- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Hiệp Ước Sơ Bộ 6/3/1946 (phần I)

26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 102830)
Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 [Convention priliminaire de 6 mars 1946] là văn kiện ngoại giao đầu tiên ký giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] với đại diện Cộng Hòa Pháp tại Đông Dương, qua trung gian chính phủ Trùng Khánh. Mặc dù chỉ có tính cách tạm thời, văn kiện này công nhận sự hiện hữu của VNDCCH. Nó chính thức cải biến, nói theo các viên chức Bri-tên và Pháp, một thực thể chính trị “sinh ra trong hỗn loạn” thành một chính phủ lâm thời, của một “nước tự do” [un état libre] “có quốc hội, quân đội, tài chính và ngoại giao riêng,” nằm trong Liên Bang Đông Dương và Khối Liên Hiệp Pháp.( 1)

Đây không phải là một hiệp ước ký giữa Pháp với Việt Minh hay cá nhân Hồ Chí Minh [HCM] (1892-1969), mà giữa đại diện hai chính phủ Cộng Hòa Pháp và Liên Hiệp Kháng chiến [LHKC] VNDCCH. Jean H. Sainteny, Ủy viên Cộng Hòa Pháp tại Bắc vĩ tuyến 16, đại diện Pháp, do Cao ủy Georges Thierry d’Argenlieu (1888-1964) ủy nhiệm. Thủ tướng Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh (1907-1993), Phó Chủ tịch Hội Đồng Kháng Chiến, đại diện Việt Nam. Phụ Ước [Accord Annexe] Quân sự do Võ Nguyên Giáp (tên thật, Võ Giáp), Chủ tịch HĐKC, và Vũ Kim Thành, Ủy viên HĐKC, ký với Raoul Salan, Tư lệnh Pháp ở miền Bắc (chính thức ngày 3/4/1946). Hiệp ước cũng được chính phủ Félix Gouin (1-6/1946) phê chuẩn ba ngày sau, 9/3/1946.

Dù những người đặt bút ký các văn kiện trên có lý do riêng–không hẳn nói chung thứ ngôn ngữ hòa bình, thiện chí hay đoàn kết tinh thành như họ rêu rao–Hiệp ước 6/3/1946 và phụ ước quân sự có phần đời lịch sử riêng. Kết quả chung cuộc, nó giúp quốc quân Trung Hoa yên tâm triệt thoái, sau khi tạo cho Việt Nam và Pháp cơ hội tiếp tục thảo luận về tương lai. Pháp trở lại miền Bắc, kiêu hãnh nhìn lá cờ tam tài phất phới trong nắng Xuân Bính Tuất Hà Nội sau một năm vắng bóng. Phía Việt Nam, Hồ ít nữa cũng được sinh tồn, trút bỏ mối hiểm họa Trung Hoa, và hy vọng đạt một giải pháp chính trị với Pháp. Ngoài ra, có thêm thời gian củng cố thực lực, loại bỏ đối lập–những thành phần bị xếp hạng “phản động” nội địa hay quốc tế, sớm muộn phải ngừng hiện hữu. Phần những người chống Cộng, dù chịu thiệt thòi, nhưng có một cơ hội tham gia vào việc tái khai sinh nước Việt Nam mới–trong luật chơi khắc nghiệt ngàn đời, mạnh được, yếu thua; và, được làm vua, thua làm giặc.

Dĩ nhiên, giữa những điều hứa hẹn và thực tế không nhất thiết giống nhau. Việc thảo luận một giải pháp chính trị cho Việt Nam sau ngày quân Trung Hoa triệt thoái–qua hai Hội nghị trù bị Đà Lạt (4-5/1946) và Fontainebleau tại Pháp (7-9/1946)–đi từ bế tắc này sang bế tắc khác. Lập trường hai bên khác biệt sâu đậm ở ba điểm: độc lập/tự chủ, thống nhất ba kỳ, và qui chế Liên Bang Đông Dương. Cả ba vấn nạn trên bắt rễ với nhau, và nỗ lực chỉ giành đoạt cho mình những điều lợi ích nhất có thể rút ra từ các văn kiện đã ký kết–tảng lờ những điều bất lợi–khiến cả hai phe cuối cùng để cho vũ lực quyết định. Giai đoạn thứ nhất (1945-1954) của cuộc Tam Thập Niên chiến (1945-1975) đã lan rộng trên toàn bán đảo Đông Dương–thay vì hạn chế ở phía Nam vĩ tuyến 16, và tự tiêu hủy đi từ ngày 30/10/1946.

Trong khối văn chương sử học hiện nay, Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 chưa được nghiên cứu tường tận và khách quan. Người ta mới chỉ được đọc tài liệu tuyên truyền đủ màu sắc, hoặc những nhận xét sơ lược đến phiến diện về hiệp ước trên. Ngay những nghiên cứu cổ điển giá trị như The Struggle for Indochina của học giả Ellen J. Hammer cũng không dịch sát ý văn bản hiệp ước, nên không phản ánh được ý định hai phe.( 2)

Muốn hiểu rõ “hòa ước thiện chí” [bonne foi hay good will] trên công luận–và “giai đoạn” [d’une étape] trong tâm ý một số viên chức Việt-Pháp(3)–trước hết cần phân tích những yếu tố chi phối sự hình thành Hiệp ước, tức bối cảnh lịch sử đã khiến nó được ký kết; sự khác biệt giữa những thỏa thuận viết thành văn bản cùng chủ tâm của mọi phe phái; và, từ đó, rút ra kết luận về khả năng đạt được một hiệp định chính thức vượt trên những dị biệt trên.

Với những tư liệu đã giải mật ở đầu thế kỷ XXI,(4) kết luận duy nhất là khả năng đạt được một hiệp định chính thức rất giới hạn. Cả hai phe đều không đủ thiện chí và lòng tin cậy để sống chung hòa bình.

 
I. NHỮNG YẾU TỐ CHI PHỐI SỰ HÌNH THÀNH HIỆP ƯỚC SƠ BỘ 6/3/1946:

Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 được ký kết không do thiện ý của hai phe Pháp-Việt. Yếu tố có tính cách quyết định là Trung Hoa, một trong ngũ cường được đồng minh ủy nhiệm giải giới quân Nhật và bảo vệ an ninh ngay sau khi Thế Chiến thứ hai (1939-945) chấm dứt. Có áp lực của Liên bang Mỹ hay chăng, một trong những điều kiện Trung Hoa nhấn mạnh là Pháp chỉ có thể thay Quốc quân sau khi đạt thỏa thuận với VNDCCH–một chính phủ Liên hiệp Kháng Chiến, được Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn ngày 2/3/1946 (dù còn nặng tính cách sân khấu). Vì những lý do riêng, như sự mỏng yếu của quân viễn chinh–mà không hẳn vì sự an nguy của 20,000 Pháp kiều ở Hà Nội như tuyên truyền bấy lâu(5)–các đại diện Pháp phải ký một hiệp ước không đúng ý muốn của Cao ủy d’Argenlieu hay Bộ Ngoại Giao và Bộ Hải Ngoại Pháp. Phần Việt Nam cũng không đạt được tất cả những gì mong mỏi. Điều cả hai phe Pháp-Việt nhất trí là tạo cơ sở pháp lý cho quốc quân Trung Hoa triệt thoái.

A. YẾU TỐ TRUNG HOA:

Hiệp ước sơ bộ Pháp-Việt ngày 6/3/1946 là sản phẩm của Trung Hoa. Quan Tướng Trung Hoa áp lực cả Pháp lẫn Việt Nam ký văn kiện trên trước khi cho Pháp đổ bộ lên phía Bắc vĩ tuyến 16. “Yếu tố Trung Hoa” này chỉ được làm sáng tỏ từ thập niên 1980, khi tư liệu văn khố Pháp bắt đầu mở ra cho các nhà nghiên cứu.

Chính sách của Trung Hoa với Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng không, và cũng không thể, nhất quán hoặc dài hạn. Theo kế hoạch sơ khởi của Bộ Tổng Tư lệnh Quốc Quân, Đông Dương chỉ có ưu tiên hạng ba, sau Hoa lục, và Triều Tiên, Mãn Châu, Đài Loan.( 6)

Giữa chính phủ trung ương và các lãnh chúa vùng Vân Nam, Lưỡng Quảng cũng có dị biệt. Trên đại thể, Trùng Khánh không muốn can thiệp vào nội bộ Đông Dương. Phía sau hậu trường, Thống chế Tưởng Giới Thạch từng nói với Đại sứ Zinovic Pechkoff từ tháng 10/1944 là sẵn sàng yểm trợ Pháp tái lập nền đô hộ ở Đông Dương. Trong những cuộc hội kiến Thủ tướng Charles de Gaulle tại Oat-shinh-tân vào tháng 8/1945, và rồi tại Paris ngày 19/9, Ngoại trưởng Tống Tử Văn (T. V. Song) lập lại cam kết trên. Khi d’Argenlieu sang thăm xã giao Tưởng từ ngày 10 tới 12 tháng 10/1945, cả Tống và Tưởng cùng tái khẳng định lập trường này. Trước công luận, Tưởng nhiều lần tuyên bố không có tham vọng lãnh thổ ở Đông Pháp. Ngày 24/8/1945, khi loan báo chính sách 14 điểm về việc chiếm đóng phía Bắc vĩ tuyến 16, Tưởng nhấn mạnh nhiệm vụ quốc quân Trung Hoa thuần có tính cách quân sự; và không can thiệp vào nội bộ Đông Dương, theo đúng Quân Lệnh số 1 của Tướng Douglas MacArthur, Tổng Tư lệnh Quân Đồng Minh tại Thái Bình Dương.( 7)

Mặt khác, Tưởng không nhìn nhận chính phủ lâm thời VNDCCH thành lập ngày 2/9/1945, chỉ coi nó như một thực thể phụ giúp việc quân quản trong khi chờ trao trả chủ quyền cho Pháp. Bởi thế, Ngoại kiều Phủ tảng lờ công điện kêu gọi can thiệp để ngăn chặn sự tái xâm lăng của Pháp hay đề nghị qua thăm thân hữu Trùng Khánh của Hồ.( 8)

Trùng Khánh cũng bổ nhiệm các chức vụ Tổng Lãnh sự Hà Nội và Sài Gòn, cùng Lãnh sự Hải Phòng, trực thuộc Đại sứ TH ở Paris.

Dẫu vậy, Tưởng không nhẫn tâm lên án VNDCCH hay các tổ chức chống Pháp là “phiến loạn,” hay “côn đồ” [hooligans] cần bị tước khí giới, hay truy diệt để tái lập trật tự và luật pháp như London chỉ thị cho quân Bri-tên đã làm ở miền Nam.( 9)

Là một lân bang của Việt Nam, Trung Hoa làm ngơ cho Quốc Dân Đảng và các lãnh chúa liên lạc với những nhà hoạt động Việt kháng Pháp. Từ năm 1942, Trùng Khánh còn khai sinh và tài trợ các nhóm Việt kiều lưu vong dưới bảng hiệu Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (Đồng Minh Hội hay Việt Cách), trong kế hoạch “Hoa quân nhập Việt.” Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Trương Trung Phụng và ngay cả Hồ Chí Minh đều là ủy viên trung ương Ban Hành động của tổ chức này. Mùa Thu 1944, Hồ còn được về nước hoạt động kháng Nhật, mang theo 18 cán bộ Việt Cách, kể cả một nữ nhân viên truyền tin là Đỗ Thị Lạc, tức “chị Thuần.” Chỉ từ sau chiến dịch Meigo (9-10/3/1945), HCM và Việt Minh mới tách biệt dần khỏi Việt Cách, sau khi đạt được thỏa thuận với cơ quan tình báo Mỹ tại Hoa Nam khiến ngày 6/5/1945 Tiêu Văn đe dọa sẽ tiêu diệt Việt Minh. (10)

Liên hệ giữa quốc quân TH với chính phủ VNDCCH cũng nằm trong chính sách chung của Trùng Khánh–tức không công nhận. Viên chức Việt, khi muốn di chuyển, phải có giấy phép của cảnh vệ TH. Giám đốc Cảnh sát Hà Nội có lần bị bắt vì không giữ được trật tự hay kiểm soát các hành động bài Pháp. Ngay đến Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội Vụ, hay Chủ tịch HCM cũng từng bị tạm giữ vài giờ. Giây phút nào cũng lo sợ sẽ bị đảo chính hay bắt giữ. Từ chuyến qua thăm Hà Nội của Hà Ứng Khâm vào đầu tháng 10/1945, tới việc đưa Lộ Quân 53 Trung ương từ Vân Nam vào Bắc Việt sau cuộc lật đổ Long Vân.

1. Thương thuyết Pháp-Hoa:

Trùng Khánh coi nhiệm vụ giải giới quân Nhật tại Đông Dương như một thứ chiến lợi phẩm để giải quyết một số vấn đề căn bản trong bang giao Pháp-Hoa: Trước hết là những hòa ước bất bình đẳng từ cuộc chiến tranh nha phiến; sau đó, đến lợi nhuận vật chất khác, như việc sử dụng hải cảng Hải Phòng và quyền sở hữu khoảng 500 cây số đường xe lửa Hải Phòng/Côn Minh nằm trong lãnh thổ Vân Nam; và, tình trạng Hoa kiều ở Đông Dương.

Bắc Đông Dương còn được dùng như nơi tập trung và dưỡng quân để chuẩn bị cho kế hoạch củng cố quyền lực trung ương và “thanh Cộng”. Bởi thế, để tước khí giới khoảng 30,000 quân Nhật dưới quyền Tướng Tsuchihashi Yuitsu, Trùng Khánh vận dụng tới hơn 4 quân đoàn (152,500 người), so với khoảng một sư đoàn Bri-tên và 2 sư đoàn Pháp tại miền Nam.

Trong khi đó, quan Tướng Trung Hoa cũng có mục đích tư riêng–từ trả thù cá nhân, buôn lậu, làm giàu tới quan điểm chính trị và sở thích. Tại Lào, chẳng hạn, dù không có quân Nhật, Trung Hoa vẫn gửi qua một sư đoàn Vân Nam, và lực lượng này rút khỏi Đông Dương trễ nhất (9/1946).

Từ tháng 8/1945, sau khi biết được quyết định Potsdam của Bộ Tư lệnh Tối Cao Đồng Minh, Đại sứ Pechkoff đẩy mạnh thương thuyết với Trùng Khánh về quyền tài phán của Pháp tại Hoa lục, đặc biệt là Quảng Châu Loan [Guangzhouwan]; cùng vấn đề cư trú và tái võ trang khoảng 5000 binh sĩ Pháp đã chạy qua Vân Nam sau chiến dịch Meigo. Tiếp đó, những vấn đề nổi cộm nhất liên quan đến quân phí của Quốc quân Trung Hoa tại phía Bắc cùng tiếp vận, thực phẩm (gạo miền Nam).

Thương thuyết Pháp-Hoa về việc đưa quân Pháp ra Bắc chính thức bắt đầu sau khi Tưởng bật đèn xanh với Pechkoff ngày 7/12/1945, và Đại sứ TH tại Paris chuyển giao cho Quai d’Orsay thông điệp tương tự ít ngày sau. (11)

Tân Đại sứ Jacques Meyrier hối hả rời Paris tới Trùng Khánh ngày 17/1/1946 để trực tiếp thảo luận với Ngoại kiều Phủ. Hai bên gặp trở ngại từ đầu vì vấn đề kinh tế và tài chính. Điểm then chốt là quân phí, đã được d’Argenlieu đưa ra từ tháng 10/1945 để bày tỏ thiện chí. Trùng Khánh đòi 95.8 triệu đồng Đông Dương mỗi tháng, trong khi Pháp chỉ muốn trả khoảng 25 tới 27 triệu. Tháng 11/1945, hai bên đồng ý con số 60 triệu, nhưng chưa thoả thuận về thời gian chiếm đóng, tức tổng số tiền Pháp phải ứng trước. Ngoài ra, còn 3 vấn đề khác–tức chủ quyền phần đường xe lửa trên lãnh thổ Trung Hoa, quan thuế tại cảng Hải Phòng, và qui chế ngoại kiều dành cho người Hoa.

Vấn đề quân sự cũng được thảo luận tại Trùng Khánh từ ngày 8/1/1946, giữa Tướng Raoul Salan, Đại tá Crépin và Tùy viên quân sự Pháp với Bộ Tư lệnh Trung Hoa. (12) Như một dấu hiệu thiện chí trước lời than phiền của Pháp–do đích thân d’Argenlieu nêu lên vào tháng 10/1945, và qua Đại tá Jean Crèvecoeur, trưởng đoàn liên lạc tại Bộ Chiến Tranh TH–ngày 7/1, Tướng Trịnh Khải Dân (Tseng Kai-ming) cho lệnh Sư đoàn 93 Vân Nam rút khỏi Lào, và 40% Lộ quân 93 tại vùng Hà Nội/Hải Phòng triệt thoái về hướng Lạng Sơn-Quảng Tây nội trong tháng 1/1946. Các đề mục thảo luận chính là việc cho phép quân Pháp ở Vân Nam trở lại Đông Dương theo các trục Mương La, Phong Thổ và Lai Châu, tái võ trang 5,000 thường dân Pháp, và sử dụng các phi trường ở miền Bắc. Trùng Khánh chỉ chấp thuận trên nguyên tắc việc vũ trang 5,000 thường dân Pháp ở Hà Nội.

Giữa lúc thương thuyết đang diễn ra, bạo động chống Pháp lại đột ngột bùng lên ở Hà Nội. Từ tháng 3/1945, bài Pháp đã là thực đơn hàng ngày của dân chúng các đô thị miền Bắc. Việc quân Pháp được quân Bri-tên yểm trợ tái chiếm miền Nam từ tháng 9/1945 càng khiến tình hình căng thẳng. Thêm vào đó là kế hoạch giảm giá giấy bạc 500 Đông Dương cũ, và từ chối công nhận số giấy bạc do Nhật phát hành sau ngày 9/3/1945. Việc cải cách trên chỉ nhằm vào chính phủ lâm thời VNDCCH, cùng ngoại kiều Hoa, Ấn đã làm giàu dưới thời Nhật chiếm đóng, và đang kiếm lợi qua chợ đen quan kim. Nhưng quan tướng Quốc quân không đồng ý. Tháng 11/1945, họ từng bắt giữ Beylin, Giám đốc chi nhánh Ngân Hàng Đông Dương [NHĐD] Hà Nội, cùng Jean Laurent, Phó Tổng Giám đốc NHĐD, đang qua thăm Hà Nội, đưa về Côn Minh. Nhờ Tướng Philip E. Gallagher trong phái bộ Mỹ nỗ lực hòa giải tình hình mới tạm yên. Ngày 4/12, Pháp phải bỏ việc thâu hồi giấy bạc 500, và đồng ý đổi giấy bạc 500 bằng giấy nhỏ hơn. (13)

Thời gian này, Thượng tướng Chu Phúc Thành, Tư lệnh Quân Đoàn 53, đang trực tiếp cai trị Hà Nội và châu thổ sông Hồng. Chu chống Cộng, và ủng hộ nhóm Nguyễn Hải Thần-Nguyễn Tường Tam-Vũ Hồng Khanh. Đầu tháng 12/1945, Chu từng tra vấn HCM trọn một ngày về vụ ám sát một Pháp kiều. Đây không phải là vụ sát nhân đầu tiên. Từ tháng 11/1945, đã có 30 vụ sát nhân và 30 vụ bắt cóc [rapts] Pháp kiều.

Tướng Võ Nguyên Giáp thuật lại rằng đầu tháng 12/1945, Hồ đến tư dinh Tiêu Văn, rồi được đón vào Bộ Tư lệnh quân Trung Hoa ở nhà thương Đồn Thủy (Bệnh viện 108 hiện nay). Bị tra vấn gần trọn một ngày mới thả, nhưng xe và tài xế bị giữ lại. Lý do là Chu nghi Lê Tùng Sơn, một cán bộ trung ủy của Việt Cách đã bí mật theo Cộng Sản, giết chết một Pháp kiều. Theo Sơn, đang vận động ứng cử Đại biểu Quốc Hội ở Thái Bình, bị gọi về Hà Nội, rồi tống giam. Bị đánh đau, thoạt tiên Sơn nhận tội. Nhưng khi chánh thẩm mớm cung cho Sơn khai HCM và Giáp đã cho lệnh giết người, Sơn phản cung. Chu ra lệnh xử tử Sơn, nhưng Tiêu Văn xuất hiện kịp thời cứu mạng. Sau Sơn thấy Bảo, tài xế của HCM, cũng bị bắt, cùng Quý, con Từ Ngọc Liên, do công an Việt giải giao. Nhưng rồi Nguyễn Hải Thần can thiệp cho Quý được phóng thích. Trong thời gian Sơn bị giam, Uông Bài Thành. Trưởng phòng II của Lư Hán, can thiệp.( 14)

Việc thẩm cung Hồ hay bắt giữ Sơn chỉ giúp tình hình tạm lắng dịu. Ngày 9/1/1946, vừa trở lại Hà Nội, Beylin bị ám sát. Rối loạn tiếp tục trong hai ngày 10-11/1/1946 vì Hoa kiều biểu tình chống Pháp. Tướng Ma Ying, Tham Mưu trưởng của Lư Hán, phải đích thân can thiệp.

Ngày 16/1, Trùng Khánh đồng ý cho quân Pháp trở lại đất Lào để trao đổi với việc chuyên chở gạo Sài Gòn ra Bắc hầu đáp ứng nhu cầu quốc quân, lên tới 5,000 tấn mỗi tháng. Trước đó, ngày 12/11/1945, khi Tướng Ma Chang Yang vào Sài Gòn, đòi Pháp tải gạo ra Bắc, d’Argenlieu chỉ đồng ý với điều kiện quân Trung Hoa phải rút khỏi Lào trước ngày 1/1/1946.( 15)

Nhưng ngay sau khi có tin quân Pháp tiến vào Lai Châu, bạo động lại bùng lên. Ngày 19/1, Arnoux, một cựu giáo sư trường Bách Nghệ, bị bắn chết ngay trước cửa nhà. D’Argenlieu khai thác tối đa sự kiện này để hỗ trợ kế hoạch tái chiếm miền Bắc. Ngày 20/1, Sainteny họp khẩn với viên chức Trung Hoa (Lin Chi Han, phái viên của Tưởng bên cạnh Lư Hán), và viên chức Bri-tên/Mỹ về cái chết của Arnoux. Đại diện Mỹ và Bri-tên theo Sainteny tới tận Đồn Thủy để phản đối ban quân quản TH (gồm Thiều Bá Xương, Chu Phúc Thành và Tiêu Văn) đã không bảo đảm được an ninh cho Pháp kiều. Ngày 27/1, Cố vấn Ngoại Giao Clarac và Pignon lại gặp Chu và Lin về việc này. Lin hứa sẽ không xảy ra những chuyện đáng tiếc nữa.( 16)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12245)
(Xem: 13783)
(Xem: 15057)
(Xem: 14637)
(Xem: 14627)
(Xem: 15230)
(Xem: 14066)
(Xem: 13817)
(Xem: 13852)
(Xem: 14743)