- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

RFA Phỏng vấn BS Ngô Thế Vinh về Kênh Funan và Đồng Bằng Sông Cửu Long

22 Tháng Mười Hai 202310:07 SA(Xem: 9137)

RFA Phỏng vấn

BS Ngô Thế Vinh về Kênh Funan

và Đồng Bằng Sông Cửu Long

 

Như bài viết gần đây của ông về kênh đào Phù Nam của Cam Bốt, và đặc biệt như một tuyên bố gần đây nhất của Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet: “Kênh đào Phù Nam không lấy nước từ sông Mekong mà chỉ lấy từ sông Bassac và sẽ dùng cho tưới tiêu, nông nghiệp)\”, xin ý kiến của ông về những vấn đề sau: 

 

PV MAI TRẦN _ 1) Theo ông, lập luận cho rằng sông Bassac không thuộc hệ thống Mekong và kênh đào Funan không lấy nước từ Mekong có đúng với thực tế không? 

 

NGÔ THẾ VINH _ 1) Tuyên bố gần đây nhất của Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet cho rằng: Kênh đào Phù Nam không lấy nước từ sông Mekong mà chỉ lấy từ sông Bassac và sẽ dùng cho tưới tiêu, nông nghiệp.” [sic]

_ Phải nói ngay rằng đây là một câu nói thiếu thành thật, khinh thường trí tuệ của của giới lãnh đạo Hà Nội và người dân Việt Nam. Không ai có thể nghĩ rằng TT Hun Manet, người tốt nghiệp từ một học viện quân sự danh tiếng West Point của Mỹ, lại có thêm học vị Tiến sĩ Kinh tế từ Anh Quốc mà có thể thiếu kiến thức như thế.

_ Thiếu kiến thức địa lý sơ đẳng mới có thể nói rằng sông Bassac – một trong hai phân lưu [distributary] lớn của sông Mekong mà  không thuộc hệ thống sông Mekong, để từ đó lý luận rằng kênh đào Funan Techo chỉ lấy nước từ sông Bassac mà không lấy nước từ hệ thống sông Mekong. 

_ Nếu hiểu Quatre-Bras [tiếng Khmer là Chamean Mon hay Chaktomuk / tiếng Việt là nơi hội tụ của 4 nhánh sông] là gì, chúng ta có ngay câu trả lời phản bác lý luận nêu trên của TT Hun Manet. Quatre Bras tiếng Pháp là 4 cánh tay – là 4 nhánh của hệ thống sông Mekong:

_  Mekong Thượng [Upper Mekong] là dòng chính sông Mekong chảy từ bắc xuống nam tới Phnom Penh là nhánh thứ (1)

_ Con sông Tonle Sap là nhánh thứ (2) từ Biển Hồ chảy xuống kết nối với dòng chính Mekong Thượng; [sông Tonle Sap có đặc tính chảy 2 chiều theo: Mùa Mưa là dòng chảy ngược vào Biển Hồ và Mùa Khô nước từ Biển Hổ chảy xuôi dòng xuống ĐBSCL].

_ Tại Quatre Bras, nơi con sông Mekong Thượng chia làm hai phân lưu [distributaries]: Mekong Hạ [Lower Mekong] là nhánh thứ (3) và Sông Bassac là nhánh thứ (4); cả hai phân lưu lớn này khi  chảy vào Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam, mang tên khác là Sông Tiền (3) và Sông Hậu (4).

 

Như vậy, khi Con Kênh Funan Techo lấy nước từ con sông Bassac tức là lấy nước từ đầu nguồn của con sông Hậu thì sao lại bảo nguồn nước đó không thuộc hệ thống sông Mekong?

pv NgoTheVinh 1 

Quatre Bras / Nơi hội tụ 4 nhánh sông: (1) Mekong Thượng, (2) Sông Tonle Sap, (3) Mekong Hạ / có tên Sông Tiền (4) Sông Bassac / có tên là Sông Hậu khi chảy vào Việt Nam. Đường chỉ đỏ nối sông Bassac và tình Kep là sơ đồ của con kênh Funan Techo của Cam Bốt sẽ khởi công vào năm 2024 và hoàn tất năm 2028. [Bản đồ với ghi chú của Ngô Thế Vinh]

 

 

PV MAI TRẦN _ 2) Nếu kênh đào Funan không chỉ phục vụ giao thông thuỷ mà còn phục vụ tưới tiêu, nông nghiệp, nó có thể ảnh hưởng tới sông Mekong và ĐBSCL ra sao? 

 

NGÔ THẾ VINH _ 2) Một câu hỏi rất hay, cùng một lúc Anh Mai Trần nêu ra được 2 vấn đề của con kênh đào Funan Techo.

(a)  Vấn đề thứ nhất, điều mà chính phủ Phnom Penh nói ra trong Thông báo gửi MRC 4 nước Mekong; khi nói về mục đích của Dự án Funan Techo chỉ vỏn vẹn có một câu: “Con kênh nội địa có mục đích vận tải và giao thông đường thủy”, với lợi ích rất rõ ràng: chặng đường sông nếu không phải qua ngả Việt Nam mà nay với con kênh Phù Nam Techo khoảng cách được rút ngắn, như vậy sẽ giảm thiểu thời gian di chuyển và bớt nhiên liệu tiêu thụ, – cũng có nghĩa là giảm đáng kể chi phí vận chuyển và quan trọng hơn nữa là tạo được một trục / hub giao thương mới mà không cần phải đi qua khúc sông Mekong của Việt Nam. Tất cả nhằm tăng tính cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư, giảm thiểu chậm trễ và giảm chi phí về tiếp vận.

(b)  Vấn đề thứ hai, điều mà chính phủ Phnom Penh ban đầu không nói ra, muốn dấu nhẹm trong Thông báo gửi MRC 4 nước Mekong, đó là tính đa năng [multipurpose] của con kênh Funan Techo – ngoài mục đích giao thông đường thuỷ, con kênh Funan còn tiềm ẩn nhiều mục đích khác bao gồm: thuỷ lợi [irrigation] chuyển dòng lấy nước [water diversion] từ con kênh Funan giúp cho việc tiêu tưới mở rộng diện tích canh tác [agriculture], tạo những hồ nước nuôi trồng thủy sản [aquaculture], bảo đảm lương thực và cải thiện đời sống các cộng đồng cư dân trong vùng. 

(c)  Nhìn xa hơn nữa qua các cuộc hội thảo của  Diễn đàn Vận Tải và Hậu Cần 2023 [Transport and Logistics Forum 2023], người ta còn bàn tới sự gia tăng giá trị đất đai và bất động sản ven con kênh Funan, khi xây thêm được những giang cảng phụ [subordinate ports], tạo thêm công ăn việc làm, đồng thời với phát triển các khu gia cư, đô thị hoá cùng với nhu cầu cung cấp nguồn nước ngọt cho sinh hoạt. 

Như vậy, với con kênh đào 180 km chiều dài ấy đâu có phải chỉ cho mục đích thuỷ vận, mà còn có những mục đích phát triển cả một vùng châu thổ 4 tỉnh từ Kandal, Takeo, Kampot, và  Kep trước khi đổ ra Vịnh Thái Lan, và như vậy thì lưu lượng nước lấy từ hệ thống sông Mekong, nhất là từ con sông Bassac  -- khúc đầu nguồn của con sông Hậu, thì chắc chắn  không phải chỉ 113 triệu mét khối mỗi năm mà sẽ nhiều lần lớn hơn và hậu quả thiếu nước nơi ĐBSCL phía dưới nguồn -- nhất là vào mùa khô không thể nào lường trước được.  

 

PV MAI TRẦN _ 3) ĐBSCL đứng trước thực trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng (năm ngoái, nước mặn vào tới khu vực thị xã Bến Tre), và dòng sông Cửu Long nghẽn mạch. Việc sông Mekong nghẽn mạch rõ ràng càng lúc càng khó giải quyết. Một mặt, Việt Nam cần thực thi những chiến lược ngắn hạn để điều hướng các bước đi của Trung Quốc và Cam Bốt sao cho nó công bằng hơn với ĐBSCL, nhưng mặt khác, VN cần chuyển hướng chiến lược phát triển cho ĐBSCL. 

 

 

NGÔ THẾ VINH _ 3) Hâm nóng toàn cầu và biến đổi khí hậu là một thực trạng đã và đang ảnh hưởng trên toàn hệ sinh thái của khắp hành tinh này, riêng các vùng châu thổ Deltas / trong đó có ĐBSCL là đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất:

_ nước biển dâng khiến nạn ngập mặn càng ngày càng lấn sâu vào vùng châu thổ -- không phải chỉ có ở các tỉnh ven duyên hải, mà là các tỉnh trong đất liền rất xa biển, do lượng mưa thấp ở thượng nguồn và ngay cả nơi ĐBSCL.  

_ nạn đất lún do khai thác quá mức các tầng nước ngầm [aquifers] đến  mức cạn kiệt, với hơn một triệu giếng bơm hoạt động ngày đêm, lấy nước ngọt, không chỉ phục vụ tiện dụng gia cư mà cả cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp và kỹ nghệ, khiến vận tốc đất lún có nơi còn nhanh hơn mực nước biển dâng.

_ với những con đập thuỷ điện khổng lồ bậc thềm [Mekong cascades] Vân Nam, và với chuỗi những con đập dòng chính ở Lào, do nguồn phù sa bị giữ lại trong các hồ chứa, nguồn nước ngọt đổ về ĐBSCL là nguồn nước đói [hungry water], thay vì ĐBSCL được bồi đắp như trước kia, thì nay bị sói mòn [erosion], tạo nên một tiến trình đảo ngược khiến cả một vùng châu thổ, về lâu về dài đang trên một tiến trình tan rã.

_ do vận hành giữ nước của chuỗi đập thuỷ điện thượng nguồn, không có lực đẩy của nguồn nước ngọt đổ về, nạn ngập mặn có thể vào sâu tới 60km với nồng độ mặn cao tới 40/00 [bốn phần ngàn], có nơi còn cao hơn. Cùng một lúc phải ứng phó với thiếu nước ngọt, và canh tác trong tình trạng “chạy mặn”, khả năng thích nghi của người nông dân nơi ĐBSCL phải nói là rất cao, đây chính là yếu tố tích cực cho sự chuyển hướng phát triển của ĐBSCL.

 

Trước tình trạng Cửu Long ngày thêm Cạn Dòng, thiếu “nước ngọt”, thừa “nước mặn” – một vùng châu thổ bấy lâu được thiên nhiên ưu đãi đã không còn nữa. Việc  chuyển hướng phát triển nơi ĐBSCL – không phải chỉ có thuần nông nghiệp, mà còn nhiều lãnh vực khác như nuôi trồng thuỷ sản, cả trên nhưng vùng nước lợ với hỗ trợ của công nghệ cao.

 

Như Anh Mai Trần đã thấy, Đồng Bằng Sông Cửu Long  đang trở thành một địa bàn đầy thách đố, lối làm ăn cũ manh mún chỉ có tập trung vào cây lúa [nông dân lam lũ này đêm mà vẫn không đủ ăn] không còn hợp thời nữa và nhu cầu một chuyển hướng phát triển phải là một mệnh lệnh của thời đại. Và để trả lời “câu hỏi lớn” như vậy, đề nghị RFA lập ra một Diễn đàn Mở [Open Forum] quy tụ nhiều tiếng nói của nhiều nguồn chất xám từ trong nước ra tới hải ngoại, và ban điều hợp Diễn Đàn ấy sẽ là nhóm Ký giả Môi Sinh của Đài RFA.  

 

 

MAI TRẦN                                

RFA Broadcaster/ Webcaster

Washington, 20.12.2023

Radio Free Asia

 

pv NgoTheVinh 2

 

BS Ngô Thế Vinh, tác giả 2 cuốn sách: Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng [2000], và ký sự Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch [2007], liên quan tới vấn đề môi sinh và phát triển Lưu vực sông Mekong và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Hình tác giả đang băng qua Biển Hồ, tới khu Bảo Tồn Sinh Thái Tonlé Sap. [12.2001]

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Tư 20223:24 CH(Xem: 15531)
Những ngày 11, 12 tuổi, vào những năm 73-74, tôi say mê Phan Nhật Nam. Anh trở thành thần tượng của tuổi thơ, với những ngày dài trên quê hương, những ngày bi thảm, những ngày thê lương, những ngày gẫy vụn, trong nỗi sợ khốn cùng. Nỗi sợ trái lựu đạn đã bật kíp. Nỗi đau vô hình của đồng ruộng ẩn chứa triệu trái mìn. Nỗi đau thắt ruột của người cha xếp xác con, trên đoạn đường từ Quảng Trị về Huế. Trong bất mãn của người lính trước một hậu phương vô ơn. Của người lính miền Nam phải tự vệ giữa một thế giới làm ngơ những thảm sát tập thể ở bãi Dâu, ở trường tiểu học Cai Lậy. Khác những nhà văn quân đội khác, tính chất bi tráng của một xã hội dân sự thời chiến phủ trùm lấy bút ký của Phan Nhật Nam, vượt lên trên các trận đánh. Không phải Mùa hè đỏ lửa, mà Tù binh và Hòa bình, Dọc đường số 1, Dấu binh lửa mới thực sự ghi lại suy nghĩ của một quân nhân trong chiến tranh. Bên cạnh, nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc chỉ là những tiểu xảo của những sản phẩm được biên tập.
07 Tháng Năm 20214:56 CH(Xem: 17481)
...một thập kỷ gian nan của nông dân Dương Nội qua cuộc trò chuyện với anh Trịnh Bá Phương - một trong những người có mặt từ đầu - đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực xây dựng sự đoàn kết đấu tranh dai dẳng của bà con. Mong rằng chúng ta sẽ học được nhiều điều từ họ, những người mà nhà thơ Hồng Nguyên gọi là “Áo vải chân không đi lùng giặc đánh”.
14 Tháng Mười Một 20197:35 CH(Xem: 22865)
Hôm 29.10.2019 Lào bắt đầu cho vận hành đập thủy điện Xayaburi và tiếp theo sẽ là con đập Don Sahong. Đây là hai đập thủy điện nằm trên dòng chính sông Mekong, đã và đang gây rất nhiều tranh cãi giữa Lào, Thái Lan, Cambodia cũng như Việt Nam ở hạ nguồn Mekong. Nguồn tin đáng chú ý khác từ MRC Ủy Hội Sông Mekong cho thấy Lào đang chuẩn bị tham vấn dự án thủy điện Luang Prabang có công suất 1410 MW, nằm cách thị trấn Luang Prabang khoảng 30 cây số. Nếu không có gì đột biến, đập Luang Prabang được khởi công xây vào tháng 7/ 2020. Một chuyên gia sông Mekong, bác sĩ Ngô Thế Vinh, tác giả hai cuốn sách ‘Cửu Long Cạn Dòng - Biển Đông Dậy Sóng’ và ‘Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch’, từng có bài tham luận về dự án Luang Prabang liên quan đến Việt Nam, trình bày sự việc qua bài phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện.
21 Tháng Chín 201912:00 SA(Xem: 24657)
Tôi sinh năm 1940 tại Hà Nội, là con út của nhà văn Nhất Linh. Trước năm 1975 ở Sài Gòn tôi dậy học rồi nhập ngũ khoá 2/68 quân trường sĩ quan Thủ Đức
26 Tháng Mười 20188:54 CH(Xem: 31352)
Nhân dịp nhà văn Nguyên Ngọc giõng dạc tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 26/10/2018, xin đăng lại cuộc chuyện trò đã đăng trên Hợp Lưu mới chớp mắt đây mà đã 15 năm truân chuyên vận nước (ND)
22 Tháng Sáu 20184:34 CH(Xem: 30650)
Cũng như nhiều thi sĩ trong thời đại mình, thơ ông còn là phóng chiếu một giai đoạn đầy xáo trộn trong đời sống văn hóa của người Việt. Đầu tháng 6-2018, tuyển thơ Khúc Thụy Du của nhà thơ Du Tử Lê ra mắt độc giả trong nước.
11 Tháng Chín 201711:18 CH(Xem: 37449)
“Giá trị một con người không ở cái chân lý mà người ấy có hay tưởng có, mà ở cái công sức người ấy đã bỏ ra để tìm kiếm nó. (Nguyễn Hữu Đang trong cuốn Trần Dần-ghi 1954-1960, xb Td mémoire, Paris 2001 trg 461.)
13 Tháng Tư 20175:58 CH(Xem: 43606)
Đã 42 năm sau cuộc Chiến tranh Việt Nam, vẫn còn những câu hỏi chưa có lời giải đáp. Chỉ riêng tên tuổi Thích Trí Quang đã gây ra rất nhiều tranh cãi. (1) Có nhiều nhãn hiệu gán cho ông: với một số người Việt chống cộng hoặc còn suy tôn ông Diệm thì cả quyết Thích Trí Quang là cộng sản đội lốt tu hành hoạt động với sự chỉ đạo của Hà Nội; nhưng ngay với giới chức cộng sản cũng đã từng coi Trí Quang là một loại CIA chiến lược; còn theo tài liệu giải mật của CIA thì đánh giá Trí Quang không phải cộng sản, mà là một nhà tu hành đấu tranh cho hòa bình và muốn sớm chấm dứt chiến tranh. Thêm nguồn tài liệu còn lưu trữ về những cuộc đàm luận giữa Trí Quang và các giới chức Hoa Kỳ, cho rằng Trí Quang chống cộng mạnh mẽ và hiểu được sự việc xử dụng quân đội Hoa Kỳ để chống lại Cộng sản Bắc Việt và Trung cộng.
31 Tháng Ba 20171:05 SA(Xem: 34196)
Phùng Nguyễn sinh năm 1950, mất ngày 17 tháng 11 năm 2015. Bàng hoàng với cái chết đột ngột của Phùng Nguyễn ở cái tuổi đang sung mãn nhất về sinh hoạt trí tuệ và sáng tạo, tôi đã viết bài tưởng niệm "Phùng Nguyễn, Như Chưa Hề Giã Biệt" (1), nay nhớ tới Anh, có dịp đọc lại bài viết, mới nhận ra là còn nợ Anh "Ba Câu Hỏi", mang món nợ ấy cũng đã hai năm, nay là lúc tôi phải trang trải, và cũng là thay cho nén nhang tưởng nhớ Phùng Nguyễn.( Ngô Thế Vinh)
30 Tháng Giêng 20171:17 SA(Xem: 34539)
Nhà thơ Đặng Hiền chủ biên Tạp Chí Hợp Lưu trao đổi với Quốc Phương của BBC về công việc làm báo của Tập san văn nghệ và biên khảo tiếng Việt từ Hải ngoại trong năm mới Đinh Dậu