- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Câu Chuyện Văn Nghệ Đêm Giao Thừa Với Nhà Thơ Lê Đạt

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 8578)
Đêm giao thừa Bính Tuất chúng tôi có dịp nói chuyện văn nghệ tản mạn với nhà thơ Lê Đạt, và như thường lệ, nhà thơ luôn luôn có những ý kiến độc đáo, những kinh nghiệm thực tiễn, những nhận định sâu sắc về tình hình văn học nói chung và những người viết trẻ nói riêng. Chúng tôi ghi lại buổi nói truyện này (đã phát thanh trên đài RFI ngày, 28/1/2006) để gửi đến bạn đọc Hợp Lưu.

Thụy Khuê: Thưa anh Lê Đạt, nói chuyện văn nghệ giao thừa như đêm nay, thì chúng ta nên hướng về những đề tài gì?

Lê Đạt: Tôi thấy thế này chị ạ, mình không nên quá phân biệt ngày Tết với ngày thường. Ngày Tết người ta thường chúc nhau những gì? Người ta chúc nhau sang năm nhiều sức khỏe này, rồi thì phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái, đó là tục lệ của ngày Tết; nhưng nếu về thơ mà chúng ta cũng lại bắt chước chúc nhau là làm thơ hay gấp năm, gấp mười năm ngoái thì chắc còn phải đợi... hơi lâu! (cười).

T.K.: Vậy xin phép tiếp tục câu chuyện thơ với anh ở chỗ đã... bị bỏ dở từ mấy năm nay! Thưa anh, có một vấn đề mà chắc anh cũng đã để ý từ lâu, đó là vấn đề “nhà thơ và thời thế”, nhà thơ phải sống thế nào với thời đại của mình, thưa anh?

L.Đ.: Tôi xin trả lời thế này. Ngày xưa anh Vũ Hoàng Chương có mấy câu thơ rất nổi tiếng:

Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ

Bị quê hương ruồng bỏ, giống nói khinh.

Và nhiều người cũng khóc than cho thân phận nhà thơ: không hợp thời và người ta nêu lên vấn đề “tài mệnh tương đố”, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau và thường mong cho thời đại “Nghiêu Thuấn” trở lại. Theo tôi, đối với người làm thơ, chẳng có thời đại “Nghiêu Thuấn” nào cả. Làm chữ một cách nghiêm túc tức là phải chấp nhận thân phận lỗi thời. Vấn đề là lỗi thời phía trước hay phía sau mà thôi. Tôi rất không ưa những nhà thơ thời trang vì đó là nhà thơ a dua và không giúp ích gì cho phong trào phát triển thơ ca cả.

T.K.: Vậy thưa anh, vấn đề mấu chốt nhất trong văn nghệ bây giờ là gì?

L.Đ.: Tôi cho vấn đề quan trọng nhất bây giờ là vấn đề phê bình tức là đối thoại giữa các người làm nghề (văn) với nhau. Ở Việt Nam hầu như không có phê bình. Người ta không phê bình gì cả, thỉnh thoảng đánh nhau một trận rồi lại thôi. Và trên báo người ta in những bài điểm sách chẳng có giá trị gì cả, toàn là tâng bốc nhau, khen ngợi nhau, chẳng giúp ích gì cho văn học nghệ thuật cả. Mà một phong trào văn học nghệ thuật không có phê bình thì không thể nào tiến bộ được. Không biết Hội Nhà Văn sẽ làm thế nào, các người hoạt động văn nghệ sẽ làm thế nào, để tạo được một không khí phê bình lành mạnh. Từ trước đến nay, các nhà phê bình với các nhà sáng tác, vốn đã có thành kiến với nhau rất sâu sắc rồi. Chị có nhớ câu của Anton Chekov, người lịch sự như thế, mà cũng phải nói là nhà phê bình là đám ruồi đốt con ngựa, hút máu con ngựa trong lúc con ngựa đang hết hơi, hết sức để leo dốc. Và các nhà phê bình cũng không ưa gì nhau cả. Vì thế không có không khí đối thoại tử tế trong văn học nghệ thuật. Nếu mà không có đối thoại thì không có dân chủ. Không có dân chủ thì không thể nào tiến bộ được. Tôi cho cái đó là rất quan trọng.

T.K.: Thưa anh, như thế thì phía sáng tác nên có thái độ thế nào đối với phê bình?

L.Đ.: Nhà sáng tác cũng phải hiểu cái khó nhọc của nhà phê bình. Ngày xưa, anh Tuân rất ghét nhà phê bình. Anh ấy có nói rằng: cái ao ước suốt đời của anh ấy là khi chết, không muốn chôn bên cạnh mộ một nhà phê bình. Tôi thấy không đúng. Nhà phê bình cũng có cái khó khăn của người ta, không ai bắt nhà phê bình lúc nào cũng phải đúng cả. Nhà phê bình có quyền sai. Quyền sai ấy là nhân quyền. Đó là quyền thiêng liêng nhất của con người. Con người có quyền sai, có quyền lầm. Nhưng người ta yêu cầu các nhà phê bình phải thực tâm, phải tử tế và phải trung thực. Cái đó thì nhất định phải yêu cầu được. Anh có thể sai được, nhưng sai với thành thật thì rất hoan nghênh, nhưng anh đã có ý đồ trước thì không thể chấp nhận được. Thêm một điểm này nữa: người ta thường chê đánh nhau bằng tay chân là vũ phu và vô văn hóa, tôi cho rằng đánh nhau bằng ngòi bút, cũng là vũ phu và vô văn hóa. Anh phê bình một cách quá đáng, cũng là vũ phu và vô văn hoá.

Trong năm mới, không biết tôi có dịp nào để tiếp xúc với giới văn nghệ Việt Nam nhiều hơn trước không, nếu đài của chị có thể chuyển được lời của tôi đến họ thì tôi rất hoan nghênh, nếu những người làm văn nghệ Việt Nam cố gắng ngồi với nhau và phê bình nhau một cách tử tế và lịch sự như những người có văn hóa.

T.K.: Trong năm vừa qua anh có dịp tiếp xúc thường xuyên với giới văn nghệ ở Việt Nam không, thưa anh,?

L.Đ.: Tôi phải nói thế này: trong một thời gian dài tôi ốm đau và cũng đã già rồi, đọc cũng khó, nên không thể tiếp xúc đầy đủ với anh em ở Việt Nam; Tuy vậy, tôi thấy về thơ vẫn tiến triển bình thường nhưng không thấy được khuôn mặt nào mới cả. Vẫn là những khuôn mặt cũ, kể cả những anh em trẻ, nhưng tôi thấy có một không khí đòi hỏi thay đổi. Cách đây ít lâu tôi có nghe nói ở thành phố Hồ Chí Minh có một số anh em trẻ, cả nam lẫn nữ, xông xáo lắm trong vấn đề văn nghệ, trong vấn đề thơ; nhưng tôi không tiếp xúc được với họ thành ra không biết họ như thế nào; Nhưng về nguyên tắc tôi hoan nghênh vấn đề xông xáo trong thơ phú, trong sáng tác. Riêng có một việc, tôi đề nghị với chị như thế này: trong văn xuôi Việt Nam, tôi vừa đọc được một nhà văn trẻ tuổi, nhà văn nữ mà tôi rất thích. Chị Nguyễn Ngọc Tư đấy, tác phẩm của chị ấy là Cánh đồng bất tận. Nếu chị xem rồi, thì chị nên phê bình và góp ý kiến tốt với chị ấy. Đó là một người trẻ tuổi mà đã có một cái già dặn, có một bản lĩnh vững và nhân dịp Tết này tôi xin chúc chị ấy tiếp tục con đường của chị đi, và vững bước mà tiến được.

T.K.: Ở thời đại báo chí và thông tin đại chúng rất phát triển như bây giờ, anh thấy những cái đó đem lại hiệu quả gì cho văn nghệ, thưa anh?

L.Đ.: Người ta thích diễn. Người ta thích diễn ghê lắm. Ca sĩ diễn đã đành, diễn viên đã đành. Nhưng tôi thấy các nhà văn, nhà thơ, các nhà sáng tác, đáng nhẽ ra họ phải làm việc một cách âm thầm hơn, thì tôi thấy cũng thích diễn lắm. Nhân đây tôi nghĩ mãi đến câu chuyện cổ của Việt Nam, đó là tích anh Trương Chi “người thì thậm xấu hát thì thậm hay”. Tôi cho rằng người sáng tác bao giờ cũng phải xấu hơn cái tác phẩm của mình. Một người sáng tác mà đẹp trai hay đẹp gái hơn tác phẩm của mình thì tôi rất nghi ngờ cho tương lai của anh, chị ấy. Tôi nhớ câu nói của Jabès: Tôi không là gì cả, tại vì tôi là người kể chuyện và câu chuyện là tất cả. Người sáng tác phải quên mình đi, phải núp sau sáng tác của mình hơn là dựa vào sáng tác của mình để khoe khoang và đề cao mình một cách quá đáng. Tôi rất thích truyện Trương Chi hiểu theo nghĩa ấy.

T.K.: Thưa anh, như vậy anh khuyên các nhà văn, nhà thơ trẻ nên làm như thế nào?

L.Đ.: Tôi muốn nói với tất cả những anh em, nhà văn trẻ, nhà thơ trẻ, như lời một người bạn thôi, tôi không khuyên ai cả, tức là thế này, cái việc mình xuất hiện đã khó khăn, đưa một cái tên lên báo chí đã rất khó, nhưng tôi cho rằng cái khó khăn nhất chờ đợi nhà văn, nhà thơ, chính là cái tiếp tục. Cái tiếp tục là khó. Xuất hiện đã khó rồi nhưng không thể khó bằng tiếp tục được. Muốn tiếp tục như thế là anh phải có sự lao động cần cù, tận tâm tìm tất cả mọi thứ. Người ta có thể lóa mắt vì một vài câu thơ, một vài hình ảnh mà anh đưa ra, nhưng cứ tiếp tục mãi thì có thể là anh không còn gì nữa. Cho nên cái tiếp tục ấy tôi cho, mới là quan trọng. Mà tôi sợ rằng một số anh em, cả trẻ lẫn già, ở Việt Nam chưa bận tâm nhiều đến việc tiếp tục. Anh muốn tiếp tục thì anh phải học tập rất chuyên cần. Văn nghệ là một hoạt động văn hóa, thì anh phải trau dồi lớp văn hóa, vốn văn hóa của anh chứ. Nếu bây giờ mình không trau dồi văn hóa, mình được một vài tác phẩm, mà mình đã “nghỉ ngơi” rồi, thì tôi cho đó là một sự nghỉ ngơi rất đáng tiếc. Bản thân tôi có biết được một số anh em cả trẻ lẫn già, có những bắt đầu rất tốt nhưng rồi sau không đi được nữa, thì tôi thấy cảnh nửa đường, nửa đoạn của người làm thơ hoặc viết văn như thế thật đáng tiếc. Chính là vì họ không chịu lao động một cách kiên trì và lao động ấy dứt khoát phải là lao động văn hóa.

T.K.: Thưa anh, theo anh thì nhà thơ có cần có một quan niệm thơ không?

L.Đ.: Người ta thấy tôi thích thiền thì có một anh có tặng tôi một tập thơ và nói rằng: Thấy anh thích thiền thì chắc anh xem thơ thiền này thì anh sẽ thích lắm. Tôi trả lời thế này: Tôi không thích thơ thiền. Tôi cũng không thích thơ “sản xuất” hay là thơ tình yêu hay thơ ... gì cả. Thơ không có tĩnh từ gì là tôi thích nhất. Thơ không thôi là được rồi. Tôi không thích một thứ thơ nào bị tha hóa bởi một yêu cầu khác. Kể cả thơ hiện đại, tôi cũng không thích thơ hiện đại. Thơ hậu hiện đại? Tôi cũng không thích thơ hậu hiện đại. Cứ thơ thôi, anh làm được bao nhiêu thì anh làm. Anh chưa làm đã bị một bảng hiệu treo trên lưng như thế, thì làm sao mà thơ hay được. Tất cả những thơ nào mà có một tĩnh từ đi sau là tôi... rất không thích . Thơ không cũng đủ lắm rồi, mệt lắm rồi (cười). Người ta thường nói một cách văn chương: nhà thơ là một người hành hương, ý muốn nói con đường của người làm thơ là con đường thiêng liêng, con đường rất dài. Nhưng tôi thấy như thế chưa đủ, nếu muốn hành hương cũng được, nhưng nên thêm một điểm này nữa là một hành hương đãng trí. Khi anh làm thơ, hình như anh gặp đất Thánh ở trong một câu thơ nào đó, anh quên đi và suốt đời anh nên đi tìm chỗ đó thì thơ mới khá được. Tôi rất sợ những nhà thơ nào thuộc đường quá. Tôi rất phục nhưng không bao giờ tôi muốn theo anh ta cả. Tôi muốn đi hết con đường của mình và mình lạc vào chỗ nào đó. May ra mình được vài câu thơ hay, thì tốt nhất. Người làm thơ mà không đi lạc, suốt đời đi đúng đường, thì tôi cho rằng thơ không thể nào hay được. Cũng như là người ta không thể tìm đến những đào nguyên, thiên thai bằng những bản đồ địa chính được. Cái đó chắc không có.

T.K.: Thưa anh, chắc là thế nào anh cũng đọc những báo Tết; thưa anh, anh nghĩ gì về thơ Tết đăng trên báo năm nay?

L.Đ.: Tôi vẫn nói với chị như thế này: tôi sợ nhất những bài thơ Tết trên báo, tại vì báo nào cũng phải đăng thơ Tết cả và ông nhà thơ nào cũng có nhiệm vụ phải đẻ ra một bài thơ Tết. Tôi thấy nó giống nhau lắm chị ạ, và cái đó là một điểm rất đáng buồn, không biết làm thế nào cả. Nhất là bây giờ, không biết ở các nước có thế không nhưng ở Việt Nam có tình trạng như thế này người ta coi thơ là cái gì phù phiếm lắm, rất phù phiếm, thường thường là đăng vào cho nó đầy trang, có vẻ trang trí thôi, cho nên những thơ Tết ấy, tôi tin là chị cũng không nên chờ đợi nhiều quá ở đó.

T.K.: Thưa anh, nhiều người tự hào là người Việt Nam nào cũng biết làm thơ, anh nghĩ sao về ý kiến này?

L.Đ.: Tôi thấy đó cũng là một ưu điểm nhưng đồng thời cũng là một nhược điểm. Nói người Việt Nam nào cũng làm thơ tức là thích thơ và yêu thơ. Nhưng từ một nhà thơ tự nhiên, trời cho như thế, đến nhà thơ chuyên nghiệp khác nhau rất xa, chị ạ. Anh có thể có dăm bài lục bát, nghe có vẻ du dương, hay dăm sáu câu thơ nghe có vẻ điệu nghệ một tí hay được vài câu nghe thích một tí, cái đó chưa phải là nhà thơ. Tôi vẫn cho thơ là một lao động rất nghiêm túc. Tôi biết nhiều người không thích tôi, bởi tôi vẫn cho làm thơ chính là phu chữ. Dân tộc nào chẳng thích thơ. Nhưng một “dân tộc thơ” rất nguy hiểm. Nếu là trạng thái tự nhiên trời cho thì chắc dân tộc ấy không thể có thơ hay được.

T.K.: Trước khi từ giã xin anh một lới chúc thính giả RFI trong đêm giao thừa ạ.

L.Đ.: Tôi nhờ chị một việc không biết chị có sẵn sàng giúp đỡ tôi không. Đã lâu lắm, tôi không nói chuyện với thính giả đài RFI, tại vì cũng đau ốm quá, nhiều việc quá; hôm nay nhân dịp Tết được trở lại nói chuyện với thính giả, tôi nhờ chị gửi đến thính giả một bài thơ xuân rất ngắn của tôi mà người ta gọi là haikâu đấy, có được không ạ?

T.K.: Như thế thì hay quá.

L.Đ.: Xin chị nghe nhé, tôi nói rất chậm, -tôi hay có bệnh nói nhanh-:

Em về phía sang xuân thế kỷ

Tín hiệu anh một lũy thừa chờ.

T.K.: Xin thành thật cảm ơn nhà thơ Lê Đạt.

THỤY KHUÊ thực hiện (Paris 28-1-2006)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12567)
(Xem: 11083)
(Xem: 11124)
(Xem: 10684)
(Xem: 10045)
(Xem: 9485)
(Xem: 10241)
(Xem: 11290)
(Xem: 10958)
(Xem: 11044)