- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

SAY NẮNG

29 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 39361)


dns-1-content
 Đặng Nguyên Sơn - 2013

LTS: Đặng Nguyên Sơn là bút danh của Trần Thị Phương Lan , đang sống và làm việc tại Quảng Trị. “Say Nắng” là tác phẩm đầu tiên mà Đặng Nguyên Sơn gởi đến bạn đọc Hợp Lưu. Truyện của Đặng Nguyên Sơn đam mê và cuốn hút từ những dòng đầu tiên. Mời quí bạn cùng đi vào không gian truyện “Say Nắng”.

Tạp Chí Hợp Lưu

 

 

 

Chiều nay tôi bỗng nhớ chú, nhớ quay quắt, đầu óc mụ mị, tay chân rũ rượi, tim như thắt lại, nước mắt chảy dài. Tôi bẻ tay lái tấp xe vào lề. Nỗi nhớ thương khắc khoải bấy lâu nay đổi chứng co giật từng cơn làm lòng tôi tan nát. Tôi biết, mình đã yêu chú ấy quá mất rồi.

Bên phải chiếc xe hơi tôi đậu là công viên văn hóa. Xuyên qua bãi cỏ xanh rì, những hàng cây cổ thụ tỏa mát là một dòng sông không sâu lắm nhưng cũng đủ dìm chết một người con gái yếu ớt không biêt bơi như tôi. Tôi nhìn thấy chiếc cầu, chợt rùng mình nhớ lại cái cảm giác nhẹ hẫng khi lao mình xuống sông từ trên chiếc cầu đó mấy năm về trước.

Vô thức tôi rút điện thoại ra gọi cho chú.

 *

Ngày tôi lấy chồng chú không đến dự mà chỉ nhắn tin chúc mừng hạnh phúc và mong vợ chồng tôi sớm có em bé. Dương- chồng tôi- đẹp trai, là mẫu đàn ông mơ ước của các cô gái trẻ đẹp có địa vị trong xã hội. Trong công việc Dương giỏi, quyết đoán nhưng trong cuộc sống Dương thiếu sự quan tâm. Điều đó khiến tôi buồn. Dương là con một nên chúng tôi phải sống chung với bố mẹ Dương. Ngôi nhà truyền thống ba gian không rộng nhưng lại khiến tôi vò võ túng quẫn, những cuộc làm tình chóng vánh không đầu không cuối, lúc nào cũng e ấp lo sợ âm thanh giường chiếu giữa đêm vắng khiến tôi chán. Có lẽ vì thế mà gần hai năm trời chung sống, tôi vẫn không sinh nổi một mụn con: “Em nân mất rồi”. Dương nói. Cười. Rồi im bặt. Mẹ chồng tôi than, khuyên chúng tôi nên gặp bác sĩ giỏi và kiểm tra sức khỏe cho thật kĩ, Dương cáu: “Chúng con đã đến cả bệnh viện trung ương rồi, họ nói cả hai đều bình thường.” Mẹ chồng tôi bảo: “Có khi nào một trong hai đứa mắc phải căn cô căn cậu gì đó…”. Dương chán chường ra ngoài còn tôi ở nhà chịu trận.

Những ngày sau đó tôi phải theo bà đi cầu tự, van vái xin thần thánh nhanh chóng sinh cho bà thằng cháu đích tôn. Vậy mà đi hết đền này chùa nọ, người tôi vẫn đực ra như khúc gỗ. Áp lực công việc, gia đình khiến tôi tiều tụy xơ xác: “Em muốn vào Nam học tiếp thạc sĩ”. Tôi thì thầm vào tai Dương khi lên giường cùng Dương. Dương xiết tôi vào lòng, thở ra một cái rõ dài. Cuối cùng, Dương đành ủng hộ quyết định của tôi và hứa sắp xếp công việc cùng tôi Nam tiến.

 *

 

- Chú có vài chuyện nên đến trễ, vẫn khỏe chứ cô bé?

Câu hỏi của chú cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:

- Dạ con khỏe, con đã gọi nước rồi, con thích được uống nước khoáng chanh do chính tay chú pha, nhớ lắm chú à.

- Con bé này, bảo chồng pha cho mà uống.

- Vâng, lẽ ra phải như thế!

 Chú tỉ mẫn cho những muỗng đường, muối và chanh vào ly nước khoáng đồng thời hỏi công việc, gia đình, học hành của tôi. Chú bảo, con gái làm báo khổ lắm! Tôi biết nhưng đam mê dễ sợ và quết tâm học nhiều, đi nhiều để có nhưng bài viết sâu sắc như của chú, mặc dù tờ báo của chú và tôi đang là đối thủ cạnh tranh nhau trên thị trường.

- Lần này Nam tiến có dự định gì à?

- Dạ con định vào đây sống luôn, đã mua nhà rồi chú. Một thời gian nữa chồng con cũng chuyển vào. Con đang làm luận văn và muốn học tiếp cho bằng chú.

- Con nên sinh em bé sớm, học hành chuyện cả đời...

 *

Tôi không bao giờ quên được lúc chú kéo tôi lên được trên cầu, chú la: “Tại sao lại hành động ngu ngốc như thế”. Tôi nói tôi chán tất cả. Chú lấy áo choàng của chú khoác cho tôi, đưa tôi lách ra khỏi đám đông rồi vào quán cà phê này. Người tôi run lẩy bẩy, mặt cắt không ra máu, môi tím dắt mấp máy: “Bố dượng muốn có sự trong trắng của con, mẹ con bênh vực ông ấy. Con ghét họ nhưng không kiếm nổi tiền để đóng học phí. Con đang học đại học báo chí năm thứ nhất chú à”. Chú cầm lấy đôi tay trắng bạch của tôi nắn nhẹ cho máu lưu thông: “Đường đến thành công ắt vài lần nếm trải đau thương, hoen ố, hụt hẫng. Sóng gió cuộc đời sẽ giúp con lớn khôn vững chãi. Ở nước ngoài bằng tuổi con, họ đã sống tự lập. Hãy tự tin và bản lĩnh! Chú luôn ở bên con mỗi khi con cần”.

Đến giờ phút này tôi vẫn không hiểu nổi vì sao chú tốt với tôi như thế. Tôi vừa học vừa làm, thỉnh thoảng lại được đăng một bài phóng sự, tin, bút ký,... lên các tờ báo trung ương và địa phương. Tôi vui lắm, vội vã nhắn tin cho chú để khoe. Chú hứa sẽ có quà cho tôi. Tôi mừng vì được sống trong thời đại số hóa chỉ cần cái máy tính cũ của chú cho, tôi có thể trò chuyện với chú bất cứ lúc nào. Chú bảo tôi không được bi quan, hãy nhìn những bà mẹ trắng đêm ở vỉa hè, những đứa trẻ tuổi thơ bị áo cơm cướp mất, những con người không vẹn toàn thân thể…. Và tôi, là người may mắn vô cùng. Ngày xưa chú khổ lắm, đến cơm không đủ để ăn, người đói lã muốn xỉu trên bàn học. Nhưng chú không nguôi tắt niềm hy vọng, nỗ lực vượt qua tất cả để có ngày hôm nay. Chú mong tôi như thế. Tự tin sẽ cho tôi tất cả. Bây giờ tôi có thể tự hào kể lại, tôi là mầm xanh và chú là mưa giông.

- Xong rồi, uống thử đi nào cô bé!

Tôi nhấp một ngụm, rà đầu lưỡi để cảm nhận tất cả những hương vị quyện lại với nhau.

 - Ngon lắm chú à, con như đang được ngồi cạnh chú của ngày hôm qua.

 - Chú đã chuyển hẳn vào trong này rồi, ít bữa nữa đón cả nhà vào cùng.

- Có lẽ lúc đó, con không được chú quan tâm như trước nữa.

- Không đâu, chú luôn thương yêu con như con gái của chú vậy.

 *

Chúng tôi đi ăn bún bò Huế, sau đó chạy vòng vòng trên đường phố bằng xe gắn máy của chú. Đang đi bỗng trời đổ trận mưa rào, chúng tôi cũng ướt như chuột lột, đành về nhà chú. Chú đưa tôi bộ đồ ở nhà của vợ mình, bảo thay đồ ướt ra chú xử lý cho. Tôi chần chừ trước cửa phòng tắm.

- Sao thế? - Chú hỏi.

- Cả nội y hả chú?

- Ừ, nhanh lên kẻo cảm mất.

Áo quần tôi được máy giặt vắt ráo nước, chú rủ thẳng treo lên móc dùng máy sấy tóc, sấy khô từng mảng.

- Có vừa không?

- Dạ hơi rộng một chút

- Lát nữa quần áo con sẽ khô ngay mà.

Những lời nói hành động của chú làm tim tôi đập điên loạn, không thể kìm nén cảm xúc của mình, tôi chạy đến và ôm chầm lấy chú từ phía sau.

- Giá như chú biết con yêu chú nhiều bao nhiêu?

Toàn thân chú bất động giây lát, chiếc máy sấy vù vù vào không trung không rõ mục đích nào. Chú vẫn để yên cho tôi áp mặt vào lưng chú và tiếp tục rà những vạt áo chưa khô hẳn.

- Chú đã là ông già tóc bạc, chúng ta là khoảng cách của hai thế hệ!

- Biển người mênh mông, tim con chỉ ngóng trông ông già tóc bạc!

- Đứng trước cô gái xinh đẹp, tràn trề sức sống như con, thằng đàn ông nào cũng sẽ có ham muốn bản năng... Chú cũng là đàn ông...Nhưng con là con gái của chú. Điều này chú đã mặc định từ khi kéo con lên khỏi dòng sông chết.

- Là con gái chú?

- Đúng, nhóc ạ! Bây giờ hãy đứng đây và tiếp tục sấy khô chỗ quần áo còn lại. Chú đi nấu cho con bát cháo hành.

- Cháo hành có ngon như Thị Nở nấu cho Chí Phèo không chú?

- Ngon hơn, vì có tình thương vô bờ bến của chú dành cho con.

Tôi dùng máy sấy rà lên quần áo hình xúc xắc, cho đến khi tôi nghĩ nó ổn. Ăn xong lại được chú pha trà gừng cho uống. Tôi nắm tay chú hôn nhẹ lên đó để tỏ lòng biết ơn vô hạn. Tim tôi đập loạn xạ khi bắt gặp ánh mắt của chú nhìn tôi.

Bất ngờ chú ấy ôm chầm lấy tôi và hôn lên môi một nụ hôn thật sâu. Tôi cảm thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh, hơi thở của chú lan tỏa làm cơ thể tôi nóng ran. Mạch máu chảy nhanh hơn. Nhịp tim gõ nhanh hơn. Bờ mi tôi vẫn nhắm chặt lắng nghe chuyển động cơ thể khi môi chú đã rời khỏi môi tôi. Tôi chợt giật mình bởi tiếng đằng hắng của chú. Tôi quay mặt ra hướng khác, để dấu đi vẻ bối rối, thẹn thùng. Chú đưa tay nắn nhẹ vai tôi: “Chú hư quá, xin lỗi con! Thôi con vào trong thay đồ, chú đưa con về”. Tôi dạ một tiếng nhỏ nhẹ rồi ngoan ngoãn làm theo lời chú. Thật sự đã từ lâu rồi, tôi thích được chú hôn và nắm chặt lấy tay tôi, truyền lửa niềm tin cho tôi, để tôi biết rằng chú cũng yêu tôi như tình yêu của tôi dành cho chú. 

Cả ngày hôm đó, người tôi cứ lâng lâng ngây ngất, ra ngẩn vào ngơ, lâu lâu lại tủm tỉm cười một mình. Đúng lúc đó chồng tôi gọi điện nói, anh ấy đang trên đường vào với tôi. Tôi lục tung tủ đồ chỉ để tìm bộ váy màu hồng nhạt chú tặng nhân sinh nhật lần thứ hai mươi của tôi. Tôi không mặc nội y, lúc lên giường cùng Dương tôi thường thế. Dương thích nhìn núm vú của tôi nổi cộm lên sau làn áo mỏng. Dương thường đùa: “Yêu em bởi chút vú bàng ( chứ còn) vú mướp vú bưởi trong làng thiếu chi”. Mỗi lần Dương nói vậy, má tôi lại ửng đỏ.

Vừa vào nhà là Dương ôm chầm lấy tôi hôn lấy hôn để. Tôi đẩy Dương ra:

- Anh nên nghỉ mệt và tắm trước đã!

- Không cần đâu, anh tắm ở nhà rồi.

Dương bế xóc tôi vào phòng:

- Anh bao giờ cũng thế vội vàng như hổ đói. Mình tắt điện đi anh?

- Không thích, để điện sáng anh có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp trọn vẹn của em.

- Tắt đi!

Tôi nói như ra lệnh, Dương đành miễn cưỡng chiều ý tôi. Thực ra tôi muốn làm tình cùng Dương trong bóng tối để có thể tưởng tượng đôi môi ngọt ngào của chú ấy đang nhảy múa khắp khuôn mặt tôi, thân thể của chú ấy đang lang thang cùng tôi trên những đám mây hồng. Dương cho phép tôi nói với Dương những lời cộc lốc, phát ra những âm thanh khiến người nghe nổi gai. Tôi cắn vào ngực Dương, vấu chiếc nệm đến rạn cả đường chỉ,… Dương vẫn cười bảo ngày mai mua chiếc mới, miễn hôm nay tôi được hạnh phúc.

Lần đầu tiên tôi được hả hê thăng hoa, sau bao ngày tháng chung sống cùng Dương. Dương xiết chặt lấy tôi, gục đầu vào bầu ngực căng tròn tràn trề sức sống của tôi, hơi thở đứt đoạn, mồ hôi từ trán rịn ra bết dính. Chúng tôi bết dính nhau.

Sáng hôm đó tôi dậy muộn hơn Dương, khi nụ hôn của anh đánh thức tôi, tôi thấy anh đã tắm rửa sạch sẽ, áo quần chỉnh tề. Anh bế thóc tôi vào phòng tắm: “Em yêu, anh nghĩ em nên tắm trước khi ăn”. Giây phút này tôi hạnh phúc và yêu Dương nhiều bất tận. Tôi cảm thấy tiếc khoảng thời gian đã qua. Lẽ ra chúng tôi nên tạo cho mình một không gian riêng như thế này từ lâu lắm rồi.

 - Xong chưa em yêu, anh nghĩ hôm qua em mệt nên nấu cháo.

 - Cháo hành à? 

 - Không, cháo hải sản.

Tôi tiến đến và ngồi vào ghế Dương kéo sẵn:

 - Anh vào ở luôn với em chứ?

 - Cho anh hai tháng nữa, anh đang hầu một vụ án quan trọng.

Tôi thở ra, buông muỗng đứng dậy. Dương ghì chặt tôi xuống ghế, lắc đầu tỏ không hài lòng.

 - Để anh đút em ăn. Dạo này học nhiều ăn uống thất thường, anh thấy em gầy đi.

Tự nhiên mắt tôi cay cay.

 - Giá như hồi trước ở nhà mà anh quan tâm đến em như thế này...

 - Anh biết em đã phải chịu khổ, lúc nào có con em mới biết mới hiểu vì sao anh không quan tâm đến em nhiều mặc dù trong lòng rất thương và yêu em. Anh là con trai duy nhất của mẹ, anh không muốn mẹ buồn, mong em hiểu và thông cảm cho anh. Bây giờ em ở nhà nghỉ ngơi anh ra ngoài có hẹn.

- Anh hẹn với ai?

- Với nhà báo Lê Khiêm.

Là chú? Sao Dương lại biết chú? Tôi với tay lấy điện thoại của Dương. Dương cười. Tôi bấm số gọi đến gần nhất đúng là số của chú. Tôi thốt lên:

- Cho em đi với, em biết chú ấy, chú ấy là ân nhân của em.

- Thế à, trái đất tròn thật nhưng hôm nay không được, anh gặp có công việc quan trọng, để hôm khác, lúc vào đây ổn định. Yên tâm đi, anh sẽ nhắc đến em với anh ấy khi có thể.

 

 *

Tôi thấy trong người khó chịu, buồn nôn. Đi khám bác sĩ mới biết tôi đã có thai hai tháng. Tôi gọi điện cho chú, chú chúc mừng và căn dặn tôi đủ điều,… Tôi gọi điện báo cho Dương, Dương trách tôi vô tư quá, người ta có bầu hai tuần đã biết vậy mà tôi để đến hai tháng. Dương sắp xếp công việc vào ở cùng tôi. Khoảng thời gian đó tôi thật sự hạnh phúc.

Tôi bảo vệ xong luận văn và sinh cu Tí. Tôi vui một, Dương và gia đình chồng tôi vui mười. Mẹ chồng tôi gói ghém hành lý vào hẳn trong này ở với chúng tôi, bà muốn dành thật nhiều tình cảm cho cháu đích tôn của bà. Trong mắt bà tôi là cô con dâu vô tư, ngay bản thân cũng không lo nỗi thì làm sao có thể chăm sóc chu đáo cho con cái.

Nhưng mỗi lần bồng cu Tí trên tay bà lại thở dài. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi cu Tí không giống Dương, không giống bên nội mà chẳng giống bên ngoại. Tôi biết nó giống chú! Cu Tí là cốt nhục của Dương và tôi, nhưng ngoại hình của nó là bản sao từ nỗi nhớ chú trong tôi. Mẹ chồng tôi thường hay nói xa gần: “Cháu ngoại thì chắc nhưng cháu nội chưa hẳn”. Những lúc như vậy Dương lại gắt: “Trẻ con lớn lên sẽ thay đổi nét mặt, con tin vợ con”. Dương nói thế nhưng mỗi lần nhìn tôi ánh mắt Dương trĩu nặng. Tôi đọc được trong mắt anh điều bất an. Dù gì, cu Tí cũng là cháu đích tôn là người nối dõi cho dòng họ nhà anh. Không khí trong ngôi nhà ngày càng ảm đạm, chúng tôi sống với nhau lượn lờ như hai cái bóng và ngày càng hiếm những lời yêu thương cử chỉ quan tâm đến nhau. Tất cả những thứ đó đang giết dần tình yêu của tôi dành cho Dương. Tình yêu đó vốn dĩ đã mông mênh nay càng dễ sứt mẻ.

Và tôi phát hiện ra Dương đã âm thầm xét nghiệm AND. Dương đã cướp đi đến cạn kiệt trái tim tình yêu của tôi dành cho anh và tình cảm tôi dành cho chú lại có cơ hội lên ngôi. Tôi chán ngắt cuộc sống hiện tại của mình, bỏ nhà ra khách sạn với chiếc máy tính xách tay và vài bộ quần áo.

Tôi nằm co ro như con mèo trên chiếc nệm trắng như sóng biển mùa hè trong căn phòng cô đơn, lạc lõng đến rợn người. Tim tôi như ai bóp rỉ máu, giờ phút này chẳng có gì là quan trọng với tôi. Tôi mở máy tính và nhìn thấy tên trên yahoo chát của chú bật sáng, tôi lướt phím và bấm enter:

- Chú ơi? Con muốn gặp chú!

- Giờ chú đang bận, có chuyện gì với con sao?

- Con nhớ chú quá!

- Sao lại đùa thế? Tội nghiệp chú - Một lão già tóc bạc.

- Con không đùa, con nhớ chú rất nhiều.

- Chú nghĩ, nỗi nhớ đó con nên chôn dấu vào lòng đốt thành năng lượng cho con bước tiếp đường đời.

- Con chán. Giờ đây con chỉ muốn được khóc trên vai chú thôi.

- Đừng khóc, nước mắt nén lại sẽ giúp con chống chọi với bảo tố vô thường đến từ nhiều hướng. Con lớn rồi, đã làm mẹ rồi đấy. Bây giờ thì hãy bình an, tự tin như chú từng nhìn thấy con tự tin!

- Con đã có sự tự tin chú cho nhưng con phải trả giá bằng sự đau đớn con tim, bế tắc không lối thoát.

- Khổ quá, vợ chú đang ở nhà. Con không thấy như vậy là quá nguy hiểm sao? Không chỉ cho chú, cho con mà còn cả dãy hệ lụy không đáng có!

- Con biết tất cả nhưng hôm nay không gặp được chú con chết mất. Con đợi chú ở chiếc cầu ngày trước chú đã cứu con. Nếu chú không đến, ngày mai chú không thấy con ở trên cõi đời này nữa.

Chỉ nói thế và tôi tắt máy. Tôi đi ra chiếc cầu giữa buổi chiều mưa gió tơi bời, tơi bời như chính trái tim của tôi vậy. Những hạt mưa phả vào mặt quyện nước mắt chảy xuống môi một thứ nước lờ lợ. Cô đơn ớn lạnh cả sống lưng. Tôi ghét phải chờ đợi, đó là điều kinh khủng nhất đối với tôi. Hai tiếng đồng hồ trôi qua, tôi không còn đủ kiên nhẫn, không thể làm chủ lý trí của mình, tôi tưởng tượng mình đang rơi tự do xuống sông từ trên chiếc cầu này, đến một thế giới không sắc không vị nhưng có lẽ sẽ dễ chịu hơn cuộc sống lạc lõng cô độc của tôi lúc này.

Chiếc ô đẩy lên từ phía sau đã ngăn những giọt nước mưa phả vào mặt tôi, chỉ còn những giọt nước mắt chảy dài xuống môi mặn chát. “Cám ơn trời đất chú đã đến”. Tôi thầm nghĩ quay phắt người lại, chiếc ô lộn ngược chao đảo rơi xuống sông, bàn tay của Dương đã nắm chặt lấy tay tôi kéo gọn vào người anh.

- Anh sai rồi. Ngốc à, em đang làm gì vậy hả, mất em rồi bố con anh sống với ai?

Tôi gục đầu vào vai Dương khóc nấc. Thực ra tôi có giận Dương nhiều đến thế? Và tôi là người không ít lỗi trong việc này. Dương đâu có biết chiều nay trời mưa như trút nhưng vợ của anh đang “say nắng” một người.

Người ấy đang đội mưa gió ra về.


ĐẶNG NGUYÊN SƠN

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 37986)
H đã rời bỏ nơi chốn chúng tôi cùng rong chơi “ nơi đó sặc mùi lừa bịp – H nói những cái thớt và những đứa liếm thớt H không chịu được mùi không phải của người”
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 38054)
T hấp thoáng tháng tư rưng rưng mùa hạ cũ Mùa xưa qua đây Tuổi trẻ hồng như màu mực đỏ Đêm đốt rừng gió xiết cổ tình ca
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 37777)
« C hiến tranh là sự tiếp nối chính trị bằng những phương tiện khác» . Câu văn trứ danh này của Clausewitz, có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nghe qua. Nó xác lập sự phụ thuộc của quân sự vào chính trị. Từ khi có những tập hợp người gọi là thành quốc hay quốc gia, người ta không làm chiến tranh đơn thuần nhằm chém giết lẫn nhau, mà để giành lấy quyền định đoạt số phận của một cộng đồng. Và kẻ tham chiến có thể thua hàng trăm trận đánh, miễn là thắng trận cuối cùng, nếu sau đó nó mang lại quyền quyết định về việc tổ chức chính quyền trên một lãnh thổ.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 38340)
T ình trạng dịch thuật hiện nay ở Việt Nam đang ở mức cần phải báo động. Radio RFI đã dành nhiều chương trình cho những buổi nói chuyện với nhiều dịch giả trong và ngoài nước về vấn đề này. Sau Hoàng Hưng, Phạm Xuân Nguyên là những nhận định có phần nghiêm khắc của dịch giả Trần Thiện-Đạo đã sống ở Paris trên nửa thế kỷ. Trước 30-04-1975, Trần Thiện-Đạo cộng tác với các báoVăn, Tân Văn, Bách Khoa, Nghệ thuật... ở Sàigòn và hiện nay vẫn thường xuyên gửi bài in trên các sách báo văn học trong-ngoài nước. Ý kiến của Trần Thiện-Đạo sẽ như một liều thuốc đắng, may ra giã được một số tật cố hữu trong địa hạt dịch thuật của Việt Nam.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 40625)
Trước 30-04-1975 Thế Phong là một nhà văn quân đội. Ưu điểm của Thủy và T6 nằm ở giọng văn chuyển tải suy nghĩ nhân vật liên tục không chấm dứt, qua đó, người đọc bắt gặp thủ đô Sàigòn về đêm. Một thủ đô phù phiếm dù mặt trận kề cận. Một Sàigòn vừa trải qua Đảo Chánh đã chờ đợi Chỉnh Lý. Thế Phong ghi lại tâm trạng bấp bênh của xã hội miền Nam mà các chi tiết vũ trường, thao thức nhân vật có thể chuyển hoán cho hôm nay, bây giờ. Bối cảnh truyện xảy ra năm 1964, năm khởi đầu của nền đệ nhị Cộng Hoà.(TCHL)
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 41569)
C ánh tay tôi rơi dài bên tôi, tựa tiếng thở sâu từ ngàn năm trước. Tôi thở mơn man, dịu dàng trên đồi cao cùng người tình xa xứ đáng thương. Tôi thở lười biếng, hão huyền bên người đàn ông dậy nực phù sa sông Hồng. Tôi thở không thành tiếng trên triền cát vàng tựa chiếu chỉ vua ban, nghẹn ngào nuốt sâm quý hắc mùi đền đài Trung Hoa. Tôi thở dồn dập kích động, rên hú thanh quản từng hơi trong căn phòng Tim. Nước sông Hồng mùa đông cạn ráo. Dầu cho Hồ Tây tràn nước ra đường, sương mù dăng trắng thành phố. Không khí ẩm ướt đọng thành vũng trong những ngôi nhà phố cổ. Không ai, không gì biết đến sự tồn tại của tôi. Đồng loã cùng thân thể mát thơm, uốn dẻo và trái tim hỗn mang của tôi là màu đêm tối.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 40620)
Tôi xô nó ra nói thôi mà, làm ở trong chùa tội chết. Nhưng thằng nhỏ giờ phút này còn có biết gì nữa, công an nó còn chưa sợ, sợ gì tội. Tôi ngó lên bức hình ông Quan Công trên bàn thờ, tôi nói coi chừng cái ông cầm cây Thanh Long đao kìa. Danh bước đến thổi tắt phụt ngọn đèn dầu. Trong phòng bỗng tối mực. Danh đã cởi áo tự hồi nào. Nó kéo tôi nằm ngữa ra nền xi-măng. Bóng tối như đêm làm cho dạn dĩ hơn, không còn mặc cảm tội lỗi nữa, tôi ôm Danh với tất cả ham mê. Thằng nhỏ tuổi trẻ mà tài cao. Nó làm tình như giông, như bão.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 39650)
...Trong hoàn cảnh hiện nay, người làm văn học, trong hay ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ, đang có cơ hội và khả năng tạo một sinh khí cho xã hội VN, giúp giảm thiểu những phá sản tinh thần đang xẩy ra. Muốn vậy, rất cần có sự đam mê, học hỏi, và lòng can đảm nói thật, viết thật. Không có nền văn học có giá trị nào được xây dựng trên sự giả dối và tránh né.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 48553)
T ừ ngày 7/3/1975, khi Văn Tiến Dũng bắt đầu cô lập Ban Mê Thuột, tới ngày 30/4/1975, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, vừa chẵn 55 ngày. Thật khó ngờ chỉ trong vòng 55 ngày và 55 đêm mà đạo quân hơn một triệu người–có hơn phần tư thế kỷ kinh nghiệm tác chiến, với những vũ khí khá hiện đại như Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa [VNCH]– bị sụp đổ hoàn toàn [...] Những hình ảnh điên loạn mà ống kính các phóng viên quốc tế thu nhận được chẳng khác cảnh vỡ đê trước con nước lũ, hay sự sụp đổ của một tòa lâu đài dựng trên bãi cát, khi nước triều dâng lên.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 42069)
c ắm que nhang tưởng niệm cho ngày ra đi thấy niềm cô đơn một lần nữa trở lại đêm soi gương sâu hút ánh mắt thoai thoải đường cong li tâm ấm ức