- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nói Chuyện Với Lynh Bacardi

12 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 10008)

w-lynhbacardi_0_145x300_1Lynh Bacardi tên thật là Phạm Thị Thuỳ Linh, sinh ngày 3/4/1981 tại Lâm Đồng. Khi loạt bài này được phát thanh trên làn sóng RFI, tháng 5/2006, thơ văn Lynh Bacardi mới chỉ có một số bài xuất hiện rải rác trên báo hải ngoại, mạng lưới điện tử và tập Dự báo phi thời tiết vừa in xong đã bị tịch thu ngay. Nổi bật nhất trong"năm con ngưạ trời", ở tuổi 25, Lynh Bacardi xuất hiện như một ngòi bút độc đáo, chĩa thẳng vào những ung nhọt của xã hội, chọc mủ vỡ ra. Lối viết như thế dễ gây dị ứng, dễ làm cho người ta bị kinh động, sợ hãi, khó chịu nhất là đối với những ai thích phô cái hay, cái đẹp, cái thành công, cái đạt tiêu chuẩn của xã hội mà dập những rác rưởi xuống hầm. Lynh đưa ánh sáng vào những gầm kẽ tăm tối, rọi vào những thai nhi méo mó chưa khởi đầu sự sống đã phải làm quen với cái chết. Chữ của Lynh Bacardi tự nhiên cứ tuôn ra như vậy, không do một sự học tập, không do một kiến thức trường ốc sách vở nào. Đây là một trường hợp sáng tác từ vô thức tuổi thơ rất lạ kỳ chúng ta sẽ đọc và tìm hiểu sau. Bây giờ, chúng tôi muốn giới thiệu cùng quý vị tiếng nói của Lynh Bacardi.

 

 

Thụy Khuê: Trước hết xin cảm ơn Lynh Bacardi đã nhận lời nói chuyện với thính giả RFI và câu hỏi đầu tiên xin chị cho biết đã làm thơ từ khi nào và tại sao lại lấy bút hiệu Lynh Bacardi?

Lynh Bacardi: Tên thật của tôi là Thùy Linh, Bacardi là tên một loại rượu rhum. Tôi thích âm thanh và chữ Bacardi, nghe vang vang nhè nhẹ dễ chịu và dễ nhớ, thêm mùi vị cay xé lưỡi của nó nữa. Có người nói bút hiệu này chứng tỏ tôi bị ngoại lai. Tôi đang xem có nên đổi bút hiệu là "Linh Làng Văn" hay "Linh Gò Đen" hay không để hợp với "bản sắc dân tộc". Còn làm thơ từ khi nào? Tôi nhớ mình bắt đầu quen và thích không khí văn chương khi biết nhà thơ Thận Nhiên, qua anh ấy tôi gặp gỡ nhiều tác giả khác và bị lây nhiễm tình yêu văn chương của họ lúc nào không biết. Chính xác hơn thì tôi bị ảnh hưởng và bắt đầu viết sau khi tôi đọc tập thơ 26 nhà thơ Việt Nam đương đại cách đây hai năm. Tập thơ qui tụ 26 nhà thơ trong và ngoài nước và chọn những tác phẩm tốt nhất của họ vào giai đoạn đó để in. Tôi đã được bạn bè và anh em trong giới vỉa hè ủng hộ.

T.K.: Tại sao chị lại chọn những nhân vật cùng cực và bất hạnh của xã hội để đưa vào tác phẩm?

L.B.: Đó thật sự là những nhân vật và hoàn cảnh mà tôi hư cấu. Có lẽ chị chưa về Việt Nam thời gian gần đây cho nên chị không biết: đất nước bây giờ rất giàu mạnh, công bằng và những người sống trong đó rất hạnh phúc và an bình. Chỉ cần ghé qua khoảng 20 phút thôi, chị sẽ thấy đâu đâu cũng treo bảng "khu phố văn hóa", ấp, khóm, xóm, phường văn hóa. Hoặc vào nhà ai đó sẽ thấy treo bằng "gia đình văn hóa". Một đất nước "văn hóa" như vậy thì làm gì có người vô đạo đức, phải không chị? Hoặc làm khổ nhau để xẩy ra những hoàn cảnh và con người bất hạnh. Và một người hạnh phúc như Lynh thì cần phải bịa ra những nhân vật cùng cực để tạo sự cân bằng cho mình, nếu không, sẽ có lúc chết non vì "quá hạnh phúc".

T.K.: Chị nghĩ gì về việc tập thơ Dự báo phi thời tiết bị thu hồi cách đây không lâu?

L.B.: Sau khi tập thơ Dự báo phi thời tiết bị thu hồi, tôi ước mình được sống ở một đất nước khác, như Trung quốc chẳng hạn, để có thể viết về một đề tài cấm kỵ nào đó như tính dục rồi tìm cách in ở Việt Nam như một cách xin visa để trở về hiện diện trong chính đất nước mình. Bởi tôi thấy hiện nay trên các kệ sách ở Sài Gòn, Hà Nội tràn ngập các tác phẩm của các nhà văn Trung quốc như Vệ Tuệ, Cửu Đan và Dương Thụ trong phong trào Linh lê. Và những tác giả này đều được các nhà xuất bản và các nhà phê bình Việt Nam đánh giá như những người viết về xếch một cách bạo dạn và sống bất cần đời. Hình như họ có ý nhắc Trung quốc nên xem lại sự phát triển và những giá trị của xã hội họ đang diễn tiến như thế nào mà để cho thế hệ trẻ có những tư tưởng như vậy. Té ra người ta chỉ muốn tiêu hóa văn chương và ngồi phê bình những giá trị của nước ngoài, còn tư tưởng và giá trị văn hóa của xã hội Việt Nam hoặc những điều mà giới trẻ Việt Nam suy nghĩ thì chắc đã ổn định, trong sạch rồi, nên không cần phải xem lại nữa.

 

T.K.: Trước khi đưa văn, thơ lên mạng, Lynh có gửi bài đăng báo trong nước không? và phản ứng của họ đối với những bài văn, bài thơ của Lynh như thế nào?

L.B.: Lynh chưa thử gởi tác phẩm của mình đến những tờ báo trong này, vì thứ nhất là Lynh rất lười ngồi gõ và trông đợi. Lynh không kiên nhẫn để ngồi đợi xem họ trả lời như thế nào. Cách làm việc của giới báo chí trong này rất tệ hại: Ví dụ, có thể khi nhận được thơ của mình thì họ không trả lời là đã nhận được hay không. Hoặc khi họ nói là bạn hãy gởi thơ của bạn đến cho tôi để tôi đọc; nghe lời họ, mình gởi đến thì họ cũng không hồi âm. Lynh nghĩ là những chuyện đó sẽ làm cho mình khó chịu, và việc mong đợi bài thơ của mình được họ in ra như một sự ban ơn, thì không đáng để cho mình làm như vậy. Cho nên Lynh không gởi đi bởi vì Lynh đã nhìn thấy những người bạn và anh em chung quanh đã thử làm rồi và Lynh không dại gì để Lynh làm vô nữa.

T.K.: Xin Lynh cho biết tập Dự báo phi thời tiết đã được chuẩn bị in ấn như thế nào?

L.B.: Tập Dự báo phi thời tiết trước đó anh Trịnh Cung (nhà thơ, hoạ sĩ Trịnh Cung) đã đi xin giấy phép in ở các nhà xuất bản trong Nam này đều bị từ chối hết. Có một nhà xuất bản yêu cầu gạch tên của Lynh ra, họ bảo nếu gạch tên của Lynh ra thì họ sẽ in bốn nhà thơ kia, còn Lynh thì không được... Họ gạch nát bản thảo có phần tác phẩm của Lynh và cuối cùng họ quyết định bỏ Lynh ra. Anh Trịnh Cung đã không đồng ý điều đó, và anh đã phải mang tập thơ đó đi chào các nhà xuất bản ngoài Bắc và cuối cùng tìm được một nhà xuất bản. Sau khi tập thơ ra đời thì Lynh cũng thấy vui và Lynh nghĩ là có thể có những người tôn trọng những sáng tác -chưa nói là có giá trị hay không- của giới trẻ và họ mong muốn những người viết trẻ như Lynh có chỗ để chơi. Không ngờ mới hy vọng một tí như vậy thì đã bị họ làm cho mình rất thất vọng.

T.K.: Lynh vừa xuất hiện cách đây có vài năm mà thấy có vẻ như là Lynh viết rất dễ dàng, vậy sự thực Lynh viết có dễ không hay là viết cũng khó khăn?

L.B.: Viết rất dễ dàng chị ạ, nhưng không liên tục, bởi vì, thường khi người ta mới bắt đầu viết thì cái năng lượng -Lynh nghĩ là năng lượng nó dồn- lúc đó giống như cái núi lửa được kích thích sẽ thổi ra. Lynh chỉ lo lúc không có gì kích thích nữa, thì nó sẽ nằm im ỉm, không tiếp tục được nữa.

T.K.: Khi muốn tìm hiểu một nhà văn, thường thường người ta hay chú ý đến quá khứ thơ ấu của nhà văn vì từ quá khứ đó, phát xuất ra con người và những sáng tác đến sau. Đọc thơ văn của Lynh lại càng thấy rõ điều đó. Vậy Lynh có thể nhớ lại là Lynh đã sống thời thơ ấu như thế nào với người xung quanh và tại sao, sau đó Lynh lại chọn con đường làm văn học?

L.B.: Thực sự tuổi thơ của Lynh không được may mắn và suông sẻ cho lắm. Lynh, khi còn nhỏ, dưới mười tuổi, Lynh đã phải ra ngoài sống, làm việc, buôn bán để phụ gia đình. Lynh nghĩ là quá khứ đó có ảnh hưởng trong những gì Lynh viết và tự nhiên nó thể hiện qua những điều mình viết, nhất là trong những tác phẩm đầu tay, thể hiện rất rõ. Và ngoài kinh nghiệm bản thân, Lynh còn hấp thụ kinh nghiệm qua những người chung quanh mình nữa. Còn con đường văn chương thì không phải do Lynh chọn mà tự nhiên nó đến, tự nhiên mình viết chứ không nghĩ trước là mình sẽ nhẩy vào và mình sẽ viết. Lynh viết và thấy nó chạy thì Lynh sẽ tiếp tục.

T.K.: Lynh mới xuất hiện cách đây vài năm với lối viết có thể nói là khá dữ dội, bây giờ Lynh mới viết như thế hay là trước đây Lynh đã viết như thế rồi?

L.B.: Lynh viết và được chú ý thì cách đây hai năm. Khoảng 13, 14 tuổi Lynh có viết truyện ngắn, những truyện ví dụ như Đêm Giáng sinh thầm lặng, tựa truyện như vậy và nội dung đại khái cũng như vậy, Lynh có gửi lên báo Mực tím, báo Áo trắng ... đều bị không được đăng. Có thể đó là sự may mắn của mình, chứ nếu được đăng từ hồi ấy, thì không biết bây giờ viết theo kiểu nào nữa! (cười)

T.K.: Trong thơ của Lynh có nhiều hình ảnh chồng chéo lên nhau tựa như lối sắp xếp của hội họa lập thể, nếu nhìn dưới con mắt phê bình thì có thể cho là Lynh đã chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền, vậy Lynh có bao giờ đọc thơ Thanh Tâm Tuyền không hay là Lynh chịu ảnh hưởng của những người đã chịu ảnh hưởng thơ Thanh Tâm Tuyền?

L.B.: Như Lynh đã nói lúc đầu, Lynh chịu ảnh hưởng trực tiếp qua tập thơ 26 nhà thơ Việt Nam đương đại. Thanh Tâm Tuyền thì Lynh có đọc vài bài và chính xác hơn thì Lynh đọc mới đây vài bài, khi ông ấy mất và báo mạng Tiền Vệ có đăng thơ ông. Và Lynh không ảnh hưởng chút nào về thơ của Thanh Tâm Tuyền hết.

T.K.: Điều này cũng không quan trọng vì nhiều khi chính nhà thơ cũng không biết mình đã chịu ảnh hưởng của những ai, đó là vấn đề vô thức khá phức tạp, lúc khác ta sẽ bàn. Còn thêm một điều nữa muốn hỏi Lynh là Lynh có làm thơ trước khi đọc cuốn "26 nhà thơ Việt nam đương đại" không? Và tại sao Lynh lại chọn viết loại thơ tự do và thơ văn xuôi như thế này?

L.B.: Trước khi đọc tập thơ "26 nhà thơ đương đại" Lynh chưa làm thơ bao giờ. Chỉ sau khi đọc "26 nhà thơ đương đại" thì Lynh viết và thơ tự do làm cho Lynh rất thoải mái trong cách thể hiện những gì mình muốn, những điều mình nghĩ. Khi đọc những bài thơ văn xuôi của Lynh, chắc chắn sẽ cảm thấy một sự tuôn ra, chảy đi giống như một dòng chảy, cứ chảy như vậy cho đến khi kết thúc. Lynh công nhận là trong những bài thơ văn xuôi của mình, thực sự Lynh viết với một ẩn ức gì đó, dường như là nó nằm sâu trong người mình, chỉ cần đặt bút viết là nó tuôn ra và nó đi đến cùng. Còn về những bài thơ dài, có ngắt câu và xuống dòng thì dùng kỹ thuật nhiều và có lý trí can thiệp trong đó.

T.K.: Lynh thích viết văn hay làm thơ hơn? Và giữa làm thơ và viết văn, đối với Lynh cái nào khó hơn?

L.B.: Thật sự thì Lynh thích viết văn hơn là làm thơ. Lynh chỉ làm thơ những lúc cảm xúc đến, có những trực bắt mà chỉ trong thơ mới thể hiện được ngay vào lúc đó và lúc ấy, Lynh viết một bài thơ có khi chỉ trong vòng mười lăm, hai mươi phút là xong. Nhưng một truyện ngắn hoặc truyện dài, một tiểu thuyết đòi hỏi người viết phải sắp xếp, phải có ý tưởng có lô-gích, nó đòi hỏi sự lao động nhiều hơn. Nhưng Lynh nghĩ thể loại văn xuôi giúp mình nói rõ hơn điều mình nhìn thấy trong xã hội, điều mình muốn diễn đạt để đưa đến người khác, để nói lên tình trạng xã hội hoặc nói về bản thân Lynh cũng vậy, dùng văn xuôi sẽ rõ rệt hơn.

 

T.K.: Xin thành thật cảm ơn Lynh Bacardi.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12955)
(Xem: 14393)
(Xem: 15782)
(Xem: 15180)
(Xem: 15199)
(Xem: 16006)
(Xem: 14627)
(Xem: 14379)
(Xem: 14378)
(Xem: 15341)