- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Sông Tô Châu

14 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 41416)


hoang_hai_lam-content
 Hoàng Hải Lâm -2013

LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Hoàng Hải Lâm, sinh năm 1979, hiện đang sống và làm việc tại Quảng Trị, Việt Nam, đã có một số truyện ngắn đăng trên báo Văn nghệ, Lao động, Tiền Phong.... Với lối viết lạnh, khô khốc, truyện ngắn “Sông Tô Châu” của Hoàng Hải Lâm như vết cắt sâu về nỗi bất hạnh và đớn đau…Xin mời quí bạn đọc cùng chúng tôi đi vào không gian truyện "Sông Tô Châu".

Tạp Chí Hợp Lưu

 

 

 

Sáng dậy, Thung không thể tự nhấc mình ra được khỏi giường nằm. Thân cô như rã nát sau đêm tân hôn mà có lẽ cả cuộc đời này Thung sẽ không bao giờ quên. Thung nghe khát, cổ họng cô rát bỏng bởi những cuộc làm tình của mấy gã đàn ông trong nhà này. Chồng của Thung đâu, Thung cũng không nhận ra được trong đám người kia ai là đức lang quân của mình. Họ gần như giống nhau với đôi mắt một mí, sóng mũi khoằm và tóc cắt đầu đinh. Họ có điệu cười khanh khách khi bước vào phòng Thung. Thung nghe lòng mình nghẹn đắng, cô không khóc vì nếu nước mắt rơi thì ở quê hương lòng mẹ cha chua xót. Sau đêm tân hôn mà như kết thúc một đời người, cô nghe đời mình tựa đám mây nhẹ nhàng trôi, không có gì đọng lại ngoài khuôn mặt cúi gằm xuống đất. Gã đàn ông thứ sáu và cũng là đứa cuối cùng nhảy lên người Thung trong đêm tân hôn đáng tuổi em Thung. Nó hơi rụt rè, vụng về và quấy quả nhưng sau đó chê bai Thung lỏng tuột. Nếu có đặt tên, Thung sẽ không biết gọi tên đêm hôm qua là gì. Một cuộc hiến xác tế thần hay là trò đời dâm đãng, đó cũng có thể là bài học đầu tiên của một ngôi trường làm tình tập thể mà thầy giáo không ai khác là Ôn Hùng chồng Thung và năm đứa em của hắn. Ở căn phòng này nhìn ra ngoài có thể thấy sông Tô Châu chảy miên man, ánh sáng sớm mai cũng đã chảy cùng nước sông bàng bạc. Thung nhớ sông Cửu Long sóng tràn bao mùa lũ, rồi những hạt phù sa nằm lại cho cây lúa tốt tươi.

Thung thuộc hàng con gái xinh ở miền sông nước, nhưng bị đớt nên không có nỗi một tình yêu. Còn nhớ chiều đó khi ra bờ sông ngắm lục bình trôi miên man trên dòng nước thì nhà Thung bốc cháy rừng rực cùng tiếng khóc của mẹ Thung. Ba Thung thiếu nợ người ta có đến mấy chục triệu đồng tiền ăn nhậu và bắt bóng đá, Euro 2012 rộn ràng với biết bao gia đình. Nhà nào cũng quẫn bất vì thiếu tiền ném vào bóng đá. Có nhà không thanh toán được nợ nần rồi tự sát bằng cách đâm đầu vào xe... Người ta đòi tiền ba Thung, lôi mẹ Thung ra rồi châm lửa đốt nhà Thung. Lửa bén tang thương như cuộc đời cô độc tự kết liễu. Họ đòi tiền, nếu không có tiền trả họ là họ giết chết cả ba Thung. Chúng bỏ đi khi ngôi nhà cháy hơn phần nửa. Hai hôm sau, bọn chúng quay lại nhận tiền từ tay Thung. Thung bước lên ghe đi với một người Hoa đến chốn thị thành, cô trở thành cô dâu người Hoa từ đó. Một cuộc hôn nhân với 7.000 nhân dân tệ, Thung bước đi xa xôi. Gió thổi, nước trôi, chợt nghe hoa điên điển tàn cả một khung sông buồn mang mác. Cô thôi nói tiếng mẹ đẻ. Thung lắng nghe những rách nát của cuộc sống qua những con người sống quanh cô.

- Cô chỉ việc nấu nướng, giặt giũ và tối về phục vụ cho sáu anh em chúng tôi.

Ôn Hùng nói tiếng Hoa nên Thung không hiểu. Ôn vào nhà lấy gạo cho vào nồi, sau đó lấy quần áo bẩn cho vào chậu rồi sau nữa lột trần quần áo của Thung rồi nhảy lên người Thung trước mặt năm đứa em mình. Ôn làm điều đó để minh họa cho việc Thung sẽ làm trong một ngày rồi ôn bước đi cùng năm đứa em thả lại những tiếng cười bì bõm nhấn chìm Thung vào trong vũng đời nhơ nhớp. Thung ngồi trân trối nhìn dòng Tô Châu. Dường như chính sông cũng không mang nỗi cơn bão tố của lòng Thung trong lúc này. Cô cố kìm lòng nhưng nước mắt vẫn tuôn rơi. Cánh lục bình trôi còn có lúc dừng lại, còn đời cô… mênh mông một chuyến xe người. Cô chở đời con ngựa cô cùng sáu anh em nhà họ Ôn bên dòng Tô Châu buồn lặng lẽ.

Thung có thai, con của ai đó trong sáu anh em của nhà họ Ôn. Cô chỉ vào bụng cô cho Ôn Hùng hiểu. Đêm hôm đó, không một người đàn ông nào trong gia đình này vào phòng của Thung. Họ ngồi ở nhà trên nói với nhau điều gì đó đến khuya mới đi ngủ. Dường như là một cuộc họp gia đình. Thung nghe có chút ấm ở trong lòng, chắc gia đình Ôn họp bàn lo cho đứa bé. Chỉ không đầy năm là Thung có con để bầu bạn, để có lý do sống tiếp quãng đời còn lại trong căn nhà ở bên dòng sông Tô Châu.

Mùa đông đến, tuyết trắng phủ đầy và sương giá mênh mang. Thung đẫm tay mình trong xô chậu để giặt quần áo cho một gia đình có đến bốn người là lính hải quân. Ôn Lâm, Ôn Đào, Ôn Phúc và người con trai út Ôn Dịch. Người kế anh cả Ôn Hùng là Ôn Thần. Hai người này bán vải sợi ở chợ gần Tô Châu. Bây giờ Thung đã biết đến tên của họ và thuộc lòng những nét mặt, những cử chỉ của con người trong gia đình này (bằng cách nhắm mắt lại và nhìn họ trong những hành động). Ôn Dịch gần hai tháng mới trở về nhà nhưng không bước vào phòng của Thung. Thấy vẻ lạ Ôn Hùng thắc mắc thì bị Ôn Dịch nói như tát vào mặt. Nhục! Dừng ngay cái trò đớn hèn trong căn nhà này lại. Lịch sử của Trung Hoa bị mấy người làm hoen ố mất rồi. Và Ôn Hùng giáng một cái tát vào mặt Ôn Dịch. Hoen ố à, đớn hèn à. Mày có tiền để đi cưới vợ riêng không… Thung đứng ở cửa, cô nghe được có từ vợ trong ngôn ngữ Trung Hoa. Chuyện liên quan đến cô nên Ôn Hùng và Ôn Dịch mới bất đồng. Thung lặng người phía sau tấm liếp nhìn Ôn Dịch. Hình như con người này thương cô, hay chí ít là đang làm một điều gì đó đấu tranh cho lẽ phải. Đến chiều thì Ôn Dịch lại xách gói ra đi, đoạn đi ngang phòng Thung Ôn Dịch có ghé ngang qua dặn dò có mấy điều vẻ kiệm lời cho Thung hiểu. Nhưng Thung không hiểu được những lời Ôn Dịch nói. Cô ấm ức mãi rồi thì nước mắt chảy tràn trên làn mi. Ôn Dịch khó chịu đến độ vày vò khuôn mặt của mình nhão nát. Đã bước chân lên cái đất nước này thì cô cũng biết thế nào là khốn nạn kiểu Trung Hoa chứ. Ôn Dịch đi, hôm sau Thung sảy thai đứa con đầu lòng. Máu chảy tràn xuống giữa hai bắp đùi Thung và ruột gan cô như bị cào xé. Hôm đó Ôn Hùng và Ôn Thần ở nhà nhưng hai người đó không hề vịn tay đến cô. Họ chỉ liếc ngang rồi cười khẩy nhìn cô khi thu dọn đồ để đi ra chợ. Và Thung ngầm hiểu những lời dặn dò của Ôn Dịch ngày hôm trước. Cô làm sao hiểu được trong bát cháo chân ba ba mà Ôn Hùng đưa cho Thung có những gì. Trời ơi con của mẹ! Cô nhoài người xuống và hót khúc ruột nhỏ bé của mình bỏ vào trong một ống nứa rồi cô lịm dần đi. Đến chiều tối tỉnh dậy, người Thung cứng đờ ra bởi muôn lớp máu khô dính quần áo vào da thịt. Và cả trên tóc. Từ chỗ Thung nằm máu khô trớt như một vũng nhựa cây soi ra dưới ánh sáng mặt trời. Cô cố nhoài người dậy nhưng không thấy cái ống nứa đâu liền bò lê tìm khắp trong nhà. Đến đoạn cô tìm thấy cái ống nứa ở gần chỗ Ôn Hùng, cô đưa tay với thì bàn chân của Ôn Hùng dẫm lên tay của cô. Ôn Hùng cúi xuống và nhặt ống nứa mang ra ngoài, có lẽ hắn mang đi chôn cái sinh linh nhỏ bé của dòng họ Ôn nhà hắn. Thung cố bò đến cửa quan sát từng bước đi của Ôn Hùng, đến đoạn chiếc cầu hắn liệng cái ống nứa xuống dòng Tô Châu. Thung ngồi nhìn trân trối cô như chết lặng, cái lạnh bạt ngàn của mùa đông bên xứ người ào ạt đổ về trong tâm hồn bé bỏng của cô. Trong cái phút giây đó Thung không gào thét, cô cũng không khóc, chỉ có cái nhìn trân trối đáp lại cho hành động của chồng cô. Ở xứ sở của hoa tuyết trắng lạnh, Thung nhớ hoa điên điển nở vùng sông nước Cửu Long trong mỗi mùa nước nổi. Cô nhớ cảnh hôm đứa con dì Thu mất. Trong cảnh biệt ly đó người mẹ khóc, người cha khóc, cả những người thăm đám cũng khóc theo. Có bao yêu thương bồng bế lên nhau khiến người ta vượt qua được nỗi đau cho lòng sống dậy. Ở đây, một mình Thung một tiếng khóc lạc loài. Cô nghe mình dần chết đi với lòng yêu thương con và sự bạc bẽo của con người. Ngày trước, khi chưa đến nơi đây ông lái thuyền nói nhà họ Ôn tốt lắm!

Thung mang thai đứa con thứ hai, lần này cô biết chắc là con của Ôn Hùng. Vì có hơn tháng nay Ôn Thần bệnh nặng cứ nằm ho khụ suốt ngày còn bốn người lính hải quân anh em của Ôn Hùng không được về nhà vì biển đông dậy sóng. Nghe nói tranh chấp lãnh hải với Việt Nam. Ôn Hùng vẻ vui hơn bất cứ ngày nào kể từ khi Thung làm con dâu nhà họ Ôn. Hắn chăm chút cho Thung nhiều hơn, hắn không để Thung ăn cháo hầm chân ba ba nữa mà thay vào đó hắn hầm gà ác gửi mua từ miền biên giới về. Lần đầu tiên Thung thấy hắn khóc khi sờ vào bụng cô, chỗ có cái bào thai đang lớn lên từng ngày trong cơ thể Thung. Hắn ra hiệu xin lỗi Thung và Thung biết, hắn chỉ muốn Thung sinh con cho hắn chứ không phải là đứa con của họ Ôn tập thể. Gia đình Trung Hoa là đây, ở chỗ Ôn Hùng. Cô dần biết những chiêu trò độc tôn trong dòng họ Ôn. Cô bưng bát cháo húp mà lòng nghe bao điều chua xót vì ở cánh cửa phòng bên cô nhìn thấy Ôn Thần nhìn xéo qua bụng cô rồi cười nghe ran rát hòa lẫn vào tiếng nôn mửa. Cô co rúm hai chân mình lại và buông bát cháo để hai tay giữ cái bào thai. Ánh mắt Ôn Hùng và Ôn Thần đụng nhau khó hiểu. Từ chiều hôm đó, phòng của Thung được đặt một ổ khóa, chỉ có Ôn Hùng mới vào được chỗ Thung. Tối đến, Ôn Hùng mở cửa cho Thung giặt đồ, nấu nướng rồi khóa Thung lại trong đó. Ôn Thần bị bệnh nằm ở nhà nhưng Thung vẫn thấy an tâm vì đứa con đã được bảo vệ. Cái thai lên ba tháng tuổi và Thung nghe hạnh phúc từng ngày. Mỗi tối, Ôn Hùng đều mang vào cho Thung một bát cháo bổ dưỡng nhưng Thung lại sẩy thai lần thứ hai. Ôn Hùng khóc nức nở rồi ghì sát đầu Ôn Thần vào tường đánh đến trọng thương. Mặt Ôn Thần nhuốm máu nhưng miệng hắn thì vẫn nở nụ cười màu sắc Trung Hoa. Thì ra hơn tuần hắn khỏi bệnh nhưng vẫn vờ khó ở nằm ở nhà để mục kích và tàn sát một sinh linh trong dòng họ Ôn nhà hắn. Một lần nữa nước mắt Thung rơi trên cái bào thai, Ôn Hùng bỏ đi không nói một lời nào. Thung lại cho cái bào thai vào ống nứa và rồi Ôn Thần liệng nó xuống sông trong con mắt của mùa đông quạnh vắng.

Tiết trời đang lập xuân, mưa bay lất phất và cỏ xanh dọc hai bên của dòng Tô Châu. Thung bước ra ngoài nhìn về cuối ngọn nguồn con sông. Đi hết con sông này chắc tới biển. Giờ đây cô ước mình là một giọt nước của con sông này để rồi một lần được về với biển. Ở đó, dù có rã nát cô cũng an lòng. Cô mong khi đến tận cùng của một sự sống là một sự sống khác (không phải là cô). Cũng sắp đến tết cổ truyền, dịp này nhà họ Ôn chắc sẽ tụ tập về đây đầy đủ. Cô nghe lạnh bởi suy nghĩ của mình chạy về trong sự rách nát của đêm tân hôn. Sáu người đàn ông đã rượu bước vào cuộc tàn và Thung trở thành đồ chơi tình dục. Nhưng rồi mùa xuân đến, biển đông vẫn dậy sóng nên có bốn người không về. Ở nhà lúc này chỉ có Ôn Hùng và Ôn Thần, Thung sẽ cố gắng làm vừa lòng họ. Nhất là đối với Ôn Thần, hắn ngấp nghé năm mươi rồi nhưng bờ vui thì sóng soãi. Không vừa lòng hắn đích thị Thung bị một trận đòn roi mà dù có đau lắm Thung cũng không kêu được Ôn Hùng cứu đỡ. Có lần bị Ôn Thần đánh trong cơn hoan lạc, Thung kêu cứu nhưng Ôn Hùng đến nhìn và nhếch mép cười. Cô biết mình là đồ chơi tình dục và là một cái máy đẻ chưa hoàn thành nhiệm vụ đối với dòng họ Ôn.

Thung mang thai lần ba thì những cuộc tình của lính hải khiến đứa bé không giữ được. Lần này chỉ một mình Thung biết, cô lẻn trong nhà đem chôn bào thai ở một góc vườn. Mấy hôm sau ở chỗ gốc cây gần mộ con Thung có hoa Ưu Đàm nở. Nhiều người xa gần ở Tô Châu đến xem. Hoa Ưu Đàm 3.000 năm mới nở một lần, điềm tốt cho anh bình trong thiên hạ. Thung cũng đến xem hôm đó, cô cố tình đứng che nấm mộ để khỏi có người dẫm lên đó. Nhìn Thung Ôn Thần vẻ dò xét, sáng hôm sau Ôn Thần đem bó nhang thắp chỗ có mầu đất mới. Hắn gạt lớp đất nhô lên và Thung hiểu vì sao hắn làm vậy. Hai lần trước những ống nứa chứa bào thai bị vứt xuống dòng Tô Châu rồi nên Thung hiểu.

Chiến tranh biển đông có thể xảy ra, ở trong nước bây giờ đang xảy ra cuộc nội chiến. Người ta lo lắng đủ điều, người dân đem tất cả tiền dự trữ để mua vàng miếng và chính phủ thì chuẩn bị để sẵn sàng cho một cuộc chiến ngoài biển khơi. Nghe nói đã có máu chảy ở biển đông và tàu chiến từng ngày tăng tốc trên biển. Những cái bắt tay và nụ cười diểu cợt của chính phủ khiến tình hình thêm căng thẳng. Tô Châu đã xảy ra mấy cuộc thanh toán lẫn nhau vì không chịu trả hết nợ nần. Gần chiến tranh rồi các khoản tiền phải thu lại và phía chịu nợ nhân cơ hội này chi đến 50 phần trăm cho bọn xã hội đen để thanh toán chủ nợ. Xác Ôn Hùng rơi tỏm xuống dòng Tô Châu trong ngày đó rồi kế đến là Ôn Thần. Thung mang thai đến tháng thứ tư nhưng cô giấu bặt. Cô tìm cách trốn khỏi Tô Châu trong một đêm, đi đến một đoạn khá xa cô bị cảnh sát tóm và trả về chính quyền Tô Châu. Sáng thứ ba thì Ôn Lâm và Ôn Đào đến nhận Thung về, nghe đâu Ôn Phúc chết bởi một lần giao tranh ở trên biển. Trên đường về Thung còn nghe chúng nhắc về Việt Nam rồi chúng đánh cô vào đầu. Đêm hôm đó, Ôn Lâm và Ôn Đào cùng lúc hành hạ cô và chúng phát hiện cô mang thai. Sáng hôm sau Ôn Dịch về, hai người anh bảo Ôn Dịch nấu chân ba ba với hạt ý dĩ cho Thung ăn rồi biến mất mấy ngày không thấy lại. Ôn Dịch nói được mấy câu tiếng Việt học lõm từ đâu đó. Thôi, trốn đi đừng để hai anh tôi thấy. Cái đó đừng ăn, hư thai… và Thung khóc khi Ôn Dịch đã bước đi.

Đêm về trên dòng Tô Châu vàng rưng rức, Thung bước nhanh dọc con sông đến bên cồn bãi thì bắt gặp hai bóng đen lù lù kéo tới. Ôn Lâm và Ôn Đào đứng trước mặt Thung. Dưới chân chúng là xác của Ôn Dịch. Cô thấy không, kẻ phản bội dòng họ Ôn đều có kết cục như thế này. Cô tính sao? Đào tẩu hả. Chúng cười rộ lên như người điên khiến Thung hốt hoảng. Thung chạy ngược lên cầu nhưng phía bên kia là Ôn Lâm còn phía bên này Ôn Đào đứng chắn. Thung nghe mình sắp gục ngã nhưng nhìn xuống bụng mình, Thung bước đến thanh sắt nối cầu. Cô bước chân lên đó và nhẹ nhàng rơi xuống dòng Tô Châu. Trong khoảnh khắc đó Thung còn nghe được tiếng cười hết sức sương giá của Ôn Lâm và Ôn Đào. Đoạn đó, có ai hát trên dòng Tô Châu nghe vang vọng

Thôi hết từ đây sương với khói

Mảnh hồn ai gọi tiếng Tô Châu

Sông chảy, người trôi đời vọng tưởng

Thương lòng dây buộc khói mênh mang

Không ai còn nhìn thấy Thung bên dòng Tô Châu, cuốn gia phả ngàn đời của họ Ôn bị đánh cắp. Một dòng uất hận cuộn lên trong Ôn Lâm và Ôn Đào. Họ phát tin tìm Thung khắp nơi nhưng không có ai tìm gặp cả. Người ta nói chắc xác Thung bị kìm ở đâu đó bên dưới dòng Tô Châu hoặc đã trôi ra đến biển và làm mồi cho cá. Ở Tô Châu, thi thoảng có một vài người Việt đến thắp hương bên sông tưởng nhớ về Thung qua mấy câu chuyện được ghi lại trên báo giới. Nghe nói tin tức về con dâu nhà họ Ôn bị lộ ra bởi cuốn nhật ký của Thung gửi một người hàng xóm. Đó là gia đình có thù với dòng họ Ôn.

Chiến tranh trên biển xảy ra, bất chấp những dòng dư luận lên tiếng về cuộc đời người con gái Việt làm dâu nhà họ Ôn. Ôn Lâm và Ôn Đào cũng được dẫn đầu một đám quân trên chiến sự biển. Có đến mấy năm không cải thiện được tình hình biển đông. Ôn Lâm và Ôn Đào trở về với vai trò người lính. Lúc giải ngũ về ngôi nhà bên dòng Tô Châu. Trên đường về họ bắt gặp một người thanh niên khoảng hai mươi tuổi và người đàn bà đứng trên chiếc cầu. Ôn Lâm và Ôn Đào bị hạ sát trên dòng Tô Châu. Người ta thấy người đàn bà và người thanh niên đó bước vào nhà họ Ôn. Trước bàn thờ dòng họ Ôn, người đàn bà châm lửa để đốt những tờ giấy được lôi trong một cái hộp vàng tựa hộp đựng gia phả nhưng người thanh niên đã giựt lại.

Sáng hôm sau, người ta nhặt được xác của một người đàn bà bên dòng Tô Châu. Cảnh sát báo đó là con dâu nhà họ Ôn bị mất tích cánh đây hai mươi năm. Mấy ngày gần đây có người nhìn thấy bà cùng một người thanh niên đi khắp Tô Châu lùng sục ai đó.

Nghe nói chàng thanh niên đó là con trai Thung tên Ôn Thục.

Một năm sau đó Ôn Thục chết trong chiến sự trên biển đông được nhà nước Trung Hoa suy tôn là liệt sỹ. Được biết đó là người cuối cùng thuộc dòng họ Ôn bên dòng Tô Châu ./.

HOÀNG HẢI LÂM
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Chín 20141:40 SA(Xem: 40745)
Hàng phi lao run rẩy dưới ánh trăng. Loáng thoáng hai dấu giày hằn rõ trên cát. Đặng Lân bật dậy, hú xé màn đêm như con sói cô độc. Xẻng và đá dội lên không trung những âm thanh khô khốc. Lân điên dại, hoang dã…đào mộ. Thúy hốt hoảng chạy đến, dừng tay anh… Nhìn tấm bia, rùng mình, Lân nhớ năm Kỷ Dậu.
20 Tháng Chín 20145:29 SA(Xem: 39040)
Trong số 26 con đập dòng chính Sông Mekong, thì Noạ Trát Độ / Nuozhadu 5,850 MW trên Vân Nam là con đập lớn nhất, và Don Sahong 260 MW là con đập nhỏ và quan trọng nhất thuộc địa phận Nam Lào (không kể tới Thakho Diversion, cũng của Lào, 50 MW được bảo trở bởi CNR & EDL). Bài viết là một phân tích về hai thái cực của sự huỷ hoại: từ con đập lớn nhất tới con đập nhỏ nhất trên toàn hệ sinh thái Sông Mekong.
20 Tháng Chín 20145:03 SA(Xem: 38652)
Trong đám anh em thúc bá, chỉ có mình tôi được học ở Hà Nội. Tôi học trường tiểu học Nguyễn Du, gọi nôm na là trường Hàng Vôi. Bà tôi hãnh diện lắm vì có thằng cháu học trường công nơi đất ngàn năm văn vật. Bà thường khen tôi thông minh, sáng dạ. Bà lấy ngón tay dí vào trán tôi: - Cái trán này này!… Mai sau thế nào cũng đỗ ông Nghè, ông Cống nuôi bà.
20 Tháng Chín 20144:30 SA(Xem: 44027)
Một người ngồi trong ghế bành trích từ tập Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta, nxb Sóng, Sàigòn, 1974. Đặc điểm của truyện ngắn này là xây dựng trên đối thoại nhân vật trong một không khí Tây phương xám lạnh dưới trần mưa ám khói thuốc, và cách dứt truyện đột ngột. Truyện mang khí hậu riêng của những quán hầm lạnh lẽo và ảm đạm. . trong cùng tập truyện... [Trần Vũ]
14 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 42652)
tôi thường nhớ rất viễn vông sớm nay đặc biệt nhớ ông thôi à nhớ nụ cười nhẹ như là có mang hương của loài hoa thân tình
14 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 43586)
Mấy dòng viết vội và muộn màng này chỉ là những hồi tưởng đứt đoạn để gửi tới một người bạn là Nguyễn-Xuân Hoàng...Nguyễn- Xuân Hoàng lại được biết tới nhiều hơn như một nhà văn một nhà báo tên tuổi từ những năm 1970.Hoàng là tổng thư ký tạp chí Văn Sài Gòn từ 1972, tiếp nối Trần Phong Giao, cùng với những tác phẩm đã xuất bản gồm tuyển tập truyện ngắn: Mù Sương, Sinh Nhật; tuỳ bút: Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ Ở Đâu; tạp ghi: Ý Nghĩ Trên Cỏ; và hai truyện dài: Khu Rừng Hực Lửa, Kẻ Tà Đạo…
14 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 33951)
Sau thời gian dài lâm trọng bệnh, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, một cây bút lỗi lạc từ thời VNCH, đã thất lộc vào lúc 10:50 thứ Bảy, ngày 13/9/2014 tại nhà Dưỡng Lão (Nursing Home) Mission De La Casa trên đường Alvin, San Jose, California, hưởng thọ 74 tuổi.
14 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 40507)
SAN JOSE (VB) -- Nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc vừa gửi tin rằng, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã từ trần tại San Jose lúc 10:30 giờ sáng Thứ Bảy 13 tháng 9-2014. Tin này thông báo từ chị Trương Gia Vy, vợ của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng và là người chăm sóc bên giường bệnh của nhà văn.
08 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 40698)
Dường như có rất nhiều người đến tưới rượu lên mộ Trịnh Công Sơn, nhưng chỉ là để nhớ một bạn nhậu chứ không phải nhớ tiếng đàn, tiếng hát của Trịnh. Anh, nhớ bạn, vào quán một mình, kêu một ly rượu đầy và một chiếc ly không. Lặng lẽ ngồi, lặng lẽ uống. Hết ly mình, đến ly bạn. Mà ly bạn chỉ có ngụm nắng tàn.
08 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 41956)
Đọc truyện Thái Bảo đưa người đọc vào những bất ngờ và con đường đưa đến những bất ngờ đầy những lôi cuốn đưa đẩy với các chi tiết được bố trí khéo léo xung quanh nhiều khúc mắc hấp dẫn.Thái Bảo viết phong phú, trải rộng từ Đông sang Tây, đi ngược về quá khứ, trở về hiện tại, đi sâu vào những giấc mơ ác mộng rồi quay về thực tại...Thái Bảo tốt nghiệp bác sĩ tại Việt Nam và hiện nay đang nghiên cứu khoa học, lãnh vực nano sinh hóa tại tiểu bang Florida, Hoa Kỳ. Hợp Lưu trân trọng giới thiệu các truyện ngắn đặc sắc của Thái Bảo đến quí độc giả và văn hữu.