- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THẤP THOÁNG MÙA XUÂN

23 Tháng Giêng 202012:31 SA(Xem: 16447)

SUONG 2
Sương sớm mai - photo UL

VỀ NHÉ THÁNG GIÊNG

 

Về cùng tôi nhé tháng giêng

Một bờ cỏ dại triền miên hoa vàng

Tôi về dừng bước lang thang

Ngồi bên thềm cửa . Nắng tràn đầy sân.

 

Ngỡ như gió gọi mùa xuân

Gọi thời thơ ấu bâng khuâng trở về

Nghe chừng tiếng dế thầm thì

Vẳng từ ký ức rậm rì cỏ hoa.

 

Tuổi thơ đã bỏ tôi xa

Như dòng sông đã rời xa cội nguồn

Chỉ còn lại con nước suông

Soi năm tháng hắt hiu buồn rớt rơi.

 

Tôi về ngồi giữa chơi vơi

Bàng hoàng nghe nhịp đất trời chuyển xuân

Chắt chiu quên nhớ một lần

Nghiêng tay thả xuống lưng chừng tháng giêng.

 

Biển Cát

 

 

GĨU ÁO XUÂN PHAI

 

Người về giũ áo xuân phai

Chút hương mùa cũ còn lay lắt chiều

Nắng vương nửa bãi thềm rêu

Còn tôi đứng đợi đìu hiu từng ngày

Người về chiếc bóng ngã dài

Bâng khuâng ánh mắt trĩu đầy nỗi đau

Ngập ngừng chẳng gọi tên nhau

Bàn tay từng ngón xanh xao buốt lòng.

 

Biển Cát 

 

 

THẤP THOÁNG MÙA XUÂN

 

1.

 

Nghiêng ngày

Nắng đổ đầy vai

Chồi vươn lộc biếc

Gió vờn lắt lay

Vườn xưa

Ngan ngát hoàng mai

Nhìn quanh chỉ thấy

Vàng dài hiên mây

 

Hình như

Lâu lắm

Nơi đây...

Có người đã hẹn

Rồi quên quay về.

 

 

 

2.

 

Chỉ là

Chút nắng lưng trời

Nghĩ làm chi

Nhớ làm chi

Cho buồn

Dòng sông

Con nước chảy suông

Về thôi kẻo muộn

Gió luồn

Buốt vai.

 

Mùa xuân

Ai chẳng chờ ai

Tội con mắt nhớ

Cứ hoài

Long lanh.

 

 

 

3.

 

Năm xưa

Mẹ đợi con về

Trầm hương quạnh quẽ

Giao thừa không con

Ra vào

Bóng mẹ héo hon

Con còn mê mải

Đầu non

Cuối ghềnh.

 

Ngày dài

Tháng rộng

Mông mênh

Mẹ như sương khói

Lênh đênh

Bên trời.

 

Bão giông

Góp lại bời bời

Bên thềm lặng lẽ

Con ngồi

Rưng rưng.

 

Tiếng gọi

Mẹ !

Rớt lưng chừng

Con chim tu hú

Ngập ngừng

Bay lên.

 

 

Biển Cát

 

 

 

THÁNG GIÊNG CỔ TÍCH

 

Tháng giêng đọng trên môi em giọt nắng

Để vườn mai thơm ngát mãi chiều xưa

Con chim nhỏ nghiêng đầu cong giọng hót

Ríu rít chiều theo màu nắng đong đưa.

 

Tháng giêng trải một màu nhung mươn mướt

Đón bước chân em qua thảm cỏ xanh

Mây vương vấn vờn quanh tà áo mỏng

Bờ vai gầy như cánh vạc mong manh.

 

Tháng giêng thổi thì thầm vào ngọn gió

Rì rào hàng cây cho lá hát lao xao

Em tóc xõa giữa mênh mang là gió

Quyện ngang trời những sợi tóc chênh chao.

 

Và tháng giêng đưa người xa biền biệt

Giữa vườn mai giọt nắng rớt cơn đau

Chim dấu mỏ ngậm lời sầu buôn buốt

Chiều quạnh hiu theo màu nắng phai mau.

 

Còn lại tôi với tháng ngày lặng lẽ

Về lại đây nghe gió khóc mùa xưa

Nhìn mây trời ngỡ tóc em ngày cũ

Nỗi nhớ vươn dài từng nhịp nhặt thưa.

 

Từ em đi tháng giêng là dĩ vãng

Những sắc màu nhoà nhạt giữa nhớ quên

Mùi cỏ dại và hoa vàng bảng lãng

Thoảng xa gần trong ký ức mù sương.

 

Cảm ơn em và tháng giêng cổ tích

Đã một lần ghé lại bến đời tôi

Cho tôi biết tình yêu là có thật

Dẫu nỗi đau sắc ngọt đến vô cùng.

 

 

BIỂN CÁT

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 100664)
“ B ây giờ tôi mới hiểu: thì ra con người đối với Hồ Chí Minh chẳng là cái gì. Ông mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới, sao vàng năm cánh mộng hồn quanh. Con rồng, ai cũng biết, là biểu tượng của nhà vua. Ông mơ cưỡi nó thì ông đâu phải là một người trong chúng ta.[...] Con người là vốn quý nhất , tôi từng nghe ông nói với mọi người trong lần gặp anh hùng La Văn Cầu ở Thác Dẫng, mùa thu năm 1950. Stalin cũng nói thế. Mao Trạch-đông cũng nói thế.Mà đúng: con người chỉ là vốn thôi, để kinh doanh cái gì đó. Khi là vốn, nó thôi là Người ,” (Vũ Thư Hiên)
27 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 130079)
C ó bữa niềm vui chui qua cái trôn kim Gõ cửa và nói Đã đến giờ thay ca! Nhưng tôi từ chối Tôi yêu nỗi buồn của mình Nó nhen lên ngọn lửa Từ tâm từ tâm...
25 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 126866)
l ời đã chết từ khi vượt cạn đi tìm nhau mới biết con đường gần mà lại vòng vèo như ruột non ruột già nên câu thơ có hình đa giác
23 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 126562)
C huyến xe Kinh kỳ đi xuống phía anh phố nguyên từng nắm người nguyên từng gói cười nguyên từng lố khóc nguyên từng chén ô hô...
22 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 103454)
N hà văn Lữ Thị Mai kết duyên cùng .. .
21 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 100126)
Q ua những bài dạy sử địa từ cấp đồng ấu tiểu học của thế kỷ XX-XXI, sách giáo khoa chữ Việt mới (dựa trên chữ cái Latin, tiêu biểu là cuốn bài giảng sử ký và địa dư dùng cho các lớp Dự bị và Sơ đẳng bậc tiểu học của Trần Trọng Kim và Đỗ Đình Phúc xuất bản lần đầu năm 1927) lịch sử Việt Nam khởi từ nhà Hồng Bàng (2879-258 Trước Tây Lịch [TTL] kỷ nguyên), với mười tám [18] vua Hùng hay Hùng vương [Xiong wang].
21 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 94656)
V ới thời gian, làm sao hàn gắn được lòng tin cậy đang bị sứt mẻ, để tiến tới được một Tinh Thần Sông Mekong như một mẫu số chung, nối kết các quốc gia trong vùng. Điều ấy cũng đòi hỏi giới lãnh đạo có tầm nhìn xa, biết hướng tới sự thịnh vượng cho toàn vùng thay vì chỉ thấy mối lợi cục bộ trước mắt nhưng với cái giá lâu dài phải trả của chính mình và của các nước lân bang.
21 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 100306)
K hi tầu đi ngang qua tượng Đức Trần Hưng Đạo, tôi thấy ngài vẫn đứng uy nghiêm, tay cầm kiếm chỉ xuống dòng sông. Tôi chợt nhớ đến lời nguyền của ngài “Nếu không thắng giặc Nguyên, ta sẽ không trở về con sông này nữa”. Bất giác, tôi tự nói thầm nếu không tìm được Tự Do, chắc mình cũng không thể trở lại được con sông này.
21 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 102959)
“Xin đừng gọi tôi là nhiếp ảnh gia chiến trường, tôi chỉ là một nhiếp ảnh gia mà thôi." Đó là lời của Don McCullin, một nhiếp ảnh gia người Anh được coi là cây đại thụ trong làng nhiếp ảnh Anh quốc, với hơn 50 kinh nghiệm chụp ảnh các cuộc chiến từ Berlin, Việt Nam, Campuchia, đến Bangladesh và Trung Đông.
11 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 91878)
T rong văn học sử Hoa Kỳ có hai hiện tượng nổi bật với nhiều điểm giống nhau, đó là nữ văn sĩ Margaret Michell với cuốn Gone With The Wind (1936) và nữ văn sĩ Harper Lee với cuốn To Kill A Mockingbird (1960). Cà hai cuốn tiểu thuyết cùng có bối cảnh là miền Nam Hoa Kỳ, cùng khai thác đề tài xung đột chủng tộc (da trắng và da đen), cùng bán được mỗi cuốn trên 30 triệu ấn bản (tính tới năm 2008). Cả hai tác phẩm lại cùng được giải Pulitzer danh giá, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, và dựng thành phim rất thành công, chiếm được nhiều giải Oscar.