- Ảnh Đoàn Kim Bảng
- Mục Lục H L 93
- Thư Tòa Soạn H L 93
- Nguyễn Ái Quốc: Người Việt Đầu Tiên Đến Mỹ?
- Văn Học Champa Đang Ở Đâu?
- Giai Nhân Kỳ Ngộ Diễn Ca, Một Thể Nghiệm Mới Của Phan Châu Trinh Về Truyện Thơ Lục Bát
- Nói Chuyện Với Nguyễn Thị Thanh Bình
- Thanh Bình, Đối Thoại Cô Đơn
- Lời Bọt Sóng
- Qua Vùng Mơ Ước
- Nói Chuyện Với Vi Thùy Linh
- Vi Thùy Linh, Nhục Cảm Sáng Tạo
- Nói Chuyện Với Lynh Bacardi
- Lynh Bacardi, Tình Mẹ Và Ý Thức Tự Do
- Đó Chính Là Thời Xa Vắng!
- Giao Thông Hào
- Đêm Của Tím
- Trong Mùa Tình
- Năm, Mười Phút Thơ
- Trên Bờ Thạch Hãn
- Hoa Dung
- Một Con Người Sắc Sảo
- Đêm Rồi Cũng Qua
- Kinh Thơ
- Dăm Bài Thơ Viết Trong Những Ngày Chemo Và, Radiation Therapy, Ở Bệnh Viện Fountain Valley.
- Khối Tình Bọ Xít
- Đợi Mưa Xuân
- Không Một Ai Lắng Nghe Khi Tôi Nói
- Thơ Em Thiếu Anh
- Hai Chị Em
- Những Ngày Rỗng
- Bão Quét
- Thăm Nhau Cuối Ngàn
- " Ôi! Những Người Khóc Lẻ Loi Một Mình"
- Chất Thơ Và Thi Hóa
- Dấu Chân Trên Phố, Địa Cầu Tinh Anh
- Chú Hề Làng
- Mẩu Thịt Thừa
- Lối Xưa Tìm Về
- Sự Thật Vốn Khó Chấp Nhận Một Khi Bệnh Dối Trá Đã Ăn Sâu Vào Trí Não
- Sự Thật Vốn Khó Chấp Nhận Một Khi Bệnh Dối Trá Đã Ăn Sâu Vào Trí Não
- Giới Thiệu Sách H L 93
Vi Thùy Linh sinh ngày 4/4/1980 tại Hà Nội. Sau các tập thơ Khát (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 1999) và Linh (NXB Thanh Niên, 2000), cuối năm 2005, Vi Thùy Linh xuất bản tập "Đồng tử" (Văn Nghệ). Thơ trong "Đồng tử" trí tuệ, trầm lắng và lãng mạn hơn hai tập trước, một hành trình dài dường như đã xảy ra trong tâm cảm Vi Thùy Linh và hôm nay chúng tôi xin giới thiệu Vi Thùy Linh của "Đồng tử".
Thụy Khuê: Thân chào chị Vi Thùy Linh. Trong năm năm qua từ tập thơ Linh đến tập thơ Đồng tử chị có vẻ im hơi lặng tiếng, vậy chị đã làm những gì trong thời gian năm năm vừa qua?
Vi Thùy Linh: Trong năm năm sau tập thơ Linh, tôi bắt tay làm tập thơ mới, đó là Vili, tôi đã chạy rất nhiều nhà xuất bản khắp ba miền, nhưng cuốn sách không được cấp giấy phép mặc dù không ai trả lời lý do là gì cả. Nếu tôi không nhầm thì Cục xuất bản có một định kiến nào đó với tôi và những định kiến ấy không thể hiện bằng văn bản, không nói rõ lý do. Tôi rất bất bình và rất buồn, nhưng tự nghĩ sẽ cố gắng kiên nhẫn. Trong thời gian chờ đợi đó, tôi đã đọc, đã đi, và đã viết khá nhiều tùy bút và những bài thơ. Khi cảm thấy là mình đã đi suốt ba miền, qua hàng chục nhà xuất bản mà không được giấy phép thì tôi gác Vili lại. Tôi nghĩ chắc nó chưa có số để được ra đời chứ không phải vì nội dung của nó, vì tôi chỉ viết thơ tình và khát vọng tự do của tinh thần.
T.K.: Như vậy sau khi Vili không được in, chị bắt tay viết Đồng tử, xin chị cho biết đó là thời điểm nào?
V.T.L.: Tôi bắt tay làm Đồng tử thực ra từ cuối năm 2003. Sau khi đi Pháp về tôi có động lực rất mạnh để làm Đồng tử. Đồng tử có nghĩa là con ngươi của tình yêu, con mắt của tình yêu. Con mắt mình được mở rộng ra sau chuyến đi Pháp về, chuyến đi nó tác động lớn đến tinh thần và suy nghĩ của tôi, tôi có thể làm việc với tinh thần tự tin hơn trước rất nhiều; ngoài ra tôi cũng phải kiếm sống bằng viết báo và làm một số công việc liên quan đến chữ nghĩa để có tiền sinh sống cũng như tìm kiếm tài trợ. Tuy những việc ấy không thuộc về sở trường của những người làm thơ trẻ, nhưng chúng tôi vẫn phải làm như vậy: rất nhiều năm qua chúng tôi thường phải bỏ tiền túi ra in sách cũng như thực hiện các chi phí xuất bản. Bởi vì những việc liên quan đến xuất bản khá tốn kém, chúng tôi chưa bao giờ được một sự tài trợ nào của Hội Nhà Văn. Những tài trợ là do tôi xin được qua quan hệ xã hội. Và mỗi khi làm xong một quyển sách, tôi cảm thấy hết sức sung sướng nhưng cũng vô cùng mệt mỏi thể xác và cả tinh thần nữa. Thực ra, tư duy xuất bản ở Việt Nam hiện nay chưa đổi mới lắm, trong việc biên tập cũng như đánh giá, thường họ không tìm kiếm cái hay mà họ chỉ xem có đụng chạm đến vấn đề gì không. Tất cả những điều đó khiến mình cảm thấy mệt.
T.K.: Có thể nói rằng thơ trong tập Đồng tử khó hiểu hơn là thơ trong những tập trước, và hẳn là có ít người đọc hơn, vậy đó là sự lựa chọn có chủ đích hay tự nhiên ngòi bút của chị cứ viết ra như thế?
V.T.L.: Đấy là sự lựa chọn có chủ đích của tôi. Ở Việt Nam hiện nay đang lạm phát về truyện hài, kịch hài, sân khấu hài và các nghệ sĩ phất lên rất nhanh bởi vì họ cung cấp, đáp ứng đúng thị hiếu nhất thời. Dân chúng đang thích cười, thích hài, thì họ biểu diễn hài ngay, vì vậy rất nhiều nghệ sĩ hài xây nhà lầu, mua xe hơi. Nhưng tôi không chiều theo thị hiếu như thế, nếu ai cảm thấy tôi khó đọc thì cứ đi tìm người dễ. Thời kỳ, thế hệ của tôi đã khác với thời kỳ, thế hệ của Phan Thị Thanh Nhàn, giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay/ cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm, còn tôi bao giờ cũng trực tiếp tỏ tình, trực tiếp nhìn nhận, trực tiếp đối diện, và với sự mãnh liệt bởi tôi cho rằng trong nghệ thuật cần nhất mình dám là mình, và mình phải là mình. Dấu ấn cá nhân trong nghệ thuật là điều hết sức quan trọng, tôi như thế nào thì tôi phải viết đúng như thế, không thể viết hiền đi để chọn sự an toàn hay viết chung chung, lẫn trong muôn vàn người khác.
T.K.: Nhưng trong tập Đồng tử này, chị viết có hiền lành hơn những tập trước, vậy xin chị cho biết vì lý do gì, có phải do một áp lực nào đó hay không?
V.T.L.: Nếu như Cao Hành Kiện nói trong Linh Sơn rằng ngọn núi lớn nhất, khó vượt nhất là ngọn núi ở trong mình, tôi không muốn bị lãng quên, không muốn bị đào thải, không gì khác là tôi phải vượt qua mình, thay đổi mình. Nữ tính của tôi trong những tập thơ trước mang nhiều dấu vết của bản thân, của bản năng. Bản năng nghĩa là bộc trực, còn khi mình đã là một cô gái trưởng thành (cô gái 25 tuổi khác với cô gái 20 tuổi) sự chín chắn, trải nghiệm cũng giống như một lớp văn hóa khác, tri thức khác đã gây dấu ấn trong trí tuệ của mình rồi, thì mình sẽ chọn cách biểu hiện, để nữ tính kéo dần ra như một bức màn, để mọi người thấy rằng nữ tính của mình không phải chỉ như Linh và Khát, nó sâu sắc hơn, đằm thắm hơn, nó lộ dần ra để hoàn thiện chính nó.
Tôi muốn nói thẳng là tôi làm việc 11 năm qua, không bao giờ sợ hãi bất cứ một sự thách đố, một sự ngăn trở nếu có, hoặc một sự áp chế nào. Bởi vì tôi biết, có một số người, khá đông, cầm bút hay làm phim ở Việt Nam, họ thường tự biên tập, họ tự, tự sợ trước khi gặp hội đồng duyệt, tức là, thí dụ có một cảnh nóng, họ tự cắt đi vì họ sợ đến gặp hội đồng duyệt, hội đồng duyệt xem sẽ cắt, hoặc tự họ cắt những câu ấy ra khỏi văn bản, thì tôi không bao giờ là mù như thế. Tôi sáng tác hết sức tự do và tôi không hề sợ bất cứ một ông bà xét duyệt nào cả bởi vì bản thân mình là tiếng nói của tình yêu, của khát vọng tự do, nghệ thuật. Cái tự do ấy là tinh thần của tôi và tôi không bị ảnh hưởng của bất cứ một thế lực nào hết.
T.K.: Khi Vi Thùy Linh đưa tập Đồng tử ra in, thì chị có bị trở lực gì không?
V.T.L.: Về tập Đồng tử, khi tôi làm việc với nhà xuất bản Văn Nghệ, mọi việc cũng không thể như ý mình 100%, bởi vì biên tập họ có quyền của họ, họ đòi cắt bỏ bài này, câu khác. Những việc ấy thực ra tôi đã được rèn luyện qua, vì đây là cuốn sách thứ ba rồi, tôi cũng biết những chuyện ấy. Có lúc căng thẳng quá, tôi phát khóc vì mệt nhọc. Rồi còn rất nhiều việc khác phải lo và đến khi đối diện với cả ba biên tập, cả giám đốc, phó giám đốc, biên tập viên, một mình mình phải đối diện, thậm chí phải chống chọi, phải giãi bày, phải níu giữ, phải gạn lọc, vì nếu cứ nghe lời biên tập -không phải với riêng tôi mà với tất cả mọi người nói chung- thì có lẽ là tập thơ không còn là của mình nữa.
Tôi nói với họ rằng điều cuối cùng là vươn tới một tác phẩm mang dấu ấn cá nhân của mỗi người, nhà xuất bản không phải là một bao tải đổ ra những củ khoai giống nhau. Mình không ương bướng, không ngang ngạnh nhưng phải biết bảo vệ tác phẩm của mình, và tôi đã cố hết sức làm việc đó mặc dù rất mệt nhọc và căng thẳng. Có lúc biên tập cũng giúp cho tôi, một vài chỗ tôi chưa nhận ra là tôi chưa được tinh. Đây là lần đầu tiên tôi xuất bản với một nhà xuất bản phiá Nam, tôi thấy trong tư duy họ cũng thoáng hơn một chút so với ngoài Bắc, nhưng vẫn chưa thực sự có một cái gì đó là mới và ưu ái với các tác giả trẻ. Chưa có.
T.K.: Chị đã đi theo con đường tìm kiếm và học tập như thế nào, bởi vì Vi Thùy Linh trong Đồng tử là một Vi Thùy Linh khác hẳn với Vi Thùy Linh trong những tập thơ trước? Vậy đâu mới đúng là Vi Thùy Linh, theo ý chị?
V.T.L.: Vi Thùy Linh trong Đồng tử chính là Vi Thùy Linh mà tôi muốn là mình của thời điểm này và dần hoàn thiện về sau. Bởi vì những cảm xúc bộc trực, bản năng, thậm chí yếu đuối, ở những tập trước, không thể là một lượng của cải, một lượng vốn để đi dài. Tôi đã thấy, đã chứng kiến nhiều nhà văn, nhà thơ ở Việt Nam, có sự nghiệp chỉ là một bài, một truyện ngắn, một bài thơ hoặc một tiểu thuyết. Tôi nghĩ đấy không phải là điều đáng tự hào. Tôi rất ngưỡng mộ những người mà lượng tác phẩm họ lớn, nhiều và đa dạng như Marquez hay Balzac chẳng hạn. Tôi thấy rằng, muốn nói gì thì nói, một lượng tác phẩm đồ sộ bao giờ cũng phản ánh một tài năng và một sức sáng tác phong phú, phong nhiêu và điều ấy thì không bao giờ do bản năng. Nếu mình chỉ khai thác bản năng và năng khiếu thì nó sẽ cạn, sẽ hết.
Tôi xác định là tôi chọn đi theo con đường chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp trong ý thức tức là chấp nhận tất cả mọi khó khăn, trở ngại. Chuyên nghiệp trong làm việc, nghĩa là đã đặt ra mục tiêu gì thì phải cố gắng. Và chuyên nghiệp trong sự học, nghĩa là phải đọc không ngừng, xem nghệ thuật trong tất cả mọi hình thức, mà trong đó niềm say mê của tôi là thưởng thức văn học và xem phim Pháp. Nếu như 11 năm qua tôi vẫn may mắn được coi như một trong những nhà thơ trẻ, vẫn tiếp tục làm thơ trong khi có rất nhiều người đã bỏ cuộc, là bởi chính cái ý thức nạp vốn sống và tri thức từ rất nhiều nguồn, từ du lịch, học, đọc, đó. Thực ra trong sâu thẳm thì điều ấy chỉ là tình yêu cuộc sống và tình yêu nghệ thuật.
T.K.: Chị vẫn sáng tác rất nhanh, phải không?
V.T.L.: Vâng. Trước kia, khi viết một bài thơ hay một tùy bút, khi cảm xúc đến, tôi thường thể hiện nó ra giấy ngay và sau đó sửa chữa. Bây giờ, khi cảm xúc đến, đầu tiên là tôi nghĩ đến việc triển khai bằng ngôn ngữ và hình ảnh gì, vì mình không thể lập lại bản thân và càng không thể nạp đúc người khác. Cho nên khi mơ hồ thấy là câu này đã đọc ở đâu đó, tôi loại bỏ ngay. Việc sáng tác bây giờ khó hơn trước đây, bởi vì mình đôi khi cũng bị -tôi có câu thơ: niềm tin thất tán và hành trình tối tăm mặt người- nhiều điều làm mình bị tổn thương và xâm hại nhất định, làm tôi không còn hồn nhiên như trước, để có thể ào ra một cách tự nhiên, mà bây giờ mình gạn lọc hơn, triển khai theo một cấu trúc mà mình biết. Tất nhiên cũng có lúc nó vượt biên, nó vỡ đập tràn do cảm xúc. Nhưng bây giờ nhịp điệu viết, tốc độ viết chậm hơn trước.
T.K.: Chị có thể cho biết cái động lực chính đã thúc đẩy chị làm thơ và làm văn hay không?
V.T.L.: Người ta nói bí mật là điều phải giấu đi, nhưng tôi thường công khai bí mật của mình, đó là tôi không thể viết được khi tôi không được yêu và đang yêu. Tôi luôn phải viết trong tình trạng được yêu và đang yêu. Tình yêu cho tôi một xúc cảm rất lớn, một động lực. Bây giờ tôi còn có cả tình yêu của độc giả vì tôi nhận thấy rằng bất chấp mọi đồn thổi, mọi tranh cãi, mọi tai họa, mọi oan uổng, đối với tôi, thì tôi vẫn có một lượng độc giả hết sức ổn định, họ cổ vũ tôi và tôi thường cắt giấc ngủ của mình để viết; như tôi đã viết rằng tôi tận lực tham ô tuổi trẻ. Ở đất nước của tôi, hiện nay tình trạng tham nhũng đang bị báo động đỏ, nhưng nếu tôi có tham ô, tham nhũng thì tôi chỉ tham ô chính mình thôi. Đấy là tuổi trẻ. Và một trong những khát vọng lớn trong tình yêu thơ của tôi là tình yêu trong thơ tôi bây giờ không còn là tình yêu lứa đôi trai gái nữa, mà là tình yêu sự sống.
Động lực để thể hiện tình yêu ấy và tinh thần biểu lộ trong tình yêu ấy là khát vọng tự do. Khát vọng tự do là một trong những dấu ấn xuyên suốt những tác phẩm của tôi, và tiếp tục sau này, kể cả viết thơ cho trẻ em. Trẻ em cũng chịu nhiều áp chế, nó phải theo người lớn, nó đâu có được tự do là nó đâu! Nó phải mặc cái này, ăn theo người lớn ép nó ăn, ép nó ngủ chẳng hạn. Bọn trẻ con trong thế giới của tôi, thế giới đồng dao, tập Đồng dao Linh sẽ là một thế giới tự do của trẻ con. Người lớn cần lễ hội, họ phải tổ chức lễ hội để có lễ hội, nhưng trẻ con chỉ cần hai đứa với nhau là sẽ có một lễ hội, một ngày hội của chúng nó. Khát vọng tự do ấy, ở nơi tôi, tôi biết rõ. Còn với người khác thì tôi không biết, người ta hay tự kỷ ám thị, người ta tự sợ, người ta tự biên tập bởi vì tinh thần họ không đủ để tự chủ, để kiên cường theo con đường của mình.
T.K.: Cám ơn Vi Thùy Linh về những lời nhận định thẳng thắn vừa qua, trước khi từ giã, xin chị một lời kết cho buổi nói chuyện hôm nay.
V.T.L.: Tôi theo đuổi tự do trong tinh thần. Dám là mình. Được là mình. Và được nói những điều mình nghĩ, được làm những điều mình muốn. Trong tất cả những tác phẩm của tôi, đấy là sự tự do. Bởi vì tinh thần của tôi, thuộc về tôi, và không ai, không điều gì có thể chi phối nó, ảnh hưởng nó, phân hại nó. Ở Việt Nam hiện nay, tình trạng thiếu vắng nhà phê bình là điều... Tôi thấy một số nhà phê bình hơi... hèn, vì họ lảng tránh đương đại. Trong khi đang nước sôi lửa bỏng văn nghệ, thì họ quay ra bàn về Xuân Diệu, Vũ Bằng, Đặng Thùy Trâm...
Nhưng cũng có những nhà phê bình có tâm huyết và thực sự đáng tôn trọng, đó là những người dám đối điện, dám mổ xẻ vào đương đại. Chúng tôi rất cần những nhà phê bình như thế. Tình trạng thiếu vắng các nhà phê bình, đặc biệt trong văn học nghệ thuật, gây tình trạng bát nháo và đôi khi tôi thấy đánh chửi nhau trong văn nghệ như cái chợ. Nhưng đó không phải là việc của mình. Điều quan trọng là có nhà phê bình thì càng tốt, còn không có thì mình vẫn phải làm việc. Và tất cả các tác phẩm tiếp theo của tôi vẫn là khát vọng tự do và tình yêu thương. Đấy là điều tôi sẽ theo đuổi.
T.K.: Xin cảm ơn nhà thơ Vi Thùy Linh.