- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Hiệp Ước Sơ Bộ 6/3/1946 (phần III)

26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 8187)
C. Yếu tố Việt Nam:

Lập trường hoà đàm đầu tiên của Hồ là Pháp phải chấp nhận nền độc lập và sự thống nhất lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng từ tháng 11/1945, Hồ mềm dẻo hơn. Một trong những lý do là áp lực nặng nề của Trung Hoa và các phe chống Cộng.

1. Giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương:

Hành động độc đáo nhất của Hồ giữa cảnh trên búa dưới đe vào tháng 11/1945 là giải tán Đảng CSĐD–một quyết định đến nay vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Theo Cờ Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của Đảng CSĐD, Ban Chấp hành trung ương Đảng họp ngày 5/11/1945, “nghị quyết tự động giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương từ ngày 11/11/1945. Những tín đồ của Chủ nghĩa CS muốn tiến hành việc nghiên cứu chủ nghĩa sẽ gia nhập Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mã Khắc Tư [Marxist] ở Đông Dương.” Trường Chinh–người chống đối việc giải tán Đảng–được cử làm Tổng Thư ký.( 38)

Động cơ của việc giải tán Đảng CSĐD thường được biết như nhắm tránh sự tiêu diệt của quốc quân Trung Hoa, giải tỏa sự nghi ngờ của dư luận quốc tế, đặc biệt là Liên bang Mỹ, và đoàn kết tinh thành với các phe nhóm để bảo vệ độc lập, tự do. Không ít người cho rằng việc giải tán Đảng CSĐD chỉ nhằm “đánh lừa” phe tư sản. Hoàng Tùng (Trần Thọ)–cựu Bí thư Hải Phòng, rồi chánh văn phòng của Trường Chinh, Tổng biên tập báo Nhân Dân–đưa ra lập luận này. Trong thập niên 1990, tại Việt Nam, người ta truyền tay nhau một bản “hồi ký” của Hoàng Tùng, cho rằng HCM muốn “lừa” địch; nhưng địch không bị lừa, mà chính “phe ta” sinh ra nghi ngờ, nên không ủng hộ VNDCCH trong giai đoạn 1946-1949.

Tình báo Pháp cũng ghi nhận quyết định giải tán Đảng CSĐD của Hồ đã tạo nên sự bất mãn và nghi ngờ của Văn phòng Ban Phương Đông [Dalburo] Thượng Hải, đưa đến những lời cáo buộc nặng nề như “bán mình cho đế quốc” và “phản bội” dân tộc Việt Nam và giai cấp công nhân vào mùa Hè 1946. Vẫn theo tình báo Pháp, mùa Hè 1946, Dalburo Thượng Hải còn gửi phái đoàn bí mật qua Hà Nội để điều tra về quyết định rất “phản động” trên.( 39)

Nhưng để hiểu rõ hơn quyết định lịch sử này, không thể không duyệt xét lại kinh nghiệm cá nhân của HCM, qua hơn hai thập niên hoạt động cho QTCS, trước khi lên cầm quyền. Sự tiếp cận với chủ thuyết Cộng Sản của HCM, cần nhấn mạnh, không do sự quyến rũ hay thâm sâu của Marxist-Leninism–một hình thái Nga hóa sơ khởi thuyết Karl Marx–mà ngày đó HCM chưa nghiên cứu kỹ lưỡng. Hồ đã đến với Đảng Cộng Sản Pháp và rồi Đệ Tam QTCS, tức Liên Sô, từ năm 1920-1923 phần lớn vì thời điểm này chỉ có Mat-cơ-va bày tỏ thiện cảm với các nước bị Tây phương xâm chiếm, gọi chung là các nước thuộc địa hay bán thuộc địa. Hồ nhiều hơn một lần, khẳng định điểm này.

Dĩ nhiên, chủ nghĩa Cộng Sản tự nó có sức quyến rũ của một thứ giả tôn giáo (pseudo-religion), chẳng phải xa lạ với Đông phương: đó là lấy tài sản phi nghĩa của tham quan, ô lại, hay cường hào, ác bá (kẻ giàu có, gian ác), chia cho đám đông đói khổ. Những anh hùng phổ thông trong dân gian tại Trung Hoa hay Việt Nam là những Đơn Hùng Tín hay 108 anh hùng Lương Sơn Bạc (Thủy Hử). Và viễn tượng của một xã hội cộng sản, đại đồng–ở đó mỗi người hưởng theo nhu cầu, làm theo khả năng; nhà nước tức guồng máy thư lại tự tan biến đi [withering away] mà Marx hay Engels hoang tưởng đã từng hiện hữu trong các xã hội nguyên thủy, dù chẳng hề được chứng nghiệm–mang sức quyến rũ chẳng kém gì cõi thiên đường sau khi chết của các tôn giáo Đông Tây. (40)

Nhưng vào đường hoạt động, HCM dần dần khám phá ra những sự thực cay đắng ở hậu trường sân khấu. Quốc gia nào cũng có những quyền lợi tư riêng ẩn dấu sau những chiêu bài truyền đơn, khẩu hiệu đẹp đẽ. Việc khai tử bí danh Nguyễn Ái Quốc tại Mat-scơ-va vào mùa Hè 1932 (và dưới chính ngòi bút của Thống đốc Hong Kong ngày 19/1/1933, vì “ho lao và nghiện thuốc phiện”)–tám năm ăn không ngồi rồi, chẳng được giao phó một công tác nào vì đã lầm lỗi khai sinh Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 6/1/1930–viết nên những tài liệu bị chính đồng chí mình tại Đại học Phương Đông chỉ trích là nặng tinh thần cải lương quốc gia, đầu cơ–không được ra công khai với những vợ con cách mạng của mình, v.. v...– lời tuyên bố tâm đắc của Hồ, “Tôi thuộc Đảng Việt Nam,” hay lý lịch tự khai “Đảng Quốc Gia” khi công bố danh sách chính phủ lâm thời ngày 2/9/1945, cần được hiểu dưới ánh sáng lịch sử khoa học hơn những lý luận giáo điều hay những lời nguyền rủa, chỉ trích đầy xúc động.

Quyết định giải tán QTCS của Josef V. Stalin năm 1943 cũng ảnh hưởng trên quyết định của Hồ. Từ ngày này, vì lý do sinh tồn, Hồ bắt đầu nghiên cứu thêm về tam dân chủ nghĩa của Tôn Dật Tiên và hệ thống chính trị dân chủ Mỹ. Không chỉ dịch tác phẩm của Tôn Dật Tiên và Tưởng Giới Thạch qua Việt ngữ cho cán bộ Việt Minh học tập, Hồ còn dùng ngay câu mở đầu của Bản Tuyên ngôn độc lập Mỹ để bắt đầu Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 của mình. Ngày 13/9/1946, Hồ vẫn còn khẳng định với nhân viên ngoại giao Mỹ tại Paris mình không phải là Cộng Sản. Và tại Hội trường Nhà Hát lớn Hà Nội ngày 3/12/1946, Hồ thêm một lần nhấn mạnh câu “Tôi thuộc Đảng Việt Nam.”( 41)

Nhưng tình báo Mỹ vẫn tin rằng Hồ là tay Cộng Sản lão luyện, và Đông Dương không có vị thế chiến lược cao trong danh sách ưu tiên của Mỹ, nên chính phủ Harry Truman (1945-1953) quyết định “hands-off” (không can thiệp). D’Argenlieu và cơ quan tuyên truyền Pháp cũng không ngừng khoét sâu sự nghi ngờ của Mỹ hay Trung Hoa về gốc gác QTCS của Hồ.

Thảm kịch Việt Nam trong hạ bán thế kỷ XX phần nào khởi phát từ những thành kiến [perceptions] trên. Cho tới khi có tài liệu chứng minh ngược lại, kết luận khả tín là Hồ chỉ “tả khuynh” và tìm đến nước Nga xin cầu viện đánh thực dân Pháp giành độc lập hơn thành tâm tin tưởng ở thuyết Marxist-Lennism hay Stalinism. Điều đó không có nghĩa Hồ không bị ảnh hưởng bởi phương pháp lý luận duy vật biện chứng và phương cách tổ chức một đảng chính trị, cùng hệ thống tổ chức chính quyền theo kiểu mẫu Liên Sô Nga.( 42)

2. Bầu cử Quốc Hội & Chính phủ Liên Hiệp:

Dưới áp lực Quan tướng Trung Hoa và Pháp, Hồ còn phải dàn xếp với các tổ chức thân Trung Hoa, chống Cộng, để lập chính phủ liên hiệp và tổ chức bầu cử Quốc Hội.

Để bảo đảm sự hợp pháp của VNDCCH, từ ngày 8/9/1945, chính phủ Hồ Chí Minh đã ban hành sắc lệnh số 14, quyết định tổ chức bầu “Quốc dân đại biểu đại hội” trong vòng 60 ngày. Ngày 26/9, Hồ lại ký sắc lệnh số 39, thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử. Nhưng sau đó, phải dời ngày bầu cử tới 23/12/1945. (43)

Cả Pháp lẫn Trung Hoa đều tìm cách ngăn chặn màn trình diễn dân chủ này. Quyết tâm bầu cử Quốc Hội của HCM chứng tỏ Hồ có kiến thức về ngoại giao và liên hệ quốc tế thâm sâu hơn những người đương thời (và ngay cả một số luật gia chống Cộng ở hạ bán thế kỷ XX). Quốc Hội sẽ mang lại cho HCM và chế độ VNDCCH thế chính thống mới, thay cho vương quyền mà Bảo Đại đã thoái nhượng. Chính vì thế, quan tướng TH không cho phép HCM thực hiện bước chính trị cơ bản này, trước khi lập được một chính phủ liên hiệp với Việt Cách và VNQDĐ. Ngày 23/10, đúng ngày Hồ chọn ngày 5/11/1945 làm ngày Kháng chiến Toàn quốc, phe Hồ tung tin hai phe Việt Minh và Đồng Minh Hội (Việt Cách) ký thỏa ước hợp tác lần thứ nhất. Tuy nhiên, đây chỉ là một màn kịch do Võ Nguyên Giáp và Lê Tùng Sơn chủ trương. Ít ngày sau, Vũ Kim Thành rút chân khỏi Hội liên tịch Đồng Minh Hội và Việt Minh.( 44)

Sau khi Hồ tuyên bố giải tán Đảng CSĐD, ngày 24/11, Tiêu Văn áp lực ba phe Việt Minh, Việt Cách và VNQDĐ ký một thoả ước liên hiệp, nhưng sớm đổ vỡ. (45)

Phe chống Cộng–dù thực lực quân sự và tổ chức yếu kém, nhưng có thế tựa quốc quân TH–tăng gia hoạt động. Họ không chỉ chống Cộng mà còn chống cả Pháp. Những cuộc bạo động và công kích trên báo chí giữa Việt Minh và phe VNQDĐ-Đồng Minh Hội diễn ra hàng ngày. Tại Hà Nội, phe VNQDĐ-Đồng Minh Hội thành lập được một khu vực tự trị tại vùng Quan-Thánh/Ngũ Xã, mở trận chiến phản tuyên truyền chống Việt Minh, tố cáo gốc Cộng Sản của Hồ. Các toán cảm tử VNQDĐ còn ám sát “Ba” [Đại úy Nguyễn Văn] Viên, một “đảng viên” phản bội, và mưu sát Bồ Xuân Luật. Trương Trung Phụng, một lãnh tụ Đồng Minh Hội, cũng bị bắt cóc, nhưng Tiêu Văn can thiệp phải thả. Có lần, phe VNQDĐ còn bắt cóc được Võ Nguyên Giáp. Ngày 10/12, Việt Minh tấn công một số căn cứ của VNQDĐ tại Vĩnh Yên. Trong khi đó, phe Việt Cách cũng chia làm hai. Trương Trung Phụng hợp tác với Hồ; trong khi phe Nguyễn Hải Thần chống đối.

Theo Thiều Bá Xương, sở dĩ việc thương thuyết liên hiệp bị bế tắc vì phe không Cộng Sản đòi ghế Chủ tịch và 6 ghế Bộ trưởng. Hồ thì chỉ chịu nhường 3 ghế Bộ trưởng và một ủy ban Cố vấn. (46)

Do nỗ lực của Tiêu Văn, ngày 19/12, ba phe lại gặp nhau tại Bộ Tư lệnh quân Trung Hoa. Rồi ngày 24/12, ký một thoả ước “hợp tác tinh thành” khác, dưới sự chủ tọa của Văn. Thỏa ước này gồm 18 điểm, có những điểm chính sau:

1. Thành lập ngày 1/1/1946 một chính phủ liên hiệp với 10 bộ, do Hồ làm Chủ tịch, Nguyễn Hải Thần làm phó. Số ghế được chia 2 ghế cho VM, 2 cho VNQDĐ, 2 cho Đảng Dân Chủ, 2 cho Đồng Minh Hội, 2 cho độc lập.

2. Tổ chức bầu cử ngày 6/1/1946.

3. VNQDĐ được dành 50 ghế, ĐMH, 20 ghế.

4. Các đảng tự nguyện không gây hấn với nhau.( 47)

Hai ngày sau, 26/12, báo chí thủ đô đều đăng thông cáo “Đoàn Kết”. Nguyên văn như sau:

Ngày 24-12-1945, chúng tôi là Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh thay mặt cho Việt Minh, Quốc Dân Đảng và Cách Mệnh Đồng Minh Hội, cùng ký tên công nhận những điều ước sau đây:

1. Độc lập trên hết, đoàn kết trên hết. Căn cứ vào thái độ thân ái, tinh thành cùng nhau thảo luận để giải quyết hết thẩy những vấn đề khó khăn trước mắt. Ai dùng ngang vũ lực gây nên những cuộc nội loạn sẽ bị quốc dân ruồng bỏ.

2. Kể từ ngày 25-12-1945, đôi bên phải ủng hộ một cách thiết thực cuộc tổng tuyển cử, quốc hội và kháng chiến.

3. Bắt đầu từ ngày 25-12-1945, đôi bên đều đình chỉ hết thẩy những việc công kích nhau bằng ngôn luận và hành động.

Ký tên: Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh. (48)

 

Đúng ngày 1/1/1946, chính phủ Liên Hiệp lâm thời ra mắt tại Nhà Hát lớn, Hà Nội. Hồ giữ chức Chủ tịch; Nguyễn Hải Thần làm Phó. Giáp mất Bộ Nội Vụ, nhưng được cử làm Chủ tịch Hội đồng Quốc Phòng, với Khanh (VNQDĐ) và Thành (ĐMH) là hai trong những thành viên.

Năm ngày sau, cuộc bầu cử Quốc Hội đầu tiên của Việt Nam được tổ chức. Đa số cử tri không biết đọc, không biết viết, nhưng họ đã có cán bộ hướng dẫn, giải thích, và thực sự bỏ phiếu giúp. Tại Hà Nội, Hồ Chí Minh của “Đảng Quốc Gia” về đầu trong số 6 người đắc cử với 169,222 phiếu trên tổng số 172,765 cử tri đi bầu.( 49) Trong số 356 ghế dân biểu, như đã dàn xếp sẵn, Việt Cách (tức Đồng Minh Hội) và VNQDĐ được dành riêng 70 ghế, và Nam Bộ 18 ghế. (50)

Dẫu vậy, đoàn kết quốc gia vẫn là hoa trong gương, trăng đáy nước. Cả hai phe đều không chịu thống nhất quân đội, và chẳng phe nào thực tâm chịu khuất phục đối thủ. Xô xát giữa Việt Minh và các phe nhóm chống Cộng vẫn tiếp tục. Từ ngày 13/1, VM tấn công QDĐ ở Việt Trì, Yên Bái, Phủ Lý, Phú Thọ. Ngày 23/1, Việt Minh tấn công Việt Cách ở Tiên Yên. Những vụ bắt cóc, ám sát diễn ra khắp nơi. Hàng ngàn cán bộ Đại Việt và Việt Quốc tại vùng nông thôn bị thủ tiêu (kể cả Lý Đông A, lãnh tụ Đại Việt Duy Dân), bắt giữ và truy tố ra tòa về những tội hình sự như trộm cắp, hiếp dâm, v.. v... Tại Hà Nội, Trần Đình Long–một cựu học viên Đại học Phương Đông, từng được chỉ định thay Lê Hồng Phong trong trường hợp bất trắc–bị giết. Nguyễn Thành Lê, Đỗ Đức Dục, Lê Trọng Nghĩa của báo Độc Lập, có lần phải leo tường trốn chạy. Bồ Xuân Luật bị bắn gãy chân ở phố Hàng Đào. HCM phải cử Hoàng Văn Đức cầm thư lên Vĩnh Yên dàn xếp với Đỗ Đình Đạo, giải quyết vụ đương đầu giữa VNQDĐ và VM tại chân núi Tam Đảo (Vĩnh Yên). (51)

Thượng tuần tháng 2/1946, tình báo Pháp ghi nhận là quan Tướng Trung Hoa đang có kế hoạch thay chính phủ HCM bằng lực lượng Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Cách (Đồng Minh Hội), với sự tiếp tay của các phe Đại Việt và tổ chức thân Nhật đã bị Võ Nguyên Giáp đặt ra ngoài vòng pháp luật từ tháng 9/1945. Mục đích của TH là loại bỏ HCM và lập một chính phủ không CS. (52)

Trong khi đó tại miền Nam, Cao Đài công khai chống Việt Minh từ tháng 1/1946. Đại diện Việt Minh đến thương thuyết, kể cả Dương Minh Châu, bị phục kích chết. Nguyễn Bình điều quân đánh Tây Ninh; nhưng thất bại. Tại miền Tây, tín đồ Hòa Hảo nhiều nơi công khai chống lại Việt Minh, bất chấp nỗ lực duy trì đoàn kết của Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ (1919-1947).( 53)

Các tổ chức thân Pháp cũng được khai sinh và phát triển, như Mặt Trận Bình Dân Nam Kỳ, cánh tay ngoại vi của Đảng Nam Kỳ–nguồn cung cấp lực lượng cảnh sát, an ninh, và lính phụ lực bản xứ đầu tiên. Việc liên lạc giữa miền Tây và miền Đông Nam Bộ hầu như bị cắt đứt. Cán bộ liên lạc Việt Minh phải đi bọc qua lãnh thổ Miên khi cần tiếp xúc với miền Đông.( 54)

Trong khi đó, Hội truyền giáo Hải ngoại và Khâm sai Vatican, Antonin Drapier, không ngớt vận động khối giáo dân Ki-tô chống Cộng. Drapier còn đưa ra đề nghị phục hồi chế độ quân chủ truyền thống từ cuối năm 1945, nhưng d’Argenlieu không tán thành.( 55)

Ngay trong nội bộ Đảng CSĐD, cũng phân hóa trầm trọng. Chủ đề chính gây phân hóa là “hòa hay chiến” với Pháp. Hồ chủ hòa, trong khi nhóm Trường Chinh-Hoàng Quốc Việt chủ chiến. Dù cũng thuộc loại chủ chiến, chống Pháp bằng cả ngọn lửa thù hận cá nhân, Võ Nguyên Giáp, người được Hồ tuyên thệ vào Đảng ở Côn Minh năm 1940, rồi giao phó toàn quyền nội chính, tiếp tục trung thành và ủng hộ lập trường “nước còn tát được cứ tát” của Hồ.

Sinh “ngày 25/8/1911” tại thôn An Xá, nay thuộc xã Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, trong một gia đình trung nông, Giáp dấn thân vào đường tranh đấu khá sớm, giữa cao trào học sinh, thanh niên ở Huế đòi ân xá cho Phan Bội Châu (1868-1940) và quốc táng Phan Châu Trinh (1872-1926). Năm 1927, gia nhập Tân Việt Cách Mạng Đảng, viết báo Tiếng Dân. Ngày 25/11/1930, bị toà Thừa Thiên kết án hai năm tù. Ngày 18/11/1931, được tạm thích, chỉ định cư trú tại quê. Nhờ Louis Marty nâng đỡ với hy vọng cải hóa, năm 1932 ra Hà Nội học và dạy học tại trường Thăng Long.

Không khí sinh hoạt chính trị tại Hà Nội dưới thời “chính phủ bình dân” (1936-1938) đưa Giáp–cùng Phạm Văn Đồng (1908-2000)–vào sâu hơn về phe tả. Năm 1939, khi đang học năm thứ hai ban Cử nhân Luật, nổi danh là một lãnh tụ của Mặt Trận Dân Chủ Đông Dương, ban nửa hợp pháp của Đảng CSĐD. Biên tập viên các báo Notre Voix [Tiếng nói chúng ta], En Avant [Tiến lên], Rassemblement [Tập hợp], Đời nay, Tin tức, Thời báo, Cờ Giải Phóng; sáng lập báo Le Travail [Lao Động]. Tham gia phong trào Đông Dương Đại Hội, Chủ tịch UB Báo chí Bắc Kỳ. Dù chưa chính thức vào Đảng, tháng 5/1940, được Bùi Đức Minh dẫn qua Vân Nam cùng Phạm Văn Đồng để tránh sự truy lùng của Pháp.

Người vợ đầu tiên của Giáp–Nguyễn Thị Quang Thái (1915(?)-1942)–phần nào đóng góp vào sự chuyển biến này. Quang Thái là em Nguyễn Thị Vịnh (tức Minh Khai, 1910-1941), một nữ lãnh đạo nổi danh của Đảng CSĐD. Sau khi Giáp qua Vân Nam, Quang Thái và con ở lại Hà Nội. Ngày 10/5/1941, Quang Thái bị trục xuất khỏi trường nữ hộ sinh vì “nhục mạ cờ tam tài.” Đành đưa con về Vinh, sống bằng nghề bán vải của gia đình. Năm 1941, vào Sài Gòn chứng kiến chị ruột bị hành hình. Từ đó, tiếp tục hoạt động cho Đảng CSĐD. (Minh Khai, tưởng cũng nên ghi nhận, bị kết hai án tử hình dù đã bị bắt trước cuộc nổi dạy từ ngày 22 tới 30/11/1940 và Toàn quyền Decoux bác đơn ân xá vì muốn chứng tỏ quyết tâm tái lập trật tự và bảo vệ chủ quyền Pháp). Ngày 6/6/1942, Quang Thái bị bắt ở Vinh, dẫn giải ra Hà Nội vì bị tố cáo có liên hệ với nhóm Nguyễn Hữu Xuyến, Đào Duy Dzếnh, Đào Duy Kỳ. Sau đó chết trong ngục. Phần Giáp, tháng 6/1940, được HCM gửi lên Diên An huấn luyện. Dọc đường, vì Pháp đột ngột bại trận ở Âu Châu, Hồ cho lệnh Giáp về Quảng Tây hoạt động. Tháng 10/1940, chính thức vào Đảng (HCM tuyên thệ). Năm 1941, về nước kháng chiến ở vùng Cao Bắc Lạng, rồi phụ trách ban xung phong Nam tiến. Ngày 22/12/1944, nhận trách nhiệm thành lập Đoàn vũ trang tuyên truyền giải phóng, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tháng 5/1945, Tư lệnh Việt Nam Giải Phóng Quân. Ba tháng sau, tại Hội nghị toàn quốc lần thứ 2 (8/1945), được vào TWĐ, và UB Khởi nghĩa. Ngày 29/8/1945, làm Bộ trưởng Nội Vụ. Khi chính phủ Liên Hiệp Kháng chiến thành hình ngày 2/3/1946, giữ chức Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp Kháng chiến, Bí thư Quân ủy TW, Ủy viên thường vụ TW (gồm HCM, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Giáp). (56)

Tại miền Nam, hai phe Việt Minh mới và Việt Minh cũ công khai kình chống nhau. Trần Văn Giàu, người đứng ra tái tổ chức Xứ bộ Đảng Cộng Sản Đông Dương ở miền Nam trong hai năm 1933-1934, và rồi từ 1942 tới 1945, không được công nhận. Đối thủ chính của Giàu là nhóm Trần Văn Di và Nguyễn Thị Thập (Nguyễn Thị Ngọc Tốt, 1908-1996), xứ ủy viên dự khuyết từ tháng 4/1935. Từ Côn Đảo về trại Bà Rá, hiềm khích giữa Di và Giàu ngày càng gia tăng. Tháng 4/1945, nhóm Di lập xứ ủy riêng với Di làm Bí thư. Nhóm Giàu, “Zao” Bùi Công Trừng, Hoành, Lý Chiến Thắng, Còn, v... v... tự xưng là Đông Dương Cộng Sản Đảng, với đảng kỳ cờ vàng sao đỏ, có báo Tiền Phong. Nhóm Di tự xưng là Đảng CSĐD, với cờ đỏ sao vàng, có báo Giải Phóng. Khoảng tháng 6/1945 hai phe hợp nhất hành động. Tháng 9/1945, Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang) thống nhất xứ ủy. Thoạt tiên Nguyễn Công Trung làm Bí thư, rồi đến Nguyễn Văn Nguyễn. Trần Văn Giàu bị gọi ra Hà Nội, rồi cử làm đại diện ở Thái Lan và Miến Điện, phụ trách việc thu mua khí giới, đạn dược. (Theo Giáo sư Giàu, ông nói với Hoàng Quốc Việt rằng, Cờ đỏ sao vàng lúc đó có ngôi sao quá mập, khác với lá cờ khởi nghĩa hồi tháng 11/1940, ngôi sao ốm hơn)

Tháng 2/1946, Nguyễn Thị Thập, Bourov Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, v.. v... được cử làm Dân biểu Quốc Hội, ra Bắc. Cuối tháng 5/1946, Thường vụ Trung ương lập “Ban củng cố Đảng bộ Nam Bộ” để thanh lọc tổ chức. (57)

Ngắn và gọn, Hồ Chí Minh đang tứ bề thọ địch. Mỗi đêm Hồ phải thay đổi chỗ cư ngụ, tạo nên huyền thoại về kỹ thuật hóa trang giống như những ngày còn hoạt động bí mật ở hải ngoại.

Nhưng lập trường độc lập và thống nhất lãnh thổ của HCM cũng trở nên cứng rắn hơn phần nào vì ảnh hưởng của các phe phái không Cộng Sản. Trong khí thế cuồng nhiệt, lãng mạn của hệ thống tuyên truyền tinh vi của nhiều hơn một phe phái, đa số chủ trương quyết chiến giành độc lập, phanh thây uống máu quân thù bất kể mạng sống.( 58)

Chỉ có HCM tương đối tỉnh táo và có viễn kiến, không bị lôi kéo vào cơn sốt thi đua ái quốc do chính mình phát động. Lập trường này được HCM giải thích cặn kẽ cho Max André, sứ giả của Edmond Michelet, trong hai buổi tiếp xúc tại Hà Nộiá ngày 16 và 21/1/1946. Theo D’Argenlieu, André tiết lộ HCM không chú trọng đến hình thức (forme) mà chỉ chú tâm đến thực chất (substance)–độc lập có nghĩa là một định chế liên hệ mới Pháp-Việt, một sự hợp tác công bằng và bình đẳng với dân tộc Pháp. Ngắn và gọn, HCM cần một chính phủ, một quân đội, một nền kinh tế, tài chính và ngoại giao độc lập. Về Nam Bộ, HCM lập lại những gì Pháp đã biết rõ: Bất cứ người Nam Kỳ nào làm việc chính thức với Pháp đều là phản quốc [traitres à la patrie]. Trong buổi hội kiến ngày 21/1/1946, HCM còn nhấn mạnh với André muốn nhận được một lời tuyên bố long trọng của chính phủ Pháp. (59)

3. Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến:

Khoảng giữa tháng 2/1946, như đã lược nhắc, HCM thêm một lần thay đổi lập trường, muốn đạt hòa ước với Pháp càng sớm càng tốt. Có dấu hiệu khiến HCM nghi ngờ quan tướng TH muốn lật đổ chính phủ Hồ, đặc biệt qua việc Chu Phúc Thành tra vấn HCM vài tiếng đồng hồ ngày 2/2/1946. D’Argenlieu cũng nhân cơ hội này chỉ thị Sainteny gián tiếp cho Trung Hoa biết không muốn thấy một chế độ Marxist tại Việt Nam, và mong đạt hòa ước với một chính phủ liên hiệp rộng rãi, thân Hoa. Có lẽ vì thế ngày 16/2, HCM quyết định nhân nhượng: Bỏ độc lập, chỉ đòi tự chủ [self-government]. Nhưng thương thuyết bế tắc vì d’Argenlieu không bảo đảm Việt Nam được thống nhất ba kỳ. Trong bối cảnh Việt Nam lúc đó, nếu không đạt được nguyện vọng độc lập và thống nhất ba kỳ là một cuộc tự sát chính trị. Chỉ nguyên chủ đề hòa hay chiến–tức thương thuyết với Pháp hay kháng chiến đến cùng–đủ gây nên tranh cãi, ẩu đả. Trong hai ngày 20-21/2, Việt Nam Quốc Dân Đảng đã tổ chức biểu tình ở Hà Nội, đòi chính phủ liên hiệp kháng chiến phải từ chức, quyết chiến đấu đến cùng, và yêu cầu Bảo Đại lên cầm quyền. (60)

Dẫu vậy, ngày 23/2/1946, ba phe VM, VNQDĐ và Việt Cách lại đồng ý đổi tên thành Chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến. Hai bộ Canh Nông và Công Chính dành cho miền Nam. Bộ Quốc Phòng và Nội Vụ dành cho người độc lập (Phan Anh và Huỳnh Thúc Kháng). Việt Minh và Đảng Dân Chủ được 4 bộ; VNQDĐ và Việt Cách 4 bộ còn lại. Hội Đồng Quốc Phòng được cải danh thành Ủy ban Kháng Chiến Toàn quốc. Đoàn Cố vấn quốc gia thì ngoài Vĩnh Thụy có thêm Lê Hữu Từ, Giám mục Ki-tô Phát Diệm (thay Giám Mục Hồ Ngọc Cẩn).

Dù các đơn vị Phục Quốc của Việt Cách trên thực tế đã chiếm đóng một số địa điểm ở duyên hải vào cuối tháng 2/1946, HCM vẫn triệu tập Quốc Hội, công bố danh sách chính phủ liên hiệp, gồm nhiều phe phái ngày 2/3/1946.( 61)

Để chứng tỏ tinh thần đoàn kết của mình, HCM còn yêu cầu Quốc Hội nghiên cứu và biểu quyết việc lựa chọn một quốc kỳ khác.( 62)

Những lãnh tụ không Cộng Sản–trước một thực tế khó tránh mặt–đã chọn giải pháp “mất tích” sau ngày ký Hiệp ước Pháp-Hoa. Tuy nhiên, dưới áp lực Trung Hoa, họ vẫn phải tham gia chính phủ Liên Hiệp. Dẫu sao, đây cũng là cơ hội cho phe chống Cộng công khai hoạt động, chấn chỉnh tổ chức, và gây dựng lực lượng vũ trang cùng căn cứ chiến đấu. Trong khi đó, tin đồn Nguyễn Hải Thần, và rồi Vĩnh Thụy, tức Bảo Đại, sẽ thay Hồ được loan truyền khắp nơi. Theo tin tình báo Mỹ, Hồ tuyên bố đã đề nghị nhường chức Chủ tịch cho Bảo Đại, nhưng nhiều lãnh tụ Việt không đồng ý, sợ làm mất tinh thần dân chúng. (63)

Ngày Thứ Hai, 4/3, chính phủ Liên hiệp Kháng chiến họp lần đầu tiên. Nguyễn Hải Thần vẫn vắng mặt. Nguyễn Tường Tam cũng chưa chịu nhận chức, vì không muốn ký vào Hiệp ước Pháp-Việt.

Sự thờ ơ với quyền lực, chức tước của Hồ hay nhóm Tam, Thần này thực ra có hai nguyên ủy chính; đó là Hoà ước Hoa-Pháp ngày 28/2/1946, và một hiệp ước Việt-Pháp đang thành hình. Cả hai hoà ước này có liên hệ mật thiết với nhau, và là môi sinh tạo nên những chuỗi diễn biến chính trị vừa lược thuật.

4. Từ “Độc Lập” Tới “Tự Do”:

Dù biết sớm muộn Pháp sẽ mang quân ra Bắc, Hồ chưa nhân nhượng ngay. Chiến thuật của HCM, theo Sainteny, là thảo luận từng điểm cho tới phút chót. Lối “mặc cả có hệ thống, dựa trên sự thiếu thành tín rõ ràng” khiến Sainteny hoài nghi là có thể HCM muốn Pháp phải nhượng bộ hoàn toàn, vì HCM tạo đủ cớ để trì hoãn; và không ngần ngại nuốt cả lời mình trước đó. Sainteny chỉ còn biết nuôi hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận vào hôm sau.( 64)

Cuối tháng 2/1946, trong ba vấn đề tồn đọng, vấn đề Nam Bộ, tức thống nhất ba kỳ, gai góc nhất. Hồ nhất quyết Pháp phải công nhận nguyên tắc thống nhất ba kỳ: Nam Kỳ là bộ phận không thể tách rời của Việt Nam; không cần thảo luận và cũng chẳng cần trưng cầu dân ý; và, nếu VN chấp nhận cho Pháp thay quân TH, VN cũng đòi hỏi xác định số quân VN và nơi trú đóng của họ. Sau khi Salan nhượng bộ về quân sự, Hồ chịu nhượng về lãnh thổ–tức đồng ý cho dân Nam bộ trưng cầu dân ý để tự quyết định thể chế tương lai như d’Argenlieu nhấn mạnh. (65)

Sau khi được Sainteny thông báo Hiệp ước Pháp-Hoa đã ký kết, HCM quyết định chọn đường hòa với Pháp để mua thời gian: chờ đợi lực lượng TH rút khỏi miền Bắc càng sớm càng tốt; đồng thời tạm hòa hoãn với các đảng phái chống đối, để thiết lập được tính cách pháp lý (chính thống) với dư luận quốc tế cũng như quốc nội.

Theo tài liệu Cộng Sản, quyết định này dựa trên những nhận xét sau về tình hình quốc tế cũng như nội địa:

1. Về tình hình quốc tế, mục đích Anh-Mỹ muốn kéo thực dân Pháp bao vây Liên Sô và ngăn ngừa cách mạng thuộc địa. Qua Hiệp uớc [28/2/1946], cho thấy Anh Pháp Mỹ dẹp mâu thuẫn nội bộ chống phong trào cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa.

2. Trước khi rút hết quân, Tàu-Pháp ép cải tổ chính phủ VN, để phái địa chủ và tư sản phản động, được tham gia với 3 mục đích: (1) bắt nhân dân Việt Nam nuốt chửng hiệp ước Pháp-Hoa; (2) yêu sách thêm ít nhiều quyền lợi nữa; và (3) ngăn ngừa cuộc đàm phán riêng Pháp-Việt Minh. Vì thế Tàu đã ủng hộ bọn “triết trúc” (địa chủ phản động) và “Việt Nam” (tư sản phản động) biểu tình ở Hà Nội ngày 20, 21 tháng 2/1946, thúc chính phủ liên hiệp lâm thời mau từ chức, và giúp bọn Phục Quốc quấy rối ở Hòn Gay, Quảng Yên và Hải Phòng vào cuối tháng 2/1946.

3. Tại phía Nam, Pháp mở cuộc tấn công trước và sau Tết (1/2/1946), với mục đích: Giải quyết mau vấn đề Đông Dương để bảo toàn uy tín và thực lực; và kéo ta để cân sức Tàu. Thực ra cũng vì cuộc kháng chiến của chúng ta làm chúng hao tốn, hai là phong trào phản chiến, chính phủ Gouin (trong đó CS và XH chiếm đa số) không muốn kéo dài cuộc đổ máu ở Đông Dương; và chính Mỹ-Anh cũng sợ cuộc chiến kéo dài ở Đông Dương và Indonesia, gây ảnh hưởng ở India va các thuộc địa khác.

4. QDĐVN đòi kháng chiến đến cùng, không điều đình với ai hết. Thắng hay là chết. Dã tâm là phá cuộc đàm phán giữa ta và Pháp, đẩy ta chống lại Hiệp ước Pháp-Hoa, để cho cả ba lực lượng Tàu trắng, thực dân Pháp và phản động quan lại tiêu diệt ta.

5. Hòa hay đánh? Nếu Pháp chủ trương cho Đông Dương tự trị theo Tuyên ngôn 24/3/1945 thì ta nhất định đánh, nhưng nếu công nhận tự chủ thì sẽ có thể hòa.

6. Vấn đề lúc này không phải là muốn hay không muốn. Phải nhận xét một cách khách quan: Không còn khai thác được mâu thuẫn Tàu-Pháp. LHQ cũng không giúp. Ảnh hưởng trong dân chúng bị giảm.

7. Hòa có hai lợi lớn: Phá được mưu mô Tàu trắng, phát xít, Việt gian, bảo toàn được thực lực; Dành được giây phút nghỉ ngơi để chuẩn bị cuộc chiến đấu mới, tiến tới giành độc lập hoàn toàn.

8. Muốn hòa cho có kết quả, phải: Mạnh dạn giải thích cho quần chúng biết chủ trương của ta là duy nhất đúng; Lợi dụng thời gian hòa hoãn để triệt bọn phản động bên trong, tay sai của Tàu trắng, trừ những hành động ly gián, khiêu khích giữa ta và Pháp; Thận trọng để không mắc lừa thực dân Pháp; Liên lạc mật thiết với Đảng CS Pháp; Lợi dụng khả năng mới để tuyên truyền quốc tế.

9. Đồng thời, chấn chỉnh đội ngũ, đào tạo cán bộ, củng cố phong trào; tìm cách giải quyết dân sinh; khôn khéo chính sách đối với dịa chủ, quan lại, tư sản, trí thức, v.. v... làm cho bọn phản động không có cơ sở mà hoạt động chia rẽ, phản đối.

10. Phải tiếp tục chuẩn bị kháng chiến.

11. Lập trường: độc lập nhưng liên minh với Pháp. Chấp nhận Pháp đóng quân trong một thời gian hạn định. Bảo đảm tài sản của Pháp, ngoại trừ quốc phòng. Những gì Pháp đã ký nhượng cho Tàu phải thảo luận lại, đạt một hiệp ước tay ba. Pháp phải thừa nhận quyền tự chủ hoặc tự trị rộng rãi của Lào, Miên.( 66)

Tưởng cũng nên ghi nhận, thời gian này, HCM khai thác tối đa mâu thuẫn Pháp-Mỹ, và mâu thuẫn Hoa-Pháp để giành lợi thế. Ngày 18/1/1946, HCM viết thư cho Truman, xin giúp Việt Nam được hoàn toàn độc lập và tái thiết quốc gia. HCM còn khẳng định chính phủ của mình gợi hứng từ bài diễn văn ngày Hải Quân 27/10/1945 của Truman. Cùng ngày, HCM viết thư cho Tướng [George] Marshall chúc mừng Marshall công du Hoa lục để giải quyết vấn đề Quốc-Cộng. (67)

Những vận động của HCM tạo nên sự chú ý đặc biệt của Oat-shinh-tân. Ngày 16/2/1946, Hồ lại viết cho Truman và các lãnh tụ thế giới:

Sự xâm lăng [của Pháp] đi ngược lại những nguyên tắc công pháp quốc tế và những lời hứa của Đồng Minh trong Thế Chiến. . . .

Sự xâm lăng của Pháp với một dân tộc hiếu hoà đe dọa trực tiếp nền an ninh thế giới. Nó hàm ý sự đồng lõa [complicity], hoặc ít nữa, là mưu đồ [connivance] của những cường quốc dân chủ. Liên Hiệp Quốc phải giữ lời hứa của mình. Liên Hiệp Quốc phải can thiệp để ngưng ngay cuộc chiến bất công này, và để chứng minh rằng họ muốn thực hiện trong thời bình những nguyên tắc mà vì đó họ đã chiến đấu trong thời chiến. (68)

Trong thỉnh nguyện thư gửi bốn cường quốc Mỹ, Liên Sô, Bri-tên và Trung Hoa hai ngày sau, Hồ kêu gọi sự can thiệp tức thời để trước hết, ngăn chặn cuộc chiến tại Việt Nam và dàn xếp một giải pháp công bằng; và, thứ hai, đưa vấn đề Đông Dương ra trước Liên Hiệp Quốc. Hồ kết thúc bản thỉnh nguyện bằng tuyên bố dân tộc Việt “đã quyết tâm chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để chống lại sự tái thiết lập chế độ thực dân Pháp.” (69)

 

II. THƯƠNG THUYẾT SAU HIỆP ĐỊNH PHÁP-HOA:

Hiệp ước Pháp-Hoa ngày 28/2/1946 giúp cuộc thảo luận Pháp-Việt có những biến chuyển tích cực hơn. Mặc dù không biết rõ ngày ký Hiệp định trên cùng nội dung các văn kiện, HCM khai thác tối đa lợi thế của mình trước nhu cầu đổ bộ của Pháp. Hồ cũng tìm cách khai thác mâu thuẫn Pháp-Hoa, kéo dài cuộc thảo luận cho đến phút chót. Nhờ vậy, bản văn Hiệp ước sơ bộ khác hẳn với dự thảo mà d’Argenlieu đã phê chuẩn. Dù chỉ đạt được những lợi thế nặng phần hình thức, những điều thêm thắt vào cho phép Hồ đòi hỏi thêm những gì chưa đạt được trong những cuộc thương thuyết sắp tới.

A. THƯƠNG THUYẾT PHÁP-HOA:

Thương thuyết Pháp-Hoa về việc thay quốc quân Trung Hoa tại phía Bắc vĩ tuyến 16 diễn ra tại ba nơi: thương thuyết tổng quát ở Trùng Khánh, thương thuyết chi tiết ngay tại Hải Phòng, nơi quân Pháp dự trù và mong muốn đổ bộ ngày 6/3/1946, và ở Hà Nội.

1. Tại Trùng Khánh, như đã lược nhắc, ngày 1/3/1946, Đại sứ Meyrier và phái đoàn quân sự Pháp đã yêu cầu Trung Hoa ký ngay phụ bản quân sự bí mật của Hiệp ước 28/2. Đại diện Pháp (Đại tá Crépin và Jean Daridan) cũng cho TH (Kong Yu và Giám đốc Âu châu vụ của Bộ Ngoại giao) biết muốn đổ bộ Hải Phòng ngày 5/3 và Hà Nội ngày 8/3. Trung Hoa không đồng ý. Lý do đầu tiên nêu lên là cần McArthur phê chuẩn; dù không thấy có gì trở ngại trong việc đổ bộ quân Pháp.

Ngày 3/3, Crepin lại báo cáo Ngoại kiều phủ sẽ chịu trách nhiệm ký Phụ bản quân sự; không cần sự phê chuẩn của McArthur hay Tổng Tham Mưu Đồng Minh [Combined Chiefs of Staff]; nhưng muốn Pháp dời ngày đổ bộ Hải Phòng tới 7/3. Hôm sau, 4/3, TH lại đặt thêm điều kiện phải được sự thỏa thuận của Việt Nam mới ký Qui ước quân sự. Sự bất nhất này, theo Meyrier, là do sự khác biệt ý kiến giữa hai bộ Ngoại giao và Quốc phòng TH. (70)

2. Tại Hải Phòng, ngày 2/3/1946, Leclerc gửi thư cho Tướng Wang Hu Huan, Tư lệnh SĐ 130/53–sẽ thay Tướng Long, Tư lệnh Sư đoàn 25/93 Vân Nam, làm Tư lệnh Hải Phòng–yêu cầu được đổ bộ ngày 6/3. Wang từ chối; nêu lý do chưa có lệnh Trùng Khánh. Ngày 3/3, HQ Thiếu tá Legendre, sĩ quan liên lạc bên cạnh BTL/TH Hải Phòng, trao cho Wang một bản sao Hiệp định Trùng Khánh, và đề nghị họp với đại diện các bang hội ngày hôm sau.

Ngày 4/3 này, SĐ 130/53 Trung Ương chính thức thay Sư đoàn 25/93 Vân Nam. Tối đó, Wang gặp đại diện của Leclerc. Nhưng trưa ngày 5/3, khi Legendre trao cho Wang công điện xác định giờ đổ bộ của quân Pháp, thái độ Wang thay đổi hẳn, hết vẻ thân thiện. (71)

3. Tại Hà Nội, ngày 4/3/1946, Salan cùng Đại tá Repiton-Preneuf và Trung tá Lecomte gặp Ma Ying, Tham Mưu Trưởng của Lư Hán. Phái đoàn Pháp mang theo một bản thảo Hiệp ước Pháp-Hoa không có chữ ký, và thông báo với Ma rằng Trùng Khánh đồng ý cho đổ bộ ngày 6/3. Vì thế Leclerc đã cho lệnh hạm đội khởi hành. Hơn nữa, Thống chế Tưởng Giới Thạch từng tuyên bố muốn thấy việc thay thế quân TH không gặp trở ngại nào.

Ma Ying hẹn gặp lại vào buổi chiều, nhưng mãi tới 20 giờ hai bên mới chính thức hội nghị. Phái đoàn Salan thông báo quân Pháp sẽ đổ bộ ngày 6/3.

Giới chức quân sự TH phản đối là thời gian quá ngắn, chỉ còn 48 tiếng đồng hồ trước giờ đổ bộ. Họ cũng cho rằng vấn đề thủy triều–tức mực thủy triều quá thấp sau ngày 7/3–khó thuyết phục. Nhưng lý do chính là sự an toàn của Hoa kiều. Hoa kiều ở rải rác khắp nơi; sở dĩ bấy lâu được yên tĩnh là nhờ quốc quân TH tuyệt đối giữ trung lập. Sau khi Pháp đổ bộ, Hoa kiều tại các thành phố lớn có thể được an ninh; nhưng những cộng đồng nông thôn hẻo lánh sẽ gặp trở ngại. Pháp không thể bảo đảm an ninh của họ. Bởi vậy, Pháp cần dàn xếp với người Việt. Ma Ying kết luận: “Nếu Tưởng thống chế đồng ý cho Pháp đổ bộ là do ông ta không rõ tình hình địa phương. Tiện lợi nhất là chúng tôi phải trình bày cho ông ta rõ mọi việc để thống chế quyết định.”

Vào khoảng 2 giờ sáng, Chu Phúc Thành đề nghị Pháp viết đơn cam đoan chịu mọi trách nhiệm nếu có việc gì xảy ra. Lúc 3G30 [rạng sáng ngày 5/3], các Tướng TH soạn một văn kiện, rồi bỏ phiếu quyết định. Nội dung như sau: Nếu xảy ra bất cứ chuyện gì bất trắc, sau khi đổ bộ ở Hải Phòng ngày 6/3/1946, Pháp sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Sau đó, đồng ý gửi TMT QĐ 53 cùng Lecomte bay xuống Hải Phòng trong ngày 5/3 để dàn xếp việc đổ bộ.

Khoảng trưa ngày 5/3, khi phi cơ đang chuẩn bị cất cánh đưa Lecomte và TMT Quân đoàn 53 xuống Hải Phòng, đột ngột có lệnh hủy bỏ phi vụ. Trùng Khánh cho lệnh hoãn việc đổ bộ [ngày 6/3/1946], vì sợ sẽ gây nên rối loạn nếu quân Pháp tới Bắc Việt mà chưa hoàn tất thương thuyết với Việt Nam.

Thực ra, phái đoàn Pháp đã biết rõ điều này. Trong đêm 4 rạng 5/3/1946, Sainteny ờ nhận được một công điện của Meyrier, chỉ có hai phần 2 và 3 như sau:

Thứ hai: Có sự chống đối gay gắt giữa Ngoại Kiều Phủ và quân đội;

Thứ ba: Vì việc đổ bộ của quân Pháp liên hệ đến việc triệt thoái quân TH; khó ấn định một ngày rõ ràng cho việc đổ bộ;

[Meyrier] sẽ gặp ngay Ngoại Kiều Phủ trong chiều ngày 4/3, nhưng khó đoán biết kết quả.

Trong thư viết tay cho Salan để sao chuyển công điện trên, Sainteny nhận xét thêm: Chưa nhận được phần còn lại của CĐ của Meyrier, nhưng chắc chẳng thú vị gì. Về việc thảo luận với HCM, Sainteny nói hoàn toàn bế tắc lúc 21G30; hy vọng hôm sau sẽ khả quan hơn. (72)

Từ 16G00 ngày Thứ Ba, 5/3, hai phái đoàn quân sự Pháp và TH tiếp tục thương thuyết ở Hà Nội. Salan được thông báo Trùng Khánh tạm hoãn việc đổ bộ cho tới khi có lệnh của McArthur.

Lúc 21G00, Chu Phúc Thành tới. Hỏi tại sao không thương thuyết nhanh hơn với Việt Nam. Khi được báo hai bên sắp ký Hiệp ước, Chu nói sẽ tới nơi cho rõ đầu đuôi.

B. THẢO LUẬN PHÁP-VIỆT:

Thời gian này, vị thế chính trị của HCM thêm vững chắc. Ngày 2/3/1946, Quốc Hội Việt Nam thứ nhất họp khóa đầu tiên, trước sự hiện diện của các phái đoàn ngoại giao quốc tế. Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến được phê chuẩn.( 73)

Ngày này, Hồ cho Sainteny biết đã rời bộ ngoại giao, và hôm sau sẽ giới thiệu Ngoại trưởng Nguyễn Tường Tam. Trong khi đó, dư luận vô cùng hiếu chiến, đòi chuẩn bị đánh nhau trong thành phố. Nhiều người đã tản cư. (74)

Hôm sau, Chủ Nhật 3/3, D’Argenlieu gửi cho Sainteny nội dung Hiệp ước Pháp-Hoa và chỉ thị Sainteny thông báo với HCM. D’Argenlieu cũng lập lại những điều kiện trong tài liệu cơ bản [ngày 12/2/1946] là Nam Kỳ sẽ tự do quyết định vị thế đối với Việt Nam. Dân Nam Kỳ sẽ được tham khảo theo phương thức dân chủ; nếu HCM tự tin, chẳng có gì sợ hãi. Mấy tháng qua dân Nam Kỳ lo lắng về thái độ nhân nhượng của Pháp với Việt Minh, nên cần cho họ sự bảo đảm là không bị bỏ rơi hay phản bội. Về phương diện pháp lý, cũng cần một sắc luật của Quốc Hội. D’Argenlieu chỉ thị thêm:

“Nói với Hồ là bấy lâu tôi nhiều lần tuyên bố không có quyết định tiên thiên nào về ba kỳ. Đó là vấn đề của người Annamites tìm một giải pháp dựa theo Tuyên ngôn San Francisco [LHQ].”( 75)

Ngày 4/3, sau khi chính phủ Liên hiệp Kháng chiến họp lần đầu, HCM lại gặp Sainteny vì Nguyễn Tường Tam chưa nhận chức Ngoại trưởng. HCM nhấn mạnh Pháp phải nhìn nhận sự thống nhất ba kỳ. (76)

Cũng nên lập lại là thời gian này, để phản công lời tuyên truyền rằng Việt Minh là Cộng Sản, HCM không những nêu cao lập trường “quốc gia” của mình, mà còn chấp nhận cho Quốc Hội nghiên cứu việc đổi quốc kỳ, vì lá cờ đỏ sao vàng gây nhiều hiểu lầm tại Mỹ, Trung Hoa và ngay cả Bri-tên.( 77)

Trong khi đó, Hồ đồng ý trưng cầu dân ý để dân Nam bộ tự quyết định thể chế tương lai. Tuy nhiên, Hồ vẫn muốn Pháp nhìn nhận nguyên tắc Việt Nam có ba kỳ; trong khi Pháp chỉ muốn Việt Nam nhiều lắm bao gồm vùng lãnh thổ phía Bắc vĩ tuyến 16, và Pháp sẽ lập một xứ thứ năm cho Liên bang Đông Dương, được biết như Tây kỳ tự trị sau này.( 78)

Sáng Thứ Ba, 5/3, Sainteny thông báo cho Đại tá Lecomte biết sẽ ký được hiệp ước. Tuy nhiên, khi Chu Phúc Thành tới Bắc Bộ Phủ, vẫn còn bế tắc. Chu sừng sộ hỏi HCM: “Hạm đội và quân Pháp đã tới, gần lắm rồi. . . Đến lúc phải kết thúc.... Tại sao các ông không đạt thỏa thuận với Pháp?” Hồ viết một văn thư thông báo cho các Tướng TH là đã đạt được thỏa thuận, và tóm lược nôi dung Hiệp ước, trao cho Chu. (79)

Khuya đó, d’Argenlieu nhận được công điện của Sainteny, yêu cầu ký Hiệp ước để có thể đổ bộ ngày hôm sau. Đính kèm 3 điểm chính của nội dung Hiệp ước sơ bộ:

Chính phủ Pháp nhìn nhận VN là một nước tự do, có chính phủ, quốc hội, quân đội và tài chính, nằm trong Liên bang Đông Dương và Liên Hiệp Pháp. Về việc thống nhất ba kỳ, chính phủ Pháp sẽ tham khảo ý kiến của dân chúng qua trưng cầu ý kiến.

Chính phủ VN đồng ý đón nhận quân Pháp thay thế quân Trung Hoa. Quân số chỉ được 25,000 người, gồm 15000 Pháp và 10000 Việt, dưới quyền chỉ huy của Pháp. Việc phối trí, v.. v... sẽ được thảo luận giữa hai Bộ Tham mưu Pháp-Việt.

Những điều khoản trên sẽ có hiệu lực tức khắc. (80)

Mờ sáng Thứ Tư, 6/3, Hoàng Minh Giám cho Sainteny biết HCM đồng ý ký Hiệp ước, và Hồ sẽ trình bản dự thảo cho Quốc Hội. Trưa đó, lúc 12G30, D’Argenlieu nhận thêm một công điện (số 409) của Sainteny cho biết đã đạt được thỏa thuận miệng lúc 8 giờ sáng, đang chờ Quốc Hội VN biểu quyết. Nhưng D’Argenlieu đợi tới 14G00 mới đồng ý.

20G30 tối 6/3, Sainteny lại điện cho d’Argenlieu biết đã có vài sửa đổi chi tiết khác dự thảo hôm trước; nhưng vì tình hình đặc biệt ở Hải Phòng, không kịp xin d’Argenlieu phê chuẩn. Sainteny cũng thêm là lúc 17G30, một phái đoàn Pháp-Việt đã đi Hải Phòng (gồm cả Võ Nguyên Giáp). Từ hôm sau, Pignon sẽ cùng một phái đoàn Pháp-Hoa-Việt đi Vinh, Thanh Hóa và Huế để thông báo về Hiệp ước và đề phòng những tai nạn đáng tiếc xảy ra. (81)

Theo D’Argenlieu, mãi tới ngày 7/3 mới nhận được báo cáo của Leclerc về “tình hình đặc biệt ở Hải Phòng”: Mờ sáng ngày 6/3, 5 chiến hạm Pháp định theo Lục Đầu Giang tiến vào Hải Phòng, bị quân Trung Hoa chặn lại. Khi tàu Pháp không chịu rút lui, quân sĩ Sư đoàn 130/53 dùng pháo binh bắn xuống tàu đổ bộ [Landing Craft Infantry, LCI] và tàu Triomphant khiến 34 quân nhân Pháp chết và 93 bị thương. Valluy, Tư lệnh Sư Đoàn 9, cũng bị thương nhẹ. Sau 40 phút, Leclerc cho lệnh chiến hạm Pháp phản pháo, khiến một kho đạn phát nổ, rồi rút ra khơi. Để vãn hồi hòa khí cần thiết, Phó Đô Đốc Auboyneau và Valluy đi gặp Tướng Wang để thảo luận.( 82 )

(Còn tiếp)

Chính Đạo

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12245)
(Xem: 13783)
(Xem: 15057)
(Xem: 14637)
(Xem: 14627)
(Xem: 15230)
(Xem: 14066)
(Xem: 13817)
(Xem: 13853)
(Xem: 14743)