- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Trong Mùa Tình

12 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 10765)

w-hopluu93-final-173_0_300x230_1Bao giờ cũng thế, mùa xuân cho tất cả chúng ta sự háo hức, thách thức, bận rộn, hy vọng. Quy luật thiên nhiên quen thuộc ấy trao niềm vui, những lo toan cho mọi người, có lẽ đó là phép chia/giao bình đẳng nhất, dù mỗi số phận khác nhau. Tết, từ ấy cất lên như điểm hẹn, lời thúc giục, tiếng reo, dấu mốc...

1. Đinh Hợi, cái Tết cuối cùng của vòng quay 12 con giáp, mở ra vận hội lớn cho dân tộc: Việt Nam chính thức là thành viên của WTO, tổ chức thương mại thế giới, sau nhiều năm đấu tranh, đàm phán. Vận hội mở ra cho mỗi người dân thời cuộc kinh tế mới, cạnh tranh bằng nỗ lực thông tin, trí tuệ. Những ngày cuối năm bận mua sắm Tết trong "khí thế mới", chúng ta không quên trước đó vài tháng, Bảo tàng dân tộc học đã có một cuộc triển lãm gây chấn động "Những hiện vật thời bao cấp". Những người đã trải qua mấy chục năm vất vả thiếu thốn, có dịp nhìn lại tuổi trẻ và cả quãng đời ở đó, có dịp "giáo dục trực quan" cho con cháu, đàn em về tính tiết kiệm, chịu khó, nghị lực và sức chịu đựng để mấy thế hệ cùng rùng mình, ngạc nhiên "sao chúng ta vượt qua được những năm gian lao ấy!". Xoay xoả sao cho đủ cái Tết, có gạo, đỗ, thịt gói bánh, mua sắm quần áo mới cho con, trang hoàng nhà cửa hay lo ăn uống tươm tất mấy ngày Tết, dù đã giản lược tiết kiệm hết sức, cũng là một kỳ tích. "Nghèo đi đôi với hèn", không chỉ thế, mà sự cay cực còn làm người ta không thể nào thanh thản, hưởng vị Tết đủ đầy. Thời bao cấp đã qua 20 năm, nhưng thói quen tư duy bao cấp vẫn đọng lại trong nếp sống, lối làm việc của nhiều người. "Sự cay đắng đi trước ngọt ngào. Vậy cay đắng càng nhiều thì ngọt ngào càng đậm" (Bunyan). Bây giờ đời sống nâng lên, lại nhớ cảnh chuẩn bị đón Tết trước kia, nhà nhà sum vầy, tất bật, í ới gọi nhau, mua hộ hay nhường nhau lá dong, măng, miến. Mua bánh chưng luộc "công nghiệp" (nghe đâu họ cho pin vào nồi bánh để luộc cho nhanh và lá xanh), lại nhớ lúc đun bánh, sưởi ấm bên bếp củi năm nào. Song, dẫu có thể ăn bánh chưng quanh năm, mua sắm bất cứ lúc nào cảm giác chờ đến Tết không bao giờ mất, vì chỉ cuối năm mới có không khí Tết. Không khí đặc trưng bao giờ cũng quan trọng với mọi người, không khí Tết ý nghĩa nhất là sum họp với những người thân, ở trong ngôi nhà mình, trên xứ sở mình. ở nơi xứ khác dù đất lạ đã thành quen, có đủ thực phẩm, đào - mai hương khói tổ tiên, nhưng bằng ấy chưa đủ để tạo nên không gian, hương vị Tết bằng ở quê nhà. Năm nay, VN Airlines ước lượng 10 vạn kiều bào về ăn Tết, con số tăng lên theo từng năm và thực tế năm nào cũng cao hơn dự kiến, đủ thấy nhu cầu tinh thần của con người luôn là quan trọng, càng đầy đủ về vật chất, người ta càng cô đơn, càng muốn tìm về nguồn cội, ký ức là máu thịt, đây là một chân lý không chỉ người Việt Nam mà toàn cầu. Quốc tịch nào, mang dòng máu Lạc Hồng, con Rồng cháu Tiên, cũng là người Việt.

Dù ở quốc gia nào, thuộc tôn giáo sắc tộc nào, mọi người đều chung một "tín hiệu quốc tế": Happy New Year - cùng hân hoan đón chào năm mới, với những câu chúc và ước mơ tươi đẹp. Đêm 31.12.2006, cả thế giới chuyển mình sang năm mới. Fiedrich Duerrenmatt (1921-1990), kịch tác gia người Thuỵ Sĩ, một trong những tác giả viết tiếng Đức quan trọng nhất của thế kỷ 20, (tác giả vở "Bà tỷ phú về thăm quê" công diễn 10 buổi tại 3 thành phố lớn của Việt Nam trong tháng 12.2006) đã khái quát thật ấn tượng: "Chỉ có hài kịch mới lột tả được thời đại của chúng ta. Bi kịch có thể rút ra từ trong hài kịch, và ta có thể khiến nó hiển hiện như một khoảnh khắc khủng khiếp, như một vực thẳm đang nứt toác từ tận cùng lòng đất. Thế giới, là một trạm xăng không có biển cấm hút thuốc lá". Vâng, có lẽ vì thế mà lịch sử thế giới thúc đẩy, thay đổi bằng những cuộc chiến tranh trên nhiều lĩnh vực, mà chiến tranh quân sự làm tổn hại nhiều nhất. Song, nhu cầu được đoàn tụ, quây quần, bên người thân bạn bè đón năm mới, đã là đòi hỏi tự nhiên, bản năng thúc bách tất yếu khiến những vụ thảm sát, khủng bố, xung đột tạm dừng. Mọi người kéo nhau ra đường, náo nhiệt đón năm mới dưới bầu trời pháo hoa bừng sáng. Phương Đông hay phương Tây đều chật người đổ ra trung tâm thành phố. Hồ Gươm - Hà Nội ngày càng nhỏ lại vì những đợt người. Đại lộ Champs élyseés lộng lẫy của kinh đô ánh sáng Paris tràn đầy tiếng nổ Champagne, người không quen cũng cụng ly với nhau, mọi người gần gũi chan hoà tưng bừng chúc, hát. Quảng trường Thời đại (The Times Square) New York, lãng mạn hơn bao giờ hết với hoa giấy nhiều màu tung từ trên những toà nhà chọc trời, quả cầu pha lê (đường kính 2m, 500kg) lung linh trong nhịp đồng hồ đếm ngược về thời khắc 0 giờ 0 phút. Tết, cũng là dịp thể hiện tập quán tốt đẹp của thiên lương con người, kính già yêu trẻ, quan tâm chăm sóc người neo đơn, thiệt thòi, bộ đội biên cương hải đảo. Tết, người ta trở nên rộng lượng, thoải mái với nhau, phóng khoáng cho mọi sự hành hương, cầu mong cái may mắn bình yên làm phúc cho cả năm sau, mà tục mừng tuổi người già, trẻ con là tập quán văn hoá nhiều ý nghĩa. Người già được nhận sự chúc thọ, kính trọng của con cháu; trẻ con được chúc hay ăn chóng lớn, học giỏi, kỳ vọng. Hoạt động từ thiện diễn ra quanh năm, nhưng dịp Tết diễn ra mạnh mẽ nhất, thời điểm ấy, lòng bao dùng trắc ẩn làm người ta thương những số phận hẩm hiu, xa lạ đang túng bấn, đói nghèo. Kiều dân nơi nào khi thành đạt, cũng muốn đóng góp cho quê hương, làm từ thiện, hỗ trợ người thân. Lượng kiều hối của người Việt ở nước ngoài giúp thân nhân đạt 4,6 tỷ USD năm 2006. Việt Nam đang chuyển mình trong thời đại vũ bão của nhân loại.

Mời tổ tiên, người đã khuất từ nơi an nghỉ về "ăn Tết" với con cháu trong nhà, dâng mâm cỗ cúng lên bàn thờ nghi ngút khói hương, cũng là nghi lễ cổ truyền thiêng liêng của dân tộc. Ai cũng như ai, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, tắm gội thơm tho, thành kính khấn vái cụ kỵ ông bà, lòng thanh thản chờ đón giao thừa. Không phải vì tờ lịch rơi tần ngần năm cũ, không phải vì nhiều tiếng chuông đồng hồ cùng khua vang, mà những tiếng chuông tất niên đang ngân trong tim, tâm hồn ta khiến ta rộn ràng, lâng lâng, phấn khích. Trẻ con lớn thêm, những người già già đi, những thanh niên hăm hở tuổi xuân... Đời người ngắn ngủi trong vòng quay vũ trụ, sự nhắc nhở thời gian khi sang năm mới không khiến ta hoảng sợ, mà là thách thức. Mấy ngày đầu 2007 vẫn quen viết nhầm "2006", nhưng tâm thế công dân thế kỷ XXI là tiến về phía trước. Và dù ước ao tham vọng gì, tôi vẫn nghĩ, ai cũng chung khao khát bình yên. Bình yên, tưởng giản đơn mà khó lắm thay. Phải khoẻ mạnh thể xác tinh thần, gia đình yên ấm, vật chất từ vừa đủ đến dư dả, phong lưu, đất nước mạnh giàu thanh bình thì ta mới bình yên được. "Nếu yêu cuộc sống, hãy dè sẻn thời gian" (ngạn ngữ Đức). Và tôi yêu cuộc sống!

2. Ở đất nước trên 80% dân làm nông nghiệp, nền văn minh lúa nước, chúng ta đã thuộc lắm với câu "Con trâu là đầu cơ nghiệp", biết việc đại sự gồm: "tậu trâu, lấy vợ, làm nhà" (dân ta tăng tốc làm kinh tế, tậu trâu đã đổi thành "tậu ô tô"). Nhưng, con lợn con gà mới là những vật nuôi gần gũi, có ích sát sườn, và cùng với chó mèo, nhiều khi lợn gà cũng là "bạn", là thành phần thân quen của tổ ấm. Chẳng riêng với nông dân, con lợn còn là quỹ tiết kiệm, vật tăng gia của thị dân những năm chưa thoát nghèo. Có căn bếp chật, cái sân con cũng quây vào nuôi lợn. Con lợn dễ sống làm sao, ăn bèo, khoai nước, rau ngổ dại (không mất tiền mua, chỉ mất công vớt, hái về), rồi cơm thừa canh cặn đổ vào thùng, vại, gọi là "nước gạo", nấu cám. Thứ thức ăn ấy đã nấu cho người, vào năm 1945 (nạn đói làm hơn 2 triệu người miền Bắc chết vì phát xít Nhật bắt nhổ lúa trồng đay, cướp thóc nuôi quân Nhật, dùng làm chất đốt (tội ác ấy, Nhật chưa bao giờ xin lỗi về tội ác khủng kiếp đã làm chết 1/10 dân số Việt Nam - lúc đó 21 triệu) , mà có nơi còn chẳng có cháo cám mà ăn, rễ rau muống, rau má cũng hết. Thứ thức ăn ấy là chi tiết kinh hoàng góp phần tạo nên tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Kim Lân cũng như dòng truyện ngắn Việt Nam thế kỷ 20 - Vợ nhặt.

Lợn dễ nuôi, dễ sống, hay ăn chóng lớn, là nguồn sống của nhiều gia đình nông dân Việt Nam ngàn năm nay. Nào mua bán, sửa sang nhà cửa, nuôi con ăn học trên thành phố, cũng trông vào ruộng vườn, đàn lợn, đàn gà, lợn là chủ lực. Sắm sửa gì cho Tết nhất, cũng phải vỗ cho lứa lợn béo, rồi chờ đến gần Tết, mua xe, đồ đạc trông vào VAC, nhìn đàn lợn mà hy vọng. Nhiều hộ nông dân nghèo, được cho vay vốn, cũng dành mua lợn giống. Cưới xin, giỗ chạp, ăn mừng, tang ma: mổ lợn. Tết đến, vài nhà lại "đụng" một con lợn, một nhà nuôi, mấy nhà hàng xóm, anh em sang mua các phần, pha thịt ra, gói bánh chưng, làm cỗ; còn đuôi và lòng, để mấy ông xã ngồi nhắm rượu hàn huyên. Lũ trẻ chỉ thích những dịp ấy để chạy lăng xăng, nghe sai bảo, nhìn ngó, xí phần, ăn vụng, hét hò...

Có một bài ca dao mượn loài vật, nhưng lại mang ý đồ ẩm thực có phần "dã man" của con người. Bởi không chỉ dừng ở những vật nuôi, người ta đã chén cạn thịt thú rừng, đến cả những loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ cũng không thoát: từ voi đến cá mập, từ tê giác, hổ, khỉ nấu cao, gấu bị lấy mật hầm chân, đến bọ, sâu cũng thành đặc sản. So với nay, thì bài ca dao xưa vẫn còn hiền lắm, dù đọc lên thấy thương những con vật quá, ai lại bắt mỗi con "đòi" một loại gia vị đặc thù để chế biến chính mình: "Con gà cục tác lá chanh/ Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/ Con chó khóc đứng khóc ngồi/ Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng"(!)

Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã khiến giống lợn "lên đời", được cho ăn ngon hơn, chuồng trại, chăm, tắm tốt hơn, nhất là lợn công nghiệp, nhưng sự hối thúc của lợi nhuận khiến lợn cũng bị thúc bách khốn khổ bằng cám tăng trọng, làm chất lượng thịt và nguy cơ mắc bệnh càng tăng khi có dịch "lở mồm long móng", báo hại người dùng. Cùng với khỉ, chó, chuột, lợn là giống thường xuyên bị đưa vào các thí nghiệm khoa học, nó cũng ra đời bằng sinh sản vô tính (sau cừu Dolly). Lợn được tắm thơm tho, xịt nước hoa, thắt nơ nuôi làm cảnh trong các gia đình ở Mỹ. Không chỉ phim hoạt hình, Hollywood đưa lợn vào phim truyện, lợn "biết nói", "biết bay", và rất ngộ nghĩnh, thông minh, không như dân gian vẫn quen mắng nhau về trí não, thói tham ăn tục uống - so với lợn. Người ta tính toán khẩu phần, công thức thức ăn để nuôi lợn siêu nạc (theo mô hình Hàn Quốc), chất lượng cao đồng nghĩa với việc giống lợn bị cuốn vào những thử nghiệm của khoa học công nghệ. Hình ảnh, tập tính "lão Trư" đã được nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân xây dựng tài tình qua thiên truyện Tây du ký. Thiên Bồng nguyên soái vì sàm sỡ với Hằng Nga mà bị đẩy xuống trần gian, mang hình hài chú lợn. Người đọc truyện, khán giả xem phim thường mê Tôn Ngộ Không, tất nhiên rồi, vì "Tề Thiên Đại thánh" thông minh, trung nghĩa, tài năng quá, nhưng tôi mến Trư Bát Giới, dù nhân vật này rất bản năng. Mê gái, háu ăn, ngại khó, hay kêu la nản lòng, nhưng Trư Bát Giới rất hồn nhiên, hiếu động thành thực và "đời", làm mọi người lạc quan, vui vẻ. Có phải ai cũng bỏ được lòng tham với tiền, quyền, tửu sắc để chay tịnh như Tam Tạng, Ngộ Không? Bát Giới cũng tốt bụng, thật thà, biết trung thành, chí nghĩa trên dưới đó chứ!

"Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh". Thịt lợn là thực phẩm chính trong bữa ăn người Việt ngày thường cũng như dịp giỗ, tết, nguyên liệu để làm nhân bánh chưng, thứ bánh làm nên mùi Tết Việt muôn đời. Patê, xúc xích, thịt lợn xông khói, thịt lợn muối, là món ăn truyền thống, phổ biến của không chỉ người châu Âu, Mỹ và hầu khắp thế giới. Hình ảnh con lợn tham ăn, dễ nuôi bao giờ cũng gần gũi, thân quen trong tâm thức mọi người. Con lợn ủn ỉn nhọ mũi vì dụi đất trong vườn hay lúc xổng chuồng làm cả nhà (huy động cả láng giềng) đuổi bắt vài phen mệt lử, thật nhộn. Nó góp vào bức tranh quê ấm no, trù phú. Lúc chiến tranh chống Pháp, nhà thơ Hoàng Cầm nhìn về Kinh Bắc quê hương, với hình dung: "Mẹ con đàn lợn âm dương/ Chia lìa đôi ngả", đàn lợn nháo nhác chia lìa vì chủ nó đang bị nạn can qua. Lợn nái mẹ với 5 lợn con xoáy âm dương bên sườn, mắt rợp mí dài, đang tranh ăn đùa nghịch, là bức hoạ nổi tiếng hơn 500 năm từ giấy điệp, giấy dó Đông Hồ, đi ra khắp thế giới, trên tranh, ảnh, lịch, ca dao, ký ức truyền đời. Đâu chỉ là tên cám cho lợn, mà thương hiệu "Con heo vàng" chính là biểu tượng của tích luỹ, tiết kiệm của người biết gom góp, căn cơ. Dân gian có lý lắm, khi chọn trong 12 con giáp, lợn để "nuôi bỏ ống". Lợn đỏ, lợn vàng, lợn nhựa, lợn đất... tiền mừng tuổi của trẻ con, tiền người lớn để dành, cũng cho vào lợn, có một lỗ bỏ tiền trên lưng hay ở mông chú ỉn. Từ vốn liếng một lợn giống, khi lợn sinh con, mắn đẻ, đẻ nhiều, lợn cho người niềm vui, hy vọng, hy vọng lớn từng ngày theo trọng lượng vật nuôi. Lợn là cơ nghiệp của người nông dân đảm đang tảo tần. Lợn có mặt trong những dịp vui buồn của đời người, bằng sự xả thân của nó. Lợn sữa, hay lợn bột quay vàng, nằm trên mâm cúng tế nơi đền chùa, lễ hội, thành món ăn bầy ở lề đường hay trong nhà hàng siêu thị, là sính lễ thách cưới hay yêu cầu ăn vạ của làng (không chỉ từ thời Thị Màu, với các tiên chỉ, các vị quan, lý trưởng, phán, nghị, thầy), lúc nguyên con hay chỉ là chiếc thủ, mặt lợn vẫn như cười - sự "xả thân" đến cùng không thể không tình nguyện (!).Lợn biết lúc tận kiếp không làm sao khác được, nó kêu thảm thiết, sau khi chạy cùng đường trong chuồng, bị mấy người trói nghiến, rồi sặc gio, rồi dao bầu, nước nóng. Tôi không dám nhìn cảnh ấy. Hồi nhỏ, mỗi khi mẹ tôi gọi bán lợn, lúc tờ mờ sáng, lần nào tôi cũng dậy xem, lần nào cũng khóc thương con lợn, mới chỉ nghe tiếng "eng éc" thất thanh đã khóc, chưa kịp đến lúc lợn bị cân hơi (cân khi sống), nói gì đến giết mổ, cân móc hàm. Những ngày sau, nhìn chuồng trống vắng, tôi thấy mất mát điều gì không quên được. Cảm giác ấy càng lớn khi những con chó, mèo đẹp và khôn, bị ốm chết hay bắt mất. Tôi quá đa cảm hay quá ngây thơ, hồi bé? Những đứa trẻ bây giờ, chắc không có dịp biết điều ấy, khi xem gói bánh chưng cũng là "tiết mục xa vời".

3. Có xa vời không, ước mơ em anh và những đứa con chúng ta sẽ đi trong vườn đào bao la rực thắm, không phải đào miền núi, đào các tỉnh đổ về Hà Nội, thành các chợ hoa xuân: Hàng Lược, Hàng Đậu, Bưởi, Quảng Bá, Nhật Tân, mà đào của Hà thành? Công cuộc "công nghiệp hoá, hiện đại hoá " về các làng quê, thành trào lưu "bê tông hoá" chóng mặt: đập di tích cũ xây mới, các chùa đình na ná nhau (dưới tên gọi "trùng tu!"), lấp gần hết ao hồ, mái chóp đỏ, tường đủ màu, nhà đua nhau xây to, cao chen chúc mà không đẹp, không tạo nổi diện mạo kiến trúc chung. ở đô thị cũng thế, cứ nhà hộp mà xây là chủ yếu, rồi sau lại phá bỏ vì quy hoạch, dự án, loay hoay mãi không có phong cách kiến trúc đặc trưng, hầu hết lai căng, gom nhặt. "Hồ Tây hẹp dần vì bị lấn/ Vòng kè đá bất lực", tôi đã viết thế, trong tập LINH từ 7 năm trước. Và giờ không chỉ vòng kè bất lực, mà người yêu Hà Nội đã nuối tiếc bất lực bội phần. Hồ Tây và quần thể di tích quanh nó, đã đi vào lịch sử, văn hoá, nghệ thuật của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, trong đó các làng hoa - di sản tinh thần của người Hà Nội. Thủ đô xinh đẹp, cổ kính của chúng ta bao bọc, đan xen bởi làng hoa, bên dòng sông Hồng mẹ xứ sở. Ngọc Hà đã mất, hoa không thấy, chỉ có cái áo chật hẹp giữ xác máy bay B52. Bao tiếng kêu cứu của những người dân mấy đời trồng đào, của hàng triệu người yêu hoa đào, bao cảnh báo của các nhà báo, nhà sử học, nhà văn hoá, rất nhiều hội thảo, phóng sự (cả TV, báo in, phát thanh), phim tài liệu... đã động đến trời cao nhưng không lay chuyển người cầm cân nảy mực! Đau đớn thay! Cả nước xót xa, níu giữ cũng không giữ nổi làng đào Nhật Tân. Người Việt ngàn năm Bắc thuộc, chịu ảnh hưởng, đồng hoá, nô dịch của phong kiến Trung Quốc, từng mất nước chứ không mất làng, mà đầu thế kỷ 21, giữa kinh đô đầy hiền tài nguyên khí quốc gia, không giữ được một làng hoa đã thành huyền thoại vẻ đẹp Hà Nội, của đất Việt. Bao nhiêu đất để triển khai dự án, sao lại đặt bút ký xả thịt đất Nhật Tân? Người trồng đào Nhật Tân vẫn kiên trì với nghề truyền thống, không phải vì họ không thể chuyển sang làm nghề khác, mà họ đã gắn bó quá rồi, đào là đời, là nghiệp của họ. Lại cần mẫn gây dựng trên chút đất ít ỏi vườn nhà, cùng nhau đi tìm bờ bãi, lại đăng ký bảo vệ thương hiệu "Đào Nhật Tân". Sông Hồng bên lở bên bồi vẫn dâng phù sa cho người dân trồng trọt. Dự án "Thành phố hai bên bờ sông Hồng" sẽ quy hoạch Hà Nội đẹp lên, đổi hướng đê, giữ thành phố xanh, biến bãi Giữa sông Hồng thành công viên - đảo xanh ngút mắt. ý tưởng ấy, KTS Hàn Quốc tiếp nối từ quy hoạch sông Hàn bên thủ đô Seoul của xứ sở kim chi. Từ trên cầu, trên máy bay nhìn xuống, bãi giữa sông Hồng sẽ là thảm rừng xanh cùng hoa rực rỡ. Tôi ước mùa xuân nhìn xuống bãi giữa sẽ rực tràn sắc hoa đào. "Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông", thi hào Nguyễn Du có biết, câu thơ ông viết gần 300 năm trước làm chạnh lòng tê tái bao người khi nhìn cảnh đào năm nay và phấp phổng bao năm sau nữa? Lại nhớ Lâm Đại Ngọc trong Hồng Lâu mộng (Tào Tuyết Cần) khóc khi hoa tàn, chôn hoa thương tiếc. Bao nhiêu nàng Lâm khóc cho đủ những vườn đào đã mất, những mùa đào khô cằn trơ trụi? Hãy để Hà Nội thành xứ hoa đào chứ đừng để đào xứ khác "đi sứ" về Hà Nội. Sao không để hoa đào thành một trong những hình ảnh đặc thù của thủ đô chúng ta, như Tokyo có anh đào là biểu tượng?

Sau Nhật Tân, sẽ là làng nào? Các ông dự án và lãnh đạo đừng xoá sổ những làng hoa thêm nữa. Chúng tôi không thể chỉ sống với bê tông, giữa bê tông và thức ăn fast foot. Những người yêu Hà Nội, yêu hoa, sẽ cùng những người dân làng hoa giữ di sản, biểu tượng của thành phố mình, thành phố hoà bình, đó cũng là giữ cho Việt Nam, đất nước đang quảng bá du lịch bằng slogant: "Vẻ đẹp tiềm ẩn". Hoa đào, vẻ đẹp tiềm ẩn và vĩnh cửu của sức xuân. Đừng để những làng hoa cuối cùng ra đi như những ngôi nhà cổ cuối cùng như những bức tranh phố cuối cùng của Bùi Xuân Phái. Đến lúc đó, không còn Hà Nội cổ 36 phố phường, chúng ta sẽ gặp nhau ở phố thứ 37 (phố của Phái, nhưng chỉ là phố trong tranh, tranh Phái in trên sách, báo, post card, vì tranh thật đã ra nước ngoài gần hết), trong mùa thứ năm (mùa của ước mơ). Năm qua, sông Hồng cạn nước, khí hậu thất thường, nhiều bão, mưa đá, Tết này mất mùa cả mai Nam đào Bắc. Làng hoa Phú Thượng, mất một nửa gốc đào khô như cây chết, bẻ làm củi đun, do thiếu nước (chỉ vì cái cống bị làng bên chặn, một lý do tưởng như "giời ơi") cùng với mưa đá. May còn mấy vườn quất đại, cây cảnh ở thôn Nhật Tảo, xã Đông Ngạc. Gần 10 năm nay, xã này chuyển trồng lúa sang trồng hoa, làm cây cảnh, toàn xã có gần 20 ha. Mất mùa hoa thì ào sang quất. Anh Cao Xuân Phổ, Nguyễn Minh Nhuận - chủ vườn quất đại cho biết: "Chọn giống quất đại, quả to, cây có rễ nhỏ, nhiều nhánh. Trồng từ tháng giêng, đến tháng năm đảo gốc, chăm bón đầy đủ, được thêm khí hậu tốt, sẽ khả quan". Cùng huyện Từ Liêm, vườn hoa xã Tây Tựu ăn nên làm ra, đủ hoa xuất khẩu tiểu ngạch. Làng Vẽ cổ kính bên sông Nhuệ, có vườn phong lan đáng giá. Có thể trồng hoa công nghiệp không? Tại sao không. Những người trồng đào, hoa, quất được Nhà nước đầu tư công nghệ, vốn, học tập kỹ thuật tiên tiến, trồng hoa thay trồng lúa, như Hà Lan nổi tiếng vì trồng hồng và tulip xuất khẩu, là dự án khả thi lắm chứ, thay vì cứ lấp kín ruộng đồng để xây chung cư, khu chế xuất, nhà máy. Đời sống cần ăn no mặc ấm, rồi ăn ngon mặc đẹp, nhưng không thiếu được hoa, nghệ thuật và tình yêu. Loài người mãi mãi cần chất thơ và hy vọng, những đức tin và lãng mạn, cũng như cần tình yêu, để khám phá đầy đủ cuộc sống của mình và thế giới. Nói như nhà văn Pháp H. Stendhal, tác giả Đỏ và đen: "Một nửa, và đó là nửa đẹp đẽ, bí ẩn nhất của con người sẽ còn khép kín, không thể có được nếu như con người ấy không có được một tình yêu say đắm".

4. Bởi vì những điều ấy nâng cánh tâm hồn, nuôi dưỡng tinh thần loài người: không cần lời nói nào, ngôn ngữ của cái Đẹp - biểu tượng Hoa, Nghệ thuật, Tình yêu - bất kể mọi không gian, thời gian, đưa con người xích lại gần nhau, đồng cảm và chia sẻ. Hoa đẹp như thiếu nữ, nàng còn quyến rũ hơn hoa, ngàn năm vẻ đẹp ấy, sự so sánh ấy, biểu tượng ấy, luôn sống động và tuyệt diệu. Trong màn sương buông voan, hồ lan lan sóng ngọc, những vườn hoa làng hoa toả hương khoe sắc, khước từ hoa giả trong mọi ngôi nhà hay ở nơi công cộng, cắm lọ hay kết khối, hoa giả cây giả cứ cứng trơ, vô duyên, vì vô hồn, dù có thể giống như hoa thật. Như thôi, không thể thay thế được, vì hoa và cây của thiên nhiên, có hồn, từ lúc người chăm sóc đến người cắm, ngắm. Chơi hoa, thưởng hoa là thứ tao nhã muôn đời. Người Nhật Bản tự hào và yêu thích những đảo, những rặng anh đào. "Mùa xuân sang ngắm hoa anh đào". Hàng chục năm nay người dân thủ đô Washington (Mỹ) cũng được ngắm hoa anh đào, những cây hoa do Nhật tặng nở trên đất Mỹ, một thông điệp đẹp sâu sắc của lịch sử, sau bom nguyên tử Nagasaki, Hiroshima và Trân Châu cảng. Chúng mình đi trong mưa non sương trong như lướt như bay bồng bềnh hư thực...

5. Hoa nào rồi cũng tàn. Hoa bền nhất là trong tâm hồn người. Những ngày đông ảm đạm giá lạnh rồi cũng qua, của thiên nhiên hay của lòng mình cũng thế, mùa xuân và thời gian lại thổi vào ta sinh khí diệu kỳ, hứng khởi và phấn chấn. Những ảo tưởng và thất bại, những u uẩn và tuyệt vọng, những phiêu liêu phù phiếm và tham vọng không cùng, những e dè và nổi loạn, những ngập ngừng và trỗi dậy, đều lắng dịu trong khí xuân, tiết xuân đất trời giao hoà, vạn vật sinh sôi, nụ chồi nảy nở. Những u uẩn, nỗi buồn được giải phóng theo gió. Tết là xuân, xuân là Tết, mọi thân phận chợt bình đẳng khi cùng tâm thế chia tay năm cũ, đón chào năm mới, cùng ăn Tết, cùng vui như Tết. Dù cuộc sống hiện đại làm người ta nhàn đi, lười đi, các bà nội trợ hay mua sẵn để giảm bớt việc bếp núc, thì nhà nào cũng phải đỏ lửa, ấm cúng, nhà nào cũng phải có không khí Tết, muốn thế, cũng phải ra sức làm, mệt nhưng ý nghĩa. Từ dọn dẹp, mua sắm, nấu nướng, trang trí... đón Tết với hàng trăm việc có tên và không tên, giao cho mọi người trách nhiệm với người thân, với tổ ấm, phát huy hết công năng giới tính, năng lực của mình. Nghênh xuân từ cuối mùa đông cũ!

Mưa xuân lất phất để những bàn tay ấm hơn, ánh sáng xuân ngày và đêm sao làm mắt uyên ương long lanh thế! Bên những romance, ballade, aria trác tuyệt của nhân loại, Happy New Year (ra đời 1981) của ban nhạc ABBA mãi là bản tình ca thiết tha, rộn ràng, say đắm nhất của mọi thời đại, không thể thiếu lúc sang mùa. Tác phẩm ấy thành huyền thoại cùng ABBA, dù nó tồn tại mới 26 năm (kém tôi 1 tuổi), nhưng chúng ta tin, đó là dấu ấn không thể thay thế, hay ít nhất cực khó thay thế khi đã chinh phục hàng tỷ người, khi nó làm nền cho con người thăng hoa. Ai cũng ửng má hồng môi đâu vì rượu tràn ly, vì say men đất trời, men tình nên trẻ lại. Ai cũng cười hân hoan trong nhạc vang lừng, tiếng hát vút bay lóng lánh... Ngày mới tinh từ đêm giao linh...

Một năm mới mở ra những tờ lịch đỏ, với bao khát khao, dự định. Loài người chinh phục vũ trụ cao siêu hay đi sâu khám phá ngõ ngách vi tế của tâm hồn chính mình, cũng đều có mục đích, dự định, điều ước bí mật nằm ngoài những lời chúc ngoại giao hiển ngôn. Trong lòng tôi, chỉ cầu sức khoẻ, bình yên, tình yêu bền chặt. Ai cũng mong năm mới khởi sắc hơn năm cũ, dù cuộc sống có ráo riết cạnh tranh, giá cả leo thang hay những chiến trường không im bặt. Ước mơ - đó đức tin của con người, niềm ngây thơ dai dẳng. Sự dai dẳng được chờ đón, là tự nguyện của hạnh phúc. Đó có thể là nỗi đam mê, một thói quen, lòng quyết tâm, ý chí. Là sức sống. ở những nơi tưởng không có sự sống, mùa xuân đến, người ta vẫn tìm thấy mầm xanh.

Điệu valse tuyệt vời, em dám so sánh với điệu valse đã làm nên tác phẩm bất hủ của nhà điêu khắc thiên tài Pháp A. Rodin với nàng Camille, của Anh và em trong căn phòng đầy âm nhạc của đôi ta. Trong đêm xuân, điệu valse đưa uyên ương ra vườn, ra đường phố hoà cùng mọi người. Mùa xuân thực sự là mùa tình bất tuyệt, mùa tình đem sức xuân cho mọi mùa; thế giới gần gũi và rộng lớn hơn, những con người xa lạ, khác tiếng nói màu da, bỗng trở nên thân thiện, gần gũi. Sức hút lớn nhất của thế giới này không phải là vùng kinh tế, thị trường tiềm năng, những thương vụ, hợp đồng, chiến lược, mà sức hút giữa những người yêu nhau - nối dài đời người, vươn tới sự vĩnh cửu. Không đơn thuần là tuyên bố của kẻ lãng mạn cuối cùng. Tác giả Bông hồng vàng - nhà văn Nga Pautôpxki từng nói: "Tình yêu có hàng ngàn vẻ, ở mỗi vẻ đều có ánh sáng, nỗi buồn, hạnh phúc và hương thơm riêng". Chính tình yêu trong mùa xuân làm mùa đẹp và kỳ diệu hơn, chính mùa xuân của tình yêu làm tâm hồn ta mãi trẻ, sáng trong và cất cánh. Những đứa bé tạo thành bởi tình yêu và ra đời trong mùa xuân thường thông minh - tổng kết không của riêng khoa học

Tuyệt biết bao Anh ôm em trong tay trong xuân mà trường độ của nụ hôn nâng đôi ta lên khỏi sức hút Trái đất....

 

Vi Thuỳ Linh

10.1.2007

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12955)
(Xem: 14393)
(Xem: 15782)
(Xem: 15180)
(Xem: 15199)
(Xem: 16006)
(Xem: 14627)
(Xem: 14379)
(Xem: 14380)
(Xem: 15341)