- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Sáng Tạo Và Bệnh Tật

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 8887)
Every man wants to be a poet , if he can. (Thoreau)

Làm thơ không phải là một chọn lựa.

Trước mặt Thượng đế, nhà thơ không có nhiều tự do như anh ta vẫn tưởng.

Nhà thơ Mỹ Robin Skelton có viết đại ý rằng : Nếu bạn hỏi một người làm thơ, là có một giây phút nào trong đời, anh ta từng ao ước được sinh ra để làm một công việc gì khác, chẳng dính dáng gì đến thơ ca? Nếu câu trả lời là: không bao giờ , thì bạn có thể tin rằng trước mặt bạn không phải là một thi sĩ.

Mặt khác, không ai có thể có cảm hứng mỗi ngày. Không ai có thể sáng tạo mãi mãi. Thế thì những ngày khác, bạn làm gì?

Nếu làm thơ là một nghề nghiệp, được định nghĩa như là một công việc thường xuyên, mỗi ngày và suốt đời, thì đó là một nghề không được trả lương, hay gần như vậy. Nếu có một điều gì đó có tính bất biến nhất ở cái gọi là nghề nghiệp này, đó là điều sau đây: nhà thơ cố gắng vươn tới một điều không thể vươn tới được, và sự hoàn thiện bao giờ cũng ở ngoài tầm tay.

Thơ một mặt là biểu hiện của tâm hồn đớn đau buồn bã, hay giận dữ bất bình, một mặt lại có sức mạnh và khả năng tìm kiếm phương pháp chữa lành những vết thương cho chính mình. Bằng cách nào ? Bằng cách nhìn thấu suốt vào bản thể của các mối quan hệ. Quan hệ ở đây phải được hiểu là sự nối kết, liên thông. Chỉ nhà thơ mới có khả năng nhìn thấy trong vũng nước một vầng trăng, trong đôi giày cũ một đứa bé, trong sóng biển một cố gắng thất bại, và xếp đặt các sự vật lại bên nhau trong một trật tự mới lạ chưa từng hiện hữu trong vũ trụ. Các trật tự sắp xếp này mô tả sự nối kết, mang lại ý nghĩa cho chúng, nghĩa là cho sự đau khổ và hạnh phúc của con người.

Nhà thơ, kẻ sáng tạo, cũng chịu chung số phận với thơ ca: anh ta vừa là người chữa bệnh, vừa là người mang bệnh. Có lẽ điều này cũng đúng trong các lãnh vực sáng tạo nghệ thuật khác như hội họa, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc... nhưng trong văn học, các nhà thơ là nổi tiếng hơn cả về các chứng bệnh rối loạn tinh thần,lo lắng, bất an, trầm cảm( depression ), quá mức hưng phấn ( mania ), chán chường tuyệt vọng, thậm chí có ý định tự tử (suicidal ideations) hoặc tự tử thật sự (commited). Các nhà phê bình phương Tây thường nhắc nhiều đến các trường hợp nổi tiếng của Sylvia Plath, Robert Lowell, Theodore Roethke... Thậm chí nhà thơ lừng lẫy Rainer Maria Rilke, tác giả của tập “Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi” cũng không thoát khỏi một giai đoạn đen tối dài trong đời. Văn học Canada cũng biết nhiều đến các chứng bệnh trầm cảm, tự hủy hoại, thậm chí điên loạn, của các nhà thơ nổi tiếng như MacEwen, Patrick O’Connell, Pat Lowther, Patrick Lane. Pat Lowther đã chết dưới tay chồng, cũng là một nhà văn, 1975. Cái chết của nhà thơ nữ tài ba này, sau hai tập thơ nổi tiếng của bà, đã đặt ra nhiều nghi vấn. Trường hợp tự vẫn của nhà thơ Mỹ Sylvia Plath được đề cập bởi nhiều nhà nghiên cứu, nhưng theo tôi quyết định cuối cùng của bà hoàn toàn không bất ngờ. Đọc những bài thơ được viết bởi một tài hoa ngôn ngữ lạ kỳ, đặc biệt là trong tập Ariel, ta đã thấy phảng phất không khí của chứng bệnh trầm cảm (depression). Thơ của Plath là phương cách đối diện riêng của bà trước bệnh tật của mình và sự tuyệt vọng (hopelessness) như là một trong những triệu chứng của nó. Trong một cuộc nói chuyện tại thư viện trung ương Vancouver, mà tôi tham dự, Patrick Lane, nhà thơ và giảng sư văn học, hiện cư ngụ gần Victoria, trên một hòn đảo xinh đẹp ngoài khơi Vancouver, đã nhắc đến những năm tháng buồn bã kéo dài trong đời ông, với chứng nghiện ma túy và nghiện rượu. Ông kể có ngày ông uống hàng lít rượu mạnh. Sự hồi phục của ông cũng mới xảy ra cách đây vài năm, là một phép lạ, có lẽ với sự giúp đỡ của vợ ông, trẻ hơn ông, cũng là một nhà thơ có tên tuổi, Lorna Crozier, người cùng ông làm tuyển tập thơ trẻ Canada gần đây. Lane là người thích làm vườn ( gardening ), và vườn tược giúp ông an tĩnh tâm hồn.

Một trong những khó khăn lớn nhất của các nhà thơ là bế tắc về sáng tạo, mà nhà thơ Inrasara đã nhắc đến trên diễn đàn Tiền Vệ gần đây (2006). Các nhà thơ thường buộc phải giải quyết một vấn đề lớn trong đời sống riêng của mình: đó là họ tìm đâu ra thời gian để viết ? Thời gian để viết của một nhà văn không chỉ đơn giản là thời gian ngồi xuống trước bàn giấy và cầm bút lên, hay ngồi trước computer và cầm ... con chuột lên. Đó là toàn bộ năng lượng mà anh ta dành cho sự ứng phó của tâm hồn trước các hoàn cảnh thơ ca. Ta có thể gọi là hoàn cảnh thơ ca, những bối cảnh hay sự kiện xã hội chính trị xảy ra mỗi ngày, trong đời thường, trên truyền hình hay báo chí, trong sách vở, có năng lực đánh động dữ dội tâm thức của tác giả, làm bật lên các tia chớp sáng tạo. Dễ hiểu là nhà thơ cần chuẩn bị thời gian, sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần cho các mối duyên nợ này. Tôi lấy làm ngạc nhiên là các nhà nghiên cứu văn học thường bỏ qua các yếu tố rất thực trong đời sống, làm như các nhà thơ của chúng ta có thể sống bằng không khí và biến các vật thể bốn chiều này ( hay mười một chiều theo lý thuyết string theory) thành các vật thể hai chiều trong văn bản học. Nếu một nhà thơ bị bỏ đói, bị mất ngủ nhiều ngày, quá lo lắng trước các vấn đề của đời sống như con đau, vợ ốm, mất việc, hay chịu quá nhiều sức ép của công việc tại chổ làm, bị đàn áp bởi một guồng máy phi dân chủ, bị bưng bít thông tin, khả năng sáng tạo sẽ suy kiệt, và họ đều đáng thương như nhau. Tất nhiên trong những hoàn cảnh khốn cùng, anh cũng có thể tạo ra các tác phẩm lớn, nhưng không phải bao giờ cũng vậy. Mặt khác, một người làm văn chương nếu sống sung sướng, phè phỡn, hoàn toàn thỏa mãn với mình, cũng sẽ suy giảm năng lực sáng tạo, nhưng là từ một nguyên nhân hoàn toàn khác.

Nhà thơ Ted Kooser, vừa được bầu làm nhà thơ công huân của Mỹ (poet laureate) (2005), kể rằng ông phải chọn làm nghề bảo hiểm, một nghề tương đối nhàn, ngày tám giờ, tuần năm ngày, từ lúc còn rất trẻ, để có sức mỗi buổi sáng thức dậy từ rất sớm, khoảng 4 giờ sáng là lúc ông bắt đầu viết đến 9 giờ sáng mỗi ngày. Tôi cho rằng ông là một người may mắn, vì ngành bảo hiểm bây giờ cũng không còn nhàn nhạ như bốn mươi năm trước đây, lúc ông mới vào nghề. Vả lại không phải nhà thơ nào cũng làm được, hay được làm ngành bảo hiểm. Những công việc được trả lương bao giờ cũng ngốn hết sức lực và khả năng tập trung của bạn. Trong khi đối với nhà thơ, mối quan tâm chính là làm thơ, thì đối với gia đình và xã hội, công việc chính, nhiệm vụ chính, bổn phận và danh dự của anh ta lại hoàn toàn nằm ở công việc được trả lương, phần lớn là chẳng dính dáng gì đến mối bận tâm có tính hão huyền kia. Ted Kooser, người đang sống cùng thời với chúng ta, may mắn hơn nhiều người đi trước ông một thế kỉ là Walt Whitman, kể rằng ở sở làm của ông, người ta chưa bao giờ đề cập đến thơ của ông cả, họ để yên cho ông, nhưng có nhiều người biết thừa rằng công việc ở hãng bảo hiểm không phải là ưu tiên số một của ông. Ta có thể đoán chỉ riêng điều cuối cùng này thôi đã đủ để cản trở con đường thăng tiến về bảo hiểm của nhà thơ lớn tuổi có khuôn mặt rất trẻ thơ này. Các thi sĩ khác thường không được may mắn như thế. Những người xung quanh bạn, thường là những người thân thiết, bao giờ cũng hỏi nhau, hoặc tự hỏi: “Thơ là cái gì thế ?”, “Nó dùng để làm gì thế ?”, “Ai cần đến nó đây ?”. Trong một buổi họp mặt, nếu một nhà thơ trẻ, ngồi lọt thỏm trong hàng ghế cuối cùng, được cử tọa nhắc đến, thậm chí được mời lên sân khấu, anh ta liền sướng phát điên lên. Không phải vì anh ta, mà vì vinh dự của thơ ca nóí chung. Nhưng bạn đừng trông đợi gì nhiều: nhà thơ của chúng ta sẽ lúng túng đỏ mặt và mặc dù cố gắng để phát ra thành lời một điều gì đó, cử tọa sẽ hoàn toàn không hiểu anh ta nói gì. Vì trong đời mấy khi một nhà thơ không tên tuổi như anh có được cái cơ hội đó đâu. Vinh dự của thơ ca thì đã được nhân dân dành riêng cho một vài ngôi sao đã tắt lịm từ lâu, mà hồi quang của chúng trên bầu trời rất đáng ngờ vực, ý tôi muốn nói là các nhà thơ thành danh đã qua đời, mà thơ của họ hãy còn chiếm chỗ trong tâm hồn bạn đọc, những bài thơ cũ rích mà nhà thơ trẻ của chúng ta đã ngán ngẩm từ lâu. Nếu không vì sự ngán ngẩm này, thì anh ta đã không làm thơ.

Nhà thơ Clarise Foster, trên tờ contemporary verse ( cv ) 2, volume 28, issue 1, 2005, xuất bản tại Canada, trong lời nói đầu rất đặc sắc của mình, đã nhắc đến hiện tượng ức chế tiềm ẩn (latent inhibition), là một hiện tượng đang được khoa tâm lý học quan tâm. Đây là hiện tượng quan sát thấy ở những người sống trong các hoàn cảnh khắc nghiệt, như các trại tập trung của Đức quốc xã, các trại cải tạo lao động của Stalin, trong đó các đối tượng nghiên cứu dồn sức vào sự tranh đấu để sống còn, và loại bỏ hay ức chế các kích thích bên ngoài làm họ xao lãng công việc đấu tranh sinh tồn đó. Các suy tưởng siêu hình, mơ mộng, sự tưởng tượng, các sáng tạo nghệ thuật được cơ thể xếp vào loại những kích thích làm xao lãng có tính nguy hiểm này. Khả năng ức chế ở các nhà thơ, và ở những người làm công việc sáng tạo khác, được ghi nhận là thấp hơn hẳn so với những người bình thường. Điều quan trọng là khả năng ức chế cũng thấp như thế trên những người mang bệnh tâm thần, thần kinh, trong các nhóm nghiên cứu đối chiếu ( control ).

Thật không thể dễ dàng để kết luận về một mối liên hệ ràng buộc nào đó giữa những người sáng tạo và những bệnh nhân tâm thần, như Clarise Foster đã chỉ rõ. Tuy nhiên hai đối tượng này có chung một đặc điểm là ít có khả năng loại trừ các kích thích và cảm hứng không có ý nghĩa thiết thực sinh tồn.

Sự bế tắc về sáng tạo có thể là do sức ép của môi trường, hoặc là hậu quả của các chứng bệnh tâm thần hay thể chất có tính cá nhân. Các căn bệnh về thể chất ảnh hưởng đến đời sống tâm thần, như trường hợp của Hàn Mặc Tử, hoặc ngược lại các chứng bệnh về tinh thần cũng tạo ra các hậu quả về thể chất như trường hợp của Bùi Giáng, người nổi tiếng với những cơn hưng phấn tinh thần khủng khiếp, ít ngủ, không cần ăn, xảy ra cùng thời với một năng lượng sáng tạo bất ngờ lớn lao, bao giờ cũng kết thúc bằng một thời kì giảm hưng phấn, mệt lả ( exhausted), ngủ vùi, tê liệt, thậm chí trầm cảm.

Sự bế tắc hoàn toàn cũng có thể đến từ phía nhà thơ, đơn giản như sự nguội lạnh, sự tàn đi của lửa. Đây là cái chết của tâm hồn. Sự may mắn duy nhất mà nhà thơ có được, so với những người khác, là anh ta có thể chết nhiều hơn một lần. Đôi khi chim phượng hoàng cũng bay ra từ tro bụi.

Ngoài những khó khăn thực tế, như cơm ăn áo mặc và việc làm, hay sự rối loạn bệnh lý, sự nghiện ngập rượu và ma túy, người nghệ sĩ phải đối diện mỗi ngày với hai điều sau đây. Tác phẩm của anh thường không được xuất bản, bị các nhà biên tập và đạo diễn ngó lơ, chưa kể trong các chế độ thiếu dân chủ, anh có thể bị đàn áp. Nếu được tung ra thị trường, sự lãnh đạm của độc giả cũng làm anh chết dần. Chung quanh anh, xã hội chưa bao giờ biết đánh giá đúng tác phẩm của anh, và mãi mãi sẽ là như thế. Thường thì họ đánh giá thấp, nhưng đôi khi họ cũng đánh giá quá cao một cách sai lạc. Cách nào cũng làm anh khổ sở, nếu quả thực anh sở hữu một tâm hồn nghệ sĩ chân phương. Điều thứ hai là: sự trống rỗng. Sự trống rỗng hoàn toàn sau một thành tựu, hay sau một thất bại, hay sau bất cứ một điều gì giữa hai thứ đó. Nếu các nhà thơ chưa từng trải qua sự trống rỗng này, tương tự như nếu những người chiến thắng chưa từng trải qua sự hối hận đối với quá khứ của mình, tôi e rằng họ đã để mất cơ duyên để được trở lại với cội nguồn của sáng tạo, một cội nguồn như dòng suối ngầm chảy xuyên qua cát bỏng, tuy chẳng bao giờ ta nhìn thấy được dưới mặt trời khô hạn, nhưng có một cái giếng gạch nhỏ bỏ hoang bên bờ lơ thơ cỏ non, dưới chân đồi, lại nhận ra được dễ dàng hơn. Cội nguồn này, mà nhà thơ Hồ Dzếnh, gọi là phút linh cầu, thật ra chỉ có thể tìm thấy trong nỗi niềm im lặng cô độc (solitude). Sự cô độc khác với sự cô đơn (loneliness) ở chỗ một bên là tình trạng tự đầy đủ, và một bên là sự thiếu vắng, kêu gọi sự có mặt của người khác.

Câu hỏi nổi tiếng của Albert Camus, “tôi có nên tự tử không?”, thường mang tính triết học. Khác với tác giả của “Kẻ xa lạ”, các nhà thơ trở đi trở lại với câu hỏi này trên một bề mặt khác, có tính sầu muộn. Chúng ta sẽ thấy rằng những người làm thơ nghĩ về sự vật và thế giới chung quanh họ bằng cách riêng của mình, bằng lối suy tưởng thơ ca. Các tiêu chí chính trị, đạo đức, luân lý, các giằng co về chiến tranh và hòa bình, về nội chiến Nam Bắc vừa qua, cách xử lý các quá trình tiếp cận sự thật, và lối nhìn vào sự thật của các nhà thơ, là hoàn toàn dựa trên cảm nhận và suy tưởng thơ ca. Họ không thể làm khác được. Hạnh phúc, vinh quang của một người nghệ sĩ, bao giờ cũng được trả giá. Khuôn mặt buồn bã của thơ, như phía khác của mặt trãng, nhưng khác với mặt trãng, sẽ có lúc sẽ từ từ xoay về phía họ. Trong tình cảnh tối đen của bệnh trầm cảm, đối diện với sự mất hứng thú, cô đơn, hoài nghi, tuyệt vọng, dễ nóng giận và bị kích thích, và những triệu chứng thể chất như mất ngủ, biếng ăn, run rẩy, bất lực tình dục, xuống cân, đẫn đến các hậu quả xã hội như hôn nhân tan vỡ, mất việc làm, con cái và bạn bè lìa xa, các nhà thơ đánh mất sự tự trọng và khả năng tự yêu quí mình. Cái chết là sự chọn lựa nhiều khi không tránh được. Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên trước đây, theo như lời kể của nhiều người, hình như cũng rơi vào trường hợp này. Có một câu hỏi là: liệu sự sáng tạo nghệ thuật có tất yếu dẫn đến khuynh hướng tự hủy hoại không ? Một số nhà phân tâm học và phê bình văn học hiện nay trả lời là có. Tôi cho rằng đó là điều sai lầm đáng tiếc. Sự thật có thể nằm ở chỗ khác. Trong khi chúng ta cần nhiều nghiên cứu có tính khoa học hơn nữa, thì điều an ủi và khích lệ các nhà thơ luôn luôn có thể được tìm thấy ở những quan sát khắp nơi: cái đẹp của thơ ca đến từ cấu trúc ngôn ngữ vốn không tồn tại trước đó, trong bất cứ thế giới nào của vũ trụ. Sự tạo dựng nên những cấu trúc như thế chính là sự thăng hoa của thế giới vật chất, ở cuối nấc thang của sự tiến hoá phổ biến, vốn chỉ có thể thấy được ở những động vật có năng lực mạnh mẽ về tinh thần, trong những giai đoạn phát triển cao nhất , như vậy dĩ nhiên là ở ngoài các chu kì suy đồi và hủy hoại.

Tại Canada, một nhà thơ được nhiều người yêu mến, và cũng dược biết đến vì những cơn khủng hoảng tinh thần của ông, vừa qua đời tháng 6 năm 2005. Trước khi mất một thời gian vì tuổi già và bệnh , Patrick O’Connell để lại một bài thơ thú vị.

Bài thơ đó như sau:

I was pretty sick of the whole thing

so I walked out onto the Midtown Bridge

and jumped

but I hadn’t walked out on the bridge

far enough

so when I landed

I only landed in 4 feet of water

losing my shoes and socks getting out

only to wind up on the bridge again

soaking wet and shivering

trying to hitch a ride in the rain.

( “for bert r”, cv 2, volume 28, issue 1, 2005 )


(tạm dịch :

Tôi chán hết mọi thứ

liền đi tới cầu Midtown

và nhảy xuống

nhưng tôi ra giữa cầu

không đủ xa

nên khi nhảy xuống

tôi nhảy vào chổ nước cạn

chỉ mất giày vớ mà thôi

lại leo lên cầu lần nữa

ướt nhẹp và run rẩy

đón xe quá giang về trong mưa.)

NGUYỄN ĐỨC TÙNG.

Vancouver, mùa hoa anh đào 2006.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12568)
(Xem: 11083)
(Xem: 11124)
(Xem: 10684)
(Xem: 10045)
(Xem: 9485)
(Xem: 10241)
(Xem: 11290)
(Xem: 10959)
(Xem: 11044)