Lữ Thị Mai - Hà Nội 2012
Chồng tôi không biết gì về Du. Tôi chôn giấu kí ức như
những món đồ ngủ quên trong chiếc rương xưa cũ. Đôi khi gặp lại cũng đủ gợi trí
tò mò. Anh sợ bất cứ thứ gì cũ kỹ. Tôi thì trái lại, lẩm cẩm như bà già, luôn thích
nhặt nhạnh và cất giữ. Cứ tiếc nuối mãi, cứ dùng dằng mãi. Tình yêu, giữa vợ
chồng tôi, cả hai đều không muốn nó dời đi. Ít nhất là trong căn phòng ba mươi
sáu mét vuông này. Căn phòng ở khu tập thể cũ. Nó vốn thuộc về anh. Sau này tôi
mới nhận ra mình chưa bao giờ nhớ nổi nó là phòng số bao nhiêu, tầng mấy. Mà
hình như tôi không cần nhớ. Các căn phòng ở đây khá giống nhau. Cánh cửa nâu
xỉn, màu sơn tường xanh lạnh và những chậu cây nhỏ xíu đặt ngay ngắn dọc hành
lang. Có lần tôi đã sai. Chuyện ấy trở thành trò cười cho lũ bạn. Chỉ vì tôi
quá tin vào cảm giác của mình. Cảm giác đưa tôi đến với căn phòng ba mươi sáu
mét vuông, cuộc sống thường nhật vợ chồng lại đẩy tôi sang một căn phòng khác. Không
màu. Không cửa. Khóm xương rồng cô đơn không bật nổi mầm chồi.
Thỉnh thoảng tôi nhận được tin nhắn: Nhi đang làm gì? Chỉ có thế và mọi chuyện sẽ lại im ắng như thường. Tôi có yêu Du không? Chính tôi cũng hoang mang khi vấp vào ý nghĩ ấy. Chỉ biết nếu thỉnh thoảng không nhận được tin nhắn của Du cứ thấy thiếu thiếu, buồn buồn. Ở thành phố này, tôi đã học được ở Du cách một thân một mình vượt qua những phút chống chếnh, nản lòng. Ngày còn ở quê, mỗi lúc buồn tôi hay giả vờ ốm. Chỉ bằng cách đó tôi mới có thể yên tâm nằm một góc mà không bị ai soi xét, hỏi han. Mẹ tôi luôn lo lắng. Bà thường nấu cháo cho tôi ăn ngay. Bao giờ cũng là cháo tía tô với trứng gà. Tôi nhìn mãi cái lòng đỏ im lìm nổi bật trên bát cháo. Lúc giống mặt trăng lúc giống mặt trời. Dần dần tôi đâm nghiện. Nhìn bát cháo bốc hơi nghi ngút là thấy lòng nhẹ bẫng. Thỉnh thoảng buồn, tôi xuống quán ăn dưới sân tập thể nhưng cháo ở đây khiến tôi chát bứ cổ họng.
Thời học phổ thông, hai đứa chúng tôi ngồi hai đầu bàn cuối. Luôn song song và cách nhau một khoảng chừng hai mét. Vị trí ấy thầy cô vẫn đứng quan sát học sinh làm bài tập trên bảng. Du thường liếc ngang sang tôi, vào những khắc mà cậu ấy cho rằng tôi ít để ý. Tôi phân vân mãi, không hiểu Du thường nhìn gì ở tôi. Vậy mà nửa đầu bên phải của tôi vẫn bừng bừng. Thằng Bằng ngồi cạnh tôi bảo rằng hắn đã được Du rủ về phòng riêng xem phim cấp ba. Tôi nhìn hắn khinh khỉnh, phớt lờ. Điều hắn nói không làm tôi sợ. Vẻ bề ngoài, tôi hơi nhút nhát, hơi ngoan hiền theo đúng kiểu con nhà được bố mẹ dạy dỗ, giám sát cẩn thận. Du trái lại, buông tuồng và bất chấp. Thì Du vẫn bảo, con gái con trai thường khác nhau như thế. Vào những buổi trưa, Du chở tôi trên chiếc xe địa hình đến triền đồi vắng. Chúng tôi nằm xuống thảm lá khô. Hai thân hình từ vị trí trái chiều vạch một đường thẳng tắp trên thảm lá. Du bảo cuộc sống này ngột ngạt quá. Chúng mình nhắm mắt lại thôi. Những lay động đang trôi qua thật khẽ. Du đặt từng ngón tay muốt dài, lạnh ngắt trượt nhẹ trên tóc tôi. Tôi hay trêu Du, người có ngón tay dài sẽ đa tình lắm. Du cười, nhưng những ngón tay ấy phải thật ấm áp mới đủ mang đến cho người khác niềm vui.
Anh muốn chúng tôi chuyển đến căn hộ ở khu đô thị mới. Tôi dùng dằng mãi với căn phòng này. Căn hộ mới khiến tôi nghĩ đến mẹ chồng. Anh muốn chúng tôi về ở gần bà hơn. Mẹ chồng thì luôn gặng hỏi tôi về vấn đề con cái. Vì sao sau bốn năm chung sống vợ chồng tôi lại không sinh nổi mụn con. Vì sao không đến bác sĩ. Vì sao không đi kêu cầu ở đền nọ chùa kia. Những lúc ấy tôi không biết phải trả lời sao. Trong mắt mẹ chồng tôi là đứa con dâu hết sức khô khan và bướng bỉnh. Chúng tôi đều đã đến phòng khám. Đều đã trở về với tờ phiếu xét nghiệm không chứa đựng vấn đề gì cả. Thế mà tôi và anh đều thấy trĩu nặng. Chúng tôi tránh nhìn nhau trong những khoảnh khắc ấy. Căn hộ mới có thể sẽ giúp ích cho cảm hứng của chúng tôi. Tôi đọc được tia hi vọng mong manh trong mắt anh khi đặt vấn đề chuyển nhà. Anh cảm giác rằng căn phòng âm u này mang điềm rủi. Cả cánh cửa nâu xỉn, màu sơn tường xanh lạnh và những chậu cây nhỏ xinh dọc hành lang cũng thế. Nhưng trong căn phòng này, mọi thứ đã được sắp đặt giông giống với trật tự của tổ ấm. Tôi sợ căn phòng rộng hơn. Có lẽ tôi và anh sẽ chẳng biết phải bày biện gì để lấp đi những khoảng trống. Hoặc giả sử có bày biện được thì chắc gì tất cả hình khối, màu sắc đó sẽ ăn nhập với nhau. Nỗi lo sợ vu vơ đeo bám tôi những lúc tôi vật vờ như bóng ma trong căn phòng tưởng tượng.
Hai đứa này cứ như mặt trăng mặt trời, tưởng là cái bóng của nhau mà chẳng khi nào đối diện. Mẹ Du nhìn tôi thở dài. Bà bảo giữa chúng tôi còn xa cách hơn bố mẹ Du ngày ấy. Bố đi nước ngoài lúc Du còn nằm nôi. Trong trí nhớ của chúng tôi không hề có một ý niệm nào về người đàn ông ấy mãi đến khi ông về nước, Du đã lên mười. Mẹ Du vẫn làm chủ tiệm may lớn trên thị xã, đi đi về về như ngày chưa lấy chồng. Hàng ngày, chúng tôi cùng đi học. Trong cặp Du luôn có những phong kẹo cao su hay sô cô la mà ngày ấy với trẻ quê chúng tôi đó là thứ quà vô cùng quý hiếm và xa xỉ. Trong đám trẻ làng, Du chỉ cho tôi kẹo. Đương nhiên là vậy. Nhưng bao giờ Du cũng đòi tôi cho lại một thứ gì đó. Tôi khất lần không muốn cho đi bất cứ thứ gì mình đang sở hữu. Nhưng trên đường đi học về, tôi tự nguyện xách cặp cho Du để Du tung tăng bắt cào cào ven chân ruộng. Năm tôi học lớp ba, trong một lần về qua nhà, mẹ Du mang cho tôi mấy cái váy sặc sỡ và nhiều tầng như váy búp bê. Tôi lấy làm thích thú xúng xính mặc đến trường. Tôi đi bên Du cảm giác lâng lâng như mình là người khác. Du không còn bắt tôi xách cặp giúp. Du đi đằng sau tôi im lặng. Du chau mày trước những cặp mắt tò mò xúm quanh tôi. Rồi giờ ra chơi, bất ngờ trong đám đông ấy, thằng Tú, thằng Trung và thằng Bằng xông vào tốc váy tôi. Thầy chủ nhiệm véo tai, giam ba thằng sau buổi học. Trên đường đi học về, Du xách cặp cho tôi, Du bảo: Nhi đừng khóc nữa, từ nay chỉ mặc váy ở nhà thôi.
Khóm xương rồng Du tặng tôi đặt trên bậu cửa sổ. Vị trí ấy nhìn xuống khoảnh sân tập thể lúc nào cũng vắng lặng, ẩm thấp. Mặc tôi chăm bẵm như đứa con cầu tự, chậu cây ấy chỉ bật lên toàn gai là gai. Sau mỗi đêm lại bật lên những chùm gai sắc nhọn bủa vây tôi bằng những nỗi nghi ngờ. Một ngày. Hai tư tiếng đồng hồ quy ước. Hơn nửa thời gian tôi và anh bên nhau. Nhưng thực sự chúng tôi đã dành cho nhau bao nhiêu phút? Anh bảo tôi cứ thắc mắc thế để làm gì. Vậy thì chúng mình chia tay thôi. Tôi nói với anh thành khẩn. Thực sự mọi chuyện chưa đến mức đó. Anh bỏ đi khi ánh trăng chênh chếch qua cửa sổ. Lâu lắm rồi, ở thành phố này mới lại nhìn thấy trăng. Người ta gọi đó là siêu mặt trăng. Mấy chục năm mới có một lần. Mặt trăng như quả cầu rừng rực cháy. Mặt trăng gần trái đất quá là điềm báo khởi nguồn cho mọi sự bất thường. Mẹ chồng tôi ra đi đúng ngày bất thường ấy. Đúng khoảnh khắc anh rời bỏ tôi trở về bên mẹ. Mấy bà cô già cứ tâm niệm mẹ chưa có cháu đích tôn nên chắc không nhắm mắt nổi đâu. Nhưng mẹ chồng tôi đã không gọi tên ai, thanh thản nhắm mắt. Anh khóc nấc, anh bảo vậy là mẹ đã khước từ tất cả rồi. Tôi nghĩ khác, mẹ buông xuôi, chấp nhận thì đúng hơn. Tôi nằm bất động như xác chết. Lúc này, lại ước được như con mèo nhỏ, nằm ngủ mê man dưới tán hoa giấy rợp mát để rồi mặc sức hình dung về những mảnh trời vỡ vụn trong giấc mơ. Thực sự tôi là ai. Lửng lơ giữa tôi và Du. Xưa và nay. Cả hai cứ tồn tại song song mà chẳng khi nào chịu đối diện và hòa lẫn. Như quán cà phê quán Liu năm nào. Những viên đá lạnh già đanh luôn tìm cách khước từ màu cà phê đen đặc vô nghĩa. Chị chủ quán lắm khi cũng chỉ cười cười: Nhi xinh thật đấy. Cứ như gái chưa chồng. Tôi chẳng biết phải hiểu câu nói ấy thế nào nữa. Nó lấp lửng giữa lời khen ngợi thật thà và bông đùa chế giễu.
Cà phê Liu. Tôi gửi tin nhắn cho Du mà vẫn không thôi băn khoăn, sao lại có cái tên kì cục thế. Biết đâu đó là tên một người? Cũng chẳng hiểu tại sao tôi chọn quán này. Hay là vì chính cái tên kì cục. Chúng tôi vẫn ngồi song song thay vì đối diện. Tôi và Du cùng nhìn về một hướng. Nơi đó còn những hình dung về kí ức vẹn nguyên của đám lá khô xào xạc, từng bước chân gượng nhẹ và giọng nói mơ hồ trong rừng vắng.
Hai mươi tuổi, chúng tôi từng ngủ chung với nhau. Buổi chiều ấy mưa gió tơi bời. Cành hoàng lan già róng riết đập vào cửa sổ, tôi và Du ngồi co ro một góc phòng không đứa nào dám ra khép cánh cửa lại. Thế mà mẹ tôi vẫn đội mưa đội gió ra đi. Du bảo, bà đi vì tin rằng khung trời nơi xa ấy không bao giờ giông bão. Và tôi biết, ở đó còn có người đàn ông bao nhiêu năm mỏi mòn chờ đợi mẹ đến nấu bát cháo tình yêu hóa giải những cơn cảm sốt trong lòng. Tôi không sao quên được cái thứ cảm giác lạ trượt ra ngoài ham muốn. Giông giống với cơn mệt mỏi cần được xoa dịu. Du dụi đầu vào ngực tôi như đứa trẻ. Đôi mắt tôi đã giàn giụa nước từ bao giờ. Ngay giây phút ấy, tôi từng nảy ra ý nghĩ điên rồ. Muốn có một đứa con với Du. Rồi đi lấy chồng cũng được. Rồi giống mẹ tôi cũng chẳng sao. Nhưng Du lẳng lặng mặc lại quần áo. Du bảo với tôi, Du muốn làm con gái. Một đứa con gái như tôi. Biết đâu sẽ lại thành một chiếc rương cất giữ kí ức cho người khác. Giá như kí ức hiện hữu thành một cái gì đó. Một vật có thể cầm trên tay. Tôi sẽ trả lại Du. Hay ít ra là ném xuống đất cho nó vụn vỡ ra.
Du thú nhận năm học lớp ba, chính Du dúi kẹo cao su cho ba thằng con trai ấy để chúng chạy đến tốc váy tôi. Để tôi khỏi mặc váy đến trường. Để Du khỏi phải trông thấy đứa nào đó hau háu ánh mắt nhìn tôi. Ba thằng ấy bây giờ đều là cửu vạn trên phố, nay xách hồ, mai bốc vác. Du là doanh nhân, độc thân, quyết đoán, và lạnh lùng.
Du thú nhận không thể rời xa tôi. Vì tôi đã cất giữ quá nhiều kí ức của Du. Tại sao chúng ta cứ phải cất giữ kí ức cho nhau trong khi kí ức thì có bao giờ sòng phẳng.
Mãi rồi Du cũng lấy vợ. Một cô nàng thuộc thế hệ 9x cao dong dỏng, môi mắt long lanh nhưng chỉ hai năm thì đường ai nấy đi. Mẹ tôi vẫn thở dài: Cứ nhìn cái cách thằng Du bỏ vợ mà thấy hãi hùng. Nghe mấy đứa bạn kể, cô vợ trẻ của Du là vốn là người mẫu tỉnh lẻ, bản tính đong đưa và thực dụng. Du biết nhưng vẫn cưới. Một cuộc đông vui ở vũ trường, có thằng kiếm cớ mời vợ Du nhảy. Cô nàng nhận lời ngay phớt lờ thái độ của Du. Sau khi uống mấy ly rượu mạnh, Du vẫy thằng kia lại, hỏi: Vợ tao, mày thích, tao cho không. Thằng kia sợ quá chuồn mất. Còn cô vợ trẻ bấy giờ mới sực tỉnh, quỳ sụp dưới chân Du.
Du nhấp ngụm café nhìn tôi cười nhạt. Thiên hạ đồn đại cả thôi. Nhi để ý làm gì. Người ta đến với mình thế nào thì ra đi như vậy.
Tôi biết chồng mình ngoại tình. Cũng chỉ bằng cảm giác. Rồi đây sẽ đường ai nấy đi. Và anh sẽ chẳng bao giờ chạm đến được những điều bí mật tôi hằng cất giữ. Biết đâu như vậy thanh thản cho nhau hơn. Làm sao tôi có quyền đòi hỏi ở anh điều gì hơn ngoài một vỏ bọc bình yên. Mọi thứ mục rữa, cũ nát đến khác thường. Hình như, tôi chỉ co ro như một con ốc mà không hề nổi loạn là nhờ núp dưới cái vỏ bọc bình yên ấy. Tôi càng không thể biến anh thành tòng phạm của chiếc rương kí ức chất chồng. Những chiếc váy màu sắc sặc sỡ, nhiều tầng như váy búp bê tôi gom góp trong kí ức nay chất đống góc phòng.
Du bảo, Du biết yêu từ ngày ấy, ngày tôi xúng xính váy búp bê còn Du là cậu bé chưa lên mười. Tới khi chúng tôi lớn lên, tình yêu ấy đột nhiên vuột mất. Nhưng Du vẫn đi tìm. Du yêu những cuộc kiếm tìm dẫu biết mình sẽ phải trả giá. Có khi nào, Du yêu những cuộc kiếm tìm ấy hơn tôi?
Có ai tin nổi?
Một đêm không có anh. Không có Du. Căn phòng cũ chỉ còn lại tôi với một chậu xương rồng và một mặt trăng chênh chếch. Con dao sắc lẹm trên đĩa hoa quả ánh lên vệt sáng bàng bạc nhức nhối cắt đôi bức tranh tĩnh vật. Trong bóng tối, chậu xương rồng trên bậu cửa run rẩy những chiếc gai nhọn hoắt tội nghiệp. Loài cây cô đơn ấy sao càng gai góc lại càng đáng thương. Giữa lòng bàn tay tôi, những chùm gai bấy lâu nay được tắm bằng nước mắt bật lên từng nụ hoa chói lòa sắc đỏ. Trong đêm tối, sắc đỏ chảy lan, gọi mời, mê hoặc thêm nhiều khóm xương rồng khác quy tập về căn phòng ba sáu mét vuông. Thấy cả những ánh mắt thân quen thấp thoáng, hấp hối nhìn tôi sau từng chùm gai nhọn. Những khóm xương rồng mọc lên, dần dần biến căn phòng thành sa mạc. Tôi thấy khát. Khát khô. Mặt trăng trên cao đã rụng xuống từ lâu, những mảnh vỡ đang rừng rực cháy. Nghe từng giọt nước mắt chậm rãi chảy xước trên mặt mình. Như vết dao. Chảy đến đâu biết đến đấy. Càng chảy càng xót xa. Ai nói cho tôi biết, một lúc nào đó, nếu những giọt nước mắt kia không chảy nữa, tôi có chết khô giữa sa mạc này không.
Lữ Thị Mai
(Hà Nội 2012)