- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Sự Thật Vốn Khó Chấp Nhận Một Khi Bệnh Dối Trá Đã Ăn Sâu Vào Trí Não

12 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 8817)

Sau khi đọc bài Hai tờ báo của Hội Nhà văn bịt miệng nữ sĩ Dư Thị Hoàn để "mời đối thoại" của nhà thơ Trần Mạnh Hảo trên Talawas số tháng 11 năm 2006, tôi thấy "tội" cho hai tác giả Lã Thanh Tùng và Trần Trương. Anh Hảo gọi hai nhà văn này một cách rất hình ảnh là hai gã lực điền, trượng phu võ sĩ, thợ đấu… có vẻ như không sai nếu xét về mặt lươn lẹo và tính áp đặt thô bạo của họ. Với hai bài viết Cơ hội còn đó nhưng không đơn giản (Văn nghệ số 42, 21-10-2006) và Nhà thơ Dư Thị Hoàn đã đi quá đà (Nhà văn tháng 11-2006), bạn đọc có thể thấy đây là đòn knock out, đánh Hoàn Nhi một chưởng chết ngay không kịp ngáp. Nhưng xét cho cùng, Lã Thanh Tùng và Trần Trương cũng chỉ là những con tốt trong cuộc cờ tàn vẫn mê muội chịu sự điều khiển của Ban Tư tưởng văn hoá nhân danh hệ tư tưởng chính thống, canh chừng nền văn học Việt Nam để nó khỏi chệch khỏi "định hướng xã hội chủ nghĩa". Đến đây tưởng cũng nên mở ngoặc một chút, từ xưa đến nay, trong cộng đồng các nước thực sự dân chủ không ở đâu có cơ quan này, ngoại trừ đảng Quốc xã của A. Hitler và hệ thống các đảng cộng sản đang cầm quyền. Ngay từ những năm ba mươi của thế kỷ hai mươi, khi chủ nghĩa Marx được nhập khẩu vào Việt Nam thì mỹ học Marxist, một sản phẩm duy ý chí của nền văn nghệ Xô viết, cũng tìm cách theo vào tạo nên một chủng virus gây bệnh tràn lan. Nó, với hệ thống lý thuyết giáo điều, đầy tính tư biện, nói lấy được, đã biến nền văn học Việt Nam, vốn dĩ không có mấy thành tựu, thành một thứ sản phẩm nửa dơi nửa chuột bị ngay chính dân tộc mình chối bỏ.

Từ nhận thức rất sai lầm là Văn nghệ phục vụ chính trị mà khởi nguồn là Đề cương văn hoá 1943, cả một thời gian dài mấy chục năm, các vị lãnh đạo văn hoá văn nghệ luôn "dạy bảo" nhà văn chỉ được viết cái gì có lợi cho Đảng, (vì Đảng chính là Tổ Quốc), và không được viết những gì trái với chủ trương, đường lối. Chính vì thế, cái quyền tối thiểu của nhà văn được nói lên sự thật gần như bị "treo" vô thời hạn. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn Bộ quần áo mới của hoàng đế. Cả một vương quốc từ quan thượng thư đầu triều đến muôn ngàn dân chúng đều nhất loạt ca tụng bộ quần áo "da" của vị hoàng đế ngu ngốc là đẹp do sợ bị mất đầu. Chỉ đến khi nhà vua mặc bộ "hoàng bào" cùng đoàn hộ tống đi dạo phố, một thằng bé con nhìn thấy, nó bật cười sằng sặc và hét tướng lên "A! Nhà vua cởi truồng!" vị hoàng đế đáng kính mới ngã ngửa người ra là mình bị tên lái buôn bẻm mép, có tài đổi trắng thay đen lừa. Sự thực nền văn học Việt Nam đương đại có khác gì câu chuyện Bộ quần áo mới… kia. Người ta biết cả đấy nhưng không dám nói thẳng ra, sợ bị Ban tư tưởng văn hoá "treo bút", sợ A25 "thăm hỏi" nên đành nhắm mắt làm ngơ mặc nhiên công nhận như là khế ước về sự an toàn nhân thân.

Trên thực tế, hai tác giả Lã Thanh Tùng và Trần Trương đều hiểu, thậm chí hiểu quá rõ hiện tình văn học Việt Nam ở cả hai lĩnh vực sáng tác và lý luận phê bình. Không biết mà nói thì cùng lắm người ta chỉ cho là dốt, điếc không sợ súng, nhưng biết rõ mười mươi mà vẫn nói liều thì đấy lại thuộc phạm trù nhân cách, liêm sỉ của người cầm bút. Như vậy cũng có nghĩa là anh chấp nhận một lối viết lươn lẹo, chỉ hươu bảo ngựa, cam chịu thân phận cây cảnh, con cảnh để làm vừa lòng nhà cầm quyền. Đành rằng viết như thế là để bảo hiểm cho anh ta khỏi mất chỗ lĩnh lương nhưng cái hại thì vô cùng to lớn, không thể tính được bằng tiền. Có một đội ngũ nhà văn như thế nên hiện tình văn học Việt Nam đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng không biết đến bao giờ mới thoát ra được khỏi cái mớ bòng bong nhập nhòa lẫn lộn thật giả. Người đọc chân chính ngao ngán và thất vọng trước hiện tượng nghịch lý sau đây. Các nhà văn cứ ra sức "sáng tác", các báo chí cứ in, các nhà xuất bản cứ bán giấy phép, Hội Nhà văn cứ mở các cuộc thi và trao giải thưởng lu bù nhưng xã hội vẫn dửng dưng bởi họ đã được "miễn dịch" qua không ít cú "lừa" ngoạn mục. Họ ngoảnh mặt làm ngơ trước những thứ giải thưởng chạy cửa sau của những tác phẩm được đủ các nhà phê bình tung hứng mà vẫn không thoát ra khỏi ngưỡng "quốc doanh", na ná giống nhau, chẳng có gì là sáng tạo đó, mà đua nhau lên mạng đọc Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Đỗ Hoàng Diệu, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên… cho dù những website này luôn luôn bị bức tường lửa (fire wall) khống chế.

Với tình hình thời tiết chính trị hiện nay, Lã Thanh Tùng và Trần Trương không xuất hiện tất yếu sẽ có những cây bút khác "xung trận" "đối thoại" theo kiểu "ra đòn hội chợ" với nữ sĩ Dư Thị Hoàn. Có trách chăng là cả hai bài viết khá sống sượng và đầy "mùi" quyết định luận. Nghĩa là, trước khi "đánh", các tác giả này tự cho mình là chân lý, tuyệt đối đúng, đặt Dư Thị Hoàn vào ghế "bị cáo", từ đó tuyên án bằng một loạt những tội danh ghê người mà không cần đưa ra luận cứ. Cái kiểu viết lấy được theo phong cách phán xét như thế hoàn toàn phi văn hoá và thiếu nhân cách. Thử hỏi Lã Thanh Tùng và Trần Trương nhân danh cái gì để quy kết nhà thơ Dư Thị Hoàn là xấc xược? Nói như thế có nghĩa là, hễ cứ được Hội Nhà văn kết nạp là phải răm rắp vâng lời, bảo sao viết vậy để tri ân? Lại nữa, tác giả Lã Thanh Tùng còn hỏi một câu rất thừa là tại sao nhà thơ Dư Thị Hoàn không đề xuất ý kiến của chị với Đại hội Nhà văn Việt Nam khóa 7 vừa qua. Xin thưa với Lã Thanh Tùng tiên sinh, bản thân tôi, ở Đại hội Nhà văn khu vực các tỉnh phía Bắc có bài tham luận Chúng ta không nên tự bằng lòng với một nền văn học trung bình, được các nhà văn nhiệt liệt đón nhận, nhưng đến khi vào Đại hội chính thức thì Đoàn Chủ tịch thẳng tay gạt bỏ cho dù tôi đăng ký ngay từ đầu. Vào lúc ăn cơm trưa buổi kết thúc, ông Hữu Thỉnh gặp tôi nói một câu đãi bôi: "Nhiều tham luận quá, bài của Sinh để in trong kỷ yếu". Người ta đã có một kịch bản sẵn của Đại hội với những đối tượng "chân gỗ" làm đào kép chính, thế thì làm sao những ý kiến trái chiều của lớp nhà văn "thảo dân" bạn bè tôi như Dư Thị Hoàn, Hòa Vang, Trần Quốc Tiến… lọt qua được "mắt xanh" của Đoàn chủ tịch vô cùng sáng suốt?

Hiện tượng không muốn nghe những quan điểm trái ngược với quan điểm chính thống đã trở thành thói quen của nhà cầm quyền. Văn học nghệ thuật chỉ là một trong những biểu hiện cụ thể của đặc điểm trên. Từ chủ trương này người ta tha hồ vo tròn bóp méo lịch sử theo cảm hứng của thiểu số những nhà lãnh đạo chẳng hiểu gì về dân tộc ngoài những đoạn trích dẫn giáo điều, máy móc lấy từ vô số những toàn tập (bản dịch thường là sai khá nhiều với nguyên tác) dầy cộp của Marx, Lénine, Staline… Người ta mặc nhiên đồng nhất lịch sử Đảng với lịch sử dân tộc mà không thấy rằng, đảng phái chỉ là phương tiện và nhất thời, dân tộc mới là mãi mãi. Đến chính sử còn như vậy huống hồ là lịch sử văn học. Cứ suy từ vụ án Nhân văn giai phẩm không tiền khoáng hậu thì rõ. Qua hai cuộc hội nghị phê bình lý luận Tam Đảo và Đồ Sơn, những độc giả ít nhiều còn quan tâm đến nền văn học Việt Nam lại một lần nữa thất vọng. Không ít người cho rằng, đó là những cuộc tụ họp vô bổ, thậm chí gây nhiễu dư luận, mục đích chỉ là để tiêu tiền tài trợ của nhà nước. Mà tiền nhà nước tức là tiền đóng thuế của nhân dân lao động chứ không phải là tiền chùa để những quan chức có "dấu son" trong tay duyệt chi vô tội vạ.

Qua hội nghị (tất nhiên là thành công tốt đẹp), rất nhiều nhà phê bình giả cầy, ăn theo, cánh hẩu với Ban tổ chức nhất loạt xuất hiện chỉ để đọc những bài tham luận ngô nghê hoặc cũ rích của thứ mỹ học lỗi thời mà ngày nay người ta đã vứt vào sọt rác lịch sử. Trong khi ấy, một vài nhà văn được giải thưởng với những tác phẩm trung bình thậm chí yếu kém thì vênh vác, luôn tự huyễn hoặc mình là cây đa, cây đề. Những Thời xa vắng, mảnh đất lắm người nhiều ma… đã một thời được tung hứng như những "của quý" của nền văn học Việt Nam bây giờ ra sao? Xét đến cùng, chúng thật sự chỉ là những của giả, những sản phẩm tình thế, bám đuôi những nghị quyết sớm nắng chiều mưa, đến khi nghị quyết không còn thiêng nữa thì chúng cũng hết hơi theo. Trong khi ấy, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà, Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh, Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu… chẳng ai trao giải, thậm chí không ít tác phẩm còn bị nghiền thành bột giấy khi vừa rời khỏi nhà in, chẳng cần "chạy" bất cứ Hội đồng "bô lão" nào, tự nó lại có sức sống lâu bền với tư cách là văn học đích thực, chinh phục trái tim, khối óc hàng triệu bạn đọc trong và ngoài nước. Có mỗi một tác phẩm xứng đáng nhất mà Hội Nhà văn nhìn ra lúc tỉnh táo là Nỗi buồn chiến tranh thì chẳng hiểu do áp lực từ đâu, sau một thời gian, chính những người trao giải lại tự phủ định mình tạo ra một vụ scandale văn chương không mấy tốt đẹp. Đó là sự thật hiển nhiên, thậm chí không cần phải chứng minh, Hội Nhà văn nghĩ sao? Liệu Hội có "cắt cử" được hết loạt những Lã Thanh Tùng, Trần Trương suốt ngày đêm "gác cửa" "đánh một phát chết ngay" những tác giả công khai phát biểu quan điểm thẩm mỹ của mình trên hàng loạt trang web?

Nhà thơ Dư Thị Hoàn nói đúng, đúng cả trăm phần trăm, là "Đã đến lúc nghĩ đến việc thay đổi cả một guồng máy, mới từ con ốc con vít, mới về công/ kỹ nghệ, mới về tính năng. Tức là phải dùng nhân tài! Chúng ta không thiếu nhân tài, vấn đề là không chịu thay! Một khi chúng ta cứ luẩn quẩn với bóng ma của chủ nghĩa Marx cùng những sản phẩm "nhái" của nền văn học Xô viết thì mãi mãi văn học Việt Nam chỉ là mặt hàng thứ phẩm, hết date, gây ô nhiễm cho môi trường xã hội vốn đã xuống cấp nghiêm trọng.

Tôi thật ngạc nhiên trước hành vi ứng xử của Hội Nhà văn Việt Nam. Trước một sự kiện nghiêm túc, có liên quan đến danh dự của nền văn học dân tộc như nhà thơ Dư Thị Hoàn đề cập mà những người có trách nhiệm lại ngoảnh mặt làm ngơ, để cho hai tác giả Lã Thanh Tùng và Trần Trương viết những bài phản bác hoàn toàn mang tính chụp mũ mà không thèm quan tâm đến tính khoa học cũng như ý nghĩa nhân văn của nó. Có vẻ như, các vị chẳng thiết tha gì lắm với văn học Việt nam mà chỉ dùng nó làm phương tiện để lên chức, lên lương, mở hội thảo và đi nước ngoài (nhất là đi Hoa Kỳ) bằng tiền chùa. Nếu có ai đó trong các vị còn chút lương tri, cảm thấy xấu hổ vì thua chị kém em của mình thì không bao giờ có cách ứng xử thô bạo, thiếu văn hóa như thế. Hãy làm một phép so sánh. Người láng giềng Trung Quốc, về hình thức, cũng tôn thờ thứ chủ nghĩa như Việt Nam, chính thứ chủ nghĩa ấy đã có lúc bức hại mấy chục triệu người bằng một cuộc Đại cách mạng văn hóa quái gở. Và giờ đây họ cũng "kiên trì CNXH theo màu sắc Trung Quốc (mặc dù người ta thừa biết đấy chỉ là những giảo ngữ), vậy mà chỉ sau không đầy hai thập kỷ, họ xuất hiện hàng loạt nhà văn với hàng loạt tác phẩm mang tầm cỡ thế giới như Giả Bình Ao, Mạc Ngôn, Vương Sóc, Vương Mông, Vệ Tuệ, v.v… Công bằng mà đánh giá, văn hóa Việt Nam (trong đó có Văn học) chỉ là một thứ phái sinh của nền văn hóa Trung Hoa, không phải ta khác họ bởi cái gọi là "đậm đà bản sắc dân tộc" mà vì cả mấy nghìn năm nay, ta bắt chước chưa bằng họ. Nền văn hóa, tức là hệ thống giá trị, chỉ là cái bóng méo mó của người ta, mà lại cực đoan hơn người ta trong lĩnh vực kiểm duyệt tư tưởng, trù dập không khoan nhượng những ý kiến đối lập (tức là những sáng tạo theo quy luật) thì còn lâu mới có được những tiểu thuyết mang tầm cỡ Phế đô, Vú nở mông to, Đàn hương hình…

Vấn đề cần bàn là chúng ta phải viết lại lịch sử văn học, phải phản tỉnh và trân trọng những giá trị đích thực của tiền nhân để lại không cần biết nhà văn ấy ở phe nào. Phải biết khai mở nguồn tư duy sáng tạo trong một môi trường xã hội lành mạnh. Không nên chỉ độc quyền có một Hội Nhà văn mà nên thực hiện phương châm trăm hoa đua nở, nghĩa là để cho người cầm bút tự do lập các nghiệp đoàn, tự do ra báo và thành lập nhà xuất bản. Đừng coi nhà văn là những kẻ cứng đầu khó bảo hoặc gán cho họ những tội danh tưởng tượng như phản động, chống lại Tổ Quốc hoặc diễn biến hoà bình, v.v… Nhà văn cũng là công dân, sống và hành xử theo luật, không nên bắt họ phải viết theo định hướng của bất cứ hệ tư tưởng nào. Nhà văn không cần phải có người dạy bảo. Họ biết cách yêu nước Việt Nam, yêu nhân dân Việt Nam và biết phải sáng tạo như thế nào để có tác phẩm ngang tầm thời đại một khi được tự do sáng tác.

ĐẶNG VĂN SINH

(Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trưởng Ban Văn Hội VHNT Hải Dương)

Hải Dương 6 /12 / 2006

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12260)
(Xem: 13796)
(Xem: 15071)
(Xem: 14650)
(Xem: 14641)
(Xem: 15243)
(Xem: 14080)
(Xem: 13836)
(Xem: 13864)
(Xem: 14757)