- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nhìn Rõ Thêm Về Ý Nghĩa Hai Chữ Văn Hóa Văn Hóa Tức Là...

17 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 7686)

Trong bài Định nghĩa hai chữ văn hóa (Tiên Phong số 1) chúng tôi có nhắc đến ý kiến ông Đào Duy Anh mà chúng tôi cho là rộng quá, dễ khiến người ta lẫn lộn hai chứ "văn hóa" với hai chữ "văn minh"... Vì theo Đào quân trong Việt Nam văn hóa sử cương thì văn hóa "chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt".

Nhưng vừa đây Đào quân đã giải thích ý kiến mình một cách rõ ràng, đầy đủ hơn. Và do đó chúng tôi được biết rằng quan niệm của Đào quân và quan niệm của chúng tôi cũng tương tự. Khác nhau có chăng chỉ ở lối diễn đạt.

Chính thế. Những tiếng "chỉ chung tất cả", "bao gồm hết thảy" hoặc "tức là" mà Đào quân dùng trong một lối lý luận đã tế nhị mà lại quá gọn gàng, vắn tắt, tất làm cho người đọc hiểu một cách đơn giản rằng nói "văn hóa" hay nói "văn minh" thì cũng thế, thì cũng là nói "sinh hoạt" cả.

Có đọc kỹ đoạn văn dưới này chúng ta mới lĩnh hội được sự phân biệt của Đào quân nó cũng là sự phân biệt của chúng tôi:

"Vì văn hóa bao gồm hết cả các phương diện của sinh hoạt cho nên ta có thể nói rằng văn hóa tức là sinh hoạt. Tuy nhiên văn hóa với sinh hoạt vẫn là hai cái khác nhau, chứ không phải rằng hai chữ văn hóasinh hoạt có thể thông dụng với nhau được đâu.

"Người nhà quê bì bũm trong bùn dưới nắng để cày ruộng, người ấy đương sinh hoạt chứ không phải hoạt động về văn hóa. Nhưng những người xưa đã nhờ kinh nghiệm và thiên tài mà biến chế ra lưỡi cày đồng hay sắt để thay cho lưỡi cuốc đá, đã biết dùng trâu bò mà thay sức người, cũng như các nhà kỹ sư nông học lợi dụng khoa học mà cải lương kỹ thuật nghề nông, đều đã giúp cho văn hóa tiến bộ nhiều lắm. Khi người mất trâu vác đơn đi kiện, khi ông quan tòa ngồi xử kiện, họ chỉ sinh hoạt, nhưng tất cả những người đã tham dự xa gần vào sự tạo thành tục lệ hay pháp luật, cùng sự tổ chức pháp đình là đã hoạt động về văn hóa. Những người đào kép nhẩy múa trên sân khấu chỉ sinh hoạt, nhưng khi họ gắng công tập một điệu múa mới, một điệu hát mới, thì, cũng như những người viết tuồng, những người bố cảnh, họ hoạt động về văn hóa.

"Cái áo, cái nồi, cái nhà, cũng như sự may vá, sự đúc nồi, sự làm nhà không phải là văn hóa, nhưng cách may áo, kiểu áo, thuật đúc nồi, cách nấu cơm, cách dựng nhà, kiểu nhà thì thuộc về văn hóa. Trong một cuộc biểu tình có người vác gậy, người vác dao, người vác súng, những người ấy và những khí giới ấy vẫn không phải là những hiện tượng văn hóa; song sự hội hiệp lại để biểu tình, cách thức tổ chức, phương pháp hành động, cho đến những tư tưởng, những cảm tình thôi thúc quần chúng phát biểu trong những khẩu hiệu và những bài hát, là những cái thuộc về văn hóa.

"Theo các tỷ dụ ấy, chúng ta thấy văn hóasinh hoạt có chỗ giống nhau và khác nhau thế nào. Nhưng thực ra chúng ta không thể lấy văn hóasinh hoạt ra làm hai vật đối lập mà so sánh với nhau, vì văn hóa không thể nào lìa ra ngoài sinh hoạt được. Chúng ta có thể nói rằng Văn hóa là những cái biểu hiện các trạng thái sinh hoạt..." (Đại Chúng, số 1 ra ngày 1-11-1945).

Vậy nói "văn hóa tức là sinh hoạt" ấy chỉ là một lối nói đanh thép cốt nêu rõ cái xương sống (sinh hoạt) của vấn đề (văn hóa) mà thôi, chứ đúng ra thì phải nói "văn hóa chỉ là cái biểu hiện các trạng thái sinh hoạt".

Duy có chỗ chúng tôi không đồng ý với Đào quân là chia ra hai thứ biểu hiện: cái biểu hiện trong trạng thái sinh hoạt tinh thần và cái biểu hiện trạng thái sinh hoạt vật chất. Bởi lẽ xét cho đến cùng thì trạng thái sinh hoạt nào cũng có thể có một phần vật chất và một phần tinh thần. Và sự biểu hiện nào cũng nằm trong ý thức hệ.

Trong các tỷ dụ mà Đào quân cử ra trên kia chúng ta chẳng đã thấy những phương diện của tri thức (khoa canh nông, pháp lý, nghệ thuật sân khấu, cách đúc nồi, cách dựng nhà, cách nấu cơm, kiểu áo, dân khí) biểu hiện những trạng thái gọi là sinh hoạt vật chất (việc cày ruộng, việc đi kiện, việc ca múa, sự đúc nồi, sự dựng nhà, sự nấu cơm, cái áo, đoàn biểu tình) đó sao? Và đồng thời những phương diện khác của tri thức như triết học, tôn giáo, cũng chẳng đã biểu hiện những trạng thái sinh hoạt gọi là tinh thần như suy nghĩ, tín ngưỡng đó sao?

Cho nên chúng tôi đã không ngại gì mà không vạch ra cái giới hạn cho văn hóa là ở trong phạm vi của tinh thần và công nhận tri thức là cái ý nghĩa thiết yếu của nó.

Để kết luận một cách dứt khoát, chúng tôi xin cố tóm tắt sơ lược những mối quan hệ trong một nền văn hóa như đây: ở một nơi nào vào thời nào đó, chế độ kinh tế quy định những trạng thái sinh hoạt; những trạng thái sinh hoạt gây nên ý thức hệ; ý thức hệ kết tinh ở tư tưởng và tình cảm; tư tưởng và tình cảm tạo tác nên ở mỗi ngành hoạt động tinh thần những công trình văn hóa khác nhau; cái năng lực, cái mục đích, cái gắng gỏi và những tính cách của sự tạo tác đó làm nên bản sắc của mỗi nền văn hóa.

Chúng tôi dùng trí tưởng tượng mà tách bạch và xếp thứ tự như thế nào cho sự nhận định được dễ dàng, chứ trong thực tế những yếu tố ấy ảnh hưởng lẫn nhau rất là phiền phức đến nỗi nhà nghiên cứu phải dụng công phân tích có phương pháp lắm mới tìm ra manh mối.

Nguyễn Hữu Đang

Tiên Phong số 3, ngày 16-12-1945

in lại trong Sưu Tập Trọn Bộ Tiên Phong do Lại nguyên Ân và Hữu Nhuận sư tầm, trang 118-119, NXB Hội Nhà Văn 1996.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 10400)
(Xem: 10026)
(Xem: 10274)
(Xem: 10790)
(Xem: 10539)
(Xem: 10364)
(Xem: 10239)
(Xem: 9691)
(Xem: 10968)
(Xem: 10563)