- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mang xuống tuyền đài

30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89796)
buivinhphuc_107-content

Vừa vào tới sở, Sinh được gọi lên văn phòng giám đốc. Nơi đây hai người cảnh sát Na Uy đang chờ Sinh. Họ không mang vũ khí nhưng vẫn tỏa chiếu quyền lực. Sinh hỏi lý do, họ chỉ nói được lệnh đón Sinh về ty an ninh thành phố.

Tiếp Sinh là một người lớn tuổi, mặc thường phục. Khi bắt tay Sinh, ông ta giới thiệu tên Henrik. Chờ Sinh yên vị trên ghế đối diện, Henrik đọc tên, số cá nhân và địa chỉ của Sinh trên xấp giấy trải trước mặt. Sinh xác nhận. Ông ta nói tiếp, giọng trầm đều:

- Một phụ nữ Việt Nam tự tử đêm qua bằng thuốc ngủ trong phòng một khách sạn, đã để lại một lá thư tuyệt mệnh đề tên ông nên chúng tôi muốn ông cung cấp những chi tiết cần thiết.

Sinh giật nẩy mình. Luồng điện chạy dọc sống lưng. Các lỗ chân lông nở ra, rịn mồ hôi. Miệng ấp úng. Henrik trao cho Sinh một tờ giấy có nếp gấp tư. Sinh cố định thần, nhìn vào. Những chữ Việt. Không nhiều, chỉ một hai dòng. Thế mà Sinh phải đọc đi đọc lại mấy lần: "Em muốn mượn cái chết này để chứng tỏ tình yêu của em đối với anh. Chỉ như vậy, em mới được vĩnh viễn bên anh." Và bên dưới, chữ ký lớn và rõ ràng: Kiều.

- Ông quen biết phụ nữ này chứ?

Sinh gật đầu.

- Nội dung lá thư thế nào?

Bằng giọng yếu ớt, Sinh chuyển ngữ sang tiếng Na Uy. Henrik gật gù:

- Ông thành thật, tốt lắm. Chúng tôi cũng đã cho dịch thư này ngay khi tìm thấy ở phạm trường.

Henrik lấy lại tờ giấy. Sinh vẫn ngồi bất động như đã bị đóng đinh trên ghế. Đôi tay Sinh không ngừng bóp nắn hai bên bắp đùi. Các bức tường trong căn phòng tiếp tục xoay chuyển. Sinh chóng mặt. Tiếng Henrik văng vẳng bên tai Sinh:

- Bà ta không có giấy tờ tùy thân nào trong người, trái lại đã dùng tên và địa chỉ giả khi đăng ký vào thuê khách sạn, thành ra cảnh sát điều tra không thể tìm ra lý lịch. Bây giờ ông cho chúng tôi biết nhá.

Sinh thở dài, lắc đầu:

- Tôi cũng không biết gì hơn.

Henrik hơi chồm người về phía trước, mở to cặp mắt sau làn kính trắng:

- Hả? Là tình nhân của bà ta mà ông nói vậy được sao?

Vẫn đày xáo động, Sinh trả lời:

- Không như các ông nghĩ đâu. Tôi không phải là... người yêu đúng nghĩa của bà ta. Tôi chỉ biết đại khái bà ấy cư ngụ bên Đan Mạch, nhưng không rõ địa phương nào. Còn tên họ là gì, nghề nghiệp nào, gia đình ra sao và ngay cả tuổi tác của bà ấy... tôi đều không nắm vững.

Nhìn thẳng vào mặt Sinh, Henrik đanh giọng:

- Nên nhớ thế này, theo luật hiện hành, nếu cố tình che giấu hoặc khai man hay muốn đánh lạc hướng công cuộc điều tra của nhà chức trách, chắc chắn ông sẽ không tránh khỏi những hậu quả nghiêm trọng.

Sinh ấp úng:

- Tôi biết... nhưng tôi đã nói thật.

Cặp lông mày rậm rạp của Henrik cau lại:

- Thế tại sao bà ta để lại lá thư tình cho ông? Hai người ít nhất phải có liên hệ tình cảm chứ.

Âm sắc trong giọng nói của Sinh đã tương đối rõ ràng:

- Nếu nghiên cứu kỹ lời lẽ trong thư , hẳn ông sẽ thấy tình cảm không có về... phía tôi. Tuy nhiên tôi xin kể đầu đuôi sự việc để ông hiểu rành mạch.

- Tôi hy vọng thế. Được, ông bắt đầu đi.

Sinh khẽ cựa quậy trên ghế, ho khan:

- Cách nay khoảng gần một năm, tôi và... cô Kiều quen nhau qua mạng lưới trên vi tính. Chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau những điện thư. Lỗi của tôi có lẽ là tôi đã... đùa cợt với chữ nghĩa khiến cô ta hiểu lầm tôi muốn gửi gấm tình cảm. Hè năm ngoái Kiều qua Na Uy tìm tôi. Nhận thấy Kiều đã có chiều hướng... yêu tôi đậm đà, tôi ân hận cho cô ta biết tôi đã có vợ con. Kiều trở về Đan Mạch trong nỗi thất vọng ê chề. Tôi dùng những điện thư để tiếp tục khuyên giải Kiều hãy quên tôi đi, nhưng cô ta dường như không muốn nghe theo.

- Thế hai người đã có gì với nhau chưa?

- Có gì là... nghĩa gì?

- Sex.

- Tôi có cần trả lời câu hỏi quá riêng tư này không?

- Thôi được, ông kể tiếp đi.

- Chủ nhật vừa rồi Kiều lại qua Na Uy. Một lần nữa tôi cho Kiều biết dứt khoát tôi không bao giờ có ý định xa lìa vợ tôi để yêu thương một người đàn bà nào khác. Tôi mừng thầm khi thấy cô ta tỏ vẻ thông hiểu hoàn cảnh, nói đành chấp nhận sự an bài của định mệnh vậy. Chúng tôi dùng bữa tối với nhau, chia tay để sáng hôm sau cô ấy trở về Đan Mạch. Ai ngờ...

Cổ họng Sinh bỗng cứng lại. Không khí trong phòng nặng hơn nữa. Lúc sau Henrik tháo cặp kính nhét vào túi áo trên ngực, thảy mạnh cây bút lên mặt bàn rồi xếp tập hồ sơ vào ngăn kéo tủ sắt:

- Hôm nay coi như tạm đủ, chúng ta sẽ còn phải làm việc nhiều nữa. Bây giờ ông vào nhà thương với tôi để nhận diện nạïn nhân. Được chứ?

Sinh lặng thinh, đẩy ghế đứng lên.

Gió lạnh bên ngoài không giúp Sinh tỉnh táo hơn. Sinh theo sau ông Henrik ra xe. Đầu cúi nhìn đất. Những bước chân nặng chịch. Dọc đường hai người không nói với nhau câu nào.

Nhân viên trực phòng xác bật đèn. Ánh sáng xanh nhợt gây thêm sự lạnh lẽo. Hai bàn tay Sinh nắm chặt lại trong túi áo khoác. Gã nhân viên liếc nhìn Sinh, rất nhanh. Sinh tưởng như hai người kia cũng nghe được tiếng tim đập của mình. Gã nhân viên kéo chiếc hộp sắt hình quan tài nằm sâu trong vách tường. Nhẹ nhàng, cẩn thận như thể gã cũng ngại làm người nằm bên trong thức giấc. Sinh cắn xiết hai hàm răng. Đôi môi khô nẻ bậm lại, muốn bật máu. Tấm vải che tử thi được lật lên. Một bộ mặt trắng bệch hiện ra. Méo mó. Các nếp da nhăn nhúm, hoằn sâu. Mái tóc cắt ngắn kết vào nhau, cứng khô dựng đứng. Sinh nhìn đăm đăm. Kiều đó. Tiếng ông Henrik sát bên tai:

- Đúng bà ta không?

Sinh gật đầu. Như cái máy. Trong khi toàn thân vẫn bủn rủn. Gã nhân viên trực nháy một bên mắt với Sinh:

- Chiều, văn phòng mai táng sẽ cho người tới trang điểm, lại... trẻ đẹp đấy mà.

Giọng gã đều đều. Như thể gã đang vừa nhai bánh mì vừa tán chuyện túc cầu. Sinh muốn đưa tay vuốt mi mắt của Kiều cho khép kín lại. Gã nhân viên hất hàm:

- Đủ chưa?

Sinh chưa kịp trả lời, bỗng lùi lại. Mặt Sinh biến đổi, tái mét. Tay quơ quơ. Chân muốn khuỵu xuống.

- Ông có sao không?

Miệng Sinh lắp bắp. Trong chiếc hộp sắt, rõ ràng xác chết động đậy. Kiều còn sống. Mắt Kiều mở ra, chớp chớp. Đôi môi chúm chím, cười. Sinh chống tay vào mép bàn bên cạnh, lấy lại hồn vía, quay đầu chạy. Đàng sau, tiếng gọi của hai người đàn ông đuổi theo. Văng vẳng có cả giọng cười ròn tan của Kiều.

Cả ngày hôm đó Sinh không ăn uống gì, nôn mửa mấy lần. Thư hỏi anh làm sao vậy, Sinh không đáp. Vợ Sinh không thắc mắc nữa.

*

- Cám ơn anh đã vào nhà xác thăm em, nhờ vậy em mới theo anh về đây được chứ. Từ nay em sẽ không xa anh nữa đâu!

- Cô sống khôn, chết thiêng thì xin hãy buông tha cho tôi!

- Anh vẫn còn giận em à? Tại anh cứ giấu em địa chỉ nên em mới đề đại tên sở làm của anh trên lá thư tuyệt mệnh khiến cảnh sát tìm đến làm phiền anh.

- Dại dột! Cô... quá đáng lắm!

- Anh còn giận em dữ vậy sao? Thôi cho em xin lỗi! Nhưng anh ơi, không thế, làm sao anh biết em đã chết mà xót thương em. Nằm trong hộp sắt ở nhà xác, em thấy rõ rệt anh đã xúc động, mắt anh rưng rưng muốn khóc. Lúc đó, anh biết không, em sung sướng hết sức, nghĩ mình đã làm đúng khi chọn cái chết. Và nhờ vậy, chúng mình đã được cơ may gần nhau thế này.

- Cô hãy nghe rõ này, tôi nhắc lại lần nữa, bây giờ bằng linh hồn chắc chắn cô sẽ hiểu thấu đáo hơn khi cô còn mang thân xác nặng nề.

- Vâng, anh nói đi, em nghe anh đây. Hay là để em nói trước: Em yêu anh vô cùng!

- Tôi rất quí cô, nhưng... yêu thì không bao giờ!

- Tại sao anh cứ mãi mãi từ chối tình yêu chân thật của em? Như em đã nói khi còn sống, ngay giây phút đầu tiên từ Đan Mạch lặn lội qua gặp anh, em đã cảm nhận anh đúng là người mà trái tim em hằng trông đợi. Em hiểu liền định mệnh đã an bài sự gắn bó vĩnh cửu cho đôi ta. Câu "tiếng sét ái tình", em ngỡ chỉ có trong tiểu thuyết, không ngờ lại ứng nghiệm cho cá nhân em. Tuy vậy khi anh khuyên em nên quên anh, em cũng vâng lời thử nghiệm. Trở về Đan Mạch, những ngày tháng sau đó đối với em thật vô cùng trống vắng. Em nhớ anh quay cuồng. Em quằn quại đêm ngày. Cuối cùng tri thức của em đã phải kết luận rằng em không thể thiếu anh trong đời. Thế là em lại trở qua Na Uy tìm anh để giãi bày tâm can, nhưng anh vẫn không chịu hiểu em.

- Nhưng tôi đã có gia đình.

- Thì sao? Em đâu đòi anh bỏ vợ con. Điều duy nhất em ước ao là được một lần anh xác nhận yêu em.

- Tôi không thể lừa dối cô. Tôi yêu vợ tôi. Thế thôi!

- Anh ơi, nay sống bằng linh hồn tuyệt đối của mình, em thấy và hiểu đến tận cùng sự việc của cuộc đời hữu hạn của anh. Chính anh đã và đang lừa dối anh. Ngày xưa anh và... chị Thư lấy nhau không vì tình yêu. Đúng vậy không? Anh cưới Thư vì mê nhan sắc chim sa cá lặn của chị ấy, còn Thư chấp nhận anh vì anh tốt nghiệp kỹ sư điện toán.

- Nhưng chúng tôi... hạnh phúc!

Bỗng có tiếng đế giầy lạch cạch trên sàn gỗ. Cửa phòng khách xịch mở. Thư bước lại sau lưng chồng. Sinh vẫn dõi mắt qua khung cửa kính nhìn ra khoảng trống bên ngoài. Thư kéo tay Sinh, thức tỉnh chồng:

- Anh cứ suốt ngày lảm nhảm! Đứng dưới bếp em vẫn nghe tiếng nói của anh rì rầm. Bộ không mỏi miệng sao! Bác sĩ cho anh nghỉ bệnh, ở nhà anh không làm gì thì ra ngoài đi dạo, cứ ngồi lì một chỗ nghĩ ngợi vơ vẩn rồi lầm bầm như đĩ khấn tiên sư. Không hiểu sao, đang yên sinh chứng tâm thần!

Sinh lặng lẽ mặc áo khoác, mở cửa đi ra. Trời lay phay mưa. Sinh lầm lũi bước. Chợt có tiếng gọi sau lưng:

- Anh! Chờ em với!

Đôi chân Sinh vẫn di chuyển. Giọng nói trong trẻo sóng bên:

- Chị Thư đang rên ở nhà.

Sinh quay người, lớn tiếng:

- Cô làm gì vợ tôi?

- Em không ưa điệu bộ vừa rồi của chị đối với anh. Thế mà anh bảo hạnh phúc! Em chỉ hất cho ly trà nóng đổ vào tay chị ấy.

- Cô mà đụng tới vợ con tôi, tôi sẽ không tha đâu!

- Anh an tâm, em hứa sẽ không làm hại gì vợ con anh. Nhưng nếu chị ấy... quá đáng, em chỉ xin... cảnh cáo thôi. Tại em yêu anh!

Sinh giơ nắm tay, quát:

- Câm mồm!

Những người Na Uy đi gần giật mình, trố mắt nhìn Sinh. Đôi chim hải âu đậu trên dây điện vụt bay. Mưa bắt đầu rơi nặng hạt hơn rồi ào ào xuống. Tóc tai mặt mũi Sinh ướt đẫm. Nước đã thấm qua mấy lớp áo, ướp lạnh da thịt Sinh. Đột nhiên Sinh như sực nhớ điều gì quan trọng, tất tưởi chạy ngược trở lại. Tung cửa vào nhà, Sinh gọi thất thanh em ơi, em ơi! Không một tiếng động trả lời. Sinh hốt hoảng chạy xuống nhà đậu xe. Thư đã ngồi trước tay lái, đang chờ máy nóng trước khi cho xe chuyển bánh. Miệng Sinh tiếp tục chu chéo, không thành tiếng. Tay vẫy vẫy ra hiệu cho vợ dừng lại. Thư quay kính xe xuống, thò đầu ra, cố hét to hơn tiếng động cơ:

- Có chuyện gì vậy?

Sinh ôm ngực, trấn áp cơn thở dốc:

- ... Xe hư... Bị...

Khuôn mặt Thư nhăn lại. Mi mắt nhướng lên, tỏ vẻ nghi ngờ. Nhưng rồi Thư cũng tắt máy, mở cửa xe bước ra:

- Xe em mới kiểm soát tuần trước. Sáng đưa con đi học, em lái thấy gì khác lạ đâu.

Sinh không nói gì, ngồi vào ghế tài xế. Sau vài cái nhún, Sinh khám phá ra dây thắng chân lẫn thắng tay đã bị đứt. Thư tái mặt. Sinh bảo vợ lấy xe của mình để đón con. Sinh đi được vài bước, Thư hỏi với theo:

- Anh, nhưng làm sao anh biết xe của em hư?

Không quay người lại, Sinh chỉ nhún vai thay câu trả lời.

Trở lên nhà, Sinh vẫn mặc cả áo khoác ướt, xuống thẳng bếp. Dáng vẻ giận dữ rõ rệt. Sinh lục lọi các ngăn tủ. Bếp núc không phải thế giới của Sinh. Mãi sau Sinh mới bật được tiếng reo. Đây rồi. Một chùm tỏi đựng trong bịch ni lông. Sinh bóc vỏ, rẽ củ thành nhánh. Cứ khoảng năm sáu nhánh tỏi Sinh lại bọc trong một miếng vải. Trong các góc nhà, dưới gầm giường của con, của mình, Sinh treo các túi vải đựng tỏi này. Xong, Sinh lại chọn những chiếc đũa tre, chặt ra khúc dài, khúc ngắn, kết thành nhiều hình thập tự rồi cũng treo khắp xó xỉnh. Một lúc lâu sau, mệt, Sinh ngồi thở.

Căn nhà vắng lặng. Sinh lắng tai. Chờ đợi. Chỉ có những tiếng hạt mưa nhảy lách tách trên mặt cửa kính. Sinh mỉm cười nhẹ. Lâu lắm Sinh mới lại nhếch rộng được cặp môi.

Thư kêu nhức đầu vào giường sớm. Hai đứa con nhỏ đã ngon giấc từ lâu. Sinh ngồi lại ở phòng khách. Các ngọn đèn đều tắt. Dạo này Sinh hay trầm mình trong bóng tối. Cảm thấy an toàn. Trí óc Sinh lại quay cuồng với bao hình ảnh. Nhưng thật ra thế giới riêng tư này của Sinh củng chẳng có một hệ thống gì cả. Rối bời. Đủ màu sắc. Đủ âm thanh. Đủ đường nét. Loạn xạ. Không cây cỏ. Toàn cát nóng màu lửa. Chẳng có sinh vật nào. Vẫn duy nhất chỉ mình Sinh. Tuyệt đối đơn độc.

Khoảng gần giữa khuya mi mắt Sinh trĩu nặng, muốn sụp xuống. Cơ thể Sinh mềm đi. Sinh cố gượng, chống lại. Sinh muốn thức nữa. Thế giới của Sinh đang chuyển động, lung linh huyền ảo. Nhưng người Sinh cứ rũ ra, từ từ đổ nhẹ xuống mặt nệm sô pha. Bỗng Sinh cảm thấy một hơi thở nóng, nhẹ nhưng dồn dập trên da mặt mình. Một cặp môi ươn ướt lướt trên trán, trên mắt, vòng xuống cổ rồi đậu lại, bám chặt lấy môi của Sinh. Đầu lưỡi lùa vào miệng Sinh, lượn quanh như muốn đùa giỡn với lưỡi Sinh. Toàn thân Sinh nóng lên dần. Sinh đáp ứng. Cũng tham lam. Bàn tay lần cởi các khuy áo rồi dải rút quần của Sinh. Rồi cũng đôi tay ấy xoa, nắn, mơn trớn từng phiến cơ thể Sinh khiến các tế bào bừng dạy, cháy bỏng. Một sức nặng đè lên Sinh. Nhún nhảy. Sinh vòng tay ôm lấy khối da thịt mềm mại nhưng hừng hực khí nóng bên trên. Rướn lên. Vỡ ào!...

Chiếc đồng hồ treo trên tường bỗng gõ một tiếng. Âm thanh khô, sắc cạnh. Sinh giật mình, mặc vội lại quần áo. Như kẻ mộng du, Sinh lững thững đi vào phòng ngủ. Dưới ánh đèn mờ ảo của ngọn đèn bàn, Thư đang ngon giấc.

 

*

- Đêm qua mình yêu nhau tuyệt vời, anh nhỉ.

- Cô hãy biến khỏi nhà tôi!

- Anh... đuổi em đi đâu bây giờ?

- Tôi không biết. Lên thiên đàng hay niết bàn hoặc xuống âm phủ, hỏa ngục... thì tùy số phận của cô.

- Nhưng ở bên anh, trong anh mới là nơi em phải hiện hữu.

- Đừng vớ vẩn nữa!

- Tại em yêu anh. Dù anh không muốn hay anh tìm cách này cách nọ để trừ khử em, em cũng không thể siêu thăng.

- Tôi không thua cô đâu.

- Mấy hôm trước, việc anh treo tỏi và hình thập tự chẳng mảy may ảnh hưởng tới em. Ngược lại, em thấy anh ngây thơ khờ khạo quá. Em còn nhớ trong Kinh Thánh, cuốn Tân ước có câu "người ta không thể làm tôi hai chủ". Anh vừa thờ thần dị đoan lại vừa cầu xin đức Chúa. Trong thâm tâm anh, thật tình anh chẳng tin gì cả. Đúng vậy không anh!

- Bịa đặt! Tôi không muốn nghe cô nói nữa.

- Anh yêu ơi, để em nhắc lại điều này nhé, theo tín ngưỡng của người bình dân, những ai chết oan ức thì vong hồn không thể siêu thoát. Trường hợp em cũng vậy thôi. Chỉ vì tình yêu đơn phương mà em... chết không nhắm mắt.

- Im đi!

- Tuy nhiên có một chân lý cũng của dân gian mà em nghĩ anh cũng thừa biết tuy rất đơn giản nhưng giá trị không những trong thế giới hữu hình của anh mà cả nơi vô hình của em nữa, ấy là chỉ có tình yêu hóa giải tình yêu. Anh còn nhớ chuyện Trương Chi - Mỵ Nương chứ? Chỉ khi những giọt nước mắt giao cảm của Mỵ Nương nhỏ xuống, khối tình của Trương Chi mới... tan được.

- Tôi... ghét cô...

- Sự thật làm anh đau đớn? Nhưng... không sao, anh ạ. Đau đớn đôi khi cũng là một thứ thống khoái.

Mặt Sinh tái nhợt. Tim thắt lại trong lồng ngực. Hơi thở tắc nghẹn. Mồ hôi tháo ra. Sinh ngã vật xuống, tay chân giật giật. Mắt trợn ngược. Vừa lúc đó Thư từ ngoài cửa bước vào nhà. Thấy vậy Thư vội vàng chạy tới đỡ lấy chồng, miệng gào, trời ơi, anh làm sao thế này. Anh! Anh!...

Chiếc bình hoa trên tủ chè đột nhiên rơi xuống trúng đỉnh đầu Thư. Máu phun bắn lên tường. Thư gục trên người Sinh, bất tỉnh. Một luồng gió mạnh thổi tung các màn cửa. Đèn trong nhà đồng loạt bật sáng. Dàn máy hát chuyển động. Một điệu nhạc vui tươi tấu lên rộn rã.

*

Lợi dụng ngày nghỉ, các con được đón qua chơi bên nhà bà ngoại, Thư dọn dẹp nhà cửa. Khi xếp lại đống vải cũ, Thư ngạc nhiên thấy một chiếc áo sơ mi của chồng nhét dưới đáy tủ. Theo thói quen Thư thường xem xét các túi áo, túi quần, lộn trái trước khi bỏ vào máy giặt. Thư vô tình tìm thấy một phong bì màu hồng ở túi áo bên trái. Mở ra, Thư ngạc nhiên thấy một tấm ảnh chụp bán thân một thiếu nữ. Lật úp tấm ảnh, mắt Thư lướt nhanh dòng chữ viết nắn nót "Mối tình mang xuống thuyền đài chưa tan". Da mặt Thư bừng nóng. Đầu muốn nổ tung. Thư hầm hầm chạy ra phòng khách. Sinh đang ngồi trầm ngâm như một thiền sư.

- Anh, hình ai đây?

Ngước cặp mắt lờ đờ nhìn vợ, Sinh lắc đầu. Thư gầm lên:

- À thì ra bấy lâu nay anh giả bệnh tâm thần, thật ra là anh sống trong mơ tưởng, nhớ thương tình nhân của anh.

Khuôn mặt Sinh đờ đẫn, không một cảm xúc. Thư càng sôi tiết:

- Anh phải khai thật, con đĩ nào đây? Bằng không, sẽ tan cửa nát nhà cho mà xem! Anh tưởng giấu mãi được à?

Sinh vẫn ngồi bất động trên ghế sô pha. Chợt giọng nói quen thuộc lại thì thầm trong đầu óc Sinh:

(Ảnh này em chụp vào ngày đầu tiên chúng mình gặp nhau, đó anh. Em mới bỏ vào túi áo anh hồi chiều hôm qua. Không ngờ... chị tìm thấy, tội nghiệp anh yêu của em quá!)

Sinh bật dạy, hét:

- Cô câm họng!

Phản ứng bất ngờ của Sinh khiến nỗi căm giận trong Thư dâng lên tột cùng:

- À, anh muốn vừa đánh trống vừa ăn cướp, phải không! Anh ngoại tình cho đã, còn buộc tôi phải câm. Đồ khốn nạn! Sở khanh!

Choảng! Thư hất tung bộ ly trên bàn xuống sàn. Tiếng thủy tinh cắt xé không gian. Mảnh vỡ bay tung tóe. Sinh trợn mắt, ngơ ngác.

(Chị ghen quá, anh nhỉ. Đó chỉ mới là một tấm hình, chị mà biết sự thật em yêu anh đến thế nào, chắc chị còn ghen dữ dội gấp bội. Nhưng anh đừng lo, đã có em bên cạnh anh.)

Sinh vung tay, miệng gào:

- Không thèm! Xéo đi! Tôi không bao giờ yêu cô!

Thư đập thêm hai ba bình hoa nữa, đạp đổ dàn máy hát, đẩy ngã tủ đựng chén bát kiểu, chu chéo:

- Tôi không đi đâu cả. Anh không yêu tôi vì anh đã có con đĩ đó rồi. Từ nay, tôi cũng chẳng thèm vợ chồng với anh nữa. Đường ai nấy đi!

Sinh lại thả mình xuống nệm ghế. Hai tay ôm thái dương. Giọng nói tiếp tục vẳng lên trong đầu Sinh:

(Chị chỉ dọa già thế thôi, sức mấy chị buông tha anh. Em cầu mong chị làm thật như chị vừa nói. Em thề...)

Lập tức Sinh vớ chiếc đèn bàn đặt trong góc phòng, giật mạnh, đập tứ tung vào không trống:

- Không thề bồi gì hết, có giỏi hiện ra đây! Tôi sẵn sàng giết cô lần nữa!

Thư sấn sổ đến trước mặt Sinh, hùng hổ:

- Đây, tôi tới đây! Tôi thách anh giết tôi đấy!

Thư vừa dứt câu, bỗng một huyền lực đẩy Thư bật ngửa ra, quật Thư mạnh xuống sàn nhà. Mặt Thư bị một mảnh thủy tinh cứa bật máu. Sinh chết sững. Miệng ú ớ. Thư bò dạy, chạy tìm điện thoại, bấm số cấp cứu. Thư vừa khóc vừa kể lể trong máy. Rất thảm thương. Nguy kịch. Một lúc sau xe cảnh sát hú còi đậu trước cổng nhà. Tay Sinh vẫn cầm chiếc đèn bàn. Cảnh tượng đổ vỡ. Máu, nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt người đàn bà. Đầy những tang chứng của sự bạo hành. Cảnh sát còng tay Sinh.

*

Người lập biên bản lại vẫn là Henrik. Dĩ nhiên ông ta nhớ ngay anh chàng Việt Nam trung niên này. Mặt mũi sáng sủa, bảnh trai. Giọng nói nhỏ nhẹ, trầm ấm. Điệu bộ thanh nhã, lịch sự. Có điều lần này anh chàng nói năng lung tung, kể chuyện ma quái, hồn nhập, thỉnh thoảng cất tiếng cười sằng sặc hoặc khóc nức nở. Henrik không ngạc nhiên. Ngày vào nhà xác để nhận diện nạn nhân, thình lình anh chàng bỏ chạy hốt hoảng đã là một dấu hiệu bất thường. Sau đó Henrik hỏi thăm sở làm, người ta cho biết người Việt Nam này nghỉ bệnh, nghe nói có triệu chứng tâm thần rối loạn. Henrik liên lạc với bác sĩ điều trị, được xác nhận sự kiện. Thành thử thay vì truy tố tội hành sử bạo lực đối với người phối ngẫu, Henrik đề nghị đưa anh chàng vào bệnh viện tâm trí.

Buổi chiều cùng ngày, nhân viên bệnh viện đến đón Sinh từ ty cảnh sát. Người ta choàng cho Sinh chiếc áo vải thô cứng, màu trắng ngà với những dải buộc sau lưng. Hai cách tay của Sinh bị bó lại. Đôi mắt Sinh dường như đã lạc thần. Khuôn mặt mang đày vẻ hoang vu. Hai nhân viên Na Uy to lớn xách nách Sinh dẫn ra xe cứu thương. Miệng Sinh không ngớt lẫm bẩm.

Bà giám đốc bệnh viện đứng đón Sinh ở hành lang. Bà mỉm cười xã giao. Sinh gầm gừ. Nụ cười tắt ngay. Sinh được đưa vào văn phòng bác sĩ trực. Thủ tục nhập viện diễn ra nhanh chóng. Bà giám đốc nói như khoe với bác sĩ:

- May quá viện mình mới tuyển được một nữ y táViệt Nam chuyên khoa. Tôi đề nghị giao bệnh nhân này cho cô ta phụ trách riêng. Dù gì đồng hương với nhau, nhất là cùng ngôn ngữ, họ giúp nhau dễ dàng hơn.

Viên bác sĩ gật gù:

- Đồng ý. Vậy tốt lắm.

Sinh tỏ dấu sợ hãi, ngồi bó gối, gập mình trong góc căn phòng nhỏ, trống trải đồ đạc. Nữ y tá người Việt hé cửa, lách vào. Bảng tên đeo trước ngực nổi bật trên nền áo trắng: Vuong Thuy Kieu. Cô ta tiến lại phía Sinh. Những bước chân nhẹ nhàng như thể không chạm mặt đất. Giọng ngọt ngào thì thầm bên tai Sinh:

- Đã có em, anh đừng sợ, anh nhé. Từ nay em sẽ chăm sóc anh đến cuối đời. Mình có nhau mãi mãi, nghe anh!

HOÀI MỸ

(Nguồn: Hợp Lưu 70)

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 34878)
Đọc truyện Thái Bảo đưa người đọc vào những bất ngờ và con đường đưa đến những bất ngờ đầy những lôi cuốn đưa đẩy với các chi tiết được bố trí khéo léo xung quanh nhiều khúc mắc hấp dẫn.Thái Bảo viết phong phú, trải rộng từ Đông sang Tây, đi ngược về quá khứ, trở về hiện tại, đi sâu vào những giấc mơ ác mộng rồi quay về thực tại...Thái Bảo tốt nghiệp bác sĩ tại Việt Nam và hiện nay đang nghiên cứu khoa học, lãnh vực nano sinh hóa tại tiểu bang Florida, Hoa Kỳ. Hợp Lưu trân trọng giới thiệu các truyện ngắn đặc sắc của Thái Bảo đến quí độc giả và văn hữu.
08 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 30492)
“Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh?” là một tranh luận lâu đời giữa các nhà văn. Tại Việt Nam, câu hỏi này chìm khuất vào trong chiến tranh rồi chịu kiểm soát của Ban Tuyên giáo. Tại Nam Mỹ, dấn thân vẫn còn là nguyên liệu của sáng tác và Santiago Sylvester nhắc lại một lần nữa ý nghĩa cùng điều kiện của dấn thân. [Trần Vũ]
08 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 32863)
Khiếm khuyết lớn của dân tộc Việt là đã say mê khía cạnh chính trị của chiến tranh mà lãng quên khía cạnh thuần học thuật, quân sự của chiến tranh. Clausewitz nổi tiếng với mệnh đề thường xuyên được trích dẫn: "Chiến tranh là cánh tay nối dài của chính trị." Nhưng Clausewitz không viết duy nhất một mệnh đề này, mà soạn thảo tám tổng tập Cẩm nang Chiến tranh mà cho đến phút này vẫn chưa được dịch sang tiếng Việt, ngay cả tóm lược .
01 Tháng Chín 20141:42 SA(Xem: 30970)
Tôi người mộng du - nhập vào mộng du - bước xuống cánh đồng . Tôi từ cánh đồng - lội tìm Suối khe - ngược lên đồi núi .. Tôi nghe hương hoa , tôi nghe mùi vị gió , tôi nghe mưa , tôi nghe hơi thở là lạ lá Tôi bắt gặp con Sâu .
27 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 35780)
LTS. “Nghệ Sĩ Lưu Vong”, đó là nhan đề cuốn sách của Jane Katz, phỏng vấn các văn nghệ sĩ thế giới tới tỵ nạn trên đất Mỹ...Cuộc phỏng vấn Mai Thảo, được thực hiện ngày 10 tháng 07, 1980...Và sau đây là bản lược dịch của Tâm Bình từ nguyên bản tiếng Anh, trích từ cuốn sách Artists in Exile, American Odyssey của Jane Katz do Stein & Day Publishers, New York xuất bản 1983.
27 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 33797)
Gia đình chúng tôi có mười bốn anh chị em, gồm năm anh em trai và chín chị em gái. Anh Mai Thảo là người thứ năm trong gia đình. Hai người chị và một người em gái mất sớm. Tới năm 1975, chúng tôi còn lại là mười một người. Tính theo anh em trai, anh là con trai thứ ba. Anh cả tôi là Nguyễn Đăng Thiện, anh kế là Nguyễn Đăng Viên rồi đến chị Tuyết là người chị gái đã mất vì bệnh thương hàn năm chị hai mươi tuổi. Tiếp đến là anh Mai Thảo...
27 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 36002)
Tôi ít thấy ai yêu thơ như Mai Thảo. Thuộc rất nhiều thơ, đặc biệt thơ tiền chiến và thơ những năm đầu kháng chiến, Mai Thảo có thể nói chuyện về thơ miên man từ giờ này sang giờ khác, từ ngày này sang ngày khác. Dường như chỉ khi nói chuyện về thơ, Mai Thảo mới hoạt bát, sôi nổi, say sưa, gửi hết hồn mình trong từng tiếng trầm tiếng bổng. Ly rượu trên tay, đầu lắc lư, mắt lim dim, Mai Thảo nói về thơ với giọng vừa xúc động như khi người ta kể lại một mối tình đầu, vừa thành kính như một con chiên kể về cuộc đời của Người Cứu Thế. Với Mai Thảo, thơ là cái gì thiêng liêng, rất đỗi thiêng liêng, như một tôn giáo. Với Mai Thảo, thơ, "chỉ thơ, mới là ngôn ngữ, là tiếng nói tận cùng và chung quyết của văn chương"
27 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 33946)
Chiến tranh kết thúc trên quê hương cô. Gió hòa bình thổi suốt từ bắc chí nam. Nhà nhà say mê chiến thắng. Người người ngột ngạt với cơn sốc hòa bình. Không còn ai nhớ đến lỗ hổng nơi trái tim cô.
24 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 35325)
Nàng gặp một tỳ kheo. T ỳ kheo hỏi: Con đã quy y sao lại mê cờ bạc? Gia Ái đáp: Dạ, trong năm đều răn của nhà Phật (2) không có điều nào cấm cờ bạc. Tỳ kheo khẳng định: cờ bạc là gian dối… Gia Ái đáp: Dạ, càng không. Ở xứ Mỹ, đánh bạc trong các sòng bài đều minh bạch. Đánh bạc là một nghệ thuật kế hợp giữa trí tuệ và may mắn. Tỳ kheo lắc đầu, bỏ đi. Cờ bạc dễ kéo theo sân si. Tiếng xào xạc lá cây bồ đề khô xa dần xa dần rồi mất hút.
21 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 30695)
T ối nay em uống rượu gì Anh muốn biết nỗi buồn trôi đi bằng giọt trắng sake hay màu nho tím Hay em lại đốt vàng mã để hối lộ nỗi buồn đi xa Hay em đang viết những giòng thơ không hồi kết cuộc