- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Con trâu rừng cuối cùng trên đảo Phú Quốc

21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 80115)

 mien_hoang_tuong_nck

I. Đi Vào Miền Hoang Tưởng 

 

 Đầu Năm 1962, anh ra khỏi trường, tưởng rằng sẽ được kéo cái cuộc đời ký cóp an nhàn ở Saigon, trong các bộ, phủ như các khóa tốt nghiệp trước. Nhưng cũng trong thời gian đó, Cộng sản nằm vùng bắt đầu trỗi dậy, mở đầu bằng một trận tấn công đồn Dầu Tiếng và sau đó liên tiếp xẩy ra các cuộc phá rối ở nhiều nơi.

 Tổng Thống Diệm, lúc đó đang đẩy mạnh chương trình lập ấp chiến lược, tin tưởng rằng sẽ tách rời được Cộng sản ra khỏi dân quê và phát triển được các phương diện kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế và an ninh trong các xã ấp mà dân quê từ bao nhiêu năm đã không được hưởng. Tống Thống Diệm hình như không tin tưởng ở những cấp chỉ huy địa phương chỉ có khả năng về quân sự hay chỉ có khả năng về hành chánh có thể thực hiện được cái chương trình toàn diện kể trên.

 Trường Hành Chánh lúc đó trực thuộc Phủ Tổng Thống, vì thế đã chịu ảnh hưởng trực tiếp cái ý định trên. Sự xử dụng các sinh viên tốt nghiệp của khóa anh được đổi chiều một cách rõ rệt. Một nửa khóa được chọn để đưa vào làm việc cho ngành Trung Ương Tình Báo, một nửa khóa còn lại đợi ngày nhập quân trường để được huấn luyện thành sĩ quan và sau này sẽ đưa về địa phương phục vụ.

 Tổng Thống Diệm lại cẩn thận và kỹ tính hơn, đã chọn quân trường Đồng Đế để tướng Đỗ Cao Trí hết lòng ‘‘săn sóc’’ cho cẩn thận trong cái lò luyện thép của các khóa đào tạo sĩ quan hiện dịch.

 Hồi đó, anh hay đọc những truyện gián điệp, nghĩ rằng một ngày nào mình sẽ được sống một cuộc đời lầm lì, bí mật, ly kỳ như những nhân vật trong truyện. Anh mong được vào ngành Tình Báo, và nhất là Tình Báo quốc ngoại. Vì thế khi chọn ngành tập sự trước khi tốt nghiệp, anh đã ghi danh vào ngành Cảnh Sát Công An và luận văn ra trường anh đã viết rất cẩn thận về đề tài ‘‘Tổ Chức Màng Lưới Tình Báo.’’

 Anh đã không được chọn, không hiểu rằng cái đó là cái may hay là cái không may. Nhưng anh biết rằng, những người bạn của anh trong ngành Tình Báo đã phải hy sinh khép kín trong một đời sống kỷ luật, giới hạn và bảo mật tối đa của tổ chức.

 Chiều cuối cùng ở Việt Nam, bao nhiêu sự run rủi đã đưa anh và gia đình lọt qua vòng dây kẽm gai dày đặc của hải quân để vào được bến Bạch Đằng. Bên ngoài, tiếng súng vọng từ ngả xa lộ nghe rõ mồn một. Đang loay hoay, bồn chồn chờ đợi không hiểu có thể kiếm thêm một dịp may nào nữa để cả một bầu đoàn thê tử có thể nhảy lên một chiến hạm ra khơi hay không, thì anh trông thấy một người bạn cùng khóa và gia đình đang hớt hải từ trụ sở của cơ quan Tình Báo lái xe cố len ra. Anh bèn gọi ngược lại:

 -Đi đâu đấy?

 Anh bạn vội vã đáp:

 -Tao phải ra ngay đường Ngô Thời Nhiệm. Tụi Mỹ nó hẹn sẽ hạ trực thăng ở đó để bốc tụi tao.

 Anh vội kêu lên:

 -Thành phố đã hỗn loạn rồi, mày không thể nào tới đó được, mà trực thăng cũng không thể nào xuống được nữa rồi. Tao đã cố bò vào đây, mày lại cố bò ra. Thôi ở đây đi, xem có thể xuống được tàu hay không.

 Anh nhớ đến những người bạn khác trong ngành Tình Báo đã tin tưởng vào trực thăng Mỹ đến bốc phút cuối cùng, hầu hết đều kẹt lại, lê lết trong các trại tập trung miền Bắc bao nhiêu năm trời, nhiều người đã không bao giờ trở về được.

 

 *

Nhiều lúc ngồi nghĩ, anh phải tức cười về cách chọn nghề một cách tài tử của mình. Anh có một ông chú, hồi xưa thích đi đây đi đó, nên anh thường theo ông đi từ ga này đến ga khác trong các dịp nghỉ hè. Đến nay, anh vẫn còn nhớ được những tên ga trên vùng mạn ngược: Đồng Giao, Bản Thí, Lạng Sơn.. Những ga ở miền trung châu: Phủ Lý, Ninh Bình... Những ga ở miền trong: Đò Lèn, Hàm Rồng, Thanh Hóa ... Anh lại vẫn còn mường tượng được cái cảnh mấy chú cháu cố giữ thăng bằng đi trên con đường sắt trong những buổi chiều vắng lặng, mênh mông, mất hút như hai con đường song song chạy về cuối chân trời. Hay trong cảnh hoàng hôn, ngồi một mình trên băng ghế ở sân ga không người, sau khi chuyến tàu chót đã rời xa chỉ còn lại cái quạnh hiu của một ga xép đường rừng.

 Ngay cả những năm sau khi đất nước chia đôi, ông cụ thân sinh anh theo sở đem gia đình ra Đà Nẵng, còn anh theo trường trọ học ở Saigon. Mỗi lần hè anh đáp xe hỏa trở về Trung, anh nhớ nhất những đêm ngồi trên bực lên xuống của toa tàu, nghe tiếng nhịp xe chạy đều, nhìn cảnh trăng sáng trên biển hay lấp lánh trên các rừng dừa ở bãi biển Sa Huỳnh hay vịnh Cam Ranh. Những chiều trên đỉnh đèo Hải Vân khi xe từ từ chạy vòng nghiến trên đường sắt ở ga Bãi Kả, hay lúc tàu vừa qua khỏi Hầm Sen, thấy cả một cảnh Lăng Cô đẹp như tranh vẽ. Càng đi, anh càng thấy đất nước mình thật đẹp và thấy mình yêu quê hương mình hơn.

 Có lẽ vì thế cái máu giang hồ nó đã thấm vào anh. Khi anh vừa xong Tú Tài phần I tự nhiên anh thấy chán học, định theo một số bạn bỏ trường vì máu ‘’Giang hồ cuả ông Cử Hai’’ mà Nguyễn Tuân đã tả trong ‘‘Vang Bóng Một Thời’’ đã nổi dậy.

 Anh đọc được một thông cáo của Trường Hàng Hải, bèn đến nạp đơn xin nhập học, tưởng rằng sau này mình sẽ thành một thuyền trưởng và sẽ có dịp đi năm châu bốn bể. Nhưng không hiểu vì lý do gì ít lâu sau trường này đóng cửa luôn.

 Anh lại ngỏ ý xin vào Hải Quân, thì một người anh họ vội ngăn:

- Chú mà vào đó thì không có đời sống gia đình. Tàu của chú rồi cũng chỉ luẩn quẩn ở ven biển thôi.

 Anh cảm thấy ấm ức vì lời khuyên. Cũng mùa hè năm đó, anh có dịp đi tàu thủy từ Saigon ra Đà Nẵng thăm gia đình, mấy ngày đêm trong tàu chỉ toàn ngửi mùi dầu. Ăn xong lại ngồi nhìn trời với nước, sách đọc mãi đến phát chán, chuyện nói rồi cũng hết. Anh thấy tù túng, cuồng cẳng và sốt ruột mà con tàu thì cứ lừ lừ, đủng đỉnh, không thể nhanh. Anh bỏ ý định vào Hải Quân.

 Một hôm ngồi nhà nghe thấy Việt Tấn Xã tuyển phóng viên. Anh nghĩ cuộc đời tự do như mấy ông làm báo cũng thú. Anh đến Việt Tấn Xã gặp ông trưởng phòng. ngồi nói chuyện một lúc, ông cũng khuyên anh:

-Cậu nên về học nốt, không nên bỏ ngang rất phí!

Anh không còn biết nói gì hơn, bèn chào ông và lủi thủi bước ra. Hôm đó anh đạp xe một mình trên đường phố Saigon, tưởng chừng như bao nhiêu giấc mộng viễn du của anh từ trước đến nay như đã bị vỡ tan tành. Đời sống của anh như ngày càng thu hẹp lại một cách chán chường.

Anh vẫn chưa chịu thua. Ít lâu sau, một người bạn đến rủ anh đi nạp đơn vào Không Quân để thành phi công. Anh nghĩ lần này chắc thế nào cũng xong, mình cũng tạm cao ráo, đủ cân đủ lượng, mắt mũi không đến nỗi kèm nhèm.

Về đến nhà trọ, đang mơ màng nghĩ đến ngày được cưỡi mây, lướt gió, nhìn những thành phố nhỏ dưới chân, chắc là thỏa chí tang bỗng. Mấy người bạn được tin, họ không muốn mất anh, nên xúm nhau vào gièm pha:

- Đừng có vào nhà binh bó buộc lắm, cái ‘‘ Máu giang hồ ông Cử Hai’’ của mày không chịu được đâu.

 Thôi thì họ nhao nhao, mỗi người một câu ngăn cản:

- Không quân thì cũng oai thật. Nhưng mày thử nghĩ xem, sáng đi từ một nơi, chiều về lại nơi đó, và nếu không về là đi luôn đấy! Thôi cố học nốt phần 2 đi, rồi sẽ tính sau!

 Họ cố tình giữ anh lại, nên anh cũng đành chiều theo ý bạn. Ngày ngày lại hai buổi lẽo đẽo đạp xe đến trường, ngồi trong lớp chật như cá hộp, mồ hôi chảy như mỡ, ngủ gà ngủ gật gượng không nổi. Tối về gác trọ, vừa đập muỗi, vừa ‘‘gạo’’ cho kỳ thi sắp tới.

 

 *

 Nhớ lại khi học hết trung học, năm đó chính phủ mở rộng nhiều đại học, thi vào đâu cũng dễ. Anh và mấy người bạn suốt ba tháng hè chỉ bận rộn vác đơn đi nạp và ngồi trong các phòng thi tuyển. Nhưng chẳng ai có định kiến gì chắc chắn. Đang thi vào Trường Kỹ Sư Phú Thọ, cả bọn bỏ ngang rủ nhau đi ciné buổi chiều hôm đó. Nạp đơn thi vào Sư Phạm cũng không chịu đến thi, chỉ sợ sau này phải sống một cuộc đời mô phạm, gương mẫu, đúng giờ đúng giấc hơn cả mọi người.

 Cuối cùng, chẳng vào được trường nào. Anh và một người bạn thân rủ nhau vào học năm Dự Bị Y Khoa, lúc đó không cần thi nhập học. Mấy tháng trời làm quen với cảnh chai lọ, đo đo, ngắm mgắm cho đủ phân lượng. Tối về lại vùi đầu cố học thuộc những công thức này, công thức khác đến phát ngán..

 Vài tháng sau, người bạn bỏ anh lên Đại Học Đà Lạt học ban Anh Văn. Anh ta viết về những lá thư dài tả những buổi sáng nằm một mình trong ký túc xá, nhìn qua khung cửa kính, thấy hoa anh đào nở trong sương lạnh, những bụi hồng leo cố bò sát cửa sổ. Người bạn lại kể cả cảnh đi thăm hồ Than Thở, thác Gougar, rừng Ái Ân và gửi cho anh một tấm hình chụp một mình ở Suối Vàng. Trông người bạn, anh thấy cả một nỗi cô đơn, vì phải xa Saigon, vì thiếu những người bạn thân thiết bao nhiêu năm trời ở trung học. Hồi đó hình như người bạn còn yêu một cô gái mà anh quen, nhưng đã không thố lộ cho anh biết.

 Nhớ lại bạn và những tháng ngày trên gác trọ, những buổi lang thang đạp xe trên đường phố hay những ngày Tết, những ngày hè anh không về thăm nhà được, người bạn thường rủ anh về với gia đình anh ta ở đồn điền Quản Lợi. Anh và bạn suốt ngày đi chơi trong các vườn cao su, trong các làng Thượng hay tối theo một số người đi săn nai...

 Mấy năm trước, xuống Cali, được tin bạn cùng một đứa con đã nằm dưới biển sâu trên đường vượt thoát, anh ngậm ngùi thấy nỗi buồn của những ngày xa xứ càng thêm nặng.

 Ít lâu sau, trong cái năm xưa đó, anh cũng bỏ trường Khoa Học và thi được vào trường Hành Chánh. Ngày ngày ngồi trong giảng đường nghe những bãi giảng triền miên. Nghe Giáo sư Nguyễn Cao Hách, thao thao bất tuyệt về những lý thuyết kinh tế, từ khi bước vào lớp cho đến khi bước ra. Sinh viên chỉ việc chúi mũi ngồi ghi, không có thì giờ cựa quậy. Những bài giảng của Giáo sư Nguyễn Văn Độ về luật Hành Chánh rối bời như một mớ bòng bong. Lớp anh học đã ít người, lại gặp Giáo sư Nghiêm Đằng, ngồi giảng nghiêm khắc như ở chỗ công đường ngày xưa, về luật Tài Chánh và Công Phí. Giáo sư Vương Văn Bắc thì lầm lì, nói những lời đanh thép về Chính trị học hay Luật Hiến Pháp. Lại mấy vị luật sư vừa là giáo sư của trường, thường phải đi biện hộ ở tỉnh xa, nhiều hôm cãi thua mang cả cái bực dọc vào trong lớp và thường hiểu lầm cái cười nửa miệng của anh, khiến có lần anh đã bị đuổi ra khỏi lớp. Sau này, anh mang những mớ lý thuyết cao siêu đó về địa phương, loay hoay với đám dân nghèo và lũ du kích tinh ma.

 Nhưng được cái là đi học chỉ việc ngồi nghe và ghi các lời giảng, về nhà chẳng cần phải làm bài, học bài. Cứ để đến kỳ thi hãy tính sau. Cuối tháng lại được lãnh học bổng cũng khá như một công chức, đủ để mang đi vung vít. Cái máu ‘‘Giang hồ của ông Cử Hai’’ của anh cũng tạm yên. Anh cũng chẳng để ý gì đến cái cảnh mai sau phải sớm vác ô đi, tối vác về, và anh cứ để cái cuộc đời sinh viên đó trôi đi một cách dể dàng không suy nghĩ...

 

 *

 

 Sau khi tốt nghiệp trường Hành Chánh và sau gần một năm trời ở Quân Trường Đồng Đế về. Bạn bè anh đã đi xa gần hết. Anh mang cái đầu húi cao, da cháy nắng đen xạm đi lạc lõng ở Saigon hay ngồi từng ngày dài trong các quán cà-phê, đợi ngày được ném đi vào một vùng xa xôi nào đó mà mình chưa được biết.

 Nhớ lại thời gian ở Đồng Đế, những ngày đầu của một tháng huấn nhục, quân trường không thấy bóng ai đi bộ, di chuyển là chạy. Phạt thường thường là tập thể và xảy ra luôn luôn, ít nhất mỗi lần là 50 cái hít đất. Tối nào cảnh phạt dã chiến cũng diễn ra vừa khôi hài vừa mệt đứt hơi. Mỗi bữa ăn không được kéo dài quá năm phút, nghe tiếng hô

‘’ Đứng dậy!’’ là mọi người phải đi ra khỏi phòng ăn. Mất trật tự một chút là bị giải tán và kêu tập họp lại đến năm bẩy lần mới được tha. Sĩ quan cán bộ tha hồ sỉ vả, ai tỏ ra tự ái là bị phạt liền, nhiều lúc không có duyên cớ, vì khi huấn nhục, chủ thuyết nhân vị của ông cố vấn Ngô Đình Nhu phải để ngoài cổng trường.

 Những cuộc di hành hàng tuần theo tốc độ, nếu về chậm là cả tiểu đoàn lại phải đi lại. Mỗi lần như thế, trông một số bạn đến thật thối chí, đường thì còn xa, có anh ‘’bế’’ khẩu Garant M1, tưởng như gánh nặng ngàn cân, mặt chẩy dài như chai bia, cố lết đi tưởng như không bao giờ về đến đích được. Câu đầu của bài Lục Quân Việt Nam được đổi thành ‘’ Đường trường xa, con chó nó tha con mèo...’’. Có anh người cao ngòng nghèo, đeo súng đạn quanh người, lưng mang sac-au-dos nặng ba mươi kí, nhiều lúc uốn éo trông như một anh cu ngoắy. Có anh, lúc đứng ở thế nghiêm trong hàng, súng cao ngang đầu. Có anh, đã mệt còn bị sỉ vả đâm bừa, bị phạt trọng cấm hoài, có khi lại bị phạt chung với các quân nhân phạm kỷ luật trong quân trấn. Trong số đó, nhiều người học hành cố gắng, gương mẫu, có anh có số điểm cao nhất đỗ đầu, nhưng để cho cân bằng với bên quân đội, thành đồng thủ khoa của khóa.

 Không thể nào quên được trong cái lò luyện thép đó, anh và các bạn vốn là những thư sinh cùng với những người có cấp bậc trung sĩ được huấn luyện để trở thành sĩ quan hiện dịch. Dù sau này anh có được học thêm các lớp cao cấp hơn, anh vẫn nhớ những người bạn đó. Cả cuộc đời của họ đã gắn liền với quân ngũ, đã tham dự khắp chiến trường, từ những trận bình định trong miền trung châu sông Hồng đến những trận đánh thí người Hòa Bình, và cuối cùng lại được thả xuống cứu Điện Biên tuyệt vọng. Họ gan lì, hãnh diện với binh nghiệp, nhưng lại giầu tình đồng đội.

 Cũng không thể nào quên được những ngày cùng họ vượt Hòn Khô, qua đèo Rù Rì hay băng qua những cánh đồng Diên Khánh. Những đêm tảo thanh dọc đường xe lửa, vừa đi vừa buồn ngủ, vồ cả người vào cây cối bên đường. Có những lần vượt suối mùa mưa, trôi luôn cả súng. Những buổi ngồi ở thao trường, nắng cháy rát bỏng cả áo trận. Nhiều tối không được nghỉ, các đại đội phải luân phiên nhau đem cát, xi-măng và nước lên đỉnh Hòn Khô để đắp tượng một người lính đứng theo thế thao diễn nghỉ, cao gần hai chục thước để làm kỷ niệm của khóa cho quân trường. Những buổi sáng chạy bộ từ Đồng Đế đến Cầu Đá, rồi quay trở về, nếu hôm nào không may bị xếp vào hàng giữa thì hôm đó đến ngạt thở vì hơi người xông ra nồng nặc. Những buổi tối ngồi gác tại Ba Làng, nhìn trăng sáng long lanh trên mặt biển. Những buổi thao dượt tấn công, phản phục kích, vượt cầu dây, tuột núi, hay bò dưới hỏa lực ban đêm mà đạn bay vèo vèo thành những đường thẳng sáng lia lịa trên đầu.

 Nhớ đến cả những buổi nghỉ phép cuối tuần, mặc quân phục dạo phố cứng ngắc, mặt cháy nắng như chà và, đi lên đi xuống hàng chục lần dọc phố Độc Lập. Những buổi chiều tại các quán dọc bãi biển Nha Trang, ngồi ngắm biển xanh, nghe tiếng thùy dương và những đợt sóng xô vào bờ đều đều mà nghĩ đến một ngày nào mình được trở lại Saigon.

 Nghĩ đến những người bạn xưa lúc đó, sau này trở thành những ‘’Cọp Đầu Rằn’’, thành những ‘’Trâu Điên’’, những ‘’Lôi Hổ’’ ... tung hoành trên khắp các chiến địa một thời. Có người đã anh hùng nằm xuống từ lâu trong thung lũng Ashau, trong sình lầy Đồng Tháp, ở chốn địa đầu Tam Biên hay nay đã thất thế tàn lụi trên quê hương, nơi mà họ chiến đấu cho khỏi cảnh ngục tù thì nay đã trở thành ngục tù cho chính họ.

 Cũng như mọi người, quân trường đã huấn luyện giúp anh và các bạn anh trong những ngày sắp tới, lòng tự tin, can trường, tôn trọng kỷ luật và nhất là tinh thần đồng đội. Với những câu châm ngôn ’’Tự Thắng Để Chỉ Huy’’, cùng với ‘’Danh Dự, Trách Nhiệm và Tổ Quốc’’, và những lời thề tại vũ đình trường ngày nào vẫn còn văng vẳng mãi đâu đây. Quân trường lại còn giúp cho cách làm việc chính xác, không như những ly thuyết cao xiêu rối bời thu thập trong đời sinh viên tại đại học. Ngay như một cái lệnh hành quân mạch lạc : Ước lượng tình hình địch, tình hình bạn, ấn định mục tiêu, kế hoạch hành quân, phối hợp truyền tin, tiếp vận, nó như một cái mẫu để giúp mọi người làm những chuyện lớn chuyện nhỏ sau này.

 Trong mục đích huấn luyện tối hậu của Tổng Thống Diệm, anh và các bạn được chỉ định vào những chức vụ chỉ huy trung đội hay đại đội trưởng khóa sinh để sau này hi vọng có thể nắm vững tình thế tại địa phương. Một lần anh được cử làm tiểu đoàn trưởng, có dịp đứng trong vũ đình trường, trước ba quân hét lớn: ‘’Tiểu đoàn theo lệnh tôi!’’, để xuất quân khởi đầu một cuộc dạ hành đi bộ 60 cây số, suốt đêm. Theo tướng Đỗ Cao Trí, một người lính bộ binh giỏi là một người đi bộ giỏi.

 Sau khi ra khỏi quân trường, anh và các bạn hầu hết được đưa về địa đầu, các quận miền Trung, Cao nguyên hay đồng bằng Cửu Long, và đều tham gia vào các cuộc hành quân lập ấp. It lâu sau, anh nghe tin một người bạn Nguyễn Ngọc Vỵ thành quận trưởng tại một quận trong tỉnh Bình Định.

 Nhiều lúc ngồi nhớ lại, tự nhiên một bài quân hành quen thuộc mà thường vừa hát vừa phải gào lên trong quân trường chợt vang đến anh:

 ‘’ Đường về Nha Trang nung chí người trai.

 Một trời thép súng nở hoa tươi cười

 Tập luyện ngày đêm luôn có anh tôi

 Mưa nắng thao trường thấm bao mồ hôi

 ... ...

 Leo dây tử thần đùa với gió núi

 Đu đưa giữa trời một đêm không trăng sao

 Xung phong lên quyết chiến thắng gian lao

 Chiến công rực rỡ trong nắng đào’’

 Tiếng quân hành của đại đội năm xưa đó, lẫn với nhịp đi và tiếng hô: ‘’Hai, ba. To lên!’’ hòa cùng gió biển, từ một miền cát trắng, bên kia bờ đại dương nay hẳn như đã là một âm ba huyền thoại của một thời chinh chiến đã xa ...

 

 *

 

 Hơn tháng sau, anh xuống tỉnh Kiên Giang trình diện, mới biết nhiệm sở của mình là đảo Phú Quốc. Anh thản nhiên cầm sự vụ lệnh do ông Phó Tỉnh Trưởng, một người tốt nghiệp trước anh nhiều khóa trao cho. Ông ta như có vẻ ái ngại, an ủi một sinh viên mới ra trường:

- Em cứ ở tỉnh ít lâu cho quen, ngoài Tết hãy ra cũng được. Nếu cần gì thì cho ‘‘qua’’ biết.

 Anh cám ơn ông và bước ra khỏi Tòa Hành Chánh. Khi vào trường, lúc nào cũng tưởng mình sẽ được ở Saigon, cùng lắm là đi tỉnh. Nay tỉnh cũng không được mà quận lớn cũng không xong. Bây giờ lại là một hòn đảo, nghe cũng thấy là lạ...

 Anh ra khỏi Tòa Tỉnh Trưởng, đi dọc theo kè đá, tự nhiên mùi hăng nồng của con lạch cửa biển và hình ảnh những con thuyền nằm bên nhau để chờ con nước ra khơi đã đưa đến cho anh những cảm giác lạ chưa từng có.

 Tối đó, anh trở về khách sạn. Trong giấc mơ, tự nhiên anh thấy những hòn đảo xanh, những vùng biển lặng, thơ mộng như những truyện anh đã đọc. Anh thấy cả những cô gái mặc xiêm y sặc sỡ, mình trần, tóc xõa dài như trong các tranh vẽ của Gauguin hiện ra, mộc mạc và đa tình đang múa những vũ điệu của miền nhiệt đới trong tiếng trống bập bùng. Một lần nữa, anh tưởng như mình sẽ lại được sống một cuộc đời bồng bềnh như mây nước để đi tìm những thiên đường đã mất từ lâu...

 Anh ở Rạch Giá gần tháng trời trong khách sạn Hải Thiên. Chiều chiều, lên sân thượng nhìn ra biển xa, để cố tưởng tượng đâu là Phú Quốc, nhưng chỉ thấy đảo Hòn Tre nằm phục ngoài xa như một con rùa bơi trên mặt nước và những cánh hải âu dập dờn trong gió...

 Hàng ngày tiệm cơm tàu Đông Phát hay Hưng Phát gì đó cho người bưng cơm đến tận phòng. Anh nghĩ, sao có người đàn anh ở khóa trên lại lo cho đàn em một cách chu đáo đến thế. Nằm dài mà ăn cơm tàu mãi cũng phát ngấy, trời lại gần Tết, anh bèn lấy cớ xin về Saigon để sửa soạn thu xếp trước khi ra đảo. Biết lần này đi lâu lắm mới có ngày trở lại. Anh cùng một vài người bạn còn lại như sống vội, đi ngồi hết nơi này đến quán nọ như để tạm biệt. Hết Mai Hương đến Hanoi, hết Brodard đến Pagode, rồi vòng về Thanh Bạch ngồi nhìn đường phố, ngồi nhìn những tà áo lụa bay mà mình sắp sửa phải rời xa. Tối đến anh lại cùng các bạn đến các vũ trường, từ Mỹ Phụng đến Olympia, từ Đại Nam sang Baccara, từ Arc-en-Ciel đến Melody... Anh ngồi trước những ly nước, trước những cái gạt tàn đầy khói thuốc và nghe những bản nhạc rã rời trong nửa đêm về sáng. Đúng như truyện tình cải lương của anh lính chiến: ‘’Ngày mai anh đã đi xa rồi, Thành Đô lưu luyến níu bước chân anh trước giờ biệt ly có ai không bùi ngùi...’’

 

 *

 

 Phú Quốc là một hòn đảo lớn nhất của Việt Nam , nằm trong vịnh Thái Lan, gần Cam-Bốt hơn Việt Nam. Chiều dài 50 cây số, chiều ngang chỗ rộng nhất là 30 cây số. Trên máy bay nhìn xuống, anh thấy toàn một màu xanh. Màu xanh của biển cả và màu xanh của núi rừng. Hai cái màu xanh ấy được phân biệt bởi những đợt sóng bạc vỗ vào bờ. Tự nhiên, anh thấy tâm hồn mình lâng lâng, nhẹ nhàng như xa rời hẳn được những mệt mỏi của cảnh phồn hoa đô thị và như đang được đưa vào một cảnh hư ảo, hoang sơ.

 Lúc anh đến đảo, tất cả các đường bộ đều bị cắt đứt. Các ấp còn lại toàn nằm sát ven biển và mọi sự giao thông đều phải dùng đường biển.

 Đảo chỉ còn lại hai xã: xã Dương Đông nằm bên phía Tây gồm ba ấp Cửa Cạn, Dương Đông và Cây Dừa. Xã Hàm Ninh nằm bên phía Đông gồm hai ấp Bãi Bổn và Hàm Ninh. Còn một xã Dương Tơ nằm phía trong đảo, đã bị xóa tên từ mấy năm qua. Trong năm ấp còn lại, bốn ấp đã có hàng rào chiến lược, còn lại ấp Bãi Bổn nằm phía ven đông bắc chưa có hàng rào.

 Những ngày đầu anh chưa biết làm gì, ngày ngày ngồi ký hàng chồng các bản sao khai sinh, hôn thú, những chứng từ thị thực, những giấy phép xuất nhập đảo... Sau đó, anh được nhân viên quận đưa đi thăm mọi người và mọi nơi trong quận lỵ.

 Anh sang xóm Cồn để ngửi mùi nồng thơm của biển và nhìn ngư dân ngồi vá lưới. Sang chợ cá để thấy cảnh ướt át, tấp nập chuyển cá lên bờ. Vào các hãng nước mắm Hồng Đại, Sáng Tươi, Huỳnh Thành Tựu,.. tự nhiên thấy mình nhỏ bé, đứng dưới những hàng thùng khổng lồ và được chủ nhân cho nếm nước mắm cốt để từ mấy chục năm qua, thường dùng làm thuốc chữa bệnh. Đến xóm Quy Khu, thấy hàng dẫy nhà mới san sát do dân ở các vùng sôi đậu trở về lập cuộc đời mới.

 Họ cũng không quên đưa anh lên thăm miếu Dinh Cậu ở cửa Dương Đông. Họ tin tưởng rằng, ai mới đến đảo, nhớ đến thắp nén hương trình diện sẽ được Cậu phù hộ che chở.

 Chẳng bao lâu. anh quen gần hết mọi người. Ai lạ mặt từ đâu tới anh có thể nhận diện được ngay. Anh làm việc với họ như trong một đại gia đình. Ngày giỗ, ngày kỵ, đám cưới, đám hỏi, họ không chịu quên anh. Ngày rằm, anh được sư ông mời lên chùa lễ Phật và dùng cơm chay. Đầu tháng, anh đến thánh thất Cao Đài dự cuộc hành lễ. Ngày lễ Công Giáo, lại thấy anh ngồi trong đám giáo dân nghe tiếng vị linh mục giảng lẫn với gió biển trong một thánh đường cổ rêu phong đã được xây từ thế kỷ trước.

 Có một lúc sự giao tế đã chiếm gần hết ngày giờ của anh. Sáng ra, ngồi hàng giờ ở quán Phù Ngọc Lục ăn hủ tíu, uống cà phê. Chiều đến, lên nhà mát Sơn Hải do Bảy Hiền, làm quản lý, ngồi nhậu các món biển nhúng dấm và nhìn mặt trời tròn đỏ ửng lặn dần xuống mặt biển. Có lúc lại ngồi trong nhà lồng chợ, ở quán Cù Đe tới khuya mới trở về quận.

 Hình như, dân chúng nơi xã, quận có một thói quen để dò tính người; sau đó mới tỏ thái độ để hợp tác làm việc. Họ thường kính nể, cởi mở và thành thật với những người ‘‘chịu chơi’’ với họ, nhất là trong vụ ăn nhậu.

 Ngày trước, anh không uống nổi nửa ly bia mà trong những ngày ở đảo, anh cũng cố theo họ đi từng vòng uống đến chục ly cối, đắng cả miệng, nhưng anh cũng cố giữ để không bao giờ bị gục.

 Nhiều lần, cố nể lời mấy chàng Địa Phương Quân hay Nghĩa Quân ngồi quanh một chậu rượu đế, họ pha thêm những thứ gì mà anh không được biết, uống đến xây xẩm cả mặt mày. Họ lại cố mời cho bằng đuợc để cho pha thêm một ít giọt ‘‘Huyết hổ mang’’, cầm đũa gắp một miếng tiết canh rắn và ăn một miếng chả trăn mà lần hành quân trước mấy người lính Miên đã bắt được trong rừng. Anh cố ăn ra vẻ ngon lành, nhưng lúc về, nghĩ lại vẫn còn thấy ghê.

 Chẳng bao lâu, anh từ một sinh viên mới ra trường, suốt đời sống ở thành thị, đã cố chịu sự thử thách của người dân, của những người lính tiền đồn, anh đã nhập được vào với họ, và anh thành một dân ‘‘chịu chơi’’. Chính anh, anh cũng đã vừa từ một lò luyện thép được tôi ra, nên anh cũng chẳng từ chối những nhiệm vụ cùng với họ trong các cuộc hành quân lập ấp mà chính phủ đã đặt chỉ tiêu cho đảo.

 Phú Quốc lại gồm các ty, sở như một tỉnh nhỏ. Nhưng những công chức làm việc trên đảo thường coi như bị đi đầy. Họ đếm từng ngày một để chóng được trở về đất liền. Buồn nhất là nghe những người lính, bao nhiêu năm không được trở về đất liền, bao nhiêu năm không được trở về quê hương thăm cha mẹ, họ hàng thân thuộc. Những em nhỏ, nói đến Saigon như nghe truyện một giấc mơ, hay ở một thế giới khác, mà nghĩ rằng cả đời mình chắc khó có ngày đến đó được. Những cụ già từ xóm xa, khi đến quận gặp anh vẫn chắp tay vái và gọi anh bằng ‘‘Quan’’. Dặn mấy ông cụ bao nhiêu lần là chỉ cần gọi bằng ‘‘Ông’’, nhưng vừa được câu trước, đến câu sau, các cụ lại quen miệng gọi là quan như thường. Đã sang đến thập niên 60 mà khi hỏi các cụ, ai là người đứng đầu nước Việt Nam bây giờ. Các cụ vẫn trả lời là ‘‘Vua Bảo Đại’’

 Nhiều lúc anh ngồi nghĩ, trải qua bao nhiêu cuộc cách mạng, bao nhiêu cuộc chính biển ở thượng tầng, những làn sóng, những âm ba đó đã chẳng thay đổi được những tư tưởng ở chốn tận cùng này hay sao?

 Anh muốn mang một chút sinh khí mới cho những sinh hoạt trên đảo. Anh hay hội họp với mọi người, khuyến khích tổ chức các sinh hoạt tập thể hay các buổi trình diễn văn nghệ công cộng, các ngày đi chơi ở những hòn đảo xa hay săn cá dưới biển...

 Trong những buổi công chức học tập chính trị hàng tuần, nhiều lúc anh quên cả cái nhiệm vụ là phải nói cho họ nghe những chủ thuyết nhân vị, cần lao... Anh lại rẽ sang một ngã khác để họ tham gia bàn cãi những vấn đề khác thiết thực, những vấn đề căn bản chính trị và kinh tế, hay các mục thời sự quốc tế, quốc nội... Một ông công chức già, đến nhắc khéo anh là phải cẩn thận. Anh nghĩ, kể mình cũng liều lĩnh và coi thường. Nhưng may, mấy đảng viên Cần Lao trên đảo cũng là dân chịu chơi nên họ cũng chẳng báo cáo về ông ‘‘Cố vấn’’ làm gì

 

 *

 

 Năm ấy, trời lại cho được mùa cá, nên mọi người được thỏa thuê. Nhà gạch được xây thêm, ghe thuyền có nhiều cái mới. Đêm đến đèn đất thắp sáng mọi nơi, ăn uống nhậu nhẹt không ngừng.

 Nhiều hôm, anh ra khơi cùng ngư dân, đứng trên thuyền nhìn những đám cá Bạc Má trải dài hàng mấy chục cây số dọc theo đảo. và những đàn chim biển xà xuống để kiếm mồi. Họ chỉ cần chọn đàn cá nào lớn để bủa lưới cho bõ công. Có khi gặp được đàn cá lớn, phải gọi thêm thuyền khác đến để cùng mang về và thuyền nào cũng đầy ắp.

 Có đêm, anh lại theo họ neo thuyền để thẻ mực. Đèn từ các con thuyền nhỏ thắp đầy biển như sao sa hay như một thành phố nhỏ ngoài khơi.

 Nhiều khi nửa đêm chợt thức giấc, anh trở dậy đứng từ bên quận, nhìn sang cồn, đèn đuốc sáng trưng và tiếng nói cười huyên náo của những người gỡ cá vọng sang xóm quận. Anh cảm thấy cái vui cùng mọi người và hân hoan như thấy những người trong gia đình đi xa làm ăn, nay trở về mang theo tiền rừng bạc biển.

 Một hôm, đứng trong quận nhìn qua khung cửa lớn, anh bỗng thấy một đoàn gần chục chiếc thuyền buồm lớn đang lừ lừ tiến về phía quận. Anh tưởng tượng ngay đến những phim ảnh có cướp biển đã xem trước kia. Anh vội quay vào gọi mấy nhân viên quận, họ cho biết đó là những dân Bình Định lại vào đánh cá ở vùng này. Thường thường khi hết mùa, họ lại đợi gió rong ruổi trở về quê. Nhưng năm đó, sau mùa cá họ xin ở lại, vì miền Trung chiến sự sôi động, bất an. Anh để họ định cư ở xóm Cồn. Dân Bình Định ngày càng vào đông, anh đổi tên và gọi xóm đó là xóm Bình Định.

 Nhiều lần Hải Quân kéo ở đâu những chiếc tàu đánh cá của Thái Lan hay Tân Gia Ba xâm phạm hải phận về, yêu cầu Quan Thuế và Quận lập biên bản. Biên bản lập xong gửi về tỉnh, tỉnh gửi về trung ương, dân đánh cá vi phạm chờ hai ba tháng dài người, có bao nhiêu đồ tế nhuyễn trong người đem bán hết. Nhiều khi, cuối cùng quận lại phải nuôi ăn. 

 Có lần, một du thuyền của một cặp vợ chồng người Úc dự định đi vòng quanh thế giới, hỏng máy dạt vào đảo, bị lính giữ để trình về tỉnh. Tối hôm đó, họ chữa được máy và lén trốn đi. Hơn một năm sau, về Saigon, anh tình cờ đọc một tờ báo, có tin du thuyền này đã đến được Pháp, và họ cho biết đã lạc vào một hòn đảo Việt Nam và bị bắt giữ ở đó.

 

 *

 

 Ít lâu sau, chính phủ trung ương yêu cầu phải hoàn tất chương trình ấp chiến lược trên đảo và phát triển các dự án tự túc tại các ấp đã thành lập. Anh có dịp quay lại các ấp xa để hội họp với dân chúng, nghe các lời bình nghị về các nhu cầu, các dự án trong ấp. Sau đó để họ quyết định theo tính cách dân chủ, đa số.

 Anh cố giữ một vai trò hướng dẫn và thường yêu cầu các ty sở chuyên môn chiết tính về phần kỹ thuật, rồi chuyển về tỉnh xin chấp thuận. Hầu hết các dự án đều dựa trên căn bản dân góp công, chính phủ góp ngân khoản. 

 Các dự án này đều mang lại lợi ích cần thiết và trực tiếp cho dân chúng như: mở rộng trạm y tế và hộ sinh, làm thêm lớp học, phòng đọc sách, sửa lại cầu tầu, làm cầu mới thay cầu khỉ, làm nhà vệ sinh công cộng có mái che mưa hay đào thêm giếng.

 Mỗi lần đi đến các ấp, anh thường nhờ ghe của Vũ Quốc Công, Thiếu Úy Hải Quân, là bạn thân từ hồi còn ở trung học. Công cũng vừa ra trường Hải Quân Nha Trang và cũng được đưa ra đảo nhận nhiệm vụ của một Đội Trưởng Hải Thuyền. Anh ta có một số ghe ‘‘Kiên Giang’’ và một hai ghe chủ lực có mã lực mạnh, được trang bị đại liên và đôi khi có súng cối 81 để pháo kích vào đảo.

 Mỗi lần thấy bạn từ biển trở về, thân hình phong sương gầy rạc, mệt mỏi và ít nói, anh cảm thấy thương bạn vô cùng. Nghĩ đến Công, hàng tuần dài trên chiếc ghe nhỏ, vượt sóng để chỉ huy phong tỏa một vùng biển hay nằm một chỗ chịu những cơn sóng nhồi tại một nút chặn trong đêm để khám phá những đường tiếp liệu từ Cam-Bốt vào Đồng Tháp của Việt Cộng.

 Những lần gặp lại bạn vào những ngày cuối tuần, hai người thường cùng bạn bè ngồi ăn nhậu ở quán Cù Đe, rồi sang bên cạnh chia phe chơi bi da. Mỗi lần bên thua phải chịu phần ‘‘mồi’’ hay ‘‘la de’’. Nhiều đêm cả hai bên, lúc thua lúc được, ‘‘mồi’’ gom ra đầy bàn, la-de chất thành đống, uống không hết. Có tên say khướt, cầm can đẩy banh rồi nhào theo, gục trên bàn nằm luôn, dậy không nổi nữa.

 Gần sáng, cả bọn mới lảo đảo trở về quận ngủ. Lũ chó hai bên đường lại được một phen sủa vang làm náo động cả khu xóm. Có hôm trời tối đen, gặp toán tuần tiểu, chúng đứng đằng xa quát:

- Ai, đứng lại.

 Cả bọn cứ tỉnh bơ, bước thấp bước cao khiến chúng phải quát thêm và lên đạn lách tách. Thiếu uý Hoàng, Địa Phương Quân vừa mới ở Quân trường Thủ Đức ra, lên tiếng quát lại:

 -Tao đây!

 Toán tuần tiễu nhận ra bèn ùa đến:

 -Các ông đi đâu khuya quá, để chúng em đưa về

 Anh vội cám ơn họ và nói:

 -Thôi để chúng tôi về một mình cũng được.

 Sáng sau Chủ Nhật, dậy muộn đi ăn sáng. Qua nhà cô Phụng, vợ nhỏ của một ông đại tá ở Saigon, cô mặc bộ bà ba trắng đứng ở trong sân, dưới mấy gốc dừa, nói vọng ra:

 -Gớm hôm qua, các ông làm gì mà ồn ào, hát vang cả xóm làm tôi thức giấc, ngủ lại không được nữa.

 Cả bọn cùng đứng lại, tán chuyện gẫu và cùng nghĩ đến đêm trước, như một bọn tây say... Buổi sáng thật êm, trời thật trong, biển thật xanh. Ánh nắng long lanh đã bắt đầu hắt lên từ những gợn sóng nhỏ và gió mát ngoài xa thổi vào làm vương mấy sợi tóc trên khuôn mặt trắng ngần của cô. Anh chợt nhớ cô hay nói cô thường rữa mặt bằng nước dừa tươi.

 

 *

 

 Có lần, Công và anh mãi không về được đất liền, cuồng cẳng. Tối Thứ Sáu, rủ nhau lấy ghe chủ lực rời đảo vào Rạch Giá, định tối Chủ Nhật quay lại. Nhưng vừa ra khỏi cửa biển, gặp hôm trời trở gió, biển động sóng đánh gần dựng ngược chiếc ghe, không qua khỏi mũi Ông Đội, đành phải trở về.

 Một ngày cuối tuần, hai người nghĩ ra chơi trò ‘‘Lỗ Bình Sơn lạc vào hoang đảo’’, bèn rủ một số công chức trẻ ra đảo hòn Thơm. Mấy cô giáo Tàu cũng đòi đi theo. Anh và bạn giao hẹn với mọi người không được mang một thức ăn nào theo. Ra ngoài đó, không có tiệm mua bán, kiếm được thứ gì ăn thứ đó. Thử xem sao!

 Hôm đó, trời nắng dịu, biển êm như mặt hồ. Hai người nằm trên mui chiếc chủ lực, nhìn những đám mây trắng hững hờ trên cao, nhìn những khu rừng bí hiểm dọc theo đảo, và nghe một cô giáo Tàu vừa cất cao giọng hát bài ‘‘Cánh Hồng Trung Quốc’’ theo tiếng đàn lục huyền cầm của Minh, bên Ty Thanh Niên. Tiếng hát của cô trong và nhẹ như một sợi nhạc bồng bềnh chạy dài, khiến anh mơ màng tưởng như con thuyền muốn thoát hẳn lên cao...

 Lúc tới hòn Thơm, thuyền chưa cặp bãi, một vài người đã cởi áo nhào xuống tắm. Anh cũng đeo kính bơi vào mặt và cầm cây súng săn cá nhoài người nhẩy theo bọn họ. Nước biển thật mát và trong nhìn xuống tận đáy, anh quẫy mạnh chân theo mấy người bạn lặn xuống sâu. Trước mắt anh bổng hiện ra cả một rừng san hô kỳ ảo. Những cây san hô trắng mọc cao hơn một thước chen lẫn với những cây màu nâu, xanh, tím, hồng rực rỡ. Anh bơi theo những đàn cá lạ đủ màu, mà sau này anh thường thấy được bày bán trong các tiệm cá nhiệt đới ở Mỹ. Thỉnh thoảng chúng lại ngừng bơi ngơ ngác nhìn anh, như ngạc nhiên thấy một con vật lạ lùng đang lạc vào thế giới riêng biệt của chúng.

 Anh lặn và bơi quanh co theo những đàn cá một hồi lâu, đến lúc ngoi lên bơi vào bờ, cùng bàn tính đến chuyện không hiểu hôm nay mọi người sẽ kiếm được gì để ăn. Họ phân công, chia làm hai toán, một toán mang shotgun lên núi kiếm muông thú, một toán mang mấy trái lựu đạn xuống biển ném cá. Anh định theo lên núi, nhưng mọi người giữ anh lại đễ lặn xuống mò cá.

 Toán xuống biển đi dọc theo bãi và chọn một chỗ có những hang đá chắc là có cá. Kéo chốt an toàn và ném trái lựu đạn xuống . Sau tiếng nổ ục ngầm dưới nước, những con cá quanh quẩn đó bị sức ép choáng váng bơi không nổi và chỉ cần lặn ngay xuống để bắt. Nếu không mau, chỉ trong chốc lát lũ cá sẽ tỉnh lại và bơi đi mất.

 Khi mang cá lại chỗ cũ thì củi lửa đã sẵn sàng để nướng và toán lên núi cũng mang được vài con chim về. Nhưng lúc nướng xong, mọi người nhai không nổi vì không có mắm muối ướp gì cả, nhạt tanh. Tội nghiệp cho mấy cô giáo bị một trận đói meo.

 Có một tên ngồi trên mỏm đá nhìn mọi người ngắc ngư nuốt không nổi, ôm bụng cười các ‘‘Lỗ Bình Sơn tân thời’’ khiến cả bọn đến phát cáu. Mấy người bèn nhào đến hùa nhau quăng hắn xuống biển. Hắn la ơi ới vì không biết bơi và xin cho tìm cách chuộc tội. Hắn xuống thuyền lục lọi một lúc, rồi mang lên một xâu bánh mì với cá hộp, lại có cả la-de. Thảo nào lúc mọi người phân công đi kiếm thức ăn, hắn không chụi đi, cứ tỉnh bơ tìm chỗ kẽ đá mát trải chăn nằm đọc truyện.

 Buổi chiều trở về, biển còn xanh, trời còn trong, gió còn nhẹ. Mọi người sau một ngày hoạt động đều mệt mỏi, ngồi tựa vào thành thuyền yên lặng hay lim dim ngủ. Chỉ còn nghe thấy tiếng máy chạy đều và tiếng nước róc rách ở mạn thuyền. Anh mơ màng nghĩ đến những ngày đã qua, sống xa hẳn cuộc đời buồn nản không lối thoát tại thành phố, nay lại được tự do nằm giữa vùng biển rộng trời cao.

 Tự nhiên, anh nghĩ đến người mình yêu, đang cùng bạn bè phóng xe ‘‘solex’’ trên đường phố, hay đang ngồi cười rỡn tại quán mỳ Cây Nhãn Dakao ngày nào. Anh mong có người yêu ở bên cạnh, trên con thuyền này, trong cảnh biển chiều mênh mông đang xuống. Anh chắc, sẽ không còn nhìn thấy mọi người xung quanh, chỉ còn hai người trong một vùng êm đềm, ảo mộng. Anh sẽ nắm lấy tay nàng và nghĩ đến một ngày nào đó, anh sẽ mua một trong hòn đảo nhỏ kia, sẽ có căn nhà bên dòng suối, bên những vòm cây xanh mát, đầy những hoa lá vùng nhiệt đới. Hai người sẽ chạy nhẩy dưới những rừng dừa cao, hay trên những bãi cát trắng, không dấu chân người. Cùng tắm ở những vũng biển san hô với những đàn cá bơi dỡn đủ màu. Sáng đến, chờ nắng biển đông đánh thức để nghe tiếng chim rừng hót ngoài cửa sổ. Chiều xuống ngồi trên ghềnh đá ở biển tây nhìn cảnh hoàng hôn rực đỏ chân trời. Lúc đó, hai người sẽ chắc chẳng còn gì để nhớ.

 Anh yêu hòn đảo và sự tự do. Hàng ngày, anh nghe đài phát thanh tiếp vận từ Saigon loan tin thời tiết: ‘’Hôm nay, Phú Quốc trời nhiều mây, hay có mưa...’’, nhất là lúc đó ca sĩ Lệ Thu hay hát nhạc của Đoàn Chuẩn và Từ Linh, trong đó có câu: ‘’Nhớ tới mùa thu năm xưa, mình anh lênh đênh rừng cùng sông, chiếc lá thu vàng dần rơi...’’, anh tin rằng nàng cũng đang nghe và đã nhắc nhở nàng nhớ đến anh ở một nơi tận cùng của đất nước...

 Mọi người trên ghe đều yên lặng. Tự nhiên, anh lại nghĩ đến những sự mệt mỏi và vô vọng của một cuộc chiến tranh dài đằng đẵng. Anh mong rằng, trong giây phút này, mọi người cũng đang mơ màng và cũng đang có những giấc mộng đẹp như anh. Anh không dám cựa mình, và để từ từ lịm dần trong giấc mơ mà mình đang sống...

 

 *

 Anh lấy thuyền đi Cửa Cạn. Những ngày trời yên biển lặng, thường có cá heo bơi đến dỡn sóng đua cạnh thuyền. Đôi lúc anh có thể lấy tay xoa đầu nhẵn bóng của chúng. Lúc vào Cửa Cạn, mọi người thường không dám ngồi lì trên thuyền để vào tận ấp, sợ Việt Cộng trên núi bắn xuống, thường phải lội qua cồn cát rồi gọi ghe sang đón.

 Có lần đến, họ cho anh xem một con cá sấu lớn bốn người khiêng còn nặng, bị trói gô dọc theo một thân cây lớn. Con sấu này, ít lâu nay thường đến phá chỗ con lạch mọi người tắm giặt. Họ cố dùng súng bắn đuổi mà không được. Sau đó, họ lập mưu, làm một lưỡi câu lớn, buộc vào mình một con vịt thả trên dòng nước. Dây câu là một cuốn thừng nylon không thể đứt. Chờ đến nửa đêm, lính trong đồn canh nghe tiếng quẫy nước ầm ầm, dọi đèn biết là con sấu đã cắn mồi và mắc câu. Nó mạnh quá, vùng vẫy nhổ luôn cọc thuyền và kéo chiếc tam bản theo con lạch vào sâu trong đảo. Sáng ra, mọi người đem súng ống, để đề phòng Việt Cộng, theo ghe máy ngược dòng đến hai ba cây số mới tìm thấy dấu vết. Sau một hồi vật lộn, hết hơi, mãi mới chụp nổi nó.

 

 *

 Ấp Cây Dừa nằm dưới phía Nam đảo, gồm căn cứ chỉ huy Duyên Khu 4, một sân bay quân sự và một số dân cư. Dân chúng trong ấp ngoài số nhỏ là dân địa phương, còn lại phần lớn là dân di cư Ba Làng từ miền Bắc Trung Việt vượt biển vào Nam tìm tự do năm 1954.

 Lần nào đến ấp, anh cũng thường đến thăm cha xứ Hoàng Văn Cung trước, cha rất vui tính và thế nào tối đó cũng được cha khoản đãi món cháo gà do ông trưởng ấp Niệm làm. Có khi lại được ăn món ‘‘Biên Mai’’ một loại nghêu rất ngon do mấy người bạn bên Hải Quân mời đến nhậu.

 Toàn ấp, kể cả căn cứ của duyên khu đều trông cậy vào sự bảo vệ vùng ngoài của một trung đội nghĩa quân, hầu hết là dân công giáo, trang bị vũ khí cơ bản, nhưng du kích địa phương cũng rất ít khi đến trêu chọc.

 Anh nhớ lại những buổi chiều ở Cây Dừa, anh thường lang thang một mình đi bộ ra sân bay, đứng trên những vỉ sắt ở đầu phi đạo, nhìn những đám cỏ may trên những cồn cát phía biển chạy vờn theo gió về phía cuối đảo, tự nhiên làm cho anh thấy một cái gì mong nhớ xa xôi. Hình như những đám cỏ may thường làm cho người ta gợi nhớ đến dĩ vãng

 

 *

 Anh sang phía đông đảo, đến ấp Hàm Ninh, bờ biển nông và soải dài, thuyền lớn thường phải đậu ngoài xa và chờ ghe nhỏ ra đón. Ấp có độ dưới một trăm dân và một trung đội địa phương quân mà quân số chắc chỉ có một nửa sống trong một vòng đai nhỏ hẹp. Đứng ở đâu trong ấp cũng thấy hàng rào chiến lược gần ngay trước mặt, cứ lớ ngớ là rất dễ bị Việt Cộng bên ngoài bắn sẻ. Vì thế, sau này đi đâu xa, anh thường được khuyên là nên mặc bà ba đen, đừng mặc quần tây áo trắng. Có những lúc anh ngồi họp với hội đồng xã và đồn trưởng, anh tưởng tượng như đang sống trong cái thời của phim ‘Bảy Chàng Hiệp Sĩ’’ của Nhật.

 Những bữa ăn do hội đồng xã thết chỉ toàn là ghẹ. Anh chưa thấy có những con ghẹ ở đâu ngon như ghẹ Hàm Ninh, to gần như con cua, nó đỏ như gạch, thịt đầy và ngọt lừ. Họ cho anh ăn hết ghẹ luộc, ghẹ rang muối rồi cả đến cơm ghẹ v.v... Còn những nồi nghêu, buổi chiều họ đi cào về trắng phau, đầy đặn ăn thật tuyệt. Có lần họ mang về một con rít, đó là một loài rùa biển to gần đến một thước, ăn tàm tạm được, nhưng không được ngon như những con rùa nướng ở Cần Thơ hay Long Xuyên.

 Những ngày ở đó, mỗi khi xong việc anh phải chờ ghe đến đón, nên rỗi rãi. Anh hay đi nhặt các đầu khỉ khô, trắng nằm trên cát sau nhà của các tay thợ săn, rửa cho sạch sẽ trông như những cái đầu lâu tí hon rồi gởi về cho các bạn ở Saigon.

 Nhiều lần anh theo Thiếu Úy Bình, đồn trưởng, đi sâu vào đảo săn thú. Anh ta là một tay thiện xạ, bắn được rất nhìều thú rừng thường mang về cho lính và dân trong ấp ăn, nhưng chẳng bao giờ anh ta ăn cả. Có lần gặp một đoàn khỉ, bị lùa lên một cây giữa khoảng trống, chúng hốt hoảng, nhẩy chuyền từ cành này sang cành nọ. Lính ở dưới cứ việc nhắm và bắn rụng từng con rơi bồm bộp trên đất. Đứng nhìn thấy thật là thương, khiến anh phải bảo họ thôi đừng bắn nữa.

 Một lần bắn được một con nai đang nhú sừng non, người ta thường gọi là nhung non; một anh lính bèn cắt ngang và hút. Không hiểu chất đó bổ đến mức nào mà làm anh ta lăn quay ra như người bị say rượu.

 Nhưng mệt nhất là đuổi theo mấy chú heo rừng, chúng rất khỏe, chạy nhanh và luồn cũng khéo. Có lần, anh chạy theo Thiếu Úy Bình hụt hơi và lạc luôn. Rừng lại khá rậm, lúc có một mình, định phương hướng tìm đường về ấp, nghĩ đã chẳng săn được con nào mà bị Việt Cộng săn lại thì thật là lãng nhắch.

 

 *

 

 Anh rời Hàm Ninh đi lên ấp Bãi Bổn. Ấp này nằm phía ven đông bắc của đảo, bất an vì chưa lập được hàng rào chiến lược. Thường thuyền phải đi vòng xuống phía nam rồi ngược lên, hơi xa, nhưng an ninh hơn nếu đi vòng lên phía bắc từ Dương Đông bằng tàu nhỏ. Lúc đi gần giữa eo biển nhỏ giữa Việt Nam và Cam Bốt, chỉ sợ Việt Cộng trong đảo bắn ra, và nếu có gặp chiến hạm của Cam Bốt ăn hiếp, đổ thừa là vi phạm hải phận cũng chẳng có ai làm chứng.

 Lúc ngồi bập bềnh trên ghe, chờ thuyền nhỏ ra đón, anh nhìn vào khu rừng dừa của ấp Bãi Bổn chạy dài theo ven biển, thấp thoáng một vài căn nhà lá và những bóng người. Đôi lúc anh tưởng như có những người trai mình trần, lực lưỡng đang sửa soạn đánh những tiếng trống bập bùng và những cô gái đảo đang sửa soạn những vòng hoa để quàng vào cổ những khách lạ.

 Càng sát bờ, biển càng nông. Mọi người thường phải xuống lội nước một quãng khá xa. Biển ở đây có rất nhiều con đồn đột đen và những con sao biển màu đỏ nằm soải năm cánh trên cả một vùng cát.

 Thường thường đến ấp này anh hay đi với Đại úy Hùng, chỉ huy trưởng địa phương quân trên đảo, và một toán thám báo mà đến một nửa là người Việt gốc Miên. Lần nào, cũng đến tạm trú tại nhà một ông già quắc thước ở giữa ấp, hình như có cái tên là Tám Vân. Nói là tạm trú, nhưng không ai nằm ở trong nhà cả, chỉ nhờ bếp để làm bữa ăn. Anh nghe đâu, ông Tám Vân hồi trước đã từng là đầu đảng cướp biển, nhưng được một cái là ông hay phân phát lại cho các kẻ nghèo.

 Ấp Bãi Bốn cũng không có quá nổi một trăm dân, chưa có tổ chức hành chánh, cũng không có một lực lượng nào bảo vệ, lại quá bị cô lập. Dân chúng ở đây, trước kia thường giao dịch với các thành phố ven biển của Cam-Bốt hơn là với Việt Nam.

 Những chiều ở đó, anh thường lội nước dọc theo những hàng dừa hay ra ngoài xa nhặt những con sao biển cho đến khi gần tối, hôm nào trời trong có thể nhìn thấy le loi ánh đèn trên đỉnh núi Bokor của Cam-Bốt mới trở về. Buổi tối anh và Đại úy Hùng thường ngồi trên nhà sàn, dựa lưng vào những ba-lô ngồi uống nước nhìn ra biển tối ngoài xa, và nghe những tiếng đêm ở xung quanh vọng lại.

 Đại úy Hùng hơn tuổi anh, hay nói chuyện gẫu, có lần anh ta tâm sự:

 -Mình sinh ra mãi tận ngoài Bắc mà không hiểu sao lại phải đến tận chỗ này. Hồi 1946, tôi là tự vệ thành rồi theo kháng chiến chống Pháp. Mãi sau mới trở về Hà Nội, học hành dang dở, kiếm việc không ra bèn vào làm sĩ quan Bảo Chính Đoàn. Khi ấy chỉ huy các đội khinh binh, đóng hết đồn này đến đồn khác trong vùng châu thổ sông Hồng. Nhiều lúc mất đồn, chạy dài chỉ còn quần xà lỏn.

 Anh thấy hồi đó càng thua, càng chạy thì bây giờ Đại úy Hùng lại là người có nhiều kinh nghiệm chiến trường. Từ ngày đến đảo, anh ta đã làm cho du kích địa phương nhiều trận xiểng liểng, mà lính không bị chết. Hàng ngày đối diện với du kích, Đại Úy Hùng như muốn dở trò chơi đấu cờ với chúng, lúc đánh dử, lúc đánh lừa, đi một nước nhưng tính đến ba bốn nước khiến chúng không biết đâu mà lường. Có lần lừa bắt được viên Huyện ủy, trong lúc sửa soạn giải về tỉnh thì hắn ta tự sát trong phòng giam.

 Mỗi lần ở ấp này, trước khi đi ngủ, Đại úy Hùng thường cắt đặt toán thám báo nằm ở các bờ bụi xung quanh và cố ý nói to để cho Việt Cộng đâu đó biết là sẽ nằm trong nhà ông Tám Vân. Lúc vào nhà, anh và Đại úy Hùng cũng cố nói chuyện thật lớn một hồi lâu, rồi cả hai cùng lén ra ngoài bụi nằm. Ngay cả toán thám báo cũng không biết chỗ nào nữa.

 Sáng sau, mọi người đi nghiên cứu địa thể để lập ấp chiến lược. Dân thì ít, ấp thì trải dài. Di dân vào một chỗ cũng rất là phiền, mất nhiều công. Sau khi nghiên cứu và vẽ họa đồ xong, hôm sau có thuyền đón trở về quân để lập kế hoạch.

 Lần nào rời ấp Bãi Bổn, lúc ngồi trên ghe, nhìn lại đám dừa xanh, anh cũng tưởng như chắc lần này là lần cuối anh còn có thể đến được nơi này. Theo anh, nếu cứ để nguyên như thế này thì may ra còn ấp, nếu đã cố làm hàng rào chiến lược, thì Việt Cộng chắc không để yên, tiếp cứu cũng chẳng nổi, và ấp sẽ tan tành. Nhưng chính sách của chính phủ đã có, chỉ tiêu đã đề ra và quận cứ việc thi hành...

 Lần đó trở về quận, anh viết được một bài tùy bút dài ‘’Mây Bay Qua Đảo’’, với tất cả tấm lòng yêu đảo cho đặc san Phú Quốc. Bài tùy bút này sau khi anh rời đảo, họ vẫn còn mang ra đăng đi đăng lại nhiều lần.

 

 *

 

 

 

 

II. Con Trâu Rừng Cuối Cùng Trên Đảo

 

 Mùa mưa đến trên đảo thật là dầm dề và dai dẳng. Có những lần mưa gió hàng tháng không dứt. Mây mù bay từ biển vào sà gần xuống mặt đất. Cả tháng không nhìn thấy trời, không nhìn thấy màu xanh của núi rừng, không nhìn thấy chân trời giáp với mặt biển. Nước mưa từ trên ngàn đổ xuống, chảy như nước lũ, dâng tràn lên mặt đường, mấp mé các nhà sàn hai bên bờ con sông nhỏ. Nhiều buổi chiều, nghe gió hú và đứng nhìn các ngọn dừa bị gió giật từng hồi uốn cong xuống xác xơ. Những lần đó, quận thường ra thông cáo yêu cầu phải giữ trẻ trong nhà, đừng để gần sông trượt chân rất dễ bị trôi ra biển. Nhiều gia đình phải vào nhà lồng chợ trú ẩn.

 Không có thuyền nào dám ra khơi, không có tàu chở hàng nào từ Rạch Giá trở về. Bữa ăn nào cũng trở nên đạm bạc. Thỉnh thoảng mới có một ít thịt, một ít rau, và ngay cả cá cũng không có. Máy bay dân sự hồi đó mỗi tuần mới có một chuyến. Một hôm, ngồi buồn không biết làm gì, mở máy dò các đài xem có tin gì mới lạ hay không, thì bỗng bắt được lời nhắn của Trưởng Đài Khí Tượng Phú Quốc với Trưởng Đài Rạch Giá, gửi ba kí thịt bò và rau vào chuyến máy bay tới. Đại úy Hùng nghe thấy cười lớn, tuần này chắc có thịt bò nhúng dấm rồi. Gia đình Khí Tượng này không hiểu có một thiên tình sử ra sao mà họ có một đời sống khá ly kỳ. Bà vợ không bao giờ thấy ra ngoài, chỉ thấy ông chồng lù dù ngày ngày yên lặng xách rỏ đi chợ. Một hôm, Đại úy Hùng từ bãi biển trở về, cứ thắc mắc hoài với anh vì nhìn thấy một người đàn bà mặc áo tắm hai mảnh kiểu tân kỳ, đang nằm trên ghế xích đu, chỗ bãi biển Đài Khí Tượng. Hỏi lính thì mới biết đó là bà vợ ông Khí Tượng. Sau này, anh còn được biết thêm hai vợ chồng đổi từ đảo Hoàng Sa về đây. Họ ở đó sáu năm trời. Chắc những ai mà đến đó, thì còn thắc mắc hơn Đại úy Hùng nhiều.

 Những tuần mưa gió như thế, cả quận chỉ mong chờ ngày có chuyến máy bay chóng đến. Nhiều lúc đứng trong quận, nghe tiếng máy bay vừa mừng lại vừa thấy cái hy vọng mong manh. Có lúc thấy tiếng máy bay thật thấp, ẩn hiện chớp nhoáng trong đám mây mù, đảo quang một hai vòng rồi bay đi mất hút để cả quận ngơ ngẩn. Giống như cái cảnh bao nhiêu ngằy kiệt quệ lênh đênh trên biển, không biết đâu là bến bờ, thấp thoáng thấy có bóng chiếc tàu ở đằng xa, nhưng chỉ trong chốc lát lại mất dạng.

 Cả bọn nghĩ không biết phải làm gì cho qua một tuần sắp tới, bèn đứng rủa thầm anh chàng phi công nhát gan. Có lần, một anh phi công Đài Loan liều đáp xuống từ phía biển vào bị gió thổi chạy văng ra ngoài phi đạo. Hút chết, không đâm vào núi là may. Quận lại phải đem xe Dodge 4, lấy dây buộc vào đuôi kéo ngược trở lại.

 Những tuần đó không có việc, chỉ luẩn quẩn quanh văn phòng. Không có ma nào mò đến. Quận thường đóng cửa kín mít, chỉ sợ gió mạnh làm bật tung các cửa, thổi loạn các giấy tờ bay tứ tung, phải nhặt và xếp lại cũng đủ mệt. Ngồi không, hút thuốc đến đen cả mấy đầu ngón tay, phải đổi sang hút ống điếu. Anh thường nhờ bạn bè ở Saigon gửi ra hai loại thuốc 79 và Half and Half để trộn lẫn với nhau. Hôm đầu, anh mang ra hút, mùi thơm làm tỉnh mấy anh thư ký quận đang ngồi nhìn mưa rơi buồn hiu, và làm ngưng cả tiếng vọng cổ rầu rĩ của mấy tay nghĩa quân dưới nhà. Cả bọn tưởng như trong không gian có cái gì làm thay đổi khứu giác của họ. Lúc sau, họ mới khám phá ra anh đang hút ống điếu. Tất cả nhao nhao ùa lại mỗi người xin một ít để làm thuốc quấn, thi nhau thả khói làm thơm lừng cả văn phòng quận.

 Nhiều hôm vừa mưa lại vừa nóng, anh thường mở cửa sổ đứng nhìn ra biển lấy một chút gió. Mùa này là mùa ruốc, dân chài cũng thường ra khơi để vớt về làm mắm. Cá voi cũng về, chỉ việc há mồm đón những đàn ruốc bơi qua cuống họng, thỉnh thoảng chúng lấy hơi phun những cột nước bắn lên cao.

 Ai cũng nghĩ lúc này mà tụ họp nhau ăn nhậu thì không còn gì bằng. Nhưng ‘‘mồi’’ thì không dễ kiếm ra. Tối đến, mấy tay thư ký quận rủ nhau nai nịt, lội mưa cầm đèn bão đi lùng ếch. Cứ chỗ nào nghe tiếng ồm ộp là mò vào rọi đèn, thế nào cũng chộp được một con. Có tối mang về được vài chục con ếch non, tẩm bột đem chiên, ăn được cả xương, ngon hơn thịt gà. Có ‘‘mồi’’ nhưng rượu lại càng hiếm. Ngày thường ngư dân uống đã nhiều, ngày bão ngồi không lại càng uống dữ hơn nữa. Có một điều làm anh phải giật mình khi làm các con số thông kê các hàng xuất nhập đảo. Số xăng nhập vào đảo đã nhiều cho thuyền bè đánh cá, mà số lít rượu nhập vào còn cao hơn. Anh yêu cầu cộng lại, nhưng mấy người thư ký ở lâu trên đảo, họ thấy chẳng ngạc nhiên chút nào.

 

 *

 

 Cuối cùng chẳng biết làm gì cho qua những ngày bão biển, anh vào trong kho lục trong đống văn khố xem có gì đáng đọc hay không. Anh mang ra từng chồng sách xuất bản từ Hà Nội đã tịch thu được trong cuộc hành quân trên vùng Bắc đảo năm trước. Những sách khảo cứu về Dược Thảo Việt Nam, chắc để cho du kích dùng mỗi khi thiếu thuốc bào chế. Những sách về Khảo Cổ, Lịch Sử và Văn Học viết theo quan điểm Mác-xít, mị giai cấp công nông, đọc không nổi.

 Anh tìm được một quyển Địa Phương Chí của đảo, khiến anh nghiền ngẫm đến mấy ngày liền và là một cái cớ khởi đầu để anh có dịp đi gặp các cụ già trên đảo tìm hiểu thêm về các sử liệu, các dấu vết cổ xưa, kể cả các truyện truyền kỳ, huyền thoại.

 Anh mở rộng tấm bản đồ với đầy đủ các hòn đảo của Việt Nam trong vịnh Thái Lan. Những cái tên nghe mường tượng như từ một thời cổ xưa lập địa với những Hòn Đồi Mồi, Hòn Kiến Vàng, Hòn Khoai, Hòn Thơm, Hòn Nước, Hòn Rùa, Hòn Tre, Hòn Nước, Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Thổ Châu và Hòn Hải Tặc... mà nhiều hòn trong suốt thời gian ở đó anh không có dịp đến.

 Anh đọc tới những trang sau, những truyện có thật mà tưởng như truyền kỳ của một hòn đảo thường gọi là xứ của 99 ngọn núi, ý nói có nhiều núi lắm. Những chứng tích còn lại, như những bí mật của Chùa Sư Muôn. Những câu sấm của ông Đốc Phủ Chiêu với Chùa Cao Đài trên núi, mộ của những ông cố đạo ngoại quốc không hiểu từ đâu đến truyền giáo, có những cái tên lạ hoắc được chôn ở bãi biển sau quận từ thế kỷ trước mà những buổi chiều hè, lúc anh tắm biển xong thường ngồi nghỉ trên những tấm mộ xiêu đổ nhìn ra biển ngắm cảnh hoàng hôn. Cái Giếng Tiên bên bờ sông bên bờ sông Dương Đông nước mặn mà nước giếng vẫn ngọt. Còn những đền thờ cá ‘‘Ông’’ rải rác trên đảo, nhưng khi anh có dịp đến thăm thì đã chẳng được ngư dân thờ phụng như trước nửa, chỉ còn chổng chơ vài cái xương cá voi khổng lồ cũ kỹ...

 Có một số trang sách liên quan đến sử liệu như thời của ông Nguyễn Ánh, Nguyễn Trung Trực và thời kỳ quân đội Nhật, Trung hoa trong và sau Thế Chiến Thứ Hai trên đảo.

 Ông Nguyễn Trung Trực nổi lên chống Pháp, lúc thất thế phải chạy ra Phú Quốc, nương náu ở ấp Cửa Cạn. Cuối cùng ông vẫn bị truy lùng. Lúc quá quẫn, ông không thể đem theo được đứa con nhỏ, bèn treo lại trên cây mong dân Cửa Cạn mang về nuôi giúp. Nhưng không hiểu dân ở đó không tìm ra hay đã làm lơ để đứa trẻ đó chết. Do đó, dân chúng tin rằng oan hồn cứ vất vưởng ở ấp làm đàn bà ở Cửa Cạn sanh ra khó khăn và trẻ sơ sinh thường hay chết yểu. Anh muốn phá bỏ cái truyền kỳ độc ác đó, nên đề nghị với dân chúng sửa sang lại nhà hộ sinh và chuyển một cô đỡ hương thôn về và yêu cầu Chi Y Tế cung cấp thêm thuốc men cho ấp Cửa Cạn. 

 Có một thời kỳ lịch sử cận đại của đảo mà được rất ít người nhắc đến, đó là những ngày quân Nhật chiếm đóng trên đảo trong Thế Chiến Thứ Hai. Họ đã chở đến hàng trăm tù binh để lập một sân bay lớn ở Cửa Cạn, dùng nơi đó làm căn cứ Không Quân Chiến Lược tấn công Tân Gia Ba. Một số người trên đảo vẫn còn nhớ cái cảnh từng đoàn tù binh đói ăn, gầy guộc phá rừng, san đất dưới ánh lưỡi lê của bọn lính Nhật. Ngày ngày, máy bay lên xuống từng đoàn, bụi mù cả một vùng. Ngày Tân Gia Ba thất thủ, quân Nhật ăn mừng bắn súng vang cả đảo. Anh cố tìm một số chứng tích của thời Nhật, nhưng không có dịp, chỉ thỉnh thoảng còn gặp được một vài người nói đuợc một ít câu tiếng Nhật nhờ thời gian làm thông ngôn cho họ. 

 Đảo Phú Quốc, một lần nữa lại phải để cho một sư đoàn tàn quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng đến tá túc, sau khi bị Hồng Quân của Mao Trạch Đông vượt qua sông Dương Tử tràn xuống phía Nam và đẩy họ qua biên giới Việt Nam, hình như vào khoảng những năm đầu của thập niên năm mươi. Chính quyền Pháp hồi đó không biết giải quyết ra sao, nên phải giải giới và tập trung họ trên đảo. Ít lâu sau, Tưởng Giới Thạch củng cố được lực lượng tại Đài Loan, và họ có dịp trở về. Một số nhỏ Quốc Quân không muốn hồi hương đã ở lại, lấy vợ Việt Nam và sinh cơ lập nghiệp trong các vườn tiêu trên đảo.

 Có một điều, anh thấy rất ít tướng lãnh, ngay cả sĩ quan phục vụ trên đảo biết đến tính cách chiến lược của hòn đảo đã được dùng để khống chế vịnh Thái Lan trong Thế Chiến Thứ Hai, biết đến những hiểm địa của Nguyễn Trung Trực lúc kháng Pháp và của Nguyễn Ánh khi lánh nạn Tây Sơn, mà sau này ông đã dựng được nghiệp lớn. Có lẽ, vì thế mà Việt Cộng cứ đi lại tự do trên chín mươi phần trăm đất trên đảo, mà Quốc Gia chỉ có vỏn vẹn vài ấp rạt sát ven biển.

 Ít năm sau, anh có dịp đi du hành quan sát tại Đài Loan, tổ chức bởi Trường Cao Đẳng Quốc Phòng Việt Nam mà anh theo học. Trên chuyến bay từ Đài Bắc ra đảo Kim Môn, Mã Tổ nằm sát ngay bờ biển Trung Hoa lục địa, lúc gần tới, phi cơ phải bay gần sát mặt biển để tránh tầm máy dò ra-đa của Trung Cộng. Một vị Đại Tá Trung Hoa, hướng dẫn phái đoàn, ngồi cạnh anh hỏi chuyện, anh làm những gì và ở đâu. Anh có nhắc đến thời gian ở Phú Quốc. Ông ta mừng rỡ và nói ngay, ông ta đã ở trong đám Quốc Quân hồi đó. Ông kể rất rành mạch các địa danh trên đảo và có hỏi thăm anh về khu nghĩa trang của các Quốc Quân đã bỏ mình tại đó được chôn cất sát sân bay Dương Đông. Hồi anh ở đảo, thỉnh thoảng anh nhận được công điện yêu cầu tiếp phái đoàn Trung Hoa Quốc Gia đến chỉnh trang nghĩa địa và thăm viếng các chiến hữu của họ đã nằm xuống mấy chục năm về trước.

 

 *

 

 Có một trang trong cuốn địa phương chí nói đến tên bà Kim Giao. Anh không rõ sự liên hệ của gia đình bà với triều nhà Nguyễn ra sao, chỉ biết khi nhà Tây Sơn nổi lên chiếm miền trong và Nguyễn Ánh phải lánh nạn ở Phú Quốc, bà cũng đem theo gia nhân và năm mươi con trâu ra đảo, nghĩ đến việc khai phá và lập nghiệp lâu dài. Công cuộc của bà đã thất bại, không hiểu vì quân Tây Sơn đến đánh phá hay đất trên đảo không thích hợp cho sự trồng trọt. Ít lâu sau bà mất, gia nhân bỏ trốn dần về đất liền và đàn trâu xổng chuồng thành một lũ trâu rừng lang thang trên đảo.

 Anh vội tìm cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, muốn đi ngược lại dòng thời gian để tìm một vài niên hiệu và những gì đã xảy ra trong thời bà còn sống trên đảo. Anh giở lại những trang sử nói về anh em nhà Tây Sơn và lúc Nguyễn Ánh lánh nạn, có những đoạn liên quan đến đảo như sau: ‘‘ Tháng Ba năm Nhâm Dần (1782), vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, đem hơn một trăm chiếc thuyền vào cửa Cần Giờ đánh nhau với Nguyễn Vương ở Thất Kỳ Giang tức Ngã Bảy. Trận ấy quân Nguyễn Vương thua to có người Pháp tên là Mạn Hòe (Manuel) làm chủ một chiếc tàu phải đốt tàu mà chết. Nguyễn Vuơng phải bỏ thành Saigon về đất Tam Phụ (Ba Giồng) rồi ra lánh ở đảo Phú Quốc.’’

 ‘‘Lúc bấy giờ lương thực hết sạch, Nguyễn Vương cùng với người đi theo phải hái rau và tìm củ chuối mà ăn, thế lực cùng kiệt, thật là nguy nan quá. Nhân vì khi trước Nguyễn Vuơng có quen một người nước Pháp làm giám mục đạo Gia Tô, tên là Bá Đa Lộc, khi đó đang ở Thái Lan, ngài bèn sai người đến bàn việc. Ông Bá Đa Lộc nói nên sang cầu cứu nước Pháp, nhưng phải cho hoàng tử đi làm tin thì mới được’’

 Năm 1784, sau khi thua ở Sài-Côn, Châu Văn Tiếp cùng Nguyễn Vương sang Thái Lan cầu cứu. ‘‘Vua Thái Lan tiếp đãi Nguyễn Vương rất hậu và sai hai tướng là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 2 vạn quân cùng ba trăm chiếc thuyền sang giúp. Quân Thái Lan lấy được Rạch Giá, Ba Thắc, Trà Ôn, Mân Thích, Sa Đéc. Khi đánh ở Mân Thích, Châu Văn Tiếp ỷ thế đi đến đâu quấy nhiều dân sự đến đó, làm nhiều điều tàn ác cho nên lòng dân oán hận lắm’’

 ‘‘ Nguyễn Huệ vào đến Gia Định nhử quân Thái Lan đến gần Rạch-Gằm và Xoài Mút ở phía trên Mỹ Tho, rồi đánh phá một trận, giết quân Thái Lan chỉ còn được vài ngàn người chạy theo đường thượng đạo trốn về nước. Nguyễn Huệ phá được quân Thái Lan rồi đem binh đuổi đánh Nguyễn Vương. Nguyễn Vương bấy giờ hết cả lương thực cùng với mấy người chạy về Trấn Giang, ra đảo Thổ Châu, đảo Cổ Cốt, rồi sang Tiêm La’’

 Ít lâu sau, anh em nhà Tây Sơn bất hòa với nhau và ngày càng suy nhược. Ở các nơi nhiều đảng lại theo về chúa Nguyễn, nổi lên đánh phá làm cho quân Tây Sơn giữ không nổi. Nguyễn Vương đang ở Thái Lan ‘‘được tin đất Gia Định có thể lấy được, Vương bèn để thư lại từ tạ vua Thái Lan, rồi nửa đêm đem Vương mẫu cùng cung quyến xuống thuyền về nước. Bấy giờ là tháng Bảy năm Đinh Tỵ 1787. Nguyễn Vương đi qua đảo Cổ Cốt, có người nhà Thanh tên là Hà Hy Văn thuộc Thiên Địa Hội đem mấy người đến xin theo giúp. Vương về đến Hà Tiên, cho người đưa Vương Mẫu và cung quyến ra Phú Quốc, rồi cùng mọi người về đóng ở Long Xuyên’’

 Hai năm sau, 1789, Nguyễn Vương lấy lại được toàn đất Gia Định và 13 năm sau, năm 1802, Nguyễn Vương thống nhất sơn hà và lập nên triều Nguyễn.

 

 * 

 Anh gập cuốn sử lại, nghĩ đến những thờì gian nguy khốn của Nguyễn Ánh, nghĩ đến những ngày long đong trên biển chơi trò đuổi bắt với Nguyễn Huệ. Anh lại nhớ đến những truyện truyền kỳ về Nguyễn Ánh được cá voi giữ thuyền cho khỏi đắm trong cơn giông bão, nhớ đến những con cá họ đem bày bán ở chợ, trên lưng có dấu năm đầu ngón tay. Hỏi mấy ông cụ già thì được biết, khi thuyền Nguyễn Ánh trôi trên biển, hết lương thực, đói quá, có đàn cá bơi lại hiến mình và Nguyễn Ánh đã cầm lấy để ăn. Sau này, Nguyễn Ánh lập xong nghiệp lớn và những con cá đó đã được mang trên mình dấu tay của một chân mạng đế vương .

 Nhưng có một hình ảnh mà anh đã hình dung ra và đã theo anh mãi trong những ngày ở trên đảo và cả sau này nữa, đó là đàn trâu của bà Kim Giao. Tính ra những con trâu này đã được mang ra đảo vào khoảng gần 200 năm truớc, hiền lành chỉ biết cần cù, gia sức cầy bừa, nhưng sau này con cháu của chúng lại trở thành một lũ trâu rừng lang thang...

 Anh có dịp nói chuyện với một số dân trong rẫy, ngoài vòng ấp chiến lược, họ cho biết đàn trâu chỉ còn lại hai con. Năm trước một con đã bị bắn chết. Nghe đến đó tự nhiên anh thấy buồn rầu như đã đánh mất một vật gì quí mến mà không thể nào tìm lại được.

 Anh tưởng tượng ra rằng hai con trâu cuối cùng đó chắc đã có một thời được sống trong một đàn. Có những ngày thong dong gặm cỏ trên những ngọn đồi xanh. Có những trưa đằm mình dưới nước trong vùng ‘‘Vũng Trâu Nằm’’ trên vùng Bắc đảo. Có những đêm nằm kề nhau nhai lại cỏ dưới ánh trăng hay bên dòng suối. Có những đêm mưa lạnh nằm chúi vào nhau dưới những tàng cây hay cả những lần chạy thục mạng vì bị các tay súng săn rượt đuổi.

 Hai con trâu đó có thể đã chứng kiến bao nhiêu cảnh mất dần của một đàn. Thỉnh thoảng, có những người lính gặp chúng đuổi theo bắn, chúng thường giơ sừng ra đỡ khiến sừng con nào cũng chỉ còn trơ một nửa và lỗ chỗ những vết đạn. Hai con trâu còn lại, chắc đã không có nhiều ngày thong dong trên đồng cỏ, không còn những ngày yên ổn nằm bên dòng suối mà chắc đã có nhiều ngày lang thang trốn lủi trong các rừng cây.

 Bây giờ một con đã bị bắn chết, còn một con lủi thủi cô độc, trong một vùng hoang đảo mênh mông. Anh không muốn tưởng tượng ra thêm nữa về tình cảnh của một con trâu rừng cuối cùng trên đảo. Nhưng như thế cũng đủ làm cho lòng dạ anh bồn chồn, lo lắng về số phận của nó. Anh đã nghĩ đó là một hình ảnh, một huyền thoại cuối cùng của hòn đảo, của một thiên đường đã mất mà anh đang sống, mà anh đang đi tìm từ ngày đến đảo. Nhưng sao anh thấy cái huyền thoại đó quá mong manh và không hiểu nó sẽ kết thúc vào lúc nào, và như thế nào. Tuy anh đã cẩn thận dặn dò các người lính và dân trên đảo là không nên săn đuổi con trâu nữa...

 

 *

 III. Miền Hoang Tưởng Cuốn Theo Chiều Gió Lửa

 

 Có một lúc, anh có cảm tưởng như cả hai bên, lính quốc gia và du kích cộng sản trên đảo muốn quên hẳn cả cái việc là phải đánh lẫn nhau. Họ cứ lừ lừ, mặc nhiên chung sống hoà bình để yên hưởng cái cảnh tự do mênh mông của biển cả và của núi rừng. Lâu lắm không nghe thấy một tiếng súng từ trong núi bắn vào các ấp. Cũng lâu lắm không thấy lính đi mở các cuộc hành quân. Sự yên bình đã như đưa hòn đảo trở lại một thời hoang sơ nào đó, xa hẳn cái thế giới đầy cảnh hỗn loạn, bất an bên ngoài.

 Nhưng thời gian này đã chẳng kéo dài được bao lâu, khi mà những bản báo cáo hàng tháng về các hoạt động quân sự gửi về Tiểu khu không có gì hấp dẫn. Phía bên kia chắc cũng vậy, Tỉnh Ủy cũng đã chán đọc những phúc trình trống trơn, chẳng có sự quấy phá nào cả. Cả hai bên lúc đó chẳng còn có thể ngồi yên mà ngắm biển, ngắm rừng được nưã. Lính quốc gia phải bỏ những ngày lai rai họp nhau ngồi nhậu trong quán, phải bỏ những buổi ôm con nằm trên võng, mơ màng hát ầu ơ trong trại gia binh. Còn du kích cũng không còn dịp ngồi hơ tay trên đống lửa chờ khoai mì nướng chín trong một xó núi nào đó. Tất cả đã bị buộc chặt vào một guồng máy, và tất cả đều bị cuốn theo không thể cưỡng lại được. Cũng không thể ngưng lại được, nếu không theo chắc rồi cũng bị nghiến nát.

 Bắt đầu dường như bị cấp trên khiển trách ăn không ngồi rồi, cả hai bên đều mò ra làm bộ đánh nhau cho có lệ. Tối nào, mọi người cũng chẳng cần phải đợi lâu để được nghe mấy loạt súng bắn bâng quơ vào nhau, vọng từ hai bên bờ sông Dương Đông, ngả ngoài phi trường như báo cho biết họ đã làm xong cái nhiệm vụ cuối cùng của một ngày và mọi người có thể đi ngủ yên mà không bị ai phá giấc nữa.

 Trò chơi này hình như cũng không qua mặt cấp trên lâu được, hay có lẽ lúc đầu đánh nhau chơi sau thành đánh nhau thật. Một lần, một viên đạn bâng quơ đâu đó đã trúng vào đầu và làm thiệt mạng một anh nghĩa quân, đang ngồi ăn bữa cơm tối do vợ đưa đến đồn canh. Nhìn máu anh chảy loang vào chén cơm đổ trên sàn xi măng, làm mọi người tức giận.

 Vài tuần sau, tình báo chi khu khám phá được một chòi thám thính của Việt Cộng ngay ở sườn núi đầu phi trường, bèn mở cuộc phục kích, một tên chạy thoát, một tên bị bắt sống. Hôm đó, anh cùng Quận Thanh và Đại úy Hùng đi ở toán sau, lúc tới nơi được báo cáo tên Việt cộng rất lì lợm, không khai thác được, cố vùng thoát và cuối cùng đã bị bắn hạ. Trên đường trở về quận, Thạch Sinh, Hạ sĩ thám báo nói với anh:

-Thế nào tụi nó cũng đến lấy xác về, em đã gài bẫy lựu đạn xung quanh và thêm một quả mở chốt đặt ngay dưới bụng.

 Tối hôm đó, anh cùng mấy người ngồi uống la-de với cá khô thiều trên lầu quận, đợi tiếng nổ từ trong núi vọng ra để chơi nốt cái trò chơi của chiến tranh.

 Hai bên đã bắt đầu vào một cuộc chơi thật. Hai Cu, Ủy Viên An Ninh cuả Hội Đồng Xã Dương Đông bị một trái lựu đạn từ đâu liệng vào quán nổ tung, trong khi cùng ngồi với mấy người bạn uống cà phê.

 Mấy đêm sau, đang nằm ngủ anh giật mình tỉnh dậy, nghe giọng Thiếu Úy Bình từ đồn Hàm Ninh qua máy âm thoại báo cho biết đồn đang bị tấn công. Mười phút sau, Thiếu Úy Bình kêu lại, mất bình tĩnh, giọng la hoảng vì bị hỏa lực của địch quá mạnh, quên mất cả dùng mật mã:

-Đại úy! Đại úy! Tụi nó bắn rát quá, không ra được. Chắc đồn mất đêm nay quá. Đại Úy điện xin máy bay ra dội bom yểm trợ hộ. Chắc chết đêm nay mất Đại Úy ơi!

Nghe giọng Thiếu Úy Bình, anh nhớ đến cái đồn nhỏ đó, cô lập như miếng mồi ngon, không nơi tiếp cứu, lúc bị đánh rất dễ mất tinh thần. Hồi lâu, Thiếu Úy Bình vẫn cố bám vào máy kêu cứu, khiến Đại Úy Hùng nổi quạu:

-Thế này thì đánh đấm cái con mẹ gì! Ra ngoài mà chỉ huy lính đi chứ, cứ ngồi đó mà lải nhải thì đồn mất là cái chắc!

 Anh lại nghe Đại úy Hùng quát lớn:

- Đánh bỏ mẹ chúng nó đi, chúng nó đâu có bao nhiêu! Để tôi gọi An Thới đem chiến hạm đến!

Nói xong, Đại Úy Hùng tắt máy chửi thề:

- Từ ngày ông đi lính đóng đồn có thấy cái máy bay nào nó đến tiếp cứu đâu. Đã ở đảo mà còn ham, sao nó ngu thế!

Rồi ông quay sang liên lạc với Duyên khu 4 An Thới xem có chiến hạm nào gần đó đến bắn cho mấy vài phát yểm trợ tinh thần. Duyên khu 4 trả lời sẽ liên lạc với hạm đội. Anh lại nghe thấy Đại.Úy Hùng chửi thề:

- Chờ liên lạc được thì đồn mất mẹ nó rồi còn gì!.

Gần sáng, mọi người hồi hộp gọi lại Hàm Ninh, thì may quá đồn không mất!

 

 *

 

Áp lực cuả Việt Cộng ngày càng gia tăng phiá đông đảo, khiến quận phải quyết định rút tiểu đội Địa Phương Quân từ ấp Bãi Bổn về Hàm Ninh, nếu không sẽ có ngày mất cả lính với ấp. Mà bỏ trống Bãi Bổn tức là mất Bãi bổn, mà mất thật!

 Sau đó, thỉnh thoảng anh có dịp đi qua vùng biển trên, và lần nào cũng thế anh dùng viễn kính cố nhìn vào ấp Bãi bổn. Vẫn còn những hàng dừa xanh chạy dài theo bãi biển nhưng chẳng còn một mái nhà nào. Tự nhiên anh nhớ lại, những lần trước, ngồi bập bềnh trên thuyền, đợi ghe nhỏ trong ấp ra đón, tưởng tượng như có những trai tráng lực lưỡng mình trần đang sửa soạn đánh những tiếng trống bập bùng và những cô gái đảo đang sửa soạn những vòng hoa để quàng vào cổ những khách lạ. Bây giờ thì không còn tưởng tượng được nữa. Ông già Tám Vân, một thời đóng vai cướp biển nghĩa hiệp và mọi người đã tan tác đi về một phương trời nào rồi. Họ có muốn ở lại cũng không được nữa, Việt Cộng đã san bằng ấp này rồi, nếu không thì cũng bị chiến hạm đi qua thỉnh thoảng nã vào một vài quả trọng pháo như nã vào các vùng tự do pháo kích.

 Mất một ấp, quận phải tìm cách tạo thêm các ấp khác, nhưng lần này không dễ dàng gì như những lần trước. Số dân còn lại đều nằm sâu trong đảo, sống dựa vào các vườn tiêu hay làm rẫy. Nếu lập ấp ngay nơi đó thì không thể được, mà tìm cách quy dân thì thật khó khăn vô cùng.

 Anh được yêu cầu viết một thông cáo kêu gọi dân chúng di chuyển về xã Dương Đông. Họ sẽ được giúp đỡ, cấp đất, cây và mái tôn để làm nhà, gạo cùng thực phẩm trong những tháng đầu. Trong thông cáo cũng không quên đề cập đến lợi ích cuả việc quy dân về các vấn đề y tế, xã hội, kinh tế, giáo dục và an ninh ..v..v.. Thông cáo ra đã nhiều lần mà chẳng thấy ai nhúc nhích. Quận bèn phải dùng cách xua dân. Lần đầu đi bằng đường bộ, đã nhùng nhằng lại bị du kích bám theo chặn đường. Hôm đó, anh đứng chờ ở ngả phi trường để chuẩn bị tiếp cư, nhưng được tin họ phải trở về tay không và thám báo cho biết, may mà chỉ có ‘’một con’’ bị thương. Lần sau, quận cố dùng cách đưa dân ra phiá biển, gần hơn và có ghe chờ để di chuyển. Lôi thôi thế nào, cũng vẫn bị du kích bám theo, tỉa làm mất luôn ‘’một con’’. Quận đành phải ngưng mọi kế hoạch quy dân.

 Mỗi lần có lính chết, anh lại phải nghe hàng tuần dài tiếng gào khóc, kể lể của người vợ lính từ khu trại gia binh phía sau quận. Nhiều đêm ngủ không nổi. Có lần anh xuống thăm, thấy tội nghiệp người đàn bà, mắt xưng húp, nhìn thấy anh, chị ta lại càng vật vã, gào to bên cạnh mấy đứa con nhỏ mình trần lem luốc, ê a như chẳng biết có chuyện gì xảy ra. Nhìn những cảnh đó, anh không thể cầm lòng được, nhiều lúc muốn khóc. Nghĩ đến không hiểu tương lai người đàn bà và những đứa trẻ thơ này rồi sẽ ra sao.

 Đại Úy Hùng mỗi lần nghe tiếng khóc thì sốt ruột chịu không nổi, luôn luôn dục anh:

-Ông tìm hộ một số tiền nào giúp mẹ con nó về quê, chứ ở đây chờ tiền tử tuất thì đến bao giờ. Mà nó cứ ngồi khóc như thế này thì lòng dạ nào mà lính nó đánh nhau được!

Mỗi lần có một tên du kích nào bị hạ, nhận diện được có liên hệ với người trong quận, lính thường cố mang xác về nhà lồng chợ để bà con họ mang về chôn cất, cũng là luôn thể để cảnh cáo. Chẳng có ai dám lên nhận, để lâu ruồi bâu làm các tiệm xung quanh phải đóng cửa, nên lính thường phải đến tận nhà áp tải người liên hệ đến nhận mang về.

 

 *

 Sau một ít tuần điều nghiên, quận và chi khu đều đồng ý không thể dùng quân sự được và quyết định dùng biện pháp bao vây kinh tế để quy dân. Biện pháp này cần phải một thời gian dài, nhưng an toàn hơn.

 Phú Quốc là một hòn đảo có nhiều tài nguyên quan trọng. Lâm sản có gỗ quý, khoáng sản có một vài quặng mỏ. Phiá nam đảo có vườn cao su đã bị bỏ hoang. Hải sản thì biển đầy cá và nước mắn nổi tiếng ai cũng biết. Ngoài ra, hồ tiêu cũng đứng hàng đầu, quan trọng không kém. Anh đã theo rõi và làm thống kê, một năm Phú Quốc xuất đảo khoảng trên 300 tấn, đứng đầu toàn quốc, gấp ba lần Bà-rịa, đứng thứ nhì. Anh cũng đã có dịp nếm thử tiêu cứt chồn và tiêu ngâm dấm để đưa thêm cay khi ngồi nhậu khô thiều hay mực nướng.

 Điều lôi thôi nhất là tất cả các vườn tiêu lại nằm trong các vùng hoàn toàn không kiểm soát được. Bên ngoài thì Việt cộng tha hồ mà thu thuế. Bên trong thì mấy chú Ba Tàu nắm hết quyền thu mua, y như cách mua luá non cuả miền Nam. Họ cho chủ vườn tiêu vay mượn đủ thứ, không những tiền mà còn gạo, vải, nhu yếu phẩm và các dụng cụ làm rẫy. Nhiều khi họ còn cố tình cho vay thêm để buộc chặt chủ vườn tiêu vào. Từ năm này qua năm khác gỡ không ra nổi. Họ lời đủ cách, lời lúc mua tiêu, lúc bán tiêu, lại lời lúc bán các hàng hoá ra.

 Sau này, anh điều tra và được biết thêm, chính số vốn khổng lồ được xuất ra từ Hồng Kông cho Chợ Lớn và Chợ Lớn cho Phú Quốc. Hồ tiêu dĩ nhiên phải chạy ngược lại theo đường trên. Cách cho vay lại rất dễ dàng, chẳng cần một văn kiện , giấy tờ, lăn tay hay thị thực chữ ký. Nhiều khi chỉ cần nói vào băng thu thanh làm bằng, khiến không một Hợp Tác Xã nào cuả chính phủ có thể đứng vững nổi.

 Các chủ vườn tiêu nợ một chủ nợ suốt đời. Một vài người cố phá cái vòng cương tỏa đó, tự mang tiêu về Saigon bán. Khuân tiêu xuống tàu vào Rạch Giá, khuân ra xe từ Rạch giá về Saigon. Tiền xe, tiền ăn, tiền trọ kham không nổi. Bán sỉ thì bị Ba Tàu dìm giá, mà bán lẻ thì không biết phải chờ đến bao giờ bán mới hết. Cho nên, tất cả đều nằm quy phục.

 Nhưng dầu sao, đời sống của họ cũng vẫn no đủ dễ dàng hơn những nông dân trồng các hoa mầu khác, khiến cho chẳng mấy ai chịu trồng luá cả. Thành thử 95% gạo trên đảo đều phải nhập từ Rạch Giá. Quận đã phải áp dụng cách phân phối gạo theo chế độ khẩu phần. Cách này đã giúp quận kiểm soát được nhiều vấn đề. Trước hết là vấn đề dân số, nhân khẩu của từng gia đình, những người muốn đến đảo cư ngụ, dân số trong từng xóm trong các ấp chiến lược và các vùng không kiểm soát được nếu họ muốn có hộ khẩu. Nhất là không có thừa gạo để nuôi du kích.

 Cách này còn giúp cho quận kiểm soát được các nhà buôn gạo tránh cảnh đầu cơ. Giá gạo luôn luôn được một ủy ban ấn định, nhà buôn không thể tự ý tăng giá một cách ngang xương. Những ai muốn có môn bài bán gạo, phải ưng thuận một điều kiện là luôn luôn phải có một số gạo tồn kho ít nhất là một tháng bảo đảm thường trực được chỉ định, để phòng ngừa sự thiếu gạo trên đảo. Đã có một lần, biển động gần hai tháng trời, tầu chở gạo nằm chờ ở An Thới, phiá nam đảo không thể nào vào được cửa Dương Đông được. Các đường bộ đều bị cắt, nếu di chuyển thì chỉ làm mồi cho du kích. Gạo gần hết, cả quận nhao nhao, sắp phải cầu cứu chuyển gạo bằng đường hàng không thì biển yên lại.

 Lợi dụng các yếu tố trên, kế hoạch bao vây kinh tế đã được nghiên cứu và đem ra tiến hành. Kế hoạch lại phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trên đảo, nhất là với các lực lượng hải quân và hải thuyền tuần phòng duyên hải. Nhiều vùng biển bị phong tỏa, ghe thuyền chỉ được cặp tại những bến đã được chỉ định, nếu trái lệnh có thể bị bắn chìm. Các cửa ấp chiến lược được kiểm soát nghiêm ngặt, ai đi ra ngoài ấp làm rẫy chỉ được mang theo đủ phần ăn trong ngày, không thể thừa dành cho người khác. Thực hiện kế hoạch này phải kiên nhẫn, hiệu quả chỉ đem lại sau ít nhất là trong vòng sáu tháng đến một năm.

 

 * 

 Thời gian anh ở đảo có lẽ cũng khá lâu, bạn bè thường ngạc nhiên không thấy anh nhúc nhích xin đổi về đất liền. Có lẽ anh đã tạo cho anh huyền thoại của hòn đảo, và chính huyền thoại này đã giữ anh lại. Thật ra, anh nghĩ nếu cố xin được thuyên chuyển mà lại phải về các quận khác thì ở lại còn hơn, mà về tỉnh thì anh lại chán ngấy cái cảnh thư lại, nhàm chán . . .

 Sau này, anh nhận làm Trung Gian Ngân Khố nên hàng tháng lại có dịp trở về đất liền để lãnh tiền ra chi cho các ngân phiếu trên đảo. Có khi thay vì vào Rạch Gía, anh lại tìm cớ về lãnh tiền thẳng tại Ngân Khố Saigon. Nhiều người cũng mượn dịp xin đi cùng hộ tống, súng ống lỉnh kỉnh để tránh du đãng cướp giật. Nhiều khi không muốn đi mà vẫn cứ phải đi, vì mỗi lần đi như thế bao nhiêu tiền lương của anh trong túi, anh cùng bạn tiêu hết sạch trước khi quay về đảo. 

 Lần nào ra máy bay về đất liền, anh cũng gần như phải đi trốn con chó Tino của anh. Nó là giống chó Phú Quốc, lông đen sát vào mình, có một đường xoáy chạy dài dọc sống lưng, rất khôn và săn rất giỏi. Nghe nói chó Phú Quốc đã được ghi trong một cuốn tự điển quốc tế. Khi anh rời ra trụ sở quận mới, một người dân đem con chó đó cho anh, vì ở đó canh gác quá sơ sài. Việt Cộng có thể đột kích từ ngã biển lên bất cứ lúc nào vì không có đồn canh ở phía đó. Sau này anh còn nuôi thêm một bầy ngỗng, hơn chục con mua từ Rạch Gía về. Ngỗng rất thính, thấy động là la quàng quạc, và thường hay tấn công người lạ. Cỏ trong quận không đủ, thường phải mua thêm lúa cho ngỗng ăn. Lúa thì không có nhiều, lúc đắt mua không nổi, nên thư ký trong quận cứ dụ ăn dần mỗi khi thèm thịt, thiếu mồi. Sau khi anh rời đảo, quận bị xâm nhập từ ngả đó hai lần, có lần một quận trưởng bị tử thương.

 Con Tino lúc nào cũng theo sát anh, anh ngồi ở đâu, nó nằm ngay dưới chân anh. Khi anh ngủ, nó nằm sát cạnh giường, không lúc nào rời. Lần nào ra quán ăn hủ tíu, Cù Đe cũng cho nó một tô xương với bạc nhạc đày ụ. Ai mà lạ, đi đứng lấm lét là nó gầm gừ xua ra xa. Dân đến quận không đi bằng cửa chính, cứ thập thò ở cửa, nó đuổi cho kỳ được ra khỏi quận, nếu không có ai la cản. Mỗi lần Cha Cung từ An Thới lên, áo linh mục lòe xòe, đến thăm quận là thư ký cứ phải canh chừng vì sợ nó cắn rách áo của cha.

 Nhiều lần, anh đã lên ngồi ở máy bay chờ cất cánh, không hiểu con Tino tìm cách nào nhẩy lọt được lên, khiến mấy cô chiêu đãi hàng không la oai oái. Cô Mai lúc nào cũng làm vẻ xa cách và thường chê đường bay này là Air Nước Mắm. Chắc đã có lần cô gặp phải tai nạn nước mắm bị bể trong chuyến bay. Cô Mai sau này thành vợ của Thiếu Tướng Kỳ. Riêng cô Thoại thì vui vẻ, dễ chuyện trò, thông cảm cho những dân ra làm việc trên đảo. Anh lại phải đi xuống để nó theo, và anh thường là người lên sau chót hết. Những ngày vắng anh, nó chạy sục sạo đi tìm những nơi mà anh thường đến. Lúc nó chạy ngang qua quán Cù Đe, ông ta đem tô xương ra, nhưng nó chẳng thèm ăn và bỏ chạy đi. Khi anh di chuyển vào Rạch Gía, anh đem nó theo. Một lần về Saigon công tác, Thiếu Úy Mạo trông dùm và đem nó đi theo hành quân, con Tino của anh đã bị lạc mất. Anh trở lại tỉnh, không có nó, buồn thẫn thờ mất bao nhiêu tháng trời...

 

 *

 Saigon lúc đó rối mù chính trị. Hàng ngày các sư và phật tử xuống đường liên miên chống lại chế độ Ngô Đình Diệm. Đi đâu cũng thấy dây kẽm gai chắn đường và Cảnh Sát Dã Chiến rằn ri lúc nào cũng lăm le bắn lựu đạn cay vào đám đông. Bạn bè anh ở Saigon cũng chẳng còn lại mấy người, phần đông đã phải nhập ngũ. Một hôm, ngồi một mình tại quán Givral, một người bạn đi ngang qua, kéo anh đến tham dự một buổi họp. Địa điểm có tính cách kín, vì sợ mật vụ và công an rình rập. Đến đó, đã thấy một số đông sinh viên và học sinh, và một lãnh tụ của họ đang hùng hồn đả kích chính phủ, phản đối các cuộc bắt bớ giam cầm trái phép, và đòi hỏi phải thực thi các quyền tự do căn bản. Người bạn nhìn anh có ý hỏi xem có ý kiến gì không. Anh nhìn lại người bạn bỗng nhớ ngay đến những ngày mới di cư từ Bắc vào Nam, chính anh ta và anh đã theo các đàn anh hội họp ngày đêm bàn truyện truất phế Bảo Đại, suy tôn Ngô Đình Diệm, đuổi thực dân Pháp về nước. Sau đó lại hùa nhau đi phá khách sạn Majestic và Trần Hưng Đạo đuổi phái đoàn hiệp thương về Bắc. Nay anh ta lại dẫn các đàn em lao vào một cuộc tranh đấu khác.

 Sau buổi họp, anh không có dịp nói một lời nào với bạn. Hai người chia tay nhau, bạn anh ở lại trong cảnh rối mù của thời cuộc, còn anh về lại một nơi xung quanh chỉ thấy dân quê nghèo nàn, và Quốc Cộng vẫn thù nghịch, ngày ngày vẫn giết hại lẫn nhau. Anh mong bạn tìm ra lối thoát.

 Anh trở lại đảo, sống lại cuộc đời tự do, phóng khoáng của biển cả và của núi rừng. Vẫn còn có những buổi chiều thả bộ dọc theo bãi biển từ Dinh Cậu xuống khách sạn Sơn Hải, ngắm hoàng hôn và nhìn mặt trời tròn đỏ ửng lặn dần xuống biển. Thỉnh thoảng, Đại Úy Minh, Hạm Trưởng là anh em với một ông Bác Sĩ đối lập chống chính phủ, sau những chuyến hải hành, thường hay neo tàu ở Dương Đông lên thăm quận. Anh ta thường chiếm giường của anh, và thừ người nằm đọc mấy quyển truyện tiếng Pháp loại bỏ túi mà anh để đầu giường. Đôi lúc, Đại Úy Minh thổ lộ cho biết :’’ Ông Diệm cho an ninh theo rõi moa sát nút, chỉ sợ moa mang tàu sang Cam Bốt’’.

 Chẳng bao lâu, hai anh em Tổng Thống Diệm bị thảm sát, chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ, chính phủ quân nhân lên cầm quyền. Đại Úy Thanh, Quận Trưởng bị gọi ra phi trường, triệu hồi tức tốc về Bộ Tư Lệnh Hải Quân, không kịp về quận bàn giao lại mọi việc, vì có liên hệ họ hàng với Tổng Thống Diệm. Một vài vị nhân hào thân sĩ có quen biết với tướng Minh, Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng vội chạy lên quận yêu cầu tập họp mít tinh và gửi kiến nghị gấp về Saigon triệt để ủng hộ cách mạng. Đang mít tinh, hò hét ủng hộ, đả đảo thì Trung Úy Võ, Phó Duyên Khu 4 từ căn cứ An Thới lên báo cho anh biết trung đội nghĩa quân Công Giáo đã trả lại võ khí, không phòng thủ nữa, và dục anh phải xuống ngay nói với họ cầm súng trở lại. Căn cứ Duyên Khu 4 chỉ huy các lực lượng Hải Thuyền từ sông Ông Đốc, Cà Mâu trải dài đến vịnh Thái Lan, mà không có một lực lượng diện địa phòng thủ, vòng ngoài chỉ trông cậy vào trung đội nghĩa quân nói trên. Họ đều là người Công Giáo, Ba Làng vượt biển vào Nam năm 1954, chống Cộng có hạng. Sau buổi mít tinh, anh cùng Trung Úy Võ xuống ghe chủ lực vượt sóng đi An Thới. Đến nơi, xin vào gặp cha Cung, quản nhiệm địa phận. Chắc cũng dễ hiểu, chẳng cần phải dùng tài thuyết phục, cha cũng thừa biết vì ông Diệm mà bỏ súng nếu Việt Cộng nó đánh thì chết cả đám. Dân An Thới, Công Giáo Ba Làng chỉ cần dằn mặt quân đội đã giết vị lãnh đạo của họ.

 

 *

 Mấy tháng trời, đảo không có quận trưởng. Ở Saigon thì các tướng lãnh không thuận nhau, chỉnh lý cứ xảy ra hoài hoài. Nhân hào thân sĩ cũng theo cái nhịp đó, chạy lên quận điện kiến nghị về ủng hộ tướng lãnh mới lên nắm quyền. Có lần, Trưởng Chi Thông Tin hấp tấp chạy lên quận báo tin, tướng Vùng 4 chống lại Saigon, đang dùng đài Ba Xuyên bài bác chính phủ, mà quận thì mỗi chiều đều trực tiếp truyền thanh đài này cho dân chúng nghe. Ông ta hỏi nên xử trí ra sao, không biết theo bên nào và chống bên nào. Anh liền bảo ông ta loan báo vì lý do trục trặc kỹ thuật, nên chương trình phát thanh phải ngưng lại trong phút chốc. Nhưng rồi cũng phải hai ba hôm, nghe ngóng tình hình tạm yên mới cho phát thanh trở lại.

 

 Ít lâu sau, Thiếu Tá Châu, bên Hải Quân được cử ra làm quận trưởng. Ông ta rất ghét cờ bạc và thích chơi trò trị dân như ngày trước quan huyện phạt đám dân đen. Cứ mỗi Thứ Ba, mở sổ số là ông cho lính đi rình bắt bọn đánh số đuôi. Chỉ cần bắt được cuốn sổ là bao nhiêu tên người chơi đều nằm trong đó, lính chỉ cần đến tóm giải lên quận. Mọi lần thì anh chỉ bắt họ làm cỏ vê trên các con đường trong quận, nhưng Thiếu Tá Châu thì lại bắt mỗi người nằm úp trên ghế dài, lấy roi mây dang tay ra quất mỗi người mười roi. Nhiều chị mặc quần mỏng bị roi quắn mông, khóc như cha chết. Nhưng dân vẫn không chừa, Thứ Ba nào từng đám vẫn bị giải lên quận. Đánh mãi, nhiều khi mỏi cả tay, gãy cả roi, nên ông phải dự trữ từng bó roi mây trong quận. Nhiều lần, ông ta đưa roi bảo anh thay ông ra tay, nhưng anh từ chối. Ông sai lính, thì họ đánh nương tay, ông không chịu. Có những con bạc có kinh nghiệm, thường mặc quần có hai túi sau và để hai chiếc bóp dày cộm sau mông, nhưng chỉ vài lần là Thiếu Tá Châu biết ý, bắt moi bóp ra trước khi nằm xuống ghế.

 Một hôm, Thiếu Tá Châu vào phòng đưa cho anh tờ báo, miệng chửi thề bảo anh đọc và nhờ tìm cách trả lời. Anh cầm tờ báo xem, ông ta không bị dân thưa vì tội dùng roi đánh dân mà lại bị thưa về tội bỏ dân đói, do kế hoạch bao vây kinh tế được thực hiện trước ngày ông đến đảo nhận chức. Anh còn nhớ bài báo đó được đăng trong mục đóng khung Quan Điểm của một tờ nhật báo do hai nhà cách mạng lão thành Nam và Bắc, là cụ Bạch văn Mùi và cụ Nguyễn thế Truyền chủ trương. Cụ Truyền còn nổi tiếng thêm vì có vợ là công chúa người Bỉ. Đối với các bậc trưởng thượng như thế, anh chỉ còn biết kính trọng. Anh bàn với Thiếu tá Châu là anh sẽ viết một lá thư mời hai cụ ra chơi đảo, nghiên cứu tình hình và dậy bảo cho kẻ hậu sinh nên làm những gì, vì hai cụ chắc có nhiều kinh nghiệm với Cộng Sản. Thư gửi đi đã lâu mà không thấy hồi âm gì. Thiếu Tá Châu cười và nói với anh, chắc hai cụ sợ bọn con cháu chơi xỏ, khi hai cụ ra đây lại xúi dân vệ bắn sẻ trêu chọc.

 Sau này, ba người Đại Úy Minh, Đại Úy Thanh và Thiếu Tá Châu đều trở thành Đề Đốc giữ những chức vụ quan trọng trong Hải Quân.

 Anh lại nghĩ đến, trong chiến tranh, Cộng Sản lấy nông thôn làm bàn đạp, cấp quận được coi như một tuyến đầu sống còn của người Quốc Gia. Những cán bộ hành chánh trẻ, được huấn luyện cấp Đại Học và đưa về mong làm thay đổi một phần nào bộ mặt của nông thôn, và củng cố chính nghĩa. Hành trang chữ nghĩa họ đem theo hầu hết là những lý thuyết cao siêu từ các giảng đường đại học, những tư tưởng quốc tế xa vời được những giáo sư khoa bảng truyền thụ mà hầu hết các bậc thầy này cũng như các bậc cách mạng lão thành Quốc Gia đã không có những kinh nghiệm sống hay những thời gian đặc biệt nghiên cứu về nông thôn. Sinh viên mới ra trường đã phải tự mình lần mò học hỏi những điều xẩy ra hàng ngày, và điều chỉnh giữa lý thuyết và hoàn cảnh thực tế. Khi tạm đủ lông cánh, thì họ lại tìm cách bay đi tìm những phương trời an lạc hơn, để lại nông thôn cho những đàn em tay mơ mới ra ràng loay hoay như những ngày mà các khóa đàn anh mới đến.

 Có một lần, anh từ quận trở về Saigon công tác, và có dịp thăm lại trường cũ. Lúc anh học ở trường, Giáo sư Vũ Quốc Thông là Viện Trưởng, nay là Giáo sư Nguyễn Văn Bông thay thế. Một sự tình cờ anh gặp Giáo sư Bông tại hành lang và ngẫu nhiên anh ngỏ ý muốn thưa một vài câu chuyện của một sinh viên ra trường làm việc ở cấp quận. Giáo sư vui vẻ dẫn anh trở lại văn phòng để nghe chuyện. Câu chuyện của anh là những mối quan tâm kể trên. Giáo sư im lặng ngồi nghe, không nói. Trước khi từ biệt để về quận, Giáo sư đưa tay ra bắt, anh nhìn cặp kính trắng dày cộm và trên vầng trán hiện rõ ràng đầy nét ưu tư. Anh chắc rằng Giáo sư cũng đã được nghe những lời trình bày như của anh nhiều lần. Ít lâu sau, anh nghe được tin Giáo sư bị ám sát chết...

 

 

 *

 

IV. Giấc Mơ Hoang Tưởng Tan Theo Con Trâu Rừng

 

 Phú Quốc như là một địa điểm du lịch lạ, các tướng lãnh và chức sắc chính quyền trung ương hay ghé qua dù chỉ trong chốc lát. Cứ mỗi lần như thế, nhân viên quận rất hiếu khách, theo một thông lệ đã có từ lâu, thường đem nước mắm và cá khô thiều ra tận sân bay để tặng cả phái đoàn. Tổng Thống Diệm và tùy tùng có ra thăm một lần. Tướng Thiệu, khi chỉ huy Vùng 4 và bà vợ cũng có ghé thăm. Sau đó, Tướng Dương văn Đức có lần ra hò hét quận bắt lính, náo loạn cả đảo, khiến bao nhiêu gia đình gặp cảnh ly tan. Một lần, một chiếc máy bay nhỏ từ đâu đến lượn mấy vòng trên văn phòng quận báo hiệu, và sau đó hạ cánh xuống phi trường Dương Đông. Quận phải hộc tốc mang xe ra đón, thì ra là phái đoàn Tướng Westmoreland đến mà không báo trước. Sau khi nghe thuyết trình xong, phái đoàn trở lại sân bay, anh đã thấy mấy người thư ký quận đã sẵn sàng đứng cạnh máy bay, với mấy chai nước mắm để tặng. Thấy anh ngần ngại, thì một sĩ quan tùy tùng nói ngay:’’Ô, Whisky Việt Nam, chúng tôi thích lắm!’’. Tướng Westmoreland cười, cám ơn và giơ tay bắt tay mọi người. Lúc đứng nhìn chiếc máy bay mất hút sau dặng núi, anh mới nhớ ra, có một vài cố vấn Mỹ đến đảo, thấy các chai nước mắm nhĩ vuông, óng ánh như mấy chai wisky mèo đen, ngửi lại thấy thơm một cách đặc biệt, đã khiến họ nếm một cách say sưa.

 Lúc đó đến lượt Tướng Khánh lên cầm quyền, ông nảy ra ý kiến biến Phú Quốc thành một trung tâm du lịch, giải trí cho lính Mỹ khi đi phép, để thâu thêm ngoại tệ, thay vì họ mang đô la đi tiêu xài ở Hồng Kông hay Thái Lan... Điều đầu tiên là phải nâng Phú Quốc lên hàng tỉnh, để có đủ cơ sở và nhân sự điều hành các chương trình. Anh được chỉ thị lập một dự án sơ khởi thành lập Tỉnh Phú Quốc. Trên đảo đã có gần đầy đủ các cơ sở hành chánh và chuyên môn, mà một số ở cấp ty, trực thuộc thẳng trung ương như một số tỉnh nhỏ vùng cao nguyên, vì thế chi phí phát triển không đến nỗi tốn kém lắm.

 Đây là một dịp đầu óc anh bay bổng, nghĩ lại ngày nào tìm lại được thiên đường đã mất. Anh tưởng tượng ra một con đường vòng ven đảo, qua những bãi biển nhỏ mà bao lâu không có dấu chân người. Một cái đê ngoài cửa biển ngăn sóng để các tàu thuyền ra vào rạch Dương Đông cho dễ dàng, và cũng là chỗ để các du thuyền và nơi trượt nước cho du khách. Quận cần có một họa đồ thiết kế thành một thành phố du lịch, ít nhất cũng phải có tính cách quốc tế. Những rừng san hô phía nam đảo cần được bảo vệ cho những khách muốn thám hiểm vùng biển nhiệt đới. Cần có cả các du thuyền cho du khách đi câu và các chuyên viên hướng dẫn môn săn cá dưới biển.

 Anh chắc rằng Tướng Khánh cũng đã lôi cuốn được một số tư bản đầu tư đủ để phát triển hạ tầng cơ sở, xây cất các khách sạn, các trung tâm giải trí và thực hiện một sân golf, môn thể thao mà người Mỹ ưa thích. Tướng Khánh cũng thể nào quên được vấn đề bình định hòn đảo. An ninh phải là một trăm phần trăm, nếu không chỉ một sớm một chiều, tất cả công trình sẽ thành mây khói hết. Ông dự định đưa mấy ngàn dân Nùng chống Cộng ra định cư. Họ sẽ được cung cấp tất cả phương tiện về đời sống trong mấy năm đằu, và một số sẽ được tuyển mộ thành lập những đơn vị để lùng diệt du kích địa phương.

 Chẳng bao lâu, anh nhận được công điện chuẩn bị đón tiếp và lập một chương trình thăm viếng theo lời yêu cầu của các lãnh tụ Nùng. Anh nhường cho họ căn phòng, và tối nào cũng ngửi thấy mùi thuốc phiện thơm lừng văn phòng quận. Họ mang theo một số súng lạ, và bảo anh muốn lấy khẩu nào tùy ý. Anh chọn một khẩu súng sáu ngắn nòng có thể dấu kín trong người. Hôm sau, anh đưa họ đi vòng đảo để quan sát bằng tầu tuần phòng của quan thuế. Nếu không ghé đâu, cũng phải mất một ngày mới trở về quận được. Hồi đó, anh thỉnh thoảng nghe đài Nam Vang, ông Hoàng Shianouk cứ mỗi Thứ Bảy thường trực tiếp nói chuyện truyền thanh, lúc bằng tiếng Miên, lúc bằng tiếng Pháp, lúc lại bằng tiếng Anh. Nhiều lúc ông gay gắt lên án Việt Nam xâm lăng, to tiếng đòi lại đảo Phú Quốc và dọa sẽ tấn công bằng mọi lực lượng, vì thế anh rất e ngại mỗi lần phải đi vòng lên phiá Bắc đảo, len giữa eo biển nhỏ gần kề với đất Miên, hải quân Cam Bốt có thể áp đảo kéo tàu về lấy cớ là vi phạm hải phận.

 

 *

 

 Sau khi tiễn họ về, anh lại phải sang Hàm Ninh, phía Đông đảo để giúp Hội Đồng Xã tổ chức lại một số vấn đề hành chánh, tài chánh và nhất là định lại thuế má. Xã quá nhỏ, hành thâu rất là khó khăn, thành thử chỉ đủ trả lương cho một mình xã trưởng. Ông ta là một ông già, có chút chữ nghĩa, tính toán, hàng ngày lại phải kiêm luôn chức giáo làng dậy một đám trẻ nhỏ. Giáo viên cử đến tháng trước thì tháng sau lấy cớ đau ốm về đất liền rồi ở luôn không thấy ra nữa. Nếu tăng thuế để đủ chi phí điều hành xã thì chắc dân sẽ bỏ đi hết, chỉ còn le que ít lính trong đồn, rồi chẳng bao lâu đồn sẽ bị triệt hạ vì lý do này hay lý do khác, và quận sẽ mất thêm một xã nữa. Thành thử, mọi chuyện cứ để lê lết như thường lệ.

 Không còn chuyện gì làm, anh gọi về quận để cho thuyền đến đón, thì trời nổi gió, mây đen ngùn ngụt phủ đầy trời. Biển động sẫm lại và sóng đánh vào mấy chiếc ghe cắm ngoài xa, dập vùi như muốn nhận chìm xuống biển. Anh nghĩ ít nhất cũng phải một tuần nữa mới có thể trở về quận được. Mấy quyển sách anh đem theo cũng vừa đọc hết, anh lang thang đi từng nhà, nói chuyện với các ông già bà cả. Họ kể lại những chuyện nghe như chuyện ngày xưa tự thuở bán khai. Nói chuyện với các trẻ thơ, thấy chúng vô tội, và thấy thương vô vàn khi nghĩ đến tương lai của chúng. Có lúc, anh trầm ngâm ngồi nhìn và nghe chuyện giữa một cô gái đảo đương thì và một anh lính trẻ trong đồn, anh chưa tưởng tượng được giấc mơ của họ như thế nào ở chốn tận cùng của trời đất này.

 Một buổi trưa, anh đang nằm lơ mơ trên võng sau nhà của một người thợ săn, anh bỗng choàng dậy vì thấy một cái gì ẩn hiện trên đống cát gần hàng rào thưa. Anh vội chạy đến, lấy tay gạt cát và khênh lên một cái sọ trâu trắng hếu với hai cặp sừng cùn sơ mà cái nào cũng chỉ còn một nửa. Anh lệ khệ bưng vào nhà hỏi chuyện. Họ cho biết, hơn tháng trước Thiếu Úy Bình cùng mấy người trong ấp đi săn, đột nhiên gặp con trâu rừng này. Lúc nó trông thấy Thiếu Úy Bình, thì chỉ còn cách xa vào khoảng ba chục thước, nó đứng yên, hai chân cào đất lấy thế tấn công. Mọi người thấy thế dãn ra, chỉ còn Thiếu Úy Bình quỳ xuống sẵn sàng nạp đạn. Sau một lúc nghênh nhau, con trâu rừng bỗng lao về phía Thiếu Úy Bình, mấy viên đạn nổ kịp, theo đà con trâu ngã gục trước mặt Thiếu Úy Bình... Anh không còn muốn nghe thấy gì nữa, vội chạy lên đồn sinh sự với Thiếu Úy Bình, thì lính trong đồn cho biết, Thiếu Úy Bình đi săn bị ngã từ trên cây xuống, gẫy xương sống, đã phải đưa vào bệnh viện tỉnh mấy tuần trước rồi.

 Anh thẫn thờ đi ra khỏi đồn, tưởng tượng đến phút cuối cùng của con trâu rừng trên đảo đã gục ngã. Tưởng tượng đến cả đám trâu rừng của bà Kim Giao đem ra hơn hai trăm năm trước nay không còn nữa. Tưởng tượng đến cái dấu vết cuối cùng của một thiên đường hoang tưởng đã mất mà anh đang tìm, như bỗng chốc không bao giờ còn tìm thấy lại. Anh trở về nhìn lại cái sọ trâu với cặp sừng, lấy tay phủi hết cát trong cặp mắt sâu hoắm, tưởng như bao nhiêu huyền thoại vẫn còn chứa chất trong đó. Anh thấy đoàn thuyền của Nguyễn Huệ đang lùng đuổi Nguyễn Ánh, thấy con cá voi đang cố sức đỡ thuyền cho Nguyễn Ánh khỏi bị lật trong cơn giông bão, thấy một đàn cá lạ đến dâng mình cho Nguyễn Ánh trong cơn đói lả. Thấy hình ảnh của nhà truyền giáo từ một xứ xa lạ nào đó đang nằm thở những hơi cuối cùng trong ngôi giáo đường ven biển, chờ Chúa đến đón. Thấy Nguyễn Trung Trực đang treo đứa con nhỏ của mình trên nhành cây cho dân trong trong ấp nuôi để cố thoát khỏi cuộc vây bắt của giặc Pháp. Thấy cả đám tù binh gầy guộc đang lê lết san bằng đất làm phi trường Cửa Cạn trong Thế Chiến Thứ Hai, thấy lại từng đoàn máy bay Nhật lên xuống bụi mù cả một vùng, thấy đám lính Nhật bắn súng vang trời ăn mừng khi Tân Gia Ba thất thủ. Thấy lại cả đám tàn quân Quốc Dân Đảng bị Hồng Quân Mao Trạch Đông tràn qua sông Dương Tử xua ra khỏi Trung Hoa đang mình trần chặt cây dựng lều tạm trú trên đảo. Thấy hình ảnh nghĩa trang của những Quốc Quân bỏ mình trên đảo mà mắt vẫn trông về cố quốc...

 Anh lại thấy hình ảnh thư sinh mới ra trường của mình, một mình tay xách chiếc va-li đến đảo, tưởng như đang sống lại một phần đời của Gaugin đang đi tìm lại một thiên đường lỡ dở trong các họa phẩm vẽ cảnh rừng dừa ven biển, với các chàng trai lực đang đánh những tiếng trống bập bùng, với những cô gái mình trần đa tình đang cầm vòng hoa đón khách lạ. Thấy lại hình ảnh lang thang của mình như một Gary Cooper sau những ngày phiêu bạt trở lại đảo như trong phim ‘’Retour au paradis’’. Thấy lại hình ảnh của mình ngồi trên mũi thuyền những ngày rong ruổi trên biển, nghe sóng vỗ và nhìn vào dọc đảo xanh để đến những ấp lạ như sống trong phim của thời ‘’Bảy chàng hiệp sĩ Nhật’’...

 

 * 

 

 Mấy hôm sau, biển lặng, anh về tới quận. Trong đống thư từ ứ đọng từ hai tuần trước, anh nhận được giấy thuyên chuyển về tỉnh. Người thay thế anh là người khóa dưới, đang tòng sự tại Bộ Nội Vụ. Nhân viên trong quận đến phàn nàn với anh, họ cứ ngỡ anh sẽ ở lại làm xong dự án thành lập tỉnh. Anh thu xếp chờ bàn giao, nhưng chờ mãi không thấy người đồng môn ra thay. Lúc đó, Tỉnh trưởng là Thiếu Tá Thụy, gọi cho anh và bảo có mấy chức vụ còn trống trong tỉnh, anh muốn chọn chức nào tùy ý. Ông cũng khuyên anh nên về dần, nếu ở mãi chỗ tận cùng đó người ta sẽ dễ quên. Riêng anh, anh thấy chẳng còn cớ gì có thể giữ anh ở lại đảo nữa.

 Vừa về tỉnh không được bao lâu, anh lại được Tỉnh Trưởng gọi đến nhờ ra đảo tổ chức tiếp đãi phái đoàn tướng Khánh. Hôm ông đến có hai máy bay, tùy tùng khá đông, có thêm tướng Công Binh, bên dân sự có Thủ Tướng Viên và một hai Thứ Trưởng. Sau khi hội họp tại quận, duyệt xét kế hoạch lập tỉnh lần chót, phái đoàn dân sự đi thị sát các cơ sở hiện hữu, sau đó sẽ ra máy bay về Saigon. Riêng phái đoàn các tướng lãnh ra chiến hạm xuống đảo Hòn Thơm để quan sát phía nam đảo. Anh được chỉ thị tháp tùng họ. Lúc đứng trên boong tàu, nhìn lá cờ vàng ba sọc và lá cờ tướng ba sao trên đỉnh chiến hạm, nền trời xanh, mây trắng lững lờ trôi, mặt biển lặng, nước trong và gió chỉ hây hây, anh thấy một ngày quá đẹp. Anh nhìn vào đảo, tưởng tượng đến một ngày nào hòn đảo sẽ sống như giấc mơ mà mình đã mơ.

 Khi đến Hòn Thơm, hai ghe chủ lực đã chờ sẵn sàng ở đó để đưa mọi người vào đảo. Anh đã đến Hòn Thơm vài lần, trên đảo cây cối xanh tươi, những bãi biển nhỏ cát vàng lóng lánh, những ghềnh đá sóng vỗ tung bọt trắng, đêm trăng ở đó thật là huyền ảo. Ven biển là những rừng san hô, cá nhiệt đới đủ màu lập lờ bơi dưới nước. Lúc mọi người đang dùng bữa trưa, thì một tin khẩn cấp từ chiến hạm báo cáo qua máy truyền tin là Việt Cộng dùng súng cối 81 pháo vào phi trường, định phá máy bay và tấn công vào phái đoàn dân sự đang chờ tại trạm hàng không. Tướng Khánh yêu cầu mọi người trở lại ngay chiến hạm và ra lệnh tàu quay về Dương Đông. Khi chiến hạm vừa nằm trên đường ngang với phi trường, hàng loạt trọng pháo được phóng ra nã vào sâu trong đảo. Tiếng nổ vang vọng lại, một vài cột khói bốc cao, anh có cảm tưởng hào hứng như đang đứng trước giờ đổ bộ trong cuộc Thế Chiến Thứ Hai. Báo cáo của lực lượng địa phương cho biết, đã đẩy được Việt Cộng ra ngoài hàng rào phi trường, máy bay bị một số đạn nhỏ, không biết hư hỏng ra sao. Phía ta, hai Địa Phương Quân bị thương nhẹ và một nghĩa Quân bị thương nặng.

 Anh cùng với một bác sĩ quân y xuống ghe ra đón vào đảo để săn sóc mấy binh sĩ bị thương. Sau khi băng bó và cho thuốc xong, ông ta liên lạc với Tướng Khánh, cho biết cần phải di chuyển nghĩa quân về bệnh viện tỉnh gấp để giải phẫu gấp, nếu chậm sẽ không qua khỏi đêm nay. Trời tối dần, tiếng súng đã ngưng, nhưng tình hình vẫn còn căng thẳng, hồi hộp. Vị bác sĩ phải trở lại chiến hạm và đưa cho anh chiếc máy truyền tin nhỏ để liên lạc. Anh tiễn ông ta ra ghe rồi trở về bệnh xá thăm lại mấy binh sĩ bị thương. Bà mẹ anh nghĩa quân vừa thấy anh, ôm choàng lấy anh khóc nức nở, van nài cố cứu sống đứa con. Anh không biết làm gì hơn, cố đứng yên lấy tay vỗ về bà ta an ủi để cơn đau đớn nguôi dần. Chợt có tín hiệu từ máy truyền tin, anh liền mở máy, từ chiến hạm báo cho anh chuẩn bị bãi đáp cho trực thăng tải thương. Anh lại nghe vọng qua máy, tiếng tướng Khánh gọi về Cần Thơ, ‘’Mặt Trời đây, Mặt Trời đây! Cho chuồn chuồn ra đón mấy đứa con tôi bị thương về tỉnh ngay!’’ Anh liền bảo mọi người đem đến một số đèn để làm dấu cho bãi đáp. Nghĩ đến tướng Khánh, lo cho mấy đứa con của mình, ra lệnh bất chấp các điều kiện mà thấy thương ông. Trời tối mà biển thì rộng, đến bố chuồn chuồn cũng không dám mò ra. Quá nửa đêm, anh nghe tiếng khóc gào lên từ trong bệnh xá, lại một thằng con của ông vừa hi sinh...

 Đêm đó, anh ngồi ở sân trước bệnh xá, không ngủ, nhìn lên trời máy bay thả hỏa châu liên tiếp sáng rực để bảo vệ hai chiếc máy bay còn lại ở phi trường. Anh được biết Tướng Kỳ cũng có mặt trong những chuyến bay đó để liên lạc với Tướng Khánh phía dưới. Sáng sớm hôm sau, một đại đội Dù được thả xuống truy lùng Việt Cộng, nhưng chúng đã trốn lủi vào một xó xỉnh nào đó từ lâu rồi. Anh chợt nhớ đến ít lâu nay, tình báo cho biết Việt Cộng trên đảo có súng cối 81, nhưng thám báo cố tìm mà không ra. Chúng đã dùng đúng lúc, dù không nhằm được đúng mục tiêu, nhưng đã làm dự án của Tướng Khánh cho hòn đảo tiêu tan...

 x

 

 Sau đó, anh về tỉnh Rạch Giá làm việc, rồi bỗng nhiên bị một trận sốt rét kéo dài mấy tháng trời. Chữa tại bệnh viện tỉnh mãi không xong, anh về Saigon và muốn ở lại luôn. Bác sĩ Tây ở Saint Paul chữa dai dẳng không hết, cuối cùng một người bạn thân đang học y khoa năm cuối, mát tay giúp anh khỏi bệnh.

 Anh trở lại tỉnh, và làm một quyết định quan trọng nhất trong đời, là lập gia đình với người yêu. Nàng đang học ở Saigon, những ngày nghỉ hai người thường cùng nhau ngồi xe dọc quốc lộ 4, qua những đồng luá xanh rờn mênh mông, và dọc theo các kinh lạch chạy dài bên lộ. Những buổi trưa qua bắc Mỹ Thuận, ngồi chờ trong quán, ăn những dĩa cơm với chim sẻ chiên dòn hay những con tôm dim đỏ ngậy. Những sạp mãng cầu căng nứt, vú sữa tròn bóng tưởng như tất cả mầu mỡ của phù sa đồng bằng Cửu Long chan hòa trong đó. Nhớ nhất là những buổi chiều mưa, anh và nàng cùng ngồi bên nhau qua bắc Vàm Cống, nhìn những giọt mưa rơi trên dòng sông rộng mịt mờ, vừa mới xa Saigon mà đã thấy nhớ lại Saigon ngay.

 Anh đưa nàng ra thăm lại đảo, lúc cùng nàng đứng dưới gốc dừa trên bãi biển gần Dinh Cậu, nắng ấm, gió rất nhẹ và sóng vỗ thì thầm, anh nhìn ra biển rộng, an bình, nghĩ đến những giấc mơ ngày nào. Trong đó có giấc mơ, mua được một hòn đảo nhỏ để cùng nàng sống những ngày huyền ảo trên đó. Đột nhiên bao nhiêu kỷ niệm cũ quay lại, từ ngày đầu tiên anh xách va-li đến đảo và cuối cùng là hình ảnh cặp sừng trên cát của con trâu rừng cuối cùng trên đảo bị bắn hạ ở một ấp xa. Con trâu này là con cháu của bầy trâu mà bà Kim Giao đã đem ra đảo mấy trăm năm trước trong thời Tây Sơn, con trâu cuối cùng mà anh đã cố đi tìm như đi tìm một huyền thoại, thì nay không còn nữa, và ‘’Thiên đường đã mất’’ của anh đã mất thật rồi. Anh từ từ nắm lấy tay người yêu và nhìn vào mắt nàng, nàng mỉn cười với anh, anh kéo nàng cùng chạy ra biển, như vào một thiên đường mới hoang tưởng nào đó.

 Chiến tranh ngày càng mãnh liệt, anh bị gọi nhập ngũ. Một sự tình cờ, vì nhu cầu anh được một bộ lớn thu nhận và được biệt phái làm việc ở đó. Anh tin rằng vận hạn cũ của mình đã hết, nay được ở lại Saigon với người mình yêu, xa hẳn những ngày lang bạt ở chốn tận cùng của trời đất...

 

 *

 Mãi tới năm 69, khi theo học trường Cao Đẳng Quốc Phòng, trong một chuyến du hành quan sát, anh mới có dịp trở lại Phú Quốc, nhưng chỉ đến được phía nam đảo để thăm trại tù binh An Thới. Trại trải dài, chứa hơn ba chục ngàn tù binh miền Bắc, và bốn tiểu đoàn Quân Cảnh canh giữ. Tiền của Mỹ nuôi lính Bắc Việt bị bắt dùng để trao đổi tù binh sau này. Hôm đó trong một phòng riêng, anh có dịp nói chuyện với một viên Thượng Úy, anh ta cũng sinh ở Hà Nội như anh, và bị bắt hai năm trước, trong một trận đánh trên vùng cao nguyên. Lúc rời khỏi phòng, anh bắt tay anh ta và chúc anh bình an, chóng được về với gia đình.

 Lần cuối, tháng Tư gần tàn cuộc chiến năm 75, anh lại ra Phú Quốc để tham gia tổ chức trại tiếp cư cho những đồng bào di tản miền Trung mà tàu của họ không được phép vào Vũng Tàu hay Saigon vì sợ rối loạn. Lần này anh cũng chỉ đến được An Thới, trại tù binh đã bỏ trống hoang tàn, nay phải sửa lại để cho dân tị nạn tạm cư. Tối hôm đó, anh ngủ lại trại, đêm âm u và tiếng rừng ảo não không còn huyền hoặc như những ngày trước. Hôm sau, anh lội bộ theo đường mòn ra phi trường An Thới để đón máy bay về Saigon. Lúc đứng trên những vỉ sắt ở phi đạo, anh nhìn ra biển những xà lan đày người tị nạn, chật cứng hứng nắng gắt vẫn phải neo ngoài xa chờ Hải Quân thanh lọc. Bên trạm kiểm soát, xác mấy Thủy Quân Lục Chiến bị bắn nằm lẫn với cát, máu hòa loang lổ với nước biển, vì lợi dụng lúc hỗn loạn cướp bóc và hà hiếp dân tị nạn.

 Anh lại nghĩ đến hòn đảo, sau khi anh rời bỏ, đã thành một hòn đảo của ngục tù. Từ trại tù binh lính miền Bắc, trước đó là trại Cửu Sừng giam những du đãng bất trị như trùm Đại Cathay và một bác sĩ miền Trung chống lại chính phủ. Nay là chỗ cho những kẻ tị nạn khốn cùng bị xua đuổi. Sau này, lại là trại cải tạo giam giữ những người thuộc chế độ cũ… Nhưng không hiểu sao, lúc nào khi anh nghĩ hòn đảo, anh vẫn luôn luôn mường tượng như một miền hoang tưởng huyền thoại nào đó

 *

 Bao nhiêu năm qua ở xứ ngưới, anh vẫn còn nhớ lại có những chiều trên đảo, anh đứng một mình trên đồi, nhìn biển rộng mênh mông, nhìn những đám mây bay lang thang trên nền trời xanh, nhìn những đám cỏ may theo gió thổi chạy vờn về cuối đảo, tự nhiên làm cho anh thấy mong nhớ một cái gì xa xôi. Mây và cỏ may thường làm gợi nhớ đến dĩ vãng. Anh chợt nghĩ không hiểu có còn dịp nào để quay lại hòn đảo này nữa hay không, nhưng mây và cỏ may thì dù đi đến một phương trời nào thì người ta vẫn thấy...

(Còn tiếp)


 NGUYỄN CÔNG KHANH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Mười 20144:06 CH(Xem: 28979)
Biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong nay đã lan rộng sang các khu vực khác trong thành phố, trong lúc các lãnh đạo thân Bắc Kinh mừng quốc khánh Trung Quốc hôm 01/10. Hàng chục ngàn người biểu tình nay đã chiếm đóng các giao lộ chính của thành phố. Phóng viên BBC Martin Patience tường thuật từ đường phố Hong Kong.
02 Tháng Mười 20144:02 CH(Xem: 27119)
We have a simple message. It's that we just want a democracy and a fair voting of choosing our chief executive of Hong Kong. Just a simple -- nothing more." -Marco, a student protester in Hong Kong
02 Tháng Mười 20143:12 SA(Xem: 30644)
Trong đêm thứ sáu ngày 26/09/14 vừa qua tại Quảng trường Dân sự (Civic Square), tuổi trẻ Hồng Kông đã chứng tỏ sự dũng cảm của mình khi đứng cùng nhau, kiên định đấu tranh vì một nền dân chủ thực sự cho Hồng Kông. Lời nhắn gởi của lãnh đạo sinh viên 17 tuổi Joshua Wong khi anh bị cảnh sát lôi kéo đi đã làm rung động trái tim người Hồng Kông và thế giới.
02 Tháng Mười 20141:36 SA(Xem: 34496)
Rất vui khi nhận được thư của nhà biên khảo Đinh Văn Tuấn là tác giả bài viết đã đăng trên HL về Quốc Tử Giám cho biết anh có một số bài thơ (bút hiệu Thuận An) gửi đến để chia sẻ cùng bạn đọc của Hợp Lưu. Những bài thơ của Thuận An viết dưới những ghi chú tháng ngày như dạng nhật ký của tác giả. Chúng tôi trân trọng mời quí bạn đọc cùng vào thăm thế giới thơ của Thuận An.
02 Tháng Mười 20141:29 SA(Xem: 32321)
một đóa bời lời dòm vô mặt rạng vẫn ngồi cười cười đầu hôm tới sáng
02 Tháng Mười 201412:53 SA(Xem: 30484)
nói cho cùng- ngay chính đời sống này trên mảnh đất quê tuyệt đại đa số- thực tế cả nghĩa đen nghĩa bóng- chúng ta đều đã từng lên thiên đàng
29 Tháng Chín 20141:19 CH(Xem: 26806)
Đầu giờ sáng hôm thứ Hai, 29/9, tình hình không cho thấy mấy tình yêu cũng như sự hòa bình. Cảnh sát chống bạo động ở tuyến trên đã bắn khí cay vào người biểu tình. Không chỉ ở khu trung tâm, không khí biểu tình đã lan ra cả khu vịnh, tới Mong Kok, và khu quận mua sắm Causway Bay.
29 Tháng Chín 20143:54 SA(Xem: 27956)
Hàng ngàn người biểu tình đòi dân chủ vẫn còn trụ lại trên đường phố Hong Kong bất chấp hơi cay của cảnh sát và phớt lờ lời kêu gọi hãy về nhà của chính quyền.
29 Tháng Chín 20143:40 SA(Xem: 26329)
We are HongKongers ! We are peaceful! We fight for freedom and democracy!
28 Tháng Chín 20142:08 CH(Xem: 31378)
tỉnh rượu. lại nhìn ra ủ dột bộ mặt đêm qua của tưng bừng rót trót. kệ. tràn ly không đáy cụngcụng. người điên kết gã khùng