- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nói Chuyện Với Lại Nguyên Ân Về Việc Sưu Tập Những Tác Phẩm Đăng Báo Của Phan Khôi

26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 8296)
image005
(Phan Khôi 1956)
Thụy Khuê thực hiện

Trong một bài in trên Đông Pháp Thời báo, số ra ngày 1/9/1928 giữa thời Pháp thuộc, Phan Khôi viết: “Ở vào thế kỷ XX là thế kỷ mà thiên hạ làm phách hô lớn lên hai chữ tự do, nói rằng đâu đâu cũng phải tôn trọng sự tự do, đâu đâu cũng phải tôn trọng quyền ngôn luận, quyền xuất bản. Bỗng dưng nghe đến hai chữ “cấm sách” thì há chẳng phải là một sự lạ hay sao. Song le là lạ ở xứ nào kia, còn xứ nầy sự ấy đã như cơm bữa rồi, không còn lạ gì nữa.” Đó là giọng Phan Khôi, là chí khí toát ra lời. Chí khí ấy trở thành có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX. Nhưng thế hệ hôm nay, bao nhiêu người còn biết Phan Khôi là ai? Tạ Trọng Hiệp gọi Phan Khôi là “người xa lạ” !

Trong nhiều năm nay, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã cố gắng sưu tập, tìm lại những bài viết của Phan Khôi, người xa lạ ấy, trên báo chí ngày xưa. Và hôm nay ông sẽ thuật lại cho chúng ta, sơ lược hành trình này.

Đặc biệt là trong giai đoạn hoạt động mạnh nhất từ 1929 đến 1936, trên báo chí khắp ba kỳ Nam, Trung, Bắc, Phan Khôi đã đưa ra những đề tài tranh luận lớn, chủ yếu phê bình Khổng học và Phan Khôi đặt các vấn đề về việc dùng tiếng Việt và chữ quốc ngữ. Lại Nguyên Ân sẽ nói về những cuộc tranh luận văn học mà Phan Khôi đã khai ngòi trong những năm 1929-30 trên các báo Thần Chung, Phụ Nữ Tân Văn và Trung Lập ở Nam Kỳ.

 

 Thụy Khuê: Thưa anh Lại Nguyên Ân, ngoài hai cuốn Chương Dân thi thoại (in lần đầu 1936) và Việt ngữ nghiên cứu của Phan Khôi đã được in lại vào những năm 1995-96, thì người đọc ở trong nước hiện nay có thể biết gì về Phan Khôi, thưa anh?

 Lại Nguyên Ân: Những năm tháng cuối đời Phan Khôi sống ở Hà Nội ; lúc đó là sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, ông bị cách ly và không được quyền đăng bài vở, không được quyền công bố gì cả, thành ra sau cái chết có thể nói là rất lặng lẽ của ông vào năm 1959, thì dư luận sách vở ở miền Bắc hầu như là lãng quên ông hoàn toàn, nếu có lời nào đó nhắc đến ông thì chắc chắn chỉ là những lời thoá mạ. Riêng ở miền Nam, suốt thời kỳ từ 1954 đến 1975, theo như chúng tôi đọc lại được tài liệu thì thấy rằng ít nhất có hai nhà nghiên cứu nhắc đến Phan Khôi : một là nhà giáo Phạm Thế Ngũ trong cuốn Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, có nhắc đến đóng góp của Phan Khôi trong giai đoạn những năm 1930 về mặt phê bình văn học và cũng nhắc đến một số tác phẩm của ông đăng trên báo chí những năm 1930. Người thứ hai là nhà nghiên cứu, nhà giáo Thanh Lãng, ông nhắc đến những đóng góp, những hoạt động báo chí của Phan Khôi những năm 1930, trong những cuốn như là Bảng lược đồ văn học sử hay là nói về thế hệ phê bình 1932, hoặc là có một công trình của Thanh Lãng sưu tầm những bài tranh luận văn học, sau khi Thanh Lãng mất, đã được in, đó là bộ sách 13 năm tranh luận văn học, ba tập(1995), trong này có một số lượng đáng kể những tác phẩm của Phan Khôi in trên tờ Phụ Nữ Tân Văn. Và có lẽ đấy là tất cả những gì mà người ta còn biết, hậu thế còn biết về Phan Khôi.

 T.K.: Thưa anh, tại sao anh lại có ý định sưu tầm những bài viết của Phan Khôi, ý định này đã đến với anh từ bao giờ?

 L.N.A.: Vào những năm cuối thế kỷ XX, một số người trong đó có tôi càng ngày càng nhận thấy rõ là tác giả Phan Khôi, cũng giống như một loạt các trường hợp khác của những người từng hoạt động rất tích cực trong báo chí Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX, đặc biệt là đầu thế kỷ XX, nhưng do tình trạng nghiên cứu phải nói là yếu kém về lịch sử báo chí Việt Nam, cùng với những hậu quả khác của sự phân biệt đối xử, cho nên hàng loạt tác giả, hàng loạt nhà báo, nhà chính luận, nhà nghiên cứu văn hóa đầu thế kỷ XX có thể là sẽ bị quên lãng mãi mãi và những tác phẩm của họ có thể sẽ hoàn toàn bị mất đi, hoàn toàn không có chỗ trong trí nhớ của các thế hệ hậu thế. Thành thử, chúng tôi thấy là cần phải đặt vấn đề khôi phục lại để nhắc nhở những thế hệ sau là những thế hệ cầm bút đi trước đã có những đóng góp như vậy trên một diễn đàn rộng lớn là báo chí cả ba kỳ, từ đầu cho đến giữa thế kỷ XX. Tôi đã tự nhận lấy việc sưu tầm tác phẩm của Phan Khôi. Vào khoảng năm 2000 thì tôi đã có được trong tay một số tác phẩm đáng kể. Và từ 2000 đến 2003-2004 thì tôi càng có một số lượng những tác phẩm sưu tầm được của Phan Khôi nhiều hơn. Cho đến bây giờ tôi đã sưu tầm được hơn một nghìn bài báo của Phan Khôi. Tôi bắt đầu hình dung được một vài chặng đường làm báo của Phan Khôi. Tôi đã bắt đầu in ra được một số cuốn sách sưu tập các tác phẩm báo chí của Phan Khôi. Đó là hai cuốn : Cuốn thứ nhất là Phan Khôi : Tác phẩm đăng báo 1928, xuất bản năm 2003, và cuốn thứ hai là Phan Khôi : Tác phẩm đăng báo 1929, mới xuất bản vào tháng 5 / 2005. Tôi sẽ tiếp tục cho ra mắt những sưu tập tiếp theo trong những năm sắp tới.

 T.K.: Xin anh kể qua lịch trình hoạt động báo chí của Phan Khôi.

 L.N.A.: Một vài tài liệu khác nhau nói rằng Phan Khôi ra Bắc vào khoảng 1907 hay 1908 gì đó, để tham gia trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Nhưng Đông Kinh Nghĩa Thục sớm bị đóng cửa. Lại cũng nghe nói ông định tham gia làm báo hay sách của Đông Kinh Nghĩa Thục, nhưng công việc đó cũng không thành. Có lẽ là Phan Khôi cũng chưa viết báo ngay từ 1908. Sau thời điểm đó, ông làm những công việc khác. Theo tôi biết có lẽ là Phan Khôi thực sự làm báo là với tờ Nam Phong, từ 1918-1919. Như gần đây ta biết, Phan Khôi chẳng những có bài đăng trên Nam Phong chữ quốc ngữ mà còn có bài đăng trên Nam phong chữ Hán. Nhưng có lẽ vì cũng không ăn ý lắm với Phạm Quỳnh cho nên ông thôi cộng tác với Nam Phong, vào Nam viết cho tờ Lục Tỉnh Tân Văn. Phan Khôi cũng chỉ viết cho tờ này trong độ vài tháng rồi thôi, có lẽ sau khi báo này đăng một bài ông viết hơi nặng lời về một viên chức cao cấp Pháp ( Pierre Pasquier) sắp trở thành Toàn quyền Đông Dương. Sau đó Phan Khôi có tham gia một vài tờ báo trong Nam ngoài Bắc, nhưng hình như số bài được đăng rất ít, không đáng kể. Hình như vào khoảng thời gian Phan Chu Trinh ở Pháp về Sài Gòn, có nhắn tin Phan Khôi vào, có lẽ là để cùng thực hiện những việc do cụ Phan tổ chức. Nhưng Phan Chu Trinh về tới Sài Gòn ít lâu thì qua đời. Phan Khôi vào đến Sài Gòn rồi ông có làm một cuốn tiểu sử Phan Chu Trinh ( đây là theo một tư liệu của mật thám Pháp, được phát hiện và công bố gần đây trong một cuốn sách tư liệu về Phan Chu Trinh). Thời gian này Phan Khôi sống ở Lục tỉnh, có lúc ở tận Cà Mau, giành thời giờ cho việc học tiếng Pháp hơn là viết báo.

 T.K.: Theo anh thì đến năm nào Phan Khôi mới thực sự bắt tay vào làm báo như một ngòi bút chuyên nghiệp?

 L.N.A.: Theo tôi là năm 1928. Khoảng cuối năm 1927, Phan Khôi trở về Sài Gòn cộng tác với tờ Đông Pháp Thời Báo lúc này đã chuyển giao từ Chủ nhiệm Nguyễn Kim Đính sang tay Chủ nhiệm Diệp Văn Kỳ. Trong một bài báo mà có lẽ nữ ký giả Phan Thị Nga được Phan Khôi cung cấp tài liệu để viết về Phan Khôi trên tờ Hà Nội Báo năm 1936, thì chính Phan Khôi cũng tự nhận xét là ngòi bút viết báo của ông trở nên thiết thực là bắt đầu ở trên tờ Đông Pháp Thời Báo, tức là 1928. Quả thực là trong khi đọc lại báo cũ, tôi cũng đã thấy là từ năm 1928, trên tờ Đông Pháp Thời Báo đã chuyển từ Nguyễn Kim Đính sang Diệp Văn Kỳ, thì Phan Khôi là một trong những người cộng tác rất đắc lực, bên cạnh những cây bút như Nguyễn Văn Bá, Đào Trinh Nhất, Bùi Thế Mỹ, Tản Đà, Ngô Tất Tố,v.v. Chúng ta biết là tờ Đông Pháp Thời Báo của Diệp Văn Kỳ là tờ báo có hơi hướng đối lập và rất nhanh chóng trở thành tờ báo có nhiều độc giả ở Sài Gòn, ở Lục tỉnh và ở cả các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Phan Khôi viết cho Đông Pháp Thời Báo cả trong các số thường lẫn các số ị phụ trương văn chương Ể, cả các bài thời sự xã hội lẫn các bài văn chương triết lý và ị Nam âm thi thoại Ể, tuy nhất loạt chỉ ký C.D.(viết tắt tên hiệu Chương Dân) nên người nghiên cứu không thật chú tâm thì không nhận ra.

 T.K.: Thưa anh, Phan Khôi là người nổi tiếng trên văn đàn về những cuộc bút chiến, vậy theo anh, cuộc tranh luận đầu tiên của Phan Khôi là về vấn đề gì, và tranh luận với ai?

 L.N.A.: Tôi nghĩ là khá nhiều cuộc tranh luận do Phan Khôi khởi xướng nay đã bị những người nghiên cứu văn học và sử học lãng quên. Ví dụ cuộc tranh luận có lẽ là đầu tiên ông khởi ra trên Đông Pháp Thời Báo về sử Việt cận đại. Ông cãi lại một ý kiến sai lầm mà gần lúc ấy có hai người nổi tiếng vô tình lặp lại. Một là Huỳnh Thúc Kháng trong một bài trên báo Tiếng Dân (7/4/1928) nói vua Gia Long ị nhờ được binh lực nước Pháp mà làm thành cuộc thống nhứt Ể và một người nữa là Trần Huy Liệu trong cuốn Một bầu tâm sự in và phát hành ở Sài Gòn (rồi bị cấm) trong đó cũng có chỗ nói Gia Long thời đánh nhau với Tây Sơn đã được ị Pháp quốc giúp cho hai cái tàu và một ít súng thần công . Trong hai tài liệu nói trên, hai tác giả kia đã vô tình lặp lại luận điệu của những học giả, ký giả thực dân ; điều này theo Phan Khôi đương nhiên là có hại nhưng cái chính là nó hoàn toàn sai sự thật. Phan Khôi đã đem tất cả các sử liệu Việt Nam và Pháp ra, cho thấy việc Bá-Đa-Lộc dẫn Hoàng tử Cảnh con Nguyễn Ánh sang Pháp vận động chính phủ Pháp giúp tàu chiến, vũ khí và quân lính, rôt cuộc ký được tờ giao ước với vua Pháp Louis XVI vào tháng 11/1787, nhưng cái hiệp ước đó chính phủ Pháp đã không thực hiện. Khi Bá-Đa-Lộc từ Paris trở về đến Pondichéry (tháng 5/1788) thì các viên Toàn quyền Pháp luân phiên ở đấy dứt khoát không chịu rút khoản tiền của chính phủ Pháp dự trù cho giao ước can thiệp kể trên ra để mua thuyền, mua vũ khí với tuyển quân gì cả ! Họ làm thế vì đã có mật lệnh từ bộ ngoại giao Pháp ! Rút cục lại thì, một là Bá Đa Lộc phải vận động vay tiền một hai nhà giàu ở Pondichéry, hai là chính Nguyễn Ánh lúc đó cũng đã chiếm được một ít đất ở Nam Kỳ rồi, cho nên đã có tiền gửi sang và Bá Đa Lộc dùng tiền đó để mua tàu chiến và mộ một ít lính và sĩ quan Pháp đưa sang cho Nguyễn Ánh. Như vậy Phan Khôi chứng minh rằng việc mà trong quân Nguyễn Ánh có những người Pháp và có những tàu bè súng ống đó, thì đấy chẳng qua chỉ là những võ quan và lính ngoại quốc đánh thuê cho Nguyễn Ánh mà thôi (và Nguyễn Ánh lúc đó cũng mới chỉ là một thế lực quân phiệt, chưa có quyền chính thống ở Việt Nam). Cách xem xét này trái hẳn lối nghĩ ị đánh đồng của Huỳnh Thúc Kháng ( ký giả này vẫn cho rằng ị .. song đương thời đại đó thì vua Gia Long tức là nước Nam ta, mà những người tóc vàng da trắng mũi nhọn mắt thau tức là nước Pháp ; người Pháp với nước Pháp cũng không phân biệt là mấy ). Có thể nói ở đây không chỉ cần tranh luận về sử liệu mà còn cần tranh luận cả về phương pháp xem xét lịch sử nữa. Đấy là một trong những chủ đề mà Phan Khôi đã nêu thành ra một cuộc tranh luận.

Một chủ đề khác, là về phương Đông và phương Tây. Phan Khôi đã thấy rằng vào lúc đó, tức những năm 20 của thế kỷ XX, có thể là những hậu quả của thế chiến thứ nhất đã gây khủng hoảng tinh thần ở Âu châu ; nhân đó một số học giả phương Đông dấy lên tư tưởng cho rằng bây giờ phương Tây lạc hậu rồi, nên quay sang học phương Đông đi là hơn. Phan Khôi, trong một số bài báo cho rằng tư tưởng ấy chẳng qua chỉ là hùa theo một số học giả phương Tây, vì họ thấy một số giá trị phương Tây lâm vào khủng hoảng sau thế chiến thứ nhất, chứ thật ra thì phương Đông lúc đó vẫn còn đang lạc hậu lắm, kém xa so với văn minh cơ khí, điện khí lúc đó của phương Tây. Phan Khôi nêu 3 điểm so sánh : 1/ Trong khi phương Tây chuộng khoa học thì phương Đông chuộng huyền học ; 2/ Trong khi phương Tây chuộng tự chủ thì phương Đông chuộng thống thuộc (ông giải nghĩa chữ tự chủ ở đây chính là nội dung của chủ nghĩa cá nhân ; rất khác so với những nội hàm cá nhân chủ nghĩa bị xuyên tạc kiểu tuyên huấn sau này) ; 3/ Trong khi phương Tây trọng sự tiến thủ thì phương Đông trọng sự an phận. Từ sự so sánh nhấn mạnh những nét đối lập của hai tư tưởng, hai lối sống như trên, Phan Khôi đi tới kết luận : phương Đông muốn tiến bộ thì phải học theo tư tưởng và lối sống Tây phương, phải Âu hoá . Nhìn vào một xứ sở rộng lớn cũng đang đứng trước bài toán thời cuộc là Trung Hoa, Phan Khôi khẳng định : chúng tôi dám nói quyết rằng hễ trong nước Tàu ngày nào còn những cái học thuyết cũ của Khổng Tử thì ngày ấy sẽ còn đẻ ra những bọn như Viên Thế Khải và Trương Tác Lâm mà nước Tàu sẽ không thể nào làm xong công việc cach mạng và dựng nên một nước cộng hoà chơn chánh .

 T.K.: Thưa anh, còn một thể loại văn học khác cũng gắn liền với tên tuổi của Phan Khôi, đó là thể loại hài đàm. Vậy xin anh nói về thể loại này.

 L.N.A.: Ở trên tờ Đông Pháp Thời Báo năm 1928, ông Diệp Văn Kỳ có đặt ra một mục gọi là Câu chuyện hàng ngày, lúc đầu thì do nhiều người viết, ký nhiều tên, nhưng dần dần dưới bài của mục này chỉ ký một bút danh duy nhất là Tân Việt. Sau này sẽ rõ :Tân Việt là cái tên do ông Diệp Văn Kỳ đặt, những người viết là ông Kỳ, ông Khôi, đôi khi ca ông Bá nữa (Nguyễn Văn Bá, chủ bút ĐPTB), nhưng trên thực tế thì người viết chính, thường xuyên là Phan Khôi. Số báo nào cũng có mục này với một bài chiếm một cột ở trang nhất. Phan Khôi chèo lái mục đó, xây dựng nhân vật Tân Việt thành một kiểu người gây hài, chuyên chọc cười thiên hạ, bàn về đủ chuyện cổ kim đông tây, lúc thì dí dỏm, đùa cợt, lúc thì mai mỉa, chua cay. Trong làng báo tiếng Việt, có lẽ Phan Khôi là một trong những người đầu tiên viết thể tài tiểu phẩm, hài đàm này, coi nó như là một góc cho sự sáng tạo văn chương trên đất đai của báo chí, là một thứ rất mới đối với một người vốn là con đẻ của nền nho học cũ.

 Để xây dựng lối văn tiểu phẩm hài đàm này, Phan Khôi đã dựa vào hai tác giả Pháp là Clément Vautel (?)và Charles de la Fouchardière (?)vốn thường viết trên các tờ Le Journal và L’Suvre ở Pháp. Ông rất chú ý học kinh nghiệm của hai nhà báo Pháp đó để tạo ra văn hài đàm trên báo chí Việt Nam. Tất nhiên phần việc nặng nhất vẫn là thể hiện bằng tiếng Việt ; ở đây có lẽ Phan Khôi được mách nước từ cuộc đổi mới ở văn học Trung Hoa những năm 1920 với việc chuyển sang dùng bạch thoại tức là lời nói sống động hằng ngày. Điều này thấy rõ ở việc Phan Khôi trong các Câu chuyên hằng ngày chú ý dùng khẩu ngữ, tận dụng phương ngữ Nam Kỳ để tạo ra sắc thái chân thật, cụ thể, sinh động của các bài viết.

 T.K.: Thưa anh Lại Nguyên Ân, có thể nói là hoạt động báo chí của Phan Khôi thực sự bắt đầu trên tờ Đông Pháp Thời Báo, nhưng phải đến hai tờ Thần Chung và Phụ Nữ Tân Văn thì Phan Khôi mới viết những bài báo lớn, có tiếng vang khắp ba kỳ. Vậy xin anh nói về giai đoạn này.

 L.N.A.: Diệp Văn Kỳ chấm dứt tờ Đông Pháp Thời Báo vào ngày 22/12/1928 thì đến 7/1/1929, với chính cái bộ biên tập ấy, ông xuất bản tờ Thần Chung ; đây là sự tiếp tục tờ Đông Pháp Thời Báo, tờ này đến cuối tháng 3/1930 thì bị cấm. Ngày 2/5/1929, tờ Phụ Nữ Tân Văn là tờ tuần báo tư nhân của gia đình Nguyễn Đức Nhuận - Cao Thị Khanh chào đời, có thể nói đây là một tờ tuần báo hoạt động rất hiệu quả. Trong năm 1929, Phan Khôi viết cho cả hai tờ Thần Chung và Phụ Nữ Tân Văn. Ở trên Thần Chung ông tiếp tục vai trò Tân Việt trong Câu chuyện hằng ngày ; vào khoảng cuối năm, ông mới bắt đầu ký là Phan Khôi trong loạt bài về Khổng giáo và thảo luận về dịch sách Phật giáo. Ngoài ra ông ấy còn viết những bài ký là Thần Chung, ký tên của tòa soạn. Ông còn có một số bài ký tên Khải Minh Tử. Tôi có tìm được ở trên tờ Quần báo bằng chữ Hán của Hoa kiều, xuất bản ở Chợ Lớn, có một bài đăng hai kỳ, ký tên là Khải Minh, nhan đề là “Chính trị gia khẩu đầu chi Khổng Tử”, nghĩa là “Tên ông Khổng Tử nằm ở đầu lưỡi các nhà chính trị”. Chính bài này đã được giới thiệu và trích dịch lại trên báo Thần Chung. Phan Khôi muốn lưu ý giới độc giả Hoa-Việt một vấn đề là: Liệu học thuyết của Khổng Tử có còn phù hợp với ngày nay hay không? Loạt bài 21 kỳ ở trên báo Thần Chung (từ 1/10 đến 18/11) nhan đề là “Cái ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta” là tác phẩm phê bình vào loại sớm của nho sĩ Việt Nam đối với di sản Khổng giáo. Bài báo này có ảnh hưởng rất lớn, cho nên sau này, nhiều nhà văn, nhà báo thường nhắc đến bài báo này. 21 bài này có thể nói là một cái nhìn có hệ thống của Phan Khôi đối với Khổng giáo, nhất là góp lời thảo luận về chuyện Khổng giáo có còn thích dụng với các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam, trong thời buổi đầu thế kỷ XX nữa không? Và cái ý của Phan Khôi cũng như của phần đông sĩ phu có đầu óc duy tân cải lương là Khổng giáo đã góp phần vào việc kìm hãm sự tiến bộ xã hội, kinh tế, của nhiều mặt đời sống xã hội và nhất là khi mà Khổng giáo gặp những làn sóng Âu hóa ở phương Tây tràn sang, thì Khổng giáo lại tỏ ra là thua trên mọi phương diện. Và ông ấy thấy rằng người ta sẽ phải chấp nhận những ảnh hưởng phương Tây, rồi thì những cái gì của Khổng giáo còn là khả chấp, thì rồi nó sẽ còn lại. Và cái tác dụng còn lại của nó, theo ông là chung quanh việc tu thân, bồi dưỡng nhân cách.

 T.K.: Thưa anh, đề tài nổi tiếng thứ nhì của Phan Khôi là về chữ quốc ngữ. Phan Khôi muốn xây dựng một nền văn tự quốc ngữ có tính cách thống nhất Nam Trung Bắc, vậy xin anh nói qua về những cuộc tranh luận xung quanh đề tài này.

 L.N.A.: Về việc tuyên truyền phổ cập chữ quốc ngữ, ở dư luận sử học trong nước hiện giờ thường chỉ nhấn mạnh công lao của Hội truyền bá quốc ngữ. Nhưng người ta quên là hội ấy chỉ mới hoạt động từ năm 1938. Thế thì suốt từ 1865 đến 1938, không ai truyền bá chữ quốc ngữ cả hay sao ? Người ta vẫn cố tình quên hoạt động của hệ thống trường học Pháp Việt, quên đóng góp của các tờ báo quốc ngữ đầu tiên trong Nam ngoài Bắc. Trên báo chí ở Sài Gòn những năm 1920-30, tôi thấy việc dùng chữ quốc ngữ được đem ra thảo luận khá nhiều, cả trên báo chí, cả trong nghị trường.

Chúng ta biết rằng chữ quốc ngữ, tức là chữ viết tiếng Việt theo phiên âm latin, được đưa vào sử dụng đầu tiên là ở Nam Kỳ. Chính ở đây nảy sinh một chuyện là có sự chênh lệch giữa lời nói hằng ngày của người Nam Kỳ với hệ thống vần và thanh điệu tiếng Việt đã được chuẩn định trong một số từ điển (ví dụ từ điển cổ của De Rhodes, của Bá Đa Lộc, hoặc từ điển gần hơn, của Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Paulus Của) ; thật ra thì chẳng những phương ngữ Nam Kỳ mà ngay phương ngữ Bắc Kỳ cũng chênh lệch so với các chuẩn mực kể trên. Nhưng nếu Phan Khôi chỉ đặt vấn đề phải viết chữ quốc ngữ cho đúng (tức là đúng theo từ điển) thì đối với các nhà giáo và các vị dân biểu Nam Kỳ, vấn đề lại phức tạp hơn. Lúc đó tiếng Việt và chữ quốc ngữ được đưa thêm vào các trường sơ học ở Nam Kỳ đã gây phản ứng khác nhau trong giới phụ huynh ; có người đồng tình nhưng cũng có người e ngại tiếng Việt sẽ làm khó thêm cho khả năng tiếp nhận kiến thức khoa học của học sinh. Lại nữa, các sách tiếng Việt do Nha Học chính Đông Pháp cho biên soạn và in ở Hà Nội được dùng chung ở khắp 3 kỳ, đã gây phản cảm cho một vài vị dân biểu, họ đã đưa ra thảo luận tại Hội đồng quản hạt Nam Kỳ và nêu ý kiến xin Nha Học chính cho phép biên soạn sách học tiếng Việt riêng cho học trò Nam Kỳ ; để nhấn mạnh cái lý của đề xuất này, một vài người tô đậm cái gọi là khác biệt giữa tiếng Nam và tiếng Bắc. Nhưng đằng sau những lầm lẫn về kiến thức này, những người chủ trì tờ Thần Chung nhận ra sự tiềm ẩn của nguy cơ chia rẽ dân tộc. Lập tức Diệp Văn Kỳ rồi Nguyễn Văn Bá lên tiếng rất mạnh mẽ đồng thời vận động cho một số nhà giáo lên tiếng cũng rất mạnh mẽ rằng: không nên đặt vấn đề có hai thứ tiếng Việt mà chỉ nên đặt vấn đề là có một thứ tiếng Việt thống nhất của một dân tộc Việt Nam duy nhất mà thôi. Họ nhìn thấy rằng đằng sau ngôn ngữ là vấn đề chính trị, là sự thống nhất của dân tộc, sự thống nhất của đất nước, thành ra họ phê phán những cái tùy hứng của một số người thổi phồng những đặc điểm phương ngữ lên để định đặt ra một thứ gọi là tiếng Nam Kỳ để phân biệt với cái gọi là tiếng Bắc Kỳ, nghĩa là chia rẽ tiếng Việt ra. Họ vận dụng ví dụ của nhiều nước khác để thấy rằng các chính sách ngôn ngữ sẽ liên quan đến các chính sách về dân tộc. Cuộc thảo luận đó, báo Thần Chung đã làm rất mạnh mẽ và sau đó, cũng trên vấn đề quốc ngữ, nó chuyển sang vấn đề là viết chữ quốc ngữ thế nào cho đúng. Đây là mối quan tâm của Phan Khôi và ông lên tiếng thường xuyên về chuyện này. Như là để gây thêm chú ý, ông chọn nêu hai trường hợp, một người là Nguyễn Chánh Sắt, thật ra tên cụ là Sắc nếu mà theo đúng chữ Hán và đọc theo đúng giọng ngoài Bắc, thì là Sắc, tận cùng bằng c. Thế mà cụ lại viết là Sắt, tận cùng bằng t. Một người khác là Đặng Thúc Liêng, tên cụ viết chữ Hán là Liên, tức là hoa sen, thì cụ lại viết theo giọng Nam Kỳ có chữ g ở cuối là Liêng. Phan Khôi lấy hai trường hợp đó ra để nói nhà nho lão thành mà viết sai thì cũng nên sửa ; cách đề cập này làm cho hiệu quả thảo luận được mạnh và kéo theo nhiều tờ báo cùng tham gia. Vấn đề viết chữ quốc ngữ thế nào cho đúng còn kéo dài trên báo chí Nam Kỳ trong nhiều năm sau. Có thể nói là Phan Khôi đã châm ngòi cho khá nhiều hoạt động trao đổi như thế ở trên báo chí.

 T.K.: Thưa anh, sau tờ Thần Chung, Phan Khôi sang viết cho Trung Lập báo, đây cũng là một thời kỳ sôi nổi khác của Phan Khôi?

 L.N.A.: Cuối tháng 3 năm 1930, như tôi đã nói, tờ Thần Chung bị đóng cửa, Phan Khôi với Bùi Thế Mỹ, hai nhà báo quê đất Quảng, đến với tờ Trung Lập. Tờ Trung Lập trong một thời gian nhiều năm trước bị mang tiếng gần như là tiếp tay cho chế độ thực dân, đứng về phía chính quyền thực dân. Ban nãy tôi nói là ngày 2/5/1929 tại Sài Gòn ra đời tờ Phụ Nữ Tân Văn mà sau này có tiếng vang lớn trong lịch sử báo chí. Tiếp đến ngày 2/5/1930 lại một cái dấu khác của báo chí Sài Gòn : tờ Trung Lập, chuyển từ Trung Lập cũ sang Trung Lập mới. Tờ Trung Lập mới tuyên bố đoạn tuyệt với tập đoàn của tài phiệt Homberg, trở thành tờ báo hoàn toàn của người Việt và bênh vực quyền lợi của người Việt ; ngày đó Bùi Thế Mỹ chính thức làm Chủ bút Trung Lập và Phan Khôi bắt đầu cộng tác đều đặn với tờ Trung Lập liên tục cho đến tận khi Trung Lập bị đóng cửa, vào cuối tháng 5/1933.

 Trên tờ Trung Lập này, ngay sau khi những cuộc biểu tình lớn nổ ra và bị đàn áp ở Lục tỉnh và ở Sài Gòn, tờ báo này đã lên tiếng tranh luận với tờ Đuốc Nhà Nam để phê phán những người đứng đầu đảng Lập Hiến Nam Kỳ đã im lặng trốn tránh một cách rất thiếu trách nhiệm, không xứng đáng với vai trò của những dân biểu. Chính Phan Khôi đã viết loạt bài bút chiến đó.

 Trên tờ Trung Lập cũng năm 1930 đó, Phan Khôi đặt vấn đề cải cách phải bắt đầu từ đâu ? Theo ông, kinh nghiệm Nhật Bản, kinh nghiệm Trung Hoa đều là phải cải cách từ văn hoá, học thuật, tư tưởng. Cũng trong năm 1930, cùng lúc trên tờ Phụ Nữ Tân Văn và tờ Trung Lập, Phan Khôi tổ chức tranh luận với Trần Trọng Kim, với Phạm Quỳnh, với Huỳnh Thúc Kháng về các vấn đề Nho giáo, về hệ tư tưởng, về ngữ pháp tiếng Việt. Có rất nhiều vấn đề được ông ấy triển khai trên hai tờ báo đó, các bài tham gia tranh luận được nhiều tờ báo khác trong Nam ngoài Bắc đăng lại hoặc có bài hưởng ứng.

 T.K.: Và trên tờ Trung Lập này thì Phan Khôi cũng không bỏ qua thể loại hài đàm là một thể loại mà Phan Khôi viết lâu dài nhất?

 L.N.A.: Về mặt hài đàm, Phan Khôi đã xuất hiện trong vai Tân Việt trên tờ Đông Pháp Thời Báo và Thần Chung, từ năm 1929 đến tháng 3/1930. Trên tờ Trung Lập, Phan Khôi mở ra mục gọi là “Những điều nghe thấy”, cũng mỗi số một bài, hầu như xuất hiện liên tục từ 2/5/1930 cho đến số cuối cùng vào tháng 5/1933. Vào khoảng 10 kỳ đầu, ông ký là Tha Sơn, sau đổi là Thông Reo. Bút danh Thông Reo này đi với đời làm báo của Phan Khôi rất lâu, tôi nhớ năm 1955-56 ông còn có một số bài châm biếm đăng trên tờ Văn Nghệ ở Hà Nội, ký là Thông Reo. Tôi chưa đếm chính xác, nhưng hẳn phải có tới bốn, năm trăm bài ký Thông Reo trong mục hài đàm “Những điều nghe thấy” trên tờ Trung Lập suốt ba năm 1930-33.

 Nhân đây xin nói một việc. Một việc lầm lẫn đáng tiếc. Có một tuyển tập tác phẩm của Nguyễn An Ninh được xuất bản thành sách ở thành phố Hồ Chí Minh hồi giữa những năm 1990. Phần đầu tập sách đó có in bài của khá nhiều nhà chính trị hàng đầu viết về Nguyễn An Ninh ; nhưng ở cuối của phần in sưu tập hoặc tuyển tập tác phẩm của Nguyễn An Ninh đó, thì người biên soạn lại lấy 45 bài ký Thông Reo trong mục Những điều nghe thấy của báo Trung lập, nghiễm nhiên coi đó là tác phẩm của Nguyễn An Ninh ! Đó, xin nhắc lại, là một sự lầm lẫn đáng tiếc, bởi vì vào khoảng cuối 1932-đầu 33, thì Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tạo có tham gia tờ Trung Lập thật, nhưng mà bút danh Thông Reo ở mục “Những điều nghe thấy” thì vẫn là của Phan Khôi chứ không thể là của Nguyễn An Ninh được.

 Theo tôi, có thể nói Phan Khôi là một trong những nhà báo, nhà văn Việt Nam viết thể loại hài đàm vào loại sớm nhất và phong phú nhất trên báo chí tiếng Việt. Tất nhiên là bên cạnh ông và sau ông cũng còn nhiều người khác viết hài đàm thành công như Ngô Tất Tố, Phùng Tất Đắc, v.v... Nếu nói cái chỗ đứng của nhà văn trên báo chí, tôi cho rằng sắc thái nhà văn làm văn trên đó thì chính là cái thể tài hài đàm này. Nó không đơn giản chỉ là chỗ chọc cười, mà nó còn là mảnh đất trên đó người viết phải tìm cách xây dựng một nhân vật lệch ; chứ không phải nhân vật chính thống, nhân vật chính diện. Là một nhân vật lệch, nhưng lại nói với thiên hạ bằng nhiều cung bậc giọng đùa khác nhau, về những sắc thái khác nhau của đời sống xã hội, chính trị. Phần thành công của văn hài đàm nằm ở vai lệch đó của người cầm bút.

 T.K.: Trước khi từ giã, xin hỏi anh lại một lần nữa là khi lựa chọn công việc sưu tầm khó khăn này, chắc hẳn anh có một chủ đích gì muốn gửi gấm cho độc giả ?

 L.N.A.: Tôi nghĩ là đối với một cây bút đã bị lãng quên nghiêm trọng như trường hợp Phan Khôi thì công việc tìm hiểu trở lại này cũng phải lâu dài. Và tôi hành động theo phương châm tìm hiểu được tới đâu sẽ chia sẻ với đồng nghiệp và bạn đọc đến đấy. Kết quả tìm hiểu hiện giờ cho tôi thấy là thời gian hoạt động sung sức nhất của ngòi bút Phan Khôi là từ khoảng 1928 đến 1936. Hiện tôi nghĩ như vậy và tôi đang làm việc cung cấp cho người nghiên cứu và cả cho bạn đọc quan tâm, những kết quả, những văn bản, có thể nói là ở mức nhiều nhất tốt nhất có thể có được, để mà cùng tìm hiểu, cùng theo dõi hoạt động của ngòi bút Phan Khôi. Đây là một trong những việc mà tôi nghĩ là rất đáng làm, bởi vì ông là một trong những tác gia rất đáng kể trong lịch sử báo chí, trong lịch sử tư tưởng cũng như trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ thứ XX, một tác gia mà cái di sản, do nhiều lý do khác nhau về thời sự chính trị, cho đến những lý do về khả năng tư liệu, thì đã gần như là trở nên một người xa lạ trong con mắt của thế hệ hậu thế. Cho nên là nhìn về quá khứ, nếu như không có những công tác sưu tầm để công bố lại, thì những thế hệ sau có thể không biết Phan Khôi là ai và không còn biết có một Phan Khôi trong lịch sử báo chí, trong lịch sử tư tưởng, lịch sử văn học nữa. Công việc tôi làm có ý nghĩa như vậy, để cứu vãn một di sản không đáng mất và để chúng ta khỏi quên một trong những nhà báo, một trong những nhà văn, một trong những nhà tư tưởng rất quan trọng của lịch sử văn học, lịch sử báo chí, lịch sử tư tưởng Việt Nam thế kỷ XX.

 T.K.: Xin thành thật cám ơn anh Lại Nguyên Ân.

 

THỤY KHUÊ, RFI,
tháng 9/2005
Lại Nguyên Ân đọc lại và bổ sung tháng 1/2006

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12245)
(Xem: 13783)
(Xem: 15057)
(Xem: 14637)
(Xem: 14627)
(Xem: 15230)
(Xem: 14066)
(Xem: 13817)
(Xem: 13853)
(Xem: 14747)