- Thư Tòa Soạn
- Thụy Khuê: Đất Nước Và Con Người
- Mai Thảo: Nhân Cách Bình Nguyên Lộc
- Nhớ Già Ung
- Bà Mọi Hú
- Ba Con Cáo
- Nhốt Gió
- Đồng Đội
- Rừng Mắm
- Thôn Quả Phụ,tham Luận Quanh Chủ Đề "x"
- Gạn Tâm
- Nhật Kí Hành Quân Trong Chiến Trận Nguyễn -tây Sơn
- Chiều
- Hợp Âm
- Hiệp Ước Sơ Bộ 6/3/1946 (phần I)
- Hiệp Ước Sơ Bộ 6/3/1946 (phần II)
- Hiệp Ước Sơ Bộ 6/3/1946 (phần III)
- Hiệp Ước Sơ Bộ 6/3/1946 (phần IV)
- Thơ Từ Nữ Triệu Vương
- Nói Chuyện Với Lại Nguyên Ân Về Việc Sưu Tập Những Tác Phẩm Đăng Báo Của Phan Khôi
- Thảo Trường, Nhà Văn Dấn Thân Với Nỗi Ý-thức Không Rời ...
- Vương Trí Nhàn: Đồng Đức Bốn Và Chất Hoang Dại Trong Thơ
- Những Câu Thơ, Một Thuở Quê Nhà
- Góc Phố Thời Gian
- Đi / Dành Dụm
- Hiếp
- Gió Không Chốn Ở
- Trăng Giữa Ban Ngày
- Cát Bụi Bay Về
- Lục Y Nhân Truyện
- Tấm Lòng
- Phụ Trang
Nguyên tác : Tiễn Đăng Tân Thoại
Tác giả : Cù Hựu
Bản dịch của : Phạm Xuân Hy
Triệu Nguyên người Nguyên Thuỷ tỉnh Cam Túc, mồ côi cha mẹ từ hồi còn bé, đến nay cũng chẳng vợ con gì.
Năm Diên Hựu nhà Nguyên, Triệu đến học ở Tiền Đường, trọ tại Cát Lãnh bên bờ Tây Hồ. Lân cận với nơi chàng ở trọ, là ngôi nhà của Thừa Tứơng Gỉa Tự Đạo đời Nam Tống. Triệu ở một mình, nên cảm thấy nhàn hạ thảnh thơi, thường quanh quẩn bồi hồi ra đứng ngoài cửa những khi chiều xuống.
Một hôm, chàng thấy một người con gái từ hướng đông đi lại. Aó đỏ. Tóc kết búi song song. Tuổi chừng mười lăm mười sáu. Tuy phấn son trang điểm không mấy đậm đà, nhưng tư sắc lộng lẫy diễm lệ hơn người. Triệu dán mắt chăm chú nhìn theo, mãi không biết chán.
Ngày hôm sau, chàng lại ra ngoài cửa. Lại cũng gặp người con gái ấy. Như thế nhiều lần. Cứ chiều tàn bóng ngả, thì lại thấy nàng đi qua.
Triệu bèn buông lời trêu ghẹo :
-Nương tử cư ngụ ở đâu, mà chiều nào cũng đi qua đây vậy !
Người con gái tủm tỉm cười, cúi đầu chào, đáp :
-Thiếp là láng giềng của công tử , mà sao công tử không biết ?
Triệu thử buông lời tỏ tình tán tỉnh, thì người con gái cũng vui vẻ ưng theo. Bèn lưu lại ngủ đêm, rồi cùng nàng tận tình hoan lạc.
Sáng sớm hôm sau, người con gái thức dậy sớm, từ giã ra về. Đêm lại đến. Như thế, hơn một tháng trời.Tình đậm ý nồng, áí ân thật là thắm thiết, Triệu mới hỏi tên họ và chỗ ở của nàng.
Thì đáp :
-Công tử chỉ nên biết là đã được gái đẹp thôi, hà tất gặng hỏi chỗ ở làm gì !
Cố cật hỏi thêm nữa, thì nàng trả lời :
-Thiếp thường thường mặc áo xanh, công tử cứ gọi thiếp là Lục Y Nhân cũng được.
Tuy thế, nhất định không chịu cho biết nhà cửa.
Triệu nghĩ thầm trong bụng, chắc nàng là vợ lẽ hay nàng hầu của một nhà phú gia cự thất nào đó, muốn ăn vụng ngoài, sợ lộ hình tích, nên mới dấu diếm chỗ ở. Chàng nửa tin nửa ngờ, lòng càng thêm yêu dấu quyến luyến nàng hơn.
Mội tối, Triệu uống rượu say, đùa chỉ vào áo nàng đang mặc nói :
- Lục hề y hề, lục y hoàng thường giả dã !
Khiến nàng nghe xong đỏ mặt, xấu hổ. Mấy đêm liền không đến.Chừng đến, Triệu mới cật hỏi.
Đáp :
-Thiếp những mong cùng công tử bạc đầu giai lão. Nỡ nào lại coi thiếp là hạng tôi đòi tì thiếp, khiến băn khoăn lòng dạ, xấu hổ, nên mấy ngày không dám bén mảng lại gần. Nhưng truyện đã rõ, thiếp cũng chẳng dấu diếm công tử làm gì.Để thiếp xin kể cặn kẽ cho công tử nghe.Thiếp với công tử vốn là chỗ cố cựu, nếu hôm nay chẳng phải vì mối cảm tình sâu đậm, thì thiếp chẳng thể nào đến đây được.
Triệu gạn hỏi duyên cớ.
Nàng bỗng tỏ sắc mặt buồn rầu, đáp:
-Nói ra, chẳng biết có làm chàng e ngại không ? Thực tình, thiếp chẳng phải là người trần thế, nhưng cũng không phải là loài ma hại chàng. Chẳng qua là số mệnh, túc duyên chưa hết đó thôi.
Triệu sợ hãi hỏi :
-Xin nàng cho biết rõ !
Nàng đáp :
-Tiền thế, thiếp là thị nữ bình văn của Thừa Tướng Gỉa Tự Đạo đời Tống trước đây, vốn con gái nhà lương thiện ở Lâm An, từ hồi còn rất nhỏ, đã giỏi đánh cờ, đến năm mười lăm tuổi thì nổi tiếng kỳ đồng, được tuyển làm thị nữ trong tướng phủ. Mỗi khi Thừa Tướng vào chầu vua trở về, thường đến nghỉ ngơi ở Bán Nhàn Đường, tất sẽ gọi thiếp ra hầu cờ, rất là yêu quý sủng ái. Khi ấy công tử là bộc nhân trong Gỉa phủ, lo việc pha trà, tạp dịch.Nên mỗi lần phải mang trà nước, đều co dịp đi qua hậu đừơng. Công tủ bấy giờ còn trẻ, dáng người đẹp đẽ thanh tú, thiếp gặp, rồi đem lòng ái mộ, thường bỏ tiền đầy vào túi thêu, kín đáo tặng cho công tử.Công tử cũng dùng phấn son đựng trong hộp đồi mồi tặng lại. Đôi ta dẫu có tình riêng trong lòng, nhưng Gỉa phủ nội ngoại nghiêm nghặt, nên chẳng có cơ hội bầy tỏ. Sau bị đồng bạn phát giác, dèm pha với Thừa Tướng, bị tứ tử ở dưới chân chiếc cầu gẫy ở Tây Hồ.Nay công tử đã chuyển thế làm người, còn thiếp vẫn là hồn ma linh lạc, há chẳng phải là mệnh số sao ?
Nói xong thì sụt sùi, khóc lóc, hai hàng châu rơi.
Triệu nghe nàng nói, vừa sót sa, vừa thương cảm cho thân phận của nàng.Một hồi lâu mới nói :
-Như thế, ta với nàng là duyên nợ tái sinh, tình càng phải thân ái, mới bù được túc nguyện tiền thế.
Từ đấy, nhất định lưu giữ nàng ở lại, không cho trở về nữa.
Triệu vốn chỉ võ vẽ nghề cờ, nay được nàng chỉ bảo, học được những chỗ áo diệu, tiếng tăm lừng lẫy, không ai địch lại.
Thỉnh thoảng Triệu lại được người con gái, đem những truyện mắt thấy tai nghe, xẩy ra trong Gỉa Phủ, cặn kẽ thuật lại cho nghe.
Nàng kể.
Có lần, Gỉa Tự Đạo ở trên Bán Nhàn Lâu, đứng dựa vào lan can, ngắm nhìn phong cảnh, cơ thiếp thị hầu vây quanh phục dịch. Chính lúc đó, có hai người thiếu niên đầu đội khăn đen, áo quần thường phục, đi thuyền từ giữa hồ ghé vào bờ.
Một người cơ thiếp thấy thế nói:
-Hai người con trai kia trông bảnh bao phiêu lương quá !
Gỉa Tự Đạo hỏi :
-Nhà ngươi có ưng lấy người ấy không, ta hỏi cho ?
Người cơ thiếp chỉ cười nhưng không nói gì.
Mấy hôm sau, Gỉa Tự Đạo cho bưng một cái hộp ra, rồi gọi tất cả các người cơ thiếp đến coi, và bảo với họ :
-Đây là sính lễ của người cơ thiếp hôm trước !
Khi mở nắp hộp ra xem, té ra cái đầu của người cơ thiếp đó. Tất cả các nàng cơ thiếp thấy thế, đều kinh hãi, run rẩy, bỏ đi.Gỉa Tự Đạo lại chuyên chở hàng trăm thuyền muối, đem đến các đô thành bán lấy lời. Nên bị người học trò trong Thái Học làm thơ,đặt vè châm biếm, chỉ trích.
Gỉa Tự Đạo nghe thấy thế, liền bắt người học trò ấy giam ngục,kết vào tội phỉ báng. Ông ta từng áp dụng chế độ “Công Điền Pháp” ở tây bộ Triết Giang, gây nhiều khổ cực cho dân chúng, nên có người làm thơ ta thán, cũng bị Gỉa Tự Đạo bắt sung quân đầy ra biên viễn.
Gỉa Tự Đạo từng đặt trai bố thí cho đạo sĩ. Số lượng đã lên đến hơn một ngàn người. Cuối cùng, có một đạo sĩ, áo quần rất là lam lũ đến cửa xin ăn. Người chủ sự, thấy số lượng đạo sĩ đã đủ, nên từ chối, không dẫn vào trong. Người đạo sĩ kiên trì thỉnh cầu. Bất đắc dĩ, chủ sự phải đem cơm cho người đạo sĩ đó ngồi ăn ngoài cửa. Ăn xong, đạo sĩ úp ngược cái bát xuống bàn, rồi bỏ đi.
Bọn gia bộc dùng hết sức cất bát lên, nhưng không dở lên nổi. Liền báo cho Gỉa Tự Đạo biết. Khi Gỉa Tự Đạo cất được chiếc bát đó lên, bên trong đáy bát phát hiện hai câu thơ tiên đoán cuộc đời của Gỉa Tự Đạo sẽ bị kết thúc ở Chương Châu.
Bấy giờ, Gỉa Tự Đạo mới biết rằng đó là một vị chân tiên giáng lâm, nhưng đã không có cái duyên gặp gỡ. Về hai chữ Chương Châu trong câu thơ, Gỉa chưa hiểu rõ cho lắm.Than ôi ! Nào ai ngờ Chương Châu chỉ vào Mộc Miên Am ở Chương Châu, nơi Gỉa bị Trịnh Hổ Thần giết chết.
Lại có người ngư phủ, buộc thuyền đậu bờ đê Tô, gặp lúc thịnh hạ, trời nóng bức oi ả, nằm ở đuôi thuyền, suốt đêm không sao nhắm mắt ngủ được. Thình lình thấy có ba người nhỏ bé, cao chưa đày một xích, họp nhau trên bãi cát bồi, một người trong họ bảo :
-Ông Trương đến rồi ! Biết làm sao đây ?
Một người đáp :
-Gỉa Bình Chương là người không có lòng nhân, chắc chắn sẽ không dung thứ cho chúng mình đâu.
Một người khác nói :
-Đệ kể như đã xong rồi, nhưng các huynh còn có thể được dịp thấy sự bại vong của nhà họ Gỉa.
Rồi ôm nhau khóc, mà lặn xuống nước.
Hôm sau, ngư phủ họ Trương câu được một con ba ba, đường kính dài hai xích, đem biếu vào Gỉa phủ. Qủa nhiên chưa đầy ba năm, tai hoạ giáng xuống nhà họ Gỉa. Mới hay, loài vật cũng có tiên kiến, nhưng mệnh số thì không thể nào tránh được.
Triệu nghe truyện, bèn hỏi người con gái :
-Việc tương ngộ kiếp này của ta với nàng, phải chăng cũng là mệnh số ?
Đáp :
- Đúng thế, đâu phải là truyện hư vong !
Lại hỏi :
-Tinh khí của nàng liệu có thể tồn tại lâu trên cõi đời được không ?
-Tới số, thì sẽ tan đi thôi !
Lại hỏi :
-Vậy đến bao giờ thì tan ?
-Ba năm nữa thôi .
Triệu không tin.
Nào ngờ, đến hạn kỳ ba năm, người con gái qủa nhiên lâm bệnh, không dậy nổi. Triệu cho mời thầy thuốc đến chữa, nàng không chịu uống, lại bảo với Triệu :
-Trước đây, thiếp đã từng bảo với chàng rồi. Tình nghĩa nhân duyên của thiếp với chàng đến đây là hết.
Rồi nắm lấy Triệu, ân cần quyết biệt :
-Thiếp lấy xác âm gian mà hầu hạ chàng, ơn chẳng chê bỏ. Quẩn quanh thấm thoát, đã từng ấy năm. Chỉ vì một chút cảm tình riêng tư tiền thế, mà cả hai đều sa vào hố sâu hoạ hoạn không lường. Nên dù, trời tan đất lở, bể cạn đá mòn, thì tình này cũng không bao giờ mai một. Nay, may mắn cùng chàng nối lại duyên xưa, hoàn thành lời ước cũ, cũng đã ban năm, túc nguyện như thế là đủ, vậy từ đây xin vĩnh biệt. Mong chàng đừng quyến luyến nhớ thương thiếp làm gì nữa !
Nói xong, nằm quay mặt vào vách tường, lay gọi, không thấy hồi đáp. Triệu cực kỳ đau khổ, đích thân mua sắm quan tài để khâm liệm ma cho nàng.
Lúc sắp đem chôn, thấy quan tài nhẹ bẫng, lấy làm lạ. Mở ra xem, thì không thấy xác nàng đâu cả. Chỉ còn quần áo, vải liệm, bông tai, kim xoa để lại. Liền đem hư táng ở dưới chân núi Bắc Mang Sơn.
Còn Triệu cảm động vì cái mối thâm tình của người con gái áo xanh, từ đấy không lấy vợ, đến tu ở Linh Ẩn Tự , sống nốt quãng đời thừa còn lại.
PHẠM XUÂN HY
( Dịch xong lúc 11:33 ngày 6-9-2005 )
Vài nét về tác giả .
Cù Hựu:
Lục Y Nhân Truyện được trích từ Tiễn Đăng Tân Thoại của Cù Hựu.
Cù Hựu tự là Tông Cát, biệt hiệu là Tồn Trai người Tiền Đường, nay thuộc Hàng Huyện tỉnh Triết Giang. Ông sinh năm Chí Chính nguyên niên nhà Nguyên tức năm 1341.Hồi còn trẻ nổi tiếng là người đa tài đa nghệ, giỏi thi thơ, nhưng thường bất đắc chí. Đầu năm Hồng Võ đời Minh Thái Tổ, Cù Hựu được lần lượt bổ nhậm làm Huấn Đạo tại Nhân Hoà, Lâm An, Tuyên Dương, rồi thăng làm Hữu Trưởng Sử trong Chu Vương Phủ. Khoảng năm Vĩnh Lạc đời Minh Thành Tổ, nhân làm thơ bị tội, đầy đến huyện Bảo An (nay là tỉnh Cam Túc) làm nhung thú, trải qua mười năm, đến năm Hồng Hy (tức năm 1425) đời vua Minh Tông mới được xá, về làm gia sư cho Anh Quốc Công ba năm, đến năm Tuyên Đức nhị niên thì mất, thọ tám mươi bẩy tuổi.
“Tiễn Đăng Tân Thoại” được viết vào khoảng Hồng Võ thập nhất niên, tức 1378, gồm bốn quyển, hai mươi truyện.Phần lớn những truyện trong Tiễn Đăng Tân Thoại đều lấy ma quỷ quái dị, hôn nhân luyến ái, làm đề tài phản ánh những hiện thực xã hội hắc ám, hủ bại dưới triều nhà Nguyên, cũng như chống lại những điều vô lý trong chế độ hôn nhân phong kiến cũ. Nhưng Tiễn Đăng Tân Thoại lại mạnh dạn tuyên dương tư tưởng “Trung, Hiếu, Tiết , Nghĩa” và những phong tục mê tín quỷ thần.Một số truyện mang mầu sắc nhân qủa báo oán của nhà Phật.
Ngoài Tiễn Đăng Tân Thoại, được người đời truyền tụng và khen là có những ngôn từ hoa lệ, uỷ uyển như “ôm thuý ấp hồng”,ảnh hưởng rất nhiều đối với loại tiểu thuyết truyền kỳ sau này của Thanh triều, như Liêu Trai Chí Dị,Dạ Vũ Thu Đăng Lục, Cù Hựu còn để lại cho đời sau một số tác phẩm như :
- Hương Đài Tập
- Du Nghệ Lục
- Tồn Trai Loại Biên
-Qui Điền Thi Thoại.
-Vịnh Vật Biên
-Nhạc Phủ Di Âm
Vaì hàng chú thích của Phạm Xuân Hy :
Diên Hựu :
Vua Nhân Tông nhà Nguyên ( tên là Kỳ Ốc Ôn Aí Dục Lê Bạt Lực Bát Đạt) lên ngôi năm 1311, trong thời gian ở ngôi lấy hai niên hiệu là :
-Hoàng Khánh từ năm 1312 đến năm 1313.
-Diên Hựu từ năm 1314 đến năm 1320.
Tiền Đường :
Tiền Đường là một huyện thuộc thành phố Hàng Châu tỉnh Triết Giang ngày nay.Thời Xuân Thu, Hàng Châu là vùng đất thuộc Ngô Việt. Khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, tại Tô Châu đặt quận Cối Kê, và lập huyện Tiền Đường ở đấy.Đến nhà Đường vì Đường là quốc hiệu mới thêm bộ thổ ở bên thành Đường, trị sở ngày nay ở phía tây chân núi Linh Ẩn Sơn.
Tây Hồ:
Tây Hồ được xếp vào một trong mười thắng cảnh đẹp nhất của Trung Quốc, nằm tại tây thành phố Hàng Châu, tỉnh Triết Giang.Thời cổ gọi là Võ Lâm Thuỷ,Tiền Đường Hồ.Thời nhà Hán gọi là Minh Thánh Hồ, Tây Tử Hồ,Kim Ngưu Hồ.Từ đời Tống trở đi mới quen gọi là Tây Hồ.
Hồ có hình gần như bầu dục, diện tích 5.2 cây số vuông.Ba phía bao quanh bởi núi, một mặt sát với thành phố.Những ngọn núi chủ yếu như Ngọc Tuyền Sơn,Nam Cao Phong, Bắc Cao Phong, Phi Lai Phong. Trong núi có nhiều suối nước trong, nổi tiếng như Tỉnh Long Tuyền, Hổ Bào Tuyền, Ngọc Tuyền, Yên Hà Động, Tử Vân Động. Giữa hồ có Cô Sơn, Bạch Đê (tương truyề là do Bạch Cư Di xây cất) và Tô Đê (tương truyền là do Tô Thức xây cất), ngăn cách hồ thành Ngoại Tây Hồ, Lý Tây Hồ, Hậu Tây Hồ, Tiểu Nam Hồ; và Nhạc Hồ.Bên trong hồ có bốn hòn đảo là Tiểu Doanh Châu, Cô Sơn, Hồ Tâm Đình, và Nguyễn Công Đông. Hơn bốn chục phong cảnh danh thắng được phân bố trên một vùng đất chung quanh hồ rộng chừng 40 cây số, đươc vang danh trung ngoại là Tây Hồ Thập Cảnh.
Các nhân vật lịch sử, văn học, thi nhân nổi tiếng như Bạch Cư Dị, Tô Thức, Nguyễn Nguyên, Vu Khiêm, Nhạc Phi, Thu Cẩn từng có dịp đến đây du lãm và để lại nhiều bài thơ, tranh vẽ, khiến Tây Hồ trở thành nơi cổ tích văn vật.
Gỉa Tự Đạo:
Gỉa Tự Đạo sinh năm 1231, người Đài Châu, cuối thời Nam Tống, tự là Sư Hiến (nay thuộc Lâm Hải tỉnh Triết Giang), là em của Gỉa quý phi của vua Tống Lý Tông.
Năm 1249, Gỉa Tự Đạo làm Kinh, Hồ An Phủ Sứ. Năm làm Hữu Thừa Tướng được lịnh đem quân đi cứu Ngạc Châu (nay là Võ Xương tỉnh Hồ Bắc) nhưng lại lén lút xin hoà với Hốt TTất Liệt, nạp cống xưng thần, rút quân về thì lại nói dối là “đại thắng”. Sau đó, chuyên quyền nhiều năm, đóc thúc võ tướng bằng những pháp luật nặng nề, áp dụng chế độ “công điền pháp”, mua rẻ đất đai của dân chúng.
Đến thời Tống Độ Tông, quyền hành càng lớn, được phong làm Thái Sư Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự. Các vấn đề quan trọng đều được quyế định tại nhà riêng của Gỉa Tự Đạo ở Cát Lãnh Tây Hồ. Khi thành Tương Dương bị quân Nguyên tấn công mấy năm, Gỉa dấu nhẹm tin tức, không cho vua biết, và không đem hết toàn lực ra chi viện.
Năm 1275, khi quân Nguyên duyên theo song Trường Giang xuống đánh phía đông, Gỉa Tự Đạo bị ép phải xuất binh, nhưng bị thua tại Lỗ Cảng, rồi bị cách chức khi đi đến Mộc Miên Am ở Chương Châu Phúc Kiến bị Trịnh Hổ Thần giết.
Lục hề y hề, lục y hoàng thường giả dã:
Đây là một câu trong Kinh Thi, có ý so sánh sự tôn ty giữa “lục y” và “hoàng thường”. Cổ xưa coi mầu vàng là màu chính, màu xanh là màu phụ.Mầu vang dùng may áo ngoài, màu xanh may áo kép, mặc độn ở bên trong.Vì người con gái mặc áo màu xanh-lục y, nên bị Triệu nói bóng là áo độn, áo phụ, người tỳ nữ. Thành ngữ “Lục y hoàng thường” cũng được rút từ câu này.
Lâm An :
Lâm An là tên gọi của một phủ, do nhà Tống lập ra, trị sở tại Tiền Đường (nay thuộc thành phố Hàng Châu, tỉnh Triết Giang ).Thời Nam Tống nơi đây rất phát đạt về công, thương nghiệp, dân cư đông đúc. Đến thời kỳ nhà Nguyên, Lâm An từng được Marco Polo coi khen là thành phố hoa lệ giầu có nhất thế giới.
Tô Đê :
Đê này tương truyền là do Tô Thức dựng lên, nên mang tên ông, còn gọi là Tô Công Đê,ở mé tây của Tây Hồ, là một trong mười thắng cảnh nổi tiếng của Tây Hồ.
Gửi ý kiến của bạn