LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu. Với lối viết bình dị, nhưng truyện của Nguyễn Trung ghi lại trong tâm tư người đọc sự hoài niệm về thời gian đã mất, và cuộc sống vẫn luôn là một diệu kỳ đáng sống bởi tình người. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí bạn đọc và văn hữu những tác phẩm của Nguyễn Trung.
Tạp Chí Hợp Lưu
- Tam Kỳ. Hai trăm.- Người phụ xe ra giá và xách gói đồ của tôi.
Tôi buột miệng:
- Trăm hai.
- Lên luôn! – Bà chủ xe hét to, đẩy tôi lên.
Thế là ổn. Ngày đi mười lăm năm trước – xe đò, ngày về – xe đò. Thiên hạ thì xe con, tàu tốc hành, máy bay, còn mình vẫn vậy, tạm gọi xóa đói nhưng chưa thoát nghèo. Nghĩ cũng tức ông-bạn-hiệu-trưởng, khi ký tờ giấy nghỉ phép cho mình, Tài trắng trợn tuyên bố: “Đi phép ư ? Cứ việc! Tiền tàu xe phép thì… thiên thu, cứ vợ lo cái chắc”.
Tài khôn thật, bảo không thanh toán thì trái quy định của ngành, của nhà nước. Thay vì nói không chi, Tài thường an ủi chưa có. Nể mình, chỗ anh em, Tài mới nói rõ hơn, thiên thu, để mình biết mà tính toán phương tiện.
Hơn mười năm làm quản lý, nhiều câu nói của Tài mình phục lăn.
Trong các buổi thảo luận, cứ nghe ý kiến cuối cùng của Tài thì anh A cho rằng mình đúng; em B thấy mình không sai; chị C, ông D nghĩ mình sáng suốt. Và cuộc hội họp nào cũng kết thúc một cách vô bổ…
- Cho tiền xe! - Bà chủ nhà xe bảo.
Tôi đưa hai tờ một trăm nghìn. Bà chủ xe đưa lại một tờ, bảo:
- Lấy thầy một trăm thôi.
- …?
- Gói tiêu thầy làm rơi lúc lên xe nè.
Tôi sững sờ, quá nhiều câu hỏi trong đầu, quên cả lời cảm ơn.
Nhớ lời bố dạy: “Con nhìn kỹ mới thấy nhiều người tốt. Cái tốt mới được gọi là văn hóa. Còn mã, mác mà nhiều người vẫn vẫn hiểu lầm là trí thức, trình độ thì… Nghề dạy học hợp với con. Đó là môi trường trong sạch. Hãy sống cho xứng hai chữ giáo viên”.
Năm tôi hai sáu tuổi, đó là lần đầu tiên bố tâm sự. Bố nói chuyện nghề nghiệp mà tôi chỉ nghĩ đến chuyện yêu đương. Lúc ấy bạn gái tôi, đi dạy trước tôi ba năm, rủ tôi vào Nam lập nghiệp…
Tôi cất tiền thối vào chỗ để năm-triệu-sửa-nhà. Nghĩ một hồi lại lấy tiền thối ra, bỏ vào túi áo trên. Tới Ninh Thuận mình sẽ mua nho và rượu nho về cúng bố, còn dư thì mua vài ký thanh long làm quà. Mấy lần trước, bố mẹ và chị em đều khen quà rẻ mà ngon.
Tôi thở phào, ngả đầu ra ghế. Nghĩ lại thấy cũng thương Tài, đồng hương Tam Kỳ, ở gần nhà tôi, học sau tôi hai lớp. Lúc ấy Tài đang chơi không chờ việc, thường uống cà phê với nhau, nên tôi kéo luôn vào trong này.
Năm đầu Tài vất vả hơn tôi. Tôi thường đùa: Dạy thế thì hư cả một thế hệ. Nếu dạy dở tốt hơn hãy làm quản lý.
Nói chơi mà đúng. Năm sau, nhờ khiếu tán tỉnh, Tài cưới con gái rượu của ông trưởng phòng giáo dục và lập tức được đề bạt hiệu phó chuyên môn, một tuần dạy vài tiết Giáo dục Công dân. Năm sau nữa, thầy hiệu trưởng già quá thật thà “được” trên cử đi học cao cấp chính trị. Tài lên quyền rồi sau bỏ quyền lên thẳng hiệu trưởng.
Trong bữa tiệc mừng tổ chức tại nhà Tài, vợ tôi bảo: “Tài đúng là tài!”
“Vợ là cứu cánh… mà… đâu dám quên sự dìu dắt, ủng hộ của anh chị. - Tài vừa nói vừa nhìn thiên thần hộ mệnh của mình một cách tình tứ - Phải vậy không, em yêu?…”
Như để trả ơn, Tài giao cho vợ tôi chức danh chuyên trách phổ cập.
Vợ tôi hỏi: “Thế thì bỏ dạy à?”
Tài bảo: “Làm chơi hưởng thật mới sướng. Phổ cập là việc mọi người nhưng chỉ vài người được hưởng”.
Đúng như Tài hứa, đầu năm học vợ tôi loay hoay với chồng hồ sơ khoảng một tháng, cứ dồn công việc cho đến khi mình tôi không thể làm nổi là phân công nhiệm vụ cho từng giáo viên: điều tra, ghi chép, thống kê, báo cáo…
“Đồng chí nào làm sai, thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ chịu kỷ luật của ngành”. - Tài hùng hồn tuyên bố - Phổ cập là công tác của toàn xã hội. Các đồng chí là giáo viên xem đó như trọng trách.
Thế là vợ tôi nghỉ hè sớm, chơi không từ tháng 11 cho đến gần hết năm học. Lâu lâu vợ tôi mới viết báo cáo hoặc đi làm phổ cập; còn lên truyền hình địa phương thì thường xuyên.
Có ban giám hiệu và phòng giáo dục hậu thuẫn, vợ tôi hét ra lửa. Đố ai dám ý kiến.
Phổ cập gắn liền với ba chữ công-tác-phí, nên (nói ra thì tội lỗi) lương tháng của vợ gấp đôi tôi. Việc nặng nhọc – giáo viên làm; việc nhẹ nhàng – vợ tôi lo. Đến tháng, lương nhận đủ, phụ cấp vô tư.
Để đảm bảo chỉ tiêu phổ cập, vợ tôi báo cáo láo vô tội vạ. Học sinh bỏ học thì ghi “chuyển trường, đi học ở thành phố Hồ Chí Minh”. Tệ hại hơn, lúc bí quá điều tra không ra, ghi là chết.
Mới đầu tôi phản ứng dữ: “Chắc các em bỏ học, đi lượm ve chai, bán vé số phụ giúp gia đình, hoặc do mình không đi điều tra, hoặc ghi sai họ tên, địa chỉ… chứ kết luận “chết” là mang tội đấy.
Ông bạn-đáng-kính-nể của tôi cười, bảo: “Thì cũng vì việc chung. Các anh ở trên bật đèn xanh rồi, cứ thế mà làm. Ông tưởng mình ông biết thôi sao. Cả triệu người biết. Không hoàn thành chỉ tiêu phổ cập thì ông, tôi và… còn nữa… biết ăn nói sao? Khôn dại tại hồ sơ… Các em chẳng… thì … có mà chết cả lũ! Hoàn cảnh ông nheo nhóc, tôi thương mới tạo điều kiện. Ông không cảm ơn tôi cũng nên cảm ơn vợ ông chứ. Niêu cơm của gia đình mà ông nỡ đập bể sao?
Vợ tôi nhìn tôi. Tôi nín thinh. Lương ba cọc ba đồng, không đủ tiền về thăm quê còn ý kiến nỗi gì.
Tài được nước, nói tới luôn: “Ông cổ hủ, kém nhạy bén, không năng động. Những người như ông là nhân tố gây trì trệ, bất ổn cho xã hội”.
Tài khuyên tôi hoàn thành tốt vai trò của người chủ gia đình, người chồng, người cha trước khi nghĩ đến chuyện lớn lao, cao cả. Rồi Tài bắt đầu kể lể về thành quả nhà trường, ban giám hiệu và… vợ tôi đạt được trong công tác phổ cập trung học cơ sở: nào “gần 40 em, không tham gia lớp học phổ cập, chỉ ghi tên cũng được tốt nghiệp cấp 2, nào “hiệu quả đào tạo, đạt chuẩn phổ cập”, nào “được ủy ban nhân dân tỉnh cấp bằng khen”…
“Đảng, nhà nước quan tâm, bỏ ra tiền tỉ chứ đâu phải chuyện chơi” - Tài nhấn mạnh.
Tôi bảo:
“Nếu có thể, tôi thuê tiến sĩ, giáo sư dạy cho từng em, một thầy một trò thì chất lượng hơn mà tiết kiệm được ối tiền”.
Tài bảo:
“Ngược lại, ý tưởng của ông chỉ làm nghèo đất nước. Đó là suy nghĩ của một nông dân chứ không phải của một trí thức. Tiền này là của cả trong và ngoài nước. Nó chảy, đổ vào đâu thì đất nước cũng giàu lên, xã hội cũng thay đổi theo hướng tích cực. Tiền cấp về mà tiết kiệm là dại dột, nói theo lối bình dân là điên mà không khôn”.
Tôi giận tím mặt:
“Tài khác xưa quá rồi…”
Tôi tiễn Tài ra cửa không nói thêm được lời nào…
*
**
- Mời cô bác xuống nghỉ ngơi, cơm nước, mua quà…
Xe dừng. Hành khách lục tục kéo xuống.
Đúng giữa trưa, trời nóng như đổ lửa. Nhờ báo chí lên tiếng mà mấy năm trở lại đây hành khách xe đường dài thoát khỏi cảnh cơm tù, không phải thượng đế nhưng cũng không bị coi như ăn mày, tù nhân nữa.
Rửa ráy, ăn cơm, uống một chai bia, mua quà xong tôi vẫn còn năm chục trong túi áo (không kể năm triệu trong bóp). Sau một hồi năn nỉ, ỉ ôi, chị bán vé số giúp tôi nhẹ túi hơn, còn bốn chục.
Máy nổ, xe chuẩn bị lên đường. Một em trai nhảy lên xe, mếu máo hỏi một anh râu quai nón, mặc đồ lính. Sau nhiều cái khua tay, lắc đầu của hành khách, em trai khóc rống lên:
- Trời ơi, nó lừa tôi bảy chục tờ vé số, bảo lên xe lấy tiền rồi chuồn luôn!
Ông cụ ngồi bên tôi (trông rất giống bố tôi) móc ví cho năm chục. Tôi nhanh nhẩu dúi theo hai chục. Em bán vé số gọn gàng chộp lấy tiền, nhảy xuống xe, mất hút vào đội quân bán dạo.
Bác tài quay lại thở dài:
- Chẳng biết ai lừa ai!
Tôi nhìn ông cụ. Không có biểu hiện nào trên khuôn mặt phúc hậu ấy. Tôi nhìn năm kí hồ tiêu đựng trong ba lớp túi nhựa tưởng đã mất lẩm bẩm: đố ai lường hết mọi điều…, cảm thấy lòng nhẹ nhàng hơn.
Xe lăn bánh. Tôi ngủ chập chờn… Cứ nhắm mắt lại là thấy ngôi nhà ở Tam Kỳ. Đối với gia đình tôi, ngôi nhà rất đặc biệt. Nhà cấp 4, có tuổi hơn 40, nhìn về hướng Tây. Khó nói ngôi nhà nhỏ hay lớn, chỉ biết là cũ và xinh xắn, sân hẹp lát gạch, có cây lấy bóng mát. Dưới gốc cây vú sữa để một bộ bàn ghế nhỏ bằng gỗ, nơi bố tôi thường ngồi uống trà, đọc báo. Chính tại đây, nhìn tia nắng chiều yếu ớt chen qua kẽ lá, bố tôi sáng tác được nhiều bài thơ hay.
Gia đình tôi ở cố định từ khi được phân nhà. Tuổi thơ của bốn chị em tôi đều gắn bó với ngôi nhà. Ngôi nhà và khoảng sân nhỏ xinh hầu như có trong mọi ảnh chụp gia đình.
Bố tôi là nhà thơ, nhà giáo ưu tú. Ông giữ chức trưởng phòng giáo vụ của một trường trung cấp chuyên nghiệp gần 30 năm cho đến ngày nghỉ hưu vẫn chưa có được giấy chứng nhận quyền sử dụng ngôi nhà và mảnh đất ấy. Mẹ tôi là công nhân vườn ươm ở trại giống thuộc trường bố.
Khi bố nhận được giấy điều động về tỉnh, sếp của bố tới thăm, phán:
“Tầm cỡ thầy mà ở ngôi nhà này thì… quá nhỏ. Thầy ở lại giúp tôi, tôi sẽ cấp thêm 100 m2 đất bên hông nhà để thầy trồng cây cảnh. Gắn bó với trường lâu thế lẽ nào thầy bỏ mà đi”.
Bố mộng mơ và thánh thiện, mẹ thì thẳng thắn chân quê. Bố mẹ chẳng biết bon chen, không ham quyền chức nên đồng ý ở lại.
Vài tháng sau, trong hội nghị công nhân viên chức lại có ý kiến cho rằng nhà bố quá to. Thế là phần đất mới được cấp thêm bị cắt một nửa. Cũng năm ấy, bố có người-học-trò-giám-đốc-sở về thăm thầy, nhắc khéo sao đó mà ngôi nhà từ quá to chuyển thành quá nhỏ; nên bốn tháng sau bố có lại 50 m2 đất.
Rồi một thập niên trôi qua, bố mẹ già đi, ngôi nhà xuống cấp. Theo thời gian, chúng tôi lớn lên nhưng ngôi nhà chẳng lớn thêm, vẫn 40 m2 nhà ở cho sáu người.
Năm bố về hưu, mẹ ốm đau liên tục buộc phải nghỉ mất sức. Được ít tiền trợ cấp, bố xây thêm 30 m2 nhà ở. Thế mà cũng có lời ong tiếng ve: chiếm dụng đất nhà nước, tự nhiên có ngôi nhà to, đẹp đàng hoàng…
Vào thời dân biết – dân bàn – dân làm – dân kiểm tra, bố tôi có một bài thơ gây tiếng vang trên văn đàn. Nhà tôi vui như hội. Nhiều nhà báo ở tỉnh và cả trung ương đến thăm. Họ lại phàn nàn nhà quá chật chội. Chắc nhột tai sếp nên cuối năm ấy bố có được giấy cấp nhà (với điều kiện phải đóng một khoản tiền mà cả nhà nhìn vào đều chóng mặt). Mãi tới năm bố tôi không ở trên đời được nữa, chị em tôi mới đóng đủ số tiền đó.
Trong các bài viết ở bậc phổ thông cũng như các sáng tác của chúng tôi sau này đều không nói được là ngôi nhà đặc biệt ấy nhỏ hay lớn. Riêng bố, những năm cuối cuộc đời một nhà giáo thanh bạch, sáng tác bài Suối mơ đề tặng Văn Cao, ở khổ cuối viết:
Cảm ơn người nghệ sĩ tài hoa
Đã vì ta viết khúc tình ca
Cho mãi mãi em mười sáu tuổi
Dẫu riêng tôi nay vẫn không nhà...
Có lần tôi và Tài cùng về Tam Kỳ. Tài còn người thân duy nhất là anh Hai, người nuôi Tài ăn học nên người.
Tài đem quà tới biếu bố mẹ tôi. Tài cũng chê nhà chật và nóng, không bằng nhà tôi và nhà Tài trong này.
Thấy mẹ có vẻ buồn, bố bảo:
“Rộng, chật ở lòng ta”.
Lần ấy, ông giáo già và hai thầy trẻ bàn về giáo dục.
Bố bảo:
“Học sinh giờ lanh hơn bọn mình xưa”.
Tài bảo:
“Trên khoán cho tụi con như khoán sản phẩm. Chưa biết thầy dạy thế nào, trò học ra sao vẫn có con số cụ thể buộc phải thực hiện”.
Tôi bảo:
“Số lượng học sinh khá- giỏi trên một nửa. Lên lớp thẳng gần như 100%. Chất lượng thì khó nói lắm… Có gia đình chờ giáo viên đến nhà vận động và hứa miễn mọi khoản tiền cho con em họ mới đồng ý để các em đi học lại. Thế mà các em đó ngồi học chẳng yên. Cứ có tiết thao giảng, tiết dạy tốt, tiết thanh tra… là các em đó (và cả những em-yếu-lì-lười) được mời ra khỏi lớp nhằm mục đích tránh ảnh hưởng đến phong trào học tốt của lớp, phong trào dạy tốt của thầy cô. Nhiều lúc con nghĩ hoặc phổ cập giáo dục hoặc nâng cao chất lượng, cứ chọn một trong hai thì nhiệm vụ của ngành mới rạch ròi. Nói thật với bố, xin cho con em được danh hiệu học sinh giỏi dễ hơn xin cho chúng được ở lại lớp”.
Tài bảo:
“Học yếu mấy cũng phải cho lên lớp chứ không thì các em bỏ học. Học tập, rèn luyện ở trường, các em không biết nhiều cũng biết ít. Nghỉ sớm, không có ai quản, dễ hư lắm! Ta chỉ cần chú ý đến chất lượng học sinh giỏi là được rồi”.
Bố bảo:
“Hai con đều có ý đúng. Theo bố, càng chạy theo chỉ tiêu càng quan tâm chất lượng dạy và học, thế mới được. Cho điểm, đánh giá, xếp loại một con người thật sự khó. Vì lòng yêu nghề mến trẻ ta chấp nhận một khoảng mở nào đó. Nên dừng lại ở khoảng cho phép của chữ Tâm và chữ Tình. Sự vượt quá giới hạn sẽ tạo ra những con số không tưởng. Lâu ngày đâm quen, dẫn đến việc dối trá trong ngành giáo dục”.
Tài lì xì cho em trai út tôi, đưa tiền cho em trai kế tôi, bảo:
“Mua thêm cái quạt máy cho bác gái”.
Mẹ tôi bảo:
“Cám ơn cháu, nhưng bác không nhận đâu”.
Tài bảo:
“Giờ cháu khá rồi, không như hồi trước nữa, bác đừng ngại”.
Nói xong Tài cáo lui.
Bố bảo:
“Tư tưởng của con không thoáng bằng thằng Tài. Nó thức thời đấy”.
Tôi bảo:
“Tài cơ hội lắm”.
Bố bảo:
“Nên nhìn vào mặt tốt của người mà học tập. Chỉ thấy mặt xấu khiến đầu óc nặng nề. Cái khuyết của người không phải để phê phán hằn học mà để soi lại mình, rút kinh nghiệm và… góp ý cho họ”.
Tôi bảo:
“Con nghe bố”.
Bố bảo:
“Hè sau dẫn các cháu về, đừng bắt học hè. Đánh cắp tuổi thơ là tội lớn đấy!”
“Dạ” – Tôi lí nhí.
Như đã hứa, năm sau đó cả gia đình tôi và gia đình Tài nghỉ phép hè về thăm quê.
Vợ tôi và vợ Tài đi chợ, nấu bữa cơm thân mật ở nhà tôi.
Bố bảo tôi:
“Con có sức khỏe hơn năm ngoái”.
Tôi bảo:
“Thằng Tài trông bệ vệ hẳn ra”.
Vừa lúc Tài chở một thùng bia lon về, cười:
“Bụng bia mà”.
Rồi Tài khen:
“Gian nhà bác mới làm thêm được lắm!”
Bố bảo:
“Theo kế hoạch chỉ đạt một nửa. Gian nhà cũ xuống cấp quá rồi”.
Tôi bảo:
“Để vài năm chị em con sửa lại cho bố”.
Bố bảo:
“Các con thực hiện cải cách, đổi mới trong giáo dục là tốt. Nên giữ lại những ưu điểm của nền giáo dục cũ. Có nhiều cái hay lắm”.
Đó là lần cuối cùng bố tôi nói chuyện với Tài.
Ngày bố bị bệnh nặng, được tin, vợ chồng tôi đem hai cháu về. Thời gian nằm viện bố tôi vẫn còn hỏi thăm Tài và chuyện nghề nghiệp của chúng tôi.
Bố bảo:
“Phải làm trong sạch và tránh thương mại hóa môi trường giáo dục”.
Trong bốn chị em, mình tôi theo nghề dạy học và có thơ đăng báo nên bố đưa tôi ba tập thơ và một quyển hồi ký còn viết dở. (Chị tôi làm thống kê. Em trai kế là kỹ sư địa chất. Em trai út theo học ngành xây dựng).
Con cháu về đông đủ cả. Bố rờ đầu các cháu nội ngoại, nắm tay mẹ, gắng nhìn chúng tôi một hồi rồi nhắm mắt.
Bố mất. Tôi gọi điện xin Tài thêm một tuần lo việc tang gia. Tài gởi lời chia buồn và nhắc tôi động viên an ủi mẹ. Lần đó tôi nói lời cảm ơn Tài một cách thực lòng.
Đêm trước ngày tôi đưa vợ con vào miền Nam, đại gia đình ngồi lại bên nhau, trước bàn thờ bố. Mẹ đốt nhang khấn vái và báo cho bố biết đã làm được sổ đỏ cho ngôi nhà. Rồi mẹ khóc:
“Khổ thân ông! Cả đời cực nhọc… mới sướng được vài năm đã…”
Chị bảo:
“Bố đi thanh thản lắm”.
Vợ tôi bảo:
“Mẹ cố giữ gìn sức khỏe. Bố phù hộ cho đại gia đình ta”.
Chúng tôi bàn tính sửa gian nhà trên vì tường nứt nhiều chỗ và ngói dột.
Chị bảo:
“Chị mười triệu”.
Em kế bảo:
“Con năm triệu”.
Em út bảo:
“Em vẽ thiết kế và mua cây cảnh trước sân”.
Tôi bảo:
“Con viết truyện ngắn về nhà giáo Việt Nam để dự thi”.
Chị cười, mắt hiền khô như bố, hỏi:
“Là bao nhiêu?”
Vợ tôi bảo:
“Vợ chồng con năm triệu”.
Tôi bảo:
“Giải nhất ba mươi triệu đồng và nhiều giải thưởng khác”.
Chị bảo:
“Hè tới, trước mùa mưa, sửa nha”.
Chị tôi lấy hai mảnh vải trắng, bảo thằng út viết câu đối.
Chị đọc:
“Thong dong nơi dòng đời trần thế
Dịu sáng chốn tiên giới vĩnh hằng”.
Nghệ thuật thư pháp của em trai út tôi cũng khá nên mười phút sau câu đối đã được treo lên.
Em kế tôi lấy tờ lịch treo tường, lật phía sau, đặt nằm ngang, đưa thằng Út, đọc:
“Tóc cha không bạc nữa
Trán mẹ thêm nếp nhăn
Em làm sao hiểu được
Tôi một đời ăn năn”.
Mẹ bảo:
“Địa chất mà cũng… văn với chả thơ”.
Và mẹ khóc.
Chị nhìn tôi…
Tôi bảo:
“Em vẫn nói câu cũ: Viết truyện ngắn. Nếu được giải không những em có tiền sửa nhà cho mẹ mà còn in thơ cho bố chứ chẳng chơi”.
Sau này tôi mới biết rằng mình đã nói quá.
*
**
- Ai xuống Tam Kỳ, chuẩn bị! - Tiếng người phụ xe.
Tôi đứng lên, lấy các gói quà trên bệ hành lý, xách va-li đồ.
Xe dừng. Tôi bước xuống chính tại nơi mười lăm năm trước đón xe vào Nam lập nghiệp. Sáng hôm ấy, mưa nhẹ bay; tối nay, trời oi bức.
Mẹ còn khỏe không? Một mình, ăn uống thất thường chắc mẹ gầy đi nhiều. Ngôi nhà sửa xong trông thế nào nhỉ? Lòng tôi xốn xang. Tiền mang về mà truyện thì mới phác thảo. Viết xong liệu có được đăng không? Mà đâu phải cứ được lên báo là có giải…
- Đi đâu? – Người xe ôm hỏi, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.
- Không, cảm ơn.
Tôi vừa đi vừa nhớ lại buổi sáng trời mưa ấy.
Bố bảo: “Đất quê ta mênh mông. Cả thế giới là nhà”.
Mẹ khóc:
“Tự lo cho bản thân… chú ý sức khỏe, con ạ!”
Chị dặn:
“Công tác tốt nhé!”.
Hai em nhìn tôi, không nói gì.
Ngày đám cưới tôi tổ chức trong Nam, chỉ có bố và chị. Nay về chỉ có mẹ và chị ở Tam Kỳ, chị đã ra riêng, cách nhà mẹ năm cây số, còn hai em đều công tác xa…
Tôi nhẹ nhàng mở cánh cửa sắt nhỏ xinh. Mẹ đang ngồi trên ghế đá. Ơn trời, mẹ tôi vẫn khỏe nhưng mắt đã kém. Mẹ không nhìn thấy tôi. Tôi thả đồ, ôm chầm lấy mẹ:
- Thưa mẹ, con về nhà!
Mẹ khóc…
Có tiếng chuông điện thoại.
Tôi vào nhà: sạch và gọn. Bàn thờ mới, tường sơn xanh, la-phông nhựa, nền gạch đen – trắng…
Tôi nhấc điện thoại. Là Tài. Tài về tàu, cùng ngày với tôi, mới tới ga Nha Trang. Tài hỏi thăm mẹ tôi và chuyện nhà cửa. Tôi bảo tôi vừa về đến.
Tôi khoe:
- Đi xe vừa rẻ vừa nhanh.
- Ngồi tàu chầm chậm mà sướng. – Tài chọc lại.
Tôi bảo:
- Sáng mai uống cà-phê!
Tài ô-kê và cúp máy.
Dù còn nhiều điểm bất đồng, chúng tôi vẫn là bạn.
Đêm. Tôi mơ thấy bố tay cầm mũ, tay cầm cặp đen như vừa đi dạy về.
Giật mình tỉnh giấc, tôi đốt nhang cho bố. Có một chiếc cặp da trên bàn thờ. Tôi mở cặp. Nhiều giấy tờ và… hai lá thư. Một lá của tôi báo tin vợ chồng tôi mới xây ngôi nhà “rộng hơn và đẹp hơn nhà bố mẹ”. Lá thư kia bố viết mà không gởi.
"Con,
Nhớ trả tiền cho thầy Tài; bố không hỏi mượn mà thầy cứ ép cầm.
...
Các con đi rồi, ngôi nhà rộng đến vô cùng…"
Cảm nhận được sự trống vắng và cái "vô cùng", tôi ứa nước mắt…
NGUYỄN TRUNG
- Từ khóa :
- NGUYỄN TRUNG