- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thú Và Người

26 Tháng Giêng 20152:56 SA(Xem: 34590)

   CAOthulinh-thuvanguoi

Cáo thủ lĩnh - ảnh Internet


     Xa xưa, ở mảnh đất nọ, một nhóm người du mục sống cùng loài thú. Họ là bạn, cũng là đồng hương.

     Chẳng rõ từ phương nào, một bầy quỷ lông lá đến xâm chiếm. Xác người, xác thú ngã chồng lên nhau. Số sống sót trở thành nô lệ của quỷ. Mảnh đất cắm dùi thành địa bàn của lũ quỷ.    

     Những người du mục phải đào sắn, trồng khoai và dựng lều cho chúng. Người già yếu hoặc làm việc kém trở thành mội nhắm của lũ quỷ. Đàn bà đẹp được chúng chọn để phối giống. Trẻ con vừa sinh ra phải uống máu quỷ. Mỗi ngày, lũ quỷ chọn ra một người khỏe mạnh và một con thú (báo, hổ, hoặc sơn dương…) để đưa ra sàn đấu. Chỉ có một kẻ được sống. Nhưng thường thì lũ quỷ phải giết cả hai vì không bên nào chịu khai chiến.

     Con cáo – Thủ lĩnh của loài thú nói với nhóm người du mục “Lũ quỷ đó rồi sẽ giết sạch chúng ta. Tôi không thích chiến tranh, nhưng cần phải thế.”

     Nhóm du mục đắn đo rồi gật đầu. Họ dùng vũ khí, đào hố đặt bẫy, còn loài thú thì dùng sức mạnh của răng và vuốt để chống trả lũ quỷ lông lá. Quá nhiều máu phải đổ. Xác người, xương thú và dạ dày quỷ lẫn lộn, chồng chất thành một bãi chiến trường. Bên thắng cuộc tốn thêm nước mắt cho đồng loại, người khóc vì thú, thú liếm vết thương cho người.

     Những người đàn bà có chửa với loài quỷ đều bị giết hết. Đám quỷ nhỏ mới sinh, đã bén hơi mùi máu cũng bị giết chôn theo. Nhóm người du mục không ra tay. Chuyện này được giao cho loài thú.

     Nhóm người du mục và loài thú sống vui vẻ với nhau. Cáo thủ lĩnh nói với người lớn tuổi nhất nhóm du mục “Sau trái núi này còn rất nhiều bãi đất trống. Tôi thấy chúng ta phải tiến ra xa hơn là ở mãi mảnh đất chật chội này.”

     Nhóm người du mục cùng loài thú đi khai hoang những mảnh đất chết và họ bắt đầu xây nhà, mở rộng lãnh thổ. Những mảnh đất cứ vậy rộng thêm.

     Nhóm người du mục xây nhà ở đồng bằng còn loài thú thì chọn cánh rừng lớn làm nơi an cư lâu dài.

     Chẳng rõ lý do gì, cáo thủ lĩnh lại rơi xuống vực. Khi xác nó được kéo lên, thì đấy chỉ là một tảng thịt vữa nát, bầy nhầy. Cả nhóm người du mục lẫn loài thú đều rất đau buồn vì việc này. Nhóm người du mục đã làm một nghi lễ hỏa thiêu để tiễn linh hồn cáo thủ lĩnh về trời. Để nghi lễ suôn sẻ, nhóm người du mục đã họp bàn với loài thú. Việc đóng xe để chở xác cáo thủ lĩnh, địa điểm cử hành nghi lễ và các thủ tục khác trong buổi lễ đều do nhóm người du mục quyết định. Ngoài cỗ xe trở xác cáo thủ lĩnh, nhóm người du mục đóng thêm vài chiếc xe để tiện đi tới nơi hỏa thiêu. Loài thú không phản đối. Những con thú mạnh khỏe nhất được chọn ra để chở những cỗ xe. Trên đường đi, những loài có nhiệm vụ kéo các cỗ xe nói “Tôi biết một đường khác gần hơn”, người du mục bảo “Anh hãy đi theo đường tôi chỉ. Chúng tôi có trách nhiệm trong nghi lễ hỏa táng này và các anh phải nghe chúng tôi.” Các loài kéo xe im lặng và đi tiếp.

     Nghi lễ diễn ra khá rầm rộ và loài thú thấy nhóm người du mục khóc rất nhiều. Vì xác con cáo được cuộn trong nhiều lớp chiếu dày nên trong suốt nghi lễ loài thú chẳng được thấy mặt thủ lĩnh chúng lần cuối. Tất nhiên cả ngày trước cũng vậy thôi, khi cáo thủ lĩnh gặp nạn và được người du mục tìm ra thì chỉ có một số ít loài chó nhìn thấy. “Ngài cáo của chúng ta nhiều bộ phận đã nát bấy. Chúng ta hãy để ngài ấy được yên hơn là vây quanh đó và ngắm nghía.” – Nhóm người du mục nói vậy và loài thú tin vào điều đó.

     Mọi công đoạn trong nghi lễ đều rất trang nghiêm và cẩn trọng. Phần cuối cùng của nghi lễ, chính tay nhóm người du mục đã châm đuốc hỏa thiêu. Họ làm nhanh chóng và có phần còn hơi vội vã. Loài thú vốn định tiến tới nhìn thủ lĩnh của mình một lần cuối nhưng nhóm người du mục đã chắn quanh chỗ hỏa thiêu. Xác con cáo được vùi trong nhiều lớp chiếu nên loài hươu cao cổ đứng ở xa chỉ thấy một khối hỗn độn.

     Xong nghi lễ, vài con thú nói với nhau.

   “Có thật bên trong là thủ lĩnh?”

   “Tại sao không?”

   “Tôi từng thấy qua, cái xác nát bấy và không có đầu…”

   “Này, ngài cáo vừa mới ra đi thôi đấy.”

     Những người du mục lớn tuổi nói to phía sau. Mấy con thú cúi đầu nhận lỗi, rồi ra về. “Thủ lĩnh đi thật rồi!” – Loài thú nói với nhau.

     Một buổi sáng tinh sương, loài thú thấy nhóm người du mục kéo vào rừng rất đông. Họ chỉ ở phía bìa rừng và bắt đầu đốn cây. “Chúng tôi muốn mượn chút gỗ để xây nhà, các bạn đừng lo, chúng tôi sẽ gieo hạt giống để bù lại với số cây đã chặt”. Loài thú chẳng để ý gì vì gỗ ở rừng thiếu vài cây cũng chẳng sao.

     Từng cây gỗ đổ xuống. Nhóm người du mục tiến thêm chút, thêm chút và vào sâu trong khu rừng. Từng tòa nhà cao được dựng lên. Một khu khai thác lâm sản, rồi một khu nữa được xây thật cao và có hàng rào sắt.

     Loài thú chỉ còn một phần tư cánh rừng.

     Loài thú nói với cộng đồng du mục “Chúng tôi ở trong rừng, các anh ở đồng bằng. Thủ lĩnh chúng tôi ngày trước đã phân chia như vậy, cớ gì các anh lại xây nhà lấn sang”

     Cộng đồng du mục nói “Mảnh đất này, cánh rừng này đều do loài người chúng tôi và loài thú các anh khai phá. Chẳng của riêng ai.”

     Loài thú tức giận và đòi cộng động du mục trở về đồng bằng. Nhưng dường như họ chẳng còn nghe thấy gì. Giữa họ không còn sự tương đồng của ngôn ngữ nữa, dù rằng loài thú vẫn hiểu tiếng nói của người du mục.

     Cộng đồng du mục cho rằng loài thú đang làm loạn và thay vì lời thoả thuận họ lại nghe ra tiếng gầm gừ của loài khát máu. Họ cầm vũ khí và tiêu diệt những loài mà họ cho rằng có thể đe doạ sự yên bình ở mảnh đất này. Cuộc chiến nổ ra. Cộng đồng du mục áp đảo về vũ khí. Họ đặt nhiều bẫy trong rừng. Giờ đây loài thú biết được những tòa nhà tường xây cao đặt quanh rừng đều là quân đội. Loài thú thất thế. Cộng đồng du mục ép loài thú ký giấy cầu hòa. Loài thú điểm chỉ.

     Giờ đây, Cộng đồng du mục đã thuần hoá loài thú thành những thợ kéo xe chuyên nghiệp. Họ phát hiện ra ở một số loài thú lông có thể may thành áo quần tránh rét, các con thú khác sừng và xương có thể làm thuốc. Họ phá đi nhiều đồng lúa khi biết rằng loài thú là món khoái khẩu. Đám thú còn nuôi mộng phản trắc bị bắn hạ bằng súng, hoặc thì tống vào cũi sắt. Chúng được bêu trong sở thú để ai cũng nhận diện được mặt. Nhiều con đã bị mổ giết thịt. Những loài ngoan ngoãn, đã thuần tính trở thành bạn và cùng sống trong cộng đồng du mục. Để no bụng, và có được bùa bình an chúng phải vẫy đuôi và đứng ngồi theo ý cộng đồng du mục.

     Cáo thủ lĩnh đã chết và ngủ say trong nhiều tầng ký ức. Nó được hỏa táng và vì thế không có mộ địa để viếng. Đời thú sau không biết đến vị già làng thủ lĩnh. Hiển nhiên rằng các bậc trưởng lão đời trước đấy không kể lại, cũng không hề dạy chúng cách đối thoại với cộng đồng du mục.

      “Tổ tiên du mục đã đổ máu để có được thời đại này…”

     Đấy là quá khứ, cũng là tư tưởng, là minh triết. Những trị giá còn mãi…Mọi thế hệ đều phải thuộc lòng. Thú và Người.

 

TRU SA

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 87540)
N gay sau khi tỉnh dậy, Aisawa đã đi tìm bố mẹ và những người thân của mình. Mỗi ngày cậu bé đều để lại lời nhắn trên giấy: “Con sẽ đến vào 11h ngày mai, xin hãy đợi con. Con sẽ đến vào ngày mai”. Những dòng chữ nhắn nhủ của cậu bé này đã khiến cho bất kỳ ai dù là cứng rắn nhất cũng phải rơi lệ.
23 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 84130)
B ắt chước nhà văn Song Thao, tôi dùng vỏn vẹn chỉ một chữ, làm tựa đề cho cuộc trao đồi này. Nhà văn Song Thao cư ngụ cùng thành phố với tôi, mặc dầu chẳng “cách hai đoạn đường dài”, mặc dù không “cách nhau một dậu mồng tơi”… nhưng gạt bỏ vấn đề địa hình nhiêu khê nọ, chúng tôi luôn gần kề trong gang tấc, bởi giản dị, chúng tôi cùng táy máy “vọc chữ” dưới ngôi nhà chung: Văn chương. Lần chuyện trò này, hình thành do hai điều: Thứ nhất, những người bạn phương xa của tôi vẫn thường dọ hỏi: Song Thao là ai? Thứ hai, cách đây mấy hôm, nhà văn chung “phường khóm” với tôi đã vừa in xong cuốn Phiếm số 9. Để câu chuyện đi gần với tinh thần “vui thôi mà” của cố thi sĩ Bùi Giáng, tôi tránh hỏi tới những vấn đề nặng nề, nghiêm trọng của tình hình đất nước. Hy vọng những người từng tủm tỉm cười khi đọc Phiếm, sẽ hay biết đôi điều về tác giả, vốn kín tiếng nhưng rất sung (hiểu ở nghĩa viết mạnh). Hồ Đình Nghiêm
22 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 117023)
H ình như tôi bắt đầu yêu anh. Rất mơ hồ, nhẹ nhàng. Thật lạ lùng khi tôi không muốn ngăn chặn sự phát triển của tình cảm âm thầm đó, mà như còn muốn vun đắp cho nồng nàn thêm. Tưởng vô tâm mà lại như cố tình. Tưởng đùa vui mà hóa ra lại đau đớn. Mà, đau đớn thật. Và vô duyên nữa. Cuộc đời đang bình thản êm đềm bên Matt tự nhiên bị xáo trộn, bị đảo tung mọi trật tự.
22 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 107416)
H ọ đã lặn ở một chiều sâu nhất mà họ có thể làm được. Họ không nói gì được với nhau. Người cha bao giờ cũng bám sát cạnh con, cái khoảng cách giữa hai người trước sau chỉ dài bằng đúng một chiều dài của người cha. Ông vừa lặn vừa nghĩ, một là cả hai cha con cùng thoát, hai là một mình nó thoát. Nhất định không phải chỉ một mình ta. Nó còn trẻ, nó cần sống hơn mình.
21 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 107961)
d ấu vết bàn chân trên lối đi không màu nhiều nỗi buồn trong anh đã nhập viện không có chỗ nằm sao nỗi buồn không chết ngay trên đường nhập viện mà đòi theo cái chết khốn nạn đời anh
21 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 112011)
B iển tràn vào thành phố dải Phù Tang mặn chát lệ mùa khô ... Họ đã chết nhưng những nhành hoa Anh Đào vẫn thăng hoa nỗi khốn khó trước ngọn Phú Sĩ
20 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 99706)
T ôi trở về ngôi nhà của gia đình sau hơn hai mươi năm xa cách. Ngôi nhà chừng như không thay đổi mấy ở mặt tiền. Vẫn ba gian tường quét vôi trắng, điểm một vài khung cửa khép hờ, một chái bếp ở hiên sau và mảnh sân con vuông vức nơi lối ra vào. Dấu tích của thời gian chỉ ẩn hiện lờ mờ từng đốm ố trên vách tường cũ, đã ngả màu cháo lòng và loang lổ đây đó như những vệt mụt nhọt thâm sâu...
19 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 89960)
. . Với tôi, thơ không rao truyền một ngôn ngữ nào to tát: thơ chỉ là tâm sự, là “một chút riêng tư”trao gởi người thân, bạn bè, những kẻ đồng hành biết, và sẽ quen.” . . .
17 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 72095)
C húng tôi tiếp đón những người khách đầu tiên của chương trình 500 lịch sử phỏng vấn, với niềm hân hoan xen lẫn xúc động. Tưởng rằng sẽ rất bỡ ngỡ và khó khăn khi phỏng vấn một người lạ về những gì rất riêng tư, thế nhưng mọi việc đã trôi qua thật êm đềm, nỗi thương đau cũng như niềm hạnh phúc của từng người đã được chia sớt trong ân cần và thương cảm.
15 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 71639)
.. . M ắt thuyền của Nguyễn Xuân Tường Vy là một minh chứng về kiếm tìm và kiến tạo bản sắc của một cây bút. Mười hai tác phẩm của chị đã cho tôi những trải nghiệm thú vị. Khi dấn bước vào con đường văn chương chữ nghĩa, có lẽ ai cũng mong cho mình sẽ có được bước khởi đầu thuận lợi. Song con đường đến thành công thường luôn chứa đựng nhiều thử thách. Một khi được tôi luyện qua thử thách, mỗi cây bút sẽ trưởng thành hơn, vững vàng hơn: “ Có thể vượt qua thế giới lớn lao của loài người, không phải bằng cách tự xóa bỏ mình đi mà bằng cách mở rộng bản sắc của chính mình ” (R. Tagor)