- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Bà Dì Khác Người

27 Tháng Giêng 20159:03 CH(Xem: 33403)

PhamHoaiNam 11
Ảnh Phạm Hoài Nam


"Khi u buồn, đừng để nỗi buồn mọc rễ lặng lẽ sâu trong tim mình, hãy để nổi buồn trổ thành mầm cây, mọc nhành lá xanh, vươn ra trong trời cao, mặc tình cho nó phả chất độc thán khí vào không gian màu lam xám, mặc tình cho những tiếng kêu run rẩy của buồn tuôn tràn vào bầu trời. Cho buồn vơi đi, và người trở lại yêu cuộc đời".

Mỗi khi chớm buồn hay chực rơi vào nổi buồn, tôi luôn nhớ lại bài diễn văn này của dì sáu, bà dì khác người của tôi.

Mọi người phân biệt dì với một tá, mười chục bà dì sàng sàng tuổi nhau, không thể phân biệt bằng tên gọi, được đánh số từ Hai đến Mười Hai, đều lộng lẫy đẹp, lộng lẫy già dần theo thời gian, riêng dì là bà-dì-có-ba-chồng, bà-dì-lấy-chú-bộ-đội (riêng cái tên này thôi đã là một thiên tình sử lạ), nhưng với tôi, tôi gọi dì là bà dì khác người.

Khác người vì những năm thập niên 70-80 nghèo khổ ấy, trong ngôi nhà hiếm đàn ông, chỉ toàn những khuôn mặt đàn bà héo hon vì chờ đợi , xám xịt vì chịu đựng, luôn phả ra mùi khói bếp và ẩm mốc thiếu nắng, dì là người duy nhất giữ nguyên nét lộng lẫy và thơm tho.

Tôi còn nhớ nguyên cảm giác ngất ngây khi được dì ôm vào lòng, từng lọn tóc uốn công phu bằng cuộn mút cả đêm tỏa mùi nước hoa Chanel No. 5 sang trọng, bàn tay mịn màng chăm chút dưỡng da vaseline, áo quần mềm mại tẩm ướt nồng nàn mùi xà bông Coast hay xà bông Dial có vị sữa tươi gợi tình.  Dì là người duy nhất trong gia đình nhận được viện trợ hàng mỹ phẩm đều đặn từ những ông nhân tình cũ đã vượt biên ra nước ngoài.

Lúc đó dì đã kịp có đến ông chồng thứ hai!

Mặc ai dè bỉu ngấm ngấm sau lưng dì, tôi mê mẩn bà dì khác biệt của tôi lắm.  Mê từng cái móng tay màu hồng thuôn thuôn như vỏ sò úp ngược của dì, mê đến tiếng cười giòn tan rực rỡ, người ta nói dì đi đâu chỉ gieo tan vỡ, tôi lại tin dì có khả năng khác thường biết lượm lặt các mảnh vỡ và tung những mảnh vỡ đó vào không gian làm mọi thứ chung quanh dì trở nên lung linh lóng lánh.

Dì là bà dì duy nhất ham mê đọc sách như cuồng điên và truyền cho tôi nguyên niềm đam mê lạ lùng.  Có gì đó mâu thuẫn khi một người đàn bà nổi tiếng phù phiếm viễn vông lại yêu một thứ khác hơn bản thân mình là văn chương.

Ngoài yêu đàn ông!

Mà phải nói là dì biết yêu đàn ông và làm cho đàn ông yêu mình, và dì không ngại ngùng công khai điều đó.  Lúc đó tôi còn rất nhỏ, tôi chỉ nghe kể lại, nhưng đã có thể tưởng tượng những ngày vui và đẹp nhất của dì, trong lấp lánh áo dài hoa chít căng eo, không cổ chấm vai kiểu bà Ngô Đình Nhu, dì cười lim dim mắt, ngửa chiếc cổ ba ngấn lóng lánh kiềng vàng, rượu champagne đỏ thắm tràn ly pha lê cổ cao và gót giày nhọn quay cuồng trong điệu Valse lộng lẫy " La plus belle pour aller danser".  Người chồng đầu tiên của dì là một đại tá không quân đã kịp đem đến cho dì những ngày vui nổ trời hoang phí và rất ngắn.  Chồng dì tử trận, vừa đầy ba tháng, là Sài gòn giải phóng.

Trong những ngày đầu hoang mang, dì chạy ngược trở về Phan, trốn trong căn nhà cổ, lo lắng vì lý lịch phu nhân đại tá của mình, giấu kín tủ áo dài Trần Lệ Xuân và cắn răng, nuốt nước mắt ngồi bó gối đốt lần lượt tủ sách hơn trăm cuốn của mình.

Ngày thứ ba của cuộc đốt sách dỡ dang, một bàn tay chặn ngang dì giữa trang Chiến tranh Hòa bình thứ 301 đang xém lửa:

- Cô là Tần thủy Hoàng à? Cô đang đốt sách đấy!

Dì ngẩng lên cười với giọng nói Bắt kỳ đặc sệt đó, mắt còn đọng một giọt lệ chưa kịp rơi xuống, nhưng biết nhìn rất thẳng và thật sâu vào ông bộ đội đeo quân hàm thiếu tá, đang ở tiếp quản ngôi nhà biệt thự của bà ngoại:

- Sách xuất bản trước giải phóng , thưa ngài cán bộ, dì thoáng một nụ cười quyến rũ mơ hồ, tất cả những gì trước kia đều phải xóa bỏ, người ta ra lệnh như rứa mà.

- Sách nào cũng chỉ là sách.  Những thứ này lúc còn ở trong rừng tôi đã mơ là sẽ được đọc. Tôi sẽ giữ những thứ này, và cô nói với mọi người là tôi giữ lại để đọc.  Thế nhé!

Và cầm bộ Chiến tranh Hòa Bình trên tay, ông ấy cứ thế mà quay lưng đi.  Lần đầu tiên có một người đàn ông chỉ chăm chăm nhìn vào sách không nhìn đến dì!

Chuyện không đơn giản chỉ có thế.

Tháng thứ ba, từ ngày giải phóng, từ khi ông bộ đội cấp cao vào tạm ở trên căn gác trong căn nhà biệt thự to nhất vùng của bà ngoại, mẹ tôi nhận được lá thư viết tay từ bà ngoại.  Lá thư đi theo xe đò đến nhà tôi vào buổi chiều, đã làm cho mẹ tôi đi một mạch suốt đêm về lại Phan thiết.

Câu chuyện sau này là do mẹ tôi kể lại.

Bà- Dì- khác- người của tôi ngồi trong vòng vây của các bà dì khác, và mẹ tôi. Bà ngoại thong thả vừa nhai trầu, vừa nhẩn nha nói:

- Mấy đêm liền mẹ trở dậy nửa đêm, thấy giường con Sáu trống không, mẹ đi tìm, bắt gặp con Sáu đi lên gác.

- Đi lên gác để làm gì? Ai ở trên gác? mẹ tôi lầm lì hỏi. Mẹ tôi là chị Hai, bà rất nghiêm nghị, cả nhà đều nể sợ.

- Để tôi trả lời, mẹ không cần phải kể- bà-dì-khác-người của tôi mím môi lạnh lùng nói- ông cán bộ người Bắc nớ ở trên gác.

- Mi lên trên gác làm chi nửa đêm? mẹ tôi long mắt, dằn giọng hỏi.

Dì tỉnh bơ mắt nhìn thẳng vào mẹ tôi, trả lời từng tiếng một:

- Tôi đọc sách!

Mọi người rùng rùng nhao nhao tranh nói:

- Đọc sách làm chi mà nửa đêm, nửa hôm? Mi đừng có điêu toa.

- Mi đọc sách hay là người ta đọc mi? mẹ tôi lạnh lùng ráo hoảnh.

- Đúng, người ta đọc tôi đấy!  Đâu dể dàng tìm được một người đàn ông-biết-đọc-mình!

Cả nhà vụt lặng thinh, không còn nghe một tiếng động nào.  Mẹ tôi kể có ai đó bật khóc.  Không rõ là dì nào.  Riêng bà-dì-khác-người của tôi ngồi trơ lì, không có một giọt nước mắt.

Sau rồi, vất vả lắm, dì tôi cũng làm đám cưới với "chú bộ đội" ấy, mà là sau khi ông ấy đã phục viên, là xuất ngũ non, vì người ta không chấp nhận ông ấy lấy một người vợ có lý lịch vợ một đại tá quân đội cũ, dẫu là một đại tá đã tử trận.

Tôi chưa thấy một người chồng nào tận tụy và yêu thương vợ như ông dượng "bộ đội" của tôi, như là ông yêu thương chăm bẫm bù đắp cho những năm tháng ông thiếu thốn không được yêu thương người đàn bà đó, người mà ông đã chờ nửa đời để được yêu, như yêu một quyển sách hay, được nâng niu và được đọc mỗi ngày từng trang một.

Chuyện tình đẹp đó cũng chỉ kéo dài được mười năm. Ngày ông qua đời đột ngột vì trụy tim, không ai thấy dì tôi khóc.  Một đêm, lúc đó tôi chỉ mới sáu bảy tuổi, nằm trong vòng tay của di, tôi đã tò mò hỏi về giai thoại "người đàn ông biết đọc " của dì.

- Có người chỉ đọc vì mê cái bìa sách đẹp. Có người đọc vì thích sưu tập sách.  Hảy tìm người đàn ông biết đọc mình, từ trang đầu tới trang cuối, dì chậm rãi nói.

Sau khi dì lấy người chồng thứ ba, một ông phóng viên người Úc, tôi không còn gặp lại dì nữa.

Nhưng mỗi dịp trời chớm sau mùa mưa, nắng khô cong và se se lạnh như vầy, tôi lại nhớ bà-dì-khác-người.  Nhớ dáng dì ngồi tỉ mỉ cầm con dao Thái lan nhọn khắc từng đường bén ngót vào thân củ hoa Huệ đất.

- Con nhìn này, không gì có sức sống ghê ghớm như củ hoa Huệ đất.  Phải lăn lóc khô cong trong nắng, phải vật vã khác thường, phải chịu đựng những vết rạch, vết cắt cho tứa hết nhựa sống, cho biết mùi đau đớn.  Không ai ngờ được có ngày bông hoa màu nhung đỏ rực sẽ trồi lên từ cái cũ khô quắt queo ngập tràn vết thương này.

Mỗi lần trời trở mưa, trở nắng, làm người trở buồn, trở vui như hôm nay, tôi lại chăm chăm ngồi nhìn vào cánh tay của mình, chờ một hạt mầm mọc lên, trổ ra một nhánh lá xanh, mang hết nổi buồn tôi lao ra ngoài không trung đâu đó.  Hay lặng lẽ ngồi chờ mải miết, chờ cho nổi đau này, như ai đang cứa rạch vào tim tôi từng nhát bén ngọt, nở bừng ra một màu hoa đỏ như nhung lóng lánh .

Và chờ một người đàn ông biết đọc mình, đâu đó, quay trở về!

UYÊN LÊ
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 104019)
N gày 30 tháng Giêng năm 1948, một tên sát thủ theo chủ nghĩa dân tộc Hindu đã sát hại nhà lãnh đạo chính trị và tinh thần Ấn Độ là ông Mohandas Karamchand Gandhi. Ông bị bắn ba phát đạn vào ngực và bụng trong khi đang trên đường đến nhà thờ để đọc lời cầu nguyện hàng ngày.
30 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 98493)
... C ó điều người ta cần phải ghi nhớ là người Tàu luôn luôn kiêu căng, tự coi nước mình là một nước lớn là duy nhất văn minh, chung quanh họ đều là man di mọi rợ, Việt Nam hay Đại Việt đi chăng nữa cũng chỉ là man, Nam Man, nằm ngoài rìa của Hoa Hạ, của Trung Hoa thời Dân Quốc, của Trung Quốc thời Cộng Sản hiện tại...Những chiến thắng của người Việt trong các thời Lý Trần, đặc biệt là chiến thắng chống quân Mông Cổ trong khi người Tàu thực hiện không nổi là những gì họ không chấp nhận được.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 96902)
H ơi cay của rượu lan dần cổ họng chạy dọc thân thể. Cảm giác đầu lưỡi ngọt dư vị rượu trắng không pha như hôn nhân không giá thú, biết nguy hiểm nhưng vẫn dấn thân. Lâu dần cô ghiền cái hơi của gã, không thể sống thiếu gã. Cô thấy mình bị một sợi dây vô hình thít chặt ngang cổ, càng quẫy đạp càng riết chặt hơn, cô kêu cứu nhưng chẳng ai nghe được bởi gã đã ăn mất lưỡi của cô sau từng muỗng hôn ngọt ngào, gằn xé lẫn khinh bỉ.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 92560)
T rịnh Y Thư sinh năm 1952, tại Hà Nội. Viết văn, làm thơ, dịch. Tác phẩm đã xuất bản: Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Học xuất bản, 2002; Căn phòng riêng (A Room of One’s Own), lí luận văn học của nhà văn nữ Virginia Woolf, Tri Thức xuất bản, 2009. Người đàn bà khác, tập truyện, Thế Giới xuất bản, 2010. Hiện định cư tại bang California, Hoa Kì.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91121)
T răng non mới chớm lưỡi liềm, nhưng sao tôi nhức nhối lạ thường. Nhức từ bên trong, và cảm thấy cô đơn như chưa từng. Nấm mộ nhà thơ nhô lên, dưới ba thước đất là một nắm xương khô. Nhưng trên mặt đất này, thơ ông vẫn toả sáng những dòng đối chọi lại bệnh tật tàn khốc của ông bằng những niềm hạnh phúc hầu như không tưởng. Nhìn ra xa, biển tít tắp lấp lánh như dát gương. Dăm cánh buồm trắng những con thuyền câu về muộn nhấp nhô ẩn hiện.
26 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 99380)
Á Nam Trần Tuấn Khải sinh năm 1894 tại làng Quan Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, mất năm 1983 tại Sài Gòn, thọ đúng 90 tuổi ta. Cuộc đời ông trải qua hầu hết những giai đoạn thăng trầm nhất, chứng kiến hầu hết những biến cố quan trọng nhất của lịch sử cận hiện đại Việt Nam. Ông cũng chứng kiến hầu hết những cuộc đổi thay của văn học hiện đại Việt Nam, từ sự ra đi của thơ Cũ đến sự xuất hiện của Phong trào thơ Mới, của Tự lực văn đoàn, đến các trường phái, trào lưu, khuynh hướng, chủ thuyết văn học cả tư bản và cộng sản gần suốt thế kỷ XX.
25 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 106289)
... T ôi cảm thấy mình như Từ Thức trở về, không còn ai biết mình, nhớ ra mình là ai, đôi khi lại còn bị đối xử một cách bất thường. Những lưu luyến với quê hương càng ngày càng như những rễ cây khô cố bám víu vào nền đất phù sa hai bên bờ sông, chưa biết ngày nào bị nước cuốn trôi đi...
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 91591)
“Đến bây giờ tôi còn thương mấy con ếch báo thức; chúng là những con ếch đầu đàn, ngủ đông trong hang, nấc lên tiếng gọi đầu tiên đánh thức đàn ếch chui ra khỏi hang mà vào cuộc sinh nở với mùa xuân. Nhưng các nhà "tiên tri ếch, kẻ đánh thức đồng loại" dậy đón xuân kia đã bằng tiếng ồm ộp của mình báo rằng: lạy ông tôi ở bụi này. Mấy tay bắt ếch chuyên nghiệp nghe tiếng kêu thức tỉnh đồng loại của dũng tướng ếch cách mạng kia bèn chộp chú liền, cho vào giỏ về thịt; vào giỏ rồi mà chú vẫn uôm uôm! Vẫn báo cho đồng loại dậy mau mà chạy đi, mà vọt xuống ao kịp trốn ... . " (Trần Mạnh Hảo)
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105749)
LTS : Nguyễn Thi Quyên, hiện là Nghiên cứu sinh ngành Văn học so sánh tại Đại học Strasbourg, Cộng Hòa Pháp. Câu chuyện về Trương Chi đã được tác giả viết trong một đêm mưa như gửi tiếng lòng về với quê hương xa xôi.Tạp chí Hợp Lưu trân trọng giới thiệu “Trương Chi” đến cùng quí độc giả và văn hữu khắp nơi. Tạp Chí Hợp Lưu
21 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 105261)
P l ease help us to secure the immediate and unconditional release of Viet Khang