- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THẤT HẸN

25 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 103772)

 quaduong_dds-content

 Nóc trạm xe bus dần ló ra sau mấy cành cây xum xuê lá. Tôi rà thắng cho xe chậm lại. Tiếng thắng kêu lên ken két rồi im bặt. Tôi kéo cần mở cửa xe. Steven tóc vàng kính trắng túi đeo vai bước lên.

 - Hê, Saigon, hắn lên tiếng chào.

 Tôi cười nhìn hắn quăng mình xuống ghế sát cửa xe.

 - Sao trông mệt mỏi thế? Tôi hỏi.

 Hắn nhún vai không đáp. Tôi kéo cần, hai cánh cửa xe khép lại. Xe tách ra khỏi lề trở lại lộ trình trên con đường Pole Line. Gần đến đường Chestnut, một trạm khác. Steven xách túi đứng lên.

 - Tối thứ bảy đi Woodstock ăn pizza uống bia không?

 Hắn lắc đầu đáp.

 - Bận lắm, còn nợ cha thầy bài luận hai chục trang chưa viết được một chữ?

 - Lớp gì?

 - Lịch sử địa phương, câu trả lời theo tên bạn trẻ xuống đường.

 Tôi nhìn hắn băng qua đường đi dọc theo hàng cây vào căn nhà tôi thuê trước kia. Nhìn lên kính chiếu hậu, tôi thấy phía sau trống trơn không một hành khách. Gần tối, giờ này phần lớn các lớp đã vãn, chỉ có một vài lớp đêm extended nên ít ai đi xe.

 Vừa lái chiếc bus tôi vừa nghĩ đến Thư, tối nay sẽ gặp chỗ tiệm pizza. Khi nãy lỡ buột miệng rủ tên bạn Mỹ đi chung, may hắn từ chối. Nếu hắn đi thì với bộ ba tôi sẽ mất dịp nói chuyện riêng tư với Thư, một sinh viên Việt mới vào học năm thứ nhất. Mải suy nghĩ đến cái hẹn đêm nay, mường tượng khuôn mặt xinh xắn tôi suýt quên cho xe ngừng khi đến trạm tới ngã tư đường Pole Line và Loyola. Tiếng còi xe kéo dài nghe bực mình phía sau khi tôi đạp thắng gấp. Tôi kéo cần, hai cánh cửa mở toang. Một thiếu nữ á đông bước lên xe, mái tóc đen dài chấm vai xõa che một nửa khuôn mặt có vẻ trầm buồn. Nàng đi thẳng lại ghế sau lưng tôi ngồi xuống. Định lên tiếng đòi xem thẻ sinh viên, tôi nghĩ sao không nói gì, kéo cần đóng cửa xe xong đạp chân ga.

 Đến trạm đường số Tám, cô gái đứng lên đi lại cửa xe như chờ xuống. Tôi ngừng xe, mở cửa. Cô ta xuống xe.

 - Bye, tôi lên tiếng chào.

 Thiếu nữ dừng chân trên bực thang, hỏi nhưng không quay đầu lại:

 - Ngày mai anh đến?

 - Ừ!

 Đóng cửa xe lại tôi mới giật mình nhận ra mình và cô gái vừa mới nói tiếng việt. Có lẽ cô ta thấy cái tên việt của tôi trên thẻ sinh viên tài xế đeo trên ngực. Tôi nhìn theo dáng gầy guộc trong bộ quần áo đen đủi làm nàng ta trông như một con quạ băng qua đường Pole Line. Tách xe ra khỏi lề, tôi giữ tay lái đi thẳng vừa đi chầm chậm vừa nhìn vào kính chiếu hậu bên cửa trái nhưng không thấy bóng dáng người con gái đâu hết vì trời đã nhá nhem tối và ngọn đèn đường khu đó bị cháy chưa thay. Tôi nghĩ cô ta ở một trong các căn nhà trên đường số Tám đối diện với nghĩa trang thành phố. Tôi đi thẳng xuống đường số Năm về hướng campus.

***

 Thư bỏ miếng pizza xuống, lắc đầu nói mới sang nên chưa quen ăn thức ăn Mỹ. Tôi cười nói nhưng chẳng bao lâu sẽ quen ngay và còn thích nữa.

 - Còn lâu ấy, Thư lắc đầu quầy quậy.

 Biết Thư còn đói, tôi rủ ghé một tiệm ăn tàu gần đó nhưng Thư đòi về lại dorm để học bài. Tôi chiều, đưa Thư ra xe về phòng trọ sinh viên. Mở cửa xe cho Thư lên, nhìn nàng tôi chợt nhớ lại người con gái tóc dài ban chiều. Cũng tóc dài, cũng dáng mảnh dẻ. Tôi cố đem khuôn mặt trầm buồn đó trở về trí nhớ nhưng chỉ thấy lờ mờ những nét nhòe của một khuôn mặt buồn một nửa bị mái tóc dài rũ che đi. Giọng nói của người con gái ấy, một giọng thật nhẹ nhàng nghe như gió thoảng ngang tai. "Ngày mai anh đến?" nghe sao như một câu tự trấn an thay vì là một câu hỏi. Tự nhiên tôi muốn gặp lại nàng. Nếu cô gái ở xóm nhà trên đường số Tám thì tôi không biết nhiều về xóm đó dù đã ở đây vài năm vì chưa bao giờ lái lộ trình khu đó và chỉ thuê nhà ở các khu khác. Đây là college town nên sinh viên khá đông, có lẽ một nửa dân số ở đây là sinh viên và sinh viên gốc á châu rất nhiều, tôi không để ý đến họ như trước kia khi còn ở tiểu bang Montana tuốt phương Bắc lạnh lẽo cả tỉnh chỉ vài khuôn mặt vàng.

 "Có lẽ hôm nào rảnh mình đến xóm đó xem sao", tôi nghĩ thầm.

 - Anh đang nghĩ gì vậy?

 Tôi quay sang Thư, bắt gặp cái nhìn đầy thắc mắc.

 - Anh mải nghĩ gì mà Thư hỏi anh không trả lời.

 Tôi cười giả lả nói, Không có gì, chỉ tại đang lo sắp thi nên đâm lo ra.

 Đáp xong tôi lại ngồi im, tay lái xe nhưng đầu óc trở lại khu nhà đường số Tám. Đến apartment Thư ở tôi cho nàng xuống rồi mới nhớ mình chưa hỏi lúc nãy Thư hỏi gì.

 - Thôi, chả dám phiền anh, Thư vừa nói vừa bỏ đi.

 Biết Thư giận nhưng tôi chẳng màng dù biết mấy tuần sau mới làm lành được người con gái còn đầy nữ tính Việt, nhõng nhẽo và hờn lâu. Lái ra đường số Năm, tôi nghĩ sao mình không đánh một vòng sang đường Tám để thăm dò khu nhà cô gái đi xe bus ban chiều.

 Mấy ngọn đèn đường bị cháy thành phố vẫn chưa sửa, con đường tối hẳn đi khi xe tôi rẽ vào con đường đó. Hai bên đường không một ai đi lại. Mới khoảng tám giờ tối nên nhiều nhà bên trong còn bật đèn. Đa số các nhà trên đường này cho sinh viên thuê. Đang kỳ thi mid-term nên ai cũng chong đèn học. Vài căn tắt đèn bên trong tối om làm vùng phía trước nhà cũng tối lây. Không biết nhà nào là nhà của cô gái đi bus xuống trạm đường số Tám, tôi lượn vài vòng trong lòng có hy vọng rồ sẽ tự nhiên thấy nàng đứng trước nhà. Đang tự cười thầm thì tôi thấy mình sắp đến trạm bus ban chiều, thì ra từ đường Tám tôi đã rẽ vào Pole Line lúc nào mà không hay. Thật lạ, tôi nhớ rõ mình giữ tay lái thẳng chứ có bẻ nó đâu. Tôi rà thắng khi đến gần trạm bus. Đêm khuya trạm bus vắng tanh. Mái trạm plastic phản chiếu ánh đèn vàng vọt đổ xuống từ ngọn đèn đường bên trên.

 Tôi quay đầu xe lái về nhà.

***

 Tôi gặp lại Thư ngay ngày hôm sau. Một ngạc nhiên lớn. Lần trước giận chỉ vu vơ mà phải đến cả tuần sau Thư mới nói chuyện lại. Thư đứng chờ tôi trước lớp. Thấy tôi nàng cười thật tươi, tươi thật.

 - Mình đi ăn trưa nha, hôm nay Thư bao.

 Đến tiệm ăn crêpes tôi vẫn còn ngạc nhiên, Thư đưa tôi đến đây dù nàng chỉ thích ăn cơm ta. Tôi gọi món crêpe cuộn trứng và xúc xích, Thư kêu crêpe cuộn dâu và chocolate. Trong bữa ăn Thư hỏi thăm tôi về buổi học, về tối hôm trước sau khi đi ăn pizza. Tôi thấy nàng ra vẻ quan tâm về tôi nhiều hơn mọi khi. Thư nhắc tôi có hẹn đi nha sĩ tuần sau, nhắc uống thuốc cảm vì tôi đang bị cảm, nạp đơn xin học bổng ... cứ như một bà vợ lo lắng cho chồng. Còn ngạc nhiên nhưng tôi đồng thời thấy khoan khoái vô cùng.

 - Sao hôm nay Thư lo cho anh ... làm như mình là vợ chồng, tôi buột miệng nói.

 Thư đỏ mặt không nói gì. Một đỗi sau nàng buột miệng.

 - Thư có cảm tưởng anh có ai nên ... Tối hôm qua đầu óc anh nghĩ đâu đâu.

 Tôi thấy Thư đoán chỉ đúng một phần nhưng không bận tâm đính chính. Đang được chiều chuộng thì cứ tiếp tục hưởng. Thư bỏ dở miếng crêpe, đặt nĩa xuống.

 - Chiều nay anh rảnh không, đưa Thư đi Sacto có ít việc.

 Định gật đầu nhưng tôi chợt nhớ ra.

 - Lúc ba giờ anh phải lái bus, mai đi được không?

 Nét nghi ngờ trong cái nhìn của Thư làm tôi hơi ngỡ ngàng. Có bao giờ Thư đặt nghi vấn về giờ giấc việc làm work study lái bus của tôi. Tự nhiên tôi đâm bực, có cảm tưởng Thư mời tôi đi ăn để chất vấn mình như một người vợ lên cơn ghen.

 Tôi nhìn đồng hồ tay. Một giờ hơn.

 - Anh phải về để sửa soạn đi làm. Hôm nay lái đến sáu giờ thì xong shift.

 - Còn sớm mà.

 - Hôm nay anh mệt, về ngủ một chốc rồi đi làm. Sáu giờ chiều anh xong shift anh đón Thư, mình đi ăn cơm Việt tiệm Sunrise.

 Đưa Thư về xong tôi về nhà ngủ một giấc rồi vào trường lấy chiếc bus. Supervisor nói Cheng mới điện thoại vào nói bị bệnh không đi làm được và tôi phải làm luôn cái shift của hắn cho đến chín giờ tối.

 Gặp lại Steven cũng trên đường Pole Line. Hôm nay hắn trông tươi tỉnh hơn hôm qua. Hắn nói bài viết tiến triển tốt đẹp, chắc xong nay mai. Đến trạm đường Chestnut, hắn xách túi đứng lên.

 - Bài tôi viết có đề cập đến mấy người đồng hương của cậu đấy, hắn nói khi xe vừa ngừng bánh.

 - Thế sao? Tôi trả lời lơ đãng, đầu óc còn đang nghĩ đến trạm tới, nơi người con gái Việt đón xe ngày hôm qua.

 - Ừ thì khi nào viết xong đưa tôi đọc, tôi nói tiếp.

 Steven nhún vai, xuống xe, băng qua đường. Tôi vội đạp chân ga đi cho nhanh đến trạm tới. Từ xa tôi thấy trạm ngừng không một ai chờ xe. Nhìn đồng hồ thấy mình đến sớm vài phút, tôi ngừng xe đó chờ, trong lòng hy vọng thấy lại người con gái hôm qua. Vài phút sau tôi tách xe ra khỏi lề đi tiếp. Sáu giờ, nếu không phải lái thế cho Cheng thì đây là round cuối nhưng bây giờ thì tôi còn đến ba tiếng nữa. Đến trạm stop đường số Tám, nơi cô gái xuống xe hôm qua, tôi đi chậm lại, nhìn quanh xem có bóng dáng nàng đâu đó không. Biết đâu cô ta chờ xe bên kia đường đi ngược hướng tôi đang đi. Không, trạm xe bên kia đường chỉ có một bà cụ già xách giỏ đứng. Bà nhìn sang tôi như muốn hỏi gì. Tôi đạp ga.

 Round thứ nhì, tôi trở lại trạm Loyola. Vẫn không bóng dáng người con gái ấy. Tôi chợt thấy buồn, muốn lái xe về trường trả lại đi về nhưng còn một vòng nữa mới hết shift. Vừa tách xe ra khỏi lề, điện thoại trong túi tôi kêu. Nhìn lên kính chiếu hậu không thấy có hành khách trên xe, tôi lấy điện thoại ra xem. Thư gọi.

 - Hello, anh đây, tôi đáp.

 - Anh đang ở đâu vậy? Anh quên hẹn đi tiệm Sunrise à.

 Tôi giật thót mình, giờ mới nhớ cái hẹn đưa Thư đi ăn như đã hứa. Tôi lắp bắp nói phải làm việc đến chín giờ, lái thế cho người khác. Thư giận dỗi nói sao tôi không cho nàng biết để khỏi đợi.

 - Mấy hôm nay anh như người đãng trí lo nghĩ đâu đâu, Thư trách.

 Còn đang ấp úng chưa biết nói sao thì tôi thấy xe vừa đến trạm đường Loyola và cô gái đó đang đứng chờ xe từ khi nào. Thì ra tôi đang đi round cuối khi nào mà không hay. Cũng trong bộ quần áo đen đủi đó nếu nàng không đứng trong vùng ánh sáng dưới ngọn đèn đường thì chắc tôi không thể nào thấy được.

 Đúng như Thư nói, tôi đãng trí nhưng tôi không lo nghĩ đâu đâu. Tôi gập cell phone lại, giọng Thư léo nhéo rồi tắt ngúm. Cũng như lần trước, cô gái lên xe không trình thẻ, không trả tiền mà tự nhiên ngồi xuống ghế gần cửa xe. Cũng như lần trước, tôi không hỏi. Từ trạm này đến trạm đường số Tám nơi cô gái sẽ xuống đi chỉ vài phút, tôi cố tình đi thật chậm. Tôi nhìn lên kính chiếu hậu cố tìm mặt người hành khách duy nhất cho chặng đường cuối, người đã biến tôi thành người đãng trí mấy ngày nay. Hôm nay cô ta vẫn mặc bộ quần áo mặc hôm qua, ngồi im thu nhỏ người lại như sợ bị thấy. Tôi không thấy rõ khuôn mặt vì mái tóc xõa xuống che mặt phía hướng về tôi. Tôi đoán là một khuôn mặt rất xinh. Tôi muốn là thế.

 Điện thoại trong túi tôi réo lên. Đoan chắc là Thư, tôi mặc kệ. Thêm hai hồi chuông. Khuôn mặt người con gái từ từ ngửng lên, mái tóc rơi ra sau. Tôi không thất vọng trước khuôn mặt xinh xắn đó. Điện thoại tiếp tục réo, tôi thò tay vào túi bấm nút cho nó im. Khuôn mặt xinh xắn cúi xuống để mái tóc đổ xuống.

 Trạm đường số Tám hiện ra trước mặt, tôi rà thắng rồi ngừng lại. Trạm xe giờ này không có ai. Tôi chờ người con gái đứng lên đi ra cửa nhưng nàng vẫn ngồi đó.

 - Cô không xuống đây? Tôi lên tiếng hỏi.

 - Tại sao?

 - Hôm qua cô xuống đây, nhà cô trên đường Tám, đúng không?

 Cô gái đứng lên vừa đi ra cửa vừa nói:

 - Anh đuổi thì tôi xuống. Mai mình gặp lại.

 Tôi ngẩn người nhìn thân hình nhỏ nhắn băng nhanh qua đường. Khi cô gái biến dần vào bóng tối trước dẫy nhà nơi mấy ngọn đèn đường cháy chưa được thay tôi mới thấy tiếc những phút ngắn ngủi mình đã phí không gợi chuyện hỏi thêm về cô ta. Tôi lái xe về trường, trả xe, bấm thẻ xong đi ra bãi đậu xe. Nhớ lại cú điện thoại khi nãy Thư kêu mà tôi đã không trả lời, tôi lấy phone ra xem. Steven gọi. Tôi kêu lại hắn. Hắn rủ:

 - Rảnh không? Ghé Woodstock đi, tôi đang ngồi một mình đây, chán quá.

 Sẵn đang đói bụng, tôi nói ghé lại ngay. Đến nơi, nhìn mặt nhởn nhơ của hắn tôi hỏi:

 - Sao trông vui vậy?

 - Viết sắp xong bài thì vui, sắp thoát nợ. Thoải mái vài ngày rồi còn lo kỳ thi Toán. Mà này ... Hắn cầm chai bia lên tu một hơi dài ... cậu có biết chuyện một cô gái người Việt trước kia ở đây sau tự tử vì thất tình không?

 Tôi đáp không biết vì mình không phải là dân địa phương và thời giờ đâu đi tìm hiểu mấy chuyện đó.

 - Cô ta cũng là sinh viên trường mình, yêu một anh sinh viên cũng người Việt. Khi cô ta có bầu thì tên này chuồn mất sau niên học. Bị gia đình mắng chửi, cô ta thất trí tự tử.

 - Cậu có hình cô gái Việt đó không?

 Steven nhún vai, Vụ này chỉ là một phần nhỏ trong bài tôi viết, hình gì!

 Tôi cầm ly rượu đỏ xoay xoay nhẹ, nhìn vào trong ly. Rượu đỏ gợn lên trông như máu loãng làm tôi không còn muốn uống. Tôi trầm ngâm nghĩ về người con gái đi trên chiếc xe bus tôi lái hai ngày nay. Tiếng tên bạn Mỹ nói loáng thoáng bên tai tôi không hiểu một chữ.

* * *

 Xe từ từ rời trạm đường Chestnut. Tôi muốn đi thật chậm đến trạm đường số Loyola, hy vọng cô gái đó sẽ bỏ đi nếu phải chờ xe lâu. Suốt đêm hôm qua tôi thức suy nghĩ về những gì Steven nói. Dù không thấy gì liên quan giữa chuyện hắn kể và cô gái trầm lặng tôi gặp hai lần trên xe bus nhưng sao tôi vẫn cảm thấy có gì không ổn. Mặc dù phần nào biết trước sẽ gặp lại cô ta nhưng tôi thấy thót trong bụng khi từ xa thấy bóng dáng một người đang đứng chờ xe. Tự nhiên chân tôi đạp thắng. Tiếng còi xe đằng sau làm tôi giật mình nhưng chân vẫn rà thắng. Xe từ từ lăn bánh đến gần trạm, dáng người con gái đứng đợi xe lớn dần. Cũng mái tóc xõa che một bên mặt nhưng hôm nay bộ quần áo đen đủi đã được thay thế bằng một váy trắng và áo len đỏ khoác hờ trên vai. Cũng như hai lần trước, cô gái tự tiện ngồi xuống ghế gần cửa mà không trình thẻ hay mua vé xe và cũng như hai lần trước tôi không nói gì. Đóng cửa xe lại tôi nửa muốn gợi chuyện nửa còn sợ, chân vẫn giữ trên thắng. Ngoài xe đêm tĩnh mịch, bên trong chỉ hai người. Tôi quay lại nhìn, cô ấy quay mặt đi đưa nửa mặt tóc che kín về phía tôi.

 - Anh đúng hẹn ghê.

 - Cô cũng vậy, ngày nào cũng chờ xe trạm này đúng giờ này, chuyến cuối.

 Tôi nói đùa, mong nghe được một tiếng cười.

 - Chắc vì cô biết tôi sẽ đến.

 Không một lời đáp, không một tiếng cười. Mặt vẫn quay về cuối xe đưa về tôi mái tóc dài. Xe tách lề. Từ đây đến trạm đường số Tám tôi âm thầm lái, cô gái im lặng.

 Xe tấp vào lề.

 - Stop nhà cô đây, tôi vừa lên tiếng vừa kéo cần mở cửa xe.

 Vài giây trôi qua, không tiếng chân sau lưng. Tôi quay lại. Người con gái vẫn ngồi yên, mặt vẫn quay về cuối xe như nhìn gì ở đó. Đoán giờ này chắc không còn ai đón xe, tôi không cần vội đi. Cuối thu ngọn gió lạnh lùa vào trong. Tôi kéo cần đóng cửa xe lại.

 - Em ghé vào nhà thăm em chứ, tiếng nói nhỏ nhẹ vang lên trong xe làm tôi tưởng mình đang ở trong một hang động nào.

 Tôi nghĩ đến Thư vài giây. Tôi nói sẽ ghé lại đêm nay sau khi trả xe bus về depot. Cô gái lẳng lặng đứng lên đi ra cửa xe vừa mở bước xuống đường. Nhìn chiếc váy trắng chìm dần vào bóng đêm tôi mới sực nhớ chưa xin địa chỉ nhà cô ta. Không thể bỏ xe chạy theo, tôi đành dương mắt cố nhìn xuyên qua bóng đêm xem cô gái đi vào căn nhà nào. Ngọn đèn đường trên con đường số Tám vẫn chưa được thay bóng. Cả một vùng tối tăm không khác gì đầu óc tôi lúc này. Cho xe đi được chục thước, tôi nghĩ sao ngừng lại, gài thắng tay rồi mở cửa xe phóng xuống đường chạy theo chiếc váy trắng nhưng cái bóng trắng đó mờ dần vào bóng tối bao chùm dẫy nhà ngã tư đường số Tám và Pole Line.

***

 Tôi nhìn những giọt nước mưa lấm tấm trắng xóa bị gió thổi bay tung trong ánh đèn vàng vọt. Xe đậu ngã tư đường số Tám sát nghĩa trang từ chín giờ tối đến giờ, tôi ngồi trong xe nghe nhạc trong khi dán mắt lên những căn nhà bên kia đường. Thành phố đã thay bóng đèn đường làm việc dọ thám của tôi dễ dàng hơn. Giờ này chắc cô gái đó đang đi bộ từ cái bus stop trên đường Pole Line về nhà nếu tôi đoán đúng. Lợi dụng đến phiên Cheng lái bus đêm nay, tôi ra đây rình để biết rõ cô gái đó ở đâu. Đã được mời đến thì tôi đến.

 Từ bên kia đường một bóng người con gái tóc dài băng qua. Nhìn chiếc váy trắng và áo len đỏ tôi biết đó là người tôi đang chờ. Tôi đang phân vân không biết nên xuống xe chạy đến hay chờ cô ta vào nhà rồi gõ cửa thì cô gái đã đi nhanh đến trước một căn nhà, mở cánh cổng bên hông rồi biến mất sau cánh cổng. Cánh cổng đóng lại không một tiếng động. Tôi xuống xe bước vội băng qua đường đến trước căn nhà đó. Tôi chần chờ rồi đi lại trước cửa nhưng không dám bấm chuông. Rụt rè tôi đưa tay lên nhưng ngừng lại khi nghe có tiếng đàn ông bên trong. Qua hai màn cửa vàng sọc đậm hở ở giữa, tôi nhìn vào nhà. Một người đàn ông có vẻ lớn tuổi đang ngồi trên ghế bành trong phòng khách xem truyền hình, một người đàn bà cùng tuổi ngồi trên ghế dài nhìn người đàn ông. Họ như đang nói chuyện, không, như đang cãi nhau vì nét mặt giận dữ và tiếng nói loáng thoáng ra đến cửa sổ. Tôi thấy trong phòng ăn có một đầu cầu thang đi lên lầu, tôi hy vọng sau khi vào nhà bằng cổng sau cô gái sẽ đi vòng ra phòng ăn lên cầu thang nhưng tôi lầm, chờ mãi không thấy gì khác ngoài cặp lớn tuổi đang cãi nhau.

 Mưa nặng hạt. Tôi chạy trở lại xe, mở máy phóng đi.

 Sáng hôm sau tôi bỏ lớp lái xe trở lại căn nhà trên đường số Tám. Đến nơi tôi bỡ ngỡ không chắc là nhà nào vì nhà chỗ này xây cùng kiểu trông rất giống nhau tuy sơn màu hơi khác nhưng đêm hôm qua tối khó thấy rõ. Sau cùng tôi nhận ra cái cửa sổ với hai tấm màn cửa vàng sọc đậm. Tôi đi lại nhìn vào trong nhận ra cái phòng khách nhưng vắng lặng, máy truyền hình trong phòng khách tắt ngúm, hai ghế dài trống không. Tờ báo người đàn ông cầm đọc đêm hôm qua không có đó. Tôi trở lại cửa cái đánh bạo đưa tay lên bấm chuông. Không ai ra. Tôi gõ cửa, chờ một lúc không thấy ai ra. Tôi lên xe đi, trong đầu hy vọng sẽ gặp lại người con gái đó đêm nay khi lái xe bus.

***

 Tối hôm nay cơn mưa trở lại cũng như tôi trở lại chỗ đậu xe tối hôm qua, chờ. Từ hơn tuần nay tối nào tôi cũng đến đây chờ nhưng vẫn không gặp lại bóng dáng quen thuộc tôi hằng mong nhớ. Thư không còn nói chuyện với tôi nữa và tôi cũng không màng để ý. Mười ngày trôi qua, những đêm lái xe bus gần đến trạm Loyola tôi đạp chân ga cho xe đi nhanh lên nhưng đến nơi tôi lại thất vọng, trạm xe bus trống vắng. Và tôi quyết định đến rình tại nhà nàng và mỗi đêm tôi thêm thất vọng khi không thấy ai đẩy cánh cửa gỗ bên hông nhà. Vài lần tôi mon men đến cửa sổ nhìn vào trong lại chỉ thấy cảnh cũ, cặp già cãi nhau. Tối nào họ cũng lớn tiếng với nhau. Có những sáng tôi trở lại nhưng lại không có ai ở nhà. Tối nay tôi quyết định lấy can đảm lên tiếng đòi gặp người hẹn tôi đến. Tiếng cãi nhau trong nhà im bặt khi tôi bấm chuông. Áp tai lên mặt cửa tôi không nghe động tĩnh gì bên kia. Thật lạ, tôi đi vòng lại trước cửa sổ nhìn vào trong. Thật lạ, trong nhà tắt đèn tối om. Từ ngoài nhìn vào tôi chỉ thấy ngọn đèn đường bên kia đường phản chiếu trên mặt kính máy truyền hình tắt ngúm như một đóm đèn bão nào trên một cánh đồng hoang.

 Thêm một đêm hoài công.

 Tôi gặp lại Steven trưa hôm sau trong cafeteria. Hắn đặt cái burrito xuống dĩa khi tôi ngồi xuống đối diện.

 - Cậu cho tôi đọc cái bài term paper hôm nọ đi, thầy trả lại chưa? Tôi hỏi.

 Hắn nhướng mắt nhìn tôi, cái nhìn nghi kỵ.

 - Mượn làm gì?

 - Để đọc thông tin về cô gái Việt tự vẫn vì chửa hoang.

 Hắn nói để email cho tôi xong đứng lên đi về lớp.

 Chiều đi học về tôi vội bật laptop lên đọc email. Đúng như hứa, Steven gởi tôi bài viết nhưng chỉ nửa trang, nửa trang nói về người thiếu nữ đồng hương xấu số. Chắc hắn sợ tôi cóp-dê bài viết của hắn, công phu moi móc hồ sơ thư viện và tìm tòi trên mạng. Đúng như Steven đã nói, phần thông tin về cô gái này rất giới hạn. Đại khái cũng chỉ là những gì hắn đã nói cho tôi biết hôm nọ. Một thiếu nữ ngây thơ bị sở khanh dụ dỗ đến mang bầu, bị cha mẹ mắng chửi, mang tiếng làm nhơ nhuốc danh dự gia đình, xấu hổ, tương lai đen tối, thấy mình vào đường cùng đành đi tìm cái chết để giải thoát. Đọc tới đọc lui mấy đoạn ngắn ngủi tôi không nghĩ gì thêm được xong chợt nảy ra ý. Tôi vào website của tờ báo địa phương mà Steven đã trích thông tin từ đó ra lục trong archive nhưng thất vọng vì tòa soạn chỉ lập digital archive mới đây nên chưa cho vào các bài cũ phát hành đã lâu. Tôi chụp cây viết trên bàn ghi vội tên người viết và ngày phát hành của số báo đó.

 Tòa báo nằm trên đường G, một căn nhà nhỏ cất theo kiểu Tây ban nha, tường sơn trắng, mái ngói đỏ. Tôi vào thẳng bên trong hỏi bà thư ký già tóc bạc tôi muốn gặp người viết bài báo đó. Nhìn giòng chữ tôi viết nguệch ngoạc trên mảnh giấy, bà nhíu mày đọc lại rồi nói phóng viên đó đã nghỉ làm từ lâu, ngay cả trước khi tòa báo mướn bà. Tôi nói cần lục hồ sơ lưu trữ để tìm bài cũ. Bà đi vào trong hỏi chủ sự xong trở ra nói tôi đi theo. Bà đưa tôi vào một căn phòng nằm tuốt bên trong, chỉ mấy kệ sách cao đến trần nhà rồi nói cứ tự tiện tìm nhưng làm xong phải sắp lại như cũ. Tôi ngao ngán nhìn những kệ sách chất đầy các chồng hồ sơ hỗn độn, chắc Steven đã tốn bao nhiêu thời giờ trong phòng này tìm kiếm các thông tin địa phương cho cái bài term paper. Tôi nói Thank You rồi chào bà thư ký, đi ra cửa.

 Tối khi xe đến trạm đường Loyola thấy lại bóng dáng quen thuộc đứng đó tôi trong lòng rối lên những cảm giác lo sợ lẫn với vui vui. Như thường lệ giờ này chỉ có cô gái đó lên xe và cũng như mọi lần nàng đi thẳng lại ghế cũ ngồi xuống mà không mua vé hay trình thẻ sinh viên nhưng lần này tôi lên tiếng đòi xem thẻ. Tôi muốn biết tên.

 - Sao anh khó khăn với em? Cô gái nhỏ nhẹ đáp.

 - Sao lâu lắm tôi không thấy cô em đón xe? Có chuyện gì vậy?

 Nàng chợt bật khóc. Tôi bối rối.

 - Anh hẹn mà không đến thì em ra gặp làm gì ... nhưng em nhớ quá nên đêm nay đến đây để thấy lại anh.

 Tôi cố lục lọi trong trí nhớ cái đêm trời mưa đứng chờ trước cửa căn nhà đối diện với nghĩa trang thành phố và thấy ai mở cánh cửa hông bên nhà. Tôi kể lại cho cô gái.

 - Ba mẹ em cấm không cho gặp anh, ông bà cãi nhau vì chuyện đó ... vì mẹ em dễ nhưng ba em khó.

 - Vậy mình gặp nhau nơi khác không ai biết.

 Vài giây im lặng, cô gái lưỡng lự nói:

 - Nghĩa trang ban đêm không có ai hết, mình đến đó.

 Nóc trạm đường số Tám lờ mờ trong ánh đèn vàng u ám. Cô gái đứng lên ra cửa.

 - Em chờ anh chỗ có cái tượng ở cuối bãi. Anh đi trên con đường nhỏ cho đến cuối đường rồi để xe đó đi bộ vào.

 Một lần nữa tôi quên hỏi tên nhưng cô gái đã xuống xe băng qua đường.

 Thêm một giờ đồng hồ nữa mới hết vòng cuối. Tôi trả xe bus, lên xe mình lái ra ngoài depot. Ra đến ngoài, tôi ngừng xe suy nghĩ, lấy cell phone ra gọi Steven. Hắn nói đang uống bia ở Woodstock. Tôi nói tôi lại ngay.

 Đến nơi vừa đúng lúc tên bạn sắp bỏ đi, nói chờ tôi đã lâu.

 - Tên cái cô gái Việt đó là gì? Tôi hỏi xong nói ngay, report cậu viết không nói.

 Hắn nhíu mày đáp:

 - Bởi vì khi viết report tôi chưa biết nhưng người ký giả viết cái tin đó nói cô ta tên là Lê. Chuyện cái cô đồng hương cậu ly kỳ lắm. Chiều nay tôi sẽ gặp tên ký giả đó, tôi mới tìm được địa chỉ email của hắn.

 - Lê là tên hay họ?

 Steven nhún vai nói không biết, chào tôi rồi đi ra.

 

***

 Cái bóng đèn đường khốn kiếp ngã tư Pole Line và số Tám lại bị cháy. Cả block đường chỉ có còn mỗi một ngọn đèn nằm cuối block làm con đường thật âm u. Đêm nay cơn mưa trở lại, những giọt mưa lấm tấm rơi rớt trong ánh đèn xe, đập lên mặt kính xe. Tôi ngừng lại nơi ngã tư nhìn nghĩa trang chìm đắm trong bóng tối. Vài ánh đèn vàng hiện lên trong kính chiếu hậu, một chiếc xe chạy ngang qua rồi mất hút vào cuối đường. Dường như tôi là sinh vật duy nhất ngoài đường. Những con côn trùng có cánh thường bu quanh bóng đèn đường vào ban đêm sao tối nay biến đi đâu hết. Nếu tôi đi vào bên trong nghĩa trang như đã hẹn thì sẽ gặp Lê, hay Lệ, và có lẽ sẽ thấy bớt cô đơn. Thật thế?

 Máy xe vẫn còn chạy. Tôi quay đầu xe rẽ vào con đường đất đi sâu vào nghĩa địa. Con đường ngoài kia âm u nhưng trong này tối như mực nếu không có ánh đèn xe nhưng xe tôi cũng như ngọn đèn đường cháy mất một bóng. Trong ánh đèn của bóng còn lại, tôi có cảm tưởng những chùm lá, những bụi cây, bia mộ đen đủi thật ra là ma quỷ đứng bất động chờ đúng lúc nhẩy xổ ra chụp lấy mình. Đến cuối con đường đất, tôi tắt máy xe nhưng vẫn để đèn. Tôi ngồi thừ đó suy nghĩ một chốc xong lục trong cái túi xách lấy đèn pin ra bấm nút bật lên kiểm lại. Mở cửa xe ra, tôi định bấm nút khóa nhưng nghĩ sao lại thôi.

 Nước bùn trên mặt đất tôi vừa dẫm vào khi đặt chân xuống bắn lên quần. Tôi quét đèn pin một vòng. Những chùm lá, những bụi cây, bia mộ hiện ra lờ mờ trong ánh đèn pin vàng vọt. Tôi thấy một cái tượng sơn trắng nổi hẳn giữa những bóng đen cây cối xung quanh, nằm bên trái bãi đậu xe cách không xa. Rọi đèn vào trong đó, tôi cố tìm một hình bóng người, một mái tóc dài bay trong gió. Chỉ có những cành cây trụi lá lung lay trông như những cánh tay khẳng khiu chỉ còn xương của thây ma vẫy gọi mời mọc. Tiếng một con ễnh ương bất chợt nổi lên đâu đó làm tôi giật mình. Tôi đi lại chỗ cái tượng, móc thuốc ra hút. Khói thuốc làm tôi bình tĩnh lại, tim đập chậm lại. Tôi nhìn đồng hồ tay, mười giờ. Tôi chờ.

 Cứ vài giây tôi lại xem đồng hồ tay. Tôi không biết mình đưa tay lên xuống đến bao nhiêu lần nhưng cái lạnh thấm dần qua áo jacket vào đến trong bắt đầu làm tôi run lên. Tôi quyết định chờ thêm năm phút nữa thì đi.

 Năm phút trôi qua. Tôi quăng điếu thuốc thứ ba xuống vũng nước cạnh chân. Vừa quay lưng dợm đi thì tôi nghe có tiếng sột soạt nơi bụi cây sau lưng. Cái lạnh trên xương sống là do sương hay sợ. Tôi quay phắt lại. Không có gì. Không một bóng sinh vật di động. Tôi đi vội ra xe.

***

 Mùa xuân đã trở lại Davis. Tôi không còn lái bus cho trường. Dành dụm được khá nhiều tiền và xin được student loan, tôi nghỉ làm work study để dồn thì giờ học, ghi thêm nhiều lớp cố lấy đủ tín chỉ kịp tốt nghiệp vào tháng sáu. Cha mẹ tôi từ quận Cam sẽ lên dự lễ ra trường.

 Chiều thứ năm. Ngày cuối cùng của tôi tại trường UC này. Vừa nạp bài thi final tôi xách túi đi ra lớp. Định lấy điện thoại ra tôi gọi Thư rủ đi ăn nhưng nghĩ sao tôi lại thôi, lên xe đi Woodstock uống ly bia ăn mừng rảnh nợ học. Đi được vài blocks, tay tôi tự nhiên bẻ lái trở ra đường số Tám, ngừng xe trước căn nhà có hai màn cửa vàng sọc đậm.

 Có tiếng động trong nhà vài giâu sau khi tôi bấm chuông. Tôi ngạc nhiên nhìn khuôn mặt trắng trung niên tóc đỏ quăn mở cửa. Tôi ấp úng xin lỗi, nói xin gặp một thiếu nữ á đông. Ông ta nhíu mày, lắc đầu nói ở đây chỉ có ông ta và vợ cũng là dân da trắng, không có ai á đông ở đây hết. Sau lưng chủ nhà, căn phòng khác bầy biện khác hẳn khung cảnh tôi nhìn trộm qua bức màn cửa vàng sọc đậm. Tôi xin lỗi hỏi ông ta ở đây lâu chưa. Câu trả lời đầy bực tức vì câu hỏi tọc mạch của tôi, hai năm, rồi cánh cửa đóng xầm.

 Đầu óc đầy hoang mang, tôi lên xe ngồi thừ đó suy nghĩ. Bên kia đường, mặt trời hoàng hôn đổ một màu đỏ ửng lên trên những mộ bia trong nghĩa trang. Không biết tôi ngồi đó bao lâu cho đến khi màu vàng èo uột của ngọn đèn đường thay thế màu nắng đỏ trên mộ bia. Tôi nổ máy xe. Lái vài vòng downtown tôi rẽ vào đường Pole Line đúng lộ trình L quen thuộc. Cách trạm Loyola vài block tôi thấy chiếc bus tôi lái lúc trước đang từ từ tiến đến trạm nhưng lại ngừng lại giữa đường. Lái vòng qua bên trái, tôi nhìn lên thấy Steven ngồi ghế tài xế mắt nhìn đăm đăm về trạm như có gì thôi miên hắn. Tôi vượt qua chiếc bus. Mái tóc dài xõa vai đứng đó tự khi nào. Đêm nay chiếc váy trắng và áo len đỏ được thay thế bằng bộ quần áo đen đủi như những lần đầu. Nàng đứng đó nổi bật trong vùng ánh đèn trắng xóa. Tôi rà thắng cho xe tấp vào lề. Xe ngừng lại. Tôi nhoài người sang bên phải, mở cửa xe. Hình bóng nhỏ nhắn trườn vào xe lên ghế bên cạnh.

 Xe tách lề. Một hồi còi sau lưng. Nhìn lên kính chiếu hậu tôi thấy đèn xe bus bật pha sáng chói nhấp nháỵ Tôi thấy Steven thò tay ra cửa xe vẫy vẫy. Hạ cửa kính xuống, tôi đưa đầu ra ngoài định ngoái cổ lại xem hắn muốn gì. Bàn tay thật lạnh đặt lên tay tôi, mơn trớn.

 - Mình đi thôi anh.

 Quay cửa kính lên, tôi đạp ga chạy đi.

 

 

Giáng Sinh 2011, Bùi Ngọc Khôi

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 41769)
Nhân viên mai táng đến thật đúng giờ khiến María Dos Prazerès, còn khoác áo choàng tắm và đầu gắn các kẹp tóc, chỉ kịp giắt một đoá hồng đỏ lên vành tai để không xuất hiện quá ít quyến rũ như bà đang ấn tượng về chính mình.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 41115)
Đ êm đọc những bài thơ của em Quả thật không sao giấu được nụ cười Vài ý nghĩ muốn làm một tuyển tập Gồm những bài thơ cứt thời gian
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 37934)
D ưới đây là bài “Trần Vũ: mỗi con người trưởng thành mang trong mình một tín ngưỡng văn chương” của Da Màu phỏng vấn nhà văn Trần Vũ. Chúng tôi xin phép được đăng lại để gởi đến quí bạn đọc của Hợp Lưu. Xin chân thành cảm ơn “Da Màu.” TCHL
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 38443)
A nh giới thiệu với tôi tên cô nhưng không nói cô là gì của anh, một cách ngầm bảo tôi hiểu thế nào cũng được, cô có thể là tình nhân mà cũng có thể là em họ xa (chẳng hạn). Anh cũng nói thêm cô sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chuyến này sang Mĩ du lịch và định ở lại chơi chừng hai tháng. Cô đẹp, dĩ nhiên—tôi chưa thấy anh đi với người đàn bà không nhan sắc bao giờ—nhưng không còn trẻ nữa. Tuy thế thật khó đoán tuổi cô, có thể ngoài ba mươi, có thể hơn. Cô ít nói. Hình như cô chẳng để tâm gì đến câu chuyện giữa tôi và Quang mà chỉ ngồi trầm tư uống cà phê, phóng tia mắt ra ngoài khơi, nơi có những cánh buồn trắng dật dờ trên mặt biển như đang trôi về nơi vô định.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 35253)
C on hẻm vắng người lạ kỳ dẫn cô vào một cửa tiệm u tối, ngoài cửa kính màu sắc thế kỷ thứ 18 chỉ treo vỏn vẹn một biển hiệu xộc xệch và bức tranh chân dung sỉn màu. Cô ghé lại gần nhìn kỹ và choáng váng; chân dung của chính cô, lệch lạc, méo mó nhưng đúng là đường nét Á đông của đôi mắt 1 mí cách xa nhau, sóng mũi thấp, gò má tròn dẹt và đôi môi hơi cong hai bên khóe.
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 35396)
H đã rời bỏ nơi chốn chúng tôi cùng rong chơi “ nơi đó sặc mùi lừa bịp – H nói những cái thớt và những đứa liếm thớt H không chịu được mùi không phải của người”
16 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 35443)
T hấp thoáng tháng tư rưng rưng mùa hạ cũ Mùa xưa qua đây Tuổi trẻ hồng như màu mực đỏ Đêm đốt rừng gió xiết cổ tình ca
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 35348)
« C hiến tranh là sự tiếp nối chính trị bằng những phương tiện khác» . Câu văn trứ danh này của Clausewitz, có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nghe qua. Nó xác lập sự phụ thuộc của quân sự vào chính trị. Từ khi có những tập hợp người gọi là thành quốc hay quốc gia, người ta không làm chiến tranh đơn thuần nhằm chém giết lẫn nhau, mà để giành lấy quyền định đoạt số phận của một cộng đồng. Và kẻ tham chiến có thể thua hàng trăm trận đánh, miễn là thắng trận cuối cùng, nếu sau đó nó mang lại quyền quyết định về việc tổ chức chính quyền trên một lãnh thổ.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 35966)
T ình trạng dịch thuật hiện nay ở Việt Nam đang ở mức cần phải báo động. Radio RFI đã dành nhiều chương trình cho những buổi nói chuyện với nhiều dịch giả trong và ngoài nước về vấn đề này. Sau Hoàng Hưng, Phạm Xuân Nguyên là những nhận định có phần nghiêm khắc của dịch giả Trần Thiện-Đạo đã sống ở Paris trên nửa thế kỷ. Trước 30-04-1975, Trần Thiện-Đạo cộng tác với các báoVăn, Tân Văn, Bách Khoa, Nghệ thuật... ở Sàigòn và hiện nay vẫn thường xuyên gửi bài in trên các sách báo văn học trong-ngoài nước. Ý kiến của Trần Thiện-Đạo sẽ như một liều thuốc đắng, may ra giã được một số tật cố hữu trong địa hạt dịch thuật của Việt Nam.
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 38510)
Trước 30-04-1975 Thế Phong là một nhà văn quân đội. Ưu điểm của Thủy và T6 nằm ở giọng văn chuyển tải suy nghĩ nhân vật liên tục không chấm dứt, qua đó, người đọc bắt gặp thủ đô Sàigòn về đêm. Một thủ đô phù phiếm dù mặt trận kề cận. Một Sàigòn vừa trải qua Đảo Chánh đã chờ đợi Chỉnh Lý. Thế Phong ghi lại tâm trạng bấp bênh của xã hội miền Nam mà các chi tiết vũ trường, thao thức nhân vật có thể chuyển hoán cho hôm nay, bây giờ. Bối cảnh truyện xảy ra năm 1964, năm khởi đầu của nền đệ nhị Cộng Hoà.(TCHL)