- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Tưởng Niệm Nhà Văn Hóa Nguyễn Hữu Đang

17 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 9502)

whl94final3-78_0_300x159_1Để tưởng niệm nhà trí thức lão thành, cột trụ của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, xin mời quý vị nghe hai người bạn đã cùng ông xây dựng nên báo Nhân Văn, đó là nhà thơ Lê Đạt và nhà thơ Hoàng Cầm nói về con người Nguyễn Hữu Đang. Chương trình này được thu thanh qua điện thoại viễn liên Paris- Hà Nội ngày 8/2/2007, ngày ông mất.

Lê Đạt nhớ bạn

Thụy Khuê: Trước hết, thưa anh Lê Đạt, anh với anh Đang, mặc dù tuổi tác khác nhau nhưng lại rất thân nhau, vậy xin anh cho biết về con người của anh Đang.

Lê Đạt: Tôi biết tiếng anh Đang đã lâu rồi, nhưng khi anh Đang ở Khu IV, thì tôi lại ở trên Việt Bắc. Đến khoảng trước năm 54, thì anh Đang về làm biên tập tờ Văn Nghệ với tôi, và sau báo Văn Nghệ, thì lại tiếp tục làm tờ Nhân Văn với nhau; trong thời gian ấy, chúng tôi rất thân nhau vì anh Đang sống một mình cho nên hai anh em có thể gặp nhau ngày đêm bất kể lúc nào để bàn luận công việc. Anh Đang rất trực tính, cái gì cũng nói thẳng với nhau được. Tôi kể một chuyện này để chị thấy: thời kỳ tôi mới vào báo Văn Nghệ, anh Xuân Diệu cũng ở trong báo Văn Nghệ. Lúc ấy anh Xuân Diệu đang làm thư ký toà soạn thì bị bệnh vào nằm bệnh viện, tôi làm thay. Anh Xuân Diệu rất khó chịu với tôi, anh ấy nói với anh Tưởng (Nguyễn Huy Tưởng) là không nên để Lê Đạt làm, vì nó chủ quan lắm, bài của mình cũng bị nó gạt luôn, Lê Đạt còn quá trẻ để làm việc ấy. Anh Tưởng hỏi: Thế thì để ai làm? Anh Diệu bảo việc ấy để Đang làm. Anh Tưởng rất nể anh Đang, nhưng khi anh Tưởng vừa nói là không để tôi làm thì anh Đang mắng luôn: Sao cậu phong kiến thế, để nó làm. Nó làm hơn tớ nhiều. Tớ không làm đâu. Anh Đang rất ủng hộ tôi, mà anh em đối với nhau rất vui vẻ. Anh Đang là người rất nghệ sĩ, có vẻ hắc thế thôi nhưng rất nghệ sĩ, bề ngoài là người cứng rắn nhưng tâm hồn rất mềm yếu. Tôi đã trông thấy anh Đang nhìn một em bé chơi dưới nắng trong nửa tiếng đồng hồ, một cách rất say mê. Về văn nghệ ý kiến của anh ấy rất xác đáng và nhất là về hội họa, anh rất tinh. Chỉ có là anh ấy chưa làm thơ thôi, chứ anh ấy rất hiểu văn nghệ.

T.K.: Thưa anh, trong suốt thời gian từ 1973 sau khi ra tù, rồi bị quản thúc ở Thái Bình cho đến sau này, anh Đang có viết được nhiều không ạ?

L.Đ.: Anh Đang lúc ấy có một việc rất hay mà tôi tiếc là anh đã không làm được: anh có ý muốn xem lại Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Một người như anh Đang, làm cách mạng, sau khi bị tù đày mà nghiên cứu Nam Hoa Kinh, tôi chắc là sẽ có nhiều điểm hay lắm. Nhưng thời kỳ ở Thái Bình, anh quá khổ, thời kỳ giun dế mà Quán (Phùng Quán) nói đó, quá khổ. Người ta phải có điều kiện vật chất tối thiểu thì mới có thể đọc sách, nghiên cứu được chị ạ. Sau khi anh Đang được trở về Hà Nội, tôi rất hy vọng là anh Đang sẽ làm được chuyện ấy. Nhưng lúc đó thì lại có một việc khác xảy ra là người này, người kia mời. Cho nên anh mất rất nhiều thì giờ giao tiếp, tôi có nhắc anh một vài lần, rồi sau cũng không dám nhắc nữa, vì mình cũng phải thông cảm với cái khổ của anh. Anh có viết được không? Tôi không rõ, nhưng nếu anh viết chắc là có nhiều ý kiến độc đáo lắm. Bởi vì những lúc nói chuyện với nhau, tôi đã thấy anh có những ý kiến rất đặc biệt. Một người đi từ chủ nghĩa Cộng sản, sang Lão Tử, Trang Tử, thì tôi chắc phải có nhiều cái hay lắm, nhất là anh Đang là người có nhiều ý kiến độc đáo. Nhưng làm thế nào được, đó là cuộc đời.

T.K.: Thưa anh, nếu sau này giới trẻ muốn tìm hiểu về anh Đang thì nên giữ lại hình ảnh gì của anh Đang?

L.Đ.: Cuộc đời anh Đang là cuộc đời khổ sở. Anh Đang bị nhiều thiệt thòi, lúc trẻ anh bận công tác cho văn hóa, công tác tổ chức, công tác cách mạng, cho nên anh không viết được nhiều. Sau này khổ sở, rồi cuộc đời đưa đẩy, anh không viết được, cho nên cái viết của anh hầu như không để lại gì nhiều. Đó là điều rất đáng tiếc. Thế hệ sau khó biết Nguyễn Hữu Đang, khó hiểu Nguyễn Hữu Đang, bởi vì khi đã chết đi, người ta chỉ có thể quen nhau qua trước tác thôi, qua tác phẩm thôi, mà anh Đang viết rất ít. Nhưng tôi vẫn tin là người ta không quên được anh Đang, một người hoạt động văn hóa xuất sắc, tận tâm. Anh Đang có công rất nhiều trong việc Truyền bá quốc ngữ, tôi cho đó là điểm phải đề cao về anh Đang. Tôi tin rằng khi nói đến tiếng Việt, người ta không thể quên được Nguyễn Hữu Đang.

T.K.: Xin thành thật cảm ơn nhà thơ Lê Đạt.

 

Chân dung Nguyễn Hữu Đang theo Hoàng Cầm

 

Thụy Khuê.: Thưa anh Hoàng Cầm, anh đã quen anh Nguyễn Hữu Đang trong trường hợp nào?

Hoàng Cầm: Anh Nguyễn Hữu Đang lúc đầu không phải là bạn tôi, anh hoạt động ở một lĩnh vực khác. Vào khoảng năm 44, khi tôi chuẩn bị biểu diễn vở Kiều Loan, anh đến. Lúc bấy giờ anh làm bên Hội Truyền Bá Quốc Ngữ do ông Nguyễn Văn Tố làm trưởng ban. Sau này tôi mới biết là lúc bấy giờ anh đã tham gia hoạt động cách mạng rồi. Đến ngày tuyên ngôn độc lập của bác Hồ, chính anh Nguyễn Hữu Đang là người tổ chức buổi mít-tinh tuyên ngôn độc lập. Sau này anh tham gia vào chính phủ lâm thời, làm bộ trưởng không bộ. Tôi luôn luôn kính trọng anh là một người hoạt động cách mạng rất tích cực và trong sáng. Khi chúng tôi chuẩn bị diễn vở Kiều Loan, anh vui lòng nhận đỡ đầu cho vở Kiều Loan để biểu diễn, từ việc xin phép Nhà Hát Lớn, hoặc xin phép nọ kia, anh ấy lo hết. Đến thời kháng chiến, tôi cũng chỉ gặp anh những ngày đầu.

T.K.: Thưa anh, đến khi nào thì anh Đang ngừng mọi hoạt động kháng chiến và giữ khoảng cách với chính phủ cách mạng?

H.C.: Vào khoảng tháng 7 năm 48, có Đại hội văn hóa toàn quốc do ông Trường Chinh đề xướng và làm chủ tịch. Hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức để động viên và hướng dẫn trí thức và văn nghệ sĩ chuẩn bị đi sâu vào cuộc kháng chiến. Sáng tác hay biểu diễn trước tiên là hướng vào cuộc kháng chiến để giành thắng lợi đã, rồi sau sẽ bàn đến những vấn đề khác. Tức là lúc bấy giờ hội nghị mới đề ra văn nghệ kháng chiến. Tôi cũng được mời nhưng không đi dự vì bị ốm, trong hội nghị có mặt anh Nguyễn Hữu Đang. Sau hội nghị đó, không hiểu vì lý do gì anh Đang không làm công tác kháng chiến nữa, anh về Thanh Hóa, ở nhà người bạn là anh Trần Thiếu Bảo, giám đốc nhà xuất bản Minh Đức. Ở chơi với anh Bảo thôi và cũng giúp anh Bảo làm vài công việc xuất bản và góp ý kiến. Anh Bảo cũng thân với anh Đang và cũng nghe lời anh Đang nhiều. Anh Đang không làm công việc gì của nhà nước cả, tôi cũng không hiểu rõ nguyên nhân. Mãi sau này, hòa bình rồi, về Hà Nội tôi cũng chỉ nghe phong phanh anh em bàn tán thôi chứ hỏi anh Đang thì anh cũng không nói, là hình như trong hội nghị văn hóa toàn quốc, anh Đang có mâu thuẫn về đường lối văn nghệ, văn hóa với ông Trường Chinh. Do mâu thuẫn không giải quyết được, cho nên anh Đang không làm việc nữa, anh nghỉ. Anh về Thanh Hóa.

(Chú thích: Theo bản "Thông đạt của hội Văn Nghệ Việt Nam về Hội nghị văn nghệ toàn quốc" in trên trang đầu báo Văn nghệ, số 4, tháng 8/1948 (sưu tập Văn Nghệ 1948-1954, do Hữu Nhuận sưu tầm và Lại Nguyên Ân biên tập, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn in năm 1998), thì: "Hội nghị Văn nghệ toàn quốc gồm có 80 đại biểu trong các ngành: Văn chưong, âm nhạc, hội họa, diễn kịch, kiến trúc và nhiếp ảnh đã họp ở một địa điểm Bắc Bộ từ 23 đến 25 tháng 7-1948". Hội nghị đã chính thức thành lập hội Văn Nghệ Việt Nam; uỷ ban chấp hành với Nguyễn Tuân, Tổng thư ký và Tố Hữu, phó thư ký. Bài tường thuật của Xuân Diệu cho biết trong số những người tham dự có Phạm Duy, và để ý đến sự vắng mặt của Nguyễn Hữu Đang (và vài người khác). Như vậy Nguyễn Hữu Đang đã không dự hội nghị. Mối bất đồng giữa Nguyễn Hữu Đang và Trường Chinh về đường lối văn nghệ kháng chiến đã xẩy ra trước hội nghị, và có lẽ vì bất đồng nên Nguyễn Hữu Đang không dự hội nghị. Nhận xét thứ nhì: trong thời kỳ này về địa vị, Tố Hữu chưa quan trọng, vẫn còn ở dưới Nguyễn Tuân)

T.K.: Thưa anh, nguyên do nào đã khiến anh Đang sau năm 1954, trở lại hoạt động?

H.C.: Về nguyên nhân tại sao anh Đang bỏ về Thanh Hoá thì tôi nghe như thế. Đến khi hòa bình lập lại, năm 1954, tôi cũng chỉ được nghe kể lại chứ không được chứng kiến, là như sau: Ông Trường Chinh có hỏi ông Tố Hữu: Anh Đang anh ấy đã không làm việc gì từ lâu rồi, từ mấy năm nay, thì bây giờ hòa bình thắng lợi rồi, ta phải mời anh ấy ra làm việc chứ. Thế là anh Tố Hữu cũng nghe theo và mời anh Đang ở Thanh Hóa ra.

Ra, thì anh Tố Hữu nói với anh Đang: Anh đã nghỉ một thời gian rồi thì bây giờ mời anh ra làm việc. Việc văn hóa văn nghệ cần phải mạnh lên, khẩn trương lên, vì đã hòa bình, vậy anh giúp tôi, làm giám đốc sở văn hóa thông tin Hà Nội. Khả năng của anh thì có thể làm hơn thế, nhưng hiện nay, Hà Nội là một thủ đô cho nên công việc văn hóa ở Hà Nội sẽ là đầu tầu cho cả nước, anh vui lòng giúp cho việc đó. Nhưng anh Đang anh ấy từ chối. Anh ấy bảo: Tôi không làm được việc ấy. Tôi thích làm báo, xin anh thu xếp cho tôi về làm báo Văn Nghệ. Lúc ấy, anh Tố Hữu cũng đành phải nhận lời, đưa anh Đang về làm biên tập báo Văn Nghệ thôi, chứ cũng không có chức vụ gì ghê gớm cả. Đấy là thời kỳ đầu mới hòa bình năm 1955.

Anh Đang về báo Văn Nghệ, nhưng anh Đang là người đặc biệt có tài tổ chức: trong kháng chiến anh ấy đã tổ chức thanh niên xung phong, tổ chức mặt trận bình dân học vụ, sau đó lại là tổ chức hội nghị văn hóa toàn quốc. Cho nên uy tín của anh ấy trong giới văn hóa càng ngày càng lên cao. Nhưng mà anh ấy không muốn làm việc cho chính quyền nữa (tức là cái chức Giám Đốc sở Văn hóa Hà Nội) mà anh ấy chỉ xin làm báo thôi, thì ông Tố Hũu cũng phải chấp nhận.

Lúc bấy giờ Tổng biên tập báo Văn Nghệ là anh Xuân Diệu. Anh Xuân Diệu thấy anh Nguyễn Hữu Đang về thì mừng quá, vì như thế anh Đang sẽ đỡ cho việc hành chính, mà việc hành chính thì các nhà thơ, nhà văn không thạo lắm. Khi anh Đang về, vì anh ấy có tài tổ chức cho nên anh ấy tổ chức ngay hai cuộc phê bình trong văn học:

- Thứ nhất là cuộc phê bình tác phẩm Vượt Côn Đảo của Phùng Quán. (Vượt Côn Đảo lúc bấy giờ nổi tiếng lắm, được in đi in lại nhiều lần, tiền nhuận bút (của nhà xuất bản Văn Nghệ) và tiền thưởng (nhà xuất bản Quân đội không trả nhuận bút nhưng có tiền thưởng), rất nhiều, đến nỗi Phùng Quán có lần đem về cả một thúng tiền, nói với tôi: "Anh ơi! em biết tiêu thế nào những tiền này".

- Sang đầu năm 56, Hội Văn Nghệ tổ chức lớp học tập chính trị, đầu đề tài liệu học tập là "Những tài liệu của Mác, Lê nin, Staline nói về vấn đề văn nghệ". Buổi sáng học, buổi chiều làm việc cơ quan. Tôi nhớ học 18 ngày. Nhưng từ hôm mở lớp đến độ ngày thứ năm thì có cái mục gọi là liên hệ thực tế. Tất cả các văn nghệ sĩ ở các tỉnh hoặc đi tập kết về Hà Nội, thì họ đều nêu lên những thắc mắc, mà phải nói là những thắc mắc ghê gớm về vấn đề văn nghệ và lãnh đạo văn nghệ. Nó gần như là một cuộc tố khổ: các văn nghệ sĩ đều nói ra những thắc mắc về việc lãnh đạo địa phương, cả lãnh đạo trung ương nữa, đối với văn nghệ. Thành ra những ngày cuối cùng rất sôi nổi. Có thảo luận sôi nổi nhưng cuối cùng không ai giải quyết được những thắc mắc ấy. Khi tan lớp học 18 ngày thì tình hình không nhẹ nhàng đi mà nó càng căng dần lên. Những thắc mắc của anh em văn nghệ sĩ nó truyền ra ngoài. Đó là những vấn đề sâu sắc của giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ: vấn đề sáng tác, vấn đề lãnh đạo thế nào, rồi quan hệ giữa lãnh đạo và sáng tác như thế nào, tức là quan hệ giữa Đảng và văn nghệ sĩ thế nào v.v... Toàn là những thắc mắc mà anh em lôi ra từ thực tế trong kháng chiến và thực tế trong hòa bình lập lại.

Thì lúc bấy giờ anh Đang anh ấy mới nẩy ra một ý: Đang lúc văn nghệ sĩ có nhiều thắc mắc như thế này thì chúng mình nên ra một tờ báo. Tôi bảo: Ra báo thì phải có tiền, chứ tự nhiên ra thế nào được. Anh Đang bảo: Tiền thì tôi sẽ nhờ người bạn đi vay và chắc chắn chỉ vài số báo là đã có thể trả được. Nhưng phải ra ngay bởi tình hình nó đang sốt dẻo như thế này, phải ra báo thì mới có lợi cho phong trào văn nghệ. Anh ấy nói với tôi: cậu phải ra tờ báo, tôi sẽ giúp đỡ bên trong thôi, ngấm ngầm thôi, chứ tôi không thể nào đứng lên ra báo, vì tôi còn có quan hệ với lãnh đạo nên không thể tự tiện ra báo được. Hoàng Cầm là người vừa có tên tuổi, vừa quen công việc sáng tác, biểu diễn, thì Hoàng Cầm nên ra một tờ báo để chấn chỉnh lại tình hình văn nghệ, đưa ra những vấn đề ra thảo luận trên báo thì sẽ có lợi cho văn nghệ sĩ.

Đầu tiên tôi không nhận lời, vì lúc ấy tôi đang làm ở nhà xuất bản của Hội Văn Nghệ, nhà xuất bản chính thức của nhà nước, phải đọc và nhiều công việc bận lắm.

Nhưng mà anh ấy vẫn không tha. Anh ấy cứ bám riết lấy. Tôi đã từ chối mà hàng tuần lễ, ngày nào anh ấy cũng gặp và cũng bàn về chuyện ấy anh ấy thúc tôi phải ra một tờ báo. Liền trong hai tuần lễ cứ sáng sớm, 6 giờ, là anh ấy đến nhà tôi, có hôm tôi còn ngủ, vợ tôi vào gọi dậy, anh ấy bảo thôi cứ để cho anh ấy ngủ, tôi ngồi chờ. Anh ấy cứ nhất định như vậy, giữ riệt lấy tôi và thúc đẩy tôi. Thế rồi cuối cùng tôi cũng phải nhận lời. Bởi tôi cũng dễ tính và hay nể bạn.

T.K.: Thưa anh, các anh đã tổ chức tờ Nhân Văn như thế nào?

H.C.: Lúc đầu chỉ có tôi và anh ấy bàn với nhau thôi, bàn về việc tìm người đứng tên, tìm người biên tập, tìm thư ký tòa soạn, v.v... Anh Đang gợi ý là tờ báo như thế này thì ta nên mời một người vừa có tuổi, vừa có uy tín lớn ở trong nước, uy tín lớn đối với anh em văn nghệ ra làm chủ nhiệm. Tôi chưa nghĩ ra ai thì chính anh Đang lại bảo: "Anh thì anh thân với cụ Phan Khôi, mà cụ Phan Khôi thì khó thuyết phục cụ ấy lắm, chỉ có anh may ra mới thuyết phục được cụ ấy ra cộng tác. Anh nên đến nhà cụ Phan Khôi nói chuyện rồi mời cụ ấy đứng ra làm chủ nhiệm tờ báo cho mình". Tôi cũng nể anh Đang, tôi bảo: "Cụ Phan Khôi thì tôi có thể nói được vì tôi rất thân với cụ". Cái phòng tôi làm việc ở nhà xuất bản thì ngay bên cạnh phòng cụ Phan Khôi thỉnh thoảng tôi vẫn chạy sang hút thuốc lào hoặc nói chuyện vui với cụ thì cụ có vẻ rất quý tôi và cũng thích nói chuyện với tôi. Anh Đang bắt thóp được điều đó, anh kích thêm: "Chỉ có anh mời thì may ra cụ mới nhận lời, còn những nguời không thân thì chưa chắc cụ đã nhận lời đâu." Vì nể lời anh Đang mà tôi đi mời cụ Phan Khôi và cái may mắn không ngờ là sau khi tôi nói ý muốn ra một tờ báo như thế, cụ chỉ hỏi về cái tôn chỉ, mục đích của tờ báo rồi thì cụ bảo: "Thế thì được, tôi nhận lời". Và tôi cũng phải nói ngay với cụ: "Xin thưa bác là bác không phải làm gì đâu ạ, bác chỉ đứng tên, còn bác muốn xem (nội dung) tờ báo hay bác muốn xem bài nào, tất cả những gì bác yêu cầu thì chúng em xin hết sức phục vụ cho bác". Thế ông cụ bảo: "Ờ! được rồi! Tôi nhận lời và nếu tôi có yêu cầu gì thì các anh phải làm đúng theo lời yêu cầu của tôi". "Vâng! Chúng em sẵn sàng!". Câu chuyện chỉ có thế.

Được cụ Phan Khôi nhận lời rồi, thì tôi với anh Đang lập tức thảo luận ngay việc đặt tên tờ báo và sẽ mời những ai cộng tác. Lúc đầu anh Đang có đưa ra một số tên như là Văn nghệ mới, Con đường mới, Sáng tạo... gì gì đó. Tôi bảo: Mình nên chọn một cái tên thật hay, vừa đúng với mục đích tôn chỉ, nhưng đồng thời nó cũng phải mới nữa. Chứ Con đường mới hay Sáng tạo thì cũng thường thôi. Anh Đang mới hỏi tôi: "Thế cậu có ý kiến gì để đặt tên cho tờ báo không?" Tôi bảo: "Tôi nghĩ rằng thế giới bây giờ, người ta tôn trọng cái con đường văn nghệ nào mà đề cao tính cách của con người, lòng nhân ái, tình yêu thương con người và tôn trọng cái quyền làm người. Thế giới thì người ta quen với chuyện ấy rồi, nhưng bên mình thì chưa. Bây giờ mình phải đưa ra hẳn một cái gì về con người. Có hai chữ mà tôi cũng học được không biết ở đâu, tôi biết là tiếng Pháp gọi nó là Humanisme, tiếng Việt gọi nó là Nhân văn. Hay ta lấy cái tên Nhân văn đặt cho tờ báo. Thì anh Đang anh ấy vỗ đùi đen đét, anh ấy bảo như vậy thì hay quá, ờ nhất định nhá! Lấy tên Nhân văn! Từ đấy mới ghi vào là: Ra tờ báo lấy tên Nhân văn mà chủ nhiệm là Phan Khôi. Sau đó anh Đang lại gợi thêm ý nữa: "Có chủ nhiệm rồi, nếu không có chủ bút thì cũng phải có thư ký toà soạn chứ!" Lúc bấy giờ định mời anh Văn Cao, thì anh Đang nói ngay: "Chưa chắc Văn Cao đã nhận lời, vì cậu ấy vẫn còn là đảng viên. Là đảng viên thì không thể nào đứng ra làm báo ngoài đảng được". Anh Đang lại bảo: "Hay là cậu thử hỏi Trần Dần xem". Thì tôi bảo: "Trần Dần vừa bị một cú oan ức trong văn nghệ quân đội, do sự độc đoán của lãnh đạo văn nghệ bắt anh Trần Dần và anh Tử Phác. Hai người này không thể mời được. Anh Dần vừa mới được tự do thì không nên ghép anh ấy vào cái này làm gì. Anh Đang lại nói: "Hay là mời Lê Đạt?" Tôi với Lê Đạt vẫn là bạn thân cùng nhóm với nhau, tôi hỏi Lê Đạt thì Lê Đạt bảo: "Làm thì kể cũng làm được thôi, nhưng mà mình cũng vẫn là đảng viên, mà đảng viên thì không thể nhận lời làm báo ngoài đảng được".

Đến độ ít lâu sau, tình cờ tôi gặp anh Trần Duy đang ngồi uống cà phê ở nhà xuất bản Minh Đức (của Trần Thiếu Bảo). Tôi biết anh Trần Duy là một họa sĩ tập kết từ trong Nam ra, là một người có học, thông minh, nhanh nhẹn, có nhiều tư tưởng hướng về tự do. Tôi mới mời anh Trần Duy ra một chỗ và nói: "Mình định ra một tờ báo lấy tên là Nhân văn, để in những bài sáng tác hoặc bình luận chung quanh vấn đề văn nghệ thôi. Hiện nay chưa có ai làm thư ký tòa soạn, cậu có thể giúp mình được không? Thì Trần Duy nhận lời ngay lập tức. Bởi anh ấy cũng sốt sắng và là người có nhiều thắc mắc về văn nghệ. Anh ấy nhận lời ngay. Thế là xong. Có chủ nhiệm rồi, có thư ký tòa soạn rồi, còn bên trong thì tất nhiên là có anh Nguyễn Hữu Đang, tôi và anh Lê Đạt. Sau đó chúng tôi cũng làm một buổi họp bạn nói chuyện ra báo, thì mọi người cũng ủng hộ cả.

T.K.: Thưa anh bài vở trong Nhân văn số 1, các anh đã sửa soạn và thu thập như thế nào?

H.C.: Số một thì mới đầu tôi cũng chưa định viết bài gì cả. Đầu tiên tôi thấy anh Lê Đạt có một bài thơ tên là Nhân câu chuyện mấy người tự tử. Tôi bảo: "Hãy giữ lấy bài thơ đó đã". Bài thơ dài và rất mới mẻ. Thế rồi cũng lại chính anh Đang gợi ý cho tôi, anh Đang bảo: "Cậu viết đi! Cậu viết một bài báo hay bài văn gì về Trần Dần, viết thế nào cũng được, nhưng phải có một bài về chuyện Trần Dần. Trần Dần với Tử Phác vừa bị trong quân đội nó bắt giam. Thế rồi anh Trần Dần anh ấy mới cứa cổ tự tử, vì thế nó mới đánh động lên cấp lãnh đạo cao nhất là ông Phạm Văn Đồng rồi đến ông Nguyễn Chí Thanh. Lúc bấy giờ ông Nguyễn Chí Thanh mới biết chuyện Trần Dần bị oan ức gì mà lại tự tử thế này, rồi ông ấy mới mua quà đem vào bệnh viện cho Trần Dần. Anh Trần Dần anh ấy tự tử trong một cái hầm, vì nó bắt giam anh ấy vào cái hầm có độ 4 mét vuông, 37 bậc đá. Thì ở đấy anh ấy mới bày ra cái trò tự tử, chứ thực sự anh ấy không tự tử, sau này tôi mới biết thế. Lúc bấy giờ tôi chả có tin tức gì, chỉ biết là anh ấy bị bắt đi, mà không biết là đi đâu, không thấy về nữa.

Thì chính anh Nguyễn Hữu Đang lại gợi ý cho tôi: "Cậu nên viết một bài về Trần Dần, vì nó đang là vấn đề sốt dẻo, mà là vấn đề lớn nhất trong những thắc mắc của văn nghệ sĩ trong lớp học 18 ngày. Việc Trần Dần và Tử Phác bị bắt làm xao động tất cả giới trí thức, văn nghệ sĩ lúc bấy giờ.

Thế là số một có bài thơ của Lê Đạt cũng đã hấp dẫn rồi, thêm tôi viết bài Trần Dần và một số bài khác nữa cũng đều nêu lên những cái thắc mắc trong lớp học 18 ngày ấy.

Khi báo ra thì quả nhiên nó gây tiếng động, như ông Nguyễn Tuân ông ấy nói - Hôm ấy đang ở cơ quan Hội văn nghệ, ông Nguyễn Tuân trải tờ Nhân văn số 1 ra, ông ấy chỉ vào bài Con người Trần Dần, nhưng ông ấy không nói về bài này, ông ấy bảo: "Bài này thì nó cũng nguy đấy, thế nhưng không hay bằng cái này!"; tức là cái tranh họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ Trần Dần. Rất là giống, không những giống, nhưng mà nó lại đúng tính cách Trần Dần. Một tính cách rất kiên quyết, mạnh bạo, liều lĩnh, có thể cho là phá phách nữa. Cái sẹo mà anh Trần Dần cứa vào cổ thì Nguyễn Sáng đưa cái sẹo ấy lên thành nét nổi bật trong chân dung Trần Dần. Cái tranh ấy nó gây ra những suy nghĩ cho người đọc, và nó cũng như là quả bom ấy. Thì chính ông Nguyễn Tuân còn chỉ vào tranh bảo: "Cái này nó mới ghê này!" Thì đấy, tác giả viết, hoặc vẽ, nhưng cái chính là cái gợi ý của anh Nguyễn Hữu Đang.

Còn một chuyện nữa là trước khi ra báo thì các anh em đã rậm rịch nói với nhau rồi, cho nên tin tức đều đến tai lãnh đạo cả. Thì lãnh đạo, tức là bộ chính trị, đã bố trí cho ông Võ Nguyên Giáp mời Nguyễn Hữu Đang lên nói chuyện, mời riêng đấy. Còn ông Lê Đức Thọ, lúc bấy giờ cũng là bộ chính trị thì mời Lê Đạt và ông Lê Liêm lúc bấy giờ là Tổng cục phó tổng cục chính trị (về sau này ông ấy mới chuyển sang làm thứ trưởng bộ giáo dục), thì mời tôi. Như vậy là ba ông ủy viên bộ chính trị gặp những người chủ chốt của Nhân văn, và nếu mà ba ông ấy thuyết phục được ba người đó đừng ra báo, thì thôi, coi như là yên ổn cả, không có chuyện gì. Ông Lê Liêm gặp tôi đến ba buổi tối trong nhà khách của quân đội, ông Giáp thì gặp anh Đang, ông Lê Đức Thọ gặp anh Lê Đạt, tất nhiên là để nói đến chuyện ra tờ báo, thì họ cũng lấy tình đồng chí, tình bạn bè, khuyên bảo, chứ không phải để ra lệnh gì. Ông Lê Liêm gặp tôi rất khiêm tốn, nói hết những cái: Đảng có thể có những sai lầm này, sai lầm khác v.v.. trong việc lãnh đạo văn nghệ. Tự ông ấy nói ra để cho mình hiểu và yên tâm là Đảng cũng biết đấy, để Đảng sửa dần, để cho mình muốn nói cái gì về Đảng trên tờ báo của mình thì mình rút đi, rút lui cái ý kiến trên báo ấy đi. Mục đích của những cuộc gặp đó là như thế. Khổ một nỗi là lúc bấy giờ những thắc mắc của anh em văn nghệ nó ồn ã lắm. Mà nó nhiều cái sâu sắc lắm, cho nên anh Đang anh ấy kiên quyết là không, cứ phải ra báo, phải ra báo thì mới nói được. Anh Đang kiên quyết ra báo. Tôi thì ra cũng được mà không ra cũng được. Thế là trong nội bộ của mấy anh em hoạt động nhất trong báo Nhân Văn là Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt và tôi cùng thống nhất với nhau là cứ ra. Thế là ra được Nhân văn số 1.

 

Buổi nói chuyện với nhà thơ Hoàng Cầm tạm ngưng ở đây. Xin thành thực cảm ơn hai nhà thơ Hoàng Cầm và Lê Đạt, lại một lần nữa cho chúng ta biết thêm những thông tin về chân dung Nguyễn Hữu Đang và về phong trào Nhân văn Giai phẩm.

 

Thụy Khuê thực hiện
Paris tháng 8/2/2007

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 10879)
(Xem: 10452)
(Xem: 10739)
(Xem: 11274)
(Xem: 10990)
(Xem: 10857)
(Xem: 10685)
(Xem: 10133)
(Xem: 11410)
(Xem: 11056)