- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cao Xuân Huy, Tại Sao?

29 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 96804)


 

ks_luuna_113

Tình cờ tôi tìm thấy trên net Chân dung người lính Việt Nam Cộng Hòa của Nguyễn thị Thảo An, không biết đăng tự bao giờ. Hai mươi năm chinh chiến, vóc dáng người lính trên từng chặng đường lầm than được đã được khéo léo gói trong vài mươi trang viết. Đó là những vóc dáng khổ đau. Tôi đọc Thảo An mà lại nghĩ đến những chặng đường Phan nhật Nam đã qua, cảm những tâm tình đớn đau tha thiết suy tư day dứt trên mỗi bước chân của người lính chiến mà Phan nhật Nam đã ghi lại. Tôi đọc Thảo An lại cứ thấy hình ảnh của Cao xuân Huy trước mắt.

 

Cao xuân Huy? Tại sao? Lính Cộng Hòa có cả trăm ngàn, cả triệu, không chỉ có một trung úy Cao xuân Huy. Thời của tôi sinh ra và lớn lên, nhìn quanh đâu mà không thấy lính: trong gia đình, họ hàng, lối xóm…, trên báo chí, ti vi, sách vở. Tôi thấy họ, sống bên họ, trong sự bảo vệ của họ. Một sự đương nhiên. 

 

Ra xứ người tôi đọc Phan nhật Nam. Mải miết. Phan nhật Nam viết như lên đồng như phả cuồng nộ xuống trang giấy trắng. Tôi đọc như trúng bùa, mắt không thể chuyển dời khỏi trang sách. Tôi đọc, chới với hốt hoảng đau lòng và hãnh diện. Một bài học lịch-sử-viết-tại-chỗ cho tuổi hai mươi hoang mang và bị bật gốc. Những trận đánh rút đau lòng oanh liệt, những địa danh bốc mù khói súng, ở đâu trên bản đồ? An Lộc địa sử ghi chiến tích, Biệt kích dù vị quốc vong thân… Hồn bà Trưng bà Triệu trong sử Việt có nhập vào những phụ nữ của An lộc? Bài toán nào tính được bấy nhiêu đạn dược vũ trang cộng thêm bao nhiêu bom đạn đổ lên đầu là bao nhiêu sức nặng trên tấm thân người lính? Họ nặng bao nhiêu cao bao nhiêu ăn bao nhiêu để đi bấy nhiêu đoạn đường? Vận chuyển bấy nhiêu thứ trong bóng đêm sình lầy thì đi sao được nhanh nhất an toàn nhất, phương trình toán vận tải nào giải được? Chính nghĩa quốc gia nằm ngay trong câu thách đố đếm 1, 2, 3 tao và mày cùng hô đả đảo_tao đả đảo Mỹ Thiệu, mày có dám đả đảo Liên sô Trung cộng Hồ chí Minh… 

Qua Phan nhật Nam, hình ảnh người lính hào hùng mà quá đỗi tội tình, vinh dự mà quá đỗi lầm than. Những người lính cao cả mà khổ đau ấy đã mất hút trong cuộc chiến, đã đổ xuống trong dằn vặt nhọc nhằn trước khi tôi kịp biết mặt.

 

Vượt đến xứ này, Cao xuân Huy đem theo một khối bom đạn hờn căm của chặng đường tháo chạy. Vượt đến đây, anh như người kỵ mã cuối cùng vượt thoát vòng vây mang tin về cho hậu phương dẫu muộn màng dẫu chuyện không may dẫu điều tủi hổ. Anh kể lại, vẽ lại một trong những mảnh cuối cùng của cuộc chiến cho đồng đội cho những người dân cho bạn bè còn sống sót. Viết lại chặng đường cuối cùng, Cao xuân Huy thêm một vinh dự lầm than cho người lính: bại chứ không hàng. Nhưng tôi đã hết sức để học thêm bài học chót của lịch sử viết tại chỗ. Tôi thối lui khi nghe nhắc một chi tiết trong hồi ký của anh: những vòng tự sát bằng lựu đạn trên đường rút quân dọc theo bờ biển. 

Nấn ná, lần lữa, rồi tôi cũng đọc Cao xuân Huy, phập phồng khi mở lại lời chứng đắng cay để gấp lại một trang quá khứ. 

 

Từ người lính cao cả vùng lửa đạn mịt mù nước mắt trộn hờn căm của Phan nhật Nam, tôi đối diện với thịt xương hơi thở của một người bình thường như tôi. Không chỉ là những tấm thân 35 kg vác quân trang vũ khí, người lính của Cao xuân Huy còn có đầy đủ những yếu hèn của thân phận con người. Không phải lúc nào cũng dằn vặt suy tư, họ cười cợt nhậu nhẹt trốn phép rồi vẫn đánh đấm kịch liệt, vẫn chấp hành mệnh lệnh bước vào chỗ chết. Thoắt đó họ ngã xuống, họ la làng, ông thầy_ngưng bắn rồi mà sao em chết. Thản nhiên. Cuồng nộ nếu có đã bị dìm vào thinh lặng, cuồng nộ trắng. Cái vô lý dửng dưng của Cao xuân Huy đứng bên cái dằn vặt đớn đau tha thiết của Phan nhật Nam như hai mặt của một đồng tiền. Với Cao xuân Huy, tôi thấy cái cao cả của người lính ở chỗ họ chính là họ_tầm thường bé mọn trước bể khổ chiến tranh. Để cái hung hiểm khổ đau mà Phan nhật Nam nói tới mới nặng sao trên vai họ. Ký hay truyện, người lính của Cao xuân Huy vẫn có đặc điểm của một người lính mà tôi đã gặp đã sống gần bên. 

 

Cao xuân Huy là người viết khéo, chỉ viết khi có cảm hứng, trong một đề tài mà bản thân anh là một phần tử, và bằng giọng bằng lời của một người lính. Đó là cái giọng cộc cằn thô lỗ mà đẫm tình đồng đội, bông đùa bốp chát mà chan chứa nghĩa đồng sinh cộng tử, bất cần mà chính xác điểm nhắm sắc gọn đường đạn của những người chinh chiến bấy lâu. Đó là những lời vắn gọn dễ hiểu và chính xác thường nghe trong quân đội. Nhưng bấy nhiêu chưa đủ để tôi luôn thấy hình ảnh của anh khi ai nhắc tiếng lính.

Đằng sau đề tài, lời, và giọng, là một cung cách. 

 

Trong khi Hoàng khởi Phong khẳng định bản chất nhà văn của mình dẫu đã từng là lính, Cao xuân Huy luôn chối tiếng nhà văn. Nhà văn không chắc luôn viết hay nhưng hay viết, lính chưa chắc đánh giặc giỏi nhưng thường mang cung cách quân nhân. Trong suốt 25 năm, Cao xuân Huy viết rất ít và giọng văn không đổi, luôn có cái sắc bén, ít lời mà biểu lộ chính xác dù chỉ viết chơi. Đọc thử Vải bao cát. Ngoài câu đối đáp dòn dã vui tai mình thường nghe giữa các ông lính còn rải rác là những lời không thể chính xác hơn, “tại sao lại không nghĩ nhỉ. Không có gì quý hơn độc lập tự do, thì tại sao lại không tận hưởng cái quyền độc lập và tự do không giới hạn này, nghĩ.”_ “Khốn khổ cho cô, và cũng khốn khổ cả cho tôi, đã đành. Khốn khổ cho cái đất nước tang thương này.”_ v.v… Đọc rồi đọc lại, bốp chát thô lỗ mà duyên dáng vẫn làm mình bật cười, đơn giản mà sâu sắc đọc không chán. Viết chơi, nhưng chỉ một đoạn văn ngắn mình có một khúc phim quá khứ với đầy đủ hình ảnh âm thanh tâm tình suy nghĩ:

“Trong đầu, chập chùng những hình ảnh. Giao thông hào, lô cốt, hầm chữ A, hầm chữ T. Tiếng bom, tiếng mìn, tiếng lựu đạn, không giật, sơn pháo. Những đợt tấn công, phản công. Những xác người, xác ta, xác địch, xác bạn, xác dân. Bữa ăn vội vã bên bìa rừng, một viên đạn bắn sẻ, thằng đệ tử ruột ngã ngửa, bát cơm biến thành bát máu. Đôi dép râu với cặp chân xanh mét vắt ngang giao thông hào. Và, bao cát, những bao cát đẫm máu một người dân, người thiếu nữ chết banh thây trên nóc một hầm trú ẩn, thịt da dính bầy nhầy trên những bao cát, óc trắng, tóc đen hòa với máu đỏ trộn lẫn với đất từ những bao cát... Cái chết bi thảm, cái hình ảnh tang thương của người thiếu nữ xuân thì ấy đã in đậm trong tâm trí Toàn, trở thành nỗi ám ảnh triền miên.”

 

Bắn chính xác đúng mục tiêu tiết kiệm đạn và gây tổn thất nặng, đó là cung cách của Cao xuân Huy qua chữ viết.

Viết đã vậy, mà sinh hoạt trong văn giới cũng đáng chú ý. Mọi người luôn gọi anh là nhà văn, nhưng sinh hoạt trong văn chương chủ yếu là lại làm tổng thư ký Văn-họclại thôi tổng thư ký Văn-học, không giao lưu sinh hoạt văn hóa gì khác hiểu theo nghĩa bàn bạc, phỏng vấn, ý kiến, viết cho nhau, ký mục văn học thời sự v.v… Nếu coi sinh hoạt văn chương là sân khấu (xin hiểu theo nghĩa sát thực) thì anh là ông bầu hay ông thầy tuồng chỉ đứng sau màn thảng hoặc chạy ra nói một câu chào một tiếng. Chữ lại anh dùng và sự không thường xuyên góp mặt trên chiếu chữ nghĩa dường như khẳng định rằng làm văn học (viết và tổng thư ký) là duyên đưa đẩy, là một công việc dù anh làm trọn vẹn vẫn không là bản chất của anh.

 

Và có thấy anh trong ngày hội binh chủng mới hay, anh chưa bao giờ thôi là lính. Trong nắng vàng anh đứng bên đồng đội cũ, dáng nghiêng nghiêng cười cợt thoáng chút khinh bạc nhẹ nhàng. Thoắt một phút, nghiêm người chụm chân dập gót. Chào. Một niềm thiết tha tương kính thấm vào không gian. Một phút giây sống lại tình huynh đệ chi binh với quân phong quân kỷ. Viết dường như cũng chỉ là phút giây sống lại, khi hồn cũ đã để ở chiến trường xưa nhập về. Cao xuân Huy luôn chối tiếng nhà văn, nếu hỏi thêm, tôi nghĩ anh vẫn chỉ nhận mình là một người lính, lính, nhiêu đó đủ rồi.

 

Thảo An và Phan Nhật Nam không vẽ chân dung của riêng ai, Cao xuân Huy cũng không muốn nói về mình, chỉ là tôi từ khi đọc anh rồi, từ khi thấy một cung cách rồi thì cứ thấy bóng những bộ quân phục là tôi nghĩ đến anh, nghe chữ lính là tôi thấy hình ảnh của anh, Cao xuân Huy, người lính sau cùng của cuộc chiến. 

 

Lưu Na

Nov-2010

(Đã in trên Hợp Lưu 113, số tháng 3&4-2011)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 34888)
Đọc truyện Thái Bảo đưa người đọc vào những bất ngờ và con đường đưa đến những bất ngờ đầy những lôi cuốn đưa đẩy với các chi tiết được bố trí khéo léo xung quanh nhiều khúc mắc hấp dẫn.Thái Bảo viết phong phú, trải rộng từ Đông sang Tây, đi ngược về quá khứ, trở về hiện tại, đi sâu vào những giấc mơ ác mộng rồi quay về thực tại...Thái Bảo tốt nghiệp bác sĩ tại Việt Nam và hiện nay đang nghiên cứu khoa học, lãnh vực nano sinh hóa tại tiểu bang Florida, Hoa Kỳ. Hợp Lưu trân trọng giới thiệu các truyện ngắn đặc sắc của Thái Bảo đến quí độc giả và văn hữu.
08 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 30507)
“Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh?” là một tranh luận lâu đời giữa các nhà văn. Tại Việt Nam, câu hỏi này chìm khuất vào trong chiến tranh rồi chịu kiểm soát của Ban Tuyên giáo. Tại Nam Mỹ, dấn thân vẫn còn là nguyên liệu của sáng tác và Santiago Sylvester nhắc lại một lần nữa ý nghĩa cùng điều kiện của dấn thân. [Trần Vũ]
08 Tháng Chín 201412:00 SA(Xem: 32883)
Khiếm khuyết lớn của dân tộc Việt là đã say mê khía cạnh chính trị của chiến tranh mà lãng quên khía cạnh thuần học thuật, quân sự của chiến tranh. Clausewitz nổi tiếng với mệnh đề thường xuyên được trích dẫn: "Chiến tranh là cánh tay nối dài của chính trị." Nhưng Clausewitz không viết duy nhất một mệnh đề này, mà soạn thảo tám tổng tập Cẩm nang Chiến tranh mà cho đến phút này vẫn chưa được dịch sang tiếng Việt, ngay cả tóm lược .
01 Tháng Chín 20141:42 SA(Xem: 30998)
Tôi người mộng du - nhập vào mộng du - bước xuống cánh đồng . Tôi từ cánh đồng - lội tìm Suối khe - ngược lên đồi núi .. Tôi nghe hương hoa , tôi nghe mùi vị gió , tôi nghe mưa , tôi nghe hơi thở là lạ lá Tôi bắt gặp con Sâu .
27 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 35800)
LTS. “Nghệ Sĩ Lưu Vong”, đó là nhan đề cuốn sách của Jane Katz, phỏng vấn các văn nghệ sĩ thế giới tới tỵ nạn trên đất Mỹ...Cuộc phỏng vấn Mai Thảo, được thực hiện ngày 10 tháng 07, 1980...Và sau đây là bản lược dịch của Tâm Bình từ nguyên bản tiếng Anh, trích từ cuốn sách Artists in Exile, American Odyssey của Jane Katz do Stein & Day Publishers, New York xuất bản 1983.
27 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 33813)
Gia đình chúng tôi có mười bốn anh chị em, gồm năm anh em trai và chín chị em gái. Anh Mai Thảo là người thứ năm trong gia đình. Hai người chị và một người em gái mất sớm. Tới năm 1975, chúng tôi còn lại là mười một người. Tính theo anh em trai, anh là con trai thứ ba. Anh cả tôi là Nguyễn Đăng Thiện, anh kế là Nguyễn Đăng Viên rồi đến chị Tuyết là người chị gái đã mất vì bệnh thương hàn năm chị hai mươi tuổi. Tiếp đến là anh Mai Thảo...
27 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 36024)
Tôi ít thấy ai yêu thơ như Mai Thảo. Thuộc rất nhiều thơ, đặc biệt thơ tiền chiến và thơ những năm đầu kháng chiến, Mai Thảo có thể nói chuyện về thơ miên man từ giờ này sang giờ khác, từ ngày này sang ngày khác. Dường như chỉ khi nói chuyện về thơ, Mai Thảo mới hoạt bát, sôi nổi, say sưa, gửi hết hồn mình trong từng tiếng trầm tiếng bổng. Ly rượu trên tay, đầu lắc lư, mắt lim dim, Mai Thảo nói về thơ với giọng vừa xúc động như khi người ta kể lại một mối tình đầu, vừa thành kính như một con chiên kể về cuộc đời của Người Cứu Thế. Với Mai Thảo, thơ là cái gì thiêng liêng, rất đỗi thiêng liêng, như một tôn giáo. Với Mai Thảo, thơ, "chỉ thơ, mới là ngôn ngữ, là tiếng nói tận cùng và chung quyết của văn chương"
27 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 33963)
Chiến tranh kết thúc trên quê hương cô. Gió hòa bình thổi suốt từ bắc chí nam. Nhà nhà say mê chiến thắng. Người người ngột ngạt với cơn sốc hòa bình. Không còn ai nhớ đến lỗ hổng nơi trái tim cô.
24 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 35342)
Nàng gặp một tỳ kheo. T ỳ kheo hỏi: Con đã quy y sao lại mê cờ bạc? Gia Ái đáp: Dạ, trong năm đều răn của nhà Phật (2) không có điều nào cấm cờ bạc. Tỳ kheo khẳng định: cờ bạc là gian dối… Gia Ái đáp: Dạ, càng không. Ở xứ Mỹ, đánh bạc trong các sòng bài đều minh bạch. Đánh bạc là một nghệ thuật kế hợp giữa trí tuệ và may mắn. Tỳ kheo lắc đầu, bỏ đi. Cờ bạc dễ kéo theo sân si. Tiếng xào xạc lá cây bồ đề khô xa dần xa dần rồi mất hút.
21 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 30710)
T ối nay em uống rượu gì Anh muốn biết nỗi buồn trôi đi bằng giọt trắng sake hay màu nho tím Hay em lại đốt vàng mã để hối lộ nỗi buồn đi xa Hay em đang viết những giòng thơ không hồi kết cuộc