- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Phân Ưu: Hòa Thượng Thích Mẫn Giác Viên Tịch Tại Hoa Kỳ (ngày 13 - 10 - 2006)

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 8376)
THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 19.10.2006

Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, gửi khẩn điện Phân ưu Cố Hòa thượng Thích Mãn Giác viên tịch tại Hoa Kỳ

PARIS, ngày 19.10.2006 (PTTPGQT) - Được tin Cố Hòa thượng Thích Mãn Giác vừa viên tịch tại Chùa Phật giáo, thành phố Los Angeles, bang California, Hoa Kỳ, ngày 22 tháng 8 Bính Tuất (13.10.2006), từ Saigon, nhân danh Hội đồng Lưỡng viện (Viện Tăng thống và Viện Hóa Đạo), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã gửi khẩn điện Phân ưu đến Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ cùng Môn đồ Pháp quyến. Sau đây là nguyên văn Điện Phân ưu :

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT VIỆN HÓA ĐẠO

Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh

Phật lịch 2550

VHĐ/VT

KHẨN ĐIỆN PHÂN ƯU

(Nhờ Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế khẩn chuyển)

Được tin Hòa thượng Thích Mãn Giác, Thành viên Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng thống, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ sau một thời gian lâm trọng bệnh đã xả báo an tường, thâu thần thị tịch tại Chùa Việt Nam, Los Angeles, bang California, Hoa Kỳ, ngày 22 tháng 8 Bính Tuất (13.10.2006), thọ thế 78 tuổi, Hạ lạp 58.

Nhân danh Hội đồng Lưỡng viện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi chân thành gửi lời phân ưu đến Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ cùng môn đồ Pháp quyến, và nguyện cầu Giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

Thanh Minh Thiền viện, P.l. 2550, Saigon ngày 16.10.2006

Viện trưởng Viện Hóa Đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

(ấn ký)

Sa môn THÍCH QUẢNG ĐỘ

**********

Nhân dịp này, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin thành tâm góp lời chia buồn gửi đến Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ cùng môn đồ Pháp quyến và cầu nguyện Giác linh Hòa thượng siêu sanh Tịnh Độ.

Kính nhớ Cố Hòa thượng Thích Mãn Giác vào cuối thập niên 40 trong vai Cố vấn Giáo hạnh Gia Đình Phật tử Huế, sang đầu thập niên 1950 làm Hội trưởng Hội Phật học Di Linh, miền Cao Nguyên Lâm Đồng. Trong tâm cảnh xa Huế ấy Cố Hòa thượng Thích Mãn Giác, cũng là thi sĩ với bút hiệu Huyền Không, đã viết bài thơ Nhớ Chùa mộc mạc nhưng thiết tha gắn bó với gốc rễ dân tộc, làm lay động tâm tư biết bao thế hệ Phật tử toàn quốc : "Mái chùa che chở hồn dân tộc, Nếp sống muôn đời của tổ tông". Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng lại bài thơ ấy như một Tưởng Niệm và Tiễn Đưa vào giây phút chạnh lòng.

Võ Văn Ái

----------

NHỚ CHÙA

Tự thuở ra đi, vắng bóng chùa

Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua,

Trong tôi, bừng dậy niềm chua xót :

Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa.

***

Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng

Có con đường đỏ chạy lang thang

Có hàng tre gợi hồn đất nước :

Yên lặng, chùa tôi ngập nắng vàng.

***

Có những cây mai sống trọn đời

Bên hàng tùng bách mãi xanh tươi.

Nhìn lên, phảng phất hương trầm tỏa

Đức Phật từ bi miệng mỉm cười.

***

Tôi nhớ làm sao những buổi chiều

Lời kinh giải thoát vọng cao siêu

Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi

Cầu nguyện dân làng sống mến yêu.

***

Mỗi tối dân quê đón gió lành

Khắp chùa, dào dạt ánh trăng thanh

Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi

An ủi dân hiền mọi mái tranh.

***

Trầm đốt, hương thơm bay ngạt ngào

Thôn trên xóm dưới dạ nao nao

Dân làng tắm gội, lên chùa lễ

Mười bốn, ba mươi, mỗi tối nào.

***

Vì vậy, làng tôi sống thái bình

Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh

Sắn khoai gạo bắp nuôi dân xóm

Xây dựng tương lai xứ sở mình.

***

Chuông vẳng nơi nao, nhớ lạ lùng

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung ?

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông.

***

Biết đến bao giờ trở lại quê,

Phân vân lòng gửi nhớ nhung về

Tang thương dù có bao nhiêu nữa

Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê.

Huyền Không

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12567)
(Xem: 11083)
(Xem: 11124)
(Xem: 10684)
(Xem: 10045)
(Xem: 9485)
(Xem: 10241)
(Xem: 11290)
(Xem: 10959)
(Xem: 11044)