- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Phiên toà

02 Tháng Tư 201911:03 CH(Xem: 20628)


Phien_Toa-bw
Phiên tòa - ảnh INTERNET

      Vân ra toà ly dị vợ.

      Thì chuyện đôi lứa nay hợp mai tan, thường mà. Ở thành phố bây giờ, ít ai quan tâm đến những cái phiên toà như vậy. Mà thực ra ly dị giờ êm lắm, mấy khi ồn ào toà tiếc lôi thôi đâu. Thuận tình ly hôn, đến toà hai anh chị đương kim vợ chồng, ký rẹt rẹt trước mặt thẩm phán là xong. Thành ra luôn cựu vợ cựu chồng.

     Cực chẳng đã mới phải lôi nhau ra toà.

     Phải đưa nhau ra toà để phân xử ly dị chỉ có hai lý do, một là con cái, hai là tài sản.

Tài sản thì hơn chục năm ở với nhau, vợ chồng tích cóp mua được căn cấp bốn hai mươi nhăm mét vuông trong hẻm mạn Bình Tân. Thêm cái ki ốt nhỏ cho thuê trên chợ Kim Biên, quận năm, mỗi tháng vẫn có vài triệu chi tiêu, cũng đỡ. Nay bỏ, thống nhất rồi, bán hết chia đôi, đồ đạc cũ không thèm tính. Của anh anh mang, của nàng nàng xách. Gọn. Chỉ còn vấn đề là hai thằng con trai. Một thằng mười lăm, một thằng mười hai.

     Mấy thằng bạn Vân bảo, mỗi đứa nuôi một thằng, khỏi ra toà chia chác hỏi han lôi thôi, tổn thương tâm hồn non nớt ngây thơ của chúng. Khoẻ.

     Nhung, vợ Vân (quên, cựu vợ) nói, tui nuôi thằng lớn, ông nuôi thằng nhỏ. Xong à.

     Nhưng mà suốt thời gian qua, Vân cứ bần thần không yên. Hai anh em nó quấn nhau lắm, giờ chia mỗi thằng mỗi ngả biết nói sao.

     Vân khó nghĩ quá.

     Hai thằng con, một tay Vân chăm sóc, nâng giấc. Vân mà có cái bụng đàn bà để đẻ và cái tí cho con, Vân cũng chả cần đến vợ làm chi cho nhọc.

     Buổi sáng Vân dậy từ bốn giờ, nấu cơm, để cho má con ôm nhau ngủ yên trên gác xép. Xong, lấy xe máy đi giao mấy mối hàng. Sáu giờ vòng lại nhà, đánh thức vợ con dậy, dọn cho thằng lớn ăn còn đến lớp. Dỗ thằng nhỏ ăn để má nó yên bữa. Bảy giờ, Vân lại có mặt ở công ty. Trưa qua nhà nấu cơm. Chiều cũng vậy. Tối tranh thủ đi bỏ thêm mấy mối hàng. Khuya lắc mới về tắm giặt, rũ đồ cho vợ con luôn thể. Vợ Vân chỉ ở nhà bế con. Ngày nào, tháng nào cũng thế. Hàng năm, hàng chục năm nay cũng vẫn thế. Hàng xóm, bạn bè trong công ty bảo, người Vân bằng sắt chứ không phải thịt da.

     Thế mà Nhung bỏ Vân.

     Nhung nói không thể chịu đựng được hơn nữa. Không thể ở nổi với ông chồng cả ngày chỉ cắm mặt xuống, buôn bán những thứ đồ vớ vẩn ở đất Sài Gòn đô hội này thì bao giờ mới khá chứ. Vợ con người ta lên xe xuống ngựa, quần áo xênh xang, vàng đeo đỏ tay, tối đi nhà hàng. Đằng này… không nói nữa.

    Vân làm công nhân ở một cái xưởng nhỏ gần nhà. Tranh thủ buôn bán thêm những thứ gia vị bắc bán cho các quán thịt cầy quanh vùng. Vân khá đắt hàng vì làm ăn tín nhiệm. Có khi quán thiếu vài kí giềng, Vân cũng sẵn lòng phóng xe mươi cây mang đến. Gặp lúc đông khách quá, Vân cũng sẵn sàng ghé hộ luôn một tay, chả nề hà gì từ bưng bê hay chạy lấy thêm cho khách chai rượu, nắm rau thơm.

     Lương công nhân, tiền cho thuê ki ốt, thu nhập từ bỏ mối gia vị thịt cầy của Vân cũng đủ để chi tiêu trong nhà, dư chút đỉnh. Vân tính chắt bóp để đổi lấy căn nhà rộng hơn. Hai thằng con cũng lớn rồi. Mà Nhung, mỗi lần làm tình, rất ồn ào. Nhung bảo là những lúc như thế, cần xả láng, không cần biết đến xung quanh làm gì, chỉ cần quan tâm đến cảm xúc cá nhân. Vân nghe thấy là lạ. Một cô công nhân chưa học hết phổ thông, nghỉ việc ở nhà trông con, suốt ngày loanh quanh tám chuyện với hàng xóm, sao lại biết nói những lời ấy.

    Nhưng mà Vân thấy ngường ngượng với hai thằng con trai. Nhất là thằng lớn. Năm nay nó đã mười năm tuổi, gần thành người lớn rồi. Vân rất yêu nó. Vì nó cũng mê bóng đá. Dù bận, nhưng một tuần Vân vẫn dành ra hai buổi chiều đi đá bóng để ba con có thời gian tâm sự với nhau. Thằng nhỏ em vẫn tỵ với anh là ba chiều anh hơn nó, ba toàn mua quần áo mới cho anh, bắt em mặc đồ cũ của anh. Nghe thằng bé con nói vậy, Vân cười, bảo anh là con cả trong nhà, nay mai sẽ gánh vác mọi việc, nên giờ phải ưu tiên anh ấy.

     Hôm biết là ba má không hàn gắn được. Nó rủ Vân đi đá bóng, nhưng hai ba con lại vào ngồi quán nước mía nói chuyện. Nó bảo là hai anh em nó đã bàn nhau và quyết định chỉ ở với Vân, quyết không nhận má nữa.

     Vân rớt nước mắt nói, con nên thương và thông cảm với má. Má con ở với ba cũng khổ vì chả được bằng người ta, chỉ vì ba kém cỏi.

    Thằng bé nói, má bỏ đi theo trai, ăn chơi xả láng một mình, có gì mà thương.

Vân không biết nói sao. Thấy mình có lỗi, chả giữ được má cho hai con. Nhung ở nhà, bế con đi chơi rong hàng xóm chán, lê la ngồi quán xá. Gặp một tay phong độ. Tay đó nói là đời phải cháy hết mình. Luôn và ngay. Mai xuống đất đen, như nhau cả. Sống le lói, dưa cà kho quẹt cũng là đời. Uổng. Uổng cả cái nhan sắc gái hai con rờ rỡ đi. Tưởng nói chơi vậy mà thành thật. Nhung mang hết tiền nhà, bỏ đi với chả, ngao du sơn thuỷ. Lên tận Sa Pa. Tiêu hết. Rồi về đòi ly dị chia nhà, chia con.

      Hôm xử, toà kêu cả hai đứa con ra hỏi ý kiến.

      Thằng nhỏ: Con ở với ba không đi đâu hết.

      Thằng lớn: Con ở với ba với em. Ai đi đâu thì đi tuốt luôn đi.

      Nhung gào lên: Trời ơi, mày có biết ông ấy không phải là ba đẻ của mày không?

      Con: Biết.

      Nhung: Biết sao còn đòi ở với ổng?

      Con: Vì đấy là ba con.

Thì Nhung lấy Vân khi đã có chửa thằng lớn. Người yêu là bạn Vân, bị tai nạn chết. Vân thương, đứng ra chăm mẹ con Nhung, rồi cưới.

Tan toà, ba cha con nhà Vân chở nhau trên cái xe tám mốt chiến, đằng sau, đằng trước đèo thêm mấy giỏ giềng, sả, hành ngò. Họ đi về mạn Bình Tân.

 

Trần Thanh Cảnh

     

Ý kiến bạn đọc
04 Tháng Tư 20195:07 SA
Khách
Truyện hay, ly hôn bây giờ đơn giản. Nhưng " Hậu " ly hôn thì ai chịu, Xã hội à ?
03 Tháng Tư 201910:21 CH
Khách
Rất hay nhưng cũng rất buồn.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 51476)
g iao thức của nỗi buồn trở thành phạm pháp những chiếc vé đi vào lễ hội được mua bằng máu tự dô nhân danh tự do với chiến thắng cuối cùng là cầm tù được tự do
09 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 44745)
“Ai cầm gươm sẽ chết vì gươm, ai cầm bút sẽ chết vì bút. Tôi viết kinh sẽ chết vì kinh”. Đặng Thơ Thơ đã viết như vậy trong truyện ngắn “ Đi tìm bản kinh thánh cuối” như một trải nghiệm cần thiết của nhân loại và dân tộc mình.
09 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 50909)
Dòng người cúi đầu lặng lẽ đi Về phía ngôi nhà Đại tướng Thắp cho ông một nén hương trầm Không cần tượng đài tạc bằng đá
06 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 53891)
theo tôi đi mây kín trời tháng tám cỏ đồng hoang đang cháy ngọn khô vàng chiều cất bước gió thơm từ cửa biển mưa đêm rồi xô giã biệt ăn năn
01 Tháng Chín 201312:00 SA(Xem: 53450)
Lần đầu tiên đọc truyện của Trần Vũ, tôi sốc...Thật vậy, nếu ai đã từng đọc truyện của ông sẽ có cảm giác choáng váng trong ma trận chữ nghĩa của nhà văn. Truyện của Trần Vũ luôn tạo ấn tượng đặc biệt nơi người đọc, đồng thời cũng gây nhiều tranh cãi trong làng văn.
08 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 53732)
“Kính gửi chị…..Tạp chí Văn đã đình chỉ đã vài tháng rồi nhưng chúng tôi chưa thông báo cho độc giả kịp. Thành thật xin lỗi chị”. Một cảm giác hụt hẩng và bàng hoàng xâm chiếm hồn tôi. Một mất mác vô cùng lớn bỗng làm tôi xốn xang như tôi vừa đánh mất một điều gì quí giá trong cuộc đời mình...
27 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 53281)
T háng 3 năm 75, cái hiền hòa thơ mộng của thành phố Nha Trang đã biến mất. Đà Nẵng đã thất thủ, dân và lính từ Kontum, Pleiku đang ào ạt đổ về thành phố biển. Thành phố bụi bặm và đông nghẹt người di tản với khuôn mặt ngơ ngác lo âu, những chiếc xe M-113 phủ lá cây ngụy trang từ Tây Nguyên ầm ì chạy vào thành phố và ngồi sau những khẩu đại liên là những người lính mệt mỏi đăm chiêu.
15 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 54377)
H ọ đang chơi trò “con thỏ” trên chiếc giường rộng 4x4m khi cơn bão Magic vượt qua cửa biển tràn vào thành phố. Thực ra Marilyn không thích mấy tư thế này, nàng thích trò “cưỡi ngựa” hơn...
14 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 60219)
M i không bầy đàn, mi cũng không phe cánh hẩu Những kẻ khôn ngoan hơn mi đã chết hay gãy cánh từ lâu Những tên áp-phe, mặt rô Những tên lại cái, xăng pha nhớt... tàng ẩn điên loạn chụp giựt từng cơ hội
14 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 52323)
T ừ trước tới giờ tôi vẫn tuân thủ theo Wallace Stevens “ Người đọc thơ là người hành hương, xuất phát lên đường, giãi bày” (The reader of poetry is a kind of pelgrim setting out, setting forth). Thế nhưng đối với tập thơ “Có Thể” chỉ có 31 bài với số lượng mỏng manh 40 trang khổ 13 x 20, mà tôi phải nghiền ngẫm khá lâu khổ sở hơn cả người hành hương.