- Hesitate
- Mục Lục H L 94
- Thư Tòa Soạn H L 94
- Nguyễn Ái Quốc: Người Việt Đầu Tiên Đến Mỹ? (phần 2)
- Những Người " Xuống Đồng" Trước Nhóm Mường Thái Lam Sơn
- Đêm Ướt Sài Gòn
- Mùa Hè Vé Khứ Hồi
- Nguyễn Hữu Đang, Ông Là Ai?
- Tưởng Niệm Nhà Văn Hóa Nguyễn Hữu Đang
- Một Bài Thơ Không Thành (trích Nhật Ký Của Nhà Văn Nguyễn Huy Tưởng)
- Nói Chuyện Với Nguyễn Hữu Đang
- Hiến Pháp Việt Nam Năm 1946 Và Hiến Pháp Trung Hoa Bảo Đảm Tự Do Dân Chủ Thế Nào?
- Những Bài Trích Trong Cuốn «bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Toàn Án Dư Luận»
- Phụ Hoạ Một Giả Thuyết Về Vụ Án Nhân Văn-giai Phẩm
- Ba Đào
- Định Nghĩa Hai Chữ Văn Hóa
- Trở Lực Của Văn Hóa Dưới Ách Đế Quốc
- Nhìn Rõ Thêm Về Ý Nghĩa Hai Chữ Văn Hóa Văn Hóa Tức Là...
- Con Người Phùng Cung Và Những Bài Thơ Hay Trong Tập Xem Đêm
- Giấc Mơ Tháng Tư , Phơi Đêm
- Phụ Nữ Việt Và Chiến Tranh
- Hiện Vật
- Made In The Laboratory
- Nói Chuyện Với Nhà Văn Hoàng Ngọc Thư
- Vô Thừa Nhận
- Hòn Sỏi
- Thủ Trưởng Và Lái Xe
- Bài Thuốc Giải Bùa Mê Thứ Nhất
- Người Trôi
- Mạn Đàm Văn Học H L 94
( Trích đoạn tiểu thuyết Bể Dâu)
Kính viếng liệt sĩ Nguyễn Hữu Đang
….
Qua hè, Hà Nội vẫn chưa hết ngơ ngác với những trận gió đông, nhưng Bắc Kinh đã sang mùa. Mao vừa tung ra phong trào ‘’ trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng’’. Sự việc hạ bệ Stalin độc đoán khiến cán cân công lý lệch về phía có tự do. Và nhất là phía pháp luật công minh, không thể cứ nhân danh chuyên chính vô sản để khép tội bất cứ ai, rồi đẩy đi đày ở những trại tập trung cải tạo. Cải Cách Ruộng Đất đợt năm chựng lại. Gió đã căng, dây nới ra. Mềm thì nắn, rắn phải buông. Khi cần, những kẻ nắm quyền lực nghĩ đến chuyện kéo cờ xuống trong tinh thần trường kỳ mai phục đợi thời cơ. Mềm đã nắn rồi, nắn khiến tiếng ca thán khắp nơi nổi lên. Cán bộ bị đánh trong chỉnh đốn gửi đơn về khiếu nại. Đấu tranh cho giai cấp nông dân mà nông dân nổi loạn thì sao? Rắn, phải buông thôi! Nguyễn Hữu Đang bảo, nhưng người buông thì ta nắm lấy cái cán cờ ta có thể nắm được. Lê Đạt, thường trực báo Văn Nghệ, đồng ý. Báo phải hoàn toàn do tư nhân. Lo từ giấy in, mực in. Trần Thiếu Bảo chủ nhà in Minh Đức đứng ra đảm nhiệm. Khi làm công tác nội thành trước Tổng Khởi Nghĩa, Đang có nhiều quan hệ với đủ giới. Việc phải chạy, chạy được, không khó. Bông hoa Giai Phẩm Mùa Xuân nở lại vào đầu hè, mang phấn son tươi tắn sau một lần gió dập mưa sa, tỏa ra hương bí ẩn của thứ quả cấm đến tay. Người ta chuyền tay nhau Giai Phẩm Mùa Xuân xưa bị cấm đoán thu hồi. Nay, dân Thủ Đô đọc cho nhau nghe, ‘’ ... tôi vẫn đi, không thấy phố, không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ’’.
Bắt đầu có những cuộc học tập về vấn đề dân chủ. Người ta đổi giọng, phê phán văn nghệ giáo điều, văn nghệ công thức. Nguyễn Hữu Đang đọc một bài tham luận về những sai lầm của lãnh đạo văn nghệ. Bài tham luận nẩy lửa. Lửa lém vào những con chữ khiến chúng nhảy múa, không co ro như khi còn gió mùa đông ùa vào các trang giấy. Sinh viên đại học rục rịch. Người thèm thở quyên góp cả tiền mang đến nhà in tạo điều kiện cho trăm nhà đua tiếng. Tháng sáu, biến động ở Ba Lan, nơi gió xoay chiều hữu khuynh. Những người nắm quyền lực ở Hà Nội tức tốc tuyên bố hoàn thành Cải Cách Ruộng Đất. Nhưng nhận có sai, nên sẽ sửa sai. Hội Nghị X của Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam sẽ kiểm điểm những sai lầm của Cải Cách Ruộng Đất.
Từ một bụng mẹ, đứa em Giai Phẩm Mùa Xuân mang tên Giai Phẩm Mùa Thu số một ra đời, với cái tát choáng mặt của bài ‘’ Phê bình lãnh đạo Văn Nghệ’’ ký tên Phan Khôi. Nguyễn Hữu Đang tập hợp được không chỉ văn nghệ sĩ mà còn những trí thức khoa bảng. Ngày 15 tháng 9, Nhân Văn số một ra đời. Phan Khôi là chủ nhiệm với một ban biên tập gồm Đang, Trần Duy, Lê Đạt, Hoàng Cầm. Cầm viết ‘’ Con người Trần Dần’’, đòi tiến đến việc xét xử lại một vụ án Văn Học. Nguyễn Sáng, họa sĩ, vẽ một Trần Dần có vết sẹo ở cổ. Lê Đạt bồi vào ‘’ Nhân câu chuyện những người tự tử’’. Ngày 2 tháng 10, ban thường vụ Hội Văn Nghệ Việt Nam ra thông cáo thừa nhận sai lầm trong việc phê bình ‘’ Nhất định thắng’’ của Trần Dần. Một tuần sau, Giai Phẩm Mùa Xuân tái bản. Rồi tuần sau đó, Giai Phẩm Mùa Thu số hai mở mắt chào bình minh một buổi sang mùa.
Cải Cách Ruộng Đất khiến nông dân ca thán, làng mạc khắp nơi âm ỉ thứ lửa chỉ một que diêm bật lên là thành đám cháy. Cán bộ ở cơ sở bị bắt bị giết trong Chỉnh Đốn Tổ Chức kêu oan đến Trung Ương. Đảng họp Mặt Trận. Nguyễn Mạnh Tường đọc báo cáo trong Mặt Trận Tổ Quốc đề nghị một xã hội dựa trên cơ sở pháp trị, tòa án xử theo pháp lý chứ không chỉ đáp ứng nhu cầu chính trị thống soái nhân danh nền chuyên chính vô sản. Trần Đức Thảo bàn về khái niệm dân chủ xã hội, Đào Duy Anh trả lời phỏng vấn trên vấn đề mở rộng tự do và dân chủ...Đại Hội Trung ương lần thứ 10 họp trong một không khí hoảng loạn. Lửa còn âm ỉ, cứu là dội nước, và dội có liều lượng. Trường Chinh mất chức Tổng Bí Thư, nhưng thành chủ tịch Quốc Hội. Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương ra khỏi bộ Chính Trị, nhưng kẻ được chỉ định phụ trách Công Đoàn, người trở thành Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội. Ông Hồ giữ trách nhiệm Tổng Bí Thư, và Lê Duẩn được cử làm Bí Thư thứ nhất trong bộ Chính Trị. Cuộc sắp đặt lại nhân sự hé mở những cánh cửa hứa hẹn chút nắng mới. Nắng chập chững đầu ô khi Võ Nguyên Giáp công khai nhận những sai lầm trước nhân dân vào tháng 10 năm 1956.
*
Nhận công tác báo chí và văn hóa ở Thành Ủy, Chính được phân một căn hộ khu Cửa Bắc. Chiều chiều, thả bộ quanh quẩn khu Ngũ Xã ven chợ Châu Long, Chính hồi tưởng lại những ngày chiến đấu giữ Thủ Đô mười năm trước. Số người xưa Chính quen biết nay tứ tán cũng nhiều. Có kẻ di cư vào Nam. Có người về quê quán vì sinh nhai trong thành phố nay mỗi ngày một khó. Nơi Chính hay sà vào là một cái quán trông ra hồ Trúc Bạch. Chủ quán là anh chị Thìn, con hai đứa, đứa lớn lên bảy, đứa nhỏ còn phải ẵm. Anh Thìn vốn là thợ mộc, xung vào tự vệ chiến đấu, sau tản cư thì về phục vụ một đơn vị địa phương trên Sơn Tây cho đến ngày hòa bình lập lại. Anh nhìn chị, vừa cười vừa kể :
- Em nói bác đừng cười, nhà em nó nhà quê nhà mùa, không đuổi thằng Tây thì còn khuya mới được ra tỉnh. Ấy, em bị Tây càn, chạy dạt xuống từ Bất Bạt, du kích dẫn về ẩn vào những gia đình cơ sở, và thế là em gặp nhà em... Kể thì đúng có duyên có số cả. Tây đến càn nên phải giấu con gái, các cụ đẩy nhà em vào hầm bí mật, mà lại chỉ có mình em... hà hà...
Chị Thìn đỏ mặt, quay đi nói như dỗi :
- Ôi thôi, cứ mang ra kể mãi mà không biết xấu!
Cười hềnh hệch, anh Thìn oang oang :
- Bác đây xưa chỉ huy chúng tớ, chứ có bạ ai lạ đâu mà sợ! Đấy, nhà em nó xuống là chui tọt ngay vào lòng em...
- Nói bậy! Cái hầm nó bé bằng tí...
- Ừ thì bé... Trên đầu giầy săng đá nó dận cồm cộp, bác ạ! Lát sau thì yên, và thế là... Thế là về sau em có dịp lại thỉnh thoảng ghé về, cho đến khi... nhà em chửa thằng bé đầu lòng. Em xin cưới, ông bà cụ bên nhà em thì phải cho đứt đi rồi. Nhưng đơn vị em kỷ luật em... Ối chà, gớm lắm, cứ kiểm thảo đi kiểm thảo lại. Cuối cùng, em tự phê, em là con chó. Lại chó đói. Đói tình đấy... hà hà...
Chính không nhịn được, bật cười :
- Đói cho đến ngày hòa bình lập lại, rồi mới thêm được con bé đang ẵm kia, phải không?
Thìn gật, lại ê a :
- Dạ... nhưng chẳng suôn sẻ thế đâu! Phải xuất ngũ đã. Ông bà cụ bên nhà em có tí ruộng ‘’thành phần’’ nên phải lên Hà Nội mua cái nhà này, đến ‘’sửa sai’’ xong thì mới lại trở về quê! Đấy - nhìn vợ đang lườm mình, Thìn nheo mắt - em lấy vợ vất vả thế đấy, bác ạ!
Thìn lại cười, với điếu cày châm đóm, rít sòng sọc. Qua làn khói xanh um, hồ Trúc Bạch chao đảo như say thuốc lào chỉ chực ngã xuống. Chính chợt buồn. Vất vả thế, nhưng Thìn có đôi có lứa, con cái ở bên. Còn mình, Huyền bây giờ xa lắc xa lơ. Con hai đứa, một theo mẹ. Đứa kia, phải ở với bà, bố đẻ ra mà không dám nhận con. Nghĩ đến đấy, Chính cảm thấy mình hèn hạ. Tham gia Cách Mạng hơn hai mươi lăm năm qua, có bao giờ mình chùn lòng trước khó khăn nguy hiểm đâu? Từ ngày đánh chiếm Nam Đàn tới khởi nghĩa Yên Bái, rồi thời gian hoạt động nội thành cho đến khi chiến đấu bảo vệ Thủ Đô, sau trong Kháng Chiến thì bôn ba hết chiến khu III đến chiến khu IV, mình nào sợ gì dẫu thực dân Pháp có quân đội, có súng ống? Thế mà bây giờ, phải nhận là mình sợ. Sợ gì chính mình không hẳn rõ, nhưng cái sợ làm mình co rút dần và nay biến ra một thứ ốc đảo. Cứ thế mình ngậm miệng, im lặng thành cách dối trá với đồng loại, riết rồi dối trá với cả chính mình lúc nào không hay.
Thìn lên tiếng mời ở lại dùng cơm. Từ chối, Chính đứng dậy kiếu vợ chồng Thìn. Chàng đạp xe trên con đê Yên Phụ, bỏ lại sau lưng Hà Nội, nhưng không sao dứt khỏi trí óc câu hỏi, này Chính ơi, sao mi lại hèn hạ đến thế? Mi sợ, nhưng sợ gì? Chính nhớ lời cha dặn ngày xưa ‘’...nam nhi thì con ạ, uy vũ bất năng khuất. Làm việc nước phải dụng Trí, trên căn bản chữ Nhân, nhưng đừng quên chữ Dũng. Thiếu Dũng, sẽ chẳng thành người!’’. Đúng thế, cứ sợ, mi sẽ không thành người được.
*
Vũ Đình Huỳnh lấy tay nhấn mạnh vào bụng, mặt nhăn nhó, không nói gì. Đồng chí lái xe bóp còi rẽ sang phố Trần Hưng Đạo. Chiếc xe Jeep chở Vương Thừa Vũ đi thẳng. Vũ ngoái cổ, giơ tay vẫy, miệng nhếch lên cười. Huỳnh khẽ rên, nhưng kìm lại.
- Anh lên cơn đau bụng à? Chính hỏi
Huỳnh gật. Tưởng về thẳng nhà, bất ngờ Huỳnh nói đồng chí lái xe chạy thẳng lại Phủ Chủ Tịch. Tay vẫn ôm bụng, Huỳnh bảo đợi, rồi bước thấp bước cao, chống gậy đi thẳng vào.
Khi ra, Huỳnh cau có, nét mặt không vui. Rủ Chính về ăn cơm tối, Huỳnh bảo, cậu độc thân đi đâu mà chẳng được. Bước vào nhà, Chính đã thấy Đặng Kim Giang và Nguyễn Hữu Đang. Giang nắm cánh tay trái của Chính, vồn vã :
- Phục hồi được bao nhiêu phần trăm?
- Mười, mười lăm gì đó! Nếu tai qua mà nạn không tới may ra phục hồi được độ sáu mươi phần trăm!
Thấy mọi người ngạc nhiên nhìn mình, Chính giải thích :
- Ấy, tai là bom Tây, còn nạn là tôi bị một cậu đội trưởng đội Cải Cách xã quật cho một hèo...
- ???
- ...mình về quê, nghe là mẹ bị qui địa chủ. Nhưng vừa về đến nơi thì bị chộp ngay. Không muốn nói gì thêm, Chính nói lảng - chuyện tôi thì cũng giống chuyện Vương Thừa Vũ trưa nay, không có anh Huỳnh thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra!
Huỳnh kể, sáng nay tình cờ một cán bộ trẻ sở Văn Hóa từ Thanh Hóa về kể việc một chiếc xe Jeep bị dân quân chặn lại bắt, trói giật cánh khuỷu một thiếu tướng mặc quân phục lẫn đồng chí lái xe và đồng chí hậu cần. Anh cán bộ này vốn là Tự Vệ Thành ngày xưa, nhận ra Vương Thừa Vũ, vội báo cho Chính. Hoảng hồn, Chính lập tức điện thoại cho Huỳnh, người trách nhiệm Đại Đoàn Cải Cách ven đô. Thế là hai người đi thẳng ra Hà Đông, ‘’giải cứu’’ cho vị tướng vừa được phong là Anh hùng Quân Đội sau chiến dịch Điện Biên Phủ. Huỳnh tiếp :
- Trăm chuyện thì cũng vì cái nghị quyết chỉnh đốn tổ chức. Nhân đó, lộng lên cứ muốn làm gì thì làm. Mặt lại nhăn, Huỳnh tiếp - mình vào gặp Ông Cụ, hỏi người ta đang giết đồng chí mình mà Bác ngồi yên được sao?
Đang chen vào :
- Thế Ông Cụ nói thế nào?
Không đáp câu hỏi, Huỳnh bực bội :
- Nói thì chỉnh đốn tổ chức cấp Xã, sau leo lên Huyện và không cản lại ngay thì rồi sẽ Tỉnh, sẽ Trung Ương...
Giọng mỉa mai, Đang đâm ngang :
- Thì Ông Cụ bảo, tổ chức cũ là tổ kén không nên dựa vào mà!
Giang vẫn ở trong quân đội, nay đã thăng Thiếu Tướng, từ tốn :
- Quả là sau Tổng Khởi nghĩa chỉ độ hai ba tháng, khi những Ủy Ban hành chính thường là những người đã được vận động đi đánh cướp kho gạo của Nhật thì ... khó kiểm soát thật. Dân nhiều nơi bị các vị này sách nhiễu, từng ca thán...
- Anh đúng nếu đó là tình hình cuối năm 45, đầu 46. Khi Kháng Chiến Toàn Quốc năm 47, ta rút vào bí mật. Ở những vùng tề - ngụy thì đám lao đao ‘’ dinh tê’’ nhiều, chỉ cán bộ trung kiên mới trụ lại. Đó là cái bây giờ người ta gọi là ‘’ tổ chức cũ’’!
Đang chép miệng, tiếp :
- Tôi không nói ai cũng tốt, nhưng cứ đổ đồng ra mà đánh toàn bộ thì không tránh được đánh oan. Rồi chẳng biết thế nào mà hô chủ trương ‘’ sai còn hơn sót’’! Nhưng tránh sót một, mà sai thì sai bao nhiêu? Nhất là những kẻ được đi đánh đều là loại mới kết nạp. Các anh biết đấy, rễ rồi chuỗi ở nông thôn bây giờ là đại đa số đảng viên. Có nơi thi đua đấu tố kết hợp với ‘’ thi đua kết nạp’’. Địa chủ, phải ‘’nống’’ lên cho đủ năm phần trăm, thì kết nạp tất cũng năm phần trăm đảng viên. Có vùng những kẻ ‘’ lên’’ đảng làm lễ tạ ơn gia tiên, bắt cả làng đóng góp liên hoan, mổ trâu mổ lợn...
Huỳnh lại nhăn mặt, tay chặn vào bụng. Chị Huỳnh nhỏ nhẹ hỏi chồng :
- Lại đau à! Anh uống thuốc không?
Lắc đầu, Huỳnh xua tay, gượng cười, nói với bạn bè :
- Cái gan tôi ấy mà! Nó hành từ cả tháng nay...
Đang châm chọc :
- A cái thời gan không còn, mật cũng mất!
- Anh là chúa khiêu khích. Coi chừng, Huỳnh lại cười, có kẻ gọi anh là agent provocateur đi khiêu khích đấy!
Thật thà, Giang dặn :
- Ừ... anh Huỳnh không nói đùa đâu. Khéo mà vạ miệng!
Bấy giờ, nhìn đám đồng chí xưa đã hoạt động nội thành thời cướp chính quyền, Đang nghiêm trang :
- Sắp tới, anh em trong báo Văn Nghệ nơi tôi công tác xì xào là cũng sẽ có đấu tố. Hiện, đã bí mật ‘’diễn tập’’ từ khi thu hồi Giai Phẩm Mùa Xuân. Anh Chính nay về sở Văn Hóa, anh có biết gì hơn không?
Chính cẩn thận :
- Tôi cũng nghe, nhưng chuyện đấu tố thì chưa! Tôi biết, Trung Ương bảo phải uốn nắn, thế thôi... Quay qua Huỳnh và Giang, Chính hỏi, các anh đọc Giai Phẩm Mùa Xuân chưa?
Giang gật, lo lắng :
- Đấu tố là đấu tố thế nào? Có phải Cải Cách Ruộng Đất đâu...
- Thì Cải Cách cái đầu. Đầu bùn có khác gì ruộng đất - Đang lại đâm ngang - Các anh biết chuyện Hồ Phong bên Trung Quốc năm ngoái chứ?
Huỳnh lắc đầu.
- Hồ Phong công khai tự phê. Mấy tháng sau, bị bắt đi lao cải...
Chị Huỳnh trước cùng hoạt động với chồng, nay công tác phụ nữ, xen vào, giọng có chút trách móc :
- Thôi, các anh ơi... Một đồn mười, mười đồn trăm, là rồi cứ rối tinh lên. Mới tiếp quản có già một năm, chập chững là đương nhiên, sai đâu sửa đấy!
Chính bật cười :
- Nhưng chị ạ, dân người ta có câu hỏi, sai đấy sửa đâu, thì trả lời thế nào hả chị!
*
Ba ngày trước, Đang giúi vào tay Chính một sấp giấy pơ-luya, dặn, cậu đọc đi rồi cho tôi ý kiến, tôi sẽ ghé nhà cậu. Truyện kể Kim Bông, một con ngựa chiến về già kéo xe trong phủ Chúa, tủi phận tôi đòi, xin ra chạy thi với những con ngựa non, đứt ruột mà chết trong cái thế ‘’cao đầu phong vĩ’’. Chính đọc xong, ngơ ngẩn một buổi, đi đến đâu cũng như Kim Bông, nhìn ‘’ những cảnh vật trước mắt đều nhỏ lại, và thẳng tắp’’, và ‘’...cây cỏ, núi đồi cho đến màu giời xanh cũng chỉ là một đường thẳng’’.
Khi có tiếng gọi cửa, Chính ra mở, ngạc nhiên khi thấy Phùng Cung cười, sau lưng là Đang vừa dựng xe đạp vào vách nhà vừa nói :
- Có chuyện gấp, phải đến cậu ngay!
Nhớ những ngày hoạt động nội thành trước Tổng Khởi Nghĩa, Chính đón hai người vào nhà, giọng bỗ bã :
- Anh thì có lúc nào mà chuyện không gấp!
Chưa ngồi xuống, Đang hỏi :
- Cậu đọc truyện của Cung chưa?
Gật đầu, Chính nhìn Cung. Rót nước trà từ phích vào hai cái tách, Chính chậm rãi :
- Hôm nay tiếp đến hai con Kim Bông, tôi sợ cứ một đường chạy thẳng thì chưa đứt ruột mà đã đâm đầu xuống vực!
Cung ngước nhìn, mắt ánh lên vẻ thách thức. Đang trầm giọng :
- Nhân Văn số tới định đăng ‘’ Con ngựa già của chúa Trịnh’’ đấy. Nhìn Cung, Đang hắng giọng, truyện đầu tay của anh chàng này... cậu thấy thế nào?
Không trả lời ngay, Chính hồi tưởng lại những cuộc họp trong ban văn hóa-báo chí của Thành Ủy. Từ ngày Hồ Chí Minh giữ trách nhiệm Tổng Bí Thư, không khí có cởi mở hơn, nhưng trong nội bộ đã có những va chạm giữa những người lãnh đạo. Khi chuyện Hiệp Thương và Tổng Tuyển Cử để thống nhất Bắc-Nam vỡ ra như bong bóng, đám chủ trương cải cách ôn hòa mất dần thế đứng. Trong bối cảnh xe tăng Liên Xô vào Budapest để bảo vệ xã hội chủ nghĩa sau những biến động chính trị gây ra từ bản báo cáo về tệ sùng bái cái nhân Stalin của Krút-Sốp, phe tả khuynh ở Hà Nội tăng áp lực chống ‘’thỏa hiệp giai cấp’’ trong một xã hội có hơi hướng cải cách tư bản chủ nghĩa. Khâu tư tưởng trở nên then chốt, và báo chí thành tuyến lửa giữa hai khuynh hướng hữu - tả. Chính biết, gió đã lên và đang đổi chiều, con diều nào bay càng cao thì chắc sẽ rơi càng nhanh. Phùng Cung lại ngước nhìn, mắt hấp háy, miệng mím lại :
- Anh thấy thế nào ?
Chính ngần ngừ :
- Câu hỏi là hỏi một cá nhân tôi, hay là hỏi một cán bộ Thành? Không đợi Cung đáp, Chính tiếp - Nếu là cá nhân, thì tôi rất thích cái ngụ ngôn tân thời này vì có thể chia xẻ đôi điều...
Cung cắt ngang :
- Còn như một cán bộ?
Chính chậm rãi :
- Trước Tổng Khởi Nghĩa, tôi làm công tác báo chí của Đảng trong nội thành, cũng như anh Đang. Nhìn Đang, Chính tiếp, và chúng tôi dặn nhau, phải hết sức cẩn thận, không để Tây nó bắt, tránh lộ diện khi chưa chắc nắm được phần thắng.
Đang giơ tay chặn :
- Đúng, nhưng đấy là với địch. Bây giờ, chỉ có ta...
- Ta thì có ta thế này, ta thế kia! Chính ngần ngừ, nhẹ giọng.
- ...
- Nhưng vẫn là ta với nhau, Chính nói vớt, như tự bào chữa.
Cung bực bội :
- Chịu anh! Ta với nhau cả với bọn ‘’ mạ’’ Đảng để vinh thân à ! Chúng nó chỉ bề ngoài, cạo ra là thấy bản chất một bọn kền mạ bạc, bọn vong nô cho quyền lực !
Chính xen vào, giọng khẩn khoản :
- Nhưng quyền lực thì là sắt, mạ mặt ngoài thế nào thì mạ nhưng trong vẫn cứ là sắt. Gần đây, ‘’người ta’’ bảo các đồng chí tập kết đòi về giải phóng miền Nam, hô lên thống nhất đất nước là nhiệm vụ hàng đầu. Chính Ông Cụ cũng phải lùi...
Đang thở ra :
- Với cái khẩu hiệu giải phóng miền Nam đó thì Lê Duẩn nhắm củng cố quyền lực. Nó lại hợp với khẩu vị đám Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hồ Viết Thắng. Quay sang Chính, Đang hỏi – còn Lê Văn Lương? Lương nay thế nào?
Chính bật cười, ngao ngán :
- Lương thì trước sao, sau vậy! Nhưng này...Chính tiếp, chuyện đó có gì là gấp như anh nói hồi nẫy nào...
- Hừm, mới đây thấy ông ấy ôm hôn mấy đồng chí Liên Xô sang thăm hữu nghị ta. Cung trề môi hóm hỉnh - mấy đồng chí trông cũng béo tốt có kém gì Tây ‘’ đoan’’ ngày xưa đâu!
Chính ngắt :
- Thôi bây giờ các anh đến thật ra là có việc gì?
Đang xoa tay :
- Nhân Văn nhờ cậu tìm cho ít giấy để in báo số tới. Bây giờ, bị chặn khắp nẻo, anh Bảo nhà in Minh Đức nay chịu không tìm đâu ra giấy. Vì thế, tôi mới nghĩ đến việc nhờ cậu!
Chính nhăn mặt. Từ hai tháng nay, cơ quan chàng được chỉ đạo phải thu mua giấy trên thị trường, và kiểm soát bằng cách phân phối trực tiếp, có cân đong cẩn thận. Nghe Chính kể thế, Cung buột miệng :
- Báo chí tự do, nhưng giấy in báo thì kiểm soát. Thật là quá thời Tây ngày xưa! Thì ra chống Stalin là chống cái mồm thôi... Mồm nói một đằng, tay làm một nẻo!
- Thế anh có giúp được không? Đang gặng
Lắc đầu, Chính lạnh lùng đáp :
- Không! Tôi không thể làm vậy. Tôi có trách nhiệm...
Đang bật dậy :
- Trách nhiệm, hừ! Trách nhiệm bây giờ là chống bọn Stalinít... Anh sợ thì có! Dấn thân đi Cách Mạng một phần tư thế kỷ, anh không sợ... Sao bây giờ lại thế!
Chính nhẩn nha :
- Anh nói đúng! Tôi sợ. Sợ thật!
- Anh sợ cái gì? Anh sợ ai?
Chính nhìn xuống chân, nhỏ nhẹ :
- Tôi sợ chúng ta. Tôi cũng xin các anh đừng lao xuống vực. Tôi nhắc, như ngày kháng chiến chống Pháp trong nội thành, phải cẩn thận. Với địch, cái thế sống - chết dễ. Với ta, khó và phức tạp hơn nhiều. Chuyện Chỉnh Đốn Tổ Chức vừa xảy ra, các anh nhớ hộ cho ...
Đang kéo Cung đứng lên, sẵng :
- Thôi mình đi về! Mất thì giờ vô ích...
- Quên, nói để các anh biết. Chúng tôi đang học đường lối, và bên Tuyên Huấn mang cái phát biểu của anh Nguyễn Mạnh Tường ở Mặt Trận Tổ Quốc tháng mười một năm ngoái, phê là điển hình của tổ chức xã hội lai căng theo chủ nghĩa tư bản Tây phương. Tháng vừa rồi, ngày nào tôi cũng nghe rằng tư bản đang giãy chết. Và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thì dân chủ gấp trăm lần cái nền dân chủ hình thức bên Mỹ, Anh, Pháp...
Quay sang Cung, Chính hạ giọng :
- ... còn với anh, một nhà văn, thì đừng sợ tác phẩm mình sẽ mai một.Tác phẩm phải viết, cứ viết. Viết rồi, tác phẩm sẽ mang thân phận của nó. Và kéo theo phía sau định mệnh của nhà văn như một hệ quả!
*
Hữu Loan tay xách chai rượu, tay kia mở cửa, cất tiếng gọi. Chính choàng dậy. Trời đã chập choạng tối, gió thốc cái lạnh cuối thu ùa vào. Mở chạn, Loan tìm hai cái ly nhỏ, miệng cười :
- Nào, dậy làm một ly. ‘’Anh ơi ly rượu nhỏ. Rượu nhỏ một ly thôi. Uống lên cho đỏ mặt. Cho lên hương cuộc đời...’’
Chính bỡ ngỡ :
- Có chuyện gì vui mà rượu thế?
- Nhân Văn số mới ra rồi. Được lắm! Cậu có biết anh chàng Phùng Cung là ai không? Viết rất ghê...
Chính gật gù, tay đỡ ly rượu đưa lên môi, đáp :
- Có... mà này, nghe đâu Đại Sứ Ba Lan phàn nàn bài nhận định của Nhân Văn với bên Ngoại Giao. Vừa rồi, những biến cố ở Hung Gia Lợi làm cho ‘’ ta’’ bị động. Trên Ban Bí Thư Đảng đang bàn, và chỉ ngày một ngày hai là sẽ có Sắc lệnh về chế độ báo chí.
- Sắc lệnh thế nào?
- Một trong những vấn đề gai góc là chế độ kiểm duyệt thông tin và báo chí tư nhân. Trong bối cảnh quốc tế đang dao động, và trước cái khả năng không thể thống nhất đất nước qua Tổng Tuyển Cử theo Hiệp Định Genève, ta phải coi mục đích giữ chính quyền hiện nay như giữ con ngươi tròng mắt...
- Ờ! Nhất là sau Cải Cách Ruộng Đất... Nay có những kẻ bất mãn hô giống kiểu Hoàng Cầm hay Trần Dần, cứ túm lấy lưng quần phục xuống mà đánh vào Đảng! Loan trầm ngâm - Thế là cứ rối tinh lên. Đám sinh viên vừa ra tờ Đất Mới, cậu đã đọc chưa ?
Chính gật, rồi trầm ngâm :
- Nếu động chạm mạnh, sẽ gặp phản ứng gay gắt. Cậu viết lách gì cũng nên cẩn thận. Tuyên Huấn - Tuyên Giáo đang sửa soạn đối phó đấy! Họ còn bị cái ‘’ trăm hoa đua nở, trăm nhà tranh tiếng’’ kìm chân kìm tay, đợi xem bên Trung Quốc tình hình diễn biến thế nào rồi mới phản ứng.
Hai người rủ nhau ra ngoài đi ăn. Chính đưa Loan đến chỗ phở gánh chợ Châu Long ngon có tiếng. Ăn xong, cả hai đến quán nước anh Thìn. Vừa thấy Chính, anh vồn vã :
- Chào bác! Mời hai bác vào xơi nước...
Kéo tay Chính, Thìn tiếp :
- Cái nhà bác người thấp thấp đấy, đến lấy rồi. Móc túi lấy một tờ giấy đưa vào tay Chính, anh xởi lởi - biên lai đấy, bác xem!
Liếc qua, Chính nhét nhanh mảnh giấy vào túi quần, cười như không có chuyện gì. Loan nhăn mặt, nhìn ra chỗ khác. Vừa ngồi xuống, một cụ già ở phía sau hiện ra. Cụ chào, rồi kéo chiếc điếu cày, tay nhồi thuốc lào vào nõ, Thìn vừa rót nước, vừa nói :
- Đây là ông cụ thân sinh nhà em. Ông bà nay lại về ở với chúng em.
Chính ngạc nhiên :
- Sao độ trước anh nói các cụ về quê mà!
Ông cụ thở khói thuốc, khẽ ngật cổ, ề à :
- Dạ đúng! Chúng tôi về quê xin lại nhà, lại đất. Ủy Ban Xã bảo chờ, hãy tạm trú tại nhà ông anh họ. Chờ cả mấy tháng, nhưng nhà đất chúng tôi thì có người chiếm mất rồi. Không thể đuổi họ được, họ thành phần cơ bản cả, lại có con là liệt sĩ!
Loan nhướng mắt :
- Nhưng đã có lệnh sửa sai cơ mà!
- Dạ vâng! Có sai, có sửa. Nhưng mà trên Ủy Ban Xã chỗ chúng tôi, họ bảo sửa rồi lại sai, thì sửa mãi à...Thế là phải có kế hoạch. Mà các ông biết đấy, kế hoạch thì phải thông qua các ngành, các đơn vị, rồi quần chúng. Thôi thì, tôi bàn với nhà tôi, lên Hà Nội với các cháu vậy. Lên đến đây, xin nhập hộ khẩu lại không được. Nhà này chúng tôi mua, khi đi có lên Ủy Ban hành chính Quận làm giấy nhượng lại cho vợ chồng nhà Thìn đây, nhưng cho đến bây giờ giấy tờ cũng chưa xong...
Anh Thìn xen vào :
- Vợ chồng em cũng vẫn chưa có hộ khẩu các bác ạ! Nhưng mà các đồng chí trên Ủy Ban bảo, cứ yên tâm. Em lại xin mở cái xưởng mộc sau nhà để sản xuất, được động viên tích cực, không lo...
Thìn hềnh hệch cười, tiếp :
- Hai bác xem cái bàn làm việc em đang đóng để mừng thượng thọ Bác Hồ. Các anh trên Ủy Ban thích lắm! Kéo tay Chính và Loan, Thìn đùa - đóng xong bàn là có hộ khẩu cho cả nhà... Mời các bác xem!
Thìn đi trước, tay cầm đèn măng-xông, miệng suỵt soạt :
- Gỗ gụ quí lắm, lại không dùng đến một cái đinh nào, chỉ độc chân mộng với tua mà vững như bàn thạch!
Tay chỉ, Thìn nghiêm trang :
- Bác xem cái mặt bàn đây, chỉ một nước bào cuối là nổi mặt lụa. Gỗ có hồn của gỗ, hai bác ạ! Em định ghép một hàng chữ mừng Bác Hồ, nhưng chẳng học hành được bao nhiêu, nên xin hai bác cho ít chữ... Xưa em học nghề với thầy em, cũng có khi phải giát chữ, nhưng toàn là khẩu hiệu phong kiến, như Công Thành Danh Toại. Giờ thì khác, các bác cho cái chữ gì nó Cách Mạng cơ! Em nghĩ, ý người nhưng lòng gỗ. Gụ là thứ gỗ bền vững nghìn năm, như đá như vàng. Ý với lòng phải đi với nhau mới được!
Loan buột miệng :
- Thì cứ Cần - Kiệm - Liêm - Chính
Thình lình, quay sang Chính, Loan hỏi giọng lạnh lùng :
- Nẫy, giấy ký nhận gì đấy ? Việc công hay việc tư ?
Chính giật mình. Chết chưa, đến một người như Loan đã là bạn mình trên dưới ba mươi năm không hiểu sao nay giọng cũng đầy ngờ vực. Chỉ hai năm sau hòa bình lập lại, chuyện gì đã xảy ra trong cái xã hội đang còn chênh vênh này ? Nghiến răng, Chính lôi mảnh giấy ra. Dưới ánh đèn, Loan đọc ‘’ Đã nhận’’ và ký MĐ. Trước ánh mắt dò hỏi của Loan, Chính nói nhỏ :
- MĐ là Minh Đức. Nhờ thế mà cậu mới đọc Phùng Cung và mang rượu đến uống với mình đấy!
Khi bước khỏi quán nước, Chính buồn bã :
- Không có cậu thì chắc tôi đã xanh mồ ở Bùi Chu ba năm trước rồi. Nhưng có những chuyện nói ra chỉ thêm phiền cho người nghe, chứ chẳng phải tôi không tin cậu đâu. Mới đây, ta là ta, địch là địch. Bây giờ, ta với địch như xôi với đậu. Nói riêng với cậu là Ủy Ban hành chính Thành Phố đã làm việc với Đang và Lê Đạt. Họ kết Đang cái tội kêu gọi biểu tình, có ý phá hoại chính trị, và chỉ đợi sắc lệnh báo chí ra là đình bản tờ Nhân Văn.
Loan vỗ vai Chính, như để xin lỗi. Chàng nghĩ đến tiền đồ và ngửng lên nhìn vào màn đêm đặc sệt.
Hà Nội năm nay chỉ rét đủ để nhắc mùa Đông thình lình đổ một cơn mưa phùn. Mưa ngày qua ngày, đêm qua đêm, rỉ rả, dai dẳng, chẳng khác trận khóc hờn một đứa trẻ đợi mẹ. Về đêm, những ngọn đèn đường lòe nhòe ẩm ướt. Góc phố Trần Hưng Đạo, tường nhà Hỏa Lò dài ra heo hút, nhìn càng lạnh lùng, càng lì lợm. Hàng cây tứa lên những cái cành cụt mầu nâu, đốm lá còn ngắc ngoải giải những chấm xanh loang lổ trên những mái nhà khấp khểnh cao thấp.
Chính quyết định không về ăn Tết với con ở Kiến Thụy như năm ngoái. Chàng cảm thấy mình bị rình rập, nhất là sau khi đến chứng kiến cái chết của người đàn bà tên Xuân. Hữu Loan cũng không về quê. Vừa ‘’đi học’’ về, Loan có vẻ chưa ‘’đả thông’’, hay cáu bẳn gắt gỏng. Đến nhà, Loan rủ Chính ra ngoài, giọng cay sè, bảo là đi du xuân. Cả hai đến vườn hoa Chí Linh. Có đào, có cúc, trông ra cũng Tết nhất nhưng đạm bạc. Loan dẫu túng vẫn nhất định mua một cành đào đốt gốc, nụ dăm cái đã bắt đầu chúm chím nở. Quay về đến nhà, mới biết không có bình để mà cắm. ‘’...Thôi, Chính cười, mang lại quán nhà Thìn!’’.
Quán xá vẫn vậy. Chiếc bàn mộc với ba bốn cái ghế đẩu. Ngọn đèn hoa kỳ bấc rút nhỏ, dăm cái đóm, điếu cày và hộp thuốc lào để cạnh lọ kẹo lạc. Kẹo là dành cho ngày Tết, chứ thường ra chỉ có nước chè suông. Chị Thìn lễ mễ ôm cành hoa cắm vào một cái bình con, miệng cười :
- Cám ơn hai bác. Nhà em nay lo xưởng mộc, em thì lo cái quán.
- Các cụ đâu? Chính hỏi.
- Thầy bu em ở đằng sau nhà. Dạo này các cụ yếu lắm, lại phiền muộn, chẳng muốn gặp ai?
- Có chuyện gì mà phiền muộn? Loan hỏi.
- Ấy... chị Thìn đáp, giọng uể oải - vẫn cái hộ khẩu. Thầy bu em lên đây thì trên Ủy Ban hành chính Phường họ bảo đã về quê, phải có giấy Ủy Ban Xã cho phép mới được lên thành phố. Còn gia đình chúng em đến nay vẫn chưa có giấy sang nhượng căn hộ này, nên cũng không có hộ khẩu. Các bác biết, căn vườn đằng sau lại dùng làm xưởng mộc của hợp tác xã nên trên Ủy Ban họ lằng nhằng, bảo chưa có chính sách phân chia cái gì là của công, cái gì là của tư, nên lại càng rắc rối. Nhất là đang cải tạo công thương nghiệp, chẳng ai dám quyết định một cái gì cả...
Chính thở ra, tần ngần nhìn. Anh Thìn nghe tiếng vợ ới, chạy lên. Thấy Chính, Thìn đon đả :
- Gớm, mãi giờ mới thấy hai bác. Năm mới, em chúc gì các bác đây?
Nhếch mép, Loan cười gượng :
- Thì ta cứ chúc cho mưa thuận gió hòa và cải tạo thắng lợi?
Thìn ngập ngừng :
- Ấy, cải tạo thì... gay go lắm! Cứ lấy điển hình chỗ em...
Trước ánh mắt dò hỏi, Thìn kể, tổ hợp tác xưởng mộc rất phức tạp. Đi vào công nghiệp ‘’hiện đại’’, là có phân công và có hạch toán do phòng Kinh Tế của Phường đưa xuống trợ giúp anh em công nhân. Ngày trước, tổ sản xuất bàn, ghế, giường tủ đều là những thành phẩm cần có tay nghề. Học được từ cha mình là Phó Lãm, Thìn chăm chút từ cái mộc, cái thớ gỗ, và theo truyền thống, ngâm rồi phơi gỗ thế nào rồi mới xẻ, cắt, uốn, lên khung, đóng cạnh, vào khớp và theo yêu cầu phải trạm, phải trổ. Công nhiều, và nay chia công thì phải đánh giá mỗi công để trả thợ. Chuyện thêm phức tạp ở chỗ thợ so đo, tranh nhau làm những việc dễ, làm sao không tốn thời giờ.Thế là thôi, dùng đinh thay mộc cho nhanh. Gỗ không cần ngâm, cứ thế mà làm, sau có cong có nẻ cũng mặc. Rồi tranh nhau việc làm chân bàn, chân giường. Còn cái mặt bàn hay cái thành giường, người mua thường nhìn nhõi, cần phải cẩn thận, phải có thẩm mỹ, công nhiều nên ai cũng tránh, hạ giá ‘’bình bầu’’xuống cho rẻ...Chưa hết, hạch toán mới ghê. Thợ nghe hai chữ khấu hao, không hiểu gì. Mãi mới biết, khấu hao là tiền để tái đầu tư thiết bị, nghĩa là mua dụng cụ như cưa, xẻ, búa..Tiền khấu hao, tính vào giá thành sản vật. Giá thành này là giá công lao động, cộng giá vật liệu do ty Kinh Tế cung cấp, rồi cộng cả tiền đảm phụ xây dựng xã hội... Kết cục, thợ cố ý phá thiết bị sản xuất cho hỏng nhằm nâng khấu hao lên, phân bố công thế nào để làm ít ăn nhiều. Sản vật không chất lượng mà giá thành hạch toán cao, bán không được, nên từ từ thu nhập giảm dần cả năm nay...
Thìn thở dài :
- Công việc càng khó, thì càng cãi cọ xích mích, chỉ khổ cái thân em là tổ trưởng! Bây giờ tổ sản xuất chỉ làm quan tài, bán ở hàng Hòm... Em xin đóng cửa hợp tác, nhưng ‘’ trên’’ không cho, kêu là kinh tế xã hội chủ nghĩa nay có kế hoạch, không cứ đóng, mở tùy tiện được! Giọng ngao ngán, Thìn tiếp - hai bác chúc cải tạo thắng lợi, em xin cám ơn, nhưng chẳng biết chỗ em thắng lợi nó là cái gì!
Chị Thìn xen vào :
- Làm ăn thế nên hục hặc, rồi rượu, hai bác ạ! Năm mới hai bác chúc nhà em bớt uống đi cho em nhờ. Cứ rượu vào, lời ra, họa lúc nào chẳng biết. Say là nhà em chửi vung tí mẹt lên! Đã lên công an rồi đấy!
Anh Thìn ngượng ngùng, nạt :
- Người ta lên công an là chuyện khác... Nhìn Chính, Thìn hạ giọng - Nhà em nói mới nhớ ra, phải nói với bác. Tuần trước, công an họ hỏi em, có biết ai là Minh Đức không? Em bảo không. Họ lại bảo, ông ta làm nhà in, ăn cắp giấy và khai là đến lấy ở nhà em. Em nhận là từ năm ngoái có trao cho một người hai cái bao tải, nhưng chẳng biết là gì trong đó. Em chỉ đòi giấy ký nhận vì là người quen nhờ, thế thôi...
Chính thót bụng, cố trầm tĩnh :
- Thế họ có hỏi người quen là ai không?
- Có chứ!
- ...
- Em chưa nói gì thì họ nói ngay tên bác, em đành gật đầu!
Chết điếng đi, cổ họng Chính tắc lại. Nỗi sợ ập đến khiến Chính như tê liệt, đầu bỗng thành một khoảng trống không có chỗ nương tựa, lơ lửng, kinh hoàng. Loan làm như không có chuyện gì, vỗ vai Thìn :
- Úi giào... mà công an ở đâu? Phường hay Quận?
- Em lên trụ sở cơ quan gì ở căn nhà to lắm trên phố Trần Bình Trọng cơ, không biết có phải là quận không?
Thìn không biết thật nhưng cả Loan và Chính đều hiểu cơ quan đó là Bộ Nội Vụ.
*
Lớp học Thái Hà, gần mộ Hoàng Cao Khải. Cái hồn ma tên bán nước đã đầu hàng thực dân Pháp ở đâu về ám ảnh nhắc nhở răn đe những kẻ phản bội. Tất cả ba trăm lẻ bốn người, đảng viên và quần chúng tốt. Những Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, Thụy An, Trần Duy... không được gọi đi học. Án gần như đã kết, dẫu chưa có người xét xử.
Học viên chia thành tổ. Sáng, họp tất cả. Đầu tiên, nghiên cứu những văn kiện. Nhiệm vụ là phát hiện những gì đi ngược lại thời kỳ quá độ chủ nghĩa tư bản để tiến lên chủ nghĩa xã hội từ ngày hòa bình lập lại. Phát hiện rồi tự kiểm thảo. Cứ thế, một tháng ròng họp tổ, từ sáng đến chiều, từ chiều đến tối. Vẫn chưa thông. Chưa thành khẩn. Lại phát hiện. Lại kiểm thảo. Cứ thế, vòng vèo như một cuộn chỉ rối, lộn lẹo, đảo ngược từng tế bào cân não. Từ cuộc đời riêng mỗi người cho đến cả nền văn học chung, phải triệt tiêu những ung nhọt đang ngấp nghé khai sinh. Trong ba năm qua, anh đã đứng ở đâu, ủng hộ ai và phản đối cái gì? Đồng chí chỉ đạo Học vụ giơ tay thét, phải kiên quyết phát hiện cái sai để sửa. Đảng cho ta cái ân huệ này, cơ hội trong tầm tay mà không làm thì đời đời kiếp kiếp thành kẻ phản dân hại nước...Thế là :
Phát hiện : Tôi thấy Lê Đạt, mỗi lần đi vệ sinh, đều xé báo Nhân Dân ra chùi!
Lê Đạt : chẳng nhẽ chùi bằng tay ư?
Đả đảo, đả đảo... ( quần chúng văn nghệ sĩ đồng thanh)
Phát hiện : Lê Đạt miệng nói hối lỗi, nhưng đêm, bên cạnh tôi còn trằn trọc nghĩ đến những cái tội ấy thì hắn đã ngáy o o !
Đả đảo, đả đảo...
Học ủy : Xin báo một tin cho tất cả các đồng chí. Học ủy kịp thời phát hiện và ngăn chặn được việc đồng chí Tám Danh, tập kết, đã vác búa đi tìm Lê Đạt và những kẻ viết lách tác động xấu lên công cuộc thống nhất đất nước chúng ta. Chúng ta hiểu động cơ của đồng chí Danh, nhưng cũng nhấn mạnh rằng giữa chúng ta, đả thông là phương pháp, chưa đến nỗi phải dùng ‘’ bạo lực Cách Mạng’’.
Hoan hô... (quần chúng văn nghệ sĩ đồng thanh)
Hoàng Cầm run rẩy, mặt tái đi. Phùng Cung giơ tay, dùng ngôn ngữ Cải Cách Ruộng Đất, giọng lạnh như tiền :
- Tôi xin trân trọng cảm ơn lãnh đạo đã ‘’giải phóng’’ nỗi sợ ‘’cao độ’’ của tôi dựa trên một cái ‘’ vấn đề cơ sở’’ là tình yêu thương giai cấp...
Hội trường ngơ ngác, không biết hoan hô hay đả đảo cái lối xỏ xiên không che đậy ấy. Giờ nghỉ giải lao, Trần Dần thì thào vào tai Cung :
- Chết vì vạ mồm đấy!
Cung lắc đầu, nói cho mọi người nghe thấy :
- Nhục bỏ mẹ!
Lại phát hiện : Hoàng Cầm đi pum, tức là hút thuốc phiện. Lấy ‘’cô hàng xóm răng đen’’ tên Xuyến trong kháng chiến, về Hà Nội là đòi bỏ, hiện gian díu với một người đàn bà có chồng. Thật là bất chính! Đúng quân đồi trụy! Có hay không?
Hoàng Cầm ( cúi đầu) : có...
Đả đảo, đả đảo.
Hoàng Cầm (lí nhí) :
- Nhưng tôi yêu thành thực...
- A, cái tình yêu của chủ nghĩa Tư Bản lăng nhăng, không có tính giai cấp, không xây dựng, làm nhơ nhuốc bước quá độ của ‘’chúng ta’’ lên xã hội chủ nghĩa...
Hoan hô, hoan hô... ( quần chúng văn nghệ sĩ đồng thanh).
Trần Lê Văn khều Quang Dũng nói nhỏ :
- Tình yêu có tính giai cấp liệu cho phép ngủ với nhau không?
Dũng không đáp, quay sang Hữu Loan, đùa đọc câu thơ :
- Hay chỉ ‘’ yêu nàng như tình yêu em gái’’...
Loan buông giọng, như than :
- Cái bài này dân Thanh - Nghệ hàng năm mang ra hát xẩm xin ăn vào những lúc đói, các cậu ạ!
Có tiếng suỵt suỵt. Hoàng Cầm ủ rũ :
- Tôi chót yêu mất rồi...
Đả đảo, đả đảo... ( quần chúng văn nghệ sĩ hô, rồi cười hô hố)
Phát hiện : trong bài thơ Nhất Định Thắng, chữ Người viết hoa, có phải Trần Dần ám chỉ Người đây là bác Hồ kính yêu của chúng ta không?
Trần Dần :
- ...thưa các đồng chí, chữ Người viết hoa chỉ con người hiểu ở cái nghĩa đích thực...
- Ngoan cố! Nếu thế thì tại sao : Người quên mất Mỹ là sư tử giấy ! Người như thế, phải là người lãnh đạo chính trị, mới phát ngôn về Đế Quốc Mỹ và biết đồng chí Mao Trạch Đông chỉ coi nó là con sư tử giấy. Như vậy, Trần Dần dùng thủ pháp ám chỉ, rồi dậy dỗ bác Hồ Người chửa có dạ lim tim sắt. Người mở to đôi mắt mà trông!
Phùng Quán giơ tay, đứng lên :
- Bây giờ có Bác rồi, chữ Người đừng bao giờ viết hoa nữa, thế là xong...
Hoan hô, hoan hô... ( quần chúng văn nghệ sĩ đồng thanh).
Học ủy chặn, chúng ta không hoan hô tùy tiện. Hội trường lại đồng thanh : đả đảo...
Học ủy : chúng ta có thêm một thắng lợi...
Hội trường im lặng. Chỉ có tiếng phạt phành phạch và tiếng đập cánh vo vo của lũ nhặng quanh cái cống bốc mùi những hôm trời nồng.
Học ủy tiếp :
- Lực lượng công an đã bắt Nguyễn Hữu Đang và Thụy An. Tên Đang trốn xuống Hải Phòng, tìm đường trốn vào Nam, rõ là người Mỹ - Diệm cài vào hàng ngũ ‘’ chúng ta’’...
Hội trường vỡ ra : hoan hô, hoan hô...
Học ủy hân hoan :
- ...nó không biết người móc nối nó lại là một đồng chí công an của ta. Hiện nó đã khai hết về cái vụ Nhân Văn. Ai liên quan, hãy thành khẩn.
Hoan hô công an
Đả đảo Nhân Văn, đả đảo Giai Phẩm.
Trần Dần lẩm bẩm :
- Đúng là toàn thắng ắt về ta! Nông dân là quân chủ lực...
Lê Đạt nhìn Phùng Cung, nói nhỏ :
- Trấn áp tinh thần đấy. Kỹ thuật đấu mà lị!
Phùng Cung bĩu môi. Đặng Đình Hưng băn khoăn :
- Không thấy nhắc đến Phan Khôi, Trần Duy!
Cung bực tức :
- Ông Khôi ông ấy bảo tôi, hỏi thì cứ khai hết cho ông ấy. Ông ấy dặn, ‘’ các cậu còn trẻ, phải sống. Sống nhục cũng phải sống. Bây giờ chết là chết hèn. Còn tôi, già rồi, chẳng thèm gì tiếc gì nữa!’’.
Sau buổi học, Tố Hữu đến gần Lê Đạt, giọng rành rẽ :
- Tội của anh cũng nặng như tội của Nguyễn Hữu Đang. Lẽ ra, anh cũng bị đi tù. Nhưng mà Đảng chiếu cố đến vì anh còn trẻ, có khả năng và còn có thể hữu ích cho đời nên Đảng khoan hồng với anh thôi, chứ anh đừng nên nghĩ rằng anh tội nhẹ!
Đạt tái mặt, đầu cúi gằm xuống.
Tối, làm bài khai. Tổ thông qua mới được đưa ra hội trường. Hội trường thông, thì xong. Không, lại tiếp tục. Từ ngày này qua ngày kia. Thành khẩn. Kết tội mình. Không thấy tội, thì tự tìm ra tội. Vu cho mình, tội càng lớn thì mình càng thành khẩn. Làm sao để thuyết phục là đã thực thà moi gan móc ruột ra làm đồ nhắm cho tập thể trong một cuộc đảo đồng chữ nghĩa.
Bây giờ, ngày đi tố, đêm về khai. Tố bạn. Tố chính mình. Những tình bạn tưởng keo sơn bỗng rạn nứt như lớp sơn khô phơi nắng. Những sự kính mến chợt rã ra như bột hồ nay chỉ còn dăm vết trắng nhợt nhạt nhân nghĩa. Học tuy đông, nhưng đấu tố chỉ tập trung vào mươi, mười lăm đối tượng Nhân Văn Giai Phẩm. Nguyễn Huy Tưởng an ủi ‘’...học xong, đả thông tư tưởng rồi ta lại là anh em với nhau như xưa’’. Nguyễn Khải, cây viết đang lên, nghiêm giọng ‘’...tôi thì tôi phân biệt ra ta với địch!’’. Xuân Diệu dõng dạc ‘’ không giao dịch với Lê Đạt là một vấn đền nguyên tắc’’.
Tự sỉ vả không phải là việc dễ làm. Xé mình rồi bôi bẩn thành một mảnh rẻ rách đòi hỏi thứ nghệ thuật xưa nay nhân loại chưa từng thể nghiệm. Người viết, viết để giết cái tôi của mình, nhưng trước khi hạ dao phải lột truồng mình ra để biện minh cho nhát chém cuối cùng mà chính mình là đao phủ thủ. Hãy chém treo ngành. Chém cho thật ngọt, thật thuyết phục. Rồi ngửa mặt nhổ để nước bọt rơi trên mặt cái xác chính mình. Thật thành khẩn. Hoàng Cầm tự phê, tôi là thuốc độc tẩm đường, dán nhãn hiệu dân tộc, bôi đen thực tại rồi bọc giấy bóng kính mầu... vân vân. Lê Đạt : cái câu ‘’ nhân đọc báo Nhân Dân số 822’’ mở đầu bài thơ ‘’ Chuyện mấy người tự tử’’ là một âm mưu của tôi dùng Đảng để đánh Đảng... vân vân. Trần Dần : tôi là giặc bút, là viên đạn xét lại, mũi tên độc của chủ nghĩa cá nhân đồi trụy, của vô chính phủ. Tất cả những cái « Đi tìm cái mới » hay « chống công thức » chỉ là bộ áo khoác lên che cho chủ nghĩa xét lại và tư tưởng Trốt-kít... vân vân.
Không! Chưa thành khẩn vì còn trừu tượng quá. Cần một cái gì nó gần gũi, thực dụng, và nằm ngay trong ý thức của mọi người. Cần ‘’ tố’’ hăng, càng hăng càng có thiện chí. Hai ‘’ tên’’ thơ phản động Trần Dần và Lê Đạt vẫn chưa chịu nói hết. Chúng có ý đồ gì? Có ai đằng sau xúi bẩy? Chúng cuối cùng thú nhận là có ý đồ ‘’ cướp cờ của anh Tố Hữu’’. Thế là hoan hô, thành khẩn rồi đó. Tranh đoạt gì chứ quyền lực thì mọi người trong hội trường hiểu dễ dàng. Hoan hô sự thành khẩn. Đả đảo bọn phản cách mạng. Và thế là hội nghị kết thúc thắng lợi.
*
Nhìn cách Loan bước vào nhà, Chính đoán chắc có sự chẳng lành. Hầm hầm, Loan quăng tờ Nhân Dân lên bàn rồi văng tục. Chưa nghe Loan nói hết, Chính chặn lại, giọng hoảng hốt:
- Không nên thế! Họ sẽ ghép vào tội vô kỷ luật. Vả lại, bỏ đi như thế là bỏ Đảng. Cậu nghĩ lại đi! Người ta có thể kết tội phản Đảng, gay lắm...
- Hừ, Hữu Loan cười gằn - tôi nghĩ nát ra rồi. Đi "thực tế’’ ở Chí Linh, họ ra ơn, kể vẫn ăn lương Hội, lại được thâm nhập đời sống lao động hầu thoát cái xác tiểu tư sản thành thị để mà viết với yêu cầu Cách Mạng. Nhưng như thế viết có nghĩa là gì? Là làm công trả nợ. Tôi thì chịu...
- Đi Chí Linh, cậu đi với ai?
- Tổ sáu thằng. Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, và tôi. Toàn là bọn ‘’đầu sỏ’’!
- Tại sao lại thế? Cậu bị có một năm thôi mà?
- Ờ! Cái bài « Cùng những thằng nịnh hót » trong báo Văn bị chúng nó bảo tôi giả chống quan liêu mà thật ra là để chống lãnh đạo. Chúng nó còn lôi cả ‘’ Màu tím hoa sim’’ ra, rồi tố là thời chống Pháp tôi có ý đồ làm nhụt lòng bộ đội, ê a những ‘’ được tin em gái chết, trước tin em lấy chồng’’ để gây ra chán nản, và như thế là tiếp tay cho thực dân đánh phá ta...
Chính thở dài, rót nước cho Loan. Hai người im lặng nhìn ra ngoài trời. Chớm thu, gió đã se se lạnh. Có tiếng rao hàng đầu ngõ, hai tiếng ‘’ai... mua’’ nhừa nhựa kéo dài ra như một lời than van. Chút nắng rơi lại cuối ngày co mình đợi cơn rét đầu mùa lung linh trên tàn cây hoa sữa bắt đầu rụng lá. Chính nhìn bạn :
- Về quê, cậu sẽ làm gì?
- Cũng chưa biết! Tôi định xin dạy học. Nếu không được thì sức dài vai rộng, mình đi thồ, làm phu... cái gì cũng được!
- Với địa phương, cậu quan hệ thế nào?
- Đám quen biết và cùng công tác từ thời kỳ kháng chiến không còn bao nhiêu sau Chỉnh Đốn Tổ Chức. Bây giờ, phần đông là mặt lạ cả. Nhưng trời sinh voi, sinh cỏ, chẳng có gì phải lo.
- Bỏ về quê, cậu đi tự tiện nên sẽ không có giấy giới thiệu của cơ quan ở Hà Nội. Chắc với địa phương cậu sẽ có vấn đề! Dạo này, chỗ nào cũng ngăn sông cách chợ, cứ « không phận sự miễn vào ». Mà miễn vào là tắc...
Loan gục gặc, vẻ khinh mạn bất cần đời, đứng lên. Rủ Chính đi thăm Thìn, Loan bước ra cửa. Hai người đi bên nhau, không ai nói với ai một lời. Họ vòng xuống chợ, rồi men đê ngược về Hồ Tây. Đây, những con đường xưa. Lên cái dốc, cây cổ thụ này là cây bàng điện Cai Năm năm xưa tự vệ Thành đã đục lỗ nhét chất nổ để đánh đổ thời bảo vệ Thủ Đô. Dây dẫn lửa không cháy nên nó vẫn trơ trơ còn đó. Phía bên kia, ngôi chùa Hòe Nhai. Trong cái bóng xẫm tối một hoàng hôn đến vội, Chính thấy một tà áo trắng lúc ẩn lúc hiện, lòng bỗng chạnh nỗi nhớ đến Huyền ngày xưa đã từng cư ngụ ở ngôi chùa này. Chính cay mắt, đưa tay lên giụi.
- Cậu làm sao vậy? Loan hỏi.
- Gió thôi. Bụi vào mắt, cay sè! Chính đáp, cố nhếch miệng lên cười.
Hai người rẽ vào phố Trấn Vũ. Bên kia hồ Trúc Bạch quán nước nhà Thìn chìa ra lề đường. Hai người bước vào. Vẫn ngọn đèn hoa kỳ bấc khêu vừa đủ hắt hiu một đốm lửa xanh lè. Vẫn cái điếu cày nhẫn nhục và phích nước chè chơ vơ trên chiếc bàn lè tè sát đất. Nhưng không một ai tiếp khách. Chính cất tiếng gọi. Bà mẹ chị Thìn lê ra, lưng còng xuống làm thành một vòng cung nặng nhọc. Bà hấp háy ngước đôi mắt ướt nhèm lên nhìn, miệng kêu có khách. Hai đứa bé ở trong chập chững bước ra nhìn, đi sau là chị Thìn. Ơ kìa, cả ba đều quấn khăn tang trên đầu. Chị Thìn thốt, a hai bác... rồi oà lên khóc.
- Hai bác đến chơi tuần trước thì nhà em còn. Bây giờ... bây giờ... chị nức nở.
Chính lặng người. Ô hay, ba tháng trước anh Thìn còn đưa Chính vào xưởng, khoe cái bàn gỗ gụ mặt có khảm bốn chữ Cần - Kiệm - Liêm - Chính do anh tự tay đóng làm quà sinh nhật cho bác Hồ cơ mà.
- Khổ lắm cơ hai bác! Anh có linh thiêng thì về, hai bác đến thăm đây này, ối anh Thìn ơi...
Hai đứa bé thấy mẹ khóc, cũng ngoác miệng ré lên. Chị Thìn sụp xuống, ôm lấy con. Khi đó, ông cụ cha chị Thìn đi ra, nhìn Loan và Chính, rồi lại lặng lẽ đi vào, không chào không hỏi. Đợi chị Thìn nguôi đi, Chính hỏi, giọng nghèn nghẹn :
- Anh mất thế nào?
- Nhà em trước khi mất ngày nào cũng phải lên công an Phường, tiếng là về cái việc người ta bảo đem giấy đi bán cho phản động in báo chí chống Cách Mạng. Nhưng thật ra, chuyện chính là Ủy Ban Phường đang động viên nhà em cống hiến cái xưởng mộc sau vườn cho hợp tác xã. Uất lên, nhà em về đập nát cái bàn định dâng lên mừng thọ bác Hồ. Nghe báo, Phường lại hoạnh hoẹ, làm thế là có phản ứng chống đối, không thành tâm ‘’ cải tạo công-thương nghiệp’’, và nhất là bất kính vị cha già dân tộc!
Loan lắc đầu, nhìn Chính ngẩn ngơ như mất hồn. Đẩy cửa ra sau vườn, chị Thìn miệng mời chân bước khiến Chính sực tỉnh, kéo Loan đi theo. Mở cửa xưởng, chị trỏ tay vào một góc. Mặt bàn gụ bị bổ vỡ làm ba mảnh, bốn chân long mất hai, nằm lỏng chỏng nghếch lên thách thức.
- Đây! Cái cột này. Các bác nhìn vệt máu lau mãi mà không sạch đây... Chị Thìn run lên – nhà em phát rồ, nửa đêm dậy uống rượu, lấy cái đinh hai mươi phân để vào lỗ tai, rồi đập đầu vào cái cột. Đinh xuyên ngang, lòi ra cái gò má bên kia, máu me phọt bắn tứ tung... Nhà em lại không chết ngay cho được, cứ nằm cục cựa rên rỉ đến sáng thì thở hắt ra!
Ngồi thụp xuống chân cột, chị Thìn thình lình gào lên:
-.... anh sống khôn chết thiêng, về đây mà báo oán, giời có mắt không hả giời?
Chính lặng người không nói được một câu. Hữu Loan quay đi, mặt sa sầm, tiếng chửi chỉ chực chồm ra khỏi đôi môi mím chặt, móc túi có bao nhiêu tiền đưa hết cho bà mẹ chị Thìn vẫn đứng hấp háy nhìn. Chính để nhẹ tay lên vai chị Thìn, lầm rầm nhắc đi nhắc lại một câu an ủi thừa thãi.
Đi theo Loan ra ngoài phố, Chính không nói, cúi mặt lầm lũi bước. Đêm sập xuống. Đằng trước là bóng tối. Đằng sau, cũng thế. Và gió rít lên qua những tàn lá bàng vừa nhuốm sắc đỏ buổi vào thu. Khi đến trước cửa nhà Chính, Loan hỏi :
- Cái chuyện bán giấy in Nhân Văn, công an hỏi cậu chưa?
- Chưa! Nhưng rồi sẽ hỏi, chẳng biết lúc nào thôi. Bao giờ cậu đi?
- Hai ngày nữa!
- Cậu về Thanh, nếu tìm được thêm một chỗ dạy học thì báo tôi. Tôi cũng sẽ xin chuyển công tác. Tôi ớn đất kinh thành này lắm rồi!
Loan cười nhạt :
- Không phải ớn đất... mà là ớn những con người kinh thành này lắm rồi. Nguyên Hồng đã bỏ về Bắc Giang. Trong bữa tiệc chia tay với bạn bè, anh ấy vừa khóc vừa chửi ‘’... Tiên sư cha thằng Câu Tiễn! Ông thì không, Nguyên Hồng thì không. Ông về Nhã Nam, ông đéo chơi với chúng mày nữa...’’.
……
Nam Dao