- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NHÀ VĂN VÕ THỊ HẢO: CẦN HÀNH ĐỘNG ĐỂ NGĂN CHẶN MỘT VỤ "NHÂN VĂN GIAI PHẨM“ MỚI

14 Tháng Năm 20155:36 CH(Xem: 33309)


VoThiHao 1

Ngày 05.05.2015 nhà văn Võ Thị Hảo đã tuyên bố từ bỏ hội Nhà văn Việt Nam, cùng ngày tổ chức này gạch tên 9 nhà văn khác đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh trong phiên họp bầu đại biểu đi dự đại hội toàn quốc.

Dân Luận (DL) đã trao đổi với nhà văn Võ Thị Hảo (VTH) về vấn đề mà chị coi là một vụ Nhân Văn Giai Phẩm mới

DL: Thưa chị Võ Thị Hảo, nhiều độc giả Việt đã được đọc tác phẩm của chị và luôn coi chị là một nhà văn Việt Nam tiêu biểu, do vậy việc chị tuyên bố từ bỏ hội nhà văn Việt Nam hôm 05.05.15,nhân dịp hội này chuẩn bị tổ chức Đại hội toàn quốc nói lên điều gì?

VTH: Thưa anh, đây đơn giản chỉ là phản ứng hết sức tự nhiên. Đã từ lâu tôi từ chối đưa tác phẩm của mình tham gia giải thưởng của Hội này và bây giờ tiếp tục ở trong hội đó thì tôi sẽ rất xấu hổ.

Đây là một thái độ. Một hành động của tôi nhằm góp sức nhỏ ngăn chặn nguy cơ đối với nhà văn VN. Một thời kỳ thanh trừng mới, nhằm triệt hạ những người viết trung thực, có tài năng và chính kiến. Làm sao có thể không nhận thấy sặc sụa trong không gian mùi tàn nhẫn của vụ án „Nhân văn giai phẩm“ trước đây …

Là một con người, hơn nữa là một nhà văn, tôi không thể trốn trách nhiệm bảo vệ quyền tự do chính trị, dân sự và xã hội, đặc biệt là quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do sáng tác của mình, của đồng nghiệp và cộng đồng. Công luận đã được đọc từ lâu và rất nhiều về cách hành xử cũng như hoạt động của Ban lãnh đạo Hội nhà văn VN, trong đó cả ngàn Hội viên bị lợi dụng danh nghĩa để Hội làm theo ý chí và quyền lợi của một nhóm người. Nhiều nhà văn trong đó có tôi cũng đã từng hy vọng họ sẽ phải thay đổi theo thời cuộc nhưng thực tế là họ ngày càng tệ.

DL: Nhóm người này là cán bộ chính trị của đảng cộng sản hay là nhà văn?

VTH: Nhóm người này thực ra là cán bộ chính trị cộng sản dưới lốt nhà văn. Họ lợi dụng danh nghĩa của các Hội viên để tham quyền cố vị, bòn vét chút lợi lộc. Họ biết sự thật đang diễn ra nhưng giả trá, dùng mọi cách tỏ ra trung thành với bất kỳ mệnh lệnh nào dù bất lương đến mấy của nhà cầm quyền độc tài VN. Đối với nhóm người này, không có việc gì quan trọng hơn là tuyên truyền, dẫn dụ và buộc nhà văn muốn xuất bản được tác phẩm thì phải làm một nhà văn nô lệ. Tác phẩm của nhà văn sẽ bị khai tử trên văn đàn VN, bản thân họ sẽ bị mạt sát, vu cáo, tù đày nếu không nghe theo đám nô tài này và dám đụng chạm đến sự thật.

DL: Trong phiên họp để bầu đại biểu đi dự đại hội toàn quốc tại HN, Hội nhà văn VN khu vực phía nam đã gạt tên chín hội viên ra khỏi hội. Chín người này là Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân, Ý Nhi, Hiền Phương, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Thân, và Phạm Đình Trọng. Theo chị, điều tương tự sẽ xảy ra tại khu vực phía Bắc?

VTH: Tôi nghĩ rằng có thể. Việc loại bỏ chín nhà văn nói trên ra khỏi đại hội thể hiện sự sợ hãi của họ trước những nhà văn có tài năng, chính kiến và trung thực. Nói rằng họ tham gia Văn đoàn độc lập là có „dấu hiệu phạm pháp“ là một hành động vu cáo, mang tính chất đàn áp, mang hơi hướng những vụ án thời „nhân văn giai phẩm“…Đó là khởi đầu của một cuộc thanh trừng, nếu không phát hiện và lên tiếng ngăn chặn kịp thời, cuộc thanh trừng ấy có thể sẽ tàn bạo không kém vụ án „Nhân văn giai phẩm“ và những cuộc vu cáo, bắt bớ nhà văn khác đã từng xẩy ra. Thật quá tệ hại khi tác giả của những cuộc triệt hạ dã man ấy lại là những kẻ mang danh nhà văn.

Hội nhà văn VN cũng độc tài y như chính thể này vậy. Họ lên tiếng mạt sát Văn đoàn độc lập và tìm cách triệt hạ những người tham gia chỉ vì họ muốn trên đời này không ai được khác họ, phải coi họ là tổ chức duy nhất, tối thượng của nhà văn VN. Đó là sự thù địch với tự do sáng tác , tự do tư tưởng và tự do ngôn luận.

DL: Gạch tên chín nhà văn ấy, theo chị, sẽ đem lại hệ quả gì?

VTH: Làm thế, chỉ Hội nhà văn rước lấy hổ thẹn mà thôi. Không thể dùng luận điệu cũ rích :“có cô thì chợ thêm đông, cô đi lấy chồng chợ vẫn cứ vui được“. Họ cũng có thể nói : chúng tôi gạt tên chín người chứ ngay cả chín mươi người thì cũng không sao, vì sau lưng chúng tôi có cả hàng trăm lá đơn đang xếp hàng chờ đến lượt và trong đó có nhiều người sẵn sàng trả nhiều tiền để được vào Hội... Đó là cách chống chế lường gạt... Số đông không có giá trị gì đối với tiêu chí văn tài và trách nhiệm công dân. Khi văn tài và trí thức khốn khổ trong tù ngục, thì là khổ nạn toàn diện cho một đất nước.

DL: Nếu các nhà văn VN và công luận không lên tiếng, nguy cơ nào sẽ đến ?

VTH: Nguy cơ rất lớn, nhất là trong tình hình hiện nay và về sau, khi nhà cầm quyền VN đã lệ thuộc hoàn toàn vào TQ và đang sốt sắng thực hiện chính sách quản lý văn hóa tư tưởng theo chủ nghĩa „Mao- Tập- ít“(Kiểu Mao và Tập Cận Bình). Cách này vô cùng nguy hiểm, sẽ kéo VN về thời man rợ như những năm trước đổi mới. Nhà văn VN sẽ nghẹt thở hơn nhà văn TQ nhiều lần, vì là thân một cổ hai tròng, trong khi nhà văn nhà báo TQ chỉ chịu một tròng cũng đủ ngắc ngoải rồi.

Nếu cứ im lặng chịu đựng, sẽ là quá muộn. Nhà văn và trí thức VN đương nhiên phải nhận ra nguy cơ và hành động ngay để ngăn chặn.

DL: Nếu Hội NVVN khai trừ hàng loạt các nhà văn có chính kiến liệu có dẫn đến sự bất bình trong các nhà văn tiến bộ ở VN dẫn đến một sự ra đi hàng loạt?

VTH: Tôi không hy vọng sự ra đi hàng loạt, bởi nhà văn có chính kiến ở VN cũng không nhiều. Cách mà người ta vẫn làm là chịu đựng và mỏi mòn theo hy vọng rằng ngày mai sẽ khá hơn, nhà cầm quyền sẽ nới thòng lọng ra cho chúng ta thêm một chút. Người VN bị ép buộc làm nô lệ quá lâu rồi nên quen. Nhà văn cũng vậy. Vì nếu không nô lệ, họ sẽ bị triệt mọi nguồn sống tối thiểu và việc này thì nhà cầm quyền cộng sản đã làm hết sức tàn bạo và tinh vi.

Tại sao chính thể cộng sản giỏi khủng bố? Vì họ, khác hẳn với những mô hình thể chế khác, đã tàn nhẫn triệt hạ dến tận gốc nguồn sống của người dân. Triệt hạ tự do tài chính nghĩa là triệt hạ được tự do ngôn luận và tư tưởng cùng mọi quyền khác.

Nhà văn VN thực ra rất khốn khổ. Họ có thể viết chút gì đó, nhậu nhẹt, chém gió quên đi sự đời. Họ như những hình nộm dự đại hội, muốn phát biểu phải có bài gửi duyệt trước, lên đọc như một cái máy. Nói điều gì mà ban tổ chức không hài lòng, „nhạy cảm“ là bị „tắt tiếng“ ngay lập tức. Việc đó được lấp liếm bằng vài bữa tiệc bù khú, ngồi trên xe buýt dành riêng đến hội trường có còi hụ inh ỏi của cảnh sát khiến dân đen táng đởm kinh hồn tưởng cháy nhà. Đó là còi hụ dẹp đường cho những kẻ bị „rọ mõm“ và „trói tay“. Rồi nhà văn sẽ nói: mình được thế cũng tốt rồi“, hoặc: mình viết thế này là dũng cảm lắm rồi. Hoặc: thôi mặc kệ sự đời, mình có vợ con phải lo vì mình là thằng đàn ông…

DL: Là một người cầm bút có lương tâm, có trách nhiệm, chị thấy trách nhiệm của các nhà văn VN như thế nào đối với tình hình đất nước hiện tại?

VTH: Trong ba năm gần đây đã có hàng trăm người dân vô tội chết dưới đòn thù của đám công an côn đồ, Hội nhà văn im lặng. Thế là do hèn với chính quyền mà để mặc dân chết. Đừng nói rằng tôi chỉ viết văn, tôi không quan tâm đến đồng bào tôi chết oan.

Trung quốc cướp bờ cõi VN, nhà cầm quyền có kẻ lặng im và nhiều kẻ hân hoan dâng hiến, Hội vẫn im lặng, đó là hèn với giặc. Đừng nói rằng chúng tôi là nhà văn chỉ viết văn, không quan tâm đến nước mất hay còn. Những nhà văn và người bất đồng chính kiến bị xâm phạm quyền tự do sáng tác, bị oan ức đày đọa …, Hội vẫn không quan tâm, còn ủng hộ sự đày đọa, đó là ác với Hội viên. Đừng nói rằng chúng tôi chỉ viết văn, kệ đồng nghiệp chết và không biết đến tự do ngôn luận.

Đây cũng là thời mà các nhà văn không thể nói rằng do báo của Hội không đăng chính kiến của tôi nên tôi phải im lặng. Vì bây giờ ai cũng có blog, email, Face book, tha hồ xuất bản cá nhân trên mạng dù đôi khi bị tường lửa. Đa phần nhà văn VN dùng các phương tiện thông tin dân chủ hóa toàn cầu đó để làm gì? Tán dương mình, khoe mình và khen cùng cánh hẩu, tung lên những bài văn thơ ngâm vịnh gió núi trăng hoa và vài ba cuộc tình tán gái chài trai nhạt thếch. Bạn có thể ngồi tán gái hoặc tán trai và ăn tiệc ngon lành bên một người đang bị tra tấn gần chết không? Nếu bạn làm được, thì bạn có cơ trở thành một nhà văn VN đấy.

Nhiều người đã không chịu đựng được cung cách ngâm vịnh ấy của nhà văn VN và gọi đó là „thứ ngâm vịnh buồn nôn“.

DL: Nếu rõ ràng hội NVVN là một tổ chức của đảng CSVN nhằm thao túng và khống chế lực lượng cầm bút ở VN, đã góp phần giúp chế độ toàn trị của đảng CS bưng bít thông tin, tô hồng xã hội và nô lệ hóa dân trí thì tại sao trong một dân tộc có truyền thống văn chương như VN, lại rất ít tiếng nói phản đối hành động đó của hội ? Liệu những nhà văn ưu tú và được hâm mộ một thời, cha đẻ của những tác phẩm mang nặng tính nhân đạo, tinh thần khai sáng như „Nỗi buồn chiến tranh“, „Vàng lửa“, „Tướng về hưu“, „Thời xa vắng“, „Mùa lá rụng trong vườn“... có biết những điều đó không?

VTH: Tôi nghĩ rằng nhiều người biết, rất biết nhưng họ đã chọn im lặng khi đụng đến những vấn đề nước sôi lửa bỏng mà người dân cần nhà văn lên tiếng một cách trực diện. Người Việt vẫn tự che đậy sự vô cảm của mình bằng câu „im lặng là vàng“, hoặc là „tôi không thích tuyên ngôn“, „tôi không quan tâm đến chính trị“…đó là những câu nói không những lệch lạc mà còn mang tính phản động – tức phản lại tiến bộ xã hội và sự minh bạch, che đậy sự hèn mà thôi. Thật đáng tiếc. Tôi mong những nhà văn có tài năng và nhân cách, đã được bạn đọc trong nước nhiều năm nay ngưỡng mộ và ủng hộ, ngoài việc bày tỏ thái độ trong những tác phẩm hư cấu, lại càng phải lên tiếng trực diện, luôn luôn để bảo vệ lẽ công bằng. Vì hậu quả của việc né tránh không lên tiếng là có nhiều người chết đuối khi anh chỉ đứng trên bờ nhìn họ kêu cứu, lý do rằng tôi chỉ biết viết văn, tôi đang bận xây dựng hình tượng một anh hùng cứu người chết đuối, hoặc tâm trạng của một người sắp chết đuối chứ tôi không có trách nhiệm cứu người.

BTV thực hiện

NGUỒN: DÂN LUẬN

https://www.danluan.org/tin-tuc/20150508/nha-van-vo-thi-hao-can-hanh-dong-de-ngan-chan-mot-vu-nhan-van-giai-pham-moi

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 41357)
N àng mất liên lạc với Thẩm cho đến hôm hai mươi ba tết. Có lúc, nàng đã thầm nghĩ Thẩm kết thúc công việc với nàng rồi. Biết đâu như vậy tốt hơn. Nàng cũng không thích cảm giác nhận tiền của người khác mà chẳng phải làm gì. Khi nàng vừa cúng ông táo xong, Thẩm gọi: “Tôi đang đợi cô, đi với tôi về phố Hoài được chứ?” Phố Hoài ư?
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 29841)
D ựa trên truyện ngắn Nước như nước mắt của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã dựng thành phim, kết hợp các thể loại của điện ảnh: viễn tưởng, ly kỳ, lãng mạn. Bối cảnh phim vào năm 2030, tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến cả vùng ven biển miền Nam chìm trong nước, kèm theo đó là những bi thương trên thân phận con người…
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 33549)
E m nhường anh cho người ta ôm về chiều bão đổ cây thuỳ dương tím mắt gió cát phủ trắng nhói đau.
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 31517)
...trò chơi đĩ điếm, gian lận và lừa đảo, làm một thứ vũ nữ chính trị bám quanh cái cột Marx Lê nin để múa cột à ơi ...
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 33389)
N hư những chuyến đi xa nỗi muộn phiền bỏ lại không đem theo gì ngoài trái tim phủ bụi .
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 34049)
V à chúng ta dễ dàng nhận ra màu đỏ của “Đàn sẻ ri bay ngang rừng” thường xuyên nhất được dùng để tả máu. Máu khi người vợ sinh con, và máu khi những con chim sẻ bị bắn chết: sự đối lập của màu đỏ của bắt đầu sự sống và màu đỏ của bắt đầu sự chết.
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 32761)
C ỏ mùa mưa xưa Đưa em về với gió Xanh tím lòng mắt nhói cơn đau Sắc trầu cau quệt ngang vôi tứa
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 31394)
Buồn miên man hoàng hôn. Buồn chảy ra từ mười đầu ngón tay hoang mang. Buồn là máu. Lênh láng chờ trăng lên để lóng lánh. Buồn là chất rắn nóng chảy. Đóng vảy trên da thịt.
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 32686)
T hời gian như ngắn đi dần Chiếc kim giây tích tắc lần cuối chưa Mà bao đôi mắt tiễn đưa Cứ ngân ngấn… phút tay vừa vẫy tay
05 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 37649)
Đ ôi khi chúng tôi gặp những cơn mưa rừng. Đổ xuống tơi bời. Cành lá man dại rách mướp. Những giọt mưa quất vào da thịt lạnh buốt làm dịu cơn khát bừng bừng trong ruột. Tôi cởi áo quần cùng Thản hứng mưa, cười hú hét. Thân mình tôi đẫm nước, trắng ngần. Da thịt được mưa tưới tắm săn lại nõn nà, làm dịu vết thương vĩnh viễn của kiếp đàn bà.