MÀU MỰC CŨ
Trần C. Trí
Tôi không phải là một “cư dân mạng” thuần thành, nhãn hiệu mà người ta thường dùng để chỉ những người sống trong thế giới ảo nhiều hơn trong thế giới thật. Tuy vậy, tôi vẫn nặng lòng biết ơn tất cả những nhân tài về kỹ thuật tân tiến trên thế giới đã đóng góp vào việc giữ gìn và phát huy kho tàng văn minh của nhân loại qua các nền tảng trên mạng như Google, Facebook, Wikipedia, YouTube... và gần đây hơn nữa là ChatGPT. Những nguồn thông tin đó đã giúp chúng ta học hỏi, tìm hiểu về vốn kiến thức đồ sộ của con người từ đời nay sang đời khác, trong một thời gian rất ngắn. Cuối thế kỷ trước, khi mạng lưới toàn cầu đã ra đời nhưng chưa thông dụng mấy, tôi từng phải vào thư viện biết bao nhiêu lần, nhiều khi chỉ để tra tìm một chữ, một khái niệm, trong suốt thời gian viết luận án của mình. Ngày nay, chỉ cần “nhấp con chuột” một cái, chúng ta đã có thể tìm được điều mình muốn tìm trong tích tắc.
Một điều tuyệt vời nữa là các nền tảng trên mạng đó là nơi lưu trữ cơ man nào là những thành tựu của con người về khoa học, nghệ thuật, kỹ thuật, văn chương, âm nhạc... Ôi, không thể nào kể ra cho xiết! Đối với những người một thời đã sống ở miền Nam tự do trước đây, không gì gây xúc động bằng lúc tìm lại được một bài nhạc, một bài thơ hay một bài văn cũ, hay cả một cuốn phim của nền điện ảnh Sài Gòn, gợi biết bao kỷ niệm đẹp của những ngày xưa thân ái. Không có kỹ thuật mạng tân tiến như bây giờ, chắc những tác phẩm quý giá của một thời huy hoàng đó đã lụi tàn theo năm tháng.
Trong những lần lang thang “về miền quá khứ” trên không gian mạng, tôi đã lần theo lối cũ, tìm lại những tờ tạp chí dành cho tuổi thanh xuân ngày trước, như Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, Thiếu Nhi, Thằng Bờm, v.v. Lại phải cám ơn những người bạn thật dễ thương nào đó đã chịu khó chụp lại từng bìa báo, từng trang báo bên trong, dễ đến cả trăm số cho mỗi loại tạp chí thiếu nhi ngày xưa, rồi tuần tự post lên mạng cho mọi người cùng xem. 50 năm đã trôi qua, nhanh như một cái chớp mắt. Đã bao lần tôi bâng khuâng tự hỏi, không biết ngày xưa có thật không, cuộc sống êm đềm ở miền Nam thuở ấy của tôi và của triệu triệu người khác, có thật hay không? Hay đó chỉ là một giấc mơ dài, chưa bao giờ có trong thực tế?
Nhưng những tờ tạp chí trên mạng, dù chẳng phải “bằng xương bằng thịt”, cũng là bằng chứng hùng hồn hiển hiện ra ngay trước mắt, nhắc nhở rằng những ngày xưa đó là có thật. Tôi đã từng sống trong thời gian tuyệt đẹp đó, từng vui, từng buồn với cuộc sống của một cậu bé mới lớn, được kể hay miêu tả lại qua các bài thơ, truyện tranh, truyện ngắn, truyện dài... trong các tờ tạp chí nói trên.
Một hôm, tôi chọn một trong số các tờ Tuổi Ngọc để xem. Bìa báo của số ấy là do Đinh Tiến Luyện vẽ (nhiều số khác có bìa của Lê Vĩnh Ngọc–hai hoạ sĩ tài ba này thay phiên nhau trình làng những hoạ phẩm dễ thương, xinh xắn, rất hạp nhãn đối với những cô cậu tuổi vừa lớn, đầy ắp mộng mơ). Tôi cảm động đọc qua từng trang báo cũ, thỉnh thoảng gặp lại vài câu thơ hoặc câu văn quen thuộc đã từng đọc qua, mấy mươi năm về trước. Đặc biệt, có một truyện ngắn làm tim tôi lỗi hết một nhịp. Đây là truyện tôi đã đọc hơn một lần, không phải vì thích nó hơn các truyện khác, mà vì nó có liên quan đến tôi nhiều năm sau đó. Truyện nói về tâm sự của một cô gái thuộc lứa tuổi “thích ô mai” vừa rời xa gia đình để vào học trong một trường nội trú. Bên cạnh nỗi nhớ gia đình vì lần đầu sống xa nhà, cô còn có thêm một niềm nhung nhớ mới mẻ, dành cho một người bạn khác phái cô mới quen. Truyện không nói rõ cô và người bạn này bao nhiêu tuổi, và không biết người bạn này có lớn hơn cô nhiều hơn hay không mà cô xưng “em” và gọi anh ta bằng “ông”. Cũng có lẽ trong thời điểm đó, các tác giả trẻ chạy theo thời thượng, thích cho nhân vật nữ xưng hô “em em, ông ông” với nhân vật nam, chắc là muốn lập dị, muốn “nổi” hơn nhiều cây bút khác. Đọc lại truyện này, tôi nhớ ngay đến một câu chuyện đời thật mà tôi là một trong hai vai chính trong đó.
Sau khi cộng sản vào miền Nam, hình như nhiều người thích đi coi bói hơn trước. Chắc một trong những điều họ muốn nghe thầy bói phán là họ sẽ có dịp vượt biên thành công! Má tôi cũng đưa tôi đi tìm hiểu vận may rủi ra sao. Ông thầy này, tuy vậy, chẳng đề cập gì đến chuyện tôi có số xuất ngoại hay không, chỉ phán một câu xanh dờn, Cậu này công danh tới rất muộn! Trời đất, bói vậy ai không bói được. Cả miền Nam bị đổi chủ, trời làm một trận mưa giông, ông lại thành thằng, thằng lại thành ông. Nếu công danh có muộn thì cũng dễ hiểu, mà cũng nên mừng là vẫn có công danh, còn hơn là đi vùng kinh tế mới hay nhảy tàu lửa đi buôn hàng chuyến. (Về sau, nghiệm lại thấy ông thầy này nói trớt quớt vậy mà đúng phóc, à không, chỉ đúng 70% trăm thôi. Quả là tôi học hành xong xuôi muộn màng thật–vì qua Mỹ khá trễ–nhưng chỉ có “công” thôi chứ chẳng có “danh” gì cả).
Tính từ lúc tôi học xong trung học và cao đẳng sư phạm dưới chế độ cộng sản, đến lúc vượt biên và học tiếp ở Mỹ, ở khoảng giữa tôi có tổng cộng 9 năm lêu bêu, đi làm cho “nhà nước” với tiền lương không đủ một chầu bia hơi thời đó. Ngoài giờ làm việc, tôi thường cà-phê thuốc lá, “ngồi đồng” hàng giờ trong quán với bạn bè. Rảnh hơn nữa thì tôi viết nhật ký, làm thơ, than mây khóc gió, mơ một ngày vượt đại dương đi tìm tự do ở tân thế giới. Ngoài ra, lâu lâu tôi phải đi họp phường khóm một lần, đồng thời tham gia vào những buổi lao động ở miền quê quanh thành phố tôi ở. Chính quyền địa phương kiếm chuyện vớ vẩn cho đám thanh niên làm để không có thì giờ sinh sự lôi thôi, thắc mắc về chính trị chính em, không có lợi cho nhà nước. “Lao động” lúc đó thường là kiểu “con kênh ta đào chưa có nước chảy qua/Chỉ có nắng mùa hè nóng bỏng..., cho vui vậy mà.
Chính trong những... ngày hè nóng bỏng đó mà tôi quen được Thy An. Tôi dùng chữ “được” ở đây không phải là vô tình, vì Thy An sang cả và xinh đẹp vô ngần. Tôi nói vậy là không hề ngoa chút nào. Giữa các cô gái hoặc nhan sắc tầm thường, hoặc gốc gác bình dân, Thy An nổi bật lên trên hết với dáng vẻ điệu đà, thần thái tươi mát, phong cách thanh thoát; chàng trai nào nhìn cô cũng muốn... rụng tim, nếu không muốn nói là rụng rời cả tứ chi. Trước dung nhan của cô, những chàng trai tội nghiệp ấy chỉ thấy ngỡ ngàng, nghe trong lòng thoáng qua một ước ao mơ hồ nào đó, mà không dám nghĩ đến điều gì xa xôi hơn nữa.
Ấy vậy mà Thy An lại “chiếu cố” đến tôi, thật là bất tư nghì, thật không sao hiểu được. Ngày ấy, tôi là một gã trai lỏng khỏng loẻo khoẻo, người mong manh như lá lúa, không có nét gì cho ra vẻ nam nhi chi chí, không có được “râu hùm, hàm én, mày ngài” như nhiều đứa con trai cùng trang lứa với tôi trong phường khóm thuở ấy. Mặc dù vậy, chính Thy An là người bắt chuyện với tôi trước, trước những đôi mắt khâm phục lẫn ghen tỵ của đám trai gái chung quanh. Tôi cũng bồi hồi đáp lại, trong lòng cứ băn khoăn, không hiểu cô nàng này có ý gì đây. Tại sao, tại sao lại là tôi mà không phải ai khác?
Từ đó, những buổi họp khóm phường, những lần đi lao động–vốn là những cực hình đối với tuổi trẻ ham chơi, ham bay nhảy–giờ đây bỗng trở thành những lần tôi mong ngóng cho mau đến, cho tôi có dịp, có cớ gặp Thy An. À, tôi quên nói một chi tiết quan trọng. Thy An nổi bật trong đám đông không chỉ vì những gì tôi vừa miêu tả bên trên, mà còn vì cái tên khá hiếm có của cô. Nếu không kể các o tiểu thư danh gia vọng tộc có giây mơ rễ má với hoàng tộc Huế ngày xưa, mang những cái tên dài dằng dặc và văn vẻ, đại loại như “Công Tằng Tôn Nữ... Chi Chi...” chẳng hạn, thì tên của Thy An (vốn không phải là người Huế) cũng dài không kém: Hoàng thị Huyền Mỹ Thy An! Lúc nghe đến tên cô, tôi nghĩ, chắc ba má cô khi sinh ra cô mừng lắm nên mới đặt cho cô... gần hết những cái tên trên đời cho con gái rượu của mình.
Nhiều người đến với nhau là vì bề ngoài hạp nhãn, hay vì có cùng sở thích. Trường hợp của tôi thì đúng là... neither of the above! Như đã nói, bề ngoài của tôi là... trung bình về mọi phương diện, nếu không muốn nói là dưới trung bình. Còn về sở thích, Thy An “chọn” tôi trước khi cô có dịp biết tôi thích những gì. Khi đã tạm gọi là thân với nhau rồi, chúng tôi mới biết là cùng thích chuyện văn chương chữ nghĩa, thơ ca và âm nhạc. Thế là, bất cứ khi nào có dịp, chúng tôi cùng nhau nói chuyện thơ văn, hết sức tâm đầu ý hợp. Những câu chuyện tưởng như không bao giờ dứt. Những lần bên nhau lúc nào cũng là thời gian thú vị nhất cho cả hai đứa, mặc những lời bàn ra tán vào, xầm xì nọ kia của lũ trai gái quanh chúng tôi.
Một hôm, Thy An ghé nhà tôi chơi. Thật là một biến cố lớn lao. Thời ấy, con gái đến nhà con trai trước không phải là chuyện bình thường. (Tôi thì chưa đến nhà cô lần nào. Tôi thấy Thy An đã cao sang, nghĩ rằng ba má cô còn cao sang hơn nữa, chẳng bao giờ có ý dám đến chơi nhà). Chị Uyên của tôi, lần đầu thấy Thy An, cứ trố mắt lên mà nhìn, quên cả lịch sự tối thiểu mời bạn của em vào nhà. Thời may má tôi đã bước ra chào cô, vồn vã mời cô vào. Nói là “mời vào”, chứ thực tình ra Thy An chỉ bước lại cái xích đu ngoài hiên nhà tôi và khép nép ngồi xuống. Còn tôi, nửa vui mừng, nửa mắc cở, cũng ké né ngồi xuống bên cạnh cô bạn gái mới, còn rất cẩn thận giữ một khoảng cách... an toàn giữa hai đứa.
Khi Thy An đã ra về, chị Uyên khều tay tôi:
“Thịnh, con nhỏ này đẹp mê hồn! Ăn nói lại dễ thương nữa. Em phải “cua” nó thôi!”
Tôi cười đến chảy nước mắt:
“Thì cổ đã tới nhà chơi rồi, em còn cua nữa làm gì?”
Tất nhiên là Thy An đẹp, nhưng còn cái mục “ăn nói dễ thương” thì tôi không bảo đảm. Với má và chị của tôi, làm sao mà cô không thận trọng lời ăn tiếng nói cho được. Thật ra, Thy An ăn nói khá kiêu kỳ. Ai sẵn không ưa cô ắt sẽ càng không ưa nữa. Có khác chăng là khi nói chuyện với tôi, cô không có kiểu ăn nói đó. Thy An trước và sau khi quen tôi thật là một trời một vực, chứ không thì tôi cũng khó xử.
Mùa hè qua nhanh. Những lần đi họp, những hôm đi lao động cũng qua như một giấc ngủ trưa ngắn ngủi. Hết hè, cả Thy An lẫn tôi đều có một thay đổi lớn. Tôi vào học khoa tiếng Anh của trường Cao Đẳng Sư Phạm, còn Thy An sẽ bắt đầu chương trình Trung Học Sư Phạm ở Tuy Hoà, cách Nha Trang của chúng tôi hơn trăm cây số. Như vậy sẽ buồn lắm lắm, vì chúng tôi sẽ phải tạm xa nhau trong hai năm tới. Chắc lâu lâu Thy An mới về thăm nhà một lần. Mùa hè cuối cùng bên nhau đó, hai đứa thường đạp xe sóng đôi với nhau, đi qua những con đường nhỏ có nhiều cây phượng vỹ đang trổ hoa đỏ thắm. Tiếng ve sầu kêu râm ran từ những tàng cây nghe buồn nẫu ruột. Hai đứa dường như nói ít đi, trầm tư đạp từng vòng xe, bâng khuâng nghĩ đến những gì đang chờ đón trước mặt, và những gì sắp bỏ lại sau lưng.
Niên học bắt đầu. Cả hai chúng tôi cùng bận rộn với trường lớp mới, mãi đến mấy tuần sau mới bắt đầu liên lạc thư từ với nhau. Thời đó, những năm 80 của thế kỷ trước, làm gì có phone tay, Facetime hay texting, cho nên chúng tôi chỉ gởi cho nhau những tờ thư học trò. Thư của Thy An viết bằng mực tím (Thuở đó, tôi phải đi lục lọi khắp những hàng sách cũ để tìm mua tặng cho cô những tác phẩm một thời làm rung động tuổi mới lớn của Nhã Ca như Hiền Như Mực Tím, Bước Khẽ Tới Người Thương, Bầy Phượng Vỹ Khác Thường...). Còn tôi thường nắn nót làm những tấm thiệp bằng tay; nét vẽ, nét bút vụng về, nhưng chất chứa đầy những cảm xúc nồng nàn của người gởi.
Tôi học ngoại trú, vì từ nhà đến trường chỉ đi bộ qua mấy con đường là tới nơi. Trường tôi bên hông là bờ biển, nhìn ra đại dương xanh ngăn ngắt, gió từ khơi xa thổi vào mát rười rượi. Thy An vào nội trú, sống xa nhà. Tôi chưa biết được trường lớp của cô ra sao. Trong một lá thư cô viết, lời lẽ chợt văn hoa lạ thường, viết cho tôi mà như viết cho ai khác, Mỗi buổi sáng Chủ Nhật, nội trú im lìm. Lũ bạn thường rủ nhau ra phố chơi cả. Em không đi đâu. Chỉ loanh quanh trong bốn bức tường mênh mông, trong khu vườn vắng lặng. Nghĩ đến ông. Nghĩ đến những lúc ông và em nói với nhau những lời bâng quơ, thế mà cũng cùng nhau phá ra cười rũ rượi. Trong không gian tĩnh mịch của khu nội trú, em như nghe rõ tiếng cười của ông, tiếng cười của em, âm thanh của một thời vừa mới qua thôi, mà nghe như từ thuở xa xưa nào vọng về...
Ái chà chà, Thy An viết thư mà như viết văn, lại còn xưng hô thật kiểu cách nữa. Từ lá thư đó trở về sau, cô tiếp tục cách xưng hô đó, tuy lời văn không chải chuốt, cầu kỳ như trước nữa. Phần tôi, tôi vẫn thật thà như đếm, trong thư chỉ xưng tên mình và gọi tên Thy An, chẳng dám anh anh em em như nhiều cặp khác trong đám bạn bè của chúng tôi.
Có lần, cậu tôi trong Sài Gòn bị bệnh, má tôi vào để thăm cậu, rủ tôi đi theo. Lần đó, trường tôi được nghỉ lễ ba ngày nên tôi vui vẻ tháp tùng má. Tôi lớn lên ở Nha Trang, nhưng ra đời ở bệnh viện Đồn Đất trong Sài Gòn, vì má muốn sanh con ở nơi có đủ tiện nghi, ở thủ đô miền Nam ngày đó. Có lẽ vì vậy mà Sài Gòn đối với tôi có một cái gì thật gần gũi, gần như thiêng liêng. Mỗi lần xe đò đi vào Hàng Xanh, sắp tới Sài Gòn, lòng tôi lại nao nức, cảm động một cách khó tả. Lần nào cũng vậy, mỗi khi có dịp ở Sài Gòn trong một thời gian ngắn, tâm trạng tôi luôn bồi hồi lẫn vui sướng. Quanh tôi, cái gì cũng hay, cũng lạ. Những đại lộ râm mát với hai hàng cây cổ thụ. Những con người vui vẻ, phóng khoáng. Những hàng quán bán thức ăn ê hề, hấp dẫn. Nhất nhất, mọi thứ ở Sài Gòn đều khiến tôi mê tít. Bây giờ, xa Việt Nam đã mấy mươi năm, trong lòng tôi lúc nào cũng có hai quê hương để nhớ. Một là Nha Trang. Hai là Sài Gòn. Không thể chọn nơi nào bỏ nơi nào được.
Mấy người em họ, con cậu mợ tôi, rất vui tính và chiều chuộng tôi. Tôi thì nhìn họ như nhìn những thần tượng. Cách ăn mặc, sinh hoạt, cách nói chuyện của họ, với tôi, đúng là phong cách của người dân thủ đô, của Sài Gòn Đẹp Lắm, Sài Gòn Ơi, Sài Gòn Ơi!
Trong những ngày cuối tháng Tư năm ấy, gia đình tôi bỏ Nha Trang, chạy vào Sài Gòn. Cố nhiên là chúng tôi mất tất cả. Mất căn nhà trong cư xá sĩ quan mà ba đã bỏ bao nhiêu công sức, tiền bạc để trùng tu, xây thêm căn gác cho chị em tôi có chỗ ở rộng rãi. Riêng tôi thì mất hết sách báo mà tôi đã gìn giữ, chắt chiu cho đến tận những ngày cuối cùng trong căn nhà đó. Ngược lại, những cô em họ con cậu tôi, vì không phải chạy đi đâu, còn nguyên vẹn tất cả, quần áo, đồ chơi, sách vở, xe cộ, đặc biệt là các tờ tạp chí thiếu nhi mà tôi đã mất hết. Chiến tranh Việt Nam, ngày đó, đến Sài Gòn thì dừng lại, rồi kết thúc. Vì vậy, cuộc sống của gia đình cậu tôi dường như thay đổi rất ít, trừ những chủ nhân của thành phố bây giờ không còn là những người cũ nữa.
Suốt mấy ngày ở trong nhà cậu, tôi mượn những tờ tạp chí thân quen, say sưa đọc hết tờ này qua tờ khác. Cũng Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, cũng Thiếu Nhi, Thằng Bờm... Tôi còn nhớ một buổi sáng, đang háo hức lật những trang báo của một tờ Tuổi Ngọc, tôi chợt dừng lại ở một truyện ngắn. Tôi đọc truyện, thoạt đầu thấy một bầu không khí quen thuộc mà không hiểu vì sao. Truyện nói về một nhân vật nữ sống trong nội trú. Tới một đoạn, tôi sững sờ đọc những dòng chữ thật rõ ràng, đang bày ra trước mắt, Mỗi buổi sáng Chủ Nhật, nội trú im lìm. Lũ bạn thường rủ nhau ra phố chơi cả. Em không đi đâu. Chỉ loanh quanh trong bốn bức tường mênh mông, trong khu vườn vắng lặng. Nghĩ đến ông. Nghĩ đến những lúc ông và em nói với nhau những lời bâng quơ, thế mà cũng cùng nhau phá ra cười rũ rượi. Trong không gian tĩnh mịch của khu nội trú, em như nghe rõ tiếng cười của ông, tiếng cười của em, âm thanh của một thời vừa mới qua thôi, mà nghe như từ thuở xa xưa nào vọng về...
Tôi thẫn thờ gấp tờ tạp chí lại, ngồi ngẩn người ra một lát. Chi, cô em họ tôi, vai em nhưng lớn tuổi hơn tôi, đi ngang thấy tôi ngồi như ông phỗng đá, cười hỏi:
“Làm gì mà Thịnh ngồi thần ra vậy?”
Tôi hơi giật mình, nói chống chế:
“À, không có gì đâu. Thịnh đang thưởng thức mấy tờ báo của Chi đó mà. Cuốn Tuổi Ngọc mà Thịnh đang đọc đây, có một bài hồi trước Thịnh thích lắm. Bây giờ đọc lại vẫn còn thích.”
Vừa nói, tôi vừa chìa tờ tạp chí cho Chi thấy. Cô cười nhẹ:
“Vậy Chi tặng Thịnh tờ này để giữ cho vui nhe!”
Chi đi khuất rồi, tôi vẫn ngồi yên đó, trong lòng lẫn lộn thật nhiều cảm xúc. Kinh ngạc. Thất vọng. Tức giận. Và... buồn tê tái. Phải một lúc sau, tôi mới tạm bình tĩnh trở lại. Ngó quanh quất để chắc rằng Chi không có ở đó, tôi bắt đầu xé trang báo có những lời thư đó ra khỏi tờ tạp chí. Tôi xé thật chậm và cẩn thận để trang báo không bị lẹm. Xong xuôi, tôi kẹp nó lại trong tờ Tuổi Ngọc, lên nhà trên để tìm Chi. Tôi hỏi xin Chi một cái phong bì, nói là cần gởi thư gấp cho một người bạn. Sau đó, tôi viết tên Thy An và địa chỉ nội trú của trường cô lên phong bì. Tôi nghĩ lúc cô nhận được thư và mở ra, chắc chắn là sẽ biết ai gởi, nên không cần phải đề tên mình. Tôi buồn rầu lấy trang báo ra, gấp làm ba rồi bỏ vào phong bì. Ngay chiều hôm đó, tôi nhờ Sơn, con trai út của cậu tôi, chở ra bưu điện thành phố, tự tay bỏ lá thư oan nghiệt vào thùng.
Tất cả những gì xảy ra sau hôm ấy chỉ là trong trí tưởng tượng của tôi, vì Thy An và tôi không bao giờ gặp lại nhau nữa. Có lẽ một ngày nào đó, tôi sẽ đóng vai Thy An, viết lại phần kế tiếp của câu chuyện này. Chuyện bắt đầu từ lúc Thy An nhận được lá thư không đề tên người gởi, nhưng tuồng chữ trên phong bì thì rất quen thuộc. Rồi lúc cô mở phong bì ra, thấy trang báo bên trong, rồi phản ứng ra sao, rồi hành động thế nào... Có thể cô sẽ khóc. Mà cũng có thể cô sẽ phá ra cười, bất cần và kênh kiệu như bản tính vốn dĩ.
Có lẽ tôi cũng nên viết một truyện ngắn khác mà cốt truyện có nhiều “alternative ending”, và tôi là nhân vật chính. Trong truyện, sau khi đọc được những những lời thư trong tờ Tuổi Ngọc, tôi chỉ lặng lẽ gấp tờ báo lại, trả nó về tủ sách của Chi. Tôi sẽ trở về lại Nha Trang, sống tiếp những ngày tháng cũ, đi học, đi uống cà-phê, làm thơ, đọc sách, nghe nhạc. Nhận được thư Thy An, tôi sẽ đốt đi mà không đọc. Hay nhận thư rồi vẫn trả lời như không có chuyện gì xảy ra. Hay quen được một người bạn mới, để mau quên đi người bạn cũ. Một người bạn mới không nói năng kiểu cách, không viết lách cầu kỳ, chỉ nói những gì muốn nói, bằng những ngôn từ giản dị từ trái tim, không từ sách vở.
Có người nào đã nói câu này, đại khái là, sự ân hận lớn nhất trong đời không phải là về điều mình đã làm, mà là về điều mình đã không làm. Trong trường hợp của tôi, giải pháp nào cũng làm tôi đau khổ. Nhưng, bao nhiêu năm đã trôi qua, cùng với tuổi đời chồng chất, nhiều cảm xúc trong chúng ta có lẽ cũng đã chai đá. Tình yêu. Tự ái. Niềm tin. Thy An bây giờ ra sao. Tưởng tượng một ngày, tôi về lại Nha Trang, đến ngôi nhà tôi chưa bao giờ đến. Ba má cô có còn đó không. Cô còn ở trong ngôi nhà đó không. Hay cô đã–như một lời ca của người nhạc sĩ họ Trịnh–là một “người đi vắng”, người đi vắng/về nơi bế bồng. Nếu gặp tôi, cô có thể, bằng một giọng kiêu kỳ muôn thuở, lạnh lùng cất tiếng hỏi, Ông là ai?
Trần C. Trí
- Từ khóa :
- Trần C. Trí