- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Phiên toà

02 Tháng Tư 201911:03 CH(Xem: 20489)


Phien_Toa-bw
Phiên tòa - ảnh INTERNET

      Vân ra toà ly dị vợ.

      Thì chuyện đôi lứa nay hợp mai tan, thường mà. Ở thành phố bây giờ, ít ai quan tâm đến những cái phiên toà như vậy. Mà thực ra ly dị giờ êm lắm, mấy khi ồn ào toà tiếc lôi thôi đâu. Thuận tình ly hôn, đến toà hai anh chị đương kim vợ chồng, ký rẹt rẹt trước mặt thẩm phán là xong. Thành ra luôn cựu vợ cựu chồng.

     Cực chẳng đã mới phải lôi nhau ra toà.

     Phải đưa nhau ra toà để phân xử ly dị chỉ có hai lý do, một là con cái, hai là tài sản.

Tài sản thì hơn chục năm ở với nhau, vợ chồng tích cóp mua được căn cấp bốn hai mươi nhăm mét vuông trong hẻm mạn Bình Tân. Thêm cái ki ốt nhỏ cho thuê trên chợ Kim Biên, quận năm, mỗi tháng vẫn có vài triệu chi tiêu, cũng đỡ. Nay bỏ, thống nhất rồi, bán hết chia đôi, đồ đạc cũ không thèm tính. Của anh anh mang, của nàng nàng xách. Gọn. Chỉ còn vấn đề là hai thằng con trai. Một thằng mười lăm, một thằng mười hai.

     Mấy thằng bạn Vân bảo, mỗi đứa nuôi một thằng, khỏi ra toà chia chác hỏi han lôi thôi, tổn thương tâm hồn non nớt ngây thơ của chúng. Khoẻ.

     Nhung, vợ Vân (quên, cựu vợ) nói, tui nuôi thằng lớn, ông nuôi thằng nhỏ. Xong à.

     Nhưng mà suốt thời gian qua, Vân cứ bần thần không yên. Hai anh em nó quấn nhau lắm, giờ chia mỗi thằng mỗi ngả biết nói sao.

     Vân khó nghĩ quá.

     Hai thằng con, một tay Vân chăm sóc, nâng giấc. Vân mà có cái bụng đàn bà để đẻ và cái tí cho con, Vân cũng chả cần đến vợ làm chi cho nhọc.

     Buổi sáng Vân dậy từ bốn giờ, nấu cơm, để cho má con ôm nhau ngủ yên trên gác xép. Xong, lấy xe máy đi giao mấy mối hàng. Sáu giờ vòng lại nhà, đánh thức vợ con dậy, dọn cho thằng lớn ăn còn đến lớp. Dỗ thằng nhỏ ăn để má nó yên bữa. Bảy giờ, Vân lại có mặt ở công ty. Trưa qua nhà nấu cơm. Chiều cũng vậy. Tối tranh thủ đi bỏ thêm mấy mối hàng. Khuya lắc mới về tắm giặt, rũ đồ cho vợ con luôn thể. Vợ Vân chỉ ở nhà bế con. Ngày nào, tháng nào cũng thế. Hàng năm, hàng chục năm nay cũng vẫn thế. Hàng xóm, bạn bè trong công ty bảo, người Vân bằng sắt chứ không phải thịt da.

     Thế mà Nhung bỏ Vân.

     Nhung nói không thể chịu đựng được hơn nữa. Không thể ở nổi với ông chồng cả ngày chỉ cắm mặt xuống, buôn bán những thứ đồ vớ vẩn ở đất Sài Gòn đô hội này thì bao giờ mới khá chứ. Vợ con người ta lên xe xuống ngựa, quần áo xênh xang, vàng đeo đỏ tay, tối đi nhà hàng. Đằng này… không nói nữa.

    Vân làm công nhân ở một cái xưởng nhỏ gần nhà. Tranh thủ buôn bán thêm những thứ gia vị bắc bán cho các quán thịt cầy quanh vùng. Vân khá đắt hàng vì làm ăn tín nhiệm. Có khi quán thiếu vài kí giềng, Vân cũng sẵn lòng phóng xe mươi cây mang đến. Gặp lúc đông khách quá, Vân cũng sẵn sàng ghé hộ luôn một tay, chả nề hà gì từ bưng bê hay chạy lấy thêm cho khách chai rượu, nắm rau thơm.

     Lương công nhân, tiền cho thuê ki ốt, thu nhập từ bỏ mối gia vị thịt cầy của Vân cũng đủ để chi tiêu trong nhà, dư chút đỉnh. Vân tính chắt bóp để đổi lấy căn nhà rộng hơn. Hai thằng con cũng lớn rồi. Mà Nhung, mỗi lần làm tình, rất ồn ào. Nhung bảo là những lúc như thế, cần xả láng, không cần biết đến xung quanh làm gì, chỉ cần quan tâm đến cảm xúc cá nhân. Vân nghe thấy là lạ. Một cô công nhân chưa học hết phổ thông, nghỉ việc ở nhà trông con, suốt ngày loanh quanh tám chuyện với hàng xóm, sao lại biết nói những lời ấy.

    Nhưng mà Vân thấy ngường ngượng với hai thằng con trai. Nhất là thằng lớn. Năm nay nó đã mười năm tuổi, gần thành người lớn rồi. Vân rất yêu nó. Vì nó cũng mê bóng đá. Dù bận, nhưng một tuần Vân vẫn dành ra hai buổi chiều đi đá bóng để ba con có thời gian tâm sự với nhau. Thằng nhỏ em vẫn tỵ với anh là ba chiều anh hơn nó, ba toàn mua quần áo mới cho anh, bắt em mặc đồ cũ của anh. Nghe thằng bé con nói vậy, Vân cười, bảo anh là con cả trong nhà, nay mai sẽ gánh vác mọi việc, nên giờ phải ưu tiên anh ấy.

     Hôm biết là ba má không hàn gắn được. Nó rủ Vân đi đá bóng, nhưng hai ba con lại vào ngồi quán nước mía nói chuyện. Nó bảo là hai anh em nó đã bàn nhau và quyết định chỉ ở với Vân, quyết không nhận má nữa.

     Vân rớt nước mắt nói, con nên thương và thông cảm với má. Má con ở với ba cũng khổ vì chả được bằng người ta, chỉ vì ba kém cỏi.

    Thằng bé nói, má bỏ đi theo trai, ăn chơi xả láng một mình, có gì mà thương.

Vân không biết nói sao. Thấy mình có lỗi, chả giữ được má cho hai con. Nhung ở nhà, bế con đi chơi rong hàng xóm chán, lê la ngồi quán xá. Gặp một tay phong độ. Tay đó nói là đời phải cháy hết mình. Luôn và ngay. Mai xuống đất đen, như nhau cả. Sống le lói, dưa cà kho quẹt cũng là đời. Uổng. Uổng cả cái nhan sắc gái hai con rờ rỡ đi. Tưởng nói chơi vậy mà thành thật. Nhung mang hết tiền nhà, bỏ đi với chả, ngao du sơn thuỷ. Lên tận Sa Pa. Tiêu hết. Rồi về đòi ly dị chia nhà, chia con.

      Hôm xử, toà kêu cả hai đứa con ra hỏi ý kiến.

      Thằng nhỏ: Con ở với ba không đi đâu hết.

      Thằng lớn: Con ở với ba với em. Ai đi đâu thì đi tuốt luôn đi.

      Nhung gào lên: Trời ơi, mày có biết ông ấy không phải là ba đẻ của mày không?

      Con: Biết.

      Nhung: Biết sao còn đòi ở với ổng?

      Con: Vì đấy là ba con.

Thì Nhung lấy Vân khi đã có chửa thằng lớn. Người yêu là bạn Vân, bị tai nạn chết. Vân thương, đứng ra chăm mẹ con Nhung, rồi cưới.

Tan toà, ba cha con nhà Vân chở nhau trên cái xe tám mốt chiến, đằng sau, đằng trước đèo thêm mấy giỏ giềng, sả, hành ngò. Họ đi về mạn Bình Tân.

 

Trần Thanh Cảnh

     

Ý kiến bạn đọc
04 Tháng Tư 20195:07 SA
Khách
Truyện hay, ly hôn bây giờ đơn giản. Nhưng " Hậu " ly hôn thì ai chịu, Xã hội à ?
03 Tháng Tư 201910:21 CH
Khách
Rất hay nhưng cũng rất buồn.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 30692)
Được tin vui Nhà văn Phạm Ngọc Lương kết duyên cùng Adam Charles Betz, hôn lễ được cử hành vào ngày 12/01/2014 tại Hải Phòng - Việt Nam.
03 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 35727)
nó chạy trên các đầu ngón chân như buổi sáng người ta đưa tin về một người đã chết sau khi nhận huy hiệu 30, 40, 50 hay 60 năm nằm trong tờ báo thơ đang ngồi đọc phía sau nhà
03 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 35300)
N gày khởi sắc em đi tìm anh như ban mai tìm mặt trời em đi tìm anh tia nắng nào trườn mình qua khe lá anh trơn tuột xuyên thấu em thấm đẫm
02 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 37969)
C uối cùng, tôi cũng đến Phnom Penh. Phnom Penh của Hậu, Phnom Penh của tôi trong trí tưởng tượng. Tôi đẩy xe hành lý qua hải quan. Tôi chờ đợi những âm thanh náo động bên ngoài như năm nào tôi về phi trường Tân Sơn Nhất. Hai cánh cửa mở ra. Hơi nóng ngột ngạt bốc lên mặt. Tiếng lá cây rì rào xen trong tiếng người nói nhè nhẹ khiến tôi bỡ ngỡ. Phi trường Phnom Penh vắng vẻ như thành phố tỉnh nhỏ. Buổi trưa nắng chói. Những cánh phượng rực rỡ nở trên bầu trời xanh. Chúng tôi ra lề đường chờ xe nhà đến đón.
02 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 41491)
Bài viết chỉ là hồi tưởng và những kỷ niệm rất riêng tư với giáo sư Phạm Biểu Tâm, với tâm niệm khi viết là làm sao vượt qua được cái tôi thường tình trong một bài tưởng niệm 100 năm ngày sinh của một vị danh sư đã để lại những dấu ấn lâu dài trong Ngành Y của Việt Nam từ thế kỷ trước. (Ngô Thế Vinh)
02 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 63546)
Đ ây là một trong những đảng cách mạng đầu tiên trong nội địa Việt Nam, qui tụ sự nối kết giữa giới học thức, điền chủ trung lưu và quân nhân do Pháp đào tạo, với mục đích giải phóng đất nước bằng võ lực. Chào đời vào dịp Giáng Sinh 1927, Việt Nam Quốc Dân Đảng [VNQDĐ] hoạt động được hơn hai năm thì bị Pháp khám phá và hủy diệt sau nỗ lực bi hùng vào đầu năm Canh Ngọ (1930), lưu lại một gương sáng lịch sử “không thành công thì thành nhân.” (1)
26 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 39642)
T ôi gởi bạn bài Sonatas Bạn đọc và im lặng Tôi hỏi hay không Bạn bảo hay nỗi gì chỉ buồn não ruột...
25 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 55369)
T háng trước tiễn bạn thân bốn mươi năm về nơi yên nghỉ Tháng sau được bạn thân ba mươi năm gởi ra sở thất nghiệp Tiễn tình cảm nỗi buồn lây lất mãi Tiễn tình bạn lạnh như vết cắt không ngờ
25 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 55301)
Chết không hẳn là một điều bất hạnh Sống chưa chắc là một diệu kỳ nếu sống mất tiếng nói Nhưng em ơi sao anh vẫn không cầm được lệ tuôn Khi tiễn bạn bằng lời kinh Bát Nhã
13 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 59277)
Lưu manh hay nghĩ mình là thi sĩ Bằng những vật vã ngu si Hay tưởng mình là nhà độc tài Không cho ai nói ngược