5/8/1963, Hiệp ước cấm thí nghiệm nguyên tử trên không gian, trong khí quyển và dưới đáy biển [The Treaty Banning Nuclear Weapons Tests in the Atmosphere, in Outer Sapce and Under the Water] tại Mat-scơ-va (14 UST 1313) càng khiến Diệm-Nhu lo sợ hơn về sự thay đổi chính sách chống Cộng của Mỹ tại Nam Việt Nam. Trong buổi nói chuyện với 15 Tướng tại Bộ Tổng Tham Mưu ngày 30/8/1963, Nhu tuyên bố mật vụ Mỹ đang gia tăng nỗ lực lật đổ chính phủ Diệm từ sau ngày ký hiệp ước cấm thử bom nguyên tử (58)
(58.; CIA Information report ngày 2/9/1963; FRUS, 1961-1963, IV:91. Tưởng nên ghi nhận rằng sự hòa hoãn Mỹ-Nga này, theo tài liệu Trung Cộng, cũng khiến Lê Duẩn và Lê Đức Thọ nghiêng hẳn về phía “giáo điều” Bắc Kinh, và xa gần đả kích chủ nghĩa “xét lại” của Nga.)
Phía sau hậu trường chính trị, Nhu tìm cách giảng hòa với Pháp, hy vọng dùng Pháp để giảm bớt áp lực Mỹ. (Kế hoạch này đã khởi xướng từ năm 1961). Có lúc Nhu còn xa gần nhắc đến Trung Cộng. Và, đáng sợ hơn nữa, nuôi ý định ve vãn Cộng Sản.
Việc Nhu gặp Maneli tối 25/8/1963 và ngày 2/9/1963, rồi tiết lộ với các Tướng rằng có thể liên lạc với Hà Nội, yêu cầu giảm bớt cường độ chiến tranh, trong khi thương thuyết một thỏa ước vĩnh viễn có lẽ ít nhiều ảnh hưởng bởi mối lo sợ bị bỏ rơi miền Nam này. (60)
(60. FRUS, 1961-1963, IV:89-90. Dù là lý thuyết gia của chế độ chống Cộng miền Nam, Nhu từng được bổ nhiệm làm Quản thủ văn khố Hà Nội vào tháng 9/1945.)
Liên hệ Việt-Mỹ căng thẳng hơn khi ngày 2/10/1963 Bạch Cung tuyên bố sự can thiệp quân sự có thể hoàn tất vào cuối năm 1965, và Mỹ sẽ triệt thoái 1,000 quân vào cuối năm 1963.
b. Lo sợ Mỹ bỏ rơi họ Ngô:
Mối lo ngại này chẳng phải vô bằng chứng. Thực ra, các viên chức Mỹ và dư luận thế giới đối diện một sự thực khó thể chối cãi là chế độ Ngô Đình Diệm độc tài, gia đình trị, và giáo phiệt. Mặc dù Diệm vẫn được coi như nhân vật khó thể thay thế, anh em Diệm–đặc biệt là vợ chồng Nhu-Lệ Xuân và Tổng Giám Mục Thục–trở thành mục tiêu đánh phá của Cộng Sản cũng như phe đối lập. Nhiều người nghĩ rằng TGM Thục cũng như vợ chồng Nhu phải ra đi.
Ngày 11/7/1960, cố vấn chính trị của Diệm là Wolf Ladejinsky–từng thành công trong chương trình cải cách điền địa ở Nhật và Đài Loan–nói với Trưởng Sở Miên, Lào, Việt Nam của Nha Hợp Tác Quốc Tế (International Cooperation Administration) là Diệm đã bị đặt dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Nhu, “thiên tài ác quỉ” [evil genius]. Diệm dần dần tách biệt khỏi thực trạng. Dù Diệm tiếp tục kinh lý đó đây, nhưng bị che dấu sự thực, tránh những dữ kiện không vui, cô lập khỏi dân chúng và thực tế từ bỏ lời tự nhận là một lãnh đạo được yêu thích. Diệm che chở cho sự tham nhũng của gia đình mình cũng như viên chức cao cấp. Chính phủ Diệm chỉ gồm những người không bản sắc, hạng ba, hoàn toàn tùy thuộc vào ân sủng của Diệm [whim]. Chẳng có mấy hy vọng khiến Diệm thay đổi. Từ tháng 3/1960, Diệm và Ladejinsky đã xa cách nhau dần, vì Diệm trở thành tự kiêu, tự đại, ngày một tự cô lập khỏi đám đông, công khai che chở cho Cần Lao và thân thuộc. Ladejinsky chưa bỏ đi vì sợ mang tiếng bỏ rơi con thuyền đang bị đắm. Dẫu vậy hiện nay vẫn chưa có ai khá hơn Diệm. Những khả năng đối lập đã bị Diệm tiêu diệt. Theo Ladejinsky, Mỹ cần có thái độ cứng rắn với Diệm, vì Diệm chẳng còn một chỗ nào để nương tựa.( 61)
(61. FRUS, 1958-1960, I:516-8 [tài liệu 179].)
Ngày 5/9/1960, Đại sứ Durbrow báo cáo tình hình an ninh ngày một suy thoái. Bất mãn trong mọi giới, nhất là quân đội và giáo dân Ki-tô di cư. Nông dân không được bảo vệ đúng mức; giá bán lúa thấp; lao công bắt buộc làm Khu trù mật và những kế hoạch khác; lạm quyền của viên chức địa phương. Việt Cộng chưa lộ diện ở Sài Gòn, nhưng có thể ra mặt nếu có biểu tình hay đảo chính. Trần Quốc Bửu, Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công–đồng sáng lập Đảng Cần Lao–liên kết với Lê Văn Đồng, chống lại nhóm Ngô Đình Nhu-Trần Kim Tuyến. Ki-tô giáo di cư muốn thay đổi chính quyền để tránh CS chiến thắng. Sự bất mãn trong quân đội ngày một gia tăng, vì chính sách ưu đãi một thiểu số [favorism]. Tướng Dương Văn Minh từng tuyên bố giết được 1 VC ngoài mặt trận, 10 VC khác được tăng cường. Giáo dân dự định biểu tình ngày 19/8 nhưng bị ngăn chặn. (62)
(62. FRUS, 1958-1960, I:560-3.)
Ngày 16/9/1960, Durbrow lại báo cáo sợ rằng đảo chính sẽ xảy ra. Sự bất mãn của mọi tầng lớp dân chúng ngày một tăng. Qua Joseph A. Mendenhall, Durbrow đề nghị xin nói thẳng với Diệm những đề nghị tạo một cú kích xúc tâm lý để giải tỏa áp lực tuyên truyền của CS và các phe đối lập, cũng như thuyết phục dân chúng về những biện pháp cần thiết để ổn định tình hình. (63)
(63. US-Vietnam Relations, 1945-1967, Bk 10, tr. 1311-6; FRUS, 1958-1960, I: 575-9.)
Ngày 21/9/1960, Hội đồng ANQG Mỹ họp phiên thứ 460, quyết định Diệm phải mở rộng chính phủ. Ngày 7/10, XLTV Ngoại trưởng Dillon chấp thuận cho Durbrow khéo léo khuyên Diệm đưa Nhu đi làm Đại sứ, và cải tổ chính phủ. (64)
(64. FRUS, 1958-1960, I: 591-594 [Tài liệu 202]. Ngày 20/9/1960, Lansdale phản đối cách chức Nhu và Tuyến, vì việc này cũng giống như cắt cánh tay mặt của Diệm.)
Ngày 14/10, Durbrow gặp Diệm, đọc rồi trao cho Diệm một văn thư bằng tiếng Pháp: Yêu cầu Diệm thi hành chính sách cởi mở hơn mà Durbrow đã đề nghị về Oat-shinh-tân: bổ nhiệm một Bộ trưởng Quốc Phòng, để Diệm rảnh rang chú trọng những kế hoạch toàn diện; đưa một hay hai người chống Cộng đối lập vào chính phủ; khuyến khích các Bộ trưởng nhận trách nhiệm hơn đệ trình ngay cả những việc không quan trọng lên Phủ Tổng thống. Đồng thời, cải tổ Đảng Cần Lao từ dạng bí mật hiện tại ra công khai, hoặc giải tán nó. Cho Quốc Hội quyền điều tra bất cứ bộ hay nha sở nào, qua hình thức những buổi tường trình công cộng, v.. v... Tuyên bố những sửa đổi trên trong bài diễn văn ngày Quốc Khánh 26/10/1960 sắp tới. Durbrow còn đề nghị cho vợ chồng Nhu và Trần Kim Tuyến nhận nhiệm vụ ở ngoài nước. Diệm chỉ đồng ý cải tổ chính phủ; chống việc đưa vợ chồng Nhu và Tuyến ra đi. Theo Diệm, những tin đồn về Nhu do CS gây ra. (65)
(65. FRUS, 1958-1960, I:595-596, 603-604.)
Trước áp lực Mỹ, ngày 3/10/1960, Diệm đọc diễn văn trước Quốc Hội, hứa sẽ thực thi một số cải cách. Ngày 7/10, Diệm thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia. Ngày 18/10, Diệm thay đổi nội các: Nguyễn Đình Thuần thay Trần Trung Dung làm Bộ trưởng Phụ tá Quốc Phòng; Lâm Lễ Trinh rời bộ Nội vụ; Bùi Văn Lương, Tổng Ủy viên Phát triển Điền địa thay. Bộ Thông tin đổi thành Tổng Nha. Tổng Lãnh sự Rangoon là Trần Văn Dĩnh thay Trần Chánh Thành làm TGĐ. Nguyễn Văn Sĩ mất bộ Tư pháp. Nguyễn Văn Lượng thay. (66)
(66. FRUS, 1958-1960, I:606n4.)
Ngày 26/10, Diệm đọc diễn văn, kêu gọi đoàn kết, thống nhất chống Cộng.
Trong khi đó, tình hình quân sự ngày một suy thoái. Cuộc tấn công vào căn cứ Trảng Sụp (Tây Ninh) của Trung Đoàn 32 (Sư đoàn 21) và những cuộc biểu tình của “đạo quân tóc dài” Bến Tre chưa tắt dư âm, ngày 21/10, VC đánh hàng loạt tiền đồn VNCH tại Dakpek, Daksut và Dakse. Quận lÿ Toumorong bị CSBV chiếm giữ nhiều ngày. Thiếu tướng Tôn Thất Đính, Tư lệnh Quân Đoàn II, phải xin Nhảy Dù tới giải tỏa áp lực. Ngày 28/10, VC lại tấn công vào công trường xây đường từ Kontum về Quảng Ngãi. Ngày 10/11, VNCH phản đối với Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (ICC) là chính qui Bắc Việt tham dự những cuộc tấn công ở Kontum trong tháng 10/1960.( 67)
(67. FRUS 1961-1963, I:20n6.)
Đáng sợ hơn nữa, những lo ngại của họ Ngô bấy lâu đã trở thành sự thực: sớm ngày 11/11/1960, một số cấp chỉ huy trẻ Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến làm đảo chính. Thái độ “không can thiệp” [hands-off] của Durbrow khiến họ Ngô cực kỳ bất mãn.
Ngày 11/11, Diệm từng nhờ Raymond J. De Jaegher–một Linh mục người Belgium, Chủ tịch Hội Thái Bình Dương Tự Do, Vùng Viễn Đông–yêu cầu TQLC Mỹ đổ bộ để bảo vệ công dân Mỹ và kiểm soát phi trường Tân Sơn Nhất, nhưng Durbrow không chấp thuận. Mặc dù Durbrow và Colby phần nào cứu nguy bản thân Diệm bằng cách ngăn cản Nhảy Dù đánh thẳng vào Dinh Độc Lập, Diệm và Nhu nghi có bàn tay Mỹ trong cuộc đảo chính. Chiều 17/11, Diệm nói với Tướng McGarr tại Dinh Độc Lập là cảm thấy chán ngấy thái độ của “thế giới tự do” trong thời gian đảo chính; và chỉ có MAAG là cơ quan yểm trợ Diệm tích cực nhất. Diệm minh xác rằng không hề có tư tưởng chống Mỹ, nhưng trên thực tế có những người ngoại quốc, kể cả Mỹ, đã nói xấu chế độ và đặc biệt là gia đình họ Ngô. (68)
(68. FRUS, 1958-1960, I:633-4, 678-9.)
Ngày 30/11/1960, Diệm nói với Ladejinsky rằng Vương Văn Đông, trong khi thương thuyết, bảo Diệm là người Mỹ ủng hộ phe đảo chính. (69)
(69. Durbrow nghĩ đây là cách đổ lỗi cho người khác thay vì chính mình; FRUS, 1958-1960, I:708.)
Ngô Đình Nhu – khối óc chính trị của Diệm – cũng tin có Mỹ nhúng tay. Trong báo cáo ngày 25/11/1960, Lalouette tiết lộ Nhu nghi Mỹ dính líu vào cuộc binh biến 11/11: cuộc đảo chính xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi tin Kennedy đắc cử được công bố, giữa lúc chính trị Mỹ đang ở vào một ngã tư; sáu ngày trước cuộc đảo chính, các nhân viên Mỹ đã hỏi ý kiến một tổ chức công nhân lớn là họ nghĩ gì nếu một chế độ độc tài quân sự được thiết lập; những sĩ quan Dù tuyên bố với viên chức Pháp ở Phnom Penh là họ ở về phe Mỹ; Trung tá Đông là học trò của Tướng McGarr, Tư lệnh MAAG; trong đêm 11/11, Võ Văn Hải, sứ giả của Diệm, đã yêu cầu Tòa Đại sứ Mỹ can thiệp để Diệm đạt một giải pháp dung hòa, nhưng Tòa Đại sứ nhấn mạnh chỉ giữ một vai trò bí mật, và giữ liên lạc với cả hai phe; những đối lập dân sự như Phan Khắc Sửu, Phan Quang Đán được cảm tình của Mỹ; Hoàng Cơ Thụy được Mỹ bảo vệ; Đại sứ Mỹ can thiệp với lực lượng cứu viện từ Mỹ Tho đừng vội tiến quân, gây ra đổ máu, để giữ tình đoàn kết quân đội; thái độ của Oat-shinh-tân và báo chí Mỹ tạo nên một dư vị cay đắng và sự bất mãn trong giới cầm quyền miền Nam. Lalouette tiếp:
Chính phủ Diệm cáo buộc người Mỹ đã tiếp tay nhóm đảo chính, và cho họ một số tiền lớn trước khi tẩu thoát qua Miên.
Cách nào đi nữa, Oat-shinh-tân đã từ lâu thúc dục Diệm mở rộng chính phủ. Tháng trước, Parsons đã nhấn mạnh về sự thay đổi cần thiết. Người Mỹ ủng hộ nhiều điểm trong đề nghị của phe đảo chính, trong đó có việc loại bỏ một số phần tử gia đình họ Ngô. Hiện nay, liên hệ Việt-Mỹ đang khủng hoảng. Ngày 17/11, Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần tuyên bố trong một buổi họp báo rằng không có chính phủ ngoại quốc nào dính líu vào đảo chính. Điều này không có nghĩa trái ngược lại với chủ đề đảo chính đã có sự đồng lõa của người Mỹ. Ngô Đình Nhu từng tuyên bố rằng nhiều công sở Mỹ ở Việt-Nam đã xen vào mà Bộ Ngoại Giao Mỹ không được biết. Ủy Ban Nhân Dân Chống Phiến Cộng còn đi xa hơn nữa, cổ võ tinh thần bài ngoại. Ngày 15/11/1960, phát ngôn viên tổ chức này tố cáo những nhóm ngoại kiều đồng lõa với phản loạn và bọn thực dân, nhưng không đưa ra một giải thích rõ ràng các thuật ngữ trên. Tất cả như có vẻ nói đến “tân thực dân” Mỹ. Tiếp đó tổ chức trên giải một truyền đơn tố cáo Mỹ, Pháp và Bri-tên đã nhúng tay. Những người cầm đầu Việt Nam khẳng định rằng Pháp không hề dính líu.(70)
(70. Theo một nhân chứng, tổ chức này thành lập tối 12/11, do Trương Công Cừu [Ki-tô, Quảng Nam] làm Chủ tịch; Ngô Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch; Nguyễn Văn Châu, Tổng Thư ký. Danh xưng đầu tiên là Ủy Ban Nhân Dân Chống Đảo Chánh; nhưng hôm sau đổi thành Ủy Ban Nhân Dân Chống Phiến Cộng; Đỗ Mậu, Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, 1987:434-5; 1993:355-56. Ngày 17/11, Ủy Ban Nhân Dân Chống Phiến Cọng rải truyền đơn tố cáo một nhóm “thực dân” Mỹ, Bri-tên và Pháp dính líu vào cuộc đảo chính 11/11/1960. Tin đồn này đã lưu truyền tại Sài Gòn từ ngày 16/11. Durbrow cho rằng chính phủ Diệm là tác giả. Yêu cầu Thuần phải ngăn chặn việc trên.)
Ngày 18/11, Đại sứ Trần Văn Chương, và Cố vấn Nguyễn Duy Liên được mời vào Bộ Ngoại Giao Mỹ gặp J. Graham Parsons, Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách Viễn Đông Vụ, và Chalmers B. Wood, Việt Nam Vụ. Parsons nghĩ rằng Diệm không biết Ủy Ban Chống Phản Loạn và Phiến Cộng tố cáo Mỹ, nhưng phải có ai đó chấp thuận, vì trong Ủy Ban có một số Tướng và sĩ quan Cảnh Sát, truyền đơn cũng được xe nhà binh rải. Chương hứa sẽ báo cáo về Sài-gòn, rồi đưa ra một bài trên báo Le Monde Diplomatique mới nhất, nói rằng Mỹ đã quyết định yểm trợ một nhóm sĩ quan trẻ làm đảo chính. Parsons và Wood cực lực cải chính. Theo Parsons có người chống đối chế độ đã gặp Collins, nhưng Tướng Collins không có lời khuyên hay khuyến khích nào. Cá nhân trên cũng không được Bộ Ngoại Giao tiếp kiến. (71)
(71. FRUS, 1958-1960, I:680-1.)
Ngày 4/12/1960, Đại sứ Durbrow nhận định:
Tình hình ngày một nguy hiểm. VC tăng gia hoạt động và áp lực. Dân chúng thì ngày thêm bất bình vì Diệm thiếu khả năng ngăn chặn sự bành trướng của CS, và chính sách bàn tay sắt của Diệm với các nhóm chống đối. Nếu Diệm không thay đổi có lẽ phải nghiên cứu việc thay đổi lãnh đạo trong một tương lai không xa. (72)
(72. FRUS, 1958-1960, I:711.)
Ngày 9/12/1960, cơ quan CIA cũng làm tờ trình về việc những người có thể thay Diệm. Trong quân đội có Tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Raymond Nguyễn Khánh; dân sự có Nguyễn Ngọc Thơ, cùng một số chuyên viên Ki-tô như Nguyễn Đình Thuần, Huỳnh Văn Lang, v.. v... Riêng với gia đình họ Ngô,
1. Vợ chồng Nhu không được lòng dân, và chắc chắn không dễ lên thay Diệm. Cuộc đảo chính cho thấy sức mạnh và quyết tâm của Nhu trong trường hợp khẩn cấp. Với sự yểm trợ của Đảng Cần Lao, Nhu là một thực lực đáng kể nếu có cuộc tranh chức vị Tổng Thống thay Diệm.
2. Ngô Đình Cẩn: Có thực lực ở miền Trung, có thể duy trì quyền lực tại đây nếu chính phủ Sài Gòn bị CS chiếm, hoặc một chính phủ khác lên nắm quyền. Tuy nhiên, Cẩn không thể làm Tổng Thống, và chỉ có thể đứng sau bức màn nhung.
3. Ngô Đình Luyện: Vì Luyện ở hải ngoại, có uy tín hơn.
4. Nhóm lưu vong: Có Bửu Hội, đương kim Đại sứ Morocco; Nguyễn Văn Hinh; Tướng Dương Văn Đức, mới rời Việt Nam vào tháng 12/1958; Nguyễn Bảo Toàn. Riêng Bảo Đại thì không thể sử dụng được nữa.
5. Một số khác từng nắm chính quyền như Nguyễn Văn Tâm, Trần Văn Hữu, Bùi Lương, Trần Văn Lắm. Tuy nhiên, họ chỉ có thể nghiêng về phe này hay phe kia.
Các Nhóm Cần Lao:
1. Nhóm “Young Turks”: Đặng Đức Khôi, Trần Văn Dĩnh hay Tôn Thất Thiện, do Nhu đào tạo.
2. Nhóm Nghiệp đoàn: Trần Quốc Bửu có liên hệ chặt chẽ với Bộ trưởng Canh Nông Lê Văn Đồng. Bửu nắm nghiệp đoàn, Đồng là người miền Nam. Nếu hợp tác với một nhân vật quân sự, liên minh này là một nhóm rất mạnh.
3. Nhóm miền Trung: Trong nhóm này có Võ Văn Hải, Đỗ Cao Minh, Ngô Khắc Tỉnh và Trung tá Lê Quang Tung.
4. Trần Kim Tuyến: Tuyến có những người thân như Trần Văn Tho (?),Trung tá Nguyễn Văn Châu và Cao Xuân Vỹ.
Các lực lượng khác:
1. Giáo phái: Hòa Hảo mạnh nhất, rồi tới Cao Đài. Bình Xuyên chỉ còn là những đám cướp nho nhỏ.
2. Ki-tô Giáo: Có tổ chức chặt chẽ hơn các giáo phái. Một số nhân vật sáng giá như Nguyễn Văn Can (?)
Ngoại trừ trường hợp đảo chính, nếu Diệm đột ngột chết, người thay thế là Thơ. Tuy nhiên, sự nhu nhược của Thơ sẽ khiến một người khác xuất hiện, có thể là quân đội hay một chính khách mạnh, với sự ủng hộ của quân đội.
Nếu cuộc chiến chống Cộng bị xấu đi và sự bất mãn của dân chúng gia tăng, một âm mưu đảo chính khác có thể xảy ra. Ngoài các sĩ quan trẻ như trong trường hợp ngày 11/11/1960, mối nguy hiểm lớn của Diệm sẽ là một Tướng cao cấp, hoặc chỉ với lực lượng quân sự, hoặc phối hợp với dân sự. Một nhóm khác có thể làm đảo chính là Cần Lao, đặc biệt là các nhóm Bửu-Đồng, nếu họ có thể liên kết với quân đội. Chìa khóa của chiến thắng sẽ là một liên minh rộng rãi.
Cách nào đi nữa, cuộc bầu cử tháng 4/1961 là một ngày hệ trọng cho lịch sử VNCH. Đây có thể là cơ hội thay thế Diệm một cách hợp pháp hay bán hợp pháp; hoặc sẽ kích thích thêm lòng bất mãn của dân chúng về một cuộc bầu cử gian lận, dẫn đến một nỗ lực khác nhằm lật đổ Diệm. (73)
(73. FRUS, 1958-1960, I:721-8.)
Ngày 29/12/1960, Durbrow lập lại ý định tìm một biện pháp khác Diệm vì Diệm không muốn mở rộng chính phủ và cải cách [liberation]. (74)
(74. FRUS, 1958-1960, I:749-750.)
Sự đắc cử của liên danh John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson khiến chính phủ Diệm–và nhất là Tổng Giám Mục Thục cùng vợ chồng Nhu–tạm thời được an tâm một thời gian ngắn. Kennedy là một giáo dân Ki-tô La Mã, từng quen biết và ủng hộ Diệm từ đầu thập niên 1950. Dù chưa nhậm chức, Kennedy đã cho Tướng Edward Lansdale qua Việt Nam thị sát tình hình.
Ngày 15/3/1961, Kennedy cũng đồng ý cử Frederick (“Fritz”) E. Nolting làm Đại sứ, thay Durbrow. [Trong những tháng cuối của nhiệm kỳ đại sứ, Durbrow ngày càng bị Diệm lạnh nhạt]. Vì chuyên biệt về Âu Châu, Nolting yêu cầu William Trueheart, một bạn cũ, làm Phụ tá ở Sài Gòn.
Ngày 10/5, Nolting trình ủy nhiệm thư. Tháp tùng tân Đại sứ là Phó Tổng thống Johnson. Trong tiệc do Nolting khoản đãi tối 11/5, Johnson ca ngợi Diệm như “Winston Churchill của Đông Nam Á Châu.” Sau chuyến đi này, Johnson đưa ra kế hoạch 3 năm tại Việt Nam: Ngoại trừ trường hợp BV ồ ạt tấn công, Mỹ không có ý định sử dụng quân chiến đấu Mỹ; Đối xử tế nhị nhưng cứng rắn khi thực hiện các chương trình đã đồng ý; Nhân viên Mỹ phải cùng làm việc với họ, lắng nghe những lời họ phàn nàn và giải quyết những điều đó [làm việc vì họ?]. Phải giúp phát triển những định chế dân chủ. (75)
(75. Báo cáo ngày 23/5/1961 của Johnson; US-Vietnam Relations, 1945-1967, Bk11:159-166; FRUS, 1961-1963, I:138n8, 145-146, 152-157.)
Ngày 11/5/1961, Kennedy cũng quyết định gửi LLĐB Mỹ tham chiến ở Nam Việt Nam, phát động “chiến tranh đặc biệt,” kể cả việc yểm trợ Hải thuyền VNCH.
Trong hạ bán năm 1961, tình hình miền Nam càng suy thoái. Cộng Sản Bắc Việt tung ra một loạt những cuộc tấn công khắp nơi, đặc biệt là vùng cao nguyên và miền Trung. Rúng động dư luận nhất là việc Đại tá Hoàng Thụy Năm, đại diện VNCH trong Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến bị sát hại. (76)
(76. Ngày 19/10/1961, trong cuộc họp báo, Ngô Trọng Hiếu, Bộ trưởng Công Dân Vụ, tuyên bố Năm bị Việt Cộng bắt cóc và giết hại. Hiếu cũng tiết lộ khoảng 20,000 cán bộ CS Bắc Việt đã đột nhập miền Nam, hoạt động trong các mật khu; News from Vietnam [Washington, DC], X:11 [15/12/1961]:3.)
Ngày 18/10/1961, Diệm ban hành tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Quốc Hội ủy quyền cho Diệm toàn quyền hành động trong vòng 12 tháng (Luật 54/11). Thực ra, đây là kế hoạch vận động toàn nhân lực quốc gia để chống Cộng, thực thi chiến lược Chống Phản Loạn.
Trong khi đó, Kennedy cũng cử hai phái đoàn qua Việt Nam. Ngày 14/6/1961, Eugene Staley dẫn phái đoàn kinh tế đến Việt Nam, làm việc với phái đoàn Vũ Quốc Thúc, Khoa trưởng Luật khoa [cho tới ngày 14/7/1961]. Ngày 18/10, Tướng Maxwell D. Taylor, Tổng Tham Mưu trưởng Liên quân Mỹ, cầm đầu phái đoàn Bộ Quốc Phòng và Ngoại Giao tới Sài Gòn. Tháp tùng có Walt W. Rostow, Cố vấn ANQG; Sterling J. Cottrell, Giám đốc Ủy Ban đặc nhiệm Bộ Ngoại Giao; Đô Đốc Luther Heinz; Thiếu Tướng William H. Craig; Thiếu Tướng Edward G. Lansdale; Tiến sĩ George Rathjens, Bộ Quốc Phòng; James W. Rowe, Nha Quản trị Hợp tác Quốc tế (ICA); David R. Smith, Bộ QP; William J. Jorden, Bộ Ngoại Giao.
Ngày 20/10/1961, Diệm đề nghị với Taylor một hoà ước hỗ tương phòng thủ, gia tăng quân số VNCH, và không yểm Mỹ. Sau đó đồng ý mời quân Đồng Minh vào giúp VNCH đánh thắng Cộng Sản. Tuy nhiên, cả Rusk lẫn MacNamara đều chống lại đề nghị đưa quân chiến đấu vào Việt Nam của Taylor. (77)
(77. US-Vietnam Relations, 1945-1967, Book 11, tr. 359-367; FRUS, 1961-1963, I:576.)
Một số quốc gia như Pháp, Bri-tên, India và Burma cũng chống việc đưa quân chiến đấu vào Việt Nam. Ngày 16/11 kế hoạch Taylor-Staley bị sửa đổi thành kế hoạch NSAM 111 [gia tăng quân Mỹ ở Việt Nam, nhưng đòi hỏi Diệm phải thực hiện cải cách chính trị].(78)
(78. FRUS, 1961-1963, I:656-657.)
Ngày 17/11/1961, tại Việt Nam, Diệm ngưng một chuyến kinh lý bay về Sài Gòn để được thông báo về chính sách mới của Kennedy. Nhưng lá thư đề ngày 15/11 của Kennedy khiến Diệm cực kỳ bất mãn. Khoảng cách giữa những gì thỏa thuận trước đây và đề nghị của Kennedy khá xa. Theo Diệm, Mỹ bắt Việt Nam phải nhân nhượng quá nhiều về chủ quyến tối thượng [sovereignty] đổi lấy sự trợ giúp quá ít. (79)
(79. FRUS, 1961-1963, I:643, 650.)
Cuộc khủng hoảng tháng 11-12/1961 khiến Oat-shinh-tân bắt đầu nghiên cứu một giải-pháp-khác-Diệm.
Ngày 25/11, Cố vấn ANQG Rostow đề nghị nếu Diệm không cải cách đúng mức, phải nghĩ đến việc tìm người thay. Hiện đã có khoảng 16,000 bộ đội VC (70% tuyển mộ tại địa phương; 25% tập kết trở về; 5% Bắc). Ngoài ra còn cán bộ dân sự. Nhũng tháng đầu năm 1961, mức xâm nhập 400 người mỗi tuần.
Những nhân vật muốn làm đảo chính được ghi nhận: Trung tướng Dương Văn Minh, Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm, Đại tá Phạm Văn Đổng, Thiếu tá Lộc, v.. v... Những sĩ quan lưu vong ở Miên như nhóm Đại tá Nguyễn Chánh Thi cũng được tiếp xúc.
Nhưng Kennedy vẫn cho Diệm thêm một cơ hội. Để khuyến khích Diệm thi hành kế hoạch Chống Phản Loạn, Kennedy giảm thiểu áp lực cải cách chính trị hay loại bỏ anh em Diệm, bắt đầu kế hoạch khai quang mà Diệm ưa thích, tăng quân số VNCH, và tặng thêm một số phi cơ trực thăng H-34.
Tuy nhiên, cơ sở yểm trợ Diệm tại Mỹ ngày một soi mòn. Khởi đầu là nhóm học giả và chuyên viên thuộc Đại học Tiểu Bang Michigan [MSU], được ủy nhiệm giúp Nam Việt Nam xây dựng chính quyền.
Ngày 24/1/1962, Giáo sư Wesley Fishel ghi nhận chế độ Diệm đã xa rời quần chúng, chống đối ngày một nhiều. Lần đầu tiên sau bảy năm rưỡi thân thiết với họ Ngô, Fishel cảm thấy bi quan về VNCH. Trong hai năm rưỡi qua, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và tâm lý đã ung hoại sâu xa. Về kinh tế, những tiến bộ ít năm trước bắt đầu xoay chiều, phần vì lũ lụt, phần vì VC gia tăng hoạt động. Năm 1962, VNCH không xuất cảng được gạo. Trong khi đó, Đảng Cần Lao của Nhu xen vào các hoạt động kinh tế, tạo nên những hậu quả tai hại. Về quân sự, sự gia tăng lính Mỹ cùng trực thăng khiến tình hình khả quan hơn, nhưng chẳng hiểu ưu thế ấy giữ được bao lâu. VC và Trung Cộng chắc chắn sẽ có phản ứng. Những chuyến thăm vùng Cao nguyên và đồng bằng Cửu Long khiến Fishel lo ngại rằng VC sẽ khởi sự tấn công trong vòng ít tuần nữa. Về chính trị và tâm lý, VNCH đang ở mức thấp nhất. Hy vọng và sự hứng khởi của những năm 1955-1956 đã lịm tắt. Một cảm giác hận thù phảng phất trong không gian. Trong vòng 4 tuần lễ thăm Việt Nam, Fishel đã nói chuyện với 118 người quen cũ, không ai thuộc thành phần đối lập, và ít nữa hai phần ba còn theo Diệm năm 1959, tất cả đều bày tỏ mối sợ hãi chung là Cộng Sản đang chiến thắng (Viet Cong are coming). Diệm ngày càng bị trói buộc bởi “những vùng ảnh hưởng ác quỉ” (evil influences) chung quanh. Chưa ai buộc tội Diệm làm sai, nhưng Diệm không chịu sửa đổi lỗi lầm của người chung quanh. Vài ba người can đảm còn ở quanh Diệm không dám nói thẳng với Diệm những điều “chói tai” vì có thể Diệm sẽ cách chức họ, và các “ảnh hưởng ác quỉ” sẽ thay họ bằng tay chân chúng.
Ai là những ảnh hưởng ác quỉ này? Theo Fishel, Nhu và vợ [Lệ Xuân] đứng đầu bảng. Lý thuyết của Nhu đã thất bại, nhưng cả Diệm lẫn Nhu chưa chịu nhìn nhận. Lệ Xuân–thông minh, sinh động, dơ dáy và tàn bạo theo kiểu Borgia [as brillant, vivacious, bitchy, and brutal in her Borgia-like fashion as ever]–làm các giai tầng xã hội xa cách chế độ của người anh chồng ở lúc Diệm cần sự yểm trợ của họ. Lệ Xuân đã bảo trợ việc biểu quyết một đạo luật “trong sạch hóa xã hội;” cấm khiêu vũ, thuốc ngừa thai, và kiểm soát việc ăn mặc, tỏ tình nơi công cộng, v.. v... Sự áp dụng mù lòa giáo điều Ki-tô này sẽ khiến chia rẽ các tín đồ Ki-tô và những người Lương, tạo nên sự căng thẳng mà trước đó ít khi xảy ra. . . . Viện trợ Mỹ, theo Fishel, chỉ giúp những ngón tay và ngón chân của VNCH cử động; nhưng thân mình vẫn bất động. Nếu không có một cú kích xúc tâm lý trong vài tháng tới, không còn cách nào cứu vãn miền Nam. Theo Fishel, cần phải loại bỏ vợ chồng Nhu mới hy vọng tạo nên được cú kích xúc tâm lý khả dĩ. (80)
(80. FRUS, 1961-1963, II:149. Luật bảo vệ Luân lý [số 12/62] ban hành ngày 22/5/1962. Ngày 18/12/1963, Thủ tướng Thơ ký Sắc Luật số 2/63 bãi bỏ; TTLTQG II (TP/HCM), PThT, HS 29265.)
Ngày 26/1/1962, Phụ tá Giám đốc Viễn Đông vụ, Sở Quốc tế An ninh vụ, Bộ Quốc Phòng Mỹ, viết:
Về khía cạnh tâm lý, Diệm không đủ khả năng tản quyền. Ông ta không có khả năng hòa giải. Ông ta mang ảo tưởng toàn năng. Ông ta là một quan lại theo huấn luyện và gia truyền. Ông ta tự cho mình là chân lý. Ông ta tin rằng được thiên thần hướng dẫn. Ông ta có lẽ không đủ khả năng kết luận rằng vì quyền lợi của Việt Nam, ông ta nên từ bỏ quyền lực. Việc ông ta can thiệp vào quân sự khiến sự chỉ huy-lãnh đạo của quân đội bị thương tổn. Ông ta không có kinh nghiệm quân sự. ( 81)
(81. FRUS, 1961-1963, II:60-62.)
Cuộc đánh bom Dinh Độc Lập sáng 27/2/1962 không chỉ đánh sập vài ba chỗ trong Dinh, gây thương tích nhẹ cho Lệ Xuân, dời chỗ ở của Diệm về Dinh Gia Long, chỗ làm việc cũ của Thống đốc Nam Kỳ, mà còn đào sâu hơn sự lo ngại của nhà Ngô. (82)
(82. Xem chi tiết cuộc đánh bom Dinh Độc Lập của Trung úy Phạm Phú Quốc và Thiếu úy Nguyễn Văn Cử trong Chính Đạo, VNNB, I-C: 1955-1963, 2000:244-251.)
Ngày 10/3/1962, Đại sứ Lalouette báo cáo về Paris rằng vấn đề Việt Nam gai góc hàng đầu tại Đông Nam Á:
Cuộc đánh bom Dinh Độc lập ngày 27/2/1962 phá vỡ vẻ bình lặng ngoài mặt. Ngoài Cộng Sản, những lực lượng đối lập không CS gia tăng chống đối Diệm. Chống đối này, dưới những dạng thức khác nhau, có mẫu số chung là sự hờn oán (la rancoeur) chống lại một thế lực tổng thống độc tài. Lực lượng chống đối tập họp những người ái quốc cấp tiến, giới trưởng giả Nam kỳ bị gạt bỏ khỏi những việc công ích bởi những phần tử từ Bắc hay Trung vào tị nạn, những giáo phái bị giải giới và bị nghi ngờ và, một cách tổng quát, tất cả người không Ki-tô chống lại thiểu số Ki-tô (10% dân số) đã đặt tôn giáo Ki-tô La Mã lên hàng quốc giáo. Họ không đòi hỏi sự thay đổi trong chế độ, mà là thay đổi cả một chế độ.
Ngô Đình Diệm ngày một mất dần sự ủng hộ. Hai lý do chính là (1) lối cai trị cá nhân, và (2) sự bất lực của chế độ trước tình trạng mất an ninh ngày một gia tăng. Tổng thống Diệm . . . sống trong tháp ngà. Sự tiếp xúc giữa ông ta và quần chúng đã bị cắt đứt và ông ta hình như chẳng có ý muốn tái lập. Sự kiêu ngạo quan lại và sự trầm lặng chống lại điều đó. (83)
(83. CLV, SV, d. 14, tr. 138-9. Ngay trong ngày 27/2 này, Bộ Chính Trị Đảng LĐVN ra Chỉ thị về kế hoạch mới áp dụng tại miền Nam: đó là khuyến khích những thành phần bất mãn nổi lên chống chế độ Diệm, tiến tới việc thành lập một chính phủ liên hiệp, trung lập. Ngày 3/3/1962, “MT/GPMN” cũng ra Nghị quyết khẳng định: Miền Nam là một thuôc địa mới của đế quốc My; và qui định 8 công tác: Chống phá ACL và gom dân; Quản lý nông thôn; Đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị; Đẩy mạnh cuộc đấu tranh vũ trang; vận động quân đội miền Nam; Đoàn kết rộng rãi toàn dân; cải thiện đời sông nhân dân; tranh thủ đồng tình quốc tế. VKĐTT, 23, 2002:940-956.)
Ngày 16/8/1962, trong phiếu trình lên Phó Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách Viễn Đông vụ Edward E. Rice, Joseph A. Mendenhall, Cố vấn chính trị tại Sài Gòn, ghi nhận: Chẳng có cơ hội nào khiến Diệm và Nhu thay đổi. Diệm đã già (65 tuổi) và không bỏ được lề lối quan lại. Diệm và Nhu đều nghĩ rằng họ biết người Việt hơn ai hết, vì thế ít khi nhận lời khuyên can. Cả hai đều không tin cậy người ngoài gia đình và họ không thể thay đổi nguyên tắc “chia để trị.” Không thể thắng VC với cách làm việc của Diệm-Nhu, và dù áp lực cách nào đi nữa, Diệm-Nhu cũng không chịu thay đổi lề lối làm việc. Đề nghị: Loại bỏ Diệm, vợ chồng Nhu, và tất cả những người trong họ Ngô.( 84)
(84. FRUS, 1961-1963, II:596-601; Chính Đạo, VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 256-258.)
Cố vấn của Kennedy, Bowles, cũng không tin rằng sự yểm trợ những Sarit, Ngô Đình Diem, Phoumi, và Tưởng Giới Thạch phản ảnh chủ thuyết “Tân Biên Cương” tại Á Châu. (85)
(85. FRUS, 1961-1963, II: 1962, tài liệu 214.)
Tuy nhiên, ngày 17/8/1962, Bạch Cung quyết định rằng báo cáo tháng 5/1961 của PTT Johnson vẫn là căn bản của chính sách Việt Nam: Vì chưa tìm được người thay Diệm, chính phủ Kennedy tiếp tục làm việc với Diệm.( 86)
(86. FRUS, 1961-1963, II:601-603.)
Như đã lược nhắc, ngay Mansfield–người từng ba lần cứu nguy cho Diệm trong hai năm 1954-1955–cũng bắt đầu đổi ý. Ngày 18/10/1962, Kennedy yêu cầu Mansfield dẫn một phái đoàn Thượng viện đi tham quan các nước Á Châu và đưa ra những đề nghị hữu dụng. Ngày 18/12, sau khi hoàn tất chuyến tham quan, Mansfield đề nghị Mỹ phải duyệt xét lại chính sách, vì sau khi đã trút vào miền Nam nhiều tỉ Mỹ kim, tình hình an ninh đã trở lại với giai đoạn Diệm mới lên cầm quyền.( 87)
(87. FRUS, 1961-1963, II:779-784; VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 239-40, 268-269. Báo cáo này nạp cho Bạch Cung ngày 26/12/1962; nhưng chỉ phổ biến ngày 25/2/1963. Xem thêm Báo cáo ngày 2/3/1963 của Đại sứ Herve Alphand; AMAE (Paris), CLV, SV, d. 17, và báo cáo ngày 2/3/1963 của Lalouette; Ibid.)
Ngày 27/12/1962, Theodore J. C. Heavner ghi chú về báo cáo của Mansfield:
Mansfield vẫn tin rằng bản thân Diệm không tham nhũng [incorruptible]. Chưa thấy ai có thể thay Diệm. Nhưng Diệm có vẻ đã già, tự cô lập khỏi thực tế. Vợ chồng Nhu ngày một nhiều quyền lực, và điều này thật bất hạnh.
Tình trạng giống hệt hồi 1954-1955.
Không đồng ý nhận xét chủ quan của Harkins là sẽ chiến thắng trong vòng 1 năm. Sợ sẽ phải chi tiêu nhiều hơn.
Nếu những kế hoạch hiện tại không thành công, cần trung lập hóa toàn vùng. (88)
(88. FRUS, 1961-1963, II:797-798.)
Họ Ngô ít nhiều biết được những nhận xét bất lợi trong báo cáo của nhóm Mansfield. Tháng 2/1963, khi báo cáo có hiệu đính của Mansfield được công bố tại Mỹ, anh em họ Ngô không dấu được sự giận dữ. Nhu nói thẳng với viên chức Mỹ là báo cáo Mansfield báo hiệu sự triệt thoái của Mỹ khỏi miền Nam. (89)
(89. FRUS, 1961-1963, III:124; VNNB, I-C: 1955-1963, 2000:269-270.)
Đặc biệt, quyết định thay Đại sứ Nolting bằng Lodge vào tháng 6/1963–giữa cơn khủng hoảng Phật Giáo, và sự cải thiện bang giao Nga-Mỹ–càng tăng thêm nỗi hãi sợ bị bỏ rơi của họ Ngô. Nhu dùng tiếng “Toàn quyền” để gọi Lodge, trong khi Diệm hờn oán nói dẫu có phải gửi 10 Lodge tới Sài Gòn, vẫn phải huấn luyện pháo binh bắn vào Dinh Gia Long.( 90)
(90. FRUS, 1961-1963, III:414.)
Diệm còn nói thẳng với Nolting vào thượng tuần tháng 8/1963 là Mỹ đã thay đổi chính sách. Những ngày kế tiếp, họ Ngô tìm đủ cách tự cứu. Đàn áp Phật Giáo, ban hành Thiết quân luật, tấn công chùa chiền, tố cáo Mỹ âm mưu đảo chính. Rồi tiếp xúc sứ giả Hà Nội.
Hành động ve vãn Cộng Sản này tạo cho Lodge và những người chống họ Ngô thêm một vũ khí bắn vào vợ chồng Ngô Đình Nhu, công dụng hủy diệt mạnh hơn cả những cáo buộc như tiếm quyền, muốn kế vị Diệm, hay Nhu đã nghiện thuốc phiện.
(Còn tiếp)
Chính Đạo