- Hesitate
- Mục Lục H L 94
- Thư Tòa Soạn H L 94
- Nguyễn Ái Quốc: Người Việt Đầu Tiên Đến Mỹ? (phần 2)
- Những Người " Xuống Đồng" Trước Nhóm Mường Thái Lam Sơn
- Đêm Ướt Sài Gòn
- Mùa Hè Vé Khứ Hồi
- Nguyễn Hữu Đang, Ông Là Ai?
- Tưởng Niệm Nhà Văn Hóa Nguyễn Hữu Đang
- Một Bài Thơ Không Thành (trích Nhật Ký Của Nhà Văn Nguyễn Huy Tưởng)
- Nói Chuyện Với Nguyễn Hữu Đang
- Hiến Pháp Việt Nam Năm 1946 Và Hiến Pháp Trung Hoa Bảo Đảm Tự Do Dân Chủ Thế Nào?
- Những Bài Trích Trong Cuốn «bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Toàn Án Dư Luận»
- Phụ Hoạ Một Giả Thuyết Về Vụ Án Nhân Văn-giai Phẩm
- Ba Đào
- Định Nghĩa Hai Chữ Văn Hóa
- Trở Lực Của Văn Hóa Dưới Ách Đế Quốc
- Nhìn Rõ Thêm Về Ý Nghĩa Hai Chữ Văn Hóa Văn Hóa Tức Là...
- Con Người Phùng Cung Và Những Bài Thơ Hay Trong Tập Xem Đêm
- Giấc Mơ Tháng Tư , Phơi Đêm
- Phụ Nữ Việt Và Chiến Tranh
- Hiện Vật
- Made In The Laboratory
- Nói Chuyện Với Nhà Văn Hoàng Ngọc Thư
- Vô Thừa Nhận
- Hòn Sỏi
- Thủ Trưởng Và Lái Xe
- Bài Thuốc Giải Bùa Mê Thứ Nhất
- Người Trôi
- Mạn Đàm Văn Học H L 94
Danh từ "Văn hóa" chúng ta đã mượn ở tiếng Tầu - người Tầu lấy hai chữ này ở sách cổ -bộ kinh Dịch- để phô diễn một khái niệm mới của Khoa học hiện đại. Cho nên xét theo từ nguyên thì chữ Văn hóa không ngụ được cái ý nghĩa cơ bản là giồng giọt, cầy cấy trong chữ "cultus" của tiếng la-tanh (tiếng Pháp: culture, tiếng Anh: cultures, tiếng Đức: kultur).
Vậy muốn có ý niệm xác đáng, ta phải công nhận cho chữ "Văn hóa" hiện thời một nghĩa mới nguồn gốc tự Tây phương.
Một mặt nữa, hiện tượng xã hội rất là phức tạp, quan điểm nghiên cứu của học giả cũng khác nhau, cho nên sự biện biệt ý nghĩa các danh từ lắm lúc tinh vi đến nỗi khó thể chỉ ra những giới hạn rành mạch.
Vì thế mà nhiều nhà học giả đã dùng chữ "Văn hóa" như là một danh từ khác âm đồng nghĩa với chữ Văn minh". Trong bộ Việt Nam Văn hóa sử cương, ông Đào Duy Anh theo giới thuyết của Félix Sartlaux mà thích nghĩa Văn hóa là: "chỉ chung tất cả các phương tiện sinh hoạt".
Ở Tầu, Lương Thấu Minh cũng định nghĩa chữ Văn hóa trong một câu giới thuyết tương tự. Theo quan điểm của Lương thì Văn hóa "chẳng qua là sự sinh hoạt của một dân tộc về tất cả các phương diện" (tinh thần và vật chất).
Chính vì không định nghĩa cho đích xác, chặt chẽ, cho nên bộ sách của ông Đào Duy Anh cũng có thể gọi là Việt Nam Văn minh sử cương. Và tập sách của Lương Thâu Minh, tuy đề là Đông Tây văn hóa cập kỳ triết học cũng chỉ là một công trình khảo cứu về văn minh Đông Tây mà thôi.
Cũng vì vậy mà nhiều nhà học giả khác như Vương Vân Ngũ ở Tầu đã dùng hẳn chữ Văn hóa để dịch nghĩa chữ civilization trong tiếng Anh và thích nghĩa văn hóa là hình thức sinh hoạt (dịch nghĩa chữ Lifie mode trong câu giới thuyết của một nhà xã hội học nước Anh).
Gần đây ở ta, trong tờ Văn Mới Nghị Luận, số ra ngày 10-10-1944, ông Nguyễn Đức Quỳnh viết: "Đứng về phương diện tĩnh mà xét, văn hóa là ý thức hệ của một trạng thái xã hội nhất định" và "theo phương diện động của nó thì văn hóa là ý thức hệ của quá trình tranh đấu đẳng cấp trong một xã hội nhất định". Vừa rồi, cũng trong tờ tạp chí đó (loại mới, số 1, ngày 5-6-1945) ông Nguyễn Bách Khoa lại nói thêm: "Khoa học, tư tưởng, nghệ thuật, văn chương, đó là những yếu tố cấu thành văn hóa".
Trong hai câu kể trên, ta nhận thấy rằng: ông Quỳnh đã chỉ rõ tính cách hoạt động, tính cách tranh đấu của văn hóa. Nhưng đáng tiếc là chữ ý thức hệ, ông dùng để thích nghĩa chữ văn hóa lại cũng cần phải giải thích. Và trong lời nói của ông Nguyễn Bách Khoa, chữ "cấu thành" (gây nên) có thể làm cho ta hiểu rằng: nghệ thuật, văn chương, tư tưởng là "nguyên nhân" (yếu tố cấu thành) và văn hóa là "kết quả". Có lẽ trong bản ý ông Bách Khoa, ông cũng chỉ muốn nói rằng: bấy nhiêu sự trạng đều là những trạng thái của văn hóa chăng?
Theo ý chúng tôi thì ta cần phân biệt hai khái niệm văn hóa và văn minh. Hai danh từ này đều căn cứ vào những hiện tượng chung trong xã hội học và sự biện biệt chỉ căn cứ ở quan điểm nghiên cứu mà thôi.
Văn minh là một thành tích của nghị lực giống người trên con đường tiến hóa, là tất cả thực trạng tiến bộ ở một giai đoạn nào trong lịch sử nhân loại. Hiểu như vậy, văn minh là một "số thành" gồm tất cả các hiện tượng kinh tế, chính trị, xã hội, bao quát cả đời sống công cộng vật chất và tinh thần.
Văn hóa, trái lại, thu gọn trong phạm vi của tinh thần. Đấy là bộ phận tinh vi cao thâm trong các thành tích tiến bộ của nhân quần. Trong một xã hội đã đến một trình độ văn minh khá cao, người ta vẫn có thể phân biệt ra hai hạng người. Một hạng có đủ năng lực để thưởng thức, lý giải, hoặc sáng tác các công trình kiến thiết của loài người... Ấy là những người có văn hóa (Tầu dịch là văn hóa nhân, theo chữ esprits cultivés trong tiếng Pháp). Một hạng nữa chỉ biết thừa nhận, hưởng thụ mà không biết lý giải, mà chính sự hưởng thụ của họ cũng rất là thô thiển.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh trong bài xã thuyết đã trích dẫn trên kia, có nói rằng: "Văn hóa không thuộc hẳn về tri thức". Thực ra ý nghĩa thiết yếu của văn hóa vẫn là tri thức, đối với người sáng tác cũng như người hưởng thụ.
Văn hóa thể hiện ở học thuật, văn chương, nghệ thuật, luân lý, tôn giáo, phong tục của một dân tộc. Và ta cũng có thể trong một phạm vi nào, nhận thấy trình độ văn hóa của một người ở sở thích, ở sự phán đoán, cung cách làm việc của người ấy.
Trong việc tạo tác những công trình văn hóa, trí khôn của cá nhân cố nhiên có công lao, địa vị của nó, song sự hoàn thành và ứng dụng những công trình ấy bao giờ cũng là sự nghiệp chung của một giai cấp, một xã hội luôn luôn tiếp tục và tiến bộ.
Còn nói nền văn hóa là nói gồm tất cả những công trình, những cụ tượng thuộc về tư tưởng hay tình cảm do cơ năng tinh thần của con người đã gây dựng được, nhưng nó cũng còn có ý nghĩa vận dụng, hưởng thụ, lý giải và sáng tác nữa. Bao nhiêu trạng thái ấy của nó đều có liên lạc, quan hệ cùng nhau họp nên một toàn thể mà sự cấu thành và sự phát triển đều theo những định luật nhân quả hẳn hoi, cho nên người ta có thể nói văn hóa là một "ý thức hệ".
Ý thức hệ đó nẩy nở theo những điều kiện sinh hoạt vật chất của đoàn thể mà trình độ kỹ thuật đã tạo ra ở từng giai đoạn lịch sử. Ở thời dã man, kỹ thuật chưa ngoài năng lực của đôi bàn tay không, ý thức của giống người chỉ tóm tắt trong việc nhặt hái để được no ấm. Đến đời thách khí, kỹ thuật của đồ dùng bằng đá thô kệch giúp cho đời sống phong phú hơn đôi chút (săn, câu, trồng trọt), ý thức của giống người đã thêm lòng chuộng sống hợp đoàn và một mớ tín ngưỡng, kiêng kỵ đối với sức mạnh của ngoại giới hay đồng loại có thể súc phạm đến sinh kế, tính mệnh. Tiến lên thời kim khí, nhờ có kỹ thuật điêu luyện của những đồ dùng tiện lợi, cuộc sinh hoạt kinh tế dồi dào và quy củ (nông nghiệp bành trướng) đã giúp cho bọn tù trưởng, quý tộc là bọn đoạt được nhiều quyền lợi có đủ thì giờ chuyên luyện sự suy nghĩ, sự xúc cảm mà tạo ra hoặc chế biến những tin tưởng (tôn giáo), ước lệ (pháp luật, luân lý) và những cách tô điểm đời sống (ca, múa, hội họa, điêu khắc, kiến trúc) để củng cố địa vị của họ. Từ đấy ý thức hệ (nghĩa là văn hóa) có tính chất giai cấp rõ rệt. Và cũng từ đấy, văn hóa trở nên một lợi khí tranh đấu trong cuộc xung đột giữa các giai cấp.
Giai cấp thống trị nào cũng tạo ra một nền văn hóa riêng để phụng sự quyền lợi của họ. Bởi đã có những giai cấp quý tộc, thương nhân nhờ những lối sinh sản biến đổi mà thay phiên nhau giữ địa vị quản trị xã hội nên nhân loại đã lần lượt có những nền văn hóa phong kiến, tư sản.
Tuy văn hóa là sản phẩm trực tiếp của một giai cấp nắm những phương tiện sinh sản trong tay và do đó giữ quyền tổ chức và điều khiển xã hội, nhưng một là họ đã nhờ địa vị ưu thắng mà tiến hơn cả, hai là chính họ cũng không thoát khỏi sự chi phối toàn thể của xã hội, nên mặc dầu họ không phải là tất cả nhân dân, ý thức của họ lúc toàn thịnh có thể tiêu biểu được mức tiến hoá của xã hội thời ấy. Có điều nguy hại là một đằng thì trong lịch trình tiến hóa, một giai cấp thống trị chỉ có sứ mệnh lãnh đạo ở một giai đoạn nhất định và một nền văn hóa cũng chỉ có ích cho nhân loại ở một thời nào; một đằng thì các giai cấp thống trị cưỡng luật đào thải, cứ muốn duy trì địa vị mãi mãi, cố nêu văn hóa của họ lên như một nền trật tự xã hội hoàn toàn, một kho chân lý đại đồng và bất diệt.
Ấy là xu hướng bảo thủ, phản động, thoái hóa.
Nhưng không phải bao giờ giai cấp thống trị cũng giữ vững được độc quyền văn hóa, giai cấp bị trị vẫn ngấm ngầm sản xuất những giá trị văn hóa có tính cách đại chúng và luôn luôn chống chọi lại sự đè nén, bóc lột, bưng bít, xuyên tạc. Những đại biểu anh tuấn của họ, sau khi thừa hưởng được những ánh sáng mà kẻ thù để lọt ra, đã tự rèn luyện được những giá trị tinh thần và những thủ đoạn công phá để nhằm lúc phe địch suy đồi, xông vào nơi "cấm địa" mà ném ra những quả tạc đạn cách mạng làm rung chuyển cả tòa lâu đài cũ nát.
Ấy là trào lưu văn hóa tiên phong.
Đặng Thai Mai và Nguyễn Hữu Đang
Tiên Phong số 1, ngày 10-11-1945
in lại trong Sưu Tập Trọn Bộ Tiên Phong do Lại nguyên Ân và Hữu Nhuận sưu tầm, trang 17-19, NXB Hội Nhà Văn, 1996.