- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Đi giữa dòng bạo động (P.1)

15 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 35962)



di_giua_dong_bao_dong-_tuan_khanh

Lúc 10g sáng ngày 14/5, Tôi cùng 2 người bạn là Thiên Văn và Phạm Thy quyết định chạy xuống khu Gò Vấp, gần Lái Thiêu, khi nghe nghe tin các công ty ở khu Tân Thới Hiệp bắt đầu có đình công. E rằng sẽ có đập phá và bạo động, chúng tôi không dám mang theo nhiều máy móc, chủ yếu là mang theo sự liều lĩnh, để tìm hiểu vì sao lại có những chuyện đập phá và cướp bóc như trên các trang mạng xã hội mô tả.

 

Lý do của chuyến đi này được thôi thúc từ đêm trước. Ngay khi chúng tôi nhận được những hình ảnh những chiếc thiết giáp tiến vào Sài Gòn, những đoàn xe biểu tình được dẫn đầu bởi một chiếc xe Matiz bí ẩn, được chuẩn bị hình cờ búa liềm và ngôi sao, làm náo loạn nhiều con đường. Trong đêm, nhà văn Nguyễn Đình Bổn nhắn tin “anh buồn quá, công nhân bị lợi dụng, rồi sẽ có người chết”. Nhà báo Mạnh Kim thì gọi, giọng lo lắng “tôi quá sốt ruột nên làm một vòng coi tình hình, có gì mình liên lạc nhau nhé”. Lúc đó, tôi cũng đang chạy trên các con đường dẫn đến tòa Tổng Lãnh Sự Trung Quốc. Thành phố im lặng, nhưng nặng nề trong lòng những người đang quan tâm đến thời sự đất nước.

 

Trên đường đi đến Tân Thới Hiệp, chúng tôi được Huy Đoàn, một người bạn ở gần đó cho biết tình hình vắng lặng. Các công ty đã cho công nhân nghỉ việc và dán thông báo giới thiệu mình không là người Trung Quốc trong sự lo sợ. Chúng tôi quyết định đi ngõ ra Sóng Thần, Bình Dương, vì nghe nói có một đoàn biểu tình đang tụ tập ở đó.

 

Gần giữa trưa, nắng tháng 5 gắt và khó chịu vô cùng, ai cũng tìm chỗ mát để né. Vậy mà chỉ đi được một đoạn, chúng tôi tìm thấy hàng loạt các xe gắn máy cầm cờ, trống…v.v gầm rú phía trước. Trong các nhóm ào ạt đi như vậy, có đủ nữ lẫn nam. Cứ thỉnh thoảng lại nghe tiếng hô “Việt Nam Muôn Năm”, “Đả đảo Trung Quốc”… như một cách làm hiệu để đoàn không bị lạc hướng. Dự đoán các nhóm này sẽ đi về khu công nghiệp ở Sóng Thần, Bình Dương, nên chúng tôi quyết định bám theo.

 

Có vẻ như không có sự kiểm soát nào. Những đoạn đường mà mọi ngày, CSGT vẫn đứng khắp nơi, nay vắng lặng một cách khó hiểu. Cảm giác thật khó tả khi gia nhập vào đoàn người. Chúng tôi cảm nhận thấy một điều rất rõ, những nhóm xuống đường này đang kiểm soát thị trấn, kiểm soát thành phố mà không có bất kỳ sự ngăn chận nào. Duy chỉ có hoạt động hết sức thầm lặng và kiên trì của các nhóm dân sự xã hội ở vài nơi nhằm hạ nhiệt của các đoàn người đang lên cơn sốt. Ngay trong đoàn, chúng tôi nhìn thấy 2,3 chiếc xe với các bạn trẻ cứ chạy song song và dúi cho những người biểu tình các tờ photocopy. Tôi thúc Thy chạy vượt lên và xin một tờ. Nội dung trong đó ghi rằng “Lời kêu gọi khẩn cấp Kính gửi các bạn công nhân ở tỉnh Bình Dương và cả nước”. Với phông chữ khoảng 12pt, tràn trang giấy là lời kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh và kêu gọi đừng cướp phá, sẽ bất lợi cho Việt Nam. Dĩ nhiên, có những người đọc, có những người vứt sau lưng.

 

Nỗ lực hạ nhiệt của những nhóm dân sự xã hội thật đáng khâm phục. Ngay trong khu Công nghiệp Sóng Thần, giữa những đám cháy và sự kích động điên cuồng của đám đông chạy đi chạy lại, gậy và cờ, hò hét, vẫn có một nhóm thanh niên im lặng dũng cảm đứng dựng băng-rôn lớn, trên đó có dòng chữ ghi “Hãy biểu tình đúng cách. Không đập phá tài sản. Không lấy tài sản”. Tim thắt lại, tôi nghĩ không biết vào những lúc đám đông ít tự chủ nhất, những lúc sự điên dại lên cao nhất, có khi nào họ trở thành những vật hy sinh hay không?

 

Nắng càng gắt, dường như sự điên loạn càng dâng.

 

Dọc con đường đi về của thị xã Thuận An, thuộc Bình Dương, thật không thể tin nổi vào mắt mình. Chúng tôi nhìn thấy hàng loạt các công ty bị đốt cháy, đập phá… quang cảnh không khác gì đã xảy ra một cuộc chiến. Gần như 100% công đã đóng cửa. Cho đến khi chúng tôi đến đây, đã là ngày thứ 3 của các cuộc bạo động, nhưng hầu như chạy suốt vài mươi cây số, tuyệt nhiên không hề thấy bóng công an, CSGT hay CSCĐ. Sự lo sợ xuất hiện ở nhiều nơi. Các ATM không hoạt động nữa, tiền rút đi. Nhiều ngân hàng tăng cường bảo vệ và được lệnh không giữ nhiều tiền mặt ở các chi nhánh có sự biến.

 

Công ty Song Tain là một trong những nơi có quang cảnh thê lương nhất. Cả hệ thống nhà máy bị đốt rụi. Lửa tràn ra tận ngoài đường nhựa, làm chảy và cháy đen một đoạn lớn. Hàng rào bị lật ngửa. Khắp nơi đều có dấu đập phá và sổ sách bị quăng ra sân. Khói vẫn còn nghi ngút. Nơi này dường như bị đám đông tàn phá không phải một lần. Sự chà xát và đập, cướp khiến chủ công ty phải cầu cứu. Đến trưa ngày 14/5, một nhóm khoảng 6,7 CSCĐ được điều đến và ngồi gác trong bóng mát, sau bức tường công ty. Nhưng lúc này thì có vẻ như không còn gì để bảo vệ nữa.

 

Một người dân ở đây cho biết có một vài công ty còn níu lại một ít tài sản như nhà kho, xe tải… thì cầu cứu CSCĐ đến bảo vệ phần còn lại, giữa hoang tàn. “Hình như là có trả tiền bảo vệ phụ ngoài giờ”, người dân này nói. Nhưng trên con đường mà chúng tôi chứng kiến hàng chục công ty bị đốt, phá, cướp… số những nơi có CSCĐ đứng giác chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng có vẻ gì đó nhẹ nhàng không căng thẳng lắm của người bảo vệ.

 

Điều đó được xác định một lần nữa khi chúng tôi chạy đến một công ty Đài Loan khác, theo dấu một làn khói đen ngùn ngụt lên trời, có thể nhìn thấy rõ từ 2,3 cây số. Nơi này không còn rõ tên họ vì bảng hiệu đã bị đập. Chữ làm bằng ximăng và nhôm thì giờ chỉ còn là những mảnh vụn rải rác. Lửa vẫn còn cháy. Một tiểu đội CSCĐ có mặt nhưng đang ngồi nghỉ trong bóng mát, ăn cơm hộp. Không có dấu hiệu nào là xe chữa cháy sẽ đến. Một cô bán nước gần công ty cho biết lửa cháy từ cuộc bạo động lúc 5,6 giờ sáng cho đến giờ, không ai dập cả, toàn bộ ban giám đốc đã đi trốn. Điều lạ là giữa những người bàng quan, có một 1,2 nhân vật ăn mặc không là công nhân đứng gần đó, mặt rất khó chịu khi chúng tôi hỏi thăm và chụp hình. Thậm chí nếu chúng tôi không nhanh chóng rời khỏi nơi đó, có thể sẽ gặp rắc rối.

 

Lúc này đã hơn 12g trưa, nhưng cái nóng của thời tiết vẫn không căng bằng cái nóng của thời sự. Các đoàn cầm cờ đỏ, gậy và khẩu hiệu vẫn ầm ầm đi qua, chạy về phía các công ty ở Khu công nghiệp Bình Dương. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng không thấy công an. Vài chốt gác của dân phòng mà chúng tôi chạy qua đều bị đập nát, cũng không có ai trực ở đó nữa. Thành phố rộn rịp và hoang tàn.

 

Đi thêm một đoạn nữa, chúng tôi bị lọt vào giữa một nhóm bạo động. Nhóm này có khoảng chừng 20, đến 30 người nòng cốt. Họ luôn chạy đầu, mang theo hung khí và hò hét để tập trung người. Các công ty mà chúng đi qua, gương mặt các nhân viên của công ty bảo vệ phái đến, rúm ró vì sợ hãi. Trước cánh cửa mọi công ty đều có treo băng-rôn: “Chúng tôi ủng hộ Việt Nam”, “Phản đối Trung Quốc”, “Tôi yêu Việt Nam”… Ai cũng biết, có thể đó là lời nói dối, nhưng lúc này, nói dối có thể cứu mạng và cứu tái sản của nhiều người. Tuy nhiên, cay đắng hơn là trước một vài cánh cổng đã bị lật đổ. Hàng rào bị phá… có cả băng-rôn “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh”, “Việt Nam Muôn Nam”… bị vứt chỏng trơ dưới đất. Lá bùa hộ mạng cuối cùng cũng đã không còn hiệu nghiệm ở một vài nơi.

 

Ở một công ty khác hợp tác làm ăn với Đài Loan, chúng tôi chạy dọc theo đường vào công ty, thấy những tờ giấy “Hoàng Sa – Trường Sa – VN” được dán như một cứu cánh để biện minh cho sự tồn tại của mình. Một cảm giác thật khó tả. Trước đây không lâu, rất nhiều người cầm hay mặc áo có dòng chữ này đã bị bắt, đã bị tù… Nay thì khẩu hiệu đó đang là miễn tử kim bài cho khá nhiều công ty Trung Quốc hay Đài Loan.

 

Tách đoàn hò hét, chúng tôi ghé vào công ty của Đài Loan. Bảng hiệu đã bị đập. Chỉ còn đọc được mơ hồ là Seui Yuang hay là gì đó. 3 viên bảo vệ gồm hai nữ, một nam ngồi thất thần trước công ty đổ nát. Thấy chúng tôi ghé vào, gương mặt của họ sợ hãi thấy rõ. Người bảo vệ nam, khoảng trên 50 tuổi bước ra, mặt rất căng thẳng, dù khi biết chúng tôi không phải là người biểu tình.

 

“Bác à, những người đập phá này có phải là công nhân không?”, tôi hỏi. “Không, họ chưa bao giờ là công nhân, họ chuyên nghiệp”, bác bảo vệ già nói, giọng thảng thốt. “Bác thấy họ là dân ở đây hay ở nơi khác đến?”. Người bảo vệ mặt đanh lại như nửa muốn trả lời, nửa muốn im lặng. Tôi quay sang hỏi cô gái bảo vệ, khoảng trên 30 tuổi, “Sao mình không gọi công an đến giúp?”. “Không ăn thua gì, họ không đến hoặc đến lúc không còn cần nữa”, cô bảo vệ nói như gào lên, giọng có vẻ tức giận pha trộn sự sợ hãi.

 

Tôi quay ra nhìn ngoài cửa thì thấy một đám đông bạo động đang ập đến. Nhóm dẫn đầu cũng khoảng 30 người, nhưng đằng sau sắp đến thì cả trăm hơn. Mặt cả 3 người bảo vệ biến sắc. Một trong hai cô bảo vệ nhấn số gọi công an, nhưng ít giây sau đó, thả máy xuống, thở nặng nhọc: đầu dây bên kia đột ngột bị cắt ngang.

 

Đám đông tràn vào sân. Tôi đứng nép vào phòng bảo vệ nhìn ra. Những thanh niên mày mặt rất lạ lùng, không thể là công nhân, trang bị gậy sắt, gậy gỗ và cờ tràn vào sân công ty như một đạo quân xâm lược. Tiếng chửi thề, hú hét, tiếng gầm máy xe…v.v biến sân công ty đang vắng lặng trở thành hỗn loạn.

 

Ngay lập tức tức tiếng đổ vỡ vang lên. Ai đó sau lưng tôi ném một viên gạch lớn vào cửa kính tòa nhà. Linh tính như nhắc tôi nên vừa kịp né người qua, và nghe tiếng kính vỡ xoang xoảng. Tôi cầm máy chạy vào bên trong để ghi lại cảnh đập phá này. Cảnh tượng bên trong còn hãi hùng hơn. Tất cả mọi thứ bị đập nát. Kính vỡ và gãy đổ khắp mọi nơi. 2 thanh niên xông vào căn phòng trước đây có là nơi làm việc sổ sách và kéo liên tục các hộc tủ ra xem còn thứ gì có thể lấy được hay không. Cứ mỗi lần không tìm thấy, họ lại đập. Có một chi tiết tôi ngạc nhiên là chính những người cầm cờ đỏ ngoài kia, khi vào đến phòng này, khi thấy một lá cờ đỏ treo trên tường đã giật xuống. Họ là ai?

 

Phòng tiếp tân của công ty thì cảnh đập phá diễn ra như một lễ hội. Khắp nơi vang tiếng đổ, bể. Trước mắt tôi là một thanh niên đội nón bảo hiểm, tay cầm gậy sắt, đập liên tục vào mọi thứ trước mắt. Suýt nữa thì anh ta đánh trúng một cô gái đang lom khom nhặt một bàn phím vi tính bị vứt dưới đất. Bất ngờ anh ta quay qua nhìn tôi và chiếc máy quay chằm chằm. Biết không xong, tôi vờ bước nhanh ra khỏi nơi đó. “Thằng này ở đâu ra vậy?”, tôi nghe tiếng anh ta hỏi một ai đó. Tôi bước nhanh hơn, phía trước cổng là đám đông đang hò hét, vung gậy và cờ.

 

“Nói tụi ở ngoài chận nó lại”, tôi còn kịp nghe câu đó trước khi bước ra đến sân. Đoạn sân ra đến cổng chưa bao giờ dài đến vậy, mà tôi thì không thể chạy lúc này.

 

Bất ngờ tôi thấy Thy và Văn bỏ xe chạy vào đón tôi. Tín hiệu từ bên trong đã được truyền ra, giờ đây hơn 70-80 người cầm hung khí đón tôi ở cửa với ánh mắt đầy sát khí khiến Thy và Văn phải nhảy vào kèm tôi ra. Nhưng dường như không kịp rồi. Một thanh niên tóc nhuộm vàng, mặt không thể là công nhân, nhìn mặt tôi, hỏi lớn bằng giọng Thanh Hóa “Này, này, chú kia!”.

 

Lao nhao trong đám đông đó, tôi nghe thấy tiếng hô “Nó là Tàu, đập nó chết đi!”. Có tiếng hò reo sau lời hô đó. Tôi giữ mặt lạnh, quay sang người thanh niên tóc vàng, trả lời lớn, để mọi người có thể nghe thấy tôi nói tiếng Việt “Có chuyện gì không?”

 

Dường như mọi thứ hơi chựng lại một chút. Một người khác có vẻ hung hăng hơn “Mày vào đây quay phim làm gì?”. “Để coi”, tôi đáp, chân bước nhanh ra ngoài, liếc mắt thấy mấy người bạn đã quay đầu xe, nổ máy. “Mày là nhà báo à?”. Lại nghe có tiếng nói “ĐM, nó giả dạng đó, đập nó!”. Tôi phải làm tỉnh, quay người lại, cười lớn “Tao mà nhà báo cứt gì!”. Thoáng thấy 3 người bảo vệ đứng đờ người nhìn tôi. Không biết là họ sợ cho tôi, hay sợ cho chính bản thân họ lúc này. Ngay sau đó, tôi leo lên xe Thy. Xe vọt đi. Đám đông nhìn theo, may mắn là những người đó chưa đủ say máu để đuổi theo.

 

Trên đường đi, Văn nói bên ngoài lao nhao nói tôi là người Hoa (nhìn cũng có vẻ giống nhỉ) nên phải đập cho chết. Thật là may, tôi biết nói tiếng Việt. Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau đó, tôi nghe tin từ khu công nghiệp Mỹ Xuân 2, gần Bà Rịa, cho biết một người Trung Quốc vừa bị đánh phải đi cấp cứu. Anh ta cũng không kịp giải thích mình là một ông chủ đầu tư hay là một du khách vì đám đông đã quá khích, không còn nghe. Tôi rùng mình và chợt nghĩ lại, nếu khi nãy, họ không còn nghe giải thích, có lẽ tôi cũng đang nằm trên một chiếc xe cấp cứu.

 

(Phần 2 – Những nhân vật bí ẩn trong dòng người)

 

Nguồn: http://nhacsituankhanh.wordpress.com/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 33864)
Sau thời gian dài lâm trọng bệnh, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, một cây bút lỗi lạc từ thời VNCH, đã thất lộc vào lúc 10:50 thứ Bảy, ngày 13/9/2014 tại nhà Dưỡng Lão (Nursing Home) Mission De La Casa trên đường Alvin, San Jose, California, hưởng thọ 74 tuổi.
14 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 40447)
SAN JOSE (VB) -- Nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc vừa gửi tin rằng, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đã từ trần tại San Jose lúc 10:30 giờ sáng Thứ Bảy 13 tháng 9-2014. Tin này thông báo từ chị Trương Gia Vy, vợ của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng và là người chăm sóc bên giường bệnh của nhà văn.
08 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 40630)
Dường như có rất nhiều người đến tưới rượu lên mộ Trịnh Công Sơn, nhưng chỉ là để nhớ một bạn nhậu chứ không phải nhớ tiếng đàn, tiếng hát của Trịnh. Anh, nhớ bạn, vào quán một mình, kêu một ly rượu đầy và một chiếc ly không. Lặng lẽ ngồi, lặng lẽ uống. Hết ly mình, đến ly bạn. Mà ly bạn chỉ có ngụm nắng tàn.
08 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 41813)
Đọc truyện Thái Bảo đưa người đọc vào những bất ngờ và con đường đưa đến những bất ngờ đầy những lôi cuốn đưa đẩy với các chi tiết được bố trí khéo léo xung quanh nhiều khúc mắc hấp dẫn.Thái Bảo viết phong phú, trải rộng từ Đông sang Tây, đi ngược về quá khứ, trở về hiện tại, đi sâu vào những giấc mơ ác mộng rồi quay về thực tại...Thái Bảo tốt nghiệp bác sĩ tại Việt Nam và hiện nay đang nghiên cứu khoa học, lãnh vực nano sinh hóa tại tiểu bang Florida, Hoa Kỳ. Hợp Lưu trân trọng giới thiệu các truyện ngắn đặc sắc của Thái Bảo đến quí độc giả và văn hữu.
08 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 37621)
“Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh?” là một tranh luận lâu đời giữa các nhà văn. Tại Việt Nam, câu hỏi này chìm khuất vào trong chiến tranh rồi chịu kiểm soát của Ban Tuyên giáo. Tại Nam Mỹ, dấn thân vẫn còn là nguyên liệu của sáng tác và Santiago Sylvester nhắc lại một lần nữa ý nghĩa cùng điều kiện của dấn thân. [Trần Vũ]
08 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 40711)
Khiếm khuyết lớn của dân tộc Việt là đã say mê khía cạnh chính trị của chiến tranh mà lãng quên khía cạnh thuần học thuật, quân sự của chiến tranh. Clausewitz nổi tiếng với mệnh đề thường xuyên được trích dẫn: "Chiến tranh là cánh tay nối dài của chính trị." Nhưng Clausewitz không viết duy nhất một mệnh đề này, mà soạn thảo tám tổng tập Cẩm nang Chiến tranh mà cho đến phút này vẫn chưa được dịch sang tiếng Việt, ngay cả tóm lược .
01 Tháng Chín 20141:42 SA(Xem: 40785)
Tôi người mộng du - nhập vào mộng du - bước xuống cánh đồng . Tôi từ cánh đồng - lội tìm Suối khe - ngược lên đồi núi .. Tôi nghe hương hoa , tôi nghe mùi vị gió , tôi nghe mưa , tôi nghe hơi thở là lạ lá Tôi bắt gặp con Sâu .
27 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 43506)
LTS. “Nghệ Sĩ Lưu Vong”, đó là nhan đề cuốn sách của Jane Katz, phỏng vấn các văn nghệ sĩ thế giới tới tỵ nạn trên đất Mỹ...Cuộc phỏng vấn Mai Thảo, được thực hiện ngày 10 tháng 07, 1980...Và sau đây là bản lược dịch của Tâm Bình từ nguyên bản tiếng Anh, trích từ cuốn sách Artists in Exile, American Odyssey của Jane Katz do Stein & Day Publishers, New York xuất bản 1983.
27 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 42053)
Gia đình chúng tôi có mười bốn anh chị em, gồm năm anh em trai và chín chị em gái. Anh Mai Thảo là người thứ năm trong gia đình. Hai người chị và một người em gái mất sớm. Tới năm 1975, chúng tôi còn lại là mười một người. Tính theo anh em trai, anh là con trai thứ ba. Anh cả tôi là Nguyễn Đăng Thiện, anh kế là Nguyễn Đăng Viên rồi đến chị Tuyết là người chị gái đã mất vì bệnh thương hàn năm chị hai mươi tuổi. Tiếp đến là anh Mai Thảo...
27 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 44145)
Tôi ít thấy ai yêu thơ như Mai Thảo. Thuộc rất nhiều thơ, đặc biệt thơ tiền chiến và thơ những năm đầu kháng chiến, Mai Thảo có thể nói chuyện về thơ miên man từ giờ này sang giờ khác, từ ngày này sang ngày khác. Dường như chỉ khi nói chuyện về thơ, Mai Thảo mới hoạt bát, sôi nổi, say sưa, gửi hết hồn mình trong từng tiếng trầm tiếng bổng. Ly rượu trên tay, đầu lắc lư, mắt lim dim, Mai Thảo nói về thơ với giọng vừa xúc động như khi người ta kể lại một mối tình đầu, vừa thành kính như một con chiên kể về cuộc đời của Người Cứu Thế. Với Mai Thảo, thơ là cái gì thiêng liêng, rất đỗi thiêng liêng, như một tôn giáo. Với Mai Thảo, thơ, "chỉ thơ, mới là ngôn ngữ, là tiếng nói tận cùng và chung quyết của văn chương"