- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ĐI LỄ GIAO THỪA

25 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 106378)

 

le_chua_dem_giao_thua-content

 

Đã qua mấy chục năm ở Mỹ và dù không phải là Phật tử thuần thành, nhưng lễ Giao Thừa nào vợ chồng con cái chúng tôi cũng có mặt tại chùa Việt Nam, ngôi chùa đầu tiên của thành phố.

 

Chiều cuối năm chúng tôi dọn dẹp nhà cửa đón Tết, bầy bàn thờ, sắp mâm cơm cúng, thắp hương mời tổ tiên về cùng ăn Tết với con cháu. Vợ chồng chúng tôi theo ảnh hưởng của các cụ xưa, nên không quên cúng cả vàng bạc tiền giấy, mặc dầu không biết các cụ ở bên kia thế giới có dùng được hay không. Dần dần thành thông lệ, các con tôi khi còn nhỏ rất thích thú được tham gia việc đốt vàng như một trò chơi. Nay đã trưởng thành, làm việc trong các ngành khoa học, giáo dục, ngoại giao mà khi đi tảo mộ, các cháu cũng đốt vàng và tiền, chắc là để làm yên lòng chúng tôi?

Cúng Tất Niên xong, cả gia đình quần áo tươm tất lên xe đến chùa. Trong xe yên lặng, tôi mở nhạc nghe lại những bài mừng Xuân quen thuộc. Lời ca mơ hồ như từ thuở nào vọng lại, nghe thấy rưng rưng lãng mạn như thời còn đang tuổi thanh xuân:

 

 Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa 

 Hẹn gặp nhau khi pháo Giao Thừa

 Em đứng chờ tôi trước song thưa

 Tôi đi qua đầu ngõ,

 Hỏi nhau thầm Xuân đã về chưa…

 

Trời khuya, đường vắng nhưng chúng tôi luôn vội vã cố đến trước nửa đêm để kịp giờ xem đốt pháo. Có năm trời mưa lạnh, có năm tuyết bay phất phới như lông ngỗng trước kính xe. Lại có năm đến trễ không tìm được chỗ đậu, phải ngồi trong xe, nghe tiếng pháo vọng lại và ngửi mùi pháo thơm lừng trong làn sương lạnh đầu Xuân, cảm được thấy cái thiêng liêng của trời đất đang chuyển mình.

 

Năm nay, từ ngoài đường qua cổng tam quan vào trong sân chùa, người đông nghẹt. Những dây pháo giăng qua lại trên đầu như một màng lưới. Chúng tôi tìm chỗ đứng trên thềm chùa. Mọi người hồi hộp chờ đợi. Chợt một tiếng pháo nổ vang, tiếp theo là những tràng tiếng nổ tiếp nối rộn rã như reo vui, như mừng rỡ. Các con tôi vừa tìm chỗ tránh khói pháo mù mịt vừa đếm …năm phút…mười phút…pháo năm nay dài quá. Tiếng pháo đùng kết thúc hồi pháo, mọi người vỗ tay rầm rộ, quay sang bắt tay và chúc nhau những lời tốt đẹp nhất cho năm mới. Tôi nhìn quanh, những người tị nạn đến đây trong đợt đầu trong năm 1975 và đợt thuyền nhân chỉ còn rất ít. Sự hiện diện của họ ngoài cộng đồng đã vắng dần. Họ đã quá già để đi ra ngoài hay họ đã rời về những miền nắng ấm? Hay họ đã không còn nữa? Dần dần họ sẽ trở thành “những người muôn năm cũ…”?

Chúng tôi lên chính điện, chen chân đứng lễ Phật. Các bàn thờ đều rực rỡ hương hoa. Tượng đức Phật ngồi trên cao trong ánh vàng lung linh như đang mỉm cười nhìn xuống đám người đi lễ với ánh mắt từ bi độ lượng. Vị sư trụ trì ở chùa từ bao nhiêu năm qua, nay cũng đã luống tuổi và yếu đi nhiều. Chúng tôi vái chào chúc thọ, hòa thượng đáp lễ thăm hỏi sức khỏe và trao lộc Phật, thường là một quả cam hay một trái táo.

 

Sang bàn thờ vong, chúng tôi lễ cha mẹ, ông bà. Hai bức tường ngày càng kín hình những người đã khuất, những người đã mất ở đây và cả những người đã qua đời ở Việt Nam. Chúng tôi xuống phòng khách của chùa, mua vài món ăn chay, lịch năm mới và cho các con mỗi cô một bông hoa mang về nhà như nhánh lộc đầu năm.

 

Bước ra sân, đi trên xác pháo đỏ ngập đầy, tôi xuống Am Vô Thường. Bên hồ sen cạn nước, trên tòa cao tượng Phật Bà uy nghi hiền từ nhìn xuống chúng sinh. Tôi vào thăm nơi thờ cha tôi. Cụ đã gửi tro tại đây hơn mười năm trước. Bỏ giầy ngoài cửa, tôi bước vào am, nơi có hàng trăm ngăn có gắn hình ảnh và tên tuổi những người đã khuất. Tôi đặt tay lên hộp tro của cha tôi một hồi lâu và nâng chiếc bình nhỏ trong đó đựng một nắm đất nơi mẹ tôi nằm xuống khi tôi mới có sáu tuổi. Lần về thăm Việt Nam mười năm trước tôi đã lấy mang về Mỹ. Tôi đóng lại ngăn cửa và bước ra ngoài. Vợ và các con tôi đang thắp hương thầm thì những lời khấn nguyện đầu năm với Phật Bà. 

 

Trên đường về, đã quá nửa đêm, xa lộ rộng thênh thang như hứa hẹn cả một mùa Xuân trước mặt. Sau khi mở cửa bước vào nhà để xông đất, chúng tôi tới trước bàn thờ lễ tổ tiên. Chờ xong một tuần hương, chúng tôi hạ mấy món cúng và cùng nhau nâng ly rượu Cointreau, chúc cho gia đình những sự tốt lành, để nhớ đến những năm cha tôi còn sống, tôi và người đều nâng ly rượu chúc mừng đầu năm.

 

Mấy ngày cuối năm vừa qua, khi cúng gia tiên, tôi chợt nhận ra cha mẹ tôi đã an nghỉ ở đây, hình ảnh những người thân đã khuất từ lâu cũng hiện diện trên bàn thờ tổ từ nhiều năm qua. Khi tôi ra cúng thần linh thổ địa bên ngoài, thì lại nghĩ ra thần linh và thổ địa mình đang cúng là Mỹ chứ đâu phải Việt Nam. Ngay như tuần trước cúng tiễn ông Công ông Táo về trời thì cũng là ông Công ông Táo của bếp Mỹ.

 

Tôi bỗng nhớ đến một cuốn truyện bằng Anh ngữ vừa được xuất bản vẫn còn luẩn quẩn trong đầu óc tôi từ mấy tuần nay. Cuốn truyện đã giới thiệu bằng bài phỏng vấn trong một tạp chí văn chương Mỹ. Tác giả là một thiếu nữ Việt Nam. Cũng như những truyện viết bằng Anh ngữ khác của thế hệ trẻ đã trưởng thành tại Mỹ, họ thường nhắc lại các kỷ niệm êm đềm ở quê hương cũ, đến cảnh trốn thoát đi tìm tự do và những dị biệt trong khi hội nhập với đời sống tại Mỹ. Cô tác giả đã về lại Việt Nam, thăm nơi cô sinh ra và thăm lại ngôi trường cũ mà cô đã học ở đó mấy năm đầu của bậc tiểu học. Những năm đó được cô coi là những hình ảnh đẹp nhất về Việt Nam. Nhưng ngôi trường thời thơ ấu của cô không còn như trước mà nay nhem nhuốc, không được tu bổ. Không hiểu còn những điều gì nữa làm cô thất vọng mà khi trả lời cuộc phỏng vấn, cô nói cô sẽ không bao giờ còn muốn trở lại Việt Nam và cô khẳng định “I belong here”. Điều này cũng dễ hiểu, có hàng trăm lý do khiến người ta trở lại với Việt Nam, và cũng có hàng trăm điều khác khiến người ta không muốn trở về.

Tôi đã hai lần thoát nạn Cộng Sản, lần đầu từ Bắc vào Nam, lần sau từ Việt Nam qua Mỹ, lần nào tôi cũng tìm được một cuộc đời tốt đẹp và tự do hơn. Bây giờ nhìn lại quê hương mình đã rời bỏ, đa số vẫn chưa thoát khỏi cảnh sống khó khăn. Mỗi lần về thăm quê, tìm quanh nhà cũ không còn, người xưa đã mất, ngôn từ cũng thay đổi. Tôi cảm thấy mình như Từ Thức trở về, không còn ai biết mình, nhớ ra mình là ai, đôi khi lại còn bị đối xử một cách bất thường. Những lưu luyến với quê hương càng ngày càng như những rễ cây khô cố bám víu vào nền đất phù sa hai bên bờ sông, chưa biết ngày nào bị nước cuốn trôi đi.

 

Nhạc mẫu tôi thường nói “Con đâu cha mẹ đó”. Bốn thế hệ chúng tôi đã nhiều năm sống ở phần đất này. Về tâm linh thì cha mẹ ông bà chúng tôi cũng đang gần gũi với con cháu nơi đây. Như cô tác giả trẻ tuổi kia, hiển nhiên chúng tôi đã “belong here”. Nghĩ thì nghĩ vậy mà trong lòng vẫn cảm thấy một cái gì ràng buộc không dễ ngoảnh mặt quay đi. Quê nhà dù còn nhiều bất công khốn khó nhưng vẫn là nơi tôi, vợ tôi và các con tôi ra đời, vẫn còn những gì làm tôi hãnh diện vì tôi vẫn nhận với người bản xứ tôi là người Việt Nam. Nhìn quanh, trong gia đình các bạn bè cũng như gia đình chúng tôi, có biết bao thanh thiếu niên vẫn được cha mẹ đặt cho cái tên Nam hoặc Việt Nam. Năm tới là năm Thìn, hi vọng con Rồng Việt Nam linh hiển sẽ dương oai xua đuổi kẻ xâm lăng và mang lại cho người dân Việt Nam một cuộc đời đáng sống.

 

 Nguyn Công Khanh

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 37588)
C hị chưa bao giờ cất tiếng thở dài khi phải hy sinh cả thời thanh xuân cho mẹ, nhưng với đàn ông, chị đã thở dài thất vọng vì những người đàn ông đến với chị, lúc đầu mãnh liệt như con thú đói tình nhưng rồi họ cứ bỏ chị mà đi. ..
25 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 33232)
L TS: Với 10 phân đoạn ngắn, Hoài Băng đã đưa câu chuyện từ những âm u ma quái đến kinh sợ như lòng người. Mầm sinh tươi đẹp của thế hệ tương lai bị hủy diệt bởi cái ác của con người đi trước. Gần như là hồn ma báo oán trong xã hội của chúng ta sống hôm nay... Ác và độc, tham và tàn nhẫn. TCHL
25 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 33884)
... Giống như hôm nay, đang ngủ trưa thiu thiu, con ả đó lại xuất hiện. Nó diện bộ váy trắng muốt như trinh nữ. Không bình tĩnh được, nó nhắn tin cho anh, vòng vo, tình cảm, chân thành, rằng nó muốn được xem những bức tranh anh úp vào tường, chỉ một chút thôi. Anh không nhắn lại.
25 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 33950)
T hấy con điên vẫn ngủ, gã mừng tí tẹo, lấy tay xoa xoa lên bầu vú của con điên để kích thích. Con điên trở mình nhưng vẫn ngủ, nỗi mừng tí tẹo biến thành nỗi mừng to tát, gã chủ lò gạch lùa tay vào váy con điên ve vuốt. Con điên cựa mình, gã nghĩ cô đã hưng phấn...
25 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 35800)
LTS: Như một ngôi sao lạ lấp lánh trên bầu trời, người thơ với những giấc mơ băng ngang thời gian bằng sâu kín của hồn thơ...Chúng tôi xin trân trọng gởi đến quí độc giả và văn hữu những giòng thơ đầy đam mê của Hà Duy Phương.(Tạp Chí Hợp Lưu)
24 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 33741)
H ắn chẳng nhớ chính xác từ lúc nào đã bắt đầu mua vé số; có lẽ từ cái ngày hắn nghe tin có một gã may mắn trúng một giải lớn ở tiểu bang Georgia, từ đó hắn có thói quen mua vé số mỗi khi dừng xe ở cây xăng để đổ xăng.
24 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 33005)
N hững lần đầu tôi xem thường cái ghen của anh. Tôi ôm anh, hôn anh và thì thầm vào tai là chỉ yêu anh và anh nên ngưng cái tính ghen ngớ ngẩn đó. Thế nhưng sau đó tôi nhận thấy làm vậy lại làm anh giận thêm. Anh không chịu được khi tôi phủ nhận trí tưởng tượng đầy ghen tuông của anh.
24 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 34676)
L ê Văn Tài đến với thơ tiếng Việt bằng một con đường vòng. Anh vốn là một hoạ sĩ. Ở trong nước, từ đầu thập niên 1960, anh vẽ tranh với một phong cách riêng và có một số khám phá về kỹ thuật được nhiều người khen ngợi. Định cư tại Úc từ đầu thập niên 1980, anh tiếp tục vẽ tranh, tham gia cả hàng chục cuộc triển lãm cá nhân cũng như tập thể tại Úc và một số nơi trên thế giới. Lại được nhiều nhà phê bình và nghiên cứu mỹ thuật, như Tiến sĩ Annette Van den Bosch và Merrill Findlay, khen là độc đáo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, anh còn làm thơ.
23 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 37745)
T ôi sinh ra là con gái. Hay ít nhất, bà ngoại thường gọi tôi là Gái. Tôi lớn lên với ngoại, được bà nuôi ăn nuôi học dạy dỗ thành người. Thuở nhỏ tôi thường hỏi ngoại Ba Mẹ tôi là ai, bà thường nói mẹ là nàng tiên xinh đẹp bị trời đày xuống trần gian. Trong đêm đen định mệnh giữa lòng đại dương, mẹ ra đi theo giông tố biển cả để hai bà cháu được bình an. Tuy xa mẹ từ đó...
22 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 34289)
đ ời sống này nhạt quá nỗi sợ lá xanh in trên đốm mắt vàng hoa cũ nở cho người thức muộn em cũng đâu còn trẻ nữa phải không