- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Hiệp Ước Sơ Bộ 6/3/1946 (phần II)

26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 9125)
2. Hoà Ước Trùng Khánh (28/2/1946):

Giữa tháng 1/1946, d’Argenlieu cử Tướng Jean Etienne Valluy về Paris, mang theo một hồ sơ mật và thư riêng cho de Gaulle, xin đẩy mạnh thương thuyết để sớm thực hiện “kế hoạch bí mật H,” hoặc “hành quân Bentre”–với ý định gương cao lá cờ tam tài ở Hà Nội ngày 9/3/1946, tức đệ nhất chu niên ngày Nhật lật đổ chế độ Vichy Jean Decoux. Buổi họp ngày 27/1 tại Quai d’Orsay, do Valluy yêu cầu triệu tập, quyết định tiếp tục “cắt nhượng.” Ngày 7/2, Ủy ban Liên Bộ về Đông Dương (Comindo) đồng ý nhường thêm phần đường xe lửa trong lãnh thổ Vân Nam; trừ tiền ứng trước quân phí vào số tiền bồi hoàn chiến tranh của Nhật; và Pháp trả giúp tiền mua phần đường xe lửa trên (do công ty tư Pháp làm chủ).

Ngoại kiều phủ cảm thấy đã hài lòng. Ngày 16/2, Trùng Khánh đồng ý hạn chót rút quân vào ngày 30/3/1946. Bốn ngày sau, 20/2, Ủy ban Đông Dương chấp thuận dự thảo Hoà ước với vài sửa đổi nhỏ.( 17)

Ngày 28/2/1946, Ngoại trưởng Vương Thế Kiệt [Wang Shih-chiek] và Meyrier chính thức ký Hiệp ước Pháp-Hoa; gồm những văn kiện sau:

- Hủy bỏ quyền tài phán của Pháp tại Trung Hoa, kể cả Quảng Châu Loan [Văn?] (đã thoả thuận từ ngày 18/8/1945).

- Một hiệp ước về liên hệ Hoa-Pháp, kể cả điều kiện cắt nhượng cho Trung Hoa phần đường xe lửa Hải Phòng/Vân Nam nằm trên lãnh thổ Vân Nam.

- Một văn kiện bí mật về việc võ trang cho 5,000 thường dân Pháp ở Hà Nội [không công bố].

- Ba văn kiện trao đổi giữa Meyrier và Kiệt, khẳng định quân Trung Hoa sẽ rút từ 15/3 tới 31/3/1946; số tiền ứng trước 60 triệu đồng mỗi tháng, từ 1/9/1945 tới 28/2/1946, và lời hứa sẽ thương thảo thêm về số tiền phụ trội cần thiết sau ngày 28/2. Phần chính phủ Trung Hoa đồng ý ứng trước cho quân Pháp đang đồn trú trên lãnh thổ Trung Hoa (Thượng Hải, Quảng Châu Loan) số tiền 600 triệu quan kim, sẽ bồi hoàn trong vòng 6 tháng.( 18)

Tuy nhiên, việc thay quân Trung Hoa không theo đúng dự kiến của cả Paris lẫn d’Argenlieu. Ngày 1/3, khi Meyrier yêu cầu Trung Hoa ký ngay phụ ước quân sự để Pháp có thể đổ bộ Hải Phòng ngày 5/3 và ngược lên Hà Nội ngày 8/3, Trung Hoa từ chối, nêu lý do cần được Tướng McArthur phê chuẩn. Ngày 4/3, TH lại đặt thêm điều kiện Pháp phải đạt được thỏa thuận với Việt Nam.

Sự đình trễ của Trung Hoa khiến Pháp ít nhiều nghi ngờ rằng có áp lực của giới chức Mỹ. Sự hiện diện ở Sài Gòn từ tháng 1/1946 của Phó vụ trưởng Đông Nam Á Kenneth P. Landon dường giúp xác tín sự nghi ngờ này. Chẳng hiểu chuyến đi của Landon có liên hệ gì đến đề nghị ngày 28/2 của Trùng Khánh là Mỹ và TH cùng đứng ra hòa giải cuộc tranh chấp Pháp-Việt hay chăng. (19)

Tưởng nên ghi nhận thêm vai trò Tổng Lãnh sự Trung Hoa ở Hà Nội, Yuen Tsi-kai, trong việc thương thuyết. Tới Hà Nội từ tháng 10/1945, Yuen liên hệ tốt với chính phủ HCM. Mặc dù hiểu rằng HCM muốn trục xuất quân TH càng sớm càng tốt, nhưng Yuen tin rằng Việt Nam phải được độc lập. Theo Lãnh sự Mỹ James O’Sullivan, Yuen nói nếu Việt Nam được độc lập mà trở thành tay sai Mat-scơ-va, TH dễ hành động hơn. Yuen còn nhận định thêm:

1/ Pháp muốn tái lập một chế độ tiền chiến ở Đông Dương;

2/ Hồ được sự ủng hộ của hầu hết dân chúng;

3/ Pháp không đủ binh lực và trang bị để đạt được chiến thắng quân sự;

4/ Pháp không hiểu rằng thế giới đã thay đổi suốt 7 năm qua. (20)

Vì nhiệm vụ chính của Yuen là bảo vệ quyền lợi Hoa kiều ở Đông Dương, Yuen ít nhiều ảnh hưởng đến việc thương thuyết Pháp-Hoa, hay lời đề nghị Mỹ can thiệp.

B. Yếu tố Pháp:

Pháp thoạt tiên chỉ chú tâm thương thuyết với Trung Hoa để đưa quân ra phía Bắc vĩ tuyến 16. Mặc dù Alessandri và Pignon tiếp xúc với HCM từ thượng tuần tháng 10/1945, đây chỉ là những thăm dò sơ khởi. Việc tiếp xúc, thảo luận với các phe phái Việt Nam khác cũng nhắm mục đích thông tin, tuyên truyền cho Tuyên ngôn “24/3/1945”, do Bộ trưởng Thuộc địa Paul Giaccobi công bố tại Paris ngày 25/3/1945.

Muốn hiểu rõ tâm ý người Pháp không thể không lược duyệt qua nội dung Tuyên ngôn 24/3/1945 và quan điểm người được giao trách nhiệm hiện thực nó, tức Cao Ủy d’Argenlieu.

1. “Tuyên ngôn 24/3/1945”

Văn kiện này được khai sinh khẩn cấp nhằm đáp ứng nhu cầu phản tuyên truyền kế hoạch trao trả độc lập cho ba nước Đông Dương của Nhật sau chiến dịch Meigo (9-10/3/1945). Tác giả là Henri de Laurentie, Tổng Giám đốc chính trị vụ Bộ Hải ngoại, với sự phụ tá của R. Saller. Theo sơ thảo đầu tiên, Liên Bang Đông Dương sẽ gồm 5 xứ, với những quyền tự trị rộng rãi. Trong mùa Xuân 1945, Jean de Raymond, Trưởng đoàn Thuộc Địa Pháp tại Calcutta, chỉ thị các phái viên phải luôn mang theo mình bản Tuyên Ngôn để tham khảo người bản xứ. (21)

Ngày 20/8/1945, để chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của de Gaulle, Paris mới bạch hóa 5 nguyên tắc về tự trị kinh tế của Liên Bang Đông Dương: tự trị quan thuế, tự do hối xuất giữa đồng Đông Dương và đồng franc [quan]; tự trị viện hối đoái; không áp dụng luật quốc hữu hoá và các phương thức chỉ huy kinh tế tại Pháp; và quyền tự do kinh tế cho người nước ngoài. Ngày 24/8, De Gaulle cũng tuyên bố tại Oat-shinh-tân sẽ thiết lập một chế độ mới ở Đông Dương. Chính phủ Đông Dương gồm cả người bản xứ và kiều dân Pháp tại đây, do một đại diện Pháp chủ tọa. Sẽ có một nghị viện và một nền kinh tế tự do. (22)

Tưởng cũng nên ghi thêm, từ đầu năm 1945, de Gaulle đã thiết lập một văn phòng Ủy Ban Liên Bộ đặc trách vấn đề Đông Dương (Comindo) tại Phủ Thủ tướng. Tất cả mọi quyết định về Đông Dương đều phải qua Comindo. Francois de Langlade–một cựu Giám đốc đồn điền cao su ở Malaysia từng hoạt động với Lực lượng [Force] 136 tại Bộ Tư lệnh Đông Nam Á của Bri-tên, hai lần đột nhập Đông Dương để chiêu hồi Decoux–được cử làm Tổng Thư ký. Vì chính phủ de Gaulle qui tụ đại đa số đoàn viên Pháp tự do, sự phối hợp giữa Comindo và Bộ Hải ngoại khá chặt chẽ. Sau ngày de Gaulle từ chức, Thủ tướng Gouin, thuộc Đảng Xã Hội, giao cho Moutet nắm Bộ Hải ngoại. Moutet dần dần chi phối Ủy Ban Đông Dương, và đưa Labrouquère lên thay de Langlade ngày 15/4/1946.

Dù những biến cố tại Đông Dương và Á châu khiến ngay đến chủ quyền thuộc địa của Pháp cũng bị đe dọa triệt tiêu, Moutet và chính khách Pháp đều không muốn thay đổi tinh thần Tuyên ngôn 24/3/1945, tức tái lập một Liên bang Đông Dương thuộc Pháp.

2. D’Argenlieu:

Được de Gaulle đích thân chọn làm Cao Ủy, và đặc cách lên Phó Đô đốc trước khi nhiệm chức, Linh mục d’Argenlieu coi Tuyên ngôn 24/3/1945 như một thánh kinh thứ hai. D’Argenlieu tự cho mình sứ mệnh phục hồi sự vĩ đại của nước Pháp, bằng cách cho ý niệm Liên Bang Đông Dương những phần thịt xương.

Ngày 18/11/1945, trong báo cáo lên De Gaulle, D’Argenlieu kiêu hãnh nhấn mạnh: “Sự hiện diện của tôi ở đây là nhắm thực hiện Tuyên ngôn 24/3/1945.” Gần một tháng sau, ngày 17/12, D’Argenlieu tự nhận đã thành công đầy khích lệ trong sứ mệnh biến Tuyên ngôn 24/3/1945 thành một thực thể sinh động, mà tiêu biểu nhất là sự thiết lập Hội đồng Liên bang [Conseil fédéral], tiền thân của chính phủ tương lai, từ ngày 1/11/1945.( 23)

Hai đơn vị kiểu mẫu của Liên Bang Đông Dương dự trù là Kampuchea và Nam Kỳ. Ngày 7/1/1946, vua Norodom Sihanouk chấp nhận tự trị trong Liên Bang Đông Dương thuộc Khối Liên Hiệp Pháp. Nhưng tình hình Nam Kỳ không diễn tiến như Cao ủy mong muốn. Dù quân Pháp chiếm đóng một số vị trí và trục lộ chiến lược, lực lượng kháng chiến Việt tiếp tục hoạt động. Dẫu vậy, d’Argenlieu vẫn xúc tiến thành lập nước Nam Kỳ bằng cách phát động phong trào đòi “Nam Kỳ của người Nam Kỳ” và rồi bổ nhiệm Hội đồng Tư Vấn Nam Kỳ vào tháng 2/1946, cho nỗ lực chiến lược “Bình định”, tức tiêu diệt các hành động “khủng bố” của “phản loạn” và “quân cướp bóc,” những thành phần Việt Minh bất mãn, những cựu tội phạm. (24)

Riêng với Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ, đề nghị ngày 7/12/1945 của Pignon và chỉ thị ngày 12/2/1946 của D’Argenlieu cho Sainteny cũng nhấn mạnh đòi hỏi Hà Nội phải tham gia Liên Bang Đông Dương. (25)

3. Thương thuyết Pháp-Việt:

Những cuộc bạo động chống Pháp kiều ở Hà Nội trong tháng 10/1945 mở đường cho Pháp và Việt Minh chính thức thảo luận. Ngày 15/10, Sainteny được gặp Hồ Chí Minh.

Sainteny đã từ Côn Minh trở lại Hà Nội ngày 8/10 với phương vị Ủy Viên Cộng Hòa Bắc Kỳ, cùng một số nhân viên mới thuộc Đoàn Thuộc Địa. Tuy nhiên, các cấp chỉ huy quốc quân TH chẳng mấy thiện cảm. Ngay tại phi trường Gia Lâm, Sainteny đã bị binh sĩ TH gây trở ngại, lục soát hành lý; phải nhờ Đại tá Mỹ Stephen Nordlinger can thiệp, mới được vào Hà Nội. Ngày 16/10, Sainteny còn bị bắt giữ ít giờ; và cũng chỉ được tha nhờ Mỹ can thiệp.( 26)

Ngày 3/11, Việt Nam đề nghị nói chuyện với Pháp về an ninh, trật tự ở Hà Nội. Từ đó, Sainteny bắt đầu mật đàm với Thứ trưởng Ngoại Giao Hoàng Minh Giám và HCM. Thương thuyết tiến triển tốt đẹp hơn sau khi HCM tuyên bố tự giải tán đảng CSĐD, hiệu lực từ ngày 11/11/1945.

Đầu tháng 12/1945, Hồ, Giám và Giáp gặp Sainteny, Salan, Pignon (cố vấn chính trị của Sainteny), và Louis Caput, lãnh tụ Xã Hội tại miền Bắc, chính thức mật đàm. Vấn đề cơ bản Hồ nêu lên là chính phủ Pháp phải chấp nhận nguyện vọng độc lập công bố ngày 2/9/1945. Ngày 4/12, Giám thúc dục Pignon sớm đạt thỏa ước, và tiết lộ Hồ muốn gặp d’Argenlieu. Ba ngày sau, 7/12, Pignon giao cho Giám một dự thảo Hiệp ước, gồm 2 điểm chính yếu:

(1) Đồng ý cho Việt Nam được thể hiện đòi hỏi “tinh thần quốc gia annamite, đổi lại, Việt Nam nhìn nhận quyền lợi [droits et intérêts] chính đáng của Pháp tại Viễn Đông và Thái Bình Dương;” và,

(2) Phương thức tìm kiếm là dành cho dân annamite một nền “độc lập tương dung với khả năng duy trì” [compatible avec son maintien], trong khuôn khổ Liên Bang Đông Dương và Khối Liên Hiệp Pháp. (27)

Giám đề nghị sửa phần đầu thành “cho dân chúng Annamite thỏa mãn nguyện vọng chính đáng độc lập quốc gia, đổi lại, Việt Nam nhìn nhận quyền lợi chính đáng của Pháp tại Viễn Đông và Thái Bình Dương.” (28)

Hôm sau, Giám yêu cầu gặp Pignon ngày 9/12, và tiết lộ sợ Trung Hoa làm đảo chính trước ngày dự trù bầu cử quốc hội, 23/12/1945. Trong buổi gặp mặt ngày 9/12, Giám nói một chính phủ Liên Hiệp sẽ thành lập trong tương lai gần.

Một tuần sau, 16/12, Pignon vào Sài Gòn báo cáo kết quả mật đàm với d’Argenlieu. D’Argenlieu cảm thấy chẳng cần vội vã, muốn đợi kết quả cuộc bầu cử dự định tổ chức vào ngày 23/12 (mà dư luận Pháp không tin Việt Nam đủ khả năng thực hiện). Ngày 18/12, do áp lực TH, Hồ phải dời ngày bầu cử tới 6/1/1946. Hai ngày sau, 20/12, Pignon trở lại Hà Nội với đề nghị d’Argenlieu sẽ gặp Hồ trên chiến hạm Richelieu ngoài khơi Đồ Sơn khoảng cuối tháng 12/1945. Nhưng ngày 24/12 Sainteny yêu cầu tạm gác cuộc hội kiến d’Argenlieu-Hồ Chí Minh vì Trung Hoa chưa chấp thuận, và nó có thể khiến Hồ bị lật đổ.( 29)

Một trong những lý do khác khiến d’Argenlieu chưa muốn đạt thỏa ước là sự xuất hiện của một “nhân tố mới” ở Paris. Ngày 14/12, de Gaulle đột ngột tiếp kiến Thiếu tá Vĩnh San (1900-1945), tức cựu hoàng Duy Tân (1907-1916)–đã bị truất phế vào tháng 5/1916 vì tội “làm loạn,” rồi đầy qua Réunion. Nhưng cái chết đột ngột ngày 26/12/1945 của Vĩnh San khiến d’Argenlieu chẳng còn lựa chọn nào khác hơn phải đương đầu một đối thủ mà Cao ủy tri nhận được khả năng, nhưng có phần lo ngại về liên hệ với Quốc Tế Cộng Sản. Kế hoạch chấp thuận cho Việt Nam một thứ “độc lập compatible [tương dung]” mà d’Argenlieu muốn dành cho “nhân tố mới” trong mật thư ngày 28/12 gửi de Gaulle–do đích thân Thiếu tá Paul Mus mang về Pháp–cũng tan theo giấc mơ đẹp.( 30)

Từ đầu năm 1946, D’Argenlieu trở lại với lập trường cũ: Không độc lập, không self-government mà chỉ tự chủ [maitre de chez-lui]. Sự trì trệ này có thể liên hệ đến niềm tin ở Paris rằng khoảng đầu Xuân 1946, quân Pháp có thể làm chủ tình hình Đông Dương.( 31)

Giữa thời gian này, lãnh tụ nhóm Gaullist đột ngột từ chức ngày 20/1/1946. Cùng ra đi với de Gaulle là chính sách luật kẻ mạnh. Cuối tháng 1/1946, sau khi chính phủ Gouin (1-6/1946) thành lập, có sự thay đổi đáng kể trong chính sách Pháp. D’Argenlieu được lệnh xúc tiến nhanh việc thương thuyết.

Nhưng d’Argenlieu vẫn kiên trì. Sau khi được công điện ngày 6/2/1946 của Sainteny xin nối lại mật đàm với Hồ, Cao Ủy đích thân soạn một chỉ thị để hướng dẫn Sainteny trong thời gian mình vắng mặt. Chỉ thị ngày 12/2/1946 gồm những điểm cơ bản sau:

(1) VN không được chủ trương tách rời khỏi Pháp hay từ chối những quyền lợi của Pháp.

(2) Pháp sẽ không sử dụng võ lực để bảo vệ quyền lợi cùng sự an ninh của kiều dân Pháp.

(3) Pháp sẽ thỏa mãn nguyện vọng của dân Việt và tuyên bố chính phủ Hà Nội được tự do và làm chủ chính mình.

(4) Nước Pháp sẽ kêu gọi dân Pháp ủng hộ chính phủ Hà Nội bằng viện trợ chuyên viên kỹ thuật cũng như hành chính.

(5) Chính phủ Hà Nội phải tham gia Liên Bang Đông Dương.

(6) Chính phủ Hà Nội bảo đảm cho Pháp kiều được hưởng quyền pháp nhân riêng.

(7) Không bảo đảm Việt Nam được thống nhất ba kỳ. Dành cho Nam Kỳ quyền quyết định khi thời điểm đến.

(8) Tạm thời không dùng tiếng độc lập, hay self-government; vì không có từ tương đương trong Pháp ngữ.( 32)

D’Argenlieu còn gửi thư riêng cho Sainteny, phân tích về yếu tố Trung Hoa, và một thư khác cho Hồ Chí Minh, mong muốn đạt được hiệp ước càng sớm càng tốt.

Thứ Bảy, 16/2, Sainteny báo tin vui về Paris: Hồ đồng ý thay tiếng độc lập bằng self-government [tự chủ], trên nguyên tắc gia nhập Liên Hiệp Pháp, và cho quân Pháp thay quân Trung Hoa phía Bắc vĩ tuyến 16. Đổi lại, Pháp phải hứa hẹn sẽ thảo luận tương lai Nam Kỳ; và, chính phủ Pháp phải trả lời tức khắc. (33)

Được Ủy Ban Liên Bộ chấp thuận, ngày 21/2, D’Argenlieu đồng ý cho Việt Nam self-government, nhưng không chấp nhận nguyên tắc thống nhất ba kỳ, và Nam Kỳ sẽ tự do quyết định vị thế tương lai [La Cochinchine décidera librement elle-même de sa position future vis-à-vis du Vietnam].( 34)

Tại Paris, Moutet và ngay cả Phó Thủ tướng Maurice Thorez của Đảng Cộng Sản Pháp cũng chống việc giao trả Nam Bộ cho chính phủ liên hiệp VNDCCH mới thành lập ngày 1/1/1946. Nếu tin được lời chứng của d’Argenlieu, chiều ngày 22/2, Thorez từng tuyên bố:

“Quốc kỳ của chúng ta trên hết! Vậy nếu cần đánh, cứ đánh, nện cho nặng vào.” [“Nos couleurs avant tous! Et donc s’il faut cogner, cognez et cognez dur.”].( 35)

Cuối tháng 2/1946, còn lại ba vấn đề ngoại giao, Liên bang Đông Dương, và Nam Bộ. D’Argenlieu chẳng có gì vội vã, hy vọng việc ký hiệp ước Pháp-Hoa sẽ khiến Hồ mềm dẻo hơn. (36)

Ngày 28/2, d’Argenlieu cũng giao cho Leclerc làm đại diện ở miền Bắc để điều động kế hoạch bí mật H, tức đổ quân ở Hòn Gai và Hải Phòng. Nhưng cả d’Argenlieu lẫn Leclerc đều không ngờ là hai ngày trước, 26/2, Việt Cách làm đảo chính ở Hòn Gai, phá hỏng kế hoạch giương cao lá cở tam tài ở Hòn Gai ngày 6/3/1946. (37)

Niềm hy vọng cuối cùng chỉ còn là các điều khoản của Hiệp ước Trùng Khánh và thiện chí hợp tác của quan tướng Trung Hoa tại Hải Phòng.

(còn tiếp)

Chính Đạo

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12245)
(Xem: 13782)
(Xem: 15057)
(Xem: 14636)
(Xem: 14627)
(Xem: 15230)
(Xem: 14065)
(Xem: 13816)
(Xem: 13852)
(Xem: 14741)