- Ảnh Đoàn Kim Bảng
- Mục Lục H L 93
- Thư Tòa Soạn H L 93
- Nguyễn Ái Quốc: Người Việt Đầu Tiên Đến Mỹ?
- Văn Học Champa Đang Ở Đâu?
- Giai Nhân Kỳ Ngộ Diễn Ca, Một Thể Nghiệm Mới Của Phan Châu Trinh Về Truyện Thơ Lục Bát
- Nói Chuyện Với Nguyễn Thị Thanh Bình
- Thanh Bình, Đối Thoại Cô Đơn
- Lời Bọt Sóng
- Qua Vùng Mơ Ước
- Nói Chuyện Với Vi Thùy Linh
- Vi Thùy Linh, Nhục Cảm Sáng Tạo
- Nói Chuyện Với Lynh Bacardi
- Lynh Bacardi, Tình Mẹ Và Ý Thức Tự Do
- Đó Chính Là Thời Xa Vắng!
- Giao Thông Hào
- Đêm Của Tím
- Trong Mùa Tình
- Năm, Mười Phút Thơ
- Trên Bờ Thạch Hãn
- Hoa Dung
- Một Con Người Sắc Sảo
- Đêm Rồi Cũng Qua
- Kinh Thơ
- Dăm Bài Thơ Viết Trong Những Ngày Chemo Và, Radiation Therapy, Ở Bệnh Viện Fountain Valley.
- Khối Tình Bọ Xít
- Đợi Mưa Xuân
- Không Một Ai Lắng Nghe Khi Tôi Nói
- Thơ Em Thiếu Anh
- Hai Chị Em
- Những Ngày Rỗng
- Bão Quét
- Thăm Nhau Cuối Ngàn
- " Ôi! Những Người Khóc Lẻ Loi Một Mình"
- Chất Thơ Và Thi Hóa
- Dấu Chân Trên Phố, Địa Cầu Tinh Anh
- Chú Hề Làng
- Mẩu Thịt Thừa
- Lối Xưa Tìm Về
- Sự Thật Vốn Khó Chấp Nhận Một Khi Bệnh Dối Trá Đã Ăn Sâu Vào Trí Não
- Sự Thật Vốn Khó Chấp Nhận Một Khi Bệnh Dối Trá Đã Ăn Sâu Vào Trí Não
- Giới Thiệu Sách H L 93
-Chú ấy đúng là một con người sắc sảo.
-Qua mặt tôi chứ không qua được chú Bẩy đâu! Để tôi phải hỏi chú ấy cái đã.
-Lại chú Bẩy nói phải hôn? Cỡ bay làm chi có được cái miệng lưỡi đó!
Đấy toàn là những lời lẽ mà người ta tuyên dương (hay xác nhận) một cách gián tiếp về cái bản tính vừa thông minh quỷ quái, vừa thóc mách rạch ròi của ông Bẩy Tạ, một kẻ sống độc thân cư ngụ trong một căn nhà lụp sụp và khá tối tăm ở ngay đầu ngõ.
Ngày trước, có một thời ông đã có vợ. Vợ ông tuy hiền hậu, đảm đang nhưng chắc chẳng chịu nổi cái tính quá quắt của ông mà phải lẳng lặng cắp nón ra đi. Thí dụ như sau đây là một chuyện gây lục đục giữa hai vợ chồng:
Thím Bẩy tuy sống theo chồng nhưng vẫn còn bà mẹ già ở bên chợ Bà Chiểu. Ông Bẩy không ngăn cản chuyện vợ mình đi thăm mẹ, nhưng đi đâu thì đi, cũng phải nói ra cho rạch ròi, minh bạch. Có lần thím Bẩy đi đâu về trễ, lại nêu lý do là xe buýt nằm đường. Thế là ông Bẩy nhìn vợ xăm xoi rồi cười khẩy:
-Nằm đường cái con chó! Đừng có hòng mà qua mặt tui!
Thím Bẩy cãi:
-Qua cái gì mà qua. Xe nó chết máy thì nói chết máy chớ can chi phải nói ngược nói xuôi.
Thế là ông Bẩy trừng mắt lên, thiếu chút nữa thì ông đã xáng cho vợ một cái bạt tai:
-Đừng có nói láo! Bà ngồi xe ôm mà leo lẻo nói đi xe buýt. Còn cãi nỗi gì!
Mặt thím Bẩy vụt trở nên xanh lè. Thím hết mở mồm ra cãi được vì quả nhiên thím vừa bao xe ôm, chạy lén về thăm mẹ nhân tiện mua cho mẹ mấy cái bánh cam là thứ bà cụ vẫn hảo. Vì cãi không được nên thím cũng chẳng thể hỏi là bằng cách nào mà ông chồng đã nhận ngay ra được sự thực như thế. Mãi về sau, chỉ nhân vui miệng, lại vợ không có nhà, ông Bẩy mới kể cho bà con trong xóm nghe:
-Đừng có qua mặt tui. Tui thấy nó lui cui đi vào ngõ, tay còn cắp cái nón sau đít. Vậy chớ tui hỏi bà con, từ trạm xe buýt vô tới đây, xa thế, trời lại nắng thế, nón sao không đội lại đem cắp đít? Thế có phải là nó đã ngồi sau xe ôm tót thẳng về tới ngõ không? Ngồi xe ôm thì làm sao mà đội được nón!!!
Ai cũng chịu là ông Bẩy rành rẽ, thông minh, xét đoán "cực kỳ", tuy rằng cũng hơi quá quắt! Chắc cũng chỉ vì những chuyện quá quắt như thế mà một hôm thím Bẩy lặng lẽ cắp nón ra đi.
Lại cũng có một lần ông Bẩy mất bạn vì cái tính thóc mách, rạch ròi của mình. Người bạn ấy sống mãi tận bên kia cầu Thị Nghè. Hai người quen nhau trong dịp đi chơi Hội Chợ triển lãm gì đó. Tuy không phải là thân thiết nhưng thỉnh thoảng cũng có dịp qua lại thăm nhau. Một hôm, ông Bẩy qua Thị Nghè thăm bạn. Người bạn dẫn ông vào chào bà mẹ khi đó đã ngoài tám mươi. Bà cụ nom ốm yếu lắm, được người con xếp cho ở riêng trong một căn buồng hẹp có cửa sổ nhìn ra phía vườn sau. Bà cụ là người thích ngắm hoa. Hôm nào cụ cũng hỏi con trai:
-Giò hoa Vạn Thọ đã nở chưa? Sao mẹ không thấy?
Nhìn thân hình gầy còm, ốm yếu của mẹ, người con vội vã:
-Sắp nở rồi... chỉ mai thôi... mai mẹ mở bừng mắt ra là thấy khối hoa.
Quả nhiên sáng hôm sau, trên một khoanh vườn nhỏ, bà cụ thấy những bông hoa Vạn Thọ lung linh phô sắc vàng óng dưới ánh nắng ban mai. Đôi mắt bà cụ sáng lên, nụ cười tươi tắn ít thấy chợt nở trên vành môi run run, móm mém.
Ấy thế mà vào cái hôm ông Bẩy qua thăm, lúc vô chào bà cụ, bà vội chỉ ra vườn và khoe:
-Cúc Vạn Thọ nhà tôi đấy. Nom nó nở đẹp chưa.
Ông Bẩy ngó ra vườn nhìn chăm chăm rồi bật cười:
-Ơ! Hoa giả. Lấy gì mà đẹp!
Mặt người bạn tái đi, ông ta nhìn mẹ, cử chỉ hốt hoảng, lúng túng thấy rõ. Đã thế, ông Bẩy còn rành rọt thêm:
-Mùa này làm gì có cúc Vạn Thọ, má ơi!
Bà cụ ngồi chết lịm. Còn người con trai thì lẳng lặng bỏ ra ngoài.
Hôm ấy, ông Bẩy chẳng có ai đưa tiễn ra về như mọi khi, đồng thời ông cũng mất luôn một người bạn vì cái tính sắc sảo, quá quắt của mình.
Nhưng chẳng vì thế mà ông chừa cái thói tọc mạch cố hữu. Trái lại, ông còn luôn luôn cảm thấy hãnh diện về sự thông thái, hiểu biết rạch ròi do ông trời đã phú cho mình. Cứ mỗi khi ông vạch trần ra được một sự che giấu nào thì ông lại cười lên ha hả, đôi mắt tít lại, mặt mũi nở nang rạng rỡ. Có lẽ cũng vì thế mà nhiều người đâm ra sợ ông. Nhất là những anh có tính khuất tất hay những bà, những chị có tật mầu mè, hay phô trương. Họ đều như có cảm giác rờn rợn trong lòng mỗi khi chợt bắt gặp cặp mắt xăm xoi của ông Bẩy đang nhìn mình. Có gì lạ đâu, vì đôi ba người trong xóm khi dành dụm được ít tiền đã lẳng lặng đi cấy mi, cắt mắt, làm răng, sửa ngực hay ít lắm thì cũng đeo một sợi dây chuyền hay một cái vòng ngọc giả, cho dù đã nhờ mua mãi tận bên... Hồng Kông!
Chuyện về ông Bẩy thì rất nhiều, nhưng thí dụ như trường hợp sau đây thì cũng đáng ghi nhớ.
Ở gần kế nhà ông Bẩy có một gia đình nghèo nhưng khá đầm ấm. Một ông bố già, góa vợ sống với bầy con cũng đã lớn, bà chị cả tên Hường quần quật làm lụng tối ngày để nuôi cả gia đình trong đó có đứa còn đang đi học.
Hường thương bố ngày xưa cũng đã có một thời vàng son sung túc, nhưng sau cuộc đời đổi thay, ông chỉ còn như cái bóng mờ rơi rớt lại của thời quá khứ. Tuy nhiên chẳng bao giờ ông khoe khoang hay nhắc lại chuyện cũ của mình. Họa hoằn đôi khi gặp lại một hai bạn già nếu câu chuyện có lái qua đời sống cũ, ông chỉ chậc chậc miệng:
-Ui dà... les neiges d’antan (tuyết cũ ngày xưa) ấy mà...
Rồi ông nhoẻn một nụ cười. Nụ cười nom mới hồn nhiên và thanh thản làm sao, chứng tỏ ông đã vượt được lên trên mọi mất mát, hệ lụy trong đời.
Có lẽ vì vậy mà ông mới có thể lui cui làm được hết việc nọ việc kia trong nhà, như khâu cái cặp sách thủng bằng da mà thằng Út vẫn mang đi học, cạp lại cái rổ đã sút vành, giặm vá những lỗ linh tinh trên mái tôn mà chỉ lúc trời mưa mới biết chỗ giột, thậm chí hằng ngày ông còn chịu khó thu vén những món cơm thừa, canh cặn đem gom vào xô nhựa chờ bà nước gạo đến xin mang đi để làm đồ ăn cho heo.
Hường rất thương bố và để mặc cho ông tự do sắp xếp nhà cửa, sân ngõ, bếp núc...
Thế rồi có một hôm, tình cờ Hường tìm thấy ngoài phố bầy bán một cái áo khoác rất đẹp mà giá lại vừa túi tiền. Chị nghĩ tới cái áo bạc phếch cũ sờn mà bố đã mang từ trên mười năm nay. Thế là chẳng ngần ngại, chị mua ngay mang về, bắt bố mặc thử. Nom vừa in như áo đo sẵn.
Ông bố đón nhận chiếc áo với tất cả nỗi vui mừng, hoan hỉ. Chẳng phải vì ông ham hố gì chiếc áo mới, nhưng ông muốn chứng tỏ là Hường đã làm được một việc hết sức tốt đẹp, đã quan tâm tới bố, mua được cho bố cái áo mà bố rất hài lòng. Rồi từ hôm sau, ông thải cái cũ và mặc luôn áo mới. Thái độ sốt sắng ấy của ông khiến Hường vừa hoan hỉ vừa hãnh diện. Thỉnh thoảng liếc nhìn bố, chị lại mỉm một nụ cười mãn nguyện.
Hôm nhà làm giỗ bà vợ, ông mời hết bà con chòm xóm. Dĩ nhiên là có cả ông Bẩy Tạ rồi. Trong lúc cả nhà chờ đợi tàn hương, hạ cỗ xuống ăn, ông Bẩy mới nhìn chủ nhà, cất giọng oang oang:
-Anh Tư mua cái áo ở đâu mà.... tệ thế?
Chủ nhà, tức ông Tư vênh cánh tay áo lên nhìn rồi cãi:
-Đẹp đấy chứ! Tôi thích!
Ông Bẩy sấn ngay lại gần:
-Đẹp thì có đẹp, nhưng cam đoan là nó bị ố hay bị sờn.
-Tầm bậy! Ố chỗ nào? Sờn chỗ nào?
Ông Bẩy chợt "khà" lên một tiếng, như thể thí sinh vào phòng thi lại vớ ngay được cái đề đã học thuộc lòng. Rồi ông chỉ ngay vào cái chỗ cánh tay áo mà ông Tư vừa vênh lên:
-Nè, nó ở đây chứ đâu!
Tất cả mọi người đổ dồn mắt vào nhìn. Còn chị Hường thì trố hẳn mắt ra. Chị ngạc nhiên thật sự, vì khi mua cái áo, chị đã lật tới lật lui, xăm xoi đủ mọi chỗ mà đâu có thấy ố thấy sờn ở chỗ nào đâu?
Riêng ông Bẩy thì hân hoan ra mặt. Thật đúng là một dịp hay ho để cho ông chứng tỏ cái sự sắc bén, sành sỏi của mình. Ông chậm rãi xách cả cánh tay của ông Tư lên để cho mọi người cùng nhìn thấy cánh tay áo mà ông Tư đang mặc, rồi ông cất tiếng:
-Cái hiệu danh tiếng này tôi biết. Mà cả thế giới cũng đều biết là nó gắn cái nhãn hiệu ở chỗ khác chứ đâu ở đây! Gắn ở đây là cái áo đã có vấn đề. Chả che giấu vết thủng thì cũng là vết cháy. Không tin cứ mở ra coi!! Mở ra!
Mọi người còn đang lúng túng không biết xử trí ra sao trước câu nói hữu lý của ông Bẩy, thì ông Tư đã lên giọng cáu kỉnh, sự cáu kỉnh hiếm thấy xẩy ra ở nơi ông:
-Việc gì phải mở! Ai mặc áo người ấy biết. Bộ khi không cứ đem lộn trái cái áo của mình ra cho thiên hạ dòm hay sao?
Thế là mặt ông Bẩy rạng rỡ hẳn lên, ông nói bằng giọng đắc thắng:
-Thấy chưa! Thấy chưa! ...Ai mặc áo người ấy biết mà.... thôi khỏi mở!
Cả đám đông trong nhà vụt ồn ào hẳn lên. Ai cũng khen ông Bẩy sành sỏi, tinh đời, biết hết, thấy hết, chả có cái gì qua mặt được ông, lại còn suýt soa tiếc cho cô Hường đã mua phải đồ dỏm! Cũng đúng thôi!
Nhưng duy có một điều là ông Bẩy dù sành sỏi đến đâu cũng đã không thấy.
Đó là ông đã vừa làm hoen ố một điều gì vô cùng tốt đẹp mà chị Hường đã vun sới khi bỏ tiền dành dụm ra để mua cái áo cho người cha thương quý của mình.
Như vậy, ông Bẩy chỉ có tài mà thiếu cái tâm.
Nếu ông có được cái tâm thì đâu đến nỗi khiến chị Hường đêm hôm ấy cứ nằm ôm gối khóc rấm rứt mãi một mình.
NHẬT TIẾN