- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Đêm Rồi Cũng Qua

12 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 9422)

w-hopluu93-final-202_0_206x300_1không có gì đẹp bằng tuổi thơ

và không gì dại bằng tuổi thơ

mãi đến khi mình được làm mẹ

mới biết mình phải học làm con

 

Mặt trời bừng lên những tia nắng đầu ngày. Không gian tràn lan nắng sớm. Thế giới của cô vẫn trầm mình trong bóng tối. Đêm như vừa mới bắt đầu. Con gái cô vừa chìm vào giấc ngủ chập chờn sau một đêm dài vật vã. Những cơn ngứa như những con sâu không biết mệt, tung hoành múa may quay cuồng trên phiến da mềm còn non mùi sữa mẹ. Cô xoa nhẹ lên những vết máu rướm còn tươi trên mặt con, trên tay, trên đôi chân bụ bẫm mới lẫm chẫm tập đi. Con gái cô, chưa biết ngồi đã biết cào cấu đôi tay, chưa biết đi đã biết gãi sướt đôi chân, chưa biết gọi "tata" đã biết kêu "itchy", chưa già đã biết những đêm thức trắng. Những con sâu ngứa hoành hành không đợi tuổi. Con gái cô chưa biết kêu "Trời" để hỏi sao trời bắt tội (mà nó đã phạm tội gì để Trời phạt?) phải mang trên mình một chứng bịnh ngứa trầm kha.

Con bé xoay người, ú ớ trong mơ. Trong cơn mê ngủ ngật ngà, những con sâu ngứa vẫn không tha. Một cánh tay đưa lên gãi đầu, đưa xuống gãi tay. Một cánh tay vòng xuống xoa chân, lại đưa lên vai, lại chạy sang bụng. Cô ứa nước mắt. Hai cánh tay nhỏ bé của con, hai đôi tay khô héo của mẹ.

Gãi sồn sột. Xoa sàn sạt. Lên. Xuống. Qua. Lại.

Ngoài kia ánh nắng đã trải dài lên những cánh hồng nhung lấp lánh sương mai. Mặt trời vượt lên khỏi rặng cây trước nhà, chiếu những vệt nắng mềm lên chiếc giường bề bộn. Cô thiếp đi trong cơn mệt mỏi, đôi tay rã rời chưa ngưng đưa lên, xuống, qua, lại.

Đêm rồi cũng đi qua.

 

Ngày cô báo tin mang thai đứa con đầu lòng, ba cô lẩm bẩm không vui. Con mệnh Thổ, chồng con mệnh Hỏa, đứa bé sanh năm nay sẽ mang mệnh Thủy, không hạp với hai đứa. Cô nghe xong, buồn vui lẫn lộn, rồi quên đi. Hai vợ chồng tíu tít mong đợi ngày ra đời của đứa con đầu lòng. Lòng lâng lâng, cô tưởng tượng đến hình hài bé nhỏ đang lớn dần trong bụng. Cô cột chiếc nhẫn cưới vào sợi tóc đen nhánh, run run rà đưa trên bụng. Nếu chiếc nhẫn xoay vòng tròn, cô sẽ sinh con gái, nếu chiếc nhẫn đu đưa lên xuống, cô sẽ có con trai. Chiếc nhẫn đưa ngang, xoay dọc, quay vòng tròn. Mắt cô như bị thôi miên theo những vòng xoay. Ôi, đứa con đầu lòng, trai hay gái cô đều thích cả. Nếu là gái, cô sẽ mặc cho nó chiếc áo đầm trắng có nhún ren ở cổ, cài thêm một cái nơ hồng lên tóc. Nếu là trai, cô sẽ cho nó mặc chiếc áo sơ mi trắng mềm, quần short kiểu Prince William mà cô thấy qua những tấm hình của hoàng gia Anh Quốc. Ờ, thì cô không phải là công nương Diana, chồng cô cũng không phải là thái tử Charles, nhưng ai cấm con cô làm hoàng tử? Hoàng tử tí hon của cô!

 

Một ngày đầu mùa đông, cô sanh con gái đầu lòng, ba cô an ủi, không sao, ba có cách "giải". Ông dạy cô nhờ bà mẹ chồng, là người mệnh Kim, không những hợp với con cô mệnh Thủy mà còn sẽ bao bọc cho nó, đến đón mẹ con cô từ nhà thương, đem thẳng con gái cô về nhà bà, rồi sau đó mới "cho" lại vợ chồng cô làm… con nuôi. Một hình thức ăn gian, che mắt ông Trời, như thể vợ chồng cô đã nhận nuôi dùm con người khác. Cô không tin lắm vào lời ba cô, nhưng mẹ cô khuyên, có kiêng có lành con ơi. Chồng cô tuy không tin vào tử vi tướng số, nhưng anh cũng chiều lòng ông nhạc, sắp xếp mọi việc theo ý ông.

Vậy là xong, con bé mệnh Thủy sẽ không còn khắc với vợ chồng cô nữa. Cô yên tâm nuôi con. Sáu tháng đầu tiên, con gái cô mau ăn, lớn nhanh, đôi con mắt tròn xoe, đen lánh, hai cái má phúng phính hồng hào dễ thương. Rồi không biết tại sao, chắc là ba cô "giải" chưa hết, sang đến tháng thứ bảy, con gái cô bắt đầu một chứng bệnh kỳ lạ. Cả người nó nổi lên những mụn nhỏ li ti, đỏ lừ lự, ngứa ngáy. Con bé khó chịu, cào cấu làn da non đến khi chảy máu mới thôi. Khuôn mặt xinh xắn bụ bẫm của con bé bỗng biến dạng, từng bệt vảy da đỏ nứt rạn, rướm máu ri rỉ. Tay chân cũng đầy những mảng da lở ngứa. Chữa cách gì cũng không hết. Dòng đời như ngừng trôi. Cô thôi không đưa con ra ngoài, hạn chế những lần gặp gỡ bạn bè, cô sợ những câu hỏi, cô sợ những cái nhìn chằm chặp thương hại của mọi người, cô sợ phải giải thích đi giải thích lại là tại sao, tại sao, tại sao? Chính cô cũng không biết tại sao kia mà! Chắc tại số con bé khắc với vợ chồng cô. Nó mệnh Thủy. Cô mệnh Thổ. Chồng cô mệnh Hỏa. Nước với lửa làm sao hòa hợp. Nước với đất làm sao tồn tại. Số trời như đã định.

 

Gãi sồn sột. Xoa sàn sạt. Lên. Xuống. Qua. Lại.

 

Trời ơi, sao mà nó cứ ngứa hoài vậy bác sĩ? Bác sĩ, có thuốc nào uống cho hết ngứa không hả bác sĩ? Sao? Bác sĩ nói sao? Tại sao lại không có thuốc chữa? Ở Mỹ, bệnh gì cũng chữa được. Ung thư thì mổ xẻ, therapy, rồi cũng có thể hết. Tại sao cái bệnh ngứa "eczema" đơn giản này lại không chữa được? Có uống hydroxizine rồi, có thoa elecon lên da ngày ba lần rồi, dạ, cũng đã tắm bằng nước pha muối, dạ, quần áo thì một trăm phần trăm cotton mềm nhẹ, dạ, kiêng cữ hết mọi thứ đồ ăn, chỉ có cơm với mấy hột muối, mà ăn hoài như vầy có bị suy dinh dưỡng không hả bác sĩ? Dạ, một tháng sau trở lại tái khám. Ủa, bác sĩ ơi, cái toa thuốc này giống hệt cái toa thuốc bác sĩ viết tháng trước. Một tay ẵm con, tay kia đeo chiếc xách tay lên vai, cô xông ra đường, lẩm bẩm, bác sĩ… dzổm, mẹ con mình đi tìm bác sĩ giỏi hơn nghe con. Trên đường về nhà, một tay lái xe, một tay cầm chiếc cell phone, cô gọi bạn bè, hỏi người này, tìm người kia, có ai biết bác sĩ nào giỏi hơn cho con cô. Có bác sĩ nào giỏi hơn cho con cô?

 

Gãi sồn sột. Xoa sàn sạt. Lên. Xuống. Qua. Lại.

 

Cô ôm con trên vai, đi qua đi lại trong nhà dỗ cho nó ngủ. Chiếc kim đồng hồ trên tường nhảy thêm một số. Hai giờ sáng. Những con sâu ngứa không biết buồn ngủ, chúng thích thức đêm để bắt nạt con gái của cô. Kim đồng hồ tích tắc. Chân cô mỏi nhừ. Kim đồng hồ tích tắc. Tay cô rã rời. Kim đồng hồ tích tắc. Đầu cô mụ đi vì buồn ngủ. Chân cô bước dần về phía phòng ngủ ở cuối hành lang.

-Anh, anh, dậy, dậy.

Chồng cô lè nhè, ngái ngủ:

-Chuyện gì vậy?

-Em mệt quá, anh gãi cho con nè.

-Anh gãi hồi tối rồi, anh phải ngủ để mai còn đi làm.

Cô gắt lên:

-Em cũng phải đi làm sáng mai mà. Hơn hai giờ sáng rồi. Em phải ngủ một tí.

-Thì đưa con đây cho anh, sao bây giờ em hay gắt gỏng, khó chịu quá!

Cô nghe vậy, chớp mắt, nhưng cũng đặt con xuống bên cạnh chồng, dặn dò:

-Anh đừng để con tự gãi nha, nó gãi mạnh tay lắm, chảy máu hết trơn. Mấy vết cào trên mặt đang kéo da non, ráng giữ vài bữa cho nó lành mặt.

-Ờ, ờ, biết rồi.

Trở về phòng con, cô thả mình xuống chiếc giường đơn đặt sát tường. Hình như khi mệt quá người ta cũng không ngủ được. Đêm chập chờn, thao thức. Đêm bất an, bần thần. Cô nghe tiếng gió lào xào bên ngoài cửa sổ, tiếng một con chim ăn đêm vừa bất chợt bay hoảng xạ ở góc vườn, cô nghe văng vẳng những tiếng gãi sột soạt,…. Ôi, con gái của cô. Cô choàng dậy, chạy về phòng. Dưới ánh đèn ngủ xanh mờ, con gái cô đang say giấc nồng, phảng phất trên môi, trên mắt một nét cười thỏa mãn. Trên đôi má phúng phính, những mảng da non trầy trụa tróc vảy, lộ ra những giọt máu còn tươi loang lổ.

 

Gãi sồn sột. Xoa sàn sạt. Lên. Xuống. Qua. Lại.

 

Cô ngồi bật dậy, hét lớn:

-Đừng gãi nữa, đừng gãi nữa có được không con, trời ơi!

Cô giằng cánh tay của con đang gãi mê mải trên đùi, cô xoa bên này, nó gãi bên kia, cô xoa bên kia, nó cào bên nọ. Tiếng hét to của cô giữa đêm đánh thức chồng cô ở phòng bên. Anh chạy sang hốt hoảng. Chuyện gì mà hai mẹ con la lối om xòm vậy. Khuya rồi, nhỏ tiếng lại một chút. Cô nhìn anh, cơn giận tràn đến không kịp kìm xuống:

-Em thích hét to như vậy đó, cho ông Trời nghe được. Tại sao nó cứ ngứa hoài không hết, bao nhiêu thứ thuốc, bao nhiêu bác sĩ. Mình có làm gì mà Trời phạt…

-Không biết là em đang nói gì nữa.

-Tại anh có thức đêm gãi cho con đâu mà anh biết?

-Anh có gãi cho nó buổi tối rồi. Em cứ la hét suốt ngày như vậy, anh chịu hết nổi rồi, con bệnh thì rồi từ từ nó hết.

Chồng cô lúc nào cũng có cái lối nói bình tĩnh như không biết lo trong khi cô nóng nảy quẫn cùng. Lúc đầu còn xoa dịu được cô, bây giờ câu nói ấy như châm thêm dầu vào ngọn lửa phừng phừng trong tim cô. Bực tức, cô mở cửa bước ra ngoài. Đêm êm đềm với gió lạnh ngây ngây. Những chiếc lá rung lao xao rì rào như vỗ về làm dịu đi ngọn lửa trong lòng cô. Từ ngày con bệnh, thức đêm triền miên, cô bỗng dưng yêu không gian tĩnh lặng của đêm, như cô vẫn hằng yêu bóng mặt trời rực rỡ sớm mai. Đêm đã chia với cô những giờ thao thức. Đêm thấm khô những giọt nước mắt khóc thương con. Đêm ôm ấp lòng cô điên dại. Đêm nghiêng xuống ưu tư, thân mật đằm thắm như một người bạn. Cô nghĩ đến con, lòng giằng xé với lẫn lộn giữa thương yêu và oán trách. Vì nó, cô mất hẳn tính tình dịu dàng khi xưa. Cô xơ xác, xấu xí, và vợ chồng cô cãi nhau liên miên vì chẳng còn kiên nhẫn được với nhau. Làm sao cô có thể kiên nhẫn được khi phải thức đêm triền miên đêm này sang đêm nọ, tay rụng rời, chân mỏi mệt. Làm sao cô có thể thong thả suy tư khi ngoài những giờ làm việc, cô không ngừng nghỉ đưa con đi hết bác sĩ tây đến bác sĩ tàu? Bao nhiêu mơ ước cô có lúc mang thai con, những chiếc áo đầm treo đầy tủ áo chưa một lần được mặc. Đứa con gái khốn khổ đã tước đoạt hết niềm vui và hạnh phúc của cô. Cô bất chợt giật mình. Trời ơi, cô đang làm gì vậy? Một đứa con rứt ruột đẻ ra bỗng nhiên trở thành kẻ thù của cô hay sao? Và nó, con gái của cô đó, chắc nó cũng không muốn ngứa để làm khổ mẹ nó. Chính nó cũng bị thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác. Ngoài loại sữa đặc biệt hôi muốn ói mà nó đã quen uống từ ngày bị bệnh đến nay, nó chỉ trường kỳ ăn cơm với muối, cơm với rau, lại cơm muối, lại cơm rau. Chưa bao giờ nó được nếm xem mùi vị của cây cà rem ngọt ngào ra sao, cũng chưa bao giờ được mẹ dẫn đi McDonald để hồi hộp mở tìm món quà dấu trong chiếc hộp Happy Meal hấp dẫn. Những buổi tiệc sinh nhật, sau khi hát happy birthday cho bạn, nhìn người ta cắt chiếc bánh kem xinh xắn, nhìn bạn bè xúc những muỗng bánh xốp mềm bỏ vào miệng, nó lủi thủi quay vào trong góc chơi một mình.

Cô trở vào nhà, đến bên bàn, bật computer. Chắc Amy còn thức. Amy cũng đã thức nhiều đêm như cô. Bức điện thư cô gửi ra như một lời tuyệt vọng:

-Làm sao bây giờ, Amy? Mình đã hết cách rồi.

Đúng như dự đoán của cô, Amy trả lời cô từ đầu bên kia của nước Mỹ:

-Cố gắng lên, bạn. Tôi không bao giờ quên câu nói bạn đã an ủi tôi một lần khi tôi tưởng mình đã muốn đầu hàng số phận.

-Tôi có nói câu gì sao?

-"Thượng Đế đã cho chúng ta những thiên thần dễ thương thì Ngài cũng phải dạy cho chúng ta cách nuôi dưỡng nó". Bạn còn nhớ không?

Cô gục đầu xuống bàn. Cô nhớ. Cô đã an ủi bạn như thế khi niềm tin của cô còn vững mạnh, nhưng bây giờ, cô chỉ muốn biết xem thật sự có Thượng Đế hay không? Nếu có, chắc Ngài ở xa quá chăng? Mà con cô, đang đánh vật với những con sâu ngứa, thì đang ngủ bên kia, chỉ cách cô một bức vách mỏng.

Ôi, con. Con gái khốn khổ của mẹ!

 

***

Lớp học vẽ của con bé kết thúc lúc năm giờ, song đã quá mười phút mà nó chẳng thấy mẹ đến đón. Mọi lần, nó chưa ra khỏi lớp đã thấy bóng ba đứng đó. Ba nhắc mẹ hàng ngày, nhớ đến đón con đúng giờ, thời buổi bây giờ phức tạp, mấy người điên điên khùng khùng thích bắt con nít nhiều lắm. Hồi sáng khi nghe ba nói chiều nay ba có họp đột xuất ở công ty, mẹ phải thay ba đón nó, nó cũng đã định nhắc mẹ đến đúng giờ. Mẹ có vẻ không vui. Mẹ mệt. Mẹ hay quạu cọ với nó nên nó không dám nói gì nữa, chỉ mau mau đeo backpack lên vai đi học.

Từ khi nó biết phân biệt khi nào mẹ mệt, mẹ bực mình (để mà đi chỗ khác chơi), thì nó thấy hình như mẹ mệt và bực mình nhiều hơn khi mẹ vui. Mẹ chỉ hay cười với em Quỳnh. Em Quỳnh không bị bệnh gì hết, da em đẹp, mịn như nhung. Mẹ hay xoa tay lên người em, tấm tắc: da mềm như tấm lụa. Nó ngây thơ hỏi lại. Lụa là gì hả mẹ? Lụa là… mẹ có vẻ lúng túng khi thấy người hỏi là nó. Con phải nghe lời mẹ, đừng cào da cho chảy máu, nè, để mẹ thoa lotion cho. Mẹ không trả lời câu hỏi của nó, mẹ chỉ nói vậy, rồi với chai lotion, mẹ thoa lên làn da sần sùi như giấy nhám của nó. Nó không thích em Quỳnh vì mẹ thương em Quỳnh hơn nó. Mẹ không bao giờ la em Quỳnh, dù em cũng phá phách và còn hay khóc nhè hơn nó. Mỗi khi em Quỳnh khóc, mẹ chạy vội đến dỗ em, ôm em vào lòng, hôn lên đôi má hồng hào láng mịn của em. Con gái của mẹ, đừng khóc nè, mẹ thương. Còn khi nó khóc, mẹ nổi giận đùng đùng. Tại sao con khóc? Lớn rồi mà cứ như em bé. Mẹ thật là rầu với con. Chừng nào con mới biết tự lo cho con, để mẹ đỡ mệt một chút. Nếu không có em Quỳnh, chắc mẹ không la nó như vậy. Ước gì mẹ chỉ có một mình nó, để nó vẫn được mẹ ôm ấp nựng nịu như ngày xưa.

Nó thích được mẹ ôm và hôn lên cái cổ thơm thơm của mẹ, mà rất ít khi được. Sáng một lần, tối một lần, có khi cả buổi trưa của những ngày mẹ nghỉ ở nhà, mẹ thoa đầy thuốc lên người nó, đắp thêm lên một lớp vaseline dính nhơm nhớp, y như là sắp sửa đem nó bỏ lên chảo chiên. Mẹ bảo, ngồi yên đó, đừng đụng tới mẹ. Vậy là nó phải ngồi chờ cho lớp vaseline khô đi mới được chạy đi chơi. Và cũng không được ôm hôn lên cái cổ thơm thơm của mẹ.

Lớp học kế tiếp đã bắt đầu mà mẹ vẫn chưa thấy tới. Kế đó có người đẩy nó ra khỏi ghế để dành lấy chỗ ngồi. Lững thững nó bước ra ngoài hành lang. Lớp vẽ của nó ở bên trong mall, nên lúc nào cũng đông người đi qua, đi lại. Nó ngước nhìn lên những mặt người lạ, mắt rươm rướm muốn khóc. Mẹ ơi, sao chưa thấy tới? Hay là mẹ quên? Người nó run lên khi nghĩ đến điều đó. Mỗi khi nó lên cơn ngứa cào cấu tơi bời làn da, bất kể những vệt máu tươi rói ướt rịn, mẹ thường gạt tay nó ra, xoa xoa chỗ máu chảy, gãi cho nó bằng những ngón tay cắt trụi hết móng, lẩm bẩm. Sao trời hành tui dữ vậy hông biết. Nó giương đôi mắt đờ đẫn nhìn mẹ. Cánh cửa tai của nó đóng xập lại. Hai tay nó cào cho đã cơn ngứa. Ngứa trên mặt, ngứa sau gáy, ngứa trước bụng, ngứa dưới chân. Hai tay nó đưa lên đưa xuống sồn sột. Phải cấu rách da xé thịt như vậy mới đã ngứa. Nó giật mình khi nghe mẹ to giọng gắt. Đừng gãi nữa, con có nghe mẹ nói gì không, con phải control, con phải ignore cơn ngứa, con càng gãi thì càng ngứa, you have to break the vicious cycle! Đúng lúc, ba nó bước vô phòng, nạt:

-Con nít làm sao biết control, ngứa thì phải gãi chớ.

-Đó, anh muốn gãi thì gãi. Em muốn điên lên rồi…

Tới đó, tự dưng cánh cửa tai của nó mở ra, dỏng lên, nghe đầy đủ hết từng lời của ba mẹ nó. Cơn ngứa biến mất, nó run run lo lắng, lầm rầm cầu nguyện. Xin ba mẹ đừng cãi nhau nữa, lỗi tại con. Tại nó ngứa tới mấy năm rồi chưa hết nên mẹ không thương nó. Mẹ hay quạu không những với nó mà với luôn cả ba. Mà, nghĩ cho cùng, có phải lỗi tại nó đâu? Tại mẹ sanh nó ra ngứa ngáy, lở lói cùng mình. Nó nhớ ba nói tại lúc mang bầu nó mẹ không kiêng cữ, mẹ ăn lung tung những thứ cấm kỵ, nên sanh nó ra bị mang nhiều bệnh. Đó, có phải lỗi tại nó đâu? Mẹ cũng có lỗi, vậy mà cứ la nó. Nó cũng có sung sướng gì đâu? Mẹ có bị ngứa đâu mà mẹ biết. Không biết mẹ có bao giờ cảm thấy có hàng ngàn, hàng vạn con kiến cắn xé rần rần khắp người chưa? Những lúc đó, nó không biết làm sao gãi cho xuể, gãi chỗ này, lại ngứa chỗ kia, mà chỗ nào cũng cắn xé cấp kỳ tơi tả.

Nó đi lang thang một hồi thì lạc mất lối. Xoay ngang, xoay dọc nó cũng không thấy cánh cửa lớp màu xanh lá cây đâu nữa. Nó đã đi sâu quá vào trong mall. Ở trong này làm sao mà mẹ thấy nó. Một ý tưởng thoáng qua đầu làm nó sợ hãi co rúm người lại. Có khi nào mẹ bỏ nó không thèm đón nữa. Mẹ hay than thở với ba. Không biết mắc nợ gì con nhỏ này nữa. Bây giờ có dịp, mẹ muốn bỏ cục nợ là nó luôn cho khỏe. Mẹ ơi, đừng bỏ con, con hứa sẽ không cào da cho chảy máu nữa đâu, con sẽ ráng "ignore" cơn ngứa như lời mẹ dặn. Mẹ đừng bỏ con, nghe mẹ. Lơ mơ, nó quay bước về phía đường lộ. Trời sắp tối, ánh đèn sáng rực của những chiếc xe chạy qua đập vào mắt nó. Nó tưởng như đang đi lạc vào Arcade chơi game. Nó đang loay hoay để tìm lối vào, bất chợt có tiếng thắng xe ken két, ánh đèn chớp loé sáng, những con sâu ngứa trên da nó dừng lại kinh ngạc. Nó hét lên trong cơn đau buốt, đầu quay vòng vòng, té xấp ngửa trong lòng đường...

Cô ngồi bất động trong phòng chờ Emergency của bệnh viện. Mới có vài tiếng đồng hồ từ khi xe ambulance đem con gái cô vào đây mà cô tưởng chừng như thời gian trôi qua đã là vô tận. Trời ơi, con gái của cô! Không biết nó ra sao? Nếu lỡ như nó không qua được ... Tim cô nhói lên, tê buốt đến nghẹt thở. Cánh cửa phòng xịch mở. Cô hoảng hốt muốn đứng lên nhưng tay chân như bị trói chặt vào thành ghế. Không phải là bác sĩ của con cô, mà là một người đến thăm bệnh nhân vừa bước ra. Cô thở ra, chưa có tin là còn hy vọng. Người đàn bà dắt đứa bé trai chừng mười tuổi đến ngồi ở dãy ghế bên trái của cô. Thằng bé có khuôn mặt trắng trẻo, đôi mắt xếch ngồ ngộ bắt mắt nhìn của cô. Vừa ngồi xuống là nó nghẻo đầu sang lắp bắp nói gì đó với người mẹ, đôi tay lúc lẻo rung rung theo từng nhịp lắc, trên khoé môi nhiễu ra dòng rãi nhớp. Hình ảnh đó có gì quen quen trong trí nhớ của cô. Cô đã nhìn thấy nhiều đứa bé giống vậy với nét mặt rập khuôn khờ khạo, ánh mắt ngây ngô của chứng Down Syndrome. Người mẹ âu yếm trả lời con, cẩn thận lau khô mép rãi, kéo lại tà áo sộc xệnh, đặt con ngồi ngay ngắn lên đùi vỗ nhè nhẹ vào lưng. Cô ngồi sững bất động, tim rung lên thổn thức, nghẹn ngào. Ân hận. Dày vò. Trời vẫn còn thương cô. Định mệnh vẫn nhân từ với cô. Con gái cô thông minh, xinh đẹp lành lặn, dễ thương như một thiên thần. Thiên thần của cô đang cố sức chạy đua giành giật từng hơi thở với tử thần. Cô nhắm mắt với hình ảnh bé nhỏ nằm sóng xoải trên đường. Cô mở mắt với trái tim non đang mất dần màu thắm đỏ. Tiếng thời gian tí tách trôi từng giọt tức tưởi. Đôi bàn tay lay động. Cô muốn gãi lên mảng lưng sần sùi của con, vỗ về cho nó ngủ, cô muốn xoa lên những vết cào rướm máu, cô muốn ủ ấp thân hình con thơ dại, cô muốn thở dùm con những hơi dài thương yêu, cô muốn ôm ấp trái tim nhỏ nhoi tội nghiệp đang gọi mẹ trong tuyệt vọng. Cô vùng đứng lên, tông cửa, chạy vào bên trong.

Ôi, con. Thiên thần bé bỏng của mẹ!

 

Nguyễn Xuân Tường Vy

San Jose, tháng mười hai 2006

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12902)
(Xem: 14332)
(Xem: 15693)
(Xem: 15127)
(Xem: 15146)
(Xem: 15919)
(Xem: 14571)
(Xem: 14318)
(Xem: 14319)
(Xem: 15269)